Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Báo hiếu và Bồ-đề tâm

11/04/201311:54(Xem: 4426)
Báo hiếu và Bồ-đề tâm

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2012

Báo hiếu và Bồ-đề tâm

Tỳ-kheo Thích Đức Trí

Nguồn: Tỳ-kheo Thích Đức Trí

Hiếu là ý nghĩa của đạo đức, và cũng là phẩm chất của đời sống hạnh phúc và giác ngộ. Kinh điển Phật Giáo thường dạy rằng chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ do lòng hiếu thảo với cha mẹ phát đại bi tâm cứu độ tất cả chúng sanh mà thành đạo nghiệp. Tức là xuất phát từ tình thương cha mẹ sâu sắc, ý thức khổ đau của người thân liên hệ đến nỗi khổ đau của đồng loại và chúng sanh. Tình thương rộng lớn phát triển thành đại bi tâm, từ đại bi tâm phát khởi thành đại nguyện. Đó là nguyện thành Phật độ chúng sinh là công hạnh của Bồ Tát. Do vậy, phát bồ đề tâm là năng lực báo hiếu vĩ đại và phù hợp với mục đích của sự tu học và hành đạo.

Bồ đề Tâm là gì? Ai cũng biết bồ đề tâm là tâm giác ngộ, sự giác ngộ sâu sắc, đáp án cuối cùng của nó thấy rõ cội nguồn của khổ đau và tìm phương pháp diệt khổ. Nếu khi bản thân chưa giác trọn vẹn thì chưa đoạn tận khổ đau trọn vẹn. Nhưng vấn đề tu học là chúng ta không đợi thành Phật mới chia sẽ những gì có được cho người khác. Phải nhận thức rằng, tại đây và bây giờ là yếu tố tự lợi và lợi tha song hành, là con đường dẫn chúng ta sớm thành tựu giác ngộ. Nói rõ hơn là khi chúng ta giúp người bớt khổ thì chúng ta cũng đã tự giúp mình trước rồi. Tức là giúp bản thân mình có phát khởi tình thương trước, sau đó mới có biểu hiện hành động tốt lành đối với người khác. Tình thương và lòng tôn trọng sự sống xuất hiện trong tâm, chính là hạt giống tốt để phát triển thành tinh thần của bồ tát hạnh.

Muốn có tình thương rộng lớn thì phải có khả năng quán chiếu và nhận thức về lý tưởng giải thoát khổ đau. Bạn không thể xa rời thực tế gian khổ ở đời mà tìm sự giác ngộ. Vì rằng nếu xa rời nó bạn sẽ không có hoàn cảnh để làm nhiều việc tốt. Như con cá thiếu nước thì sẽ không sống được, nếu chạy trốn thực tại thì hạt giống bồ đề giác ngộ không thể phát triển được. Có nghĩa là phải đối diện với cuộc đời để phát khởi sự đồng tình và đại bi tâm.

Một bình thường cũng có tình thương, sự đồng tình, đồng cảm đó, nhưng còn yếu đuối và mờ nhạt, như chỉ thương nồng nhiệt bản thân và người thân yêu của mình mà quên đi những người khác. Có nhiều trường hợp xảy ra, vì lợi lộc cá nhân và gia đình mình mà làm người khác khổ đau. Đôi lúc vì lợi lộc quốc gia xã hội mình mà gây chiến tranh khổ đau trong nhân loại. Thái độ sống thiển cận như thế thì không có khả năng chuyển hóa phiền não và đem đến lợi ích thiết thực chung. Đó là ý niệm về tự ngã xuất hiện và ngự trị nhiều phương diện trong cuộc sống này. Bức tường bản ngã đó được xây dựng lên bằng vật liệu vô minh và bảo thủ và muốn xô ngã nó xuống không gì hơn là dùng trí tuệ và sự xả ly sản phẩm của tự kỉ. Chúng ta thấy cụ thể, thái tử Tất Đạt Đa có đi dạo bốn cửa thành mới quán sát cảnh sanh, già, bệnh, chết và tự nhận thức rằng ta và mọi người đều sẽ như thế! Đó là sự đồng tình, đồng cảm đến cao độ, đi đến khả năng xả bỏ tất cả và vượt thành xuất gia, mở ra một con đường giải thoát tuyệt vời cho chúng sinh.

Khi có tình thương, sự đồng tình, đồng cảm đó mới thấy chắc thật mình và mọi người không khác, từ rung động trước nỗi đau của người khác và cảm nhận nỗi đau như chính mình và phát huy tinh thần cao thượng. Các kinh điển Phật giáo, nhắc lại quá trình hành bồ tát đạo, chư Phật bồ tát đã từng hy sinh thân mạng, đầu mắt tủy não mà cứu chúng sinh là nghĩa ấy. Điều này nó không xa vời đối với người có tâm từ bi. Nhiều thánh tử đạo Phật giáo đã xả thân vì đạo hay những bậc hiền đức vì sự sống của người khác mà hy sinh thân mạng mình đều là biểu hiện sự tình thương cao thượng và nguyện lực giúp đời bớt khổ đau.

Như một nguyên lý đạo đức, tinh thần cứu khổ là sự hy sinh, sự ban bố, sự cho ra, mục đích phát huy tinh thần vô ngã mới đem lại hạnh phúc cho kẻ khác được. Dây kết nối tinh thần giải thoát khổ đau là các hành động đạo đức. Kinh Vu Lan chép rằng Mẹ ngài Mục Kiền Liên, bà Thanh Đề bị đọa trong địa ngục, Mục Kiền Liên dù là tu chứng lục thông cũng không có phương cách gì cứu mẹ. Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên phát tâm rộng lớn cúng dường phẩm vật lên Đức Phật và Hiền Thánh Tăng, nhờ phước đức đó mà bà Thanh Đề được sanh về cỏi an lành. Đó là do năng lực đạo đức cộng đồng chuyển hóa khổ đau thành an lạc.

Kinh Địa Tạng cũng được xem là kinh báo hiếu trong nhà Phật “Phật môn chi hiếu kinh”, nhấn mạnh phương pháp báo hiếu mà còn thuyết minh tính chất nhân quả trong hai lĩnh vực thiện ác của chúng sanh. Nhận thức đúng đắn rằng nguyên nhân mọi khổ đau là do lòng dạ tối tăm và ích kỉ tạo tác. Do đó muốn giải hóa khổ đau thì phải phát tâm rộng lớn với những hành động cao thượng. Thánh nữ Bà La Môn phát tâm cúng dường Tam Bảo, nhất tâm niệm đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại, nhờ công đức đó mà cứu mẹ thoát khỏi cảnh địa ngục khổ đau. Thánh nữ đã phát nguyện: "Tôi nguyện từ nay cho đến tận vị lai kiếp, sẽ vì những chúng sanh mắc phải tội khổ, những kẻ đang trầm luân trong sáu đường, mà quảng thiết phương tiện, lập ra nhiều phương chước, khiến cho họ đều được giải thoát, lìa khổ được vui." (Kinh Địa Tạng, quyển thượng, phẩm thứ nhất).

Cũng tương tự như thế, Ngài Quang Mục phát tâm cúng dường chùa tháp, nhất tâm niệm Phật, nhờ công đức đó mà cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Từ đó Quang Mục nguyện:“Kể từ nay cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ nơi nào có thế giới còn có các chúng sanh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng Tam Ác Ðạo, con nguyện sẽ cứu vớt và làm cho tất cả đều xa lìa các nẻo ác Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh... Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật cả rồi, thì sau đó con mới thành Chánh Giác.” (Kinh Địa Tạng, quyển thượng, phẩm thứ tư).

Thánh Nữ Bà La Môn và Quang Mục Bồ tát đều là tiền thân của Ngài Địa Tạng hành Bồ tát Đạo. Địa Tạng còn có nghĩa là mảnh đất tâm chứa đủ muôn đức lành, tâm ấy có sẳn trong mọi người trên đời này. Từ nhân địa mà phát lòng báo hiếu và tình thương rộng lớn chuyển hóa thành tâm bồ đề. Theo quan điểm đạo Phật, sống không phải là bắt đầu, chết không phải là chấm dứt tất cả. Nếu chúng ta có lòng hiếu thảo, có đời sống đạo đức thì vẫn thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của người con đối với các bậc cha mẹ còn sống. Đối với cha mẹ qua đời thì tu tạo phước đức, làm các điều lành để hồi hướng siêu độ cho cha mẹ được sanh về cảnh an lạc. Đó là phương pháp báo hiếu rất thiết thực mà Đức Phật dạy cụ thể trong các kinh điển.

Như vậy, cha mẹ và nhiều người thân yêu trên cuộc đời này là cao quí, là đối tượng của chúng ta yêu thương, là cầu nối đưa ta đến nguồn nước giác ngộ. Phẩm chất cao quý đó chan hòa vào trong biển đại bi mênh mông. Như thế, bao người đang khổ đau xung quanh ta không còn là một sự trở ngại, hay là gánh nặng lớn trong đời sống chúng ta. Nhờ họ mà chúng ta phát tâm giác ngộ và thành tựu đại bi. Bồ-tát Giới Phạm Võng có nhấn mạnh về ý nghĩa báo hiếu như sau: “Hiếu thuận đối với Cha Mẹ, Sư trưởng, chư Tăng, đối với Tam Bảo. Sự hiếu thuận phù hợp chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự, đình chỉ mọi sự tội lỗi. Cho nên đạo Phật còn gọi là Đạo hiếu.”

Đức Phật nhấn mạnh rằng người nào phát tâm niệm Phật nhất định phải tu tam phước, hiếu thuận với cha mẹ là một trong các điều trong phước lành thứ nhất giúp cho người thành tựu nguyện lực giải thoát khổ đau. Đức Phật từng dạy: “Nầy Vi Ðề Hi! Người muốn sanh nước Cực Lạc ấy nên tu ba phước: •Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bậc Sư Trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. •Hai là thọ trì Tam Quy Y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. •Ba là phát tâm Bồ Ðề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành.” (Kinh Quán Vô Lượng Thọ)

Hiếu như là điều kiện cần thiết của sự thành tựu công đức tu học của mọi người. Như quy luật bình đẳng của chân lý, chứ không phải là quan niệm hay một quy ước.

Như một tấm gương thiết thực trong đời sống đạo đức, các bậc giác ngộ thể hiện hiếu hạnh như là một trách nhiệm thiêng liêng. Đức Thích Ca khi thành Phật cũng tìm cách thuyết pháp độ cha mẹ, cử hành tang lễ khi vua cha qua đời. Ngài Xá Lợi Phất cũng trở về quê hương thuyết pháp độ người mẹ hiền trước khi nhập Niết Bàn. Trong thực tế xưa nay, các bậc hiền trí trong đời cũng rất xem trọng hiếu hạnh và phát huy rộng rãi qua nhiều thế hệ. Kinh điển Phật Giáo đều tán thán và dạy phương thức báo hiếu đối với cha mẹ. Hiếu và bồ đề tâm là giá trị của đạo đức giải thoát. Hiếu hạnh là nếp sống nhân bản và phù hợp với thánh đạo.Từ đó mà có ý nghĩa hiếu thảo với cha mẹ là phải hiếu thuận với Tam Bảo và pháp giới chúng sinh.

Do vậy, hiếu và bồ đề tâm như một quá trình phát triển tiềm năng của tâm thức, từ tình thương cho đến sự cảm nhận chân thật nỗi khổ của tha nhân mà hình thành phẩm hạnh đại bi tâm. Hình ảnh các bậc giác ngộ và các bậc hiền nhân báo hiếu cha mẹ trong tinh thần vô ngã vị tha là bài học vô cùng quan trọng cho chúng ta suy tư và hành đạo. Đạo đức nhân sinh không xa rời tính chất của đạo giác ngộ, nó liên hệ từ ân nghĩa phụ mẫu cho đến ân nghĩa đối với tất cả chúng sanh. Hiếu hạnh là nhân tố căn bản của sự phát Bồ đề tâm, phát khởi nguyện lực Bồ tát đạo, là tinh thần cứu khổ ban vui và thành tựu giác ngộ. Phát huy giá trị cao thượng của hiếu hạnh rộng rãi, và mọi người đều báo ân cha mẹ đúng theo chánh pháp thì chắc chắn có được đời sống an lạc trong hiện tại và tương lai./.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/08/2023(Xem: 2538)
Ngày lại qua ngày, bình minh lên rực rỡ, hoàng hôn xuống đìu hiu. Nước vẫn chảy về đông nhưng vòng tuần hoàn chưa bao giờ gián đoạn. Đời vẫn sanh diệt liên lỉ, dù có thô tháo bạo liệt hay dịu êm lặng lẽ. Ta vẫn còn nơi này nhưng đang trên đường đi đến điểm cuối của vòng đời. Đến để rồi đi, đi để mà đến, dòng sanh tử luân hồi chưa từng dừng dù chỉ một sát na.
26/08/2023(Xem: 2588)
Khí trời còn nóng lắm nhưng không khí mùa hội hiếu đã chớm sang, âm hưởng tháng bảy đã vọng trong hồn. Tự dưng y nghĩ đến chùa chiền mà lòng lay động, dường như trong tâm có lời thì thầm: “Thế là lại đến mùa báo hiếu!”. Y vốn nhiễu sự mà, lòng vừa nghĩ thế thì thằng Ý chọt liền: - Báo hiếu mọi ngày, ngày nào chẳng là ngày hiếu, hà cớ gì phải đợi đến tháng bảy mới báo hiếu?
26/08/2023(Xem: 4887)
Những áng mây trắng Thơ: Hoang Phong Diễn ngâm: Hồng Vân Tôi nhớ mãi một buổi chiều, Mẹ ngồi bên thềm sân,
26/08/2023(Xem: 2987)
Nay lung linh trong sương khói ánh mắt Mẹ xa xăm thầm … nhắn! Làm việc chi cũng rõ ràng luôn tỏa sáng yêu thương Lúc nào cũng dịu dàng, mềm mỏng nhún nhường Dù cuộc sống có phức tạp, dao động liên tục! Đừng đánh mất phương hướng, kiểm soát khắc phục”
24/08/2023(Xem: 2168)
Việt Nam ta là một Đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính Cha Mẹ từ ngàn xưa. Lễ Vu Lan được xem là ngày Lễ thiêng liêng của những người con đối với bậc sinh thành, đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu Mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ
22/08/2023(Xem: 4314)
Thông Báo thay Thư Mời tham dự Lễ Vu Lan PL 2567 tại Tu Viện Quảng Đức, Chủ Nhật 27/8/2023
20/08/2023(Xem: 2349)
Là người con dân nước Việt, từ xa xưa đến nay ai cũng biết rằng quê hương mình hàng năm có ba ngày Rằm lớn, đó là: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Vào ngày Rằm tháng Giêng, tiết xuân vẫn còn vương đọng, người Phật tử đều đến chùa, cầu nguyện một năm mới mọi sự bình an, hanh thông trong công việc, gia đình khỏe mạnh, quyến thuộc đoàn viên, xóm làng yên ổn, quốc gia hòa bình thạnh trị.
09/08/2023(Xem: 1864)
Trong truyền thống Phật giáo, lễ Vu lan là ngọn nến hiếu hạnh thắp sáng giữa đời thường để cho ai có mắt thì được thấy, có trí thì được sáng tỏ, có tâm thì cảm và có tình, thì tình thêm sáng đẹp, rộng và sâu.
15/06/2023(Xem: 2868)
Mới đó mà đã 100 ngày tròn Má vắng nhà. 100 ngày Má đi thật xa để đoàn tụ với Ba nơi cội nguồn Cực Lạc…nơi không có bóng dáng của khổ đau lo lắng, nơi mà Má sẽ ngày ngày dùng lẳng hứng mưa hoa Mạn Đà La đem đi dâng cúng Bụt ở vô số các cõi, Rồi Má sẽ được nghe những thanh âm hòa nhã qua các tiếng hót của nhiều loại chim đủ màu như Hạc trắng, Khổng Tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng Mạng…y
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]