Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Câu chuyện giữa Ngài Huyền Giác và Lục Tổ Huệ Năng

17/09/201022:18(Xem: 11771)
Câu chuyện giữa Ngài Huyền Giác và Lục Tổ Huệ Năng


luc-to-hue-nang
Câu chuyện giữa Ngài Huyền Giác và Lục Tổ Huệ Năng

      
  Phương tiện là chỉ cho sự áp dụng một số phương pháp nào đó tiện lợi để đạt cứu cánh.

        Trong nhà Phật thường dùng hai từ cứu cánh và phương tiện.

        Cứu cánh đã hiển bày. Vì Phẩm Tựa đã cho chúng ta thấy rõ Đức Thế Tôn nhập vô lượng nghĩa xứ, phóng luồng bạch hào tướng quang hiện “Chân cảnh diệu minh”, ý nuốn cho chúng hội lãnh hội hiện tiền, khỏi phải dùng ngôn ngữ chuyển đạt. Nhưng vì “Tri kiến Phật” thậm thâm vi diệu khó nghĩ, khó bàn, đại chúng chưa nhận ra “bản giác diệu minh” ly ngôn thật tướng.

        Nên “Lúc bấy giờ Thế Tôn từ chánh định thung dung mà khởi, bảo Ngài Xá Lợi Phất : Xá Lợi Phất ! Trí tuệ của các Đức Phật rất thẳm sâu vô lượng, trí tuệ đó khó hiểu, khó vào, tất cả hàng Thanh văn và Bích Chi Phật không biết được”.

        Đức Thế Tôn từ “tánh giác viên minh” xuất nhập tự tại, đã dùng ngôn ngữ mà bảo Ngài Xá Lợi Phất. Ở đây chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao Đức Thế Tôn không bảo Ngài Văn Thù Bồ Tát hay chư vị Bồ Tát khác, mà lại bảo Ngài Xá Lợi Phất?

        Với ý nghĩa “khai quyền hiển thật” không phải để dạy chúng Đại thừa, mà để thu nhiếp dẫn dắt chúng Nhị thừa. Vì nếu bảo hàng Bồ Tát thời chúng Thanh văn sẽ cho rằng Diệu pháp này Phật thuyết cho Bồ Tát chứ mình không can dự gì.

        Với trí tuệ Phật thâm vi diệu vượt thoát sự đối đãi, sinh diệt, dù cho bậc Đẳng giác Bồ Tát cũng không thấu rõ được. Trí tuệ ấy không thể dùng ngôn ngữ để tuyên bày, vì nó rốt ráo viên mãn, vì nó là “chân như pháp tánh”. Nên trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới, Ngài Thiện Tài Đồng tử tham vấn 53 vị thiện tri thức nhờ sự khuyến khích của Ngài Văn Thù. Đầu tiên Ngài đến tham vấn Tỳ kheo Đức Vân ở núi Diệu Phong. Nhưng đến nơi lại không gặp Tỳ kheo Đức Vân, mà phải sang núi Biệt Phong mới gặp.

        Hình ảnh trong kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đều giống nhau ở điểm này.

        - Một bên mở đầu bằng ảnh tượng hi hữu: Tướng lông trắng giữa chặn mày, phóng ánh sáng khắp soi, trời mưa hoa Mạn đà la, gió thơm mùi chiên đàn.

        - Một bên là núi Diệu Phong mù mịt chẳng thấy bóng dáng của Tỳ kheo Đức Vân.                

        Cả hai đều không dùng đến ngôn ngữ, mà chỉ dùng ảnh tượng tượng trưng để hiển bày “Tri kiến Phật”.

        Sau khi xuất định Đức Thế Tôn mới dùng ngôn ngữ để dìu dắt chúng sinh, đó là phương tiện.

        Cũng như Thiện Tài Đồng tử rời ngọn Diệu Phong đến Biệt Phong, đó là phương tiện.

        Đã là phương tiện, nhưng phải áp dụng đúng thời, đúng lúc, xứng hợp với sự ân cần thiết tha của chúng hội thì phương tiện ấy mới đạt thành cứu cánh.

        Vì sao ? Vì chư Phật đã trọn nên pháp vi diệu, bất khả tư nghị, ứng hợp thời cơ mà nói pháp ý thú khó hiểu, hàng Nhị thừa không thể nào nhận biết. Cảnh giới của chư Phật chỉ có chư  Phật mới biết được, đâu có thể dùng ngôn ngữ văn tự mà vào được.

        “Xá Lợi Phất ! Từ ta thành Phật đến nay các món nhân duyên, các món thí dụ rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sinh”.

        Tại sao nói: “Từ Ta thành Phật đến nay”?

        Như chúng ta đã biết Phật đâu có tướng thành. Nhưng vì ứng hiện đồng cư với chúng sinh, để dẫn độ chúng sinh từ thấp đến cao, nên mới có tướng thành. Nói “Từ Ta thành Phật đến nay” là dùng phương tiện nói. Vì thương xót chúng sinh nên Ngài đã thị hiện có tướng thành, để từ đó dùng các món nhân duyên, lời lẽ, thí dụ dắt dìu chúng sinh xa lìa lòng chấp. Cho nên tri kiến Như Lai thật rộng lớn sâu xa. Và chỉ có tri kiến ấy mới thấu rõ cội nguồn của vạn pháp. Pháp Phật nói ra có mục đích để làm cho chúng sinh thấy rõ lý chân thật của vạn pháp, như Phật đã thấy và sống với cái chân thật đó.

        Nhưng thấy rõ lý chân thật của vạn pháp là thấy thế nào? Nghĩa là thấy các pháp ”Tướng như vậy, thể như vậy, tánh như vậy, lực như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, gốc ngọn rốt ráo thảy như vậy”.

        Nhìn các pháp bằng trí tuệ Bát Nhã thì không pháp nào có thật tướng cả. Bởi các pháp đều duyên khởi giả lập, tự tánh của nó là không, tự tánh của nó thường tịch diệt. Vì ở thể vắng lặng nên tất cả các pháp đều “như thị”. Đã “như thị” thì chúng ta chỉ tùy duyên nhân phân biệt rõ ràng các pháp, nhưng không nghĩ tưởng gì về sự phân biệt ấy. Nói cách khác là chúng ta có đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo, cứ phân biệt bình thường vì đó là nhu cầu của sự sống. Chỉ có một điều rắc rối là chúng ta nghĩ về sự phân biệt ấy, mà nghĩ về nó thì liền có sự đối đãi, làm sao dung thông tự tại.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn có câu :

        Tư tưởng tới lui tự do

Tâm thể không vướng mắc, ấy là Bát Nhã.

        Hay câu chuyện về Lục Tổ Huệ Năng, khi Ngài mới đến chùa Ấn Tông, thấy hai ông Sa di đang nhìn cây phướn thấy động mới đố nhau:

- Gió động hay phướn động ?               

- Một ông cho là Phướn động.      

- Một ông cho là gió động.   

Ai cũng cho mình là đúng.

        Lúc đó Lục Tổ mới nói: “không phải phướn động, cũng không phải gió động, mà chính tâm nhân giả động”.

Trong chứng Đạo Ca của Ngài Huyền Giác nói:

“Đi cùng thiền, ngồi cùng thiền

Nói, im, động, tịnh thảy an nhiên,

Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hững,

Vì nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh”.

        Bởi vì mỗi pháp đều có đủ tính, tướng, lực, tác, dụng của nó. Ví như lửa lấy sáng làm tướng, lấy nóng làm tính, lấy đốt làm tác, lấy thiêu hủy làm dụng. Tất cả đều tùy duyên biến hiện, giả hợp tác thành. Cội nguồn rốt ráo của muôn vạn pháp vẫn là tánh không tịch. Chỉ có “Tri kiến Phật” mới biết một cách rốt ráo như vậy.

        Biết như thế để chứng minh, để tùy thuận, để giáo hóa mà vẫn không bị vướng mắc ở một pháp nào cả.

        Chúng ta cần phải hiểu rằng : “không phải cảnh như, mà điều cần yếu là tâm như, tâm như thì cảnh mới như”. Ai sống như thế là sống hợp với “tri kiến vô kiến” hay có thể nói là sống hợp với “tri kiến Phật” và chỉ có ai nhận chân được các pháp thì mới sống như thế được.

        Đến đây dựa vào phần trùng tụng trong phẩm kinh lại một lần nữa nói về “tri kiến Phật”.

“Giả sử đầy thế gian

Đều như Xá Lợi Phất

Cùng suy chung so lường

Chẳng lường được Phật trí

Dù cho khắp mười phương

Đều như Xá Lợi Phất

Và các đệ tử khác

Cũng đầy mười phương cõi

Cùng suy chung so lường

Lại cùng chẳng biết được

Và cho đến

Hàng bất thối Bồ Tát

Số đông như hằng sa

Một lòng chung suy cầu

Cùng lại chẳng biết được”.

        Như thế thì ai là người thâm nhập được Phật trí. Ở đây chúng ta cần chú ý đến từ “”suy lường”. Dù cho ở ngôi vị nào đi nữa mà còn dấy niệm suy lường thì làm gì thông đạt Phật trí.            

        Chỉ trừ những ai thấy cảnh mà không dấy niệm phân biệt, tâm nhất như kia mới là người thâm nhập Phật trí. Chúng ta thử  nghiệm xem hiện giờ chúng ta sống bằng trí hay bằng thức ?

        -Nếu sống bằng trí mà trí biết thì không động.

        - Nếu sống bằng thức thì thức biết sinh tình.

        Nhìn một sự vật hay một người, thường chúng ta có sự phân biệt đẹp, xấu, ghét, thương ...

        Thấy cảnh sinh tình để rồi phân biệt, đó là vọng thức điên đảo, làm gì thấu đạt lý chân thường.

        Câu chuyện giữa Ngài Huyền Giác và Lục Tổ Huệ Năng ( trích câu chuyện này ở quyển Chứng Đạo Ca ) có thể cho chúng ta thấu rõ hơn về cái vô tâm, vô niệm, cái hồn nhiên sống động, cái “tri kiến vô kiến” nghĩa là cái thấy biết mà không lập trên thấy biết, đạt đến “Tâm như thì cảnh như”.

        Huyền Giác vừa gặp Huệ Năng đi quanh ba vòng chống tích trượng đứng.

        Huệ Năng bảo :

        - Phàm làm Sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy.              

        Huyền Giác đột ngột dùng ngay nhát kiếm :

Sinh tử sự đại

Vô thường tấn tốc

        Nghĩa là sinh tử việc lớn, vô thường mau chóng, cần giải quyết ngay lễ nghĩa làm gì.

        Huệ Năng đáp :

Hà bất thể thủ vô sinh

Liễu vô tốc hồ

        Sao không nhận cái lý “Vô sinh” và thấu rõ cái nghĩa “không chóng”.

        Nghĩa là sao không tự nhận cái nguyên lý vô sinh thường còn bất biến. Nguyên lý vô sinh ấy là “tự tánh”.

        Bởi vì chữ “thể” chỉ cho “tự tánh” và chữ “liễu” là chỉ cho cái dụng của “tự tánh”, đó là trí.

        Vậy ý của Tổ muốn thử xem Huyền Giác đã thấy “tánh” chưa. Mà nếu đã thấy tánh, thì tánh tức là dụng, là trí huệ Bát Nhã. Dùng trí này mà quán chiếu thì làm gì có vấn đề sống chết và mau chóng phải đặt ra.

        Thấu rõ ý ngầm của Tổ trong câu hỏi, Huyền Giác đáp ngay:

Thể tức vô sinh, liễu bổn vô tốc.

( Thể tức vô sinh, thấu vốn không chóng ).

        Như vậy Huyền Giác đã biết được tự tách vốn không sinh diệt, vượt cả không gian, thời gian, làm gì có mau chóng.

        Nghe Huyền Giác đáp, Huệ Năng khen:

Như thị! Như thị!

( Đúng thế! Đúng thế! )

       Như thế Huyền Giác tìm đến Tổ vừa để thử thầy vừa để xin ấn chứng.

       Và Huyền Giác chống tích trượng đứng, đâu phải là ngạo mạn, mà đó là ý chỉ thâm diệu của thiền tông.

       Nhưng đến đây cuộc thử thách vừa ngưng lại, để rồi tiếp tục gay cấn hơn.

       Thừa cơ hội Huyền Giác xin kiến về, Huệ Năng lại dùng mũi nhọn đâm vào đối thủ ( cơ phong vấn đáp ) một lần nữa lại nói về việc “chậm mau”.

       Phản thái tốc hồ?

( Về chóng thế sao? )

Huyền Giác đỡ ngay thế kiếm “mau chóng” bằng thế kiếm “Bất động”

Bổn tự phi động, khởi hữu tốc đa?

( Vốn mình chẳng động, há có mau chóng sao? )

       Với ý nghĩa tự tánh, vốn là tự tại, vượt ngoài động tịnh, chóng chậm, vượt cả không gian, thời gian, làm gì có mau chóngS?

Huệ năng liền tấn công quyết liệt, dồn đối phương ở vào thế chân tường bằng nhát kiếm “Ai’’.

Thuỳ tri phi động?

( Ai biết chẳng phải động? )

Chữ “Ai” là năng, là chủ tể.

“ Cái chẳng động ” là sở.

Năng và sở nối liền nhau bằng nhịp cầu “biết”.

       Nếu Huyền giác mà suy tư để thấy mình có “Cái chẳng động” thì rõ là Huyền Giác còn động.

Nhận được ý đó, Huyền Giác lập tức đẩy lại ngay :

- Nhân giả tự sinh tâm phân biệt.

Ấy là tại Tổ sinh tâm phân biệt.

       Câu trả lời ấy đủ chứng tỏ là Huyền Giác không phải suy lường về “cái chẳng động” mà đã liễu được cái chân lý “bổn lai chẳng động”.

Lục Tổ liền khen :

Nhữ thậm đắc vô sinh chi ý

(Người thực đã thấu được cái ý vô sinh)

       Lời khen của Lục Tổ là một nhát kiếm bọc nhung vô cùng nguy hiểm. Vì lời khen này nhấn mạnh vào chữ “Ý”.

- Trên kia là chữ “Ai”           

- Bây giờ là chữ “Ý”

Trên kia là chủ – bây giờ là khách.

       Ý của Tổ trắc nghiệm Huyền Giác đã thật sự dung thông chưa ? Lãnh hội được ý đó. Huyền Giác đáp lại :

- Vô sinh khởi hữu đa ? ( Vô sinh há có ý sao ? )

Một ý nghĩ mà không móng lên, ấy là trạng thái “vô sinh”.

       Thế chưa đủ, Lục Tổ còn bồi thêm một nhát kiếm Tối thượng thừa, chẻ vào ba vấn đề : Ai, Ý, phân biệt.

- Vô ý thuỳ dương phân biệt ?              

  ( không ý thì ai phân biệt ? ).

       Đây là vấn đề cơ bản nhất. Nếu phá hết ngã, pháp, vượt qua mọi đối đãi thì đi đến kết quả gì ?

- Nếu phân biệt, nếu suy lường thì vọng niệm dấy lên.            

- Không phân biệt, không suy lường lại khác gì gỗ đá.                     

        Nếu phân biệt rõ cội nguồn, muôn vật mà bổn tánh vẫn như như bất động, tức là nhảy được qua bờ kia vậy.

Do vậy Huyền Giác mới trả lời :

Phân biệt diệt phi ý.

( Phân biệt cũng chẳng phải là ý )

Huyền Giác đã vượt qua mọi ý niệm suy lường.

Đó chính là “Tri kiến Phật”.

        Do vậy phần trùng tụng ở đoạn trên vừa nêu, cho chúng ta thấy rằng : Tri kiến Phật không thể dùng suy lường mà thấy được.       

Đến đây trong chúng hội đều ghi hoặc về quả vị tu chứng của mình.

        Bởi vì Đức Thế Tôn từ lâu nói một nghĩa giải thoát, các Ngài đã chứng được pháp đó đến nơi Niết bàn, mà nay Đức Thế Tôn lại tuyên bày tri kiến Phật, cho là sự hướng dẫn tu chứng quả vị như thế chỉ là phương tiện để đạt đến “Tri kiến Phật”.

        “Khi ấy Ngài Xá Lợi Phật biết lòng nghi của bốn chúng, chính mình cũng chưa rõ, liền bạch Phật rằng : “Bạch Thế Tôn ! Nhân duyên gì mà Phật ân cần khen ngợi pháp phương tiện thứ nhất nhiệm mầu rất thâm sâu khó hiểu của các Đức Phật. Con từ trước đến nay chưa từng nghiệp Phật nói điều đó. Hôm nay bốn chúng đều có lòng nghi, cúi xin Đức Thế Tôn nói hết cho việc đó”.

        “Khi đó Đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất : Thôi, thôi ! Chẳng nên nói nữa, nếu nói việc đó tất cả trong đời trời, người đều kinh sợ nghi ngờ”.

        Tại sao Đức Thế Tôn vừa khen ngợi trí tuệ Phật thậm thâm vi diệu, nhưng khi Ngài Xá Lợi Phất hỏi, Ngài lại bảo thôi ba lần như vậy ?

        - Bảo thôi lần thứ nhất là vì “Tri kiến Phật” chẳng thể dùng ngữ ngôn tuyên bày được. Chỉ mong chúng hội tự nhận biết, chẳng nên trụ chấp nơi quả vị tu chứng và phương tiện ngữ ngôn.                   

        - Bảo thôi lần lần thứ hai là vì Xá Lợi Phất nhận thấy bậc trung căn còn vướng mắc khó ngộ được diệu lý cao siêu nên thỉnh cầu Phật thuyết. 

-        Bảo thôi lần thứ ba là để cho những kẻ muốn nghe Diệu pháp phát khởi sự  tha thiết mong cầu và cũng để cho những kẻ không muốn nghe rời khỏi chúng hội, tránh cho họ phát khởi sự huỷ báng mà vùi lấp “Tri kiến Phật” ở nơi họ.           

        Việc thâm nhập pháp Phật không phải dễ dàng. Điều cần yếu là chính người nghe pháp phải hết sức tha thiết mong cầu.

        Xưa kia Ngài Huệ Khả đứng suốt đêm để tuyết ngập đến thân mình mà vẫn tươi tỉnh mong cầu Tổ Đạt Ma truyền tâm pháp.

Tổ bảo : “Ông cầu gì mà khổ hạnh như thế ? ”

Huệ Kha thưa :

“Xin Hoà thượng mở lòng đại bi dạy cho con pháp môn cam lồ để tu hành”.

Tổ bảo : “Pháp Phật cao siêu với khổ hạnh cỏn con ấy làm sao thấu được”.

Đứng suốt đêm tuyết ngập đến lưng mà cho là khổ hạnh cỏn con.

Còn chúng ta giờ đây thế nào ?

Nghe pháp là nghe cho vui.

       Lúc nào cũng nói rỗng rang tự tại, nhưng đối với cảnh duyên thì buông trôi dật dờ theo nó.

Nói tâm như thì cảnh như, nhưng có bao giờ ta được tâm như.

      Nói Bồ Tát thì việc gì cũng làm, làm mà xem như không làm, nhưng đến khi nhúng tay vào việc thì đầy dẫy lòng tham lam, sân hận, si mê và phiền não bao quanh.

      Chúng ta suốt ngày dong ruổi theo trần lao nhơ nhiễm, đâu có giờ nào để quay lại để nghe tiếng huyền diệu của chân tâm.

Có đến Chùa lễ Phật tụng kinh, ngồi thiền, sám hối, thì mong cầu phước báo.

- Nếu gặp duyên lành nghe được vài ba bộ kinh thì tự ngôn chứng Thánh.         

      - Nếu gặp được môi trường học hỏi Phật pháp thì học chữ nghĩa thật nhiều. Nói ra toàn là chữ nghĩa để khoe mình là thâm hiểu được nhiều kinh điển.           

      Cách Phật đã xa, khó tìm người không vướng cấp ngữ ngôn, văn tự mà tìm sâu lý đạo, để sống với lý đạo ấy. Việc thấu rõ giáo pháp Đại thừa vô cùng khó khăn. Nếu dùng ngôn ngữ, thì ngôn ngữ chỉ là phương tiện. Nếu dùng chữ viết thì chữ viết đâu chở nổi điệu lý cao siêu.

Nếu dùng quả vị tu chứng thì quả vị tu chứng chỉ là bậc thang hữu hạn.

      Điều cần yếu là chúng ta phải rỗng rang như : “Theo gió tiếng còi luồn bụi trúc” mới không bị vọng thức đánh lừa, mới không bị chữ nghĩa trói buộc.

      “Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng : Thưa Thế Tôn ! Cúi xin nói đó, cúi xin nói đó. Nay trong hội này hạng người sánh bằng con có trăm nghìn muốn ức, đời đời đã từng theo Phật học hỏi. Những người như thế chắc hay kính tin, đêm dài an ổn, nhiều điều lợi ích”.

      Như vậy Ngài Xá Lợi Phất đã dùng Túc mạng thông mà nhìn nhận rằng đa số chúng hội từ  thuở lâu xa đã nơ sự giáo hoá của chứ Phật, nay quyết lòng kính tin, xin Phật thương xót thuyết cho. Vì chúng con như kẻ đêm dài không lối, rất mong Phật đem ánh sáng trí tuệ ban cho, chúng con sẽ đặng nhiều lợi ích.

      “Bây giờ Đức Thế Tôn bão Ngài Xá Lợi Phất : Ngươi đã ân cần ba phen thưa thỉnh đâu đặng chẳng nói, người hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ nhớ đó. Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải nói”.

      “Bấy giờ trong hội có các Tỳ khéo, tỳ khéo ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, cả thảy 5.000 người liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui ra”.

      - Tại sao lại có trường hợp ra về như thế ? Vì đó là những người tội căn sâu nặng, gốc tin chưa bền chắc, cội đức chưa sâu dày, nên đối với giáo pháp Đại thừa chưa có thể thâm nhập và họ tự biết không thể nào nhận lãnh giáo pháp thận thâm ví điệu này được, nên đã tự rút lui, và Đức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản.                     

      - Sự ra về và yên lặng không ngăn cản của Đức Thế Tôn có một ý nghĩa thâm sâu và nhằm phó chúc cho kẻ kế thừa phải biết sức mình và phải biết đúng thời, đúng lúc, tùy nhằm đối tượng mà truyền trao giáo pháp Tối thượng thừa.                     

      Sau đó, Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng : “Vâng, thưa Thế Tôn con nguyện ưa muốn nghe”.

      Đức Thế Tôn lại bão : “Xá lợi Phất ! Các Đức Phật theo thời nghi nói pháp ý thú khó hiểu. Vì sao ? Ta dùng vô số phương tiện, các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường, phân biệt mà có thể biết được. Duy có các Đức Phật mới có thể biết thôi. Vì sao ? Vì các Đức Phật Thế Tôn chỉ do một đại sự nhân duyên mới hiện ra nơi đời”.

      “Các Đức Thế Tôn vì muốn khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến mà hiện ra nơi đời”.

      Vì “Tri kiến Phật” vi diệu khó lường, không thể dùng ngữ ngôn, văn tự để tuyên bày được. Vì “Tri kiến Phật” vô thỉ, vô chung, thường hằng viên mãn ở nơi chúng sinh nhưng bị các món phiền não vô minh che khuất. Chư Phật đã thấy biết, nên phát khởi nguyện lực đại từ, đại bi, mà thị hiện, khai phá và chỉ dạy cho chúng sinh biết được cái thể tính thâm diệu nhất như. Cái “Tri kiến Phật” viên mãn mà chúng sinh cùng Phật vốn đồng.

Khai thị là các vấn đề của chư Phật.

Ngộ nhập là vấn đề của chúng ta.

Muốn ngộ nhập trước hết chúng ta phải liễu tri về “Tri kiến Phật”.

Thường ngày chúng ta sống với “Tri kiến lập tri”

Thấy biết vạn pháp rồi dấy niệm theo sự thấy biết nơi vạn pháp ấy.

      Thí dụ : Nhìn hoa hồng, ta cho hồng này đẹp, sinh tâm ưa thích và muốn chiếm hữu. Nhưng khi chiếm hữu không được ta lại phát khởi sự đau buồn, do đó sinh ra nghiệp cấu vô minh.

      Nhưng nếu nhìn hoa hồng, biết là hoa hồng. Giống như cảnh hiện trước gương, gương liền cho cảnh, nhưng cảnh dời đi, gương chẳng lưu hình.

Đó là “Tri kiến vô kiến” hay gọi là “Tri kiến Phật”.

     - Nếu ta đối cảnh không sinh tình thì tâm liền rỗng rang vắng lặng. Tâm đã rỗng rang thì mặt trời huệ tự chiếu.             

      Như thế, Đức Thế Tôn thị hiện nơi đời là chỉ vì muốn khai thị cho chúng sinh ngộ nhập vào “Tri kiến Phật”.

      Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất : “Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh nói pháp, không có các thừa khác, hoặc hai hoặc ba”.

      Nghĩa là chư Phật chỉ giáo hoá cho chúng sinh giác ngộ thành Phật chứ không làm một việc nào khác. Nếu có thuyết ra hai hoặc ba thừa cũng chỉ là phương tiện để dẫn đến Phật thừa. Hơn nữa Nhị thừa hay Đại thừa cũng chỉ là giả lập để thẳng tiến đến “Nhất thừa” nên “pháp của chư Phật ở mười phương cũng như thế”.

      Chư Phật thuở quá khứ, hiện tại và vị lai đời đời cũng chi đem tri kiến Phật chỉ bày cho chúng sinh tỏ ngộ và thể nhập.

      Tại sao chư Phật lại chỉ nhằm một mục đích ấy ? Vì chư Phật đã rõ biết chúng sinh đều có tri kiến phật.

      Chỉ khổ là làm thế nào tri kiến của chúng sinh, tri kiến Nhị thừa trong mỗi chúng sinh trở thành tri kiến Phật.

      Đức Thế Tôn lại bảo : “Xá Lợi Phất ! Các Đức Phật hiện ra trong đời ác năm trước, nghĩa là kiếp trước, phiền não trước, chúng sinh trước, kiến trước, mạng trước. Như thế Xá lợi Phất ! Lúc kiếp loạn trước chúng dinh phiền não nặng, bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét, trọn nên các căn chẳng lành. Cho nên Đức Phật dùng sức phương tiện nơi một Phật thừa, phân biệt nói thành ba”.

      Chúng sinh ở một kiếp ô trược bị bụi ơi phủ lập cái chân trí của mình, vì chấp lấy sự  thấy biết sai lầm, vì đời sống quá nghiêng về dục lạc, và quá nhiều phiền não  mà căn trí hạ liệt “nam điều nan phúc” nên Đức Thế Tôn lập ra ba thừa để dẫn dụ.

      Nếu đã lập Tam thừa để dẫn dụ tiến đến Nhất thừa “Nhưng trong hàng Thanh văn, Duyên giác, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào mà cho mình đã chứng đạt đến quả vị Niết bàn mà tự trụ vào quả vị đó. Chẳng thấu rõ rằng những quả vị tu chứng như vậy chỉ là phương tiện để tiến đến Nhất thừa, thì những hạng người như trên chẳng phải là đệ tử  Phật, cũng chẳng thật chứng quả của Nhị thừa, trừ  sau khi Phật diệt độ và hiện tiền không Phật. Lời nói của Đức Thế Tôn không bao giờ hư vọng, không có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa thôi”.

      Phần trùng tụng một lần nữa Đức Thế Tôn đã ân cần bảo cho muôn loài biết rằng : bản nguyện của Ngài muốn cho chúng sinh đồng như Ngài không khác.

Phật tự trụ Đại thừa

Đúng như pháp đã chứng

Định, huệ, lực trang nghiêm

Dùng đây độ chúng sinh

Tự chứng đạo vô thượng

Pháp Đại thừa bình đẳng

Nên dùng Tiểu thừa độ

Nhẫn đến chừng một người

Thời ta đoạ xan tham.

      Thật tuyệt diệu làm sao tâm đại từ, đại bi của chư Phật, các Ngài đã đem chỗ mình giác ngộ truyền trao cho mọi người cũng giác ngộ như mình.

      Tuy nhiên không phải một sớm một chiều mà chúng sinh trong đời ác ngũ trước nhận chân được giáo nghĩa Đại thừa ... nên đối với kẻ :

” Trong nghìn muôn ức kiếp

Chẵng nghe danh tự Phật

Người như thế khó độ

Cho nên Xá Lợi Phất

Ta vì lập phương tiện

Nói các đạo dứt khổ

Chỉ có là Niết bàn

Cũng chẳng phải thiệt diệt

Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng ( tịch diệt )

Phật tử hành đạo rồi

Đời sau đặng thành Phật

Ta có sức phương tiện

Mở chỉ pháp ba thừa”.

Ở đây một lần nữa phần trùng tụng có dịp phân tích về câu :

“Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng” ( tịch diệt )

Như trong phần trường hàng đã nói dùng trí tuệ Bát Nhã để xét soi thì rõ ràng :

“Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng” ( tịch diệt )

      Thông thường thì chúng ta xét soi các pháp thay đổi theo thời gian và không gian. Sinh, trụ, dị, diệt luân chuyển mãi không thôi.

      Tại sao nói là tích diệt ? Bởi vì tướng sinh, trụ, dị, diệt luân chuyển hay vô thường, đó là tướng duyên hợp. Vì tướng duyên hợp nên nó bị thay đổi theo thời gian và không gian. Còn tướng tịch diệt, đó là nói về “tánh” của “tướng”.

      Đó là “chân thật tướng” phi ngôn ngữ và văn tự. Nên xưa kia có một Thiền sư khi đọc đến hai câu :

“Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng”

      Ngày xưa suy nghĩ, chợt một hôm cảnh trời Xuân tươi mát, muôn hoa rộ nở, chim hoàng oanh hót trên cành liễu rũ, trực ngộ được diệu lý cao siêu.

Ngài lập lại :

“Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng anh đề liễu thượng”

Dịch :

“Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng ( tịch diệt )

Xuân đến trăm hoa nở.

Hoàng anh cành liễu hót”

      Với ý nghĩa tự tánh của các pháp từ xưa đến nay là tịch diệt. Nhưng đủ duyên ứng hợp mà có cảnh mùa Xuân đến, trăm hoa đua nở, chim hoàng anh hót trên cành liễu.

      Chim hót, hoa nở, mùa Xuân đến, đó là sự đổi thay theo duyên hợp. Thể của các pháp vẫn tịch diệt, vượt ngoài tướng trạng, vượt khỏi ý niệm suy lường.

      Nếu chúng ta mê chấp, nhận lầm các tướng do duyên hợp cho nó là chân thật, thì khi nó bị huỷ hoại theo duyên, lập tức ta hoảng hốt, tưởng chừng nó mất rồi.

      Cũng vậy, sống chết là chuyện của duyên, đâu có ảnh hưởng gì đến cái “bản lai diện mục” hay cái “chân tính thường hằng” của chúng ta. Thế mà chúng ta lận đận vì nó. Nếu chúng ta dùng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

      Xưa kia, cư sĩ Long Uẩn đời Đường, niên hiệu Trinh Nguyên ( khoảng 785 T.L) sau khi được Ngũ Tổ truyền trao tâm pháp, ông cất một thất nhỏ tu hành, đến lúc sắp tịch, ông bảo cô con gái là Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ chưa vào nhà cho ông biết. Linh Chiếu ra xem vào thưa : mặt trời đúng ngọ mà có nhật thực. Ông ra cửa xem, Linh Chiếu lên toà của ông ngồi, rồi kiết già chấp tay thị tịch.

Ông vào xem thấy, cười nói :

- Con gái ta lanh lợi quá !.

Ông bèn chậm lại 7 ngày sau.

Châu Mục Vu Công đến thăm bệnh.

      Ông bảo : Chỉ mong các cái đều không dè dặt, các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.

Nói xong, ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà thị tịch.

Bà vợ ông hay được, bà nói :

“Con gái ngu si, với ông già vô trí, không báo tin mà đi sao đành vậy ?

Bà đến báo tin cho con trai ở ngoài đồng ruộng, bà nói :

- Long Công với Linh Chiếu đi rồi con.            

Người con trai đang bừa đáp : Dạ !

Rồi lặng thinh giây lâu bèn đứng mà thị tịch.

Bà nói : Thằng này sao ngu si lắm vậy !

Lo thiêu con xong, bà từ biệt thân thuộc rồi biệt tích.

      Đó câu chuyện của Long Uẩn đã cho chúng ta thấy rõ chuyện sống chết rất bình thường.

Một khi chúng ta đã giác ngộ thì làm gì không thoát ly sinh tử, luân hồi.

      Do vậy, trong vô lượng, vô số kiếp, các Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện để độ thoát chúng sinh vào nơi Phật đạo.

      Các Ngài biết rõ tánh dục của mỗi loài mà tuỳ theo đó để dìu dắt chúng đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

      Thuở quá khứ, với chúng sinh ưa tu lục độ, ưa xây tháp cúng dường, nhẫn đến đồng tử giỡn chơi lấy cát nhóm thành tháp Phật đều được chư Phật thời đó giáo hoá vào nơi Phật đạo. Hoặc có kẻ dựng hình tượng, dùng hoa hương để cúng dường, nhân đến có kẻ lòng tán loạn vào nơi pháp miếu mà xưng “Nam mô Phật” đều đã thành Phật đạo. Ở quá khứ ai đã làm như thế đều đã vào Phật đạo. Bây giờ chúng ta thử xem chúng ta đã làm như thế chưa? Chúng ta có tin mình sẽ thành Phật chăng ?

      Xưa đã có người làm như thế và đã thành Phật. Nay chúng ta cũng sẽ làm như thế, chúng ta phải vững tin rằng chúng ta sẽ thành Phật.

      Các Đức Phật đời vị lai cũng như thế. Nếu có người nghe pháp này đều sẽ thành Phật cả.

      Các Đức Thế Tôn đều thấy rõ các pháp thường không tánh, nghĩa là ư tánh vốn không, nến tướng của nó không ở dạng nào nhất định. Tất cả đều giả lập theo duyên tác thành.

      Các Đức Thế Tôn cũng thấy rõ hạt giống vô lậu hay hạt giống Phật đều sẵn có nơi chúng sinh, nhưng bị vô minh che khuất. Nếu đúng thời cơ, mưa pháp thấm nhuần hạt giống vô lậu ấy sẽ nẩy mầm.

Do vậy, chư Phật vì chúng sinh mà nói lý Nhất thừa.

“Các Phật lưỡng túc tôn

Biết pháp thường không tánh

Giống Phật theo duyên sinh

Cho nên nói Nhất thừa

Pháp đó trụ ngôi pháp

Thế gian tướng thường trụ”.

      Pháp đó chỉ cho “Nhất chân thật tướng pháp giới” mà chư  Phật đã chứng biết. “Nhất chân thật tướng pháp giới” ấy thường trụ ở ngôi vị các pháp sai biệt của tất cả thế gian và xuất thế gian.

      Và tướng chân thật thường trụ của thế gian chỉ có Phật ở chốn đạo tràng mới chứng biết.

      - Chính vì thấy rõ một cách rốt ráo về nhân hạnh Phật thừa của chúng sinh vốn sẵn có mà các Đức Phật mới dùng phương tiện dìu dắt chúng sinh đạt đến lý Nhất thừa.

      - Chính Đức Thế Tôn xưa ngồi nơi đạo tràng xem cây và kinh hành trong 21 ngày, Ngài đã suy nghĩ là nên y theo tất cả chư Phật thuở quá khứ mà dùng sức phương tiện dìu dắt chúng sinh.

“Suy nghĩ việc đó rồi

Liền đến thành Ba Nại

Các pháp tướng tịch diệt

Không thể tỏ bằng lời

Bèn dùng sức phương tiện

Vì năm Tỳ kheo nói

Đó gọi chuyển pháp luân

Bèn có tiếng Niết bàn

Cùng với A La Hán

Tên pháp, Tăng sai khác

Từ kiếp xa xưa nay

Dứt hẳn khổ sống chết

Ta thường nói như thế”.

      Mãi cho đến khi Đức Thế Tôn thất căn cơ của chúng hội quyết chí cầu Phật đạo. Bây giờ là lúc phải thời để nói pháp vi diệu. Người nghe được pháp này giống như hoa linh thoại, loài hoa sen vàng lớn như bánh xe, chỉ khi nào có vị Kim Luân Vương ra đời, thiên hạ mới thấy một lần.

      Người nghe pháp khó như vậy, mà lãnh hội được càng khó hơn. Vì pháp này là tạng bí yếu của chư Phật. Trong đời ác năm trước, chúng sinh si mê, tham dục, khó mà tin nhận được ...

      Người không tin nhận thì không nên thuyết, vì không tin nên họ sẽ phá pháp mà rơi vào ba đường dữ. Tại sao phá pháp lại rơi vào ba đường dữ ? Bởi vì pháp vi diệu đây chính là “Tri kiến Phật” của mỗi chúng sinh. Phá pháp là không tin mình có tri kiến Phật, là tự vùi chôn Phật tánh của mình, không rơi ba đường dữ sao được.

      Nếu gặp người biết hổ thẹn, biết giữ giới luật trong sạch và quyết chí cầu Phật đạo, mà chẳng cầu gì khác thì nên vì chúng sinh như thế rộng nói pháp này.

“Người ác đời sẽ tới,

Nghe Phật nói Nhất thừa,

Mê lầm không tin nhận,

Phá pháp đoạ đường dữ,

Người tâm quý trong sạch,

Quyết chí cầu Phật đạo,

Nên vì bọn người ấy,

Rộng khen đạo Nhất thừa”.

      Như vậy phần trùng tụng, Đức Thế tôn đã tuyên bày lại cho chúng hội việc làm của chư Phật trong ba đời ; quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ đem pháp Nhất thừa mà hoá độ chúng sinh.

      Những kẻ pháp tâm tu lục độ xây tháp cúng dường, đắp vẽ, tán tụng, cho đến kẻ tán tâm loạn tưởng “Nam mô Phật” đều đã thành Phật. Quá khứ đã như thế, hiện tại, vị lai đều như thế. Chúng ta tự xem xét lại mình đã có gieo chút ít nhân lành như người ở quá khứ chưa ? Vậy chúng ta có tự tin rằng mình sẽ thành Phật chăng ? Chúng ta có tin là chúng ta sẽ ngộ nhập được tri kiến Phật chăng ?

      Chúng ta tin chắc rằng chúng ta sẽ thành Phật. Chúng ta tin chắc rằng chúng ta sẽ ngộ nhập Tri kiến Phật, vì chúng ta có hạt giống Phật. Hạt giống ấy chỉ chờ cơn mưa pháp đúng thời, đúng lúc sẽ nẩy mầm. Đó làm niềm tin vững chắc, chỉ có niềm tin vững chắc như thế chúng ta mới có thể ngộ nhập được diệu lý của Pháp Hoa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com