THERAVÀDA - PHẬT-GIÁO NGUYÊN-THỦY
TỨ THANH TỊNH GIỚI
(CATUPÀRISUDDHISÌLA)
VANSARAKKHITA BHIKKHU
TỲ-KHƯU HỘ-TÔNG
PL. 2510 - TL. 1966
TÁI BẢN PL. 2537 - TL. 1993
--- o0o ---
LUẬT XUẤT GIA (Tứ Thanh Tịnh Giới)
TỨ THANH TỊNH GIỚI (Catupàrisuddhisila) là:
1) Biệt biệt giải thoát thu thúc giới (Pàtimokkhasamvarasila).
2) Lục căn thu thúc giới (indriyasamvarasila).
3) Chánh mạng thu thúc giới (àjìvapàrisuddhisila
4) Quán tưởng thọ vật dụng giới (paccayasannisstasila).
-ooOoo-
BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI(Pàtimokkhasamvara sila).
Trong 4 giới trong sạch, xin giải về: "Biệt biệt giải thoát thu thúc giới" là sự thu thúc theo điều học trong giới bổn trước.
Giới mà đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng: "Tỳ-khưu trong giáo pháp này, đã thu thúc theo giới bổn, đều đủ cả acàra và gocàra, là người đã thọ trì những điều học, hay có lòng lo sợ tội lỗi, dầu là nhỏ nhen chút ít. Như thế gọi là: "Biệt biệt giải thoát thu thúc giới".
Tiếng Pàtimokkha (Tàu âm là Ba-la-đề-mộc-xoa) nghĩa là "Pháp mà người đã thọ trì đúng đắn rồi, nó hằng làm cho người đó được thoát khỏi sự thống khổ, nhứt là khỏi khổ trong bốn đường dữ (cầm thú, atula, ngạ quỉ, địa ngục)".
Tất cả điều học mà đức Thế Tôn đã chế định, hiệp lại gọi là Pàtimokkha ấy, có thể làm cho người thọ trì theo được nhiều điều lợi ích cao thượng, như đã có giải.
Câu nói "thu thúc" theo Pàtimokkha ấy, là nói được thu thúc điều học mà đức Thế Tôn đã truyền răn để lại.
Giải về tiếng àcàra và gocàrà: Phẩm cách người mong được điều hữu ích, phải cố gắng hành theo, gọi là àcàra, trái lại gọi là anàcàra.
Àcàra và Anàcàra
Trước hết, xin giải về tiếng anàcàra, vì hai pháp ấy có sự tương phản cùng nhau: Anàcàra về đàng dữ, àcàra về đàng lành.
Tiếng anàcàra là nói về sự hành ác, do nghiệp thân, nghiệp khẩu, hoặc luôn cả nghiệp thân và khẩu, tức là nói về sự phá giới.
Còn sự nuôi mạng không chơn chánh, là nói về Tỳ-khưu nuôi mạng nhờ:
1) Giả làm cách tề chỉnh.
2) Giả làm cách vui vẻ.
3) Nói ướm.
4) Giả bộ dọa hẩm.
5) được nơi đây đem cho nơi kia, được nơi kia đem cho nơi đây.
6) Cho tre.
7) Cho lá cây.
8) Cho bông hoa.
9) Cho trái cây.
10) Cho cây xỉa răng.
11) Cho nước rửa mặt.
12) Cho vật để tắm.
13) Cho vật thoa dồi.
14) Cho đất (của Tăng).
15) Tôn kính kẻ thế.
16) Thật ít, dối nhiều.
17) Giữ giùm con cho người
18) Làm tay sai cho người.
19) Làm thầy thuốc cho người.
20) Làm kẻ đem tin cho người.
21) Chịu cho người sai khiến.
22) đem cơm cho người rồi đi khất thực sau mà ăn.
23) Cho đi, cho lại
24) Xem thiên văn địa lý.
25) Xem ngày tháng, sao hạn cho người.
26) Xem tài tướng và xem thai đàn bà (đẻ trai hay đẻ gái).
Nếu Tỳ-khưu có lòng ham muốn mong được lợi để nuôi mạng theo 26 điều tà mạng trên đây, chẳng được gọi là Tỳ-khưu (trừ ra không có lòng ham muốn thì không kể).
Anàcàra chia ra có 2 nghiệp:
- Kàyika: hành tà do nghiệp thân.
- Vàcàsika: hành tà do nghiệp khẩu.
Giải: Tỳ-khưu khi vào giữa Giáo hội không lòng cung kính, đứng, ngồi, đụng, chạm, lấn lước vị cao hạ hơn mình; đứng hoặc ngồi trước vị cao hạ, đứng hoặc ngồi cao hơn vị cao hạ, nói múa tay trước mặt vị cao hạ; vị cao hạ đi chân mà mình mang giày hoạc vị cao hạ ở thấp mà mình ở cao; đứng hoặc ngồi không ngay thẳng; không cho phép vị thấp hạ ngồi; để củi trong nhà khói mà không cho vị cao hạ hay; đi tắm không nhường cho vị cao hạ; lúc tắm và khi tắm xong lên, đi vào xóm hoặc ra xóm cũng như thế.
Hoặc đi đến nhà nào, vào buồng của người đã khép cửa; có phụ nữ ngồi đâu lại đi vào nơi ấy; vò đầu kẻ trai hoặc gái, các sự hành động như thế gọi là anàcàra; hành tà do nghiệp thân.
Có vị Tỳ-khưu khi vào giữa Giáo hội nói những lời vô lễ, không bạch trước với vị cao hạ mà thuyết pháp, hỏi hoặc giảng giới bổn (Pàtimokkha) đứng nói, múa tay; nếu đi vào xóm thấy phụ nữ, trẻ, hoặc già, kêu nói: cô này, có cháo không? có cơm không? có bánh không? có gì ... ta ăn, uống? ... có chi dùng? các cô này! có chi dâng cho ta? v.v...
Những lời nói ấy là anàcàra, hành tà do nghiệp khẩu.
Còn về àcàra tức là thu thúc theo giới luật trái hẳn với anàcàra như đã giải trên, và cũng chia ra có 2 nghiệp: nghiệp thân và nghiệp khẩu, giống nhau.
Người học Phật nên lấy đó làm nơi xu hướng.
Tóm lại, tiếng àcàra để nói về phẩm cách vị Tỳ-khưu có lòng tôn kính và nghiêm trì giới luật, có sự hổ thẹn và gớm ghê những điều tội lỗi, ăn mặc theo điều "Ưng học pháp" sekhiyavatta, đi tới, thối lui, xem trước nhắm sau, ngồi, đứng phải phép, đáng cho người kính trọng, mắt ngó xuống, oai nghi chơn chánh, lục căn thanh tịnh, có sự tiết độ, có trí nhớ, có sự biết mình satisampajanna, ít ham muốn, có độ lượng, không hay trà trộn cùng kẻ thế, hoặc thiên vị theo đảng phái, biết đền ơn trả thảo, tôn kính người đáng tôn kính ...
Những sự hành động ấy gọi là àcàra, hành đúng luật do nghiệp thân và nghiệp khẩu.
Gocàra và Agocàra.
Cảnh vật (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) mà lục căn thường xu hướng theo gọi là Gocàra.
Giải: lục dục nếu nói cho tột lý thì có cả dữ và lành. Dữ là tư cách làm cho phát sanh tội, nhất là phạm giới. Lành là tư cách làm cho phát sanh phước, nhất là gìn giữ giới luật cho trong sạch
Giải về tiếng agocàra, đức Phật có sự thuyết rằng "Tỳ-khưu thường hay thân cận phụ nữ, bán nam, bán nữ, Tỳ-khưu ni, hàng rượu hoặc lưu luyến theo vua chúa, quan lại, người cao sang, phú hộ, kẻ dữ, người không tín ngưỡng tam bảo, hạng khinh rẽ Phật pháp, hay gây gổ cùng tín đồ và tăng chúng. Xu hướng theo những điều ấy gọi là agocàra, trái lại là gocàra".
Gocàra chia ra có 3 điều:
1. Upanissayagocàra: Nơi nương nhờ có thể làm cho đức hạnh phát sanh, như thân cận cùng bậc thiện trí thức.
2. Àrakkhagocàra: Cái có thể gìn giữ lục căn thanh tịnh, như trí nhớ.
3. Upanipandhagocàra: phương pháp trau dồi có thể buộc chặt cái tâm, như phép tứ niện xứ.
Giải: những bậc thiện trí thức có đủ 10 lời nói trong sạch [*] hoặc cao minh, hằng tế độ người nương theo Phật pháp, cho được nghe chơn lý chưa từng nghe, nghe được rồi càng thêm ngưỡng mộ, làm cho người hết sự hoài nghi, phát sanh chánh kiến.
[*] 10 lời nói trong sạch (katthàvatthu) là:
1. Appicchakthà: lời nói làm cho phát sanh sự tiết dục.
2. Santutthikathà : lời nói làm cho phát sanh sự biết đủ (tri túc).
3. Pavivekakathà: lời nói làm cho phát sanh sự yên lặng
4. Asamsaggakathà : lời nói không làm cho phát sanh sự quyến luyến
5. Viriyàrambhakathà: lời nói làm cho phát sanh sự tinh tấn
6. Sìlakathà : lời nói làm cho phát sanh sự trong sạch
7. Samàdhikathà: lời nói làm cho phát sanh sự thiền định
8. Pannàkathà: lời nói làm cho phát sanh sự trí tuệ
9. Vimuttikathà: lời nói làm cho phát sanh sự giải thoát
10. Vimuttinanàdassanakathà: lời nói làm cho phát sanh trí tuệ thấy rõ sự giải thoát.
Những bậc có đủ các pháp: tín, giới, văn, thí, tuệ, mà người nào đã nương theo rồi hằng được hưởng điều hạnh phúc, như thế gọi là Upanissayagocàra.
Giải về tiếng Àrakkhagocàra đức Phật có tự thuyết rằng: Tỳ-khưu khi đi vào xóm hoặc đi ngoài lộ, mắt thường ngó xuống, xa lối 1 sải, đi đứng cẩn thận, nghiêm trang không xem xe cộ, ngựa, voi, ... nhất là không để ý đến kẻ bộ hành (trai, gái) không ngó phía trên, nhìn phía dưới ... như thế gọi là Àrakkhagocàra.
Còn về Upanipandhagocàra, đức Thế Tôn chỉ ngay về pháp tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp) dạy người tu Phật phải dùng pháp ấy phải buộc chặt cái tâm như sau này:
Yathàdhambhe nibandheyya vaccham damannaro idha bandheyyevam sakkam cittam satiyàrammane dalham.
Nghĩa là: trong vũ trụ này, những người khi tập luyện bò con, cần phải buộc chặt nó đứng yên nơi cây trụ, ví như hành giả, khi tu tâm cũng phải dùng pháp tứ niệm xứ để buộc chặt cái tâm, mới có thể gìn giữ tâm được yên tịnh, đó gọi là Upanipandhagocàra.
Ðức Như Lai kể Àcàra và Gocàra vào trong giới bổn vì là: Giới của Tỳ-khưu được trong sạch là nhờ có hành thêm àcàra và gocàra. Nhơn đó, đức Phật mới để pháp àcàra chung với giới bổn.
GIẢI VỀ TIẾNG "LO SỢ NHỎ NHEN CHÚT ÍT"
Trong điều Ưng học pháp sekkhiyavatta và khandhakavatta v.v... điều học nào thuộc về vô ý mà phạm thì cũng bị tội cho nên gọi là tội nhỏ nhen chút ít.
Ðối với bậc trí tuệ, dầu là tội nhỏ nhen chút ít, các ngài cũng chẳng dám dễ duôi phạm đến. Sự lo sợ của các ngài làm cho các ngài thấy những tội ấy lớn bằng núi Tu-di, cao đến 84.000 do tuần. Bằng không, với tội nhẹ hơn hết, như tội ác khẩu, các ngài cũng rất lo sợ, xem như đại tội "Bất cộng trụ". Chẳng phải cũng chỉ thế thôi, cho đến những nghiệp nhỏ nhen mà đức Phật nói "Không phải là tội, không phải là sự dễ duôi", các ngài cũng chẳng phạm. Phẩm cách của bậc trí tuệ lo sợ tội lỗi nhỏ nhen chút ít là như thế ấy.
Thọ trì một việc nào là phụ thuộc của những điều học "9 điều của đức Phật đã chế định" [*] và gìn giữ hành theo cho đều đủ, như thế gọi là đều đủ theo tất cả điều học.
[*] 9 điều chế định là:
1. mùlapànntti: điều chế đầu tiên trong điều học.
2. anupannatti: điều chế nối tiếp trong điều học đã có cấm nhiều lần .
3. anuppannàpannati: điều chế để ngừa sự xảy đến (nói về 8 trọng pháp của Tỳ-khưu ni).
4. sabbatthapannatti: điều chế đối với tất cả Tỳ-khưu trong xứ.
5. padesapannatti: điều chế đối với tất cả Tỳ-khưu trong xứ trung Ấn độ.
6. sàdhàranappannatti: điều chế chung cho Tỳ-khưu và Tỳ-khưu ni.
7. asàdhàranappannatti: điều chế riêng cho Tỳ-khưu và Tỳ-khưu ni.
8. ekatopannatti: điều chế chỉ đối với Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu ni.
9. ubhatopannatti: điều chế đối với cả 2 bên.
KẾT LUẬN TRONG BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI
Thật vậy, "Biệt biệt giải thoát thu thúc giới" mà được trong sạch là nhờ có đức tin . Điều học mà đức Phật đã chế định ấy, vược qua khỏi tuệ lực của chư thinh văn, nên chính mình đức Phật mới có thể chế định được. Nhân đó, các Tỳ-khưu phải thọ trì điều học, chẳng nên tiếc sự sống mà phạm giới, phải hành theo bài kệ sau đây.
Pàtimokkham visodhento appevajìvitam jahepannattam lokanàthena na bhinde sìlasam varam.
Nghĩa là: người có đức tin, khi đã thọ trì giới bổn, nên liều thác, chẳng nên phạm giới của đức Phật đã chế định.
Giải rằng: Chim tê hoạch liều chết ráng gìn giữ trứng của nó thế nào, thú càramì liều chết ráng giữ lông nó thế nào, người bá hộ có một trai, rất trìu mến, ráng gìn giữ đứa con đó thế nào, kẻ nào hư 1 mắt ráng gìn giữ mắt lành kia thế nào, thì người ráng thọ trì giới của mình như thế ấy, hãy lấy nó làm nơi chí thiết, làm cho giới được trong sạch hoàn toàn cũng như mấy điều kể trên đây.
-ooOoo-
LỤC CĂN THU THÚC GIỚI(Indriyasamvarasìla).
Đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng "Tỳ-khưu đã thọ trì giới bổn rồi, nếu mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi hưởi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, tâm biết các pháp mà chẳng cảm xúc, tinh tấn gìn giữ lục căn, không cho ác pháp (tham, sân, si) đè nén được, như thế gọi là Lục căn thu thúc giới".
GIẢI VỀ TIẾNG "CẢM XÚC"
Chẳng cảm xúc là chẳng vì sự tiếp xúc mà cảm động, phân biệt rằng đây là phụ nữ, đây là nam giới, đây đẹp, đây không đẹp, đây ngon, đây không ngon, v.v... chỉ phải trong phạm vi ấy nghe mà thôi.
GIẢI VỀ TIẾNG "TINH TẤN GÌN GIỮ LỤC CĂN"
Phải tinh tấn cẩn thận, chăng chỉ không cho lục trần thâm nhập lục căn, ngăn ngừa không cho cảnh nghịch làm cho phát sanh sự thương ghét vào nhiễu loạn tâm linh. Nếu có cảnh nghịch tiếp xúc, phải dùng trí nhớ cản ngăn, nghĩa là, đừng hờ hững để cho tâm duyên theo hoàn cảnh. Phải tinh tấn hành theo pháp àcàra và gocàra cho đều đủ (như đã giải trong đề: "Biệt biệt giải thoát thu thúc giới").
Sự tinh tấn như thế chỉ để ngăn ngừa lục căn không cho ác pháp (tham, sân, si) vào làm hại thiện pháp trong tâm. Bởi vì ác pháp vào được rồi, thì nó làm tiêu hoại các điều lành trong tâm, ví như đạo tặc vào nhà vậy.
THU THÚC VÀ KHÔNG THU THÚC
Trong Lục căn thu thúc giới có những điều để phân biệt pháp thu thúc với pháp không thu thúc: khi những điều ấy chưa phát sanh thì không thể gọi là thu thúc hoặc không thu thúc được.
Thế nào gọi là pháp thu thúc (samvaradharma), thế nào gọi là pháp không thu thúc (asamvaradharma)?
5 pháp để phân biệt thu thúc là:
Sìlasamvara: Pháp thu thúc, tức là giới.
Satisamvara: Pháp thu thúc, tức là trí nhớ.
Nànasamvara: Pháp thu thúc, tức là trí tuệ
Khantisamvara: Pháp thu thúc, tức là nhịn nhục.
Viriyasamvara: Pháp thu thúc, tức là tinh tấn.
5 pháp để phân biệt không thu thúc:
Dussìlya: phá giới.
Mutthasacca: hay quên.
Annàna: không trí tuệ.
Akkhanti: không nhịn nhục.
Kosajja: lười biếng.
Giải: Khi 1 trong 6 trần tiếp xúc với 1 căn nào mà có 1 trong 5 pháp thu thúc phát sanh thì phải biết rằng căn ấy Tỳ-khưu đã thu thúc trong sạch rồi. Trái lại, nếu có 1 trong 5 pháp không thu thúc phát sanh, thì nên biết rằng căn ấy, Tỳ-khưu không thu thúc. Sự thu thúc và không thu thúc chẳng phải chỉ phát sanh trong 1 căn thôi đâu (chúng nó có thể phát sanh trong tất cả lục căn).
Muốn biết những sự thu thúc và không thu thúc phát sanh, cần phải biết con đường đi từng bậc của tâm.
Ðây xin giải: con đường đi của tâm trong nhãn căn.
Khi sắc trần tiếp xúc mắt thì những hiện tượng biết động tiếp xúc phát sanh, trước hết.
1- Bhavanga: tâm thường tịnh phát sanh 2 "sát-na" (khana: thời gian rất ngắn của tốc lực tâm), nghĩa là rung động tâm thường tịnh 2 sát-na rồi diệt.
2- Kiriyàmanodhàtu: là cái tâm tìm kiếm sắc trần làm cho sự tìm kiếm (àvajjanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt.
3- Cakkhuvinnàna: nhãn thức, nghĩa là sự biết sắc trong nhãn căn, làm cho sự thấy (dassanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt.
4- Vipàkamanodhàtu: Tâm dung nạp sắc trần làm cho sự dung nạp ấy phát sanh lên 1 sát-na rồi diệt.
5- Vipàkahetuka manovinnànadhàtu: Tâm xem xét chu đáo làm cho sự xem xét chu đáo (santìranakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt
6- Kiriyàhetuka manovinnànadhàtu: Tâm ghi chép sắc trần làm cho sự ghi chép (votthapanakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt.
7- Javana: Tâm tốc lực [*] tùy theo trạng thái của cảnh giới, làm cho phát sanh pháp thu thúc hoặc không thu thúc.
[*] Javana là cái sức mau chóng của tâm bắt lấy và hưởng dụng sắc trần
Khi tâm thường tịnh (Bhavanga) mới phát sanh thì chưa được gọi rằng thu thúc hoặc không thu thúc. Chỉ đến khi sát-na (javana) phát sanh mới có thể nhất định được. Bởi tất cả các pháp để phân biện cho biết có thu thúc cùng không thu thúc đều chỉ phát sanh trong sát-na cuối cùng là (javana) thôi.
Chỗ nói "Phải cẩn thận trí nhớ và ráng gìn giữ 6 căn không cho các pháp là tham, sân đè nén được" là chỉ rõ rằng: khi tham, sân không đè nén được thì gọi là thu thúc. Nếu để chúng nó đè nén được thì gọi là không thu thúc.
Xin ví dụ cả thân thể như nhà, 6 căn của cửa là ngoài nhà, đường đi của tâm ví như buồng trong nhà, trí nhớ như người giữ cửa.
Tất cả 5 pháp thu thúc ví như cửa cái, 1 trong 6 trần ví như kẻ dắt đường, tham và sân ví như kẻ cướp; cả 5 pháp không thu thúc ví như bọn tùy tùng của kẻ cướp. Khi người gác cửa tức là trí nhớ quên phận sự mình, thì tất nhiên kẻ dắt đường, chính là 1 trong 6 trần, sẽ thừa dịp ấy dẫn kẻ cướp tất là tham và sân vào nhà. Kẻ cướp ấy tức là tham, sân, ắt đem theo bọn tùy tùng, tức là 5 pháp không thu thúc xông vào phá buồng trong nhà, tức là đường đi của tâm để cướp lấy tài sản, tức là thiện pháp (Pháp thu thúc).
Vì vậy, cho nên cần phải tinh tấn giữ gìn 6 căn cho cẩn thận, chớ nên hờ hững để cho giác quan phóng túng như mắt hay xem sắc, tai hay nghe tiếng vân vân... Những lời đã giải gọi là: "lục căn thu thúc giới"
KẾT LUẬN "LỤC CĂN THU THÚC GIỚI"
Nhờ có trí nhớ mà Tỳ-khưu gìn giữ 6 căn được thanh tịnh, làm cho các ác pháp, nhất là tham, sân, không thể đè nén cái tâm trong sạch được.
Có lời khen rằng "Thu thúc lục căn giới mà được kết quả mỹ mãn rồi, có thể bảo tồn giới bổn được lâu dài, ví như cây lúa mà người gìn giữ tốt tươi, là nhờ có hàng rào kín đáo, ví như Tỳ-khưu không thể bị đạo tặc phá quấy, tức là các phiền nãovào làm hại, hoặc giả ví như 1 xứ kia được quan quân canh giữ các cửa thành rất cẩn thận làm cho bọn tặc không sao xâm nhập được". Hiệp theo Phật ngôn rằng:
Rupesu saddesu adhorasesu gandhesu, phassesu, ca rakkhatindriyam ete hidvàrà pidahità susamvutà na haranti gàmamva parassa hàrino.
Nghĩa là: Con người phải gìn giữ lục căn không cho điều nguy hiểm tai hại phát sanh, vì sắc, thinh, hương, vị, xúc, bởi khi các cửa nhất là nhãn căn, mà người đã đóng khít khao rồi, thì chẳng bị cái chi là hại được, ví như trong xứ mà người đã đóng kín cửa thành chắc chắn, thì đạo tặc cũng không sao vào phá hại dân chúng được.
Lại nữa, nếu Tỳ-khưu nào đã thu thúc lục căn rồi, vì lòng tham dục không sao phá hại tâm của vị đó được, ví như giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà đã lợp khít khao vậy.
Ðúng theo Phật ngôn rằng:
Yathà agàram succhannam vutthi na samativijjhati evam subhàvitam cittam rago na samativijjhati.
Nghĩa là: Giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà mà người đã lợp khít khao thế nào mà lòng tham dục cũng không sao xâm nhập vào tâm của người đã trau dồi đúng đắn được.
Những hành giả nào khi đã thấy rõ các đức của sự thu thúc và những tội của sự không thu thúc thì chẳng nên dãi đãi, phải hết lòng tinh tấn gìn giữ lục căn theo lời chú giải sau này:
Makkato và yàvajivika arannamhi vane bhanto migoviya bàlo viya ca uttàsito na chavelolalocanoadhe khipeyya cakkhùni yugamattadasso siyàvanamakkatalolassa nacittassavasam vaje.
Nghĩa là: những người nào mong được sự lợi ích, thì mắt chẳng nên láol iên như khỉ trên cây, như thú nhút nhát trong rừng [*], như trẻ con sợ hãi vì xa thân quyến. Theo giới luật thì trong khi đi đứng phải ngó xuống, xem chung quanh mình lối 2 thước, chẳng nể chìu theo vọng tâm, xét cái này, suy cái khác như khỉ trong rừng vậy.
[*] Thú trong rừng thường hay sợ người bắt giết hay là bắt nó. Nên khi đói đi kiếm ăn lỡ ra ngoài rừng, thì mắt dáo dác ngó bên này dòm bên kia không ngớt
-ooOoo-
CHÁNH MẠNG THANH TỊNH GIỚI(Àjìvapàrisuddhi sìla).
Cách nuôi mạng theo lẽ chánh của Tỳ-khưu, không phạm 6 điều học mà đức Phật đã chế định vì nguyên nhân tà mạng, hoặc chẳng phạm nhất là 5 ác pháp, như thế gọi là giới nuôi mạng trong sạch.
Giải về 6 điều học: Sáu điều học này mà đức Phật đã chế định là:
1) Tỳ-khưu chỉ vì nguyên nhân nuôi sanh mạng, có sự ham muốn xấu xa, bị lòng tham đè nén, rồi khoe pháp của bậc cao nhơn (pháp đại định hoặc là pháp thánh) mà mình chưa đắc, phạm tội Bất cộng trụ.
2) Tỳ-khưu chỉ vì nuôi sanh mạng, làm mai dong, nói cho trai vừa lòng gái, gái đẹp lòng trai phạm tội Tăng tàn.
3) Tỳ-khưu khoe pháp của bậc cao nhơn, nói không ngay, chỉ nói mí rằng "Các ngài hãy xem Tỳ-khưu nào ở trong tịnh xá của các ngài, chính vị Tỳ-khưu ấy là bậc A la hán vậy". Cách khoe mình như thế, chỉ vì sự nuôi sanh mạng, phạm tội Trọng tội.
4) Tỳ-khưu vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng, xin vật cao lương để dùng, phạm Ưng đối trị.
5) Tỳ-khưu ni vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng, xin vật thực để dùng, phạm Ưng phát lộ.
6) Tỳ-khưu vô bịnh xin vật thực để dùng phạm Tác ác.
GIẢI VỀ 5 ÁC PHÁP:
Năm ác pháp là pháp đê hèn, tội lỗi mà bậc tu hành phải xa lánh là:
- Kuhanà
- Lapanà
- Nemittikatà
- Nippesikatà
- Làbhenalabham nijjigimsanatà
1) Trong ác pháp thứ nhất Kuhanà giải rằng: Tỳ-khưu dục lợi muốn được người tôn kính và khen tặng, nói dối để khoe đạo đức cao thượng mà mình không có và tìm nói dối như mấy cách sau này:
a. Paccayapatisevana: Phương pháp nói dối về sự thọ lãnh vật dụng.
Giải: có hạng Tỳ-khưu được thí chủ thỉnh đến dâng cúng 4 vật dụng, duy tâm mong mỏi được mấy món ấy, nhưng giả bộ từ chối, làm cho người tưởng mình là kẻ ít tham, không cầnvật quí giá, chỉ dùng vật thấp hèn thôi (như dùng y dơ của người bỏ). Vì lẽ ấy nên thí chủ thật lòng tín ngưỡng mình. Lần sau họ đem nhiều vật đến dâng cúng mới chịu thọ lãnh và kiếm thế chữa mình rằng: Ta chẳng phải tham dùng các món ấy, nhưng muốn cho quí ngài vui lòng được phước, nên phải buộc mình thọ lãnh. Chẳng phải chỉ giả dối trong những nơi ấy, mà còn làm ra dáng cao thượng nữa, cho người càng thêm tôn trọng mình.
Các cách hành động như thế gọi là dối trá về sự thọ lãnh vật thực.
b. Sàmantajappana: Tỳ-khưu dục lợi, muốn được người khen ngợi, giả trá bằng cách nói mí rằng: Các ngài nên xem Tỳ-khưu nào mặc y như vầy, thầy tế độ và thầy giáo thọ của vị Tỳ-khưu ấy như vầy, Tỳ-khưu ở trong tịnh xá như vầy v.v... Tỳ-khưu như thế là bậc Sa-môn cao thượng, bởi ngài có đạo đức thanh cao. Hoặc nói nhiều cách khác nữa, hoặc tự khoe mình để cho người khác tán tụng. như thế gọi là Sàmantajappana
c. Iriyapathasanisita: hoặc sự dối giả xấu xa bằng cách oai nghi đi đứng.
Giải: Có hạng Tỳ-khưu dục lợi bằng cách đê hèn, muốn được danh lợi nên khoe rằng mình có đạo đức cao thượng, thu thúc oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) theo dáng bậc cao nhơn, làm cho người lầm tưởng rằng mình có đầy đủ trí tuệ, hoặc đã đắc đại định. Như thế gọi là dối trá bằng cách giả bộ thu thúc oai nghi.
2) Trong ác pháp thứ nhì (Lapanà) giải rằng: Tỳ-khưu tham muốn xấu xa, mong được tài vật và danh tiếng, khi thấy người đến chùa thì niềm nở hỏi han. nếu người nói đến thỉnh chư tăng thì tự mình đi thỉnh thế cho, hoặc tự khoe rằng: ta được từ vua, chí các quan lớn, nhỏ đều kính mến. Hoặc nói lời này tiếng nọ làm cho thí chủ phải dâng cúng vật dụng cho mình. Như thế gọi là Lapanà.
3) Trong ác pháp thứ ba (Nemittikatà) giải rằng: tham muốn xấu xa mong được vật dụng và danh dự, hành động nói để cho người phải bố thí tài vật đến mình. Như Tỳ-khưu thấy, người có vật thực ngon, làm tuồng như không thấy giả bộ hỏi thăm bằng thế này thế kia, cho người biết rằng mình cần dùng vật ấy, khiến người phải buộc lòng đem dâng cho mình. Các cử chỉ như thế gọi là "Nemittikatà".
4) Trong ác pháp thứ tư (Nippesikatà) giải rằng: Tỳ-khưu dục lợi cách đê hèn, mong được tài vật và danh vọng, ỷ quyền chửi mắng [*] thí chủ, dùng lời này tiếng kia, trách người không biết điều, không tín ngưỡng Phật pháp; nói lén hoặc nói xấu người, hoặc đem đến chuyện xấu nhà này nói nhà kia... như thế gọi là "Nippesikatà".
[*] 10 cách chưởi mắng : người là kẻ cướp, người là kẻ dữ, người là kẻ lầm lạc, người là bò, người là thú..
5) Trong ác pháp thứ năm (Làbhenalàbham nijigimsanatà) giải rằng: Tỳ-khưu dục lợi cách đê hèn, muốn được tài vật danh tiếng, lấy vật được nơi đây đem cho nơi kia, như thế gọi là làbhenalàbham ijigimsanatà.
Những lẽ giải trên đây gọi là sự tà mạng do 5 ác pháp.
GIẢI VỀ SỰ BIẾT VÔ ÍCH
Sự biết vô ích, là tư cách hiểu biết thấp hèn, không có ích lợi chi. Tư cách có nhiều thể thức khác nhau,nhưng đây chỉ lược thuật 8 thể thức:
- Biết sách giải về thân thể học (angam).
- Biết sách giải về các nguyên nhân khác (nimittam).
- Biết sách giải về thiên văn học (uppàtam).
- Biết sách giải về pháp đoán điềm mộng (supinam - mộng là những triệu chứng mà người thường cảm giác trong lúc ngủ).
- Biết sách giải về thần tướng học (làkkhanam).
- Biết sách giải về y phục bị chuột cắn [1] (musikacchinnam).
- Biết sách giải về sự cúng dường lửa (aggihomam).
- Biết phương pháp cúng dường vá [2] (dobbihonam).
[1] khoa này thuộc về Bà-la-môn giáo
[2] phép cúng dường (và mức canh) theo đạo Bà la môn
Tỳ-khưu thọ dụng những vật thực của thí chủ có lòng tín thành dâng cúng cho, chẳng nên học hỏi sách tướng để tìm cách nuôi mạng bằng sự biết không hữu ích như giải trên.
Tư cách của Tỳ-khưu, nhất là sự xa lánh 5 ác pháp và 8 điều biết không hữu ích để tìm thế nuôi mạng chơn chánh, gọi là hành theo chánh mạng vậy.
KẾT LUẬN TRONG PHÁP CHÁNH MẠNG
Tỳ-khưu chánh mạng do sự tinh tấn, thu thúc theo giới luật, nghĩa là nhờ có sự cố gắng, thì pháp chánh mạng mới được trong sạch.
Sự trì giới này chỉ nhờ đức tinh tấn chơn chánh, hằng xa lánh các ác pháp và sự biết vô ích như đã giải trên, mới có thể tìm vật dụng một cách trong sạch được.
Theo lẽ ấy, Tỳ-khưu mong được điều lợi ích, chẳng nên thọ lãnh vật dụng nhơ nhớp đê hèn, trái lẽ đạo.
--- o0o ---
Source: BuddhaSasana website( By Binh Anson)
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường