Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V - KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ THIỀN

24/04/201314:15(Xem: 3517)
Chương V - KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ THIỀN

Chương V

KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ THIỀN

Chúng ta tiếp tục tập thở đan điền và gia tăng khả năng nhận biết cảm giác nơi thành bụng khi thở vào (phồng) và khi thở ra (xẹp). Bên cạnh việc tập thở đan điền khi ngồi yên một chỗ (Thiền tĩnh lặng), chúng ta cũng thực hành tập thở đan điền khi đi bộ để phát triển dần dần khả năng thực hành Thiền hoạt động. Ngoài ra, chúng ta cũng tiếp tục tìm hiểu thêm về ý nghĩa sự thực hành Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động.

Thiền là trở về với sự vắng lặng nơi Tâm, từ sự vắng lặng đó mà niềm hạnh phúc bừng dậy. Trong đạo Phật, chúng ta thường nghe nói đến Niết Bàn hay trạng thái tịch diệt. Tịch là vắng lặng và diệt là sự chấm dứt các khổ đau. Khi các khổ đau không còn có mặt thì niềm hạnh phúc xuất hiện.

1. Bộ Não Phân Chia Ra Những Vùng Khác Biệt

Tiến sĩ tâm lý học Daniel Goleman phát biểu về hạnh phúc theo khoa thần kinh học như sau:

"Tất cả chúng ta đều mong muốn tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta cần giảm đi những khổ đau để đạt được điều đó. Khoa thần kinh học cho chúng ta một giải thích về sinh học như sau: Vùng não bộ phía bên trái thuộc vùng vỏ não trước trán bên trái, có nhiều hoạt động khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, nơi đó chứa đựng nhiều tế bào thần kinh có khả năng làm im lặng các cảm xúc gây xáo trộn, giúp chúng ta phục hồi lại mau chóng từ những xúc cảm khổ đau hoặc là không bị làm mất quân bình."

Bộ não có hai bán cầu mà các nhà thần kinh đã phát hiện chức năng của mỗi bên rất khác biệt. Bên tráiliên hệ đến ngôn ngữ, viết lách, nói chuyện, lý luận, toán, khoa học, những cảm xúc tích cực, tự chủ và tánh tình. Bên phảicó những chức năng như suy nghĩ, sáng tạo, tưởng tượng, thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc, nhận biết khoảng cách. Còn khu vực vỏ não trước trán bên trái liên quan đến những cảm xúc tích cực, sự tự chủ (tự chế hay tự kiểm soát, có nghĩa là có những quyết định đúng và thích hợp) và tánh khí (theo nghĩa tánh khí tốt hay bình thường, và tánh khí không tốt hay bất thường).

Khi dùng máy phân hình hay họa hình (brain scanner)� bộ não của các Thiền sư Tây Tạng lúc đang ngồi Thiền thì máy ghi nhận năng lượng gia tăng đưa đến sự tỏa sáng bền vững nơi hình chụp vùng tánh khí của bộ não. Đây là một hiện tượng tốt vì nó biểu lộ sự hoạt động bình thường tốt đẹp. Vùng này chứa đựng các tế bào thần kinh có khả năng làm im lặng những cảm xúc khổ đau. Đây là một điều vô cùng quan trọng đối với người thực hành Thiền cũng như Khí Công Tâm Pháp.

Như chúng ta đã biết, Khí Công Tâm Pháp là Thiền Hoạt Động phối hợp với Thiền Tĩnh Lặng. Thiền là phương pháp thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở để trở về trạng thái buông xả, tỉnh thức, tự tại, linh động và an lạc. Những điều đó biểu lộ nơi Thân và cũng nơi Tâm. Thiền có thể thực hành theo hai cách: hoặc ngồi yên lặng hoặc khi đang hoạt động. Về Thiền Tĩnh Lặng, chúng ta đã biết cách thở đan điền, cách làm cho Thân, Tâm buông xả bằng sự chú tâm thoải mái vào hơi thở. Nhưng Thiền Hoạt Động lại đòi hỏi sự chú tâm thoải mái, tỉnh thức, trong sáng, bén nhạy, thấy biết rõ ràng, trong khi ta vẫn đang thực hiện một hoạt động nào đó. Muốn thế, ta phải đạt được trạng thái vắng lặng của vùng thùy trán trước, nếu được vậy thì việc làm cho êm dịu những cảm xúc khổ đau sẽ đưa đến sự phát triển những cảm giác an lạc.

2. Thiền Là Một Khoa Học Tâm Linh

Là một khoa học thì nếu ta thực hành những phương pháp rõ ràng (nhân) thì sẽ phải đạt được những kết quả rõ ràng (quả); hơn thế nữa, bất cứ người nào thực hành đúng thì đều có kết quả tốt đẹp như nhau. Tâm linh là những thứ thuộc về đời sống tinh thần, để đối lại với thể chất. Hiện nay khoa học có thể biết khá rõ về khía cạnh thể chất, như nhịp thở, số lượng tiêu thụ không khí, áp xuất huyết, mức độ thư giảm các bắp thịt, các chất thần kinh dẫn truyền (như dopamine, endorphin khi chúng xuất hiện) hay hình chụp năng lượng gia tăng ở những khu vực có chức năng làm gia tăng sức khỏe và niềm an vui. Nhưng về đời sống tinh thần, chỉ có người sống trong trạng thái hạnh phúc tuyệt vời mới thực sự cảm nhận tính cách kỳ diệu thâm sâu của trạng thái này. Do đó, khi nói đến tâm linh thì đó là sự cảm nhận về tánh cách an vui kỳ diệu của mỗi cá nhân.

Đức Phật cũng đã giảng dạy cách thức thực hành khoa học tâm linh này qua sự thấy biết rõ ràng về các cảm giác lạc thọ (vui sướng) hay khổ thọ (khổ đau) để thấu suốt tính chất chân thật của các cảm giác này. Đó là, tuy bề ngoài biểu lộ khác nhau, đưa đến những cảm giác sướng khổ khác nhau, những phản ứng ưa ghét khác nhau, nhưng bản chất của chúng vốn rỗng lặng, như thế đó (hay như thị), cũng còn gọi là tánh không hay trung dạo, thực hành điều đó gọi là 'Tâm vô phân biệt'. Nếu thực hành được điều này thì chúng ta sẽ an vui tự tại trong cuộc đời và vượt thoát những khổ đau do sanh, già, bệnh và chết gây ra.

Như chúng ta đã biết, tiến sĩ Kabat-Zinn, người đã thành lập một� trung tâm làm giảm bớt căng thẳng để chữa trị bệnh tật (Stress Reduction Clinic) tại Viện đại học Y khoa (Massachusetts Medical School) vào năm 1979, cách đây 25 năm, đã chữa trị cho trên 16,000 bệnh nhân cùng dạy cho trên 2,000 nhân viên thuộc ngành y tế, trong đó có nhiều bác sĩ và y tá, về Thiền, và nhất là ứng dụng thực hành 'Tâm Vô Phân Biệt'. Sự thực hành nói trên làm cho bệnh tật giảm đi rất nhiều. Trong các cuộc nghiên cứu về kết quả thực hành Thiền, tiến sĩ Kabat-Zinn cho thấy những người bị bệnh vảy nến (psoriasis, một chứng bệnh ngoài da mãn tính sinh ra những mảng vảy ngứa trên khuỷu tay, cánh tay trước, đầu gối cùng vài nơi khác) thực hành Thiền thì lành bệnh mau hơn gấp bốn lần, những người bi ung thư thì có đời sống thoải mái hơn, những người bị bệnh bất an hay các chứng đau nhức thì bệnh cũng giảm nhiều.

3. Một Cuộc Thực Nghiệm Tám Tuần Lễ

Để gia tăng sự hiểu biết rõ ràng hơn, tiến sĩ Kabat-Zinn hợp tác với một số chuyên gia trong đó có tiến sĩ Richard Davidson, một nhà khoa học về thần kinh học xuất thân từ đại học Harvard, thuộc viên đại học University of Wisconsin ở Madison, tuyển lựa những nhân viên làm việc cho một công ty hóa học Promega, ở ngoài vùng Madison, để nghiên cứu kết quả của Thiền Phật Giáo trên hệ thống thần kinh cũng như miễn nhiễm của những người Hoa Kỳ bình thường làm việc trong văn phòng.

Trong tám tuần lễ, cứ mỗi tuần một lần, tiến sĩ Kabat-Zinn đến hãng Promega hướng dẫn cho các nhân viên hãng này, gồm các nhà khoa học, các chuyên viên thị trường, những chuyên viên trong phòng thí nghiệm và cả những người điều hành, ngồi Thiền trên sàn của phòng họp trong vòng ba giờ. Như vậy họ thực hành Thiền tám lần trong hai tháng, mỗi lần đầu của họ được gắn các nút điện của điện não ký để đo đạc. Sau khi chương trình hoàn tất, các chuyên gia tổng kết các thử nghiệm về bộ não cũng như mức độ của hệ miễn nhiễm.

Kết quả cuộc nghiên cứu này được tường trình trên tờ báo chuyên môn về tâm lý trị liệu Psychosomatic Medecine và kết luận là Thiền đã để lại một kết quả lâu dài và rõ ràng nơi các người thực hành Thiền trong hai tháng, mỗi tuần một lần, mỗi lần ba giờ nói trên. Các chuyên gia này nhận thấy ở hệ thần kinh những người tham dự khóa Thiền, có hoạt động gia tăng tại nhiều nơi thuộc vùng vỏ não trước trán. Những hoạt động này kéo dài ít nhất là bốn tháng sau khi họ đã chấm dứt ngồi Thiền. Cũng nên nhắc lại rằng vỏ não trước trán có liên quan đến chức năng trí nhớ, học hỏi, cư xử xã hội và cảm xúc. Ngoài ra, những người đã được ghi nhận về sự gia tăng mạnh mẽ nơi vùng vỏ não trước trán của bộ não thì cơ thể họ sản xuất nhiều kháng thể chống bệnh tật khi họ được chủng ngừa bệnh cúm.

Đó là sự phát triển phẩm chất trong bộ não, xác nhận được chỉ sau hai tháng thực hành. Còn như� quý vị tăng ni Phật giáo hay các vị cư sĩ tu tập lâu ngày, thì kết quả là chắc chắn phải hơn nhiều. Điều này cũng đã được nhà khoa học phân tử sinh học Michael Slater, người có tham dự khóa nghiên cứu về kết quả tốt của Thiền, nói rõ: "Tôi là một người nghi ngờ về giáo điều, chỉ chú tâm về thực nghiệm. Tôi thấy kết quả của sự thực hành Thiền này là sự căng thẳng giảm sút, có nhiều khả năng chịu đựng áp lực hơn và vợ tôi thấy tôi dễ thân cận hơn."

4. Một Cuộc Thực Nghiệm Khác

Khi khoa học đến với Thiền, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kết quả cụ thể về sự thực hành này trong phạm vi y tế và giáo dục. Trên 30 năm qua, bác sĩ Herbert Benson có chương trình nghiên cứu về sự thư giãn Thân và Tâm mà ông ta gọi là The Relaxation Response, đã cho biết khi thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở thì tâm thần lắng dịu, huyết áp giảm xuống, nhịp thở chậm lại, tim đập chậm, các bắp thịt thư giản, từ đó nhiều bệnh tật cũng bớt đi. Theo sự nghiên cứu của Viện Thân và Tâm (The Mind and Body Institute) thì có từ 60% đến 70% các bệnh tật là do Tâm hay tinh thần sinh ra.

Cuộc nghiên cứu trên cũng cho thấy rõ các trẻ em thực hành Thiền giản dị thì học giỏi hơn, làm việc và phối hợp hoạt động với các em khác tốt đẹp hơn.

Cách Thiền theo bác sĩ Benson thì rất giản dị mà người lớn hay trẻ em điều thực hành được, theo một trong ba phương pháp sau đây:

1.Ngồi thoải mái và niệm: trên ghế hay trên gối và nhắm mắt lại. Thư giản các bắp thịt từ dười chân, bắp chân, đùi, bụng, vai, cổ và đầu. Thở vào thở ra thoải mái và niệm một chữ hay một câu theo ý thích của mình lúc thở ra. Nếu có ý tưởng xuất hiện xen kẽ thì đừng quan tâm, cứ ghi nhận rồi tiếp tục Thiền.

2.Ngồi thở thoải mái và đếm số: Đếm 5 hay 10 số ở mỗi hơi thở ra. Ví dụ: Thở vào, thở ra và nói thầm 'năm', thở vào, thở ra nói thầm 'bốn', cho đến 'một' và lập lại từ đầu. Thực hành từ 10 đến 15 phút là thấy Thân và Tâm êm dịu, thư giãn. Nếu không có nhiều giờ, chỉ cần 5 phút thực hành cũng có kết quả tốt.

3.Cử động lập đi lập lại: Có thể ứng dụng Thiền, hay tạo ra trạng thái Thân Tâm nhất như, khi đi bộ, chạy bộ, vận động, chơi nhạc, hoặc bất cứ hoạt động nào lập đi lập lại các cử động như đan len, thái cực quyền, khí công, Yoga hay tụng đọc những lời cầu nguyện.

Như thế, ba cách thực hành trên bao gồm Thiền tĩnh lặng (ngồi yên), và Thiền hoạt động (vận động chân tay nhịp nhàng trong chánh niệm) để đưa đến trạng thái thư giãn của Thân và buông thư hay buông xả của Tâm. Trên phương diện thực hành cụ thể, những điều nói trên liên hệ đến các sự tập luyện của nhiều nhóm khác nhau như Thiền, Khí Công, Thái Cực Quyền và Yoga. Khí Công Tâm Pháp bao gồm cả ba cách vận động thân thể phối hợp với hơi thở và có một phần tập theo lời niệm do đó kết quả rất tốt đẹp.

Nhiều trường đại học y khoa và các trung tâm chữa trị các loại bệnh tật chú trọng đến khả năng đóng góp vào sự chữa trị bệnh tật của Thiền. Nhiều chứng bịnh có gốc rễ nơi Tâm mà bác sĩ Herbert Benson nói trên cho biết có từ 60% đến 70%, hay có thể nhiều hơn nữa, người đi đến phòng mạch bác sĩ xin khám bệnh là do Tâm sinh ra.

Ngày nay người ta còn nghiên cứu có phải các chứng bệnh béo phì, hiếm muộn, chứng bịnh đường ruột là do Tâm sinh và cách ứng dụng Thiền vào việc làm cho đời sống người phụ nữ mãn kinh được an lạc hơn. Tóm lại, đó là hàng trăm cuộc nghiên cứu ích lợi về Thiền được đem ứng dụng vào nơi làm việc, trường học, nhà thương và các trung tâm giúp gia tăng sức khỏe tinh thần và thể chất.

Những trung tâm thực hành Thiền để phát triển sức khỏe chỉ chú trọng cách thực hành Thiền theo một phương pháp dễ dàng, cụ thể vào việc giúp cho bệnh nhân chóng lành bệnh và sống đời mạnh khỏe. Như đã đề cập ở phần trên, có trung tâm khuyến khích thực hành chánh niệm để chữa trị bệnh tật như Center for Mindfulness in Medecine, Health Care and Society thuộc trường đai học y khoa Massachusetts đã áp dụng cách thực hành do đức Phật dạy trên 2500 năm trước đây để chữa trị hầu như mọi thứ bệnh tật từ áp huyết cao, các chứng đau nhức mãn tính, trầm cảm, béo phì cho đến các phản ứng phụ do sự chữa trị ung thư.

Trên 16,000 người đã ghi tên tham dự khóa thực hành Thiền trong 8 tuần lễ dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Kabat-Zin. Rất đông người khác đã tham dự chương trình tương tự tại nhiều trung tâm y khoa trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ với chương trình tương tự.

Trong khi ngồi thiền 45 phút, các thiền sinh được hướng dẫn cách ngồi, thở, nhận biết các ý tưởng xuất hiện trong Tâm, nhận biết tính chất mỗi cảm giác mà không để Tâm chạy theo những ưa ghét. Nói khác đi: An trú trong chánh niệm và sống thoải mái trong hiện tại.

Bên cạnh những trung tâm đặc biệt nói trên, nhiều trường đại học y khoa tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, cả trường đại học nổi tiếng Stanford cũng có chương trình hướng dẫn Thiền cho sinh viên hay cho bệnh nhân.

Chúng ta nhấn mạnh đến Thiền trong Phật Giáo vì ngày nay một vài nơi có cách thực hành Thiền rất phức tạp và phải lệ thuộc quá nhiều vào người hướng dẫn nhưng không biết kết quả ra sao vì nhiều khi nhuốm quá nhiều màu sắc thần bí. Các nhà khoa học thì khác hẵn. Họ chọn lựa cách thực hành căn bản do đức Phật chỉ dạy là chú tâm thoải mái vào mỗi hơi thở vào, hơi thở ra, nhận biết các ý tưởng khi chúng xuất hiện và biến đi (đừng chạy theo chúng), các cảm giác sướng hay khổ mà không bị các phản ứng ưa hay ghét làm quên lãng hiện tại. Ngoài ra, khi đi, đứng, co tay, bước chân, mặc áo quần, nói tóm lại là mọi cử động chân tay cũng nhận biết rõ ràng qua sự chú tâm thoải mái hay chánh niệm. Đó là thực hành Tứ Niệm Xứ: Chú tâm thoải mái và thấy biết rõ ràng bốn lãnh vực là thân thể, cảm giác, tâm tư và đối tượng nhận thức. Và nhiều nơi, để tránh màu sắc tôn giáo, các nhà nghiên cứu hay hướng dẫn cũng không nhắc nhở gì đến người khai sáng lối Thiền này tức là Đức Phật. Điều này chắc cũng làm đức Phật vui lòng vì đó là sự ứng dụng một đặc tính của Thiền: Tính cách vô ngã của mọi thứ.

Thực hành nói trên không giới hạn trong ngồi Thiền mà còn cả trong mọi hoạt động thường ngày, đó là Thiền hoạt động. Thực hành Thiền tĩnh lặng hay Thiền ngồi và Thiền hoạt động đưa đến kết quả rất tốt đẹp trong việc chữa trị bệnh tật và đem lại hạnh phúc cho đời sống mỗi ngày. Đó là kết luận của các cuộc nghiên cứu của nhiều bác sĩ và chuyên viên y khoa trong đó có bác sĩ Herbert Benson, người đã làm nhiều cuộc nghiên cứu trên thân thể các thiền sư Tây Tạng tại vùng Hy Mã Lạp Sơn và mới nhất tại Pháp khi các vị thầy Tây Tạng thực hành Thiền Tam Muội Hỏa: Ngồi 8 giờ đồng hồ ngoài trời buốt giá với tấm vải quấn mong manh trong nhiệt độ làm nước đóng băng.

5. Thiền Không Chỉ Là Ngồi

Nếu chúng ta vào tham dự khóa tu học ở các Thiền viện, thời gian ngồi Thiền sẽ rất lâu. Tuy nhiên, ngoài các khóa tu này, các vị tăng ni và cư sĩ sinh hoạt tại Thiền viện được nhắc nhở thực hành thiền khi đi, đứng, ngồi, nằm, ăn cơm, uống trà, nghỉ ngơi, nói chuyện, làm việc, lái xe, mua sắm. Thực hành như vậy là thực hành nội dung Thiền. Còn ngồi hay đi Thiền hành là hình thức Thiền. Hình thức có nội dung là có phẩm chất Thiền. Còn hình thức mà không có nội dung thì thiếu vắng Thiền. Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng chúng ta cần nhớ: nếu học Thiền mà không bắt đầu bằng hình thức, tức là ngồi Thiền và Thiền hành, thì không thể nào đi vào nội dung thiền được. Học Thiền cũng giống như học đạp xe đạp: Phải ngồi cho vững vàng trên yên xe rồi mới đạp đi xa được.

Một hôm thiền sư Lâm Tế, vị tổ dòng Lâm Tế, lúc còn học Thiền với thiền sư Hoàng Bá, đang nằm ngủ trong Tăng đường. Thiền sư Hoàng Bá vào thấy bèn gõ vào đầu giường một tiếng. Sư Lâm Tế mở mắt nhìn lên thấy thầy mình đang nhìn liền nhắm mắt ngủ tiếp. Thiền sư Hoàng Bá gõ một lần nữa rồi đi lên nhà trên gặp vị thủ tọa đang ngồi Thiền. Hoàng Bá nói: "Nhà dưới ông thầy trẻ đang hành Thiền, ông ở đây đang vọng tưởng?"

Điều này vị tổ thứ sáu của Thiền Tông, là thiền sư Huệ Năng, cũng lưu lại một câu chuyện. Khi thầy Chí Thành, học trò của ngài Thần Tú (một người chủ trương dành nhiều thì giờ để ngồi thiền), đến tham vấn ngài Huệ Năng, ngài hỏi "Thầy ông dạy tăng chúng ra sao ?"Thầy Chí Thành đáp: "Thầy tôi dạy phải chận đứng tất cả tư tưởng trong tâm (trụ tâm) và ngồi im quán tưởng (quán tịnh), ngồi hoài không nằm."Thiền sư Huệ Năng dạy:

"Trụ tâm quán tịnh là bịnh, chẳng phải Thiền. Ngồi hoài thì thân thể bị gò bó chớ có ích gì. Nghe kệ ta đây:

Sanh ra ngồi chẳng nằm

Chết đi nằm chẳng ngồi

Một bộ xương thúi nát

Có gì đâu công phu."

(Trúc Thiên dịch)

Trên thực tế, các Thiền viện rất chú trọng đến ngồi Thiền. Trong tuần lễ Nhiếp Tâm, các Thiền viện Lâm Tế bắt đầu cho thiền sinh ngồi thiền từ 3 giờ sáng đến 10 giờ tối, xen kẽ Thiền hành, thọ trai, chấp tác, nói pháp và bốn lần tham vấn riêng (tiểu tham) với vị thiền sư. Thiền đường Tào Động thì một tháng dành nguyên một tuần để tu tập, ngồi thiền từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, xen kẽ Thiền hành, thọ trai, chấp tác, nói pháp và tham vấn cho những người nào có câu hỏi riêng tư.

Như vậy, ngồi Thiền và Thiền đi hay Thiền hành là một yếu tố rất quan trọng trong việc học Thiền. Tại sao? Vì ngồi Thiền tạo cơ hội cho Thân thoải mái, Tâm lắng dịu, trong sáng, bén nhạy, tỉnh thức, thấy biết rõ ràng các hoạt động cùng cảm giác nơi Thân và Tâm.� Tuy nhiên, con người là một sinh vật năng động, nếu ngồi trong một thời gian vừa phải thì tốt, còn ngồi lâu dài thì sinh ra bệnh Thân cũng như Tâm. Do đó, các Thiền viện rất chú trọng đến sự chấp tác, làm việc mạnh mẽ bằng tay chân như chùi nhà, quét sân, làm vườn, cuốc cỏ, trồng lúa hay rau trái, có nơi dành thì giờ để tập luyện cho thân thể được mạnh khỏe. Đặc biệt tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Hoa, tập luyện võ công phối hợp với Thiền là phương pháp tu rất mạnh mẽ và khó khăn. Tất cả mọi sinh hoạt đi, đứng, nằm, ngồi, tụng kinh, làm việc, ăn uống trong Thiền viện từ Á Châu, Mỹ Châu, Phi Châu hay Uc Châu đều được khuyến khích thực hành trong chánh niệm hay thực hành Thiền hoạt động.

6. Thân Và Tâm

Vào năm 2004, các huấn luyện viên thể thao, khí công, y tá và bác sĩ nhắc nhở phải gia tăng vận động qua qua sự tập luyện và họ đề ra hai phần quan trọng: tập luyện Thân và Tâm, cũng gọi là huấn luyện chức năng.

Trước đây người ta chỉ chú trọng đến tập cho thân thể, không nói đến tinh thần. Họ chú trọng đến tập từng bộ phận mộtcho mạnh như tập tạ cho mạnh tay, tập đạp cho mạnh chân, tập kéo cho mạnh bắp thịt. Giờ đây họ được nhắc nhở phải tập để cơ thể có một sức mạnh toàn diệndo sự phối hợp tốt đẹp của tất cả các phần trong cơ thể như đầu, cổ, xương sống, tay, chân, gân, bắp thịt khi cử tạ, chạy bộ, vận động tay chân và thân thể, v.v.

Họ nhắc nhở đến Tâm khi tập luyện vì nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy nếu Tâm họ duy trì được sự trong sáng và chú tâm thoải mái khi tập thể thao thì kết quả gia tăng bội phần. Nói khác đi, người ta đã chú ý đến yếu tố chánh niệm, chú tâm thoải mái, và định tâm, tâm vắng lặng, trong sáng và vững vàng khi tập thể dục, thể thao, yoga hay các hình thức vận động cơ thể khác.

Thiền là trở về với sự chú tâm thoải mái, sự vắng lặng, tỉnh thức, vững vàng và linh động của tâm. Yếu tố thiền càng lúc càng được các bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên viên tâm thần, huấn luyện viên vận động, các nhà giáo dục khích lệ thực hành. Thiền được áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày làm gia tăng phẩm chất đời sống. Bác sĩ Dean Ornish, chuyên gia tim mạch ứng dụng phương pháp chữa trị bệnh tim mạch không phụ thuộc vào thuốc men đã đem chương trình tập Thiền, Yoga, đi bộ và biểu lộ tình thương cùng sự chú tâm thoải mái về những cảm xúc của mình. Đó là huấn luyện thân và huấn luyện tâm để đi đến sự hợp nhất thân tâm.

Trong đạo Phật, chúng ta thường nghe nói đến Thân Tâm Nhất Như hay Thân và Tâm là một. Đó là một quan niệm phản ảnh lời dạy về Trung Đạo hay Bất Nhị (không hai). Thân và Tâm không phải là hai thực thể tách lìa: hai thứ có mặt tuy bề ngoài (tướng) khác nhau như Tâm thì không có hình tướng, không bị giới hạn bởi không và thời gian nhưng Thân thì có hình tướng, có màu sắc, có mùi vị hay cử động. Nhưng Thân và Tâm là một thực thể; nói khác đi, về mặt nhận thức, chúng ta thấy rõ ràng Thân và Tâm khác nhau nhưng về mặt thực thể chúng vốn không phải là hai thứ khác biệt. Không những nơi con người mới có sự dị biệt nhưng đồng nhất đó mà cả nơi các loại vô tri như sắt hay đồng cũng vậy: Người ta thấy rất rõ nơi một hạt âm điện tử của hạt nguyên tử sắt hay đồng, một thành phần rất nhỏ kết thành hạt nguyên tử, nó vừa là một hạt (có kích thước nhất định, có vị trí) mà vừa là một làn sóng (không có hai yếu tố trên).

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu y khoa đã tán đồng quan niệm Thân và Tâm không phải là hai thứ tách biệt mà cùng lúc có mặt và cùng biểu lộ theo hai cách, cùng tác động lẫn nhau nhưng không ở ngoài nhau, không tách ra làm hai thứ Thân và Tâm riêng biệt: Chúng cùng biểu lộ dưới hai hình tướng khác nhau và đồng thời ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Nói một cách giản dị: niềm vui, nỗi buồn, ưa, ghét, sướng khổ, thương giận, hạnh phúc, đớn đau, đau bụng, nhức lưng vừa biểu lộ nơi Thân và vừa biểu lộ nơi Tâm. Như thế, sự chữa trị bệnh tật, sự phát triển sức khỏe có tính cách toàn diện: Tâm có thể tạo ra bệnh tật nơi Thân, Thân có thể làm cho Tâm mất quân bình. Do đó, bệnh nhân phải thực hành chánh niệm để nhìn sâu vào cội nguồn của Thân và Tâm để chữa trị tận gốc và phát triển sức khỏe vì cái này liên hệ với cái kia như lời đức Phật dạy trong thuyết Duyên Sinh chúng ta đã nói đến trước đây:

Cái này có thì cái kia có,

Cái này không thì cái kia không,

Cái này sinh thì cái kia sinh,

Cái này diệt thì cái kia diệt.

Điều này được bình luận gia Geoffrey Cowley, người đã đóng góp tài năng và kiến thức cho tuần báo Newsweek để tuần báo này được nhiều lần đề cử cho giải National Magazine Award, một giải thưởng rất giá trị đối với các tuần báo tại Hoa Kỳ, trình bày trong một cuộc thảo luận Live Talk vào ngày thứ tư 22 tháng 9 năm 2004. Khi có người hỏi: "Có phải bộ não của chúng ta tách biệt với Tâm ta hay không? Hai thứ đó khác nhau hay hai thứ đó là một?"Ông Cowlley trả lời:

"Khoa thần kinh học dạy chúng ta rằng điều mà chúng ta nghĩ có một cái Tâm tách biệt thì thực ra đó là những hoạt động của bộ não. Khi mà ông chấp nhận sự kiện này thì vấn đề 'Thân-Tâm kết hợp' sẽ bớt đi tính cách huyền bí. Vấn đề không phải là một bên tác động vào bên kia một cách siêu nhiên. Cảm xúc là các hiện tượng thân thể, và sức khỏe thân thể là một hiện tượng cảm xúc. Hai thứ là thành phần của chung một hệ thống."

Các cuộc tìm hiểu hiện nay về Thân-Tâm trong ngành Y Khoa và Tâm Thần Học, có lẽ đã giới hạn trong quan điểm trên, và đã tạo ra một sự hứng khởi khắp nơi tại Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới. Hậu quả cụ thể là hàng ngàn trung tâm huấn luyện Thân-Tâm (Mind and Body Training) dưới nhiều bảng hiệu khác nhau tại các bệnh viện, trường đại học y khoa, các trung tâm thể dục, các chương trình huấn luyện lực sĩ, các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Đó là sự ứng dụng các khám phá mới mẻ nhất của ngành y khoa hiện đại đối với sự liên hệ mật thiết của Thân và Tâm trong vấn đề tạo ra sức khỏe và niềm an vui cùng phối hợp với thuốc men trong việc chữa trị hầu như tất cả các thứ bệnh tật. Trong sự hào hứng này, nhiều chuyên viên sức khỏe thể chất, tinh thần và tổ chức cộng đồng gồm các bác sĩ, y tá, tâm lý gia, tác viên xã hội đã nghiên cứu về sự lợi ích của Thiền, khí công, thái cực quyền và Yoga. Nhiều người không chỉ nghiên cứu mà còn chính mình thực hành và áp dụng vào việc điều trị bệnh nhân.

7. Lời Dạy Của Đức Phật

Trong bài viết Buddha Lessons, bà Claudia kể lại bà Dalia Isicoff bị chứng viêm khớp dạng thứ hai (rheumatoid arthritis, dạng này làm cho đau đớn ở các khớp ngón tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân, hông, xương sống hay vai, nhiều khi phải uống thuốc giảm đau và chống viêm). Bà Dalia chịu cơn đau thống khổ nơi các khớp, cột sống, xương chậu và phải uống thuốc chống đau nhức. Cho đến hôm bà đi tham dự một khóa Thiền tại trung tâm chữa trị phối hợp đông tây, (University of Maryland's Center for Integrative Medecine). Bà được chỉ dạy cho phương pháp Thiền được gọi là Giảm Căng Thẳng Bằng Thực Hành Chánh Niệm (Mindfulness-Based Stress Reduction, MBRS). Bà khám phá ra một chân lý kỳ diệu: thay vì chống chỏi với sự đau đớn thì chỉ nhận diện nó, tiếp xúc với nó, biết nó rõ ràng thì cơn đau sẽ dịu lại.

Điều này đức Phật đã nói rõ là phải tiếp xúc với những cảm giác sướng, khổ hay trung tính (không sướng không khổ), cảm nhận tính chất rõ ràng của mỗi thứ. Thực hành sự chú tâm thoải mái, thấy biết rõ ràng là thực hành chánh niệm (mindfulness) thì Tâm dần dần trở nên trong sáng, linh động, bén nhạy, tỉnh thức, thấy biết rõ ràng đồng thời không bị cảm giác sướng (lạc thọ) hay khổ (khổ thọ) trói buộc. Ngoài ra, khi tiếp xúc với cảm giác không sướng không khổ (trung tính, bất khổ bất lạc thọ), còn gọi là xả thọ, thì tâm đi vào trạng thái vắng lặng nhanh chóng. Từ sự vắng lặng đó tâm mở rộng bao la. Trong không gian rộng lớn đó các nguồn năng lượng của sự thông minh, tình thương yêu trong sáng và niềm hạnh phúc bừng dậy.

Đức Phật đã nói rõ cách thực hành này cho quý Thầy trong kinh Tương Ưng Bộ như sau:

Giống như giữa hư không,

Gió nhiều loại thổi lên,

Từ phương đông, phương tây,

Từ phương bắc, phương nam.

Gió có lạnh, có nóng

Gió có bụi, không bụi,

Có gió lớn, gió nhỏ,

Gió nhiều loại thổi lên.

Cũng vậy trong thân này,

Khởi lên nhiều cảm thọ,

Lạc thọ và khổ thọ,

Bất khổ bất lạc thọ.

Khi Tỳ Kheo nhiệt tâm,

Tỉnh giác không sanh ý,

Do vậy, bậc hiền giả,

Liễu tri tất cả thọ.

Vị ấy liễu tri thọ,

Ngay hiện tại vô lậu,

Thân hoại, bậc Pháp trú,

Đại trí, vượt ước lường.

Khi tiếp xúc thoải mái với các cảm giác, trong đó có cơn đau nhức, thì thấu rõ bản chất của chúng chỉ là thuần túy năng lượng, không để sự ưa ghét ràng buộc, thì giải thoát ra mọi sự khổ đau và Tâm đi vào trạng thái tỉnh thức, trong sáng, bén nhạy, rộng lớn và an lạc như lời của thiền sư Hoàng Trí trong bài thơ:

Sương và trăng

Sao và suối

Tuyết trên rặng tùng

Và mây lững lờ trên rặng núi

Từ tăm tối chúng đều trở thành rực rỡ

Từ u ám chúng đều biến thành ánh sáng sáng lạn.

(Như Hạnh Dịch, Thiền Đạo Tu Tập)

Đó là cách mà bà Dalia Isicoff đã thực hành hàng ngày sau khi đã học Thiền để làm cho các cơn đau nhức do chứng thấp khớp tạo ra dịu bớt xuống đồng thời chuyển hóa chúng và dùng cơn đau như một trợ duyên cho sự thực hành tốt hơn. Sự thực hành Tứ Niệm Xứ này được áp dụng nhiều nơi để chữa trị rất nhiều loại bệnh tật từ Thân tới Tâm. Trường Đại Học Stanford có chương trình hướng dẫn bệnh nhân thực hành chánh niệm để thấu suốt tánh chất của các nỗi sợ hãi bất an để điều trị. Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe, Tôn Giáo và Tâm Linh (Center for the Study of Health, Religion and Spirituality) của trường đại học Indiana State University nghiên cứu về ăn uống trong chánh niệm giúp giảm chứng béo phì do ăn thấy ngon và ăn bớt đi cũng như giảm sự uống rượu.

8. Khí Công Tâm Pháp Là Một Tổng Hợp Tốt Đẹp

Trong Khí Công Tâm Pháp, chúng ta tập chú tâm thoải mái vào hơi thở, vào cảm giác, vào sự lắng dịu và trong sáng của Tâm cùng với những động tác nối tiếp. Nói khác đi, chúng ta thực hành chú tâm vào bốn lãnh vực của đời sống nơi chính mình là thân, thọ, tâm và pháptrong suốt buổi tập. Từ đó, niềm an lạc và sự tỉnh thức biểu lộ tràn đầy và kéo dài trong ngày. Đây là điều mà nhiều bác sĩ khích lệ các bệnh nhân thực hành để chóng lành bệnh.

Khílà chân khí vận chuyển trong thân thể để nuôi dưỡng các bộ phận khỏe mạnh. Cônglà cách thực hành, cách vận động. Tâmlà tánh thấy biết. Pháplà sự chân thật. Tâm Pháplà tánh thấy biết chân thật biểu lộ qua sự thực hành chánh niệm hay sự chú tâm thoải mái, còn được gọi là tánh giác hay Phật tánh. Như� thiền sư Lâm Tế giảng cho những người tu học tại đạo tràng của ngài như sau:

Tâm pháp vô hình thông suốt khắp mười phương, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng gọi là nói bàn, ở tay gọi là nắm bắt, ở chân gọi là chạy nhảy, vốn là một cái tinh minh, phân thành sáu hòa hợp. Một Tâm đã không thì mọi nơi đều giải thoát.

Cái tinh minh, hay là cái tỏa sáng, là Tâm chân thật hay Tâm Phật biểu lộ rõ ràng, linh động qua sự hoạt động hòa hợp của mắt, tai, mủi, lưởi, thân và ý.

Khi nghe đến chữ Phật chúng ta thường có thói quen nghĩ đến một tôn giáo. Chữ Phật ở đây nói về một con người đã tỉnh thức, thấy biết rõ ràng qua sự thực hành chú tâm thoải mái vào bốn yếu tố: Thân (thân thể), Thọ (cảm giác), Tâm (các thứ tâm tư như vui-buồn, ưa-ghét, thương yêu-hận thù), Pháp (tánh chất của các thứ được nhận biết đó). Biết rõ được Tướng của chúng như mầu sác, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và những thứ trong Tâm đồng thời thấy được Tánh hay bản chất của chúng là như thị, như vậy đó, không bị ý tưởng hay tình cảm chủ quan của chúng ta sơn phết lên những mầu sắc theo sự ưa ghét hay là theo kinh nghiệm trong quá khứ của mình.

Thực hành quen cách nhìn như vậy thì Tâm chúng ta lắng dịu dần và tự mở lớn ra. Lúc đó chúng ta trực nhận (nếu trong thiền viện thì các thiền sư nhắc nhở) người thấy biết (như là chính mình) và đối tượng được thấy biết (như chiếc lá, vị chua của chanh) vốn không tách biệt, không đối nghịch nhau. Như một người bị đau đớn và cảm giác đau đớn không phải là hai thứ riêng biệt. Tâm vắng lặng là không gian rộng lớn trong đó cùng có mặt rõ ràng, thoải mái, chân thật chủ thể nhìn và đối tượng bị nhìn. Đó là tính cách không haihay bất nhịvà nó bao trùm mọi sinh hoạt thân thể, cảm giác và tâm tư chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc chết.

9. Cách Thực Hành Cụ Thể

Bên cạnh sự thực hành nói trên, về phương diện tập luyện thân thể, Khí Công Tâm Pháp gồm ba bài tập.

1.Khí Công Thiếu Lâmdựa trên Ngũ Hành Tương Sanh: Các yếu tố nương tựa vào nhau mà tạo ra sức khỏe. Phần tập gồm 8 động tác vận động tay chân và thân thể để đưa năng lượng tốt hay chân khívào các vùng tim, gan, tỳ, phế, thận, ruột non, ruột già, bao tử, bàng quan, bao tim, tam tiêu, gọi là lục phủ và lục tạng cùng cách thở cho sạch phổi. Tiếp theo là thế đặc biệt nhằm chuyển năng lượng lên trên để nuôi dưỡng bộ não và quân bình năng lượng thân trên và thân dưới, các thế làm cho bộ não gia tăng sức khỏe cùng ba thế vận nội lực để gia tăng chân khí cùng phân tán chân khí ra toàn thân.

2.Các thế tập Yogagồm 6 thế chính có 70 động tác làm cho gia tăng sức đàn hồi cũa gân và bắp thịt phối hợp với sự chuyển động lành mạnh của xương: Điều Chỉnh Thân Trước (15 động tác), Điều Chỉnh Thân Sau (5 động tác), Dũng Sĩ Đứng (22 động tác), Dũng Sĩ Bước Tới (16 động tác), Dũng Sĩ Quỳ (6 động tác) và Dũng Sĩ Ngồi (6 động tác).

3.Dưỡng Sinh Tâm Phápgồm 8 thế tập rất nhịp nhàng phối hợp với lời niệm tạo ra một trạng thái thư giản Thân và Tâm để hệ thần kinh sản xuất ra các chất thần kinh dẫn truyền tốt như endorphine, serotonine và dopamine, v.v� làm cho cơ thể và tâm thần cảm thấy phấn chấn, khỏe mạnh, vui sướng, trẻ trung, tích cực và yêu đời.

Người lớn và trẻ em tập đều tốt cả. Tiến sĩ tâm lý học Phil, trong chương trình nổi tiếng của đài truyền hình ABC, Dr. Phil, Family First, trong tháng 9 năm 2004, đã trình bày một kết quả rất cụ thể là trẻ em khi biết cách thở sâu thì tâm thần lắng dịu, ít bị kích động và khi tập những động tác nhịp nhàng thì tỷ số thông minh IQ gia tăng nên học giỏi hơn. Điều này đã được bác sĩ Herbert Benson thuộc viện đại học Harvard xác nhận trong các tác phẩm nghiên cứu về tương quan giữa sự thực hành thiền, sức khỏe và học hành.

Khí Công Tâm Pháp đáp ứng những điều nói trên. Các trẻ em từ 6 tuổi đến các cụ già 80 tuổi (trên thực tế có hai ông bà cụ người Hoa Kỳ 83 tuổi đang tập Khí Công Tâm Pháp tại Vista) thực hành đúng đều có kết quả tốt đẹp: Sức khỏe gia tăng, trí óc trong sáng, thông minh gia tăng, tình thương mở rộng, hạnh phúc và đời sống phát triển.

Mục đích của Khí Công Tâm Pháp là:

1.Vận động để chân khí lưu chuyển điều hòa đến 12 bộ phận trong người (lục phủ và lục tạng) để duy trình sự� quân bình và phát triển sức khỏe cơ thể và tinh thần.

2.Vận động để 12 hệ thống thân thể gồm hệ thống bắp thịt gân, xương, da, dinh dưỡng, bài tiết, tuần hoàn, hô hấp, tuyến nội tiết,� miễn nhiễm, thần kinh, sinh sản và hệ thống ba đan điền được quân bình, điều hòa và khỏe mạnh.

3.Phối hợp Thiền hoạt động và Thiền tĩnh lặng tạo ra sự buông thư trong các hoạt động hàng ngày làm cho đời sống của chúng ta vui tươi, tích cực, mạnh mẽ, thông minh, hiểu biết và phát triển.

Đây là phương pháp thực hành toàn diện Thân và Tâm đưa đến trạng thái Thân Tâm nhất như. Từ đó chúng ta thấu rõ Thân và Tâm của mình là một thực thể mầu nhiệm biểu lộ thành các cử động thoái mái của tay chân cùng� thấy nghe, cảm xúc trong một sự vắng lặng rộng lớn, rực rỡ bao la của niềm hạnh phúc tỏa sáng kỳ diệu, nơi đó không có sự bắt đầu và tận cùng. Mỗi phút giây là thiên thu vĩnh cữu như sự cảm nhận của thi sĩ William Blake trong bài thơ Auguries of Innocence:

Thấy vũ trụ trong một hạt cát

Và thiên đàng nơi một đóa hoa dại

Cầm vô biên nơi lòng bàn tay

Và vĩnh cữu trong một giờ ngắn ngủi.

Khi đọc đến đây, chúng ta đã biết thêm về cách hướng dẫn Thiền buông thư của các bác sĩ trong các chương trình hướng dẫn phát triển sức khỏe. Chúng ta tiếp tục tập thở thoải mái khi ngồi trên gối thiền, trên ghế hoặc nằm, cảm nhận thành bụng phồng ra khi thở vào và xẹp xuống khi thở ra. Để cho sự chú tâm được dễ dàng, chúng ta thở vào - thở ra đếm 'một', thở vào - thở ra đếm hai cho đến mười thì đếm một trở lại. Những vị nào quen niệm Phật, thở vào niệm 'Nam Mô A', thở ra 'Di Đà Phật'. Các vị khác có thể chọn một câu thích hợp theo tôn giáo của mình. Nếu quên thì bắt đầu lại bằng số một.

Chúng ta đã biết khá đầy đủ về những lợi ích khi thực hành Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động. Giờ đây chúng ta chuẩn bị cho sự thực hành cụ thể, lâu dài và có kết quả chắc chắn.

1.Tập thở đan điền tăng dầntừ 15 phút lên 30 phút. Sau khi thành công tăng từ 30 phút đến 1 giờ. Sau đó tăng lên 2 giờ. Tiếp tục thực hành thở đan điền thoải mái cho đến khi thở đan điền trở thành một thói quen tự nhiên.

2.Tập các thế Khí Công Thiếu Lâmcho thật đúng: Các động tác, cách đưa tay và chân đúng vào vị trí, cách hít hơi, nín đẩy hơi hay vận chân khí đến các vùng liên hệ với thế tập. Quan trong nhất là cảm nhận cảm giác khi nín thở ở mỗi vùng và quan trọng hơn nữa là cảm nhận cảm giác an lạcở mỗi hơi thở ra. Sau khi tập quen, chỉ cần đưa tay lên, vận chân khí, thở ra vào thế đầu tiên là cảm giác an lạc xuất hiện tức khắc. Cảm giác này sẽ kéo dài qua các hoạt động khác trong ngày.

3.Khi tập các thế Quân Bình Chân Khí, Vượng Não, Vận Nội Lựcthì cảm nhận năng lượng mạnh mẽ gia tăng nơi bộ não và nơi thân thể. Sau 70 động tác Yoga, tám thế Dưỡng Sinh Tâm Pháplàm cho bộ não buông thư tối đa và cảm giác an vui kỳ diệu mỗi ngày một phát triển.

4.Trong những sinh hoạt khác trong ngày thực hành chú tâm thoải mái nơi đan điềnkhi thở vào và thở ra làm cho cảm giác an vui nói trên xuất hiện khi đi bộ, chạy bộ, ăn cơm, uống nước, nói chuyện, làm việc, lái xe, ngồi xem các chương trình truyền hình hay âm nhạc.

5.Những buổi ăn trưa hay tối tạo dịp thực hành ăn trong yên lặng và cảm nhận cảm giác an vuisung sướng khi nhai và nuốt thực phẩm. Càng nhai lâu càng thấy ngon. Lúc tráng miệng nên ăn trái cây tươi, ngọt và lạnh để cảm giác vui sướng nơi bộ não gia tăng. Bộ não sẽ quen dần với cách thức trở về với niềm an vui đó và sau này dễ dàng cho cảm giác tốt đẹp này tái xuất hiện.

6.Sau khi ăn trưa nên thực hành Thiền Buồn Ngủ: Ngồi dựa lưng vào ghế bành cho an toàn, nhắm mắt lại để cho cảm giác buồn ngủ xuất hiện. Chú tâm thoải mái vào cảm giác buồn ngủ mỗi lúc một gia tăng cho đến khi ngủ gật thì tự nhiên tỉnh lại và thực hành tiếp. Mỗi lần chỉ độ 10 phút, như vậy là có giấc nghĩ ngơi thật thoải mái trong 20 phút. Bộ não sẽ ghi nhận cảm giác vắng lặng của tâm (khi buồn ngủ thì không có ý tưởng xuất hiện) cùng cảm giác an vui êm dịu kéo dài. Theo tác giả Martine Gay, những người nào không ngủ được nếu ngủ chợp được nhiều lần trong ngày thì cũng giúp ích rất nhiều cho cơ thể phục hồi sức khỏe.

7.Sau khi tập một thời gian đều đặn thì cảm giác thích thú an vui nơi thùy trán trướcgia tăng, người thấy vui tươi, thoải mái, tích cực, dễ dàng cảm thông và ít còn bị ngoại cảnh làm cho khổ đau như trước. Trạng thái tâm thần như vậy rất tốt cho sự phát triển sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, và theo những cuộc nghiên cứu y khoa mới nhất, rất cần thiết cho những người bị bệnh tim mạch, bị các chứng bệnh tự nhiễm (autoimmune), bệnh ung thư cùng rất nhiều thứ bệnh khác do sự căng thẳng tạo ra.

8.Những vị nào hay bị các chứng đau nhức thì ngoài các thế tập của Khí Công Tâm Pháp nên thực hành Lạy Hồng Danhtheo khí công. Mỗi người tùy theo tôn giáo của mình lập một bàn thờ và lạy mỗi ngày một trăm lạy theo khí công sẽ giúp cho bớt đau đầu gối và đau xương sống cũng như các loại đau nhức khác. Ban đầu tập lạy 15 lần, sau tăng lên 30, 60 rồi 100. Lạy quen rồi sẽ thấy rất ích lợi. Mỗi tuần lạy năm ngày là vừa đủ. Lạy với sự chú tâm thoải mái làm gia tăng cảm giác an vui, sung sướng, khỏe mạnh và sau đó cầu nguyện cho bản thân và mọi người được an lành và khỏe mạnh. Mỗi người tự sắp đặt thời khóa biểu cho thích hợp như buồi sáng dậy uống trà, tập khí công, đi hay chạy bộ. Nếu thích hợp và cần thực hành Lạy Hồng Danh hơn thì lạy xong tập khí công. Buổi chiều dành cho đi bộ. Những người về hưu nên tập hai giờ hay hơn. Những người đi làm việc nếu tập được một giờ thì rất tốt. Bộ Y Tế Hoa Kỳ cũng nhắc nhở các thanh thiếu niên tập một giờ mỗi ngày.

9.Chúng ta luôn luôn nhớ các sinh hoạt tập luyện nhắm đến hai mục đích cùng lúc: Sức khỏe và niềm an vui hạnh phúc. Hai thứ cùng phát triển tốt đẹp và bổ xung cho nhau: Tập luyên an vui sung sướng nên thích tập luyện, càng ưa thích tập luyện thì càng phát triển sức khỏe.

10.Khi có sự khỏe mạnh, có niềm an vui sung sướng thì làm việc ít thấy mệt mõi vì biết an trú trong cảm giác an vui nơi thùy trán trước, tinh thần thông minh thoải mái, tánh tình hài hòa, giảm bớt sự căng thẳng rất nhiều trong những cuộc tương giao, học hành thấy thích thú vì cảm giác an vui nơi bộ não kéo dài qua sự thực hành chú tâm thoải mái và buông thư.

Điều này không phải chỉ do các nhà khoa học thế kỷ 21 này khám phá mà đã được đức Phật nói ra cách đây trên hai ngàn năm khi nhắc nhở một người đệ tử tại gia của mình là vua Pasenadi hay Ba Tư Nặc chú tâm vào sự ăn uống để ăn ít lại và gia tăng sức khỏe qua bài kệ:

"Thường thực hành chánh niệm,

Ăn uống biết vừa đủ,

Nhai lâu cảm thọ mạnh,

Trẻ lâu, tuổi thọ dài."

Cảm thọ mạnh là cảm giác an vui sung sướng khi ăn, đưa đến sự phát triển sức khoẻ, trẻ lâu và tuổi thọ dài. Lời dạy đặc biệt của Ngài rất phù hợp toàn bộ giáo lý giải phóng con người ra khỏi sự khổ đau do sự sanh nở gây ra, già cả, bệnh tật gây ra cùng với những khổ đau vì muốn mà không được, ghét mà lại xảy ra cho mình.

Vua Pasenadi thực hành theo lời dạy và thấy có kết quả rất tốt đẹp: Giảm cân, sức khỏe và niềm hạnh phúc gia tăng. Chúng ta ai cũng biết con đường vạn dặm được bắt đầu bằng một bước chân đầu tiên rồi sau đó tiếp tục bước đều đặn. Trên con đường vạn dặm chúng ta bước từng bước chân thoải mái, an vui, thảnh thơi, hạnh phúc. Niềm an vui, sung sướng, hạnh phúc nằm nơi mỗi bước chân đưa lên và để xuống, mỗi bước chân là con đường vạn dặm, mỗi hơi thở vào và thở ra thiên thu vĩnh cữu và cõi Thiên Đàng hay chốn Cực Lạc là bây giờ và nơi đây. Thực hành tập luyện hàng ngày là sự mầu nhiệm kỳ diệu của đời sống mỗi chúng ta.

Phần này được biên soạn với sự phối hợp các tài liệu:

  • The New York Time, September 14, 2003

  • Những bài viết của nhiều tác giả trong tuần san Newsweek, September 27, 2004

  • Sách: Thiền Luận, Trúc Thiên Dịch, xuất bản tại Việt Nam, không ghi ngày tháng

  • Thiền Đạo Tu Tập do tiến sĩ Như Hạnh dịch, tái xuất bản tại Hoa Kỳ

  • Reversing Heart Disease do bác sĩ Dean Ornish biên soạn, Random House, New York, 1990

  • The Breakout Principle do bác sĩ Herbert Benson và William Proctor biên soạn, Scribner, New York, 2003

  • Bien Dormir, Source D'Energie, do Martine Gay biên soạn, Editions Dervy, Paris, 1999


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567