309. Thiền Sư Thần Nghi (? - 1216) Đời 13, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Huệ Tông) 🙏🌷🙏🌷🙏🌷
Đời 13, Thiền Phái Vô Ngôn Thông(Vào thời Vua Lý Huệ Tông)
🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Năm, 11/11/2021 (07/10/Tân Sửu), chúng con được học về Thiền sư Thần Nghi (? - 1216), đời thứ 13, Thiền Phái Vô Ngôn Thôn. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 309 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).
Sư họ Quách, quê ở Ngoại Trại, gia đình tu hành trong sạch. Sư xuất gia và thờ Thiền sư Thường Chiếu làm thầy.
Đến khi Thiền sư Thường Chiếu sắp tịch, Sư hỏi:
- Mọi người đến thời tiết này, vì sao đều theo thế tục mà chết?
Thường Chiếu bảo:
- Ngươi nhớ được mấy người không theo thế tục?
Sư thưa:
- Một mình Tổ Đạt-ma.
Thường Chiếu hỏi:
- Có những đặc biệt gì?
Sư thưa:
- Một mình đạp trên sóng trở về Tây.
- Núi Hùng Nhĩ là nhà ai?
- Chỉ là chỗ chôn chiếc giày trong hòm mà thôi.
- Lừa người lấy lợi, đứng đầu là Thần Nghi.
- Đâu thể nói Tống Vân truyền dối, việc vua Trang Đế quật mồ thì sao?
- Một con chó lớn sủa láo.
- Hòa thượng cũng tùy tục chăng?
- Tùy tục.
- Vì sao như thế?
- Ấy là cùng người đồng điều (đồng điều tử).
Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền lễ bái thưa:
- Con đã hiểu lầm rồi.
Thường Chiếu liền hét.
Sư Phụ giải thích:
- Thiền sư Thần Nghi là đệ tử đắc pháp của thiền sư Thường Chiếu, cuộc đời của Ngài rất đơn giản nhưng nổi tiếng về giai thoại đối đáp với Sư phụ Thường Chiếu về cái chết khi Sư Phụ của ngài báo tin sắp viên tịch. Ngài Thần Nghi không muốn nhìn thấy Sư Phụ Thường Chiếu phải chết như người thế tục mà phải có cái chết khác thường như Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma năm xưa.
- Sư Phụ nhắc lại cuộc đời của Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma, theo truyền thuyết ngài Bồ Đề Đạt Ma, lúc đến Trung Quốc lúc 60 tuổi. Tổ được vua Lương Võ Đế mời vào Kinh đô Kim Lăng để hỏi đạo.
Vua hỏi Tổ rằng: "Từ lúc lên ngôi đến nay, Trẫm thường cất chùa, đúc chuông, in kinh, tài trợ giáo dục Tăng Ni, số lượng không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì chăng ? "
Tổ đáp: "Đều không có công đức".
Vua thắc mắc "Tại sao không có công đức ?".
Tổ đáp : "Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có phước báo nhỏ ở cõi người, cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà không phải thật có".
Vua hỏi : "Thế nào là chân công đức ? "
Tổ đáp: "Trí thanh tịnh tròn sáng, thể tự không lặng, công đức như thế không do thế gian mà cầu được".
Vua hỏi "Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất ?
Tổ đáp: "Rỗng rang không thánh". (Sp giải thích: thánh đế là chỗ giải thoát rỗng rang, không có thánh phàm, không sanh diệt...)
Vua hỏi : "Đối diện với trẩm là ai ? "
Tổ đáp: "Không biết" . (Sp giải thích chỗ tột cùng của Phật tánh là không còn có chủ-khách, vua-tôi....)
Vua Võ-Đế không lãnh ngộ được, lui về nghỉ và cho tiễn khách.
Không có duyên với Vua Lương, Tổ đến Lạc-Dương rồi lên chùa Thiếu-Lâm ở Tung-Sơn, vào hang động Thiếu Thất sau chùa, ngồi quay mặt vào vách thiền định trong 9 năm. Ngài Thần Quang nghe tiếng đến xin thọ giáo và được Tổ nhận làm đệ tử.
Trước ngày viên tịch, Tổ nhóm họp chúng đệ tử lại và bảo: "Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".
-Đệ tử Đạo Phó bạch: "sở đắc của con là muốn thấy đạo, không chấp văn tự, không lìa văn tự."
-Tổ bảo: “con được lớp da của ta”
-Đệ tử Ni Tổng Trì nói: "chỗ thấy của con là mừng vui thấy nước Phật (tâm) bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa."
- Tổ bảo: “Con được phần thịt của ta”
- Đệ tử Đạo Dục thưa: “Chỗ thấy của con là bốn đại vốn không, năm uẩn không thật có, không có một pháp nào khả được."
Tổ đáp: "Con được bộ xương của ta rồi."
-Đệ tử Huệ Khả ra lễ bái sư rồi đứng ngay một chỗ, lặng lẽ vô ngôn.
Tổ bảo: “Huệ Khả con đã được phần tuỷ của ta” và ngài Huệ Khả được Tổ ấn chứng: "Xưa Như Lai trao 'Chánh pháp nhãn tạng' cho Tôn Giả Ca Diếp, từ ngài Ca Diếp, Chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho con, với Y Ca Sa để làm vật tin, con cố gắng gìn giữ, chớ để dứt mất”.
Và Tổ nói bài kệ thị tịch:
“Ngô bản lai tư thổ
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành”
Có nghĩa là:
“Ta qua đến xứ này
Truyền pháp cứu người mê.
Một hoa nở năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành”.
Sư phụ giải thích: lời tiên tri của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt rằng “Một hoa trổ năm cánh” đã diễn ra đúng như sau:
Thứ nhất:
Một Hoa là Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Năm cánh là: Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn & Huệ Năng
Thứ hai:
Một hoa: Lục Tổ Huệ Năng
Năm cánh: 5 thiền phái sau thời của Lục Tổ: Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Pháp Nhãn & Quy Ngưỡng:
Tổ an nhiên viên tịch vào ngày mùng 9 tháng 10 năm 529 và nhục thân của Tổ được an táng nhập bảo tháp tôn thờ tại Chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Nhưng ba năm sau, sứ Ngụy là Tống Vân phụng sứ đi Tây Vức (Ấn Độ), trên đường về, gặp Tổ Đạt Ma ở dãy núi Thông lĩnh, bèn hỏi tổ đi đâu, thì Tổ bảo “Ta về Tây thiên”. Sứ Tống Vân tâu lại sự việc cho Vua Hiếu Trang Đế nghe, vua không tin bèn sai mở tháp của Tổ ra xem, thì thấy quan tài trống không chỉ còn lại một chiếc giày, cả triều đình đều kinh lạ, vua bèn sai mang chiếc giày về chùa Thiếu lâm để thờ. Năm khai nguyên 15 (727) đời Đường, chiếc giày ấy được dời lên chùa Hoa nghiêm trên núi Ngũ đài, về sau cũng bị trộm lấy mất.
Sư phụ nhấn mạnh rằng dù sách sử xưa chép rõ ràng như vậy, nhưng thiền sư Thường Chiếu, sau hơn 600 năm, Ngài đã can đảm dám nói sự thật phủ phàng rằng “ một con chó lớn sủa láo”, ý ngài nói “vua Hiếu Trang Đế vì muốn đất nước do ông trị vì linh thiêng mầu nhiệm nên Tổ Đạt Ma muốn thi triển thần thông chết nhưng kỳ thật chưa bao giờ chết, chết sao bây giờ chỉ còn 1 chiếc hài trong quan tài”. Kỳ thật đó lời nói của Hiếu Trang Đế không có gì để bảo đảm và không đáng để người đệ tử tin. Vì sao ? vì Đức Thế Tôn từng dặn dò trong kinh Kamala thuộc Tăng Chi Bộ Kinh rằng những ai tự gọi mình là đệ tử của Ngài phải khắc ghi trong tâm khảm 10 điều sau sau đây:“Đừng tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy:
1- được nghe nói đến
2- được quảng bá rộng rãi
3-được truyền thống để lại
4-được kinh điển truyền tụng
5-do một vị giáo chủ nói ra
6- chỉ vì do suy đoán
7- chỉ vì do suy luận
8-chỉ vì nghe có lý
9-chỉ vì phù hợp với quan điểm của mình
10- chỉ vì do Thầy của mình nói ra.
Các con chỉ tin vào điều gì vì điều đó là chân chính, không bị chê trách, được người hiền trí ngợi khen, được chấp nhận và thực hành sẽ dẫn đến an lạc hạnh phúc cho mình và cho người, thì các con phải nỗ lực áp dụng và tin theo”.
Trên tinh thần đó, Thiền sư Thường Chiếu đã khẳng định Tổ Bồ Đề Đạt Ma bỏ thân tứ đại ở Trung Hoa và chuyện Tổ quẩy dép về Tây chỉ là huyền thoại, chuyện cổ tích nghe chơi cho vui mà thôi, câu nói của Sư Phụ Thường Chiếu đã làm cho đệ tử Thần Nghi tỉnh ngộ và thưa, “con đã hiểu lầm rồi “. Ngài Thường Chiếu liền hét. Tiếng hét của ngài Thường Chiếu biểu trưng cho sự ấn chứng cho đệ tử Thần Nghi.
Sư phụ cũng nhắc thêm, chính vì tinh thần cam đảm và chánh kiến này mà Hoà Thượng Thanh Từ rất nể phục, cung kính và xin phép lấy đạo hiệu của Thiền Sư Thường Chiếu đặt tên cho thiền viện của Ngài ở Long Thành ngày nay.
Sư lại thưa:
- Con thờ Hòa thượng nhiều năm, mà không biết người truyền đạo này buổi đầu là ai? Cúi xin Hòa thượng chỉ dạy việc thứ lớp truyền pháp, khiến học giả biết được nguồn gốc.
Thường Chiếu khen Sư có lòng khẩn thiết, bèn lấy Chiếu Đối Bản của Thiền sư Thông Biện ra và ghi những điều trong tông phái làm thành Nam Tông Tự Pháp Đồ để chỉ dạy Sư. Sư xem qua xong, liền hỏi:
- Phái Nguyễn Đại Điên, phái Nguyễn Bát-nhã, vì sao không thấy trong Đồ bản này?
TS Thường Chiếu đáp:
- Ý của Thông Biện ắt có lý vậy.
Sư Phụ giải thích:
- Nam Tông Tự Pháp Đồ nay không còn, đã bị thất lạc.
*
* *
TS Thường Chiếu tịch, Sư về trụ trì chùa Thắng Quang làng Thị Trung, Kim Bài. Nơi đây, Sư diễn hóa tông thừa, đồ chúng theo học rất đông.
Đến ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý, nhằm niên hiệu Kiến Gia thứ sáu (1216) đời Lý Huệ Tông, Sư gọi đệ tử là Ẩn Không đến lấy Đồ bản của Thường Chiếu trao cho dặn: “Phương này hiện nay tuy loạn, ngươi khéo giữ Đồ bản này, cẩn thận đừng để cho binh lửa làm hoại, ắt là Tổ phong của ta không mất vậy.” Nói xong Sư tịch.
Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Thần Nghi do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:
Hầu thầy học đạo trải nhiều năm
Tinh tấn tu hành giữ đạo tâm
Mõ sớm chuông khuya ươm giống tuệ
Cơm mai cháo tối dưỡng thiền tăng
Hương nguyền ngát tỏa gìn nhân thiện
Hạnh nguyện thơm lan trải đạo an
Pháp hoá hưng long tăng tục hướng
Thắng Quang thạch trụ rạng thiền quang
Thiền quang chiếu diệu sáng trần gian
Tịnh hoá thân tâm thoát khổ nàn
Thanh thản cõi lòng dìu môn đệ
Thong dong tấc dạ dắt chúng nhân
Vượt thoát bờ mê xa biển khổ
Rong chơi bến giác dưỡng tâm nhàn
Thị phi nhân ngã đều quên hết
Suối đạo nguồn thiền rạng ánh trăng
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Thần Nghi. Cuộc đời của Sư rất đơn giản, nhưng một nghi vấn của Ngài về huyền thoại của Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã biến huyền thoại này thành chuyện giả tưởng nhờ được minh chứng hùng hồn bằng sự xác nhận của thiền sư Thường Chiếu theo tinh thần kinh Kamala, và chúng con cũng rất hãnh diện là đệ tử Phật có đấng chí tôn đã tuyên bố trong kinh Kamala là, cũng không cần tin vào lời ta nói, mà các con chỉ tin vào những gì mà điều đó đem lại an lạc cho mình và cho tất cả mọi người.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Thiền Sư Thần Nghi (? - 1216)
Đời 13, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
(Vào thời Vua Lý Huệ Tông)
Kính dâng Thầy bài viết về Thiền Sư Thần Nghi sau khi đã được nghe một bài pháp thoại thật tuyệt vời giúp chúng đệ tử ôn lại những gì đã học online với Thầy trong gần hai năm kể từ khi đại dịch kinh hoàng xuất hiện . Kính đa tạ Thầy đã ôn nhắc lại 10 điều trong kinh Kalama và những điều tâm niệm cần có khi học Sáu cửa vào động Thiếu Thất tương truyền do Bồ Đề Đạt Ma thuyết . Kính tri ân Thầy bài pháp thoại đã giúp con nhận ra thêm sự hỗ tương mật thiết giữa Thầy và đệ tử dù thời đại nào . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy được nhiều sức khỏe, HH
Trong đời sống thiền môn, người thầy đóng một vai trò vô cùng thiết yếu trong việc dẫn dắt những người bước đầu học đạo. Đối với một người mới xuất gia, giáo thuyết và những phương pháp tu tập đối với họ đôi khi khó hiểu và vì thế có thể dẫn đến việc hiểu và thực hành sai.
Vì thế bậc thầy là người có nhiệm vụ trong việc truyền trao sự hiểu biết và hướng dẫn đệ tử đi theo một đường hướng đúng đắn, từ nếp sống trong chùa cho đến việc thực hành lời dạy của đức Phật. Nếu một người không có đủ khả năng mà nhận hướng dẫn người khác thì điều đó tất yếu sẽ dẫn đến một kết quả tai hại.
Tuy nhiên khi đọc qua hành trạng của Thiền Sư Thần Nghi có thể ta sẽ nhận được ảnh hưởng hỗ tương nhau giữa Thầy và Trò, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp.
Vì sao vậy ? Phải chăng câu chuyện đối đáp giữa Thiền Sư Thần Nghi và Sư Phụ Thường Chiếu đã làm chấn động tâm thức người học Đạo và Ngài Thần nghi đã làm tên tuổi Thày mình lưu danh thiên cổ ...
Đó là Ngài dám quả quyết rằng Tổ Đạt Ma tịch chớ không quảy dép về Ấn Độ. Ai nói Tổ quảy dép về Ấn Độ là nói láo. Vì các vị vua quan đều nói như thế, nên Ngài nói “Con chó lớn sủa láo bầy chó nhỏ sủa theo”.
(Trích đoạn
“Một hôm Ngài (Thiền sư Thường Chiếu) báo tin sắp tịch, đệ tử Ngài là Thần Nghi thưa rằng : “Hòa thượng cũng tịch nữa sao ?” Ngài hỏi lại : “Ông nói có ai không tịch ?” Thần Nghi thưa : “Tổ Bồ Đề Đạt Ma không tịch”. Ngài hỏi : “Tại sao ông biết Tổ không tịch ?” Thần Nghi thưa : “Tổ chống gậy trở về Ấn Độ chớ không tịch”.
Ngài hỏi : “Căn cứ vào đâu?” Thần Nghi thưa : “Rõ ràng vua Hiếu Trang Đế cho người dở quan tài ở núi Hùng Nhĩ thấy chỉ có một chiếc dép, còn môt chiếc Tổ đã quảy về Ấn Độ”.
Ngài bảo : “Một con chó lớn sủa láo, bầy chó nhỏ sủa theo”.)
Và HT Thích Thanh Từ đã chỉ dạy đồ chúng về điều này như sau
" Vua quan là người có thế lực nên nói ai nghe cũng tin, cũng chấp nhận, nhưng thiền sư Thường Chiếu thì dám phủ nhận. Tại sao vậy ? Vì Tổ Bồ Đề Đạt Ma tu theo phật là đệ tử của Phật, Phật 80 tuổi tịch, Tổ không tịch chẳng lẽ Tổ tu tiên? Đó là lý do chính đáng để chúng ta có quyền tin là Tổ đã tịch.
Hơn nữa nói rằng Tổ không tịch, vậy Ngài về Ấn Độ rồi ở đâu? Có ai gặp Ngài không? Nếu không ai biết Ngài ở đâu thì chắc chắn Ngài đã tịch. Vả lại giáo lý đức Phật dạy con người có sanh thì có tử, không bao giờ có sanh mà không có tử. Tất cả các pháp có hình tướng có sanh thì có diệt, nếu Tổ Bồ Đề Đạt Ma có sanh mà không có tử thì trái với chánh pháp Phật dạy làm sao chúng ta tin được?
Tôi thấy thiền sư Thường Chiếu là người can đảm phi thường dám nói thẳng người nhút nhát sợ sệt thì không bao giờ dám nói. Vì tôi phục tính ngay thẳng của Ngài nên lấy tên Ngài đặt tên Thiền viện. Chư tăng ở Thiền viện Thường Chiếu nhớ học theo tính độc đáo này của Ngài."
Người viết bài cũng được đọc qua một câu truyện thiền có ghi lại về ba loại đệ tử như sau "Một thiền sư tên là Gettan sống vào khoảng cuối thời đại Đức Xuyên .Gettan thường bảo:
“Có ba loại đệ tử:
1) Những người truyền thiền cho những kẻ khác
2) Những người duy trì những ngôi chùa
3) Có những cái đãy gạo và những cái móc áo
Gasan cũng diễn cùng một ý đó. Gasan học với Tekisui. Thầy của Gasan rất nghiêm khắc, có khi đánh đập cả Gasan. Các đệ tử khác không thể chịu nổi cách dạy này nên rút lui đi nơi khác.
Gasan ở lại, nói: “Một đệ tử kém làm lợi cho tài năng của thầy. Một đệ tử giỏi lớn mạnh dưới kỹ luật của thầy."
Trộm nghĩ :
Một người thầy tài giỏi không phải chỉ là một người giảng thuyết hay mà còn là người đào tạo nên được những người đệ tử xuất sắc. Những người đệ tử xuất sắc, với cách hành xử có đạo đức lẫn tài năng của họ sẽ góp phần nâng giá trị của họ và cả người thầy lên một bậc.
Có học Tổ Sư Thiền mới thấy được quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa hai thế hệ kế thừa mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua nhiều thế hệ. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò. Một đệ tử nối pháp vừa xiển dương tông phái của mình, vừa làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại.,
Lại có những người thầy, có khi tên tuổi của mình được biết đến phải nhờ đến những người về sau
Và đặc biệt sự truyền thừa này có lẽ dễ thấy nhất, đúng như lời huyền ký của Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi trao cà sa y chỉ cho Huệ Khả
Bồ Đề Đạt Ma nói: "Trong, truyền pháp ấn để khế chứng tâm; ngoài, trao cà sa để định tông chỉ. Đời sau, trong cảnh cạnh tranh, nếu có người hỏi ngươi con cái nhà ai, bằng vào đâu mà nói đắc pháp, lấy gì chứng minh, thì ngươi đưa bài kệ của ta và áo cà sa ra làm bằng. Hai trăm năm sau khi ta diệt rồi, việc truyền y dừng lại. Chừng ấy, đâu đâu người hiểu đạo và nói lý rất nhiều, còn người hành đạo và thông lý rất ít, vậy ngươi nên cố xiển dương đạo pháp, đừng khinh nhờn những người chưa ngộ. Bây giờ hãy nghe bài kệ của ta:"
吾本來玆土
傳法救迷情。
一華開五葉
結果自然成
Ngô bản lai tư thổ
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành.
Dịch là
Ta đến đây với nguyện,
Truyền pháp cứu người mê.
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái trổ ê hề.
Và vi diệu lạ kỳ nhiệm mầu hơn nữa là sự huyền ký này lại tiếp nối từ lá thứ năm lại nở ra năm lá con khác . Điển hình từ Lục Tổ Huệ Năng, những đệ tử ưu tú đã lập thành năm thiền phái khác như Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn và truyền vào Việt Nam mà dòng thiền Vô Ngôn Thông được tiếp nối từ Bách Trương Hoài Hải đã được truyền theo thế hệ trước từ Mã Tổ Đạo Nhất , trước nữa là Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng.
Dù ngày nay qua sự tiếp cận của nền văn minh hiện đại sự ảnh hưởng của người thầy đối với đệ tử của mình ít nhiều không còn sâu sắc như ngày xưa, vì người đệ tử bây giờ hình như học tập ở thầy mình ít hơn học hỏi ở những người khác, và thời gian họ ở gần thầy cũng không còn được nhiều....
Tuy nhiên , một đệ tử có căn cơ thích hợp sẽ nhiệt tâm hơn,sẽ làm rạng danh thầy mình hơn bởi vì họ đã nhận thấy được sự hữu ích trong những lời dạy của Vị Thày mình đã mang lại cho mình một Chánh Kiến từ nguồn Chánh Pháp uyên nguyên đã được ghi lại từ kim ngôn Phật thuyết và kính phục trước đời sống phạm hạnh cao cả của Phật được các Tổ Sư Thiền Tông từ Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam áp dụng trong hành xử và truyền giảng nguồn giáo pháp vi diệu này ...
Hy vọng những nhận thức thực nghiệm thời này vẫn sẽ tiếp tục đúng như Kinh Kalama hầu thực hiện được những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình cho người dựa trên trí tuệ, từ bi, với nhận thức đúng và lập trường đúng đắn .
Vì kinh Kalama nói lên tinh thần giác ngộ của đạo Phật và muốn giác ngộ phải nhận thức đúng, phải có trí tuệ. (Trí tuệ lại là thành quả của sự nghe học (văn), sự suy nghĩ (tư) và thực nghiệm (tu). Vì thế, nếu nghe lầm và tin mê thì rất có hại. Do vậy
tiếp nhận ý kiến người khác một cách khách quan, quan sát sự vật một cách như thật là điều kiện cần thiết để phát triển trí tuệ. )
Kính trân trọng,
Kính ngưỡng Thiền Sư Thần Nghi ...
....đệ tử nối pháp làm rạng danh Sư Phụ (1)
Chuyện sinh tử phải tuỳ tục là lẽ thường (2)
Tổ Đạt Ma quẩy dép quy Tây mãi vấn vương(3)
Nhận được sai lầm.... vì quá tin, ngưỡng phục !
Kính đa tạ Giảng Sư ...ôn nhắc sự truyền thừa liên tục !
Ảnh hưởng lên tư tưởng thiền phái Vô Ngôn Thông(4)
Giáo Pháp Đức Phật " Kinh Kalama" áp dụng mọi môn tông
Có chánh kiến khi thực hiện mười điều nên tránh (5)
Kính tán dương Ngài Thần Nghi...
hoàn thành được Nam Tông Tự Pháp Đồ Bản (6)
Dù trong đó Ngài Thông Biện có hai phái để ngoài (7)
Ân cần trao lại ...tiếp nối ngày mai (8)
Tiếc thay giặc loạn ....truyền nhân chẳng toại nguyện được !
Kính tri ân Giảng Sư ..." Sáu cửa vào động Thiếu Thất" (9)
Chỉ cần vào được một cửa là may
Quan tâm nhiều chi đến tác giả là ai
Chánh Pháp tồn tại phải vượt qua kiến chấp !
Cần có niềm tin vững chắc vào Chân Lý như Thật (10
Nam Mô Thiền Sư Thần Nghi tác đại chứng minh
Huệ Hương
Chú thích :
(1)
Sư họ Quách, quê ở Ngoại Trại, gia đình tu hành trong sạch. Sư xuất gia thờ Thiền sư Thường Chiếu làm thầy.
Thường Chiếu dám phủ nhận một điều mà sử sách còn ghi chép lại " trong Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông ấn Hoa ghi rằng: “Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma tịch nhục thân của Ngài nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Nhưng sau Tống Vân đi sứ Ấn Độ về gặp Tổ tại núi Thông Lãnh tay xách chiếc dép, một mình đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi: “Thầy đi đâu ?” Tổ đáp : “Về Ấn Độ”. Tống Vân trở về tâu việc này lên vua Hiếu Trang Đế, vua ra lệnh mở cửa tháp dở quan tài ra, thấy quan tài trống không chỉ còn một chiếc dép”.
Nhưng Ngài Thường Chiếu chẳng có lỗi gì vì lâu nay chúng ta có cái bệnh, những gì sử sách ghi lại, những gì người xưa nói, chúng ta đều cho là chân lý. Vì cho là chân lý nên không dám cãi,
Ngài Thường Chiếu dám cãi, đó là chuyện lạ thường trong giới tu hành.và đã làm chấn động khắp thiền môn
(2)
Đến khi Thiền sư Thường Chiếu sắp tịch, Sư hỏi:
- Mọi người đến thời tiết này, vì sao đều theo thế tục mà chết?
Thường Chiếu bảo:
- Ngươi nhớ được mấy người không theo thế tục?
Sư thưa:
- Một mình Tổ Đạt-ma.
Thường Chiếu hỏi:
- Có những đặc biệt gì?
Sư thưa:
- Một mình đạp trên sóng trở về Tây.
- Núi Hùng Nhĩ là nhà ai?
- Chỉ là chỗ chôn chiếc giày trong hòm mà thôi.
- Lừa người lấy lợi, đứng đầu là Thần Nghi.
- Đâu thể nói Tống Vân truyền dối, việc vua Trang Đế quật mồ thì sao?
- Một con chó lớn sủa láo.
- Hòa thượng cũng tùy tục chăng?
- Tùy tục.
- Vì sao như thế?
- Ấy là cùng người đồng điều (đồng điều tử).
(3)
Xung quanh Bồ Đề Đạt Ma có rất nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện mang sắc màu huyền thoại. Tương truyền sau khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma viên tịch, ba năm sau, Tống Vân (nhà Ngụy), đi sứ Tây Vực về, gặp Tổ Đạt Ma tại ngọn núi Thông Lãnh, thấy Tổ quảy sau lưng một chiếc dép, một mình đi mau như bay, Tống Vân hỏi: “Đại sư, pháp của ngài đã truyền cho ai rồi?”.
Đạt Ma đáp: “Sau này ngươi sẽ biết, giờ ta phải đi Thiên Trúc rồi!”. Nói xong, Đạt Ma bỏ chiếc dép đang cầm trên tay đưa cho Tống Vân, nói: “Ngươi hãy dùng chiếc dép này mau trở về đi, chủ nhà ngươi khó mà qua được ngày hôm nay”. Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Đạt Ma rồi trở về kinh thành thì quả thực vua Minh Đế đã băng hà.
Tống Vân thấy việc Đạt Ma nói rất đúng, nên đem Đạt Ma dự báo trước cái chết của Minh Đế tâu lên với vua Hiếu Trang mới vừa tức vị. Nhà vua không tin, cho lệnh tống giam Tống Vân vào ngục tối. Một thời gian sau, khi đã bớt giận, vua Hiếu Trang mới cho gọi Tống Vấn đến và hỏi rõ ngọn ngành. Tống Vân lúc này mới đem chuyện gặp Đạt Ma nói lại với vua.
Vua nghe xong ra lệnh quật mộ Đạt Ma lên để kiểm chứng. Khi quan tài được mở ra, trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dép cũ. Các vị quan được lệnh khám xét quan tài thấy vậy vô cùng kinh ngạc, đem mọi chuyện về tâu lại với vua. Vua nghe thấy vậy, mới tin những gì Tống Vân nói là thực bèn ra lệnh cho đưa chiếc giày còn lại của Đạt Ma về chùa Thiếu Lâm để thờ ở đó.
Về Đạt Ma, có câu thơ nhà Phật vẫn hay nói: " Dép cỏ lối về còn hiển hiện/ Hoa đàm tuy rụng vẫn dư hương". Ngoài ra còn có một số câu chuyện khác nữa những mỗi câu chuyện còn khá nhiều bí ẩn nhưng ý nghĩa của tượng gỗ Đạt Ma quẩy một chiếc giày vẫn tồn tại và được lưu truyền rộng rãi trong giới Phật giáo.
Hình ảnh một chiếc giày như muốn nói lên rằng, cuộc đời thực sự cũng chỉ là một cõi đến đi mà thôi. Hình ảnh Đạt Ma sư tổ cùng chiếc giày này cũng nhắc nhở con người về cuộc sống trần gian – Đời người sau khi mất đi chỉ còn lại tro tàn, hãy sống thế nào để người đời còn nhớ đến. Thiền trượng mà Ngài dùng để quẩy chiếc giày lên vai là biểu trưng của sự giác ngộ.
Người ta cho rằng, Đức Đạt Ma chỉ dùng thiền trượng để quẩy một chiếc giày mang ý nghĩa: Chiếc giày để lại mộ phần là dù con người chết đi nhưng vẫn lưu dấu trên dương thế, dấu vết đó sẽ tùy duyên mà hiện hữu hay tuyệt diệt. Còn chiếc giày được ngài mang về cõi Tây thiên chính là cõi siêu thoát. Như vậy, hình ảnh sư tổ Đạt Ma quẩy chiếc giày cũng là lời nhắc nhở con người muốn giải thoát thì trước tiên cần giác ngộ, loại bỏ tham, sân, si mà sống tích cực hơn với đời.
Và hình ảnh đó còn có ý nghĩa răn dạy chúng ta: Khi đã chọn đúng đường thì dù còn 1 chiếc giày cũng vẫn cứ đi.
(4)
Trong "Truyền Đăng Lục" quyển 30 có kể về Đạt Mạ Tổ sư như sau: Pháp sư (Bồ-đề Đạt-mạ) là con thứ 3 của một vị đại vương Bà-la-môn ở Nam Thiên Trúc thuộc Tây Vực. Thần huệ sáng thông, nghe đâu ngộ đó. Ông nuôi chí cầu pháp đại thừa, trút lớp áo trắng Cư sĩ, khoác lên mảnh nâu sòng, quyết làm hưng thịnh hột giống Thánh.
Thoải mái trong lòng, thông suốt thế sự, trong ngoài sáng rỡ, đức hạnh vượt ngoài khuôn mẫu thế gian. Ông đau lòng trước cảnh suy vi của Thánh giáo ở nước ngoài, bèn băng núi vượt biển, qua du hóa ở Trung Hoa nước Ngụy. Vào núi Thiếu Thất diện Bích trong 9 năm
(5) Có học Tổ Sư Thiền mới thấy được quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa hai thế hệ kế thừa mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua nhiều thế hệ. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò. Một đệ tử nối pháp vừa xiển dương tông phái của mình, vừa làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại.,
Từ Đạt Mà đến Huệ Khả đến Tăng Xán, Đạo Tín, Ngũ Tổ Hoàng Mai đến Lục Tổ Huệ Năng
Lục Tổ Huệ Năng có nhiều đệ tử ưu tú trong đó ngài Hành Tư truyền qua Nam Nhạc Hoài Nhượng rồi đến Mã Tổ Đạo Nhất truyền cho Bách Trượng Hoài Hải mà tổ sư đầu tiên dòng phái Vô Ngôn Thông đã đạt yếu chỉ " tâm địa nhược không , Huệ nhật thực chiếu " để truyền tiếp tục mãi về sau tại Việt Nam và Nhài Thần Nghi đã nối pháp đời thứ 13
(5)
Kinh Kalama
Trong Kinh Kalama, đức Phật khuyên người dân Kalama đừng vội tin điều gì chỉ vì:
1/ được nghe đi nghe lại nhiều lần,
2/vì đó là truyền thống,
3/vì nghe đồn đại,
4/vì được ghi trong kinh điển,
5/vì phỏng đoán,
6/vì đó là tiên đề,
7/vì đó là lý luận có vẻ hợp lý,
8/vì dựa theo ý kiến chủ quan đã được cân nhắc,
9/vì người ấy có vẻ là người có khả năng,
10/ vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Bài kinh được nhiều người xem như là một "Hiến chương Phật giáo về tự do trạch vấn", vì trình bày cách thử nghiệm tốt để mang lại sự tín nhiệm nơi giáo Pháp của những người muốn sống hướng thượng, yêu mến trí tuệ, yêu mến chân lý và nghiêm túc thực hành.
Kinh Kalama đã toát yếu nhận thức luận Phật giáo về chánh kiến. Bởi sau khi nhận dạng các sai lầm trong tranh luận, kinh triển khai về các loại hiểu biết cần thiết cho để giúp cho mỗi người có thể có tự quyết định một cách thích hợp nhất. Vì Phật cũng nhấn mạnh, nếu khi nào tự mình biết rõ các pháp nào là thiện, các pháp nào là tốt, được các người có trí tán thán, đưa đến lợi ích và tốt đẹp thì mọi người hãy nên tin nhận và thực hành. Phật dạy, phải cân nhắc đến những hậu quả có thể xảy ra của một quyết định. Vì hậu quả của quyết định sẽ chứng tỏ là nó sai hay đúng. Phật không khuyên nên coi nhẹ lợi ích của bản thân mà phải lợi ích cho bản thân và cả những người liên quan. Và chính việc học hỏi các quan điểm của người trí sẽ giúp chúng ta có những quyết định chính xác. Đức Phật cũng giải thích rằng sự khích lệ từ các vị thiện tri thức và sự bác bỏ hoặc khiển trách từ các vị thánh thiện là những công cụ quan trọng để ta đánh giá sự sáng suốt của một quyết định. Bất cứ ai có khả năng lý luận sáng suốt và chế ngự được tham và sân là các bậc thiện tri thức.
Như vậy, Kinh Kalama nói lên tinh thần giác ngộ của đạo Phật và muốn giác ngộ phải nhận thức đúng, phải có trí tuệ. Trí tuệ là thành quả của sự nghe học (văn), sự suy nghĩ (tư) và thực nghiệm (tu). Vì thế, nếu nghe lầm và tin mê thì rất có hại.
(6) (7) Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền lễ bái thưa:
- Con đã hiểu lầm rồi.
Thường Chiếu liền hét.
Sư lại thưa:
- Con thờ Hòa thượng nhiều năm, mà không biết người truyền đạo này buổi đầu là ai? Cúi xin Hòa thượng chỉ dạy việc thứ lớp truyền pháp, khiến học giả biết được nguồn gốc.
Thường Chiếu khen Sư có lòng khẩn thiết, bèn lấy Chiếu Đối Bản của Thiền sư Thông Biện ra và ghi những điều trong tông phái làm thành Nam Tông Tự Pháp Đồ để chỉ dạy Sư. Sư xem qua xong, liền hỏi:
- Phái Nguyễn Đại Điên, phái Nguyễn Bát-nhã, vì sao không thấy trong Đồ bản này?
Thường Chiếu đáp:
- Ý của Thông Biện ắt có lý vậy.
(8) Thường Chiếu tịch, Sư về trụ trì chùa Thắng Quang làng Thị Trung, Kim Bài. Nơi đây, Sư diễn hóa tông thừa, đồ chúng theo học rất đông.
Đến ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý, nhằm niên hiệu Kiến Gia thứ sáu (1216) đời Lý Huệ Tông, Sư gọi đệ tử là Ẩn Không đến lấy Đồ bản của Thường Chiếu trao cho dặn: “Phương này hiện nay tuy loạn, ngươi khéo giữ Đồ bản này, cẩn thận đừng để cho binh lửa làm hoại, ắt là Tổ phong của ta không mất vậy.”
Nói xong Sư tịch.
(9) theo lời mở đầu của HT Thích Thanh Từ
Trong Thiếu Thất Lục Môn tôi cũng lược kể qua: Lục môn là sáu cửa hay sáu pháp môn để vào trong động Thiếu Thất hay trong núi Thiếu Thất.
Sáu cửa đó nếu chúng ta nương vào thì đi thẳng đến cái nhà Thiếu Thất. Nhà “Thiếu Thất” tức là thầm chỉ cái nhà mà Tổ Đạt-ma đã ngồi chín năm trong đó.
Như vậy, nếu chúng ta đi vào con đường của Tổ Đạt-ma đã đi hay là đến chỗ Tổ Đạt-ma đã đến thì không gì hơn là đi vào sáu cửa này.
Tuy nhiên, nêu sáu cửa là phương tiện, thứ lớp để cho chúng ta có mạch lạc tiến chớ còn thực tế ở trong đó một cửa mà chúng ta đạt tới viên mãn thì có thể cũng tới được cái nhà “Thiếu Thất” của Tổ Bồ-đề-đạt-ma rồi.
Vì vậy cho nên trong sáu cửa này thì phương tiện chia ra làm sáu để cho có một trình tự tu tiến, chúng ta nhận định từ gần đến xa, từ cạn đến sâu, chớ còn trên thực tế nếu chúng ta ở trong một cửa mà đạt được lý viên mãn thì có thể đã vào được cái nhà “Thiếu Thất”.
- Cửa thứ nhất gọi là TÂM KINH TỤNG.
- Cửa thứ hai gọi là PHÁ TƯỚNG LUẬN.
- Cửa thứ ba gọi là NHỊ CHỦNG NHẬP.
- Cửa thứ tư gọi là PHÁP MÔN AN TÂM.
- Cửa thứ năm gọi là NGỘ TÁNH LUẬN.
- Cửa thứ sáu gọi là HUYẾT MẠCH LUẬN.
(10)
Phật giáo là nền luân lý giáo dục nhân bản trên định hướng tốt đẹp cho cá nhân và cộng đồng. Ở nền tảng căn bản, những hành động nào liên quan đến tham, sân và si là xấu và những hành động vô tham, vô sân, và trí tuệ (Paññā) là tốt. Những hành động tốt rất cần cho việc tu tập. Nhưng một khi hành giả đã thành tựu mục tiêu giải thoát tối thượng rồi, thì hành giả vượt ra ngoài cái tốt, cái xấu (như hành động của một vị A-la-hán vô tác nghiệp). Và con đường nhận thức đúng với Trung đạo trong Bát chánh đạo được bắt đầu bằng chánh kiến. Chánh kiến tức là nhận thức đúng, là loại bỏ những tà kiến sai lầm, những chấp thủ vào những tà thuyết, là giúp con người tự tỉnh thức để thoát khỏi "ngã chấp", thoát khỏi tham - sân - si, khơi nguồn cho hạnh phúc, giải thoát. Vì vậy, đạo Phật là con đường kiến tạo xã hội an bình, thịnh vượng, xây dựng con người hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại, giành cho người trí, đến để mà thấy, và là quả Niết-bàn tối thượng trong tương lai.
🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️