Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Phẩm Chúc Lụy [1]

21/05/201312:07(Xem: 10539)
13. Phẩm Chúc Lụy [1]

Kinh Tâm Địa Quán

13. Phẩm Chúc Lụy [1]

Thượng tọa Thích Tâm Châu

Nguồn: Thượng tọa Thích Tâm Châu

Bấy giờ, Đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ và vô số đại-chúng trong hải-hội rằng: "Tôi ở trong vô-lượng ức trăm nghìn đại-kiếp, không tiếc thân-mệnh, đầu mắt, tay chân, máu thịt, xương-tủy, vợ con, đất nước, thành-quách, hết thảy ngọc báu, có ai lại xin Tôi, Tôi đều đem bố-thí và Tôi tu-tập trăm nghìn hạnh khổ khó làm mà chứng được tâm-địa-quán-môn của Đại-thừa này. Nay Tôi đem pháp này phó-chúc cho các ông, các ông nên biết kinh rất sâu rộng này, các bậc được Thập-lực vô-thượng trong mười phương ba đời [2] đều tuyên thuyết. Kinh báu nhiệm-mầu tối-cực như thế, làm cho hữu-tình được mọi sự lợi-lạc. Trong tam-thiên đại-thiên thế-giới, quốc-độ chư Phật trong mười phương này, có vô-biên các loại hữu-tình, chúng-sinh trong bàng-sinh, ngã-quỷ, địa-ngục, do nhờ sức uy-thần, công-đức thù-thắng của kinh Đại-thừa Tâm-Địa-Quán này, mà làm cho họ khỏi các khổ-não, được hưởng sự an-vui. Năng-lực của kinh và phúc-đức khó nghĩ bàn được như thế, làm cho đất nước sở-tại vui-thịnh, không có oán-địch. Ví như có người được ngọc Như-ý để trong nhà, hay sinh ra hết thảy đồ vui nhiệm-mầu, kỳ-lạ; kinh báu nhiệm-mầu này cũng như thế, hay làm cho quốc-giới được an-vui vô-tận. Cũng như cái trống Mạt-ni trên cõi trời Tam-thập-tam thiên (Đao-lỵ-thiên) hay phát ra trăm nghìn âm-thanh, làm cho thiên-chúng ở đấy hưởng-thụ mọi sự khoái-lạc; trống pháp của kinh này cũng như thế, hay làm cho quốc-giới được an-vui tối-thắng. Bởi nhân-duyên ấy, đại-chúng các ông trụ trong đại-nhẫn-lực mà lưu-thông kinh này!" [3]
Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai hiếm có! Đấng Thiện-thệ hiếm có! Nên Ngài mới nói ra kinh Đại-thừa Tâm-Địa-Quán nhiệm-mầu sâu-rộng này, đem lại lợi-ích rộng lớn cho người tu-hành Đại-thừa. Dạ, bạch Thế-Tôn! Kinh này thực là sâu-nhiệm! Vậy, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào thụ-trì kinh này, cho đến chỉ một bài bốn câu kệ, thời những người như thế được bao nhiêu phúc?"
Đức Thế-Tôn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: "Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào trong Hằng-hà-sa tam-thiên đại-thiên thế-giới đầy-dẫy bảy báu mà họ dùng đem cúng-dàng chư Phật ở mười phương; họ vì mỗi một đức Phật tạo-lập một tinh-xá bằng bảy-báu trang-nghiêm, đặt để đồ cúng-dàng Phật và Bồ-tát đủ Hằng-sa kiếp; các Như-Lai kia còn có vô-lượng đệ-tử Thanh-văn, họ cũng đem cúng-dàng các vị ấy hết thảy những đồ cần-dùng, như cúng Phật không khác. Các đức Phật và các vị Thanh-văn như thế sau khi nhập Niết-bàn, họ lại xây bảo-tháp lớn, cúng-dàng xá-lỵ. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào tạm nghe và tin, hiểu một bài bốn câu kệ trong kinh Tâm-Địa này, phát tâm Bồ-đề, thụ-trì, đọc, niệm, giải-thuyết, viết chép, cho đến hết sức ít là vì một người mà nói cho họ nghe, đem những công-đức cúng-dàng kia, so-sánh với công-đức thu được về thuyết kinh này, thời trong mười sáu phần kia cũng không bằng một phần này và cho đến toán-số, thí-dụ cũng không thể sánh-kịp được, huống là người thụ-trì, đọc tập đầy-đủ và rộng-rãi vì người mà nói, thời chỗ phúc-lợi thu về không thể hạn-lượng được.
Nếu có nữ-nhân phát tâm bồ-đề, thụ-trì, học tập, viết chép, giải-thuyết kinh Tâm-Địa này, nữ-nhân ấy chỉ phải làm thân nữ-nhân lần tối-hậu này thôi, sau đây không phải chịu thân nữ-nhân nữa và không phải sa-đọa vào ác-đạo cùng tám nạn. Và, thân trong đời này cảm được mười phúc thắng-lợi: Một là, thọ-mệnh tăng thêm. Hai là, trừ mọi bệnh não. Ba là, diệt-trừ nghiệp-chướng. Bốn là, phúc-đức trí-tuệ tăng bội. Năm là, không thiếu tiền của. Sáu là, da-dẻ mịn-bóng. Bảy là, được người yêu kính. Tám là, được con hiếu-dưỡng. Chín là, quyến-thuộc hòa-mục. Mười là, thiện-tâm bền-vững. [4]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Ở nơi này, nơi khác, nếu ai hoặc đọc tập, hoặc phúng-tụng, hoặc giải-thuyết, hoặc viết chép kinh này thời chỗ để kinh quyển này tức là tháp Phật, hết thảy Thiên, Nhân, phi-nhân…nên đem những đồ trân-bảo quý nhất trong nhân-gian, thiên-thượng mà cúng-dàng nơi ấy. Sở-dĩ thế là sao?- Vì, nơi để kinh sách này tức là có Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn ở đó. Sao vậy?- Vì, hết thảy Như-Lai tu-hành kinh này, bỏ thân phàm-phu, được vô-thượng chính-đẳng chính-giác, hết thảy Hiền-thánh cũng đều từ kinh này mà được giải-thoát. [5]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Sau khi Tôi nhập Niết-bàn năm trăm năm, lúc chính-pháp sắp diệt, nếu có Pháp-sư [6] nào thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, viết chép kinh Tâm-Địa này, là kinh đứng đầu trong mọi kinh, thời Pháp-sư ấy cùng Tôi không khác. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào cúng-dàng, tôn-trọng vị Pháp-sư ấy, tức là cúng-dàng hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời và phúc-đức được hưởng, đều bình-đẳng như một không hai. Thế gọi là "Chân-pháp cúng-dàng Như-Lai" và như thế gọi là "Chính-hạnh cúng-dàng". Sở-dĩ thế là sao?- Vì, vị Pháp-sư ấy, ở trong thời-gian không có Phật, vì chúng-sinh tà-kiến trong đời ác-trược mà diễn nói ra Tâm-Địa kinh-vương rất sâu rộng này, khiến chúng-sinh bỏ ác-kiến, đi về đạo Bồ-đề và tuyên-truyền, lưu-bá rộng-rãi, làm cho giáo-pháp này lâu bền tại thế-gian. Như thế gọi là "Vô-tướng hảo Phật" (vị Phật không có tướng tốt), hết thảy Nhân, Thiên đều nên cúng-dàng. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào chắp tay cung-kính vị Pháp-sư ấy, Tôi thụ-ký cho Vô-thượng đại-bồ-đề và người ấy sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [7]
Nếu người được nghe kinh Tâm-Địa này, vì báo tứ ân, phát tâm bồ-đề, hoặc tự mình viết, hay mượn người viết, hoặc đọc niệm thông-lợi, chỗ được phúc-đức của các người như thế, đem sức trí-tuệ của Phật mà tính lường là nhiều hay ít cũng không thể biết được đến đâu là biên-giới, những người ấy là con thực (chân-tử) của chư Phật. Hết thảy chư Thiên, Phạm-Vương, Đế-Thích, Tứ-đại-thiên-vương, năm trăm quyến thuộc Ha-lỵ-đế-mẫu, [8] Nễ-la-bạt-đa đại-quỷ-thần-vương (Đại-dược-xoa-thần), Long-thần tám bộ, [9] hết thảy các quỷ-thần nghe pháp ngày đêm không rời và thường sẽ ủng-hộ. Phật-tử như thế, tăng-trưởng chính-niệm, trí-tuệ, cùng biện-tài vô-ngại và thường thường giáo-hóa chúng-sinh, khiến họ vun-trồng nhân Phật. [10]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân như thế khi sắp mất, hiện-tiền được thấy chư Phật mười phương, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không loạn. Bắt đầu được mười thứ thân-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, thân không thụ khổ. Hai là, ngươi mắt không lộ. Ba là, tay không cựa-cậy. Bốn là, chân không co, duỗi. Năm là, đại, tiểu-tiện không rỉ ra. Sáu là, thân-thể không toát bồ-hôi. Bảy là, không sờ mó ngoài. Tám là, nắm tay xòe mở. Chín là, nét mặt không đổi. Mười là, quay nghiêng tự-như. Do năng-lực của kinh mà có những tướng như thế! Thứ nữa được mười thứ ngữ-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, nói ra lời nói nhiệm-mầu. Hai là, nói ra lời nói dịu-dàng. Ba là, nói ra lời nói tốt-lành. Bốn là, nói ra lời nói thích nghe. Năm là, nói ra lời nói tùy-thuận. Sáu là, nói ra lời nói lợi-ích. Bảy là, nói ra lời nói uy-đức. Tám là, nói ra lời nói không trái với họ-hàng. Chín là, nói ra lời nói Nhân, Thiên yêu-kính. Mười là, nói ra lời nói khen-ngợi lời Phật nói. Lời nói thiện như thế, đều do nơi kinh này mà được! Sau nữa, được mười thứ ý-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, không sinh giận-bực. Hai là, không mang lòng kết-hận. Ba là, không sinh tâm bỏn-sẻn. Bốn là, không sinh tâm ghen-ghét. Năm là, không nói lỗi ác. Sáu là, không sinh tâm oán-hận. Bảy là, không sinh tâm điên-đảo. Tám là, không tham mọi vật. Chín là, xa-lìa bảy thứ khinh-mạn. Mười là, mong-muốn chứng được hết thảy Phật-pháp, viên-mãn tam-muội. [11]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Những công-đức như thế, đều do năng-lực khó nghĩ, bàn được trong sự thụ-trì, đọc-tập thông-lợi, giải-thuyết, viết chép kinh sách sâu-nhiệm này. Kinh Tâm-Địa này, trong vô-lượng chỗ, trong vô lượng thời, có những chúng-sinh không được nghe, huống là được thấy và tu-tập đầy-đủ? Đại-hội các ông nên nhất tâm phụng-trì, sẽ chóng xả được thân phàm-phu, thành Phật-đạo.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vô-lượng Đại-bồ-tát, Trí-Quang Bồ-tát, nhiều vị Tân-phát-ý Bồ-tát, A-nhã-kiều-trần-như cùng nhiều vị Đại-thanh-văn, thiên, long tám bộ, nhân, phi-nhân-chúng, hết đều nhất tâm thụ-trì lời Phật và đều hoan-hỷ, tín-thụ phụng-hành. [12]

TOÁT-YẾU
XIII.- PHẨM CHÚC-LỤY

Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Văn-thù, các Đại-bồ-tát khác cùng đại-chúng: "Trong vô-lượng đại-kiếp Tôi hỷ-xả thân-mệnh, tu nhiều hạnh khó làm, mà chứng được quán-môn tâm-địa của Đại-thừa này. Nay Tôi đem pháp này phó-chúc cho các ông. Các ông nên biết kinh này chư Phật trong mười phương ba đời từng nói. Kinh này rất quý báu, làm cho chúng-sinh trong 6 đạo khỏi khổ, được vui, làm cho đất nước sở-tại giàu-thịnh. Các ông nên trụ trong đại-nhẫn-lực mà lưu-thông kinh này!".
Đại-bồ-tát Văn-thù bạch Phật: "Bạch đức Thế-Tôn! Nếu có người thụ-trì kinh này, cho đến chỉ trì được bốn câu kệ, người ấy được phúc thế nào?"
Đức Phật bảo: "Nếu có người tạm nghe, tin hiểu 4 câu kệ, phát tâm bồ-đề, thụ-trì, đọc niệm, giải-thuyết, viết chép, cho đến nói cho một người nghe thời công-đức ấy hơn 16 phần công-đức cúng-dàng đầy-đủ chư Phật, Bồ-tát, Thanh-văn trong mười phương trọn Hằng-sa kiếp. Còn người thụ-trì đầy-đủ thời phúc-lợi không thể kể xiết được.
"Nếu nữ-nhân thụ-trì đầy-đủ, đời sau không phải làm thân nữ-nhân, không phải sa-đọa vào 3 đường ác, tám nạn và, đời hiện-tại được 10 thắng-lợi: sống lâu, không bệnh, khỏi nghiệp-chướng, thêm phúc-trí, nhiều của, da đẹp, người yêu, con hiếu, họ hòa và thiện-tâm bền-vững".
"Nơi nào để kinh này được coi như là tháp Phật, Nhân, Thiên nên tới cúng-dàng vì nơi đó là có Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn. Sau khi Tôi nhập Niết-bàn 500 năm, có Pháp-sư nào thụ-trì, đọc tụng, giải-thuyết, viết chép kinh này, thời Pháp-sư ấy như Tôi không khác. Ai cúng-dàng vị Pháp-sư ấy tức là cúng-dàng chư Phật trong 10 phương ba đời và được công-đức cũng như vậy. Đó là "chân pháp cúng-dàng Như-Lai", là "chính hạnh cúng-dàng". Vị Pháp-sư ấy là "Vô tướng hảo Phật".
"Ai muốn báo đáp tứ-ân, phát tâm Bồ-đề, hoặc mình viết, mượn người viết, hoặc đọc niệm kinh này, được phúc-đức rất nhiều, dù đem trí-tuệ Phật mà suy-tính cũng không biết hết được. Người ấy là con chư Phật, được Thiên, Long, thiện-thần ủng-hộ, chính-niệm, trí-tuệ thêm lên, biện-tài vô-ngại. Khi sắp mất được thấy chư Phật trong mười phương, được 10 nghiệp thân thanh-tịnh, 10 nghiệp khẩu thanh-tịnh và 10 nghiệp ý thanh-tịnh.
"Những công-đức như thế, đều do năng-lực bất-tư-nghị trong việc thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, viết chép kinh Tâm-Địa này. Kinh này có nhiều nơi, nhiều thời chúng-sinh không được nghe, huống là được thấy, được tu-tập! Vậy, các ông nên nhất tâm phụng-trì, sẽ chóng xả thân phàm-phu và mau thành Phật-đạo!"
Khi ấy, các Đại-bồ-tát, các vị Bồ-tát mới phát tâm, các vị Đại-thanh-văn cùng vô-lượng Thiên long tám bộ, đều nhất tâm thụ-trì lời Phật và đều hoan-hỷ tín-thụ phụng-hành.
HẾT






CHÚ THÍCH

[1] Chúc-lụy: Có nghĩa là giao-phó công việc đang làm cho người sau gánh-vác, duy-trì và phát-triển, mà công việc ấy làm cho người được giao-phó phải quan-tâm, bận-bịu (phiền-lụy) tới.
[2] Thập lực… Mười lực của Như-Lai: 1/ Trí-lực hiểu biết chỗ đúng đạo-lý hay không đúng đạo-lý của sự-vật. 2/ Trí-lực biết nhân-quả nghiệp-báo 3 đời của chúng-sinh. 3/ Trí-lực biết các môn thiền-định, giải-thoát tam-muội. 4/ Trí-lực biết các căn thắng (hơn), liệt (kém) của chúng-sinh. 5/ Trí-lực biết mọi tri-giải (sự hiểu biết) của chúng-sinh. 6/ Trí-lực biết mọi cảnh-giới của chúng-sinh. 7/ Trí-lực biết được chỗ sẽ đến của mọi đường (đạo). 8/ Trí-lực biết dùng Thiên-nhãn không chướng-ngại. 9/ Trí-lực biết túc-mệnh vô-lậu. 10/ Trí-lực biết dứt hẳn tập-khí.
Đây là chỉ về sự hiểu biết của chư Phật trong 10 phương ba đời.
[3] Đoạn trên, từ chỗ "Bấy giờ" đến chỗ "kinh này", đức Phật nói về sự tu-hành của Ngài trong nhiều kiếp Ngài mới chứng được quán-môn Tâm-địa này, nay Ngài giao-phó cho đại-chúng, nên nhẫn-nhục cố-gắng truyền-bá kinh này cho tất cả, trong khắp nơi, đừng để mất, vì kinh này ở đâu, đem lại nhiều sự an-lạc cho nơi ấy.
[4] Đoạn trên, từ chỗ "Khi ấy", tới chỗ "bền vững", Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật về công-đức duy-trì kinh này, đức Phật dạy: "duy-trì kinh này được nhiều lợi-ích hơn cúng-dàng chư Phật, Bồ-tát, Thanh-Văn. Và, nếu nữ nhân nào duy-trì còn được thêm 10 thắng-lợi."
[5] Đoạn trên, từ chỗ "Ở nơi này", đến chỗ "giải-thoát", đức Phật nói kinh này để ở đâu cũng như tháp Phật ở đó, nên cúng-dàng.
[6] Pháp-sư: Danh-từ tôn-xưng những vị tinh-thông Phật-pháp, khả-dĩ làm khuôn thước cho người.
[7] Đoạn trên, từ chỗ "Sau khi", đến chỗ "chính-giác", đức Phật nói về công-đức của vị Pháp-sư duy-trì kinh này rất lớn, nên cung-kính cúng-dàng, cũng như Phật.
[8] Ha-lỵ-đế-mẫu: Ha-lỵ-đế (Hariti), Tàu dịch là "Hoan-hỷ". Ha-lỵ-đế-mẫu tức là quỉ tử-mẫu (mẹ con con thần-quỉ). Bộ-tỳ-nại-gia tạp-sự quyển 31 nói: "Xưa kia trong thành Vương-xá có một vị Độc-giác ra đời, mới thiết đại-hội. Trong ngày đại-hội có 500 người nghe biết, cùng nhau tới dự. Khi đi dọc đường họ gặp một người đàn bà chửa chăn bò, bưng thùng nhũ-lạc (sữa), họ rủ bà ấy đi dự hội. Bà kia đi theo. Tới nơi, thấy sự vui-vẻ, bà kia ra múa góp vui, không ngờ bị trụy thai. Thấy sự thể thế, những người kia bỏ đi, để mình bà đau-đớn, buồn rầu ở đó. Bà liền tìm bán thùng nhũ-lạc, mua được 500 quả Am-ma-la. Ngay lúc đó được vị Độc-giác tới thăm hỏi, an-ủi, bà liền đỉnh lễ, đem quả cúng-dàng và bà nguyện: "Tôi nguyện sau đây tôi sinh vào thành Vương-xá này ăn thịt hết những con của những người ở đây". Do ác-nguyện ấy mà sau này bà ấy sinh làm con gái cả của quỉ Sa-la-dược-xoa, trong thành Vương-xá, kết-hôn với Bán-chi-ca dược-xoa, con trai cả của Bán-xoa-la dược-xoa nước Kiền-đà-la, sinh được 500 con, hàng ngày cứ bắt những con trai, con gái thành Vương-xá ăn thịt. Một hôm, đức Phật dùng phương-tiện giấu một đứa con của quỉ-nữ đó. Quỉ-nữ buồn rầu, thương-xót đi tìm, biết là ở bên Phật, vào xin Phật, đức Phật bảo: "Ngươi có 500 con, còn thương một đứa con, huống là những người khác chỉ một, hai đứa lại không thương ư ? Ngay đó, đức Phật khuyên quỉ-nữ không nên sát sinh và trao-truyền cho ngũ-giới, thành Ưu-bà-di. Thụ-giới rồi, quỉ-nữ bạch: "Vậy, từ nay tôi không có trẻ con để ăn thì chết đói mất!". Đức Phật bảo: "Ngươi đừng lo, từ nay trở đi nơi nào có Thanh-văn đệ-tử của Ta, mỗi khi ăn cơm, gọi đến tên mẹ con ngươi, mẹ con ngươi sẽ được no đủ, nhưng mẹ con ngươi đối với trong giáo-pháp của Ta phải dốc lòng ủng-hộ nơi Già-lam cùng các Tăng-Ni!" Mẹ con con quỉ đều vui-vẻ".
[9] Tám bộ: 1/ Thiên. 2/ Long 3/ Dạ-xoa. 4/ Càn-thát-bà. 5/ A-tu-la. 6/ Ca-lâu-la. 7/ Khẩn-na-la. 8/ Ma-hầu-la-già.
[10] Đoạn trên, từ chỗ "Nếu người" đến chỗ "nhân Phật", đức Phật nói công-đức duy-trì truyền-bá kinh này trong việc báo tứ-ân.
[11] Đoạn trên, từ chỗ "Ông Văn-thù…." đến chỗ "Tam-muội", đức Phật nói về sự lợi-ích trong việc duy-trì, truyền-bá kinh này khi sắp chết được thấy chư Phật, được 10 thứ thanh-tịnh về thân, khẩu, ý-nghiệp.
[12] Đoạn trên, từ chỗ "Những công-đức như thế", đến chỗ "phụng-hành", đức Phật kết-thúc, khuyên đại-chúng nên nhất tâm tu-trì kinh này. Đại-chúng đều nhất tâm hoan-hỷ, phụng-trì.
Đến đây hết quyển thứ 8.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]