Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan nhớ đấng sanh thành

11/04/201312:02(Xem: 4692)
Vu Lan nhớ đấng sanh thành

Những mùa Vu Lan

Vu Lan nhớ đấng sanh thành

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Mỗi năm đến rằm tháng bảy, dù những ai đó có đang sống ở nơi xa xăm chân trời gốc biển nào đi nữa, không ai bảo ai, nhưng mọi người con thảo cháu hiền đều cùng chung dòng tâm tưởng cảm thấy lòng mình nao nao se thắt trào dâng nỗi niềm bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, nhớ nơi chôn nhau cắt rún, nhớ làng nước, nhớ nơi tiếng khóc chào đời. Không ai bảo ai, nhưng mọi cõi lòng con thảo cháu hiền đều tự biết mùa thu về, rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu đến.
Ngày xưa, khi đức Phật Thích-Ca còn tại thế, cũng trong dịp Vu-Lan tháng bảy này, người đệ tử của đức Như-Lai là tôn-giả Mục-Kiền-Liên nhờ Ngài chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ, y theo lời dạy tôn giả đã thiết lễ trai tăng cúng dường, nhờ công đức đó mà mẹ là bà Thanh-Đề được thoát khỏi cảnh đói khổ của loài ngạ quỷ trong chốn địa ngục tối tăm, sanh lên cõi trời hưởng phước báu. Việc làm báo hiếu siêu độ mẹ của Mục-Kiền-Liên tôn-giả đã khai mở một kỷ nguyên hiếu hạnh cho chúng sanh nhân loại từ ngàn xưa đến nay và mãi mãi ngàn sau.
Cha mẹ đã mang nặng đẻ đau, chịu không biết bao điều cực khổ để nuôi dưỡng cho con khôn lớn thành người. Ngày nay chúng ta đầy đủ năng lực sống ở đời bon chen với xã hội, no cơm ấm áo, tạo lập sự nghiệp đều nhờ ân đức của cha mẹ. Nếu làm con mà không biết bổn phận lo báo đền ơn dưỡng dục cù lao của cha mẹ, thì chẳng khác nào như đất đá cỏ cây, như muỗi ruồi, như dòi trùng trong đống phân. Đối với hạng người bất hiếu nầy, cổ nhân có thơ rằng:
Những người bất hiếu tử
Nhung nhúc sống bằng thừa
Không nghĩ ơn cha mẹ
Khác nào trùng, cây khô…
Cây khô còn có công dụng hữu ích cho đời. Chứ kẻ bất hiếu chẳng những vô dụng mà còn tác hại cho đời nữa là khác.
Xưa nay biết bao người do lòng hiếu thảo mà tạo nên sự nghiệp danh thơm tiếng tốt ở đời. Trái lại, những người bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, chẳng nghĩ đến ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, thì đó là những kẻ đem tai họa lớn lao cho gia đình làng nước đồng bào nhân loại. Bởi vì cha mẹ cho con cái thân nầy, trọn đời đem hết tất cả vốn liếng năng lực tâm huyết của cha mẹ đều trọn trao hết cho con. Từng giờ từng khắc trải suốt tháng năm, cha mẹ tâm tâm niệm niệm lo cho con khôn lớn nên người. Ơn cha mẹ như trời cao bể cả dường ấy. Thế mà những người con bất hiếu không nghĩ tưởng thương kính báo đền ân đức cù lao lấy lượng nào đong của song thân thì còn biết thương kính ai nữa?
Kẻ bất hiếu thì sẽ bất trung, bất tín, bất nhơn, bất nghĩa, bất liêm, bất sĩ. Kẻ vong ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha thì kẻ đó sẽ có thể bội phản với bất cứ ai, sẽ gây điều bất hạnh cho gia đình, quốc gia, xã hội. Kẻ bất hiếu bội bạc với cha mẹ, đấng trọn đời nuôi dưỡng nâng niu chiều chuộng ẵm bồng chăm sóc cho mình khôn lớn, thì cũng sẽ bội bạc không chung thủy với gia đình vợ con, và rồi cũng sẽ phản thầy, phản bạn, phản nước, phản dân. Nếu ở trong đoàn thể nào, kẻ đó cũng tìm cách chống đối phân ly, chia rẽ mưu đồ tạo thanh thế để chiếm đoạt địa vị. Nếu có cơ hội lãnh đạo quốc gia, thì những kẻ nầy cũng sẽ mãi quốc cầu vinh, lập bè kết đảng hãm hại đồng liêu, làm cho nhân dân điêu đứng khốn khổ đọa đày.
Thậm chí kẻ bất hiếu cũng có thể giết hại cha mẹ để mưu đoạt danh vọng quyền thế. Tất cả tai họa của nhân quần xã hội xưa nay phần nhiều đều bắt nguồn từ sự bất hiếu. Bởi đã bất hiếu thì sẽ dẫn đến bất nhơn, bất nghĩa, bất trung, bất tín. Kẻ mà không có lòng hiếu thảo với mẹ cha là kẻ không có lương tâm, nhân tình đã khô cạn trong tim óc, họ có thể làm bất cứ tội ác gì để thỏa mãn lòng tham độc ích kỷ. Kinh Nhẫn Nhục nói: “Thiện chi cực mạc đại ư hiếu, ác chi cực bất hiếu giả”. Nghĩa là việc thiện lớn nhất không gì bằng hiếu kính. Việc ác lớn nhất không gì bằng bất hiếu. Trái với bất hiếu là tình thương đồng bào nhơn loại, ái quốc tận trung, tu hành thành đạo chứng quả đều bắt nguồn từ lòng hiếu kính. Lòng hiếu kính quan trọng như vậy. Thế nên, hiếu kính cha mẹ tức là phụng thờ chư Phật. Kinh Đại-Tập nói: “Thế nhược vô Phật thiện sư phụ mẫu. Sự phụ mẫu tức thị sự Phật”. Nghĩa là nếu sanh ra đời không gặp Phật để phụng thờ, mà biết kính thờ phụng dưỡng cha mẹ tức là phụng thờ Phật.
Người sống trên đời đều từ cha mẹ mà ra, nhờ cha mẹ mà được no cơm ấm áo lớn khôn thành người. Nếu không có cha mẹ thì không có ta. Nếu sanh ra đời mà không được cha mẹ nuôi dưỡng thì ta không khôn lớn thành người. Vậy thì đủ rõ nhờ đâu mà ta có được thân nầy để ngày nay nên danh nên phận? Bởi thế cho nên có thơ rằng:
Người tai mắt ở trong trời đất
Ai là không cha mẹ sanh thành
Gương treo đất nghĩa trời sanh
Ở sao cho xứng chút tình làm con.
Thế mà có những đứa con khi khôn lớn được cha mẹ nuôi nấng khích lệ dạy dỗ học hành đỗ đạt nên danh nên phận rồi lại bội quên ơn cha mẹ! Thậm chí họ còn nhẫn tâm chê mắng cha mẹ là lạc hậu, quê mùa, dốt nát, không văn minh… Lắm lúc họ còn lấy làm hổ thẹn không dám nhìn hình vóc mộc mạc của cha mẹ họ trước bạn bè. Họ trọng vợ, kính bạn, thương con hơn là cha mẹ. Kẻ mất gốc vong ơn như vậy, chắc thầy Tử-Lộ, tôn-giả Mục-Kiền-Liên, đức Phật Thích-Ca đã âm thầm xót xa rơi lệ cho những kẻ bất hiếu nghĩa đó, để rồi sẽ phải nhận lấy quả khổ kiếp sau. Đạo hiếu một khi bị xem thường phủ nhận thì phải biết người đó đã mất gốc vong bản đi rồi. Mọi người không trọng đạo hiếu thì nhân loại sẽ nghe tiếng than thở khóc thầm của những bậc cha mẹ khắp trần gian. Gia đình nhân loại sẽ theo đó mà tan hoang giềng mối. Xã hội quốc gia cũng sẽ theo đó mà thêm nhiều rắc rối bất an. Tộc ác chúng sanh càng thêm chất chồng.
Bởi cha mẹ sanh con ra, nuôi con lớn, chạy ngược chạy xuôi tìm tiền bạc cơm áo để cho con được an tâm ăn học, chỉ mong sao đứa con của mình nên người hiền lương, đừng làm những điều thương luân bại lý, như thế là cha mẹ được thỏa dạ vui mừng. Trái lại, đứa con quên ơn mang nặng đẻ đau, chẳng nghĩ đến sự lao khổ của cha mẹ sanh thành dưỡng dục, thì những người con đó sẽ dễ dàng đưa đến sự bội phản thầy bạn, chỉ biết tranh danh đoạt lợi, làm tổn thương danh dự đoàn thể, quốc gia xã hội, đó là những đứa con làm tổn thương đến gia phong dòng tộc. Họ quên hết tất cả chỉ biết thỏa mãn tham vọng. Ấy là những đứa con đại bất hiếu. Kinh Thi nói: “Vô phụ hà hổ, vô mẫu hà thị”. Nghĩa là, không cha cậy ai khôn lớn, không mẹ nhờ ai no cơm ấm áo nên người. Ngày nay khôn lớn có chút học hành kiến thức ở đời, đua đòi danh vọng, chụp bắt hão huyền văn minh, mà lại quên đi nguồn gốc ân nghĩa sanh thành!
Hành vi bất hiếu không chỉ hạn cuộc ở việc không phụng dưỡng cha mẹ, mà nó còn bao gồm cả những hành động và tâm niệm của những đứa con không vâng lời cha mẹ khuyên những điều hay lẽ phải, không giúp đỡ cha mẹ những việc lành thiện, tất cả những điều nầy cũng thuộc về loại bất hiếu. Chẳng hạn như cha mẹ muốn giúp đỡ người nghèo khó, muốn đi chùa lễ Phật tụng kinh nghe thuyết pháp để tu tâm dưỡng tánh, để gặp bạn lành đàm đạo cho tinh thần được thoải mái an vui khi tuổi đã xế bóng; hoặc cha mẹ muốn ăn chay, phát tâm cúng dường Tam-Bảo để tạo phước đức, muốn in kinh ấn tống, muốn giúp đỡ những bậc chân tu hộ trì Tam-Bảo v.v… những đứa con miệng nói thương mẹ cha mà hành vi chẳng những không khuyến khích giúp đỡ cha mẹ thực hiện tâm nguyện lành thiện đó, trái lại còn rắp tâm ngăn cản việc làm phước thiện của cha mẹ, đó là những đứa con đại bất hiếu, muốn tiêu diệt hạt giống lành của cha mẹ, phá hủy đạo đức gia phong.
Vì sao? Bởi vì khi con cái còn bé thơ, cha mẹ đã phải dùng hết thời gian xuôi ngược đầu tắt mặt tối suốt tháng năm lo cho có tiền bạc cơm áo để nuôi con ăn học nên người khôn lớn. Vì vậy cha mẹ không còn có thời giờ để làm việc phước thiện. Lắm lúc vì lo cho con no cơm ấm áo để con yên tâm ăn học mà cha mẹ phải hạ mình chịu nhục luồn cúi van xin người ta. Lại cũng vì lo cho con đầy đủ khỏi phải hổ thẹn với bạn bè mà cha mẹ đã phải buôn gánh bán bưng, thậm chí có lúc vì con no ấm mà phải đau lòng dối gạt lừa đoạt tiền bạc của kẻ khác để có tiền nuôi con. Cha mẹ chấp nhận chịu nhục. Lắm lúc cha mẹ phải cam lòng làm những điều trái với đạo lý, chỉ vì con! Nay con khôn lớn thành người, cha mẹ lại đã già yếu, nhưng bao nhiêu tội lỗi khổ nhục cha mẹ đã vì con mà lỡ tạo nên, giờ đây hãy còn chất chồng trên đôi vai gầy còm với mái tóc bạc phơ, trong cõi lòng bất an của cha mẹ! Tuy tuổi đã xế chiều, sức lực mòn mỏi, nhưng cha mẹ thấy con nên người thì đã thỏa dạ vui mừng. Còn những tội lỗi mà cha mẹ đã phải cam tâm làm trước kia chỉ vì thương con, thì hãy còn đè nặng nơi lòng. Có những đêm cha mẹ trằn trọc suy tư về những điều lầm lỗi đó mà con nào có biết! Cha mẹ muốn đem quãng đời già nua còn lại để làm chút phước đức, hầu chuộc những lỗi lầm xưa, để cho thân tâm được an ổn, để cho linh hồn được thảnh thơi khi nhắm mắt trút hơi thở rời bỏ cõi đời, và cũng mong để lại cho con cháu được nhờ chút phước đức tu bồi muộn màng nầy mà hưởng phước, thì con cháu lại vô tình chống đối hủy báng, cản ngăn! Cha mẹ cúng chùa, làm phước thì con cháu cản ngăn không cho đi chùa lễ Phật nghe pháp, viện lý do nầy nọ, còn cho đó là mê tín; ngăn cản không cho cha mẹ ăn chay, viện lẽ ăn như vậy là kém sức khỏe; ngăn cản không cho cha mẹ làm việc bố thí giúp đỡ người nghèo khó, cúng dường Tam-Bảo, cho rằng đó là làm việc lãng phí đâu đâu. Những đứa con như vậy đã làm cho cha mẹ âm thầm xót xa u sầu ở cái tuổi xế chiều phải ngậm đắng nuốt cay buồn khổ, không dám thố lộ cùng ai, sợ người chê cười nhà có con bất hiếu. Chẳng còn cách nào hơn, cha mẹ đành phải âm thầm dấu lén con, làm việc phước thiện tu tâm dưỡng tánh. Than ôi! Thảm trạng nầy phơi bày nhan nhản hằng ngày, gây nên ngút ngàn nỗi thương tâm những bậc sanh thành, làm đau lòng không biết bao bậc cha mẹ đã trót hy sinh suốt trọn quãng đời xuân trẻ cho con:
Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời thanh…
Ngoài những đứa con học Tây, học Mỹ có bằng cấp kỹ sư, bác sĩ, bác vật v.v… bằng cấp to bự chất đầy nhà mà bội bạc cha mẹ ra, lại còn có những kẻ vì cuồng tín lý thuyết chủ nghĩa ác đảng hoặc thần linh thượng đế, vì tham danh đắm lợi đam mê tình dục mà tạo nên bao đổ vỡ tình gia đình, tình huynh đệ, làm tan rã tình đoàn thể, gây tổn thương đến niềm tin tôn giáo truyền thống ngàn đời của tổ tiên dân tộc. Lại có những đứa con vì tham vọng đuổi bắt danh lợi ái tình mà đành nhẫn tâm bỏ đạo truyền thống ông cha mình để theo đạo khác, làm cho cha mẹ tủi nhục, uất hận đau lòng, nước mắt âm thầm tuôn chảy, nghẹn ngào không thốt nên lời! Những hiện trạng đau lòng nầy phần lớn đều bắt nguồn từ sự bất hiếu, vong ơn bội nghĩa cha mẹ mà ra.
Những hạng người nầy dù có gian xảo khéo léo đến đâu với ý đồ chụp giựt danh tình lợi dưỡng, cho dù trước mặt mọi người giả vờ tỏ ra kính cha hiếu mẹ, thương thầy quý bạn, giả trang biểu diễn gì đi nữa, thì cũng không giấu được nổi lòng dạ man trá, vải thưa che sao được mắt thánh? Bởi cha mẹ nào có muốn thấy đứa con của mình không giống ai như vậy đâu? Bởi không ai biết con bằng cha mẹ biết con?!
Vậy phải làm thế nào để thể hiện lòng hiếu kính của người con hiền thảo? Theo quan niệm thông thường, ngoài việc vâng lời cha mẹ thì phải ý thức bổn phận khi trẻ lo học hành tránh bạn ác, lớn lên lo lập nghiệp với tâm thiện lành sớm hôm an ủi săn sóc cha mẹ ra, còn phải chính mình săn sóc an ủi khi cha mẹ bịnh hoạn ốm đau. Ngoài ra, đối với bà con bạn bè làng nước phải biết kính nhường hòa thuận, ăn ở biết điều lành lẽ phải, để được tiếng khen, để cha mẹ vui lòng trong những ngày xế bóng yếu già. Không thể một mặt săn sóc cha mẹ bằng vật chất, lợi dụng săn sóc bắt ép cha mẹ bỏ ăn chay, mặt khác lại ngăn cản cha mẹ về tinh thần, tức là cản ngăn cha mẹ đi chùa, cúng dường, bố thí, làm thiện, trái ngược tín ngưỡng thiện tâm của cha mẹ; hoặc trong nhà tỏ ra hiếu thuận cha mẹ, mà ngoài xã hội lại tranh danh đoạt lợi, hãm hại người hiền, đoạt của giựt tiền gian lận, chống đối niềm tin của cha mẹ. Như thế là những đứa con hiếu thảo gian dối, bất thành, bất tín, bất nghĩa, bất trung.
Báo hiếu theo quan niệm Phật giáo lại càng trọn vẹn hơn. Ngoài sự báo hiếu vật chất thuốc thang cơm no áo ấm săn sóc quạt nồng đắp lạnh thông thường của thế gian ra, người con hiếu thảo của nhà Phật còn báo hiếu cha mẹ về tinh thần. Nghĩa là khéo khuyên cha mẹ phát tâm làm việc lành thiện, tu tâm dưỡng tánh, quy y Tam-Bảo, học đạo từ bi giác ngộ để tinh thần an định thảnh thơi khi còn sống và được an vui giải thoát khi từ bỏ cõi đời nầy. Nếu cha mẹ đam mê cờ bạc, đắm chìm mê tín dị đoan, sanh tật nói gàn làm bướng cố chấp, không tin nhân quả luân hồi, hủy báng Phật pháp, khinh thường đạo đức thánh hiền thì bổn phận làm con phải hết sức ẩn nhẫn để tìm cách khẩn khoản khuyên can cha mẹ cải tà quy chánh, tu tâm dưỡng tánh, phát tâm làm lành. Nếu thấy mình khuyên không có hiệu quả, nên khéo léo kín đáo nhờ người có uy tín khuyên hộ, để cha mẹ hồi tâm hướng thiện, kết duyên lành với đạo đức, hầu tránh lưới nhân quả nghiệp báo luân hồi, khi cha mẹ tuổi xế chiều khuất bóng.
Đức Phật Thích-Ca, tôn-giả Mục-Kiền-Liên và hàng hàng lớp lớp đệ tử Phật đời nầy nối gót đời khác đều hoàn thành đạo hiếu mới chứng thành đạo quả Niết-Bàn. Nên kinh nói: “Phụ mẫu đắc ly trần, tu đạo phương thành tựu”. Nghĩa là cha mẹ thoát khỏi phiền não sanh tử luân hồi thì sự tu hành mới đạt thành đạo quả.
Để hoàn thành hiếu hạnh một cách tròn đầy ý nghĩa, người con hiếu thảo phải bao dung ẩn nhẫn tận tụy phụng hiến cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần. Mà nhất là phần tinh thần lại cần được lưu tâm hơn. Bởi không có nỗi khổ nào ray rứt bằng nỗi khổ tinh thần. Nếu khuyên được cha mẹ chánh tín tu tâm dưỡng tánh làm điều phước thiện thì đã đi trọn hiếu đạo. Gương hiếu hạnh của Mục-Kiền-Liên tôn-giả còn đó. Gương hiếu hạnh của ngài Mục-Kiền-Liên là ngọn đèn soi tỏ trong đêm đen của cuộc đời đầy dẫy bão tố ác tâm tham vọng vong ân bội nghĩa. Những ai muốn hoàn thành bổn phận thiêng liêng của người con hiếu thảo cháu hiền phải hướng lên ngọn đèn chân lý hiếu đạo kia. Lòng thành chánh tâm hướng lên ngọn đèn hiếu hạnh Mục-Kiền-Liên dâng trọn khả năng và chánh tín là hoàn thành hiếu hạnh của người con hiền cháu thảo, là noi gương hiếu hạnh của Mục-Kiền-Liên tôn giả, là làm sống lại mạch nguồn hiếu đạo trong tâm thức mọi người đang sống khắp chân trời góc biển, là Vu-Lan báo hiếu ngời sáng mãi ở thế gian nầy, và cũng là dịp làm cho tiếng thương than của những bậc cha mẹ già đổi thành nụ cười mãn nguyện. Như thế trần gian nầy sẽ tràn đầy hạnh phúc an lạc.
Hôm nay nhân mùa Vu-Lan báo hiếu, mùa xá tội vong nhân, nơi đây, tôi thành tâm cùng với những người con hiếu cháu hiền khắp mười phương thành kính khẩn nguyền:
Vu-Lan hiếu hạnh ngàn xưa
Tấm lòng con thảo như chưa toại nguyền
Con nay theo gót Mục-Liên
Vu-Lan thắng hội trai diên cúng dường
Khẩn nguyền chư Phật mười phương
Dám xin cha mẹ về nương bóng từ
Hội lành thể hiện chân như
Hoa sen cực lạc cùng chư Thánh Hiền
• Một hành vi đạo đức chưa đủ thể hiện con người đạo đức
• Một lời nói hay đẹp chưa đủ chứng minh tấm lòng đẹp
• Y phục sang trọng không làm lòng người trong sạch cao thượng



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 5413)
Vu-Lan lại về. Vu-Lan về với người con Phật. Đặc biệt với người con Phật tha hương, những người con thảo cháu hiền còn nghĩ đến ân sâu nghĩa nặng của mẹ cha, thì nỗi nhớ niềm thương trong mùa Vu-Lan lại càng thắm thiết hơn bao giờ! Nhưng Vu-Lan mang ý nghĩa gì?
11/04/2013(Xem: 4758)
Rằm tháng bảy đối với đạo Phật mang ý nghĩa đặc thù, tưởng cũng nên lược nêu ra đây vài đặc điểm: 1) Ngày tự tứ: Khi đức Phật còn ở đời, ngày ngày Ngài đi hoằng pháp khắp đó đây, nhưng đến mùa mưa từ khoảng rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, trong suốt thời gian ba tháng mùa hạ nầy, đức Phật và hàng đệ tử xuất gia đều tập trung ở một chỗ chuyên tâm tu học không ra ngoài.....
11/04/2013(Xem: 4796)
Nói đến Vu-Lan là nói đến hiếu. Nói đến hiếu, người ta liên tưởng đến hình ảnh ngài Mục-Kiền-Liên bưng bát cơm dâng mẹ, cơm hóa thành lửa. Sau đó cầu xin Phật chỉ dạy phương pháp báo hiếu, tôn-giả Mục-Kiền-Liên vâng theo lời Phật dạy thực hành cứu được mẹ là bà Thanh-Đề thoát kiếp ngạ quỷ đói khát khổ đau. Nên Vu-Lan mang ý nghĩa giải-đảo-huyền, tức là cứu tội khổ bị treo ngược.
11/04/2013(Xem: 4864)
Cha mẹ là nguồn sống của con. Người sống trên đời ai mà không do từ cha mẹ sanh thành, ai mà không được cha mẹ nuôi nấng lớn khôn? Cha mẹ đã trải dài năm tháng tốn hao biết bao là tâm huyết tiền của để lo cho con ăn ngon mặc đẹp mạnh khỏe nên người. Cha mẹ đã ngày đêm nhọc nhằn cưu mang quên ăn bỏ ngủ để vỗ về săn sóc con.
11/04/2013(Xem: 4831)
Hằng năm đến rằm tháng bảy, không ai bảo ai, mọi người đều cảm thấy nơi lòng sống dậy nỗi nhớ niềm thương, tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, làng nước quê hương, nhớ thương đến những ân nhân thương thân xa cách.
11/04/2013(Xem: 6363)
Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, đó đây những người con thảo cháu hiền, tự nhiên cảm thấy lòng bâng khuâng se thắt, man mác nỗi nhớ niềm thương. Lòng thương nhớ cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hiện còn trên dương thế. Nỗi tiếc thương ông bà cha mẹ anh em đã qua đời. Để cho nỗi lòng thương nhớ được phần nào thâm trầm êm dịu, những người con thảo cháu hiền dâng trọn nén tâm hương khấn nguyện trong chiều thu Vu-lan thắng hội.
11/04/2013(Xem: 4998)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy không ai bảo ai, thiên hạ đều biết đó là mùa Vu-Lan báo hiếu. Dù cho người đang sống ở chân trời góc biển, tha hương lưu lạc phương nào, hễ mỗi khi tiết trời thu về, là biết sắp đến rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu, tự nhiên cảm thấy lòng nao nao bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, quê nhà, làng nước và những người thương thân.
11/04/2013(Xem: 4786)
Mỗi năm đến rằm tháng bảy, mọi người con thảo cháu hiền không ai bảo ai, tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ. Đặc biệt là những vùng khí hậu bốn mùa rõ rệt, khi lá thu vàng lác đác nhẹ rơi, lại càng khơi dậy lòng người cái cảnh sanh ly tử biệt, nỗi nhớ niềm thương.
11/04/2013(Xem: 5453)
Hôm nay chúng ta đang ở trong mùa Vu-Lan, mùa lá vàng rụng về cội, mùa khói hương mù sương nghi ngút quyện lấy lời nguyện cầu mang đến thế giới tâm linh, thế giới vô hình u hoài mầu nhiệm của các bậc ân đức sanh thành quá cố. Mỗi lần Vu-Lan đến khiến cho lòng người con thảo cháu hiền sống dậy nỗi nhớ niềm thương, mong được gần gũi với cha mẹ cùng những người thương thân ân đức của mình. Vu-Lan có nghĩa là giải-đảo-huyền, tức là giải cứu tội nhân bị khốn khổ được giải thoát an vui.
11/04/2013(Xem: 4282)
Đã mấy độ Vu-Lan rồi, mà người đây vẫn còn ngồi trên đất khách. Hồi tưởng lại lần bấm đốt tay, chưa chi đã hơn mười lăm năm xa cách quê hương. Biết bao nỗi nhớ niềm thương chĩu nặng cõi lòng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]