Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

25/04/201311:09(Xem: 3375)
Phần 6

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

6

Tam Xa Tổ Sư

Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 22/05/1987

Chúng ta tham thiền là nghiên cứu vọng tưởng của tự tính sinh khởi như thế nào? Diệt như thế nào? Vọng tưởng sinh diệt, đáo để là ai chi phối? Chúng ta tham thiền là muốn hiểu biết những việc không hiểu biết, muốn thấu triệt được phải tĩnh tọa. Ngồi thiền thì đau, như đánh đòn tức nhiên đau cũng phải nhẫn. Nhẫn được mới hiểu biết được niệm niệm sinh diệt, tại sao bạn không thể quản lý được? Bạn kêu vọng tưởng đừng sinh ra, nó vẫn cứ sinh ra ; bạn kêu nó đừng diệt, nó cũng cứ diệt. Nếu như niệm đầu này là "tôi", tại sao tôi không thể làm chủ được? Tức làm chủ không được, cho nên phải tu trí huệ. Muốn tu trí huệ thì phải tĩnh tọa, cho nên "Tĩnh cực quang thông đạt", có thể tĩnh đến cực điểm thì trí huệ quang liền thông đạt, hoàn toàn thấu triệt.

Nhưng thời kỳ tham thiền, ngàn vạn đừng "đam không chấp tịch". Nếu trầm mê về lý "Không" thì đọa vào lý không đoạn thường, như giết người cũng là không, phóng hỏa, trộm cắp, hút sách .v.v., hết thảy đều không, như vậy là làm những việc hồ đồ. Nếu chấp trước cảnh vắng lặng, chấp trước sự khoái lạc, định cảnh hiện tiền khinh an hoặc tướng tốt hiện tiền đều là đắm trước vị thiền. Nếu như "đam không chấp tịch" thì cuối cùng không thể vượt qua cửa ải được. Sau đây là một câu chuyện dùng làm sáng tỏ nghĩa này. Pháp Sư Huyền Trang đi Ấn Ðộ thỉnh Kinh, đi qua núi nọ, trong động có một vị tu hành, đã nhập định, không biết nhập định đã bao lâu rồi. Ngài Huyền Trang bèn đánh thức dậy, vị tu hành liền xuất định, trên đầu Ngài chim làm tổ trên đó, đẻ trứng, ấp trứng, đủ thấy định lực của lão tu hành. Lão tu hành từ từ mở mắt ra hoạt động một lúc mới có thể nói được. Ngài Huyền Trang hỏi Lão tu hành:"Ngài nhập định để làm gì?" Ðáp:"Tôi đợi Phật Thích Ca xuất thế". Ngài Huyền Trang nói:"Phật Thích Ca đã xuất thế và đã nhập Niết Bàn rồi". Lão tu hành nói:"Nếu vậy thì tôi tiếp tục nhập định, đợi tương lai Phật Di Lặc sẽ xuất thế!" Ngài Huyền Trang nói:"Ngài không cần nhập định, tuy Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn, nhưng Phật pháp còn tồn tại trên thế gian. Ngài hãy theo tôi đến Trung Hoa, cùng nhau hoằng dương Phật pháp, không tốt chăng? Nhưng thân thể của Ngài đã già rồi, Ngài hãy đổi thân khác đi". Lão tu hành nói:"Ðổi thân khác như thế nào?" Ngài Huyền Trang nói:"Ngài đến Trường An, thấy nóc nhà nào màu vàng lưu ly thì đầu thai vào. Ðợi tôi từ Ấn Ðộ về cùng với Ngài hoằng dương Phật pháp". Lão tu hành trong quá khứ đều đuổi theo nhưng không gặp cơ hội. Phật Thích Ca ra đời, Ngài còn đang nhập định mà bỏ qua cơ hội. Hiện nay Ngài nghe nói nóc nhà màu vàng lưu ly, lại rối loạn không rõ ràng mà đầu thai lộn. Ðầu thai vào nóc nhà màu lục lưu ly, làm con quan tể tướng. Từ điểm này liền biết Ngài nhận không rõ ràng, cho nên đầu thai lộn.

Ngài Huyền Trang ở tại Ấn Ðộ mười bảy năm sau mới trở về Trường An. Trước tiên hướng Ðường Thái Tông chúc mừng:"Chúc mừng bệ hạ! Chúc mừng Ngài sinh được thái tử! Vị đó do tôi phái đến, có thể sẽ xuất gia!" Vua Thái Tông nói:"Tôi không có sinh được Thái Tử". Ngài Huyền Trang quán sát trong định, phát giác lão tu hành đầu thai lộn, sinh vào nhà tể tướng, thân thể cường tráng, có khí khái anh hùng, nhưng không nghe lời, lại uống rượu, ăn thịt, thích gái, cậy thế lực gia đình hoành hành không sợ.

Ngài Huyền Trang đi tìm quan tể tướng, nói rõ đầu đuôi câu chuyện, quan tể tướng nói:"Thằng con này không giữ quy cụ, tôi cũng khuyên không được. Ngài gọi nó xuất gia, đó là việc tốt". Sau đó thương lượng với đứa con, nhưng đứa con trợn mắt trừng:"Con không xuất gia, cha đi xuất gia đi". Quan tể tướng không còn cách nào khác.

Ngài Huyền Trang chỉ còn thương lượng với vua Thái Tông, thỉnh hoàng đế hạ chỉ, khiến cho vị thanh niên đó xuất gia. Vị thanh niên đó tiếp được chiếu thư liền nói:"Bệ hạ ép tôi xuất gia, nhưng tôi phải ra điều kiện". Trước đó Ngài Huyền Trang đã nói với Ðường Thái Tông:"Bất cứ vị thanh niên này ra điều kiện gì, đều phải đáp ứng, chỉ cần y xuất gia là tốt". Cho nên vị thanh niên ra ba điều kiện rằng:"Thứ nhất, tôi không giữ giới rượu, phải cần có một xe rượu bên tôi, thứ hai là một xe gái đẹp và thứ ba là một xe thịt. Nếu chấp nhận thì tôi mới xuất gia".

Thái Tông nói:"Chấp nhận nguyện vọng nhà ngươi". Do đó, có ba xe đi theo con trai ông tể tướng đến Ðại Hưng Thiện Tự đi xuất gia. Trong Chùa thấy con trai ông tể tướng đến xuất gia, liền nổi chuông trống lên. Vị thanh niên nghe tiếng chuông trống liền khai ngộ:"Nguyên lai tiền thân của tôi là lão tu hành, tôi cần những xe này để làm gì? Các vị hãy trở về". Sau đó người xưng là "Tam Xa Tổ Sư".

Từ câu chuyện này, thấy Lão tu hành cũng đi sai đường, gặp được thiện tri thức chỉ ra khỏi đường mê. Sau này Ngài chính là Khuy Cơ Ðại Sư, đệ tử học thức của Ngài Huyền Trang, đại tri thức của Tông Duy Thức. Nhưng, ban đầu Ngài cũng đi lộn đường, đầu thai lộn. Từ đây nhìn lại, chúng ta ngồi thiền không nên tham tiện nghi, tham thần thông, tự tại, không nên tham trước vị thiền, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không nên được ít cho là đủ, tự vẽ con đường trung đạo.

Trì Giới Thanh Tịnh Như Trăng Rằm

Giảng ngày 24/05/1987

Hôm nay là ngày kỷ niệm năm mươi năm cầu Kim Môn (Cầu Goldengate ở San Francisco). Bình thường người đến ngồi thiền, phần đông chạy đến bên cầu để nhìn núi ngắm biển. Tham thiền như thế, tức là không hiểu được chữ tham. Tham là phải nhìn thẳng vào ý niệm của mình, không ra, không vào, không sinh không diệt, mới là công phu tham thiền. Người tham thiền, trước tiên phải trì giới:

1. Không sát sinh: Phải bồi dưỡng tâm từ bi, phàm là nhân sát, pháp sát, duyên sát, nghiệp sát đều phải đoạn trừ.

2. Không trộm cắp: Không phạm nhân trộm, duyên trộm, pháp trộm và nghiệp trộm.

3. Không tà dâm: Nhân dâm, duyên dâm, pháp dâm, nghiệp dâm cũng phải đoạn trừ.

4. Vọng ngữ: Khó nhất là trì giới này, không tri không giác thì dễ vi phạm.

5. Uống rượu: Tất cả nhân, duyên, pháp, nghiệp đều phải đoạn trừ.

Có người hỏi:"Tôi chưa thọ năm giới, tại sao phải giữ?" Năm giới này là giới tự tính, không biết bạn có thọ hay không thọ, cũng phải giữ. Thọ giới là sự tướng, giữ giới là lý. Bạn nhất định phải giữ giới thanh tịnh, trên sự tướng mới được viên mãn, phải trì giới thanh tịnh như trăng rằm, tơ hào không thiếu khuyết, mới là bổn phận tham thiền. Nếu thói hư tật xấu quá nhiều, lại không sửa đổi, còn muốn tham thiền cũng như nấu cát muốn thành cơm, không bao giờ có được. Không đoạn trừ sát, đạo, dâm, vọng, tửu thì tình hình rất nghiêm trọng. Hiện tại phạm một chút, tương lai lại phạm nhiều, nhất định lời nói việc làm phải đi đôi, nếu như nói được mà làm không được đó là kẻ làm loạn trong Phật giáo, nếu chưa nói mà làm được mới là chân Phật tử. Phải cung hành thực tiễn, lấy thân làm khuôn phép, mới có thành tựu. Bằng không bịt tai ăn cắp chuông thì tự mình dối gạt mình.

Tham Thiền Không Nên Bị Cảnh Chuyển

Giảng ngày 07/06/1987

Ngồi thiền là tập định, tập định tức là ngồi thiền. Có người hỏi:"Ðả tọa tham thiền là một hay là hai?" Thực ra đả tọa và tham thiền tuy danh từ không giống, nhưng ý nghĩa là một. Tham thiền là phải thật hiểu biết, sáng suốt không còn hồ đồ nữa, sở dĩ người hồ đồ là vì tâm chuyển theo cảnh. Cảnh giới đến không nhận thức được, cảnh giới tốt đến thì bị cảnh giới tốt chuyển ; cảnh giới xấu lại cũng bị cảnh giới xấu chuyển. Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc đều là cảnh giới. Mắt thấy sắc đẹp liền động tâm ; mũi ngửi hương cũng bị động ; lưỡi nếm vị cũng bị động, thân xúc giác cũng bị động ; ý duyên pháp cũng bị động. Ðó đều là chuyển theo cảnh, biểu hiện không có định lực. Nếu có định lực thì luôn luôn sáng suốt. Không phải nghe người khen thì bạn cảm giác như mật ngọt ; nghe người chê thì bạn cảm giác đắng như "huỳnh liên", đó đều là bị cảnh chuyển.

Nếu có trí huệ chân thật thì không bị cảnh chuyển. Nếu không bị sáu căn, sáu trần, năm dục chuyển thì đó là có định lực, mới là chân chánh đả tọa tham thiền. Nếu ngồi thiền rồi, sau lại có nhiều tâm tham, tâm tranh, tâm cầu, tâm ích kỷ, tự lợi và nói dối. Ðây là sáu thứ bệnh, không những không giảm bớt, mà lại tăng thêm, tức chưa hiểu cách thức dụng công, như vậy rất dễ bị ngoại duyên cảm nhiễm.

Hiện nay trên thế giới có chứng "Ái tử bệnh" (AIDS) truyền nhiễm, không thuốc chữa, rất dễ truyền nhiễm. Tại sao truyền nhiễm một cách nhanh chóng? Vì người thế gian không có định lực. Nếu người có định lực thì tự nhiên có lực đề kháng (chống lại), sinh ra tinh thần đại vô úy, cái gì cũng không sợ. Ðịnh lực có thể trị hết thảy bệnh tật, nếu có định lực thì cảnh giới bên ngoài không thể cảm nhiễm bạn được. Ðây không phải là nói có thần thông gì hết, mà là có một thứ sức lực vô hình, có thể tiêu trừ hết thảy tai nạn. Tại sao con người bị cảnh giới làm ô nhiễm? đều vì không có định lực, mà bị truyền nhiễm. Hiện tại con người chỉ biết có "Ái tử bệnh" nhưng không biết chỉ có định lực mới trị được gốc của nó. Trong Chứng Ðạo Ca có nói rằng:

"Ði cũng thiền, ngồi cũng thiền,

Nói năng động tĩnh thể an nhiên,

Ngộ gặp đao bén thường thản nhiên,

Uống nhằm thuốc độc cũng nhàn nhàn".

"Thể an nhiên" tức là biểu hiện của định lực. Cho nên Tăng Triệu Pháp Sư trước khi bị lâm hình chém đầu, Ngài nói bài kệ rằng:

"Tứ đại vốn không,

Ngũ ấm nguyên vô ngã,

Tương đầu lâm bạch nhận,

Do như trảm xuân phong".

Nghĩa rằng:

"Bốn đại vốn là không,

Năm ấm không thật ngã,

Ðưa đầu kề đao nhọn,

Cũng như chém gió xuân".

Ðến lúc này thì bạn còn sợ cái gì? Chánh khí thản nhiên đề kháng hết thảy cảnh giới bên ngoài đến, các vị tham thiền đả tọa, đem thân thể này tu kiện khang, thì hết thảy bệnh tật cũng không thể xâm nhập bạn được.

Thuận Nghịch Ðều Tinh Tấn .

Giảng ngày 13/06/1987

Phần đông những người tập ngồi thiền, chỉ trong một tuần lễ thì cảm giác rất có tiến bộ, thân thể kiện khang, tinh thần cũng khoái lạc, phiền não càng ngày càng ít, trí huệ càng ngày càng tăng trưởng, cũng không có ưu sầu, sân hận, đây là biểu hiện công phu ngồi thiền tương ưng.

Có người lại ngồi thiền mà tâm bận ý loạn, vọng tưởng lăng xăng, càng ngồi càng áy náy, ngồi không yên. Vốn không có phiền não, nhưng nay ngồi lại sinh phiền não, vốn không ưu sầu, nhưng khi ngồi lại sinh ưu sầu, thậm chí có người ngồi ở đây mà vọng tưởng về tiền bạc, vọng tưởng về dục niệm hoặc là nghĩ:"Ngồi thiền chẳng ích lợi gì, không thể khiến cho tôi được tiếng tăm", hoặc nghĩ:"Ngồi thiền không bằng đến nhà hàng ăn đồ ngon vật lạ". Phần đông lại nghĩ:"Không bằng ở nhà mình ngủ nhiều hơn một chút, thoải mái hơn ở đây".

Người có hai loại, một là người có căn lành phát hiện, nghĩ muốn tu hành, buông xả mọi thứ, đợi đến khi căn lành thành thục liền thành Phật. Riêng có một hạng người nghiệp chướng sâu nặng, cho nên có câu:

"Muốn học giỏi, oan nghiệt tìm ;

Muốn thành Phật, trước thọ ma".

Ma đến nhiễu loạn tính của bạn, xem ý chí của bạn có kiên cố chăng, có thật muốn ngồi thiền chăng, đến để khảo nghiệm bạn. Lúc đó bạn không nên bị cảnh chuyển, gặp thuận cảnh, nghịch cảnh đều tinh tấn. Gặp thuận cảnh, phải cầu tiến về trước ; gặp nghịch cảnh cũng phải cầu tiến về trước. Tức nhiên đã biết ngồi thiền là tốt, bất luận là vọng tưởng gì, ngồi xuống rồi cũng phải nhẫn, đây là công phu có tiến bộ, phải phát đại bồ đề tâm, tương lai nhất định thành Phật.

Phải dùng kiên, thành, hằng ba điều kiện này để khắc phục bất cứ cảnh giới nào.

1. Kiên: Phải có tâm kiên cố, bất cứ cảnh giới nào trước mặt, cũng phải khắc phục.

2. Thành: Cẩn thận sự việc, đối với tham thiền phải chí thành khẩn thiết, đừng có tâm hư ngụy.

3. Hằng: Thường hằng không đổi, nếu muốn làm việc gì phải trước sau như một. Khi bắt đầu ngồi thiền, phải quán triệt thủy chung, hiểu biết triệt để, nhận thức bản lai diện mục, như thế mới liễu sinh thoát tử, mới đạt được quả Phật bồ đề.

Mọi người đừng quên ba điều kiện này và không nên quên "Thuận nghịch đều tinh tấn". Ðây là tư tưởng và vốn liếng đến cõi Phật, khiến bạn nhất định đạt được mục đích.

Từ Bỏ Tâm Ý Thức.

Giảng ngày 14/06/1987

Chứng Ðạo Ca của Vĩnh Gia Ðại Sư có nói:

"Tổn pháp tài, diệt công đức,

Ðều do tâm ý thức ấy,

Phải dùng cửa thiền liễu tâm này,

Sớm ngộ vô sinh tri kiến lực".

Người tu đạo, không thể tổn pháp tài, diệt công đức. Nếu tổn pháp tài thì không có phước, không có huệ. Nếu diệt công đức, thì căn lành diệt mất. Pháp tài phải càng ngày càng thâm hậu, công đức phải càng ngày càng tăng trưởng, thì sự tu đạo mới tương ưng. Tại sao pháp tài lại tổn? Công đức bị diệt? Vì bạn chuyên dùng tâm ý thức. Dùng tâm để tính toán, dùng ý để đo lường, dùng thức để phân biệt, bận rộn tối ngày, tính toán, đo lường, phân biệt không ngừng, chuyên môn dụng công phu trên tâm ý thức, do đó mà tổn pháp tài, diệt công đức.

Tham thiền là tĩnh lự, tức là tâm niệm bất động cho nên gọi là tĩnh. Thiền môn là một pháp môn hướng thượng, đơn đao vào thẳng, từ bỏ tâm ý thức, cho nên nói "Liễu khước tâm". Tâm này cũng bao quát sự hoạt động của ý thức, phải làm cho các thứ vọng tâm hoạt động ngưng bặc, mới gọi là tĩnh lự. Từ đó mới "Ðốn ngộ vô sinh tri kiến lực", chứng được vô sinh pháp nhẫn, chứng được noãn, đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất, bốn gia hạnh.

1. Noãn: Là ngồi được có chút hơi ấm.

2. Ðỉnh: Là công phu đã đạt đến điểm trên đỉnh.

3. Nhẫn: Là lúc này rất khó nhẫn, nhưng cũng phải cố gắng nhẫn.

4. Thế đệ nhất: Là trở thành đại trượng phu trong thế gian và xuất thế gian. Muốn chứng được bốn địa vị này, trước phải hiểu thế nào là tĩnh lự, tức là tâm ý thức bất động, ý nghĩ của chúng ta như sóng nước, không thể ngưng bặc. Ngồi thiền là muốn những ý nghĩ của tâm ý thức không giao động, khiến nó tự nhiên ngưng bặc, ngưng rồi tức là tĩnh lự, tĩnh đến cực điểm, liền sinh trí huệ, sinh trí huệ liền phát quang. Cho nên "Tĩnh cực quang thông đạt" tức cũng là "Ðốn ngộ vô sinh tri kiến lực", có thể từ bỏ tâm ý thức, đắc được vô sinh tri kiến lực, mới khai mở đại trí huệ.

Do đó dụng công không nên tìm huyền diệu, cầu thần thông. Khi bạn đến được "Tĩnh cực quang thông đạt" thì có đại trí huệ, đối với vấn đề gì đều có thể ngang nhiên mà giải, không phí sức. Nếu thật có đại trí huệ thì không còn điên đảo nữa. Ðây là công phu tọa thiền sơ bộ, do đó, mọi người ngồi thiền không nên khởi vọng tưởng, phải ngưng bặc hết thảy mọi vọng niệm mới đúng.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com