Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Mùa Vu Lan

11/04/201312:04(Xem: 5696)
Những Mùa Vu Lan

Những mùa Vu Lan

Thích Đức Niệm

 

Nay nhân mùa Vu Lan thắng hội, tôi có đôi dòng cảm nghĩ về người con hiếu hạnh trong ý nghĩa Vu Lan.
Khi tôi còn nhỏ ở cái tuổi mười một mười hai, mỗi lần gần đến rằm tháng bảy, tôi nghe thấy bà con xóm làng bảo nhau, rủ nhau mua sắm nhang đèn hoa quả mang lên chùa cúng lễ Vu-Lan, cúng dường Tam-Bảo, cầu siêu độ mẹ cha ông bà quá cố, cửu huyền thất tổ siêu thăng. Tôi còn nhớ câu ca dao khi còn ở lớp tiểu học: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Lúc đó, tôi chỉ biết thế thôi, chứ không biết ý nghĩa sâu xa tại sao lại tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân. Đến khi vào chùa xuống tóc xuất gia theo thầy học đạo, tôi mới thật sự hiểu ý nghĩa thâm sâu về Vu-Lan, tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Vu-Lan phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana, người Trung-Hoa dịch là giải-đảo-huyền. Có nghĩa là cởi mở giải thoát cho tội nhân bị hành hạ treo ngược. Lễ Vu-Lan hay nói cho đúng ý nghĩa của nó là Pháp hội Vu-Lan hay Vu-Lan thắng hội, tức là tăng tục câu hội y như Phật Pháp mà cử hành lễ để cầu nguyện cho những chúng sanh đang bị tội khổ trong ba đường ác được giải thoát. Chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thống khổ vô cùng như người bị treo ngược hành hạ thì lễ Vu-Lan chính là cứu khổ giải thoát cho những vong hồn thoát ly khỏi chốn đọa đày trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Đức Phật nói, chư Tăng mỗi năm tịnh tâm chuyên ròng tinh tấn tu niệm suốt ba tháng an cư. Thời gian an cư kiết hạ bắt đầu từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Trong suốt thời gian ba tháng này, chư Tăng cấm túc an trụ một nơi, kiết giới ngày đêm chuyên ròng tu tập, thân tâm thanh tịnh. Do chuyên ròng tu tập mà giới đức tăng trưởng tròn đầy. Đến ngày rằm tháng bảy là ngày chư Tăng tự tứ, ngày thêm được hạ lạp, nghĩa là thọ lãnh thêm một tuổi đạo. Ngày ấy là ngày chư Phật mười phương hoan hỷ, vì thấy hàng đệ tử nghiêm trì giới luật, giới thể châu viên, thân tâm thanh tịnh, bước đến gần thêm đạo quả giác ngộ giải thoát.
Tuân theo lời đức Phật chỉ dạy, Mục-Kiền-Liên tôn-giả cũng trong dịp Vu-Lan thắng hội này, đã thiết lễ trai tăng cúng dường, chư Tăng hoan hỷ thọ dùng, thành tâm chú nguyện cho mẹ tôn-giả. Nhờ lòng hiếu thảo, nhờ công đức cúng dường trai tăng, nhờ sức thành tâm chú nguyện của chư đại-đức Tăng tạo thành năng lực thù thắng đã khiến bà Thanh-Đề, mẹ của Ngài Mục-Kiền-Liên tôn-giả nhờ đó mà tâm được chuyển hoá thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khổ. Đây là mở đầu kỷ nguyên Vu-Lan hiếu hạnh cho ngàn đời về sau:
Rồi cứ năm năm rằm tháng bảy
Hồn con nương tựa bóng từ bi
***
Chư Tăng trọn chín mươi ngày
Cát tường bảo tọa trải bày tâm can
Bao nhiêu nghiệp hải chướng san
Đây ngày tự tứ sạch ngàn ác duyên
Từ đấy trở đi, mỗi độ thu sang rằm tháng Bảy, đó đây những người con thảo cháu hiền đều thành tâm nghiêng mình trước đấng từ bi Phật-Đà, nguyện noi theo hiếu hạnh của tôn-giả Mục-Kiền-Liên, sắm sửa trai diên cúng dường Tam-Bảo, cúng dường trai tăng, đem công đức hồi hướng cầu nguyện cho ông bà cha mẹ thân nhân quá cố sớm thoát khỏi cảnh u đồ đày đọa khổ đau đen tối nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Dù cho ai đó có dong ruổi theo công danh sự nghiệp, mưu kế sanh nhai, hay mê dại đắm đuối trong ái tình danh lợi đến đâu đi nữa, thì mỗi độ thu sang rằm tháng bảy, tiết thu mát lạnh khắp người, gió thu hiu hắt lá vàng nhẹ rơi, chắc cũng phải chạnh lòng trong giây phút nào đó, hồi tâm tưởng nhớ đến đấng sanh thành, nhớ lại thân bằng quyến thuộc, nhớ nơi chôn nhau cắt rún của mình.
Lòng hiếu kính là nền tảng vững chắc của tình gia tộc, là nguồn sống an lành hạnh phúc thiêng liêng của gia đình, là nguồn sống tinh thần của cả một dân tộc. Nên những đứa con học Tây học Mỹ có bằng cấp nọ kia, nếu không thấm nhuần tư tưởng hiếu hạnh Đông phương, truyền thống của tổ tiên ngàn đời, thì những đứa con đó sẽ là những đứa con mất gốc, sẽ bỏ cha mẹ sống trong cô đơn hiu quạnh lạnh lẽo không người săn sóc, không biết thân gần an ủi cha mẹ khi tuổi già. Với những kẻ bất hiếu bất nhân vong bản tất nhiên mang lại cho cha mẹ cảnh sống bơ vơ, thiếu sự đầm ấm của gia đình khi cha mẹ còn sanh tiền, và một khi cha mẹ trăm tuổi già qua đời thì tất phải rơi vào cảnh nhang tàn khói lạnh. Đối với quốc gia xã hội, những đứa con bất hiếu bất nghĩa này trở thành những người con mất gốc, những người dân vong bản, quên hẳn truyền thống của ông cha tiên tổ, chỉ biết ích kỷ hưởng thụ, cúi đầu vọng ngoại, tôn sùng những tín điều chủ nghĩa lý thuyết ngoại lai, mang lại không biết bao là tai hại cho gia đình, dân tộc xứ sở. Bằng chứng hiển nhiên cho ta thấy, tiếng khóc của đồng loại kéo dài suốt cả trăm năm chưa dứt, cũng do những con người vong bản vọng ngoại thiếu tinh thần hiếu hạnh tạo ra.
Đồng bào đã và đang mang tâm trạng hoài nghi đố kỵ hận thù hãm hại nhau, gây đau thương tang tóc cho nhau, đầu giây mối nhợ, cũng bắt nguồn từ những kẻ thiếu lòng hiếu hạnh, quên đạo truyền thống của ông cha thời đại Lý, Trần, thiếu mất tâm đạo đức, thiếu ý thức trách nhiệm lương tâm với tiền đồ dân tộc, chỉ biết cúi đầu rập theo danh lợi cặn bã của tà giáo ngoại lai, giáo điều chủ nghĩa, lập bè lập đảng phản dân hại nước, chỉ biết làm bồi bút viết lên những điều vô luân vô đạo, tạo nên sự đầu độc tâm trí người nhẹ dạ, hoặc lớp trẻ thơ, gây ra hoang mang nghi ngờ đối với tư tưởng niềm tin chánh tông truyền thống của dân tộc giống nòi, để được thỏa mãn tham vọng của ngoại bang và hả dạ ích kỷ hận thù riêng tư. Thảm trạng tan nhà, mất nước, đồng bào triền miên trong cảnh chết chóc đọa đày dày xéo lên nhau, đạo Phật, đạo ông bà bị áp bức nghiệt ngã, dân tình nghi nhau hại nhau, nguyên nhân từ những kẻ thiếu lòng hiếu thảo, thiếu ý thức đạo đức truyền thống của ông cha, vô minh chạy theo tà thuyết tà đạo, mù quáng tin theo chủ nghĩa phi nhân, để được chút quyền lợi cặn bã, mặc tình phá nước hại dân.
Nhà Nho dạy rằng: “Muốn cho gia đình hạnh phúc, quốc gia hưng thạnh, dân tộc thái bình, trước hết phải tu thân”. Kinh sách của Khổng-Mạnh còn dạy: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên”. Lời dạy này bao hàm ý nghĩa: “Dù cho thông thái đến đâu, chức tước đến bậc công hầu khanh tướng đi nữa, thì vẫn phải lấy hiếu đạo làm đầu”. Cổ đức tiên hiền nói: “Hiếu vi vạn hạnh vi tiên”. Nghĩa là, hiếu là đầu trong muôn hạnh. Cha mẹ sinh ta ra, nuôi ta lớn, cho ta ăn học nên người, giúp ta lập thành gia thất, tạo nên công danh sự nghiệp. Công lao sanh dưỡng suốt đời tận tụy khổ cực nuôi con, ân đức của cha mẹ to lớn sâu dày như trời cao bể rộng sông dài vậy đó, thế mà ta không nghĩ nhớ thương kính tỏ lòng biết ơn, thì thử hỏi còn tôn kính biết ơn ai!?
Những hạng người không có lòng hiếu thảo cha mẹ thì đối với vợ không có thành thật, đối với con không có thâm tình, đối với bạn bè xã hội không có thành tín, đối với vua với nước không có trung nghĩa. Người không có đức tánh thành, tín, trung, nghĩa, chân tình, nếu là thường dân thì gian xảo đạo tặc, còn làm vua quan thì tham nhũng, phản tặc, nuôi dưỡng ý đồ vong nô thừa dịp rước ngoại nhân về dày xéo mã tổ, hãm hại đồng bào. Còn nếu làm văn hoá thì bồi bút, đầu độc tư tưởng, chụp mũ vu khống, nhằm hướng dẫn dư luận quần chúng đến chỗ hoài nghi, phá sản niềm tin đạo đức truyền thống của dân tộc, không có tâm kính trọng đạo đức, khiêm nhường bậc tiền bối, tôn trưởng. Nếu bất hiếu thì sẽ đưa đến bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất tín. Bởi vì ông bà cha mẹ mà còn không kính trọng phụng thờ thì thử hỏi còn biết kính trọng ơn nghĩa ai!
Dân tộc Việt-Nam nói riêng, dân tộc Á-Đông nói chung, nhờ tinh thần hiếu kính, mà duy trì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, lòng yêu tổ quốc, mồ mả núi sông, hồn thiêng tiên tổ đất nước vững vàng trải suốt bao ngàn năm. Có hiếu thảo, dù cho cuộc sống kém về phần vật chất, nhưng đời sống tinh thần thật là phong phú êm đềm. Trọng đạo hiếu thì ít xảy ra cảnh loạn luân bội tín, phụ bạc thay trắng đổi đen, quê hương dân tộc giống nòi không nghẹt thở bởi thứ văn hoá đạo giáo chủ thuyết sắt máu phi nhân, ép ngặt bức bách mê hoặc vô luân phi lý, tạo sự mất chủ quyền xứ sở, xáo trộn luân thường đạo lý.
Đạo truyền thống của dân tộc là đạo từ bi trí tuệ, bình đẳng lợi tha, nhân bản hiếu nghĩa trung tín tình người, nên đã tạo thành người dân Việt cái tinh thần trọng đạo nghĩa, tuy sống trong nghèo bạc nghèo tiền, chớ không nghèo tình thương, không nghèo lòng nhân đạo, không nghèo lòng hiều thảo. Vợ chồng tuy sống vất vả, nhưng tình nghĩa vợ chồng nương nhau, thương nhau, trinh thuận sống không có cảnh tan rã, đầu năm cưới ở, cuối năm ly dị ly hôn. Quê hương Việt-Nam tuy nghèo, cuộc sống vẫn bình thản, không có dập dồn xô bồ ích kỷ, hấp tấp tranh đua, hại người để mình được lợi. Những đứa con Việt-Nam vì vô minh tham vọng bắt bóng lợi danh mà vong bản vọng ngoại đã mang lại cho mẹ Việt-Nam lắm nỗi điêu đứng, văn hoá đồi trụy, tôn giáo vô luân vô đạo, chủ nghĩa lý thuyết phi nhân phi dân tộc, dồn dập đao binh khói lửa làm cho mẹ Việt-Nam rách nát, con mẹ Việt-Nam điêu linh, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng tạo thành tâm trí mát điên lừng khừng.
Tất cả những hậu quả tốt xấu, thành bại của con người hầu hết bắt đầu từ nền tảng hiếu. Có hiếu thì có lòng nhân. Bất hiếu thì bất thành nhân. Nên Thái tử Tất-Đạt-Đa sau khi tu hành thành đạo giác ngộ hiệu là Phật Thích-Ca Mâu-Ni, Ngài trở lại hoàng thành thăm viếng hoàng tộc, và an ủi thuyết pháp cho phụ vương nghe, nhờ đó mà vua Tịnh-Phạn giác ngộ đạo lý vô thường, trước khi nhắm mắt lìa đời. Không những thế, Ngài đã nghiêng vai khiêng quan tài vua cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên vô cùng xúc động, khi thấy mẹ sa đọa làm loài ngạ quỷ, đã đích thân bưng cơm dâng mẹ, đã bán hết tài sản để lo cúng dường trai tăng siêu độ mẹ:
Đây bát cơm đầy nặng ước mong
Mẹ ơi! Đây ngọc với đây lòng
Đây còn tình nặng trong tha thiết
Ơn nghĩa sanh thành chưa trả xong
***
Đôi mắt long lanh lệ ướt đầm
Khắp tìm từ mẫu cõi xa xăm
Lỗi niềm nuôi dưỡng bao năm tháng
Phụ đức sanh thành biết mấy năm
Tác dạ báo đền ơn nghĩa nặng
Tấm lòng mong nguyện hiếu tình thâm
Vì chân Phật dạy Vu Lan hội
Luống để cho ai những khóc thầm.
Kẻ viết bài này đã khóc thầm mỗi lần thấy gió thu hiu hắt, lá vàng nhẹ rơi, hơi nước khói hương bàng bạc của tiết trời thu Vu-Lan tháng bảy. Lòng tự xót xa thầm khóc cho thân phận mình không còn mẹ từ thuở lên bốn:
Mẹ ơi! Mẹ ở nơi nào
Trần gian lẻ bóng con sầu nhớ thương
Lòng thành dâng trọn nén hương
Cầu xin Phật tổ chỉ đường con đi
Khấn nguyền đức Phật từ bi
Mẹ cha sớm được thoát ly luân hồi
Thấy người ở lứa tuổi mình còn mẹ còn cha để phụng dưỡng, đưa cha mẹ đi chùa lễ Phật nghe kinh thuyết pháp, điều đó nó ấm cúng làm sao! Lòng thật thèm được cái cảnh có mẹ có cha để ngày ngày vào ra thấy mẹ. Nên ai đó có phước còn cha mẹ là còn nguồn vui bất tận:
Sung sướng nhỉ! Những người còn mẹ
Còn mẹ, em còn cả đất trời
Đau đớn nhỉ, những người mất mẹ
Mất mẹ là mất hết em ơi!
Còn riêng tôi, khi tôi xuất gia thì mẹ đã qua đời. Mẹ tôi qua đời khi tôi còn quá ngây thơ khờ dại không biết gì. Người trút hơi thở cuối cùng vào một buổi mai trời tiết thu, nhằm ngày vía đức Quán-Thế-Âm-Bồ-Tát. Mẹ tôi vĩnh biệt cõi trần một cách bất ngờ. Bất ngờ đến nỗi đôi má của bà còn hồng nhuận như người sống. Bất ngờ đến nỗi bà tắt thở lúc nào mà cả nhà không hay biết, trên tay bà vẫn còn ôm chặt người em gái út của tôi trong lòng. Em ngo ngoe miệng vẫn ngậm lấy vú bú sữa khi mẹ tôi tắt thở từ giã cuộc đời. Hình ảnh thảm đạm xót xa này, tuy đã hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần tiết thu sang, Vu-Lan đến là mỗi lần tôi nhớ mẹ vô cùng! Nối tiếp hình ảnh mẹ tôi qua đời bất ngờ là hình ảnh cha tôi ra người thiên cổ. Hình ảnh này, cảnh huống này cứ mồn một hiện rõ về trong trí óc tôi.
Mẹ tôi chết, chúng tôi mất hết tất cả sự vỗ về an ủi. Mất hết tất cả sự thương yêu ngọt bùi trên đời của tình mẹ dành cho! Chỉ còn lại người cha lẻ bóng, sống với chị em chúng tôi, như gà trống nuôi con. Cha tôi lại theo bạn bè đi buôn xa. Ông lại thích làm quan, thích danh vọng, thích hoạt động xã hội, thích giúp đời, nên chúng tôi lại càng thấm thía cái thân phận mồ côi:
Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm
Ca dao ngạn ngữ Việt-Nam thật là chí lý, nói lên được sự thật của tình đời, của kiếp người. Ca dao ngạn ngữ Việt-Nam không khác gì kinh thi Trung-Quốc, nói lên tất cả sự thật bằng kinh nghiệm kiếp sống nhân sinh qua những câu thơ đơn giản mà nội dung vô cùng hàm xúc. Hai câu trên đây đã làm cho tôi xúc động mỗi lần tôi đọc đến, nhất là vào dịp Vu-Lan tôi không cầm được nước mắt, dù nay tôi đã lớn rồi!
Ở vào cái thời ly loạn Nhật, Tây xâm chiếm đất nước, cha tôi thường đi lo việc dân việc nước hơn ở nhà, vì vậy mà ông đã bị Tây bắt và Việt Minh giam tù suýt chết. Chị hai tôi chỉ mới mười sáu tuổi, đã phải đảm đang trách nhiệm cả cha lẫn mẹ lo việc nhà dạy em. Có những đêm tối trời mọi người đang lúc chìm sâu trong giấc ngủ hoang dại, đột nhiên lính Tây ập vào nhà lục soát hung bạo, phá hại đồ đạc, chị em chúng tôi ngồi ôm nhau ngơ ngác, hoảng hồn thất kinh run sợ. Cái cảnh mất mẹ, thiếu cha, cái cảnh lính Tây, lính mã tà ngày đêm bố ráp, làm cho tinh thần chúng tôi khủng hoảng hãi hùng! Rồi đêm về, lại đến nạn du kích Việt Minh lùng bắt bịt mắt dẫn đi thủ tiêu chôn sống những người bị tình nghi là Việt gian hay những người giàu sang có tiền. Tình trạng này lại càng tăng thêm cái cảnh thê lương ảm đạm lạnh lùng hãi hùng của lòng con trẻ sống trong cảnh côi cút, thiếu nơi nương tựa tinh thần, thiếu vắng tình thương của đấng sanh thành dưỡng dục:
Năm xưa em còn nhỏ
Mẹ em đã qua đời
Lần đầu tiên em hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Yên lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Hoàng hôn phủ lên mộ
Chuông chùa lạnh rơi rơi
Em thấy em mất mẹ
Là mất cả bầu trời
Cha mẹ cho tôi cái thân này. Sau mấy mươi năm gắng công đèn sách, chuyên tâm nghiên tầm tu học, một lòng hướng theo con đường giác ngộ của đức Phật, nay tôi đã thành người thì cha mẹ không còn nữa:
Mẹ bỏ con đi thật không ngờ
Khi con còn ở tuổi bé thơ
Khăn tang con đội chưa biết khóc
Con trẻ bơ vơ luống dại khờ
Giờ đây quê hương tôi tuy vẫn còn đó, nhưng đã quá rách nát đói nghèo tang thương khủng khiếp do loài quỷ đỏ thời đại man dại làm kiếp vong nô ngoại bang gây nên cảnh áp bức kinh hoàng, chúng tôi đành phải nghẹn ngào tức tưởi bỏ nước ra đi lang thang đem thân sống trên đất khách quê người.
Nhớ lại cha mẹ tôi hồi còn sanh tiền chưa từng được nghe tôi nói lên một lời hiếu thảo tha thiết, mặc dù lúc đó lòng tôi đã chứa đầy tình thương cha kính mẹ, nhưng cổ họng thốt không ra lời thương kính đối với song thân. Không biết tại sao nữa! Phải chăng vì tuổi còn thơ ấu dại khờ hay vì mắc cỡ? Rồi vừa lên cái tuổi mười hai mười ba, tôi trốn nhà xuất gia đầu Phật, đi khắp các tự viện thiền lâm danh tiếng để tầm thầy học đạo. Từ đấy ngày say sưa với lý tưởng cầu đạo giác ngộ, sáng chiều chuyên tâm kinh kệ, miệt mài đèn sách, phần để theo kịp chúng bạn, phần sợ lộ tông tích phải bị gia đình bắt về, nên đã hơn suốt tám năm trời, tôi giữ bặt tăm hơi thơ tín, không một lời gửi về thăm nhà. Cha, cậu, dì, chị em tôi nước mắt chảy ròng và đã đi khắp nơi tìm kiếm, mong được tin tức về tôi. Nhưng suốt thời gian tám năm biền biệt tăm hơi, chẳng một lời nhắn gửi, không tìm thấy tôi đang ở nơi nào. Sau bao tháng năm dò thăm tìm kiếm chỗ tôi tu đều vô hiệu quả. Ở cái thời buổi 1946-1952 giặc dã loạn lạc khắp non sông, thực dân Pháp và Việt Minh tự do tàn sát đốt phá, người dân khó tránh lằn tên mũi đạn của loài quỷ dữ bạo tàn mang hình người. Khắp non sông, mọi người đang sống trong cảnh bom đạn khói lửa tự do tàn sát dân lành. Lúc đó tất cả bà con xóm làng đều nghĩ rằng, thân tôi cũng đã tan nát hoặc gửi vào lòng đất lạnh ở một nơi nào đó, không có nhang khói mồ mả, đã thành hồn ma vô chủ vô y rồi!
Sau khi thọ giới xuất gia xong, trên con đường tìm đến Phật-Học-Đường Nam-Việt chùa Ấn-Quang Sàigòn cầu thầy học đạo, lần đầu tiên tôi ghé lại quê nhà thăm cha già em dại. Người nhà ai nấy đều ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của tôi trong hình thức hoàn toàn đổi khác. – Hình thức cung cách của một người xuất gia. Ngạc nhiên, bởi vì trước đó hơn tám năm, ngày trốn nhà đi tu, tôi chỉ là cậu bé mới mười ba tuổi thơ. – Tôi buớc vào nhà, mặt trời đã khuất núi, hoàng hôn sắp nhường cho bóng tối của đêm về. Dưới ánh đèn dầu mờ ảo, tôi thấy cha già đôi mắt ngấn lệ nhìn con, đôi môi run run một hồi mới nói nên lời xúc động: “Đã bao năm bặt tin tức, tưởng con đã chết bụi chết bờ không ai thờ cúng, nên cha đã thiết bài vị cho con, không ngờ nay con còn sống trở về, vậy con hãy vào rút bài vị đốt đi!”
Nghe chị tôi kể lại, khi tôi trốn nhà ra đi xuất gia, cha tôi đã lo buồn nhiều ngày. Mặc dù lúc tôi còn ở nhà, ông thường hay la rầy tôi. Cậu tôi thì đã khóc sưng đôi mắt, vì cậu tôi thương tôi lắm. Ông thương, vì tôi là đứa cháu mồ côi mẹ, hay tánh tình của tôi hạp với ông, cho đến giờ đây tôi vẫn chưa rõ. Dì Tám tôi đã lặn lội khắp nơi tìm kiếm. Từ sự lo âu cho mạng sống của tôi ở vào thời chiến tranh bom đạn loạn lạc. Bởi tôi bỏ nhà ra đi khi tuổi còn quá nhỏ dại, để rồi đưa đến sự buồn giận nguyền rủa, nhớ thương! Nhưng tôi thì đã tìm đến được cửa Phật. Từ đấy ngày ngày tôi nương tựa bóng Từ-Bi. Trong cảnh thanh tịnh thiền môn, tôi đã được đào luyện trong dòng suối tình thương mát lành của nhà Phật. Và ngày nay tôi đang đi trên con đường đức Phật đã đi. Tôi không ngừng cố gắng làm những gì những bậc Thầy tôi đã dạy, những điều đức Phật đã làm. Khi tôi nhận thức ý nghĩa xuất gia thật là cao cả, thì kể từ đó tôi tự nguyện dân trọn đời mình cho đạo pháp, cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh, hầu báo đền công ơn sanh dưỡng của cha mẹ trong muôn một.
Ngày xưa Thái-tử Tất-Đạt-Đa cũng đã trốn đi tu, bỏ lại sau lưng hoàng thành Ca-Tỳ-La, với bao nỗi nhớ niềm thương, làm cho biết bao người vì thương mà sanh bất bình, giận tức. Nhưng Thái-tử đã quyết chí tu và thành đạo, đã vượt ngoài phiền lụy thị phi, giải thoát sanh tử luân hồi, đã hoá đạo độ sanh, đã khai mở kỷ nguyên từ bi trí huệ vị tha bình đẳng cho nhân loại. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên cũng đã hành động chống trái với ý muốn của gia tộc, khi bỏ ngoại đạo theo Phật xuất gia để lại sự buồn phiền thương tiếc của mẹ cha trong gia đình. Nhưng tôn-giả Mục-Kiền-Liên tu thành chánh quả, đã cứu độ được mẹ thoát khỏi cảnh khổ của loài ngạ quỷ, mở kỷ nguyên hiếu hạnh ngàn đời. Còn tôi, tự xét lại mình, nghĩ càng thêm chua xót cho thân phận! Đã trên bốn mươi năm hành đạo rồi, không lúc nào dám giải đãi thối tâm, thế mà vẫn chưa kiến tánh đắc đạo. Tôi tự nghĩ thật là hổ thẹn với Phật, thật là bất hiếu với mẹ cha, thật không xứng đáng lòng tin cậy của sư trưởng và đàn na thí chủ. Thái-tử Tất-Đạt-Đa, tôn-giả Mục-Kiền-Liên và biết bao đệ tử Phật trốn nhà đi tu làm cho cha mẹ thương nhớ buồn phiền, nhưng đã chứng đạo, có cơ duyên đền đáp bốn ân nặng. Còn tôi đi xuất gia cũng đã làm cho cha già buồn phiền, dì cậu thương nhớ, chị em trông chờ, mà đến giờ vẫn chưa thành đạo quả, chưa có đền đáp được gì cho bốn ân!
Thật tình mà nói, tôi chưa có dịp bưng cho cha già một tách nước trà thơm, dâng một mâm cơm tươm tất, một lời nói thật hiếu kính với cha mẹ. Mẹ qua đời khi tôi còn thơ dại đã đành. Còn đối với cha tôi cũng chưa! Trong lúc đó, tôi đã biết bao lần bưng nước mời Phật tử, niềm nở mời mọi người, ân cần thăm hỏi tất cả không luận thân sơ, thế mà vẫn tránh không khỏi những lời trách móc của người tín chủ! Làm như thế, nào phải tôi chiều chuộng để kiếm tiền hưởng thụ riêng tư, hay cất chùa to Phật lớn để tự hào tự mãn, rồi xem chùa như nhà riêng tư của mình, sống với vài mươi người bổn đạo cho qua ngày, khoanh tay ngồi an nhiên tọa thị để thời gian vô ích trôi qua, mặc cho đạo pháp thế nhân thăng trầm ra sao chẳng cần biết đâu! Sự thật, tôi không muốn có chùa miếu gì hết. Tôi quan niệm chùa là chung của thập phương bá tánh, để bá tánh có chỗ dựa tinh thần cùng tu tập, là nơi để thập phương tăng hành đạo, là nơi cầu nguyện trưởng dưỡng thân tâm tu bồi đạo đức, là nơi duy trì phát triển văn hóa, giảng dạy giáo lý tu học, hoằng pháp lợi sanh, là nơi đào tạo tăng ni tài đức giúp đời. Chùa viện như thế mới có ý nghĩa. Đó là tâm nguyện tôi.
Nếu tôi không trốn nhà đi tu, thì không chắc gì tôi xuất gia theo chân Phật như ngày nay. Bởi lẽ thường tình cha mẹ nào cũng muốn nuôi con ăn học khôn lớn để rồi dựng vợ gả chồng cho con. Muốn cho con lập thành gia thất, có đôi có bạn ở đời làm ăn lập nghiệp, nối dòng nối giống. Tuy biết có gia đình thì bị ràng buộc khổ lụy, nước mắt luôn chảy vì buồn thương, phải hệ lụy vợ vợ, chồng chồng, con con suốt đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng cha mẹ lúc nào cũng muốn con theo con đường cha mẹ, tức là có vợ có chồng. Cái thương của cha mẹ là cái thương tục lụy, cái tình ái ân, cái thương dẫn đến buộc ràng con cháu vào đường ái nhiễm phiền não khổ lụy tử sanh, nổi chìm xoay quanh trong lục đạo luân hồi. Cha mẹ vẫn biết tu là cội phước, tình là dây oan. Cha mẹ vẫn biết tu là giải thoát phiền lụy, thanh nhàn an vui ngay hiện đời và đời sau. Cha mẹ vẫn biết quý kính người tu hành và đạo đức. Ấy thế mà không mấy khi cha mẹ khuyên con cái phát tâm xuất gia tu hành để được an lành giải thoát. Chẳng những không khuyến khích con cháu phát tâm tu học đạo giác ngộ để thoát ly phiền não sanh tử mà con ngăn cản cấm đoán nữa là khác. Từ cái quan niệm lạ lùng kỳ quặc mâu thuẫn chung chung của những bậc cha mẹ đó, nên tôi bắt chước Thái-tử Tất-Đạt-Đa quyết trốn nhà ra đi tầm thầy học đạo hầu tạo phước đức, để còn có dịp đền đáp trọn vẹn ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Nhờ xuất gia tu hành mà tôi có hoàn cảnh tu tâm sửa tánh gắng công bồi đức, thực hành hạnh lợi tha giải thoát. Sự xuất gia của thái tử Tất-Đạt-Đa đã cho tôi ý thức “xuất gia là phải trốn nhà ra đi mới hy vọng đạt thành đại nguyện xuất trần thượng sĩ”. Không trốn nhà xuất gia thì không mấy khi cha mẹ khuyến khích đi tu.
Tôi sớm tự nghĩ, ở đời có vợ con nhiều lúc không giúp đỡ được cha mẹ, không làm cho cha mẹ được vui lòng khi tuổi già, mà còn bắt cha mẹ giúp đỡ, nhờ vả cha mẹ, làm phiền cha mẹ nữa là khác. Bởi vợ con trói buộc đâu còn hoàn cảnh tự do, thời gian tự tại, tinh thần thoải mái để phụng dưỡng mẹ cha chu toàn! Thân xác cha mẹ đã không yên mà cả về phần tinh thần, mình cũng chẳng cứu giúp tế độ được. Nên chỉ con đường xuất gia là thượng sách cho những ai muốn đền đáp ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Xuất gia còn là con đường tốt cho những ai muốn tiến thân trên đường thánh thiện giác ngộ. Xuất gia là môi trường tốt cho những ai muốn làm việc đại nghĩa giúp đời. Như lời học giả Nghiêm-Xuất-Hồng đã tỏ bày với bút giả trong một dịp đàm đạo ở Phật-Học-Viện: “Tất cả sự thành công danh vọng ở đời chỉ là huyễn mộng, không ích lợi gì cho mình. Sự thành công đó không thể nào báo đền được công ơn cha mẹ. Chỉ có con đường xuất gia. Tôi đem tuổi đời còn lại, hy vọng thuận duyên sẽ xuống tóc xuất gia trong một tương lai gần. Làm như thế mới hầu mong báo đáp được ân đức sâu dầy của cha mẹ.”
Dù cho ai đó có nói yêu nước, yêu dân, trương cờ, to miệng huênh hoang la làng làm văn hóa, khôi phục cơ đồ, đưa dân tộc nhân loại đến vinh quang tiến bộ gì đi nữa, nếu không có lòng hiếu kính mẹ cha, thì những cách nói hay, những lời hứa đẹp đó chẳng qua là kẻ rao bán thuốc cao đơn hoàn tán, có khác nào tiếng lá vàng rơi xào xạc cuối thu, tiếng thân cây khô nứt nẻ giữa mùa đông giá buốt, tiếng quạ cú kêu trong buổi hoàng hôn! Không có lòng hiếu thảo là kẻ có xác không hồn, chẳng khác nào loài trùng dòi trong đống phân:
Những người bất hiếu tử
Nhung nhúc sống bằng thừa
Không nghĩ ơn cha mẹ
Khác nào thân cây khô…
Từ ngày nằm trong bụng mẹ cho đến ngày lập thành gia thất, không lúc nào cha mẹ ngơi nghỉ chăm sóc lo lắng cho con. Có những lúc vì muốn con nên người mà cha mẹ tha thiết khuyên dạy con, khuyên dạy từng lời ăn tiếng nói, cung cách làm người. Lắm lúc cha mẹ dạy con trong nước mắt bằng lời tha thiết như van nài, với lòng hy vọng con vâng lời! Nhưng con nào có biết lúc đó lòng mẹ quặn đau vì thương con! Vậy mà con trở lại trách hờn cha mẹ. Cha mẹ âm thầm nước mắt trào dâng, chẳng dám có lời than, chỉ sợ làm phật lòng con, con sẽ buồn trách. Tâm hồn mẹ không rời săn sóc con trong mọi hoàn cảnh:
Ngày xưa mẹ dắt con chơi
Mẹ ru con ngủ, mẹ ngồi nhìn con.
Bây giờ con đã lớn khôn
Mẹ mua sách vở dẫn con đến trường
Ngày kia con sẽ thành nhơn
Mẹ lo gia thất cho con vui đời.
Mẹ thương dặn con một lời:
“Giàu sang bất chánh, con đừng có ham
Lợi đời, lợi đạo con làm
Vong ơn, vong bản chớ tham dự vào”
Mấy lời tâm huyết mẹ trao
Mong con ghi nhớ truyền nhau cho đời.
Suốt trọn đời mẹ lo cho con. Tất cả những gì quý giá của cõi đời, cha mẹ không tiếc, đều trọn trao cho con:
Nâng niu con lúc dỗi hờn
Dịu dàng mắt mẹ khuyên lơn ngọt ngào
Một đời vốn liếng mẹ trao
Cho con tất cả mẹ nào giữ riêng
Mẹ hiền như một bà tiên
Mẹ theo con suốt hành trình con đi.
Mẹ hy sinh tất cả cho con. Mẹ nhường nhịn cho con tất cả. Mẹ lo lắng cho con tất cả. Hy sinh, nhịn nhục, lo lắng suốt cả cuộc đời của mẹ đều vì con và cho con. Cha mẹ là đóa hoa trời tươi đẹp muôn thuở. Đóa hoa tô điểm vẻ đẹp suốt trọn đời con. Mẹ là bóng cây, là nguồn suối, là nải chuối buồng cau, là tiếng hát nhiệm màu. Mẹ là nguồn an vui bất tận, nguồn an vui không tìm được ở trần gian:
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn có mẹ trong tâm
Mẹ cha là hương hoa đất trời thơm đẹp, là nguồn an ủi vô biên của con. Con dù có khôn lớn đến đâu, hễ ngày nào cha mẹ còn trên cõi trần gian này là còn săn sóc con, còn lo lắng cho con. Nên hương sắc hoa hồng là tượng trưng cho tình mẹ. Tình mẹ thắm tươi thơm đẹp mềm dịu mát lành như đóa hoa hồng, đóa hoa hồng tươi thơm trong ngày rằm tháng bảy:
Ôi! Những cánh hoa hồng của mẹ
Của ngày rằm tháng bảy Vu-Lan
Ngày mẹ đấy nhớ về em nhé!
Và nhớ cài hoa nhé, nghe em.
Hoa hồng thắm là tượng trưng cho lòng mẹ thơm tươi mát dịu yêu mến ngọt ngào. Dù cho ngày nào đó mẹ có ra người thiên cổ thì tình mẹ vẫn trinh nguyên như đóa hoa hồng trắng. Nghĩ nhớ đến mẹ thắp nén hương tưởng niệm, ngồi thật yên tĩnh nhìn theo làn khói hương quyện tỏa, chiêm nghiệm suy tư về mẹ cũng đủ thấy lòng sưởi ấm trong tình thương của mẹ:
Mẹ là cả một trời thương
Mẹ là cả một thiên đường trần gian…
***
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn có mẹ trong tâm..
Tuy nhiên đôi khi có vài trường hợp gặp phải những bậc cha mẹ quá nghiêm khắc, khó tánh, cố chấp, thiếu sáng suốt mà trở nên hẹp hòi làm trở ngại tương lai, bước tiến hóa đạo đức của con, làm cho con cháu giảm thiếu niềm vui hạnh phúc, thì bổn phận làm con phải sáng suốt khéo léo chớ nên chiều thuận theo lòng ích kỷ cố chấp của cha mẹ. Trong trường hợp này, người con cũng chớ nên phiền trách, trái lại phải cố gắng tìm cơ hội dùng lời dịu ngọt khuyên cha mẹ thức thời, tin Tam-Bảo, tin nhân quả luân hồi, nghiệp báo, làm lành, tránh xa ác tri thức. Đem chuyện nhân quả luân hồi, đem chuyện Mục-Liên Thanh-Để mà hết lòng khéo léo khuyên nhắc mẹ cha. Nếu cha mẹ nghiệp chướng quá nặng, thiếu thiện duyên với Phật Pháp, thì bổn phận làm con cố gắng học Phật, tu tâm, âm thầm cầu nguyện cho cha mẹ sớm hồi tâm giác ngộ.
Báo hiếu cha mẹ là làm cho cha mẹ hiểu biết Phật pháp, quy y Tam-Bảo, tin sâu nhân quả luân hồi, tu tâm tạo phước, đó mới đích thật là báo hiếu cao thượng cứu cánh nhất.
Báo đáp ân đức cha mẹ bằng cung phụng đầy đủ vật chất đã là khó, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Muốn hiếu kính trọn vẹn, ngoài phần vật chất ra, còn phải khuyên cha mẹ hồi tâm hướng thiện, mà phần này mới là quan trọng và đầy đủ ý nghĩa hiếu kính.
Bổn phận làm con phải làm sao sống đời sống có ý thức chánh tà, hướng tâm vun bồi phước đức, sống có ý nghĩa lợi mình lợi người, để cho tiếng thơm, lời khen tặng của người đời đồn đến tai cha mẹ. Được như thế là cha mẹ an ủi vui lòng đẹp dạ. Ngày nào người con đạt được công thành danh thơm là ngày ấy cha mẹ cảm thấy hãnh diện với làng nước. Bao nhiêu công lao cực nhọc của cha mẹ dành cho con cũng chỉ kỳ vọng thế thôi. Và lúc đó là cơ hội tốt để khuyên cha mẹ hồi tâm giác tỉnh tu tâm dưỡng tánh hành thiện.
Nay tính đã tám mùa Vu-Lan, tôi vẫn còn sống kiếp lang thang trên đất khách quê người. Hướng vọng về nơi chôn nhau cắt rún vạn dặm xa xăm trong khói lửa mịt mù, người con thảo cháu hiền lòng mang nỗi u hoài thương nhớ đấng sanh thành. Nơi đây, tôi xin chắp hai tay thành tâm khấn nguyện song thân được vạn điều an lành nơi trần thế cũng như nơi cảnh Phật Tây phương chín phẩm sen vàng ngát hương giải thoát. Nguyện cầu những đấng anh hồn tử sĩ, những vị hy sinh vì đại nghĩa hòa đồng với hồn thiêng đất nước, những oan hồn uổng tử vô chủ vô y, tất cả đều được an lành trong cảnh tịnh. Nguyện cho quê hương dân tộc sớm được phước duyên, sống trong hào quang thanh bình, thạnh vượng tự do no ấm trong một đất nước Việt-Nam độc lập thái bình.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/08/2011(Xem: 10839)
“Ầu ơ…….. Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, Khó đi Mẹ dắt con đi Con đi trường học, Mẹ đi trường đời” Đó là lời hát ru con mà tôi thường hò để dỗ con vào giấc ngủ trong những ngày tháng khi chúng còn trẻ thơ và rồi ngày mỗi ngày lời ru ấy thấm dần, thấm dần đến tận tâm can của tôi! Tôi thật sự đã ngỡ ngàng và bàng hoàng khi phát hiện ra sự khác biệt qúa chênh lệch giữa “Trường học” và “Trường đời”. Có lẽ chỉ những người có thiên chức làm mẹ mới hiểu được rạch ròi về vạn lần đắng cay của “trường đời”.
09/08/2011(Xem: 8028)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5750)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 5202)
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.
08/08/2011(Xem: 8437)
Người Phật tử có hiếu, nhân ngày lễ Vu Lan hối tưởng lại công ơn cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tiền hãy đem hết lòng thương kính, chăm sóc...
08/08/2011(Xem: 4741)
Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là một con người tốt ở trong xã hội. Cho nên hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết.
07/08/2011(Xem: 6761)
Kinh Vu Lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ. Sau đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả đã thiết lễ trai nghi...
06/08/2011(Xem: 6451)
Sau khi xuất gia khoảng 5 năm, vị tân Tỷ-kheo ấy đã am tường giáo pháp và được các vị trưởng lão cùng đại chúng tán thán về đức hạnh.
06/08/2011(Xem: 6411)
Audio: Chữ Hiếu Trong Đạo Phật
05/08/2011(Xem: 10748)
Khi có con, ngoài cái trao hết cái nhựa sống, cái khí huyết của mình để nuôi con, người mẹ còn trao cho con cái tinh hoa đạo đức của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]