- Bài giảng ngày thứ nhất
- Bài giảng của ngày thứ hai
- Bài giảng ngày thứ ba
- Bài giảng của ngày thứ tư
- Bài giảng của ngày thứ năm
- Bài giảng của ngày thứ sáu
- Bài giảng của ngày thứ bảy
- Bài giảng của ngày thứ tám
- Bài giảng của ngày thứ chín
- Bài giảng của ngày thứ mười
- Bài giảng của ngày thứ mười một
- Bảng giải thích từ ngữ Pali
- Địa chỉ truy cập những trung tâm tu thiền Minh Sát Tuệ trên thế giới
Những Bài Giảng Tóm Tắt
Của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày
Thích Minh Diệu dịch
---o0o---
BÀI GIẢNG CỦA NGÀY THỨ BẢY
Tầm quan trọng của niệm xả ly đối với các cảm thọ thô và tế
Duy trì tâm tỉnh thức
Năm người bạn tốt (năm sức mạnh): niềm tin, nỗ lực, chánh niệm, thiền định, và trí tuệ
Bảy ngày đã qua. Quý vị còn lại ba ngày nữa để tu tập. Nắm rõ phương pháp tu, quý vị hãy nỗ lực và tinh tấn thực tập trong những ngày còn lại.
Có hai yếu tố trong phương pháp hành trì: đó là giữ tâm tỉnh giác và xả ly. Chúng ta phải nâng cao tâm tỉnh giác với tất cả những cảm thọ xảy ra trên thân, và đồng thời chúng ta cũng duy trì niệm xả ly đối với những cảm thọ ấy. Khi duy trì niệm xả ly, tự nhiên chúng ta sẽ thấy, sớm hay muộn những cảm thọ cũng sẽ sinh ra ở những phần thân thể khó nhận ra, và những cảm thọ thô, cứng ngắt, đau khổ bắt đầu phân tán thành những dao động vi tế. Chúng ta bắt đầu cảm nhận một dòng năng lượng rất an lạc vận hành xuyên suốt cơ thể.
Vấn đề nguy hiểm là khi trạng thái này sinh khởi, chúng ta đắm chìm vào lạc thọ như thể theo đuổi mục đích cứu cánh. Thực tế, mục đích của hành trì thiền Minh Sát Tuệ không phải để kinh nghiệm một cảm thọ nào đó, mà cốt yếu để tu tập niệm xả ly đối với mọi cảm thọ. Cảm thọ thô hoặc vi tế luôn luôn thay đổi. Khả năng tu tập của chúng ta chỉ có thể trắc lượng được qua mức độ tâm xả ly đối với mọi cảm thọ.
Ngay sau khi chúng ta đã kinh nghiệm dòng vận hành tự do của những rung cảm vi tế xuyên suốt toàn thân, rất có thể rằng cảm thọ thô có thể phát sinh lại ở nơi nào đó của thân, hoặc nơi khó nhận thức. Đây không phải là dấu hiệu thụt lùi mà là dấu hiệu phát triển tốt. Khi tu tập tâm tỉnh thức và xả ly, tự nhiên chúng ta thâm nhập sâu vào tâm vô thức, và khám phá ra những phiền não đang ẩn núp ở đó. Một khi những phiền não tiềm ẩn này còn tồn tại trong vô thức, chắc chắn chúng sẽ mang lại đau khổ ở tương lai. Cách duy nhất để tiêu trừ chúng là cho phép chúng xuất hiện trên bề mặt của tâm thức và để chúng tự hoại diệt. Khi nào những saṅkhārā có gốc rễ sâu như vậy sinh ra trên bề mặt của tâm thức, nhiều saṅkhārā trong số này được tháp tùng với những cảm thọ bất lạc, thô hoặc những nơi không có cảm thọ trong thân thể. Nếu chúng ta tiếp tục quán sát mà không phản ứng lại, cảm thọ sẽ biến mất, và do không phản ứng lại cảm thọ, saṅkhāra cũ sẽ hiển thị ra.
Mỗi cảm thọ, dù thô hay tế, đều có cùng một đặc tính vô thường. Một cảm thọ thô sinh khởi, có thể kéo dài khoảng một thời gian, nhưng sớm muộn gì nó cũng trôi qua. Một cảm thọ vi tế sinh ra và hoại diệt rất nhanh, nhưng nó vẫn mang đặc tính vô thường. Không có cảm thọ nào vĩnh cữu. Vì vậy chúng ta không nên ưa thích hoặc có định kiến đối với bất cứ cảm thọ nào. Khi một cảm thọ thô, bất lạc sinh khởi, chúng ta quán sát nó mà không khởi tâm nhàm chán. Khi một cảm thọ lạc vi tế sinh khởi, chúng ta chấp nhận nó, ngay cả hoan hỷ với nó, nhưng đừng khởi lên tự mãn hoặc tham đắm nó. Trong mọi trường hợp, chúng ta thấu hiểu bản chất vô thường của tất cả cảm thọ; do đó chúng ta có thể mỉm cười khi chúng sinh ra và diệt đi.
Để có một đời sống thực sự thay đổi, chúng ta phải tu tập tâm xả ly đối với mọi cảm thọ sinh khởi trên thân. Những cảm thọ đang sinh khởi trên thân trong từng sát na. Thông thường, ý thức không nhận thức ra chúng, nhưng vô thức cảm nhận được những cảm thọ và phản ứng lại các cảm thọ ấy bằng tham ái hoặc sân giận. Nếu tâm được tu tập để ý thức trọn vẹn những gì xảy ra trong thân này, đồng thời duy trì niệm xả ly, khi đó những tập khí sẽ bị phá vỡ. Chúng ta nên học cách giữ tâm bình thản trong mọi tình huống, và vì vậy chúng ta có thể sống một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc.
Ở đây quý vị phải tự kinh nghiệm sự thật ở chính bản thân quý vị, thể nghiệm cấu trúc của thân và tâm vận hành như thế nào, và nó tạo ra khổ đau như thế nào. Cấu trúc con người được xét trên hai phương diện: vật chất và tinh thần, thân thể và tâm thức. Chúng ta phải quán sát cả hai. Nhưng thật ra chúng ta không thể quán sát thân thể mà không tỉnh giác những gì đang sinh khởi trên thân, đó là, cảm thọ. Tương tự chúng ta không thể quán sát tâm thức ngoài những gì đang sinh khởi trong tâm, đó là, ý tưởng. Khi chúng ta quán sát sự thật của thân và tâm sâu hơn, thì những gì sinh khởi trong tâm mà nó được kết hợp với một cảm thọ trở nên rất rõ ràng. Cảm thọ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quán sát thực tại của thân và tâm, và chính cảm thọ làm cho những phản ứng phát sinh. Để quán sát sự thật nơi chúng ta và để chấm dứt việc tạo ra những tâm phiền não đang phát sinh, chúng ta phải tỉnh thức đối với các cảm thọ và duy trì niệm xả ly càng nhiều càng tốt.
Vì lý do này, trong những ngày còn lại của khóa tu, quý vị phải tinh tấn thực tập, khép kín mắt trong suốt thời gian thiền định; ngay cả suốt thời gian nghỉ ngơi cũng vậy, quý vị phải nỗ lực duy trì tỉnh giác và xả ly đối với những cảm thọ. Hãy tu tập trong mọi lúc và trong mọi công việc như đi bộ, ăn cơm, uống nước hoặc tắm giặc; đừng để sự hành trì bị gián đoạn. Hãy tỉnh giác từng cử động và cảm thọ phát sinh trên thân, trên bất cứ phần nào của thân thể hoặc toàn thân. Hãy duy trì tâm tỉnh giác và xả ly.
Tương tự, buổi tối khi quý vị lên giường ngủ, hãy khép mắt lại và cảm nhận những cảm thọ bất cứ nơi nào trên thân quý vị. Nếu quý vị ngủ với sự tỉnh giác như vậy, tự nhiên khi thức dậy vào buổi sáng, quý vị sẽ tỉnh giác mọi cảm thọ. Có lẽ quý vị không thể ngủ ngon giấc, hoặc quý vị có thể tỉnh giác suốt đêm. Đây là một điều vi diệu, giúp quý vị vừa nằm trên giường vừa duy trì tâm tỉnh giác và xả ly. Cơ thể cần nhu cầu nghỉ ngơi khi cần thiết, và không có nghỉ ngơi nào tốt hơn cho tâm thức bằng sự duy trì tâm tỉnh giác và xả ly. Tuy nhiên, nếu quý vị bắt đầu lo lắng là quý vị đang bị chứng mất ngủ thì quý vị sẽ tạo ra những căng thẳng, và sẽ cảm thấy mệt mỏi vào ngày kế tiếp. Quý vị cũng không nên cố gượng thức, giữ thế ngồi suốt đêm; điều này sẽ dẫn đến một cực đoan. Nếu đến giờ ngủ, tốt hơn; hãy ngủ. Nếu chưa buồn ngủ, cũng cho phép thân thể nghỉ ngơi bằng cách nằm ở tư thế nghiêng về một bên, và cho phép tâm nghỉ ngơi bằng sự duy trì tâm tỉnh giác và xả ly.
Đức Phật dạy: "Khi một thiền giả tu tập tinh tấn, vị ấy sẽ không rời tâm tỉnh giác và xả ly trong lúc quán sát những cảm thọ, hành giả tu tập như vậy sẽ phát triển trí tuệ chân thật và tuệ tri mọi cảm thọ". Hành giả biết cách mà người thiếu trí tuệ phản ứng đối với những cảm thọ, và tạo ra đau khổ cho vị ấy. Hành giả cũng biết được cách mà người thấu hiểu bản chất vô thường của tất cả cảm thọ sẽ không phản ứng lại cảm thọ, và đoạn trừ khổ đau. Ngài dạy tiếp: "Với tuệ tri thông đạt này, hành giả có thể kinh nghiệm trạng thái vượt ngoài thân và tâm: đó là trạng thái Niết-bàn (Nibbāna)." Chúng ta không thể chứng nghiệm Niết-bàn cho đến khi nào saṅkhārā vi tế nhất được đoạn trừ - những saṅkhārā này sẽ dẫn chúng ta tái sanh vào thế giới thấp kém, nơi khổ não đang ngự trị. May mắn thay, khi chúng ta bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ, chính những saṅkhārā này sinh khởi trước. Chúng ta duy trì niệm xả ly và chúng sẽ tự tiêu diệt. Khi những saṅkhārā này được đoạn trừ, khi đó chắc chắn chúng ta chứng nghiệm Niết-bàn lần thứ nhất. Sau khi chứng nghiệm Niết-bàn, chúng ta thay đổi hoàn toàn, và không còn làm bất cứ việc gì để phải tái sanh vào thế giới hạ liệt trong tương lai. Tuần tự chúng ta tu tập đến những giai đoạn cao hơn, cho đến khi tất cả saṅkhārā trước đây có thể dẫn chúng ta đi tái sanh vào thế giới hữu vi đều được đoạn trừ. Vị ấy đã hoàn toàn giải thoát và vì vậy, đức Phật kết luận: "Thấu rõ toàn bộ sự thật của thân và tâm, khi từ bỏ thân này vị ấy vượt qua thế giới hữu vi, vì vị ấy đã hoàn toàn tuệ tri mọi cảm thọ".
Quý vị bắt đầu tu tập giáo pháp này để phát triển khả năng tỉnh giác đối với mọi cảm thọ xuyên suốt toàn thân. Nếu quý vị tỉnh thức không phản ứng lại cảm thọ, quý vị sẽ thấy rằng từng lớp một, những saṅkhārā cũ được đoạn trừ. Duy trì niệm xả ly đối với cảm thọ bất lạc, thô, quý vị sẽ bắt đầu kinh nghiệm những cảm thọ vi tế và an lạc. Nếu quý vị tiếp tục duy trì niệm xả ly, sớm muộn gì quý vị cũng sẽ đạt đến một giai đoạn mà đức Phật mô tả, thiền giả chứng nghiệm toàn bộ cấu trúc thân thể vật lý không gì ngoài sự sinh, diệt liên tục. Tất cả những cảm thọ thô, cứng ngắt bị tan vỡ; toàn bộ thân thể vật lý không gì ngoài những dao động vi tế. Dĩ nhiên trong giai đoạn này quý vị cảm thấy rất an lạc, tuy nhiên nó vẫn không phải là mục đích tối hậu vì thế quý vị không được chấp đắm vào nó. Một số những phiền não thô được đoạn trừ, nhưng những phiền não vi tế vẫn còn tồn tại ở mức độ sâu của tâm thức. Nếu chúng ta tiếp tục quán sát trong niệm xả ly, tuần tự tất cả saṅkhārā ở cấp độ sâu hơn sẽ sinh khởi rồi tiêu diệt. Khi tất cả chúng được đoạn trừ hoàn toàn, quý vị chứng nghiệm “sự bất tử” - một trạng thái kinh nghiệm vượt ngoài thân và tâm, trạng thái bất sinh, và vì vậy cũng không có gì hoại diệt - trạng thái không thể diễn bày của Nibbāna.
Vị nào hành trì đúng đắn để phát triển tâm tỉnh thức và xả ly chắc chắn sẽ đạt đến trạng thái này; nhưng dù nam hay nữ mỗi người cũng phải tự mình tu tập.
Ví như có năm kẻ thù, năm chướng ngại ngăn cản tiến trình tu tập của quý vị, và có năm người bạn, năm đức tính tốt của tâm, chúng sẽ giúp và hộ trì quý vị. Nếu quý vị giữ năm người bạn này khoẻ và sáng suốt thì không có kẻ thù nào có thể chế ngự được quý vị.
Người bạn thứ nhất là niềm tin, lòng trung thành, sự tin cậy. Không có niềm tin chúng ta không thể thực hành, vì tâm chúng ta luôn luôn bị dao động bởi thái độ nghi ngờ và hoài nghi. Tuy nhiên, niềm tin sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm nếu chúng ta tin một cách mù quáng. Không có chánh kiến, không phân biệt được sự hư thật của các pháp là tin mù quáng. Chúng ta có thể tin bất cứ vị thần hoặc vị thánh nào, nhưng nếu đó là tin đúng đắn với chánh kiến, ghi nhớ những phẩm chất tốt của vị ấy, và nhờ thế chúng ta phấn khởi để phát triển những phẩm chất tốt này ở chúng ta. Lòng thành tín như vậy rất lợi ích và có ý nghĩa. Nhưng nếu chúng ta không nỗ lực phát triển những phẩm chất tốt của người mà chúng ta hướng đến với lòng thành kính, thì lòng thành tín đó chỉ là niềm tin mù quáng có hại.
Ví dụ: Khi chúng ta qui y với đức Phật, chúng ta phải nhớ đến những đặc tính của một vị Phật, và chúng ta phải thực hành để phát triển những đặc tính này trong chúng ta. Đức tính quan trọng của một vị Phật là sự giác ngộ; vì vậy, qui y đúng nghĩa là trở về với giác ngộ, sự giác ngộ mà mỗi chúng ta cần đạt đến. Chúng ta tôn kính bất cứ ai đã đạt đến giác ngộ viên mãn; điều này có nghĩa là, chúng ta tôn trọng đức tính giác ngộ chứ không phải đặt nặng bất cứ tôn phái hoặc cá nhân đặc biệt nào. Vì vậy chúng ta tôn kính đức Phật không phải bằng lễ nghi hoặc cúng kiến, mà bằng thực hành theo lời dạy của Ngài, đó là hành trì theo giáo pháp từ giới luật (sīla) đến thiền định (samādhi), đến trí tuệ (pañña), đến Niết-bàn (Nibbāna), giải thoát.
Bất cứ vị Phật nào đều có những đặc tính sau đây. Vị ấy đã đoạn tận tham ái, sân hận và si mê. Vị ấy đã chiến thắng tất cả kẻ thù trong tâm của mình, đó là, tâm ô nhiễm. Vị ấy quán thông giáo pháp không chỉ về lý thuyết mà còn thực hành. Vị ấy thuyết giảng những gì vị ấy đã thực hành và ngược lại; lời nói và việc làm của vị ấy luôn đi đôi với nhau. Mỗi bước mà vị ấy đi là một bước tiến đúng, dẫn đến phương hướng đúng. Vị ấy đã khám phá và thấu rõ mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Vị ấy có tình thương bao la, lòng từ bi, hoan hỷ cảm thông với mọi người, và luôn giúp những người đang lạc lối tìm ra con đường đúng đắn. Vị ấy sống với tâm hoàn toàn xả ly. Nếu chúng ta tu tập tự phát triển những đức tính này để đạt đến mục đích tối hậu, đó là ý nghĩa qui y với đức Phật.
Tương tự chúng ta qui y giáo pháp không liên quan gì đến chủ nghĩa giáo phái; qui y pháp không phải cải đổi từ tổ chức tôn giáo này sang tổ chức tôn giáo khác. Qui y pháp có nghĩa trở về con đường đạo đức, làm chủ tâm thức của chúng ta, trở về với trí tuệ. Bất cứ lời giáo huấn nào có thể trở thành giáo pháp đều phải có những phẩm chất rõ ràng. Thứ nhất nó phải được giải thích rõ ràng để mọi người có thể hiểu. Nó có thể được thấy rõ bằng chính mắt chúng ta, và chúng ta có thể chứng nghiệm nó bằng thực tại chứ không phải bằng tưởng tượng. Ngay cả chân lý của Niết-bàn cũng không được chấp nhận ngoại trừ khi chúng ta đã chứng nghiệm nó. Giáo pháp phải mang lại kết quả lợi ích hiện tại, và ngay nơi đây, không phải chỉ lời hứa suông về những lợi ích có thể thọ hưởng ở tương lai. Nó mang tính “đến và thấy”; chính chúng ta quán sát, thực nghiệm nó chứ không chấp nhận một cách mù quáng. Và một khi chúng ta đã thực tập và chứng nghiệm sự lợi ích của nó, chúng ta không thể không khuyến khích và giúp đỡ người khác đến để hiểu giáo pháp cũng như mình. Mỗi bước tiến trên con đường tu tập dắt dẫn chúng ta đến mục tiêu tối hậu mỗi lúc gần hơn; không nỗ lực sẽ không có kết quả. Giáo pháp mang lại lợi lạc cả trong giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đọan cuối. Cuối cùng, bất cứ người có khả năng hiểu biết trung bình, hay ở bất cứ trình độ nào cũng có thể thực hành và chứng nghiệm sự lợi ích của giáo pháp. Nếu chúng ta qui y giáo pháp và bắt đầu thực hành theo giáo pháp với sự hiểu biết những gì đang hiện hữu, sự quy y của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa.
Cũng vậy, qui y Tăng không hề có liên quan đến một giáo phái nào. Bất cứ ai đi trên con đường giới, định và tuệ và bất cứ ai chứng đạt dù chỉ là giai đoạn giải thoát đầu tiên, vị ấy là Vị thánh, là một thành viên của Tăng già. Vị ấy có thể là bất cứ ai, bất cứ hình thức nào, màu sắc, nguồn gốc nào; tất cả đều không có sự khác biệt. Nếu sau khi được nhìn thấy một vị Tăng như vậy, tự thân chúng ta lấy làm hoan hỷ và tu tập đạt đến cùng mục đích, thì sự qui y Tăng già của chúng ta thật sự có ý nghĩa, một sự quy y chân chánh.
Một người bạn khác là sự tinh tấn, nỗ lực. Như niềm tin, tinh tấn không được mù quáng. Ngược lại sẽ có nguy hiểm đó là chúng ta tu tập sai phương pháp, và sẽ không thành tựu kết quả như chúng ta mong muốn. Tinh tấn phải được đi kèm với sự hiểu biết phương pháp đúng đắn; như thế tinh tấn hỗ trợ rất nhiều cho tiến trình hành trì của chúng ta.
Một người bạn khác là sự tỉnh giác chánh niệm. Sự tỉnh giác chỉ có thể là sự nhận chân trong sát na hiện tại. Chúng ta không thể tỉnh giác ở quá khứ, mà chỉ có thể nhớ về quá khứ. Chúng ta không thể tỉnh giác ở tương lai, chúng ta chỉ có thể khát vọng hoặc lo âu ở tương lai. Chúng ta phải phát triển khả năng tỉnh giác về thực tại đang có mặt nơi chúng ta trong sát na hiện tại.
Người bạn kế tiếp là sự nhất tâm (định), duy trì tỉnh giác, không để gián đoạn trong từng sát na hiện tại. Chánh định phải vượt ra ngoài mọi sự tưởng tượng, tham ái, sân giận; chỉ như thế nó mới gọi là chánh định.
Và người bạn thứ năm là trí tuệ. Trí tuệ này không thể đạt được bằng sự lắng nghe những bài pháp, hoặc đọc một số sách, hoặc phân tích bằng tri thức; chúng ta phải phát triển trí tuệ qua chứng nghiệm trong chính chúng ta, vì chỉ có trí tuệ qua chứng nghiệm mới có thể đưa chúng ta đến giải thoát. Và chân trí tuệ này phải được dựa vào những cảm thọ trên thân: đó là chúng ta luôn giữ niệm xả ly đối với các cảm thọ, hiểu rõ bản chất vô thường của chúng. Đây là sự xả ly ở cấp độ sâu của tâm thức, và niệm xả ly này sẽ giúp chúng ta giữ tâm bình tĩnh giữa những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày.
Mục đích của thực tập thiền Minh Sát Tuệ là làm cho chúng ta sống chân chánh, làm tròn trách nhiệm thế gian của chúng ta đồng thời giữ được tâm bình thản, an lạc và hạnh phúc cho chính mình và làm cho mọi người an vui và hạnh phúc. Nếu giữ vững năm người bạn này, quý vị sẽ hoàn thiện trong nghệ thuật sống, và có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.
Hãy tiến bước trên con đường chánh pháp vì sự tốt đẹp và lợi ích của quý vị và của mọi người.
Cầu mong tất cả những chúng sanh đang chịu khổ đau được gặp giáo pháp để xóa tan khổ đau và an hưởng hạnh phúc chân thật.
Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc.
---o0o---
Source: www.buddhismtoday.com
Trình bày: Mỹ Hạnh