Thiền,Ánh Bình Minh
PHƯƠNG TÂY
Nguyên Tác: Roshi Philip Kapleau
Việt dịch : Huỳnh Công Hoàng
Sàigòn 1999
---o0o---
PHẦN BỐN
ĐẠO LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
II NHỮNG ĐỐI THOẠI
1 NGỘ CÓ ĐƯA RA GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG LƯỠNG NAN VỀ ĐẠO ĐỨC HAY KHÔNG?
NGƯỜI HỎI: Ngộ có giải quyết tất cả những vấn đề cuộc sống con người không?
LÃO SƯ: Điều trước đây là vấn đề nay không còn là vấn đề nữa.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI:Thế về vấn đề đạo đức? Rõ là người ta không nên sát sinh hay trộ⭠cắp hay nói dối. Nhưng đôi khi trong một hoàn cảnh nào đó, cho dù anh suy nghĩ mọi cách, dường như không có câu trả lời "đúng". Liệu ngộ có cho phép nhìn thấu qua những vấn đề đạo đức này để hành động đúng trở nên rõ ràng không?
LÃO SƯ: Ngay cả những người ngộ sâu vẫn phải đối mặt với những vấn đề đạo đức. Những năm về trước, thầy tôi kể một câu chuyện trong bài giảng về thách thức đạo đức đối đầu với một thiền sư, đã gây cho những người tham dự khóa nhiếp tâm một phản ứng tình cảm mạnh nhất mà tôi từng chứng kiến. Đây là những gì ông kể mà tôi hãy còn nhớ:
Thời xưa có một thiền sư nọ có lòng khao khát xuất gia khi ông ta còn ở lứa tuổi thiếu nhi. Nhưng vì thân phụ qua đời sớm, ông phải bảo bọc nuôi nấng người mẹ quá bụa bằng nghề bán củi. Không thể dẹp bỏ đi lòng mong muốn bắt rễ từ lâu được đi theo con đường tôn giáo, khi đã để dành dụm được một ít tiền, ông để lại cho mẹ với dòng chữ," Hãy tha thứ việc con ra đi, nhưng con phải tìm một người thầy tâm linh." Kể từ đó người mẹ không còn nghe tin tức gì về ông ta.
Nhiều năm trôi qua, người mẹ bấy giờ đã già và loà một mắt. Bà rất muốn gặp đứa con duy nhất trước khi chết. Một hôm tình cờ gặp một du tăng, người đã từng sống ở một tu viện trên vùng đất xa xôi của đất nước, ông nói với bà là ông có lý do để tin rằng vị trụ trì chùa này là con trai của bà.
Phấn chấn bởi thông tin này vì có khả năng gặp lại con mình, bà lên đường tìm ngôi chùa ấy. Sau nhiều năm đi lại khó nhọc, bà tìm thấy cái mà bà tin là cái tu viện được mô tả bởi vị du tăng. Lúc này rất yếu, bà run rẩy tiến đến cổng, và một ông tăng lể phép hỏi nguyên do bà lặn lội đến đây. Bà kể câu chuyện về người con và trình bày lý do tại sao bà tin là vị trú trì này là con của bà. Bà có thể gặp một chốc hay không? Bà không muốn sống thêm lâu hơn nữa và sẽ chết bình yên nếu có thể gặp lại con một lần nữa.
Vị tăng yêu cầu bà chờ và vào thưa lại với vị trú trì. Một chập sau ông ta quay lại và nói," Tôi rất tiếc. Tôi đã thuật lại mọi thứ mà bà đã kể cho tôi với thầy trú trì nhưng ông nói,' Hẳn là bà ấy đã lầm; ta không là con của bà.'"
Khi những lời này được nói ra, cả thiền đường bật khóc. Nam lẫn nữ, cả lão sư nữa, khóc công khai.
Tôi nghe câu chuyện này bằng tiếng Nhật, tôi không rõ cái gì đã thúc sự bùng nổ tình cảm. Trên đường về nhà ( khoá nhiếp tâm tổ chức ở miền Bắc Nhật bản) tôi ngồi kế lão sư trên tàu hỏa và có cơ hội để hỏi điều đặc biệt của câu chuyện và về việc khóc.
" Tại sao mọi người đột nhiên bật khóc lúc vị trụ trì nói ông ta không phải là con của bà? Ông là con của bà ta, phải không?"
" Đúng, ông ta là con," lão sư đáp," Hãy nhớ rằng ông ta không gặp lại mẹ trong nhiều năm từ khi xa nhà. Ông ta biết bà nay đã già yếu và khi gặp bà, ông sẽ bị tràn ngập bởi lòng mong muốn ôm lấy bà và chăm sóc cho bà. Nhưng ông có trách nhiệm huấn luyện tinh thần cho hơn năm trăm tăng chúng. Nếu mẹ ông sống trong tu viện hay gần đó, ông sẽ muốn ở bên bà và vì vậy có ít thời gian chuyên tâm vào việc huấn luyện thiền cho tăng chúng. Chúng ta có thể hình dung sự đấu tranh gay gắt đầy ray rứt dằn vặt để đưa ra câu trả lời mà cuối cùng vị tăng kia báo lại. Và vì nhiệm vụ của mình, vị trú trì chấp nhận sự đau khổ, thay vào đó tấm lòng của ông được cảm nhận sắc bén bởi mọi người trong thiền đường, họ tất cả bọn họ đã khóc."
NGƯỜI HỎI THỨ BA: Ít ra vị trú trì có thể gởi lời nhắn cho mẹ rằng ông chính là con bà và vẫn khoẻ, nhưng ông không thể gặp bà sao?
LÃO SƯ: Nếu ông ta làm như vậy, không phải sự hờn giận của bà mẹ tệ hơn sao?
NGƯỜI HỎI THỨ TƯ: Tại sao nhiệm vụ của ông đối với tăng chúng lớn hơn nhiệm vụ đối với mẹ gìa của mình? Tôi có biết người Á đông, đặc biệt là người Nhật hết lòng tận tụy vì cha mẹ và chăm sóc họ rất tốt. Không phải thái độ này rất xa rời văn hoá của họ hay sao?
LÃO SƯ: Vị trú trì trong trường hợp này phản ánh cái ý nghĩa đặc biệt về nhiệm vụ của ông. Một lão sư ở Nhật, người mà tôi từng theo thọ giáo, có người mẹ gìa sống cùng trong khuôn viên của tu viện và thường xuyên đi lại thăm nom. Có lẽ vì ở đó có hai mươi tăng chúng thay vì có đến năm trăm, nên ông nhận thấy mối quan hệ với mẹ không can thiệp các mối quan hệ với chư tăng.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Thế còn về người mẹ? Phản ứng của bà đối với lời từ chối của vị trú trì?
LÃO SƯ: Không mất nhiều tưởng tượng phỏng đoán, phải không? Nhưng đây là hệ quả của câu chuyện.
Sau khi bà mất đi, vị trú trì có nội kiến nhìn thấy mẹ trong vùng đất Tịnh độ. Bà phát ra hào quang và chắp tay nói với ông là bà đã tha thứ cho ông, vì bây giờ bà đã hiểu tại sao ông không gặp bà. Vị trú trì biết rằng mẹ mình đã ngộ nên khóc vì vui mừng.
2 THIỀN Ở TRÊN ĐẠO LÝ NHƯNG ĐẠO LÝ KHÔNG Ở DƯỚI THIỀN
NGƯỜI HỎI: Trong một tập tin nội bộ của một Trung tâm Thiền nào đó, tôi đọc được một mẫu đối thoại gây ra nhiều bối rối trong tâm tôi. Tôi vô cùng biết ơn nếu thầy cho tôi biết phản ứng của thầy đối với việc này. Tôi mang bản tin theo đây. Vì nó khá dài, tôi có thể nói tóm tắc nội dung chính của nó không?
LÃO SƯ: Được.
NGƯỜI HỎI: Một lần nọ, vị trú trì của một ngôi chùa ở vùng quê đi vắng, vị tăng có nhiệm vụ quản chúng bảo mấy ông tăng khác đem con bò của chùa đi bán để mua rượu thịt và thức ăn ngon, sau đó, họ thức suốt đêm ăn nhậu no say. Ngày hôm sau vị trú trì trở về để ngồi thiền buổi sáng, ông nhìn thấy học trò mình, tất cả đều ngủ say giữa những thức ăn thừa của bửa tiệc và con bò biến mất. Giận lắm, ông gọi mọi người tập trung ở chánh điện và yêu cầu mang con bò trở về. Nghe đến đây, vị trưởng tăng cởi bỏ áo quần và bò quanh phòng, rống lên "Umm!" Mừng rở, sư đánh vào mông anh ta ba mươi lần và nói," Đây không phải là con bò của ta. Con này nhỏ quá! " Tất cả đều nhẹ nhỏm và vấn đề không còn được nói nữa.
Tôi có nhiều câu hỏi, nhưng trước hết, phản ứng của thầy như thế nào về nó?
LÃO SƯ: Điều mà vị sư làm là đúng. Nếu tôi ở đó, dầu vậy, tôi sẽ cầm roi đánh vào đít anh ta.
NGƯỜI HỎI: Tại sao ?
LÃO SƯ: Vì đang trông bò.
NGƯỜI HỎI: Đó là câu hỏi kế tiếp của tôi. Thiền viện thường nuôi bò hay súc vật hay sao?
LÃO SƯ: Không. Súc vật phải được nuôi và chăm sóc, thường vào thời gian rãnh và điều này có thể can thiệp vào kế hoạch thiền và học tập của tăng chúng. Nhưng quan trọng hơn, thiền viện không nuôi bò hay uống sữa bò vì chính Đức Phật không uống sữa--vì như vậy là cướp mất sữa của bò con.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Còn về cách cư xữ của các tăng thì sao?
LÃO SƯ: Thiền giả phát triển tâm linh cao thường làm những việc khá ngạc nhiên--ngạc nhiên, đó là đối với người chưa ngộ--nhưng chỉ những vị tăng chưa phát triển bị mê hoặc mới ăn cắp bò. Bán nó để mua rượu thịt và lao vào nhậu nhẹt. Hành động theo cách này được gọi là những kẻ vô đạo bay mùi cá thối.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Không phải giới luật Phật giáo cấm uống rượu ăn thịt sao? Các thiền tăng được miễn trừ giới luật hay sao?
LÃO SƯ: Thiền tăng cũng là Phật tử.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Hãy để tôi thử bảo vệ họ. Người ta cho rằng Thiền dạy sự tự do. Nhưng làm cách nào anh được tự do trong khi bị bao bọc trong hàng rào giới cấm? Và tại sao thiền giả không nên ăn thịt uống rượu hay sử dụng ma tuý nếu người ấy muốn? Điều gì sai khi ta dùng nó vừa phải?
LÃO SƯ: Tự nó không là gì cả.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Có phải thầy ám chỉ là thiền giả khi ngộ rồi bỏ qua giới cấm nếu thấy thích hợp để làm như thế không?
LÃO SƯ:Những người tiến bộ trong tu luyện không bị gắn vào giới cấm, họ cũng không phá vở nó để chứng minh là được tự do. Giới cấm giống như giàn dáo: cần thiết để dựng cấu trúc lớn, nhưng ai sẽ khăng khăng giữ lại giàn dáo khi nhà được hoàn thành? Hãy nhớ, giới cấm không phải là những điều răn được một bậc thiêng liêng hay người thông suốt mọi thứ truyền xuống. Thay vào đó nó biểu lộ con người giác ngộ sâu, hoàn hảo, với không có cảm giác tôi và người khác, cư xữ như thế nào. Cá nhân như vậy không bắt chước giới cấm; nó bắt chước y. Tuy nhiên, trước khi anh tới trình độ này, anh phải tuân theo giới luật, vì trừ phi tâm anh thoát khỏi sự náo động, từ đó tạo ra cách cư xữ vô tâm, anh sẽ không bao giờ đắc ngộ. Đó là lý do tại sao giới luật là nền tảng của tu luyện tinh thần.
Hãy trở lại câu chuyện anh đề cập trước đây. Anh nói là khi sư quay về ngồi thiền buổi sáng và nhận thấy các tăng đang nằm ngủ. Như vậy, họ không tọa thiền sáng hôm đó--rõ ràng là họ chưa tỉnh rượu--có lẽ cũng không toạ thiền tối đó. Đến với ngộ đòi hỏi đầu óc trong sáng, năng lượng tập trung, ý chí mạnh, và những thứ này phát triển từ sự kỷ luật trong thiền; họ chỉ có thể bị yếu đi vì ăn uống quá lố.
Câu chuyện này cũng minh hoạ rằng hễ phạm một giới cấm thì dẫn đến phạm những giới cấm khác. Nếu những vị tăng này không phạm vào giới cấm thứ hai--không trộm cắp--họ không phạm giới thứ năm, không uống rượu.
Ăn thịt, cố nhiên, không cụ thể cấm trong giới luật. Tuy nhiên, kinh Lăng nghiêm và kinh Lăng già --cả hai là kinh điển Đại thừa--thật hùng hồn khi kết án việc ăn thịt.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Lý do gì kinh này đưa ra?
LÃO SƯ: Trong cái vòng luân hồi sinh tử vô tận, không có ai mà không từng là mẹ, cha, chồng vợ, anh, chị, em, hay con cháu ta--không ai là không thân thuộc với ta, thậm chí trong kiếp sống thú. Thế thì làm sao một người có trình độ tâm linh cao có thể đến với tất cả chúng sinh, nếu chính họ ăn thịt của sinh vật có cùng bản tánh như mình? Nhìn theo cách này, không phải những người ăn thịt kia chẳng khác gì ăn thịt người hay sao? Làm thế nào người ta có thể tìm giải thóat từ việc gây đau khổ dù trực tiếp hay gián tiếp cho sinh vật khác? Những người ăn thịt súc vật rõ ràng thích hưởng thụ nó, như vậy, họ vui từ cái chết của các sinh vật khác.
Khi anh ngừng suy nghĩ về điều này, không phải việc giết và ăn thịt con bò là hành động vô ơn đê tiện hay sao? Con bò là mẹ nuôi của con người. Sữa của nó và các sản phẩm phụ nuôi dưỡng người lớn và trẻ em với cái giá của con cháu nó. Nhưng khi nó quá già và không còn cho sữa, con người biểu lộ lòng lòng biết ơn với những năm tháng phục vụ của nó như thế nào? Bằng cách cho nó sống tiếp những năm tháng tàn tạ còn lại trong dể chịu và mãn nguyện? Không! Người ta thường giết nó một cách độc ác để ăn thịt lấy da làm giầy dép thời trang, càng tăng thêm sự sĩ nhục khi dẫm nó dưới chân. Tuy vậy, các nhà đạo đức lại nói rằng con người với bản tính nâng cao là sinh vật duy nhất biểu lộ lòng biết ơn.
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Nếu bản thân mình không tự giết hại súc vật và chúng không bị giết vì lợi ích của mình, thì tại sao nó cũng là điều xấu?
LÃ SƯ: Lò sát sinh có thể được che đậy dưới hình thức mỹ miều xa hàng dặm, như Emerson nói, nhưng nó vẫn là đồng loả. Bất cứ con vật nào gì bị giết hại để lấy thịt cho ta ăn, nếu ta cho thịt nó vào bụng, ta là kẻ tòng phạm của việc giết hại vô cớ. Tại sao vô cớ? Bởi vì điều chắn chắn và rõ ràng là đễ sống và làm việc tốt đâu cần dùng chất đạm động vật.
Anh đã hỏi tôi nhiều. Bây giờ tôi mạn phép hỏi anh ít câu. Tại sao anh quá quan tâm đến giới luật?
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Tôi không biết.
LÃO SƯ: Anh đang tìm mối liên hệ giữa đạo đức và ngộ trong Thiền phải không?
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Vâng, nó quấy rầy tôi.
LÃO SƯ: Bằng cách nào?
NGƯỜI HỎI THỨ HAI: Tôi cho là do việc được nuôi dạy trong gia đình Thiên chúa giáo. Tôi đã đọc và thấy nói rằng Thiền vượt khỏi đạo đức, nhưng không có cách cư xử đạo đức, không có cảm giác sai- đúng, như vậy không phải là thế giới sẽ rối loạn hơn bây giờ sao?
LÃO SƯ: Thiền vượt lên đạo đức nhưng không chối bỏ đạo đức. Nói cho có vẻ Thiền hơn," Thiền ở trên đạo đức nhưng đạo đức không nằm dưới thiền." Con người đạo đức biết cái đúng từ cái sai, hay tư duy về việc làm đúng-sai của mình nhưng anh ta không biết ai là người đang nghĩ đúng-sai. Những nhận định sâu như vậy đòi hỏi sự tu tập và ngộ.
3 NHÀ THỒ VÀ PHẬT GIÁO
NGƯỜI HỎI: Tôi vừa học xong một khoá giáo lý Phật giáo, trong đó chúng tôi đọc rất nhiều kinh. Một trong những kinh đó kể về A-nan-đà, một đại đệ tử của Đức Phật. Một hôm A-nan đến gần một nhà thổ và sắp bị mê hoặc thì Đức Phật do thần thông của mình biết được A-nan bị nạn nên giải thóat cho ông ta. Và một kinh khác--tôi nghĩ có tên là Duy-ma-cật--nói cư sĩ Duy-ma-cật thường xuyên đến nhà thổ. Lại trong một kinh khác nữa-tôi không thể nhớ tên--có câu chuyện về một người phụ nữ giác ngộ trở thành gái điếm. Dường như có mối quan hệ mạnh mẽ giữa Phật giáo và nhà thổ.
LÃO SƯ: Trong hàng cư sĩ, Duy-ma-cật là người có mức độ ngộ rất sâu chỉ sau đức Phật mà thôi. Và vì là một người ngộ rất sâu, cho nên đối với Duy-ma-cật, công việc hoằng pháp độ sanh là nhu cầu cần thiết tự nhiên như hơi thở. Nó có cho anh vết tích tại sao ông ta đến nhà thổ không?
NGƯỜI HỎI: Rõ ràng thầy ám chỉ ông đến đó để thuyết pháp. Nhưng tại sao lại là nhà thổ?
LÃO SƯ: Tại sao không phải là nhà thổ? Thánh nhân cũng như gái điếm đều có sức mạnh đánh thức Chân tâm. Người phụ nữ đắc ngộ mà anh vừa nhắc đến --nên gọi là Bồ tát--trở thành gái điếm để giải thoát đàn ông khỏi đam mê đồi bại của họ.Và cố gắng thức tỉnh những tâm hồn ngu muội, đen tối của các gái mãi dâm và những người bảo trợ họ. Duy-ma-cật thường xuyên lui tới nhà thổ. Đúng, có và liên tục mối quan hệ vững chắc giữa nhà thổ và Phật giáo.
NGƯỜI HỎI: Thầy không nhắc đến A-nan-đà. Thế còn ông ta thì sao?
LÃO SƯ: Vào thời điểm xảy ra sự kiện như anh nói, chắc chắn A-nan-đà chỉ là một chú tiểu, mà mấy chú tiểu đôi khi rơi vào những tình trạng khốn đốn. Tôi có phải nói điều gì xảy ra khi thầy tôi dẫn các huynh đệ chúng tôi đến một nhà thổ và sau đó dẫn tôi đến nhà vũ nữ không?
NGƯỜI HỎI : Vâng! Vâng!
LÃO SƯ: Trước hết tôi kể cho quí vị nghe về một pháp tu gọi là Takuhatsu. Một nhóm tăng xếp hành một, đi trên đường, tụng "Ho" ("pháp"). Mỗi người cầm một bát gỗ và mang một cái bao vải quanh cổ. Người lớn, trẻ con đặt tiền vào bát để cúng dường và thức ăn vào cái bao, sau đó người cho và người nhận chắp vái nhau, chào nhau tỏ lòng kính trọng và biết ơn nhau. Mặc dù từ Takuhatsu thường được dịch là "ăn xin" nhưng các tăng không"xin." Họ rao giảng giáo lý của Đức Phật trước công chúng, lấy chính cuộc sống của họ làm điển hình và đáp lại được cúng dường thức ăn và tiền bạc để độ thân. Chư tăng được huấn luyện để cái nhìn bình đẳng trước các tài thực cúng dường. Đó là không có những phán xét như," Ông này rộng lượng, bà kia keo kiệt." Tương tự như vậy đối với công đức chủ, nếu họ đóng góp với cái tâm bình đẳng sẽ không có những suy nghĩ như," Tôi sẽ có được công đức tinh thần vì đã đóng góp vào đó."
Vào một ngày tháng Hai, sau khi tôi đã ở tu viện ba tháng, lão sư nói với tôi," Mai anh sẽ đi khất thực cùng chúng tôi." Đó là lần đi khất thực lần đầu tiên của tôi và tôi mong đợi một cách háo hức với kiểu tu mới này, cho dù nó có nghĩa là đi bộ nhiều giờ trên tuyết băng bằng đôi giầy cỏ và bồ đồ mỏng của thầy tu.
" Ngày mai chúng ta sẽ đi khất thực ở đâu, thưa lão sư?"
"Tới làng kế bên. Sau khi khất thực chúng ta sẽ làm lễ giổ trong vườn."
" Loại vườn nào?"
" Một vườn sen về đêm."
"Nhưng…"
" Không hỏi nữa! Hãy kiên nhẫn, Kapleau. Anh sẽ biết, anh sẽ biết."