Hãy đón nhận tầm nhìn sâu rộng của một Giảng sư trên hành trình học hỏi giáo lý Phật Pháp
Hãy đón nhận tầm nhìn
sâu rộng của một Giảng sư
trên hành trình học hỏi giáo lý Phật Pháp.
(Vài cảm nhận khi nghe Pháp Thoại TỊNH ĐỘ HIỂN GIÁO & MẬT GIÁO do TT Thích Hạnh Tấn trình bày trên Zoom online của ban Truyền bá Giáo lý do Hội Đồng Hoằng Pháp Âu Châu đêm 24/10/2024 )
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch TT.GS Thích Hạnh Tấn,
chủ nhiệm ban Truyền Bá Giáo lý của Hội Đồng Hoằng Pháp Âu Châu
Kính thưa quý đạo hữu trong ban truyền thông thực hiện chương trình và quý đạo hữu thính pháp.
Thật là một hoan hỷ đặc biệt đối với con khi được nghe về Tịnh Độ Mật Giáo và những vấn đề ngộ nhận dù rằng từ hơn 15 năm nay con đã khám phá, tìm tòi, học hỏi , rồi chia sẻ về THIỀN, TỊNH, MẬT theo cách phát triển cá nhân, theo quan điểm thọ nhận của mình bằng những bước đi tuần tự như thu thập bằng cách đọc, nghe và dành thời gian để suy ngẫm, tiêu hóa những kiến thức đã thu thập được.
Sở dĩ con được duyên may này có lẽ nhờ con luôn nhớ đến câu nói tuyệt vời của Ngài Mark Twain, một tác giả người Mỹ, "Sau 20 năm nữa bạn sẽ thất vọng hơn với những gì bạn đã không làm hơn là với những gì mình đã làm. Vì vậy hãy sắn tay áo lên và bước vào thử thách. Nếm trải nó. Khám phá nó. Và mơ ước”.
Và đúng như thế sau 3 năm được gia nhập hệ thống Zoom online (do sự khuyến khích và truyền cảm hứng đến từ Vị Thầy mà con luôn trân kính và ngưỡng mộ : TT Thích Nguyên Tạng) con mới hiểu ra rằng chính niềm tin và lòng khao khát tìm kiếm đã giúp con gặp được những điều này một cách tự nhiên và liên tục để đón nhận những bài pháp chứa đựng những câu trả lời hữu ích liên quan đến một chủ đề mà mình chú tâm theo đuổi.
Hẳn đây cũng là một yếu tố về “luật hấp dẫn” trong tâm trí để con được nghe những bài pháp thật tuyệt vời như hôm nay.
Điều đó cũng cho con cho thấy rằng *sự đồng điệu tâm trí* và *trí tuệ cảm nhận* của chúng ta, (mỗi người Phật Tử ) đang kết hợp rất hài hòa, mở ra một không gian để đón nhận những gì hữu ích.
Kính xin Giảng Sư và quý đạo hữu cho phép con được trình bày những cảm nghĩ thật chân thành trong lúc tường thuật về buổi pháp thoại thật tuyệt vời này tuy không tỉ mĩ chi tiết như cách phiên tả nhưng hy vọng sẽ được đón nhận đầy thông cảm.
Buổi pháp thoại bắt đầu từ con số 25 người tham dự và độ 15 phút sau đã lên đến 58 người tham dự với sự có mặt gần như đầy đủ các MC thường xuất hiện trong mọi chương trình như: Đạo hữu Quảng Huệ, Huệ Sơn, Minh Đạo, Nhuận Phát, Ngọc Sáng và các Phật tử rất thuần thành như Đạo hữu Đức Trí Diệu Như, Huệ Tâm Hiền Thuý Nga, Tâm Quang Brisbane( Úc Châu), Quảng Tịnh, Đồng Viên, Tâm Vân, Trừng Chánh và còn nhiều nhiều nữa ….
Mở đầu MC Nhuận Phát đã giới thiệu đôi dòng về hành trạng Thầy Hạnh Tấn trong nhiều năm hoằng pháp, nhưng điều con lại gặp một sự tương thông với tâm trí con, đó là khi nghe Chùa Vô Lượng Thọ (Đức quốc) do Thầy Hạnh Tấn làm Viện chủ, hằng năm lập đàn Dược Sư vào dịp lễ Vía Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật vào 30 tháng chín âm lịch, chứ không vào đầu năm âm lịch khi đón Tết như các chùa khác tại Úc Châu.
Đi vào chương trình, Giảng Sư đã cho biết hiện nay có thể nói là 80%-90% Phật tử VN tu theo Tịnh Độ và có thể nói phần đông đều đồng hoá việc vãng sinh sau khi chết là căn bản của pháp môn Tịnh Độ, nhưng theo Giảng Sư có thể nói pháp môn này rất rộng lớn và không đơn thuần như chúng ta tưởng, dù rằng pháp môn nào cũng tuỳ căn cơ thích hợp người tu nhưng ít ra phải nắm được căn bản.
Giảng Sư tiếp theo “ Tu tịnh độ là tu thế nào, nếu chỉ nói vãng sinh và niệm danh hiệu Phật A Di Đà là không đủ? “
Giảng Sư chú thích thêm, từ Sơ Tổ Huệ Viễn đến tổ thứ 13, Ngài Ấn Quang đều phân chia rõ ràng, có một tịnh độ bên ngoài ( Cảnh) cõi Cực Lạc Tây Phương) và một tịnh độ bên trong ( Nội Tâm ) còn gọi là Tự Tánh .
Sau đó Giảng Sư đã khai triển các trường phái Hiển Giáo và Mật Giáo .
-Theo đó về Hiển Giáo phần đông các quốc gia theo Đại thừa hiện nay gồm có Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, trong khi các quốc gia theo Phật giáo Nguyên Thuỷ ( Tiểu thừa) gồm Tích Lan, Miến Điện , Thái Lan, Kam pu chia
Riêng về Mật Giáo có Bhutan, Tây Tạng, Sikkim(hay Xích Kim, Tích Kim), một bang nội lục của Ấn Độ. Bang nằm trên dãy Himalaya, có biên giới quốc tế với Nepal ở phía tây, với Tây Tạng ở phía bắc và đông, với Bhutan ở phía đông (giáp vùng hành chính Samtse).
Ngài cũng nói thêm nếu tu Tịnh Độ Hiển Giáo thì chúng ta có 3 bộ kinh : Kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà tiểu bổn, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chủ trương vãng sinh và lấy tín, nguyện, hành làm kim chỉ nam. Điều mà con ngạc nhiên nhất là khi nghe Giảng Sư chỉ ra một sự lãng quên của các Tổ cho đến ngày nay là không đề cập nhiều đến “Tu tập PHÁT BỒ ĐỀ TÂM”
Thật ra trước khi vào pháp thoại con cũng có nghiên cứu sơ qua khi xem tác phẩm PHÁP TU TỊNH ĐỘ TRONG MẬT TÔNG—-Dhyani Buddha Amitabha Tạng Ngữ: Od.dpag.med có viết như sau “ nếu tu theo Tịnh Độ Mật Giáo thì hầu như vị Phật nào cũng có 1 cõi tịnh độ, nhưng trong số đó thì cõi tịnh độ của đức Phật Amitabha Vô Lượng Quang, Vô lượng thọ) là có duyên nhất với cõi Ta bà này, được đức Thích Ca Mâu Ni giới thiệu nhiều nhất Tuy nhiên hầu như trong Mật Giáo Phật pháp lại do Pháp thân của Phật là Đức Đại Nhật Như Lai Tỳ Lô Giá Na và mọi tình yếu giáo huấn Phật đều được gọi là Tâm Ấn và chỉ truyền qua sự quán đảnh giữa Thầy và Trò,khác với quán đảnh A Di Đà cho mọi người.”
Và một điều khác với Tịnh Độ Hiển Giáo nhất là trong nghi lễ, hành giả phải “NGỒI TU TẬP THEO TƯ THẾ 7 ĐIỂM TỲ LÔ GIÁ NA, TỤNG BẢN VĂN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM, Sau đó quán tưởng mình đã được ánh sáng chiếu từ vị Phật tan hòa vào thân, khẩu, ý của con, nhờ đó những hành động bất thiện của mình được đốt sạch, hãy nghĩ và quán tưởng như vậy trong nhiều phút và sau cùng là sự sám hối bằng lời. Hãy nhớ lại tất cả những hành vi bất thiện đã tích lũy từ luân hồi vô thủy, niệm với sự ăn năn bài sám hối này.
Điều này giải thích rằng “ Để nhìn thấy Cõi tịnh độ ngay trong đời này là gì? Hãy tịnh hóa tâm thức, tịnh hóa tam nghiệp Thân Khẩu Ý. Và cách thấy cõi tịnh độ là bằng tâm, một tâm thức thanh tịnh chứ không phải con mắt bình phàm” vì Niệm là Nhớ, Nghĩ .
Hơn thế nữa Giảng Sư còn chỉ ra trong “HÀNH” điểm quan trọng nhất là Phát Bồ Đề Tâm (tuy nó không phải là Chánh hạnh nhưng lại là điểm cốt yếu nhất, không thể lãng quên được )
Kính bạch Giảng Sư,
Nhờ có xem trước và nghiên cứu nên khi thấy sự chỉ dạy của Thầy trở nên rõ ràng hơn, dễ dàng hơn trong việc dẫn dắt học hỏi Giáo lý , nên xin thú thật với Thầy, con đã hoàn toàn tự mình mở lòng để tiếp nhận những điều ý nghĩa và hữu ích trong buổi pháp thoại. Và đúng như nhận xét của tác giả Quyển Pháp tu tịnh độ trong Mật Tông, Giảng Sư đã chỉ ra sở dĩ các Tổ sau này khuyến khích người tu nên cầu sanh Tây Phương Cực lạc vì môi trường cõi Ta Bà này rất phức tạp và khó khăn.
Kính trích đoạn “Trong cõi luân hồi sanh tử này, việc tái sanh ở một cõi như cõi của đức A Di Đà luôn luôn là khôn ngoan. Cho nên trong Phật giáo Việt Nam, tịnh độ tông rất phát triển vì căn cơ ứng hợp với mọi chúng sanh. Chỉ cần Tín Hạnh Nguyện là bạn có thể lên tới cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, trong Mật tông Tây tạng cũng vậy”
Thật là thú vị khi được Giảng Sư với kiến thức vừa vững chắc phong phú, đa dạng, đã đến cho con nguồn năng lượng tích cực, khi giải thích thêm HÀNH thuộc về Tịnh Độ Mật Giáo là bao gồm tất cả các thiện pháp kể cả lễ bái, hồi hướng, làm các việc thiện xã hội chứ không phải chỉ niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà ta có thể niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, Đức Quan thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Thế Chí, Đức Văn Thù Sư Lợi, hoặc Ngài Thượng Sư nào đó.
Kính bạch Giảng Sư,
Với kiến thức sâu rộng của Thây đã chinh phục trái tim của bao người trong zoom, kể cả con khi được Thầy phân tích những điều khác biệt giữa Tịnh độ Hiển Giáo và Tịnh Độ Mật Giáo như sau :
-) Hiển Giáo nghĩ rằng mình không thể trở thành ngay Đức Phật A Di Đà dù rằng mình có tự tánh, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình là một hành giả ở cõi Cực Lạc .Vì sao vậy ? vì các hạnh của mình và cách suy nghĩ của mình đều chưa tương ưng với Bồ Tát.
Giảng Sư nhắc lại lời Sư Ông Chơn Điền, cho rằng hiện nay các hành giả chỉ TÁT VÔ (lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tư lợi cầu xin ) chứ chưa thực hiện được TÁT RA.
-) Trái lại trong Mật Giáo, người tu Tịnh Độ phải chấp nhận mình là Bổn Tôn, quán tưởng chính mình là Đức Phật A Di Đà và sẽ giúp cho tất cả chúng sanh thành tựu quả vị Phật A Di Đà. Trong khi trụ trong quán tưởng này,(Hai bàn tay ở trong tư thế quân bình thiền định, Ấn Thiền Định, và trong bàn tay là một bình bát. Từ tim của Ngài phóng chiếu ra hào quang khắp pháp giới chúng sanh.) đồng thời đọc, trì tụng thật nhiều thần chú Phật A Di Đà.
Hoặc là khi lấy Đức Quán Thế Âm làm bổn tôn, phải chấp nhận mình là bổn tôn Đức Quán Thế Âm đó , lấy Phổ Đà lạc già làm quê hương mình v,v….
Điều đặc biệt là người hành giả đó phải nhận được sự truyền thừa từ một vị Thầy bằng sự quán đảnh chứ không phải truyền miệng như quy y Tam Bảo trong hiển giáo .
Sau cùng Giảng Sư đã kết thúc buổi pháp thoại bằng cách nhấn mạnh vào những điểm cụ thể vừa trình bày để giúp thính giả kiên định và tập trung vào mục tiêu bài pháp thoại nghĩa là “ Chúng ta người tu Tịnh Độ đều phải un đúc một tâm thức cao , phải xây dựng cho mình một tịnh độ ngay khi đang tu tập bằng cách Phát Bồ Đề Tâm và thể ngộ được Tánh Khôngvif quả đều phát sinh từ nhiều Nhân, và , không có pháp nào hoàn toàn do tha lực mà phải tu tập rất nhiều, đừng nghĩ không làm gì cả mà có thể hưởng quả bất ngờ . Bằng không chúng ta sẽ bị tâm thức đánh lừa giống như được tiêm vào một liều thuốc ngủ và khi thức dậy vẫn hoang mang, mơ hồ “.
Giảng sư đã nhắn nhủ một điều đến những ai tha thiết cầu nguyện để tái sanh vào cõi tịnh độ Cực lạc rất là phổ biến. Đó là đừng tưởng thực hành Tịnh Độ theo Mật giáo rất khó mà tại vì chúng ta không sẵn sàng vì trên thực tế với dân số Tây Tạng và Bhutan thì cách tu này đã thích hợp với những người bình thường và ai cũng có thể thực hành.
Chỉ cần đam mê thì ta sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, chỉ cần biết từ bỏ mọi ác hạnh và tuỳ thuộc vào năng lực những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, chúng ta có thể dấn mình hành Bồ tát đạo, kiện toàn Bồ đề Tâm và trở thành một hành giả tuyệt vời đi về một quốc độ thanh tịnh an lạc mà không đi qua ngõ Thai cung khi vãng sanh.
Lời kết:
Có thể nói theo tiêu chuẩn của một vị Giảng Sư ưu tú và uyên bác, xuất sắc cần ( 1- *Kỹ năng truyền đạt hiệu quả**: 2-**Kiến thức sâu rộng và cập nhật**: 3-“Sự đam mê và cảm hứng**: 4- **Khả năng tương tác nhạy bén và kết nối với người nghe*)..... thì bài pháp thoại do TT GS Thích Hạnh Hạnh Tấn đã mang lại *sự đồng điệu tâm trí* và *trí tuệ cảm nhận* của tất cả thính chúng , một kết hợp rất hài hòa, mở ra một không gian để đón nhận những gì hữu ích.vì sau đó Giảng Sư sẵn sàng đáp ứng mọi câu hỏi và thảo luận từ MC Nhuận Phát, Thiện Phát, Trừng Chánh, Thuý Nga, Quảng Tịnh và đặc biệt với cô gái, con của đạo hữu Đồng Viên bằng tiếng Đức, tất cả mọi thắc mắc đều được Giảng Sư được thí dụ và tóm gọn lại trong những điều về Phát Bồ Đề Tâm, và cách truyền Tâm Ấn theo Mật giáo đã giảng từ 90 phút trước.
Điều cần thêm vào là ý niệm về hai chữ Thiện và Ác đã được Thầy xác quyết rõ ràng qua lời dạy của Đức Phật “ Người đáng thương cũng có chỗ đáng hận , và người đáng hận cũng có chỗ đáng thương” nghĩa là “ ÁC, THIỆN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT SỰ KIỆN, mà là THÁI ĐỘ của con người đối với việc đó.
Kính bạch Giảng Sư,
bài pháp thoại không chỉ là thành công mà là một hành trình lan tỏa trí tuệ và ý nghĩa. Mỗi một lần được học hỏi và được truyền lửa từ những Giảng Sư tài giỏi,con đã được soi sáng với ngọn đuốc sáng ngời và khơi gợi niềm đam mê trong con hơn khi tìm hiểu thêm giáo lý Phật Pháp.
Kính tri ân TT.GS và kính chúc Thầy phước trí nhị nghiêm và pháp thể khinh an.
Nhân đây con cũng kính xin phép được biểu hiện sự ngưỡng mộ chân thành của con đến TT Thích Nguyên Tạng, Vị Thầy đã giới thiệu con vào chương trình học pháp với ban truyền bá giáo lý và cho phép con chia sẻ cảm nghĩ khi thọ nhận pháp nhũ từ các bậc hiền triết cao tăng với tư cách thông tín viên của Trang nhà Quảng Đức, một trang mạng Phật Giáo rất uy tín về mọi mặt.
Một lần những con kính dâng một bài thơ do con cảm tác đến Đạo tràng TRUYỀN BÁ GIÁO LÝ ONLINE CỦA BAN HOẰNG PHÁP ÂU CHÂU, để nói lên sự đồng điệu trong tâm trí giữa Giảng Sư và thính chúng.
Kính trân trọng
Úc Châu 26/10/2024
Huệ Hương
Sự đồng điệu tâm trí !
“Hãy sắn tay áo lên và bước vào thử thách” (1)
Bằng niềm tin,
lòng khao khát kiếm tìm bất cứ lĩnh vực nào
Dưới mọi góc nhìn,
thu thập kiến thức, trải nghiệm để làm sao
Khi cuối cùng, đúc kết lại hiện ra bài học quý giá!
Có lẽ quan trọng nhất là…
cân bằng thái độ trí tò mò và mức khiêm hạ !
Hãy noi gương
người truyền cảm hứng, người thành công
Lại phải biết ơn những người đã nói “ KHÔNG”(2)
Khai phá con đường phổ biến khác để mở rộng trí tuệ!
Tạo dựng nên những giá trị
không thể đong đếm, biệt lệ ."
Vì cơ thể mỗi người giống như một khu vườn,
Muốn trồng hoa, cây ăn trái
tùy thuộc tâm lý khó lường
Bất kỳ việc gì họ đang làm,
sẽ quy định bản sắc nhân cách! (3)
Tự mình mở lòng
tiếp nhận những điều ý nghĩa, hữu ích.
Để tỉnh táo, có sự nhận biết rõ ràng.
đều nằm trong ý chí chúng ta
Mọi việc nên nhìn về phía trước và tìm cách vượt qua
Hãy chọn cách lắng nghe để thấu hiểu,
Kính tri ân Giảng Sư
đã giúp con tìm lại “ Sự đồng điệu”!
(thơ Huệ Hương)
*************************
(1) Mark Twain, một tác giả người Mỹ, đã nói lên ý này trong câu nói "Sau 20 năm nữa bạn sẽ thất vọng hơn với những gì bạn đã không làm hơn là với những gì mình đã làm. Vì vậy hãy sắn tay áo lên và bước vào thử thách. Nếm trải nó. Khám phá nó. Và mơ ước
(2) Albert Einstein :“ Tôi rất biết ơn những người đã nói “ KHÔNG” với tôi. Nhờ vậy mà tôi biết cách tự giải quyết mọi việc.
(3) “Cơ thể chúng ta giống như một khu vườn, ý chí của chúng ta là người làm vườn trong khu vườn này, chúng ta trồng cây tầm ma, trồng rau diếp, trồng bài hương, hay nhổ cỏ xạ hương; trồng một loại thực vật duy nhất, hay trồng đủ các thể loại, rồi để nó phát triển hoang dại hay chăm chỉ vun trồng, cái quyền đó đều nằm ở ý chí của chúng ta.” Trích tác phẩm Othello của William Shakespeare.