Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Nói Kinh Thất Tri

04/04/201320:02(Xem: 7476)
Phật Nói Kinh Thất Tri

Phật Nói Kinh Thất Tri

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Nguồn: Hán dịch: Ðời Ngô, nước Nguyệt Chi Tam Tạng Pháp sư Chi Khiêm

Nghe như vầy:

Ðức Phật du hóa tại rừng cây Kỳ Ðà, vườn Cấp Cô Ðộc, thành Xá Vệ. Ðức Phật bảo các Tỳ kheo, hãy nghe những lời giáo huấn từ đức Phật: “Có bảy pháp hướng đạo đệ tử, làm cho đời này được an ổn vui vẻ, đa hạnh, tinh tấn pháp quán khiến cho sự tu tập được cứu cánh. Những gì là bảy pháp?

1. Tri pháp.
2. Tri nghĩa
3. Tri thời.
4. Tri tiết.
5. Tự tri.
6. Tri chúng.
7. Tri nhân.

Này các Tỳ kheo, sao gọi là Tri pháp? Ðó có thể hiểu mười hai bộ kinh:

1. Văn.
2. Ca
3. Thuyết
4. Tụng
5. Thí dụ
6. Bổn khởi ký
7. Sự giải
8. Sanh truyện
9. Quảng bác
10. Tự nhiên
11. Hành
12. Chương cú.

Ðó là Tri pháp. Không hiểu mười hai bộ kinh là không Tri pháp.

Sao gọi là Tri nghĩa? Tất cả điều nói trong kinh pháp đều phải hiểu rõ ý nghĩa, đó là Tri nghĩa. Tất cả những điều nói ra đều không hiểu ý nghĩa, đó là không Tri nghĩa.

Sao gọi là Tri thời? Biết lúc này có thể dùng tịch diệt tưởng, lúc này không dùng Thọ hành tưởng, lúc này có thể dùng Thận hộ tưởng, đó là Tri thời. Không hiểu thời thích hợp để hành động, đó là không Tri thời.

Sao gọi là Tri tiết? Có thể ăn uống ít, làm đại tiểu tiện lợi, được tiêu hóa, có thể điều tiết sự ra vào, ngồi đứng, đi bộ, nằm, thức, nói, im phải kiểm thúc, soi xét. Ðó là Tri tiết. Không tự kiểm thúc soi xét là không Tri tiết.

Sao gọi là Tự tri? Tự biết thân mình, ý mình, biết mức độ nhiều ít về Trí, về Giới, về Văn, về Thí, về Huệ, về Giải, chỗ đạt được, chỗ đã thâm nhập hoặc sâu, cạn, dày, mỏng mọi việc đều phải tự biết. Ðó là Tự tri. Không biết ý mình thâm nhập mức độ nhiều ít, đó là không Tự tri.

Sao gọi là Tri chúng? Có thể biết chúng này hoặc chúng quân tử, hoặc chúng Lý gia, hoặc chúng Phạm chí, hoặc Sa môn, hoặc có lúc đến các chúng ấy, nên ngồi, nên đứng, nên nói hay nên im, phải biết tùy thời tùy nghi. Ðó là Tri chúng. Không biết tùy thời tùy nghi đối với các chúng kia là không Tri chúng.

Sao gọi là Tri nhân? Như có hai người, một người tin đạo, một người không tin đạo. Người tin đạo thì đáng khen ngợi, còn người không có lòng tin thì không đáng khen ngợi. Người tin đạo cũng có hai hạng: một người thì đến đạo tràng, thích Sa môn, một người thì không thường đến đạo tràng, trí biết sơ lược về Sa môn. Người thường đến thì đáng khen ngợi, người không thường đến thì không đáng khen ngợi. Người thường đến đạo tràng có hai loại: một người thì ái kính Sa môn, một người thì không ái kính Sa môn. Người ái kính thì đáng khen ngợi, người không ái kính thì không đáng khen ngợi. Người ái kính cũng có hai loại: một người thì gần gũi để học tập với Sa môn, một người thì không thân cận để học tập với Sa môn. Người thân cận học tập thì đáng khen ngợi, người không thân cận học tập thì không đáng khen ngợi. Người thân cận học tập cũng có hai loại: một người thì thích hỏi kinh pháp, một người thì không thích hỏi kinh pháp. Người thích hỏi thì đáng khen ngợi, người không thích hỏi thì không đáng khen ngợi. Người thích hỏi cũng có hai loại: một người thì lắng tai nghe, một người thì không lắng tai nghe. Người lắng tai nghe thì đáng khen ngợi, người không lắng tai nghe thì không đáng khen ngợi. Người lắng tai nghe cũng có hai loại: một người nghe pháp rồi thọ trì, một người thì nghe pháp rồi mà không thọ trì. Người nghe pháp rồi thọ trì thì đáng khen ngợi, người không thọ trì thì không đáng khen ngợi. Người thọ trì cũng có hai loại: một người nghe rồi suy tư nghĩa lý, một người nghe rồi không suy tư nghĩa lý. Người nghe mà suy tư nghĩa lý thì đáng khen ngợi, người nghe mà không suy tư nghĩa lý thì không đáng khen ngợi. Người nghe pháp mà suy tư nghĩa lý có hai loại: một người thuận theo kinh hiểu nghĩa, thọ pháp, thuận theo pháp mà an lập, một người thì không thuận theo kinh hiểu nghĩa, không thọ pháp, không thuận theo pháp mà an lập. Người thuận theo kinh hiểu nghĩa thì đáng khen ngợi, người không thuận theo kinh hiểu nghĩa thì không đáng khen ngợi. Người thuận theo kinh hiểu nghĩa có hai loại: một người chỉ tự an lạc cho mình mà không an lạc cho người khác, không an lạc cho nhiều người, không thương tưởng thế gian, không lợi cho thiên hạ; một người thì có thể tự làm an lạc cho mình, cũng làm an lạc cho người khác, an lạc cho mọi người trong thiên hạ, thương xót thế gian, lợi lạc an ổn nhơn thiên.

Này các Tỳ kheo, nên phân biệt và biết: người mà tự an lạc cho chính mình, có thể làm an lạc cho người khác, an lạc cho nhiều người trong thiên hạ, thương xót thế gian, lợi lạc an ổn cho thiên hạ, đó là người tối thượng, tối trưởng, tối tôn, rất tôn quý. Thí như từ bò sữa mà thành lạc, từ lạc làm thành tô, từ tô làm thành đề hồ. Ðề hồ là tối thượng. Người như vậy là người ở giữa người, là bậc có hành động trên hết, có hành động tôn quý, có hành động rất tôn quý, là bậc tối thắng, là bậc có bổn nguyện tối vô thượng vậy.

Này các Tỳ kheo ! Có thể thấy hai loại người ấy thì người sau là trí là cao; có thể phân biệt thấy người này là thiện, người này là vượt hơn. Ðó là biết người.

Ðức Phật nói như vậy xong, các Tỳ kheo đều hoan hỷ tin vâng.

PHẬT NÓI KINH THẤT TRI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]