Jon Kabat Zinn nhắc tới một người phụ nữ thú nhận là bà chỉ ‘ngoảnh mặt đi’ trong phút chốc, khi ngoảnh lại thì thấy ’10 năm’ đã qua đi, và tệ hơn nữa là bà không còn nhớ đã làm gì trong thời gian đó. Cũng thế tôi chỉ ngoảnh mặt đi một khoảnh khắc, 30 năm trôi qua. Đến khi ngoảnh lại, tôi hoang mang không biết trong thời gian đó tôi trôi giạt bồng bềnh ra sao, nhưng chắc chắn tôi đã có nhiều hành động làm tổn thương nhiều người, dù ý thức hay không ý thức.
Trong thời gian chờ soi ruột xem có bị ung thư hay không, tôi không còn hỏi câu “why me?” như mấy lần bị tai nạn trước, tôi nhớ đến lời Thiền sư Kapleau khi biết là mình bị bệnh ung thư, ông cũng nói ‘cần sám hối ba nghiệp tội’ khi phải đối diện với cái chết!
Buổi tối, mấy cô y tá vào an ủi và dặn dò, nói nếu biết thì ráng tập Mindfulness Meditation, giúp cơ thể và tinh thần đối kháng với buồn bã và tuyệt vọng. Tôi có hơi ngạc nhiên sao cô lại nhắc tới Chánh niệmmột cách tự tin. Tôi quy y từ 50 năm trước, đọc và nghiên cứu sách Phật, nhất là sách Thiền. Tôi đã đọc cuốn sách Zen Philosophy, Zen Practice của thầy Thiên Ân, bổn sư của tôi, nhiều lần; đó là chưa kể vào các năm 70’s tôi cũng đã đọc rất nhiều sách về Thiền và theo trào lưu lúc bấy giờ làm cả ‘thơ Thiền’, ngông ngông nghênh nghênh làm như thể mình là Thiền sư ‘thứ thiệt’! Tôi đi vào Phật giáo bằng ngã trí thức, nói theo thuật ngữ Phật giáo bằng con đường “Văn, Tư” nhưng không bằng con đường “Tu”.
Cuối cùng tôi không phải mắc bệnh ung thư ruột, nhưng trong khi bị xuất huyết ra nhiều tôi bị một hệ quả là bị Ischemia (Thiếu máu cục bộ), một hình thức Stroke. Vì thế được chuyển qua ban thần kinh não bộ để xem não có bị hư hại gì không. Lần đầu tiên tôi qua máy scan não CT và fMRI, chui mình vào một ống khổng lồ, trong khi các chuyên viên gõ vào ống inh ỏi để xem phản ứng của não. May mắn là não bộ không có hư hại gì nặng và cũng không ảnh hưởng đến cơ quan nào trong thân thể. Khi được xuất viện tôi hứa lần này không những Văn, Tư mà tôi còn phải Tu, và lần này không còn tán gẫu về Thiền mà thực sự tập Thiền.
Khi bắt đầu đọc Thiền Chánh Niệm bằng Anh Ngữ tôi ngạc nhiên về mối quyết tâm quảng bá pháp mônnày, được biết như là Mindfulness Meditation. Đây là thái độ ‘đem Chùa đến cho Phật tử’ thay vì chờ Phật tử đến chùa, mà tôi nghĩ là thích hợp hơn trong thời đại Tin học. Thứ hai là sự hiểu biết chính xácvà thấu đáo về giáo lý đạo Phật, dù họ chỉ là những nhà khoa học. Đó là chưa kể đến ngôn ngữ trong sáng, không mù mờ và khó hiểu như trong các bài ‘triết lý’ về Thiền, có thể nhờ họ đọc kinh Phật với tinh thần khoa học và áp dụng những phương pháp khoa học mà họ đã được huấn luyện trong các trường đại học nổi tiếng và uy tín ở Mỹ (nhiều Đại học hàng đầu thuộc Ivy League).
Tôi vừa đọc và vừa thực tập nên phải nói ngay tôi chỉ là một hành giả sơ tâm, biết gì nói đó để quý vị nào thích muốn bổ túc TU thêm vào kiến thức Văn, Tư, viên ngọc bích mà chính các khoa học gia đều nhìn nhận và tán thưởng. Chúng ta đúng là hình ảnh của những người Cùng Tử trong kinh Pháp hoa, không biết hay bỏ quên một viên kim cương trong tay áo, để chạy theo những ảo tưởng tâm linh giả mạo.
Chúng ta chỉ có một đời sống và chỉ có một thân thể để sống trong đời này, chúng ta có bổn phận phải gìn giữ thân thể khỏe mạnh đến một mức có thể được. Muốn vậy chúng ta phải thường xuyên quán niệm thân thể, làm quen lại thân thể của mình mà chúng ta lãng quên vì mãi sống trong thất niệm, từ ngày này sang ngày khác. Jon Kabat Zinn nói thực hành Chánh Niệm là cuộc hành trình trở lại tìm chính ta để có thể ‘biết mình’ hơn và thương yêu mình hơn.
Tôi đã viết hai tác phẩm Vietnamese Engaged Buddhism, The Struggle Movement of 1963-1966 (2002), về phong trào Phật giáo tranh đấu cho Hòa Bình mà tôi nghĩ là phản ảnh trung thựccho Chánh Kiến theo tinh thần tôn trọngsinh mạng chúng sinh của Đạo Phật, chủ trương ‘bất bạo động’ No Harming mà tôi có nói trong một chương. Tác phẩm thứ hai là Kinh Tế Phật Giáo (2012) là Chính Mệnh, và tác phẩm này hy vọng phản chiếu trung thực Chánh Niệm. Ba cái Chánh trong chuỗi Bát Chánh Đạo, từ Chánh Kiến đến Chánh Mệnh và bây giờ, Chánh Niệm.
Quán Như Phạm Văn Minh
VÀI DÒNG TRI ÂN
Kiến thức tôi có được về Đạo học Đông phương, nhất là Nho giáo và Phật giáo, là nhờ các tân Nho trong các năm 70s, nổi bật nhất là Thầy Nguyễn Đăng Thục. Thầy đứng trên bục giảng thao thao bất tuyệt, dáng vóc phong nhã như Chrisnamurti. Sinh viên chúng tôi nói đùa là nếu Triết Học Đông Phươngchứa trong Bốn bồ chữ, thì một mình Thầy Nguyễn Đăng Thục đã chiếm hết Ba Bồ.
Những khái niệm về Upanishads, Veda, Thiền Việt nam và Trung hoa, tác giả thu nhận trực tiếp từ thầy Thục trong hai giảng đường Văn Khoa và Sư Phạm. Tư tưởng Khổng Tử và Mạnh Tử được Thầy khai thác theo ý hướng vừa khoa học và đạo học tương tự như tác giả Lịch Sử Triết Học Trung quốc, Phùng Hữu Lan. Nhiều sinh viên xem Thầy như một vị Thầy không những truyền giảng tư tưởng, kiến thức mà điều quan trọng nhất là học được từ Thầy Thục là ‘đạo làm người’.
Tác giả cũng được may mắn được quy y với Thầy Thích Thiên Ân (Đoàn Văn An) sau khi Thầy vừa du học từ Nhật trở về. Thêm thuận duyên nầy, tác giả lại và được học và biết thêm về Thiền Nhật Bản. Nếu thiếu hấp thụ được kiến thức uyên bác của Quý Thầy, có lẽ tri kiến về Thiền của tác giả cũng chỉ là một mớ ‘huyền đàm’ chứ không phải là một phương tiện thiện xảo có thể góp một phần nhỏ vào việc ‘độ sinh’ hiện thực.
Khi bắt đầu con đường nghiên cứu, tác giả lấy bút hiệu là Quán Như. Như nghĩa như chữ “Như Lai” trong nhà Phật ‘bất khứ bất lai’. Còn chữ Quán là lấy ý từ một câu nói của Khổng Tử ‘Ngô Đạo Nhất Dĩ Quán Chi’ (Đạo của ta trước sau chỉ có một giềng mối). Phật nói ‘Trực chỉ Nhân Tâm’ thì Khổng nói là ‘Phản thân nhi Thành’, hai cách nói khác nhau nhưng nội dung không khác. Minh Đức và Phật Tính tuy hai từ ngữ khác nhau nhưng cùng có nghĩa là ‘tỉnh thức’ (Awakening).
Tri niệm ân đức, tác giả kính vọng bái hương linh Thầy Nguyễn Đăng Thục và thầy Thích Thiên Ân đã ban cho tác giả một nguồn sống của Đạo làm người theo truyền thống Đông Phương.
Cũng như hai tác phẩm trước đây, tác giả dành tặng các con Như Uyển (Dear Park in Sarnath), Như Dương (The Sun is my Heart) và Duy Tuệ (Only can Wisdom Alleviate our Karma).
Nếu thấy con đường Bồ Tát Đạo không phải là con đường dễ dàng, các con có thể theo cách sống Nho Phong, phú quý hay bần tiện cũng không bao giờ làm thay đổi được đạo làm người.
Trong thời gian nghiên cứu để viết tác phẩm này, qua internet, tác giả được có cơ hội quen biết các cư sĩ trong nhóm Tủ Sách Tôn Giáo, đồng tâm tương ứng, hết lòng hộ pháp trong khả năng có thể, nhất là Đạo Hữu Cư sĩ Hồng Quang, người đã nhìn thấy Thực Tập Thiền Chánh Niệm là một phương cáchhoằng pháp hiệu nghiệm, dễ và không tốn tiền mà có thể giúp con người cải thiện cuộc sống, ít bệnh tật và sống có hạnh phúc hơn. Rộng hơn, Thiền có thể thay đổi tâm, chuyển hóa xã hôi, góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh phú cường. Hơn thế nữa, Thiền có thể biến quả đất nầy thành một nơi mà con người sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Cư sĩ Hồng Quang đã từng quảng diễn những lợi ích nầy của Thiền trong nhiều đạo tràng và học viện tại Việt Nam trong gần hai năm qua.
Tác giả xin cảm tạ Thượng Tọa Thích Nhật Từ, một nhà sư trẻ nhập thế, kiến thức Phật học sâu rộng, người đã từng đem giáo pháp vào truyền bá ngay cả trong các nhà tù, một hình thức đem Chùa đến Phật tử, thay vì chờ Phật tử đến Chùa. Thầy cũng đã sốt sắng cho phép tác phẩm “Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm” ‘nhập hộ khẩu’ của tủ sách ‘Đạo Phật Ngày Nay’.
Tác giả không thể nào quên cám ơn Sonia Nguyễn, một người bạn thời Sinh Viên trong các trường Đại học Úc, đã “hóa thân” từ con chim họa mi thành con chim Ca Lăng Tần Già để ghi đọc các bài thực tậpThiền theo MP 3 kèm theo sách.
Như một thành ngữ Tây phương nói, cuối cùng nhưng không phải là kém quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất (Last but not least), cảm tạ và xin lỗi hai nương tử, Ngọc Anh và Ngọc Nga, về những tổn thương trong đời sống và tình cảm mà tác giả gây ra trong những ngày sống trong thất niệm, túy sinh mộng tử của kiếp người.
Quán Như Phạm Văn Minh
Tháng Sáu 2014
Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm_Quán Như Phạm Văn Minh
Source: thuvienhoasen.org