Theravàda
(Thượng-tọa bộ)Chú Giải Luật Thiện Kiến
Samantapàsàdikà Nàma Vinayatthakathà
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la(Sanghabhadra)
Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh(Caràna-citto Bhikkhu)Phật Lịch 2543 (1999)
--- o0o ---Quyển thứ mười hai
-ooOoo-
Có Tỳ-kheo biết rõ kinh tạng và luận tạng (Suttantika, Abhidhammika,Vinayadhara) nhưng không mong cầu ăn uống (ngon) mà chỉ cốt để nuôi thân, trì giới thanh tịnh, thuyết pháp cho người, đầy đủ oai nghi, làm cho người hoan hỷ, từ làng này đến làng khác, từ nước này đến nước khác được mọi người kính trọng, làm Phật pháp hưng thịnh. Tỳ-kheo như vậy là làm cho Phật pháp rực rỡ. Có Tỳ-kheo ác được nghe và học giáo pháp từ vị tỳ-kheo trên rồi đem điều đã học giảng thuyết cho người với ngôn từ hòa nhã, âm thanh rõ ràng.
Hỏi: - Khi được mọi người thích nghe và khen ngợi rằng đại đức giảng thuyết diệu pháp thật giỏi, ngài học với vị nào vậy?
Ðáp: - Tôi tự biết việc ấy, chứ không học với ai cả.
Người này tự khen mình như vậy.
Ðức Như lai trải qua bốn A-tăng-kỳ trăm ngàn kiếp,tu tập đầy đủ các pháp Ba-la-mật (Pàrami), chuyên cần khổ nhọc như vậy mới chứng được diệu pháp này. Vậy mà Tỳ-kheo ác trộm pháp này và dựa vào đó để cầu mong lợi dưỡng nên gọi là giặc cướp lớn thứ hai.
Lại giặc lớn khác như có Tỳ-kheo tinh tấn giữ giới đầy đủ, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm cho đến A-la-hán. Có Tỳ-kheo phàm phu khác trì giới thanh tịnh mà vu báng các vị trên phạm giới Ba-la-di, ganh ghét sự tu hành của vị kia, tự xưng mình là người thanh tịnh, kẻ vu báng các hiền thánh như vậy, trộm lấy pháp thánh, bị gọi là kẻ giặc cướp thứ ba.
Vật trọng, như ở giới trộm cắp, cho đến lấy trộm năm ma-sa-ka(Màsaka) thì gọi là lấy vật (quý) trọng.
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng có năm loại vật trọng, không nên cho người, Tăng cũng không được cho, nhiều người cũng không được cho, một người cũng không được cho, ai cho thì bị tội Thu-lan-dá. Năm vật ấy là: Một, vườn; hai, đất đai; ba, vật bằng sắt; bốn, vật bằng gỗ; năm, vật bằng đất. Không được tùy tiện đem những vật trọng này cho người.
Phật dạy các Tỳ-kheo có năm loại không được phân, dù là tăng chúng hay một người, thứ nhất là vườn, .... Ai phân bị tội thu-lan-dá.
Pháp sư nói: được phân hay không, được nói rõ trong tắc-đà-ca (Khan-dhaka kiền độ) sẽ nói rõ sau, ở đây chỉ nói lược.
Lấy để mua chuộc: lấy vật trọng này để làm vừa ý người bạch y với hy vọng họ không thể dâng cúng (lợi dưỡng) cho người khác. Do đó nên trộm lấy đến cung cấp cho người bạch y với ý đồ nịnh bợ họ. Ðây là loại giặc cướp thứ tư.
Ðem vật trọng cho người bạch y, gọi là ô-tha-gia (làm hoen ố ở nhà người) . Vì tạo nhân gây ra tội ô-tha-gia,bị tội đột-cát-la, nên đuổi ra khỏi chúng tăng.
Lại có Tỳ-kheo dùng vật của tăng (xem) như vật của mình, dùng rồi đem cho người bị tội thu-la-dá. Nếu lấy với tâm trộm thì tùy theo giá trị mà kết tội. Ðây là giặc cướp lớn thứ năm.
Không có giặc nào hơn các loại giặc cướp này cả.
Pháp thánh lợi: pháp này rất vi tế có thể trộm vàng bạc châu báu chứ không được trộm pháp này. Thế nên trong luật-bản có nói rằng đối với pháp thánh lợi, mà nói tự có (nghĩa là) trong tự mình không có pháp thánh lợi mà tự tuyên bố ta đã chứng được pháp thánh lợi . . .
Hỏi: - Ở đây không (lấy pháp ấy ) rời khỏi chổ cũ, sao gọi là cướp?
Ðáp: - Không chỉ gọi là giặc cướp. Tại sao? Vì nhờ vào lời nói dối trá không thật thì được nhiều lợi dưỡng nên dùng phương tiện ấy để lấy.
Thế nên trong luật nói: Phật bảo: các Tỳ-kheo mà trộm lấy thức ăn uống của người khác thì gọi là giặc cướp lớn. Tại sao? Vì không chân thật; giả danh nói rằng tôi là A-la-hán, thánh pháp của người khác mà lại trộm nói của mình chứng. Như người thợ săn muốn giết bầy nai, nếu đến với hình dáng con người thì (trông thấy) bầy nai sẽ bỏ chạy. Do đó, nó dùng cách che thân bằng cây cỏ, tuy thân nó không phải là cây cỏ nhưng xuất hiện với hình dáng là cây cỏ. Trông thấy nó như vậy, bầy nai tưởng là cây cỏ nên đến gần và bị nó giết chết. Tỳ-kheo ác cũng như vậy, chẳng phải là A-la-hán mà dối xưng là A-la-hán, giả dạng hình tướng A-la-hán. Thí chủ có tín tâm cho rằng kẻ ấy là chân thật, và cúng dường các món ăn thơm ngon. Cũng như bọn thợ săn trá hình để gạt bầy nai, tỳ-kheo như vậy trá hình để gạt lấy thức ăn uống của thí chủ. Do đó trong luật có nói kệ:
Ngoài mặc y ca-sa
Trong làm việc bất tịnh.
Người đã làm việc ác
Khi chết đọa địa ngục.
Thà nuốt viên sắt nóng để bị cháy đến chết,
Nếu đã phá giới rồi không ăn của tín thí. - (Dhammapada 307-308).Bên ngoài quấn Ca-sa quanh cổ nghĩa là mặc Ca-sa trên vai. Ðây là bên ngoài biểu hiện hình thức các vị thánh mà bên trong chẳng có gì cả. Như cái bình, bên ngoài vẽ vời đẹp đẽ mà chứa đựng lấy dơ bẩn bên trong, hư dối như vậy, thì không thể làm được gì cả, Tỳ-kheo ác cũng như vậy.
Trong bài kệ thứ hai tại sao Như-lai nói rằng thà nuốt viên sắt nóng chứ không ăn thức ăn thí chủ cúng dường. Tại vì nuốt viên sắt cháy nóng thì ruột gan cháy nát và chết, nhưng không vì vậy mà đưa vào địa ngục. Do đó, ngài dạy như vậy.
Sau khi quở trách các Tỳ-kheo ở Bà-Cầu, đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng khi thuyết giới phải nói lên thế này...Tỳ-kheo nào nói lời dối trá hư vọng...Sau khi (phần chính) kết của giới Ba-la-di thứ tư xong, Phật lại tùy kết là trừ tăng Thượng-mạn (Adimàna). Như vậy, Phật đã tùy kết cho các Tỳ-kheo. Trong phần tùy kết, nghĩa là không thấy mà cho là đã thấy. Với tuệ nhãn thì không thấy nhưng vì tưởng (mình chứng) A-la-hán nên cho là đã thấy. Như vậy, chưa đạt được mà cho rằng đã đạt được, chưa đắc cho là đã đắc. Câu chưa đắc nghĩa là chưa đắc Ðạo-đế.Cho là chân thật nghĩa là cho là mình có tuệ nhãn nên thấy chân thật.
Tăng Thượng-mạn nghĩa là như nói rằng ta đã được pháp thánh lợi và do đó mà sinh mạn; còn gọi là quá mạn. Do tăng-mạn, nên tự suy nghĩ rằng đối với pháp A-la-hán, ta đã làm rồi. Thế nào là mạn? Nhờ năng lực của Xá-ma-đà-tỳ-bà-xá-na (Samathavipassanàbàla- năng lực của chỉ và quán ) nên phiền não tạm thời đứng lại, gọi là mạn. Nếu sau đó gặp lại cảnh dục thì phiền não lại phát khởi. Chỉ riêng người như vậy mới không phạm.
Hỏi: - Người nào khởi lên mạn, người nào không khởi?
Ðáp: - Thanh văn la-hán không khởi mạn, vì đã đắc đạo quả , tất cả phiền não đều bị diệt, do quán sát bằng tuệ nhãn nên không có sự việc chưa đắc cho là đắc (vì) có hồ nghi.
Thế nào là hồ nghi? Như là có nghi rằng đắc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm vv...nên đối với bốn đạo quả như vậy không khởi mạn và không khởi lên mạn khác. Ðối với người phá giới, tại sao không khởi mạn? Vì không được phần thánh pháp lợi. Như người hành thiền mà thích ngủ và làm việc, thì người này không khởi mạn.
Sinh khởi mạn ở nơi người trước tiên giữ giới đầy đủ rồi nhập vào thiền định. Sau khi đắc thiền định rồi, chưa phân biệt danh sắc, mới được nhập vào thiền quán, đầy đủ ba tưởng, tâm rất dũng mãnh, hoặc chứng đắc Xá-ma-đà (Samatha - Chỉ) hoặc trong hai mươi năm, ba mươi năm mà không khởi (phiền não lên) vì nhờ vào năng lực hành trì Tỳ-bát-xá-na và vị này có suy nghĩ rằng ta đã đắc Tu-đà- hoàn đạo, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, như vậy là tăng-Thượng-mạn. Nếu vị ấy khéo giữ Xá-ma-đà thì không chỉ là 20, 30 năm, mà cho đến 80 năm, 100 năm, phiền não vẫn không khởi lên thì phát sinh tăng Thượng-mạn và nói rằng ta đã chứng A-la-hán. Do đó, Như-lai trừ diệt tăng Thượng-mạn nên không cho nói dối, nói không thật là chứng pháp thánh lợi.
Hỏi: - Pháp thánh lợi là gì?
Ðáp: - Nói (nhờ) thiền định, giải thoát tam muội mà thể nhập pháp không, tuệ nhãn. Như vậy, bắt đầu là thiền định cho đến tất cả các pháp (như trên) được gọi là pháp thánh lợi. Tỳ-kheo ác cho rằng pháp này là của mình, hoặc nói rằng bản thân mình đã chứng pháp này. Có tri kiến viên mãn về pháp thánh lợi là đối với pháp thế gian và xuất thế gian, biết rõ với trí tuệ như thấy bằng mắt thật. Tuệ nhãn là ba sự biết (bằng tuệ )
Hỏi: - Tuệ và nhãn là một hay khác?
Ðáp: - Là một! Tuệ là nhãn, nhãn là tuệ.
Hỏi: - Nếu vậy, tại sao không gọi thẳng là tuệ, cần gì phải nói là nhãn, cũng không cần phải gọi là tuệ (chỉ gọi là nhãn).
Ðáp: - Không phải, bởi vì (tuệ) giống như mắt nên gọi là mắt tuệ (vì mắt không phải tuệ).
Nói với nam và nữ về pháp thượng nhân, câu này chỉ cho đối tượng được nói, chẳng phải là thiên, ma, phạm, không phải là dạ-xoa, ngạ-quỷ, súc sanh.
Tôi biết như vậy, thấy như vậy: câu này nói lên lý do của sự việc. Biết như vậy, thấy như vậy... bắt đầu là pháp thiền định. Tôi thấy và tôi biết như vậy, nếu bị người khác kiểm tra hay không kiểm tra mà cho người khác biết (là không thật) thì bị tội.
Ngay khi nói mình chứng đắc thì phạm tội Ba-la-di.
Ðã phạm rồi, dù có bị kiểm tra hay tự nói với người khác (hay không cũng vậy).
Thế nên, trong luật bản nói: dù có bị kiểm tra hay không bị kiểm tra.
Hỏi: - Thế nào là kiểm tra?
Ðáp: - Như hỏi trưởng lão, ngài đắc thiền định, giải thoát ,tam muội chánh đạo lúc nào vậy? Hay là hỏi rằng trưởng lão đắc ba tưởng về khổ, không, vô ngã, là nhờ tam muội hay nhờ tuệ quán mà đắc, hoặc nhờ sắc hay nhờ vô sắc, hoặc nhờ nội sắc hay nhờ ngoại sắc? Chứng đắc vào lúc nào , vào sáng sớm, trưa hay chiều tối? Lại hỏi về nơi chốn (chứng ngộ), đắc ở nơi não, dưới gốc cây hay nơi A-lan-nhã, hay nơi yên tịnh?
Sau khi hỏi như vậy rồi, lại hỏi tiếp nếu phiền não đã bị diệt, vậy đã mất bao nhiêu và còn lại bao nhiêu?
Với đạo nào mà diệt được phiền não, bằng Tư-đà hoàn đạo hay Tư-đà hàm đạo?
Nếu có Tỳ-kheo nào đắc pháp thượng nhân thì sẽ trả lời được từng câu hỏi. Nếu người không đắc thì sẽ mê mờ trước câu hỏi và không thể đáp được. Nếu người đã chứng đắc được thì thấy rõ pháp ấy như xem chúng trong bàn tay. Họ đáp rõ thời gian, nơi chốn chứng đắc, vào ngày hay đêm.
Sau khi họ đáp, lại hỏi họ rằng thầy đã chứng đạo quả nào trong bốn đạo quả, giết được bao nhiêu phiền não.
Người đáp phải trả lời rõ theo từng câu. Lại hỏi rằng thầy đắc pháp gì , là pháp Tu-đà hoàn hay Tư-đà- hàm?
Người đáp phải nói đúng theo từng pháp. Nếu có sai khác điều nhỏ nào thì không được tin họ. Tại sao? Nếu có Tỳ-kheo thông minh trí tuệ nào được theo thầy học ý nghĩa từng câu pháp thì không có sai lầm.
Lại hỏi những câu khác như bắt đầu tu tập như thế nào? Nếu họ đáp không đúng theo từng câu hỏi tức là họ không đắc được đầy đủ pháp thánh lợi và đuổi họ ra. Nếu họ đáp đúng với thánh đạo, đã tu tập từ lâu trong giới định tuệ, không có biếng nhác, tinh tấn không thối, không bị nhiễm trước với bốn vật cúng dường, xem chúng như hư không. Tỳ-kheo như vậy nói ra rất phù hợp với (thượng nhân pháp) như sông Ðại-hà, cùng sông Lỗ-mâu-na (Gangooaka, Yamunodaka) hợp nhau thì không khác gì cả. Do đó, vì chúng đệ tử thanh văn, đức Phật dạy bảo về Niết-bàn. Những lời dạy ấy không có sai lầm. Do đó, đem những câu hỏi để khủng bố họ. Nếu họ không sợ thì đó là Tỳ-kheo không còn ái dục. Tỳ-kheo này, dù cho bị sét đánh vào thân cũng không sợ hãi. Nếu còn sợ hãi thì không phải là A-la-hán. Nếu không sợ hãi, không một chút rợn người, như sư-tử chúa, tỳ-kheo này có nói về pháp thánh lợi, là điều tốt. Nếu có vua và các đại thần cúng dường thì đều được nhận.
Tỳ-kheo ác là kẻ phá giới. Tỳ-kheo thiện là tỳ-kheo có giới.
Làm cho người biết mình, nghĩa là với tâm ác giả dạng biểu hiện (mình) chứng thánh pháp lợi chứ không phải tưởng mình thật chứng thì phạm tội Ba-la-di.
Ðã phạm muốn cho mình được thanh tịnh: nghĩa là tự suy nghĩ rằng ta đã phạm tội Ba-la-di, làm sao ta được thanh tịnh đây?
Như-lai kết giới bởi vì tỳ-kheo phạm tội Ba-la-di thì đối với (sinh) thiên, thiền định, giải thoát trí tuệ, ưa thích hành đạo đi nữa đều bị chướng ngại, không dễ chứng đắc. Như trong luật có nữa bài kệ:
Sa-môn không trì giới chết phải đọa địa ngục.
Nếu không thể giữ giới tỳ-kheo đầy đủ, mà trở lại làm người bạch y, ưu-bà-tắc, sa-di, giữ năm giới làm người có tính thanh tịnh (cận trụ) thì không bị chướng ngại với đạo Niết-bàn giải thoát. Ðây là tướng thanh tịnh của người bạch y. Do đó, tỳ-kheo phá giới mà muốn thanh tịnh lại, nên trở lại làm sa-di hay bạch y cư sĩ thanh tịnh (cận trụ). Thế nên trong luật bản nói rằng (nếu vị ấy) muốn ưa thích thanh tịnh nên tự sám hối rằng tôi không biết mà nói biết, không thấy mà nói thấy, tôi nói lời dối trá.
Lời nói dối trá là lời không đúng sự thật. Y theo ba pháp ba-la-di ở trước, người nào phạm tội này, gọi là ba-la-di. Pháp sư nói: câu này dễ hiểu.
Tôi ưa thích sự yên tịnh đây là nói lược về (sự chứng) pháp thánh lợi; không nói rõ thêm vì (sợ) tăng thêm tội.
Lại có nghĩa khác là dùng phương tiện đó cho người khác được biết.
Nhập thiền định là nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và thiền quán từ bi, bất tịnh, A-na-bát na, thánh nhân thiền, phàm phu thiền; đều nhập vào được. (Mettàjjhàna Asubhajjhàna, Ànàpànasatisamàdhijjhàna, lokuttarajjhàna, lokiyajjhàna). Do đó trong luật bản nói rằng bắt đầu là nói về (chứng) nhập vào các thiền định. Nếu nói như vậy là phạm tội ba-la-di.
Nếu nói tôi đã trừ diệt hoàn toàn phiền não, ly dục, không còn sinh khởi nữa thì bị tội như nói ở trước, hay nói tôi đã nhập tam muội, đắc đạo, nói rằng (tôi) đã biết rõ (các thắng pháp) thì đã bị tội ba-la-di. Nếu nói tôi được trí tuệ, hoặc chứng ba đạt-trí, hoặc đắc ba mươi bảy bồ đề thật pháp, đắc lực thứ nhất, đắc hành động hoàn thiện, đắc tám chánh đạo pháp; như vậy đều bị tội ba-la-di.
Thứ nhất như nói tôi được ly dục, đây là đạo tu-đà-hoàn, với đạo thứ ba, viễn ly sân dục, với đạo thứ tư viễn ly ngu si.
Thế nên trong luật nói: Nếu ai (tự nói dối rằng) ta đã ly dục thì phạm ba-la-di. Nếu nói dối ta chứng một trong sáu thần thông thì cũng phạm ba-la-di. Nếu nói đời trước ta đã chứng sáu thần thông, đời này ta muốn chứng, thì không phạm trọng tội. Nếu nói tôi đã chứng bốn biện tài thì phạm tội trọng. Nếu nói tôi nhập diệt-tận-định thì không phạm trọng tội. Tại sao? Vì diệt tận-định chẳng phải định của thánh nhân cũng không phải là định của phàm phu. Nếu có người nghi ngờ đây là A-na-hàm hay là A-la-hán và nói để cho người khác cho ta biết (rõ việc ấy), hay nói cho người khác biết (sự chứng đắc vì tin rằng) họ biết rõ, hay nói tôi đã đắc đạo tu-đà-hoàn từ thời đức Phật Ca-diếp thì không phạm trọng tội. Tại sao? Vì đức Như-lai căn cứ đời này mà chế định giới luật, không theo đời quá khứ. Nếu nói đời quá khứ đã được nhập định thì cũng vậy.
Pháp sư nói: - Tội tướng về nói dối trá đã được chế định rõ ràng, có ba chuyển đổi. Thứ nhất là căn cứ vào sơ thiền cho đến viễn ly một trong năm triền cái, đó là chuyển đổi thứ nhất.
Chuyển thứ hai trước hết lấy đệ nhị thiền.
Chuyển thứ ba, lấy đệ tam thiền. Theo như vậy, ta nhập vào định như vậy, xuất ra như vậy, làm được như vậy thì thông đạt vô ngại.
Có thuyết nói thế này: đều bị tội trọng.
Pháp sư nói: - Nói dối có ba loại, thế nào là ba?
Một, tự suy nghĩ: ta đang muốn nói dối.
Hai, nói ra lời dối trá
Ba, sau khi nói dối, lại có ý nghĩ ta đã nói dối.Ðây là ba yếu tố nói dối, lại có trường hợp nói dối: bắt đầu với ý nghĩa ta đang(sắp) nói dối, nhưng khi nói, lại nói thật, thì không thành nói dối và như vậy thì không bị tội trọng. Lại có trường hợp nói dối như:(với ý nghĩa) ta muốn thiền nên nói ra về pháp thiền; ta muốn nhập định...
Như vậy thì không phạm tội trọng.
Lại có nói dối: Khi muốn nói thì suy nghĩ câu nói dối, miệng nói ra câu nói dối ấy, lời nói dối đã rõ ràng, đầy đủ ba tướng như vậy, lời nói dối như vậy thật đúng là nói dối.
Pháp sư nói: - Như vậy thì không thành nói dối. Tại sao? Tâm niệm sinh diệt trong từng sát na, tâm trước không phải là tâm sau, tâm sau không phải là tâm trước. Thế nên trong một tâm không có đủ cả ba tướng.
Ðáp: Không đúng, bởi vì đức Như-lai kết giới căn cứ vào sự tương tục của tâm và xem như một (tâm) không khác. Do đó, bị phạm tội trọng.
Hỏi: - Ba tướng ấy, cái nào là chính?
Ðáp: - Tướng hiện tại là chính.
Pháp sư nói: - Tôi sẽ xác định thuyết này. Tại sao bị tội? (nếu) Nói tôi đang đắc (chứng pháp thượng nhân ) thì bị tội. Nếu nói tôi, đã từng đắc (nay có thể không còn) hay muốn đắc thì không phạm trọng tội.
Hết phẩm Ba chuyển.
Muốn nói, nghĩa là tôi muốn nói chứng thiền định thứ nhất, nhưng lại nói ra thiền thứ hai, đây là nói nhầm. Kể cả với thiền thứ ba, thứ tư cũng nói nhầm như vậy thì đều phạm tội trọng. Tại sao vì cả bốn thiền ấy (địa) đều là pháp thượng nhân.
Như nói tôi muốn xả tăng mà nói nhầm xả pháp; muốn xả pháp mà nói nhầm xả Phật thì giới cũng mất. Lời nói dối, không thật có những chi tiết khác nhau.
Hỏi: - Khác nhau thế nào?
Ðáp: - Xả giới, tuy có biểu hiện hành động (nhưng không nói ra) thì giới cũng không mất, cần phải nói ra lời thì giới mới mất. Nếu nói với người khác rằng tôi đắc đạo, (lúc ấy) người kia chưa hiểu lời nói ấy ngay, mãi sau đó mới hiểu, vì (họ) không biết liền nên (người nói) không phạm tội trọng mà bị tội thu-lan-dá.
Lại có tỳ-kheo nói với người khác (về sự chứng đắc) nhưng người này không hiểu biết gì về thiền tướng cũng chưa từng đắc thiền, không hiểu về ý nghĩa của thiền, chỉ biết theo lời nói của thế gian về thiền định mà thôi. Tỳ-kheo nói ra, người kia nghe xong và nói rằng tỳ-kheo này đã đắc thiền định, đã nhập thiền định. Như vậy, tỳ-kheo phạm tội trọng.
Hết phẩm Muốn nói.
Thứ lớp phương tiện chuyển, nghĩa là tùy theo câu văn luật mà giải thích, như nói với người bạch y rằng người mà nhận lấy thức ăn uống, y phục, phòng ở, thuốc thang...đó đã đắc quả A-la-hán. Bằng cách khôn khéo, không nói rõ danh hiệu của mình ra thì phạm thu-lan-dá. Nếu thí chủ không hiểu rõ lời nói thì tỳ-kheo ấy phạm đột-cát-la.
Pháp sư nói: như vậy với các phương tiện, muốn làm cho người khác hiểu, thì tội tướng khinh hay trọng, ông hãy tự biết lấy.
Tôi sẽ nói về trường hợp vô tội, trừ tăng Thượng-mạn thì vô tội, không muốn cố ý nói cho người, nói nhầm lẫn thì vô tội. Thật có chứng đắc nên nói với người đồng ý với mình thì không phạm. Những tỳ-kheo đầu tiên ở (sông) Bà-cầu. Khi chưa chế giới thì không phạm. Người điên cuồng loạn tâm thì không phạm.
Nhân duyên này vốn phát xuất từ thân, tâm và miệng, đây là tánh tội. Thọ là cảm thọ thích thú.
Pháp sư nói: - Ðây là phần chính được nói trong luật bản. Tiếp theo là tùy chế.
Pháp sư nói: - Theo thứ tự phần tùy chế, nếu điều nào khó hiểu, tôi sẽ giải thích.
Câu tăng thượng mạn, phần trước đã nói.
Câu tiếp theo hai người, làm cho người khác nghi tưởng, nghĩa là tôi sẽ đến ở trú xứ nơi a-luyện-nhã, (bạn làm cho) người khác sẽ nghi tưởng rằng tôi chứng A-la-hán, hoặc chứng tư-đà-hàm, cho đến tu-đà-hoàn. Do nghi tưởng như vậy, tôi sẽ được nhiều lợi dưỡng. Khi bắt đầu từ ý nghĩ như vậy, thì phạm tội đột-cát-la. Khi đi đến a-lan-nhã, mỗi bước đi mỗi phạm tội đột-cát-la. Sau đó, có người nghi tưởng hay không nghi tưởng, được lợi dưỡng hay không được lợi dưỡng, tỳ kheo kia đều bị tội đột-cát-la.
Lại có tỳ-kheo thọ pháp đầu đà nên nghĩ rằng ta không nên sống trong làng xóm mà nên ở nơi a-lan-nhã, đấy là nơi thanh tịnh. Nếu thanh tịnh, ta sẽ được chứng đắc từng đạo quả. Nếu vào nơi a-lan-nhã ấy rồi mà không chứng quả A-la-hán, ta sẽ không bao giờ rời khỏi nơi ấy.
Vị ấy lại suy nghĩ: đức Như-lai khen ngợi ở nơi a-lan-nhã. Nếu thấy ta sống ở nơi ấy thì các bạn đồng học cũng ưa thích vào sống nơi a-lan-nhã. Sống như vậy thì không gây ra tội lỗi.
Câu thứ ba, vị ấy suy nghĩ rằng ta muốn vào làng xóm để khất thực, nên mặc y mang bát (dối) hiện hình tướng đắc thánh lợi (để được lợi dưỡng) ... cho đến ăn xong, đều phạm tội đột-cát-la.
Nếu suy nghĩ rằng ta muốn vào làng xóm khất thực để học pháp thánh nhân, vì đời này đời sau, các bạn đồng học thấy ta mang bát khất thực sẽ khen ngợi là tốt, đây là pháp chân thật của Như-lai. Nếu chúng ta không thực hành pháp này, thật đáng xấu hổ sợ hãi. Nếu có tâm như vậy mà khất thực thì vô tội.
Câu thứ tư, hướng đến thí chủ nói rằng người sống trong chùa của thí chủ... Do không nói rõ danh hiệu (của tỳ-kheo ấy) nên không bị tội ba-la-di.
Làm cho người khác nghi, câu này dễ hiểu. Nói phiền não, nếu nói với người bạch-y rằng (mình) đã hết phiền não, thì tùy theo lời nói mà phạm tội ba-la-di.
Tại chổ vắng nếu nói rằng ta chứng A-la-hán, thì phạm tội đột-cát-la.
Tỳ-kheo được thí chủ cúng dường, mà tỳ-kheo này là A-la-hán. Câu này dễ hiểu, không cần giải thích rộng.
Câu nói về bệnh, (như nói rằng) người khác không thể chịu đựng được (bệnh ấy) chỉ có tôi mới có thể chịu đựng được bệnh này. Nói câu như vậy thì không bị tội.
Nói rằng kẻ phàm phu không thể chịu đựng được, chỉ có tôi mới chịu đựng được khổ ấy. Nếu nói như vậy thì bị phạm tội thu-lan-dá.
Câu bà-la-môn, bà-la-môn có tín tâm với giáo pháp, nên nói rằng kính chào vị A-la-hán và khi người ấy dọn các món ăn cúng dường, đều nói rằng thưa A-la-hán. Người nhận những sự cúng dường như vậy, đều không phạm tội (khi được họ gọi là A-la-hán).
Ðức Phật bảo các tỳ-kheo rằng đối với lời khen ngợi như vậy, nên sinh tàm quý mà tiếp nhận. Nghe rồi nên siêng năng hành đạo để cầu chứng A-la-hán.
Câu hoàn tục tiếp theo: như nói chúng tôi đã cắt đứt pháp thế tục. Ðây không phải là lời nói kiêu ngạo, nên vô tội.
Câu chướng ngại, như nói rằng đối với pháp của người bạch y, tôi đã ngăn chặn, hay nói đã viễn ly thì trong luật bản đã nói rõ về tội tưởng.
Ra khỏi chùa, như nói rằng người nào ra khỏi chùa này trước tiên, vị tỳ-kheo ấy là A-la-hán.
Pháp sư nói: đây là nói lược, nếu nói rộng thì hoặc là từ chùa đi ra, hoặc từ phòng đi ra, hoặc từ giới trường đi ra, hoặc nói tôi qua sông. Như vậy, do nhiều chúng tăng đã chế định rằng tỳ-kheo nào đi ra trước thì vị ấy là A-la-hán. Nếu vì muốn cho người khác biết (mình là A-la-hán) nên cố đi ra trước thì phạm ba-la-di.
Nếu có nhân duyên do thầy hay tăng sai đi, do cha mẹ bị nạn gấp nên đi ra trước thì không phạm. Nếu nhân sự việc này đi ra mà hiện tướng la-hán thì cũng không phạm. Nếu đi xe và dùng thần lực đi ra (vì nhân duyên trên) thì không phạm. Trong luật bản có nói rằng nếu đi bộ ra thì phạm. Nếu có quy định thì ngay ngày hôm ấy đi ra, không phạm.
Trường hợp các tỳ-kheo ở A-lan-nhã có quy định rằng ai chứng A-la-hán thì ngồi dưới gốc cây này, ai đi kinh hành chổ này, vị tỳ-kheo ấy chứng A-la-hán, chúng ta nên đem hương hoa cúng dường.
Nếu tỳ kheo xấu ác, muốn được hưởng thụ sự cúng dường ấy nên ngồi dưới gốc cây kia, hay kinh hành nơi đó, thì phạm tội ba-la-di.
Nếu có người bạch y làm chùa, (và nói rằng) tỳ-kheo nào vào chùa của tôi là bậc A-la-hán.
Nếu tỳ-kheo xấu ác nào (biết vậy nên) đi vào chùa thì phạm tội ba-la-di.
Nếu chúng tăng đặt ra quy định: trong ba tháng an cư mùa hạ, không được nói chuyện, không được ngủ, không nhận sự cúng dường của thí chủ. Nếu có sự chế định phi pháp như vậy, mà không tuân theo cũng không phạm.
Trưởng lão Lặc-khư-dật (Lakkhanatthera) có thân hình tuấn tú như thân của Phạm-vương nên tên là Lặc-khư-dật.
Hỏi: - Lặc-khư-dật này xuất gia vào lúc nào?
Ðáp: - Vị này cùng một ngàn phạm chí đồng xuất gia (Với cách thức) thiện-lai và đắc giới cụ-túc.
Hỏi: - Vị Lặc-khư-dật này nhờ nghe pháp gì mà chứng quả A-la-hán?
Ðáp: - Nhờ nghe kinh Quang-Minh liền chứng quả A-la-hán. Tôn giả Mục-liên xuất gia được bảy ngày thì đắc đạo.
Hàm tiếu là cười mỉm, cười nhẹ. Vì sao cười? Ðã có nói rõ trong luật rồi, không nói lại.
Từng đốt xương giữ lấy nhau (Atthika- sankhalika) nghĩa là hình dáng của ngạ quỷ, mắt thường không thể thấy được, chỉ có mắt thánh mới xem được.
Hỏi: - Ðại-đức Mục-Liên đã thấy chúng sanh như vậy, tại sao không sinh tâm từ bi mà còn mỉm cười?
Ðáp: - Bởi vì ngài Mục-Liên nghĩ rằng nhờ vào tuệ nhãn của Phật nên ta thấy được chúng sanh vi tế như vậy và tôn giả tự nghĩ đến thân mình. Do suy nghĩ như vậy nên ngài hoan hỷ và mỉm cười. Vì ngài lại thầm nghĩ rằng sự khổ như ngạ quỷ này, ta đã thoát khỏi, ta được thiện lợi. Như trong kinh có nói: Phật bảo các tỳ-kheo rằng nhân duyên quả báo không thể nghĩ lường. Nếu ai nghĩ lường mãi thì trở thành điên cuồng. Thế nên, với nhân duyên như vậy không thể nghĩ lường.
Như trong luật bản có nói: Lặc-khư-dật hỏi Mục-liên rằng vì sao ngài mỉm cười?
Mục-liên đáp nếu ngài muốn, xin hỏi trước đức Phật.
Từng đốt xương nối nhau nghĩa là bộ xương với chiều cao một do tuần, không có gân thịt.
Bầy chim bay rượt theo, là chim thật hay do chim biến hóa? Ðấy là quỷ dạ-xoa. Quỷ này miệng bằng sắt như cái mỏ.
Phát ra tiếng kêu gào lớn, đây là tiếng kêu gào rống rất khổ não.
Nếu có người đến đụng chạm vào bộ xương này thì nó bị đau đớn như mụn nhọt bị phá vỡ.
Than ôi! là than thở về sự khổ ấy.
Pháp sư nói: - Câu văn này dễ hiểu.
Tỳ-kheo chê trách, nghĩa là các tỳ-kheo nói rằng Mục-liên nói lời dối trá không thật, cho nên chê trách.
Phật dạy: - Mục-liên thấy bằng tuệ-nhãn.
Do đó, trong luật-bản có nói: Mục-liên đã chứng thiên nhãn nên thấy được như vậy.
Phật bảo các tỳ-kheo rằng: - Ta đã từng thấy những chúng sanh như vậy. Khi chứng nhất-thiết-trí dưới cây bồ đề, Ta thấy được vô lượng vô biên không thể lường cảnh giới các chúng sanh ở các thế giới như xem trái xoài ở trong bàn tay.
Người giết bò là hành nghề giết bò; giết rồi lóc thịt đem bán, còn lạ bộ xương đem treo trên móc. Do quả báo (của nghiệp) này, người ấy bị đọa lâu ngày trong địa ngục, lâu lắm mới được ra khỏi, nhưng dư nghiệp chưa hết nên nay mới đọa làm thân hình này.
Câu từng khúc thịt, người này sau khi giết bò rồi, cắt thịt làm thịt khô, treo lên móc, phần xương thì vứt bỏ. Vì sinh sống bằng nghiệp này, đưa đến khi chết bị đọa địa ngục. Sau khi chịu quả báo rồi, ra khỏi địa ngục, thọ lấy thân hình như khúc thịt khô bị bầy chim rượt theo như đoạn văn ở trước đã nói.
Câu thứ hai, đây là người bẫy chim, khi bắt được chim, trước tiên chặt đầu, chặt cánh, chặt chân rồi lột da và treo trên móc. Do sống bằng nghiệp này nên khi chết bị đọa vào địa ngục vv...từng sự việc như trước đã nói.
Câu không có da, người này thường giết dê... sự việc như nói trong câu giết chim.
Câu có lông như dao, đây là đồ tể giết heo, thường dùng dao để giết, luôn sống bằng nghiệp này, khi chết đọa địa ngục,....sự việc như đã nói ở trước.
Câu lông như mũi dáo, người này thường săn bắt nai, dùng dáo đâm giết chúng chết. Do nghiệp báo này, khi chết người ấy bị đọa địa ngục... Sự việc giống như đã nói ở trước.
Câu lông như mũi tên, người này trước nay làm quốc Vương. Ðối với người có tội, ông ta trừng trị bằng nhiều cách như đâm, cắt, đánh, đập một cách vô đạo. Do tạo nghiệp như vậy đưa đến quả báo khi chết bị đọa địa ngục... sự việc giống như nói ở trước.
Câu lông như dùi sắt, khi sinh thời người này làm binh sĩ, thường dùng dùi sắt đâm vào ngựa, do quả báo ấy nên khi chết đọa vào địa ngục. Khi thoát khỏi địa ngục, nó thọ thân này, thường dùng dùi sắt đâm vào thân.
Câu lông như kim, khi sinh tiền, người này nói lời chia rẽ, độc ác, chết bị đọa địa ngục. Khi ra khỏi địa ngục, nó thọ lấy thân này, luôn bị kim đâm (vào miệng)
Câu ngoại thận như cái lu to, trước đây người này làm quan trưởng thôn, xử đoán sự việc không lương thiện, với quả báo ấy khi chết bị đọa địa ngục. Khi ra khỏi địa ngục, nó thọ lấy thân hình có ngoại thận lớn như cái lu to. Tại sao? Ðối với người có tội mà nó có nhận tài vật đút lót thì che dấu tội của họ. Nếu không nộp tài vật thì nó bươi móc tội ra. Do đó, nó thọ lấy thân hình ấy.
Pháp sư nói: - Nếu người nói trí tuệ làm quan trưởng, cẩn thận chớ bẻ cong sự thật mà phải chịu quả báo như vậy.
Câu gian dâm, khi sinh thời, người này thích gian dâm , khi thích thân thể mềm mại của ai liền cùng người ấy tư thông, chết đọa vào địa ngục, sau khi ra khỏi địa ngục, thọ lấy thân nga-quỷ, thường đi vào hầm phẩn.
Câu ác bà-la-môn (bản này viết chữ yếu nhưng bản dịch Pàly-Hán thì viết chữ ác, có lẽ dạng tự giống nhau nên nhầm ở đây dùng chữ ác.- người dịch), câu này dễ hiểu.
Câu cô gái không có da, cô này vốn có làn da mịn màng, tùy thuộc về chồng mình nhưng lại lén đem cho người khác. Do quả báo này chết đọa địa ngục trước tiếp xúc thì khoái lạc, sau tiếp xúc thì đau khổ, nay nó đang chịu quả báo này.
Câu hôi hám xấu xí, trong luật đã nó rõ.
Câu lở loét máu mủ, người nữ này đem lửa than đổ lên người đàn bà khác, do quả báo này phải chịu....vv...như nói ở trước.
Câu giết giặc, câu này dễ hiểu.
Câu tỳ-kheo, tỳ-kheo ác này nhận sự cúng dường do tín tâm của người khác, nhưng không hộ trì nghiệp của thân, miệng và ý. Do quả báo này bị đọa địa ngục suốt trong thời kỳ của một vị Phật. Sau khi ra khỏi địa ngục, nó bị thọ thân ngạ-quỷ.
Các tỳ-kheo ny, thức-xoa-ma-ny và sa-di xấu ác này không hộ trì thân, miệng, ý nên chịu tội như vậy.
Câu hỏi về sông, pháp sư nói: sông này bắt nguồn từ đâu?
Ðáp:phát nguyên từ núi Tỳ-bà-la (Vebhàrapabbata núi phụ-trùng) cách xa một do tuần có cung điện của Long-Vương ngang rộng một do tuần ở cuối sông. Thành quách này như cung trời Ðao lợi. Nhờ vào phước đức của Long-Vương nên có hoa sen thanh tịnh thơm đẹp lớn như bánh xe. Nước từ giữa hoa này chảy ra và đi qua ở trên hai địa ngục nên sôi sục lên. Ðây là địa ngục Hoạch-thang (nước sôi). Hơi nước nóng từ đây bốc lên làm cho nước ở trên sôi sục.
Câu đấu tranh, Mục-kiền-liên nói với các tỳ-kheo: các trưởng lão, thí chủ Bình-sa-vương (Bimbisàra) đánh nhau với ly-xa-tử (Licchavi) và nhà vua bị thua nên bỏ chạy.
Vì thương mến thí chủ Bình-sa-vương nên các tỳ-kheo nói với Mục-liên rằng thầy nói lời dối trá không thật.
Câu bầy voi, bên sông Diệp-tỳ-ny (Sappinikàya); Diệp-tỳ-ny là tên sông.
An-xà tam muội (Ànanjasamàdhi).
Hỏi: - Thân tâm bất động, đây là thiền định thứ tư, tại sao lại nghe tiếng rống của bầy voi khi chúng qua sông?
Ðáp: - Có hai loại tiếng rống. Một, voi nhỏ muốn lội qua sông, thấy nước sâu nên sợ hãi kêu lên. Hai, voi lớn được xuống nước nên sung sướng mà rống kêu lên.
Chưa thành tựu, là (có đắc mà) chưa thành tựu thiền này, còn gọi là chưa thanh tịnh được cấu trược, nên còn nghe tiếng voi kêu.
Tỳ-kheo Nghiêm-Hảo (Sobhita) nhớ đến năm trăm kiếp đời quá khứ. Ðây là nhớ đến từng đời nối tiếp nhau nhưng không biết (nhớ đến lúc) hóa sinh.
Pháp sư nói: - Nhớ đến năm trăm kiếp sống như thế nào? Vị này khi đã vượt qua được đệ tứ thiền định của ngoại đạo, lúc qua đời sinh vào Vô-sắc-giới. Từ Vô-sắc-giới, vị ấy qua đời và sinh xuống làm người, xuất gia trong Phật-pháp, chứng ba Ðạt-trí. Do đó, vị này nhớ năm trăm kiếp nhưng không nhớ đến khoảng giữa hai giai đoạn (chuyển sinh), như trong kinh đã nói.
Phật bảo các tỳ-kheo rằng trong đệ tử thanh văn của Ta, tỳ-kheo Nghiêm-Hảo đứng đầu về khả năng nhớ đến quá khứ.
Các đại đức, tôi đã giảng thuyết xong bốn pháp ba-la-di.
Pháp sư nói: - Ba-la-di có bao nhiêu loại?
Ðáp: - Ta nói tất cả có hai mươi bốn loại ba-la-di, ông hãy biết lấy.
Hỏi: - Hai mươi bốn loại ba-la-di là gì?
Ðáp: - Tỳ-kheo có bốn pháp; tỳ-kheo ny có thêm bốn ba-la-di khác; và mười một hạng người (ba-la-di) không chứng đắc.
Hỏi: - Mười một hạng người không chứng đắc là gì?
Ðáp:
- Một, hoàng môn (pandaka)
- Hai, súc sinh
- Ba, người hai căn (ubhatobvạnjanaka)
Ba hạng này không làm nhân duyên để thọ sinh cho người (Ahetukapatisandhika- loại không làm duyên cho kết-sanh-thức), nên gọi là ba-la-di. Nhưng ba hạng này không bị chướng ngại với việc sinh thiên, chỉ bị chướng ngại đối với bốn đạo quả, nên gọi là ba-la-di; không được cho ba hạng này xuất gia.
- Bốn, tặc trụ (Theyyasamvàsaka)
- Năm, phá nội ngoại đạo (Titthiyapakkantaka)
- Sáu, giết mẹ (Màtughàtaka)
- Bảy, giết cha (Pitughàtaka)
- Tám, giết A-la-hán (Arahantaghàtaka).
- Chín, phá hoại (tịnh hạnh) của tỳ kheo ny (Bhikkhùidù saka).
- Mười, làm thân Phật chảy máu (Budhiruppàdakà).
- Mười một, phá hòa hợp tăng (Sanghabhedakà). Mười một hạng người này do hành động của họ mà không chứng đạo quả, nên gọi là ba-la-di.
Ba hạng: tặc trụ, phá nội ngoại đạo và pháp tịnh hạnh của tỳ-kheo ny thì không bị chướng ngại việc sinh thiện, nhưng bị chướng ngại với bốn đạo quả.
Hạng giết cha, mẹ, A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng (là năm tội nặng). Năm tội nghịch này làm chướng ngại cả thiên đạo và đạo quả.
Pháp sư nói: - Ba-la-di (của tỳ kheo tăng và ny) có tám pháp hợp (mười một pháp trên) lại thành mười chín. Lại có tỳ-kheo-ny ưa thích, mặc y phục của người bạch y nên cộng lại thành hai mươi. Hạng tỳ-kheo ny này không phá giới. Lại có tỳ-kheo lưng dẻo (cong người xuống căn được) , nam căn dài, ngậm căn của người khác, ngồi trên căn của người khác. Bốn trường hợp này nữa, cộng thành hai mươi bốn. Bốn trường hợp cuối cùng là tùy kết.
Pháp sư nói: - Tại sao ngậm lấy căn của người khác thì gọi là việc dâm? Hành động này với ý dục nên gọi là dâm. Nếu phạm thì không được ở chung với tỳ-kheo không được bố tát, thuyết giới, tự tứ yết ma và không được tham dự tất cả các tăng-sự khác .
Nay tôi xin hỏi trưởng lão: trong từng pháp Ba-la-di trên, có ai thanh tịnh không? Hỏi lần thứ nhì, thứ ba cũng như vậy.
Câu có ai thanh tịnh, pháp sư nói rằng như những câu văn khác, dễ hiểu.
Hết phần chú thích về bốn pháp (ba-la-dy) trong luật Thiện- kiến tỳ-bà-sa (Samantapàsadikàya-vinayasamvannanàya- catuthapàràjikavannanà -nitthìta).
Hết phẩm Ba-la-di.
Tiếp theo mười ba pháp,
Về ý nghĩa mười ba,
Các vị tự hiểu lấy.
Pháp tăng -tàn (Sanghàdisesa).Bấy giờ, đức Thế tôn đang đến ở (cư trú) tại thành Xá-vệ.
Bấy giờ, chỉ cho thời gian đức Phật chế định giới luật cho các đệ tử thanh văn, chứ không phải là thời gian theo thế gian. Ðến ở (tại) có bốn. Ðó là: đi, đứng, ngồi, nằm. Căn cứ vào bốn pháp này nên gọi là đến ở (cư trú). Như người đời nói rằng vua đi ra ngoài đến chổ vui chơi để đi, đứng, nằm, ngồi (ở đó); đức Phật đến ở nước Xá-vệ cũng như vậy.
Xá vệ là tên của đạo sĩ. Ngày xưa, có đạo sĩ cư trú ở vùng này. Vị vua thời bấy giờ thấy được sự tốt đẹp của vùng đất này nên đến xin đạo sĩ để lập quốc, và lấy tên của đạo sĩ là Xá-vệ. Như thành Vương-xá, ngày xưa có vua Chuyển-luân, nhiều đời thay nhau trú ở thành này nên có tên là Vương Xá; Xá-vệ cũng như vậy. Xá-vệ còn có nghĩa là Có-nhiều. Có nhiều nghĩa là gì? Trân bảo những các vật quý hiếm của các nước đều quy tụ về nước này, nên tên là Có-nhiều.
Thành Xá-vệ rất đẹp,
Người xem không biết chán,
Mười tiếng nhạc vang lừng.
Trong có tiếng ăn uống.
Phồn thịnh nhiều của quý,
Như cung trời Ðế thích.Ca-lưu-đà (Làludàyi) là tên của vị tỳ-kheo.
Ý dâm dục bùng cháy, là bị lửa dâm dục thiêu đốt nên nhan sắc tiều tụy, thân thể hao gầy.
Pháp sư nói: - Các câu văn tiếp theo dễ hiểu, không cần giảng giải. Nếu có chổ nào khó hiểu, tôi sẽ giảng giải.
Ý loạn ngủ nghỉ vì tâm ý không ổn định nên ngủ nghỉ như vậy. Nếu ngủ ban ngày thì trước hết phải nghĩ đến bây giờ là lúc nào, và lúc nào sẽ thức dậy. Như trong kinh có nói rằng Phật bảo các tỳ-kheo: sau khi tắm rửa, nếu các ông muốn ngủ, hãy suy nghĩ rằng ta sẽ thức dậy khi tóc chưa khô. Nên ngủ (với thời gian và suy nghĩ) như vậy. Về ban đêm, cũng phải biết khi mặt trăng đến chổ... ta sẽ thức dậy. Nếu không có trăng thì sao đến chổ... ta sẽ thức dậy. Trước tiên phải niệm Phật, và tùy theo tâm mà chánh niệm về mỗi pháp trong mười thiện pháp (thập niệm) rồi sau đó mới ngủ.
Nhưng tỳ-kheo ngu si này không niệm như vậy mà ngủ, bị sắc dục trói buộc sai khiến nên lộng âm xuất bất tịnh (Asuci-tinh).
Trừ trong mộng, pháp sư nói: - Trong bản luật có nói trừ trong mộng. Lộng âm và mộng đều xuất tinh, tại sao trừ mộng?
Ðáp: - Ðức Phật quy chế giới căn cứ thân nghiệp chứ không quy chế trên ý nghiệp, nên trong mộng không có tội. Như trong luật bản, đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng các ông nên thuyết giới như thế này: Tỳ-kheo nào cố ý lộng âm xuất tinh, phạm tăng-già-bà-thi-sa (Sancetanikà - Sukhavissatthi- sanghàdiseo).
Xuất tinh, vì thích thú cố làm và biết rõ tinh xuất ra, không có tâm xấu hổ, e sợ.
Tinh, theo trong luật có bảy loại, tỳ-bà-sa (sách chú giải) giải thích rộng có mười loại. Mười loại ấy là: xanh, vàng, đỏ, trắng, gỗ, màu da, màu dầu, màu sữa, màu lạc, màu tô.
Tinh ra khỏi chổ cũ, chổ cũ này tính ở chổ eo lưng. Lại có người nói không phải vậy mà toàn thân đều có tinh, chỉ trừ ở tóc, móng, da khô.
Nếu tinh rời khỏi vị trí cũ, đến niệu đạo hay không đến và xuất ra với dung lượng đủ làm no một con ruồi (E-kà khuddakamakkhikà piveyya), thì cũng phạm tội tăng-già-bà-thi-sa. Nếu do trời nóng, làm việc, đi lại, vận động, hay bệnh tật mà tinh tự xuất thì không phạm.
Có bốn trường hợp mộng:
1. Bốn đại chủng không điều hòa.
2. Sự việc đã gặp.
3. Do chư thiên.
4. Mộng tưởng.Hỏi: - Thế nào là mộng do bốn đại không điều hòa?
Ðáp: - Khi ngủ, mộng thấy núi lở, hoặc bay lên không trung, hoặc bị cọp, sói, sư tử rượt. Ðây là mộng do bốn đại không điều hòa, cảnh hư vọng không thật.
Mộng do trước đây đã thấy, như ban ngày thấy trắng, đen, nam, nữ, đêm đến mộng thấy lại nên gọi là do thấy trước. Mộng này hư dối không thật.
Mộng do chư thiên, có vị thiên là thiện tri thức, có vị thiên là ác tri thức. Nếu là thiện tri thức thiên thì hiện ra mộng thiện làm cho người (nằm mộng) được điềm thiện. Aùc tri thức làm cho người bị ác tưởng nên hiện ra ác mộng. Mộng này có thật.
Mộng do tưởng, tiền thân người này hoặc có phước đức, hoặc có tội. Nếu có phước đức thì hiện ra mộng thiện, có tội thì hiện ra mộng ác. Như giấc mộng của mẹ Bồ-tát khi ngài vào thai mẹ (Bodhisattassa màtà viya puttapatilàbhãni- mittam). Bà mộng thấy voi trắng từ cung trời Ðao-lợi giáng hạ và nhập vào hông bên phải của mình. Ðây là mộng tưởng.
Nếu mộng thấy lễ Phật, tụng kinh, trì giới, bố thí, làm các việc công đức thì cũng là mộng tưởng.
Pháp sư nói: - Loại mộng này, lúc đang mộng có thể phân biệt được nên không phải là (mộng) tưởng phải không?
Ðáp: - Cũng không ngủ, cũng không thức. Vì nếu nói ngủ mà thấy mộng thì trái với a-tỳ-đàm (luận). Nếu nói thức mà thấy mộng, thấy biết đang hành dục thì trái với luật.
Hỏi: - Có gì trái?
Ðáp: - Nếu mộng thấy hành dục (mà có tội) thì không ai thoát tội cả. Lại nữa, trong luật có nói trừ trong mộng vô tội.
Hỏi: - Nếu như vậy thì loại mộng này không có thật?
Ðáp: - Không phải không thật. Vì sao? Như là con khỉ ngủ. Trong kinh có nói rằng Phật bảo: này đại vương, người thế gian mộng cũng như con khỉ ngủ, cho nên có mộng.
Hỏi: - Mộng là thiện hay là vô ký?
Ðáp: - Cũng có lúc thiện, lúc ác, lúc vô ký. Nếu mộng lễ Phật, nghe pháp, nói pháp là công đức thiện. Nếu mộng sát sinh, trộm cướp, gian dâm là mộng bất thiện. Nếu mộng thấy màu đỏ trắng xanh vàng là mộng vô ký.
Hỏi: - Nếu như vậy thì có thọ quả báo không?
Ðáp: - Không thọ quả báo. Vì sao? Vì tâm (ý) nghiệp quá yếu ớt nên không (đủ sức) để đưa đến quả báo. Thế nên trong luật nói rằng chỉ trừ trong mộng.
Tăng-già-bà-thi-sa: tăng-già chỉ cho Tăng; bà nghĩa là bắt đầu; thi-sa nghĩa là tàn (phần cuối cùng) còn lại.
Hỏi: - Tại sao gọi tăng là bắt đầu (sự việc)?
Ðáp: - Tỳ-kheo này đã phạm tội, nếu muốn thanh tịnh thì đi đến gặp tăng chúng, và việc đầu tiên là tăng cho pháp ba-lợi-bà-sa (parivàsa- biệt trú ) nên gọi là bắt đầu. Sau khi cho (và hành) pháp ba-lợi-bà-sa xong, lại cho thi hành sáu đêm ma-na-đỏa (Mànatta- ý hỷ, hoan hỷ) đó là khoảng giữa. Giai đoạn cuối cùng (tàn) là cho pháp a-phù-ha-na (Abbhàna- xuất tội) Do đó, được gọi tăng-già-thi-sa.
Pháp sư nói: - Chỉ cần hiểu đúng ý nghĩa chứ không cần nghiên cứu về văn tự. Tội này chỉ có tăng mới (chữa) trị được, chứ một hay hai ba người thì không làm gì được, nên gọi là tăng-già, bà-thi-sa. Nếu bị tội cố ý làm xuất tinh, phải biết tướng trạng khi tạo phương tiện (để phạm tội.
Phải biết phương tiện nghĩa là (biết) ta đang xuất sắc (chất) bên trong ra, muốn xuất ngoại sắc, xuất cả nội và ngoại, với cử động trong khoảng không, làm phương tiện như vậy nên gọi là phương tiện. Thời gian (nam căn) phát khởi, có năm trường hợp: một là khi dục nổi lên, hai là mắc đại tiện, ba là tiểu tiện, bốn là gió động, năm là bị trùng tiếp xúc.
Khi dục nổi lên thì nam căn cương cứng xử dụng được, qua thời gian này thì không cương nữa. Bốn trường hợp kia cũng như vậy. Lại nữa vào buổi sáng, giữa trưa, chiều và tối cũng gọi là thời gian (nam căn phát khởi) trừ bị bệnh.
Như vậy có mười câu, bắt đầu là câu màu xanh, cũng có mười. Trong luật có nói rằng bắt đầu là niệu đạo (ống dẫn) nội sắc và ngoại sắc, tiếp xúc nhau gây cảm giác (thích thú). Tác động trong khoảng không, không có nội hay ngoại sắc, vì tự hành động (tạo thích thú) nên bị tội.
Trùng, loại trùng này thân có lông (tức là con ghẻ, - người dịch) gây cảm giác ngứa làm (căn) khởi lên và xử dụng (căn gây cảm giác) được. Nếu (xuất tinh) để làm thuốc, bố thí, cúng tế, thí nghiệm, cầu sinh thiên, cấy giống, với những trường hợp này đều bị tội. Nếu cố ý mà tinh xuất ra ngoài thì phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu cố ý làm xuất tinh mà tinh không xuất thì không bị tội. Nếu tinh tự xuất chứ không do cố ý thì cũng không bị tội.
Pháp sư nói: - Câu tiếp theo dễ hiểu. Tỳ kheo nào phạm tội, đến gặp vị luật sư.
Vị luật sư nên hỏi theo trình tự: trước hết phải ra lệnh (cho đương sự) không được nói lời che dấu, như ra lệnh rằng ta như thầy thuốc, ông như người bệnh, nếu đau đầu mà nói dối là đau chân thì thầy thuốc có cho thuốc bệnh cũng không hết. Và vị luật sư lại quở trách rằng thầy (thuốc) không xét cho đúng thì không biết cách cho thuốc. Thế nên, ông phải nói rõ với tôi từng sự việc. Nếu trọng thì kết tội trọng, nếu khinh thì kết tội khinh. Trước hết, vị luật sư phải xem xét mười một trường hợp dâm dục và mười một phương tiện.
Hỏi: - Mười một trường hợp dục là gì?
Ðáp:
1. khoái lạc khi muốn xuất tinh.
2. khoái lạc khi đang xuất tinh.
3. khoái lạc khi đã xuất.
4. khoái lạc với sự dâm dục.
5. khoái lạc vì tiếp xúc.
6. khoái lạc khi ngứa.
7. khoái lạc khi thấy.
8. khoái lạc khi ngồi.
9. khoái lạc khi nói.
10. khoái lạc nơi gia đình thân ái.
11. khoái lạc khi bẻ cây.Thích thú muốn xuất tinh, tỳ kheo nào khi dục nổi lên, tâm ham muốn, muốn cảm giác thích thú nên cố xuất tinh. Tinh xuất thì phạm tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu cố làm mà tinh không xuất, phạm thu-lan-dá. Tỳ-kheo nào nằm ngủ với tâm tưởng đến dục, trước tiên tạo phương tiện dùng đùi kẹp chặt căn, hay dùng tay nắm căn, tưởng đến việc dục rồi ngủ, (do đó) nên nằm mộng và xuất tinh, phạm tội tăng-già-bà-thi-sa. Nếu dục phát sinh thì quán bất tịnh để diệt dục ấy đi, ngủ với tâm thanh tịnh không cấu trược mà bị mộng xuất tinh thì không có tội. Ðây gọi là ưa thích muốn xuất tinh.
Thích thú khi xuất tinh, tỳ-kheo nào mộng thấy làm việc dâm dục, ngay khi xuất tinh thì thức dậy nhưng không tác động vào căn (để xuất tinh nữa) thì không có tội. Nếu khi tinh xuất, người này có tác động vào căn thì có tội. Nếu ngay khi tinh xuất, vị ấy với suy nghĩ đừng cho (tinh làm cho) dơ bẩn y, chiếu, không muốn cho chảy ra nên dùng tay nắm chân căn để đưa tinh ra ngoài (các chổ khác để giặt) thì vô tội. Nếu có tâm thích thú thì bị tội. Ðây gọi là thích thú ngay khi xuất tinh.
Sau đó, không tiếp xúc với căn nữa thì vô tội. Nếu muốn khoái lạc nên tiếp tục lộng âm cho xuất tinh thì bị tội. Ðây gọi là thích thú sau khi xuất tinh.
Thích thú vì sự dâm dục, tỳ-kheo nào khi dục nổi lên, nắm lấy người nữ mà tinh xuất thì vô tội. Tại sao? Vì bị đối tượng dâm (chi phối) nên chỉ phạm tội đột-cát-la. Nếu đi vào đúng cảnh giới (căn) của người nữ thì phạm tội ba-la-di. Nếu nắm (người nữ) rồi lại thích thân thể mềm trơn, nhưng không đi đúng vào phạm tướng của ba-la-di, tinh xuất ra thì phạm tội tăng tàn. Ðây gọi là khoái lạc do ham muốn.
Khoái lạc do tiếp xúc. Có nội xúc và ngoại xúc. Nội xúc là đưa tay rờ thử là cứng hay mềm. Do sự tiếp xúc này nên xuất tinh thì không phạm. Nếu có ý thích thú muốn xuất thì bị tội, đây là nội xúc. Ngoại xúc là tỳ-kheo với tâm dâm dục tiếp xúc thân người nữ: nếu vì bồng hay xúc chạm chổ mềm trơn mà bị xuất tinh thì không phạm nhưng vuốt ve (vì khóai lạc nên xuất tinh) thì bị tội tăng tàn. Nếu ưa thích tiếp xúc và ưa thích sự khoái lạc nên xuất tinh thì đều phạm tội.
Khoái lạc vì ngứa, do ghẻ, lác, vi khuẩn gây cảm giác nên nam căn khởi lên, dùng móng tay gãi ngứa nên bị xuất tinh thì vô tội. Nếu căn đã khởi lên, nhân đó tác động cho xuất tinh thì phạm tội.
Khoái lạc do thấy, tỳ kheo nào căn khởi lên do thấy nữ căn, mà nhìn kỹ nên xuất tinh, không phạm tội tăng-tàn mà phạm tội đột-cát-la. Nếu thấy rồi, lại tác động căn cho xuất tinh thì phạm tăng-tàn. Ðây gọi là khoái lạc do thấy.
Khoái lạc do ngồi, tỳ-kheo cùng người nữ ngồi chổ vắng, cùng nói chuyện nên xuất tinh, không bị tội này, nhưng vì cùng ngồi chổ vắng với người nữ nên bị tội khác. Nếu đang ngồi mà tâm dục nổi lên, nhân đó cử động eo lưng (cho xuất tinh) thì phạm tội tăng-tàn. Ðây gọi là khoái lạc do ngồi.
Khoái lạc do nói ở chổ vắng, cùng người nữ nói chuyện như hỏi rằng căn của cô thế nào đen hay trắng, mập hay gầy. Nếu do nói chuyện mà xuất tinh thì vô tội nhưng vì nói lời thô tục nên phạm tội tăng-tàn. Nếu nói lời khoái lạc mà xuất tinh có tác động của tâm nên hành động thì phạm tăng-tàn. Ðây là khoái lạc do lời nói.
Khoái lạc do thân ái gia đình, tỳ-kheo trở về nhà thí chủ (cha mẹ mình) với ý nghĩ đây là mẹ, là chị em nên đưa tay vuốt ve, hoặc ôm bị xuất tinh thì không phạm. Do xúc chạm nên phạm tội đột-cát-la. Nếu cố ý nên vuốt ve để xuất tinh thì phạm tội. Ðây gọi là khoái lạc do thân mến gia đình.