Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan dâng trọn lòng thành

11/04/201312:03(Xem: 4795)
Vu Lan dâng trọn lòng thành

Những mùa Vu Lan

Vu Lan dâng trọn lòng thành

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Nói đến Vu-Lan là nói đến hiếu. Nói đến hiếu, người ta liên tưởng đến hình ảnh ngài Mục-Kiền-Liên bưng bát cơm dâng mẹ, cơm hóa thành lửa. Sau đó cầu xin Phật chỉ dạy phương pháp báo hiếu, tôn-giả Mục-Kiền-Liên vâng theo lời Phật dạy thực hành cứu được mẹ là bà Thanh-Đề thoát kiếp ngạ quỷ đói khát khổ đau. Nên Vu-Lan mang ý nghĩa giải-đảo-huyền, tức là cứu tội khổ bị treo ngược.
Kinh điển của các bậc hiền triết thánh nhân chơn chánh đều khuyên dạy con người sống phải biết ân nghĩa với người mình chịu ân và nên sống chan chứa tình nhân loại. Tất cả kinh điển, thánh hiền, minh triết đều nói lên tinh thần hiếu kính mẹ cha ông bà tiên tổ. Thế nên cổ đức tiên hiền nói: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên”. Có nghĩa là, ngàn quyển kinh muôn pho sách của thánh hiền đều khuyên dạy người trước tiên phải giữ đạo hiếu. Tức là đối với ông bà cha mẹ khi sống phải áo cơm thuốc thang đầy đủ. Khi chết phải phụng thờ siêu độ:
Đói lòng ăn bát cháo môn
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung
***
Mẹ cha về cõi Phật trời
Lòng con mới được an nơi cõi trần
Tại sao hiếu đạo lại quan trọng như vậy? Bởi vì không hiếu thì không trung, không tín, không thành, không nhân, không nghĩa. Cha mẹ là người mang nặng đẻ đau, ẵm bồng chăm sóc nâng niu vỗ về con, đêm ngày ngược xuôi lo lắng cơm no áo ấm cho con, đem hết năng lực tâm huyết trọn đời lo cho con, mà con không nghĩ nhớ ân đức sanh thành dưỡng dục cao dày đó, thì thử hỏi còn kính thương ai? Từ nơi cha mẹ mà có thân con. Nhờ cha mẹ mà con khôn lớn. Cây có cội mới trổ cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Con ra đời, ăn học, lớn khôn thành người, lập thành gia thất, công danh sự nghiệp nhứt nhứt đều nhờ cha mẹ.
Cha mẹ là người đã cắt ruột thịt chia máu xương trao trọn tình thương cho con, mà con không có lòng kính thương tưởng nhớ thì làm sao có lòng thương dân, thương nước, thương bà con quyến thuộc họ hàng làng nước được? Hạng người bất hiếu nầy sẵn sàng bán đứng tổ tiên dân tộc đất nước cho ngoại bang để được bổng lộc vinh thân phì da trên khổ đau của đồng loại.
Đối với cha mẹ đã không có lòng hiếu kính thì nhứt định không thể nào thật tình với bà con quyến thuộc, yêu nước thương dân. Từ đó suy ra cho ta biết, kẻ không có đạo hiếu thì không thể nào có lòng thành tín với mọi người. Người không giữ đạo hiếu là người thiếu mất cội nguồn quyến thuộc giống nòi dân tộc. Người như thế, đối với gia đình chỉ là lợi dụng tình cảm, với bạn bè chỉ là tìm hậu thuẫn tránh cô đơn, với quốc gia dân tộc chỉ là tìm quyền danh lợi dưỡng hưởng thụ, khi thuận thời thì miệng độc quyền bô bô hô hào ái quốc thương dân, đồng thời mưu đồ triệt hại người khác có uy tín thế lực, để sẵn sàng bán quốc cầu vinh. Khi thấy địa vị quyền danh lợi dưỡng tánh mạng của mình lâm nguy thì tìm đường tẩu thoát để được an toàn hưởng thụ. Tất cả tội ác con người đều bắt nguồn từ lòng không hiếu đạo. Bất hiếu thì nhất định đưa đến bất trung, bất tín, bất nghĩa, bất nhân, do đó, kinh điển thánh hiền dạy: “Hiếu vi vạn hạnh vi tiên”. Nghĩa là hạnh hiếu đứng đầu trong muôn vạn hạnh lành. Ngược lại, thiếu tinh thần hiếu đạo thì con người thiếu mất đi tình gia tộc, tình đồng bào, tình quê hương để rồi tạo nên muôn điều khổ đau cho người khác.
Do vậy, mà có những ác đảng tà giáo dựng lên chủ nghĩa giáo điều nhằm tiêu hủy tinh thần hiếu kính thờ cúng mẹ cha tiên tổ với ý đồ hủy diệt kỷ cương gia đình, tình yêu tổ quốc dân tộc, hầu tạo thành lớp người vong bản, chỉ biết nô lệ đảng, cuồng tín phục tùng thần linh thượng đế, để rồi từ đó dễ dàng thao túng củng cố thế lực quyền lợi nhằm mục đích đi chinh phục người khác, nô lệ hóa con người, tạo nên không biết bao tai họa cho nhân loại.
Lịch sử nhân loại xưa nay đã cho ta thấy rằng, chủ nghĩa giáo điều nào nhằm khuyến khích con người tố khổ mẹ cha, xa lìa tiên tổ, vất bỏ phụng thờ ông bà cha mẹ tiền nhân là nhằm có ý đồ vong nô hóa con người quên gốc quên nguồn, chỉ biết cuồng tín vâng lệnh phục tùng theo sự chỉ huy của ác đảng, thần giáo, hầu tạo tình trạng bất an loạn động cho quốc gia dân tộc để đưa đồng bào nhân loại vào vòng nô lệ vong bản vong thân.
Đạo hiếu có công năng làm cho con người sống biết nguồn, nhớ gia tộc tiên tổ, yêu quê hương dân tộc, nhiệt tình phục vụ nhân loại, thuận hợp với lẽ phải luân thường đạo lý, xây dựng gia đình quốc gia xã hội trật tự an lành, độc lập tự chủ vững mạnh. Những người đạt đến tư cách hiền nhân quân tử, đều là khởi đi từ căn bản tôn trọng luân thường, sống tròn hiếu hạnh. Nên hiếu bao gồm ý nghĩa tôn sư trọng đạo, bao dung hài hòa: làm sao cho đạo và đời, mình và người đều được an lạc. Nhưng không phải chỉ cho mình được nhàn hạ thong dong kính trọng trong lúc đồng đạo, đồng bào bị lao tù khổ đau. Người xưa nói: Một con ngựa đau cả tàu không ăn. Thế nên hiếu bao gồm đức, nhân, nghĩa, trung, tín.
Tầm quan trọng của đạo hiếu đối với đời sống lành thiện tiến bộ của con người như vậy, nên đạo Phật đặc biệt nói đến chữ hiếu và chỉ phương pháp cách làm thế nào để báo hiếu mẹ cha. Điều nầy chúng ta thấy Phật dạy rất rõ trong các kinh Phụ-Mẫu Báo-Trọng-Ân, kinh Vu-Lan, kinh Phạm-Võng, kinh Đại-Tập, kinh Nhẫn-Nhục, kinh Phật-Đảnh-Tôn-Thánh Đà-La-Ni, kinh Mục-Kiền-Liên, kinh Ưu-Bà-Tắc, Phát Bồ-Đề Tâm-Văn v.v… Giáo lý nhà Phật còn khuyên nhắc con người phải lo đền trả bốn ơn nặng, đó là: Ơn Phật hóa độ, ơn cha mẹ dày công sanh dưỡng, ơn sư trưởng giáo huấn, ơn những người đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ và đồng loại chúng sanh giúp đỡ mình được sống an lành. Nếu hiếu đạo không tròn thì những ơn kia khó mà tròn được. Muốn hoàn thành đạo giác ngộ, trước phải hoàn thành đạo hiếu. Hay nói cách khác, muốn hoàn thành Phật đạo, trước phải hoàn thành hiếu đạo. Do vậy, mà thánh hiền khuyên: “Phụ mẫu đắc ly trần, tu đạo phương thành tựu”. Có nghĩa là cha mẹ được thoát vòng trần lao sanh tử, thì việc tu hành của người con mới thành tựu đạo quả.
Kho tàng kinh điển Trung-Hoa như Tứ-Thư, Ngũ-Kinh cũng bàn bạc thuyết minh về đạo hiếu. Quan niệm người Trung-Hoa, nói chung là dân tộc Á-Đông đều có truyền thống rằng, thiếu đạo hiếu là thiếu đạo làm người, là thiếu nhân cách, là kẻ bất nhân bất nghĩa. Tình mẹ nghĩa cha không thể nào tách rời đời sống ấm cúng hạnh phúc gia đình con cái. Thiếu cha mẹ, con khó mà lớn khôn. Thế nên, những thi hào văn nhân nổi danh thế giới cũng đề cập đến hiếu. Chẳng hạn như đại văn hào Victor-Hugo đã ca ngợi tình mẹ qua hai câu thơ:
“O l’amour d’une mère, amour que nul n’oublie…
“Pain merveilleux que Dieu partage et multiplie.
Minh-Đăng dịch:
Tình mẫu tử thâm sâu cao cả
Đã là người không thể lãng quên
Ngọt ngào chiếc bánh thiêng liêng
Trời cho muôn loại khắp miền nẩy sanh
Thi hào Lamartine trong thi phẩm của mình đã diễn tả lòng biết ơn đối với đức dưỡng dục của mẹ hết sức cảm động:
En me faisant peu à peu tout compendre.
Elle me faisant en même temps tout aimer.
Tạm dịch:
Tháng năm ân cần mẹ dạy con
Muôn điều cần biết mẹ lo tròn
Đồng thời mẹ chỉ cho con rõ
Thương hết muôn loài thương nước non
Cha mẹ tạo cho con hình hài. Cha mẹ nuôi dưỡng cho con khôn lớn nên người. Cha mẹ là thần thánh, là nguồn sống an lành của con. Người con còn cha mẹ là người được sưởi ấm tình thương bao la như đất trời. Chẳng may cha mẹ qua đời thì người con rơi vào cảnh côi cút khô cạn tình thương. Còn cha mẹ là còn lẽ sống hương hoa, còn hy vọng tương lai, còn an tâm ăn học, còn có ngày sự nghiệp huy hoàng. Chẳng may cha mẹ mất đi thì tương lai trẻ thơ sẽ mờ tối, lối sống tiến lên của người con như bị tắc nghẽn, rơi xuống kiếp sống phận hèn. Cha mẹ đối với lẽ sống của con có sự tương quan thâm thiết trọng đại như vậy, nên nhà văn Marcel Proust, tác giả cuốn sách A La Recherche Du Temps Perdu, khi được hỏi: “Đâu là nỗi khổ đau tột cùng của kiếp người?” Ông không ngần ngại trả lời: “Khi con người bị tách rời khỏi tình thương của mẹ”.
Đó là những thi hào văn nhân Tây phương không được giáo dưỡng trong tình thương hiếu đạo một cách thâm sâu của đạo hiếu Đông phương mà còn cảm thấy lòng nao nao khi nói đến tình mẹ! Văn nhân thi sĩ Á Đông vốn có truyền thống được tắm mát trong suối nguồn hiếu đạo ngàn đời thì dĩ nhiên tác phẩm thi ca ngôn từ tất phải dào dạt chan chứa tinh thần hiếu kính, đôi lúc còn kết tinh tình mẹ và tình quê hương là một, nên thường nói “Đất mẹ hiền lành”, “Quê mẹ yêu dấu”.
Tình mẹ nghĩa cha là suối nguồn tươi mát tuôn chảy vào tim con, thấm sâu vào máu xương da thịt tâm thức của người Á Đông. Nên dù chủ nghĩa vô thần hay hữu thần có ý đồ nhồi sọ con người bằng văn từ hoa mỹ nhằm hủy diệt đạo hiếu, cắt đứt tình mẹ nghĩa cha, nhằm tách con người ra khỏi gia đình, chủng tộc, quốc gia để phục tùng theo tiếng thúc giục của chủ nghĩa giáo điều tham vọng vong nô hóa, những thứ đó đã tạo nên bao nỗi đau lòng thăng trầm cho nhân loại, thì tình cao quí của mẹ cha và hiếu đạo của người con Việt-Nam vẫn thắm thiết khó mà quên được. Nhất là đà văn minh tiến bộ của khoa học không ngừng, thế giới nhân loại ngày một gần lại, mọi việc đều đặt dưới lăng kính thực nghiệm, nhân bản thì những gì áp bức, những hình thức ngụy trang văn minh thần linh đều được soi sáng và sẽ bị đào thải. Nên đạo hiếu kính, tình mẹ con vẫn mãi mãi keo sơn sắt son bất tận không thể tách rời và muôn đời không hủy diệt, dù hữu thần hay vô thần có mưu đồ nghiệt ngã đến đâu.
Do vậy, khi xa vắng mẹ cha, người con vẫn cảm thấy thắm thiết nỗi buồn xa xăm như thiếu thốn một chất liệu gì ngọt ngào êm đềm khó tả. Khi lòng buồn, tâm bất an, tự nhiên miệng thốt lên tiếng kêu “Mẹ ơi!” như lời than để cho ấm lòng, nhờ đó bớt đi trống lạnh ưu sầu.
Ta nghe tâm sự người cán bộ Việt-cộng được tuyên truyền nhồi sọ từ thuở bé, và bị ép buộc tòng quân hằng chục năm sống trong rừng, khi phải vượt qua dãy núi Trường-Sơn để chờ cơ hội xâm chiếm miền Nam. Người lính Việt-cộng trải nhiều tháng năm sống thiếu thốn, bị ép ngặt bạc đãi quá cực khổ, giầy sờn áo rách, đêm về gió núi lạnh căm căm với tiếng hùm beo, cảm thấy lòng trống lạnh bất an, nên đã thầm than nhớ mẹ, nhớ quê hương:
Giầy vẹt gót, áo sờn vai giá lạnh
Mỗi chiều Trường-Sơn núi đồi cô quạnh
Mẹ hiền ơi! Con chợt nhớ quê mình
Những bà mẹ đã hiến cho đời những đứa con tài hoa anh tuấn. Những ông cha đã giáo dưỡng những người con trở nên tài trí vĩ nhân anh hùng. Cha mẹ đã tạo ra và xây dựng thành những người con tài ba lỗi lạc, tô điểm cho cuộc đời thêm hương hoa, văn hóa, văn minh. Tất cả đều bắt nguồn từ sự cần mẫn cực nhọc hy sinh của mẹ. Vì vậy, nhân loại văn minh Âu tây tuy bị lớp mây mù thần linh thượng đế phủ dày mê hoặc đã làm cho người Tây phương lãng quên ân tình cha mẹ suốt mấy ngàn năm, nhưng rồi mấy mươi năm lại đây đã cùng nhau thức tỉnh quay về cội nguồn ân nghĩa mà đặt thành “ngày mẹ” “ngày cha” để vinh danh tưởng nhớ bậc sanh thành dưỡng dục nên mình. Những dân tộc được may mắn sống trong giáo dưỡng của đạo học Đông phương dĩ nhiên đã bao ngàn năm được tư tưởng Phật, Khổng huân tập, nên tinh thần hiếu kính đã thành cội rễ cổ thụ truyền thống sâu vào lòng đất tâm thức mọi người Á Đông.
Ý thức hiếu kính còn dạt dào sinh động trong lòng người, thì cuộc đời còn trong mát ấm cúng hương hoa sắc thắm. Con tim còn biết rung động tình cốt nhục, nghĩa đồng bào, thì còn có dịp tạo cho nhau nhịp cầu thông cảm. Tinh thần hiếu kính được chú trọng nâng cao thì bậc cha mẹ mới vơi đi nỗi buồn đau cô quạnh, tình láng giềng, tình đồng bào, tình quê hương mới không còn lạnh nhạt, gió ngàn phương mang lại tình thương đồng loại, sưởi ấm tình nghĩa mẹ con vợ chồng. Và con người còn thấy đời đẹp, đời nên thơ, khi trong tâm còn hình bóng mẹ:
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi nhơn gian còn phiếm xuân cầm
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn có mẹ trong tâm



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 5413)
Vu-Lan lại về. Vu-Lan về với người con Phật. Đặc biệt với người con Phật tha hương, những người con thảo cháu hiền còn nghĩ đến ân sâu nghĩa nặng của mẹ cha, thì nỗi nhớ niềm thương trong mùa Vu-Lan lại càng thắm thiết hơn bao giờ! Nhưng Vu-Lan mang ý nghĩa gì?
11/04/2013(Xem: 4758)
Rằm tháng bảy đối với đạo Phật mang ý nghĩa đặc thù, tưởng cũng nên lược nêu ra đây vài đặc điểm: 1) Ngày tự tứ: Khi đức Phật còn ở đời, ngày ngày Ngài đi hoằng pháp khắp đó đây, nhưng đến mùa mưa từ khoảng rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, trong suốt thời gian ba tháng mùa hạ nầy, đức Phật và hàng đệ tử xuất gia đều tập trung ở một chỗ chuyên tâm tu học không ra ngoài.....
11/04/2013(Xem: 4864)
Cha mẹ là nguồn sống của con. Người sống trên đời ai mà không do từ cha mẹ sanh thành, ai mà không được cha mẹ nuôi nấng lớn khôn? Cha mẹ đã trải dài năm tháng tốn hao biết bao là tâm huyết tiền của để lo cho con ăn ngon mặc đẹp mạnh khỏe nên người. Cha mẹ đã ngày đêm nhọc nhằn cưu mang quên ăn bỏ ngủ để vỗ về săn sóc con.
11/04/2013(Xem: 4831)
Hằng năm đến rằm tháng bảy, không ai bảo ai, mọi người đều cảm thấy nơi lòng sống dậy nỗi nhớ niềm thương, tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, làng nước quê hương, nhớ thương đến những ân nhân thương thân xa cách.
11/04/2013(Xem: 6363)
Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, đó đây những người con thảo cháu hiền, tự nhiên cảm thấy lòng bâng khuâng se thắt, man mác nỗi nhớ niềm thương. Lòng thương nhớ cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hiện còn trên dương thế. Nỗi tiếc thương ông bà cha mẹ anh em đã qua đời. Để cho nỗi lòng thương nhớ được phần nào thâm trầm êm dịu, những người con thảo cháu hiền dâng trọn nén tâm hương khấn nguyện trong chiều thu Vu-lan thắng hội.
11/04/2013(Xem: 4997)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy không ai bảo ai, thiên hạ đều biết đó là mùa Vu-Lan báo hiếu. Dù cho người đang sống ở chân trời góc biển, tha hương lưu lạc phương nào, hễ mỗi khi tiết trời thu về, là biết sắp đến rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu, tự nhiên cảm thấy lòng nao nao bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, quê nhà, làng nước và những người thương thân.
11/04/2013(Xem: 4692)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy, dù những ai đó có đang sống ở nơi xa xăm chân trời gốc biển nào đi nữa, không ai bảo ai, nhưng mọi người con thảo cháu hiền đều cùng chung dòng tâm tưởng cảm thấy lòng mình nao nao se thắt trào dâng nỗi niềm bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, nhớ nơi chôn nhau cắt rún, nhớ làng nước, nhớ nơi tiếng khóc chào đời. Không ai bảo ai, nhưng mọi cõi lòng con thảo cháu hiền đều tự biết mùa thu về, rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu đến.
11/04/2013(Xem: 4786)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy, mọi người con thảo cháu hiền không ai bảo ai, tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ. Đặc biệt là những vùng khí hậu bốn mùa rõ rệt, khi lá thu vàng lác đác nhẹ rơi, lại càng khơi dậy lòng người cái cảnh sanh ly tử biệt, nỗi nhớ niềm thương.
11/04/2013(Xem: 5453)
Hôm nay chúng ta đang ở trong mùa Vu-Lan, mùa lá vàng rụng về cội, mùa khói hương mù sương nghi ngút quyện lấy lời nguyện cầu mang đến thế giới tâm linh, thế giới vô hình u hoài mầu nhiệm của các bậc ân đức sanh thành quá cố. Mỗi lần Vu-Lan đến khiến cho lòng người con thảo cháu hiền sống dậy nỗi nhớ niềm thương, mong được gần gũi với cha mẹ cùng những người thương thân ân đức của mình. Vu-Lan có nghĩa là giải-đảo-huyền, tức là giải cứu tội nhân bị khốn khổ được giải thoát an vui.
11/04/2013(Xem: 4282)
Đã mấy độ Vu-Lan rồi, mà người đây vẫn còn ngồi trên đất khách. Hồi tưởng lại lần bấm đốt tay, chưa chi đã hơn mười lăm năm xa cách quê hương. Biết bao nỗi nhớ niềm thương chĩu nặng cõi lòng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]