NHÂN SINH YẾU NGHĨA
HT Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch Việt
Sinh mạng không phải là tiền, mà là bảo vật vô giá, không thể dùng vàng bạc để mua bán. Nhưng phần đông đem sinh mạng vô giá của mình bán một cách đê tiện, vì tiền mà cam nguyện hy sinh tính mạng. Trong xã hội "Tam giáo cửu lưu, ngũ hoa bát môn", không có gì mà chẳng phải vì tiền, mà đành bán sinh mạng. Khổng Tử có nói rằng: "Thiên mạng gọi là tính, xuất tính gọi là đạo ; tu đạo gọi là giáo, là đạo vậy. Không thể rời một khắc, nếu rời, chẳng phải là đạo vậy". Xét theo thời thế có thể cải lại: "Thiên mạng gọi là tiền, xuất tính, tu đạo gọi là tiền, tiền vậy, không thể rời một khắc".
Hiện nay học sinh và thầy giáo đều vì tiền, thầy giáo nếu cảm thấy lương không đủ, liền bỏ lớp không dạy, khiến học sinh hấp thụ những thứ tư tưởng đó mà thọ nhiễm độc, cho đến xã hội cũng thọ nhiễm độc, cho đến xã hội cũng rối loạn bại hoại, xã hội tồi tệ thì giáo sư thầy giáo đều chịu trách nhiệm. Hiện nay có rất nhiều trường học phóng túng, hư hỏng ; cổ động học sinh hút sách và các thứ hành vi phi pháp khác. Thời đại chúng ta có thể so với thời đại "Xuân thu chiến quốc" thì tồi tệ hơn nhiều, càng ngày càng đi xuống, tâm người không như xưa, nhưng các thầy giáo đó lại cánh nhiên công khai phê bình nói: "Thánh nhân này không đúng, anh hùng nọ không tốt, vị tể tướng kia cũng không đúng". Nói tóm lại, họ cho rằng người khác đều không đúng, còn mình thì đúng. Tại sao lại như thế? Nói thẳng còn không phải vì tiền thì là gì? Giả như nếu chỉ có y đúng, thì số tiền đó quy về y.
Người đời đều mê tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn và ngủ. Thứ nhất là tham tài như mạng sống vừa mới nói qua. Thứ hai là háo sắc. Trong nhiều gia đình làm chồng có không ít bạn gái ; làm vợ cũng kết giao với rất nhiều bạn trai ; kết quả đưa đến sự ly dị, bỏ con lại đều biến thành con mồ côi. Con cái nầy thấy cha mẹ không tốt như vậy liền học như thế, sau nầy hậu quả không thể tưởng được. Thứ ba là háo danh. Phần đông cảm thấy mình danh vọng chưa đủ, cố ý đi vọng cầu làm cho danh tiếng lừng lẫy. Nhưng khi chữ danh đã nổi rồi, một khi hạ xuống thì mạng cũng chấm dứt. Ðem Mao Trạch Ðông ra mà nói. Có thể nói y nổi danh một thời, đầy đủ uy quyền, toàn nhân dân Trung Quốc đều phải chấn động về quyển sách Tiểu Hồng Sắc của y. Kế tiếp nói đến ăn, rất nhiều người phí hết công phu, chuyên hưởng thụ sơn hào hải vị hoặc đồ bổ nhiều dinh dưỡng. Có nhiều người không tham tài, sắc, danh, ăn, nhưng thích ngủ, thường cảm thấy ngủ không đủ. Do đó năm dục làm cho con người hồ đồ.
Giảng tại Linh Sơn Thánh tự ngày 14/02/1987
(Tiếng Trung Hoa, ngồi thiền còn gọi là đả tọa).
"Ðả", nghĩa là đánh, "Tọa", nghĩa là ngồi. Vậy "đả tọa" nghĩa là ngồi đánh. Vậy thì ai đánh ai? Tức là mình đánh mình. Ðánh như thế nào? Chúng ta ngồi thiền không ngay thẳng hoặc nghiêng bên đông, nghiêng bên tây, ưỡn về phía trước, ngã về sau, ngồi không vững. Nhưng lúc này phải cố gắng làm chủ được thân mình, nghĩa là phải kêu nó ngồi cho vững, nó không muốn ngồi vững, bạn cũng phải quản nó, cũng giống như đánh nó ; tức là khiến cho tâm không chạy rong bên ngoài. Khi tâm chạy đi, bạn phải thu nói lại, đây cũng giống như bị người đánh, thật là khổ sở vô cùng. Do đó ngồi thiền trước tiên phải nếm cái khổ, khổ này không phải to tát gì mà chịu không được, thực ra thì lưng ê và chân đau. Do đó "Ðả tọa" căn cứ theo tên mà suy ra nghĩa của nó chẳng tốt lành gì. Nhưng nếu bạn không ngồi thiền thì, vĩnh viễn không bao giờ khai ngộ. Cho nên:
"Không chịu một phen lạnh thấu xương,
Sao đặng hoa mai thơm ngát mũi".
Trên đất Mỹ, ai ai cũng đều nói tự do, trẻ em mặc kệ, không có người quản lý. Nhưng đây là hiểu lầm chữ tự do. Nếu bạn không chăm sóc dạy dỗ trẻ em, thì chúng nó không giữ quy cụ. Song, trong đó có đứa phát triển tốt, nhưng cũng có lắm không tốt. Cho đến hút sách, giết người, phóng hỏa, không có chuyện gì mà chúng làm không được. Ðây đều do hiểu lầm hai chữ tự do. Cha mẹ sinh con mà không dạy, giống như cây con, nếu không chăm sóc, thì cây đó chỉ dùng làm củi đót, không dùng được vào việc gì. Nếu như cắt tỉa cành lá, chăm sóc chu đáo, thì cây đó tương lai thành hữu dụng, có thể dùng làm lầu cao nhà lớn, cho nên việc trẻ em phải chăm sóc dạy dỗ, phải hướng dẫn chúng đi trên con đường chánh, bằng không thì bậc cha mẹ, hoàn toàn chịu trách nhiệm. Quản lý trẻ con thì như thế. Thân chúng ta cũng có trẻ con, tức là "tâm", rất ấu trĩ như trẻ con, tâm này lúc thì trên trời, lúc dưới đất, lúc nghĩ tốt, lúc nghĩ xấu. Tham thiền thì phải từ chỗ này mà hạ thủ, không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì tâm ngu si vọng tưởng, cuồng tâm dã tính thu hồi lại. Làm thế nào để thu hồi lại?
1. Không tranh. Tâm tranh tuy nhiên mỗi người đều có, không thể tránh khỏi, nhưng phải làm cho giảm bớt.
2. Không tham. Không nên tham tài, sắc, vì chúng làm mê mà không ngộ.
3. Không cầu. Ðừng hướng ngoại truy cầu.
4. Không ích kỷ. Ích kỷ là nguyên nhân của mọi phiền não. Nếu mọi người không ích kỷ, thì thiên hạ thái bình, tiêu trừ tai nạn, chiến tranh. Người tu đạo không nên tồn tại tâm ích kỷ, tuy nhiên không thể lập tức hoàn toàn không còn, nhưng cố gắng trừ khử.
5. Không tự lợi. Ngồi thiền không phải là tự lợi chăng? Có thể nói là tự lợi, nhưng cũng là lợi tha. Chúng ta làm tốt như vậy thì sẽ ảnh hưởng người khác cũng làm theo. Vì sao thế giới không tốt? Vì tôi chưa tốt. Nếu tôi tốt, thì mọi người cũng tốt. Ðây là những điều kiện bí yếu để ngồi thiền, trước phải nhận thức rõ ràng. Giả sử nói về sự diệu dụng của việc ngồi thiền thì nói cũng không thể hết được. Giả sử muốn nói về sự tai hại của việc ngồi thiền thì nói cũng không hết. Vì đây là pháp tương đối. Sao lại nói có tốt có xấu? Giống như chúng ta ban ngày làm việc thiện, lợi mình lợi người, đêm ngủ thì cái gì cũng không biết. Chỗ tốt của sự ngồi thiền, như người làm việc ban ngày, lợi mình lợi người, nếu ngồi không tốt, thì giống như ngủ ban đêm, gì cũng không làm được.
Nếu như ngồi thiền đạt được chỗ diệu dụng thì khiến thân tâm an lạc, mở đại trí huệ. Chỗ bất lợi như lưng thì ê, chân thì đau. Cho nên có câu:
"Nếu người tĩnh tọa trong khoảnh khắc,
Hơn tạo Hằng sa tháp bảy báu".
Nếu có thể ngồi thiền trong chốc lát, thời gian rất ngắn thì công đức còn hơn bạn tạo tháp bảy báu nhiều như cát sông Hằng. Vì sao? Vì bạn ngồi thiền thì tạo ông Phật thiệt, không phải là vật có hình tướng bên ngoài. Phật thiệt thì không hình tướng tức là pháp thân huệ mạng, có thể trở về cội nguồn, bỏ mê về với giác. Nhận thức rõ bộ mặt thật của chính mình. Nếu bạn hiểu thật thì công đức so với tạo bảo tháp thù thắng hơn nhiều, nếu không hiểu thì có tạo bao nhiêu bảo tháp với tự tính của bạn cũng chẳng quan hệ gì.
Chân thật luyện công phu, không phải là đánh người, vậy thì ai đánh ai, luyện công phu là làm cho thân thể kiện khang, là mình tự đánh mình, không phải kêu bạn đi đánh người. Phải đem thân thể luyện thành như kim cang, đá, thép, không có cách chi phá hoại được. Luyện công phu "trong thì luyện khẩu khí, ngoài thì luyện gân, cốt, da". Luyện công phu và ngồi thiền rất quan hệ với nhau. Nếu thật hay ngồi thiền thì công phu liền có tiến bộ, nếu thật hay luyện võ thuật thì ngồi thiền cũng không sợ đau.
Cơ bản tư thế ngồi thiền, thân thể phải thẳng, đoan nhiên chánh tọa, không nghiêng, không dựa, không ngã, không ưỡn, nhưng không cần tạo tác, phải rất tự nhiên. Ðầu lưỡi uốn lên hàm trên, có nước dãi thì nuốt vào, nước dãi vào đến bụng, có thể điều hòa khí huyết, hôm nay trước hết nói về căn bản ngồi thiền. Từ nay về sau mọi người phải luyện tập, theo thân tự thể hội mới có tiến bộ.
Giảng ngày 15/02/1987
Ngồi thiền trước tiên phải học nhẫn nại, phải giữ gìn quy cụ. Cho nên "Vô quy cụ bất thành phương viên". Nếu không giữ quy cụ thì làm bất cứ việc gì cũng không thành tựu, phải nhẫn chịu đau chân, lưng ê. Trong lúc tâm bạn không bình tĩnh thì cũng phải làm cho vọng tưởng lắng xuống. Tốt nhất là có thể ngồi kiết già, còn gọi là "kim cang tọa". Tư thế ngồi kim cang rất dễ nhập định. Ma quỷ thấy bạn nhập kim cang định này sẽ khởi tâm cung kính, không dám nhiễu loạn.
Khi nghe đánh ba tiếng mõ thì đó là lúc "Chỉ tĩnh". Lúc này không thể nói chuyện hoặc gây ồn ào. Ðừng nói chi đến người, hộ pháp, quỷ thần cũng không dám làm ồn. Lúc này phải tâm bình khí hòa, nếu ngồi được tư thế kiết già thì tốt nhất. Bây giờ xin kể về chuyện Quỷ Bức Thiền Sư.
Quỷ Bức Thiền Sư vốn là một Hòa Thượng chuyên đi tụng đám, tụng Kinh cho người chết. Ngày ngày siêu độ vong linh, vì làm như thế thì kiếm được tiền. Nếu ngồi thiền thì không có người cúng tiền. Một đêm nọ, Ngài vừa độ đám xong, trên đường về đi qua nhà người nọ, bị chó sủa, Ngài nghe người đàn bà trong phòng nói:"Mau ra nhìn xem, phải chăng là kẻ trộm?" Lại nghe tiếng đàn ông trong phòng nói:"Ðó là con quỷ đi tụng đám chứ ai". Ngài nghe rồi suy nghĩ:"Làm gì mà cho tôi một cái tên khó nghe như thế? Tôi vì người chết tụng Kinh, họ kêu tôi là quỷ!" Lúc đó trời đang mưa, Ngài bèn chạy đến dưới cầu núp mưa, thuận tiện cũng tập ngồi thiền, ngồi tư thế kiết già. Lúc đó có hai con quỷ đến, một con nói:"Chỗ này sao lại có tháp bằng vàng?" Con quỷ kia nói:"Trong tháp vàng có Phật xá lợi, chúng ta đảnh lễ mau lên!" Hai con quỷ đảnh lễ không ngừng. Ngài ngồi được một lúc, chân bắt đầu đau, bèn bỏ một chân xuống, ngồi bán già. Một con quỷ nói:"Sao tháp vàng hốt nhiên biến thành tháp bạc?" con quỷ kia nói:"Bất cứ tháp vàng, hay tháp bạc, đều có Phật xá lợi bên trong, chúng ta phải đảnh lễ", lại tiếp tục đảnh lễ.
Vị Hòa thượng đó lại ngồi thêm một lúc thì cảm thấy chân đau, không chịu được nữa, cho nên hai chân duỗi ra, ngồi tùy tiện. Lúc đó hai con quỷ đồng thanh nói:"Sao tháp bạc lại biến thành đống bùn? chúng ta mau đá nó". Hòa thượng nghe được lập tức liền thu chân lại, ngồi kiết già. Hai con quỷ liền kêu lên:"Bây giờ không phải là bùn, mà đã biến thành tháp vàng", hai con quỷ tiếp tục lạy.
Lúc đó trời còn mưa, vị Hòa thượng tự nghĩ:"Ta ngồi kiết già thì là tháp vàng, ngồi bán già thì là tháp bạc, tùy tiện ngồi thì biến thành bùn, quái lạ!" Từ đó về sau, Ngài không đi đám nữa, chỉ chuyên tu hành, không lâu liền khai ngộ, tự hiệu là "Quỷ Bức", nhân vì quỷ bức Ngài tu hành.
Do đó chúng ta ngồi thiền phải có tâm nhẫn nại, đừng sợ khổ. Lúc tâm không bình tĩnh, phiền toái thì cũng làm cho bình tĩnh lại, đừng bị vọng tưởng làm lay chuyển.
Bạn ngồi được kiết già thì đủ thấy bạn có công phu, ngồi không được, tức không có công phu. Công phu thì "Nước trong trăng hiện". Nước không trong thì trăng không thể hiện ; nước lắng trong thì trăng mới hiện. Cũng đồng lý ấy, trong tâm chúng ta lắng trong thì trí huệ quang liền hiện tiền. Tại sao chúng ta ngu si? Vì trí huệ quang chúng ta vốn có không hiện tiền. Chúng ta không biết dùng trí huệ vốn có, suốt ngày chỉ dùng phiền não vô minh, đố kị chướng ngại, cho nên không có trí huệ. Nếu muốn mở trí huệ thì phải tĩnh tọa, hiểu biết bộ mặt thật của ta trước khi cha mẹ sinh ra. Nhận thức được bộ mặt thật liền có trí huệ.
Tại Vạn Phật Thành, mọi người đều ngồi kiết già, trừ khi quá mập. Nhưng rất ít người mập béo. Vì mỗi ngày chỉ ăn một bữa, có mập cũng không thể mập tới mức đó. Tại Vạn Phật Thành có những người có thể ngồi kiết già suốt hai mươi tiếng mà không đổi chân. Có người có thể ngồi một hơi mười tám tiếng, còn như một lần năm, sáu tiếng rất bình thường. Chúng ta đang âm thầm gieo giống.
Hiện tại vì phương tiện kiều bào và người Mỹ, cho nên mới mở khóa thiền. Cơ hội này có bao nhiêu tiền cũng mua không đặng, không giống như hiện nay trước mặt các siêu thị quảng cáo các lớp khí công, lớp phong thủy .v.v., để chiêu học sinh, đều viết rõ học phí bao nhiêu. Tại đây mở khóa "Tọa thiền khí công", không thu học phí, nghe Kinh cũng không cần tiền. Nếu từ sáng đến tối nói về tiền thì có thể gọi là "Khóa tiền". Thứ này đa số thuộc tính chất thế gian, mục đích là làm ăn.
Gia phong của Vạn Phật Thành, không đi độ đám, nếu có người muốn siêu độ cha mẹ, lục thân quyến thuộc. Nếu có hiếu tâm thành kính, thì chùa có thể thế người đó làm công đức, nhưng không nói giá tiền. Vậy thì cứu kính cần bao nhiêu tiền để làm "Một đường pháp sự? (cúng giỗ)".
"Nói với bạn, một đồng cũng không phải ít, một trăm vạn cũng không hiềm nhiều". Tại sao lại nói như thế? Vì phần đông muốn làm công đức, nhưng họ không có tiền, nhưng nếu không làm tức không thỏa mãn tâm nguyện. Ngược lại có những người có tiền, nếu nói với họ giá tiền ít, thì họ cho công đức này không đáng tiền, do đó mà khinh thường. Do đó tùy khả năng phát tâm của các vị, quan trọng nhất là có tâm thành, nếu không thành tâm thì có cúng một trăm vạn cũng không làm. Vạn Phật Thành là chân chánh hành trì Phật pháp, đạo tràng hoằng dương chánh pháp. Tác phong không giống một số người xuất gia khác.
Nói về thiền, người đến trước thì ngồi phía trước, đến sau thì ngồi phía sau, không nên trước trước sau sau, không trật tự. Ngồi thiền thì không nhất định phải dùng bồ đoàn. Phải luyện tập đến giai đoạn tùy thời tùy lúc đều có thể ngồi được, tương lai bạn đi đâu không nhất thiết phải mang theo mình cái bồ đoàn, tùy thời tùy nơi hoặc trên đá, trên cây, trên đất, đều có thể ngồi được. Hiện tại bắt đầu luyện, tương lai nếu ngồi trên đá, khiến đá cũng mềm ; ngồi trên đinh, đinh cũng không thể đóng vào được. Luyện đến "Gân đồng cốt sắt", cái gì cũng không sợ, đó là công phu. Ngồi thiền với luyện võ thuật không khác mấy. Ðại hiệp khách ngày xưa, đều ngồi thiền luyện khí. Cho nên "Trong thì luyện hơi thở, ngoài thì luyện gân cốt da". Luyện đến dao đâm không thủng, không sợ người đánh. Giống như Hải Ðăng Pháp Sư, toàn võ thuật Trung Quốc đều biết danh, tức là đem công phu tham thiền và võ thuật nung tại một lò, luyện đến mức võ thuật tinh thâm, không sợ người đánh, đồ đệ cũng lại như thế.
Giảng ngày 23/02/1987
Phật Thích Ca "niêm hoa thị chúng" trên pháp hội Linh Sơn, truyền pháp môn tâm ấn vi diệu. Tổ Sư Ca Diếp đương thời hiểu ý chỉ của Phật, thỏa thích phá lên cười. Từ đó pháp môn Phật Tổ tâm ấn bắt đầu truyền thừa. Tổ Sư Ca Diếp vốn đã hơn trăm tuổi. Ngài tu hạnh đầu đà, thường tinh tấn dụng công, không tùy tiện cười, lần này cười là vì Ngài biểu thị tâm ấn tâm của Phật.
Phật Thích Ca đem pháp môn này truyền trao cho sơ Tổ Ca Diếp. Ngài Ca Diếp lại truyền cho Ngài A Nan. Ngài A Nan truyền cho Tổ Thương Na Hòa Tu. Tổ Thương Na Hòa Tu lại truyền cho Tổ Ưu Bà Cúc Ða. Các vị Tổ Sư đời đời truyền vớI nhau, truyền đến đời thứ 28, tức Bồ Ðề Ðạt Ma Tổ Sư. Ðạt Ma Tổ Sư thấy đương thời người Ấn Ðộ căn tính chưa thành thục, mà căn tính người Trung Hoa đã chín mùi, có thể tiếp thọ pháp đại thừa, cho nên Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ đi bằng đường biển đến cửa Quảng Châu. Cho nên Quảng Châu có câu:"Tây lai sơ địa" (mảnh đất đầu tiên mà Tổ Sư Ðạt Ma đến). Nhưng lúc đó người Quảng Châu, chưa có thể tiếp thọ pháp đại thừa, không nhận ra Ðạt Ma Tổ Sư, gọi Ngài là "Ma La Xoa". Ðạt Ma Tổ Sư mới lên đường đi Nam Kinh. Ngài vốn muốn độ Ngài Thần Quang trước. Ngài Thần Quang lúc đó đang ngồi giảng Kinh thuyết pháp, biện tài vô ngại, giảng đến nỗi trời rải hoa, đất vọt hoa sen.
- Ðạt Ma Tổ Sư hỏi Ngài:"Tại sao ông giảng Kinh?"
- Ngài Thần Quang đáp:"Tôi dạy người liễu sinh thoát tử".
- Tổ Ðạt Ma lại hỏi:"Kinh toàn giấy trắng mực đen, ông làm sao liễu sinh thoát tử?"
- Thần Quang nghe rồi, nổi giận, cho rằng Tổ Ðạt Ma hủy báng Tam Bảo, liền cởi sâu chuỗi bằng sắt ở cổ ra đánh Tổ Ðạt Ma, làm Ngài rụng hết hai cái răng. Người xưa đa số hiểu biết võ thuật, nhưng người xuất gia không thể mang vũ khí tùy thân, chỉ mang một sâu chuỗi bằng sắt rất nặng, nếu Hòa Thượng nóng giận, tùy lúc có thể cầm đánh người.
Cứ theo truyền thuyết rằng, nếu răng Thánh nhân rơi xuống đất, thì xứ đó sẽ hạn hán ba năm, khiến chết đói nhiều người. Ðạt Ma Tổ Sư tuy nhiên bị đánh rụng hai cái răng, nhưng vì từ bi không muốn chúng sinh thọ khổ, cho nên không để răng rơi xuống đất, mà nuốt vào bụng. Cho nên Trung Quốc có câu tục ngữ:
"Ðánh gẫy răng, nuốt vào bụng" tức bắt nguồn từ đó.
Ðạt Ma Tổ Sư thấy lúc đó không khế cơ với Ngài Thần Quang, liền hướng về núi Nam Tung đi, trên đường đi gặp con chim oanh vũ, chim hỏi Ngài:"Tây lai ý, tây lai ý! Xin Ngài dạy tôi kế xuất lồng". Ðạt Ma Tổ Sư đáp:"Kế xuất lồng, kế xuất lồng, hai chân duỗi thẳng, hai mắt nhắm, đó là kế xuất lồng ".
Chim Oanh vũ nghe rồi liền hiểu, bèn duỗi thẳng hai chân, nhắm hai mắt lại, nằm trong lồng giả chết. Chủ nhân trở lại xem:"Ê! Chim oanh vũ thế nào rồi?", bèn mở lồng ra, cầm chim oanh vũ lên, để trong tay, nhìn qua nhìn lại, chủ nhân nghĩ, chim oanh vũ không cử động gì hết, chắc đã chết rồi, nhưng tại sao thân còn ấm? Trong lúc do dự, bèn xòe bàn tay ra. Chim oanh vũ thấy cơ hội đã đến, lập tức vỗ cánh bay đi, do đó mà thoát được tự do.
Từ câu chuyện đó, quán rộng ra, chúng ta ngày ngày chẳng giống như chim oanh vũ ở trong lồng chăng? Tuy nhiên có người hằng ngày chăn nuôi chúng ta, nhưng sinh tử không được tự do. Sinh ra trong hồ đồ, chết đi cũng hồ đồ, chưa thật biết được bộ mặt thật. Muốn được sinh tử tự do, trước hết lúc còn sống phải giả như người chết, cho nên:"Nếu muốn người không chết, phải hạ thủ công phu", chân chánh tu hành, đến lúc chết cũng biết, mà đi cũng biết, phải biết mình từ đâu sinh ra? Chết sẽ đi về đâu? Tại sao mình không làm chủ được? Nếu nói "Thân thể này của tôi", tại sao không thể khiến nó trẻ mãi? Người từ nhỏ rồi trưởng thành, trưởng thành rồi đến già, già rồi thì chết. Tại sao bạn không thể khiến thân thể không già? Ðến lúc bệnh thì bạn không làm chủ được, đến chết thì buông xuôi tất cả. Do đó phải thấy rõ vấn đề sinh tử. Cho nên có câu:
"Ðến thì u mê, đi thì sầu,
Uổng tại nhân gian đi một vòng,
Chẳng như đừng đến cũng đừng đi,
Cũng không vui vẻ cũng không sầu".
Người sinh ra thì u mê, chết đi cũng u mê. Chết thì ưu bi khổ não, nếu bị cảnh giới chuyển thì làm người thật không có ý nghĩa. Nếu không đến không đi, thì chẳng phải tốt chăng? Như vậy thì không vui không sầu, đắc được tự tại.
Con người không nên bị nhốt ở trong lồng, như chim oanh vũ không thể xuất lồng. Bây giờ bạn nghĩ muốn xuất lồng, phải học vô quái ngại, không sầu, không buồn, không phiền, không não, tức là phải có định lực, cho nên phải ngồi thiền. Mỗi người phải tự mình chấm dứt sinh tử, người khác không thể thay thế làm cho bạn, chỉ có thể chỉ rõ con đường, nhưng phải tự bạn đi, nếu thật muốn xuất lồng, phải tự mình nỗ lực, hạ một phen khổ công phu.
----o0o---
Nguồn: Chùa Kim Quang
Trình bày: Nhị Tường