NHÂN SINH YẾU NGHĨA
HT Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch Việt
7
Giảng ngày 20/06/1987
Ngồi thiền tức là "Tư duy tu". Từ ba chữ này quán ra thì thấy rằng ngồi thiền không thể không có vọng tưởng, nhất định có vọng tưởng, cũng giống như sóng nước. Tại sao trong nước lại có sóng? Vì có gió. Tại sao chúng ta ngồi thiền lại khởi vọng tưởng? Vì trong tự tính tồn tại hư vọng, hư vọng này như gió, còn vọng tưởng thì như sóng trong nước.
Hiện tại ngồi thiền phải tĩnh lự, tức là phải ngưng bặc vọng phong (gió vọng tưởng). "Tư duy tu" tức là phải giảm bớt vọng tưởng, ngưng bặc sóng trong tâm. "Tĩnh" tức là khiến cho tâm bất động. "Lự" tức niệm lự. Niệm lự không khởi thì sinh định lực, định lực phát sinh thì trí huệ hiện tiền, có trí huệ rồi, thì thấy rõ thật tướng của các pháp, tức "Một niệm không sinh toàn thể hiện". Tĩnh lự đến cực điểm, một tơ hào vọng tưởng cũng không có, thì liền nhập định, trí huệ vốn có sẽ hiện tiền, mới thật hiểu biết đạo lý căn bản làm người, mà không bị vật bên ngoài làm giao động tâm của bạn, mới cho rằng:"Như như bất động, liễu liễu thường minh". Lúc này tám gió: Khen, chê, khổ, vui, được, mất, được khen, bị chê không thể lay động tâm của bạn.
Nếu người khen bạn, chê bạn hoặc gặp cảnh khổ (nghịch) hoặc cảnh vui (thuận), hãy thản nhiên giữ thái độ "thuận nghịch đều tinh tấn, khổ vui tâm không động". Lợi là việc lợi ích cho mình, mất là khiến bạn tổn thất ; bị chê là hủy báng ; được khen là tán thán. Nếu được "Tám gió thổi không lay thì ngồi thẳng trên hoa sen". Không bị tám gió thổi lay động thì là biểu hiện "Tư duy tu", "Tĩnh lự", không vì vật bên ngoài làm lung lay, mới hiểu rõ ngồi thiền như thế nào.
Chúng ta ngồi thiền phải càng ngày càng tinh tấn, không thể lâu ngày rồi sinh ra giải đãi, nếu giải đãi thì không thể nào thành tựu. Cũng như đi học, phải sớm tối cố gắng, trải qua mười năm "Trước cửa lạnh" nhưng vẫn thản nhiên. Cho nên:
"Mười năm khổ nhọc không người hỏi,
Khi thành danh rồi thiên hạ biết".
Người xưa lại nói rằng:
"Không thọ một phen luyện khổ công,
Sao được hương thơm ngát lỗ mũi".
"Mười năm khổ nhọc không người hỏi", phải chăng nghĩ rằng mình tương lai một khi thành danh thiên hạ đều biết? Không phải, họ luôn luôn tha thiết mài dũa kinh sử, không nghĩ rằng phải làm cho thiên hạ đều biết, nếu có ý nghĩa như thế tức là sai lầm.
Người tu "luyện khổ công" cũng không nghĩ tương lai "hương thơm ngát lỗ mũi". Tuy nhiên họ hiểu rõ ý nghĩa này, nhưng cũng không khởi vọng tưởng như vậy. Nếu khởi vọng tưởng như thế thì vĩnh viễn không được thiên hạ biết, cũng không được thơm ngát lỗ mũi. Do đó chúng ta làm việc phải chân thật, phải đạp vững trên mặt đất, không thể cho rằng do may mắn mà được, không làm mà mong thu hoạch, đây đều là tư tưởng sai lầm. Muốn làm việc được thành công thì không thể ngồi đợi. Làm việc không phải là không phí công phu, không làm mà mong thu hoạch. Ví như ăn cơm, đói thì phải từ từ ăn vào mới no. Không thể nuốt vào mà không nhai kỹ, không những không thể trị bệnh đói mà còn khó tiêu hóa.
Chúng ta ngồi thiền phải càng ngày càng tinh tấn, như thế mới đúng là tư duy tu, là tĩnh lự.
Giảng ngày 21/06/1987
Kinh Kim Cang có nói:
"Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bọt bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên quán sát như thế".
Hữu vi là chỉ sự vật có hình tướng, sự tướng không cứu kính, tướng này chẳng phải thật, nhưng phần đông đều bị tướng giả này mê hoặc, không thể phân biệt được thật hay giả, bỏ giác hợp trần, nhận giặc làm con. Do đó nguồn gốc tâm tính vốn thanh tịnh, nhưng bị pháp ô nhiễm che lấp, cũng giống như tấm gương bỏ lâu không dùng, bụi bặm dính quá dày, không thể chiếu rõ hết thảy tướng bên ngoài. Ðối với thật, giả không nhận thức rõ ràng, cho nên hồ đồ để cho thời gian trôi qua lãng phí.
"Hết thảy pháp hữu vi". Bao quát hết thảy sự vật hữu hình, có biểu hiện sự tướng đều là hư vọng không thật. "Như mộng huyễn bọt bóng", những pháp hữu vi này như nằm mộng không chân thật, ảnh tượng như huyễn hóa, muôn hình ngàn trạng ; lại như bọt nước, thấy thì có, nhưng thực chất vốn không, vì tự tính nó vốn không, cũng như hình bóng, căn bản thể tính không chân thật. "Như sương cũng như điện". Sương vào lúc sáng sớm khi mặt trời mọc chiếu vào thì khô ráo ; điện cũng chỉ trong nháy mắt, đều không thực tại, nhưng con người không nhận thức để bị tướng bên ngoài mê hoặc.
Có những người bị tiền tài mê hoặc, thậm chí bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền, có những người bị sắc mê hoặc, ngày đêm truy cầu mãn túc sắc dục, có những người tham háo danh, bị danh sai khiến mà điên đảo, có những người buông xả không được vấn đề ăn, cả ngày chỉ nhớ ăn ngon, mặc đẹp (thực dục cũng bao quát quần áo trong đó). Còn có những người đối với tài, sắc, danh, ăn, họ có thể buông xả nhưng không thể nào buông xả được sự ngủ. Ngủ ít một chút thì cảm giác mình ăn quá thiếu, nhất định phải ngủ cho đủ. Tài sắc danh ăn và ngủ là địa ngục năm căn, đều là pháp hữu vi. Vậy thì làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Phải nhận thức hết thảy pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện. "Như" tức là giống như. Bạn có thể quán chúng như thế, nhìn thấu triệt chúng, giác ngộ chúng đều không thực tại.
Nhìn xem trong lịch sử, từ xưa đến nay, có ai vĩnh viễn giữ được tiền tài chăng? Vĩnh viễn giữ được sắc đẹp chăng? Vĩnh viễn giữ được danh tốt chăng? Vĩnh viễn ăn đồ cao lương mỹ vị chăng? Vĩnh viễn ngủ không tỉnh dậy chăng? Tức nhiên quá khứ không ai có thể ôm giữ vĩnh viễn năm dục này. Tại sao bạn phải vì vấn đề này mà điên đảo? Nếu muốn không điên đảo, thì phải học trí huệ. Học trí huệ thì phải từ giới luật mà thực hành. Trì giới tất sẽ sinh định, từ định mà phát huệ. Ðó là một công thức rất đơn giản.
Giảng ngày 27/06/1987
"Nếu có người tĩnh tọa trong chốc lát,
Còn hơn xây Hằng sa tháp bảy báu".
Trong chốc lát, bao gồm vô lượng đại kiếp. Vô lượng đại kiếp không rời một niệm hiện tiền. Một niệm hiện tiền không ra ngoài vô lượng đại kiếp. Nếu tĩnh tọa trong chốc lát, lúc này không thấy có tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, không một tơ hào vọng tưởng, một niệm không sinh, vạn duyên buông xả, thì lúc này dung nạp vô lượng đại kiếp làm một niệm, phóng một niệm làm vô lượng kiếp. Nếu tĩnh tọa trong chốc lát, hoặc nửa giờ, hoặc ba giờ, hoặc năm giờ, hoặc bảy ngày đêm. Lúc này thật sẽ đạt được: "Trong thì không có thân tâm, ngoài thì không có thế giới". Loại công đức này so với bạn xây tháp Phật bằng bảy báu nhiều như số cát sông Hằng hãy còn lớn hơn. Tại sao? Vì công đức kiến tạo tháp có hình tướng, cho nên cuối cùng sẽ đoạn diệt. Nếu đạt đến không có thân tâm, không có thế giới, thì lúc này trí huệ Bát Nhã của bạn sẽ hiện tiền, thứ công đức này nhìn không thấy, nghe không được, ngửi không có mùi vị, nhưng tính giác bồ đề rõ nhiên tồn tại.
Nếu trong khoảnh khắc, trong thời gian rất ngắn, không thấy có tướng người, không tướng ta, không tướng chúng sinh, không tướng thọ mạng thì tương ưng với Phật tính. Phật tính vốn có chiếu rõ thật tướng của các pháp, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, nhưng vì bị vô minh che lấp, ánh sáng mặt trời (trí huệ) vốn có không hiện tiền, bị mây che lấp, trời đất tối đen, cho nên phân biệt không rõ, lấy phải làm trái, lấy trái làm phải, nhận giặc làm con, vọng tưởng điên đảo cho nên luân hồi sinh tử.
Vào đời Ðường, Ngài Ngưỡng Sơn tu tại Hồ Nam, đắc được định lực tĩnh tọa trong chốc lát. Ngài không màng đến vàng bạc châu báu, thân nhân bạn bè và hết thảy năm dục. Ngài Ngưỡng Sơn, tuy không cầu danh lợi, nhưng thời gian lâu rồi, ai ai cũng đều biết Ngài, rất nhiều người lên núi cúng dường, thân cận Ngài để cầu phước, cầu huệ. Tin đồn này truyền đến thừa tướng Phỉ Hưu. Do đó thừa tướng cũng lên núi lễ bái, thấy trên núi chỉ có vỏn vẹn một lều tranh, không giường chiếu chi hết, chỉ có cái bồ đoàn, Ngài thường thường dùng để ngồi. Người đến Ngài cũng không động, người đi Ngài cũng không màng, không nghênh đón cũng không tiễn đưa khách. Thừa tướng Phỉ Hưu lại nghĩ:"Vị tu hành này không có chùa, hiện tại mình có tiền, thôi thì làm một ngôi chùa cúng dường cho Ngài tu". Do đó sai bọn tùy tùng lấy ra ba trăm lạng bạc nhưng Ngài Ngưỡng Sơn cũng không tiếp thọ, cũng không từ chối, thừa tướng Phỉ Hưu bỏ bạc trên đám cỏ rồi đi, ba trăm lạng bạc hồi đó tương đương với ba triệu bây giờ.
Cách ba năm sau, thừa tướng Phỉ Hưu nghĩ:"Chùa chắc đã làm xong rồi, đi xem cho biết". Lên đến núi, phát giác lều tranh vẫn còn, Chùa thì chẳng thấy, thừa tướng Phỉ Hưu nghĩ:"Tôi cúng dường tiền, tại sao Ngài không làm Chùa, vẫn còn chịu khổ như cũ, không biết tiền đem đi đâu?" Do đó bèn hỏi Ngài Ngưỡng Sơn:"Thiền Sư, con cúng tiền cho Ngài làm Chùa, Ngài để đâu?" Ngài Ngưỡng Sơn nói:" Trước kia ông để ở đâu thì lại đó tìm". Thừa tướng Phỉ Hưu đi lại chỗ cũ xem thì số tiền bạc vẫn còn nguyên. Thừa tướng Phỉ Hưu lại nghĩ:"Vị tu hành này thật là lười biếng, cúng tiền Ngài cũng không dùng, tại sao càng tu càng ngu si?" Lúc này Ngài Ngưỡng Sơn nói với thừa tướng:" Tức nhiên ông cho rằng tôi không biết dùng tiền, ông hãy mang về dùng làm việc khác, tôi không nghĩ làm Chùa có hình tướng".
Thừa tướng sớm đã biết lai lịch của Ngài, mới phát tâm vì Ngài xây chùa. Tuy nhiên tạo Chùa xong, không biết bồi dưỡng trí tuệ của mình, thì không như Ngài Ngưỡng Sơn ở tại đó tạo "Chùa trí huệ". Nếu ai không động vọng niệm, không khởi vọng tưởng năm dục đó mới là chân tu đạo. Người ngồi thiền phải học Ngài Ngưỡng Sơn, đối với tiền bạc không động tâm, đừng ngồi tại đó khởi vọng tưởng:"Tôi ngồi xong đi làm nghề gì, kiếm bao nhiêu tiền", hoặc ở tại đó tính tiền đậu hũ, ai còn thiếu tiền mấy miếng đậu hũ .v.v. Nếu muốn làm như thế, thì thà ở nhà làm, đừng đến Chùa làm. Do đó người muốn kiếm tiền, từ nay về sau phải kiểm điểm, đừng mang những thứ vọng tưởng lăng xăng ấy vào chùa.
Lão Tăng Một Khi Ngồi tiêu hết vạn lạng vàng.
Giảng ngày 04/7/1987
Ngưỡng Sơn Lão Nhân có nói rằng:
"Lão Tăng một khi ngồi,
Tiêu hết vạn lạng vàng".
Ý nghĩa nói đến thừa tướng Phỉ Hưu, tuy nhiên ông ta biết xuất gia là tốt, nhưng vì làm thừa tướng không thể xuất gia. Bèn xây một ngôi Chùa lớn, chứa khoảng hơn hai ngàn vị tăng. Lúc đó có rất nhiều người xuất gia nghe tin Ngài Ngưỡng Sơn ở Hồ Nam xây một đạo tràng lớn, đều đến để tu học, thân cận Ngài Ngưỡng Sơn, ngày ngày ngồi thiền tập định, nghiêm trì giới luật.
Thừa tướng Phỉ Hưu thấy mình không có phần xuất gia, bèn cho con lên Chùa xuất gia. Ðứa con này là hàn lâm học sĩ, tức là tốt nghiệp quốc lập học viện tối cao. Ngài Ngưỡng Sơn thấy vị Hàn Lâm xuất gia, cho pháp danh là Pháp Sư Pháp Hải, giao cho công việc gánh nước. Ðương thời số người ở tu hơn ngàn người, phân công việc này cũng không nhẹ. Lúc đó không có nước "robinet" như ngày nay, phải xuống giếng gánh về, từ sáng đến tối không có thời gian nghỉ ngơi. Sáng sớm ba giờ dậy, đại chúng lên khóa lễ sáng, còn Pháp Sư Pháp Hải đã bắt đầu gánh nước. Như vậy trải qua mấy năm gánh nước mà không có làm việc gì khác, thậm chí tụng Kinh, ngồi thiền cũng chưa tham gia. Một vị Hàn Lâm mà phải vì đại chúng gánh nước, thật giống như bị thiệt thòi, nhưng Pháp Sư Pháp Hải cũng không từ nan, cố gắng đi làm.
Một ngày nọ, vị Pháp Sư Pháp Hải có chút nhàn rỗi, từ khi về Chùa không biết người xuất gia tu cái gì, cho nên Pháp Sư Pháp Hải đi lén đến thiền đường nhìn trộm, nhìn thấy trong thiền đường có một số ngườI ngồi thiền ngay ngắn, có một số đầu gục lên gục xuống vì ngủ gục, riêng một số mở mắt nhìn đông nhìn tây. Pháp Sư Pháp Hải tự nghĩ "Mình hằng ngày gánh nước, làm đầu tắt mặt tối, các vị chỉ ngồi ngủ gục, hoặc mở mắt nhìn khắp nơi, làm sao được sự cúng dường của tôi!" Do đó trong tâm buồn bực phiền não, ôm lòng oán giận. Pháp Sư Pháp Hải chỉ nghĩ như thế chứ không nói ra, nhưng Ngài Ngưỡng Sơn đã biết rồi, bèn gọi vào phòng phương trượng nói:"Nhà ngươi ở đây đã được mấy năm, hiện tại ôm lòng oán giận, cho rằng những người xuất gia không đủ tư cách tiếp thọ sự cúng dường của nhà ngươi, nay không cho ngươi ở đây nữa, ngươi hãy thu thập hành lý đi ngay". Pháp Sư Pháp Hải bị Chùa đuổi đi, liền từ giã Sư Phụ Linh Hựu Thiền Sư nói:"Sư Phụ, con không có tiền không biết nên đi đâu?" Linh Hựu Thiền Sư liền cho tám đồng rưỡi tiền nói rằng:"Ngươi muốn đi đâu cũng được, nhưng khi tiêu hết số tiền nầy thì dừng lại, nếu dùng chưa hết thì đừng dừng lại". Tám đồng rưỡi tiền lúc đó bằng tám mươi lăm đồng bây giờ, cũng không nhiều.
Pháp Sư Pháp Hải trên đường đi không dám tiêu tiền, dọc đường chỉ đi khất thực, từ Hồ Nam đi đến Giang Tô, đi qua trấn giang nhìn thấy cạnh trường giang có một hòn đảo nhỏ, trên đảo có núi. Pháp Sư Pháp Hải muốn ghé đi dạo núi, giơ tay kêu người chèo đò lại, hỏi phải tốn bao nhiêu tiền. Người chèo đò không muốn nhiều, cũng không muốn ít, chỉ muốn tám đồng rưỡi thôi. Pháp Sư Pháp Hải đến núi đó, phát giác núi không cao lắm, rất u tĩnh cho nên đã lưu lại. Sau đó tìm được một hang động trên núi, phát hiện trong động có mấy hũ vàng, cho nên tên núi đổi là Kim Sơn. Pháp Sư Pháp Hải bèn đem vàng ra làm Chùa, chuyên tâm tu thiền. Từ đó đến nay đạo phong Chùa Kim Sơn đặc biệt nổi danh. Trong quyển Bạch Xà truyện, có nói về phương trượng Pháp Sư Pháp Hải. Lúc đó Pháp Sư Pháp Hải chưa thọ giới cụ túc, còn là sa di, nhưng Ngài đã là một vị Tổ Sư khai sơn Chùa Kim Sơn.
Vừa mới nói về Ngài Ngưỡng Sơn:"Lão Tăng một khi ngồi, tiêu hết vạn lạng vàng". Ðây là đối với Pháp Sư Pháp Hải mà nói. Pháp Sư Pháp Hải vọng tưởng cho rằng những người xuất gia không đủ tư cách thọ sự cúng dường của Pháp Sư Pháp Hải, thực ra không phải vậy. Tại sao? Vì nếu có người hay tĩnh tọa, "Tĩnh cực quang thông đạt". Lại rằng:"Nếu có người tĩnh tọa trong chốc lát, hơn tạo Hằng sa tháp bảy báu", cho nên vạn lạng vàng cũng tiêu hết. Do đó, chúng ta tham thiền đừng xem nhẹ việc ngồi thiền. Người học Phật muốn thành Phật, tất phải tham thiền đả tọa, phải dụng công, đừng sợ chân đau, lưng ê, mới thành tựu. Cho nên cổ nhân nói rằng:
"Không thọ một phen lạnh thấu xương,
Sao được hoa mai thơm ngát mũi".
Giảng ngày 05/7/1987
"Không thọ một phen lạnh thấu xương,
Sao được hoa mai thơm ngát mũi"
Người ở đời, phải biết trách nhiệm làm người như thế nào? Trách nhiệm con người là phục vụ cho kẻ khác, lợi ích cho kẻ khác. Xem hết thảy phúc lợi của người như phúc lợi của mình, xem hết thảy thống khổ của người như thống khổ của chính mình. Ðó là vì một số người nguyện ý, phúc lợi vậy, một số người kém may mắn, thống khổ vậy. Vì có quan hệ như thế cho nên phúc lợi của mình có thể nhường lại cho kẻ khác, còn thống khổ của kẻ khác cho rằng của chính mình. Nếu làm được như thế thì biết rõ trách nhiệm của mình. Mỗi lời nói cử chỉ hành động phải vì người phục vụ, tổn mình lợi người. Nhưng hiện tại con người lại làm ngược lại, họ chỉ biết vì mình mà phục vụ, tổn người lợi mình với thiên thức vốn có và trách nhiệm tương phản. Vua đời nhà Thương lấy thiên hạ làm trách nhiệm của mình. Khi thấy một người đói như chính mình chưa chiếu cứ tốt người này, khiến cho họ đói, thấy một người thọ lạnh, như chính mình chưa chiếu cứ tốt người này, khiến cho họ lạnh. Vua kia như vậy đó, lấy thiên hạ làm trách nhiệm của mình. Nếu có người chưa được an lạc hạnh phúc tức là như chính mình không làm tốt, chưa tận trách nhiệm. Cho nên vua kia là hiền tướng. Nếu chúng ta đều có thể nghĩ làm như thế, thì trên thế giới hết thảy tai nạn đều không. Hiện tại vì sao có kiếp vận? Vì tâm người không công bằng, không hiểu cách làm người, cho nên gây thành tai nạn nhân họa, và các thứ việc không như ý. Người đã quên mất nguồn gốc, từ sáng đến tối sống trong cơn say, chết trong ảo mộng, bận rộn chỉ vì mình mà tính toán chứ không phải vì người. Cho nên thế giới càng ngày càng thảm tệ. Truyền thống cố hữu đạo đức Trung Quốc là phải lợi ích kẻ khác mà xem mình bé nhỏ. Cho nên thời xưa thái bình thịnh vượng. Hiện nay chúng ta cũng đừng đồi bại theo thế giới, đồng lưu hợp ô. Tư tưởng phải thuần chánh, hành vi cao thượng, đầu đội trời, chân đạp đất, chánh đại quang minh, là người làm lợi ích cho thế giới. Như vậy công phu bạn ngồi thiền cũng tương ưng, mỗi cử chỉ hành động cũng được hộ pháp thiện thần đến ủng hộ. Tại sao hiện nay không được thiện thần đến ủng hộ? Vì chúng ta còn chưa hiểu trách nhiệm của mình. Người học Phật phải nhận thức rõ ràng một chút về chỗ này.
----o0o---
Nguồn: Chùa Kim Quang
Trình bày: Nhị Tường