Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Pháp thoại

24/04/201313:06(Xem: 3152)
Phần Pháp thoại


Giác niệm về hơi thở

Nguyên tác: Mindfulness with Breathing

Nguyên tác Thái ngữ: Bhikkhu Buddhadasa (Tỳ kheo Phật Lệ)-1986
Bản dịch Anh ngữ:Bhikkhu Santikaro (1988).
Bản dịch Việt ngữ:Cư sĩ Thiện Nhựt (2004).

---o0o---

Phần Pháp thoại

Bài một

Tại sao lại Pháp?

"Tại sao lại Pháp?"

Trước khi trả lời câu hỏi nầy, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của chữ Pháp: Dhamma. Sau đó, mới bàn đến các lý do tại sao chúng ta cần phải học tập về Pháp và thực hành theo Pháp.

Pháp và các bí ẩn của đời sống.

Lối giải thích dễ hiểu về Pháp (Dhamma) là: "Bí ẩn của thiên nhiên cần được hiểu rõ để có thể phát triển đời sống đến mức lợi lạc cao nhứt."

"Để phát triển đời sống đến mức cao nhứt" có nghĩa là đạt tới một giai đoạn của đời sống được giải thoát khỏi mọi vấn đề (khó khăn) và mọi khổ sở (dukkha). Đời sống như thế đó đã vượt thoát khỏi những gì được xem như là "vấn đề (khó khăn)" và "khổ sở" (dukkha).

Một sự giải thích rõ ràng thêm về danh từ "bí ẩn" rất quan trọng cho việc thông hiểu đề tài của chúng ta. Nếu chúng ta còn chưa biết bí ẩn của một sự vật gì, thì chúng ta chẳng thể nào hành động cho thành công để đạt được các kết quả cao nhứt và thâu được lợi lạc tối đa về sự vật đó. Thí dụ như các tiến bộ về việc thám hiểm ngoại tầng không gian và các phát triển về năng lực hạch tâm, cũng như ở các điạ hạt khác, sở dĩ thực hiện được là nhờ sự thông hiểu về các bí ẩn của các sự vật đó. Với đời sống, thì cũng như vậy. Để có thể đạt được sự phát triển cao nhứt về đời sống, chúng ta cần phải biết rõ các bí ẩn của đời sống.

Đời sống, đặc biệt là trong khung cảnh của Pháp (Dhamma), là một đầu đề về thiên nhiên (Dhamma jàti). Chữ Pali dhamma jàti được dịch ra là thiên nhiên (hay bản thể) (nature )có thể còn chưa đúng hẳn, nhưng nghĩa cũng đã khá gần. Xin hãy xem đó như có nghĩa là cái gì tự nó hiện hữu ở bên trong nó, tự nó sanh ra nó, và có những qui luật của riêng nó. Cái nghĩa thiên nhiên đó chẳng hề chống đối với con người, khác với sự suy tư của người Tây phương thường nghĩ, mà trái lại nó bao gồm con người, và tất cả những kinh nghiệm của con người, vào bên trong nó. Vậy, chúng ta cần phải hiểu bí ẩn của đời sống, thì mới có thể hiểu được Pháp.

Pháp: Bốn phương diện.

Pháp của đời sống có bốn nghĩa:

1.- thiên nhiên,
2.- qui luật của thiên nhiên,
3.- bổn phận cần phải làm, chiếu theo qui luật đó của thiên nhiên,
4.- các thành quả hoặc lợi lạc do sự thi hành bổn phận đó mang lại.

Xin hãy luôn luôn ghi nhớ bốn nghĩa có liên hệ hỗ tương với nhau đó.

Các bạn hãy cứu xét đến Sư Thật ở bên trong bạn, nơi thân tâm nầy mà bạn thường tưởng như là chính bạn. Bên trong mỗi chúng ta có nhiều thiên nhiên kết hợp nhau thành ra tấm thân, trở nên một chúng sanh. Kế đó, có những qui luật thiên nhiên đang kiểm soắt các thiên nhiên đó. Rồi lại có bổn phận liên quan đến các qui luật thiên nhiên cần phải được các thiên nhiên đó thi hành đứng đắn cho chính các thiên nhiên ấy. Và sau cùng là các kết quả của việc thi hành bổn phận đó. Nếu bổn phận được thi hành đúng đắn, thì kết quả sẽ là an lạc, tĩnh lặng và thoải mái. Tuy nhiên, nếu bổn phận được thi hành chẳng đúng đắn, thì kết quả sẽ là khổ sở (dukkha), bất toại nguyện, thống khổ, đau đớn, bất mãn. Ngay cả ở giai đoạn sơ khởi, xin các bạn hãy quán sát thật kỹ lưỡng và thấy thật rõ ràng nơi mỗi chúng ta đều có đủ bốn phương diện của Pháp(Dhamma) hay thiên nhiên.

Khi chúng ta đã cứu xét kỹ bốn nghĩa đó của thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy ra đời sống chỉ được tạo thành bởi bốn phương diện đó của thiên nhiên. Tuy vậy, giờ đây chúng ta còn phải hiểu rõ bốn phương diện ấy cho thật đúng đắn và đầy đủ. Chúng ta còn chưa đi sâu vào bí ẩn của cái mà ta gọi là đời sống. Chúng ta còn chưa nắm vững được bí ẩn của Pháp (Dhamma), do vậy mà chúng ta chưa đủ khả năng để thực tập theo một đường lối mà ta có thể thâu hoạch được lợi lạc trọn vẹn từ nơi đời sống. Chúng ta hãy dùng nhiều thời giờ hơn nữa để nghiên cứu thêm về các danh từ "Pháp" (Dhamma) và "Bí ẩn của đời sống" hầu có thể rút tiả được lợi lạc nơi chúng.

Phát triển đời sống vượt khỏi sự khổ (Dukkha).

Chúng ta cũng cần xét kỹ đến từ ngữ "phát triển đời sống". Chúng ta vẫn chưa biết được bí ẩn của sự việc nầy. Khi nói phát triển đời sống, chúng ta chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về cái điều chúng ta đang muốn nói đến và còn mờ mịt về tầm mức mà đời sống có thể phát triển được. Chúng ta chưa nhận thức được các lợi lạc tối cao mà nhơn loại có thể vươn lên tới, và vì thế mà chúng ta còn chưa có đủ sự quan tâm cần thiết đến các bí ẩn của đời sống khả dĩ giúp ta đạt đến các mức cao nhứt. Bạn cần nên hiểu rõ đời sống có thể phát triển xa đến tận đâu, tới các cao độ nào, và phải quan tâm đặc biệt về sự phát triển đó.

Ngay tại giai đoạn sơ khởi, chúng ta chỉ cần nắm vững nguyên tắc căn bản nầy: "phát triển đời sống" có nghĩa là "khiến cho đời sống tiến triển đến một giai tầng cao nhứt", tức là, vượt qua khỏi tất cả mọi vấn đề (khó khăn) và sự khổ sở (dukkha), vượt khỏi các ý nghĩa chính yếu và tế nhị mà hai chữ ‘vấn đề" và ‘khổ sở" có thể có được. Với những ai, từ trước đến giờ, còn chưa được nghe đến chữ dukkha, khổ sở, chúng tôi xin cố dịch gượng là "đau khổ, bất toại nguyện, tranh chấp, xao động -- tất cả những gì làm xáo trộn đời sống". Khổ sở (dukkha) là những gì mà chúng ta luôn luôn chạy trốn để khỏi gặp. Nó là điều gì đang khuấy động sự tĩnh lặng và thoải mái của đời sống. Nó cũng là bất cứ điều gì cản trở sự toàn thiện của tâm linh. Khi được phát triển vượt khỏi mọi khổ sở (dukkha), đời sống sẽ đạt đến giai tầng cao nhứt có thể có được.

Vài người còn chưa hiểu biết về các vấn đề (khó khăn) của chính họ. Họ chẳng hiểu được thế nào là khổ sở (dukkha), theo nghĩa tổng quát, hoặc chỉ liên quan đến đời sống riêng của họ. Họ nhìn vào chính họ và thốt lên: "Ồ! Tôi chẳng có vấn đề (khó khăn) nào cả, mọi việc đều yên ổn cả." Họ chịu coi mọi nổi khó khăn và lo lắng của họ như thông thường cả. Chúng ta có giống như vậy không? Ta cần phải có một cái nhìn đứng đắn, nhìn thật kỹ càng trong chi tiết vào đời sống của ta để xem thật ra chúng có điều gì đáng để gọi là một "vấn đề (khó khăn)" chăng. Có khổ sở (dukkha) chăng? Có điều gì chẳng được như ý chăng, hoặc đang làm cho đời ta bị xáo trộn? Những câu hỏi như thế rất cần thiết khi các bạn đến viếng Suan Mokkh nầy. Nếu bạn còn chưa nhìn thẳng vào bên trong bạn, nếu bạn còn chưa lưu ý đến vấn đề (khó khăn) nào, nếu bạn cảm thấy chẳng có khổ sở (dukkha) nào cả, thì bạn còn chưa biết đúng bạn đang làm gì ở đây hoặc bạn chưa rõ được lý do tại sao phải học tập về Pháp (Dhamma). Xin tha thiết mời bạn hãy nhìn cho rõ, cho kỹ về các sự vật đó được gọi là ‘khổ sở" (dukkha), là "vấn đề (khó khăn)", trước khi bạn tiếp tục tiến xa hơn nữa.

Khi nói phát triển đời sống, ta có thể phân biệt bốn phương diện. Phương diện thứ nhứt là ngăn chặn chẳng cho các sự vật gây nguy hiểm đến đời sống, được khởi sanh. Thứ hai là gạt bỏ và phá hủy các sự vật nguy hại đã sanh ra. Thứ ba là tạo dựng các sự vật hữu dụng và có ích lợi cho đời sống. Thứ tư là duy trì và tăng trưởng các sự vật ích lợi đó. Tính chung lại, ta có bốn phương diện phát triển đời sống: ngăn chặn các nguy cơ mới, diệt trừ các nguy cơ cũ, tạo thêm các sự vật đáng mong muốn, giữ gìn và gia tăng các sự vật hữu ích. Bốn điểm đó lập thành điều mà chúng ta gọi là "phát triển đời sống". Phát triển đời sống là bổn phận của chúng ta, chúng ta phải nên nhận định rõ đó là bổn phận của chúng ta, nếu muốn cho sự phát triển được thực hiện.

Để làm tròn bổn phận nói trên, chúng ta cần phải có sẵn trong tay bốn dụng cụ quan trọng, gọi là bốn Pháp khí. Bốn khí cụ về Pháp (Dhamma) đó là: (1) Sati, Giác niệm, tức là sự tỉnh thức, chánh niệm; (2) Sampajanna, Trí phân biện, quán thông, tức là sự thông hiểu thấu suốt; (3) Panna, Bát nhã, tức là trí huệ; (4) Samàdhi, Định lực, tức là tâm ý tập trung lại. Có sẵn đủ bốn Pháp khí đó sẽ giúp ta phát triển được đời sống.

Sự thực tập Vipassanà, Quán chiếu Minh sát, tức là sự phát triển tâm linh, nhắm vào việc vun bồi và huấn luyện tâm thức, khiến cho bốn Pháp khí đó được sung mãn hầu giúp ta phát triển đời sống. Ta nên quan tâm nhiều đến việc tu tập phát triển tâm linh về bốn Pháp khí ấy.

Thứ giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati) mà ta cần đến.

Có rất nhiều đường lối, hệ thống, để đào luyện tâm linh, thường cùng được gọi là Vipassanà, Quán chiếu Minh sát. Có rất nhiều hệ thống và kỹ thuật khác nhau được dùng để phát triển tâm linh. Nhưng trong số tất cả các kỹ thuật mà chúng được biết đến, kỹ thuật tốt nhứt được gọi là Ànàpànasati bhàvanà, Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở, sự tập luyên chánh niệm về hơi thở ra, hơi thở vào. Đấy là sự thực tập mà chúng ta sẽ bàn luận thật chi tiết trong các bài thuyết giảng nầy.

Ý nghĩa đứng đắn và đầy đủ của phép Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati bhàvanà) là nắm lấy một sự thật, hay là thực tế về bản thể thiên nhiên, để quán sát, suy tầm và soi chiếu nó trong nội tâm cùng với mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra. Như thế, giác niệm về hơi thở giúp ta suy nghiệm về bất cứ sự thật thiên nhiên quan trọng nào trong lúc ta đang thở vào và thở ra.

Việc nghiên cứu như thế rất là quan trọng và có một giá trị thật to tát. Nếu ta mong muốn biết rõ một sự thật về điều gì, ta phải nắm lấy sự thật của điều đó để suy nghiệm, quán sát, phân tách và nghiên cứu với nhiệt tâm mỗi khi ta đang thở vào và thở ra. Xin cho phép tôi nhắc lại, đối tượng (của việc quán sát) phải được tác động đến một cách thật liên tục, bền bỉ trong nội tâm. Ngay đây, "liên tục" có nghĩa là "với mọi hơi thở vào và mọi hơi thở ra". Khi thở vào, biết rõ đối tượng đó. Khi thở ra, biết rõ đối tượng đó. Khi thở vào, hiểu rõ đối tượng đó. Khi thở ra, hiểu rõ đối tượng đó. Điều nầy thật hết sức cần thiết và cũng hữu ích vô cùng, để phát triển đầy đủ mọi kiến thức mà ta cần phải hiểu rõ. Việc nghiên cứu như thế sẽ mang đến một sự chuyển hoá nơi tâm trí, tức là vào ngay bên trong của đời sống.

Thật ra, ý nghĩa của Giác niệm về Hơi thở (Anàpànasati) rất rộng rãi và tổng quát. Giác niệm đó có nghĩa là "chánh niệm chiếu soi vào bất cứ điều gì ngay trong lúc thở vào thở ra". Bạn hãy tưởng tượng rằng, trong khi thở vào thở ra, bạn đang nghĩ đến gia đình của bạn nơi hải ngoại, đến mẹ của bạn, đến vợ, chồng, con cái. Điều ấy cũng gọi là Giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati). Nhưng đó chẳng phải là điều mà chúng ta cần làm ở đây. Điều mà chúng tôi đòi hỏi ở bạn là phải niệm đến Pháp (Dhamma), tức là, những sự thật thiên nhiên có thể giải thoát tâm trí ra khỏi sự đau đớn của khổ sở (dukkha). Bạn hãy nắm bắt các sự thật đó để tác động đến tâm trí, tác động một cách hữu hiệu và đầy đủ để có thể vứt bỏ được mọi "vấn đề (khó khăn)", và loại trừ sự khổ sở (dukkha). Nói cách khác, bạn hãy thâu nhận bốn Pháp khí (dụng cụ tinh thần) mà chúng tôi vừa nói qua. Đấy mới thật là Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) hữu dụng bực nhứt.

Bốn điều mà chúng ta cần suy nghiệm.

Giờ đây, đến lượt câu hỏi: "Các điều nào thích nghi, đứng đắn và cần thiết để được nắm lấy như các đối tượng của sự suy nghiệm mỗi khi ta thở vào, thở ra?" Câu trả lời là: các bí ẩn của thân (kàya), các bí ẩn của cảm thọ (vedanà), các bí ẩn của tâm (citta) và các bí ẩn của Pháp (Dhamma). Các bí ẩn của bốn điều đó: thân, thọ, tâm, pháp, là những gì mà ta cần đem vào trong tâm trí để nghiên cứu tại đấy.

Bốn điều đó khá quan trọng, tưởng bạn nên ghi nhớ đến tên của chúng bằng danh từ Pali. Để tiện thấu hiểu rõ ràng và tham chiếu dễ dàng sau nầy, bạn nên nhớ bốn danh từ Pali nầy: kàya, vedanà, citta, dhamma. Chớ nên quên đó là bốn đề tài vô cùng quan trọng. Ta nên xử dụng đến chúng nhiều hơn bất cứ đối tượng nào để huấn luyện và phát triển tâm trí, bởi vì bốn điều đó đã có sẵn nơi chúng ta, và là căn nguyên của biết bao nhiêu "vấn đề (khó khăn)" trong đời ta. Bởi vì chúng ta còn chưa hiểu rõ được chúng, và bởi vì chúng ta chẳng đủ khả năng để điều chỉnh chúng, nên chúng mới trở thành những sự việc đưa ta đến đau khổ. Vì lẽ đó, thật là quan trọng tuyệt đối để phân biệt rõ ràng bốn điều đó: thân, cảm giác, tâm và các pháp(= sự vật).

Giai đoạn I: Thân thể và thân hơi.

Giờ đây, ta hãy cứu xét bốn điều trên đây riêng rẻ nhau ra, bắt đầu với Kàya, Thân. Chữ Pali kàya có nghĩa là "nhóm" và có thể được áp dụng vào bất cứ nhóm, mớ, hay tập hợp nào gồm nhiều sự vật. Trong trường hợp nầy, chữ kàya có nghĩa đặc biệt là một nhóm sự vật được kết hợp với nhau thành nột tấm thân vật chất, thân thể. Tiếng Anh body, thân, cũng có nghĩa là một nhóm. Vậy ta nên thận trọng về ý nghĩa mà chữ thân, chữ nhóm, có thể gợi lên.

Bạn nên nhìn kỹ vào chính bạn để thấy rõ các thân đó được lập thành như thế nào. Có những cơ quan nào ở đó và có cả thảy được bao nhiêu? Thuộc loại yếu tố nào? Bộ phận nào của cơ quan, thành phần nào đã kết hợp với nhau trong thân thể nầy? Sâu xa hơn nữa, có một thành phần rất quan trọng đã nuôi dưỡng các phần còn lại của thân thể nầy, đó là hơi thở. Hơi thở cũng được gọi là kàya, tức là thân, thân hơi, ở ngay trong toàn thể các yếu tố khác. Ta sẽ nghiên cứu tấm thân thể xương thịt đó đã an lập như thế nào và mối tương quan giữa thân thể với hơi thở.

Cái thân hơi rất quan trọng, bởi vì ta thấy rằng nó đã duy trì và kéo dài đời sống nơi các phần còn lại của thân. Tấm thân tổng quát, tức là tấm thân thể xương thịt nầy, thuộc về những sự vật mà ta chẳng thể trực tiếp điều chỉnh được. Sự chỉnh đốn đó nằm ngoài khả năng của ta. Tuy nhiên, có một đường lối để kiểm soát thân thể đó, làm chủ được nó, một cách gián tiếp, nhờ xử dụng đến hơi thở. Nếu ta tác động bằng cách nào đó đến một thân nầy (thân hơi), thì sẽ có một ảnh hưởng nào đó đến với một thân kia (thân thể). Vì lẽ đó ta mới dùng hơi thở làm một dụng cụ để huấn luyện. Hễ canh chừng hơi thở đến một mức độ nào thì ta có thể điều chỉnh tấm thân thể xác nầy được đến mức độ đó. Điểm nầy sẽ được bạn nhận thấy thật rõ ràng, khi bạn đã thực tập đến một giai đoạn đặc biệt của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Trong các bước của giai đoạn I, những bước đầu có liên quan đến thân (kàya), ta nghiên cứu hơi thở theo một cách đặc biệt. Ta ghi nhận mỗi loại hơi thở đến và đi, và hình thức của mỗi hơi thở ra sao. Hơi thở dài, hơi thở ngắn, hơi thở an tịnh, hơi thở ồn ào, hơi thở mau, hơi thở chậm: ta phải ghi nhận và biết rõ về chúng. Với tất cả các loại hơi thở khởi lên, ta phải biết rõ bản thể của mỗi thứ, đặc tánh và công năng của chúng.

Hãy quan sát kỹ các loại hơi thở đã có ảnh hưởng nào đến tâm thân thể chất nầy. Hơi thở ảnh hưởng to tát đến phần còn lại của tâm thân thể chất, và ảnh hưởng đó cần phải được thấy ra cho thật rõ ràng. Quán sát cả hai mặt của mối tương quan ấy cho đến khi nào thấy được chúng liên hệ hỗ tương với nhau và chẳng thể tách rời nhau ra. Thấy rõ rằng cái thân hơi nầy gây ảnh hưởng và "pha chế" (chuyển biến) được cái thân thể kia. Đấy là bước thứ nhứt. Hãy đặc biệt nghiên cứu hơi thở. Hãy biết rõ các đặc tánh của tất cả các loại hơi thở. Rồi thấu hiểu rằng hơi thở liên quan mật thiết với tấm thân thể chất nữa. Nhờ đường lối nầy, ta có thể điều chỉnh thân thể được bằng cách điều chỉnh hơi thở.

Ý nghĩa của các bước đầu trong việc thực tập nầy là hiểu biết được các bí ẩn của kàya, của thân. Ta biết rằng thân hơi, tức là sự hô hấp bằng hơi thở, là một tác viên gây ảnh hưởng đến tấm thân thể chất. Điều bí ẩn quan trọng nầy có thể được dùng để mở khoá các bí ẩn khác trong cơ thể ta, thí dụ như sự kiện dùng hơi thở để làm chủ được thân thể. Chẳng ai ngồi đó mà có thể thư giãn trực tiếp được tấm thân thể chất nầy, nhưng ta đã khám phá ra được rằng, ta có thể làm thư giãn tấm thân thể chất nầy bằng cách làm cho hơi thở trở nên êm dịu. Nếu hơi thở êm dịu thì thân thể cũng êm dịu theo. Đó là cách ta dùng để kiểm soát gián tiếp tấm thân nầy. Về sau. ta còn biết được thêm, nỗi mừng và niềm vui với tất cả các lợi lạc có giá trị khác cùng đi theo với sự lắng dịu hơi thở và sự an tịnh thân tâm.

Giai đoạn II: Cảm thọ là chủ nhơn của ta

Sau khi đã hiểu biết rõ các bí ẩn của Kàya, Thân, ta quay sang các bí ẩn về Vedanà, Cảm thọ. Các cảm thọ (Vedanà) có một năng lực rất mãnh liệt để ảnh hưởng đến con người và các sanh vật khác. Lời tôi nói có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng toàn thể thế gian, người thú, và các loại sanh vật khác, đều tùy thuộc vào các cảm thọ (vedanà). Họ đều sống dưới sự ngự trị của các cảm thọ. Điều nầy có vẻ buồn cười và khó tin, nhưng xin bạn hãy quán sát kỹ lấy mà xem. Đây là một sự kiện thực tế: chúng ta, và cả muôn loài, đều bị bó buộc phải hành động theo lịnh của các cảm thọ. Khi có lạc thọ (sukha vedanà)(cảm giác sướng), chúng ta cố tìm cách có thêm lạc thọ nữa. Các lạc thọ thường đẩy tâm trí theo một hướng nào đó và gây ảnh hưởng đến một loại hành động nào đó. Khổ thọ (dukkha vedanà) (cảm giác đau khổ, chẳng vừa ý) ảnh hưởng đến tâm trí và đời sống của ta, theo một chiều hướng ngược lại, nhưng vẫn dẫn dắt ta đến các phản ứng quen thuộc. Tâm trí phấn đấu chống lại chúng và khiến chúng trở thành các "vấn đề (khó khăn)" để đưa đến sự khổ sở (dukkha). Các cảm thọ có ảnh hưởng rất lớn mạnh đối với các hành động của chúng ta. Toàn thể thế giới đặt dưới quyền chỉ huy của các cảm thọ, mặc dầu cũng có những yếu tố khác xen vào. Thí dụ, như sự khát ái (tanha) (ham muốn quá mức) có thể kiểm soát tâm trí, nhưng chính sự khát ái cũng chịu ảnh hưởng của các cảm thọ. Vì thế, đã biết rõ các cảm thọ có ảnh hưởng mãnh liệt đến tâm trí, ta cần phải nên thấu hiểu các bí ẩn của chúng.

Tôi sắp nói đến một điều mà có lẽ bạn sẽ bật cười, nếu bạn muốn. "Nếu ta làm chủ nổi các cảm thọ (vedanà), ta sẽ nắm lấy được chủ quyền trên toàn thế giới." Ta sẽ đủ sức để kiểm soát toàn thế giới khi ta có thể kiểm soát được các cảm thọ như chúng ta thường đòi hỏi. Rồi ta sẽ canh chừng cả thế giới nầy như hiện nó đang ở vào tình trạng cần được kiểm soát thật cấp bách. Nay, vì có chẳng ai lưu tâm đến việc chế ngự các cảm thọ, cho nên thế giới mới vượt ra ngoài sự kiểm soát đứng đắn. Bạn còn chưa thấy các cuộc khủng hoảng, các vấn nạn khởi lên luôn luôn ư? Chiến tranh, nạn đói, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, các sự việc nầy đều là những hành vi bắt nguồn từ sự thất bại trong việc kiểm soát các cảm thọ của chúng ta ngay tự buổi đầu. Nếu ta kiểm soát được các cảm thọ, ta sẽ kiểm soát được toàn thể thế giới. Đấy là điều mà bạn cần phải nên cứu xét đến.

Nếu ta biết nói đúng theo các lời của Đức Phật, ta sẽ nói rằng nguyên nhân của tất cả mọi việc trên thế giới đều đặt tâm điểm nơi các cảm thọ. Hằng hà sa số hành vi đã xảy ra trên thế giới cũng bởi vì các cảm thọ đã thúc đẩy chúng ta đi đến sự ham muốn, và rồi lại hành động theo đúng các sự ham muốn đó. Ngay cả các sự tin tưởng như đầu thai, tái sanh đều chịu ảnh hưởng của các cảm thọ. Nếu ta đã tin tưởng, ta sẽ ngao du khắp cõi Luân hồi, theo vòng lẩn quẩn của sanh và tử, của thiên đường và điạ ngục. Mọi việc đều bắt nguồn từ các cảm thọ. Kiểm soát được cảm thọ là kiểm soát được nguồn gốc, căn nguyên, sanh quán của muôn việc. Đó cho thấy sự cần thiết phải thông hiểu các cảm thọ một cách đứng đắn và tổng hợp. Và nhờ đó mà ta sẽ có khả năng kiểm soát nổi các cảm thọ để rồi các bí ẩn của chúng chẳng thể nào lừa gạt được ta phải có các hành động điên rồ nữa trong tương lai.

Có ba điểm chánh cần nhận thức về các cảm thọ (vedanà). Thứ nhứt, thông hiểu chính các cảm thọ, sự vật nào đã làm khởi sanh các cảm thọ nơi tâm, và làm tâm bị giao động. Thứ hai, hiểu rõ bằng cách nào các cảm thọ đã ảnh hưởng đến tâm (citta). Cảm thọ đã khơi dậy các tư tưởng, ký ức, lời nói và hành động. Phải nên biết rõ các chuyển biến đó của tâm. Thứ ba, khám phá ra rằng ta có thể kiểm soát tâm tư bằng cách kiểm soát các cảm thọ, cũng giống như cách tấm thân thể chất nầy chịu ảnh hưởng của việc điều hoà hơi thở vậy. Rồi ta mới có đủ khả năng làm chủ tâm ta, bằng cách làm chủ được, một cách đúng đắn, các cảm thọ đang gây ảnh hưởng đến tâm tư. Bí ẩn của các cảm thọ chính là ba điểm chánh yếu nầy:

1.- Hiểu rõ chính các cảm thọ.
2.- Biết các điều gây ảnh hưởng đến các cảm thọ.
3.- Rồi, phải biết cách kiểm soát các điều đ
ã gây ảnh hưởng đến các cảm thọ; cách nầy cũng giống như cách kiểm soát chính các cảm thọ.

Vì hai giai đoạn I và II vừa quacủa sự thực tập đều tuân theo một nguyên tắc chung, nên sự so sánh giữa đôi bên sẽ có ích lợi thêm. Trong giai đoạn I, liên quan đến thân, ta thấy được sự việc gì đã gây ảnh hưởng đến cho tấm thân thể chất, và ta nghiên cứu sự việc đó rất kỹ lưởng từng chi tiết. Ta thấy rõ sự việc ấy đã gây ảnh hưởng đến thân thể; và do điều chỉnh sự việc ấy mà ta có thể kiểm soát được tấm thân thể chất nầy. Đó là đường lối ấy (điều hoà hơi thở) mà ta noi theo để khiến cho thân thể được tĩnh lặng và an hoà. Đối với tâm tư, sự việc gây ảnh hưởng đến các tâm trạng chính là các cảm thọ. Do kiểm soát được các cảm thọ để khiến chúng, chẳng khuấy động được đến các tâm trạng, mà trái lại, gây ảnh hưởng tốt đến tâm tư, ta mới có thể khiến cho tâm trí ta trở nên an tịnh. Thế nên, giai đoạn I liên quan đến Kàya, đến thân thể, và giai đoạn II liên quan đến Vedanà, đến cảm thọ, cả hai đều cùng tuân theo chung một nguyên tắc và song hành với nhau trong phương pháp thực tập.

Giai đoạn III: cái tâm tế nhị.

Trước tiên, ta thực tập để biết các bí ẩn của Thân (Kàya). Kế đó, ta thực tập để biết các bí ẩn của Cảm thọ (Vedanà). Sau khi đã thực tập hai giai đoạn I và II xong, ta sẽ thực tập để biết rõ các bí ẩn của Tâm (Citta). Tâm tư là vị giám đốc và bực lãnh tụ của đời sống. Tâm tư hướng dẫn, còn thân thể chỉ giản dị là một dụng cụ đang bị hướng dẫn. Nếu muốn đời sống được hướng dẫn theo con đường đúng đắn, ta cần phải thông hiểu rõ ràng và chính xác về tâm (citta) cho đến mức mà ta có đủ khả năng để kiểm soát được tâm. Điều nầy đòi hỏi một sự nghiên cứu đặc biệt, bởi vì các sự việc mà ta gọi là tâm trí đó rất là tế nhị, phức tạp, và sâu xa. Ta đâu có thể nhìn tâm bằng mắt thịt, ta cần có một cái gì đặc biệt để "thấy" được tâm. Với giác niệm được huấn luyện tốt, việc nghiên cứu đặc biệt về tâm có thể thực hiện được, nhưng đòi hỏi nơi ta một sự cố gắng vượt bực. Xin bạn chớ vội ngã lòng mà bỏ dở. Mọi người trong chúng ta, ai cũng đủ khả năng để học hỏi, nghiên cứu về tâm, hầu thông hiểu các bí ẩn của nó.

Chẳng thể nào biết trực tiếp được tâm (citta). Ta chẳng thể sờ, chẳng thể xúc chạm trực tiếp đến nó. Tuy nhiên, cũng có thể biết được tâm, qua các tư tưởng. Nếu ta biết được các tư tưởng là như thế nào, ta cũng sẽ biết được tâm là như thế nào. Trên điạ hạt vật chất, để tiện so sánh, ta chẳng thể nào biết trực tiếp thế nào là điện khí, ta chỉ biết điện khí qua các đặc tánh của nó như dòng điện, điện thế, điện lực, v.v. Về tâm, thì cũng như vậy. Ta chẳng thể thể nghiệm trực tiếp về tâm, nhưng ta có thể thể nghiệm về các đặc tánh của tâm, các loại tư tưởng khác nhau. Mỗi ngày, có bao nhiêu loại tư tưởng khởi lên, có bao nhiêu trình độ tư tưởng diễn ra? Bạn hãy quan sát các loại tư tưởng đó. Đó là cách mà ta tìm hiểu trước nhứt về tâm.

Ta khởi đầu nghiên cứu về tâm bằng cách quan sát các loại tư tưởng đang diễn ra trong tâm. Tư tưởng đứng đắn của tâm diễn ra sao, còn các tư tưởng chẳng thích đáng hiện ra cách nào? Các tư tưởng đó có bị cấu nhiễm hay chẳng bị cấu nhiễm? Tâm đang nghĩ theo chiều hướng đứng đắn hay bất chánh, thiện lành hay dữ ác? Hãy quán sát cho đến khi nào tìm biết được rõ tâm qua các loại tư tưởng mà tâm có thể tư duy được. Thế thôi! Bạn chỉ biết sự thật đó đến chừng ấy, rằng bản thể (dhamma jàti) của tâm (citta) là như thế. Đến giai đoạn nầy, nhờ sự tập luyện về thân, kàya, và về cảm thọ, vedanà, (gây ảnh hưởng đến tâm), ta đủ khả năng để hướng tâm theo điều ta mong muốn. Ta có thể khiến tâm suy tư theo nhiều cách, hoặc dừng yên lại. Ta có thể khiến tâm trở nên mãn nguyện, hoặc bất mãn nữa, nếu ta muốn. Tâm có thể thể nghiệm các giai tầng của nỗi mừng và niềm vui. Tâm có thể an trụ, lắng yên, và định tĩnh theo nhiều cách và nhiều trình độ. Cuối cùng, tâm có thể được giải thoát. Ta khiến cho tâm buông bỏ những sự việc mà tâm đã mến yêu, oán ghét và bấu níu vào. Tâm được giải thoát khỏi tất cả các sự việc đó. Đấy là bài học về các bí ẩn của tâm mà ta cần phải thực tập trong giai đoạn III nầy của việc Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati bhàvanà).

Bạn hãy học biết rõ tất cả các trạng thái của tâm. Bạn nên có đủ khả năng để làm cho tâm trở nên thỏa thích và bằng lòng. Rồi bạn hãy buộc tâm dừng lại và trụ yên đó. Sau hết, bạn hãy thúc dục tâm buông bỏ hết mọi sự ràng buộc, tríu mến. Hãy ép buộc tâm phải buông bỏ. Tâm buông bỏ các sự việc đã ràng buộc tâm, và các sự việc đã ràng buộc cũng buông bỏ tâm ra. Đó là những gì cần phải làm để trở nên thiện xảo, lão luyện về đề tài tâm, nơi bài học thứ ba của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Giai đoạn IV: Thành tựu Pháp tối cao (dhamma).

Sau khi đã học các bí ẩn của thân, cảm thọ, và tâm, ta đến giai đoạn thứ tư bàn về Pháp (Dhamma). Như đã có nói trước đây, Pháp, Dhamma, là Thiên nhiên trong mọi ý nghĩa của chữ nầy. Giờ đây, ta nắm lấy sự thật về tất cả các sự vật đó, cái Chơn Lý Tối hậu của tất cả mọi thiên nhiên, mọi bản thể, để nghiên cứu. Đây là điều mà ta thường gọi là "học Pháp". Học nghiên cứu cả sự thật lẫn sự kiện nào là cái bí ẩn tối cao của thiên nhiên. Với sự thông hiểu đó, ta có thể nhìn đời sống theo một chiều hướng tốt nhứt. Ta phải nên học tập về bí ẩn của sự thật đang kiểm soát đời sống, sự thật về vô thường, khổ, vô ngã, không và như thị (aniccam, dukkham, anattà, sunnatà, tathatà).

Vô thường (Aniccam): biết tất cả pháp hữu vi (= sự vật bị điều kiện hoá) đều chẳng thường hằng, và thăng trầm luân lưu.

Khổ (Dukkham): biết tất cả pháp hữu vi, nơi tự thân chúng, chẳng có đủ khả năng đáp ứng được nguyện vọng của chúng ta.

Vô ngã (Anattà): biết tất cả muôn pháp chẳng có tự ngã, chẳng có linh hồn.

Không (Sunnatà): biết tất cả đều rỗng vắng, chẳng có tự thể, chẳng có cái "Ta", hoặc chẳng có cái gì là "của Ta".

Như thị (Tathatà): biết đúng như thế,biết muôn pháp là như thế đó.

Chung nhau lại. Các đặc tánh đó hợp thành Chơn Lý Tối hậu. Ta phải quán sát các sự việc đó mãi cho đến khi nào chúng được hoàn toàn nhận thức, hầu tâm trí chẳng còn bao giờ lạc mất hướng đi. Khi đã thông suốt chơn lý của mọi thực tế rồi thì tâm trí chẳng còn lầm lẫn nữa và luôn luôn biết theo đúng con đường chánh đạo.

Bạn có thể thấy hơi buồn cười, nếu bảo rằng tất cả Chơn lý -- vô thường, khổ, vô ngã, không, như thị -- đều qui kết về như thị (tathatà)(= như thế đó). Có lẽ bạn cũng thấy ngộ nghỉnh khi bảo rằng Chơn Lý Tối hậu của muôn pháp trên hoàn vũ nầy đều rốt ráo quay về với sự "như thế đó". (...) Toàn thể Chơn Lý gom gọn lại thành câu nói hằng ngày, rất tầm thường nầy: "mọi sự việc là như thế đó". Chẳng có gì được xem như: tốt hay xấu, đúng hay sai, lời hay lỗ, chiến bại hay chiến thắng, phước báu hay tội ác, tích cực hay tiêu cực, khi ta nhìn đến Pháp tối cao nhứt. Pháp ấy lại ở ngay tại đây, nơi câu nói "giản dị là như thế", bởi vì sự "như thế đó" nó cao hơn và vươn lên khỏi mọi ý nghĩa về tích cực và tiêu cực, lạc quan hay bi quan, vượt qua cả mọi luận cứ nhị nguyên. Đấy là nét chấm phá sau cùng. Chơn lý cần phải biết đến ở giai đoạn IV nầy chính là sự bí ẩn của thiên nhiên được diễn đạt thành một câu nói hết sức giản dị: "muôn sự vật đều như thế đó, chỉ giản dị là như thế đó".

Giai đoạn đầu là thấy được Pháp đầy đủ. Giờ đây, ta sẽ thấy tâm trí bắt đầu buông bỏ, bắt đầu nới lỏng các sự bấu níu của nó. Các chỗ bấu níu đó sẽ tan biến đi. Điều nầy sẽ được thể nghiệm khi bước vào thực tập về các sự bấu níu. Một khi các sự bấu níu đã được dẹp xong, bước chót là thể nghiệm được điều mà "tâm trí được giải thoát, mọi việc đều được giải thoát". Tuy nhiên, văn kinh lại dùng đến từ ngữ "quẳng trả lại". Đức Phật có nói rằng, đến lúc cuối cùng, ta sẽ quẳng bỏ trả lại tất cả". Ý nghĩa của lời nói đó là, bấy lâu nay, suốt đời, chúng ta đều là phường trộm cắp, vì đã ăn cắp những sự vật của thiên nhiên, lấy đó làm "của Ta", xem đó là "Ta". Chúng ta đã ngu khờ và vì thế mà phải chịu đau khổ. Giờ đây, chúng ta trở nên khôn ngoan hơn nên mới biết từ bỏ hết mọi sự vật. Chúng ta trả chúng lại hết cho thiên nhiên, và kể từ nay chẳng bao giờ lại đi trộm cắp nữa. Đến bước cuối cùng nầy, chúng ta mới nhận thức được ra rằng, "Ồ! Đó là của thiên nhiên, đâu phải của Ta." Và lúc ấy chúng ta mới có thể quẳng trả lại hết về cho thiên nhiên.

Bước cuối cùng được kết thúc ở chỗ đáng buồn cười nầy. Nó chấm dứt với việc chúng ta hết còn là phường trộm cắp nữa, với sự giải thoát khỏi bất cứ hậu quả và ảnh hưởng nào của sự bấu níu, ràng buộc. Bước cuối cùng của sự tập luyện phát triển Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) chấm dứt tại đây. Học được bí ẩn của Pháp là học được sự hiểu biết rằng chẳng có gì đáng để chấp thủ và rồi cũng chẳng chấp thủ vào bất cứ gì. Tất cả đều được giải thoát. Vấn đề nay đã vào chung cuộc rồi và chấm dứt ở đây.

Nếu chúng ta muốn lựa một tên để đặt, ta sẽ nói đó là sự "giải phóng", sự "cứu rỗi". Dường như tất cả mọi tôn giáo đồng có một mục đích và gọi đó bằng một tên chung. Với chúng tôi, ý nghĩa của điều vừa được mô tả ở trên -- chấm dứt sự bấu níu và quẳng trả lại tất cả về cho thiên nhiên -- là sự thông hiểu của chúng tôi về giải phóng. Có lẽ các tôn giáo khác cũng gán cho sự giải phóng các ý nghĩa nào khác nữa, nào ai đã biết chắc? Trong Phật giáo, giải phóng có nghĩa là giải thoát ra khỏi mọi loại và mọi hình thức của sự bám chặt (chấp thủ) để chúng ta có thể sống cuộc đời vượt lên trên thế gian nầy. Mặc dầu thân thể chúng ta còn nương tựa vào thế gian nầy, nhưng tâm trí chúng ta vượt thoát lên khỏi đó. Như thế, tất cả "vấn đề (khó khăn)" của chúng đều biến mất. Đấy là thể thức phát triển tiềm năng cao nhứt của đời sống, bằng đường lối bốn giai đoạn của sự thực tập. Còn nhiều chi tiết khác cần được cứu xét, nhưng tôi xin dành lại vào các buổi pháp thoại sau nầy.

Hôm nay, tôi chỉ đưa ra một đại cương tổng quát về những gì cần làm khi thực tập. Với các dữ kiện bối cảnh đó, việc thực tập sẽ được dễ dàng hơn ở mỗi bước, mỗi giai đoạn. Giờ đây, tôi xin kết thúc buổi pháp thoại nầy.

Bài 2

Bắt đầu dấn bước

Trong bài pháp thoại hôm nay, chúng tôi sẽ nói đến sự thực tập ở giai đoạn I của sự Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) liên quan đến Thân (Kàya). Nhưng tôi xin được báo trước với các bạn, có đến bốn nhóm sự việc mà ta cần phải quán sát. Mỗi nhóm lại bao gồm bốn pháp (dhamma). Như thế, có tất cả là mười sáu pháp. Trong mười sáu pháp đó, chỉ có hai pháp liên hệ đến chính hơi thở thôi. Hơi thở chỉ được quán tưởng trong hai bước. Mười bốn pháp còn lại qui chiếu về các pháp khác. Tổng cộng, có tất cả bốn phần, gọi là bốn bộ bốn (tetrads), mỗi bộ bốn chia ra bốn bước. Hôm nay, tôi sẽ nói về hai bước đầu tiên của bộ bốn thứ nhứt. Đó là sự thực tập quán tưởng về Thân (Kàya).

Các chuẩn bị về vật chất .

Ta khởi sự ngay tại chỗ bắt đầu việc thực tập Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Trước hết, ta cần phải chọn một nơi thích hợp cho việc thực tập. Ta lựa một chỗ nào khá nhứt, biết rằng chẳng làm sao mà có được một nơi thật hoàn hảo. Ta cố lựa một nơi nào yên tịnh và an ổn, đủ điều kiện, thời tiết khá tốt, và chẳng hề bị khuấy rầy. Thế nhưng, khi các điều kiện chẳng được như ý mong muốn, ta cũng nên tạm vui lòng với những gì ta đang có. Thế nào rồi ta cũng phải chọn một nơi nào đó, ở chốn nào đó. Ta phải nên có đủ sức để ngồi quán tưởng ngay cả trên chuyến xe lửa đến từ Bangkok. Đôi khi, ta có thể chú tâm đến hơi thở cho đến lúc chẳng còn nghe tiếng xe lửa đang lăn bánh và chẳng cảm thấy lắc lư khi xe di chuyển.

Điều đó cho thấy rằng ta có thể chọn một điạ điểm và lợi dụng các điều kiện có sẵn theo cách nào tốt nhứt cho ta.

Ta chớ nên để mình bị bất cứ hoàn cảnh nào đánh bại, ngay cả khi ngồi trên xe lửa. Cho dầu ta có đủ các điều kiện hoàn hảo hay không chăng nữa, ta cũng cố gắng lợi dụng chúng đến mức tối đa và thực hành những gì ta có thể làm được. Khi muốn thực tập, ta có thể lợi dụng tiếng xe lửa chạy làm một đề tài quán tưởng. Tiếng "xình xịt xình xịt" của xe lửa lăn bánh trên đường rầy có thể là đề tài quán tưởng, thay vì hơi thở. Như thế ta cũng chẳng từ chối bất cứ điạ điểm nào trên thế giới, cho dầu điạ điểm ấy có thích hợp cùng không. Ta chẳng nên vịn vào cớ nào khác để đòi hỏi phải có cho được một điạ điểm lý tưởng.

Bước chuẩn bị thứ hai tiếp theo là sự dọn mình. Thân thể cần phải được bình thường, chẳng bịnh tật, và chẳng vướng các khó khăn về hô hấp hay tiêu hoá. Đặc biệt hơn nữa, ta cần "sửa soạn" cái lỗ mũi để nó có thể làm tròn nhiệm vụ một cách êm ái và đúng đắn. Vào thời xưa, người ta rót nước trong sạch vào lòng bàn tay, đưa mũi hít vào rồi thổi hắt mạnh ra. Nếu ta làm như thế đôi ba lần, thì mũi trở nên sạch sẽ và hơi thở được thông. Như thế, mũi sẽ nhạy cảm hơn mỗi khi hơi thở ra vào. Đây là một thí dụ làm thế nào để chuẩn bị cho thân thể sẵn sàng.

Thời gian và thầy dạy.

Kế đến, tôi muốn nói đến thời gian và cách chuẩn bị thời gian để thực tập. Một khi quyết tâm thực tập thật sự đàng hoàng, ta cần nên chọn lấy một khoảng thời gian thật thích nghi mà ta có thể tìm thấy được. Bằng không, ta hãy chấp nhận bất cứ thời gian nào ta có thể xử dụng được. Ta đâu cần phải lệ thuộc vào một thời cố định trong ngày. Nếu có thể, ta nên chọn khoảng thời gian nào chẳng bị khuấy rối hay xao lãng. Nếu chẳng có thời gian được như thế, thì ta hãy dùng ngay thời gian khi rảnh rỗi nhứt. Rồi thì tâm trí sẽ học lấy cách giữ sao cho khỏi bị xao lãng dầu có bao nhiêu sự khuấy rối đến làm rộn. Thật ra, ta đang luyện tâm để khỏi bị xao lãng, cho dầu có việc gì đang xảy ra ở chung quanh ta. Tâm sẽ tự học lấy cách khiến tâm trở nên an tịnh. Bạn đừng tự hạn chế mình vào một thời nào khi mọi việc đều êm xuôi cả, làm sao mà tìm ra được một thời như thế? Nhiều người cứ chờ tìm mãi cho đến lúc họ chẳng thấy có thời giờ nào để thực tập quán tưởng. Điều đó chẳng đúng. Bạn hãy luôn luôn mềm dẻo và đủ sức để thực tập vào ngay bất cứ lúc nào.

Điều cần cứu xét tiếp theo là điều mà người ta thường gọi là đi tìm kiếm một vị sư phụ, àcàriya, một bực thầy. Nhưng thật ra, ngay cả trong các hệ thống huấn luyện cổ truyền, người ta cũng ít khi nói đến một vị sư phụ, mà thường gọi vị ấy là một người bạn tốt, một thiện hữu tri thức, (kalyàna mitta) hay là thiện tri thức. Bảo rằng đó là một "người bạn" -- một vị cố vấn có thể giúp đỡ ta được -- thì đúng. Tuy nhiên, ta chớ nên quên nguyên tắc căn bản là chẳng có một ai có thể giúp trực tiếp một ai cả. Thế mà ngày nay, lắm kẻ lại muốn có một vị giáo sư để trông nom canh chừng cho họ! Một người bạn tốt là kẻ nào có sự hiểu biết và kinh nghiệm bổn thân rộng rãi về sự thực tập quán tưởng, hay về bất cứ điều gì mà chúng ta đang nỗ lực thực hành. Mặc dầu người ấy có đủ khả năng để giải đáp các câu hỏi thắc mắc và giải quyết vài khó khăn, nhưng cũng chẳng cần thiết để người ấy phải ngồi bên cạnh ta canh chừng mỗi hơi thở. Một người bạn tốt sẵn sàng giải đáp các câu hỏi và giúp ta vượt qua vài trở ngại, như thế cũng đã quá đủ rồi. Có được một bực thiện trí thức như vậy là một điều chuẩn bị nữa mà ta cần lo thu xếp.

Tư thế ngồi.

Giờ đây, chúng ta xét đến các động tác thực sự của chính việc quán tưởng. Việc đầu tiên phải bàn luận là tư thế ngồi. Thật là cần thiết phải ngồi thế nào cho vững vàng và an toàn, để khi nơi tâm tư, sự tỉnh giác chỉ còn nửa phần, ta chẳng phải ngã té. Bạn hãy có đủ sức để ngồi vững như một ngọn kim tự tháp. Các kim tự tháp chẳng thể nào ngã đổ xuống, vì chúng được xây dựng trên một nền rất vững chãi và bốn sườn xung quanh vươn lên ngay giữa đỉnh. Chẳng cách nào để chúng có thể đổ xuống cả. Bạn hãy nghĩ đến các ngọn kim tự tháp bên Ai cập, đã đứng vững rất lâu đời. Cách tốt nhứt để làm giống như thế là hãy ngồi xếp bằng lại. Duỗi hai chơn ra phía trước, rồi kéo chơn mặt gát lên đùi trái, và chơn trái gát lên đùi mặt. Những ai còn chưa ngồi theo lối ấy lần nào, những ai còn chưa từng ngồi bẹp trên sàn nhà, có lẽ họ cần một thời gian để tập cho thân thể ngồi trong tư thế vừa nói; nhưng mà tư thế đó cũng rất đáng công để tập cho được. Bạn có thể bền chí, từ từ tập luyện thân bạn ráng ngồi như thế đó. Và rồi bạn chẳng bao giờ té ngồi nữa. Chẳng thể nào ngã tới trước, ngã ra sau, hay ngã nghiêng bên hông được. Vào thời xưa, tư thế ngồi như vậy được gọi là thế ngồi kiết già, hay là tư thế hoa sen (padmàsana).

Ngồi thẳng lưng rất quan trọng, với các xương sườn và cột xương sống ngay hàng nhau, chẳng cong vẹo. Các xương sườn cần được nằm chồng vừa vặn lên nhau để ăn khớp với nhau một cách thích hợp. Đó là thế ngồi đúng cách bình thường của thân thể. Cột xương sống làm nơi nương tựa thiết yếu cho hệ thống thần kinh, cho nên ta phải ngồi thẳng đứng lên để cho nó được ngay ngắn. Đây là tư thế ngồi tốt.

Buổi ban sơ, có thể vài bạn còn chưa bao giờ ngồi như thế. Tuy vậy, tôi yêu cầu các bạn nên cố gắng thử tập. Lần đầu tiên, có lẽ bạn xếp được hai chơn phía trước nhưng chưa tréo nhau lại được. Nhưng như thế cũng đủ khi mới bắt đầu. Về sau, bạn kéo được một chơn gát lên đùi bên kia và tréo được một chơn. Sau cùng, bạn sẽ tréo cả hai chơn trong tư thế kiết già, ngồi thế hoa sen. Tư thế ngồi nầy thật vững chắc như một ngọn kim tự tháp và chẳng hề ngả nghiêng khi tâm bắt đầu nhập định, hay vừa đến mức cận định. Cột xương sống thẳng đứng rất là cần thiết, vì có nhiều loại hơi thở khác nhau: khi xương sống cong xuống, có một loại hơi thở; khi xương sống thẳng lên, lại có một loại hơi thở khác hơn hơi thở trước. Vì lẽ đó, bạn phải cố gắng giữ xương sống thật thẳng, dẫu rằng có sự khó khăn ở buổi ban đầu.

Kế đến là hai bàn tay. Cách thoải mái và dễ nhứt là buông thỏng hai bàn tay đặt trên hai đầu gối. Một cách khác là đặt bàn tay nầy vào lòng bàn tay kia. Cách nầy có vẻ hơi thiếu tiện nghi với vài người, vì hai bàn tay sẽ trở nên hâm nóng. Nếu được đặt trên gối, chúng sẽ bớt nóng. Vài nhóm thực tập khuyên nên xếp hai bàn tay (bàn tay nầy lên trên bàn tay kia) với hai ngón tay cái chạm vào nhau, để có được hai bàn tay "nhập định". Áp chặt hai bàn tay vào nhau cũng giúp cho định lực, điều đó cũng tốt. Ở Trung Hoa người ta thường làm như thế. Bạn hãy chọn lấy lối nào bạn thấy thích hợp với bạn: hoặc đặt trên đầu gối ít nóng hơn, hoặc để trên đùi nếu thấy thoải mái, hoặc áp mạnh vào nhau để tăng định lực. (...)

Mắt dịu mát và chú tâm.

Giờ đến cặp mắt. Ta phải nên để mắt mở hay nhắm lại? Nhiều người tin rằng họ phải nhắm mắt lại, vì họ chẳng thể nào quán tưởng được khi mở mắt. Nếu bạn nghiêm chỉnh trong khi thi hành các điều bạn đang thực tập và có đầy đủ dõng tâm thì chẳng thấy có khó khăn chi khi thực tập với đôi mắt mở rộng. Bạn hãy bắt đầu với mắt mở. Mở mắt với quyết tâm nhìn vào chót mũi. Điều nầy chẳng phải là chẳng thể được. Chỉ cần một chút cố gắng là làm được. Nhìn vào chót mũi để cho mắt đừng nhìn lảng sang các sự vật khác. Khi mắt nhắm, ta thường có khuynh hướng thiu thỉu ngủ, vậy nên thận trọng về việc nhắm mắt. Lại nữa, khi nhắm lại thì mắt sẽ trở nên nóng và khô. Quán tưởng với đôi mắt mở sẽ giúp ta giữ được sự tỉnh táo và duy trì được sự dịu mát và thoải mái cho mắt. Hơn nữa, điều nầy sẽ trợ lực cho tâm được tập trung lại và thúc đẩy sự phát triển của định lực (samàdhi, phiên âm: tam ma đề, nghĩa: định lực). Khi định lực được phát triển tới nửa đường, thì tự nhiên đôi mắt tự động nhắm lại. Mí mắt được thư giãn và tất nhiên sẽ khép lại. Chẳng có chi phải lo lắng về điều nầy cả. Kỹ thuật trọn vẹn là bắt đầu với đôi mắt mở, nhìn vào chót mũi cho đến khi nào định lực (samadhi) phát triển, bấy giờ mắt sẽ tự động nhắm lại. Đó là cách săn sóc về mắt.

Thực tập với đôi mắt mở ra, nhìn vào chót mũi là một giai tầng đáng lưu ý về định lực. Nếu ta an lập được tâm tư chăm chú đến chót mũi, ta sẽ chẳng nhìn thấy đến các sự vật khác. Nếu làm được như vậy, thì đó đã là một loại định lực (samadhi) rồi. Ta có được lợi điểm ngay vào lúc mới khởi tập, bằng cách giản dị hướng tâm trụ lại trên chót mũi chẳng nhìn thấy gì khác nữa. Nếu toàn thể tâm tư, nếu tất cả các mối quan tâm, đều gom lại trong việc nhìn lên chót mũi, thế là chẳng còn gì để nhìn thấy ra nữa. Đó là định lực (samadhi), một thứ định lực chẳng phải là không đáng kể. Vì lẽ đó, bạn nên cố gắng thử khởi sự bằng đôi mắt mở ra.

Xin bạn hãy quan sát điều nầy mà bất cứ ai cũng làm được. Ta chú tâm nhìn đến chót mũi, vừa có cảm giác ở mũi lại vừa có cảm giác ở hơi thở. Cả hai việc đó có thể cùng làm một lúc. Dường như cả hai cùng xảy ra đúng vào một lúc, nhưng thật sự thì không như vậy. Sự kiện nầy cũng chẳng có gì khác thường, hay siêu nhiên cả. Do vì tốc lực rất nhanh của tâm, cho nên trong khi mắt nhìn vào chót mũi, hành giả vẫn hay biết đến hơi thở ra, hơi thở vào. Điều đó, chính bạn sẽ tự mình nhận thấy ra như thế.

Theo dõi hơi thở với giác niệm.

Rốt cuộc rồi ta cũng đi đến việc ghi nhận, việc quán tưởng về hơi thở. Để khởi đầu, ta cần phải có giác niệm (Sati), tức là sự hay biết hoặc sự tỉnh giác. Ta bắt đầu xử dụng giác niệm bằng cách chú tâm vào mỗi hơi thở vào, mỗi hơi thở ra. Ta huấn luyện giác niệm bằng cách ghi nhận rằng ta sắp thở vào hoặc sắp thở ra. Hãy để hơi thở tiếp tục một cách thoải mái và bình thường. Hãy để cho hơi thở được tư nhiên. Đừng can thiệp chút nào vào hơi thở. Rồi thì quán sát kỹ mỗi hơi thở với giác niệm. Ta thở vào như thế nào? Hơi thở ra ra làm sao? Hãy dùng giác niệm để ghi nhận hơi thở bình thường. Trong buổi đầu, ta tập luyện và phát triển giác niệm với kỹ thuật thường được gọi là "theo dõi" hay "đuổi theo". Hơi thở vào, bắt đầu từ chót mũi và ta tưởng tượng như nó tận cùng nơi rún. Hơi thở ra, ta tưởng tượng như bắt đầu nơi rún và chấm dứt ở chót mũi. Ở giữa chừng là khoảng không gian mà hơi thở di chuyển vào và ra. Giác niệm quan sát các đặc tánh của sự di chuyển vào và ra đó, từ nơi chót mũi cho đến rún, và rồi tới lui, tới lui... Đừng để cho có kẽ hở, cũng đứng để cho có đứt khoảng. Đây là bài học thứ nhứt: quán sát hơi thở với giác niệm (sati).

Ta chẳng phải là nhà giải phẩu, nhưng ta cũng biết rằng hơi thở chỉ đi vào phổi, và hơi thở chẳng đi xuống trọn con đường cho đến rún. Ta chỉ tưởng tượng rằng hơi thở chấm dứt ở rún, và chẳng cho đấy là sự thật đâu. Đó chỉ là một sự giả định căn cứ trên cảm giác của ta cùng với sức nhạy cảm đang ứng với sự di chuyển của hơi thở. Khi thở, ta "cảm thấy" sự di chuyển xuống đến tận rún. Ta dùng cảm giác đó làm căn bản cho việc thực tập của chúng ta và theo dõi hơi thở ở khoảng giữa từ chót mũi đến rún.

Sự phân biệt giữa việc có phải chính giác niệm đã theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, cùng với việc có phải giác niệm đã thúc dục tâm phải theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, ngay trong lúc nầy, còn chưa mấy quan trọng. Điều quan trọng duy nhứt là hiện nay là phải quan sát hơi thở như thể là đang rượt đuổi theo hơi thở mà chẳng để bị lạc mất nó. Hơi thở vào trong và ngưng lại một chốc. Kế đó, hơi thở ấy đi ra rồi ngưng một chốc. Vào và ra, vào và ra, với nhiều hơi thở ngắn hơn xen vào ở giữa. Hãy ghi nhận tất cả và đừng bỏ sót để bất cứ gì thoát khỏi được. Đừng để có khoảng trống mà tâm có thể đi lang bang. Hãy giữ chặt tâm luôn luôn cắm sâu vào hơi thở vào và ra.

Đấy là bài học thứ nhứt cần được tập luyện. Có thể chẳng dễ gì đâu nhé. Có thể nó đòi hỏi ba ngày, ba tuần, hay ba tháng cho đến khi nào bạn đã đủ sức làm được như thế. Đó là sự việc mà ta cần làm ngay trong bước thứ nhứt. đây, tôi chỉ giản dị giải thích phương pháp tập luyện thôi. Các bạn có thể chẳng tiến được xa bao nhiêu trong một khoá tu học mười ngày như thế nầy, nhưng điều quan trọng là biết rõ những gì cần phải làm và bắt đầu dấn bước. Một khi các bạn đã thông hiểu đúng đắn phương pháp rồi, thì các bạn có thể thực tập lấy cho đến khi các bạn thành công. Vậy, hãy bắt đầu quán sát hơi thở giữa hai tiêu điểm đó mà chẳng để cho tâm có được cơ hội chạy lang bang theo việc gì khác.

Nhiều loại hơi thở.

Trong việc thực tập sự theo dõi hơi thở, ta có dịp quán sát nhiều đặc điểm khác nhau của hơi thở. Ta có thể cảm nhận được nhiều sư việc. Thí dụ như, ta cảm được chiều dài và chiều ngắn của hơi thở. Ta học một cách tự nhiên về hơi thở dài và hơi thở ngắn. Rồi ta lại học được hơi thở thô và hơi thở tế. Lại nữa, ta quan sát được hơi thở êm dịu với hơi thở khó khăn. Về sau, ta sẽ quan sát sự phản ứng đối với các đặc tánh đó. Trong bước thứ nhứt, bạn hãy quán sát các loại hơi thở nầy: dài và ngắn, thô và tế, nhẹ nhàng và nặng nề. Hãy bắt đầu quán sát các loại hơi thở đó bằng cách dùng giác niệm (Sati) mà cảm nhận được chúng.

Ta còn cần học tập cách quán sát trong chi tiết kỹ hơn, tức là, quán sát phản ứng hay ảnh hưởng của các loại hơi thở. Chúng đã gây ra những phản ứng nào? Chúng ảnh hưởng ra sao đến sự hay biết của ta? Thí dụ như, hơi thở dài ảnh hưởng như thế nào đến sự tỉnh giác của ta? Phản ứng nào xảy ra khi thở hơi ngắn? Hơi thở thô phù và hơi thở tế nhị, hơi thở êm dịu và hơi thở khó khăn, đã có những ảnh hưởng nào? Ta quán sát các loại hơi thở khác nhau và các ảnh hưởng dị biệt của chúng cho đến khi nào ta có thể phân biệt rõ ràng thế nào là hơi thở dài chẳng giống với hơi thở ngắn, hơi thở thô khác với hơi thở tế, hơi thở êm dịu bất đồng với hơi thở khó khăn. Ta phải nên thấu biết rõ về các đặc tánh của các hơi thở, các loại ảnh hưởng của chúng đã tạo nên, và các phản ứng về cảm tính, về tỉnh giác của tâm trí ta đối với chúng.

Song hành với sự quán sát vừa kể, ta còn cần tìm nếm đến các hương vị của các loại hơi thở. Hương vị của chúng chính là sự khởi lên các loại cảm thọ như hỉ lạc, ưu bi, khổ sở, phiền muộn, và mãn nguyện. Hãy quán sát và thể nghiệm các hương vị, tức là hậu quả đã được gây nên, đặc biệt là hơi thở dài, hơi thở ngắn, thô và tế, êm dịu và khó khăn. Hãy khám phá ra tại sao chúng lại có hương vị khác nhau. Thí dụ như, ta sẽ thấy hơi thở dài thường mang đến một cảm quan lớn lao về an hoà và phước lạc, nó có một hương vị vui sướng nhiều hơn một hơi thở ngắn. Mỗi loại hơi thở mang đến một loại hương vị vui sướng khác nhau. Ta học tập được cách phân tách và phân biệt hương vị bất đồng của các loại hơi thở khi ta quan sát chúng.

Sau cùng, ta sẽ khám phá ra các loại nguyên nhân đã khiến cho hơi thở trở nên dài, ngắn khác nhau. Tự mình, ta từ từ khám phá ra được các nguyên nhân đó. Điều nào đã khiến cho hơi thở dài ra? Hơi thở dài đem lại một khí sắc như thế nào? Còn hơi thở ngắn thì sao? Như thế, ta nhờ đó mà biết được những nguyên nhân và điều kiện gây ra hơi thở dài, ngắn khác nhau.

Có một cách giúp ta điều chỉnh được hơi thở dài hay ngắn ngay trong các bước đầu tiên. Nếu ta muốn học cách đó, thì ta có một kỹ thuật gọi là "đếm". Thí dụ như, trong thời gian của một hơi thở vào, ta đếm đến năm, bắt đầu từ một cho đến năm. Nếu trong thời gian đó, ta đếm được đến mười, từ một đến mười, thì hơi thở theo đó đã dài ra chừng ấy. Trong thời gian một hơi thở thường, ta chỉ đếm được đến năm. Trong thời gian một hơi thở ngắn, có thể ta chỉ đếm tới ba thôi và lúc ấy thì đổi hơi thở, nếu ta muốn. Lúc nào cũng nên đếm cùng một nhịp độ, vì nhịp độ nhanh chậm nếu bị thay đổi thì ảnh hưởng của sự đếm nhiều hơn hay ít hơn sẽ bị huỷ mất. Nhờ sự đếm mà bề dài của thời gian hơi thở được điều chỉnh lại. Ta có thể kéo dài, hoặc rút ngắn các thời gian đó lại với kỹ thuật đặc biệt nầy. Nhưng ta chẳng cần phải dùng đến kỹ thuật ấy luôn. Đấy chỉ là một cuộc thử nghiệm nhỏ, để lâu lâu ta điều chỉnh lại hơi thở hoặc để tìm biết về hơi thở kỹ lưỡng hơn. Bạn có thể làm thử như thế, nếu bạn muốn.

Bước một: Hơi thở dài .

Đến đây, ta đã phát triển được một sự hiểu biết sơ khởi thích hợp về hơi thở. Ta biết được các loại đặc tánh của hơi thở: dài, ngắn, thô, tế, êm dịu, khó khăn. Sự hiểu biết của ta nới rộng đến các sự việc có liên hệ với hơi thở, các phản ứng cùng ảnh hưởng của các đặc tánh đến tâm tư ta. Ta cũng biết cả cách kiểm soát chiều dài của mỗi hơi thở. Việc kế tiếp phải làm là bước vào sự luyện tập với chúng. Giờ đây, ta đã hiểu biết rõ tất cả mọi sự việc đó, ta bắt đầu sự tập luyện với hơi thở dài.

Ta đang đi đến bài học thứ nhứt, bước một, tức là sự quán tưởng về hơi thở dài. Ta có thể thở dài hơi bất cứ lúc nào ta cần đến. Ta đã học cách kéo dài hơi thở ra và giữ nó như thế. Trong bài học thứ nhứt nầy, ta sẽ chỉ khảo sát riêng về hơi thở dài mà thôi. Ta nghiên cứu bản thể của hơi thở dài và tất cả các sự kiện liên quan đến nó. Khi có hơi thở dài, hơi thở đó có thích thú không? Hơi thở đó tự nhiên và tầm thường như thế nào? Tình trạng êm ả và hoan lạc nào đã có mặt? Hơi thở dài khác với hơi thở ngắn ở những điểm nào? Đây là cách ta đang học tập nghiên cứu về hơi thở dài, ứng dụng theo phương pháp vừa được mô tả ở trên, để khám phá ra các đặc tánh, ảnh hưởng và hương vị của hơi thở dài. Ở đây, chỉ học tập về hơi thở dài mà thôi. Bạn hãy ngồi yên và điều nghiên kỹ chỉ riêng về hơi thở dài. Đó là bài học thứ nhứt: hiểu biết được tất cả những gì có liên quan đến hơi thở dài.

Sau cùng, ta cần quan sát thân thể tác động liên quan như thế nào với hơi thở dài. Khi hít vào một hơi thở dài, thân thể chuyển động ra làm sao? Ở chỗ nào có sự nở rộng ra? Ở nơi nào thân thể thu rút lại? Khi có một hơi thở thật dài và sâu, ngực có nở ra hay rút lại không? Còn bụng, có phình lên hay xẹp xuống không? Đấy là những sự việc mà ta cần quan sát. Khi quan sát như thế, rất có thể bạn học được, thân thể đã chuyển động một cách khác hơn bạn đã tưởng. Phần đông người ta thường nghĩ quá giản dị rằng khi thở vào thì ngực nở ra và khi thở ra thì ngực thu rút lại. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hơi thở thật kỹ lưỡng, ta thấy khi hít vào một hơi thở thật dài thì bụng co lại và ngực nở ra. Với một hơi thở dài đến mức tối đa, thì bụng lại nở ra và ngực lại xẹp xuống. Ta thấy nó khác hẳn với sự tin tưởng thông thường. Ta đừng bao giờ nên xem bất cứ việc gì như là một sự thật đã được có sẵn từ trước. Bạn cũng còn cần phải tìm hiểu cho rõ ràng ngay cả về các sự kiện thiên nhiên căn bản nhứt nữa.

Ta nghiên cứu mọi sự việc liên quan đến hơi thở dài và học tập các bí ẩn của nó để biết rõ được về bản thể. Ta đủ khả năng để quán tưởng chiều dài hơi thở. Ta đủ sức để duy trì và bảo vệ hơi thở dài. Đìều đó có nghĩa là ta trở nên thiện xảo về các vấn đề có liên quan đến hơi thở dài. Vậy, thực tập thở hơi thở dài là bài học thứ nhứt.

Một điều vô cùng quan trọng cần phải học là mối liên hệ hỗ tương giữa hơi thở và thân thể. Cả hai kết nối với nhau thật chặt chẽ. Bạn hãy khám phá ra các hiệu quả của hơi thở dài lên trên thân thể, và phát hiện ra các niềm vui sướng và an lạc được mang đến. Về sau nầy, bạn sẽ biết được điều bí ẩn nầy: có hai thân: thân thể và thân hơi, tức là, tấm thân vật chất nầy với các luồng hơi thở. Ngay ở giai đoạn sơ khởi nầy, bạn cũng nên quan sát điều đó cho thật cẩn thận, mặc dầu chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về điều đó, đặc biệt là ở bước thứ ba.Ngay tại bài đang học đây, ta nên nhận thức rõ rằng thân thể với hơi thở liên kết với nhau như thế nào. Do đó, xin bạn hãy quán sát kỹ lưỡng hơi thở khi dài khác với hơi thở khi ngắn ra làm sao, và ảnh hưởng của chúng đã gây ra cho thân thể. Ta càng vững niềm xác tín thêm -- qua kinh nghiệm bản thân, chớ chẳng phải qua suy tư, lý luận -- rằng hơi thở kết hợp thật mật thiết với tấm thân vật chất.

Bước hai: Hơi thở ngắn.

Bài thứ nhứt về hơi thở dài đã được học xong. Ta có thể bước sang bài thứ hai về hơi thở ngắn. Thật ra, ta chẳng có chi nhiều để nói về sự thực tập ở bước nầy, vì cách hành trì cũng giống với bước thứ nhứt. Điểm sai biệt duy nhứt giữa hai bước là ở bài thứ hai ta xử dụng đến loại hơi thở ngắn. Những gì đã học về hơi thở dài, ta cũng học tương đương như thế với hơi thở ngắn.

Thí dụ như, ta quan sát và cảm nhận ngay rằng hơi thở dài mang đến sự êm dịu và thoải mái, trong khi đó hơi thở ngắn đưa tới sự bất bình thường tức là, sự bất an, xao động và thiếu thoải mái. Với sự thông hiểu đó, ta biết cách làm thế nào cho thân thể trở nên thoải mái, hoặc chẳng thoải mái, bằng phương pháp điều chỉnh hơi thở. Ta cần hiểu rõ sự sai biệt bổ túc cho nhau giữa hai loại hơi thở nầy, càng rõ ràng càng tốt. Vậy, trong bài thứ hai nầy, ta quan tâm đặc biệt đến hơi thở ngắn. Hãy nghiên cứu mọi khía cạnh, mọi đặc tánh của hơi thở ngắn cho đến khi bạn hiểu thật rộng rãi về nó cũng như bạn đã hiểu về hơi thở dài. Mặc dầu hai loại hơi thở có bản thể đối ngược nhau, nhưng phuơng pháp nghiên cứu cả hai cũng đồng nhất.

Điểm chú tâm thật đặc biệt ở đây là sự quan sát khi ta thở hơi dài thì hơi thở đó trở nên tế nhị. Còn khi ta thở hơi ngắn, hơi ấy lại thô phù. Khi ta đã học được cách làm cho hơi thở trở nên tế nhị hay thô phù theo ý ta muốn, thì ta có thể ứng dụng sự hiểu biết đó để đem phần lợi lạc về cho ta. Lợi lạc đó là hơi thở tế nhị làm lắng dịu thân thể ta.

Hơi thở ấy trở nên mát dịu. Khi ta muốn thân thể ta trở nên thanh lương, thì ta thở hơi thở tế nhị. Và khi muốn hơi thở trở nên tế nhị, ta chỉ cần thở hơi thở dài ra. Đây là một điều mà ta rất cần học và cần tập.

Một thí dụ khác là khi ta giận thì hơi thở trở nên ngắn. Khi có hơi thở ngắn, thì thân thể trở nên bị xáo trộn và bị phiền rộn. Nếu ta có thể thở hơi dài hơn thì cơn giận chẳng thể nào tiếp tục lâu được nữa. Khi ta giận, hơi thở sẽ ngắn và thô phù, và rồi thân thể cũng trở nên thô phù theo. Ta có thể đẩy cơn giận đi ra xa bằng cách thở hơi dài và nhẹ. Thân thể sẽ được thư giãn và cơn giận kia sẽ biến mất. Đây là một trong các thí dụ của sự liên hệ hỗ tương mật thiết giữa hơi thở, thân thể và tâm tư. Đấy là điều mà ta cần thông hiểu về sự liên hệ và dị biệt giữa hai loại hơi thở dài và ngắn. Ta cần nên thể nghiệm điều đó, tự mình cảm nhận lấy điều đó, thực tập điều ấy cho tinh chuyên và thiện xảo.

Thổi bay đi các tình cảm.

Để tóm tắt hai bước đầu: ta có thể điều chỉnh, kiểm soát, giới hạn và chế ngự các tình cảm bằng cách vận dụng hơi thở. Ta có thể khiến cho tình cảm trở nên đứng đắn, hữu dụng và lợi ích, qua hơi thở. Xuyên qua sự thông hiểu về hơi thở, ta phát triển được khả năng kiểm soát chính hơi thở. Nếu ta luyện tập được hơi thở, thì ta cũng kiểm soát được các tình cảm, tức là, thích ứng được với niềm hoan lạc và sự thống khổ của đời ta. Hãy thực tập cho đến khi nào bạn cảm nhận được điều đó. Sự luyện tập sẽ còn dở dang, nếu ta còn chưa thấy rõ điều đó.

Khi bạn đang ngồi quán tưởng, có một con muỗi chích bạn, tâm bạn khởi lên một tư tưởng bất thiện. Làm cách nào đuổi đi được tư tưởng xấu đó? Đuổi nó đi bằng cách cải thiện hơi thở: khiến hơi thở trở nên dài hơn, tế nhị hơn và đủ sức thổi bay đi cái tình cảm chẳng lành đó. Đó là cách tốt nhứt để giải quyết một vấn đề như thế. Đấy lại là một thí dụ khác nữa về sự ích lợi của việc thông hiểu và về các khả năng mà chúng ta hiện đang thực tập để phát triển.

Các đề tài cùng các quan điểm cần được học tập nơi bài thứ nhứt về hơi thở dài và bài thứ hai về hơi thở ngắn, đều giống nhau. Điểm sai biệt duy nhứt là mọi sự việc đều bổ túc cho nhau. Số lượng và chủng loại các sự việc cần học tập đều bằng nhau. Nhưng chỗ khác nhau giữa hơi thở dài và hơi thở ngắn đã đưa đến nhiều loạt sự kiện bổ sung cho nhau.

Vâng, thời gian dành cho buổi pháp thoại hôm nay đã chấm dứt. Chúng ta chỉ có thời giờ để bàn luận bước một và bước hai thôi. Ta sẽ xét đến các bước khác trong bộ bốn thứ nhứt vào ngày mai. Hôm nay xin ngưng tại đây.

Bài 3

An tịnh thân hành

Hôm nay, tôi xin nói về các bước thứ ba và thứ tư trong bộ bốn thứ nhứt(1st tetrad), tức là các bướccòn lại có liên quan đến Thân (Kàya).

Bước thứ ba: Thể nghiệm mọi thân.

Trong bước thứ ba, mục tiêu là sự thể nghiệm tất cả các Thân (Kàya). Cốt lõi của bước nầy là trong khi thở vào, thở ra, hành giả cảm nhận đến tất cả thân (Kàya, nhóm, tập hợp). Ta đã bắt đầu quan sát, trong khi thực tập hai bước đầu tiên, rằng hơi thở là một tác viên gây điều kiện đến tấm thân vật chất bằng xương bằng thịt của chúng ta. Và bước thứ ba nầy cũng chẳng có gì mới mẻ, ta sẽ giản dị quan sát thêm cho sâu xa, rõ ràng, và thận trọng hơn trong hai bước trước. Ta quán tưởng một cách phân biệt rõ ràng hơn về sự kiện là ta có hai thân (Kàya). Liên tục, chẳng gián đoạn, bạn hãy quan sát điều đó trong khi thở vào và thở ra.

Hành giả phải nên nhớ lại một cuộc quan sát mà ta đã thể nghiệm trước đây, nhớ lại sự kiện là hơi thở là động lực tạo nên điều kiện, gây ảnh hưởng đến tấm thân xác thịt. Ta sẽ phân biện rõ giữa hai sự vật (thân và hơi thở), nhưng ta lại gọi cả hai là thân, kàya.Hơi thở là một thân, với nghĩa, đó là một sự tập họp, một nhóm. Thân thể chất cũng là một thân, một kàya, đó cũng là một sự tập họp (nhiều cơ quan, bộ phận). Có hai nhóm, hay là hai thân: một nhóm là hơi thở gây ảnh hưởng đến nhóm kia là tấm thân thể chất. Bạn hãy phân tách kinh nghiệm nầy để thấy thật rõ ràng rằng hiện có hai nhóm, hay hai thân. Và hãy xem cho rõ hai thân đó đã ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Hãy quán tưởng đến chúng, một cách càng ngày càng nhấn mạnh, cho đến khi nào thấy được thật hiển nhiên.

Khi nghe nói đến từ ngữ "thân" (Kàya), xin bạn hãy hiểu từ ngữ đó bao trùm ý nghĩa của chữ "nhóm". Trong văn kinh thuộc Kinh điển hệ Pali, Đức Phật dùng chữ kàyanhư vầy: sabbakàyampatisamveti (thể nghiệm mọi thân) (...) Từ ngữ nầy chẳng phải chỉ áp dụng riêng cho tấm thân vật chất của con người mà thôi, lại còn ứng dụng vào các sự vật khác nữa. Thí dụ như trong tiếng Pali, một đội quân lính cũng là kàya, một kàya quân lính. Kàya, thân, có nghĩa là một nhóm, một đống, một tập hợp; xin đừng hiểu một cách hạn chế chữ ấy như chỉ là một tấm thân xác thịt. Hơi thở được gọi là thân, (Kàya) hoặc một nhóm. Muốn hiểu được "thể nghiệm mọi thân" là gì, ta cần phải biết nghĩa đúng đắn của chữ "thân" rồi mới thấy được cả hai nhóm, nhóm hơi thở và nhóm thân thể.

Mục tiêu đặc biệt của bước thứ ba nầy là ta phải biết rằng có hai nhóm và một nhóm nầy lại nuôi dưỡng, hộ trì và tạo nên điều kiện có ảnh hưởng đến nhóm kia. Nhóm hơi thở nuôi dưỡng nhóm thân thể. Thật ra, ta đã có kinh nghiệm về điều đó ngay từ khi mới bắt đầu thực tập Quán tưởng Giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati). Trước đây, ta đã thể nghiệm rằng khi hơi thở thô phù thì thân thể trở nên trầm trệ và khi hơi thở được tế nhị thì thân thể lắng dịu xuống. Ta đã quan sát các sự kiện đó trong khi thực tập bước thứ nhứt và bước thứ hai. Tại bước nầy, ta đặt nặng sự quan tâm đến bí ẩn đó cho đến khi nào nó trở thành rõ ràng tuyệt đối. Có hai nhóm. Một nhóm nuôi dưỡng và gây ảnh hưởng đến nhóm kia. Bạn hãy biết rõ chỗ sai biệt giữa chúng.

Ba nghĩa của chữ Hành (sankhàra).

Chúng ta đang làm một thí nghiệm nội tâm về hai thân đó đang ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Cái thân làm nguyên nhân gây ra điều kiện có ảnh hưởng được gọi là thân hành (kàya sankhàra), để phân biệt với tấm thân kia, cái thân đang chịu ảnh hưởng, đang nhận lấy các điều kiện, được gọi là thân bị điều kiện hoá. Bạn hãy nghiền ngẫm trong tâm sự kiện đó, xem nó như một cái gì bằng vật chất có thể sờ mó, tiếp xúc đến được. Bạn hãy thấy cho thật rõ một nhóm nầy đang gây điều kiện và điều dưỡng nhóm kia. Bạn hãy thấy cho thật rõ cả hai cùng khởi lên một lượt, cùng biến diệt một lượt, cùng trở nên thô phù một lượt, cùng trở nên tế nhị một lượt, cùng tiến triển một cách thoải mái, và cùng trở nên bất an cũng một lượt. Bạn hãy nhận thức cho rõ chúng liên hệ thật mật thiết với nhau như thế nào. Đấy là tất cả những gì cần phải hiểu thật rõ về ý nghĩa của câu nói "thể nghiệm mọi thân". Canh chừng cả hai thân và thấy rõ chúng đang ảnh hưởng lẫn nhau. Điều nầy thật là cần thiết để có thể thấy được Chơn lý một cách quảng bác hơn, tức là, nhận thức được đặc tánh vô ngã (anatta). Khi quan sát đúng đắn mối tương quan đó, ta thấy rõ những gì xảy ra chỉ giản dị là một tiến trình tự nhiên tạo nên ảnh hưởng. Chẳng hề có một tự ngã (atta) nào, chẳng hề cái "Ta" nào, cũng chẳng hề có một cái gì thường được gọi là "linh hồn" trong đó cả. Sự thông hiểu nầy vô cùng hữu ích, mặc dầu điều đó vượt hơi xa đối với mục tiêu hiện tại của bướcthực tập nầy. Hiện giờ, ta chỉ cần thông hiểu về sự kiện tạo điều kiên gây ảnh hưởng, vừa đủ để ta có thể điều chỉnh thân thể, tức là tấm thân xác thịt, xoa dịu để lắng yên nó, bằng cách điều chỉnh lấy thân hơi, tức là cái nhóm hơi thở.

Tôi muốn nhơn cơ hội nầy bàn luận thêm về ba nghĩa của chữ Hành (Sankhàra). Đây là một danh từ hết sức thông dụng và quan trọng trong Kinh điển hệ Pali, nhưng có lắm người gặp khó khăn với chữ nầy, vì nó được dùng đến với nhiều nghĩa khác nhau. Ngôn ngữ thì thường là như thế, chẳng được chắc chắn và ít đáng tin cậy. Có mỗi một chữ Hành, Sankhàra, mà có đến ba nghĩa:

(1) nghĩa: tác viên gây điều kiện, tức là nguyên nhân đã tạo điều kiện để gây ra ảnh hưởng;
(2) nghĩa: điều kiện,
tức là tình trạng kết quả của động tác đã gây ra ảnh hưởng;
(3) nghĩa: tác động của điều kiện, tức là chính các động tác trong tiến trình tạo thành ảnh hưởng.

Ta có thể dùng chữ Hành, Sankhàra ấy để nói đến vấn đề các điều kiện gây thành ảnh hưởng, vừa chủ thể gây ảnh hưởng, vừa đối tượng chịu ảnh hưởng và cả cái động tác gây ra ảnh hưởng nữa. Như thế thì dễ cho các bạn lầm lẫn thật, nhưng xin bạn hãy cứ nhớ chữ Sankhàra, Hành, đến ba nghĩa, và cái nghĩa đúng của nó thì còn tùy theo vị trí của nó trong khung cảnh của bài văn. Kiến thức nầy rất có ích cho sự nghiên cứu sau nầy của bạn.

Bạn hãy học tập về ba nghĩa đó của chữ Hành ngay trên tấm thân thể chất của bạn. Đâu cần gì phải nghiên cứu trong sách vở, hoặc theo một đường lối lý thuyết nào. Thân thể nầy chính là một hành (sankhàra). Nó bị điều kiện hoá bởi một số các nguyên nhân và bởi các yếu tố đã tạo nên nó. Do đó, thân thể nầy là một hành, với nghĩa là một điều kiện, một tình trạng chịu điều kiện hoá. Khi thân thể nầy hiện hữu, nó chính là nguyên nhân làm khởi sanh lên nhiều sự việc khác, như tư tưởng, cảm thọ, và hành động. Nếu chẳng có tấm thân nầy thì các tư tưởng và hành động chẳng thể nào hiện khởi được. Do đó thân thể nầy là một tác viên tạo điều kiện, bởi vỉ chính nó đã gây nên các động tác vừa nói. Sau cùng, ngay trong tấm thân hành (sankhàra kàya) bằng xương thịt nầy của chúng ta, hiện đang diễn ra một tiến trình điều kiện hoá chẳng ngừng. Vậy ta có thể khám phá ra ba phương diện của Hành (Sankhàra) ngay trong thân thể. Bạn hãy nghiên cứu nghĩa của Hành theo cách bao quát hàm súc đó. Rồi bạn sẽ thấy việc nhận thức về Pháp (Dhamma) càng ngày càng thâm sâu hơn, sẽ được dễ dàng và tiện lợi, khi bạn tiến triển trên đường tu tập.

Thể nghiệm Hành (sankhàra).

Nơi bước thứ ba -- "thể nghiệm mọi thân", thể nghiệm cả hơi thở và thân thể -- mỗi ý nghĩa trong ba nghĩa vừa nói của chữ Hành, (Sankhàra) được thực tập. Trước nhứt, ta quán sát thân thể chất như một sự vật được điều kiện hoá bởi hơi thở. Kế, ta xem hơi thở như một tác viên gây nên điều kiện có ảnh hưởng đến thân thể. Và sau chót là chúng ta quan sát cái tác động điều kiện hoá luôn luôn xảy ra cho cả hai, hơi thở và thân thể. Như thế, trong việc thực tập bước thứ ba, ta thấy rõ được cả ba: điều kiện, chủ thể gây điều kiện và động tác tạo ra điều kiện. Sự điều kiện hóa của thân thể là giai tầng vật lý của hành (sankhàra). Ta còn chưa thấy việc nầy ở giai tầng tâm linh. Bước thứ ba chính là việc làm để thấy được, ngay trong nội tâm ta, đủ cả ba giai tầng đó khởi lên đồng thời và liên tục. Rồi thì ta sẽ thấy được mọi sự việc về Hành, nhứt là khi nó liên quan đến thân (Kàya) và các động tác của thân ấy, ngay tại bước thứ ba nầy.

Khi ta nghiên cứu kỹ lưỡng sự kiện đó cho đến lúc thấy nó thật rõ ràng, hiển nhiên và hiểu biết nó một cách phổ quát như đã được giải thích trên đây, thì ta mới có thể thể nghiệm cùng một lúc cả ba sự kiện đó. Ngay trong khoảng thời gian của một hơi thở vào hoặc hơi thở ra, ta cũng có thể thể nghiệm cả ba sự kiện đó "thẳng một lèo" trong một hơi thở duy nhứt. Nếu ta có khả năng làm được như thế, thì ta đang "thể nghiệm trọn vẹn thân hành (kayà sankhàra)" (tức là cái thân gây điều kiện ảnh hưởng). Và như thế, ta đã hoàn tất được trọn vẹn bước thứ ba.

Cốt lõi của việc thực tập bước thứ ba để hiểu biết được có hai thân (kàya) và biết cách điều chỉnh một thân (kàya) nầy qua sự điều chỉnh thân (kàya) kia. Nói cách khác, ta có thể điều chỉnh thân thể(tấm thân xương thịt) qua thân hơi(hơi thở vào và ra). Một khi ta biết chắc về điều nầy, một khi ta đã thấy điều ấy rõ ràng rồi, một khi ta đã tin chắc vào sự thể nghiệm của ta về mỗi hơi thở vào, mỗi hơi thở ra, thì ta đã thành công trong việc thực tập bước thứ ba nầy.

Bước thứ tư: Làm dịu hơi thở.

Sau khi đã biết được rằng ta có thể điều chỉnh thân thể bằng thân hơi, ta bắt đầu thực tập bước thứ tư . Đức Phật mô tả bước thứ tư nầy như là "làm dịu thân hành,passambhayam kàyasankhàram". Ta có thể làm như thế được, một khi đã biết rõ rằng, khả dĩ dùng thân hơi để kiểm soát thân thể.

Đầu đề của bước thứ tư là làm dịu thân hành (Kàya sankhàra) trong khi thở vào và làm dịu thân hành trong khi thở ra. Điều đó có nghĩa là ta có thể làm cho thân hành (hơi thở) êm dịu hơn, và êm dịu hơn nữa, cùng một lúc với khi ta hít vào và thở ra. Đây là vấn đề mà tôi sắp giải thích.

XIn hãy lưu ý đến cách hành văn mô tả bước thứ tư "làm dịu thân hành" là muốn nói đến sự làm dịu thân hơi, làm dịu các hơi thở ra và vào. Tại bước thứ tư, mục đích của việc thực tập là khiến hơi thở êm dịu lại. Ta làm cho hơi thở trở nên tế nhị và an hoà bằng cách xử dụng các kỹ thuật có sẵn. Nếu ta làm êm dịu được hơi thở, thì sẽ có được nhiều kết quả khá thích thú và mạnh mẽ. Trước hết là thân thể trở nên thư giãn, êm ả và rất dễ thương. Kế đó, một sự lắng yên tâm tư lại khởi lên. Lại còn nhiều kết quả khác nữa, nhưng tôi xin gát lại về sau sẽ nói đến. Bài học tức thời hôm nay là làm êm dịu hơi thở. Biết cách điều lý hơi thở là điểm quan trọng nhứt cần phải cứu xét trong việc thực tập bước thứ tư.

Năm kỹ thuật khéo.

Khi thực tập bước thứ tư, ta có các loại phương pháp hay phương tiện -- ta còn có thể gọi chúng là các xảo thuật nữa -- để xử dụng trong việc làm êm dịu hơi thở. (...) Có tất cả năm kỹ thuật khéo để làm hơi thở êm dịu lại và năm kỹ thuật đó được xếp vào năm giai đoạn:

1.- theo dõi hơi thở;

2.- canh giữ hơi thở ở một điểm nào đó;

3.- làm khởi lên một tâm ảnh (định tướng, nimitta) tại điểm đang canh giữ đó;

4.- vận dụng các hình ảnh đó theo bất cứ cách nào cũng được, cốt để ta có thể điều khiển, kiểm soát chúng;

5.- chọn một trong các hình ảnh đó và quán tưởng về nó một cách thật chú tâm, cho đến khi hơi thở trở nên thật sự êm dịu và an hoà.

Đây là năm kỹ thuật: theo dõi, canh giữ, khởi lên tâm ảnh, vận dụng các tâm ảnh và chọn một tâm ảnh là đối tượng đặc biệt của định lực (samàdhi) cho đến khi nào có được sự hoàn toàn êm dịu.

Về giai đoạn thứ nhứt -- theo dõi hay đuổi theo hơi thở -- ta đã làm ngay tự lúc mới bắt đầu thực tập. Với các hơi thở dài và hơi thở ngắn, ta nên săn đuổi theo, hoặc theo dõi chúng. Nay, ta chỉ cần ôn và duyệt lại cho đến khi nào ta trở nên thành thạo, thuần thục trong việc theo dõi hơi thở. Chẳng cần phải giải thích dài dòng thêm, vì ta đã xét kỹ qua các bước thứ nhứ, thứ hai và thứ ba rồi.

Kỹ thuật thứ nhì về sự canh giữ là chọn một điểm trên lộ trình của hơi thở và canh chừng, hay là giữ gìn hơi thở ngay chỗ đó. Ta chẳng còn cần phải theo dõi hơi thở nữa, nhưng kết quả cũng vẫn như là ta đang theo dõi chúng vậy. Cái tâm nầy (citta), cái giác niệm nầy (sati)chẳng được rời đi chỗ nào khác, mà phải trụ lại đúng vào điểm đã chọn. Giác niệm ấy canh chừng các hơi thở khi chúng vào và ra ngang qua điểm ấy, và kết quả cũng giống như sự theo dõi hơi thở, với một sự khác biệt là canh chừng thì tế nhị hơn.

Thông thường, ta dùng chót mũi làm điểm canh chừng, vì chính nơi đó các hơi thở va chạm vào. Điểm đó rất dễ giữ, ngoại trừ khi mũi bạn quắm xuống, hoặc môi trên của bạn quá cao; trường hợp nầy bạn sẽ cảm thấy hơi thở chạm vào môi trên. Đối với mỗi chúng ta, điểm va chạm có thể ở vào chỗ khác nhau, tùy theo hình dạng và cấu trúc của mũi và môi.

Hãy tìm một chỗ nào dễ nhứt để quan sát hơi thở. Kể cũng khó tìm khi ta thở bình thường; bạn hãy thở một hơi dài và sâu và điểm đó sẽ nổi bật lên hiển nhiên. Điạ điểm cho thật đúng chính xác cũng chẳng cần thiết, chỉ cần tìm ra được một điểm nơi mà hơi thở chạm vào chót mũi hay ở môi trên của bạn khi bạn cảm thấy hơi thở di chuyển thật rõ ràng. Một khi bạn thấy ra được rồi, hãy canh chừng điểm đó mỗi khi hơi thở vào và ra. Giác niệm (Sati) trụ tại đấy và quán tưởng hơi thở khi vào, khi ra. Hãy cứ thở vào, cứ thở ra bình thường với giác niệm canh chừng tại điểm đó. Đấy là giai đoạn hai, trong năm kỹ thuật khéo của chúng ta.

Bạn có thể tự mình quán sát thấy rằng khi bạn chẳng màng ghi nhận hơi thở và cứ để cho nó tự ra vào như ý nó, thì nó sẽ gây ra chút cảm giác nào đó. Vừa khi ta bắt đầu ghi nhận nó, ngay cả khi chỉ giản dị theo dõi nó, hơi thở liền trở nên tế nhị và êm dịu hơn. Hơi thở, tự nó, tự điều chỉnh lấy và trở nên tế nhị để gạt gẫm ta. Hơi thở "mưu mẹo" mánh khoé như vậy đó. Rồi thì ta ngừng chẳng đuổi theo hơi thở nữa, chỉ canh chừng tại điểm đặc biệt trên chót mũi, thì bấy giờ hơi thở lại càng lắng dịu xuống hơn nữa. Các bạn có thể kiểm chứng lại điều nầy theo kinh nghiệm riêng của các bạn.

Một tâm ảnh (định tướng) hiện lên.

Giờ đây, hơi thở trở nên tế nhị và lắng dịu hơn nữa, khi ta tạo một tâm ảnh (nimitta, định tướng) tại chỗ điểm canh chừng. Tâm ảnh đó chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, chẳng hề có thật. Nó được tâm (citta) tạo nên. Đó là một sản phẩm của tâm. Bạn có thể nhắm mắt lại và "nhìn"đến nó; và khi mở mắt ra, bạn cũng vẫn còn "thấy" nó. Nó cũng như một ảo ảnh của thị giác mà tâm đã tạo ra để làm lắng dịu hơi thở. Muốn làm được như thế, tâm phải tế nhị. Hơi thở, hay bất cứ việc gì, cũng phải được thanh lọc để có thể làm khởi lên được một tâm ảnh. Hơi thở phải trở nên càng tế nhị hơn, êm dịu hơn, cho đến khi nào tâm ảnh đã tạo xong.

Tâm ảnh có thể mang bất cứ hình thể nào, tùy theo sự thích hợp với thân thể của mỗi người. Vài người tạo một trái cầu -- đỏ, trắng, xanh hay bất cứ màu nào. Nó cũng có thể là một ngọn lửa đèn cầy, hoặc một cục bông gòn, hay một làn khói. Nó có thể xem giống như mặt trời, hoặc mặt trăng, hay một vì tinh tú. Khả năng sáng tạo của tâm còn có thể gợi lên ngay cả hình ảnh của một mạng nhện bóng loáng phản chiếu ánh mặt trời nữa. Các loại tâm ảnh tùy thuộc vào người tạo nên nó. Tâm chỉ nghiêng về một hướng nào đó và tâm ảnh tự nó liền khởi lên. Nó thuần túy là một hiện tượng tâm linh chẳng có thực thể vật chất. Và kỹ thuật khéo thứ ba được hoàn tất khi nào ta đủ khả năng tạo nên một tâm ảnh ngay tại điểm canh chừng.

Giờ tới phiên kỹ thuật khéo thứ tư. Kỹ thuật nầy là làm thay đổi hay vận dụng các tâm ảnh theo ý ta muốn. Biến đổi hình nầy ra hình khác. Biến đổi chúng theo cách nầy, theo cách khác, theo bất cứ cách nào ta muốn. Điều nầy có thể làm được, vì việc làm trước tiên của tâm là tâm thường tạo luôn ra các hình ảnh. Do đó, tâm có đủ khả năng để biến đổi các hình ảnh, vận dụng chúng, và "chơi đùa" với chúng. Tất cả những việc đó đều có thể thi hành dễ dàng vì nằm trong khả năng của tâm. Và đồng thời ta lại phát triển được khả năng làm chủ được tâm, hướng nó theo ngõ tế nhị hơn và hùng dũng hơn.

Ta có thể kiểm soát tâm nhiều hơn lúc trước và cái tâm ấy (citta), tự nó, càng ngày càng được thanh lọc và trở nên tế nhị hơn. Nó lắng dịu xuống đến tận mức mà ta có khả năng làm cho nó êm dịu hoàn toàn. Giờ đây ta chỉ cần kiểm soát các tâm ảnh, biến đổi chúng theo khuynh hướng của tâm. Tùy theo khuynh hướng của tâm, ta thể nghiệm sự thay đổi của các tâm ảnh để có thể khiến cho hơi thở càng lúc càng trở nên êm dịu. Điều nầy cũng chẳng khác hơn là một mánh khoé, một xảo thuật. Tuy vậy, đó là một xảo thuật tiến bộ giúp ta nắm thêm quyền lực đối với tâm. Rồi thì hơi thở, tự nó, tự động lắng dịu xuống. Hơi thở cần phải lắng dịu hơn mới có thể vận dụng các tâm ảnh. Mặc dầu tâm cũng lắng dịu xuống, nhưng sự nhấn mạnh hiện giờ là nhằm vào sự lắng dịu của hơi thở. Vậy, kỹ thuật khéo thứ tư là kiểm soát các tâm ảnh theo ý ta muốn.

Tâm ảnh cuối cùng .

Nếu ta muốn quán sát tiến trình theo thứ tự, của việc làm hơi thở trở nên êm dịu, ta phải coi chừng và thấy rằng, khi ta huấn luyện theo cách được mô tả ở đây, hơi thở tự nó tự thanh lọc lấy và lắng dịu xuống một cách tự động. Khi ta thực tập theo cách nầy, hơi thở sẽ trở nên êm dịu. Khi hơi thở êm dịu thì thân thể cũng tự động êm dịu theo. Và khi thân thể đã lắng dịu thì có một hiệu quả ảnh hưởng đến tâm tư. Tâm (citta) lắng dịu theo chiều tỷ lệ thuận với sự lắng dịu của thân thể, nhưng đây còn chưa phải là ý định của chúng tôi ở điểm nầy. Sự lắng dịu tâm tư sẽ được bàn luận đến trong một bước sau nầy. Hãy làm lắng dịu hơi thở và rồi thân thể sẽ lắng yên. Và cộng thêm vài hiệu quả đến tâm tư nữa. Ta có thể quan sát được tiến trình lắng dịu đó trong khi thực tập.

Kỹ thuật khéo thứ năm là chọn một tâm ảnh (nimitta) nào thích nghi nhứt. Ta chẳng biến đổi tâm ảnh đó nữa. Lựa được một tâm ảnh vừa vặn và thích hợp, ta quán tưởng đến nó với sự chú tâm hoàn toàn, hầu có thể đạt đến trình độ đầy đủ của định lực (samàdhi). Tôi khuyên bạn nên chọn một tâm ảnh nào êm dịu, thư giãn và dễ để gom vào tiêu điểm. Hãy chọn một tâm ảnh nào chẳng làm khởi dậy tư tưởng hay tình cảm, một tâm ảnh nào chẳng mang sẵn một ý nghĩa đặc biệt. Một điểm trắng giản dị thì cũng đủ tốt rồi.

Loại tâm ảnh tốt nhứt là lọai trung hoà. Nếu ta chọn một tâm ảnh màu mè, nó sẽ gợi lên nhiều tư tưởng và cảm thọ. Với các tâm ảnh hấp dẫn, ngộ nghĩnh hay phiền phức thì cũng như thế. Vài người chọn hình ảnh của Đức Phật để làm tâm ảnh (nimitta), nhưng họ sẽ bị lôi kéo theo nhiều loại suy tư khác. Tư tưởng giản dị là đi theo hình ảnh được thấy, thay vì cắm sâu xuống vào sự lắng yên. Vì lẽ đó, ta sẽ chọn một hình ảnh nào tự nhiên, chẳng có ý nghĩa đặc biệt, chẳng gợi lên các mối liên tưởng khác. Một điểm trắng là thích hợp nhứt. Một điểm nhỏ ánh sáng cũng phù hợp. Vài người chọn hình tượng của Đức Phật, hoặc bất cứ hình ảnh nào thấy hợp với sở thích của họ. Còn chúng ta thì không làm như vậy; ta chọn môt điểm nào dễ quán tưởng mà chẳng làm tư tưởng nào khởi sanh lên. Ta chọn một hình ảnh như thế và gom tất cả tâm ý vào tiêu điểm đó, để phát triển định lực của tâm ý. Chú tâm nhìn vào tiêu điểm giản dị đó. Tâm (citta) chẳng còn đi lang thang nơi nào nữa, mà qui chiếu vào một đìểm duy nhứt. Vậy, kỹ thuật khéo thứ năm là chú tâm quán tưởng vào một điểm.

Định lực hoàn toàn.

Và rồi ta chọn một tâm ảnh (nimitta) thích hợp nhứt cho tâm để quán tưởng. Đến điểm nầy, ta cần phải biết rằng tâm thường hay phân tán, trải rộng ra và rọi chiếu ra ngoài về mọi hướng. Giờ đây, ta cần phải quay lại vào trong, gom tất cả luồng hướng ngoại đó vào tiêu điểm. Danh từ Pali gọi tình trạng gom tâm ý lại nầy là ekaggatà, tâm nhất điểm, có nghĩa là "tại đỉnh duy nhứt, tiêu diểm hay là điểm cao tuyệt đích" Mọi sự việc đều gom vào tiêu điểm duy nhứt. Ta đã tìm thấy một tâm ảnh thích hợp nhứt -- một điểm nhỏ ở giữa -- thì giờ đây tâm ý sẽ cắm sâu vào điểm đó. Dòng tâm linh gom về một điểm đó cũng tựa như một tấm kính lúp phóng đại gom các yến sáng của mặt trời hội tụ về một điểm duy nhứt, mạnh mẽ cho đến mức làm phát cháy lên. Thí dụ nầy cho thấy sức mạnh được tập trung lại khi tất cả năng lực của tâm đều gom về một điểm. Một khi tâm chuyên chú vào một đối tượng được lựa chọn, thì sự rạng rỡ của nó tập trung về nơi ấy và trở nên ekaggatà, tâm nhất điểm -- qui về điểm duy nhứt, đến một đỉnh cao duy nhứt.

Khi tâm đến tình trạng tâm nhứt điểm, thì chẳng còn cảm thọ, tư tưởng hoặc đối tượng nào khác của tâm nữa. Nơi đây chỉ có các thiền chi (jhànanga), tức là các yếu tố thiền định. Ở tình trạng Sơ thiền, có năm thiền chi. Ở tình trạng nầy, tâm vẫn còn thô phù để thực hiện nhiệm vụ quán tưởng đối tượng. Tâm đang ghi nhận đối tượng được gọi tầm (vitakka). Tâm đang thể nghiệm đối tượng đó gọi là tứ (vicàra). Do nhờ có tầm (vitakka) và tứ (vicàra), nên tâm trở nên thỏa mãn và mừng (piti). Và một khi có nỗi mừng (piti) ở đó, thì cũng sanh niềm vui (sukha) cùng một lúc. Sau cùng, tâm nhứt điểm lại tiếp tục như trước. Như thế, tâm ở trình độ định lực (samàdhi) nầy có năm yếu tố: ghi nhận (vitakka), thể nghiệm (vicàra), nỗi mừng (piti) cùng niềm vui (sukha) và tâm nhứt điểm (ekaggatà). Năm yếu tố đó cho thấy tâm đang đi vào Sơ Thiền, tình trạng thiền định hoàn toàn thứ nhứt. Sự hay biết nầy chẳng bao trùm bất cứ sự suy tư nào, nhưng cả năm hành vi đó của tâm đều khởi sanh ra. Ta gọi chúng là các thiền chi (Jhànanga) của Thiền (Jhàna). Nếu ta có thể nhận diện được các yếu tố đó đầy đủ hết, thì ta có thể thoả mãn vớí sự thể nghiệm đã thành công vì đạt đến Định lực (Sanàdhi), mặc dầu còn ở giai đoạn thứ nhứt, ở Sơ Thiền. Điều đó xem như lạ lùng thật -- hoàn toàn, mà vẫn ở giai đoạn đầu tiên.

Trên đỉnh cao.

Tôi muốn nói kỹ thêm về từ ngữ Ekaggatà, tâm nhứt điểm. Tiếng Pali Ekaggatà nầy thường được dịch ra là "tánh nhứt điểm" (one pointedness). Dịch sát nghĩa từ chữ thì Ekag là "có một điểm duy nhứt" và Agga là "đỉnh cao". Thái ngữ dịch là yod. Chữ yod của Thái có thể chỉ vào cái ngọn, đỉnh cao nhứt, đỉnh nhọn của một sự vật gì như ngọn núi chẳng hạn, hoặc một kim tự tháp, hay là đọt cây non nhô lên. Tôi chẳng lấy làm chắc lắm chữ Anh "point" đồng một nghĩa hay không. Một điểm thì có thể ở vào bất cứ nơi nào. Nó có thể lộ ra bên hông, hoặc ở thấp bên dưới. Đây là lý do vì sao tiếng Pali dùng chữ Agga (đỉnh, ngọn, thiên đỉnh). Ekaggatà cũng như là chóp đỉnh của ngọn kim tự tháp. Đâu có xứng đáng cho tâm gom vào một điểm thấp ở bên dưới. Nó phải được tập trung lại từ dưới thấp mà vượt lên cao tận đỉnh. Đấy mới là nghĩa đứng đắn của chữ Ekaggatà.

Bạn chớ quá âu lo nếu tâm tập trung lại tại một tiêu điểm nào chẳng được cao nhứt. Đó chỉ là bước đầu. Khi nào có Ekaggatà, tâm nhứt điểm, thì bắt đầu có một việc thật là hữu dụng. Khi nào có một chút tâm nhứt điểmlà khi đó có định lực (samàdhi). Trong việc thực tập của chúng ta về Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), ở bước thứ tư nầy, cũng chẳng cần thiết phải đi vào thiền định hoàn toàn. Sự thực tập Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở còn chưa đòi hỏi đến các giai tầng thật tế nhị của định lực. Ta chỉ cần có một cấp bậc vừa phải và thích hợp về định lực để tiếp tục việc thực tập, tức là, có khá đủ định lực (samàdhi) để nhận thức các cảm thọ mừng (piti) và vui (sukha) Ta cần xử dụng nỗi mừng và niềm vui trong bước thực tập kế tiếp. Nếu ta nhập vào các bực Thiền của cõi sắc giới (rùpa jhàna) thì rất tốt, vì điều đó khiến cho các bước thực tập về sau sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ngay khi chưa đạt đến Thiền, mà vẫn cảm nhận được nỗi mừng (piti) và niềm vui (sukha) thì cũng là đang thực tập tốt. Giờ đây, chẳng có chi là quá khó, phải vậy không?

Khi các cảm thọ mừng vui đủ sức mạnh để tâm thức cảm nhận chúng thật rõ ràng, thì đó là có đầy đủ định lực để tiếp tục thực tập bước thứ năm. Nếu bạn nhập vào các bực Thiền, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền của cõi Thiền sắc giới (rùpa jhàna) thì thật là tuyệt rồi!

Nhưng, có định lực cần và đủ để thể nghiệm được nỗi mừng (piti) và niềm vui (sukha) một cách thật rõ ràng, đó cũng là vừa đủ cho bước thứ tư.

Cũng dễ, khi ...

Vài bạn ở đây thắc mắc chẳng biết có khó hay dễ để thực tập. Đó là điều mà tôi chẳng thể nào giải đáp cho bạn được. Nhưng tôi có thể nói, chẳng có chi khó khăn nếu phương pháp được ứng dụng một cách đứng đắn. Nếu bạn đã lắng nghe cẩn thận, thì bạn sẽ hiểu cách thực tập thế nào cho đúng. Nếu bạn tuân theo kỹ thuật đúng đắn, thì chẳng có gì quá khó đâu. Bạn có thể hoàn tất trong một thời gian ngắn. Nếu bạn chẳng thực tập đúng theo phương pháp, thì sẽ có nhiều khó khăn và có thể chẳng bao giờ bạn hoàn tất được. Đối với vài người, có thể là ba ngày; hoặc ba tuần đối với người khác, hay là ba tháng, hoặc ba năm, nào ai biết được chắc?

Phần lớn các bạn còn ở giai đoạn đầu, tập luyện về bước thứ nhứt, nhưng điều đó chẳng có nghĩa là các bạn ấy chẳng cần chú ý đến các lời giảng dạy về bước thứ tư nầy. Nếu bạn chẳng biết được sẽ phải làm gì, thì sẽ vấp nhiều khó khăn khi gặp việc xảy đến. Chúng tôi cống hiến các lời chỉ dẫn thật rõ ràng theo sự cố gắng của chúng tôi, để các bạn có thể hiểu được đường lối đúng đắn nhứt mà thực tập. Tuy nhiên, nhiều người chẳng thích tập theo lời chỉ dẫn. Họ muốn pha trộn tất cả vào các ý kiến và tư tưởng riêng của họ. Họ thích dồn chung lại một cách hỗn tạp những điều họ đã nghe được ở nơi nầy, đọc thấy ở nơi kia. Bạn có thể làm theo cách bạn thích. Nhưng nếu bạn muốn khiến cho việc thực tập nầy thành công và dễ dàng nhứt cho bạn, thì tôi khuyên bạn nên theo các lời chỉ dẫn đã được giải thích rõ ràng, hữu hiệu và thành tựu về đường lối của kỹ thuật nầy.

Thực tập theo đúng phương pháp cũng chẳng quá khó. Chẳng theo đúng lời chỉ dẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, ta cần học kỹ phương pháp đúng đắn và cách áp dụng như thế nào. Rồi ta mới kỳ vọng vào các kết quả mong muốn. Ngoài việc đó, cũng chẳng còn gì phải làm thêm, ngoại trừ việc lập đi lập lại, và lập đi lập lại các bước cho đến khi trở thành thuần thục như một chuyên viên. Hãy lập lại chúng cho đến khi bạn có thể nhanh chóng làm êm dịu được hơi thở và lắng dịu thân tâm. Hãy thực tập cho đến khi nào các bước đó chẳng cần đòi hỏi cố gắng, nỗ lực gì cả, bạn trở nên nhuần nhã trong các hoạt động đó.

Và cũng xin chớ quên! Ở mỗi bước, ở mỗi giai đoạn và mỗi khoảng cách giữa hai cuộc thực tập, ta vẫn phải ghi nhận các hơi thở vào và các hơi thở ra. Đây là bối cảnh và cơ bản của giác niệm (sati). Đây là cách làm thế nào để luôn luôn giữ tâm tuyệt đối trong chánh niệm. Ghi nhận sự thở vào và ghi nhận sự thở ra ở mỗi giai đoạn của việc thực tập. Rồi sự thành công trong bộ bốn thứ nhứt của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) sẽ đến với ta. Đây là bối cảnh lý thuyết của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) và cũng là các nguyên tắc hướng dẫn sự thực tập đó.

Đã hết giờ. Xin chấm dứt buổi pháp thoại ở đây.

Bài 4

Làm chủ các cảm thọ

Trong bài pháp thoại nầy, tôi xin nói về bộ bốn thứ nhì của Pháp Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Bốn bước trong bộ bốn nầy có liên quan đến các cảm thọ, nên được gọi là Vedanànupassànà, sự Quán tưởng về các cảm thọ. Hai bước đầu củabộ bốn nầy lấy Hỉ, tức là nỗi mừng (pìti) và Lạc, tức là niềm vui (sukha) làm đối tượng cho sự thâm cứu và quan sát chi tiết.

Việc thực tập các bước mới nầy phát triển dựa theo sự thực tập các bước trước. Một khi thân hành, tức là hơi thở, đã được lắng dịu, thì các cảm thọ mừng (pìti) và vui (sukha) sẽ khởi hiện. Rồi ta lấy ngay hai cảm thọ mừng vui đó làm đối tượng, hay là chất liệu, cho việc thực tập của chúng ta.

Nếu ta làm dịu được thân hành (kàya sankhàra) tới mức độ đạt đến Thiền định (Jhàna, Sơ Thiền, Nhị Thiền v.v.) thì Hỉ, nỗi mừng (pìti) và Lạc, niềm vui (sukha) trở nên đầy và đủ như hai yếu tố của Thiền, tức là hai Thiền chi. Tuy nhiên, nếu ta còn chưa đủ khả năng để nhập vào thiền định, mà chỉ đủ sức làm dịu thân hành được một phần nào, thì cũng có thể có được một mức độ về mừng vui nào đó, tỷ lệ thuận với phần làm êm dịu đó. Như thế, ngay cả đối với những ai chưa đủ khả năng để vươn tới thiền định, cũng vẫn có thể xoay trở hầu có đủ mừng vui để thực tập các bước nầy.

Ngay đây, ta sẽ nghiên cứu các đặc tánh và ý nghĩa của mừng (pìti) và vui (sukha). Pìti, Hỉ (=mừng, là sự bằng lòng khởi lên do nhờ thành công trong việc đạt đến định lực (samàdhi) ở các bước trước, đó có nghĩa là, ta đã đủ sức làm cho thân hành (= hơi thở) được êm dịu lại. Sự bằng lòng, hay là sự thoả ý, khởi lên cùng với sự thành công. Một khi đã có sự bằng lòng rồi, thì bạn đâu còn cần phải nghi ngờ gì nữa, sự hoan lạc (Lạc, vui, sukha) sẽ khởi lên theo. Do có thoả ý mà hân hoan khởi lên. Đấy là cách nên làm sao mà ta có đủ được Hỉ(Pìti, mừng)Lạc (sukha, vui )để tiếp tục thực tập hai bước năm sáu.

Mừng (Hỉ) (Pìti) chẳng được êm ả lắm.

Điều nên quan sát tiếp theo là có nhiều giai tầng ý nghĩa khác nhau nơi chữ Pìti (Hỉ, Mừng),như sự bằng lòng, sự thoả mãn, và sự ngây ngất. Bạn phải nên hiểu biết rõ các giai tầng ấy của nỗi mừng (Pìti, Hỉ) được thể hiện ra dưới hình thức khác nhau, hoặc có ít, hoặc có nhiều năng lực trong đó. Đặc tánh quan trọng của Hỉ (Pìti, nỗi mừng) mà bạn cần lưu ý nhiều đếnHỉ (Mừng) chẳng được êm ả cho lắm. Nơi cái điều mà ta gọi là Hỉ (Piti, mừng) đó có một loại kích thích, hay xáo trộn. Chỉ khi nỗi mừng (pìti)đó trở thành niềm vui (sukha), bấy giờ nó mới an tịnh lại. Nỗi mừng, hay là Hỉ (Pìti) có nhiều cấp độ, nhưng các cấp độ ấy đều mang đặc tánh là gây kích thích, khiến cho tâm (citta) bị giao động. Còn Lạc, niềm vui (sukha), đối ngược lại, làm tâm trở nên êm dịu. Đấy là điểm sai biệt giữa Mừng Vui, giữa Hỉ Lạc, giữa Pìti Sukha.

Giờ đây ta đã sẵn sàng để thực tập bước một bước hai của bộ bốn thứ nhì (2nd tetrad) -- thể nghiệm Hỉ (Pìti patisamvedi) -- có nghĩa là ta quán tưởng Hỉ (= Piti= nỗi mừng), mỗi khi ta thở vào và thở ra. Ta phải luôn luôn canh chừng cho đến khi nỗi mừng(pìti= Hỉ) khởi lên vào lúc ta thành công trong việc làm êm dịu thân hành (tức là hơi thở) lại. Bạn hãy khám phá xem cảm thọ mừng đó ra như thế nào. Hãy thể nghiệm nó trọn vẹn. Lấy nó làm đối tượng quán tưởng mới cho tâm. Khi quán tưởng nỗi mừng (Hỉ) đó, tâm (citta) sẽ bị thu hút vào trong nó, cũng tựa như là tâm nhứt điểm (Ekaggatà). Tâm tư hoàn toàn thấm nhập vào đối tượng duy nhứt là Hỉ (Pìti, nỗi mừng).

Từ trước đến giờ, ta đã quan sát một số đối tượng như hơi thở dài, hơi thở ngắn, tất cả thân, và làm êm dịu các thân. Giờ đây, ta chuyển sang Hỉ, nỗi mừng (Pìti). Cái Hỉ nầy có năng lực khích động. Nó khiến cho tâm tư giao động, run rẩy, và xúc động. (...) Khi bằng lòng, thì bị kích thích ra sao? Khi thoả mãn, sự kích động lên đến độ nào? Và lúc ngây ngất, tâm tư bị sự kích thích tràn ngập tới đâu? Hãy tìm quan sát cho kỹ để, tự bạn, bạn khám phá ra được. Tâm tư chuyên chú vào nỗi mừng (pìti) và thể nghiệm nó trọn vẹn, mỗi khi ta thở vào và mỗi khi ta thở ra. Đây là cốt lõi của việc thực tập nơi bước thứ năm.

Nói cho gọn hơn nữa, mỗi khi ta thở là ta thể nghiệm nỗi mừng (Pìti, Hỉ). Thở vào và thở ra, thể nghiệm trọn vẹn cảm thọ mừng (= bằng lòng) và đồng thời có sự hay biết về hơi thở vào và về hơi thở ra. Khi thực tập bước nầy, một cảm giác thật thích thú về an lạc sẽ khởi lên bên trong ta. Công việc đang làm khá ngộ nghĩnh, và cũng rất thích thú vậy. Xin bạn hãy cố tập thử bước thứ năm nầy xem.

Nghiên cứu hương vị của hỉ (Pìti, mừng).

Mỗi lúc ta thở với sự thể nghiệm về nỗi mừng (Pìti = Hỉ), đó là ta đang vừa nghiên cứu học và đang vừa luyện tập. Lúc trước, ta luyện tập và nghiên cứu trong khi thở dài hơi, thở ngắn hơi, và các hơi kế tiếp. Giờ đây, ta nghiên cứu và luyện tập ngay trong khi thể nghiệm nỗi mừng (Pìti, Hỉ) trong tâm tư. Mừng đó như thế nào? Nó có nặng nề không? Nó có nhẹ nhàng không? Có thô phù không? Nó tế nhị như thế nào? Đó là điều mà ta gọi là "nếm hương vị củaHỉ, của nỗi mừng(Pìti)". Đặc biệt phải nên biết rõ ảnh hưởng của hương vị đó đến tâm tư, hoặc đến các ý tưởng. Hãy nghiên cứu để hiểu thấu được bản thể của Hỉ, của nỗi mừng (Pìti), cũng giống như cách ta đã nghiên cứu trước đây, cho đến khi nào ta hiểu thật rõ ràng về bản thể của hơi thở trong việc thực tập về bộ bốn thứ nhứt (1st tetrad). Đó là cách thực tập về bước thứ năm nầy.

Điều quan trọng nhứt cần phải nghiên cứu và quán sát là sức mạnh củanỗi mừng(Pìti, Hỉ) đã ảnh hưởng đến tâm. Nỗi mừng đã ảnh hưởng lên tâm và lên các ý tưởng như thế nào? Hãy quán sát thật cẩn thận xem tâm như thế nào, khi Mừng chưa khởi lên. Một khi Mừng đã khởi sanh lên, thì tâm ra làm sao? Có hiệu lực như thế nào, khi mừng nhiều?Tâm tư ra sao, khi mừng ít? Khi nỗi mừng quá mạnh, như trong trường hợp ngất ngây, thì tâm trạng bị ảnh hưởng kích thích nhiều đến mức nào? Hãy nghiên cứu hình thức thô phù, trung bình và tế nhị của một nỗi mừng, để thấy cho rõ chỗ chúng khác biệt nhau. Rồi xét xem ảnh hưởng của chúng lên tâm tư khác nhau thế nào. Đây là điểm then chốt của sự thực tập bước thứ năm.

Sau chót, ta nhận định ra được Hỉ, nỗi mừng (Pìti)đã kích thích tâm tư theo một cách thô phù. Hỉ (Pìti)chẳng có được cái hiệu lực thanh lọc và tế nhị của Lạc (Sukha) mà ta sẽ xét tiếp theo sau đây. Ngay tại bước nầy, bạn phải nên biết rõ bản thể, sự kiện và bí ẩn của hiện tượng được gọi là Hỉ, nỗi mừng, Pìti. Hãy quán sát mối tương quan giữa nó với tâm tư, mãi cho đến khi nào bạn thật sự quen thuộc với sự thể nghiệm ấy.

Lạc (Sukha, niềm vui) làm dịu tâm tư.

Giờ đây, ta đi đến bước thứ nhì của bộ bốn thứ hai (2nd tetrad), đúng ra là bước thứ sáu nếu kể chung lại hết. Đây là bước thể nghiệm Lạc (sukha patisamvedi) trong đó ta sẽ quán tưởng lạc (sukha, niềm vui), cùng với mỗi hơi thở vào và với mỗi hơi thở ra. Hãy đặt tiêu điểm của việc quan sát vào Lạc, (Sukha, niềm vui) trên phương diện Lạc (Sukha, niềm vui) nầy là kết quả của nỗi mừng(Pìti). Khi Hỉ (Pìti, nỗi mừng) đã hết kích thích tâm tư (citta)theo cách thô phù của nó, thì nó giảm bớt năng lực. Nói cách khác, Hỉ đó đã lắng dịu lại, rồi biến thái để trở thành Lạc (Sukha, niềm vui).Ta sẽ thấy cả hai cảm thọ đó: nỗimừngvà niềm vui, rất khác nhau. Cái niềm vui(tức là lạc, Sukha) đó chẳng kích thích hay khích động nữa, mà trái lại, nó làm cho lắng dịu và êm ả lại. Tại đây, ta quán tưởng Lạc (Sukha, niềm vui) như một tác viên khiến cho tâm (citta) trở nên an tịnh. Thông thường, thì Hỉ che mờ Lạc; khi Hỉ đã phai nhạt thì Lạc vẫn còn duy trì. Cảm thọ thô phù nhường chỗ cho cảm thọ tế nhị. Bạn hãy nếm hương vị của Lạc, của niềm vui, ngay trong mỗi hơi thở vào, ngay trong mỗi hơi thở ra. Đây là cốt lõi của bước thứ sáu.

Trong khi tâm tư đang quán tưởng về Lạc, niềm vui (Sukha), ta nghiên cứu và tập luyện cũng giống như ta đã làm về hơi thở và về Hỉ, nỗi mừng (Pìti). Cảm thọ Lạc nhẹ nhàng như thế nào? Nó có nặng nề không? Nó có thô phù không? Nó tế nhị như thế nào? Cảm thọ Lạc đã mang hương vị nào đến cho sự tỉnh giác và sự thể nghiệm? Trong ngôn ngữ Thái và Pali, người ta dùng động từ "uống"để diễn tả sự thể nghiệm đó. Vậy, bạn hãy uống, hãy nếm cái hương vị của Lạc, của niềm vui đó, ngay trong khi bạn thở vào và thở ra. Đồng thời, cũng nghiên cứu bản thể của nó và sự thật về nó.

Ta thấy rõ dễ dàng rằng, khi sức mạnh của Hỉ, của nỗi mừng (Pìti), khởi lên thì hơi thở trở nên thô phù. Khi ảnh hưởng của Lạc, của niềm vui (Sukha) đã trở nên rõ rệt thì hơi thở lại lắng dịu xuống. Ta có thể nói ngay rằng, khi Hỉ bộc lộ sức mạnh của nó ra, thì tấm thân thể chất nầy trở nên thô phù. Lại còn có ảnh hưởng của Hỉ đến tâm (citta) nữa. Khi Hỉ (Pìti) càng mạnh bao nhiêu thì nó khuấy động tâm tư cũng mạnh đến chừng ấy, trong khi đó thì ảnh hưởng của Lạc (Sukha) là xoa dịu và làm thư giãn tâm tư (citta). Cả hai cảm thọ: Hỉ Lạc, nỗi mừng niềm vui, Piti Sukha, trái ngược nhau như thế. Đó là điều mà bạn phải nên quán sát cho thật kỹ khi gặp được cơ hội, tức là, ở mỗi hơi thở vào và ở mỗi hơi thở ra.

Để tóm tắt lại, khi Hỉ (pìti) và Lạc (sukha) khởi lên, thì chúng có ảnh hưởng đến hơi thở. Cảm thọ nầy làm hơi thở thô phù, còn cảm thọ kia làm hơi thở êm dịu. Chúng có ảnh hưởng khác nhau lên trên tấm thân thể chất. Cảm thọ nầy làm thân thể trở nên thô phù, trong khi đó cảm thọ kia làm lắng dịu thân thể. Chúng lại có những ảnh hưởng khác nhau đối với tâm tư. Cảm thọ nầy kích thích tâm trong khi đó cảm thọ kia làm tâm an định. Khi nào bạn nắm vững được sự phân biệt đó, qua chính sự thể nghiệm của bạn, chớ chẳng phải qua sự suy tư suông về điều ấy, thì bạn mới thật sự thành công trong việc thực tập bước thứ sáu nầy.

Sau đây, có vài sự khó khăn. Trong khi ta quán tưởng về Lạc (sukha), thì Hỉ (pìti) có thể lại xen vào. Hỉkhởi lên mạnh, khiến cho Lạcphải biến mất đi. Do đó, ta cần phải phát triển khả năng duy trì cảm thọ Lạccho thật lâu để ngăn ngừa chẳng cho cảm thọ Hỉbước vào.Hỉmạnh mẽ hơn, và thô phù hơn Lạc.Nếu có Hỉxen vào thì sự quán tưởng về Lạcbị làm hư hỏng và sự an tịnh thật sự sẽ chẳng khởi lên. Ta phải nên cố gắng đưa một nỗ lực "tuyệt kỹ" vào trong sự quán tưởng để cho Lạcchẳng bị phai nhạt đi.

Đừng để cho bất cứ cảm thọ nào khác xen vào. Nơi bước nầy, có lẽ ta sẽ được chan hoà trong niềm hoan lạc. Vi diệu thay khi thành công trong việc thực tập bước thứ sáu nầy!

Thể nghiệm Tâm hành.

Giờ đây, ta đến bước thứ bảy: "thể nghiệm tâm hành (cittasankhàra patisamvedi)". Nếu ta đã thực tập thành công cả sáu bước, thì nay ta đã biết rõ tất cả về các cảm thọ Hỉ Lạc (pìti sukha). Khi Hỉkhởi lên, nó gây ảnh hưởng nào đến Tâm (citta)? Còn Lạckhởi lên, gây ảnh hưởng nào đến Tâm? Loại ý tưởng nào được Hỉđiều kiện hoá? Loại ý tưởng nào chịu ảnh hưởng của Lạc? Ta đã ghi nhận và chiếu rọi thật kỹ lưỡng vào các tác dụng đó kể từ bước thứ năm bước thứ sáu. Một khi đến bước thứ bảy nầy, cũng dễ cho ta nhận thức ra rằng: "Ồ! Hỉ Lạc cũng đều là các tâm hành." Các cảm thọ nầy (vedanà) đều là các tâm hành,cũng giống như cách mà các hơi thở đều là các thân hànhvậy. Phương pháp quan sát và nghiên cứu ở đây cũng chẳng khác với phương pháp ở bước thứ ba.

Ta đã quan sát thấy Hỉ thì thô phù và bị kích thích, còn Lạc thì tế nhị và an hoà. Như thế, khi Hỉ điều kiện hoá hoặc nhen nhúm lên một ý tưởng, thì ý tưởng ấy sẽ trở nên thô thiển. Mặt khác, khi Lạc nhen nhúm một ý tưởng nào, thì ý tưởng đó lại êm dịu và yên ổn. Đây là cách mà ta nhận thức ra các cảm thọ (vedanà) đã điều kiện hoá, đã gây ảnh hưởng đến, các tư tưởng. Và ta cũng nhận định được rằng, cảm thọ điều kiện hoá cả hai loại tư tưởng thô và tế. Ta gọi tác động đó là sự "diều kiện hoá tâm trí".

Khi nỗi mừng, Hỉ, (Pìti) mạnh mẽ thì nó tạo nên sự rung động trong thân thể. Và khi nó trở nên thật mãnh liệt thì toàn thân có thể nhảy nhót lên mừng rơn. Cảm thọ nầy thô phù và mạnh bạo. Mặt khác, Lạc, niềm vui (Sukha) làm cho êm dịu, xoa nhẹ, và thư giãn. Ta học được các đặc tánh của chúng rất khác biệt nhau. Khi Hỉ ngự trị trong tâm thì chẳng thể nào nghĩ đến các tư tưởng tế nhị được. Ta cảm thấy ngứa ngáy, lâm râm khắp châu thân, khiến cho tóc lông phải dựng lên. Vì thế, ta cần phải có đủ khả năng để kiểm soát Hỉ (Pìti). Đối lại, Lạc (Sukha) lại có nhiều ưu điểm. Nó đưa tới các tâm trạng tĩnh lặng. Nó thúc đẩy các tư tưởng tế nhị, sâu xa và thanh tịnh. Hai cảm thọ: nỗi mừng(Pìti, Hỉ) và niềm vui(Sukha, Lạc) dường như thể là kẻ thù của nhau, chống đối nhau. Nhưng điều nầy chẳng quan trọng cho lắm, vì ta đã biết cách điều chỉnh chúng được rồi. Ta đủ khả năng để kiểm soát chúng bằng cách luyện tập theo phương pháp mà ta đang thực tập đây. Đây chỉ để thêm một chút hiểu biết rành rẽ, vừa đủ về các tâm hành (citta sankhàra) mà thôi.

Thân hữu và thù nhơn.

Mặc dầu vậy, ta vẫn cần nên quán sát và thông hiểu thêm một bí ẩn khác nữa. Hai cảm thọ đó phải cùng một lượt khởi lên; có nghĩa là, nếu ta chẳng bằng lòng, chẳng được thỏa mãn, thì sự vui vẻ chẳng khởi lên. Sự bằng lòng tạo nên sự vui vẻ, sự hân hoan lại khởi lên từ sự thoả mãn. Sự bằng lòng và sự thoả mãn là nhóm hiện tượng tâm linh mà ta gọi là Pìti, Hỉ, đó là nhóm cảm thọ kích động thích thú. Mặc dầu sự vui vẻ và sự hân hoan đều thuộc nhóm cảm thọ có tánh cách xoa dịu, nhưng chúng chẳng thể sanh khởi khi vắng bóng sự thoả mãn. Bạn có thể quan sát để thấy rõ, bất cứ trong một biến cố nào có sự vui vẻ thì trước đó phải có sự thoả mãn xảy ra. Hỉ (Pìti) đi dẫn đầu. Khi đang thể nghiệm sự thành công, ta được thoả mãn, bị kích thích và bị giao động bởi sự thành công đó. Một khi Hỉ đã giảm bớt cường lực, khi tâm tư đã bắt đầu mệt chán với sự xao động và kích thích đó, thì Lạc vẫn còn duy trì ở đó. Tình cảm lắng dịu xuống. Vậy, cả hai cảm thọ đó đều là với thân hữu nhau, mà lại cùng chống đối nhau. Chúng là thân hữu với nhau, vì chúng phải khởi lên một lượt: phải có sự bằng lòng trước rồi mới có được sự vui vẻ. Ta nên thận trọng về điều nầy. Ta cần phải ứng phó với chúng theo một đường lối tế nhị và thanh tịnh. Đấy cũng như là một nghệ thuật vậy. Một nghệ thuật tâm linh khéo léo để kiểm soát Hỉ và Lạc (Pìti Sukha) khiến chúng làm lợi ích cho đời ta. Đó là điều bí ẩn về Hỉ Lạc mà ta cần phải biết rõ.

Tới đây, ta khám phá ra được rằng Hỉ (Pìti) là kẻ thù của sự quán tưởng (vipassanà), trong khi đó thì Lạc lại chẳng như thế. Sự vui vẻ, hân hoan là thân hữu, ủng hộ cho sự quán tưởng (vipassanà). "Vipassanà" có nghĩa là "thấy rõ ràng", có đưọc sự hiểu biết trực tiếp thẳng vào chơn lý của vô thường (aniccam, chẳng thường còn), khổ sở (dukkham, bất toại nguyện) và vô ngã (anatta, chẳng có tự ngã). Ta cần phải có một tâm trí thật thanh tịnh để nhận thức ra được vô thường, khổ sở vô ngã (aniccam, dukkham, anatta), xuyên qua sự quán tưởng (vipassanà). Nếu Hỉ (Pìti) khởi lên, sự quán tưởng (vipassanà) chẳng thể nào phát động được. Tâm trí bị che mờ và trở nên giao động. Cần phải vẹt bỏ Hỉ qua một bên, vì nó là kẻ thù của sự quán tưởng (vipassanà), là kẻ thù của cái nhìn trong sáng và tế nhị của tâm. Trái lại, Lạc thì chẳng như thế. Lạc xoa dịu và lắng êm, nó khiến cho tâm tư trở linh hoạt và sẵn sàng để quán tưởng. Vì lẽ nầy, ta cần phải có khả năng điều chỉnh Hỉ Lạc.

Sau cùng, ta sẽ nhận thức rằng cả hai cảm thọ Hỉ Lạc (Pìti Sukha) đều là những tâm hành. Khi Hỉ điều kiện hoá tâm (tức là gây ảnh hưởng đến tâm) thì tâm (citta) trở nên thô phù và các tư tưởng cũng thô phù theo. Khi Lạc điểu kiện hoá và ủng hộ tâm, thì tâm trở nên tế nhị và an tịnh, rồi các tư tưởng trong tâm cũng tế nhị và an tịnh theo. Cả hai loại cảm thọ đều có ảnh hưởng đến tâm (điều kiện hoá), nhưng ở các khía cạnh khác nhau. Các cảm thọ (vedanà) tạo nên điều kiện gây ảnh hưởng đến tâm, vì thế cho nên chúng được gọi là các tâm hành (citta sankhàra.

Khi sự kiện vừa nói trên đã được ta khám phá ra, ta liền quán tưởng đến nó trong tâm ta, theo mỗi hơi thở vào, ra. Thở vào rồi thở ra với sự xác tín về sự kiện đó. Đấy là công việc của sự thực tập bước thứ bảy.

An tịnh các cảm thọ.

Bước thứ tám là làm "an tịnh các tâm hành(passambhayam cittasankharam)" trong khi thở vào và thở ra. Hãy làm cho các tâm hành, tức là các cảm thọ (vedanà) trở nên êm diu và an hoà. Giảm bớt cường độ của chúng trong khi thở vào và hạ thấp năng lực của chúng trong khi thở ra. Ta cần phải có đủ khả năng làm an tịnh các cảm thọ, thì ta mới có thể thể nghiệm được điều đó mỗi khi thở vào và thở ra.

Có nhiều đường lối làm giảm bớt cường độ của các cảm thọ (vedanà). Hạ thấp năng lực của chúng hoặc chấm dứt chúng hoàn toàn chẳng phải là việc chẳng thể làm được. Có hai cách để chúng ta xử dụng: (1) phương pháp Định lực (Samàdhi) và (2) phương pháp Bát nhã (Panna).

Phương pháp Định lực.

Sức xung động của Hỉ (Pìti) có thể được làm êm dịu lại với phương pháp định lực (samàdhi) bằng cách phát triển tình trạng thiền định lên một cấp cao hơn, để loại bỏ Hỉ Lạc (Pìti Sukha) ra. Hiện nay có lẽ ta còn chưa đủ khả năng để làm được như thế, bởi vì chúng ta vừa mới bắt đầu thực tập. Tuy nhiên, vẫn có bí quyết để gạt bỏ các cảm thọ đó bằng cách đạt đến một giai tầng cao hơn của thiền định, như Tam thiền hoặc Tứ thiền chẳng hạn. Nhưng, ta vẫn có thể vẹt Hỉ qua được, bằng cách thay đổi tư tưởng của ta. Hãy đưa vào tâm một loại tư tưởng khác, để can thiệp và loại trừ cái cảm thọ bằng lòng (Hỉ) đó. Cả hai cách, cách nào cũng xử dụng đến năng lực của Định lực. (...) Thông thường, chẳng cần phải gạt bỏ Lạc (Sukha) ra. Đúng ra thì ta cần giữ lại Lạc để hỗ trợ cho sự thực tập tiếp theo về sau. Ở đây, ta đặc biệt cần phải kiểm soát Hỉ. Ta kiểm soát được Hỉ với các kỹ thuật của Định lực, hoặc bằng cách thay đổi đối tượng quán chiếu trong tâm, hoặc đạt đến một tình trạng thiền định cao hơn. Hai cách đó, cách nào cũng khiến cho Hỉ lắng dịu xuống.

Ta có thể khẳng định rằng, khi biết dùng ý nghĩa chơn thật của danh từ định lực (Samàdhi) thì ta có thể đẩy Hỉ lui ra xa. Ý nghĩa thật sự của danh từ Samàdhi, định lực, là "đạt tới tâm nhứt điểm (Ekaggatà citta) với Niết-bàn (Nibbàna) làm đối tượng". Chúng tôi có giải thích, ekaggatà citta, tâm nhứt điểm là tình trạng tâm tập trung lại, qui vào một đỉnh tuyệt cao. Định lực chơn thật lấy Nibbàna(Niệt bàn hay là tịch diệt, santi), làm đối tượng. Giờ đây, cái cảm thọ Hỉ đó gây thêm rắc rối, xáo trộn và khó khăn, thì ta hãy đuổi nó đi. Ta nhắm vào mục tiêu là tâm nhứt điểm với tịch diệt (santi) hay Niết-bàn (Nibbàna) làm đối tượng. Cảm thọ Hỉ tan biến đi vì ta đâu thèm đến nó nữa. Đó là một phương tiện khéo léo: dùng Định lựcđể đẩy Hỉlui ra xa.

Phương pháp bát nhã (trí huệ).

Giờ đây tới phương pháp Bát nhã, để làm giảm cường độ của Hỉ (Pìti), để xoá bỏ ảnh hưởng của Hỉ,hoặc của Lạc, nếu muốn. Ta xử dụng Bát nhã (Panna) nhận thức được bản thể chơn thật (đặc điểm, tánh chất, điều kiện) của mọi sự vật do đấy mà Hỉ khởi lên và nguyên nhân nào làm cho nó biến diệt. Hỉ bộc phát lên, khi có điều kiện thoả ý được thực hiện đúng đắn. Nó sẽ biến diệt đi, do sự khiếm khuyết điều kiện đó, do vì nhận thức được nó chỉ là ảo giác, chớ chẳng phải là chơn thật. Một khi ta thấy được rõ như thế, cảm giác bị Hỉ khuấy động, và sẽ từ từ mất dần.

Một phương pháp khác của Bát nhã là sự phân biệt rõ ràng giữa vị ngọt (assàda) và nguy hiểm (àdìnava) của Hỉ. Vị ngọt (Assàda) tức là tánh chất hấp dẫn của một sự vật, vẻ duyên dáng ngon ngọt cám dỗ của nó. Hỉ có hương vị kỳ diệu đó. Nguy hiểm (Àdìnava) là khía cạnh tác hại trừng phạt của sự vật. Nguy hiểm của Hỉ là việc nó kích thích và khuấy rối, lại đẩy lùi sự yên tịnh ra xa, đấy là điều đã làm cho nó trở nên kẻ thù của sự quán tưởng (vipassanà). Một khi ta đã nhận biết rõ như thế, thì Hỉ tan rả. Nếu ta thấy rõ được sự khởi sanh, sự biến diệt, sự duyên dáng (vị ngọt), và sự tác hại (nguy hiểm) của Hỉ, thì nó tan rả và biến mất đi. Đây là xua đuổi Hỉ với kỹ thuật của phương pháp Bát nhã.

Mỗi người trong chúng ta cần nên hiểu rõ ý nghĩa của hai danh từ Assàda Àđìnava. Nếu bạn nhớ được tiếng Pali, thì có lẽ tốt hơn là lời dịch. Assàda là khía cạnh hấp dẫn, thoả thích, đáng yêu, làm say đắm, hay quyến rũ của một sự vật nào. Àdìnavalà khía cạnh thấp hèn hay tác hại của một sự vật. Chẳng thể vịn vào cớ nào để cho hai điều đó tới để phỉnh gạt ta. Một khi đã thấy rõ hai điều đó rồi, thì ta biết rằng, thích thú một vật, hoặc say đắm yêu mê nó, là một sự điên rồ tích cực. Còn đi oán ghét một sự vật lại là một sự điên rồ tiêu cực. Nếu đã hiểu biết rõ ràng cả hai rằng chúng luôn luôn phỉnh gạt ta và dụ dỗ ta hoặc phải yêu mê hoặc phải thù hận, thì bài học rút ra ở chúng, là ta chớ có dễ dãi trong hai việc thương và ghét, và nhờ đó mà ta được giải thoát khỏi ma lực của mọi sự vật. Thí dụ như tiền bạc có cả hai:vị ngọt và nguy hiểm (Assàda Àdìnava) thì ta chớ nên để nó lung lạc mà đi lầm đường, hay là điên cuồng theo đuổi nó mải miết.

Thông hiểu cho thật đầy đủ về cặp Assadà với Àdìnava,tức là cặp vị ngọt nguy hiểm, điều tạo nên sự an toàn nhứt mà ta có thể biết được. Thấy biết vị ngọt và nguy hiểm của Hỉ, bạn sẽ mệt chán với Hỉ. Rồi nó tự bay đi mất. Đấy là cách dùng Trí huệ Bát nhã để đuổi Hỉ đi xa. Ngay cả với Lạc (Sukha), cũng chớ nên dễ dãi. Mặc dầu ta còn cần giữ lại đôi chút Lạc vì mục đích hữu ích của nó, nhưng ta cũng chớ nên để bị mất hướng vì nó. Xin bạn hãy nhớ kỹ hai danh từ Assàda Àdìnava nầy trong suốt khoảng đời còn lại của bạn. Chúng sẽ trở thành một thứ linh phù để thật sự bảo vệ bạn, chớ chẳng hề làm hại bạn.

Đến điểm nầy, tâm trí có thể điều chỉnh các cảm thọ. Tâm trí đã phát triển được khả năng làm chủ và tự kiểm khiến cho các cảm thọ hết mong lôi kéo ta theo đường nầy lối nọ. Cảm thọ Lạc, lạc thọ(sukha vedanà), tức là cái cảm giác thích thú mà chúng ta đang bàn luận đây, thường thu hút tâm trí theo một hướng khả ái một cách tích cực. Còn có một loạt các cảm thọ khác trì níu ta vào đường tiêu cực, theo một hướng chẳng đáng cho ta mong muốn hay vừa ý.

Chúng ta đã bàn luận đến nhóm các lạc thọ, và ta cũng nên biết rõ thêm về các cảm thọ đau khổ, tức là nhóm các khổ thọ (dukkha vedanà) nữa. Ta phải biết cách làm sao ngăn chặn các cảm giác bất như ý và sầu muộn đừng đẩy ta vào một tình trạng khổ sở (dukkha). Các khổ thọ có thể bị ta đánh bại theo phương pháp giống như ta đã làm với Hỉ (Pìti). Cho dầu là lạc thọ, hay khổ thọ, ta cũng có thể kiểm soát chúng được cả. Ta chế ngự được chúng cả, chẳng trừ loại nào. Ta thực tập bằng cách đưa bất cứ cảm thọ nào vào tâm và thể nghiệm nó cho trọn vẹn. Rồi với trí huệ Bát nhã ta soi chiếu nó để đuổi nó đi xa. Bạn hãy thể nghiệm cái khả năng vứt bỏ được bất cứ cảm thọ nào. Rồi ý thức rằng các cảm thọ chẳng còn điều kiện hoá được tâm nữa. Hãy diễn đi diễn lại kỹ thuật nầy với mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra, cho đến khi nào bạn trở nên thuần thục thành một chuyên viên về vấn đề nầy. Thế là, bạn đã thành công trong việc thực tập bước thứ tám.

Sao lại quá bận tâm?

Một điểm chót là vấn đề vì sao ta lại quá bận tâm luận bàn nhiều về các cảm thọ vậy? Tại sao lại thấy cần thiết phải đưa các cảm thọ vào hàng các công tác của sự thực tập? Sao lại chẳng bước ngay sang việc quán tưởng (Vipassanà) để đạt tới Niết-bàn (Nibbàna) càng sớm càng tốt? Lý do là ta cần phải thông hiểu về các cảm thọ (vedanà) mới có đủ khả năng để kiểm soát tâm trí trong khi theo đuổi việc thực tập cho tới ngày thành tựu được mục tiêu chánh yếu là đạo quả Niết-bàn (magga phala nibbàna).

Nhưng ta còn có một mục tiêu thứ yếu nữa. Đó là, một khi đã điều chỉnh được các cảm thọ, có thể ta đủ khả năng để giữ cuộc sống của ta theo con đường chơn chánh và đứng đắn. Khi còn mê mờ về các tình cảm, ta thường rơi vào vòng nô lệ của chủ nghĩa duy vật mà ma lực luôn luôn bủa vây ta vào lúc ta buông thả theo các lạc thú vật chất, tức là các hương vị của các cảm thọ. Tất cả những cuộc khủng hoảng trên thế giới đều bắt nguồn từ nơi những người còn chưa hiểu rõ cảm thọ (vedanà), và say mê yêu đắm các cảm thọ. Tình cảm đã thúc đẩy ta hành động như thế đó, để đưa đến các sự bất hoà, tranh chấp, chống đối và cả chiến tranh nữa. Đôi khi chúng còn đưa đến cả các trận thế chiến. Tất cả chỉ vì con người thất bại trong việc đương đầu với sự phỉnh gạt của cảm thọ (vedanà).

Giờ đây, chắc các bạn đã nhận thức được rằng cần phải thông hiểu các cảm thọ. Ta phải biết các điều bí ẩn về chúng và vận dụng được sự điều chỉnh lấy chúng, nếu muốn cho thế giới nầy hoà bình. Cần chi nói đến việc chứng đắc Niết-bàn (Nibbàna) cho quá cao xa; ngay tại đây, sống an hoà trong nội tâm và sống hoà bình với đồng loại trên hành tinh nầy đã đòi hỏi mọi người phải đủ khả năng làm chủ các tình cảm mình, đấy là điều mà giờ đây chúng ta vẫn còn chưa biết cách khéo làm. Tôi hi vọng tất cả các bạn sẽ tiếp tục khai thác lợi lạc của khả năng đó suốt khoảng đời còn lại của các bạn. Bộ bốn nầy sở dĩ được đưa vào sự thực tập Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) là vì tầm quan trọng rộng rãi và mãnh lực to tát của các cảm thọ (Vedanà).

Trên đây là bộ bốn thứ nhì (2nd tetrad) trong Pháp Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Xin chấm dứt bài pháp thoại tại đây, vì hết giờ.

Bài 5

Quán tưởng Tâm

Hôm nay, chúng ta sẽ nghiên cứu bộ bốn thứ ba của Pháp Quán tưởng về Hơi thở (Ànàpànasati), có liên quan đến Tâm (citta). Bộ bốn nầy được gọi là Cittanupassanà, Quán tưởng về Tâm.Xin hãy chuẩn bị tinh thần để học tập về Tâm.

Trước khi đi sâu vào bộ bốn thứ ba nầy, có một điểm rất quan trọng mà chúng ta thường quên, ít nhấn mạnh đến. Mỗi khi bạn ngồi xuống để thực tập Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànapànasati) -- mỗi khi bạn bắt đầu bất cứ buổi thực tập nào -- bạn cần phải bắt đầu bằng bước thứ nhứt, tức là sự thể nghiệm về hơi thở dài. Cho dầu hôm qua bạn tập đến bước nào đi nữa, hôm nay bạn cũng phải bắt đầu lại ngay tại chỗ phải khởi đầu. Mỗi buổi tập là một buổi mới. Từ hơi thở dài, bạn sang hơi thở ngắn, và cứ liên tiếp như thế, bạn bước từng bước qua bước kế, hoàn tất đầy đủ mỗi bước, trước khi tiến lên nữa, cho đến khi nào bạn tới cái bước bỏ dở ngày hôm qua. Mỗi bước tuỳ thuộc vào bước trước. Nếu bạn còn chưa đủ khả năng để thực hiện bước thứ nhứt, thì chẳng thể nào bạn có thể tiếp tục việc thực tập xa hơn nữa. Ngay bây giờ, mặc dầu chúng ta đang có ý định thực hiện việc quán tưởng tâm (cittanupassanà), chúng ta cũng phải bắt đầu ngay tại bước thứ nhứt. Điều nầy cũng đúng với tất cả mười sáu bước thực tập. Với hơi thở vào, với hơi thở ra, ta thực tập luôn luôn như thế. Xin nhớ, ta phải bắt đầu bất cứ buổi thực tập nào cũng bằng bước thứ nhứt.

Sau khi thực tập thành công hai bộ bốn thứ nhứt và thứ hai, ta bắt tay vào việc với bộ bốn thứ ba nầy, là sự Quán tưởng Tâm (cittanupassanà). Bước thứ nhứt của bộ bốn nầy là quán tưởng, hay là thể nghiệm, tâm dưới mọi khía cạnh của nó. Điều nầy được gọi là citta patisamvedi, sự thể nghiệm về mọi tình trạng của tâm (= các tâm trạng) vào mọi thời. Kể từ khi mới bắt đầu thực tập, cho đến điểm nầy, nhiều tâm trạng đã khởi sanh lên. Nay, chúng ta phải quán sát mỗi tâm trạng ở mỗi bước.Hiện trạng của tâm ra sao? Nó thay đổi như thế nào? Điều gì đã khởi lên trong tâm? Tâm có những đặc tánh gì vào lúc nầy? Trong các bước trước, ta nhấn mạnh đến những hiện tượng, những sự kiện, tâm linh nào, mà tâm đang biết đến, hay là đang thể nghiệm. Giờ đây, ta sẵn sàng để quan sát đến chính cái tâm. Ta phải tiếp tục quán sát để biết trực tiếp được tâm ra như thế nào vào lúc ấy. Ta thể nghiệm được những gì? Bước thứ chín nầy bắt đầu thể nghiệm tâm xuyên qua mỗi phút giây của sự thực tập.

Nhiễm dơ hay không?

Có nhiều đặc tánh của tâm cần được quán sát ở đây, và tất cả các đặc tánh đó, tự chúng, phải hiện ra một cách tự nhiên. Chúng được ta quán sát đúng như chúng đang là như thế, vào đúng thời gian mà chúng đang hiện hữu. Đặc tánh cần phải được ghi nhận là, như nói theo cách cổ truyền trong Kinh điển, là "tâm có bị nhiễm dơkhông, tức là, trong tâm có tham (ràga)hay không?"Các bạn đều biết tham là gì, tham mê sắc dục cũng là một thứ tham. Nghĩa của chữ thamrất rộng. Tham tiền bạc, nữ trang, thực phẩm, nhà cửa và tài sản cũng đều là tham cả. Cũng có thể là sự tham luyến về một cá nhân nào (chẳng phải là vì sắc dục) như một người làm công hay tôi tớ chẳng hạn. Tâm có nhiểm các loại tham luyến như thế không, vào lúc nầy, hay là nó chẳng vướng đến? Nếu có tham đang hiện diện ở đây, thì quán sát kỹ nó để phân biệt ra nó thuộc vào loại nào. Hãy biết rõ khi tâm tham thì như thế nào? Nếu vắng bóng sự tham thì hãy quán sát việc vắng bóng đó của nó. Thở vào rồi thở ra, trong khi đó, thể nghiệm tâm trạng thực sự lúc bấy giờ của tâm.

Đặc tánh kế tiếp của tâm cần được quán sát là sân, (dosa)tức là sự giận, sự hờn, sự thù nghịch, sự hiềm hận. Nghĩa của chữ sân cũng rất rộng. Đôi khi một vật bên ngoài, một người, một tình trạng, hoặc bất cứ sự việc gì, cũng có thể làm ta giận. Mọi sự cau có, khó chịu của tâm cũng là sân. Sân cũng nổi lên ngay cả đối với một sự việc ở bên trong nội tâm. Khi tâm trở nên bị đè nén, kích thích, va chạm, chua cay, tâm đó được gọi là tâm sân. Ta quán sát tâm để xem tâm đó có sân cùng không. Nếu tâm đang sân, hãy quán sát, hay biết và hiểu rõ rằng tâm trạng đó là tâm sân. Nếu tâm chẳng giận hay hờn, thì cũng phải biết rõ rằng nơi tâm lúc ấychẳng có sân. Đây là đặc điểm thứ hai mà ta cần quán sát rõ.

Đặc tánh thứ ba cần được quán sát là sự si mê (moha)(sự mê mờ, lầm lẫn). Sự si mê biểu hiện bằng sự say đắm vào một sự vật gì mà còn chưa biết rõ thực sự nó như thế nào. Thí dụ như, khi ta đang nghi điều gì, ta chẳng thể nào chẳng nghĩ đến điều ấy. Và khi có ước mong hay kỳ vọng nào, ta cũng chẳng thể nào tránh được sự trụ tâm vào điều đó. Sự si mê có thể có nghĩa là đang bị "lạc lối bơ vơ" hoặc "mờ mịt tăm tối", tức là, bị sự nghi ngờ và ngu tối làm tràn ngập. Rồi thì, ý kiến nầy hay ý kiến nọ, phát xuất từ sự nghi ngờ hay sự ngu tối, khởi lên trong tâm. Đó là đìều được gọi là si mê. Ta cần phải biết rõ trong tâm ta hiện có, hay chẳng có, sự si mê. Nếu có si mê, thì hãy nắm ngay lấy nó và quán sát kỹ nó. Còn nếu tâm vắng bóng sự si mê, thì hãy quát sát sự khiếm khuyết của si mê. Luôn luôn quán tưởng tâm trạng đó trong khi thở vào và trong khi thở ra. Đây là đặc điểm thứ ba cần phải quán sát.

Có một cách giản dị để phân biệt ba tâm trạng: tham, sân, si (ràga, dosa, moha). Nếu đang có một cảm tưởng muốn cần đến, tức là muốn gom về, kéo lại, ôm chầm lấy và nắm chặt, cảm tưởng ấy là tham (ràga). Tham có tính cách tích cực. Sân thì chẳng thích, chẳng muốn. Sân có tính cách tiêu cực. Sân đẩy ra xa, muốn đập phá bỏ, ngay cả muốn giết chết nữa. Trong khi tham thì muốn kéo về, sân lại tống đi. Thứ ba là si, tức là si mê, ngu tối. Si chẳng phân biệt được sự thật: phải trái, thiện ác. Si thì cứ chạy vòng vòng. Và đây là chỗ khác nhau giữa ba tâm sở tham, sân, si:một thì gom về cho mình, hai thì đẩy ra xa, ba thì chạy lẩn quẩn. Mọi người ai cũng có thể quan sát được sự khác biệt giữa các hành vi của chúng: lôi về, đẩy đi, và chạy lòng vòng.

Kế đến là tìm biết tâm bị xao lảng hay không. Các bạn đã được nghe đến danh từ nầy nơi tâm nhứt điểm rồi. Tâm bị xao lảng chẳng phải là tâm nhứt điểm. Nó bị phân tán ra khắp nơi. Nó chẳng đủ khả năng để ở yên và thư giãn. Nó chẳng có sự tĩnh lặng, chẳng có sự an trụ. Hơn nữa, sự xao lãng khiến tâm bị phiền muộn, bị khuấy rối, tức là mất sự an nhiên. Tâm có bị xao lảng không? Hay tâm đang ở trong trạng thái bình thường, chẳng bị lơ đễnh? Hãy quán sát kỹ đặc điểm của tâm trạng nầy với hơi thở vào và hơi thở ra. Thực tập để hiểu biết kỹ điều đó, để có thể phân biệt rõ các loại tâm.

Bình thường hay phấn khởi?

Hai tâm trạng kế tiếp cần phải quán sát là khi có được một tâm trạng tốt đẹp hơn tâm trạng bình thường: một tâm trạng tốt, và một tâm trạng thông thường. Tiếng Pali gọi tâm trạng tốt nầy là một tâm trạng cao quí, vĩ đại, mahàggatà. Nếu nói theo ngôn ngữ hằng ngày, ta sẽ nói đó một sự hay biết rằng mình đang có một tâm trạng khá hơn, đáng vừa ý hơn, cao hơn là vào những ngày thường. Tâm ta hiện đang có ý thức về điều đó hay chăng? Nếu có, hãy quán sát ngay điều đó. Nếu không, hãy biết rằng tâm ta hiện đang trong trạng thái bình thường, vào lúc nầy. Hãy quán tưởng đôi tâm trạng đó trong khi thở vào và trong khi thở ra.

Hai tâm trạng cần quán sát tiếp theo là khi có được một tâm trạng tuyệt đỉnh, vô thượng, chẳng có gì cao hơn được nữa, với một tâm trạng còn có thể vượt lên cao hơn. Nói cách khác là khi tâm ta đang thành tựu được một tình trạng cao cả nhứt mà chẳng có gì cao xa hơn, tốt đẹp hơn nữa. Nhưng tâm ta hiện còn đang phải cố gắng lắm mới đạt đến mức tuyệt đỉnh đó. Và điều khó khăn cho chúng ta là, một tâm trạng tuyệt đỉnh như thế, cao quí như thế, phát triển đầy đủ như thế, chỉ có bực A la hán (Arahant, bực giác ngộ và giải thoát hoàn toàn) mới có được. Nếu ta chưa đạt được quả vị A la hán, thì nói theo lẽ thông thường là, lòng ta đang rất ư vừa ý, hay là đang cảm thấy vẫn có một việc gì cao cả hơn nữa còn chưa làm được? Có phải là ta đang cảm thấy vừa thực hiện được một điều gì thật mãn nguyện hoàn toàn rồi chăng? Hay ta còn đang cảm thấy cần phải làm thêm điều gì hơn thế nữa? Hai tâm trạng nầy mô tả tâm trong tình trạng đã có, hay chưa có, làm một điều gì cao quí. Hãy quan sát kỹ tâm trong trạng thái cao quí nhứt đó, quán tưởng nó càng lúc càng rõ rệt, để hiểu được hình thức của tâm trạng đó. Thở vào và thở ra cùng với ý thức biết rõ như thế.

Hai tâm trạng thứ ba cần phải quan sát là khi tâm có tập trung lại, hay chưa gom ý lại. Đó có phải là định lực hay chưa có định lực (samàdhi). Hãy tập trung tâm ý lại. Cho dầu chưa hẳn hoàn toàn đó là định lực, thì ảnh hưởng của sự cố gắng cũng đã khiến cho tâm tập trung lại được. Như thế, cũng tạm gọi là một định tâm. Bạn hãy quan sát kỹ hai tình trạng của tâm, trước và sau khi cố gắng tập trung tâm ý lại. Thở vào và thở ra với ý thức rõ rệt về hai tình trạng đó.

Hai tâm trạng chót cần phải quán sát là khi tâm được giải thoát hay chưa được giải thoát, nghĩa là còn có các sự ràng buộc (upàdàna), tâm đang cố bấu niú hay là đang bám chặt vào việc gì nên chưa được giải thoát. Tâm đang bám chặt hoặc chẳng đang bám chặt? Đó là điều mà tôi muốn nói khi hỏi rằng tâm có được giải thoát hay chưa được giải thoát. Ngay bây giờ, có điều gì đang cản trở tâm, hay là tâm đang được tự do? Trong trường hợp nào, bạn cũng nên tìm hiểu cả hai cho rõ ràng. Thở vào và thở ra với ý thức rõ rệt về điều đó. Hãy phân biệt giữa chúng đến mức thật rõ ràng, đứng đắn.

Ta biết được ta.

Nhờ thực tập như trên đây, ta biết được rõ về ta, biết rõ được những tư tưởng nào là loại tư tưởng đặc trưng cho ta. Rồi đó, ta sẽ hiểu biết rõ được về ta. Tâm trạng nào thường thấy nơi ta? Thông thường, tư tưởng trong tâm hay có khuynh hướng chạy theo một đối tượng nào đó. Nhờ quán sát các khuynh hướng đó, ta sẽ biết rõ ta hơn. Đây là một lợi lạc đặc biệt của bước thực tập nầy. Mục đích trực tiếp của ta, tuy nhiên, là để biết tâm ta cho thật rõ ràng và thật đầy đủ. Thông hiểu tâm ta một cách cặn kẽ là lợi lạc đặc biệt của bước nầy. Đấy là những gì cần thực tập trong bước thứ nhứt của bộ bốn thứ ba nầy, tức là bước thứ chín trong toàn bộ Pháp Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Làm cho tâm sảng khoái.

Giờ ta tới bước thứ hai trong bộ bốn thứ ba, làm cho tâm được sảng khoái (abhippamodayam cittam). Từ buổi đầu, ta đã thực tập nhiều cách để kiểm soát soát tâm, đặc biệt nhứt là trong bộ bốn thứ nhì, tâm phát triển được khả năng tự chủ đối với các cảm thọ và có thể kiểm soát được chúng. Điều nầy có nghĩa là đã tiến gần đến với tình trạng khuất phục được tâm, kiểm soát được tâm. Một khi ta đã biết rõ tất cả mọi loại tâm sở và tình trạng của chúng một cách thật đầy đủ rồi, cả tích cực và tiêu cực, thì ta có thể đặt tâm vào một tình trạng thích hợp, hay đáng mong muốn. Bước thứ mười nầy chính là việc thực tập để khiến cho tâm trở nên vừa lòng, vui sướng và sảng khoái đó. Có nhiều tiếng để nói đến tình trạng đó: bằng lòng, vui thích, hân hoan, hay bất cứ tiếng nào mà ta muốn dùng đến. Nhưng điều quan trọng là có đủ khả năng để kiểm soát tâm để cho tâm cảm thấy hài lòng và vui thích khi ta thở vào và thở ra.

Mỗi khi tâm cảm thấy buồn chán, sầu não, chẳng thiết đến gì vui, ta có thể xua đuổi phiền não đó đi và đưa đến một tâm trạng vui vẻ. Hoặc là, ngay cả khi tâm ở trong tình trạng bình thường, ta cũng có thể làm cho nó vui lên, sảng khoái lên, với kỹ thuật nầy. Đây là một điều rất có ích lợi. Ta đâu cần phải chịu đựng lâu dài một tâm trạng đau buồn, bởi vì ta có thể kiểm soát được tâm ta. Mỗi khi cần đến, ta có đủ năng lực để làm bất cứ điều gì ta cần phải làm về phương diện tâm linh. Ta có thể vui lên bất cứ lúc nào. Nhưng xin hãy thận trọng, hai tiếng vui thích sảng khoái đều mang hai loại ý nghĩa khác nhau. Có loại vui thích và sảng khoái tầm thường, trần tục, dựa trên vật chất và nhục cảm. Tuy đó cũng là một loại vui thích và sảng khoái, nhưng đấy chẳng phải là loại mà ta chú trọng đến. Chúng tôi đòi hỏi sự vui thích do Chánh Pháp (Dhamma) mang đến, do thông hiểu Chánh Pháp, và biết cách ứng dụng Chánh Pháp. Ta đâu cần lệ thuộc vào vật chất và nhục cảm để kích thích chúng ta, ta đã có Chánh Pháp giúp tâm ta được sảng khoái. Như thế, có hai loại vui thích: sự vui thích bị ô nhiễm và sự vui thích thanh cao, chẳng vướng vào các cấu nhiễm (kilesa, lậu hoặc). Cả hai loại đều sẵn có đấy cho ta tiện dụng. Nếu bạn muốn có loại vui thích ô nhiễm, thì rất dễ để đạt được nó. Còn vui thích về Chánh Pháp (Dhamma) thì cần phải đi tìm thật đứng đắn mới gặp được. Vì lẽ nầy, xin nghiên cứu thật kỹ điều nầy cho tường tận.

Sảng khoái vì Chánh Pháp (Dhamma)

Kể cũng dễ để làm cho tâm trở nên sảng khoái, một khi ta hiểu được nguyên nhân của sự vui thích. Sự vui thích bắt nguồn từ cảm giác thành công, vì vừa thành tựu được một hành vi đứng đắn và đáng khích lệ. Một cách dễ dàng, để làm tâm sảng khoái lên, là quay lại thực tập bước thứ nhứt, thứ hai thứ ba một lần nữa. Hãy quay lại các bước đầu và thực tập một cách thành công. Rồi thì sẽ có sự bằng lòng và vui thích với mỗi bước.Đây là sự vui thích có liên quan mật thiết với Chánh Pháp (Dhamma). Chúng ta hãy quay về thực tập lại bước một, lần nữa, nhưng lần nầy thì đặc biệt đặt tiêu điểm vào cảm giác thành công, bằng lòng, vui thích và sảng khoái. Hãy tiến tập như thế qua mỗi bước, giống cách như thế, mãi cho tới lúc đến với niềm vui thích làm cho ta thỏa mãn nhứt. Sự vui thích bắt nguồn từ sự bằng lòng, và sự bằng lòng bắt nguồn từ sự thực hiện một hành vi được thành công. Bằng cách làm khởi lên sự xác tín rằng chúng ta được an toàn và giải thoát khỏi mọi sự trói buộc sẽ khiến cho sự bằng lòng và vui thích đến có mặt ở đây.

Một phương pháp dễ dàng, mà ta có thể dùng đến bất cứ lúc nào, là nghĩ đến điều lành và làm được điều lành. Ta có được đờì sống an lành, một đời đã gặp được Chánh Pháp (Dhamma) và biết rõ chắc chắn cách dứt trừ được sự khổ sở (dukkha). Chúng ta những người may mắn nhứt trong nhơn loại, những người đã biết được Chánh Pháp và dứt trừ sự khổ sở. Suy tư như thế sẽ làm cho ta vui thích và sung sướng. Đấy là cách tự làm cho mình thật là vui thích và sảng khoái. Thực hiện điều lành, thành tựu một cuộc sống an lành, làm một người tốt, khám phá được Chánh Pháp đủ để bảo đảm cho mình chẳng bị đau khổ -- loại suy tư nầy là một cách giản dị để làm cho tâm được sảng khoái.

Khi chúng ta đã vững niềm tin rằng chắc chắn ta sẽ diệt trừ được sự khổ sở (dukkha), hoặc khi chúng đạt được điều tối hảo nhứt mà con nguời có thể đạt đến nổi, thì tự nhiên chúng ta sẽ trở nên bằng lòng và vui thích. Chúng ta nghiên cứu để hiểu được Chánh Pháp có thể dập tắt được sự khổ sở, để thành tựu được điều tối hảo mà nhơn loại cần đạt đến. Và ta được bằng lòng. Ta có đủ khả năng làm cho tâm vui thích lên, sảng khoái lên, bằng cách xử dụng kỹ thuật nầy.

Khiến tâm định tĩnh.

Một khi ta có thể làm cho tâm hân hoan, sảng khoái như ý ta muốn rồi, thì ta thực tập bước kế tiếp. Đối tượng của bước thứ chín nầy là định tâm (samàdaham cittam). Điều nầy có nghĩa là ta có thể làm cho tâm tập trung lại, đưa tâm vào định lực (Samàdhi) mỗi khi ta muốn hay ta cần đến. Bước nầy chẳng khó, bởi vì chúng đã thực tập nó ngay từ buổi đầu, nhứt là trong bước thứ tư(an tịnh thân hành) và bước thứ tám (an định tâm hành). Nếu ta đã có thể làm được như thế trước đây, thì bây giờ ở đây ta cũng có thể làm được như vậy. Hãy khiến tâm tập trung vào định lực. Ta có thể dẹp bỏ các cảm thọ khác ngay tức thời. Rồi tâm sẽ nhập định và trở nên hoan hỉ. Hơn nữa, tâm còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác tiếp theo nữa. Khả năng nầy rất có lợi ích.

Một vấn đề thông thường lại đặt ra tại đây. Nhiều người lầm tưởng rằng một khi tâm đã nhập định rồi thì nó phải bất động và chẳng thể nào di chuyển được. Họ còn tưởng rằng rồi chẳng còn có bất cứ cảm thọ nào khởi lên cả. Đấy là sự hiểu biết rất lầm lẫn. Ngồi bất động và cứng rắn tựa như khúc gỗ, đó chỉ là một bài thực tập huấn luyện. Nó giản dị chỉ là sự luyện tập ở một cấp định lực cao hơn cấp bình thường. Phát triển định lực thâm sâu hơn ở Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, cho đến mức thân thể chẳng còn hơi thở, cũng chỉ là những bài tập về huấn luyện. Mặc dầu vậy, nếu thân thể có thể đạt đến các cấp thật cao đó của định lực, thì ngay ở các cấp định lực thấp hơn, cũng vẫn chẳng có vấn đề gì. Ngay đây, ở bước thứ mười một nầy, đưa tâm nhập vào định lực (samàdhi) có nghĩa là tâm ấy đã có những đức tánh tốt đầy đủ và sẵn sàng để làm nhiệm vụ của nó. Tâm ấy đang được chuẩn bị để thực hiện các công tác của nó khi cần đến. Ở các bước trước, tâm đã làm thế nào để được vui sướng. Khi tâm đó được vui sướng, nó có thừa khả năng để hoàn thành các nhiệm vụ. Vậy, xin đừng hiểu lầm mà cho rằng khi tâm nhập định, thì ta phải ngồi cứng bất động như khúc gỗ.

An định thanh tịnh linh hoạt.

Nếu tâm nhập định một cách đứng đắn, ta quán sát sẽ thấy có ba đức tánh rõ rệt nơi tâm ấy. Đức tánh của tâm trở nên cứng cỏi, ổn cố, chẳng xao lảng, và rọi chiếu về một đối tượng duy nhứt, được gọi là tánh an định (samàhito). Tâm ấy trong sáng và thanh tịnh, chẳng bị khuấy động bởi bất cứ gì, chẳng vướng bất cứ cấu nhiễm nào. Một tâm chẳng ô nhiễm được gọi là tâm thanh tịnh (parisuddho). Thứ ba, tâm ấy thích hợp nhứt và được chuẩn bị đến cao độ nhứt để hoàn thành các nhiệm vụ của tâm. Điều nầy được gọi là tánh linh hoạt (kammaniyo) (tánh hoạt động, tánh sẵn sàng). Cũng chẳng có hại chi khi phải ghi nhớ nằm lòng ba chữ Pali nầy: samàhito, parisuddho kammaniyo vì cả ba đức tánh đó cần phải có đủ khi biết thế nào là một tâm nhập định một cách đứng đắn. Đây chẳng những là loại định lực thường hành trong các cuộc thực tập quán tưởng chánh thức mà còn được dùng trong các công tác cần thiết hằng ngày nữa.

Ba đức tánh đó có thể hiện diện trong khi ta đi hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm. Có một đoạn Kinh văn trong Tạng Pali, đáng lưu tâm, nói rằng, nếu có đầy đủ ba đức tánh trên đây trong khi đứng, thì ta gọi đó là thiên lập, (divine standing). Nếu cả ba đức tánh đó đều có đủ trong khi đi thì gọi đó là thiên bộ (divine walking). Nếu có đủ cả ba đức tánh đó trong khi ngồithì gọi đó là thiên tọa (divine sitting). Nếu có đầy đủ ba đức tánh trên đây trong khi nằm, thì gọi đó là thiên ngoạ (divine lyìng). Rõ ràng là nhập định đâu phải ngồi như một phiến đá hoặc một khúc gỗ -- dưới con mắt của thế gian, đó là ù lì, cứng ngắt, và chết lịm. Tinh hoa của định lực (samàdhi) là tâm (citta) hoàn toàn sẵn sàng để thực hiện mọi nhiệm vụ của nó, tức là, phát triển kiến thức và sự thông hiểu từ phút nầy đến phút khác. Ở mức tối thiểu, tâm sẽ hân hoan khi ba đức tánh đều hiện diện. Có được sự an lạc (sukha), đó cũng là một nhiệm vụ của tâm. Và tâm trở nên sẵn sàng để làm tròn nhiệm vụ ấy khi nó hội đủ ba đức tánh kể trên.

Hành giả khi tâm nhập định nhờ ba đức tánh nói trên được xem như là một "bực có tâm an định"; tiếng Pali gọi là samàhito. Đức Phật có nói, được ghi lại bằng tiếng Pali, rằng "Khi nhập định, tâm thông hiểu hết tất cả muôn pháp (dhamma, sự vật) đúng như thật sự chúng là như thế (samàhito yathàbhutam pajànàti)". Lợi lạc tối thượng của samàhito, định tâm, là tâm an định để hiểu biết mọi sự vật đúng như sự thật. Nếu có một vấn đế nào trong đời sống mà ta còn chưa tìm ra lời giải đáp, thì hãy nhập định và câu trả lời sẽ tự động tìm đến. Khi tâm nhập định đi đến đâu, nó cũng thấy sự vật đúng theo thực tế. Nếu ta nhìn vào bên trong chúng ta, ta sẽ thấy mọi sự kiện đúng theo chơn lý. Điều đó có nghĩa là ta sẽ thấy vô thường, khổ sở, vô ngã cách dễ dàng (aniccam, dukkham, anattà), nếu tâm hội đủ ba đức tánh về định lực.

Tự bạn, bạn sẽ thấy rằng ba đức tánh đó đều liên quan hỗ tương nhau mật thiết. Cả ba phối hợp nhau lại thành một đơn vị duy nhứt. Chẳng thể có sự thanh tịnh của tâm mà thiếu đi được sự an định. Nếu chẳng có sự thanh tịnh, thì chẳng thể nào có sự an định. Và cần phải có, vừa sự thanh tịnh, vừa sự an định, thì mới có thể có sự linh động được. Cả ba liên hợp hoạt động với nhau. Chúng là ba thành tố của một định tâm. Xin bạn hãy cố tìm hiểu rõ cả ba tiếng: an định, thanh tịnh và linh hoạt. Cả ba cần được bình đẳng hoá và hợp nhứt lại để gọi là định tâm (samàhito). Chúng thật là hữu ích, hết sức vô giá, và mãnh liệt. Thứ định lực nầy đủ khả năng để giải quyết tất cả các bài toán của đời sống, liên quan đến các vấn đề thiên nhiên, vật chất của thế giới, và cả đến các câu hỏi về cõi siêu thế vượt khỏi thế gian.

Sau cùng, xin bạn hãy nhớ và hiểu cho điểm cốt yếu nầy. Khi tâm nhập định (samàdhi), ta vẫn còn có thể đi, đứng, hoặc ngồi, nằm, hoặc làm việc, hoặc thưởng thức thành quả của công tác mình đã làm, hoặc giúp kẻ khác hay tự giúp nữa. Tâm nhập định (samàdhi citta) có thể dùng vào bất cứ vấn đề nào, trong mọi hoàn cảnh. Nó có thể dùng để giải quyết mọi vấn đề. Xin hãy quan tâm đến chữ samàhito -- người có định tâm. Nó có đủ khả năng để hoàn tất mọi nhiệm vụ.

Giải thoát tâm.

Trong khi thở vào và thở ra, ta thực tập cho đến khi nào đủ khả năng đạt đến ba thành tố của định tâm. Và bước thứ mười một chấm dứt, để tới bước thứ mười hai.Bước thứ mười haigiải thoát tâm (vimocayam cittam). Giải thoát tâm có nghĩa là đừng để cho tâm vướng mắc vào đâu cả. Hãy thúc dục tâm buông bỏ những gì đang bám níu vào. Tâm như thế là một tâm trong sạch chẳng chút bợn nhơ. Nó hoàn toàn tự do. Giải thoát tâm khỏi mọi ràng buộc có hai khía cạnh. Hoặc chính tâm tự buông bỏ lấy những gì nó đang bám níu vào, hoặc chính ta đem các sự việc đó ra khỏi tâm. Kết quả thì cũng như nhau. Bạn hãy lấy đem ra hết tất cả những gì mà tâm chẳng nên bám níu vào. Rồi bạn quan sát kỹ coi còn lại những gì đang bám níu vào tâm. Hãy cố gắng cởi mở chúng ra khỏi tâm. Đây là bước thứ mười hai.

Hiểu thật thấu đáo ý nghĩa của sự việc mà ta gọi là ràng buộc (attachment, chấp thủ) là điều thiết yếu. Có lẽ chúng ta còn chưa quen lắm với sự việc đó. Nhưng nếu ta còn chưa hiểu sự ràng buộc, thì làm thế nào ta có thể tìm cách chữa trị nó? Xin tất cả các bạn hãy nghiên cứu nó với một sự quan tâm đặc biệt. Mặc dầu đó là một hiện tượng tâm linh, nhưng tôi dùng chữ nầy trong điạ hạt vừa vật chất lẫn tinh thần để nói đến nó. Tôi dùng các tiếng như là: ràng buộc, nắm chặt bám níu. Tuy nhiên, nó vẫn là một hành vi thuộc điạ hạt tâm linh. Tâm trí còn mê mờ và hành động theo sự mê mờ đó. Do đó, tâm trí ấy khởi lên các hành vi mà tôi gọi là ràng buộc, hoặc bám chặt hay là bấu níu. Ta cần phải nghiên cứu nó thật cẩn thận, vì đó là điều có mặt ở đời sống của mọi dân chúng, ở mọi người. Để mô tả gọn với vài tiếng, thì ràng buộc là nhìn một sự vật gì như là "Ta" hoặc là "của Ta". Hãy nắm vững nghĩa chữ ràng buộc đó và việc thực tập bước nầy sẽ được suông sẻ.

Cách trực tiếp nhứt để thực tập bước thứ mười hai là cứu xét cho rõ các sự trừng phạt, nguy cơ, độc hiểm, thống khổ, và đau đớn, mỗi khi ta tự ràng buộc vào việc gì và coi đó như là "Ta", hoặc là "của Ta". Hãy chiếu rọi thật kỹ vào các trừng phạt độc hiểm đầy nguy cơ và thống khổ mà toàn bộ sự bị ràng buộc sẽ mang đến cho ta chẳng thể nào tránh khỏi được. Mặt khác, nên nghiên cứu và nhận thức được các lợi lạc, tốt đẹp và ưu điểm của việc cởi mở. Khi ta chẳng bị ràng buộc, ta có những lợi lạc gì? Niềm an lạc nào có sẵn ở đó? Hãy quán sát kỹ lưỡng. Khi ta tự ràng buộc mình vào một sự vật gì, thì hậu quả sẽ là loại thống khổ nào, với cấp độ nào? Hãy xem xét cả hai mặt của đồng tiền. Thấy cho rõ ra rằng hình phạt của sự ràng buộc và giá trị của sự cởi mở luân phiên nhau liên tục trong tâm trí. Xuyên qua loại quán tưởng đó, tâm trí sẽ tự động được giải thoát. Tâm trí tự nhiên sẽ buông bỏ các sự vật, và các sự vật cũng tự nhiên thôi bám chặt nữa, nhờ quán chiếu rõ hai sự kiện đó. Tiếp tực quán chiếu đến khi nào thấy rõ các hình phạt và sự thấp hèn của việc ràng buộc. Tiếp tục quán chiếu cho đến khi nào thấy rõ được các lợi lạc của sự cởi mở. Quán chiếu cả hai vào mỗi lúc ta thở vào và thở ra. Đấy là cách thực tập bước nầy.

Bốn loại ràng buộc (chấp thủ).

Đối tượng của sự ràng buộc có rất nhiều. Hơn nữa, chúng rất tế nhị và thâm sâu. Chúng rất khó cho ta nhìn thấy, nghe và hiểu thấu đến chúng. Tuy nhiên, ta có thể xếp chúng vào bốn loại, hay là bốn thể thức ràng buộc. Loại thứ nhứt là tất cả mọi sự vật vật chất được dục vọng (kàma) trân quí. Dầu đó là tài sản, vật dụng cần thiết, bảo ngọc, nữ trang, vàng và bạc; hoặc những sự vật mà ta thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó đến và tưởng nghĩ đến, tất cả những thứ đó đều làm căn bản nguồn cội cho nhục cảm và dục vọng. Chúng là những đối tượng của sự ràng buộc về nhục cảm. Ba loại ràng buộc còn lại có các đối tượng phi vật chất. Loại thứ nhì là những sai lầm về ý kiến, tin tưởng, quan kiến và lý thuyết. Chúng là những điều mà ta còn chưa hiểu nỗi, nhưng vì bị vô minh (avijjà) che lấp nên ta chấp nhận chúng, bám níu vào chúng và có rất nhiều tà kiến. Loại thứ ba là hình thức cổ truyền hành động và thực hành mà chúng ta noi theo. Mỗi thứ nầy, kể cả về tôn giáo hay thế tục, cũng là hình thức của sự mê tín. Chúng là những tục lệ mà ta tự đồng hoá với chúng và bảo vệ chúng. Sau cùng, và cũng là quan trọng hơn cả ba loại trước, là loại ràng buộc vào các sự vật mà đồng hoá như là "Ta" hoặc là "của Ta".

Tất cả bốn loại ràng buộc đó bao gồm hết mọi sự vật mà ta bám níu vào. Hãy quán sát chúng và thấy ra được sự hiểm độc thấp hèn khi bám vào chúng. Thấy cho rõ giá trị của sự cởi mở ra khỏi chúng. Liên tục quán tưởng mỗi loại với mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra. Bằng cách ấy, chúng được cổi ra bằng sự cởi mở tự động. Hãy phóng thích các đối tượng ràng buộc ra. Hãy buông bõ, hãy buông bỏ, hãy buông bỏ.

Khi chúng ta nhìn đến đạo Cơ đốc (Christianity), ta thấy đạo nầy cũng chia xẻ một mối lo về sự chấp thủ (ràng buộc). Trên thực tế, biểu hiệu chánh của đạo Cơ đốc là hình cây Thánh giá chữ Thập (+ ) -- dạy rằng chữ "I" thẳng đứng (trong Anh ngữ có nghĩa là "Ta") bị dấu ngang (-) cắt bỏ đi. Điều nầy tượng trưng cho sự dẹp bỏ mọi ràng buộc. Tất cả mọi tôn giáo đều có điểm tương đồng nơi mục tiêu chánh: sự tận trừ mọi ràng buộc vào cái "Ta" và "của Ta". Đây là điểm cao tột, trác tuyệt nhứt của sự tu hành. Nó xoá bỏ mọi vấn đề, đặc biệt là sự ích kỷ là nguồn gốc gây ra các vấn đề khác. Cắt đứt sự ích kỷ thì mọi vấn đề sẽ chấm dứt. Xin hãy quan tâm đến việc buông bỏ muôn vật. Buông bỏ bốn loại ràng buộc là điều tốt nhứt mà ta có thể làm được.

Một nhóm sự vật khác mà tâm cần buông bỏ vì chúng đang khuấy rầy tâm lúc nầy, là năm món che đậy, gọi là ngũ cái (nivarana), năm thứ cản trở tâm. Chúng là những thái độ khởi lên trong tâm từ các thói quen và các khuynh hướng suy tư của ta. Năm món che đậy, ngũ cái,đó là: tham dục, sân hận, thụy miên (mê ngủ), trạo hối (xao động) và nghi ngờ. Ta cần dẹp bỏ ngay ngũ cái là năm món làm che mờ tâm trí. Xa hơn nữa, có các lậu hoặc (kilesa, cấu nhiễm, phiền não). Các tình cảm phiền não của sự tham lam (lobha), giận hờn (dosa), và si mê (moha) cần phải được đuổi đi khỏi. Các cảm thọ thương thích hay oán ghét,mọi khí sắc thoả ý hay bất mãn, bất cứ cố chấp nào vào sự vật thuộc nhị nguyên thường hiện diện trong tâm, cũng đều nên gạt bỏ ra khỏi. Sau cùng, ta sẽ nhận thức được rằng chẳng còn vấn đề nào lưu lại để đưa tâm vào khổ sở (dukkha) nữa. Còn có ràng buộc, là còn có khổ sở. Tâm đã hoàn toàn vắng bóng mọi ràng buộc rồi, thì tâm sẽ chẳng còn thể nghiệm sự khổ sở, vì còn đâu cơ sở nữa để cho sự khổ sở khởi lên.

Mỗi khi tâm thấy có sự vật gì đang đeo níu, nó liền cởi mở ra ngay. Bạn hãy thực tập như thế vào mọi thời, khi bạn thở vào và thở ra, nơi bước thứ mười hai nầy, là bước chót của bộ bốn thứ ba (3rd tetrad) của Pháp Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Tính chung lại, ta có bốn bước liên quan đặc biệt đến tâm (citta): thể nghiệm các tình trạng khác nhau của tâm, làm cho tâm hân hoan, làm cho tâm định tĩnh, và giải thoát tâm. Xuyên qua sự học hỏi và thực tập nầy, ta đã thành công trong việc nghiên cứu hoàn toàn về tâm thức của chúng ta.

Xin phép được chấm dứt buổi pháp thoại tại đây.

Bài 6

Tối thượng

Hôm nay chúng ta sẽ bàn luận về bộ bốn thứ tư, (4th tetrad) tức là bốn bước cuối cùng. Bộ bốn nầy đặc biệt nghiên cứu và học tập về Pháp (Dhamma), tức là Chơn Lý. Các bạn còn nhớ, bộ bốn thứ nhứt nghiên cứu về hơi thở và thân thể. Bộ bốn thứ hai nghiên cứu về các cảm thọ là hậu quả của việc điều hoà các thân hành, tức là hơi thở. Tại đó, chúng ta chỉ nghiên cứu về các cảm thọ của tâm, còn chưa xét đến chính cái tâm (citta). Chúng ta đã nghiên cứu các tâm hành cho đến khi học tập được tất cả những gì về sự chuyển biến cùng các điều kiện ảnh hưởng đến tâm. Nhờ đó, ta có thể kiểm soát được các tâm hành (citta sankhàra), tức là những điều kiện đã gây ảnh hưởng đến các tâm trạng. Bộ bốn thứ ba nghiên cứu về tâm (citta), và cách điều phục, kiểm soát nó. Chúng ta đã nghiên cứu, học tập, phát triển, luyện tập và thực hành nhiều cách để kiểm soát tâm. Giờ đây, tại bộ bốn thứ tư nầy, một khi cái tâm đó đã được huấn luyện thuần thục và đã được hàng phục rồi, chúng ta có thể dùng nó để nghiên cứu về Pháp, Chánh Pháp (Dhamma), tức là Chơn Lý của Thiên nhiên. Bạn hãy nhìn thấy rõ bốn bộ bốn đó đã liên quan nhau mật thiết như thế nào: trước nhứt là thân hành (kàya sankhàra), kế đó là tâm hành (citta sankhàra), rồi đến chính cái tâm (citta), và sau chót là Pháp (Dhamma), những sự kiện chơn lý (sacca dhamma) về Thiên nhiên (Dhamma jàti).

Cách lập luận ở đây cũng giản dị thôi. Một khi tâm đã chịu ở dưới quyền lực của chúng ta rồi, và ở trong vòng kiểm soát của chúng ta, thì ta có đủ khả năng xử dụng tâm ấy để làm việc được. Do nhờ thực tập bộ bốn thứ ba, do nhờ khả năng tập trung tâm vào định lực, mà tâm đã có được khá nhiều sự linh hoạt, sẵn sàng hành động (kammaniyo). Tâm trở nên thích hợp và sẵn sàng để hoàn tất nhiệm vụ của nó. Trong tiếng Pali, có một tĩnh từ chỉ rõ tình trạng đó, là mudu có nghĩa là mềm dịu, nhu nhuyến. Trước kia, tâm thô phù và cứng rắn, nay tâm trở nên nhu nhuyến, và tế nhị. Tâm nay rất nhạy cảm và nhanh nhẹn, trong một tình trạng sẵn sàng để được xử dụng. Vì lẽ đó, ta dùng nó để thi hành công tác nơi bộ bốn thứ tư nầy, mà nhiệm vụ đầu tiên chính là để quán tưởng về vô thường.

Đặc tánh vô thường của giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati) .

Nguyên tắc căn bản được dùng trong toàn bộ sự thực tập nầy là xử dụng ngay những sự vật đã sẵn có ở bên trong chúng ta, để dùng làm đối tượng khảo sát và thực tập. Ta chẳng thích dùng đến các ngoại vật. Một khi ta đã hiểu rõ bên trong rồi, thì ta có thể ngoại suy ra đến bên ngoài. Xin đừng bao giờ quên nguyên tắc quan trọng nầy: ta cần nên cứu xét rõ sự vật đang hiện hữu bên trong. Vậy thì, với bước thực tập nầy, về quán tưởng vô thường (aniccànupassì), ta sẽ quay lại với bước khởi đầu.

Trước nhứt, ta quán sát hơi thở, chỉ hơi thở thôi, cho đến khi nào ta thấy rõ ra được hơi thở ấy là vô thường. Ta quan sát thấy hơi thở thay đổi và trở nên dài: nó vô thường. Chiều dài cũng thay đổi, trở nên dài hơn hoặc ngắn hơn. Chiều ngắn cũng thế, cứ thay đổi luôn. Các tình trạng và đặc tánh khác nhau của hơi thở đều vô thường. Ảnh hưởng của hơi thở đến thân thể cũng vô thường. Kế đến, ta quán sát cả hai thân -- thân thể chất và thân hơi -- cũng đều vô thường. Rồi ta canh chừng để nhìn thấy sự êm dịu của hơi thở, lại cũng vô thường, và điều nầy rất ư là rõ rệt. Hơi thở biến đổi từ sự thô phù chuyển sang sự êm dịu, nhưng ngay cả sự êm dịu nầy cũng vô thường nữa. Nó liên tục cứ biến đổi mãi sang thành các trạng thái khác. Bạn hãy quán tưởng mỗi lần một bước, cho đến khi nào mỗi giai đoạn được nom thấy rõ ra là vô thường.

Cuối cùng, các cảm thọ Hỉ (nỗi mừng) và Lạc (niềm vui) khởi lên. Hãy xem xét chúng cho kỹ, lần lượt từng cái một. Hãy nhìn thấy ra vô thường trong mỗi khía cạnh của các cảm thọ (vedanà) đó. Hãy quán tưởng đặc tánh vô thường trong việc các cảm thọ nầy đã gây ảnh hưởng đến tâm. Sự lắng dịu của các cảm thọ Hỉ, Lạcnầy cũng vô thường.

Tiếp đến, ta quán sát chính cái tâm,nó cũng vô thường nốt. Tâm hân hoan, tươi mát là vô thường, khi nó thay đổi thành tâm an lạc và sảng khoái. Hãy quán tưởng sự vô thường của vẻ hân hoan và sảng khoái, cùng các tình trạng và hương vị khác nhau của chúng. Định tâm cũng vô thường, khi nó ngã sang tình trạng mất định lực. Sự linh hoạt của định lực (samàdhi) cũng gặp ngay sự vô thường phát khởi ở trong nó. Ngay cả tâm giải thoát cũng vô thường, vì sự giải thoát cho tâm chỉ tạm thời.

Hãy nhận thức rõ rệt sự vô thường ngay ở mỗi một bước, ngay ở mỗi một giao điểm, giai đoạn và phương diện của sự thực tập nầy. Hãy khiến cho sự vô thường của mỗi bước trở nên tuyệt đối rõ ràng, rất mực hiển nhiên và hoàn toàn chắc chắn. Đây là cách ta nên quán tưởng như thế nào về sự vô thường của các hiện tượng tâm linh tạm bợ được gọi chung dưới danh từ là chư hành (sankhàra). Tại bước thứ mười ba tiếp theo đây, chúng ta sẽ quán tưởng về sự vô thường của các hành (sankhàra) đó.

Cùng với vô thường, còn có các đặc tánh khác nữa.

Giờ đây, bạn hãy quán sát để thấy rằng, trong việc nhận thức về vô thường, còn có sự nhận thức nhiều đặc tánh khác nữa. Khi sự vô thường(aniccam) được thực sự nhìn thấy, thì đặc tánh nầy cũng là đặc tánh của sựkhổ sở(dukkham) nữa, tức là nó vừa xấu xí lại vừa làm ta chẳng chịu nổi. Ta lại còn thấy cả đặc tánh vô ngã (anattà) ở trong đó nữa, bởi vì các sự vật đó cứ thay đổi luôn, vô thường, bất toại nguyện, và vượt ngoài vòng kiểm soát của ta. Rồi ta lại sẽ thấy chúng đều khiếm khuyết một tự ngã, đó là sunnatà, đặc tánhrỗng không. Ta sẽ thấy chúng cứ là như thế, chỉ là như thế, giống là như thế vậy thôi. Sự vô thường chỉ là như thế, chỉ giống như thế, và do đó ta thấy được đặc tánh như thị (tathatà) (= cứ như thế).

Xin bạn hãy thông hiểu rõ ràng điều nầy: các chơn lý vừa kể trên đều được nhận thức ra có liên hệ với nhau thật chặt chẽ. Nhờ thấy được đặc tánh vô thường, ta thấy được các đặc tánh khác như bất toại nguyện, vô ngã, rỗng không, như thị,đồng thời ta cũng thấy ra được đặc tánh điều kiện hoá (idappaccayatà, conditionality), tức là qui luật nhân quả. Mỗi đặc tánh tiếp diễn theo ngay vào trong đặc tánh kế sau. Một sự nhận thức đầy đủ về vô thường cần phải bao gồm vào trong nó các đặc tánh bất toại nguyện, vô ngã, rỗng không, như thị, qui luật của sự điều kiện hoá. Khi tất cả các đặc tánh đó đồng thời được ta nom rõ thật đầy đủ, thì đặc tánh vô thường đã được ta thấy ra một cách sâu xa nhứt. Đó là cách mà ta cần phải nhận thức rõ ràng như thế nào về đặc tánh vô thường của chư hành (sankhàra, các hành).

Chúng tôi đã giải thích về chư hành (sankhàra) và ta đã thực tập về đề tài nầy rồi. (Xin xem lại hai tiểu mục: Giải thoát tâm, Bốn loại ràng buộc ở cuối bài pháp số 5). Các loại nguyên nhân, điều kiện, và các thành tố cần được "pha chế" vào hợp thể, phải được biết rõ mới xử dụng đúng mức danh từ "chư hành" (sankhàra). Đặc tánh của các tác viên tạo điều kiên gây thành ảnh hưởng (the conditioners) là sự vô thường. Đặc tánh của các sự vật bị điều kiện hoá (tức là gánh chịu ảnh hưởng của điều kiện) (the conditioned) cũng là vô thường. Đặc tánh của cái tác động, hay là tiến trình của sự điều khiện hoá (tức là tác động của các điều kiện lên trên sự vật) (the conditioning) lại cũng là vô thường. Nhìn thấy ra được cả ba khía cạnh ấy thật rõ ràng như thế đó mới gọi là nhận thức được đặc tánh vô thường một cách sâu xa và đầy đủ nhứt.

Nếu giản dị chỉ nhìn thấy riêng một mình vô thường (aniccam) mà chẳng nom thấy rõ được các đặc tánh khác đồng khởi với nó, thì cũng chẳng có gì là lạ, là khác thường cả. Nhận thức được vô thường (aniccam) đầy đủ cần phải bao trùm cả các sự nhận thức về khổ sở (dukkham), vô ngã (anattà), rỗng không (sunnatà), như thị (tathatà), và điều kiện hoá (idappaccayatà, có nguyên nhân nguồn gốc là...). Nếu chỉ thấy riêng vô thường (aniccam), trong một cái nhìn thiếu sót, chẳng hàm chứa khổ sở (dukkham), và vô ngã (anattà) vào bên trong thì cái nhìn đó chẳng sâu xa, chẳng đầy đủ, để có thể giải quyết các vấn đề của chúng ta. Như thế, trong khung cảnh bài nầy, chữ "nhận thức vô thường" phải thật sâu rộng để trùm hết các sự nhận thức về khổ sở (dukkham), vô ngã (anattà), rỗng không (sunnatà), như thị (tathatà) và điều kiện hoá (idappaccayatà) nữa.

Có một câu chuyện có lẽ sẽ đem đôi chút hứng thú đến các bạn. Trong Kinh Tạng (Suttanta pitaka), hệ Pali, Đức Phật có nhắc đến một vị đạo sư vào thời đó, tên là Araka, có giảng dạy về vô thường, cũng nhiều như Đức Phật đã giảng; nhưng ông ta dừng lại chẳng đi xa hơn và chẳng nói gì về khổ sở (dukkham) và vô ngã (anattà). Điều thú vị là vào thời Đức Phật, cũng có một nhà hiền triết Hy lạp tên là Heraclitus. Đức Phật bảo rằng Araka đã giảng dạy, tại một lãnh thổ xa xôi, về vô thường, xem đónhư là một dòng đang trôi chảy. Có lẽ Đức Phật muốn nói đến Heraclitus, mà điểm chánh yếu trong lời giáo huấn của ông là panta rhei (tiếng Hy lạp, nghĩa là "muôn sự vật đều trôi chảy" hoặc "tất cả là dòng lưu chuyển"). Tuy nhiên, nhà hiền triết nầy chỉ giảng về vô thường và chẳng nới mở rộng thêm cái nhìn sâu sắc để bao trùm cả khổ sở dukkham), vô ngã (anattà), không tánh (sunnatà), và như thị (tathatà). Như thế, lời giáo huấn ấy còn chưa thành công. Nếu không, thì đã có một vị Phật khác ra đời ở đấy, vào thời buổi đó rồi. Kiến thức về vô thường được lan rộng ở khắp nơi cả trong và ngoài nước Ấn độ. "Lãnh thổ xa xôi" nói trong Kinh tạng, có lẽ là đã chỉ vào một nước quốc gia ngoại bang nào đó, và tôi dựa vào điều nầy để xem như Araka và Heraclitus là một người.

Vậy, có nhiều triển vọng để Araka, người được Đức Phật nói đến, chính là Heraclitus. Bạn nào có lưu tâm đến thì có thể tra cứu thêm trong lịch sử triết học Hy lạp. Dầu sao, điểm cốt yếu là nếu chỉ nhìn riêng về vô thường thôi thì chưa đủ. Ta cần phải thấy rõ vô thường (aniccam) đang rạng chiếu lên khổ sở (dukkham), vô ngã (anattà), không tánh (sunnatà), và như thị (tathatà) -- cả một chuổi dài trọn vẹn của sự nhận thức. Võn vẹn mấy chữ aniccànupassi, sự quán tưởng về vô thường, mà bao hàm hết được sự nhận thức về bất toại nguyện, vô ngã, rỗng không, như thị, và cả điều kiện hoá nữa.

Sự tan rả của ràng buộc.

Giờ đây, xin hãy quán sát -- nghiên cứu thật tường tận cho đến khi thấy rõ được -- rằng sự nhận thức về vô thường (aniccam) làm tan rả được upàdàna, sự ràng buộc. Đây là điểm chủ yếu. Nhận thức được vô thường (aniccam) làm tan rả các ràng buộc, bởi vì đó là sự nhận thức về các hình phạt, khổ đau, và xấu ác của sự ràng buộc. Upàdàna, (ràng buộc) tan rả từ từ cho đến khi còn rất ít, rất ít, lưu lại. Đấy là thành quả của nhận thức về vô thường. Thành quả đó khiến ta càng ngày càng mệt mõi và chán ngấy với những sự vật mà ta cứ tiếp tục ràng buộc mình vào, và cùng với những sự vật mà ta còn bị trói buộc. Upàdàna (ràng buộc) bắt đầu tan rả và đó là kết quả của việc thật sự nhìn thấy rõ ra được vô thường.

Giờ đây ta đến bước thứ hai của bộ bốn cuối cùng nầy, tức là bước thứ mười bốn trong toàn bộ Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) liên quan đến việc quán tưởng về sự phai nhạt (viràgànupassi, quán tưởng về vô chấp thủ). Điều nầy đã bắt đầu được quán sát rồi ở bước thứ mười ba khi sự quán tưởng về vô thường đã đưa đến sự tan rả các ràng buộc (= các chấp thủ). Giờ đây, ta đặt tiêu điểm lên trên sự kiện tan rả (viràga) để soi chiếu kỹ lưỡng. "Vi" có nghĩa là "chẳng", là "vô" (chữ Hán Việt), là "chẳng có". "Ràga" là tên khác của chữ ràng buộc, của chữ"chấp thủ"."Viràga" có nghĩa là "chẳng có ràng buộc", "vô chấp thủ". Nhìn vào ràng buộc đang tan rả cũng tựa như xem các đốm dơ trên tấm vải đang từ từ phai nhạt dần. Các đốm dơ nhiều màu sắc đó chầm chậm phai mờ, tái nhạt dần dưới ánh sáng mặt trời, cho đến khi tấm vải trở nên trắng lại. Đây chỉ là một thí dụ vật chất về Viràga (tức là sự vô chấp thủ, sự chẳng có ràng buộc, hoặc là sự cởi mở).

Nó giúp ta hiểu rõ thêm về mặt tinh thần của sự tàn lụn lần lần của mọi ràng buộc. Upàdàna, sự bám níu, sự chấp thủ, tan rả dưới ánh quang minh của trí huệ soi chiếu vào muôn sự vật đúng như thât sự chúng là như thế -- vô thường, khổ sở, vô ngã, không tánh, như thị -- aniccam, dukkham, anattà, sunnatà, tathatà. Ta biết rằng sự bám níu (chấp thủ) sẽ bớt lần lần, khi tâm ta trở nên bình đẳng đối với mọihành (sankhàra), tức là xem tất cả những vật mà ta luyến mến đều như nhau, (chẳng cái nào trọng hơn cái nào). Nay chúng ta đã dứt bỏ được mọi thành kiến thiên vị, đối với tất cả mọi sự vật, ta nhận thức được thế nào là sự phai nhạt, sự tàn lụn của mọi bám níu ràng buộc. Hãy quán tưởng như thế với mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra. Đấy là cách thực tập bước thứ mười bốn.

Thành quả của sự phai mờ, tàn lụn của trói buộc, là sự ổn cố của tâm bình đẳng chẳng còn bám níu vào đâu nữa. Ta có thể nhìn thấy một cách khá dễ dàng, thí dụ như đối với các sự vật mà trước kia ta đắm say cuồng dục vào, nay đã bắt đầu phai mờ dần. Ta hết còn lo sợ các sự vật mà trước kia khi chợt thấy ta đã hãi hùng. Từ từ ta bớt lo âu, càng ngày càng ít đi, cho đến khi sự sợ hãi biến mất. Điều nầy cũng đúng với các tình cảm khác như oán hận, khát vọng, ganh tị, lo âu, ưu sầu, luyến nhớ dĩ vãng, và v.v. Mỗi tình cảm đó càng ngày càng bớt bộc lộ ra, co rút nhỏ lại, cho đến khi tâm tư có đủ khả năng để tự giữ yên lặng và bất động. Có lẽ, bạn thấy rắc rối khi nghe câu: tâm tư giữ yên lặng và bất động.Câu đó chỉ có nghĩa là: chẳng bám chặt vào, chẳng bấu níu, chẳng xem bất cứ cái gì như là "Ta" hay là "của Ta" cả. Hãy quán tưởng vô thường như thế, cho đến khi sự ràng buộc của các sự vật mà ta bám níu đều tan rả hết, cho đến khi mà ta có thể giữ được tâm tư yên lặng, bất động và bình đẳng.Đó là cách thực tập bước thứ mười bốn nầy.

Sự dập tắt khổ sở (dukkha).

Giờ đây, ta đến bước thứ mười lăm, quán tưởng đoạn diệt (nirodhànupassì), nghiên cứu và quán tưởng về sự đoạn diệt các ràng buộc. Hãy quán sát sự chấm dứt của ràng buộc, sự vô chấp thủ, khi thở vào và thở ra. Ta có thể quán sát sự đoạn diệt qua nhiều cái nhìn khác nhau về: sự đoạn diệt của sự ràng buộc vào cái "Ta", sự đoạn diệt của lòng ích kỷ, sự đoạn diệt của tham lam, sân hận, và si mê, cùng sự đoạn diệt của mọi kinh nghiệm về sự khổ sở (dukkha). Tất cả các sự đoạn diệt nầy đều khởi lên cùng một lúc với sự đoạn diệt của ràng buộc. Có nhiều hình thức của sự đoạn diệt.

Khi ta nói đến sự diệt tận, ta nên nhớ rằng, sự chấm dứt của khổ sở (dukkha) chính là sự thực tập về Pháp (Dhamma) nầy. Ngay đây, ta quán sát các khía cạnh khác nhau của sự Khổ sở (dukkha) để thấy chúng được dập tắt như thế nào. Khía cạnh thứ nhứt là sự chấm dứt của nỗi lo sợ, hãi hùng về sanh, già, bịnh chết. Già lão, bịnh tật và chết chóc chẳng còn làm tâm ta khiếp sợ nữa. Đấy là một loại dập tắt được khổ sở. Khía cạnh kế tiếp là sự chấm dứt các triệu chứng hay là các tình trạng của khổ sở, như buồn bã, trách cứ, than vãn, thất vọng, âu sầu, đau đớn, bực tức và suy giảm tinh thần. Tất cả các triệu chứng đó của Khổ sở được dập tắt. Khía cạnh thứ ba có liên quan đến các niềm hi vọng, các món nhu cầu, đến các sự vật thích thú hay chẳng hấp dẫn. Có kinh nghiệm về các sự vật mà ta chẳng ưa, là khổ sở. Phải rời xa những sự vật mà ta thương thích, cũng là khổ sở. Chẳng có được các điều ta cần, lại là khổ sở nữa. Các khía cạnh đó của Khổ sở cũng được dập tắt.

Sau rốt, ràng buộc vào năm uẩn (panca khandha), đeo níu vào một uẩn (khandha)nào rồi xem đó như là "Ta" hay là "thuộc về Ta", là khổ sở. Năm uẩn đó là tấm thân thể chất, cảm thọ, tri giác, tư tưởng và ý thức về các giác quan. Chúng là tổng số của mọi sự khổ sở, gánh nặng của đời sống. Một sự nhận thức đầy đủ về bước thực tập nầy phải bao gồm hết bốn phương diện của sự dập tắt khổ sở. Dập tắt sự hãi hùng về sanh, lão, bịnh và tử. Dập tắt các triệu chứng của khổ sở như đau đớn, lo lắng, ưu sầu, và tuyệt vọng. Dập tắt mọi ước muốn, dục vọng về các sự vật khả ái hay là đáng oán ghét. Sau cùng, dập tắt việc xem bất cứ uẩn nào trong năm uẩn là "Ta". Khi bốn phương diện đó đã được dập tắt xong, thì khổ sở cũng được dập tắt theo. Điều mà chúng ta vẫn đang khẩn thiết mong đợi nay đã được thực hiện, ngay tại đây.

Như thế, ta nhận thức ra được tánh cách rỗng rang, hay là sự bất hiện hữu của ràng buộc qua sự dập tắt, sự biến mất và sự chấm dứt của ràng buộc. Ta thể nghiệm được sự vắng bóng của ràng buộc trong bất cứ khía cạnh nào đã được nêu lên bên trên đây, trong khi ta thở vào và thở ra. Hay giản dị hơn nữa, ta uống, nếm và thưởng thức hương vị của Niết-bàn (Nibbàna). Hai chữ Đoạn diệt (Nirodha) và Niết-bàn (Nibbàna) đồng nghĩa với nhau. Ta có thể dùng chữ nầy thay thế cho chữ kia. Như thế, quán tưởng sự dập tắt mọi ràng buộc tức là quán tưởng Niết-bàn vậy.

Quẳng bỏ trả lại tất cả.

Ngay đây, ta đến bước thứ tư của bộ bốn thứ tư, tức là bước thứ mười sáu của Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Bước nầy được gọi là sự quán tưởng quẳng ngược trả lại, Patinissaggànupassi. Chữ Patinissagga cũng hơi ngộ nghĩnh! Nó có nghĩa là quẳng ngược về phía sau, hay là hoàn trả lại. Khi ta tiến tới bước nầy, ta quán tưởng việc ta quẳng ngược trả lại phía sau, việc ta hoàn trả lại tất cả những gì đã có một thời ràng buộc ta. Đây là bước chót.

Có một ẩn dụ giản dị dùng để giải thích bước thứ mười sáu nầy. Xuyên qua cả cuộc đời của chúng ta, chúng ta đều là bọn trộm cả. Chúng ta đánh cắp các sự vật vốn hiện hữu một cách tự nhiên -- ở trong Thiên nhiên và thuộc về Thiên nhiên -- đó là chư hành (sankhàra). Chúng ta cướp giựt chúng và lấy chúng làm cái "Ta" và làm tài sản của chúng ta. Chúng ta chẳng là gì khác hơn là các tên trộm. Do lẽ đó mà chúng ta đang bị trừng phạt vì Khổ sở. Chúng ta chịu đau đớn, thống khổ, do vì chúng ta đã đánh cắp và tham luyến đến mức để bị ràng buộc. Một khi chúng ta đã quán sát để thấy rõ các sự vật đúng như thật sự chúng đang là như thế, qua các bước liên tiếp của bộ bốn nầy, thì chúng ta liền buông bỏ chúng được hết. Chúng ta thôi chẳng còn là phường trộm cắp nữa. Chúng ta hoàn trả lại tất cả cho người chủ của thuở ban đầu -- Thiên nhiên. Muôn sự vật đều thuộc về Thiên nhiên. Ta đừng bao giờ đòi hỏi lấy chúng để làm "Ta" hay là "của Ta"nữa! Mục đích của đời chúng ta đã được ẩn dụ nầy làm sáng tỏ thêm.

Đặt gánh nặng cuộc đời xuống.

Nếu các bạn thích, thì còn có một ẩn dụ thứ hai nữa. Trong thời gian qua, chúng ta đã điên khùng đi lượm những vật nặng như các hòn đá cuội nầy. Rồi chúng ta mang chúng theo kè kè bất cứ nơi nào chúng ta đi đến. Vì lẽ đó nên chúng ta phải chịu khổ sở luôn luôn. Đã bao năm trôi qua rồi như thế đó? Giờ đây, chúng ta mới nhận thấy thật là chúng ta đã quá dại khờ tạo nên các vấn đề khó khăn cho chính chúng ta. Chúng ta nhận thức được sự đè nén nặng nề của chúng lên chúng ta, va nay chỉ cần vứt bỏ chúng đi hết. Thoát khỏi các gánh nặng đó, chúng ta trở nên nhe nhàng. Tất cả các vấn đề khó khăn đó đều biến mất. Trước kia, đời sống xem như một gánh nặng. Trọn đời ta cảm thấy như gánh nặng, cũng vì sự ngu khờ của chúng ta. Chúng ta đã đeo dính các hành (sankhàra) tự nhiên đó, mang chúng đi khắp chốn làm cho chúng ta phải oằn lưng lại một cách kinh khủng. Giờ đây, chúng ta quẳng chúng đi. Đấy là một ẩn dụ khác nữa để mô tả bước cuối cùng của Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Sự thực tập bước cuối cùng nầy là để huấn luyện chúng ta quẳng đi gánh nặng của cuộc đời. Hãy quẳng đi cho hết chẳng còn gánh nặng nào sót lại. Trước kia, ta sống dưới áp lực nặng nề của chúng. Sức nặng của chúng đè nén chúng ta. Ta gọi cuộc sống như thế là đang sống ở bên dưới thế giới, hay là đang đắm chìm sâu trong thế giới. Một khi chúng ta đã quẳng đi các gánh nặng đang nhận chìm chúng ta xuống, đang giam giữ chúng ta ở bên dưới thế giới, thì chúng ta mới trồi lên được. Và chúng ta vượt khỏi lên trên thế giới, Chúng ta trở thành Chúa tể của thế giới. Đây mới thật là ý nghĩa của tự do, giải thoát và an lạc.

Bạn cần phải cẩn thận nhớ kỹ ý nghĩa của hai tình trạng đó. Sống ở bên dưới thế gian là cuộc sống trong vòng thế tục (lokiya). Còn sống vượt lên trên thế gian là cuộc sống siêu thế (lokuttara). Tất cả mọi vấn đề khó khăn liên quan đến hai ý nghĩa đó sẽ được giải quyết trong khi thực tập bước thứ mười sáu nầy. Xin được nói thêm cho thật rõ, mỗi khi chúng ta điên rồ, chúng ta đi thâu lượm các vật nặng và đeo chúng lên để thành gánh nặng cho cuộc đời. Một khi chúng ta hiểu rằng chúng ta đang bị hành hạ, thì chúng ta liền quẳng bỏ chúng hết. Giờ đây, chúng ta chẳng còn mang gánh nặng nào. Sống ở bên dưới thế gian và sống vượt lên khỏi thế gian, cả hai có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bất cứ ai muốn được tự do, giải thoát, thoải mái, sống vượt lên bên trên thế gian, cần phải nên nỗ lực hết sức mình để thực tập vấn đề nầy, càng nhiều càng tốt, và bắt đầu ngay bây giờ đây.

Sự giải thoát tối thượng.

Nếu bạn thích danh từ "giải phóng"(emancipation), thì bạn hãy ý thức rằng đây chính là con đường giải phóng. Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) khi được thực tập thành công ở bước cuối cùng nầy mang lại sự giải phóng. "Giải phóng" là một danh từ thời thượng ngày nay, người ta thích dùng đến luôn. Khi chúng ta được giải phóng khỏi mọi trói buộc, thì hoặc chúng ta buông bỏ mọi gánh nặng, hoặc chúng ta vượt thoát được các gánh nặng ấy. Dầu sao thì "buông bỏ" hay "vượt thoát" ý nghĩa cũng tựa như nhau. Khi có buông bỏ thì kết quả là có sự giải phóng, hay nếu bạn muốn, thì nói là có sự cứu rỗi, cứu độ, giải thoát, v.v. Dầu danh từ nào được dùng đi nữa, thì cũng đều có nghĩa là chúng ta đang bắt gặp được một sự việc tốt nhứt, hoàn hảo nhứt mà nhơn loại có thể có được. Chúng ta đã không lãng phí cuộc đời của chúng ta, chúng ta đã chẳng bỏ trôi qua cơ hội khám phá ra Chánh Pháp (Dhamma), là điều tối hảo mà nhơn loại cần phải đạt đến. Đấy là phần chung cuộc của câu chuyện.

Xin phép được chấm dứt buổi pháp thoại ở đây.

Bài 7

Các lợi lạc cao nhứt

Hôm nay, chúng ta sẽ tóm tắt lại những chỗ sưu tầm của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) được các bài pháp thoại nầy bàn đến. Chúng ta sẽ tóm lược lại mười sáu bước, theo đặc tánh chủ yếu của chúng, giá trị các lợi lạc cùng các phương tiện để thực hiện được các lợi lạc đó. Xin các bạn vui lòng nghe cho cẩn thận. Rồi các bạn sẽ có đủ khả năng để hưởng dụng các lợi lạc đó đến mức tối đa.

Xin đừng quên rằng chúng ta đang bàn về Thiên nhiên, về bốn khía cạnh của Thiên nhiên và qui luật của Thiên nhiên biểu lộ trong bốn khía cạnh đó: thân (kàya), cảm thọ (vedanà), tâm (citta) và Pháp (Dhamma). Thiên nhiên thanh tịnh và giản dị! Vậy, xin bạn hãy hiểu cho rõ danh từ Dhamma jàti nầy. Nó vừa là qui luật của Thiên nhiên, vừa tuân phục theo qui luật đó; Thiên nhiên và qui luật của nó, chẳng thể nào tách rời nhau ra. Là sanh vật, chúng ta có nhiệm vụ phải thấu hiểu và xử dụng Thiên nhiên như thế nào để đem lại lợi ích tối đa cho chúng ta. Mặc dầu chúng ta chẳng thể kiểm soát Thiên nhiên được, nhưng chúng ta có thể lợi dụng Thiên nhiên để đem phần lợi về cho mình, khi chúng ta biết hành động một cách đứng đán chiếu theo qui luật của Thiên nhiên. Chúng ta biết đến bốn "thiên nhiên" đó cũng chỉ vì sự lợi lạc cho đời sống của chúng ta, dầu cho đời sống ấy có kéo dài đến bao lâu đi chăng nữa.

Thân (kàya): làm mát dịu các tình cảm .

Đề tài thứ nhứt để thực tập Giác niệm về Hơi thở là kàya, thân hay là các thân. Chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của thân đối với đời sống, nên chẳng cần giải nghĩa thêm dài dòng. Tấm thân làm cơ sở cho tâm trí. Ta cần có một thân (kàya) sẵn sàng đủ sức để tự bảo vệ và tự bảo trì lấy nó và một tâm trí hướng theo sự lợi lạc của đời sống. Hơn nữa, ta cần hiểu biết cách kiểm soát thân dựa theo các nhu cầu của ta, qua sự điều chỉnh hơi thở. Nhờ làm được như thế, ta có thể thay đổi được khí sắc và tình cảm. Thí dụ như, khi ta tức giận, ta có thể buông bỏ nổi giận hờn bằng cách thở dài hơi. Do hơi thở dài mà cơn giận biến mất. Khi ta đang lo âu và chẳng thể nào suy nghĩ cho thẳng thắn được, ta thở dài hơi, càng lúc càng dài, để đuổi sự lo âu ra khỏi. Hoặc ta muốn đổi chiều một tư tưởng nầy sang một chiều hướng tư tưởng khác, ta có thể làm được như thế bằng cách thở thật dài hơi để quét sạch cái tư tưởng hay cái tình cảm chẳng đáng mong muốn đó và thay thế chúng bằng một chút gì bình thường và có trật tự hơn. Thế là ta có đủ khả năng để suy nghĩ đến những điều đáng lẽ ra phải được nghĩ đến. Vậy thì, tấm thân (Kàya) đâu chỉ có xương với thịt mà thôi, còn có nhiều hơn thế, thân đó ảnh hưởng cả đến tâm trí nữa.

Riêng chỉ một mình hơi thở cũng đủ làm cho ta phải tìm hiểu cho thật rõ ràng, dầu chỉ là hơi thở suông thôi. Ta sẽ có được sức khoẻ tốt, nếu ta biết thở một cách thật thích nghi. Như thế, thân và những sự vật liên hợp với thân -- như hơi thở, tình cảm, và sức khoẻ -- đều được xem như một đề tài hết sức quan trọng. Tôi hi vọng tất cả các bạn sẽ thu lượm được thật đầy đủ các lợi điểm về giai đoạn nầy của Giác Niệm về Hơ i thở (Ànàpànasati).

Cảm thọ (vedanà): chặn đứng sự quay cuồng.

Các cảm giác là đề tài thứ nhì. Nếu bạn chẳng ý thức đến các tình cảm thì bạn sẽ nghĩ là chúng chẳng quan hệ gì cả. Thật ra, chúng rất ư là quan trọng đối với nhơn loại, vì chúng có thể làm loài người quay cuồng theo ý chúng. Hơn thế nữa, chúng còn làm cả thế giới quay cuồng theo. Dầu là cảm giác nào mà ta đang mong muốn -- và mọi người đều đầy cả khát vọng -- ta vẫn bị thúc đẩy để đi đến những hành động tương ứng với chúng. MọI người đều chạy đuổi theo các cảm giác thích thú và lánh xa các cảm giác khó chịu. Đấy là lý do tại sao các tình cảm cứ khiến cho toàn thể thế giới nầy quay cuồng mãi. Tình cảm con người là nguyên nhân tạo nên các sự phát minh mới lạ, tân kỳ và những sáng tạo mà nhơn loại đã sản xuất. Nghệ thuật, văn hoá, và kỹ thuật được khám phá và tạo dựng nên cũng bởi các tình cảm, có đầy quyền lực mãnh liệt để ép buộc ta phải đi theo chúng. Cảm thọ (Vedanà) gây ra ước muốn. Nhu cầu được phát sanh cũng từ các cảm thọ và chạy theo các cảm thọ. Rồi ta hành động theo tiếng gọi của các ước muốn. Vì thế mà nhiều sự việc đã xảy ra. Ngay cả việc ta chạy theo tiền bạc cũng là để đáp lại lời yêu cầu của tình cảm, cho dầu tình cảm đó bắt nguồn từ nhục cảm hay tình dục, hoặc giản dị hơn, từ cái cảm giác tầm thường là mong được thoải mái.

Xin bạn hãy ráng tìm hiểu các sự việc ấy đang ngự trị nhơn loại. Cảm thọ (Vedanà) có quyền lực và ảnh hưởng mãnh liệt phi thường đến chúng ta. Nếu ta chẳng thể kiểm soát được các tình cảm, ta sẽ thăng trầm lên xuống theo nhịp thị hiếu bất thườg của chúng, tức là sự khổ sở (dukkha). Và rồi ta sẽ nhắm mắt cứ hành động theo các cảm thọ (vedanà), hiện còn bị giam giữ trong sự vô minh (avijjà) và vì thế, mà chẳng được đứng đắn. Điều ấy cũng giống như đối với loài súc sanh. Cả thú vật nữa, cũng chịu sự thúc dục và hướng dẫn của các tình cảm; mọi hoạt động cuả chúng cũng chỉ là lùng kiếm và theo đuổi các cảm thọ mong muốn. Con người cũng thế, lùng kiếm và chạy đuổi theo các cảm thọ mà họ mong cầu.

Ngay cả việc các bạn đến khoá thiền tập ở Suan Mokkh nầy, các bạn hi vọng tìm thấy chút gì có thể tạo nên cái cảm thọ làm bạn vui thích. Phải chăng các bạn đến đây để tìm thấy các cãm giác thích thú, như sự yên tĩnh và an hoà của tu viện, hoặc niềm vui về các giây phút trầm tư mặc tưởng, hoặc bạn đã cố gắng tìm cách lánh xa khỏi cảnh xáo trộn, tranh chấp, ưu tư và đau khổ trên thế giới? Các cảm thọ đó đưa đến mọi hoạt động và tầm cầu; chúng thúc dục mọi cố gắng, nỗ lực. Thật vậy, chúng chính là các chủ nhơn ông, các nhà độc tài, đối với đời sống của chúng ta, đến một mức độ hết sức là sâu rộng. Khi ta kiểm soát được chúng, ta chẳng để chúng gây tác hại đến ta. Khi ta chẳng đủ khả năng để kiểm soát chúng, ta trở nên nô lệ của chúng. Còn tình trạng nào bi thảm hơn nữa, khi phải làm nô lệ cho các cảm thọ!

Có hai loại cảm thọ (Vedanà): cảm thọ điền rồ bị ảnh hưởng của vô minh (avijjà) và cảm thọ sáng suốt được trí huệ minh triết (vijjà)chiếu soi đến. Nếu ta tỏ ra điên rồ vào lúc xúc (phassa, sự tiếp xúc giữa giác quan với đối tượng) xảy ra thì ta sẽ có cảm thọ điên rồ. Nếu ta tỏ ra khôn lanh và hiểu biết vào lúc xúc (phassa) xảy ra thì ta sẽ có được cảm thọ đứng đắn, chơn chánh. Cảm thọ điền rồ đưa đến dục vọng còn si mê, mà ta gọi là khát ái (tanha). Cảm thọ đứng đắn đưa đến sự ham muốn đứng đắn, đúng như những ham muốn chơn chánh mà ta cần phải nên ham muốn. Ta phải nên cẩn thận giữ gìn cho các cảm thọ được luôn luôn đứng đắn. Cảm thọ điên rồ đưa đến khát ái, rồi khát ái lại lôi kéo ta chạy theo một khát ái điên rồ khác, hoặc theo một ước muốn khá thông minh hơn. Khát ái có thể biến một ước muốn chơn chánh trở thành ngu xuẩn. Khát ái điền rồ lôi cuốn ta quay cuồng vòng vòng, vòng vòng, mãi chẳng biết bao nhiêu lần, thế mà ta vẫn ráng sức chịu đựng với nó. Đôi khi, ta lại muốn lên đến tận cung trăng! Cho đến khi nào khát ái còn lưu lại đó thì chẳng bao giờ chấm dứt mọi việc đến và đi, các phát minh, các chế biến, các khát vọng cho một cuộc đời xa hoa phù phiếm đến bất tận. Lẽ tất nhiên, việc kiểm soát các cảm thọ đưa đến các lợi lạc thật vĩ đại. Bạn chớ để cho chúng làm khuấy động lên các ước muốn và nhu cầu điên rồ. Trong chiều hướng đó, bạn nên quan tâm đến các cảm thọ.

Tâm (citta): làm việc đứng đắn.

Giờ đây, ta đến với tâm (citta). Bạn đã biết rõ và ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của tâm. Nếu chưa, thì cuộc nghiên cứu của chúng ta tại đây cũng chỉ được cho bạn thấy tầm quan trọng ấy của tâm. Mặt khác, cũng như đối với thân (kàya), và cảm thọ (vedanà), nếu tâm chẳng được đứng đắn, thì các vấn đề khó khăn sẽ đặt ra ngay và sự khổ sở (dukkha) sẽ xảy đến.

Ở mức tối thiểu, có ba việc ta cần phải thông hiểu về tâm. Tùy theo chức năng mà tâm thi hành, ta gọi tâm đó dưới ba tên khác nhau. Khi nó suy nghĩ, ta gọi đó là citta (tâm). Khi nó hay biết, ý thức về việc gì, cảm giác hay thể nghiệm và biết rõ đến điều gì, ta gọi là mano (cảm biết). Chức năng căn bản ý thức tại ngưỡng cửa các giác quan để thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ và hiểu biết được gọi là vinnàna (ý thức). Ta đặt tiêu điểm lên chức năng của tâm khi nó thi hành nhiệm vụ của nó để đặt tên cho nó: khi nó suy nghĩ, ta gọi là citta, tâm; khi nó hay biết, ta gọi đó là mano, cảm biết; và khi nó ý thức được các cảm giác ở các giác quan, ta gọi đó là vinnàna, ý thức.

Khi tâm hoạt động đứng đắn, thì có nhiều kết quả tốt đẹp, và cần phải kiểm soát tâm để cho nó hoạt động thật đứng đắn. Nếu ta chẳng kiểm soát được tâm thì nó trở nên chẳng đứng đắn. Khi nó thiếu đứng đắn thì muôn việc đều hư hỏng cả, chẳng còn gì sót lại trên thế gian nầy. Ta có thể nói thế gian nầy sở dĩ có được là vì chúng ta đã có tâm. Nếu ta chẳng có tâm, thì có lẽ chẳng còn có thế gian nào nữa cả. Nếu ta tiếp tục kiểm soát được tâm mãi và an trú nó trong chỗ đứng đắn, ta sẽ thâu nhận được các hoa quả của sự yên tĩnh, vắng lặng, và hoà bình. Thông hiểu đầy đủ về tâm để có thể giữ mãi tâm trong vòng kiẻm soát, đó là loại kiến thức tuyệt hảo mà loài người cần phải biết khám phá ra để hưởng lấy. Bạn phải nên lưu tâm đặc biệt về vấn đề nầy.

Pháp (dhamma): hai sự kiện căn bản.

Sau cùng, ta đến với Pháp (Dhamma), hay là, đến với Chơn Lý. Trong mọi sự vật, kể cả những sự vật là chính chúng ta nữa, và những sự vật mà chúng ta có liên hệ đến, đều có những Chơn Lý mà ta cần phải hiểu thấu. Nếu ta chẳng hiểu đến Chơn lý đó, hay đã hiểu một cách sai lầm, thì việc xử thế của chúng ta sẽ chẳng được đứng đắn với các sự vật đó, với đời sống của chúng ta. Điều nầy sẽ tạo nên nhiều vấn đề khó khăn và sẽ đưa tới sự Khổ sở (dukkha). Toàn bộ rộng rãi các kiến thức đó có thể tóm lược lại thành ra hai đề mục chánh: sự vật kép, phức tạp gọi là chư hành (sankhàra) và các sự vật đối ngược lại, tức là các sự vật đơn thuần, chẳng phức tạp. Có lẽ các bạn đã học qua hai đề mục nầy trong khoa Siêu hình học rồi, dưới danh xưng là hiện tượng (phenomene) và bản thể (noumene). Bản thể đối ngược với hiện tượng trên nguyên tắc, nhưng cả hai lập thành một cặp đôi. Nếu sự vật nào là một hiện tượng, thì nó phải là thể kép, phức tạp và biểu lộ ra sự thật về vô thường (aniccam). Nếu một sự việc là bản thể thì nó thuộc vào thể đơn thuần, và chẳng hề vô thường; trái lại, nó lại thường hằng (niccam). Vì lẽ đó, ta nghiên cứu và học tập về vô thường nơi muôn sư vật, cho đến khi nào ta thông suốt được lẽ vô thường thật thuần thục. Và rồi ta chẳng hề gắn bó, ràng buộc vào bất cứ sự việc gì. Khi tâm trí chẳng còn bám níu vào bất cứ đâu nữa thì nó sẽ nhận thức ra được cái lẽ thường hằng (niccam) đã vượt qua khỏi sự vô thường, tức là đến được với cái bản thể -- Niết-bàn (Nibbàna). Như thế, ta hiểu được cả hai sự thực thực tế -- điều hữu vi, bị điều kiện hoá và điều vô vi, chẳng bị điều kiện hoá -- và đó là một sự quan trọng vào bực nhứt. Đó là nguyên tắc tối quan trọng. Sự thực tập về Pháp trong bộ bốn cuối cùng của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) sẽ dẫn ta đến hai sự kiện căn bản đó.

Trên đây là cốt tủy của việc chúng ta nghiên cứu vể bốn lãnh vực ấy, và các kiến thức cùng lợi lạc mà sự nghiên cứu đó mang đến. Đấy là tinh hoa của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Bốn Pháp đồng hành.

Còn có bốn lợi ích trong việc thực tập Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) nữa. Ta còn được bốn điều mà tôi muốn gọi đó là "bốn kẻ đồng hành của Pháp". Tôi đã tự tiện đặt ra danh từ "đồng hành" nầy để có thể giải thích, một cách dễ dàng hơn. Bốn Pháp "đồng hành" đó là sati, pannà, sampajannà samàdhi:giác niệm, bát nhã, phân biện định lực. Các bạn còn nhớ ở bài pháp thoại đầu tiên, tôi có nói, trong khi chúng ta sống trong cõi thế gian nầy, thì bốn kẻ đồng hành đó đã giúp ta chiến thắng được mọi sự đe dọa. Với bốn kẻ đồng hành đó ta có thể gạt bỏ được sự Khổ sở (dukkha). Dầu đang ở trong tu viện hay ra sống ở bên ngoài, chúng ta phải xử dụng đến bốn kẻ đồng hành ấy để mà sống. Trước hết, ta có giác niệm (sati, ý thức hiểu biết). Khi một đối tượng tiếp xúc vơi giác quan, giác niệm (sati) có đó và mang bát nhã (panna, trí huệ) tới cho sự thể nghiệm. Một khi bát nhã (panna)đã đến, nó liền chuyển biến thành sự phân biện (sampajannà, trí huệ đang tác động, nghĩa là, phân biệt ra được rõ ràng) tức là sự ứng dụng của trí huệ vào một tình trạng đặc biệt hiện có. Rồi, sức mạnh của định lực (samàdhi, tình trạng tập trung tâm ý) gia tăng lên để trợ giúp cho sự phân biện (sampajannà). Với sự phối hợp cộng tác của bốn Pháp đồng hành đó, ta có đủ khả năng để chinh phục bất cứ đối tượng nào đến tiếp xúc với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Bốn Pháp đồng hành đó là bốn kẻ thân tùy vô địch đang hộ vệ chúng ta. Chúng canh chừng và bảo hộ chúng ta tựa như một đấng Thượng đế. Nếu ta biết thực tập Giác Niệm về Hơi thở, ta sẽ thủ đắc được bốn Pháp đồng hành đó.

Thực tập các chơn lý căn bản.

Lợi ích kế tiếp là ta có đủ khả năng để thực tập phù hợp với nguyên lý paticca samuppàda, lý duyên sanh, hay là, sự sanh khởi bị điều kiện hoá. Lý thuyết về lý duyên sanh hết sức phức tạp và dài dòng. Đối với vài bạn còn chưa quen với lý thuyết nầy, tôi xin nói vắn tắt, lý duyên sanh giải thích nguyên nhân làm nguồn gốc phát sanh ra khổ sở (dukkha). Một chuỗi dài các nguyên nhân, cái sau tùy thuộc vào cái trước, đưa đến sự đau khổ. Đức Phật đã giảng dạy đề tài nầy dưới nhiều hình thức khác nhau, bởi vì nó quá tế nhị và thâm sâu vô cùng, khó cho ta hiểu thấu được. Xin các bạn hãy nghiên cứu lý thuyết nầy. Nhưng đến khi chúng ta bước vào việc thực tập ứng dụng nó, thì lại thấy lý duyên sanh rất giản dị, giản dị đến mức tuyệt diệu. Nó cô đọng lại ở chỗ nầy: có giác niệm (sati, sự tỉnh thức) vào đúng lúc xảy ra sự tiếp xúc, xúc (phassa), giữa đốitượng và giác quan, và giản dị có thế mà thôi. Xúc (phassa) là nơi gặp gỡ giữa ba việc: (1) giác quan, (2) trước một đối tượng ở bên ngoài và (3) ý thức (vinnàna) tương ứng khởi lên ở bên trong nội tâm. Giản dị có được giác niệm (sati) vào đúng lúc xúc (phassa) xảy ra thì có thể giải quyết thoả đáng và trọn vẹn tất cả mọi vần đề của lý duyên sanh (paticca samuppàda). Điều đó có nghĩa là, trước khi sự sanh khởi bị điều kiện hoá phát triển lên được, hãy có ngay giác niệm tại đó, tại chỗ xúc (phassa). Đừng để cho xúc trở thành mê muội. Đừng để cho một xúc ngu muộikéo theo một cảm giác ngu muội và một cảm giác ngu muội lại đưa đến sự khát ái (tanha) cũng ngu muội nốt. Tất cả đều ngưng lại tại chỗ đó. Đấy chính là một lợi lạc khác của sự thực tập Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Sự thực tập nầy khiến cho giác niệm (sati) trở nên dồi dào, nhanh nhẹn và thiện xảo đủ để làm tròn nhiệm vụ vào đúng lúc xúc diễn ra,hầu chận đứng lại được dòng nguyên nhân trong lý duyên sanh (paticca samuppàda) ngay vào lúc đó và ở tại chỗ đó. Đây quả thật là một lợi ích vĩ đại vào bực nhứt của Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Còn một lợi ích nữa của sự thực tập Giác niệm về Hơi thở là chúng ta thực hành được theo đúng nguyên tắc nêu trong Bốn Chơn Lý Nhiệm mầu (Ariya sacca) một cách đễ dàng và trọn vẹn. Các bạn đều nghe nói đến và hiểu rõ thế nào là Tứ Diệu Đế. Tinh hoa của qui luật đó là sự Khổ sở (dukkha) phát sanh ra từ sự khát ái (yanha)ngu muội. Nếu ở đâu có sự khát ái (tanha) thì ở đấy có sự khổ sở (dukkha). Khi ta có thể xử dụng giác niệm (sati) để chận đứng sự khát ái(tanha) và bẻ nó gãy đi, thì chẳng còn khổ sở (dukkha) nào nữa. Xuyên qua sự ngăn ngừa nhằm chặn đứng sự thể nghiệm của các giác quan một cách si mê nơi xúc (phassa), thì một cảm thọ (vedanà) ngu muội chẳng thể nào khởi lên và khát vọng (tanha) cũng chưa bị khuấy động để nổi dậy được. Đây là cách tốt nhứt và hữu ích nhứt để thực tập về bốn Chơn Lý Nhiệm mầu. Chận đứng được sự khát ái (tanha) bằng tốc lực và mãnh lực của giác niệm (sati) được phát triển thêm nhờ vào sự luỵện tập đầy đủ Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) qua tất cả bốn bộ bốn các bước thực tập.

Trái tim của Tam Bảo.

Một lợi ích xa hơn nữa của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) là Pháp nầy đưa ta đến gần được với ngôi Tam Bảo (Ti ratana, Tam qui y, ba nơi nương tựa trong Phật giáo). Đó là bởi vì tinh hoa, hay cốt lõi, của Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo(Đức Phật, Chánh Pháp và Tăng già) nằm trong tình trạng: thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Tình trạng của Tâm (citta) đã trờ nên thanh tịnh, trong suốt và an tịch, đó chính là tinh hoa của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Xin bạn hãy thận trọng với ba tĩnh từ nầy: thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Đức Phật đâu phải chỉ là một tấm thân hình hài vật chất; mà phải là một tình trạng tâm linh có được tâm trí đạt đến mức thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Đấy mới là Đức Phật chân thật. Khi ta nhìn thấy được Pháp, thì ta đã thấy được Phật. Trái tim Chánh Pháp cũng là thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Còn đối với Tăng già (Sangha), là những người, xuyên qua sự thực tập viên mãn, đã thể hiện được tâm thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Cả ba tĩnh từ đều rất là quan trọng. Người đầu tiên đã thực hiện hoàn toàn tâm thanh tịnh, trong suốt và an tịch như thế, được gọi là "Đức Phật"(Buddha), Chơn Lý được thể hiện ra đó, được gọl là "Chánh Pháp"(Dhamma) và những kẻ đã nương tựa theo đó mà tu tập thành công, được gọi là "Tăng già"(Sangha). Khi ta thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) ta làm cho tâm ta trở nên thanh tịnh, trong suốt và an tịch, như đã được trình bày chi tiết qua các bài pháp thoại nầy. Các đức tánh đó là hoa quả của sự vô chấp thủ (viràga, chẳng bám níu, chẳng ràng buộc), sự đoạn diệt (nirodha) và sự từ bỏ (patinissagga) (từ bước thứ mười bốn đếnbước thứ mười sáu). Qua các bước đó, có sự thanh tịnh, trong suốt và an tịch đến với tâm và do đó mà Ngôi Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo dễ dàng thể hiện đến nơi tâm trí chúng ta. Đấy lại là một lợi ích khác, chẳng gì vượt hơn nổi, của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati)

Nhìn vào toàn bộ Phật giáo.

Giờ đây, lợi lạc tiếp theo là khi thực tập Giác Niệm về Hơi thở, ta đang thực hiện được một nguyên tắc căn bản nhứt trong Phật học, đó là ba môn học vô lậu Giới Định Huệ (Sìla Samàdhi Pannà). Cả ba yếu tố nầy đều có mặt đầy đủ trong việc thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Cái quyết tâm chẳng gì lay chuyển nổi để thực tập, đó chính là Giới (Sìla). Khi tâm trí được đặt lên trên các hành động đứng đắn, đó cũng là Giới. Trong chủ ý quyết định cần thiết cho sự thực tập mỗi bước của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), đã có một sự trì giới tự động, tự nhiên, chẳng cần chúng ta phải minh thị biểu lộ ra bằng một hành động đặc biệt nào. Rồi kế đó là định lực (samàdhi) cũng hiện diện đến nữa. Bởi vì đã có chủ ý quyết định thực tập như thế, nên ta sẽ thực tập mãi cho đến khi đắc được định lực khởi lên. Rồi thì Bát nhã (Pannà) phát triển theo, đặc biệt là ở bộ bốn thứ tư, đó vốn là trí huệ Bát nhã hoàn toàn nhứt. Nhờ thực tập đứng đắn Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) mà nguyên tắc căn bản nhứt của Phật giáo được thành tựu, đưa đến sự viên mãn tròn đầy của Giới Định Huệ. Đấy là lợi lạc vĩ đại của việc tu luyện theo toàn bộ giáo lý của Phật học.

Khi nói tóm lược lại, thì ta nói Giới Định Huệ (Sìla Samàdhi Pannà). Nhưng khi nói cho đầy đủ chi tiết, thì ta nói đến bảy yếu tố của Thất Giác Chi (Bojjhanga). Đức Phật có tuyên bố rằng, khi thực tập đầy đủ mười sáu bước của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), ta thực hiện được bốn lãnh vực của giác niệm(satipatthàna). Qua sự thực hiện toàn mỹ bốn lãnh vực của giác niệm: thân, cảm thọ, tâm và Pháp, tức là nội dung của bốn bộ bốn (tetrads) trong Pháp Giác niệm về Hơi thở, thì bảy yếu tố của sự Giác ngộ (Bojjhanga, Thất giác chi) cũng được hoàn mãn. Và rồi sự Giác ngộ hoàn toàn cũng được bảo đảm. Thất giác chi (Bojjhanga) chính là bảy yếu tố đưa đến sự giác ngộ của bực A la hán (Arahant), bực nhơn giả đã giải thoát khỏi mọi khổ sở (dukkha). Phải mất đến cả giờ để đi sâu vào các chi tiết nầy. Giờ đây, tôi chỉ còn thời giờ để nói lên danh xưng của các yếu tố đó với các bạn mà thôi: sati, dhammavicaya, viriya, piti, passaddhi, samàdhi upekkha (Giác niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỉ, khinh an, định xả). Bảy yếu tố đó được đầy đủ một khi Giác niệm về Hơi thở được hoàn tất. Một khi bảy yếu tố đã đầy đủ, thì sự Giác ngộ hoàn toàn đã được bảo đảm rồi. Mặc dầu ta chẳng đủ thời giờ để giải thích thêm nữa, nhưng xin các bạn hiểu cho rằng bảy yếu tố của sự giác ngộ (Bojjhanga) là điều chắc chắn đạt được một khi đã thực tập hoàn mãn Pháp Giác Niệm về Hơi thở. Lời tuyên bố của Đức Phật được ghi rõ ràng trong Kinh Tạng, các bạn có thể tự mình kiểm chứng lại xem.

Niết-bàn tại đây và ngay bây giờ.

Giờ đây, ta đến với một lợi ích tích cực thâu lượm được qua sự thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở. Đó là Niết-bàn ngay trong đời nầy, chẳng cần đợi chi đến chết. Tôi muốn nói, Niết-bàn tại đây và ngay bây giờ, tức là thứ Niết-bàn mà ta chẳng cần phải chết rồi mới được, một thứ Niết-bàn chẳng ăn nhằm chi đến cái chết cả. Niết-bàn (Nibbàna) có nghĩa là "thanh lương", là mát lạnh. Chữ Pali "Nibbuto" cũng có nghĩa là thanh lương. Nếu đó là sự thanh lương, mát mẻ tạm thời, chẳng kéo dài, và chẳng được hoàn hảo, thì ta gọi đó là Nibbuto. Tuy nhiên hương vị của nó cũng vẫn giống y với một Niết-bàn (Nibbàna) hoàn hảo. Nibbuto cũng như là một mẩu hàng hoá mà người thương gia đem ra để giới thiệu món hàng mà ta sẽ thực sự mua. Cả hai phải giống nhau. Và đây chúng tôi có một mẩu Niết-bàn (Nibbàna) để mời các bạn nếm thử trong chốc lát. Tôi gọi đó Niết-bàn tạm thời, hay là sàmàyika nibbàna.

Sự thanh lương có thể là Niết-bàn (Nibbàna) đang hiện khởi do "yếu tố đó".Trong tiếng Pali, chữ "yếu tố đó" có nghĩa là một cái gì ngẫu nhiên ("coincidental"). Thí dụ như, khi có giác niệm (Sati) trong hơi thở, thì tâm (citta) trở nên thanh lương. Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) chính là "yếu tố đó", là tác viên, là nguyên nhân, đã gây ảnh hưởng đến sự thanh lương đó ở tại đây. Đó là Niết-bàn tạm thời, tadanga nibbàna, một thứ Niết-bàn ngẫu nhiên. Sự thanh lương khởi lên vì khi chẳng còn có phiền não nữa, thì tâm(citta) trở nên thanh lương. Khi chẳng có lửa, thì phải có sự mát nguội. Ở đây Giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati) đã dập tắt các thứ lửa, tức là các loại phiền não. Mặc dầu đó chỉ là tạm thời, lửa tắt và có sự mát lạnh trong một lúc. Đó là Niết-bàn trong một lúc, do nhờ ở "yếu tố đó", ở cái dụng cụ đó, tức là Giác Niệm về Hơi thở. Mặc dầu trong chốc lát, còn chưa được hoàn hảo và vĩnh cửu, nhưng hương vị của Niết-bàn đó cũng được thưởng thức như là một mẩu của vị nếm thử. Giác Niệm về Hơi thở giúp chúng ta thưởng thức được Niết-bàn chút chút, mỗi lần một ít, lúc nầy qua lúc khác, trong suốt cuộc đời mình hiện nay. Và chẳng có gì mà cần phải chết đi cả. Rồi thì sự thanh lương lại kéo dài ra thêm nữa, nới rộng ra thêm nữa, và càng lập lại càng nhiều lần hơn nữa, mãi cho đến khi đạt tới Niết-bàn hoàn hảo. Đây là một sự lợi lạc mà tôi xem như thật là thích thú nhứt và tích cực nhứt. Mong các bạn có thể làm được như thế!

Xin bạn hãy chắc rằng mình đã hiểu rõ chữ Niết-bàn (Nibbàna) cho thật đúng. Nó có nghĩa là thanh lương, mát lạnh, chớ chẳng có dính dấp gì với cái chết. Nếu có liên hệ với cái chết, như trong thường hợp sự qua đời của một bực A la hán (Arahant), thì lại là chữ khác, Parinibbàna, Bát Niết-bàn. Riêng chữ Nibbàna, Niết-bàn, chẳng có tiếp đầu ngữ Pari, thì chỉ có nghĩa giản dị là thanh lương, sự vắng bóng của lửa nóng. Bạn hãy tưởng tượng như tất cả muôn sự đều trôi chảy êm thắm đối với bạn, sức khoẻ dồi dào, kinh tế ổn dịnh và an toàn, gia đình hạnh phước, bạn bè thân thương, và chòm xóm láng diềng khả ái. Thế thì, cuộc đời đó của bạn thật là thanh lương, theo ý nghĩa của chữ Niết-bàn (Nibbàna). Có thể cuộc đời đó còn chưa được hoàn hảo, chưa phải là Niết-bàn hoàn toàn, bởi vì nó còn chờ đợi có thêm một tâm hồn thanh lương nữa để hoàn hảo, nhưng dầu sao thì cũng đã là thanh lương rồi vậy.

Chữ Niết-bàn (Nibbàna) mang ý nghĩa thanh lương. Nó có thể được dùng đến để chỉ các sự vật vật chất. Một hòn than cháy nóng bỏng đang nguội dần, được gọi là đang "vào Niết-bàn".Khi một tô súp nóng, dần dần nguội bớt đi, ta có thể nói, tô súp đó đã Niết-bàn vừa đủ để ăn được rồi. Chữ Niết-bàn (Nibbàna) còn có thể dùng trong trường hợp các dã thú hung ác và nguy hiểm bị bắt trong rừng đem về nuôi dưỡng, huấn luyện cho thuần tánh để trở thành các thú vật nhà. Các dã thú đó cũng được gọi là đã Niết-bàn. Trong các văn kinh Pali, cũng chữ Niết-bàn nầy đã được dùng cho cả các sự vật vật chất, thú vật và con người. Nếu có cái chi đang thanh lương, mát mẻ, chẳng chút nóng bức, thì đó là Niết-bàn theo một nghĩa nầy hay một nghĩa nọ. Chúng ta sẽ nhận được một lợi lạc thật là thoả thích nhứt về Niết-bàn -- thanh lương nơi thân thể, thanh lương nơi tâm thần, thanh lương về mọi mặt -- qua sự thực tập Pháp Gíac niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Nói tóm lại, ta có được cuộc sống thanh lương ngay tại đây và vào lúc nầy, tức là Niết-bàn, theo các nghĩa vừa được giải thích ở trên. Trong tiếng Pali, tiếng Nibbuto có nghĩa là " một người trở nên thanh lương", hoặc là "một người đã có được Niết-bàn" (Nibbàna). Tình trạng đó là Niết-bàn, Nibbàna. Còn con người đang trong tình trạng đó là Nibbuto.

Hơi thở cuối cùng.

Còn nhiều lợi lạc khác nữa của Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), nhưng kể ra hết đây thì mất cả giờ, khiến cho tôi là người nói, và các bạn là người nghe, rất khó cho chúng ta theo dõi hết được. Tuy nhiên, xin được phép đề cập đến một đề tài chót: ta sẽ biết rõ được hơi thở cuối cùng của đời ta; tức là ta sẽ biết được vào hơi thở nào thì ta sẽ chết. Điều nầy chẳng có nghĩa là chúng ta có thể chọn được lúc nào ta sẽ lià đời. Đó chỉ có nghĩa là qua sự thực tập thật là thuần thục của chúng ta về Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), chúng ta đã trở nên thiện xảo với hơi thở. Chúng ta sẽ tức khắc biết ngay liền là ta sẽ chết hay không vào cái hơi thở đang thở nầy. Rồi chúng ta có thể tiên đoán được hơi thở cuối cùng của đời ta. Đây là một lợi lạc rất đặc biệt là biết được hơi thở cuối cùng của đời mình.

Đức Phật có tuyên bố rằng, chính Ngài đã đắc được Chánh đẳng Chánh giác (anuttara sammàsambodhi) qua sự thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Vì thế, tôi rất hoan hỉ để ân cần giới thiệu với các bạn ở đây và ở khắp nơi, để muôn người đều biết rõ đến Pháp nầy mà thực tập. Đức Phật đã thành Phật nhờ thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở nầy. Như thế, Ngài đã hiến tặng Pháp ấy cho chúng ta như là một hệ thống tốt nhứt để thực tập. Ngài chỉ dạy cho chúng ta biết xử dụng sự thực tập nầy vì sự an lạc của chúng ta, vì sự an lạc cho các kẻ khác, và vì sự an lạc của tầt cả mọi người. Chẳng còn cách nào khác hay hơn là thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở. Mong các bạn hãy cẩn thận lưu tâm đến nó.

Cuộc thảo luận của chúng ta về sự quán tưởng Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati bhàvanà) kể như đến đây đã khá đầy đủ. Xin được phép chấm dứt tại đây bài pháp thoại chót.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com