Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mùa Vu Lan Nghĩ Về Cha Mẹ Qua Mấy Vần Thơ Thư Pháp

10/04/201320:07(Xem: 4580)
Mùa Vu Lan Nghĩ Về Cha Mẹ Qua Mấy Vần Thơ Thư Pháp

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011

Mùa Vu Lan Nghĩ Về Cha Mẹ Qua Mấy Vần Thơ Thư Pháp

Thích Hạnh Tuệ

Nguồn: Thích Hạnh Tuệ

Cứ mỗi độ Vu Lan về, người con Phật khắp muôn nơi hướng vọng về hai đấng sinh thành Cha và Mẹ để tưởng niệm đến công đức sinh thành trời biển. Đã một thời, Cha và Mẹ đó đã sinh ta, nuôi ta, dạy ta… trưởng thành như ngày hôm nay. Nếu không có Cha và Mẹ thì còn nói gì đến sự nghiệp, công danh, tiền tài, vợ chồng, con cái… vốn là những cái tạo nên danh phận của con người trong xã hội. Nếu không có Cha và Mẹ thì còn có ai tồn tại trên cõi đời nầy nữa đâu. Cha và Mẹ đó như thể là trời, là đất, là dưỡng khí, là ánh nắng, là mưa rào, là cọng rau, là ngọn cỏ… để từ đó mỗi người con được sinh ra, được che chở, được nuôi lớn, được thụ hưởng, được thành đạt… trong đời.
“Tháng sáu buôn nhãn bán trâm, tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.” Mùa Vu Lan lại về. Tiết Vu Lan lại đến. Xôn xao từ đầu làng, đến cuối xóm; rộn rã từ thôn quê đến thị thành; từ nền văn hóa truyền thống Phật giáo ở các nước phương Đông đến nền văn hóa Phật giáo lan truyền ra hải ngoại phương Tây, đâu đâu cũng thiết lễ Vu Lan Thắng Hội, đâu đâu cũng thiết lễ trai đàn Bạt độ vong nhân. Nương nhờ oai lực của Tam Bảo, Cha Mẹ hiện đời được phước thọ tăng long, bồ đề tâm tăng trưởng; Cha Mẹ đã quá vãng được siêu thăng vào thế giới an lành; chư vị hương linh chiến sĩ trận vong, chư âm linh cô hồn cũng có được bữa ăn no đủ, không bị đọa đày, tra khảo và được thọ sanh không còn vất vưởng.
Nói đến mùa Vu Lan là nói đến Cha và Mẹ. “Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao.” Hay: “Vạn cổ tình thâm ân cúc dục, thiên thu nghĩa trọng đạo sinh thành.” Mà ca dao Việt Nam đã bao lần nhấn mạnh rằng: “Cảm ơn chín chữ cù lao, sinh thành kể mấy non cao cho vừa.” Hay “Cảm ơn chín chữ cù lao, ba năm nhủ bộ biết bao nhiêu tình.” Sinh (đẻ ra), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), dục (dạy dỗ), súc (nuôi cho bú mớm), trưởng (nuôi cho khôn lớn), cố (trông nom), phục (là xem tính tình mà chỉ bảo), phúc (là bảo vệ) đó là chín chữ cù lao mà không đức con nào trong nhân gian có thể đáp đền cho trọn vẹn được. “Ơn cha trọng lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau.” Thế nên, làm sao mà nói hết được: "Đố ai đếm được lá rừng, đố ai đếm được mấy từng trời cao, đố ai đếm được vì sao, đố ai đếm được công lao mẫu từ" Lời thơ ấy là minh chứng cho sự bất khả thuyết (không thể nói hết), bất khả tư nghì (không thể nghĩ cho cùng) khi muốn định lượng công đức của Cha và Mẹ. Vì công sinh thành, dưỡng dục ấy đã vượt ra ngoài mọi định chế của nhân gian, không thể cân, đo, đong, đếm… Thế nên: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha” hay “ân Cha dưỡng dục dường non Thái, nghĩa Mẹ sinh thành tợ biển Đông.” Núi Thái kia cao vời vợi ấy đâu thể sánh được với công Cha. Biển Đông kia dẫu có mênh mông và thẩm sâu đến thế nhưng làm sao sánh nổi với nghĩa của Mẹ hiền. Để rồi, những đứa con khi lớn khôn rong ruổi khắp muôn phương, đối diện với dòng đời xuôi ngược, tất bật với thế thái nhân tình, bôn ba với dòng đời vạn nẻo… mới chợt nhận ra là: “Đi khắp thế gian không ai thương con bằng Mẹ, gian khổ cuộc đời không ai nặng gánh bằng Cha.”

* Hình bóng của Cha là biểu tượng con sự vững chải, nghiêm nghị mà tình thương cho con thì sâu kín: “Cha cho con một cuộc đời, mối tình sâu kín trong lời dạy khuyên, lòng cha nghiêm nghị thiêng liêng, cho con lẽ sống giữa miền trần gian.” Chính sự ẩn tàng ấy sâu kín của tình thương Cha ấy đã tiếp cho con bản lĩnh sống giữa cuộc đời. Bản lĩnh và nghị lực sống của con bây giờ có phải chăng đã di truyền từ Cha: “Cha là bầu trời, con thơ là hạt bụi, con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời.” Và Mẹ cũng vậy, “Mẹ hiển nhiên như trời đất đã thành, như cuộc đời không thể thiếu trong con”. Và rồi, từ cái không có gì đó, con được sinh thành, được trưởng dưỡng để lớn khôn. Từ một hạt bụi như muôn ngàn hạt bụi lang thang, con về đây nương gá nơi bào thai Mẹ: “Hình hài con khi còn là hạt bụi, lớn lên dần qua tim mẹ bao dung.” Chỉ có tình thương thôi, mà Cha và Mẹ đã tạo dựng nên sắc màu của cuộc sống muôn trùng. Và tình thương ấy không bao giờ phai nhạt. “Mẹ là sữa ngọt quê hương, rót vào thiên kỷ nguồn thương cho đời.” Con nên danh phận, hạnh phúc với cuộc đời thì Cha Mẹ vui mừng cho con. Còn nếu như, con thất bại, hiu quạnh giữa muôn người thì Cha Mẹ lại là người gần con nhiều hơn để nâng đỡ, vỗ về, chia sẻ… “Con dù lớn vẫn là con của Mẹ, đi hết cuộc đời lòng Mẹ vẫn theo con.” Khi con lớn khôn, bước vào đời, rời xa vòng tay che chở của Cha Mẹ, con đi xa cho thỏa chí tang bồng. Có thể là, con cần phải đi xa để lo cho sự nghiệp của mình. Hay cũng có thể là, con đi xa chứng minh rằng mình đã lớn, đã có thể tự lập được rồi, không còn muốn Cha Mẹ chăm nom nữa... Nhưng dẫu có xa đến đâu, dẫu con có phiêu bạt ở chân trời hay góc biển nào thì tình thương của Cha Mẹ ấy, tấm lòng của Cha Mẹ ấy vẫn dõi theo con như ánh trăng rằm theo người lữ khách đêm khuya. “Mẹ vầng trăng sáng thiên thu, soi đời con bước lãng du hải hà” Hơn thua, được mất ở đời… cái gì rồi cũng bị phủ mờ dưới lớp bụi của thời gian. Nhưng tình thương của Cha và của Mẹ thì không hề nhạt đi. “Biển đông có lúc đầy vơi, chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.”

* Với tình thương mênh mông của Cha Mẹ ấy, với công đức sinh thành và dưỡng dục ấy… phận làm sao con cái sao có thể quay lưng lại được. Kinh Thi có câu: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo Thiên võng cực.” Nghĩa là: Cha sanh ta, mẹ nuôi ta, thương thay Cha Mẹ sinh dưỡng ta khó nhọc, muốn báo đáp ơn sâu, ơn đức của Cha Mẹ mênh mông như bầu Trời. “Mênh mông lòng mẹ thương ta, xin hòa thành bản tình ca dâng người.” Vô phương trước sự báo đáp, đền trả công ơn sinh thành dưỡng dục, những người con chỉ có thể tri ân thôi và cũng chỉ có thể báo bổ trong muôn một thôi. Và nhất là đối với Cha Mẹ còn sinh tiền thì phải hết lòng phụng dưỡng, sớm viếng tối thăm, ân cần thưa hỏi. Chính sự thưa hỏi đó, làm cho Cha Mẹ được nguôi ngoa ở tuổi xế chiều, làm cho Cha Mẹ không cảm thấy cô liêu, quạnh quẻ với cái già, cái bệnh đơn côi. Với dòng chảy của thời gian trôi nhanh vun vút ấy, mấy ai trong nhân gian có thể thoát khỏi cảnh lão bệnh nầy. Lúc còn trẻ thì Cha và Mẹ đã vì mình mà lam lủ, bôn ba để tạo dựng, xây đắp cho gia đình, con cái. Vì vậy mà khi về già, sức khỏe của Cha Mẹ hao mòn, đau nhức toàn thân. Có bao giờ con đã trả ơn bằng cách đấm lưng cho Cha, bóp tay cho Mẹ chưa, hay con đã vô tâm bỏ mặc, lãng quên sự đau nhức ấy...
Ôi nói sao cho hết tấm lòng hi sinh cao cả, vô bờ bến một đời của Cha, một đời của Mẹ. Cho nên: “Ai còn Mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không!” Lời nhắn nhủ ấy, gần giũ, thân thương như bài ca “Bông hồng cài áo”. “Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?” Biết gì? “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?””
Mùa Vu Lan năm nay lại về, xin cầu chúc cho hai đấng sinh thành khắp cả mười phương luôn được an lành và hạnh phúc trong tình thương yêu và kính trọng của con cháu. Xin cài lên áo anh, chị, em một đóa hoa hồng để biết là mình đang rất hạnh phúc còn Mẹ trên đời. Và "Vu Lan đến thêm người cài hoa trắng, trần gian buồn thêm một kẻ mồ côi", xin chia buồn với những ai đã không còn Mẹ trên đời. Để rồi một ngày nào đó, "con về quỳ giữa quê hương, thầm hôn lên những bước đường Mẹ qua."
Chùa Phật Đà, San Diego ngày 9/8/2011.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4497)
Đức Phật dạy, được sinh làm người là một phước báu lớn. Bởi vì trong muôn loài, con người có nhiều tình thương yêu, hiểu biết hơn các loài khác. Đức Khổng Tử nói: Nhân chi sơ, tính bản thiện - Mỗi em bé sinh ra đều có tính thiện. Em bé lớn lên thành người tốt hay xấu đều tùy thuộc vào môi trường xã hội, sự giáo dục của gia đình và học đường.
10/04/2013(Xem: 4619)
Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất là đôi bạn tâm giao, thời niên thiếu cùng học đạo Bà La Môn, vì không tìm được chân lý ở đạo này nên cả hai ông đồng quy y Phật giáo. Chỉ 7 ngày sau quy y Phật, Mục Kiền Liên đắc quả A La Hán, được Thế Tôn khen là thần thông đệ nhất trong hàng mười đại đệ tử lớn của Phật.
10/04/2013(Xem: 8102)
Trung nguyên ngày hội vọng Vu lan Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn Những ai là kẻ mang ơn nặng Đều vận lòng thành đón Vu lan.
10/04/2013(Xem: 4887)
Trên hàng loạt những thềm đá ở ngọn núi Tohamsan rậm rạp cây xanh, ngôi chùa Bulguksa (có nghĩa là Đất Phước) mọc lên an nhiên như mặc thị một niềm tin sấu sắc về miền đất hiếu sinh an lành, như để hiện diện hết sức tinh tế về một nền nghệ thuật Phật giáo của một dân tộc…
10/04/2013(Xem: 4762)
Văn bút "Bông hồng cài áo" của thượng tọa Thích Nhất Hạnh, trở thành một kiệt tác và được truyền thừa rộng rãi ở Việt Nam. Cho tới ngày nay, đã hơn 20 năm, chưa có một bản văn nào nói về mẹ được mọi giới ưa chuộng, hoặc thay thế được. Lời lẽ trong bài "Bông hồng cài áo", không phải súc tích ở lời văn chải chuốt, triết lý cầu kỳ. Sở dĩ, được mến mộ, vì bản văn vừa khế lý lẫn khế cơ. Đạo hiếu là đạo của con người và ai cũng muốn trả ơn cha mẹ.
10/04/2013(Xem: 4600)
Hằng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy, khi trời đất chuyển sang thu, thì trong mỗi trái tim của người con Phật xuất gia thường in đậm bằng 2 dấu ấn. Đó là ngày lễ Tự tứ, kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ và dịp lễ báo hiếu đối với ân đức sinh thành. Nói đến sự báo hiếu, chúng ta không thể không nhớ đến hình ảnh hiếu thảo chấn động thiên địa của tôn giả Đại hiếu Mục-kiền-liên.
10/04/2013(Xem: 5194)
Rất phổ biến là các huyền thoại khai nguyên tộc người, những sáng thế luận của các tôn giáo đều giống nhau ở chỗ sáng tạo ra một cặp nam nữ đầu tiên ở buổi hồng hoang xa xăm của lịch sử. Một người đàn ông, một người đàn bà và con cái của họ là hình ảnh của tế bào gia đình nguyên sơ mà ngày nay, trong xã hội hiện đại, đang trở thành mô hình thời thượng. Thật ra, trong lịch sử chúng ta đều biết cấu trúc gia đình có những quy mô lớn hơn: bầy đàn, thị tộc, bộ lạc, tông tộc, cộng đồng làng xóm…
10/04/2013(Xem: 4086)
Thầy kính thương của con ! Thấm thoát mà ngày tháng qua mau , con đi xa đã gần ba tháng và một mùa hạ nữa cũng sắp đi qua . Trời vào thu thật buồn , nắng hiu hắt, gió heo may báo hiệu lễ Vu Lan đã về . Tâm trạng của đứa con xa nhà nào có khác gì một kẻ mồ côi, chiều xuống sao nghe lòng buồn chi lạ!
10/04/2013(Xem: 4573)
Boong boong… Hỡi hồn hoang Trong chiều vàng màu lửa Tàn tạ tiêu điều Trong một kiếp cô liêu !
10/04/2013(Xem: 5658)
Phải, ngọn núi này đã đi vào lòng người như một tuyệt tác không lời nhưng vẫn còn mãi âm vang. Âm vang ấy lưu vọng từ đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp nọ. Con người không thể nghe được bằng tai thường, mà chỉ nghe bằng một thứ tiềm thức sâu thẳm, đầy gợi nhớ, gợi thương, thầm kín mà chẳng bao giờ quên được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]