- Chương 1: Giáo lý căn bản
- Chương 2: Thiền ở Miến Ðiện, Thái Lan và Lào
- Chương 3: Toàn bộ giáo lý
- Chương 4: Thiền sư Achaan Chaa
- Chương 5: Thiền sư Mahasi Sayadaw
- Chương 6: Thiền sư Sunlun Sayadaw
- Chương 7: Thiền sư Achaan Buddhadasa
- Chương 8: Thiền sư Achaan Naeb
- Chương 9: Thiền sư Achaan Maha Boowa
- Chương 10: Thiền sư Taungpulu Sayadaw
- Chương 11: Thiền sư Mohnyin Sayadaw
- Chương 12: Thiền sư Mogok Sayadaw
- Chương 13: Thiền sư U Ba Khin
- Chương 14: Thiền sư Achaan Dhammadaro
- Chương 15: Thiền sư Achaan Jumnien
- Chương 16: Những câu hỏi thêm
- Chương 17: Những môn phái thiền của Phật giáo Nguyên thủy hiện nay
- Lời bạt
Những vị Thiền sư đương thời
Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt
Sài Gòn, 1999
---o0o---
Lời bạt
---o0o---
Trong kinh Tứ Niệm Xứ Ðức Phật dạy: "Ekayàno ayam bhikkhave maggo sattànam visuddhiyà sokapariddavànam samatikkamàya dukkhadomanassà nam atthagamàya nàyassa adhigamàya nibbànassa sacchikiriyàya yadidam cattàro satipatthànà".
"Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn, đó là Bốn Niệm Xứ". (Bản dịch của HT. Thích Minh Châu)
Tác phẩm Living Buddhist Masters (Những vị thiền sư đương thời) của tác giả Jack Kornfield do Ðại Ðức Thiện Minh - chùa Kỳ Viên chuyển dịch sang Việt ngữ đề cập đến cuộc đời và phương pháp giảng dạy của 12 vị thiền sư trong thế kỷ này ở các nước Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Miến Ðiện, Lào... là một phần nào đó cụ thể hóa bài kinh Tứ niệm xứ - con đường duy nhất dẫn đến an lạc, giải thoát.
Mười hai vị thiền sư, đó là các ngài Achaan Chaa, Mahàsi, Sunlun, Buddhadàsa, Naeb, Mahà Boowa, Taung Pulu, Monhyn, Mogok, U Ba Khin, Dhammadaro, Jumnien đã áp dụng bài kinh Tứ niệm xứ cổ xưa ở những khía cạnh khác nhau để tu tập và giảng dạy cho các thiền sinh ngày nay.
Cuộc đời của những vị thiền sư và phương pháp tu tập, giảng dạy của các ngài là những bông hoa đầy hương sắc trong vườn hoa Chánh niệm - Tỉnh giác.
Mỗi con người thiền sư là một cuộc đời riêng biệt nhưng đó là những cuộc đời phi thường, vĩ đại bởi vì những con người đó, cuộc đời đó là những cuộc đời:
"Xoa hương thơm giới đức
Mặc y phục thiền định
Trang điểm hoa tuệ giác
Ở đâu cũng an lạc" (Thơ thiền)
Theo ngài thiền sư Achaan Chaa, thiền là sự chú tâm chánh niệm vào những gì chúng ta đang làm, sống đơn giản, theo dõi tâm là cơ bản của sự thực tập thiền. Ngài nói rằng Phật pháp không thể tìm thấy trong sách vở, Ngài dạy nếu có người làm phiền chúng ta hãy chú ý đến sự phiền phức trong tâm mình.
Những vị thiền sư đề cập trong tác phầm này có đủ thẩm quyền hướng dẫn về thiền vì các ngài có cuộc đời tu tập thiền trong nhiều năm dài, các Ngài sống hạnh từ bỏ, viễn ly, ngụ ở dưới gốc cây, thọ hạnh đầu đà, sống trong rừng sâu thanh vắng.
Ngài thiền sư Mahasi dạy rằng thiền là chú tâm chánh niệm vào thân tâm để thấy rõ thân tâm thay đổi trong từng khoảnh khắc sát-na.
Ngài Sunlun dạy thiền sinh của mình là cảm nhận hơi thở ở nơi chóp mũi. Phương pháp thực tập của Ngài là thanh lọc tâm hôn trầm và phóng dật để làm cho hành giả được trong sạch và tập trung.
Hành giả đến sống với ngài Buddhadàsa sẽ được tự do thực tập nhiều pháp môn khác nhau.
Thiền sư Achaan Naeb giảng dạy phương pháp giản dị, nhìn vào nhân quả của đau khổ trong những việc làm hàng ngày. Bà dạy thiền quán sẽ giúp thiền sinh cảm nhận được bản chất thực của thân tâm. Ðó là sự nhận biết danh sắc có bản chất vô thường, khổ não, vô ngã.
Thiền sư Maha Boowa dạy một lối sống đạm bạc ở trong rừng sâu, ngày ăn một bữa, sống trong liêu cốc đơn sơ, tắm nước giếng, tịnh khẩu. Theo Ngài, rừng thiền là điều kiện cần thiết cho việc tu tập thiền quán. Ðó cũng là một trường giáo dục đặc biệt.
Thiền sư Taung Pulu dạy thiền sinh chánh niệm dựa trên 32 thể trược. Thiền về những đề mục thể trược sẽ phá tan những ảo giác và ham muốn về cuộc đời.
Thiền sư Mohnyin dạy thiền sinh trước khi hành thiền phải học Vi diệu pháp (Abhidhamma), sau đó áp dụng những lời dạy trong Vi diệu pháp để tu tập thiền. Những sự thực tập thiền dựa trên Vi diệu pháp có thể dẫn hành giả đi đến sự hiểu biết rõ ràng hơn về vô ngã. Thiền sư nhấn mạnh phải quen thuộc với những khái niệm căn bản nhất về Vi diệu pháp (Abhidhamma) trước khi bắt tay vào việc tu tập thiền quán.
Thiền sư Mogok nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết Phật pháp trước khi tu thiền. Hành giả chánh niệm về hơi thở để tập trung tâm. Ngài nhấn mạnh về sự sanh diệt của năm uẩn và tiến trình thân tâm. Ðiểm nổi bật nhất trong phương pháp thiền của ngài là áp dụng luật nhân duyên.
Thiền sư U Ba Khin là một người cư sĩ, ông nhấn mạnh đến sự thực hành hơn là sự hiểu biết lý thuyết giáo pháp. Theo thiền sư, Phật giáo là một điều gì đó để thực hành hơn là nói về nó.
Thiền sư Dhammadaro dạy thiền sinh thực hành thiền bằng cách đi đứng trong chánh niệm. Ngài nhấn mạnh đến niệm thọ.
Thiền sư Jumnien dạy rằng sự thực tập thiền là một sự quán sát về lòng ham muốn và đau khổ.
Những vị thiền sư đề cập trong tác phẩm này, các ngài có cuộc đời và phương pháp giảng dạy khác nhau, tuy nhiên tất cả đều cùng một mục đích là giảng dạy phương pháp kiểm soát thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Tất cả đều cùng một mục đích là để thấy rõ chơn đế, tất cả đều cùng mục đích là tu tập giới, tu tập định, tu tập tuệ.
Tất cả đều cùng một mục đích là thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã của cuộc đời ngũ uẩn, nhờ đó nhàm chán mà ly tham, nhờ ly tham mà giải thoát.
Thực tập thiền quán theo bài kinh Tứ niệm xứ, con đường duy nhất được cụ thể hoá theo phương pháp giảng dạy của những vị thiền sư đương thời sẽ giúp cho thiền sinh đạt được an lạc, giải thoát ngay trong kiếp sống này.
"Ðạo ta chỉ một con đường
Tự lòng thanh tịnh mà thương cuộc đời
An vui đi đứng nói cười
Trăm năm vằng vặc nguyệt ngời bên song" (Thơ Triều Tâm Ảnh)
Thiền viện Phước Sơn
Ðồi lá giang, suối Long Bình
Mùa an cư 1999
Tỳ kheo Bửu Chánh
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)