Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguồn Suối Tình Thương

23/07/202117:17(Xem: 2750)
Nguồn Suối Tình Thương



hoa_hong (3)

NGUỒN SUỐI TÌNH THƯƠNG

 
Bài của Hạnh Phương
Diễn đọc: Quảng An







Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

 

Câu ca dao được trao truyền từ hàng ngàn năm ấy, cho chúng ta thấy một nền tảng văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Tình nghĩa hiếu trung được đặt tuyệt đối lên hàng đầu trong tư tưởng và giữa trái tim.

Đọc lại cho nhau nghe câu ca dao ấy hôm nay chính là để chúng ta cùng niệm nhớ ân đức sanh thành của Cha mẹ, thắp sáng tâm linh ta ý thức tình nghĩa và hạnh phúc giữa cuộc đời mà ta đang có. 

 

Tượng cha, thân trúc thẳng

Hình mẹ, nhánh mai gầy

Trúc mai cùng sóng sánh

Bát thơ con thêm đầy.

 

Tượng cha núi non cao

Hình mẹ biển dạt dào

Biển non xanh bất tận

Đời con ngời sáng sao.

 

Hình bóng người cha bao giờ cũng thế: nghiêm trang, chuẩn mực đàng hoàng, cương nghị.

Ở giữa cuộc đời, hình bóng cha luôn sừng sững như ngọn núi cao, vững vàng như trụ cột, tiết trực như trúc, như tre, chẳng yếu mềm như lau như lách. Đối với cuộc sống gia đình hàng ngày, có thể cha chẳng bận tâm bao nhiêu đến việc nuông niu bú mớm, ẵm bồng… khi con thơ ấu. Nhưng chính cha là ngọn đuốc soi đường cho con đi tới. Chính cha là người tạo dựng niềm tin, trao truyền dũng khí, sinh lực làm hành trang cho con vào đời dựng xây cuộc sống.

Bao giờ cha cũng nghiêm khắc, đạo mạo, ít cười, ít nói; bản thân con thơ ngây, hời hợt nên thật khó nhận ra tình thương trân quý, tấm lòng nhân hậu, trầm lắng sâu thẳm trong trái tim cha.

Chúng con chưa hề biết lúc mẹ vặn mình đớn đau trong cơn vượt cạn, chính là lúc cha cúi đầu cắn cỏ, gặm đất. chỉ một niềm duy nhất là nguyện cầu cho con trẻ lọt lòng, mẹ tròn con vuông.

Làm sao chúng con với con mắt thịt ơ hờ, lại có thể thấy được những giọt nước mắt âm thầm cố nén trong lòng cha. Chiều nay khi con có lỗi, cha bảo không vâng. Nên đã phải đang tâm dùng roi vọt.

Thực sự ở đời con chưa đủ trí khôn, chưa dày cảm xúc để có thể dễ dàng hiểu hết, cảm nhận được hết tình thương trầm lắng, ngữ ngôn ẩn dụ, mắt nhìn xa vắng thường có nơi cha. Và đôi khi, có thể, cha vắng bóng rồi, con mới hiểu thấu tình thương của cha. Chỉ khi nhìn thấy anh em bất hạnh mồ côi cha quá sớm, con mới thấm thía ý nghĩa câu nói: Con không cha như nhà không nóc. Ngày xưa thơ ngây khờ dại, cha còn có mặt, con cứ tưởng câu nói ấy là để cho ai, chứ đâu có để cho mình. Chỉ đến khi cha khuất non Tây. Con mới nghe ra trong tràn trào nước mắt. Nỗi bất hạnh lớn lao của những con người thất niệm chính là chỗ ấy. Lắm lúc chỉ vì thờ ơ, chúng ta trở thành người phản bội tình thương.

 

Có cha, có mẹ thì hơn

Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.

 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn, vâng nói đến mẹ chính là nói đến suối nguồn tình thương dạt dào vô cùng vô tận. Nói mẹ là chuối ba hương, là xôi nếp một… như nhiều thế hệ bình dân Việt Nam đã nói, quả là một cách nói rất hay,rất ngọt ngào. Cách nói cụ thể hóa, hình tượng hóa tình thương bao la vô bờ vô bến của mẹ.

Hơn ai hết, mẹ là người đã thấu nỗi đau “Đi biển lẽ loi một mình”. Đau đớn biết là bao khi mẹ vặn mình quằn quại cho đứa con thơ cất tiếng chào đời. Tấm thân mẹ còn bê bết vây va máu mủ, thế mà chỉ cần nghe thấy tiếng đầu đời con khóc là môi mẹ đã nở nụ cười, lòng mẹ đã vui tươi hớn hở và tình mẹ cho con đã khơi nguồn cuộn suối dạt dào. Con mẹ vuông tròn đủ đầy tay chân, mặt mũi là thế . Nhưng nhỡ bất hạnh rằng con mẹ mù què, mẻ sứt, eo ngẳng tay chân, dị hình dị tướng… tình thương của mẹ vẫn cứ tròn đầy như thế.

Đất trời thiên nhiên đã truyền thừa, phó chúc cho mẹ tình yêu như thế: khi nao cũng vành vạnh tròn đầy. Từ bầu vú mẹ, từ bàn tay mẹ, bú mớm, nuông niu, ẵm bồng… con đã như đóa hoa tươi thắm nở giữa vườn đời.

Cha nghiêm khắc cang cường bao nhiêu, mẹ lại hiền lành rộng lượng bấy nhiêu. Thương con, bao giờ mẹ cũng hồn nhiên bộc lộ, không cần tế nhị, kín đáo, dấu che khuất lấp. Chẳng khi nào mẹ sợ thương con mà để con hư. Mẹ cứ như con gà mái nuôi con, bươi quào được hạt lúa, hạt ngô hay con sâu, cái kiến là túc túc, túc túc gọi hết đàn con mà chia cho nó.

Trong ánh mắt nhìn của mẹ, tất cả các con đều như nhau trong biển tình thương bao la: không vì con trai mà quên con gái, không vì đứa nhỏ mà xao lãng đứa trưởng thành. Cha mẹ thương con thương đến tận cuộc đời, ngay cả lúc đã tàn hơi kiệt sức “Mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi”.

Khi con thơ dại thì nuông niu bồng ẵm, buổi con đau ốm chạy vạy thuốc thang, thức trắng đêm dài quạt nồng ấp lạnh, ru hỡi ru hời, không hề than thở.

Khi con tập tễnh vào đời mẹ dõi mắt trông theo chân con từng bước một, mong sao con đừng vấp ngã. Và ngay cả khi con cái trưởng thành, lớn khôn; đôi mắt mẹ vẫn cứ mãi nhìn con như là tấm bé, nhỏ dại, thơ ngây. Cho dù con cái lớn năm, sáu bảy  chục tuổi đời cũng không làm sao lớn được với mẹ.

Kinh Phổ Môn của đạo Phật có chữ: “Từ nhãn thị chúng sanh”, ý nói các vị Phật, các vị Bồ Tát như Bồ Tát Quan Thế Âm, bao giờ cũng thế, luôn luôn như thế: dùng đôi mắt từ bi mà nhìn ngắm chúng sanh, nhìn ngắm cuộc đời. Chữ ấy mà đem dùng cho ánh mắt của mẹ, cách nhìn của mẹ, thì quả thực không còn chữ nào hay hơn được nữa: “Mắt thương nhìn đàn con”. Đã là mẹ, khi nào mẹ cũng lấy đôi mắt thương mà nhìn con. Con tưởng con khôn ngoan láu lỉnh, khi thất bại giữa đường đời, bạn hữu gần xa lảng tránh, bơ vơ cay đắng một mình, trở về với mẹ là sẽ thấy ngay. Mẹ dang đôi cánh tay hiền ôm lấy vai con, vò đầu rờ trán, áp sát mặt con lên ngực mẹ rồi mẹ vỗ về an ủi: “Tội nghiệp con tôi, sao con tôi ra nông nỗi thế này”. Nước mắt mẹ già sẽ sưởi ấm lòng con. Và giả thiết, đứa con hoang đàng chi địa, bất kể hiếu trung, bất tuân lễ nghĩa, phạm phải tội hình rồi ra sẽ chết. Pháp luật thế gian không hề cho phép, nhưng nếu mẹ được chết cho con sống mẹ vẫn sẵn sàng. Có vượn mẹ kia, đứng ở trên cây, đã nhầm tên độc, ruột đã đứt rời, biết mình sắp chết vẫn cứ ôm lấy vượn con cho đến khi trao trút hơi thở cuối cùng.

Tình cha mẹ thương con trên khắp cả thế gian này đều là như thế. Chính nhờ nền tảng tình thương của mẹ của cha ta mới học được bài học thương yêu người khác. Chính nhờ tình thương của cha mẹ mà ta học yêu thương cuộc đời, tình yêu và lẽ sống chan hòa quyện lẫn với nhau.

Hằng năm, nhân ngày Vu Lan, chúng ta đã cùng nhau quy tụ dưới mái chùa. Ngày lễ Vu Lan chính là ngày nhắc nhở chúng ta học về hạnh hiếu và làm hạnh hiếu. Noi gương Đại hiếu Mục kiền liên, ròng rã bao nhiêu năm tinh cần tu học, vừa mới chứng được sáu thần thông là đã dùng ngay thần thông mắt dõi khắp ba cõi trời người tìm cho ra mẹ. Đã thấy mẹ đang chịu đói khát khổ đau liền bưng cơm dâng nước cho mẹ, mẹ không dùng được thì trở về khóc lóc thiết tha nhờ Phật chở che cứu hộ. Đức Phật chỉ bày phương pháp thì tận tâm tận lực làm theo cho đến khi mẹ bình an thoát khổ Ngài mới an tâm thỏa dạ.

Có một nếp sinh hoạt hôm nay đã trở thành một phần nghi lễ trong ngày Vu Lan. Chúng ta cùng đứng trước ngôi Tam bảo mà cài hoa hồng cho nhau.

Đây chỉ là đóa hoa làm biểu tượng

Người còn mẹ sẽ được cài một đóa hoa hồng

Người mất mẹ sẽ được cài một đóa hoa trắng.

Người được cài đóa hoa hồng cảm nhận ngay một nguồn ân sủng lớn lao: mẹ cha mình đang còn đó. Mình đang sống bình an trong vòng tay cha quý, mẹ hiền. Cha mẹ đã già yếu, mình phải ý thức sớm chăm sóc an ủi, vỗ về. Phải học lấy cách cha mẹ thương mình ra sao thì mình thương cha mẹ như thế ấy. Cha mẹ có vô tình xao lãng, nên khéo nhắc cha mẹ tu trì niệm Phật. Thậm chí mẹ cha đã lẫn đi rồi thì mình nên dành nhiều thì giờ kê miệng vào tai niệm Phật cho cha mẹ mình nghe. Đó chính là cách báo hiếu chân chính. Và nhìn lại đóa hoa được cài trên ngực áo chư vị hôm nay mới thực tràn đầy ý nghĩa. Đối với những người đã vắng bóng mẹ cha, hôm nay, sẽ được cài một bông hoa màu trắng. Cúi nhìn đóa hoa tang trắng mình thắp sáng lên ý thức này: mẹ cha mình hôm nay không còn có mặt ở giữa cuộc đời. Mình không nhìn thấy được con người thịt xương tứ đại của mẹ cha, không nghe được tiếng nói của mẹ cha, không thấy được hơi ấm bàn tay cha mẹ rờ lên mặt mình, trán mình.

Nhưng đã là Phật tử chân chính mình phải tập, phải vượt qua nhận thức đau khổ thường tình. Cha mẹ đã cho mình thấy ân sủng lớn là được làm người. Thân thể con người mình đây là do cha mẹ sinh thành. Mình còn đây thì cha mẹ vẫn còn đây. Và đúng như Pháp Phật đã chỉ bày, mình phải nhất tâm chú nguyện cho mẹ cha. Ngày chư tăng Tự Tứ, mình tùy theo hoàn cảnh gia đình, không nhiều thì ít, căn bản là tấm lòng thành, sắm sanh lễ vật, cúng dường tự tứ. Thỉnh cầu mười phương hiện tiền chư Tăng Ni chú nguyện cho linh thức mẹ cha thoát khỏi u đồ, siêu sanh lạc quốc. Đó là cách báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp nhất và hiệu quả cao nhất. Có như thế nhìn lại đóa hoa được cài trên ngực áo mình hôm nay mới thực sự có ý nghĩa. 

 

Bông hồng hình ảnh mẹ

Lặng lẽ vào chiều sâu

Bình minh nhân loại hé

Ánh kim cương nhiệm mầu.

HẠNH PHƯƠNG








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 5462)
Vu-Lan lại về. Vu-Lan về với người con Phật. Đặc biệt với người con Phật tha hương, những người con thảo cháu hiền còn nghĩ đến ân sâu nghĩa nặng của mẹ cha, thì nỗi nhớ niềm thương trong mùa Vu-Lan lại càng thắm thiết hơn bao giờ! Nhưng Vu-Lan mang ý nghĩa gì?
11/04/2013(Xem: 4818)
Rằm tháng bảy đối với đạo Phật mang ý nghĩa đặc thù, tưởng cũng nên lược nêu ra đây vài đặc điểm: 1) Ngày tự tứ: Khi đức Phật còn ở đời, ngày ngày Ngài đi hoằng pháp khắp đó đây, nhưng đến mùa mưa từ khoảng rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, trong suốt thời gian ba tháng mùa hạ nầy, đức Phật và hàng đệ tử xuất gia đều tập trung ở một chỗ chuyên tâm tu học không ra ngoài.....
11/04/2013(Xem: 4870)
Nói đến Vu-Lan là nói đến hiếu. Nói đến hiếu, người ta liên tưởng đến hình ảnh ngài Mục-Kiền-Liên bưng bát cơm dâng mẹ, cơm hóa thành lửa. Sau đó cầu xin Phật chỉ dạy phương pháp báo hiếu, tôn-giả Mục-Kiền-Liên vâng theo lời Phật dạy thực hành cứu được mẹ là bà Thanh-Đề thoát kiếp ngạ quỷ đói khát khổ đau. Nên Vu-Lan mang ý nghĩa giải-đảo-huyền, tức là cứu tội khổ bị treo ngược.
11/04/2013(Xem: 4918)
Cha mẹ là nguồn sống của con. Người sống trên đời ai mà không do từ cha mẹ sanh thành, ai mà không được cha mẹ nuôi nấng lớn khôn? Cha mẹ đã trải dài năm tháng tốn hao biết bao là tâm huyết tiền của để lo cho con ăn ngon mặc đẹp mạnh khỏe nên người. Cha mẹ đã ngày đêm nhọc nhằn cưu mang quên ăn bỏ ngủ để vỗ về săn sóc con.
11/04/2013(Xem: 4890)
Hằng năm đến rằm tháng bảy, không ai bảo ai, mọi người đều cảm thấy nơi lòng sống dậy nỗi nhớ niềm thương, tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, làng nước quê hương, nhớ thương đến những ân nhân thương thân xa cách.
11/04/2013(Xem: 6427)
Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, đó đây những người con thảo cháu hiền, tự nhiên cảm thấy lòng bâng khuâng se thắt, man mác nỗi nhớ niềm thương. Lòng thương nhớ cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hiện còn trên dương thế. Nỗi tiếc thương ông bà cha mẹ anh em đã qua đời. Để cho nỗi lòng thương nhớ được phần nào thâm trầm êm dịu, những người con thảo cháu hiền dâng trọn nén tâm hương khấn nguyện trong chiều thu Vu-lan thắng hội.
11/04/2013(Xem: 5040)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy không ai bảo ai, thiên hạ đều biết đó là mùa Vu-Lan báo hiếu. Dù cho người đang sống ở chân trời góc biển, tha hương lưu lạc phương nào, hễ mỗi khi tiết trời thu về, là biết sắp đến rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu, tự nhiên cảm thấy lòng nao nao bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, quê nhà, làng nước và những người thương thân.
11/04/2013(Xem: 4732)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy, dù những ai đó có đang sống ở nơi xa xăm chân trời gốc biển nào đi nữa, không ai bảo ai, nhưng mọi người con thảo cháu hiền đều cùng chung dòng tâm tưởng cảm thấy lòng mình nao nao se thắt trào dâng nỗi niềm bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, nhớ nơi chôn nhau cắt rún, nhớ làng nước, nhớ nơi tiếng khóc chào đời. Không ai bảo ai, nhưng mọi cõi lòng con thảo cháu hiền đều tự biết mùa thu về, rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu đến.
11/04/2013(Xem: 4828)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy, mọi người con thảo cháu hiền không ai bảo ai, tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ. Đặc biệt là những vùng khí hậu bốn mùa rõ rệt, khi lá thu vàng lác đác nhẹ rơi, lại càng khơi dậy lòng người cái cảnh sanh ly tử biệt, nỗi nhớ niềm thương.
11/04/2013(Xem: 5495)
Hôm nay chúng ta đang ở trong mùa Vu-Lan, mùa lá vàng rụng về cội, mùa khói hương mù sương nghi ngút quyện lấy lời nguyện cầu mang đến thế giới tâm linh, thế giới vô hình u hoài mầu nhiệm của các bậc ân đức sanh thành quá cố. Mỗi lần Vu-Lan đến khiến cho lòng người con thảo cháu hiền sống dậy nỗi nhớ niềm thương, mong được gần gũi với cha mẹ cùng những người thương thân ân đức của mình. Vu-Lan có nghĩa là giải-đảo-huyền, tức là giải cứu tội nhân bị khốn khổ được giải thoát an vui.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]