NHÂN SINH YẾU NGHĨA
HT Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch Việt
Con người mới sinh ra, đều không nghĩ gì hết, chỉ biết ăn. Do đó khi trẻ con đói, bạn không cho nó uống sữa, nó liền khóc lên. Con người lớn lên, từ từ học nghĩ, tức nhiên hình thành tập quán, bạn muốn nó không nghĩ cũng không dễ dàng được. Do đó, mục đích tham thiền là đừng khởi vọng tưởng. Cho nên "chế tâm một chỗ, không việc gì mà chẳng xong". Phải chế tâm lại một chỗ, thu hồi tâm lại.
Trước kia tâm phóng đi mà không biết trở về, bây giờ phải thu hồi nó lại, ngưng bặc tất cả vọng tưởng, nhưng không phải dễ. Bạn muốn nó đừng nghĩ, nhưng nó vẫn cứ nghĩ. Bình thường nghĩ đông nghĩ tây, tập quán thành tự nhiên. Khi có dịp ngồi tĩnh tọa, thì lúc đó bạn kêu nó đừng nghĩ tưởng thì khó vô cùng. Tuy nhiên khó cũng phải thu hồi "phóng tâm", khiến nó đừng tưởng nghĩ.
Nếu muốn tâm đừng nghĩ tưởng, trước phải tìm một vật gì cho nó. Vì tâm chúng ta cũng giống như con khỉ, chơi hết cái này lại chơi cái khác. Bạn muốn kêu nó đừng chơi, nhưng nó không thể dừng lại. Hiện tại muốn tìm một vật cho nó chơi thì hãy tham thoại đầu "Niệm Phật là ai?" phải dùng tâm đi nghiên cứu, niệm Phật là người nào? Ðây gọi là khởi "nghi tình". Cho nên "nghi ít ngộ ít, nghi nhiều ngộ nhiều, không nghi không ngộ", mà tham thiền thì phải khai ngộ.
Khai ngộ là gì? Có một số bàng môn ngoại đạo, tự cho mình khai ngộ, bèn đăng báo quảng cáo cho rằng đó là tin tức mới. Ngày xưa, không có báo chí, do đó chưa nghe qua Tổ Sư ngày xưa phát biểu tin tức, nói qua họ đã khai ngộ. Khai ngộ không phải là tự mình nói, phải nhờ vị thiện tri thức chứng minh mới đúng. Nhưng hãy mở mắt thật to mà xem, hiện tại có được mấy vị thiện tri thức đã khai ngộ? Do đó tự cho mình khai ngộ là hoàn toàn sai lầm.
Lúc trước tôi có gặp qua một người, y nói y đã khai ngộ. Tôi nói với y rằng:"Bạn nói bạn khai ngộ, vì bạn cho rằng đây là danh từ tốt đẹp, cho nên bạn mới mạo xưng khai ngộ, nếu như là một danh từ xấu thì bạn không thể nói bạn khai ngộ". Nếu bạn nghĩ mang danh từ khai ngộ là tốt, thì nhất định phải thật khai ngộ mới đúng. Không thể giả mạo tự xưng đã khai ngộ.
Ngồi thiền thì thu hồi phóng tâm lại. Hiện tại không biết tâm chạy đi đâu, cho nên phải tham "Niệm Phật là ai?" tham đến khi hiểu được, thì liền chân chánh thấu hiểu, mà có chỗ khai ngộ. Tuy nhiên thật sự thấu hiểu, cũng không thể tự mình chứng minh, phải có vị thiện tri thức chứng minh con đường bạn đi là đúng, như thế mới có thể được.
Hiện tại mọi người đều luyện tập ngồi, tốt nhất là ngồi tư thế kiết già, nếu không thể ngồi kiết già được thì ngồi bán già. Phải ngồi đến hai chân chịu nghe lời, có thể ngồi một, hai đến năm, sáu giờ mà cũng không đau, thì lúc này tham thiền mới tiến bộ, mới có thể có chỗ lãnh hội, có sở khai ngộ. Khai ngộ không phải là chỉ dụng công một hai ngày. Cũng giống như đi học, phải học tiểu học mấy năm, rồi lên trung học. Xong trung học rồi mới đến đại học, xong đại học rồi đến bác sĩ, tiến sĩ, phải trải qua thời gian lâu dài. Tham thiền cũng thế. Do đó mọi người phải bỏ ra một phen thời gian dụng công tham thiền.
Có người nói: "Tôi không có nhiều thời gian". Tuy nhiên bạn không có nhiều thời gian, nếu bạn có thể ngồi trong chốc lát thì công đức cũng vô lượng. Kinh nói rằng:
"Nếu người tĩnh tọa trong chốc lát,
Hơn xây Hằng sa tháp bảy báu".
Bạn kéo tâm lại, không cho khởi vọng tưởng, trong chốc lát cũng được vô lượng công đức. Vì xây tháp bảy báu là công đức bên ngoài, còn tĩnh tọa, không khởi vọng tưởng là công đức vô lậu, cho nên so với công đức xây tháp thì thù thắng hơn. Do đó mọi người phải đem thời gian ra mà luyện tập ngồi thiền.
Giảng ngày 05/04/87
Tham thiền tức là tĩnh lự, tĩnh đến cực điểm thì mọi vọng tưởng chẳng còn nữa. Cho nên "Tĩnh cực quang thông đạt", nhưng phải tĩnh đến cực điểm thì trí huệ quang minh mới hiển lộ, mà có thể khai ngộ. Tĩnh không đến cực điểm, thì quang không thể thông đạt, cũng không thể khai ngộ. Muốn tĩnh đến cực điểm thì phải giữ sáu đại tông chỉ.
1. Không tranh. Tại sao thế giới càng ngày càng suy sụp? Vì người người đều tranh. Ðây là bao quát tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị, nghiêm trọng nhất là tranh sắc. Trong tâm con người thường tranh với chính mình, có lúc thì nghĩ tu đạo, có lúc thì nghĩ phát tài, có lúc thì nghĩ đến ăn đồ ngon, tự mình với mình thường không được bình an, tức là trong tâm mình thường đấu tranh. Giữa người với người cũng hỗ tương xung đột. Vì sao xung đột? Vì tranh lợi, tại sao phải tranh lợi? Vì muốn duy trì đời sống của mình, nuôi sống gia đình mình, mà cơ bản gia đình là sắc dục. Vì duy trì sắc dục, bảo hộ nhà mình cho nên đưa đến phân tranh giữa người với người, kế đó nhà với nhà tranh nhau, nước này tranh với nước kia, mà nguồn gốc nguyên nhân là một. Sơ khởi là người nước này tranh với người nước kia, và nước này tranh với nước kia, dẫn đến thế giới này tranh với thế giới kia, tinh cầu này với tinh cầu kia, tạo thành cục diện nước và lửa không tương dung, trong vũ trụ nổi đại chiến, đều là do một tâm niệm tranh phát khởi. Do đó chúng ta ngồi thiền là trước phải làm cho tâm tranh ngưng bặc.
2. Không tham. Nghiên cứu sâu hơn một bước, sau tâm tranh có một quân sư, đó là tâm tham, tham danh, lợi, tài, sắc, ăn, ngủ. Tham không biết chán.
3. Không cầu. Con người vì sao có tham? Vì sau tâm tham có tâm truy cầu sai khiến. Hướng ngoại truy cầu, thấy vật người khác, liền muốn chiếm làm của riêng mình.
4. Không ích kỷ. Con người tại sao hướng ngoại truy cầu? Vì mặt sau có tâm ích kỷ tác quái, nơi nơi chốn chốn đều nghĩ riêng mình. Người có tâm ích kỷ thường hay sợ sệt, vì tâm địa đen tối không đủ quang minh lỗi lạc, lo sợ mình thiếu ăn.
5. Không tự lợi. Do tâm ích kỷ sai khiến, do đó chuyên thủ lợi về mình.
6. Không nói dối. Tức nhiên đã phạm tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi năm đại tông chỉ thì có thể nói dối. Vì bảo trì ích kỷ lợi mình, cho nên sinh ra những phương pháp gạt người. Người tu đạo phải ngưng bặc sáu thứ vọng tưởng này, mới đạt được tự tại. Nếu bạn có sáu thứ tà kiến này thì ngày đêm sáu thời không thể an ổn đặng. Nếu có thể ngưng bặc, thì tâm được tự tại, thiên hạ thái bình, bất cứ phiền não gì cũng đều không có. Tại sao có phiền não? Vì có sáu thứ tà kiến này. Cho nên "Sai một ly đi một dặm". Chỉ sai một chút mà suốt đời u sầu, ưu sầu đủ điều, đến nỗi mắt hoa răng rụng, tóc bạc, mặt nhăn, không biết lúc nào phải đi gặp vua Diêm Vương. Ðó đều là làm người không hiểu đạo lý cơ bản, tu đạo phải hiểu sáu đại tông chỉ, thì trong tâm mới có đại trí huệ, đại an lạc, đại tự tại.
Hiện tại sẽ lần lượt giảng Khai Thị, tương lai mọi người hiểu đạo lý thì không cần giảng. Khi ngồi xong, xả thiền thì phải "đi hương", "chạy hương". Chạy hương thì bạn cũng không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối thì tự nhiên trì giới, bố thí (bố thí hết thảy mọi tật xấu), nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định mà đắc được trí huệ. Tham thiền thì đều tu lục độ, đều liên quan với nhau. Hiện tại mọi người chưa hiểu đạo lý, cho nên giảng nhiều một chút. Tương lai hiểu rồi, không cần giảng nhiều. Tham thiền thì phải thực hành, ví như bạn nói học giỏi, học giỏi nhưng bạn không học, thì cũng vô dụng. Bạn nói ngồi thiền tốt, ngồi thiền tốt, nếu không ngồi thì cũng không có ích lợi gì. Phải đem thời gian quý báu ra, tu pháp môn vi diệu này. Ai có thể tĩnh tọa cực điểm, khiến cho quang minh thông đạt thì người đó có thể khai mở đại trí huệ.
Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 11/04/1987
Ngồi thiền phải bắt lấy con khỉ, tâm con người như ngựa hoang, ý như con khỉ. Nếu không bắt kéo lại, thì nó (tâm) luôn luôn chạy khắp nơi, tinh thần phân tán, sẽ làm hao phí nguồn gốc quý báu của tự tính. Nếu vô duyên, vô cớ bị con khỉ không trị được thì nay phải khiến cho con khỉ (ý) lão lão thực thực, khiến con ngựa hoang (tâm) không thể không giữ quy cụ, phải bắt giữ tâm viên ý mã lại. Bắt giữ như thế nào? Phải dùng "Vòng Kim Cô" trói lại, và niệm Chú "Khẩn Cô" như trong Tây Du Ký, Ðường Tăng niệm Chú Khẩn Cô cho Tôn Ngộ Không khiến con khỉ mới lão thực.
Chú Khẩn Cô của chúng ta là cái gì? Tức là niệm thoại đầu "Niệm Phật là ai?", nghĩ tưởng tìm "Ai"? Thì con khỉ liền lão thực. Vì nó không biết là "Ai", cho nên nó liền chuyên tâm nhất chí đi tìm, tức có thể tâm bình khí hòa, chú mục nghi thần đi tìm, thì nó sẽ không chạy khắp nơi. Nếu bạn bắt lấy con khỉ, khiến cho nó lão thực rồi, thì công phu của bạn tiến bộ nhiều lắm.
Ngồi thiền cũng giống như người huấn luyện ngựa, huấn luyện khỉ, không phải dễ. Tuy nhiên không phải dễ, cũng cứ phải ngồi, cố gắng khắc phục. Trong lúc này, bạn phải đưa ra một điều kiện, thật không phải dễ, rất phí công sức. Ngồi thiền cũng lại như thế, tất phải phí một phen công phu. Bạn phải đem "cuồng tâm dã tính, si tâm vọng tưởng chế tại một chỗ, công phu càng ngày càng tăng, thì phiền não càng ngày càng giảm".
Mục đích tham thiền là phải khai mở trí huệ, có trí huệ rồi thì không thể điên đảo như lúc trước, nếu bạn ngồi tại đây mà thân không động, tâm không động, thì liền nhập định. Có định rồi, thì tự nhiên sẽ khai mở trí huệ, hết thảy mọi vấn đề cũng nghênh nhận mà giải quyết.
Phật không có chỗ nào bất đồng với chúng sinh, chỉ vì Phật có đại trí huệ, đại trí huệ cũng là thần thông, tinh thần thông đạt hết thảy. Trí huệ và thần thông là hai mà chẳng phải hai, nhưng đây không phải là quỷ thông. Quỷ thông thì dùng thức tâm của mình đo lường, tự cho là thông minh, thực ra chẳng phải thông minh. Trí huệ chân chánh thì không dùng sự suy nghĩ, mà tự nhiên biết, nhậm vận tự tại. Bạn có trí huệ thì thông đạt hết thảy. Nếu không có trí huệ thì mọi việc đều điên đảo, rõ ràng là điên đảo mà tự mình còn không biết. Nếu làm sai mà biết sai thì có thể cứu được; nếu làm sai mà không biết sai thì khổ lắm.
Chúng ta nếu muốn "Lìa khổ được vui", thì chúng ta phải có trí huệ. Có trí huệ rồi thì không còn khổ nữa. Nếu hiểu đạo lý này thì không thể sinh phiền não. Thực ra, đạo lý này rất đơn giản, nhưng ngồi thiền tất phải đem thời gian ra. Cho nên "Ngồi lâu có thiền, ở lâu có duyên". Tham thiền tức là làm cho tâm thanh tịnh. Tĩnh lự là phải làm cho mọi tư lự lắng xuống, thu thập mọi tư lự sạch hết, cũng như Thần Tú Ðại Sư có nói "Thời thời thường lau chùi, đừng để dính bụi bặm". Hiểu đạo lý này rồi thì lập chí tu thiền, phải đặc biệt nỗ lực bắt lấy con khỉ, niệm chú Khẩn Cô, niệm càng nhiều càng hữu hiệu. Các vị phải nỗ lực, phải đem tâm nhẫn nại ra, chân đau, lưng ê, cũng phải nhẫn. Cho nên:
"Không trải qua một phen lạnh thấu xương,
Sao được hoa mai thơm ngát mũi".
Nước Cam Lồ là liều thuốc sinh tử
Giảng ngày 18/04/1987
Tham thiền không phải chỉ ngồi thiền mới là dụng công, mà là đi, đứng, nằm, ngồi đều phải dụng công, chỉ bất quá ngồi thiền thời gian phải chuyên nhất. Ði cũng tham "Niệm Phật là ai?" Ðứng cũng tham "Niệm Phật là ai?" Ngồi, nằm cũng tham "Niệm Phật là ai?" Cho nên "Ði đứng nằm ngồi, không rời niệm này, rời niệm này thì là sai lầm!" Niệm này là cái gì? Tức là "Niệm Phật là ai?" phải tham câu thoại đầu này.
Ngồi thiền thì uốn đầu lưỡi lên hàm trên, nếu có nhiều nước dãi thì nuốt vào. Ðây là "Nước cam lồ". Vì sao? Vì ngồi thiền, ngồi lâu rồi, nước dãi là vị ngọt. Tuy không nồng như đường, hoặc như mật, nhưng cũng là một vị ngọt đạm đạm. Người thường uống thứ nước cam lồ này, thì không ăn cơm cũng không đói, không uống nước cũng không khát, cho đến đi không biết đi, đứng không biết đứng, ngồi không biết ngồi, nằm không biết nằm, công phu đã đả thành một khối, thời khắc đều ở trong định.
Nước cam lồ trị được bách bệnh, cường thân kiện thể, khai mở đại trí huệ, nhưng phải luôn luôn dụng công, không nên gián đoạn. Vì sao người tu đạo không thích nói nhiều? Vì họ muốn dụng công. Không luận là bửa củi gánh nước, hoặc làm bất cứ việc gì đều là dụng công. Công phu dụng được thành thục, miên miên mật mật, không nghĩ đến dụng công thì nó cũng tự động dụng công, không nghĩ tham "Niệm Phật là ai", nó cũng tự động tham. Tham đến gió thổi không động, mưa rơi không lọt, công phu thành khối thì mưa gió không làm gì đặng. Ðương nhiên đạt đến trình độ công phu như thế, không phải một sớm một chiều mà luyện thành, cho nên phải thời thời khắc khắc, từ từ dụng công.
Nước cam lồ lại còn gọi là "Nước nhà mình". Ba chữ này hợp lại đọc thành chữ dược (thuốc). Thuốc này sống thọ lâu năm, thuốc liễu sinh thoát tử, thuốc thoát khỏi luân hồi lục đạo. Ai ai cũng đều có thuốc này, nhưng mọi người không dùng đến nó. Ai ai cũng bỏ gốc tìm ngọn, chạy đông chạy tây tìm kiếm bên ngoài. Thứ thuốc này là tự tính vốn sẵn có. Người nào thường dụng công thì nước dãi rất ngọt, thậm chí còn hơn mật, đường, đợi đến khi thuốc này công hiệu thì trong thân thể liền sinh sản biến hóa. Nếu chưa tu đến chỗ diệu dụng, thì không biết, nếu đến được rồi thì thời thời khắc khắc không thể buông bỏ công phu. Không thể gián đoạn, nhưng phải luôn giữ thường hằng. Không phải ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới ; một ngày nóng, mười ngày lạnh, phải có kiên, thành, hằng, thường thường dụng công mới có thể thành tựu.
Chạy hương thì phải đả khởi tinh thần lên, phải đi thật nhanh. Phải như "Long tinh hổ mãnh". Lúc nhập định thời như "Long bàn hổ ngọa" (rồng khoanh, hổ nằm) ; xuất định rồi thì phải đả khởi tinh thần, không nên lừ thừ uể oải như ngủ không tỉnh. Chạy hương thì cũng là một thứ vận động, hoạt động lưu thông khí huyết, giống như năm xưa Ðạt Ma Sư Tổ dạy chư Tăng tập định tại Thiếu Lâm Tự. Xuất định thời cũng dạy họ quyền thuật. Ðó cũng là vì hoạt động gân cốt, điều hòa khí huyết.
Bạn muốn ngồi thiền được tương ưng thì trước hết phải khử trừ sáu thứ tư tưởng mâu thuẫn. Tại sao gọi là mâu thuẫn? Bạn một mặt nghĩ muốn khai ngộ, khai mở đại trí huệ, nhưng lại cũng giống như lúc trước nào là: Tham, tranh, cầu, ích kỷ, lợi mình, nói láo, thì vĩnh viễn không đạt được mục đích. Vì sáu thứ tư tưởng này mâu thuẫn, trái với sự khai ngộ, cho nên trước phải giữ sáu đại tông chỉ cho vững chắc, vững chắc rồi thì có thể phá vô minh.
Tham thiền tức là vì phá vô minh. Vô minh tức là không hiểu. Nguồn gốc vô minh là ái dục. Do đó người tham thiền phải chú ý khử dục đoạn ái. Nếu bạn không khử dục đoạn ái, nghĩ muốn tham thiền cầu khai ngộ thì không có lý này. Ðây là then chốt quan trọng, mọi người phải chú ý.
Giảng ngày 19/04/1987
Ða số các em học sinh mới vào học thì đều ôm ấp một mục tiêu. Dự bị học cho giỏi rồi tìm một việc làm. Hoặc học khoa học, học ngành điện toán, hoặc học những môn khác. Trong thời gian học nếu cứ đem mục tiêu để trong tâm mà không chuyên nhất học hành, thì học không giỏi được. Vì sao? Vì trong tâm bạn có vật chướng ngại. Ví như bạn nghĩ muốn học đến bác sĩ, nhưng không chuyên tâm nhất chí học hành, cuối cùng sẽ không đạt được mục đích. Phải tạm thời buông bỏ ý nghĩ học bác sĩ, buông bỏ hết thảy những kỳ vọng, chỉ chuyên tâm học, mới có thể đạt được mục đích.
Ðạo lý ngồi thiền cũng giống nhau. Ngồi thiền là vì khai ngộ, khai mở đại trí huệ, liễu sinh thoát tử. Nhưng bạn ngồi thì không nên nghĩ tới ý niệm này:"Tôi chừng nào khai ngộ? Tôi làm sao khai đại trí huệ? Làm thế nào liễu sinh thoát tử?" Phải từ từ, tham câu "Niệm Phật là ai?" Không cần lo khai ngộ hay không khai ngộ ; khai mở trí huệ hay không khai mở trí huệ ; liễu hay không liễu sinh tử. Nếu thường tồn tại những ý niệm như thế, thì không thể nào khai ngộ. Tại sao? Vì trong tâm bạn có vật chướng ngại, phải buông bỏ thân tâm, vô câu vô thúc, vô quái vô ngại, chuyên nhất tham "Niệm Phật là ai?", tham đến "Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh lại nhất thôn", thì sẽ có một phen thiên kinh động địa. Nhưng bạn cũng không cần tồn tại cái tâm này. Khi công phu của bạn chín mùi, thì sẽ đến giai đoạn đó. Không nên tham nhanh, cho nên "Chớ muốn mau, muốn mau thì không đạt được, đừng thấy lợi nhỏ cho là đủ, thủ lợi nhỏ việc lớn tất không thành".
Ngồi thiền phải chế tâm tại một chỗ, đừng khởi vọng tưởng, chế tâm tại một chỗ thì không việc gì mà không xong, hết thảy mọi sự việc đều tương ưng, thì bạn có thể đạt được thành tích mà bạn có thể đạt đến. Ðừng có tư tưởng không bỏ công sức mà được thu hoạch:"Mới ngồi xuống, liền nghĩ có cảm ứng". Không nên cầu cảm ứng, tham hiệu nghiệm. Nếu tham hiệu nghiệm, rất dễ bị tẩu hỏa nhập ma. Ma biết được bạn tham tiện nghi, liền khiến cửa tham dục của bạn mở ra, chúng liền xâm nhập. Nếu bạn không có tâm tham muốn nhanh, tâm tham tiện nghi, thì ma cũng không có cách chi làm hại bạn được. Ðiểm này các bạn phải hết sức chú ý, mới đả tọa tham thiền, không nên xem thường.
Tại sao tôi đem ví dụ học hành ra nói? Vì học với tham thiền cũng giống nhau, chẳng khác. Bất cứ làm việc gì, chỉ lo hướng tới trước mà làm, đừng có tâm tham thu hoạch xí đồ. Nếu tâm tham thu hoạch xí đồ của bạn tồn tại, thì mục tiêu của bạn cách ly càng ngày càng xa.
Lại có một ví dụ nữa dễ hiểu. Như mọi người hiểu biết việc ăn cơm. Bụng của bạn đói thì chỉ cần ăn cơm là no, nếu chỉ nghĩ tưởng bụng đói mà không ăn, thì cuối cùng không thể no được. Người mặc quần áo không đủ ấm, cảm thấy lạnh thì bạn mặc thêm đồ là đủ, nếu chỉ nghĩ lạnh mà không mặc thêm đồ thì sẽ bị lạnh. Ngồi thiền cũng như thế, chỉ cần ngồi là đủ rồi, không cần nghĩ tưởng bạn khai ngộ như thế nào? Làm sao khai đại trí huệ, làm sao liễu sinh thoát tử. Chỉ cần chuyên tham thiền là đủ rồi, cho nên:"Ðạo là do thực hành, không hành đạo do đâu mà có ; đức thì phải làm, không làm sao lại có đức?", tất phải thực hành mới tương ưng được.
----o0o---
Nguồn: Chùa Kim Quang
Trình bày: Nhị Tường