- Bài giảng ngày thứ nhất
- Bài giảng của ngày thứ hai
- Bài giảng ngày thứ ba
- Bài giảng của ngày thứ tư
- Bài giảng của ngày thứ năm
- Bài giảng của ngày thứ sáu
- Bài giảng của ngày thứ bảy
- Bài giảng của ngày thứ tám
- Bài giảng của ngày thứ chín
- Bài giảng của ngày thứ mười
- Bài giảng của ngày thứ mười một
- Bảng giải thích từ ngữ Pali
- Địa chỉ truy cập những trung tâm tu thiền Minh Sát Tuệ trên thế giới
Những Bài Giảng Tóm Tắt
Của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày
Thích Minh Diệu dịch
---o0o---
BÀI GIẢNG CỦA NGÀY THỨ MƯỜI
Ôn lại phương pháp thực hành
Ngày thứ mười đã qua. Chúng ta hãy ôn lại những gì chúng ta đã thực hành trong suốt mười ngày qua.
Quý vị đã bắt đầu tu tập với việc qui y Tam bảo, đó là, qui y Phật, qui y Pháp và qui y Tăng. Nhờ qui y này quý vị không bị cải đổi từ tổ chức tôn giáo này sang tổ chức tôn giáo khác. Trong thiền Minh Sát Tuệ sự cải đổi chỉ là sự chuyển đổi từ đau khổ sang hạnh phúc, từ vô minh sang trí tuệ, từ trói buộc sang giải thoát. Toàn bộ phương pháp giảng dạy của thiền Minh Sát Tuệ mang ý nghĩa phổ quát. Quý vị đã qui y không phải ở một cá nhân, giáo điều, hoặc giáo phái, nhưng quy y đức tính giác ngộ. Đức Phật là vị đã khám phá ra con đường dẫn đến giác ngộ. Con đường Ngài tìm ra được gọi là giáo pháp. Tất cả ai thực hành theo con đường này và đạt đến trạng thái thuần tịnh được gọi là Tăng già (đoàn thể thanh tịnh). Ngưỡng vọng những vị này, chúng ta qui y đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn để đạt cùng mục đích tối hậu của tâm thanh tịnh. Thực chất qui y là đặc tính chung của sự giác ngộ mà chúng ta cần tu tập trong chính chúng ta.
Đồng thời, bất cứ người nào đang tiến tu trên con đường giáo pháp sẽ khởi lên một cảm thọ nhớ ơn và ước mong phục vụ người khác mà không mong cầu đáp lại bất cứ điều gì. Hai đức tính này nổi bật nhất ở đức Phật Thích-ca, một vị Phật lịch sử. Ngài đạt được giác ngộ viên mãn nhờ nỗ lực tự thân. Tuy nhiên, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, Ngài đã tìm cách truyền trao lại cho chúng sanh phương pháp mà Ngài đã tìm ra.
Những đức tính tương tự sẽ có mặt trong tất cả những ai tu tập theo giáo pháp và những người đoạn trừ phần nào tập khí chấp thủ tự ngã. Giáo pháp mà quý vị tu tập chính là sự qui y chân thật, sự bảo vệ chân thật. Tuy nhiên, cùng với việc tu tập giáo pháp chúng ta sẽ khởi tâm biết ơn đức Phật Gotama [1], Ngài đã tìm ra và giảng dạy giáo pháp này, cũng như sự biết ơn đối với chư vị đã quên mình nỗ lực bảo tồn giáo pháp trong hình thức nguyên thủy của nó qua hơn 25 thế kỷ cho đến ngày hôm nay.
Với tuệ tri này chúng ta đã qui y với Tam bảo.
Kế đến quý vị giữ năm giới. Đây không phải là một nghi thức tụng đọc hoặc lễ nghi. Nhờ tuân thủ năm giới này, quý vị đã tu tập giới, đây là nền tảng của việc tu tập. Không có nền móng vững chắc của giới, toàn bộ cấu trúc của thiền định sẽ bị suy yếu. Giới luật mang tính phổ quát và không thuộc vào giáo phái nào. Quý vị tu tập để từ bỏ những việc làm của thân và lời nói có thể ảnh hưởng đến bình an và hài hòa của người khác. Những tâm phiền não phát sinh và hiện hành qua lời nói hoặc hành động. Trong thiền Minh Sát Tuệ quý vị nỗ lực thanh lọc tâm để tâm trở nên vắng lặng và an tịnh thật sự. Quý vị không thể tiến hành thanh lọc tâm trong khi quý vị còn tạo ra những hành động quấy nhiễu đến tâm.
Nhưng làm sao để phá vỡ vòng lẩn quẩn, trong vòng này tâm bị dao động làm những việc bất thiện và cứ như thế những việc làm bất thiện ấy lại tiếp tục làm tâm dao động thêm? Một khóa tu thiền Minh Sát Tuệ giúp cho quý vị một cơ hội. Vì chương trình rất nghiêm ngặt, luật lệ nghiêm túc, phát nguyện tịnh khẩu, và môi trường tác động lên sự tu tập rất mạnh, rất khó có sự chểnh mảng để việc giữ năm giới của quý vị bị phá vỡ. Vì vậy, suốt mười ngày quý vị có thể hành trì giữ giới, và dựa trên nền tảng này quý vị phát triển thiền định; lại nữa thiền định làm nền tảng cho trí tuệ, với trí tuệ này quý vị có thể thâm nhập vào chiều sâu của tâm thức và thanh lọc cấu uế của tâm.
Suốt khóa tu quý vị đã giữ năm giới để có thể tu tập giáo pháp này. Sau khi hiểu rõ giáo pháp chúng ta quyết định chấp nhận và tu tập theo giáo pháp. Và chúng ta phải tuân thủ giữ giới trong suốt cuộc đời chúng ta.
Kế đến quý vị qui y trước đức Phật và vị Thầy hướng dẫn hiện tại của khóa tu mười ngày. Sự qui y này là vì mục đích của việc dẫn đến cuộc xét nghiệm phương pháp tu tập một cách thích hợp. Chỉ có ai đã qui y giáo pháp này mới có thể tiến hành tu tập và nỗ lực một cách trọn vẹn. Người nào tâm chứa đầy hoài nghi và do dự sẽ không thể tu tập thích hợp. Tuy nhiên, niềm tin mù quáng không phải là ý nghĩa của việc qui y này; tin mù quáng không thích hợp đối với giáo pháp. Nếu bất cứ nghi ngờ nào khởi lên trong tâm, quý vị nên đến vị Thầy hướng dẫn vào lúc cần thiết để hoá giải nghi ngờ.
Sự qui y còn có nghĩa là qui luật và thời khắc của khóa tu. Những điều này được xác định, dựa vào kinh nghiệm của hàng ngàn người tu tập trước, để có thể giúp quý vị hành trì liên tục, và để cho đạt được lợi lạc lớn lao nhất của khóa tu mười ngày này.
Nhờ qui y quý vị tu tập chuẩn xác khi quý vị được hướng dẫn. Bất cứ những phương pháp nào mà quý vị đã tu tập trước đây, quý vị được yêu cầu đình chỉ lại trong suốt thời gian khóa tu. Quý vị có thể gặt hái những lợi lạc và đánh giá giá trị của phương pháp chỉ khi nào hành trì nó nghiêm túc theo một phương pháp thích hợp. Mặc khác, pha trộn phương pháp hành trì có thể dẫn quý vị vào những khó khăn trầm trọng.
Quý vị bắt đầu thực tập thiền quán hơi thở (Anāpāna meditation) để phát huy khả năng điều phục tâm và định tâm (samādhi). Quý vị được hướng dẫn chỉ thở một cách tự nhiên không sử dụng thêm bất cứ thần chú, kệ tụng, hình tượng hoặc một thể thức nào. Lý do của sự nghiêm cấm này là để giữ tính nhất quán của phương pháp tu này: hơi thở là yếu tố quen thuộc và có thể chấp nhận đối với mọi người, nhưng một câu chú hoặc một hình tượng chỉ có thể chấp nhận ở một số người mà không thể cho tất cả.
Nhưng còn một lý do quan trọng hơn cho việc tu tập chỉ quán sát hơi thở. Toàn bộ tiến trình tu tập là một cuộc khám phá ra sự thật trong mỗi chúng ta, về bản chất thật của thân và tâm, không như quý vị muốn nó trở thành. Đó là sự quán sát thực tại. Quý vị ngồi xuống và khép mắt lại. Không nghe ngóng, không hướng tâm ra ngoài, không lay động thân thể. Lúc đó hoạt động nổi bật nhất trong thân thể quý vị là hơi thở. Quý vị tu tập qua quán sát thực tại này: đó là hơi thở tự nhiên, khi nó đi vào và ra hai lỗ mũi. Khi nào quý vị không cảm nhận hơi thở, quý vị được phép thở hơi mạnh một tí, cốt đặt sự chú ý của quý vị nơi khu vực của hai lỗ mũi, và một lần nữa quý vị trở về hơi thở tự nhiên, bình thường và nhẹ nhàng. Quý vị bắt đầu tu tập sự thật thô và bên ngoài này, và khi đó quý vị tiến xa và sâu hơn vào những sự thật vi tế hơn, sự thật tối hậu. Mỗi giai đoạn trong suốt tiến trình tu tập, quý vị duy trì sự thật mà quý vị thực sự kinh nghiệm, từ thô nhất đến vi tế nhất. Quý vị không thể đạt đến chân lý tối hậu bằng sự tưởng tượng. Quý vị sẽ bị rối loạn thêm vì những viễn tưởng xa vời và chỉ tự lừa dối mình.
Nếu quý vị sử dụng thêm thần chú vào đối tượng của hơi thở, quý vị có thể tập trung tâm nhanh hơn, nhưng sẽ gặp nguy hiểm trong phương cách hành trì đó. Mỗi lời chú có một tác động đặc biệt. Bằng sự lặp lại một lời chú hoặc câu chú, chúng ta tạo ra rung động ảo giác và bị chìm sâu vào đó. Ở mức độ bên ngoài của tâm một lớp bình an và hài hòa được hình thành, nhưng ở mức độ sâu, tâm cấu uế vẫn còn tồn tại. Con đường duy nhất để loại trừ những phiền não ngủ ngầm này là tu tập quán sát chúng, bằng cách đưa chúng lên bề mặt của tâm để chúng tiêu hoại. Nếu chỉ quán sát sự rung cảm giả tạo đặc biệt, chúng ta không thể quán sát những rung cảm tự nhiên khác nhau liên quan đến phiền não của chúng ta, đó là quán sát một cách tự nhiên những cảm thọ sinh khởi trên thân chúng ta. Vì vậy, mục đích của chúng ta là để khám phá ra thực tại của chính mình và thanh lọc tâm, nếu sử dụng câu chú có thể gây ra những trở ngại.
Tương tự, sự mường tượng - sự sao chụp một hình ảnh trong tâm - có thể trở thành một chướng ngại cho việc thực hành. Phương pháp hành trì để phá vỡ sự thật bên ngoài và đạt đến sự thật tối hậu bên trong. Sự thật bên ngoài là sự thật được phối hợp lại luôn luôn chứa đầy ảo giác, vì ở cấp độ này tưởng tri hoạt động và bị dao động do những phản ứng của quá khứ. Tưởng tri có điều kiện này phân biệt và chia chẻ dẫn đến những thiên vị và thành kiến, làm phục hồi lại những phản ứng (saṅkhārā). Nhưng nhờ quán sát thực tại phân biệt bên ngoài, chúng ta dần dần đi vào kinh nghiệm thực tại tối hậu của thân và tâm: không gì khác hơn ngoài những dao động sinh diệt trong mỗi sát na. Ở giai đoạn này, tâm không phân biệt, và vì vậy sự thiên vị hoặc thành kiến không thể sinh ra, không có phản ứng sinh khởi. Phương pháp tu tập tuần tự làm suy yếu đi các tưởng tri có điều kiện và vì vậy cũng làm yếu đi các phản ứng, dẫn đến một trạng thái nơi đó nhận thức và cảm thọ đều bị tiêu diệt, đó là, chứng nghiệm Niết-bàn. Nhưng với sự chú ý có chủ tâm đối với một hình thể, bóng dáng, hoặc ảo ảnh, chúng ta chỉ dừng lại ở cấp độ của thực tại bên ngoài, và không thể vượt qua thực tại này được. Vì lý do này, hành giả không nên tưởng tượng hình tượng cũng không nên đọc tụng thần chú.
Sau khi tập trung tâm thức nhờ việc quán sát hơi thở tự nhiên, quý vị bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ để phát triển trí tuệ, quán sát bản chất của quý vị, tẩy sạch tâm cấu nhiễm. Quý vị tu tập quán sát những cảm thọ tự nhiên trên thân thể từ đầu đến chân, bắt đầu trên bề mặt và sau đó vào sâu hơn, thực tập cảm nhận cảm thọ trong và ngoài, tại mỗi phần của thân thể.
Quán sát thực tại như nó đang hiện hữu, không khởi lên thành kiến nào, để phân tán sự thật bên ngoài và đi vào sự thật rốt ráo bên trong, đây là phương pháp thiền Minh Sát Tuệ. Mục đích của việc làm phân tán thực tại thô là để có thể làm cho thiền giả thoát khỏi “Cái Ta” ảo giác. Ảo giác này là nguồn gốc của tất cả tham ái và sân hận, và mang lại khổ đau vô biên. Nhờ nhận thức, chúng ta có thể nhận ra nó là một ảo giác, nhưng hiểu biết này không đủ điều kiện để chấm dứt đau khổ. Niềm tin tôn giáo hoặc triết học không có quan hệ gì, một khi chấp thủ tự ngã còn hiện hữu, chúng ta vẫn còn đau khổ. Để phá vỡ ngã chấp này, chúng ta phải kinh nghiệm trực tiếp bản chất vô thường của thân và tâm, bản chất này thay đổi liên tục vượt ngoài khả năng điều khiển của chúng ta. Duy chỉ có kinh nghiệm này chúng ta mới có thể phá vỡ ngã chấp, dẫn đến con đường thoát khỏi tham ái, sân giận và khổ đau.
Vì vậy, nhờ kinh nghiệm trực tiếp, phương pháp này là một khám phá tìm ra bản chất thật của hiện tượng mà chúng ta gọi nó là “Cái Ta, Cái của Ta”. Có hai yếu tố thuộc về hiện tượng này: đó là vật chất và tinh thần, thân thể và tâm thức. Thiền giả thực tập bắt đầu bằng quán sát thực tại của thân. Để kinh nghiệm trực tiếp thực tại này, chúng ta phải cảm nhận thân thể, nghĩa là tỉnh giác các cảm thọ xuyên suốt thân thể. Vì vậy sự quán sát về thân (kāyānupssanā) liên hệ mật thiết với sự quán sát những cảm thọ (vedanānupassanā). Tương tự, chúng ta không thể kinh nghiệm thực tại của tâm thức ngoài những gì phát sinh trong tâm thức. Vì vậy, sự quán sát về tâm (cittānupassanā) cũng liên quan mật thiết với sự quán sát những thành phần của tâm (dhammānupssanā).
Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải quán sát những tư tưởng riêng biệt. Nếu cố làm như vậy chúng ta sẽ bắt đầu lún vào các tư tưởng. Chúng ta chỉ nên đơn giản duy trì sự tỉnh giác tự nhiên của tâm thức trong mỗi sát na; xem tham ái, sân hận, vô minh và dao động có mặt hay không. Và đức Phật đã khám phá ra rằng bất cứ điều gì sinh khởi trong tâm sẽ được kết hợp với một thân cảm thọ. Vì vậy, cho dù hành giả đang khám phá ra các hiện tượng thuộc tâm hoặc thân của “Cái Ta”, việc tỉnh giác cảm thọ là điều quan trọng.
Khám phá này là đóng góp duy nhất của đức Phật và giữ vai trò quan trọng trong giáo pháp của Ngài. Ở Ấn độ, trước và đương thời của đức Phật, đã có nhiều vị dạy và thực hành giới và định. Trí tuệ cũng đã có mặt, ít nhất trí tuệ thuộc về tri thức hoặc thuộc tín ngưỡng: trí tuệ nhận chân tâm cấu uế là nguồn gốc của khổ đau, sự tham ái và sân giận cần được đoạn trừ để thanh lọc tâm thức và thành tựu giải thoát. Đức Phật, người duy nhất đã tìm ra con đường để thực thi điều này.
Một điều bị thiếu sót là sự tuệ tri về tầm quan trọng của cảm thọ. Thời đó cũng như ngày nay, quan điểm được chấp nhận rộng rãi rằng những phản ứng (saṅkhārā) của chúng ta là phản ứng với những đối tượng bên ngoài của các căn: thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và suy tư. Tuy nhiên, sự quán sát về sự thật bên trong cho thấy rằng giữa đối tượng và sự phản ứng có một điểm tiếp nối đã bị quên đi: đó là cảm thọ. Sự tiếp xúc của một đối tượng với một giác quan tương ứng dẫn đến cảm thọ; tưởng tri (sañña) thẩm định tốt hoặc xấu, tuỳ theo sự đánh giá đó cảm thọ phát sinh lạc hoặc bất lạc, và chúng ta phản ứng với tâm tham ái hoặc sân hận. Tiến trình xảy ra rất nhanh đến nỗi khi nhận thức ra nó thì phản ứng đã được lặp lại nhiều lần và đã tập trung đầy đủ sức mạnh để chế ngự tâm thức. Để đối phó những phản ứng này, chúng ta phải tỉnh giác tại thời điểm mà chúng sinh ra; chúng phát sinh cảm thọ, và vì vậy chúng ta phải tỉnh giác đối với những cảm thọ. Trước thời đức Phật, chưa ai khám phá ra điều này, chính nhờ khám phá này, Bồ-tát Siddhatha Gotamađạt được sự giác ngộ, và đây là lý do tại sao Ngài luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thọ. Cảm thọ có thể đưa đến phản ứng tham ái, hoặc sân giận, và vì vậy khổ đau sinh ra, nhưng cảm họ cũng có thể dẫn đến trí tuệ với trí tuệ này chúng ta đoạn trừ phản ứng và bắt đầu thoát khỏi khổ đau.
Trong thiền Minh Sát Tuệ, bất cứ sự tu tập nào gây trở ngại việc tỉnh giác đối với cảm thọ đều có hại, ví dụ như sự tập trung vào một câu thần chú hoặc một hình tượng, hoặc chỉ chú ý đến sự vận hành vật lý của thân thể hoặc đối với những tư tưởng sinh khởi trong tâm. Quý vị không thể loại trừ khổ đau trừ phi quý vị đi vào nguồn gốc của nó, đó là cảm thọ.
Phương pháp thiền Minh Sát Tuệ được đức Phật giải thích trong bài kinh Mahā-Satipaṭṭhāna sutta[1] (Kinh đại niệm xứ), “Bài kinh dạy về tu tập chánh niệm”. Bài kinh này được chia thành nhiều phần khảo sát những khía cạnh khác nhau của phương pháp tu tập; quán sát về thân, về cảm thọ, về tâm, và về các pháp. Tuy nhiên, mỗi phần hoặc chi phần của bài kinh có cùng một lời kết luận như nhau. Có thể có những điểm khác nhau khi bắt đầu tu tập, nhưng điều này không quan trọng, một thiền giả phải trải qua những giai đoạn, những kinh nghiệm cố định trên con đường đi đến mục đích tối hậu. Những kinh nghiệm này cũng là những kinh nghiệm cốt lõi của sự hành trì thiền Minh Sát Tuệ, được mô tả trong những câu kinh được lặp lại ở kết luận của mỗi phần.
Trong giai đoạn đầu tiên này, chúng ta kinh nghiệm sự sinh khởi (samudaya) và đoạn diệt (vaya) một cách riêng biệt. Ở giai đoạn này người hành thiền tỉnh giác về thực tại kết hợp trong hình thức của những cảm thọ thô trên thân. Chúng ta tỉnh giác cảm thọ, có thể là cảm thọ đau, sinh khởi. Nó có thể tồn tại trong một thời gian và cuối cùng sẽ tan biến.
Vượt qua giai đoạn đầu, chúng ta thể nhập vào giai đoạn của sinh-diệt (samudaya-vaya), trong giai đoạn này chúng ta kinh nghiệm sự sinh diệt đồng thời xảy ra, không có khoảng cách nào giữa sinh diệt. Những cảm thọ thô, cảm thọ hợp nhất tan rã thành những rung động vi tế, sinh ra và diệt đi rất mau chóng, và đặc tính vững chắc của thân và tâm biến mất. Xúc cảm mạnh-vững-chắc, và cảm thọ mạnh-vững-chắc đều tan rã thành những rung động. Đây là giai đoạn bhaṅga(sự tan rã), giai đoạn này chúng ta kinh nghiệm chân lý tuyệt đối của thân và tâm: đó là sự sinh diệt liên tục, không có sự chắc thật nào.
Giai đoạn phân tán này (bhaṅga) là giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình tu tập, vì chỉ khi nào chúng ta thể nghiệm sự tan rã của thân và tâm thì sự tham ái đối với chúng mới không còn hiện hữu nữa. Khi đó chúng ta không còn tham ái dù ở bất cứ phương diện nào; điều này có nghĩa là chúng ta thể nhập vào giai đoạn của saṅkhāra-upekkhā (giai đoạn hành-xả). Những phiền não ngủ ngầm (saṅkhārā) bị chôn lấp trong vô thức bây giờ xuất hiện lên bề mặt của tâm thức. Đây không phải là tiến trình thối lui mà là tiến trình thăng tiến, vì chỉ khi nào phiền não hiện ra ở bề mặt của tâm thức, chúng mới có thể đọan trừ được. Phiền não sinh khởi, chúng ta bình thản quán sát, và chúng tuần tự tiêu diệt. Chúng ta sử dụng những cảm thọ thô và bất lạc như công cụ để loại trừ saṅkhārā sân hận ngủ ngầm; và sử dụng những cảm thọ vi tế và cảm thọ lạc như công cụ để đoạn trừ saṅkhārātham ái ngủ ngầm. Vì vậy, tu tập giữ tâm tỉnh giác và xả ly đối với mỗi cảm thọ, chúng ta thanh lọc tất cả tâm phiền não phức tạp ngủ ngầm bên trong, và tiến đến mỗi lúc càng gần hơn mục đích Niết-bàn, giải thoát.
Chúng ta phải vượt qua mọi khó khăn của những giai đoạn khởi đầu này để đạt đến Niết-bàn. Chúng ta có thể đạt đến mục đích sớm hay muộn tùy thuộc vào sự nỗ lực đoạn trừ những saṅkhārātích tụ thuộc quá khứ của chúng ta.
Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, giữ tâm tỉnh giác và xả ly đối với cảm thọ là điều cốt lõi. Saṅkhārāsinh ra từ thân cảm thọ. Tu tập xả ly đối với cảm thọ, quý vị ngăn ngừa không cho saṅkhārā mới sinh ra, và đồng thời quý vị cũng đoạn trừ những saṅkhārā cũ. Vì vậy tu tập quán xả ly những cảm thọ, quý vị tuần tự thăng tiến đến mục đích tối hậu của sự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.
Hãy thực tập nghiêm túc. Đừng xem thiền định như một trò chơi, để rồi theo học hết phương pháp này tới phương pháp nọ mà không nỗ lực tu tập theo một phương pháp nhất định. Nếu làm như vậy, quý vị sẽ không bao giờ vượt qua những bước đầu của bất cứ phương pháp nào, và vì vậy quý vị cũng sẽ không bao giờ đạt đến mục đích. Đương nhiên, quý vị có thể thử nghiệm những phương pháp khác nhau để tìm ra một phương pháp thích hợp. Nếu cần, quý vị cũng có thể thử nghiệm hai hoặc ba lần về phương pháp tu tập này, nhưng đừng bỏ phí cả cuộc đời của quý vị chỉ vì những cuộc trắc nghiệm. Một khi quý vị tìm ra một phương pháp thích hợp, hãy thực hành nó một cách nghiêm túc để quý vị có thể thành tựu mục đích.
Cầu mong những người khổ đau ở khắp mọi nơi tìm thấy con đường giải thoát khổ đau.
Cầu mong mọi chúng sanh đều được hạnh phúc!
[1] Kinh Đại Niệm Xứ, số 22 thuộc Kinh Trường Bộ
.
---o0o---
Source: www.buddhismtoday.com
Trình bày: Mỹ Hạnh