Tính thể chân như hằng hiện hữu.
Pháp giới bao la vô biên vô tận không thể nghĩ bàn, nhưng trong tất cả, pháp giới chỉ là cội nguồn tánh thể chân như; tánh đó hiện lên vô vàn hiện tượng, hóa thành vô số màu sắc, dệt thành hằng hà sa số thế giới không thể nghĩ bàn. Cũng vậy tính thể thanh tịnh, tính chất Thánh nhân chỉ là một, nhưng phương tiện nhân duyên hiển hiện lại mang đủ hình tướng hoạt động của hết thảy hình ảnh phàm nhân. Ý nghĩa như thế, nếu không phải là Thánh nhân, không có thiên nhãn, phàm phu chúng ta không có khả năng, không đủ hiểu biết nhận định, tìm hiểu thế nào việc làm của một vị Thánh!
Trời Sydney ngày Thứ Bảy 16.06.2007, thời tiết bắt đầu mưa, mưa từ sáng sớm đúng như dự báo, mưa cả ngày kéo dài gần tuần lễ.
Chúng tôi rời khỏi chùa trong lúc mưa vẫn đều đều đổ hột. Tôi không ngờ rằng, ngày đầu tiên trong đời, đi xem đi nghe một vị Thánh Tăng giảng pháp mà trời lại đổ mưa ướt át ảm đạm như vậy. Nhưng rồi tôi suy nghĩ, Thánh nhân có thể hành động trái nghịch đối lại điều phàm nhân mong muốn. Thánh nhân có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu, bất cứ tình huống nào, bằng mọi hình thức mà chỉ có các Ngài mới hiểu; dù các Ngài quá dễ dàng làm theo điều phàm phu suy nghĩ; nhưng nếu dễ dàng cho ta hiểu, thì đâu phải là Thánh nhân!
Nhưng rồi các Ngài phải làm tất cả, làm đúng hay sai theo con đường hành đạo của các Ngài, mặc cho cuộc đời bình luận. Xe đến nơi trời vẫn còn mưa lâm râm, và rồi tạnh dần; tuy vậy bầu trời hãy còn hù dọa sẽ có thể mưa bất cứ lúc nào.
Chúng tôi thấy quý vị trong Ban Tổ Chức có sự chuẩn bị tiếp đón hướng dẫn quan khách thật chu đáo nhiệt tình; riêng việc an ninh cho Ngài phải làm tôi ngạc nhiên; vì khu vực địa điểm nơi Ngài thuyết pháp ở giữa công viên trống trải, mà chẳng thấy bóng dáng an ninh cảnh sát nào. Tuy nhiên quan sát hiểu được, chắc chắn an ninh cảnh sát hẳn phải trà trộn trong đám đông người.
Tôi lại suy nghĩ, đối diện sân khấu một khoảng cách xa chừng trăm, hai trăm thước thế nào cũng có nhiều an ninh, bí mật hóa trang như người qua lại trên đường. Sự an ninh này buộc phải như thế; vì Ngài không chỉ là một nhà hoạt động cho hòa bình thế giới, mà còn là nguyên thủ một quốc gia Tây Tạng lưu vong. Cho nên việc an ninh đương nhiên là vậy. Nhưng cũng có thể chính bản thân Ngài, cảm nhận đâu cũng là hòa bình, đâu cũng là an ninh. Ngài không giận một ai, cũng không thương yêu thiên vị một người nào. Nếu Ngài giận thì phải giận hết, còn đã thương cũng không chừa ai. Chúng ta phải hiểu đã là Thánh, làm gì có phân biệt, làm gì có chuyện có kẻ thù, có người thương, thương theo ý niệm phàm phu như chúng ta. Do đó Ngài chỉ có buồn, chỉ không vui, về phương thức, phương pháp cách làm việc của một cá nhân hay tập thể nào đó, chứ con người cá nhân, tập thể đó Ngài không bao giờ ưu buồn giận ghét. Điều này là nguyên lý từ bi của bậc Thánh, lấy chúng sanh làm đối tượng phát Tâm Bồ Đề.
Như vậy an ninh, hay không an ninh đó là nhiệm vụ của các đệ tử trong đoàn của Ngài lo lắng, và đất nước Ngài thăm viếng, chứ bản thân Ngài chẳng phải lo âu.
Khi có chỗ ngồi ổn định, chúng tôi mới nhận ra một điều, là quý Phật tử làm việc thiện nguyện công quả, đã hết sức nhiệt tâm nhiệt thành chào đón hướng dẫn quan khách đến tham dự, đa số quý vị này là người Việt. Sự nhiệt thành hoan hỷ như vậy, cho thấy sinh hoạt Phật sự của người Việt chúng ta, hãy còn hứa hẹn khởi sắc nhiều lắm, duy chỉ chờ nhân duyên.
Tôi ước mong rằng Phật Giáo Việt Nam chúng ta tương lai có được một Thánh Tăng xuất hiện ở hải ngoại, để làm khuôn mẫu, làm sáng tỏ cụ thể giáo lý giải thoát ngay nơi con người văn hóa Việt Nam chúng ta. Nhắc đến đây chợt nhớ một vị Tăng trẻ người Việt họ Phạm sanh tại Hoa Kỳ, hiện đang tu học tại Ấn Độ theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Được biết chú đã thọ Tỳ Kheo và còn được Đức Đạt Lai Lạt Ma quan tâm, để đào tạo chú trở thành một Geshe, là học vị Tiến sĩ cao cấp nhất trong hệ thống Phật học Tây Tạng. Chúng tôi mong rằng sự kiện này sẽ tiến triển tốt đẹp, và Phật Giáo Việt Nam chúng ta, ít nhất là cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại, sẽ được học hỏi, chiêm nghiệm tính chất giải thoát từ những vị chân tu thánh thiện, ngay ở con người Việt Nam gần gũi của chúng ta.
Xét về truyền thống tâm linh hành đạo của Phật Giáo Việt Nam, không có đề cập bàn đến nhiều, việc truy tìm trường hợp chư Thánh tái sanh. Nhưng Thánh Tăng Việt Nam không phải không có; vì nơi nào có giáo pháp Như Lai nơi đó có Thánh Tăng Bồ Tát thị hiện, đó là đương nhiên; nhưng theo xác suất tín đồ Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, thì việc mong có một Thánh Tăng thuần túy Việt Nam lại càng khó hơn. Tuy nhiên lòng nhiệt thành mộ đạo kính ngưỡng chư Thánh Tăng của Phật tử Việt Nam chúng ta, đã nói lên được sự hướng cầu học đạo giải thoát; và hoài bão nương tựa một bậc chân nhân Bồ Tát. Nếu cứ hướng lòng tu niệm, gìn giữ chánh pháp Như Lai, thì tương lai thế nào chư Thánh Bồ Tát cũng đoái hoài đến chúng ta; lại nếu xét theo phương diện lý tánh, thì trong mọi hình thức chúng ta đã và đang gặp được Thánh nhân rồi. Hơn thế nữa chính bản thân mỗi chúng ta cũng đã từng bộc phát chất Thánh, đó là những lúc an lạc thanh tịnh vô nhiễm; tiếc rằng vì tâm thuần thiện của ta không giữ được lâu, không làm chủ được tâm, nên vô cùng khó khăn vậy.
Chúng tôi ước ao như thế, vì thấy rằng tánh giải thoát, tánh thanh tịnh hiện hữu ở khắp mọi nơi, ở khắp con người không phân biệt. Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV được tôn là Thánh, vì Ngài bắt đầu từ đời sống phàm nhân vượt lên đến phi phàm trong quá khứ kiếp. Và hiện nay, dù sao Ngài cũng đã và đang sinh hoạt như tất cả mọi người; Ngài cũng ngủ nghỉ, ăn uống chẳng khác lạ gì với hết thảy tu sĩ Phật Giáo; và công phu tu niệm hành trì, như ngồi thiền, trì chú, tụng kinh, niệm Phật như tất cả người con Phật của hai giới xuất gia, tại gia.
Nghe rằng mỗi ngày Ngài thức dậy sớm khoảng 3.30 giờ rưỡi; chính thức hành trì công phu lúc 4 giờ cho đến sáng hẳn. Trong pháp tu, Ngài dụng công cả hai, tự lực và tha lực; nhưng nương vào tha lực nhiều hơn; do vì hành trì Mật Tông hành giả thường hướng về chư Tổ Sư, học theo gương hạnh của các vị chứng đạo đã từng hướng dẫn các Ngài - điều này vừa ghi ân chư Thầy bổn sư của mình, vừa nhờ sức gia bị của chư Thánh chúng Bồ Tát; vì chính bản thân Ngài đã là Thánh Tăng, tất nhiên chư vị Bổn sư và Thầy dạy cho Ngài hẳn phải là Bồ Tát thị hiện. Hơn thế nữa cầu nguyện chư Thánh, Thầy Tổ gia bị chưa đủ, nhất định phải cầu chư Phật mới là điều quyết tâm của bất cứ hành giả tu Phật nào. Vì chư vị Thánh, chư Tổ Sư cũng do cầu chư Phật chư Đại Bồ Tát, mới sinh được tâm lực, tâm thành mà hành đạo giải thoát; do đó ta biết không một tông phái Phật Giáo Tây Tạng nào mà không tha thiết lạy Phật, lạy Bồ Tát Thánh chúng, nương vào đó để phát Bồ Đề Tâm.
Quý Phật tử thiện nguyện trong các ban trật tự, hướng dẫn khách tham dự buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma đều là Phật tử mộ đạo, đều có đầy đủ tính thanh tịnh giải thoát như Ngài không khác - chỉ có tạm khác hiện thời, là quả báo duyên sinh chưa trổ mà thôi. Nếu như chúng ta, tất cả người Phật tử phát tâm học Phật, lại gặp được một vị thiện trí thức, một Bồ Tát, một đạo tràng thuận duyên chánh pháp, thì không đợi đời sau, mà ngay đời này tính chất Thánh thiện, thanh tịnh trong người sẽ được phát khởi. Như thế vấn đề là cần có một bậc chân nhân Bồ Tát, cần luôn gặp thiện trí thức sách tấn dìu dắt chúng ta.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma chỉ thăm đất nước Úc gần một tháng, nhưng sự nôn nóng, sự mong chờ đón tiếp Ngài đã chuẩn bị trước một năm. Rồi lại đếm từng ngày, từng giờ để được gặp mặt. Quả đúng là một bậc Thánh nhân, mới có được đức độ phẩm hạnh khiến mọi người đều sinh lòng thương yêu kính mến. Phải chi chúng ta gần gũi với Ngài luôn luôn, có lẽ sẽ ảnh hưởng chất Thánh phát sinh, và ta cũng sẽ thanh tịnh dễ dàng! Không biết có thật như vậy không ?
Nhưng xin thưa, dù rằng chúng ta luôn cầu mong gần gũi thiện tri thức; nhưng cũng đừng quên, như đã thưa trong ta cũng đầy đủ chất Thánh không khác quý Ngài. Nếu quên điều này, có thể không chừng ta chẳng được lợi ích, dù có sống gần gũi với Ngài đến suốt đời trọn kiếp. Có chăng chỉ bớt tạo nghiệp ác mà thôi, chứ quả Thánh vẫn là của Ngài, còn ta cam phận vẫn là phàm phu tục tử.
Chính đức Phật là bậc Vô thượng pháp vương, mà Ngài A Nan cả cuộc đời theo Phật, cũng không vì thế trọn được Thánh quả, cho đến khi Phật nhập Niết Bàn, rồi đợi một nhân duyên khác mới được chứng quả Vô Sanh.
Chỉ có một điều ta nên ý thức, tánh thanh tịnh và giải thoát luôn luôn sẵn có nơi ta, và chỉ có tự mình ý thức điều này, đó mới là duyên thù thắng tăng trưởng thiện tâm; điều đó sẽ càng tăng trưởng khi đối diện với chư Thánh Tăng, Bồ Tát, Thiện trí thức ở khắp mọi nơi.
Chúng tôi quan sát thấy anh chị em thiện nguyện hôm ấy mà lòng thật vui; quý anh chị đã không phân biệt tông phái, chùa viện, thầy, cô nào, tất cả đều được chào đón niềm nở, với lòng ước mong làm sao giúp mọi người diện kiến Thánh Tăng. Tấm lòng thuần đạo không phân biệt như thế chắc chắn đã làm quý vị thiện nguyện thanh tịnh an vui hôm đó, và còn tạo nhân thanh tịnh tương lai. Như thế hình ảnh này đã làm tôi lạc quan, hiện tình Phật tử Việt Nam chúng ta, nhứt định có nhiều quý vị thiện hữu tri thức đang âm thầm học Phật, đang xây dựng cho mình tương lai một đạo tràng thanh tịnh.
Suy tư như vậy cũng thoáng qua mau, nhìn lại chỉ còn 15 phút nữa đến giờ Đức Đại Lai Lạt Ma xuất hiện; chợt nhận ra trời chẳng những tạnh mưa, hình như khí trời hơi ấm lại nữa; tôi còn quên đi tiết trời tháng sáu đang là mùa đông ở Úc. Việc cũng thật lạ! Nghe người nói lại, ngày hôm trước mưa tầm tả, mưa ngay lúc Ngài đang nói chuyện, còn bây giờ lại không mưa! Có lẽ đây là ngày cuối buổi nói chuyện công cộng, nên trời đã sắp xếp vậy chăng!?
- Lời pháp chân tình!
Ngài nói gì? Khó hiểu hay dễ hiểu, cao hay thấp?
Đương nhiên Ngài phải biết, nói làm sao cho mọi người hiểu; không thể nói giáo lý cao siêu, triết học Đại thừa ngay giữa đám đông công cộng còn nhiều xa lạ với giáo lý Phật Đà. Ngài chỉ thăm hỏi mọi người, rồi kể chuyện, rồi nói chút lòng từ bi cách sống theo cái nhìn chung chung của một tu sĩ Phật giáo. Ngài nhắc nhỡ phải nên quan tâm với nhau để sống, đừng phân biệt mà tạo ra rắc rối cho mình, và môi trường chung quanh. Ngài khéo léo thiện xảo nói về tính tương quan, tương hợp cộng đồng, cộng hưởng qua thí dụ một bàn tay có năm ngón dài ngắn khác nhau. Sự đặt cho dài ngắn, vì có sự so sánh, tương quan liên hệ dính mắc nhau; nếu đứng riêng một mình thì không thể nói dài ngắn ra sao. Đó cũng là ý nghĩa không ai tự có thể cho mình thật giỏi, cho mình hơn xa kẻ khác, nhất là tự mình có thể tồn tại độc lập được.
Rồi Ngài dí dỏm nói rằng, không biết sao quý vị đến đây đông như vậy, trong khi tôi không phải là ca sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ có thể làm cho quý vị thưởng thức giải trí. Nhưng Ngài cũng thật tình bày tỏ không dè dặt, không sợ người ta cho Ngài là tự cao, tự đại; Ngài nói: tuy nhiên tôi cũng cảm thấy những buổi nói chuyện của tôi cũng đã mang đến nhiều kết quả tốt cho một ít người. Tôi không tiện nói ra, có một khoa học gia đã nghe tôi nói chuyện, sau đó thú nhận rằng ông đã thay đổi tính tình, và từ đó cảm thấy lạc quan vui vẽ hơn.
Ngài còn nói nhiều lắm, nhưng vì phát âm Anh ngữ của Ngài hơi khó nghe, và vốn tiếng Anh của chúng tôi đã ít, lại rất yếu về khả năng nghe, nên đại khái chỉ kể bấy nhiêu. Hơn nữa tôi còn bị phân tâm, quan sát hình dáng điệu bộ của một vị Thánh Tăng, nên cảm nghĩ nghe được nhiều ít không thành vấn đề; vấn đề là thật sự tận mắt thấy được một bậc tái sanh tự tại, bằng bi tâm, bi nguyện độ chúng sanh.
Hơn phân nữa thời gian nói chuyện, Ngài không ngồi xuống chiếc ghế đã chuẩn bị sẵn; Ngài đứng và hoan hỷ nói một mạch suốt gần một tiếng đồng hồ; cảnh tượng như thế càng làm nhiều người say mê, và vui theo điệu bộ tự nhiên chân thật của một vị Thánh. Điệu bộ cử chỉ của Ngài trông như đang diễn tuồng vui, nhất là khi cặp mắt kiến Ngài dính vết mờ gì đó, Ngài tỉnh bơ lấy xuống thổi, rồi đưa qua đưa lại quan sát, thời gian kéo dài cả mấy chục giây, làm như trước mặt Ngài không có ai, hay chỉ có một vài người! Có lúc Ngài chống nạnh như là thị oai với mọi người, tất cả điệu bộ như vậy, chỉ làm cho người vui thích thêm mà thôi.
Tóm lại đã là một vị Thánh, thì thế nào đi nữa vẫn là Thánh; không giống như chúng ta, tô lên trên mình quá nhiều hình sắc, rồi nhét vào tư tưởng đủ thứ kiến thức phân biệt, do đó có hành xử đóng kịch thế nào, cũng không thể giống được một vị Thánh. Trừ khi phải thành thật với chính mình, và sự thành thật phải đúng với chánh pháp nữa, mới mong người ngoài thân thiện được. Và lại tiếp tục quên mình mới mong người ta quý mến.
Cũng trong vòng một tuần, sau ngày đi xem và nghe đức Đạt Lai Lạt Ma giảng, chúng tôi lại được nhân duyên dự buổi thuyết pháp của Ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche (sinh năm 1961). Ngài này cũng là bậc tái sanh, hậu thân của vị đại sư Jamyang Khyentse Chökyi Lodrö [1894-1959] nổi tiếng, từng là thầy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche
Buổi thuyết giảng này thu hẹp ở một gian phòng chứa chừng một trăm người. Nói đúng hơn đây là buổi học Phật pháp. Đa số có mang theo sách mà chính vị giảng sư là tác giả; riêng Ngài y cứ giảng theo nguyên bản ngôn ngữ của Ngài. Tôi không rõ là tiếng Bhutan hay tiếng Tây Tạng, vì Ngài là người Bhutan tái sanh từ Đại sư Tây Tạng; lớn lên học theo truyền thống Tây Tạng, hiện hoằng pháp nhiều nơi trên thế giới.
Tôi cũng không ngờ Ngài còn là người viết truyện phim, kiêm luôn đạo diễn. Ngài đã phát hành hai phim: The Cup và Travellers Magicians, tạm dịch: Giải bóng đá ở chùa! và Những người du hành, những nhà ảo thuật! Nội dung chuyện phim The cup kể về sinh hoạt của mấy chú tiểu trong chùa Tây Tạng; nhận thức đối diện, hành xử thế nào giữa tình cảnh, tâm cảm thế gian pháp và Phật pháp. Bộ phim thứ hai, thâm trầm ý vị hơn, nội dung chỉ là những tình huống xảy ra rất thường trong đời sống xưa nay; nhưng việc thường tình lại khó mà hành được. Nhận xét, bộ phim cảnh tỉnh ta nên an phận, đừng “đứng núi nầy trông núi kia”, và hãy nên thận trọng chớ dong ruổi theo ham muốn của mình. Xét về nội dung, phim nói về tâm vô thường, biến đổi theo cảnh giả của thế gian tạm bợ. Hai phim được đánh giá cao, vừa hay vừa vui. Nhất là phim Travellers Magician, được báo Sydney Morning Herald nhận định: “Wise & wonderful, a feelgood film with depth” (Thật tinh tế, tuyệt diệu; một bộ phim tạo được cảm giác tốt với ý nghĩa sâu sắc”.
Thú thật dù ngưỡng mộ, kính lễ Ngài, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên, vì sao đã là tu sĩ lại còn tham dự hưởng ứng những pháp thế gian, như viết chuyện dựng phim, đạo diễn; nhưng rồi ngạc nhiên thắc mắc của tôi đã biến mất, khi biết Ngài hiện đang là vị Thầy chứng minh hướng dẫn khóa học tịnh tu kéo dài 3 năm, nghiêm mật chuyên tâm tu niệm. Ngạc nhiên hơn khóa học đó hiện đang xảy ra tại đất nước Úc này. Như vậy việc làm của chư vị chân tu, khó thể lường biết được. Và tóm lại ta chỉ nên tự thân tâm tu hành tinh tấn hơn, mới có thể hiểu được phần nào các pháp trần đang diễn ra chung quanh người học Phật.
Trở lại buổi học pháp của Ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche; khi chúng tôi được dự thính khóa học này, thì chỉ còn có vài ngày là bế giảng. Khóa học chỉ kéo dài một tuần; và học viên tham dự phải đóng lệ phí khá cao, để trang trải lệ phí mướn phòng, cũng như cúng dường pháp sư.
Chúng tôi và một vài người trong dáng tu sĩ nên được miễn phí, lại được ngồi gần nhất nơi Ngài giảng. Đề tài giảng về tánh không, một trong những giáo lý thậm thâm vi diệu của đạo Phật. Do đó chúng tôi chỉ nghe và hiểu được chừng năm mươi phần trăm. Tôi cũng chẳng quan tâm, mà chỉ hiếu kỳ đi xem một hậu thân của một vị thánh nhân, và hiện tại tất nhiên vị này cũng chẳng phải phàm tăng. Chính việc hiếu kỳ và phan duyên đủ thứ trong lúc nghe giảng, đã phần nào làm tôi không được tập trung; tuy nhiên vẫn hết sức vui và thỏa chí được chứng kiến một con người tái sanh thật như vậy.
Quan sát tôi thấy, học viên toàn là người bản xứ, hầu hết là dân trí thức. Điều này lại làm tôi vui mừng, và càng mong sao đất nước Úc sẽ thấm nhuần giáo lý giải thoát nhiều hơn. Thoáng qua chợt nghĩ đến sinh hoạt Phật giáo Việt Nam chúng ta, lại không mấy khởi sắc cho lắm, thậm chí còn không thu hút ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người Việt của mình, nói gì giúp người bản xứ tìm đến học Phật.
Thôi thì tất cả là nhân duyên, và điều quan trọng ở ngay mọi người Phật tử chúng ta, khi hiểu biết giáo lý Như Lai thì tự mình vui, tự mình tu tập; cứ mỗi người ý thức giác ngộ như vậy, tương lai Phật giáo Việt Nam sẽ dễ dàng cùng với truyền thống Phật giáo Tây tạng, Tích Lan, Miến điện… hòa mình đem ánh sáng giải thoát đến khắp mọi người. Cuối cùng thực tế nhất là giúp cho giới trẻ trí thức Việt Nam hiểu được nền Phật học cao siêu, để trở thành những Phật tử thuần thành, tạo phương tiện dễ dàng nhất cho việc hoằng pháp trong tương lai.
Như vậy trong vòng không hơn một tháng, tôi được nhân duyên tận mắt chiêm ngưỡng hai vị thánh tăng; lại còn trực tiếp nghe được ít nhiều pháp ngữ các Ngài. Dù thời gian không gian hoàn cảnh của hai vị Thánh tôi được gặp khác nhau, cũng như chủ đề thuyết pháp có khác; nhưng lối tự tại sống thật của chư vị đều nhứt như không khác, khiến tôi suy nghĩ đạo Phật và giáo pháp Như Lai hiện thực ở mọi hoàn cảnh thời gian con người hiện nay.
Thế thì tôi nghĩ tất cả chỉ còn lại là niềm tin; niềm tin chánh pháp vẫn còn hiện hữu ở khắp nơi; không phải chỉ có ở những bậc Thánh Tăng đang thiền tọa ở nơi hang động hoang vu dưới triền núi Hỷ Mã Lạp Sơn, hay những tu viện hiện có các vị tái sanh đang cư ngụ khắp nơi như: Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan… mà nơi đâu hễ có người nhắc nhỡ đến pháp Phật, đến kinh điển, là nơi đó còn có chánh pháp, đang tùy duyên sinh khởi trong tâm mọi người. Tuy rằng thực tế người ta cũng cần chánh pháp phải được chứng minh cụ thể, thể hiện trên những con người thanh tịnh hiền hòa bình dị như chư vị Thánh tăng đang có mặt trên trái đất này - nhưng chư vị Thánh Tăng như Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã chẳng làm khác hơn những người bình thường đang học Phật; và quan trọng nhứt là chư vị cũng như mọi Phật tử trên khắp thế giới, ngày ngày cũng nương vào lời Phật dạy: đọc kinh, niệm Phật, niệm chú, thiền tọa … hồi hướng đến khắp chúng sanh. Như thế xét cho cùng chánh pháp vẫn còn hiện thực ngay thời đại khoa học ngày nay, vì Pháp Bảo (Kinh Phật dạy) chưa biến khỏi thế gian, nhất là vẫn còn Thánh Tăng hoằng đạo; chỉ có một điều quan yếu, là chúng ta có thấy, có tin sự thật này hay không?
Vấn đề cho thời này là mạt pháp, đó là sự thật, chư tổ Trung Hoa đã từng dạy như vậy; vì tâm cảnh con người ngày nay không thể thực hành được như ngày Tượng Pháp và Chánh Pháp. Nhưng nếu xem lại kinh điển, thì ngay thời còn Phật cũng có biết bao người không hiểu Phật pháp, không biết đức Phật, lại còn tạo nhiều nghiệp ác. Như vậy Mạt Pháp chỉ nhấn mạnh trên mặt hiện tượng lịch sử, chứ bản thể pháp học của Như Lai vẫn còn nguyên vẹn; và nếu còn người quyết tâm tu hành, dụng công học Phật, thì dù hiện tại không Phật tại thế, nhưng niềm an lạc pháp hỷ vẫn thật sự có mặt trong tâm hành giả đó, chẳng mấy khác gì thời Tượng Pháp hay thời còn Phật tại thế gian.
Vậy thì rõ ràng chúng ta thấy, Thánh nhân khác phàm nhân điểm này, là các Ngài lúc nào cũng xem thời nay là thời chánh pháp, vì còn Pháp Bảo của Như Lai; thế là các Ngài càng cung kính, càng thực hành và càng sống thanh tịnh giải thoát ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Buổi pháp thoại của Ngài Đạt Lai Lạt Ma chấm dứt non gần hai tiếng đồng hồ, số người hiện diện có thể đoán trên bảy tám ngàn người. Số người đông như vậy mà vẫn giữ được âm thanh yên lặng lắng nghe, thật vô cùng cảm kích dòng pháp giải thoát vẫn còn trôi chảy đều đều ở khắp nơi đâu đó trên thế gian nầy. Tiếng vỗ tay đưa tiễn thay lời cảm tạ lễ biệt Ngài, và tiếng vui mừng tiếp tục vỗ tay khi nghe Ngài hứa, có thể sẽ viếng Úc lần nữa để có buổi pháp thoại như hôm nay.
Lạ thay khi mọi người bắt đầu rời chỗ, giải tán theo trật tự, thì trời bắt đầu nhỏ giọt. Những giọt mưa như đưa tiễn Ngài, cũng như những giọt nước mắt xúc động qua tấm lòng từ bi của vị Thánh Tăng hôm ấy. Rồi chỉ một vài phút trời đổ mưa lớn, thật lớn; khiến ai cũng ngạc nhiên, suy nghĩ! Mưa lớn mà vui, vui vừa thấm lời pháp nhũ, và vui mừng cho thành phố Sydney cả mấy tháng trời hạn hán thiếu mưa. Âu đó là một sự linh nhiệm tự nhiên khi một dòng pháp giải thoát đi qua ở một góc trời, đất nước nào đó.
Xin được kính nguyện, dòng pháp giải thoát vẫn luôn hiện khởi khắp nơi trên thế giới, để tất cả chúng sanh thấm nhuần giáo lý Như Lai.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thích Phổ Huân.
3/08/2007