TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM
DAISETZ TEITARO SUZUKI
1870 - 1966
Bản dịch: HẠNH VIÊN
Nguyên tác:IN MEMORIAM DAISETZ TEITARO SUZUKI 1870 - 1966
(The Eastern Buddhist, New series, August 1967)
--o0o---
HUSTON SMITH
D. T. SUZUKI: VÀI KỶ NIỆM
Mọi người đều biết cuộc đời của Bác sĩ Suzuki đã trải qua ở cả hai bán cầu, nhưng điều không kém ấn tượng là khoảng thời gian nó đã kinh qua: gần tròn một thế kỷ. Năm 1955 khi ông đến thuyết trình tại Đại học Washington, tôi tưởng đang hướng dẫn ông tham quan St. Louis lần đầu tiên, nhưng khi chúng tôi di chuyển đó đây, tôi mới vở lẽ rằng mình không đang giới thiệu thăm các cảnh quan và các địa điểm, mà chỉ là đang gợi lại những kỷ niệm của ông ở nơi đó. Việc này xảy ra thế nào tôi vẫn chưa rõ; ông không kể cho tôi ngay lúc ấy. Nhưng khi sự việc đã hiển nhiên và tôi thúc ép ông, ông mới thú nhận đã từng viếng thăm Hội chợ Quốc tế St. Louis năm 1904 - tức 40 năm trước khi tôi dán mắt lên thành phố này và 15 năm trước khi tôi ra đời.
Từ những năm trung tuần bốn mươi, ông đã biết nhiều phố phường và công viên hơn chúng ta từng biết. Đây là một triết gia thay vì rơi xuống giếng dường như ông có cây gậy thần dò mạch nước có thể nhận ra những điểm mà người khác đã bỏ qua. Trong buổi thuyết trình năm đó, Bác sĩ Suzuki đã kể lại chuyện một bậc thầy samurai muốn thử tinh thần cảnh giác của môn đệ, đã treo lơ lững những chiếc gối để nó rơi xuống những người bước vào phòng ông. Người đệ tử đầu tiên bước vào và chụp lấy cái gối khi nó đang rơi xuống. Người thứ hai tuốt kiếm ra chém phăng nó trước khi nó rơi xuống đầu anh. Người thứ ba, nhận thấy cái gối trước khi bước qua ngưỡng cửa, đã lấy nó xuống, đặt lên sàn nhà, và bước vào phòng. Suzuki đã
nhanh chóng nhận ra những cái gối. Ông là một ví dụ sống động của luận điểm Thiền rằng giác ngộ không làm cho thế gian mờ nhạt mà tập trung nó về tiêu điểm rõ ràng hơn.
Một kỷ niệm khác của tôi về lần viếng thăm St. Louis của Bác sĩ Suzuki là lời phúc đáp của ông trước sự tài trợ đó. Chi phí của chuyến đi và khoản thù lao khiêm nhường do một doanh nhân Do thái chi trả, một người đóng nón và bán thiệp Giáng sinh trong thời giờ nhàn rỗi của mình, và đã dùng khoản thu nhập cho những dự án khích lệ sự thông hiểu nhau trên toàn cầu. Tôi nghĩ chính sự tài trợ bất thường này đã khiến Suzuki - một người thích chu du - chấp nhận lời mời đến St. Louis. Sự kiện khác thường ở sở thích của ông không chỉ là hiện tượng một người có thu nhập thấp đã quyết định đóng góp một chút gì cho sự cảm thông trên thế giới, mà còn ở cái không khí đại đồng tôn giáo - một người Do thái bán thiệp Giáng sinh đã mời một nhà sư Phật giáo thuyết giảng. Từ đó hễ gặp lại Bác sĩ Suzuki là chúng tôi nhắc lại ý nghĩa biểu tượng của dịp này.
Ba năm sau, tôi có dịp cùng làm việc với Bác sĩ Suzuki trong ba ngày ở Boston, nơi mà, trong phân ban Đông phương của Viện bảo tàng Mỹ thuật Boston, chúng tôi quay phim cuộc phỏng vấn dành cho "Loạt Chương trình Minh triết" của đài National Broadcasting Company. Điều làm tôi nhớ mãi là thái độ kiên nhẫn và cao hứng của Bác sĩ Suzuki dưới sức nóng của những ngọn đèn pha chói lòa, tiếng ồn, sự căng thẳng và hỗn độn kéo dài nhiều giờ liền - Bác sĩ Suzuki lúc ấy đã 88 tuổi. Tôi còn nhớ lúc ấy, bên máy quay, tôi đã hỏi ông về bài thuyết pháp Niêm hoa vốn được xem là mật chỉ của Thiền tông đã được đức Phật truyền lại cho đệ tử là Ma Ha Ca Diếp. Cuộc phỏng vấn:
Suzuki: Có hội thông nào đó giữa hai người.
Smith: Như vậy mong manh quá.
Suzuki: Thực ra, không mong manh chút nào cả. Anh đang nói với tôi; tôi nói với anh. Có mong manh không?
Vài tháng sau, khi chương trình được phát hình, những lời trao đổi giản dị này đã gợi hứng một nhà thơ Mỹ nổi tiếng làm bài thơ sau đây:
Mong manh
Ta nhớ đưa vào không gian này,
Bóng hiền triết, và thiếu niên gầy
Chập chờn câu hỏi;
Hỏi khoảnh khắc Đức Phật niêm hoa;
Một cánh sen lời phán truyền ra.
"Mong manh chăng?" chàng hỏi.
Hiền triết đối:
"Tôi nói anh. Anh nói tôi. Mong manh chăng?"
Có những lời của Bác sĩ Suzuki mà máy quay hôm đó không ghi lại, nhưng tôi vẫn còn nhớ, như: "Chúng ta lên núi để ngắm trăng. Nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được trăng là ảo tưởng. Núi vô cùng. Nhưng trăng ở bên ta trong từng bước chân leo núi."
Ông cũng đã ở bên chúng ta; hiện giờ ông không còn nữa. Trong một nghĩa nhất định thì điều này đúng, nhưng mặt khác nói như vậy chính là lạc vào chủ nghĩa nhị nguyên mà Suzuki đã trải một đời gắng giúp chúng ta vượt qua. "Rất có thể", nhà sử học lỗi lạc Lynn White ở Viện đại học California đã viết, "quyển Thiền luận của D. T. Suzuki ấn hành lần đầu vào năm 1927, đối với các thế hệ mai sau sẽ là sự kiện tri thức vĩ đại như việc William Moerbeke dịch tác phẩm tiếng La tinh của Aristotle vào thế kỷ 13, hay cuốn Marsiglio Ficino của Plato ở thế kỷ 15."
HEINRICH DUMOULIN S.J.
NHỮNG LẦN GẶP DAISETZ SUZUKI
Ban biên tập tờ Phật tử Đông phương đã đề nghị tôi ghi lại những cảm tưởng và kỷ niệm cá nhân về cố Bác sĩ Suzuki, người sáng lập khả kính của tạp chí. Số đặc biệt này đã được dành để tưởng niệm con người Bác sĩ Suzuki; và đương nhiên, một sự đánh giá xác đáng như vậy về những thành tựu học thuật của ông sẽ còn khiến các nhà nghiên cứu Thiền Phật giáo và triết học Đông phương lưu tâm trong một thời gian dài. Một sự lượng định cân nhắc như vậy chắc chắn sẽ bổ sung và hiệu chỉnh sự nghiệp của ông hay, dù sao, cũng sẽ đặt những trọng điểm hơi khác nhau trong định hướng tổng quan của nó. Tuy nhiên, ta có thể nói chắc rằng cộng đồng quốc tế những người học Thiền đều luôn tôn sùng Bác sĩ Suzuki như nhà tiên phong vĩ đại đã khiến thế giới chú ý đến một lĩnh vực tư tưởng nhiều xa lạ và do đó, đã để lại dấu ấn của riêng ông trong thế kỷ này của chúng ta. Gác lại những nhận định có tính phê bình của tôi về quan điểm của Bác sĩ Suzuki vào một dịp khác, ở đây tôi chỉ muốn ghi lại những lần tôi gặp ông. Chỉ vài lần thôi mà cũng chẳng có ý nghĩa gì nổi bật, song chúng có thể giúp minh họa tính cách khác thường của một người tôi sẽ luôn ngưỡng vọng cao nhất.
Lần đầu tiên tôi gặp Bác sĩ Suzuki hầu như đã ba mươi năm qua, trong buổi thuyết trình về Thiền tông bằng Anh ngữ của ông dưới sự bảo trợ của Hội Văn hóa Thế giới ở Tokyo. Lúc ấy tôi ở trong đoàn của cố linh mục Johannes Kraus, nhà sáng lập trứ danh tạp chí về Nhật Bản học, tờ
Monumenta Nipponica, và linh mục Kraus, sau khi cám ơn Bác sĩ Suzuki đã đóng góp đề tài cho số ra mắt tạp chí, đã giới thiệu tôi với ông. Đề tài đó, một toát yếu súc tích các quan điểm về Thiền của Bác sĩ Suzuki, lúc ấy đã có trong hợp tuyển Suzuki, cuốn Cốt tủy của Phật giáo Thiền tông, do Bernard Phillips ấn hành. Sau đó ít lâu tôi đã đến thăm Bác sĩ Suzuki khi ông đang ở bịnh viện St. Luke, Tokyo, vì bịnh tình trầm trọng của vợ ông. Chúng tôi chỉ bàn đến các kinh điển Thiền tông, và ông đã giải thích nhiều chỗ tối nghĩa trong tuyển tập công án Mumonkan (Vô môn quan) mà tôi đang dịch sang tiếng Đức. Trong suốt cuộc chiến tranh tiếp theo đó và cả một năm sau chiến tranh, hoàn cảnh đã ngăn trở tôi tìm hiểu sâu hơn về Thiền và tôi hầu như mất liên lạc với Bác sĩ Suzuki.
Trong khi đó, Bác sĩ Suzuki đã trở thành một học giả ở tầm thế giới. Tác phẩm và các thuyết trình của ông đã tạo nên một số đông chuyên gia về Thiền ở nhiều nước, và sự quan tâm trong giới học thức cũng đã gia tăng thích đáng. Phần tôi đã trở lại nghiên cứu Thiền và lịch sử của nó vào những năm 50 nhờ có nhiều động cơ thúc đẩy, trong đó ít nhất là việc khuyến khích đầy ưu ái của bà Ruth Fuller Sasaki, đã dịch tiểu luận đầu tiên của tôi ra Anh ngữ và ấn hành dưới nhan đề Sự phát triển của Thiền Trung Hoa sau Lục tổ dưới ánh sáng của Vô môn quan. Nhờ vậy tôi đã gặp lại Bác sĩ Suzuki vào tháng 7, 1954 ở Đại học Munchen, khi nơi này mời hai chúng tôi thuyết trình về Thiền Phật giáo. Bác sĩ Suzuki đã nhiệt tình tham dự buổi diễn thuyết của tôi và hỗ trợ tôi, một cách thân mật và hăng hái, trả lời các câu hỏi của cử tọa.
Lần gặp ông tiếp theo cũng thú vị không kém và để lại ấn tượng sâu sắc hơn. Một phụ nữ Mỹ, nhà văn viết về một chuyến du hành sang Nhật Bản, đã từng tham dự buổi thuyết trình của Bác sĩ Suzuki ở Đại học Columbia, đã nhất mực yêu cầu tôi dàn xếp cuộc phỏng vấn nhân vật nổi tiếng này. Khó khăn lắm mới được ông đồng ý tiếp kiến vào mùa xuân 1962, vì ông bị bao vây bởi dòng người Mỹ đến viếng thăm như bất tận. Tôi đã thu xếp được cuộc hẹn, nhưng khi chúng tôi đến nhà ông ở gần chùa Đông khánh (Tokeiji), Liêm Thương, vì một hiểu lầm nào đó, thành ra chúng tôi đến vào giờ không thích hợp. Bác sĩ Suzuki đã cho người mang một ghi chú đến cho chúng tôi ngay tại cổng chùa rằng ông rất tiếc không gặp được chúng
tôi. Nhưng người phụ nữ đi cùng tôi đã không nãn lòng và nhấn mạnh ít ra cũng phải được bắt tay ông già vĩ đại này. Ngay lúc đó Bác sĩ Suzuki bất ngờ xuất hiện. Ông hoan hỷ chào đón chúng tôi, đưa chúng tôi vào thư phòng xếp đầy sách của ông và lập tức bắt chuyện với phong cách hết sức thân ái, nhiệt tình. Ông già lịch lãm đã trao đổi bằng thứ tiếng Anh lưu loát với tính sôi động, khôi hài và sảng khoái đến khó ngờ. Sau khi nhắc lại vài kỷ niệm cá nhân, câu chuyện hướng về những đề tài nghiêm túc, nhất là về sự giao lưu văn hóa giữa Đông và Tây. Với tác phong sôi nổi, ông đã giải thích một trong các đề tài ưa chuộng của ông: Sáng thế ký của thánh kinh như một công án: nghe cái không thể nghe, nhìn cái không thể thấy, ý thức sự hiện diện linh thánh mà vẫn biết rõ tính nhất thể của tồn tại và tránh mọi nhị nguyên tính. Ông nói với chúng tôi ông không tán thành
các phong trào say mê Thiền ở bất cứ nơi nào chúng gắn liền với chủ nghĩa duy lý của thời đại cơ khí ngày nay. Và ông cũng không thừa nhận việc quy chiếu satori đơn thuần qua những kỹ thuật tâm thần. Thiền, chúng tôi được biết, đối với ông là một điều siêu hình, một vấn đề tâm linh; nó liên quan tới bản tánh và ý nghĩa của cuộc sống.
Nhưng rồi ông lại nhẹ nhàng tán gẫu với phong cách trong sáng cố hữu. Ông kể với chúng tôi về một tu sĩ dòng Carthusian, một vị chơn tu thật sự, đã mời ông đến viếng tu viện của ông ta, hay về các tu sĩ dòng Benedictine Anh quốc đã mời ông đến dùng bữa tại phòng ăn của tu viện của họ mà, ông nói với giọng cười khúc khích nho nhỏ, đã khiến ông bối rối xiết bao khi thấy trong một quyển sách để trên bàn ăn một đoạn có hơi bôi bác Phật giáo.
Trên bàn làm việc của ông có tập 1 bản dịch Đức ngữ cuốn Hekiganroku (Bích nham lục) do Giáo sư Gundert vừa gởi đến. Bác sĩ Suzuki đã hết lời khen ngợi về chuẩn mực học thuật và văn chương của bản dịch, nhưng ông cho rằng cách diễn giải về công án chưa thật thỏa đáng. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đã nói về những khó khăn chung trong việc diễn dịch các kinh điển Thiền tông. Ông cho rằng khó có thể diễn dịch một cách tương xứng. Với đôi mắt lấp lánh của một thanh niên và ngọn lửa nhiệt tình át hẳn cái tuổi 90 của ông, Bác sĩ Suzuki đã lấy ra quyển Bích nham lục nguyên bản Hán văn đã mòn dấu tay lật, rồi cầm với cả hai tay, ông lớn giọng đọc lên. Ta có cảm giác ông làm tăng thêm phần đậm đà ý và nghĩa của từng Hán tự, khi nghe ông đọc chúng. Nếu Bác sĩ Suzuki đã thường cho ấn hành những bản dịch Anh ngữ không gò bó và ít khi cố dịch sát nghĩa, đó không phải là do thiếu tinh thần học giả (hiện tại không có nhà nghiên cứu Thiền nào sành sõi Hán văn hơn ông) mà đúng hơn là vì ông
biết rõ những giới hạn mà người biên dịch phải đối mặt trước những văn kiện như vậy.
Sau đó chúng tôi xin kiếu từ và Bác sĩ Suzuki đã tiễn chào người bạn Mỹ hâm mộ với phong thái duyên dáng khó tả. Ông đã cho tôi một bản tạp chí Kokoro có bài viết của ông. Ông cũng mời tôi trở lại thăm khi có dịp. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm quý báu này là lần cuối cùng tôi gặp ông tại nhà riêng.
Năm sau, tạp chí Yomiuri đã điện thoại hỏi tôi có muốn tham gia cuộc đối thoại với Bác sĩ Suzuki sẽ được đăng trên báo. Tôi miễn cưỡng nhận lời, chưa biết Bác sĩ Suzuki nghĩ thế nào về dự án này. Nhưng tôi được bảo đảm là chính ông đã đề nghị mời "linh mục Thiên chúa giáo" làm người đối thoại Tây phương với ông trong cuộc trao đổi mà, bất luận thế nào, cũng không hướng về những chủ đề tôn giáo đang gây tranh cãi mà về hòa bình và sự thông hiểu trên bình diện toàn cầu. Cuộc đối thoại diễn ra ở tu viện Viên giác, Liêm Thương. Chúng tôi sử dụng tiếng Nhật vì bài nói chuyện sẽ đăng trên báo Nhật. Tuy thế cũng có một bản tiếng Anh đăng trên tờ Yomiuri số ngày 3 tháng 8, 1963, dưới nhan đề "Nơi gặp gỡ đạo Phật và đạoChúa".
Tôi còn một kỷ niệm cuối cùng nữa về Bác sĩ Suzuki. Mùa xuân năm ngoái, ông đã thuyết trình trong một giới nhỏ về kinh nghiệm tôn giáo của "Diệu hảo nhân" (myòkònin) trong Tịnh độ chân tông. Như thông lệ, ông đã đọc và bình luận các bài thơ của Saichi Asahara (Thiển Nguyên Tài Thị). Khi lắng nghe, người ta không thấy gì ngoài cảm giác xúc động bởi chiều sâu thẳm của tinh thần này, cái cảm giác mà việc đọc các bài viết của Bác sĩ Suzuki về cùng chủ đề trên tờ Nhật Bản tam cá nguyệt (XI, 157 - 161) cũng có thể truyền tải ở mức độ nào đó. Sau bài thuyết trình, nhiều người đặt câu hỏi và muốn khơi mào một cuộc tranh luận. Vì tôi còn chìm đắm trong những suy niệm lặng lẽ về bài thuyết trình đầy xúc cảm vừa qua, tôi nghĩ tôi đã hiểu rằng toàn thể tính cách của vị lão sư đã được đặt trên một nền tảng chỉ có thể minh định như kinh nghiệm tôn giáo sâu
ZENKEI SHIBAYAMA
CÂU CHUYỆN CỦA HOA
Bác sĩ Suzuki đã vào cõi Niết bàn. Tôi những tưởng, dù gần đây ông hơi ốm yếu, nhưng với tinh thần minh mẫn và đầy sức sống ấy đáng lẽ ông phải sống đến trăm tuổi. Vậy mà cơn bạo bịnh đã đưa ông ra đi vĩnh viễn.
Sáng sớm ngày 12 tháng 7, tôi bàng hoàng khi nghe điện thoại gọi từ Tokyo báo tin ông mất. Quy luật của trần gian, định mệnh của muôn loài, không có ngoại lệ, biết vậy, nhưng chúng ta vẫn không khỏi thầm mong Bác sĩ Suzuki có thể sống lâu hơn - dù chỉ một ngày - cho lợi ích của con người, cho những công trình chỉ có ông mới hoàn thành được.
Nhìn lại những năm tháng thân tình đã qua, tôi càng thấy rõ sự tuyệt diệu của dịp may đã dun rũi chúng tôi tình cờ gặp nhau.
Tôi được biết tạp chí Phật tử Đông phương đang dự tính ra số đặc biệt tưởng niệm Bác sĩ Suzuki. So với tầm vóc của những công trình ông đóng góp cho lịch sử của tư tưởng, đặc biệt tư tưởng Phật giáo hay Thiền tông, chắc chắn có nhiều người xứng đáng hơn tôi để lượng định vai trò đó của ông. Ở đây tôi muốn tự hạn chế chỉ bày tỏ lòng cảm kích sâu xa trước chân tình mà Bác sĩ Suzuki đã dành cho tôi.
Hay tin ông mất ở bịnh viện St. Luke, tôi liền hủy bỏ hoặc hoãn lại mọi công việc đã dự kiến để lấy chuyến tàu đêm vào ngày 13 tháng 7, đến Liêm thương sáng sớm ngày hôm sau. Ngay sau đó tôi tiếp tục hành trình đến Thư viện Matsugaoka. Trời hãy còn tinh mơ, chưa có bóng dáng ai đến đây. Matsugaoka chìm trong tĩnh lặng. Sương sớm bao trùm khu rừng phía xa xa. Trong khu rừng đó, ngay kế bên mộ phần của Bác sĩ Kitaro Nishida, là phần mộ của gia đình Suzuki nơi ông sẽ đời đời an nghỉ. Tôi chắp tay, cúi đầu xá về hướng đó, và rồi leo lên những bậc cấp dẫn đến Thư viện. Một lùm tre um tùm bao quanh mấy bậc cấp bằng đá quanh co. Thỉnh thoảng có một cái gì chạm vào má tôi và tôi nhìn thấy những giọt sương rơi xuống
hai ống tay áo.
Nhớ lại Bác sĩ Suzuki cũng đã từng leo lên những bậc cấp này nhanh nhẹn như vậy. Tôi có cảm giác mình đang bước theo từng bước chân ông, lòng buồn vợi. Chiều ngày 11 tháng 7, ông đã được khiêng xuống cũng qua những bậc cấp này, trên một chiếc cáng cứu thương, để không bao giờ trở lại.
Lên đến đỉnh, tôi bước tới Thư viện. Cửa vẫn còn đóng. Người trong nhà còn nghỉ ngơi sau mấy ngày vất vả đau thương này. Linh cửu của Bác sĩ Suzuki đã được đưa qua chùa Đông khánh.
Trước tiên tôi được dẫn vào phòng khách, sau đó được mời nghỉ lại nơi thư phòng của Bác sĩ Suzuki. Nhà sư già đến trên một chuyến tàu đêm đượcsử dụng phòng riêng của ông. Căn phòng được giữ nguyên và mọi vật dụng trong phòng để y như lúc ông còn sống. Tôi như có thể cảm thấy ánh mắt hiền hòa của ông đang quan sát khắp nơi. Từ cái kệ sách, cái bàn viết rộng lớn và chiếc ghế bành; tôi chăm chú nhìn quanh như để khắc sâu vào tâm khảm lần cuối cùng hình ảnh thư phòng này của ông. Trong một góc phòng còn để mấy cái túi xách. Ông đã dự định đi Karuizawa vào ngày 11 vừa qua, nhưng đã ngã bịnh vào chính buổi sáng hôm đó.
Một lát sau, người cùng đi nói với tôi: "Nhìn xem, đây là những trang cuối cùng Bác sĩ Suzuki đã viết. Ông vừa hoàn thành nó vào chiều hôm mùng 10." Cô chỉ vào những trang bản thảo được viết trên giấy cũ. Cây bút máy ông dùng vẫn còn để gác trên đó.
Tôi cầm lên một trang bản thảo để nhìn rõ hơn. Đó là phác thảo lời giới thiệu cho cuốn "Hoa vô ngôn." Có nhiều chỗ sửa lại được ghi chữ nhỏ bên lề trang giấy. Tôi bồi hồi cảm động, gần như muốn khóc. Hồi đầu năm (1966), một người bạn của tôi đã dịch ra Anh văn tuyển tập các tiểu luận phảng phất tản văn bằng Nhật ngữ có nhan đề "Hoa vô ngôn" của tôi. Sách dự định xuất bản vào mùa thu này, vì vậy khi làm xong bản dịch, tôi đã mạo muội nhờ Bác sĩ Suzuki xem qua bản thảo và xin được vinh dự có lời giới thiệu vắn tắt của ông. Ông đã trả lời: "Hiện tại tôi rất bận, chưa thể làm ngay được. Tuy nhiên sắp tới tôi sẽ đi Karuizawa, có thể viết lời giới thiệu ở đó và cả việc xem qua bản thảo." Vì vậy mà bản dịch này có ở đây vớiông.
Tin ông đột ngột qua đời đã dập tắt mọi hy vọng của tôi về ân huệ này. Vậy mà, trái với điều tôi tưởng, ông đã làm xong việc đó ngay buổi chiều trước hôm ông vĩnh viễn ra đi. Tôi âm thầm chắp chặt hai tay, bày tỏ lòng kính trọng trước việc làm cuối cùng này của Bác sĩ Suzuki. Thật cảm động khi nghĩ lời giới thiệu thân ái này của ông sẽ chỉ được đăng trong một quyển sách nhỏ khiêm tốn như vậy. Thật là "dùng búa tạ để đóng đinh". Nhưng nghĩ lại tôi thấy: lời giới thiệu này, như việc làm cuối cùng của Bác sĩ Suzuki trong suốt quãng đời cầm bút của ông, không thể được coi như một ân huệ cá nhân. Đó chính là biểu hiện của Pháp tâm vô tận mà vì đó ông đã sống cả cuộc đời.
Có thể tôi lạc đề, song tôi thường nghe Bác sĩ Suzuki nói: "Tôi không phải là một học giả". Chúng ta nên nghiêm túc suy xét xem tại sao Bác sĩ Suzuki, với tất cả những thành quả học thuật của ông, đã lại tuyên bố như thế.
Tâm hồn ông luôn bắt nguồn từ "một cái gì căn bản" vốn vận hành cuộc sống này - cái bản lai của mọi hiện hữu, kinh nghiệm thực sự của chứng ngộ Thiền. Ông đã nhìn thấy trong đó ý nghĩa uyên nguyên của con người. Ông đã nhìn thấy "một cái gì cơ bản" ở tận cùng tâm thức Đông phương. Do đó ông đã miệt mài cần khổ, cố tìm ra phương cách truyền nó lại cho người đời và vận dụng nó cho nền văn hóa của nhân loại. Những nghiên cứu của ông về Thiền, những tìm tòi của ông về Chân lý, tất cả đều chỉ vì mục tiêu này. Kết quả của những nỗ lực chân tình này của ông tuy thế lại thường được người đời xem là những thành quả thuần tính bác học. Mà những gì Bác sĩ Suzuki đã làm đó là sống và không ngừng phấn đấu để diễn đạt "cái căn bản" này, làm sao cho người ta hiểu nó, khiến nó vận hành vì lợi ích của hết thảy nhân loại.
Bởi lẽ đó ông đã không tự giới hạn mình trong thế giới bác học. Chính điều này, theo tôi, là lý do ông trở thành độc đáo trong cả đời sống lẫn sự nghiệp của ông, và đây cũng là lý do tại sao ông đã nói "Tôi không phải là học giả". Rốt ráo, Bác sĩ Suzuki là một người đã sống và hành Pháp trong ý nghĩa rộng nhất của từ này, và những thành quả học thuật của ông chỉ là phần bổ sung cho cuộc đời ông mà thôi.
Những lễ nghi tang chế đã làm xong, đã đến lúc chúng tôi nói lời vĩnh biệt trước linh cửu ông. Tôi đặt một bông cúc trắng bên cạnh gương mặt bình an của ông, chắp lại hai tay cầu nguyện với tất cả sự trang nghiêm, và trong tim tôi nhuốm một giọt máu đau thương vì ly biệt.
KOSHO OTANI
TƯỞNG NHỚ D. T. SUZUKI
Khoảng ba mươi năm trước, lần đầu tiên tôi gặp Bác sĩ Suzuki. Lúc ấy tôi hãy còn theo học trường Trung học Kònan. Ngay lúc gặp ông, ông đã hỏi quan niệm của tôi về cuộc sống. Tôi đã trả lời: "Tôi nghĩ là chúng ta cần phải chân thành." Không một chút nghĩ ngợi, ông vặn hỏi: "Theo anh thế nào là ‘chân thành’?" Câu hỏi này đã cho tôi ấn tượng sâu sắc, và những lời đó của ông đã trở thành một thứ công án cho suốt thời niên thiếu của tôi. Đến giờ nó vẫn còn âm vang bên tai tôi.
Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, tôi được giải ngũ khỏi Hải quân Trừ bị và vào viện Đại học Kyoto. Khoảng thời gian này tôi bắt đầu viếng thăm đều đặn Thư viện Matsugaoka ở Liêm thương, nơi Bác sĩ Suzuki cư ngụ. Ở Matsugaoka này không những ông đã trực tiếp hướng dẫn tôi mà còn thu xếp cho tôi được gặp và chuyện trò với những người lỗi lạc trên nhiều phương diện.
Vài năm sau, vào năm 1950, khi tôi có dịp du học tại Hoa kỳ thì Bác sĩ Suzuki đã có mặt ở đó. Sau một năm theo học tại Đại học Harvard tôi đã chuyển về Đại học Claremont ở California, nơi Tiên sinh (Sensei) đang giảng dạy. Tôi, chưa từng hài lòng với các khuynh hướng triết học lúc bấy giờ ở Harvard, đã quyết định theo học các khóa giảng của ông về Phật giáo Hoa nghiêm ở Đại học Claremont.
Ở đây tôi đã thấy các sinh viên lắng nghe Bác sĩ Suzuki giảng những điều đại loại như "cái Nhất thể là cái đa thù, và cái đa thù chính là cái Nhất thể," hay "Cái tên đó là gì, tôi tự hỏiỢ Có thể là Robert hay, có lẽ là Henderson. Dù sao, điều đó không quan trọng lắm". Tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước sự kiện chúng tôi có thể lắng nghe một lối giảng dạy hy hữu trong một đất nước mà luận lý ký hiệu, chủ nghĩa thực dụng, hay chủ nghĩa duy nghiệm vẫn thường lớn lối trong hầu hết các giảng đường Đại học.
Mùa xuân năm sau (1954) tôi chuyển về Đại học Columbia với Bác sĩ Suzuki. Chính trong giai đoạn này tôi cảm thấy quan hệ của chúng tôi bắt đầu thay đổi. Tôi hiểu ông sâu sắc hơn một cách nhanh chóng và yêu quí ông gần như nồng nhiệt, mà kết quả là, thay vì chỉ nghĩ về ông như một tiền bối trong Phật pháp và một học giả lừng danh thế giới, tôi bắt đầu ngày càng gần gũi hơn với chính con người Bác sĩ Suzuki.
Sự hiện diện của ông đã khơi dậy trong tôi vấn đề của Chánh Pháp như là "thẩm quyền tôn giáo" mà cuối cùng trở thành đề tài rộng lớn nhất hay đúng hơn, liên quan duy nhất của tôi. Thiền bảo "Gặp Phật giết Phật!". Thái độ tinh thần này của Thiền đã ảnh hưởng tôi mạnh mẽ đưa tôi đến chỗ đối diện với Bác sĩ Suzuki, một người đối với tôi là hiện thân của Chánh Pháp, tự nó chính là thẩm quyền tôn giáo vậy.
Tôi cảm thấy mình được nâng đỡ bởi thẩm quyền này, hay Chánh Pháp, mà không có nó tôi sẽ không còn tồn tại. Nhưng đồng thời, nếu không phủ nhận nó, tôi chẳng thể trông mong giải thoát thật sự và cứu rỗi linh hồn vĩnh viễn cho chính mình. Đây là một mâu thuẩn mà với tôi thực là vấn nạn về sống và chết.
Dĩ nhiên, trong thực tế tất cả điều này không liên quan gì đến Bác sĩ Suzuki; nó hoàn toàn là cuộc đấu tranh trong chính bản thân tôi. Nếu ông biết điều này, làm sao ông tiếp nhận tôi được? Dường như ông không hề biết bão tố đang vần vũ trong tôi. Dù sao, vào lúc ấy, Bác sĩ Suzuki và thẩm quyền không thể vượt qua trong Chánh Pháp đối với tôi là một và bất khả phân.
Vấn nạn thôi thúc; những nỗ lực để khắc phục nó gia tăng từng ngày trong tôi. Và tháng 2 năm sau đó (1953), tôi đã trải qua bước ngoặc vĩ đại nhất trong đời. Tôi đã vượt qua thẩm quyền tối hậu. Cho đến giờ tôi vẫn tin rằng mình đã thành đạt mục tiêu. Nhưng điều thực sự xảy ra với tôi vào giây phút đó vừa là niềm hoan hỷ tột đỉnh vừa là sự hối tiếc sâu xa; hoan hỷ vì cuối cùng tôi đã được giải thoát, và hối tiếc vì những gì tôi đã làm là không thể thay đổi. Và chao ôi, sau đó tôi kinh hoàng nhận ra: cái mà tôi đã tuyệt diệt không phải là Pháp mà tôi coi như "thẩm quyền", cũng chẳng phải Bác sĩ Suzuki, mà chính là cái ngã của tôi. Càng kinh ngạc hơn là tôi đã nhận ra mình được ban cho và chịu đựng một cách vững vàng cuộc sống này bằng chính Chánh Pháp.
Dù sao, phải thú nhận sau khi trải qua kinh nghiệm này, có một thời kỳ, đứng trước ông tôi không thể cư xử một cách tự nhiên và thẳng thắn với những ai trước tiên tôi cho là "có thẩm quyền", để rồi sau đó bị phủ nhận. Chính Bác sĩ Suzuki, khi được biết kinh nghiệm này của tôi qua lời kể của Bác sĩ Akihisa Kondo, một trong những người bạn thân nhất của tôi và cũng là nhà tâm trị học nổi tiếng có kiến giải sâu sắc về Phật học, ông đã khai ngộ và hỗ trợ tôi nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tất nhiên, kinh nghiệm này đối với tôi là vô giá. Không có nó có lẽ tôi vẫn còn giữ khoảng cách với Sensei, chỉ hiểu về ông như một học giả lừng danh đã từng truyền bá Thiền ra thế giới.
Tôi phải nhấn mạnh ở đây rằng Bác sĩ Suzuki không hề thay đổi, nhưng tôi thì đã thay đổi. Tuy nhiên có thể không sai khi nói rằng, vì tôi đã thay đổi, ông cũng thay đổi. Đành là nếu thế giới đổi thay thì tôi cũng thay đổi, nhưng đồng thời tôi vẫn tin rằng nếu tôi thay đổi thì chắc chắn thế giới cũng thay đổi. Không thể có chuyện một người muốn thay đổi thế giới mà trước tiên không tự thay đổi mình.
Dù sao, có thể nói là với kinh nghiệm như một bước ngoặc quyết định này của tôi, tình thân của chúng tôi đã thay đổi một cách toàn diện. Đó là, không những tôi đã tìm lại được một vị thầy, là Sensei, mà còn có thêm một người bạn thật sự. Nói cách khác, ông bây giờ vừa là "Sensei" vừa là "bạn hữu" để tôi có thể hàn huyên bình đẳng trong lãnh vực siêu việt của Chánh Pháp. Ai đó có thể thấy lạ kỳ khi tôi gọi một người lớn tuổi hơn mình cả nửa thế kỷ là bạn, nhưng không phải vậy. Đó là một thực tế trong Pháp giới vi diệu khôn dò. Với tôi có những cái đáng lạ kỳ hơn: dù có hàng tỉ người sống trên mặt đất này, mà hàng ngày chúng ta gặp không biết bao nhiêu người, có mấy người ta có thể gọi là "bạn"? Sự thật này mới đáng buồn làm sao. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thức được thực tế khốn khổ này và không còn ảo tưởng về cái được gọi là tình bạn, và khi những mối quan hệ thân tình trong ý nghĩa trần tục chấm dứt, chỉ khi đó một tình bạn thật sự mới bắt đầu.
Theo tôi nhớ, có lần Sensei đã giảng và bình luận với một số chuyên gia tâm trị học ở tư thất sang trọng của Bác sĩ Harte gần tòa nhà Liên hiệp quốc trong khu Manhattan. Sensei đã ân cần mời tôi một tách trà bột và nói với tôi bằng tiếng Anh: "Uống một chút trà đi, ông Shimmon"; và tôi còn nhớ vào lúc đó cô Mihoko Okamura đã tình nguyện làm thư ký cho ông.
Sau bốn năm học tại Hoa kỳ, tôi trở về Nhật qua ngõ châu Âu cùng với Sensei. Từ đó tôi thường xuyên thăm viếng ông gần như đều đặn mỗi tháng một lần, nhưng sau đó tôi đã hạn chế bớt vì thấy quá nhiều người đến thăm ông sẽ khiến ông khó còn thời gian cho những công việc quan trọng hơn. Bài thuyết trình mà Sensei và tôi đồng diễn thuyết ở Hokkaido mấy năm về trước cũng trở thành một kỷ niệm đáng nhớ của tôi.
Trong lãnh vực triết học-tôn giáo, tôi nhớ có lần tôi hỏi Sensei trong một buổi thuyết trình, ông bảo: "Niệm Phật là một loại định Tâm". Phản luận của tôi là: "Niệm Phật, nhất là trong Phật giáo Tịnh độ, có ý nghĩa sâu sắc hơn sự tập trung đơn thuần". "Như vậy cũng hoàn toàn đúng", ông đáp. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên của tôi, có vẻ như ông chẳng thay đổi quan niệm của mình. Thời gian sau, tôi đi đến chỗ chấp nhận hiệu quả của sự tập trung trong lời Niệm Phật, còn Sensei dường như cũng đã thay đổi đáng kể và nghiên cứu sâu hơn vào Niệm Phật của Tịnh độ.
Tôi luôn kinh ngạc về tầm đọc sách mênh mông của ông từ Anh văn cho đến Hoa văn, từ Phật giáo đến Thiên chúa giáo (kể cả thần học); và ông đọc cả loại sách thời thượng đang ăn khách (best-sellers) của Mỹ.
Vào những năm cuối đời, cũng như cá nhân tôi, ông nghiên cứu sâu hơn về Phật giáo Tịnh độ. Chẳng hạn, biểu lộ sự quan tâm sâu sắc trong những bức thư đề cập đến những vấn đề hiện tại của Giáo phái Higashi Honganji, ông nói với tôi: "Nếu tôi có thể làm được bất cứ gì cho ông và Giáo phái của ông, tôi sẽ làm ngay." Tôi còn nhớ một nhận xét đầy gợi ý của ông: "Các hành giả Chân tông nên quan tâm hơn đến lao động tay chân."
Tháng Năm vừa qua, khi tôi đến thăm, ông đã quăng cho tôi câu hỏi về "anjin" (an tâm), một thuật ngữ quen thuộc trong Phật giáo Chân tông, mà ông đang tìm từ dịch tương xứng. "Anjin, nói cho cùng, không phải là sự bình an cũng không phải là sự yên ổn của tâm." Cuộc mạn đàm sau đó về chủ đề này đã cho tôi những điều thú vị mới mẻ khiến tôi dự định sẽ còn bàn luận xa hơn với ông, có thể ở Karuizawa, nhưng.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 12 tháng 7, tôi bật dậy vì tiếng chuông điện thoại reo vang bên giường. Ở đầu dây bên kia Bác sĩ Kondo nói: "Sensei đang hôn mê và sẽ từ trần trong vòng một tiếng nữa". Ông kể: Mới ngày hôm qua, Đại đức Suehiro (Giám quản chi nhánh của Tu viện Higashi Honganji ở Tokyo) vừa đến thăm Bác sĩ Suzuki ở Liêm thương. Sensei vẫn trông khỏe mạnh và họ đã đứng chuyện trò với nhau ở hàng hiên vì ông đang bận thu xếp hành lý cho chuyến đi Karuizawa. Sensei đã hỏi Đại đức Suehiro: ‘Có đúng là Shimmon-san sẽ đến Honganji ở Tokyo?’ Suehiro đáp: ‘Vâng, nhưng không hẳn vậy. Chỗ ở của Shimmon-san vẫn là Kyoto, nhưng anh ấy sẽ biến Tokyo thành cơ sở cho hoạt động xa hơn của anh ấy.’
Câu chuyện làm tôi rơi nước mắt bởi nó gợi lên hình ảnh ông đang đứng dưới hàng hiên - hình ảnh đầy trìu mến thân thương - đang vẫy tay và nhìn chúng tôi xa dần khỏi tầm mắt.
Vào lúc tôi nhận cú điện thoại cũng là lúc ông đang chống lại sự đau đớn cực cùng của cơn bịnh với sức mạnh phi thường của tinh thần, và chính ông lại đang trấn an người thân quanh ông với những câu "Đừng lo", và "Cám ơn".
Theo tôi, thái độ của ông càng tỏ ra tương đắc với Phật giáo Chân tông thì ông càng thường xuyên sử dụng hai tiếng ‘cám ơn’. Lời ‘cám ơn’ này, với giọng nói đặc biệt của riêng ông, xuất phát từ sự giáo dưỡng trong môi trường Phật giáo Chân tông ở Kanazawa. Nói cách khác, Phật giáo Chân tông đã kết hoa trong cảm nhận chân thành của ông, còn Thiền tông đã tự hiện trong tâm trí nhạy bén và kiên cường của ông; như thể Tịnh độ là mẹ còn Thiền là cha, cả hai yếu tố này đã hình thành nên một Bác sĩ Suzuki.
Ngày hôm đó, khi được tin ông mất, tôi đã cùng với ông Shôjun Bando và Bác sĩ Kondo vội vã đến bịnh viện nơi quàng di thể ông. Khách viếng thăm đã về hết và căn phòng trống vắng, chỉ còn tiếng chúng tôi khe khẻ tụng kinh. Bổng nhiên tôi có cảm giác như nghe Sensei nói ‘cám ơn’ một lần nữa. Tôi cảm thấy buồn nhưng không đơn độc, có lẽ vì tôi biết Sensei đang ở bên tôi, cũng như tôi đang bên cạnh Sensei.
Tôi đã nói với một phóng viên: "Từ sau cái chết của Bác sĩ Suzuki, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ trách nhiệm của chúng tôi đối với Phật giáo là cần phải theo bước chân ông; cảm nhận này ngày càng sâu sắc hơn theo năm tháng."
Cùng ngày hôm đó, cô Okamura, dù đau buồn vô hạn cũng đã quyết định "Tôi sẽ làm tất cả để thể hiện lòng biết ơn Sensei." Tôi tin cô cũng đang ấp ủ một tình cảm như tôi.
Những lời than thở của Bác sĩ Kondo, "Chúng ta đã mất rồi một người thực sự để chúng ta có thể hàn huyên", đã khiến mắt tôi nhòa lệ.
RYOCHIRO NARAHARA
SUZUKI, NGƯỜI THẦY
Tôi được biết Giáo sư Suzuki vào năm 1909, khi ông trở về sau mười một năm sống tại Hoa kỳ. Lúc ấy ông vừa được chỉ định làm giảng viên, và năm sau, vào tuổi 40, làm giáo sư ở Gakushùin (Peers’ school). Lúc ấy tôi là học sinh năm cuối của trường và lớp của tôi được học Anh văn với Thầy. Vì ngẫu nhiên Thầy cũng là trị sự ký túc xá của chúng tôi, nên hầu hết thời gian ở trường tôi đều cận kề bên ông.
Chẳng bao lâu sau khi tôi tốt nghiệp và vào viện Đại học Hoàng gia Kyoto, Giáo sư Suzuki chuyển đến viện Đại học Otani. Tôi còn nhớ lần viếng thăm tư thất của ông nằm trong chuỗi các tu viện Tôfukuji ở Kyoto, nơi ông đang dốc tâm dịch Kinh ra Anh văn cho tạp chí Phật tử Đông phương. Việc đọc bản in và chỉnh sửa bản thảo chiếm phần lớn công việc.
Tôi nghĩ là mình chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhân cách Giáo sư Suzuki khi tôi đến tham Thiền tại các tu viện sau này, nhưng tôi không rõ mình đã có bao giờ thảo luận với ông đặc biệt về chủ đề Thiền tông hay không. Chúng tôi đã bàn những vấn đề xã hội. Sau chiến tranh, tôi thường lui tới thăm ông ở Liêm thương để trao đổi quan điểm về vấn đề lao động. Mặc dù ông hiểu rõ sự cần có những liên đoàn lao động, ông không ngần ngại chỉ ra mức độ dư thừa của chúng.
Muốn ôn lại những kỷ niệm của Giáo sư Suzuki thời ở trường Gakushùin, tôi đã tập hợp và đọc lại càng nhiều càng tốt những tiểu luận và bài giảng của ông đăng trong tờ báo Hojin-Kai của trường. Đọc lại mười tiểu luận giá trị một thời, tôi thấy lại một cách sâu sắc chân tình của ông. Ông vẫn thường nói lòng chân thật là một điều phải được coi trọng trong cuộc sống. Giáo sư Suzuki đã có lần giảng về tác phẩm bất hủ của Thomas Carlyle, cuốn ‘Về Anh hùng và sự sùng bái Anh hùng’. Điều Carlyle nhấn mạnh là tư tưởng kiên định của các vị anh hùng cũng có thể được xem như lòng chân thật. Nếu hình thức ứng xử thế chỗ lòng chân thật, như trường hợp Napoleon, thì tư tưởng cao cả này sẽ mai một.
Tất nhiên, ông đã thường dẫn dắt chúng tôi theo chánh đạo với sự chân tình này. Rất tiếc lúc đó chúng tôi chưa thể hiểu trọn vẹn giá trị của sự dẫn dắt tinh thần này của Giáo sư Suzuki. Chúng tôi được bảo bọc trong bầu không khí thân thương tỏa ra từ nhân cách ông. Có thể vì chúng tôi quá gần gũi ông và còn quá trẻ để hiểu ông thật sự. Tuy nhiên, những gắn bó như vậy đã giúp tôi giữ được mối quan hệ với ông qua năm tháng đến tận ngày ông qua đời
Có những bài viết của ông về Văn hóa Đông phương mang tiêu đề là "Tùy theo ngòi bút điều khiển," "Vào một đêm mưa" v.v.; nhưng trong bàitựa cho các tiểu luận, ta thấy rõ nhiệt tâm của ông mong muốn viết càng bao quát và hoàn chỉnh càng tốt. Nhưng công việc hành chính và riêng tư đã ngăn trở ông, chỉ cho phép ông ghi lại những cảm nhận và tư tưởng một cách tản mạn. Ông đã nhận xét như vậy trong đoạn cuối: "Tôi đã đọc lại tiểu luận từ đầu và cảm thấy hoàn toàn thất vọng mà không thể lý giải tại sao. Ước gì có thể bổ sung thêm, nhưng tôi không có thời gian để làm việcnày."
Chúng ta đã quen xem một hệ thống lý luận phải bao gồm nhập đề, chính đề, và các chi tiết hợp lý hoặc có tính khoa học. Tuy nhiên với Bác sĩ Suzuki, ông thường sử dụng một hệ thống khác để theo đuổi sâu xa hơn tư tưởng của riêng ông. Ông có thể đem lại cho chúng tôi những dưỡng chất tinh thần mà những người bị thu hút với công việc định sẵn hằng ngày như chúng tôi rất cần.
Dù ước mơ của tôi là làm một bản tóm lược những tư tưởng của Bác sĩ Suzuki được thể hiện trong các trước tác thời kỳ đầu của ông, song hiện tại tôi chưa có đủ thời gian. Tôi phải tự hài lòng với một tình tiết xảy ra gần sáu năm trước. Lúc ấy, tôi cùng với cô Okamura, thư ký của ông, đang dìu ông bước xuống những bậc cấp của Thư viện Matsugaoka, bổng ông chợt hỏi tôi: "Tôi nhớ, khi anh còn là một sinh viên và đang đi dạo với tôi, có lần anh đã nói anh không cần gì ở những người đã quá tuổi ba mươi. Bây giờ anh đã vượt qua cái tuổi đó, không biết anh có còn giữ luận điểm ấy nữa không?" Quả thật tôi có nói như thế, nhưng cách đây đã gần nửa thế kỷ! Tôi sững sờ trước trí nhớ siêu phàm của ông đến độ không thể trả lời ngay
lúc ấy. Vào một dịp khác, tôi đã hỏi ông: "Xin Thầy cho tôi một công án", ông gật đầu: "Một loại công án, có thể lắm chứ". Lần trao đổi này vẫncòn in hằn trong tâm trí tôi.
Ông luôn hiểu lời tôi một cách thân ái còn tôi nói về ông với tất cả tấm lòng mình. Giờ đây khi nghĩ về sự quan tâm của Bác sĩ Suzuki dành cho thế hệ trẻ, được biểu hiện trong nhiều tiểu luận của ông, tôi cảm thấy hỗ thẹn về những phát ngôn khinh suất của mình.
Cho phép tôi trích dẫn vài dòng ông đã viết cho tờ tập san của trường chúng tôi vào năm 1916:
Tôi hầu như không nghĩ rằng có hai nhóm quyền lực khác nhau và thường trực trong xã hội chúng ta hay ngay cả trên toàn thế giới. Chúng đang vận hành một cách tương phản do đấu tranh, bức bách, và mâu thuẩn.
Tất nhiên trên thế giới luôn có hai tầng lớp con người: tầng lớp trẻ và tầng lớp già. Kể cũng lạ, họ luôn chống đối nhau mà không thử tìm hiểu nhau bao giờ. Vậy tôi muốn nêu ra điểm này: bên nào nên xấu hỗ vì một sự đối đầu như vậy? Theo tôi tầng lớp già phải chịu trách nhiệm. Điều này càng đặc biệt đúng trong môi trường giáo dục. Giới cao niên thường hay quên thời trẻ trung của họ. Họ không mảy may chú ý là mọi sự đang thay đổi từng ngày và rằng thời trẻ tuổi của họ trong quá khứ không nhất thiết phải giống như thế hệ trẻ ngày nay.
Người thanh niên nào cũng có vấn đề riêng về cách đáp ứng những yêu cầu của thời đại. Y nỗ lực giải quyết vấn đề, sử dụng bất kể kiến thức, đạo lý, tư tưởng và khả năng họ đang có. Dù thế hệ trẻ có thể có những vấn đề khác biệt, thái độ và chân tình của họ không thay đổi theo dòng thời gian. Chừng nào vấn đề chưa được giải đáp, giới trẻ càng thành khẩn và cầu thị. Yêu cầu ở đây là những người lớn tuổi hơn và giới trung niên, với kinh nghiệm và quan điểm đã sở đắc của họ, cần phải đồng cảm và hiểu rõ điều này. Giới trẻ hay có khuynh hướng gạt bỏ những mâu thuẩn gay gắt trong cuộc sống; tình cảm của họ chân thành và suy nghĩ của họ rất lôgic; họ lao tới trước theo những trực tuyến của lôgic. Nếu thế giới này chỉ có toàn giới trẻ thì hoặc nó sẽ là thiên đàng hoặc nó sẽ bị hủy diệt. Cho nên thực tế là tầng lớp già nên hành xử như một cái thắng hãm bớt giới trẻ. Những điều mà người lớn cho là đáng trách hoặc không nên làm chưa chắc giới trẻ cũng nghĩ như vậy. Một nền giáo dục đúng đắn do đó không nên được quan niệm một cách cứng nhắc.
Ông luôn suy xét mọi vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Tri thức của ông đã đạt đến mức tròn đầy và sâu sắc gần như tri thức của vị Thiền sư nổi tiếng Triệu Châu. Đối với Bác sĩ Suzuki, những trở ngại vật chất như tuổi tác không thể ngăn cản nhiệt tình truy tìm chân lý hay làm mất đi tính trẻ trung bất biến nơi ông. Nhớ lại những đóng góp rực rỡ mà Bác sĩ Suzuki đã hoàn thành trong lãnh vực giáo dục và triết học, tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc ông đã ra đi.
BERNARD LEACH
SUZUKI DAISETZ
Trong những người tôi biết ít có ai sẵn lòng với cái chết như Cụ Suzuki. Biết vậy nhưng tôi vẫn lặng người khi nghe tin ông qua đời. Chợt nhớ lại lời quở của một Thiền sư trách đệ tử mình đã đau buồn trước cái chết của một người bạn. Còn gì vui hơn sự trả lời câm lặng của một đại công án? Còn gì buồn hơn sự mất mát một người bạn thân?
Tôi biết Bác sĩ Suzuki và phu nhân từ 50 năm trước, nhưng có hơn một nửa thời gian đó tôi không liên lạc với ông, vậy mà ông và những người bạn của ông - Yanagi Sôetsu và R. H. Blyth - đã thay đổi nhãn quan của tôi, và tôi không sao quên được nụ cười thân ái dưới cặp chân mày rậm rạp của ông.
Có một lần, ở New York, ông đập tôi một cú Thiền bảng đau điếng. Yanagi, Hamada Shôji và tôi đang ở thăm ông và cô Okamura ở phòng của ông và tôi đã nhân cơ hội này để cảm ơn ông về những điều mình đã học được từ sách vở của ông, sau đó tôi đã đề nghị ông giải thích về sự tập trung ban đầu của ông vào Thiền tông và sau đó là Phật giáo Tịnh độ - Con đường của một người và Con đường của nhiều người. Ông dội ngược ánh mắt lại tôi "Nếu anh còn thấy phân biệt thì anh chưa hiểu gì cả - không có nhị nguyên tính trong Phật giáo". Rồi, với nụ cười thân tình, ông giải thích đó là vấn đề một người quyết tâm mò mẫm leo lên một ngọn núi đá. Nó nguy hiểm, y có thể vấp ngã, y có thể tử vong, nhưng nếu y thành công, lên tới đỉnh y sẽ thấy nhiều người đã lên tới đó bằng một con đường có sẵn từ lâu ở bên kia sườn núi. Hệ quả tất nhiên, y tự nhủ, người của ‘jirikido’1 (chẳng hạn như một nghệ sĩ cô độc) không bao giờ nên quên người của ‘tarikido’2 trên con đường của nhiều người, và ngược lại.
Cũng vào dịp ở New York, chúng tôi được bà John D. Rockefeller mời dự buổi tiệc trưa ở làng Greenwich - một buổi tiệc gồm hơn chục người. Sau khi ăn xong bà chủ có nhã ý mời chúng tôi tham quan tòa nhà Liên hiệp quốc và ngắm cảnh dòng sông bên dưới từ trên sân thượng. Tôi nhớ mình đã quan sát dáng dấp bé nhỏ của Bác sĩ Suzuki đang đưa mắt lướt nhìn lên mặt tiền của cái hộp kiếng khổng lồ này. Chúng tôi lên bằng thang máy, bước ra một gian phòng thênh thang, sàn nhà bóng loáng. Yên lặng bao trùm cho tới khi, sau một hồi ngắm nghía, Bác sĩ Suzuki với giọng nói nhỏ nhẹ, hỏi: "Vậy ai lau chùi cửa kiếng?"
Ba năm sau tôi đã đến thăm Bác sĩ Suzuki ở Tokyo và nhớ đến dịp đó, tôi đã mang đến cho ông một tấm ảnh cắt ra từ một tờ báo tiếng Anh in hình một người thợ treo lơ lững bên ngoài mặt tiền bằng kiếng của tòa nhà để lau chùi. Ông chắc lưỡi thán phục.
Một con người giác ngộ vĩ đại đã vĩnh viễn xa lìa chúng ta.
---o0o---
Source:PhatViet (Phật Giáo Việt Nam)
Chân thành cảm ơn Ðạo Hữu Tâm Diệu
đã gởi tặng phiên bản diện tử Unicode này