NHÂN SINH YẾU NGHĨA
HT Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch Việt
Giảng ngày 07/03/1987
Tọa thiền là một pháp môn người mới tu hành phải đi qua con đường này. Thiền là gì? "Thiền" không phải là tiếng Tàu, mà là tiếng Phạn gọi là "Dhyana". Dịch nghĩa là "Tư duy tu", cũng gọi là "Tĩnh lự". Vì người Trung Hoa thích gọi tắt, chỉ gọi "Thiền". Ngoài ra còn có những danh từ "Tọa thiền", hoặc "Ðả tọa" (ngồi thiền). Cứ theo tên mà suy ra nghĩa. "Ðả tọa" là phải ngồi. Tại sao phải ngồi? Vì nhiếp tâm. Phần đông tuy nhiên ngồi chỗ đó, nhưng tâm không ở đó, tâm chạy đi đâu? Ði khởi vọng tưởng. Lúc đông, lúc tây, lúc nam, lúc bắc, không cần tiền mua vé mà đi hỏa tiễn chơi các nơi. Vọng tưởng phân tán, không dễ gì mà khống chế được. Tại sao người không có trí huệ? Vì tâm chạy khắp nơi. Tại sao người càng ngày càng già? Vì tâm chạy lăng săng các nơi. Ví như chiếc xe mới, bạn chạy quá nhanh thì nhất định uống dầu nhiều, mà còn lãng phí rất nhiều dầu. Kết quả thân xe và máy đều sinh ra rất nhiều thứ bệnh, làm cho xe hư. Thân thể của con người cũng giống như thế. Nếu bạn không biết giữ gìn nó, để nó (tâm) tự ý chạy khắp nơi, nhất định cũng lãng phí rất nhiều dầu, dầu là gì? tức là tinh thần quý báu của bạn, không cần biết bạn thêm bao nhiêu dầu, cũng đều hao phí. Giống như người hằng ngày ăn đồ bổ dưỡng, nói có dinh dưỡng bổ giúp thân thể, nhưng nếu bạn không biết trân tiết tinh thần của mình, theo đuổi bên ngoài, thì ăn bao nhiêu đồ bổ cũng bổ không đặng tinh thần đã mất đi. Cho nên ngạn ngữ nói:
"Chế tâm một chỗ,
Không việc gì mà chẳng xong".
Cho nên phải thu nhiếp tâm lại, khiến định một chỗ, mới không lãng phí tinh thần, thấu triệt tinh thần. Ðây cũng ví như bạn biết lái xe, giữ gìn cẩn thận, tức không thể xảy ra tai nạn thì xe dùng được lâu. Cũng vậy thân thể con người nếu biết tu dưỡng, thì thân không thể già, lại không thể chết.
Có người nói:"Nói lời như thế, tôi không tin, mọi người đều chết, cho đến Phật Thích Ca cũng phải nhập Niết Bàn, sao lại nói không chết?" Phải biết Phật nhập Niết Bàn, không giống như người thế gian chết, mà là nhập vào cảnh không sinh không diệt, viên mãn tịch diệt. Phật đã khai mở đại trí huệ, giải thoát sinh tử, đến đi tự tại, Phật không giống như đa số nhiều người vì bệnh mà chết, mà là "Những gì cần làm đã xong, những chúng sinh có duyên đã độ hết", mới thị hiện nhập Niết Bàn. Lúc Phật nhập diệt thì chiêu tập Bồ Tát trong mười phương, Thánh hiền Tăng, La Hán, Tỳ Kheo, hết thảy trời, người và chúng sinh đồng đến pháp hội gặp mặt lần cuối cùng, đủ thấy Phật đi rất rõ ràng, sáng suốt, mọi người muốn biết tường tận thì tham khảo Kinh Niết Bàn.
Ngồi thiền tức là nhiếp tâm, tức cũng nhiếp thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh, nghĩa là thân không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Miệng không nói dối, nói lời thêu dệt, hai lưỡi, chưởi mắng. Tâm không phạm tham sân si. Ý niệm không theo đuổi bên ngoài, tức thân tâm bình an. Như vậy thì ngồi thiền sẽ có cơ hội khai ngộ. Ngồi thiền tức là điều thân, điều tâm, khiến cho thân của bạn không đau bệnh, miệng không nói lời ác, ý không tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối. Ba nghiệp thanh tịnh thì trí huệ sẽ hiện tiền. Ngồi thiền tức là trở về nguồn gốc, tìm tự tính trí huệ vốn có, phóng đại quang minh.
Mọi người đến học Phật pháp phải đem chân tâm ra mới có cảm ứng, nếu như bạn xem ăn cơm quan trọng hơn học Phật pháp, kiếm tiền quan trọng hơn học Phật pháp, thì vĩnh viễn không thể học được Phật pháp, phải xem Phật pháp quan trọng hơn bất cứ việc gì, đây là thái độ Phật giáo đồ phải có.
Giảng ngày 08/03/1987
Chúng ta ngồi thiền phải hiểu tại sao phải ngồi thiền? Thiền, cứu kính là gì? Thiền là "tư duy tu", "tĩnh lự". Vì bình thường chúng ta không nghĩ tu hành, bị sáu căn, sáu trần, sáu thức mê hoặc, do đó mà quên tu. Hiện nay ngồi thiền là muốn quay trở lại lại bên trong, không tìm kiếm bên ngoài, phải thu thập sạch sẽ bên trong, tức là thu thập cuồng tâm dã tính, tạp niệm tư dục, đây là những thứ chướng ngại sự tu hành của chúng ta. Giả như có người cuồng vọng tự đại, vô duyên với người khác, hoặc chỉ nghĩ phát tài, nghĩ hưởng thụ, ích kỷ lợi mình, nói láo, hướng ngoại truy cầu, tham lam, tranh giành .v.v., đó đều là cuồng tâm.
Nếu ngồi một phen, quay trở lại lại bên trong, chiếu thấu thất tình, lục dục, sáu căn và sáu trần, thì tại chỗ này phải suy nghĩ, tôi hằng ngày hướng ngoại truy cầu chăng? Hay là cầu tại nơi mình? Phải soi gương tự tính, tức là đại viên cảnh trí. Ðại viên cảnh trí này vốn thông thiên triệt địa, nhưng tạm thời bị cảnh căn trần che lấp. Cho nên Thần Tú Ðại Sư mới nói:
"Thân như cây bồ đề,
Tâm như đài sáng chói,
Thời thời thường lau chùi,
Ðừng để dính bụi bặm".
Cây bồ đề tức dụ cho giác ngộ. Ðài sáng chói là chỉ đại viên cảnh trí, phải luôn luôn thu thập sạch sẽ, đừng để dính bụi bặm. Ðại viên cảnh trí vốn không có chỗ nào mà chẳng biết, không có chỗ nào mà chẳng giác, không có chỗ nào mà chẳng thấy, hiện nay bị sáu căn, sáu trần và giữa căn trần sinh ra sáu thức cám dỗ. Cho nên phan duyên theo đuổi bên ngoài, không biết hồi quang phản chiếu. Tư duy tu tức là quay trở lại lại bên trong, cầu nơi chính mình, không phải mỗi ngày mong thăng quan phát tài, công danh lợi lộc .v.v. Có người hỏi:"Như vậy làm người có ý nghĩa gì?" Bạn nghĩ bạn làm người rất có ý nghĩa chăng? Việc của bạn làm, thật có giá trị chăng? Thật có giúp đỡ gì đối với trí tuệ của bạn chăng? Cũng chẳng thấy được.
Nếu có thể thu thập đại viên cảnh trí, tức chiếu thiên chiếu địa, ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, lại cũng không ngu si phiền não, như vậy không tốt chăng! Lúc sống như nhốt mình trong địa ngục như thế có tốt chăng? Tu hành là vì đoạn phiền não. Hiện tại phiền não của bạn đầy dẫy, mỗi ngày xem nó như thức ăn, nếu một ngày không ăn phiền não thì cảm thấy không thể sống được, đời sống như vậy có giá trị gì?
Do đó! Tham thiền thì phải chế tâm một chỗ, lại không ưu sầu phiền não, thì dù cho động đất, đạn nguyên tử bùng nổ cũng tùy chúng mà mọi sự đều chuyển thành tốt, không cần phải lo. Ðây không phải là không lo việc đời? Bạn thật có thể lo được chăng? Không cần nói bạn là người dân bình thường, mà các nguyên thủ các nước, có thể lo được chăng? Có thể khiến cho mọi người không phiền não chăng? Lãnh tụ của liên hiệp quốc, có thể quản lý tâm của mọi người được chăng? Không cần nói họ không quản lý được tâm người khác, mà tâm của chính họ, họ quản lý cũng không được. Nếu bạn thật không có phiền não, thì có thể khiến cho người đời bình an, mới xứng đáng làm lãnh tụ của thế giới. Tức nhiên trước mắt bạn làm không được, thì phải từ thân của mình mà giữ, khiến cho mình đừng tranh, đừng tham, đừng cầu cạnh, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng nói dối. Như vậy tức không thể chế tạo thêm nhiều độc khí, lại làm ô nhiễm hoàn cảnh, ngược lại có thể bị chánh khí trời đất không đủ tiêu diệt độc khí trên thế giới ư vô hình.
Ngồi thiền là vì trừ tật bệnh, khử tham sân, nhưng bạn lại muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở sang lại còn muốn thành Phật, nói thẳng ra đó là phát cuồng! Có người nói:"Hòa Thượng khi thuyết pháp thì chưởi người!" Tôi không phải chưởi người, mà là chưởi quỷ, vì trong bụng của bạn có quỷ, mới khiến cho thân bạn không an vui. Quỷ không vui vẻ thì kêu bạn đừng ngồi thiền! Tóm lại, chúng ta có thể mượn cơ hội tốt này, từ từ thu thập lại đại viên cảnh trí. Bạn nói:"Tôi không thể thu thập". Bạn không thể thì phải học nhẫn nại một chút, chống cự một chút khi bị chưởi, từ từ sẽ học thu thập như thế nào.
Khi vị duy na đánh khánh khai tĩnh rồi, thì mọi người có thể từ từ duỗi chân ra, hoạt động cho máu huyết lưu thông, phải từ từ, đừng làm ồn ào. Tuy nhiên đây là việc nhỏ, nhưng phải dè dặt mới có thể học điều thân và điều tâm. Chân chánh ở trong thiền đường, bất cứ ngồi bao nhiêu người, cũng không thể có sự rầm rì, mọi người đều phải chuyên tâm chiếu cứ thoại đầu, từ từ dụng công.
Dự án xây thiền đường thập phương
Hiện nay còn một chút tin tức muốn nói với các vị. Hơn mười năm về trước, lúc tôi tại tiểu bang Oregon, mua một miếng đất, gọi là "Phật Căn Ðịa". Hiện nay dự bị xây thiền đường tại đó. Thiền đường xây xong, sẽ nhận 100 vị thiền sinh, 25 vị Tỳ Kheo, 25 vị Tỳ Kheo ni, 25 vị cư sĩ nam, 25 vị cư sĩ nữ, cùng nhau tham gia đả thất. Ðả thất thì có ngồi hương, chạy hương. Hiện nay bổn hội càng ngày càng tăng, có rất nhiều người chân chánh phát tâm tu hành.
Do đó, mùa đông năm thứ nhất dự bị mở khóa thiền 49 ngày. Từ trước tại Phật Giáo Giảng Ðường (1972), có mở khóa thiền 98 ngày. Nhưng trước hết phải nói rõ quy cụ cho mọi người biết. Mỗi ngày sáng sớm hai giờ rưỡi bắt đầu, ngồi đến mười hai giờ khuya, tức chỉ có hai tiếng rưỡi ngủ nghỉ. Buổi chiều từ bốn giờ đến năm giờ nghỉ một tiếng. Tổng cộng có 3 tiếng rưỡi được ngủ nghỉ. Muốn tham gia trước phải ghi danh, nếu muốn tham gia một thất (bảy ngày), thì trong thời gian bảy ngày, không rời khỏi thiền đường. Phải cố gắng dụng công. Nếu muốn tham gia hai thất, ba thất, bốn thất cho đến bảy thất đều được, duy nhất một điều kiện là phải giữ quy cụ của thiền đường, không được lơ là. Tại đây không thu tiền, nhưng muốn bạn phải giữ quy cụ, mục đích bổn hội là thành tựu người tu đạo. Giả sử bạn không giữ quy cụ thì dù bạn cho tôi một trăm vạn, tôi cũng không hoan nghênh bạn đến đả thiền thất. Nếu bạn dụng công, thì sẽ chấp nhận ăn ngủ lưu lại ở Chùa. Ở đây không giới hạn người ở trong Vạn Phật Thành, cho đến bất cứ người nào trên thế giới chân chánh muốn dụng công, tôi cũng không thu tiền của họ. Mảnh đất này là muốn liễu sinh thoát tử, là nơi tinh tấn tu đạo.
Tôi đến Mỹ đã hơn hai mươi năm, các vị có thể chú ý những việc tôi làm, có bao giờ tôi hướng quý vị, hoặc bất cứ người nào muốn qua tiền chăng? Làm khó chăng? Dùng thủ đoạn gạt các vị chăng? Nếu có, thì bạn có thể ra ngoài tuyên truyền, nếu không có, tức bạn phải hiểu tôi là người như thế nào? Tôi là một người ngu si, không biết giá trị của đồng tiền, chính vì thế cho nên đắc tội không biết bao nhiêu người giàu có, nói tôi người xuất gia thấy người không hỏi thăm, nhưng đây là bẩm tính từ khi tôi sinh ra, bất cứ thế nào cũng không thể cúi đầu đối với những người giàu có.
Năm 1979, Vạn Phật Thánh Thành khai quang, từ Mã Lai đến năm sáu trăm tín đồ, lại thêm Hương Cảng, Ðài Loan, Ðông Nam Á và Mỹ, cộng hết thảy những người tham gia có hơn hai ngàn người. Ngày đó tôi thượng đài nói với đại chúng, câu đầu tiên là:"Những người có tiền xin chú ý! Nay nói thật với các vị, tôi là một Hòa Thượng nghèo, thật "xin lỗi" những người có tiền, tại sao? Vì người có bao nhiêu tiền thì có bao nhiêu tội nghiệp. Tiền của bạn nếu chân chánh làm ra thì, không thể phát nhanh như thế. Nếu là bạo phát, không phải đánh bạc, mua rẻ bán đắt, trốn sâu lậu thuế thì, cũng dùng những mưu mô thủ đoạn. Tiền đó tức nhiên đến không hợp pháp, có gì mà bạn kiêu ngạo? Ðó đều là mánh khóe cả".
Tại sao tôi nghèo? Vì tôi không hiểu những thứ đó (tiền bạc). Có người nói:"Hòa Thượng, Ngài không nói lời thành thật, hiện tại Ngài có Chùa Kim Sơn, Vạn Phật Thành, Chùa Kim Luân, Chùa Kim Phong, Chùa Kim Phật, Chùa Tuyết Sơn, nhiều đạo tràng, sao Ngài nói Ngài nghèo?" Những đạo tràng đó không phải của tôi, là của mọi người, ai đến thì người đó có phần, bạn có tâm thành đến đạo tràng học Phật pháp thì bạn như người nhà không khác, chỉ cần bạn giữ quy cụ của đạo tràng, không uống rượu, không ăn thịt, không hút thuốc, không đánh bạc, giới nam nữ phân chia rõ ràng, tức mọi người như đồng một nhà. Có người nói:"Không phải! Ngài là người xuất gia, chúng tôi là người tại gia, sao lại nói một nhà?" Bạn bây giờ tuy chưa xuất gia, nhưng tương lai bạn có thể xuất gia chăng? Bạn nói:"Tôi vĩnh viễn không xuất gia!" Vậy thì không có vấn đề gì, không xuất gia, làm một vị hộ pháp tốt, cũng tốt vậy.
Kiên Nhẫn Hằng Tâm Lại Tham Thiền
"Tổn pháp tài, diệt công đức,
Mạc bất do tư tâm ý thức,
Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm,
Ðốn ngộ vô sinh tri kiến lực".
Người tu hành vì sao không thành tựu? Ngồi cũng không tương ưng, tu pháp gì cũng không tương ưng. Tại sao chúng ta muốn làm công đức, công đức lại không có? Vì tâm ý thức của chúng ta tác quái. "Tâm" thì khởi vọng tưởng, "ý" thì so đo tính toán, "Thức" thì khởi phân biệt. Vì "niệm" không có chuyên nhất, cho nên không có tĩnh lự.
Tọa thiền gọi là "tĩnh lự". Tĩnh lự thì phải dẹp hết các vọng tưởng. Nhưng vọng tưởng chúng ta không phải dễ mà dẹp hết được, nghiệp phong vô hình khi khởi thì nổi sóng bà đào, như sóng trong biển không khác, hết cái này rồi cái khác. Bạn nói vọng tưởng có hình tướng chăng? Vọng tưởng không có hình tướng. Bạn cảm giác có vọng tưởng, nhưng truy cứu tỉ mỉ, thì nó không có gốc rễ. Chúng ta bình thì vọng tưởng rối rít như sóng trong biển, liên tiếp không ngừng, có lúc thì nhiều một chút, có lúc ít một chút, bất quá chúng ta không phân biệt được, vì sự sinh sống cho nên không biết có vọng tưởng. Lúc bạn tĩnh tọa đôi chút thì sẽ biết trong tâm có rất nhiều vọng tưởng. Trong tâm nghĩ bất quá nhiều việc xảy đến, như sóng trong biển đếm không xuể.
"Tổn pháp tài, diệt công đức", "Ðều do tâm ý thức ấy". Tâm niệm của chúng ta không chuyên nhất, tâm phân biệt quá nhiều, trong tám thức luôn luôn phân biệt phải quấy, dấy lên lặng xuống không cố định, tâm phân biệt của con người không có số lượng, trong tâm khởi vọng tưởng cũng không có số lượng, vì tâm, ý thức bận rộn khởi vọng tưởng. Do đó làm một chút công đức pháp tài cũng bị tổn, công đức cũng thiệt thòi.
"Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm". Thiền môn tức là pháp môn thiền tông, không dùng tâm ý thức để làm công đức, chỉ mong sao tâm được chuyên nhất, tâm được thanh tịnh, khiến cho tâm sạch sẽ, một bụi trần cũng không nhiễm. Cho nên trong thiền tông tham thoại đầu có tham câu:"Bản lai diện mục của mình trước khi cha mẹ sinh ra như thế nào?" Thực ra niệm câu thoại đầu này cũng là vọng tưởng. Vì sao lại muốn tìm? Nếu trong tâm chúng ta không có một ý niệm thì cũng giống như không có vòng "cẩn cô" trên đầu Tôn Ngộ Không. Vì Tôn Ngộ Không chuyên chạy nhảy khắp nơi. Tôn Ngộ Không là một con khỉ, tâm của bạn cũng thế, nhảy nhót lung tung. Thiền tông cũng tham câu:"Niệm Phật là ai?", tìm ai đang niệm "Nam mô A Di Ðà Phật". Có người nói:"Tôi đang niệm". Bạn đang niệm? Bạn đã thấy qua người niệm Phật chăng? Bạn có nhận thức được mình chăng? Thân của bạn chỉ là bốn đại hòa hợp mà thành. Ðem đất, nước, gió, lửa phân tích ra thì ai là bạn? Bạn lại như thế nào? Cho nên tham câu "Niệm Phật là ai?" cũng giống như khoan lỗ, khoan chừng nào xuyên qua thì thôi. Tham "Niệm Phật là ai?" là một pháp môn, tham đến "Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ", lúc đó "Rõ ràng hoa liễu lại một thôn". Có thể cải câu nói lại rằng "Thiền môn không bị tâm, ý, thức chi phối".
"Ðốn ngộ vô sinh tri kiến lực". Lúc đó bạn mới có thể hiểu giác ngộ trí huệ và kiến giải vô sinh. Nếu bạn không hiểu đạo lý này, ngồi thiền cứ khởi vọng tưởng thì không thể khai ngộ. Muốn khai ngộ thì phải chuyên nhất, ngưng hết vọng tưởng trong tâm, thì chân tâm mới hiển lộ, mới có thể đắc được chân chánh trí huệ. Khai ngộ là hiểu biết, không giống như lúc trước hồ đồ. Cho nên chúng ta tham thiền không nên sợ lưng ê, chân đau, phải đem chí nguyện sắt đá ra, phải dùng kiên nhẫn và tâm thường hằng để tham thiền, phải thường hằng không đổi, kiên cố bất khuất, thời thời khắc khắc đều nỗ lực dụng công. Ðại đức cao Tăng xưa kia một khi ngồi mấy chục năm, có thể thấy rằng tu hành không giản đơn dễ dàng, hôm nay như thế này, mai như thế nọ, ngồi một ngày mà có thể khai ngộ. Cho nên mọi người phải đem tâm nhẫn nại ra, tham gia thiền thất.
Phải chuyên nhất như thế nào? Ví như bạn gái tìm bạn trai, hoặc bạn trai tìm bạn gái, phải chuyên tâm nhất chí. Nếu có thể dùng tâm thành, tâm kiên cố, từ từ tham thiền, thì không có lý nào mà không thành công.
Giảng ngày 28/03/1987
Ngồi thiền là điều thân điều tâm. Ðiều thân thì không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Ðiều tâm thì tiêu diệt tham sân si. Nếu thân phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm, thì chắc chắn thọ quả báo. Nếu tâm có tham sân si, thì phải đọa địa ngục. Nếu muốn tiêu diệt tham sân si, thì đừng phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm ; thì cũng không đọa địa ngục. Do đó trước hết phải điều tâm cho tốt, phải hàng phục tâm. Kinh Kim Cang có nói: "Không có chỗ trụ mà sinh tâm này". Không chỗ trụ tức là không trụ nơi tham, sân, si. Nếu chấp trước tham sân si, thì không thể tương ưng với đạo.
Tại sao chúng ta sát sinh? Ðều vì có tâm tham, vì tham khẩu vị, hoặc lợi ích việc khác mới sát sinh. Tại sao thế giới có chiến tranh? Ðều vì tâm tham tác quái, hoặc tham tài, sắc, danh, quyền lợi, muốn chiếm tài sản người khác làm sở hữu của riêng mình, cho nên mới phạm sát sinh. Sát sinh bao gồm nhân sát, duyên sát, pháp sát và nghiệp sát. Con người tại sao lại ăn cắp? Vì có tâm sân, do có tâm sân, không vui vẻ, cho nên muốn cướp đoạt tài vật của người khác, không nhọc mà có, mới đi ăn cắp. Bạn nghĩ muốn chiếm tiện nghi của người khác cũng phạm ăn cắp. Trộm cắp cũng bao quát nhân trộm, duyên trộm, pháp trộm, nghiệp trộm trong đó. Người tại sao dâm loạn? Vì tâm ngu si tác quái. Ngu si tức là hồ đồ, cho rằng dâm loạn là tốt, thật ra tán mất đi tinh thần của mình, mất đi tự tính vô giá quý báu.
Nếu điều thân được thì không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Muốn không phạm ba nghiệp thì trước phải tiêu diệt tham sân si. Vọng tưởng trong tâm chúng ta như sóng trong biển cả, sóng trước kéo sóng sau. Cũng như vọng tưởng này đi, thì vọng tưởng khác đến. Nói chung tâm không thành thật, không nghe lời.
Hàng phục tâm thì tâm phải thành thật, như sự láu lỉnh của trẻ con, biết nghe lời. Chúng ta ngồi thiền điều phục thân tâm, thì thân tâm không thể có bệnh. Vì sao con người có bệnh? Vì thân tạo đủ thứ lỗi lầm, cho nên thân có bệnh. Nói rộng ra là do tâm con người bệnh trước, tâm phạm tham, sân, si, mới ảnh hưởng đến thân rồi sinh đủ thứ bệnh. Như chứng bệnh nhọt hiện nay, vì ăn thịt quá nhiều, mà trong thịt có rất nhiều độc tố. Hiện nay trong nước và trong không khí đầy dẫy chất độc tố hóa học. Chúng ta nhờ nương không khí và nước mà sinh tồn, trong vô hình hấp thụ rất nhiều loại chất ô nhiễm. Nước vốn đã có độc, dùng nước để làm và tạo thành các thứ thực vật, song, ăn vào cũng có độc. Nếu còn ăn thịt nữa tức là tăng thêm độc tố. Vì ngựa, bò, dê, heo, gà, chó .v.v., mỗi loài bên trong cơ thể đều có lực lượng đề kháng, dùng để chống với độc tố từ bên ngoài, mà sức lực đề kháng này ở trong cơ thể động vật thường tác chiến tranh, hình thành lực lượng rất lớn. Chúng ta ăn thịt thì ăn vào những thứ độc tố đó, khiến cho chúng phát huy đủ thứ biến hóa trong cơ thể con người, liền hình thành chứng bệnh nhọt.
Hơn nữa hiện nay tính dục của con người không cấm đoán, dâm loạn bừa bãi, và đồng tính luyến ái, tích lũy trên thân thể đủ thứ độc tố cho nên "Ái tử bệnh" (AIDS), lưu hành khắp nơi. Thân thể chúng ta là một bộ máy hóa học nhỏ. Thế giới là một bộ máy hóa học vĩ đại. Nếu bạn phóng chất gì đi, liền hóa nghiệm ra sản phẩm chất đó. Hiện nay những thứ vứt bỏ đi đều là chất độc, cho nên hóa nghiệm ra một sức mạnh rất lớn còn lợi hại hơn nhiều so với tạc đạn hạt nhân.
Hiện nay tin tức trên báo chí đăng đầy dẫy về"Ái tử bệnh" (AIDS), nhưng đã quá trễ. Làm thế nào để hàng phục thứ ác bệnh này? Tức nhiên phải điều trị thân tâm. Thân tâm điều phục được thì thứ ác bệnh này cũng không có cách chi xâm nhập được. Người tham thiền, không cần phải sợ thứ bệnh này. Bạn hiểu đạo lý tham thiền thì từ từ dụng công, hy vọng có thể tiêu trừ hết thảy các tật bệnh trên thế giới. Do đó khóa thiền thất không phải là nhân duyên nhỏ, mà là nhân duyên lớn.
----o0o---
Nguồn: Chùa Kim Quang
Trình bày: Nhị Tường