Đối với Phật giáo, sự sinh tồn của con người và môi trường là bình đẳng, không tách rời; Giáo dục Phật giáo đưa con người gần với môi trường tự nhiên, cùng sinh tồn, coi yếu tố môi trường là một, gần gũi thân thiện chứ không phải là đối tượng để con người lợi dụng.
I. Ý nghĩa và giải thích đề tài
1. Ý nghĩa của đề tài
Hơn bao giờ hết, nhân loại chúng ta đang đứng trước nhiều thảm họa thiên tai trong những năm trở lại đây, sự nóng lên của địa cầu, động đất, sóng thần, sụt lở đất, lụt lội, môi trường ô nhiễm… xảy ra liên tục ở khắp các châu lục, hàng ngàn người bị cướp đi sinh mạng, cảnh tan thương không nhà cửa, để lại một hậu quả khôn lường. Những thảm họa này không chỉ do thiên tai mà trong đó còn do tác động của con người. Chính vì thế, tôi đã chọn đề tài này để viết tham luận cho Hội thảo, nhằm đóng góp Giáo dục Phật giáo với vai trò bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Đối với Phật giáo, sự sinh tồn của con người và môi trường là bình đẳng, không tách rời; Giáo dục Phật giáo đưa con người gần với môi trường tự nhiên, cùng sinh tồn, coi yếu tố môi trường là một, gần gũi thân thiện chứ không phải là đối tượng để con người lợi dụng. Cho nên, trong Phật giáo chia thế giới sự vật trong đó kể cả con người thành hữu tình và vô tình, nhưng khi tu hành đến cứu cánh thì tình và vô tình đồng triêm lợi lạc hoặc đồng viên chủng trí.
Mặc khác, mục đích của đề tài đóng góp hướng đi của Giáo dục Phật giáo với môi trường, nhằm giới thiệu cho mọi người hiểu được bản chất sự tác động của con người vào thế giới tự nhiên một cách đúng đắn, vừa bảo vệ môi trường vừa tồn tại không tách rời với thiên nhiên, đem lại lợi ích thiết thực trong cuộc sinh tồn cho cả cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái.
2. Giải thích đề tài
Do con người với lòng tham lam và ích kỉ, trục lợi với chiêu bài “chinh phục” tự nhiên tạo thành khủng hoảng sinh thái, thực tế càng cho thấy ý nghĩa hệ thống sinh thái cộng sinh giữa con người và giới tự nhiên là không thể tách rời. Bản thân của thế giới là một kết cấu cộng hưởng sinh tồn, mà Phật giáo chỉ rõ đó là sự tập hợp của 4 yếu tố đất nước gió lửa, nói rộng hơn là sự cấu thành của 5 thủ uẩn giả hợp, biểu hiện qua sự sinh tồn của từng giai đoạn con người, hoàn cảnh, môi trường. Cho nên, con người và giới tự nhiên là cộng tồn, tương tác cộng sinh lẫn nhau, không có tự nhiên thì con người không thể tồn tại và ngược lại nếu con người không tồn tại thì giới tự nhiên cũng không có ý nghĩa.
Giáo dục Phật giáo với bảo vệ môi trường nghĩa là đem tinh t hần giáo dục Phật giáo áp dụng vào việc bảo vệ môi trường. Môi trường nói đầy đủ là môi trường tự nhiên. Theo cách nghĩ thông thường chúng ta xem yếu tố con người và môi trường tự nhiên trong mối quan hệ chủ thể và đối tượng; sự vật tự nhiên là khách thể phục vụ hữu dụng cho chủ thể con người. Theo cách nghĩ như vậy rõ ràng không thể tồn tại, con người sống nhờ vào môi trường tự nhiên, ngược lại con người phải biết bảo vệ môi trường tự nhiên, có như thế mối quan hệ cộng sinh mới tồn tại lâu dài, con người và hệ thống sinh thái của tự nhiên mới bền vững.
Khái niệm về “tự nhiên” mà chúng ta sử dụng là một khái niệm phức hợp. “Tự nhiên” tức chỉ thực tại khách quan, thế giới vật chất tồn tại không phụ thuộc vào ý thức của con người, đồng thời còn có nghĩa là môi trường tự nhiên. Môi trường tự nhiên ở đây là giới tự nhiên xung quanh xã hội con người, bao gồm nguồn tài nguyên sản xuất và đối tượng lao động nằm trong các loại điều kiện tự nhiên. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh c on người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, sự phát triển của con người và sinh vật.[1] Hoàn cảnh tự nhiên là cơ sở tự nhiên trong sinh hoạt của con người, sinh tồn và phát triển của xã hội, là vật chất sinh hoạt tất yếu của con người. Nhưng khái niệm môi trường tự nhiên còn bao hàm ý nghĩa tài nguyên tự nhiên. Tài nguyên tự nhiên nói chung là nguồn vật chất tồn tại tự nhiên, như tài nguyên đất đai, khoáng sản, sức nước, động vật, biển sông ao hồ… Tài nguyên tự nhiên là nơi sinh ra nguồn nguyên liệu và bố cục hoàn cảnh. Do đó, có thể biết được “tự nhiên” là nguồn tài nguyên sinh sống và sản xuất nguyên liệu của người hiện đại, là nguồn tài nguyên do con người tiêu hao; nhưng “tự nhiên” không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên cho con người tiêu hao mà là môi trường để cho con người dựa vào sinh tồn, do đó, còn gọi môi trường tự nhiên là môi trường sinh thái.
Môi trường sinh thái tức là hệ thống sinh thái, hệ thống sinh thái là do quần thể sinh vật và môi trường cộng đồng sinh tồn tạo thành hệ thống cân bằng, có đủ công năng kết cấu và hệ thống điều tiết đối với sự tuần hoàn vật chất và năng lượng lưu động. Trong đó hệ thống sinh mạng là một yếu tố nhất định trong kết cấu và điều tiết của giới tự nhiên, nó do sự tạo thành của hệ thực vật, động vật và vi sinh vật. Hệ thống môi trường là không gian bao gồm ánh sáng, sức nóng, nước và các loại nguyên tố của giới tự nhiên tương tác tạo thành. Hệ thống sinh thái là sự kết hợp giữa hệ thống sinh mạng và môi trường ở trong một không gian nhất định. Phạm vi lớn hơn là toàn bộ bề mặt quả đất hay toàn bộ hệ thống sinh thái mà con người dựa vào đó để sinh tồn. Ngoài ra, giới tự nhiên của bề mặt quả đất, từng bộ phận đều là hệ thống sinh thái, như một khu rừng, một khoảnh ruộng, một dòng sông, một vùng biển, một cái hồ, một dãy núi, một thôn làng… Khủng hoảng sinh thái là do tác động của con người làm cho vùng hay toàn bộ kết cấu và công năng của hệ thống sinh thái bị phá hoại, trở lại uy hiếp sinh tồn và phát triển của con người. Do đó, nhìn toàn bộ hệ thống thì con người và tự nhiên đều có vị trí quan trọng như nhau. Trước mắt, môi trường sinh thái và hệ thống sinh thái của quả đất đang trên đà hình thành, con người xuất hiện cùng với hệ thống động vật đều dựa vào quyết định của sinh thái; sự sinh tồn và phát triển c ủa con người đều phụ thuộc vào sinh thái, trong chuỗi sinh vật tồn tại không có khái niệm phân biệt khách chủ. Chỉ có thể nói rằng, trong hệ thống sinh thái, sự biến đổi của một hệ thống tất nhiên ảnh hưởng đến hệ thống khác và ngược lại. Bởi vì toàn bộ chỉnh thể cùng nhau quan hệ, cùng nhau tương tác. Sự tồn tại của môi trường sinh thái và con người đều hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của con người.
Do đó, có thể biết rằng giới tự nhiên và con người, trong mối quan hệ qua lại đó đều là thành viên của hệ thống sinh thái. Nếu chúng ta có quan điểm cho rằng con người là chủ thể và giới tự nhiên là khách thể, chủ thể chinh phục khách thể, con người chủ động, tự nhiên im lặng thụ động. Như vậy chúng ta không những nhầm lẫn trong việc giải thích và làm cho hậu quả càng nghiêm trọng – không những làm cho mối quan hệ song song càng đi đến phức tạp, mà thực tế đem lại cho con người nhiều bất lợi – giới tự nhiên bị phá hoại, đồng thời phá hoại cả điều kiện sinh tồn của bản than loài người. Vì thế việc cho rằng “vật dưỡng nhân” là một chân lí thì con người quá ích kỉ và hiểu biết của con người quá hạn chế.
Giáo dục Phật giáo thể hiện mối quan hệ hài hòa, mọi sự vật trên thế gian này đều tồn tại theo lý duyên sanh, tức cái này có thì cái kia có; cái này sanh, thì cái kia sanh. Đối với Phật giáo, việc bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ của con người, do ý thức của con người, đặc biệt là do con người tạo nên (nhứt thiết duy tâm tạo – Kinh Hoa Nghiêm). Vì vậy giáo dục Phật giáo với môi trường thể hiện qua việc tu tập và thực hành một số hình thức mà Đức Phật đã dạy trong hệ thống giáo lí và triết học đạo đức của Phật giáo.
II. Nội dung
1. Giáo dục Phật giáo với môi trường qua thuyết Duyên Sinh
Vấn đề môi sinh là vấn đề nóng bỏng mà nhân loại đang rất quan tâm. Khủng hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xạ, sự phân hạch, bụi bặm thiên nhiên tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, nạn ô nhiễm không khí, nước và đất đang báo động. Các thử nghiệm bom nguyên tử, vũ khí hoá học, các khí độc thoát ra từ các nhà máy công nghiệp, nạn săn bắt phá rừng, dẫn đến thiên tai hoả hoạn, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh lan tràn... Đây là hậu quả của việc phát triển công nghệ, lạm dụng thái quá khai thác mỏ, dầu khí, quặng. Như vậy, bảo vệ môi sinh cần được thực hiện triệt để càng sớm càng tốt. Một triết lý giáo dục môi sinh cần được phát triển và phổ biến sâu rộng đến con người và thiên nhiên đó là thuyết duyên sinh. Thuyết này không phải do đức Phật nói ra mà Ngài quán thấy nó tồn tại một cách tự nhiên, đó là cái này sinh cái kia sinh, cái không có mặt cái kia không có mặt. Đây là mối quan hệ hỗ tương của các sự vật, tồn tại cùng nhau, không có chủ thể và khách thể. Để từ đó con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh cũng là chính bảo vệ mình. Cũng từ thuyết Duyên Sinh chúng ta lí giải t hích các hiểm họa do ô nhiễm môi sinh gây ra tác động trực tiếp lên con người và do con người tác động tiêu cực vào thế giới tự nhiên.
Qua thuyết Duyên Sinh, chúng ta hiểu được con người và giới tự nhiên gần gũi không tách rời, là một bộ phận của sự hình thành hệ thống môi sinh. Hay nói cách khác, con người có mặt thì tự nhiên có mặt, hoặc giới tự nhiên không có mặt thì con người không có mặt. Cho nên việc con người tác động vào giới tự nhiên một cách tiêu cực thì sự có mặt hay diệt vong của con người cũng không sớm thì muộn phải chịu chung số phận.
Ngoài ra, thuyết Duyên Sinh còn cho thấy bản thân của mỗi sự vật đều sinh ra cũng theo quy luật này, thân 5 uẩn là sự tập hợp của các nhân duyên (12 nhân duyên), không có một nguyên nhân tạo thành (chúa tể) mà do nhiều nhân duyên tạo thành (nhân duyên), nên không có thật ngã. Đã không có thật ngã thì sự ham muốn của con người về sự lợi lộc vật chất của cải và uy quyền bắt nguồn từ tà tư duy chỉ gây ra khổ đau cho nhân loại. Trong tác phẩm Lí Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali của Hòa thượng tiến sĩ Thích Chơn Thiện chỉ ra giáo dục Phật giáo giải đáp cho khủng hoảng môi sinh:
- Giáo dục con người nhận thức mối liên hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên qua giáo lý Duyên Khởi và Năm uẩn ngõ hầu con người có t hể tự nguyện bảo vệ môi sinh.
- Giải thích các hiểm họa do ô nhiễm môi sinh gây ra.
- Chỉ rõ rằng ham muốn của con người về lợi lộc và uy quyền có thể gây ra khổ đau cho con người.
- Gợi ý những gì phải làm cho việc bảo vệ môi sinh.[2]
Thuyết Duyên Sanh còn giáo dục con người biết quy luật nhân quả, gieo nhân gì gặp quả đó, hay “gieo gió sẽ gặp bão”, nhờ đó chúng ta có cách ứng xử đúng đắn với môi trường thiên nhiên, một thành viên thân thiện của con người sống trên hành tinh này.
2. Giáo dục Phật giáo với mô i sinh qua sự tu tập tâm từ bi
Sự phát triển kinh tế và kỹ nghệ đòi hỏi đến sự chú trọng giáo dục con người xã hội, trong khi một nền giáo dục nhân bản thì yêu cầu giáo dục con người chính nó. Nếu con người tốt thì xã hội mới tốt, thế giới thanh bình. Con người tốt phải thông qua sự tu tập tâm từ bi, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau, sự sống của người này là sự sống của người khác, không có ai tồn tại dù chỉ một mình. Con người chính nó là con người phải hiểu sự thật của chính mình và biết làm thế nào để đạt hạnh phúc trong hiện tại và tại đây. Vấn đề này đã được đức Phật dạy: “Mình là chủ nhân của chính mình, không ai khác là chủ nhân của mình. Người tự khéo chế ngự mình sẽ thấy được vị chủ nhân khó tìm thấy ”. (Kinh Pháp Cú . 160)
Như vậy con người tìm thấy chủ nhân của chính mình chỉ có được qua việc thực hành tâm từ bi, vì khi con người không có tâm từ bi, không thực hành tâm từ bi thì họ bị tham lam, ích kỉ dắt dẫn trở nên mê muội và không còn thấy sự sống tồn tại tương quan tương duyên, mà chỉ thấy cho riêng mình.
Lòng từ bi được đức Phật dạy, “Hận thù không bao giờ xóa bỏ được hận thù; chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù .” Ngài cũng khuyên mọi người hãy, “điều phục sân hận bằng tình thương.” Tâm Từ và tâm Bi cũng là liều thuốc giải độc hữu hiệu cho tâm sân, giận, thù oán… khởi lên trong mỗi chúng ta. Chúng ta biết rằng tinh thần tiêu cực có thể sản sinh ra những độc tố phá hủy sức khỏe thân thể lẫn tinh thần. Trong số độc tố khác nhau ấy, tâm hận thù bị dồn nén tạo nên sự hỗn loạn của tâm lý, là nguy cơ đưa đến chứng rối loạn thần kinh và bệnh trầm cảm. Ngoài ra tâm Từ bi giúp chúng ta không những còn tôn trọng con người với con người, mà còn cả những loài động vật hữu tình và loài vô tình (giới tự nhiên). Đức Phật khuyên hàng đệ tử của Ngài không được đổ đồ dơ lên cây cỏ, không được dẫm đạp lên cây cỏ, không được ngắt lá bẻ cành một tàng cây. Đặc biệt là sau khi thành đạo Đức Phật đã ngồi nhìn ngắm cây Bồ Đề suốt 1 tuần lễ để cảm ơn sự che chở của cây trong suốt những ngài Ngài ngồi thiền định và tìm thấy sự giác ngộ.
Nuôi dưỡng và tu tập lòng từ bi là chính chúng ta yêu thương và độ lượng với chúng sanh, chúng ta bảo vệ đồng loại và tạo cho môi trường sinh thái một không khí tươi vui cộng sinh. Giáo dục Phật giáo chú trọng đến từ bi, vì từ bi sẽ là cam lồ tưới mát sự khô cằn và khốc liệt của những vô minh, ích kỉ. Tu tập lòng từ là chúng ta xây dựng thế giới cộng sinh, yêu hòa bình và bảo vệ môi trường tốt đẹp.
Theo quan điểm của Phật giáo, sở dĩ con người luân hồi trong Lục đạo là do vô minh phiền não mà tạo tạo nhiều ác nghiệp, từ kiếp này đến kiếp khác trôi lăn trong sinh tử, có khi làm người có khi làm súc sanh, khi lên trời khi xuống địa ngục, vì vậy chúng ta cũng đã từng như vậy thì phải thương tưởng đến mình và đến họ mà phát tâm từ bi cứu độ, bảo vệ và che chở.
Một người tu tập tâm từ bi, họ không những yêu quí và tôn trọng mọi người, mọi loài và thiên nhiên, mà họ còn thương yêu đối với những người tạo nên nghịch cảnh cho mình và xem đó là một nghịch hạnh cho việc tu luyện tâm từ bi. Nhờ đó mà chúng ta biết yêu quí đồng loại, giúp đỡ người yếu, bảo vệ muôn thú và giới tự nhiên, giúp mọi loài sống hòa đồng trong môi trường sinh thái bền vững.
3. Giáo dục Phật giáo với môi sinh qua sự thanh lọc tâm (thực hành thiền định)
Một người hỏi một vị Thiền sư rằng trong thời đại ngày nay, mọi người đang cố gắng tham gia việc bảo vệ môi trường, còn Thiền sư ngồi đây thực tập thiền có ích gì? Thiền sư lời rằng những người thực tập thiền không thải ra môi trường những ý niệm nhiễm ô. Thiền sư đã chỉ cho chúng ta biết rằng tâm nhiễm ô mới dẫn đến môi trường nhiễm ô.
Thực hành thiền định là phương tiện thanh lọc tâm hữu hiệu. Thế thường chúng ta than van về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng chúng ta chưa nhận thấy ô nhiễm tâm hồn còn nguy hại hơn. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường là do tâm hồn của chúng ta ô nhiễm. Tâm hồn chúng ta luôn bị sự cạnh tranh, tham lam và ganh tị chiếm lĩnh, cho nên dẫn đến hành động ích kỉ, tàn bạo và mê loạn, lời nói chúng ta nhiễm ô, thô bạo. Tâm nghĩ, thân làm và miệng nói điều bất thiện, đó là nguyên nhân dẫn đến tinh thần ô nhiễm, xã hội ô nhiễm; chặt phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ, thải vào không khí và môi trường chất độc hại. Tất cả đều phát xuất từ tâm hồn nhiễm ô.
Con người với tâm nhiễm ô, chỉ có thông qua thiền định để thanh lọc tâm. Một người biết thanh lọc tâm bằng thiền định, người đó làm cho thân tâm an tịnh, đưa vào thiên nhiên một năng lượng trong sạch, năng lượng của từ bi. Ngược lại, với một tâm hồn giận dữ và sợ hãi, chúng ta sẽ tạo ra môi trường hủy diệt. Lối sống tham lam và ích kỉ là nguyên nhân của sự nhiễm ô tâm hồn. Chúng ta vì hạnh phúc các nhân mà làm hại đến người khác và môi trường xung quanh; hạnh phúc chân thật chỉ có được khi chúng ta có một tâm hồn thanh tịnh, qua thiền tập chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, tiến xa hơn vào lãnh vực quán chiếu, hiểu được nguồn gốc tham sân si, thay năng lượng nhiễm ô bằng năng lượng trong sạch và giải thoát.
Qua việc thực hành thiền định, chúng ta có thể chuyển hóa môi trường và gặt hái năng lượng điều trị và chuyển hóa cho chính mình và cho môi trường. Khi mọi người biết thực hành thiền tập, chúng ta sẽ có năng lượng chuyển hóa thân tâm, kiến tạo ra một môi trường tốt và đây là một nhóm năng lượng sạch, giúp môi trường ngày càng cải thiện tốt hơn.
Đối với Phật giáo Đại Thừa, một hành giả hành Bồ Tát hạnh không những cứu độ chúng sanh hữu tình, mà còn hiện thân làm cây thuốc (hiện vi dược thảo) để cứu chữa cho muôn loài. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết kệ: “Xin làm một cành hoa, tặng phẩm của t rời đất, hoa là vị Bồ tát, làm đẹp cho cuộc đời.
Thực hành thiền tập giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau, hòa mình với thiên nhiên môi trường, tạo một nguồn năng lượng tốt cho bản thân và cộng đồng và cho môi trường.
4. Giáo dục Phật giáo với môi sinh qua việ c trì giới (thực hành các nguyên tắc đạo đức)
Phật giáo lấy việc gìn giữ giới luật làm nguyên tắc để trau dồi tư cách đạo đức, hoàn thiện cá nhân. Ngoài ra trì giới giúp ta có thể tăng trưởng định lực và phát huy trí huệ. Người Phật tử tại gia giữ 5 giới căn bản, tức không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không sử dụng chất gây nghiện; người xuất gia gìn giữ nhiều hơn nhưng cũng không ngoài giới luật căn bản và tinh tế.
Không sát sanh, người Phật tử không những tôn trọng sự sống của chúng sanh mà còn bảo vệ và giúp đỡ muôn loài sinh vật cùng sống, tạo sự cân bằng sinh thái và hòa bình của muôn loài. Hơn nữa, đối với môi trường sinh thái không được khởi lòng tham mà vô tình hủy diệt các nguồn vật chất tự nhiên Không ăn trộm hay lấy của không cho, người Phật tử không những không được lấy của người khác mà còn phải biết gìn giữ cho người khác, giúp người khác và muôn loài có được đời sống an lạc và sung túc. Đới với cây cỏ phải biết tôn trọng, chăm sóc và gìn giữ duy trì sức sống của thực vật.
Không nói dối, người Phật tử được bảo vệ trong niềm tin chân chánh, lời nói đúng đắn và tôn trọng chân lí. Không được vì tham lam mà dối mình, dối với động vật để thỏa mãn dạ dày; dối với loài vô tình để chặt phá, đào bới, khai thác tận kiệt nguồn t ài nguyên.
Không tà hạnh, người Phật tử gìn giữ hạnh phúc cho mình và cho người khác, tạo sự ổn định dân số và sinh thái. Đối với nhau như ruột thịt, không xâm phạm tiết hạnh của người khác, xây dựng gia đình tốt đẹp, xã hội an bình và môi trường cộng cư phát triển cân bằng.
Không được sử dụng rượu bia và chất gây nghiện, người Phật tử không sử dụng các loại rượu, vì rượu làm cho trí óc con người thiếu minh mẫn, dễ làm việc sai quấy. Chất gây nghiện làm cho con người mất cân bằng tâm lí, ủ rũ hoặc lãng đãng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, làm mất ổn định xã hội và môi trường sinh hoạt.
Khi đề cập đến nguyên tắc đạo đức Phật giáo đối với vấn đề môi trường là đề cập đến cách nhìn của Phật giáo đối với con người cũng như mọi loài vô tình như rừng, muông t hú, hệ sinh thái, thiên nhiên. Nguyên tắc trong đạo đức học Phật giáo được đặt ra ở đây là để phát triển lòng từ bi trong con người và tránh gây hại cho mọi loài tự nhiên. Đạo đức Phật giáo đối với môi trường không những áp dụng cho sự gấp rút của ngày hôm nay mà đã áp dụng trong quá khứ và cho cả tương lai. Do đó chúng ta áp dụng lời dạy của đức Phật đối với môi trường thiên nhiên, và thái độ hành xử của người Phật tử đối với môi trường sinh thái.
III. Tổng kết
Tất cả những hình thức giáo dục trên của Phật giáo không ngoài mục đích mang lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho mình, cho mọi người và cho môi trường. Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta một con đường tu chân chánh, mở ra cho nhân loại một con đường mới, áp dụng vào đời sống sẽ đem lại cho chúng ta lợi lạc đích thực và hướng về mục đích giải thoát, đó là Bát Chánh Đạo, bao gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh Ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Trong đó, Chánh mạng là yêu cầu mọi người chú trọng thể hiện trách nhiệm đối với việc làm của mình ảnh hưởng đến xã hội và tương lai. Chẳng hạn như công việc gây ảnh hưởng xấu cho con người và môi trường trong tương lai thì vi phạm vào Chánh mạng. Bất cứ công việc gì có nguyên nhân dẫn đến phá hủy môi trường như thải ra chất độ c, phá rừng và khai thác vô tội vạ nguồn tài nguyên thiên nhiên, được xem là vi phạm đến đời sống tu tập Chánh nghiệp. Với bất cứ công việc gì liên quan đến việc phá hoại môi trường như công nghiệp nguyên tử, sản xuất chất độc hại, chất nổ và chất thải gây thiệt hại đến tài nguyên biển cũng đều vi phạm đời sống Chánh nghiệp.
Đối mặt với vấn đề sinh tồn của loài người, Phật giáo có trách nhiệm cứu khổ cứu nạn, giáo lí Phật giáo không tách rời với những thành viên của môi trường sinh thái, trong đó con người là một thành viên đặc thù, làm cho môi trường phát triển bền vững. Phật giáo chủ trương vô ngã cũng đồng nghĩa bất nhị với môi trường, hướng con người đi vào chánh kiến, tư duy đúng đắn, lời nói chân thật, hành động hướng thiện, việc làm có trách nhiệm, si êng làm các hạnh lành, khéo suy nghĩ và tu tập thanh lọc tâm. Đó là con đường chân chánh mà chúng ta cần giới thiệu rộng rãi đến với nhân loại, một thông điệp hòa bình và bảo vệ môi trường sinh thái hữu hiệu nhất./.