Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!

16/08/202408:12(Xem: 644)
Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!

 

cha me



Mối liên hệ về chữ “Hiếu”
trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan
ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!

 

Đỗ Văn Tuấn
(Pháp danh: Ngộ Hỷ Đức)





Tóm tắt

          Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN - 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền, do những đặc điểm siêu thế tục nổi bật của mình, Phật giáo từng phải chịu sự lên án của người dân Trung Quốc, đặc biệt là các Nho sĩ khi mới du nhập vào đất nước này. Các nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cổ đại đã phải đào sâu các tư tưởng về “đạo đức hiếu thảo” từ kinh điển Phật giáo và quảng bá, phổ biến tư tưởng này để làm cho Phật giáo phù hợp với đạo đức truyền thống Trung Quốc. Đây là nền tảng để Kinh Vu Lan, lễ hội Vu Lan được truyền bá rộng rãi ở đất nước tỷ dân này. Những tư tưởng “hiếu thảo” của Phật giáo ở các bộ Kinh Vu Lan không chỉ phù hợp với quan niệm “tôn kính gia đình” của Nho giáo Trung Quốc mà chữ “hiếu” của Phật Giáo còn có ý nghĩa cao quý hơn và vượt lên sự thế tục, có tính thiêng cao.

 

Từ khóa: Hiếu thảo, lễ hội Vu Lan, Nho giáo, Phật giáo

 

Nội dung

 

Chữ “Hiếu” trong Nho Giáo

          Trung Quốc rất nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức “hiếu thảo”. Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo, là người ủng hộ mạnh mẽ các tục lệ “hiếu thảo”. Như Luận ngữ[1] của Khổng tử: “Trước hết phải dạy cho con em ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc lớn tuổi, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức, làm được như vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn[2]”.

          Đệ tử Hữu Nhược đã nói về lời dạy của sư phụ Khổng Tử: “Phụng sự cha mẹ là gốc rễ của lòng nhân từ và lẽ phải. Con người phải dựa vào đức hạnh hoàn hảo để đi đến con đường[3]”. Khổng Tử rất coi trọng việc phụng dưỡng cha mẹ trong những lời giảng của mình:

          Mạnh Tôn hỏi Hiếu là gì; Đức Khổng Tử nói: “Vô Vi (không nên trái)”. Khổng Tử nói với một học trò khác đang đánh xe là Phàn Trì: Mạnh Tôn hỏi ta về đạo Hiếu, ta bảo là “không nên trái”. Phan Trì thưa lại: “Ý nghĩa của Thầy là như thế nào?”, Đức Khổng Tử trả lời: “Lúc cha mẹ khi còn sống phải được phụng dưỡng một cách đúng mực; khi chết thì phải chôn cất theo đúng nghi thức; và họ nên được tôn thờ, cúng tế có lễ nghi”…

          Mạnh Võ Bá hỏi Hiếu là gì, Đức Khổng Tử dạy: “Bổn phận làm con, điều lo lắng nhất là bệnh tật của cha mẹ”… Tử Du hỏi Hiếu là gì, Đức Khổng Tử nói: “Trong thời đại này, nhiều người cho rằng nuôi dưỡng cha mẹ chỉ cần ăn no mặc ấm là hiếu. Nếu không có lòng kính, thì có khác nào nuôi ngựa nuôi chó, làm sao gọi là hiếu được?” (Yang, 1958, trang 147-148).

          Khổng Tử cho rằng hiếu thảo không chỉ là cung cấp cơm ăn, áo mặc cho cha mẹ; điều quan trọng hơn là phải tôn trọng nhân cách của cha mẹ và học hỏi những thói quen, phẩm chất tốt đẹp của họ để ghi nhớ, để tiếp nối tổ tiên. Phận làm con phải thực hiện một cách đúng mực, bao gồm: “chăm sóc sức khỏe của cha mẹ, nhất là khi họ ốm đau, bệnh tật; lúc cha mẹ qua đời thì lo liệu tang lễ cho chu toàn; đồng thời phải cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ để mang lại vinh quang cho gia đình”. Làm theo những điều này mới thực sự là đức hiếu thảo. Ông cũng mở rộng khái niệm “tôn kính gia đình” không chỉ giới hạn là phục dưỡng cha mẹ. “Đạo đức hiếu thảo” còn bao gồm phát triển những đức tính cao thượng, siêng năng làm việc, giữ vững niềm tin vào chức vụ của mình, xây dựng công danh, sự nghiệp xuất sắc và đạt được những thành tựu to lớn. Điều này được ghi lại ở Chương 1[4] trong “Hiếu kinh[5]”:

          “Này đây, Hiếu là căn bản của Đức, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân”[6].

          Khổng Tử nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo và sự thờ cúng, điều này chắc chắn có tác động đáng kể và sâu sắc đến sự phát triển các đặc điểm của lễ Vu Lan sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc.

          Bên cạnh nhà hiền triết Khổng Tử, Mạnh Tử cũng đề cao việc tôn trọng gia đình không kém gì Khổng Tử. Ông cho rằng nếu người đàn ông không thể làm hài lòng cha mẹ mình, anh ta không thể được coi là một người đàn ông đủ tư cách. Nếu một người đàn ông không vâng lời cha mẹ, anh ta không thể được coi là người con đủ tư cách. Ông nói, “Có rất nhiều việc trọng đại, nhưng phụng sự dành cho cha mẹ là gốc rễ của tất cả những việc trọng đại khác (Logge, 1983, trang 314).

          Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo của dân tộc Trung Hoa kể từ thời nhà Hán. Từ đó, tư tưởng “hiếu thảo” đã trở thành một phần thiết yếu của văn hóa Trung Quốc. Nho giáo chủ trương cai trị đất nước bằng “đạo hiếu” và mở rộng “hiếu” thành sự “trung thành”. Ở Trung Quốc cổ đại, sự nhấn mạnh, quan trọng của tư tưởng “đạo đức hiếu thảo” đã dẫn đến việc chỉ tìm kiếm những vị quan trung thành xuất thân từ những “gia đình hiếu thảo”. Người ta tin rằng nếu một người có thể tận tụy với trách nhiệm đất nước và quốc gia của mình, thì trước tiên người đó phải hiếu thảo với cha mẹ. Nếu một người không thể kính trọng và thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, gia đình thì không thể giữ được lòng trung thành của mình với bất kỳ ai. Vì vậy, tư tưởng “hiếu thảo” là nguyên tắc đạo đức không thể thiếu trong xã hội Trung Quốc và đây là nền tảng để Kinh Vu Lan, lễ hội Vu Lan được truyền bá rộng rãi ở đất nước này (Yin Zhao, 2022).

 

Chữ “Hiếu” trong văn hóa lễ Vu Lan ở Phật Giáo

          Mặc dù giáo lý Phật giáo cũng chứa đựng khái niệm “tôn kính gia đình”, nhưng nó không nằm trong xu hướng chủ đạo. Do những đặc điểm siêu thế tục nổi bật của mình như giải thoát – giác ngộ…, Phật giáo từng phải chịu sự lên án của người dân Trung Quốc, đặc biệt là các Nho sĩ khi mới du nhập vào đất nước này. Hệ thống Tăng già Ấn Độ truyền giáo là những vị tu sĩ phải cạo tóc, rời xa gia đình, không còn dục vọng, ái luyến… để tu học trong chùa, các cơ sở tự viện. Trong khi đó, quan niệm “hiếu thảo” truyền thống của Nho giáo yêu cầu con cái phải lập gia đình và sinh con trai để nối dõi dòng tộc. Theo Nho giáo, tội bất hiếu lớn nhất của phận làm con là không có con trai, bởi nếu không có con trai thì tổ tiên không có người thờ cúng, gia tộc sẽ không còn tồn tại và do đó giá trị của đạo hiếu cũng không thể được duy trì từ đời này sang đời khác (Hoàng Thu Trang, 2013). Sự khác biệt cực độ này khiến người dân Trung Quốc khó hiểu và khó chấp nhận giáo lý Phật giáo. Các nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cổ đại đã phải đào sâu các tư tưởng về “đạo đức hiếu thảo” từ kinh điển Phật giáo và quảng bá, phổ biến tư tưởng này để làm cho Phật giáo phù hợp với đạo đức truyền thống Trung Quốc. Vì vậy, những bộ kinh, kinh có nội dung về “tôn kính gia đình” đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc như Kinh Cha Mẹ Ân Trọng Khó Báo Đáp, Kinh Báo Ân Cha Mẹ, Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng Vương, Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân… đặc biệt là Kinh Vu Lan.

          Giáo lý Phật giáo tuyên bố rằng công ơn cha mẹ có sự cao quý không gì sánh được và người con không bao giờ có thể đền đáp hết công ơn đó trong suốt cuộc đời của mình, như Kinh Báo Ân Cha Mẹ[7] ghi: “Bấy giờ đức Thế Tôn dùng tiếng Phạm âm như tiếng hải triều, nói với đại chúng: “Giá như có người vai trái cõng cha, vai phải mang mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tủy, máu đổ thịt rơi vẫn không thể báo đáp ân sâu của cha mẹ. Giá như có ai, gặp lúc đói khát, hủy hoại thân thể, cung phụng cha mẹ, cũng không báo được ân đức cha mẹ. Trải trăm ngàn kiếp thích tròng con mắt, cắt hết tim gan, dao sắt xuất nhập toàn thân, cũng không trả nổi ân đức cha mẹ. Và dẫu cuối cùng, vì cha vì mẹ, lấy thân làm đuốc, hiến cúng Như Lai, cũng không báo được hồng ân cha mẹ.””. 

          Để một đứa trẻ lớn lên, trưởng thành, cha mẹ phải hy sinh, đánh đổi nhiều thứ, cho dù phải lao động vất vả, cực nhọc. Như vậy, nếu một người với phận làm con mà không đền đáp công ơn cha mẹ thì chắc chắn sẽ đọa vào những đường ác như ngạ quỷ, súc sinh và phải chịu sự đau khổ vô hạn. Như Kinh Địa Tạng[8] có viết: “Nếu có chúng sinh nào không hiếu thảo với cha mẹ, thậm chí giết cha mẹ, thì người đó sẽ đọa vào Địa ngục Vô gián mãi đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được”.

          Nghiệp là cốt lõi của giáo lý Phật giáo, được hiểu là bất kỳ hành động có chủ ý nào, dù là về mặt tinh thần, lời nói hay thể chất. Nó bao gồm tất cả những gì có trong cụm từ “suy nghĩ, lời nói và hành động” (tức ý - khẩu - thân). Nghiệp khiến vạn vật, chúng sinh liên tục trải qua sinh tử như một guồng quay. Chúng sinh phải luân hồi và không chỉ dừng lại ở cái chết. Do vậy, mỗi người sẽ có vô số cha mẹ trong vô số kiếp luân hồi, thay vì chỉ có cha mẹ ở hiện tại. Lòng hiếu thảo thực sự là cố gắng giải cứu tất cả cha mẹ ở các kiếp luân hồi có được sự giải thoát và trí tuệ. Kinh Vu Lan kể lại trường hợp của A La Hán Mục Kiền Liên - một trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Tăng đã vô cùng lo lắng, quan tâm về tình trạng của người mẹ đã khuất của mình, bởi bà hiện là một ngạ quỷ đói khát. Vì lòng từ bi và hiếu thảo, Đức Mục Kiền Liên đã thử mọi cách để cứu mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ và sau cùng là cúng dường thức ăn tinh khiết và các đồ dùng cần thiết cho các tu sĩ ở mười phương vào ngày rằm tháng bảy theo lời Đức Phật Thích Ca dạy. Cuối cùng, mẹ ngài Mục Kiền Liên đã thoát khỏi sự giam cầm và đau khổ, đói khát. “Hiếu thảo” là một đức tính quan trọng trong văn hóa Trung Quốc và đóng vai trò trung tâm trong đạo đức Nho giáo. Đặc biệt, lòng hiếu thảo của con cái, đền đáp công ơn cha mẹ đã được đề cao từ thời xa xưa ở Trung Quốc. Hành động cứu người mẹ đã khuất của mình khỏi đau khổ của Thánh Tăng Mục Kiền Liên cho thấy sự tương đồng giữa lòng từ bi của Phật giáo và văn hóa “hiếu thảo” của Trung Quốc.

          Lễ Vu Lan (một số nơi gọi là Buddha’s joyful day - Ngày hoan hỷ cùa các Chư Phật[9]), còn gọi là Ngày Tự Tứ/Chư Tăng hội họp, là ngày cuối cùng trong ba tháng của kỳ an cư mùa hè hoặc mùa mưa của Tăng Đoàn, tức vào ngày 15 tháng 7 theo âm lịch Trung Quốc. Kể từ khi lễ hội Vu Lan được thành lập, các nhà sư đã tham gia lễ hội một cách cung kính cùng với những người tại gia. Như đã nêu trong Kinh Vu Lan, người tại gia thực hành hạnh hiếu thảo từ bi, thay mặt cho cha mẹ hiện tại và bảy thế hệ tổ tiên trong quá khứ (cửu huyền thất tổ), họ sẽ đặt thức ăn, đồ uống cho vào trong bát Vu Lan và cúng dường các vật dụng thiết yếu cho các tu sĩ Phật giáo đến từ khắp mười phương vào ngày mười lăm tháng bảy (15/07 ÂL). Khi những lời ước nguyện, gia trì được hoàn thành, cha mẹ hiện tại của người đó sẽ đạt được tuổi thọ lâu dài hơn. Bảy thế hệ tổ tiên của họ sẽ thoát khỏi đau khổ của việc làm ngạ quỷ và được tái sinh giữa trời và người, được phước lành và an lạc, hạnh phúc vô hạn.

          Người Phật tử ngoài việc yêu thương cha mẹ và chu cấp cho họ trong cuộc sống hàng ngày, còn có thể tụng Kinh, viết, sao chép hoặc phổ biến Kinh Phật; cúng dường hay làm tượng Phật, cúng dường Tam Bảo, hoặc thậm chí làm từ thiện cho người nghèo, v.v., để thực hành công đức, tích đức cho cha mẹ để báo đáp công ơn của họ. Hơn nữa, nếu cha mẹ không tin Phật thì nên khuyên họ quy y; nếu cha mẹ là những tín đồ với Đức Phật, ta nên hướng dẫn cho họ cách thực hành đúng lời Phật dạy và giúp đỡ họ đạt được giác ngộ càng sớm càng tốt. Những hành động này được coi là “đạo hiếu” cao nhất, vượt xa sự “kính trọng gia đình” trên đời. Như trong Luật Tạng Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ[10]:

          “Nếu cha mẹ không có đức tin vào đạo Phật thì con cái nên hướng dẫn họ tin vào con đường chân chánh của Phật giáo; nếu cha mẹ không có thực hành Giới[11], con cái nên khuyến khích họ tiếp nhận các Giới; nếu bản tính cha mẹ keo kiệt thì con cái nên khuyến khích cha mẹ làm việc bố thí; còn nếu cha mẹ không có trí tuệ thì con cái nên hướng dẫn để họ có được điều đó. Với hạnh kiểm này, người con thuyết phục được cha mẹ, thì họ sẽ sống với tâm an lạc, thảnh thơi trong Phật giáo, đó gọi là sự báo đáp chân thật, đền ơn hiếu thực sự.”

          Những tư tưởng “hiếu thảo” này của Phật giáo không chỉ phù hợp với quan niệm “tôn kính gia đình” của Nho giáo mà còn tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng hơn, vượt lên sự thế tục của nó. Kể từ đó, tư tưởng hiếu thảo của Phật giáo đã được hầu hết người Trung Quốc vô cùng ngưỡng mộ và lan rộng khắp Trung Quốc.

          Nhìn chung, mặc dù có sự đối lập, chống trái nhau về giáo lý, Nho giáo và Phật giáo đều có chung một sự tôn kính, đó chính là con đường của đạo đức hiểu thảo. Khi đó ảnh hưởng của hiếu thảo của Trung Quốc đối với Phật giáo cũng đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển của Lễ hội Vu Lan. Chính trong bối cảnh văn hóa này mà Kinh Vu Lan - một kinh điển đề cao tư tưởng hiếu thảo, đã trở lên phổ biến. Giáo lý thì đơn giản, kinh văn ngắn gọn, thuận tiện cho việc thực hành. Vì vậy, nó được Thiền sư Zong-mi[12]  ca ngợi là “bản Kinh vĩ đại vì nó giúp cho người con hiếu thảo bày tỏ cảm xúc, thể hiện tình cảm báo đáp công ơn cha mẹ.”. Từ đây, Lễ Vu Lan ở Trung Quốc đã được tổ chức hàng nghìn năm, phát triển cho tới ngày nay và trở thành một nếp sống văn hóa tâm linh của người Trung Hoa.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Thu Trang. (2013). Quan niệm của Nho giáo về "hiếu" và ảnh hưởng của quan niệm đó trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013
  2. Logge, J. (1983). The Chinese classics with a translation, critical and exegetical notes, prolegomena, and copious indexes. London, UK: Clarendon Press.
  3. Yang, B. (1958). Lun-yu yi-zhu (Confucian analects, the great learning, and the doctrine of the mean). Shanghai, China: Chung Hwa Book Company.
  4. Yin Zhao. (2022). The Chinese Cultural Elements of the Ullambana Festival. Asia Social Issues, 2774-0315.


[1] Bộ Luận ngữ, do môn đệ của Khổng tử ghi chép những lời dạy bảo của thầy mà soạn thành. Nó mở đường cho thể “ngữ lục” đời sau. Nội dung của Luận ngữ rất là phong phú; bao quát cả triết học, chính trị, văn học, giáo dục…

[2] Luận ngữ, học nhi 6 “弟子入則孝 出則悌 謹而信 汎愛眾而親仁 行有餘力則以學文”.
Nguyễn Hiến Lê, 2011, Luận Ngữ & Khổng Tử, truy xuất từ: https://nigioikhatsi.net/kinhsach-pdf/LuanNguKhong%20Tu-NguyenHienLe.pdf

[3] Con đường được hiểu chính là Đạo.

[4] Chương 1: Khai tông minh nghĩa (Mở ra cái gốc để giảng cho rõ nghĩa) của Hiếu Kinh hoặc Khai Thị Nghĩa Kinh.

[5] Hiếu Kinh (tiếng Trung Quốc: 孝經; bính âm: Xiàojīng; hay là Hsiao Ching) được cho là văn bản viết vào khoảng thời kỳ Tần-Hán, là một luận thuyết kinh điển Nho giáo đưa ra lời khuyên về lòng hiếu thảo. Hiếu Kinh được xếp vào Thập tam kinh là bộ mười ba tác phẩm kinh điển được Nho học đề cao. Đời Hán đã liệt nó vào quyển kinh thứ bảy, sau Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Tác phẩm có 18 chương.

Tìm hiểu thêm Hiếu Kinh, Dịch giả: Huyền Mặc Đạo Nhơn, Đoàn Trung Còn, năm 2022, Nhà xuất bản Hồng Đức .

[6] Hán văn: 身體髮膚,受之父母.不敢毀傷孝之始也. 立 身行 道,揚名於後世.以顯父母.孝之終也. 夫孝。始於事親.中於事君.終於立身. Phiên âm: Thân, thể, phát, phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã. Phù hiếu, thủy ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập thân.

[7] KINH VU LAN & KINH BÁO ÂN CHA MẸ, 2024, Đạo tràng Liên Hoa, Truy xuất từ: https://www.daotranglienhoa.com/wp-content/uploads/2022/01/kinh_vu_lan_va_kinh_bao_an_cha_me.pdf

[8] Tham khảo thêm “Phẩm thứ ba - Quán chúng sanh nghiệp duyên, Kinh Địa Tạng”, trang 26 - 27, truy xuất từ: https://www.daotranglienhoa.com/wp-content/uploads/2022/01/kinh_dia_tang.pdf

[9] Ngày hoan hỷ của các chư Phật, vì thấy chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, đã tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Trích theo Phật học Phổ thông, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, 2006, Nhà xuất bản tôn giáo; truy xuất từ: https://hoavouu.com/images/file/vIm03_QX0wgQAJJf/phat-hoc-pho-thong-ht-thien-hoa.pdf

 

[10] Bộ Luật Mūlasarvāstivādavinaya của Phái Nhất Thiết Hữu Bộ bao gồm nhiều truyền thuyết của Phật giáo liên quan đến Hội nghị ở Kashmir và Tây Bắc Ấn. Mūla-sarvāstivāda này, theo Nalinaksha Dutt, được phát hiện ở Gilgit, có thể đối chiếu với bản dịch của Tây Tạng. Mūla-sarvāstivāda giới thiệu nhiều tình huống liên quan đến những đời sống của đức Phật. Mūlasarvāstivāda này bao gồm 15 chương thuộc về Luật Tạng.Trên cơ sở của Bộ Luật Mūlasarvāstivāda này, một số truyền thuyết trong Divyāvadāna (Thiên Thí Dụ) phần lớn cũng đều được vay mượn từ nó. Xem thêm ở Dutt, N. Buddhist Sects in India, Motilal Banarsidass, Delhi, 1998, tr. 141 - 142; truy xuất từ: https://thuvienhoasen.org/a26019/chuong-ii-van-hoc-sanskrit-trong-luat-tang

[11] Śīla: có nghĩa là học tập theo các điều khoản đạo đức, học tập các điều thiện…chứ không có ý nghĩa cấm đoán, răn đe. Hán phiên âm là Thi la và dịch là học xứ, học giới hay phổ thông dịch là giới.

[12] Guifeng Zongmi.(J. Keihō Shūmitsu; K. Kyubong Chongmil 圭峰 宗密) (780-841). Thiền sư và sử gia Trung Quốc; được cho là vị tổ thứ năm của truyền thống Hoa Nghiêm và là người kế thừa trong trường phái Thiền Heze; nổi tiếng nhất vì đưa ra sự hài hòa cơ bản giữa giáo lý kinh điển của Phật giáo và thực hành Thiền.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/08/2011(Xem: 10827)
“Ầu ơ…….. Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, Khó đi Mẹ dắt con đi Con đi trường học, Mẹ đi trường đời” Đó là lời hát ru con mà tôi thường hò để dỗ con vào giấc ngủ trong những ngày tháng khi chúng còn trẻ thơ và rồi ngày mỗi ngày lời ru ấy thấm dần, thấm dần đến tận tâm can của tôi! Tôi thật sự đã ngỡ ngàng và bàng hoàng khi phát hiện ra sự khác biệt qúa chênh lệch giữa “Trường học” và “Trường đời”. Có lẽ chỉ những người có thiên chức làm mẹ mới hiểu được rạch ròi về vạn lần đắng cay của “trường đời”.
09/08/2011(Xem: 7897)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5737)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 5188)
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.
08/08/2011(Xem: 8260)
Người Phật tử có hiếu, nhân ngày lễ Vu Lan hối tưởng lại công ơn cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tiền hãy đem hết lòng thương kính, chăm sóc...
08/08/2011(Xem: 4731)
Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là một con người tốt ở trong xã hội. Cho nên hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết.
07/08/2011(Xem: 6621)
Kinh Vu Lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ. Sau đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả đã thiết lễ trai nghi...
06/08/2011(Xem: 6324)
Sau khi xuất gia khoảng 5 năm, vị tân Tỷ-kheo ấy đã am tường giáo pháp và được các vị trưởng lão cùng đại chúng tán thán về đức hạnh.
06/08/2011(Xem: 6260)
Audio: Chữ Hiếu Trong Đạo Phật
05/08/2011(Xem: 10591)
Khi có con, ngoài cái trao hết cái nhựa sống, cái khí huyết của mình để nuôi con, người mẹ còn trao cho con cái tinh hoa đạo đức của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]