- Chương 1: Giáo lý căn bản
- Chương 2: Thiền ở Miến Ðiện, Thái Lan và Lào
- Chương 3: Toàn bộ giáo lý
- Chương 4: Thiền sư Achaan Chaa
- Chương 5: Thiền sư Mahasi Sayadaw
- Chương 6: Thiền sư Sunlun Sayadaw
- Chương 7: Thiền sư Achaan Buddhadasa
- Chương 8: Thiền sư Achaan Naeb
- Chương 9: Thiền sư Achaan Maha Boowa
- Chương 10: Thiền sư Taungpulu Sayadaw
- Chương 11: Thiền sư Mohnyin Sayadaw
- Chương 12: Thiền sư Mogok Sayadaw
- Chương 13: Thiền sư U Ba Khin
- Chương 14: Thiền sư Achaan Dhammadaro
- Chương 15: Thiền sư Achaan Jumnien
- Chương 16: Những câu hỏi thêm
- Chương 17: Những môn phái thiền của Phật giáo Nguyên thủy hiện nay
- Lời bạt
Những vị Thiền sư đương thời
Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt
Sài Gòn, 1999
---o0o---
Lời giới thiệu
Thiền là một danh từ không còn xa lạ gì trong giới Phật tử. Ngày nay thiền không còn bị bó hẹp trong bốn bức tường tu viện hay phận sự của các tu sĩ. Thiền được phổ biến sâu rộng hầu như khắp nơi trên thế giới.
Thiền là phương pháp tu tập để giữ tâm an tịnh, phát huy trí tuệ để thực chứng tam tướng vô thường, khổ, vô ngã.
Con người ngày nay quá bận rộn với những sinh hoạt hàng ngày. Sự cám dỗ vật chất quá mãnh liệt, khiến con người khó làm chủ được bản thân. Thiền dạy cho chúng ta phương pháp tập trung quan sát các hiện tượng xuất hiện trong ta và quanh ta, giúp ta thấy rõ được sự sinh diệt liên tục của nội giới và ngoại giới. Nhờ thấy được định luật vô thường, tâm ta sẽ vơi đi những dính mắc, loạn động, giúp cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng, thanh thản.
Ngoài sự thành tựu cao tột mà thiền mang lại - là sự đắc chứng đạo quả - Thiền còn có khả năng phát huy sức mạnh tinh thần như thần giao cách cảm, du hành trên không hoặc chữa khỏi những căn bệnh thể xác hoặc tinh thần.
Thiền còn là một nghệ thuật sống, một phương pháp rèn luyện thân tâm, mà mỗi vị thiền sư đều có mỗi sở đắc khác nhau. Qua đó, các ngài hướng dẫn cho hành giả những phương pháp thích hợp để tu tập nhằm mục đích đoạn lìa phiền não, đắc chứng Niết-bàn.
Quyển "Những vị thiền sư đương thời" được tác giả trình bày, nhằm mục đích giới thiệu các bài giảng trong các khóa thiền, hoặc những giải đáp thắc mắc về thiền, giúp chúng ta có được cái nhìn bao quát, giải tỏa những hoài nghi đem lại sự hiểu biết sâu rộng hơn.
Lại nữa, qua quyển "Những vị thiền sư đương thời" tác giả giới thiệu cho chúng ta những chứng nhân thành tựu do thiền mang lại, giúp chúng ta tăng trưởng niềm tin và trí tuệ.
Dựa trên những thành tựu mà các vị thiền sư đạt được, mỗi vị đều có mỗi sở đắc và phương pháp giảng dạy khác nhau, qua đó chúng ta có điều kiện lựa chọn pháp môn tu tập thích hợp với căn tính của mình.
Vì những lợi ích trên nên Đại Đức Thiện Minh đã cố gắng phiên dịch quyển sách này. Ở một giới hạn nào đó, quyển "Những vị thiền sư đương thời" sẽ là món ăn tinh thần bổ ích cho mọi người, và cũng là phương tiện giúp hành giả nghiên cứu, thực hành thiền có kết quả hơn.
Tôi may mắn được xem và sửa bản thảo quyển sách này, nên thấy công lao và hoài bão của Đại Đức Thiện Minh đáng được trân trọng.
Nơi đây tôi xin chân thành tán dương công đức phiên dịch của Đại Đức Thiện Minh và hân hạnh giới thiệu dịch phẩm này đến quý độc giả.
Xá Lợi Phật Đài
Hạ năm 1999
Tỷ kheo Thiện Nhân
---o0o---
Lời nói đầu
Trong đạo Phật, về phương diện pháp hành có hai phương pháp tu tập: là Thiền Chỉ (Samatha) và Thiền Quán (Vipassanà). Đối tượng của thiền Chỉ là bốn mươi đề mục; mục đích của thiền Chỉ là thành tựu các tầng thiền. Trái lại đối tượng của thiền Quán là Thân, Thọ, Tâm, Pháp; mục đích của thiền Quán là sát trừ phiền não - chấm dứt sanh tử luân hồi. Ở những Đạo giáo khác có thiền Chỉ nhưng không có thiền Quán, thiền Quán duy nhất chỉ có trong đạo Phật thôi. Hành giả ở giai đoạn sơ cơ thì thực hành Chỉ Quán song tu, tuy nhiên từ tuệ thứ Tư [1] trở lên đến tuệ thứ 16 thì thiền giả thực hành hoàn toàn thiền Quán.
Thiền Quán còn gọi là Thiền Tuệ, Như Lai Thiền, Thiền Minh Sát, Thiền Tứ Niệm Xứ. Tên gọi tuy khác nhưng sở hành và sở đắc giống nhau. Trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật có dạy: "Hành giả tu hành đúng pháp môn này tối đa là bảy năm, tối thiểu là bảy ngày sẽ chứng đắc một trong bốn đạo, đó là Tu Đà Hườn (Sotàpanna), Tư Đà Hàm (Sakadàgàmì), A Na Hàm (Anàgàmì), A La Hán (Arahanta)". Thế nhưng hành giả tu tập đúng pháp môn mà có những chướng ngại pháp liên tục khống chế hành giả mà hành giả không thể nào khắc phục được, thì lúc đó thiền giả nên bổ sung Thập Độ (Dasaparàmì) của mình. Mười Pháp Độ là Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ, Tâm xả. Trong Hạnh tạng (Cariyàpitaka) có dạy: Ai viên mãn Pháp Độ thì có thể chứng đắc Thinh văn giác (Sàvakabuddha), Độc giác (Paccekabuddha), Toàn giác (Sammàsambuddha). Được biết đức Phật tổ Thích Ca Gotama tu tập viên mãn mười Pháp Độ thời gian khoảng hai mươi A tăng kỳ [2] và một trăm ngàn đại kiếp [3]. Do đó, trên con đường tu tập thiền Tứ Niệm Xứ nếu chúng ta gặp những chướng duyên thì quý vị đừng lùi bước, ngã lòng vì đức Phật của chúng ta đã thực hành được thì chúng ta sẽ thực hành được.
Quý vị hãy hoan hỉ với kiếp sống hiện tiền của mình là được sanh làm người, được tu tập Thiền Quán. Quý vị có phước hơn những chúng sanh ở bốn đường ác (Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, A tu la), người sanh vào những cõi đó không có khả năng và ham thích hành thiền, vì thấp kém, đau khổ, đầy cảnh tượng, âm thanh, và cảm giác hãi hùng. Lại nữa, quý vị có phước hơn chúng sanh ở cõi trời vì ở đây không có động cơ để hành thiền vì sắc khả ái và những lạc thú tiên cảnh luôn bao quanh.
Tác giả của cuốn sách này, sau khi tốt nghiệp ở phương Tây với đề tài nghiên cứu Á châu, lúc nghiên cứu, có lẽ ông đã hiểu rõ và có niềm tin với đạo Phật và Thiền Quán, nên một ngày kia ông từ giả tất cả - cha mẹ, anh em, bạn bè thân thương, quyền hành, địa vị và cả sự giàu sang tiện nghi ở Mỹ quốc để sang châu Á tầm sư học đạo - pháp môn thiền Tứ Niệm Xứ. Chẳng bao lâu duyên lành đã đến và lòng hoan hỉ trào dâng ông quyết định xuất gia theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravàda). Tất cả mười hai vị thiền sư trong quyển sách này mà ông đã từng đến sống chung, thực hành và học hỏi với các ngài. Sau đó ông viết lại một cách trung thực để chia sẻ kinh nghiệm với chúng ta pháp môn cao quý này.
Quyển "Những vị thiền sư đương thời" (Living Buddhist Masters) này, trước đây Đại đức Pháp sư Bửu Chánh đã dịch đôi ba chương nhưng vì bận xuất dương du học Ấn Độ nên Đại đức không tiếp tục nữa, chúng tôi hữu duyên gặp lại bác sĩ Hồ Hồng Phước ở Anh quốc về Việt Nam đến viếng chùa Kỳ Viên và bác sĩ đã tặng cho tôi quyển sách này. Nhận thấy tác phẩm thiền có giá trị nên chúng tôi cố gắng phiên dịch để cống hiến cho quý vị.
Dịch phẩm này hoàn thành một cách tốp đẹp là nhờ công lao rất lớn của Phật tử Trần Văn Huân đã phụ giúp chúng tôi trong công tác dịch thuật, và Phật tử Nguyễn Văn Dũng phụ giúp phần đánh máy vi tính.
Xin tán thán công đức Phật tử chùa Kỳ Viên, nhóm Phật tử Hạnh Huệ - Đào Thị Chiến (Hà Nội), nhóm Phật tử hải ngoại: cô Trần Thị Thu (USA) và bác sĩ Hồ Hồng Phước (England) đã tài trợ cho việc in ấn này.
Xin chân thành tri ân Thượng Tọa Tăng Định, chư Tăng ni chùa Kỳ Viên đã khuyến khích động viên và dành nhiều tình cảm quý báu, nhứt là ưu tiên thời gian chấp tác để cho dịch giả sống êm đềm trong công tác dịch thuật. Dịch phẩm này chắc chắn không sao tránh khỏi những thiếu sót, kính mong quý vị hoan hỉ và nhận được ý kiến đóng góp để kỳ tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo luôn luôn gia hộ cho quý vị được an vui, hạnh phúc.
Mùa Vu Lan, 1999
Tỳ kheo Thiện Minh
Chú thích:
[1] 16 Tuệ là: Tuệ phân biệt Danh sắc, Tuệ phân tách Nhân quả, Tuệ quán Danh sắc, Tuệ thấy Sanh diệt của Danh sắc, Tuệ Diệt, Tuệ Sợ, Tuệ thấy tội Ngũ uẩn, Tuệ chán nản, Tuệ muốn giải thoát, Tuệ suy tư, Tuệ Hành xả, Tuệ Thuận thứ, Tuệ Chuyển tánh, Tuệ Đạo, Tuệ Quả, Tuệ Phản khán.
[2[ Theo Buddhavamsa (Phật sử), ví dụ một A tăng kỳ (Assankheyya) như sau: Vuông vức một do tuần (một do tuần khoảng 16 km) trong đó đựng đầy hột cải, một trăm năm có một vị chư thiên xuống nhặt một hạt, khi nào lấy hết những hạt cải ấy, thời gian như vậy gọi là một A tăng kỳ.
[3] Đại kiếp (Mahàkappa) là kiếp của trái đất.
[*] Tiểu sử tác giả: JACK KORNFIELD
Jack Kornfield từng là một thiền sinh Phật giáo trong mười lăm năm. Ông ta đã tu tập trong sáu năm ở Đông Nam Á, như là một cư sĩ và như là một nhà sư ở các thiền viện trong truyền thống đạo Phật Nguyên thủy. Các vị thầy chính của ông là ngài Achaan Chaa và ngài U Asabha - đệ tử của ngài Mahasi Sayadaw. Ông cũng từng theo học với các vị thầy trong cuốn sách này cũng như với hai vị thầy thuộc truyền thống Zen. Ông tốt nghiệp đại học Dartmouth trong khoa Nghiên cứu Á châu, và có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về Tâm lý phương Tây. Hiện nay ông dạy với bạn đồng nghiệp Josepth Goldstein ở Hội Thiền Quán (IMS, Insight Meditation Society) ở Barre, Massachusetts; Viện Naropa ở Boulda, Colorado; và những khóa thiền tích cực khắp Hoa kỳ và Canada.
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)
Trình bày: Mỹ Hạnh