Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mẹ ơi cho con xin lỗi

10/04/201317:15(Xem: 3936)
Mẹ ơi cho con xin lỗi

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2007

Mẹ ơi cho con xin lỗi

Quảng Tuệ Hương Nguyễn Thị Hải

Nguồn: Quảng Tuệ Hương Nguyễn Thị Hải

Tôi chưa từng nắm chặt đôi bàn tay của mẹ, chưa một lần ôm lấy mẹ dù vui hay buồn! Ba tôi mất từ năm tôi lên năm tuổi, mẹ tôi ở vậy nuôi hai chị em tôi khôn lớn. Lần đầu tiên tôi bước vào học lớp một, đứa bạn ngồi cạnh hỏi gia đình tôi làm nghề gì? tôi thật xấu hổ …chỉ dám nói mẹ mình làm nghề kinh doanh. Những ý nghĩ nói dối có lẽ bắt đầu hình thành từ khi ấy. Tôi ganh tỵ với lũ bạn vì ba mẹ chúng đều làm những nghề nghiệp đáng được xã hội tôn trọng, còn gia đình tôi, mẹ làm thợ xây, phu hồ, công việc quần áo dính đầy vôi vữa…
Năm học cấp I, tôi nhớ có lần mẹ đến trường đóng học phí cho tôi với bộ quần áo đầy vôi vữa, tôi thật xấu hổ và chạy thật nhanh vào nhà vệ sinh trong trường học…tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi với theo: ” Hải ơi…Hải ơi…mẹ đây này…!!!”…từ phía sau. Mặc dù nghe thấy rất rõ nhưng tôi vẫn lờ đi, co chân chạy thật nhanh, mong sao lũ bạn đừng chú ý biết đó chính là mẹ của tôi. Tôi đóng cửa nhà vệ sinh lại rồi oà lên khóc ấm ức….
Lớn thêm chút nữa tôi học càng kém. Mẹ không chú ý đến điều này lắm vì phải lo kiếm thật nhiều tiền cho gia đình tôi bớt khổ cực. Mẹ không làm thợ xây nữa mà chuyển sang làm nghề bán hàng ở chợ hoa quả. Đến đêm khi chợ đã đóng cửa mẹ mang hàng ế ẩm vào bệnh viện thành phố để bán chui (vì bảo vệ cấm bán hàng rong trong viện). Tôi nhớ ngày đó tôi không được cầm chìa khoá nhà, vì mẹ sợ tôi cho lũ bạn xấu vào nhà, chúng sẽ phá phách và lấy trộm đồ dùng. Buổi sáng mẹ dậy sớm nấu cơm, mẹ để dành cơm trưa cho tôi vào cái liễn treo lên cột nhà ngoài mái hiên. Tôi chuẩn bị quần áo và cặp sách để sẵn ra ngoài. Tôi chỉ mong mẹ đi chợ thật sớm để được rủ lũ trẻ con ở xóm sang nhà chơi ngoài hiên. Trước cửa nhà tôi có một cây mít rất to, lũ bạn giúp tôi ghép những miếng ván thành một “ ngôi nhà” trên cây. Tôi không còn treo cặp lồng cơm và cặp sách trên cột nhà nữa mà mang cất trong “ nhà” của mình . Đến bữa, tôi ăn cơm ở đó rồi đi học. Tôi không có khái niệm học bài ở nhà, tôi không biết nấu cơm, giặt quần áo, hay thậm chí là phải quét nhà. Tất cả mẹ đều làm hết. Mẹ đi làm về rất muộn, thường là tám giờ tối, tôi và em tôi thường ngồi trong ngôi nhà gỗ trên cây, lắng nghe tiếng chiếc xe đạp kêu “ cót két ” là biết ngay mẹ đang về nơi đầu ngõ. Có những đêm mẹ về muộn thì chị em tôi đã ngủ trên cây mít rồi…
Mùa hè lại đến, buổi sinh hoạt lớp cuối năm nay tụi bạn học cùng lớp đứa nào cũng hớn hở kể cho nhau nghe về dự định của mình trong 3 tháng mùa hè. Đứa thì được bố mẹ cho về quê thăm ông bà nội ngoại, đứa thì được đi nghỉ mát ở những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đứa thì được bố mẹ cho tham gia vào những buổi sinh hoạt, học đàn, hát, múa ở cung văn hóa thiếu nhi... Còn với tôi, mùa hè là một địa ngục đen tối, tôi rất ghét mùa hè....vì cứ hàng năm hè đến tôi bị mẹ nhốt ở trong nhà từ sáng đến tối mịt, đến khi mẹ về chợ. Mẹ cũng nấu cơm, phần cho tôi vào cái liễn như mọi khi và cất vào trong chạn bát. Được mấy ngày đầu tôi buồn chán lắm, cách biệt với lũ bạn bên ngoài với gian nhà 16m2, chỉ có ánh sáng vào qua ô cửa sổ nhỏ. Tôi thường đứng lên đó nhìn ngược nhìn xuôi hàng giờ lâu, chẳng có ai thèm đến chơi cả. Tôi lấy giấy ra, gấp thành máy bay, phi xung quanh nhà, nhà chật lắm nhưng nhìn những chiếc máy bay bay xung quanh được vài vòng là tôi mừng lắm rồi. Xong tôi lấy những hạt đỗ đen, đem xếp thành ô oan quan để tự chơi, chơi một mình chán lắm. Nếu tôi chơi với chúng bạn những trò này chắc chắn chúng sẽ thua tôi cho mà xem. Chơi mãi rồi cũng chán, tôi lấy giấy, dán thành diều, buộc chỉ vào rồi chạy xung quanh nhà, lên giường, lên bàn ghế, chiếc diều ấy chỉ lên cao được đến gần trần nhà tôi thôi. Tôi làm diều rất khéo, nếu chiếc diều này mà được mang ra khỏi nhà để thả thì lên cao phải biết! Lâu ngày,tôi nảy ra ý định chèo ra khỏi nhà, chiếc cửa sổ ấy, cái song sắt bé tý, chỉ cần tôi bẻ cong một tý là có thể chui được đầu qua mà. Hay qua! Hôm nay tôi mong mẹ đi chợ thật sớm, ý định đó đã le lói trong đầu tôi suốt đêm hôm qua rồi.
Mẹ đã đi rồi, đèo cả em tôi đi nữa! Tôi vui mừng, sao tôi thấy mình khoẻ ghê, tôi nắm chắc hai thanh sắt của chấn song cửa sổ, lấy hết sức bẻ cong nó. Cuối cùng tôi cũng bẻ cong đủ để tôi chui qua đó. Tôi mang chiếc diều của mình qua, chạy một mạch qua cánh đồng đến với lũ bạn ở đó. Thấy tôi chúng ngạc nhiên lắm! Tôi kể cho chúng nghe bí quyết ấy của tôi và dặn chúng đừng nói cho ai biết! Tôi tha hồ chạy nhảy ở bên ngoài, chơi chán ở ngoài đồng, chúng tôi lại kéo nhau đến ngôi nhà gỗ trên cây mít, ngôi nhà nhiều bụi bặm lắm, lá mít rụng đầy, chúng tôi dọn dẹp rồi cùng chơi các trò chơi trên đó, vui biết bao! Nhưng tôi vẫn nhớ rằng mình cần phải trở vào trong nhà trước khi mẹ về, hết giờ tôi nhanh chân trèo qua ô cửa sổ đó chui tọt vào trong nhà và tất nhiên tôi không quên lại bẻ thanh sắt chấn song cửa lại như cũ.
Cho đến một ngày, mẹ bất chợt về trái giờ so với qui định, tôi đang mãi chơi ở cánh đồng thì thấy mẹ đang đứng trên đê chờ sẵn với chiếc roi tre cong vút. Tôi sợ lắm! chưa bao giờ tôi sợ như thế, tôi lén lén nhìn mẹ, người tôi toát cả mồ hôi. Mẹ giận dữ vung chiếc roi tre vút mạnh vào mông đít tôi mấy cái. Tôi đau lắm nhưng biết lỗi nên không dám khóc to. Mẹ kéo tay tôi vào nhà mắng một trận và nói ngày mai mẹ sẽ bít cái cửa sổ đó lại. Tôi nghĩ mẹ giận quá nên nói vậy thôi chứ nhà mình chỉ có mỗi cái cửa sổ đó để lấy ánh sáng , bít lại thì tối om nhìn thấy gì? Không ngờ hôm sau mẹ bít nó lại thật, mẹ lấy dây thép, chằng nó lại và không quên dằng cả mấy song sắt lại với nhau nữa. Tôi buồn chán ngồi im trong góc nhà không dám lên tiếng. Hôm sau tụi bạn đến hỏi thăm tôi, chúng gọi tôi qua kẽ nhỏ của chớp cửa:
-Hải hôm qua bị mẹ đánh có đau không?
Tôi trả lời: -Không đau lắm, nhưng tớ buồn lắm! Này, trèo lên cây ổi hái cho tớ mấy quả nhé.
-Ừ, rồi chúng thi nhau trèo lên cây ổi, tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài lắng tai nghe những tiếng động. Chúng trở lại luồn qua chớp cửa mấy quả ổi cho tôi, rồi nói: - Tụi mình ở ngoài này, nếu cần gì thì cứ gọi nhé. Tôi được an ủi phần nào.
Dần dần lũ bạn chán chơi với tôi kiểu thế này, chẳng nhìn thấy mặt nhau, chúng lại bị sai bảo nhiều nên cũng chán tìm chỗ khác chơi vui hơn. Tôi buồn lắm, hôm nay trời mưa to, tôi ngồi nằm co ro trên giường, tiếng mưa và tiếng gió thổi mạnh rít lên từng cơn. Trời tối sầm lại, trong nhà tôi đã tối nay còn tối hơn. Tôi ngồi dậy, trèo lên đầu giường vươn tay ra sờ dây cắm điện. Bỗng người tôi rung lên bần bật, tôi ngã xuống giường và lịm đi hồi lâu. Tôi tỉnh lại, thấy người đau ê ẩm, tôi khóc vì sợ hãi, vì quá đau đớn bị điện giật. Càng lúc tôi càng khóc to hơn, tiếng tôi khóc hoà cùng tiếng mưa gió khiến người ngoài không ai nghe thấy cả. Đêm hôm ấy mẹ về thì tôi đã lịm đi rồi, mẹ nhào vô bế tôi dậy, vội gọi người hàng xóm đưa tôi đi viện. Cũng may mắn tôi không sao hết. Khi ra viện, bác sĩ dặn mẹ đừng nhốt tôi ở nhà nữa! Mùa hè này rất nhiều trẻ em bị tai nạn vì bị nhốt trong nhà hoặc chơi ngoài ao tù, sông ngòi.... Tôi nhìn thấy sự lo lắng hiện lên khuôn mặt mẹ. Những ngày sau đó, mẹ nghĩ ra cách khác để quản lý tôi. Mẹ đến nói chuyện với nhà trẻ nơi em tôi đang được gửi ở đó. Lúc đầu họ không đồng ý vì tôi đã lớn rồi, sẽ làm ảnh hưởng đến những em bé ở đó, nhưng vì thấy rõ hoàn cảnh của gia đình tôi nên họ đành nhận tôi vào để trông nom giúp mẹ. Tôi 8 tuổi mà vẫn đi mẫu giáo! Hàng ngày mẹ đưa cả hai chị em tôi đi nhà trẻ, đến tối đón cả hai chị em tôi về nhà. Cuộc sống như vậy đối với tôi cũng là tốt lắm rồi....
Tuổi thơ của tôi trôi đi thật nhanh với nhiều kỉ niệm buồn. Bây giờ tôi lớn khôn và đã có gia đình, nhưng tôi vẫn chưa một lần nhìn sâu vào mắt mẹ, chưa một lần ôm mẹ, chưa một lần nói lời xin lỗi mẹ khi tôi làm những điều sai trái…Đứa con lớn hai tuổi của tôi luôn được tôi hỏi:” Thế con có yêu mẹ không?”, con bé trả lời”Con yêu mẹ lắm…” rồi nó lém lỉnh cười hôn lên má tôi. Mẹ tôi chưa bao giờ hỏi tôi câu hỏi như thế, vì thế thật khó để tôi thốt lên rằng:” con yêu mẹ vô cùng”. Các cụ ngày xưa thường nói:” Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Tôi thật sự chỉ hiểu ra vấn đề này khi tôi lập gia đình và có con, và càng hiểu công lao to lớn như trời biển của mẹ, đặc biệt nay tôi biết đến ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, tôi lại càng thấm thía hơn về tình yêu thương vô bờ bến mà Mẹ đã dành cho tôi. Thật khó cho tôi nói lên những lời yêu mến đầy thân thương với mẹ. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến mẹ hơn, tôi nhìn trộm mẹ, nhìn thật lâu, thật kĩ, tôi thấy hình ảnh khắc khổ của mẹ in hằn những năm tháng vất vả bươn chải để kiếm sống nuôi hai chị em tôi. Trời ơi…tôi phải làm gì bây giờ? Liệu đã muộn chưa? -”Mẹ ơi…cho con xin sám hối với Mẹ, con xin lỗi Mẹ…” tôi không sao nói lên được vì lời nói ấy như nghẹn lại trong tôi.
Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian, ước gì thời gian quay ngược trở lại để tôi học cách lắng nghe, học cách yêu thương, học cách tự hào về mẹ. Tôi biết điều ước đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nhưng ngay bây giờ tôi sẽ mang kinh sách, băng đĩa phật pháp cho mẹ đọc, nghe, để mẹ có duyên lành gần gũi với Phật, để mẹ được Quy Y Tam Bảo, hành trì theo Chánh Pháp.
Tôi vội vã, chưa lúc nào tôi thấy tôi vôi vã như lúc này. Tôi sợ những gì tôi chưa kịp dành cho mẹ thì mẹ đã ra đi rồi. Tôi thật sự sợ hãi điều đó!!!
“ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để nỗi buồn hiện lên trên mắt mẹ”. Đây là một câu nói mà tôi nhớ đã đọc ở đâu đó trong kinh Phật. Câu nói đó khiến tôi thức tỉnh và nhận ra được trách nhiệm của mình, trách nhiệm của một người con giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ, tôi như đứa con đã bước đi những bước chân lạc lối nay quay đầu trở về.
Con xin cảm tạ công ơn của sư phụ Nguyên Tạng đã tạo cho con có duyên lành tiếp xúc với Phật Pháp và hiểu ra được lẽ sống của nhân sinh, nhất là bổn phận làm con đối với Cha Mẹ, bổn phận của người đệ tử đối với Tam Bảo. Công ơn của sư phụ không biết ngày nào con có thể đáp đền, con nguyện hết lòng phụng sự Phật Pháp. Nay nhân ngày Vu Lan báo hiếu, con xin can đảm viết ra đây những lầm lỗi của con đã từng nhiều lần bất hiếu với mẹ, con xin phát lồ sám hối với Tam Bảo và con nguyện sẽ làm đứa con hiếu thảo của Mẹ trong thời gian còn lại trong đời con.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Thái Nguyên, Bắc Việt, Mùa Vu Lan 2007
Quảng Tuệ Hương Nguyễn Thị Hải



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/01/2011(Xem: 9440)
Thắng Hội Vu Lan nhớ Mẹ hiền Noi gương hiếu hạnh Mục Kiền Liên Thanh trai lễ vật lòng tha thiết Nguyện Đức Từ Bi cứu đảo huyền
24/12/2010(Xem: 3162)
Ý Nghĩa Lễ Vu Lan Mùa Vu Lan Báo Hiếu Năm Tân Mão, Phật Lịch 2555 đang trở về trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta và trong trái tim của những người con Phật khắp mọi miền trên thế giới. Trong niềm vui giải thoát của ngày Phật hoan hỷ cùng với tín tâm thuần tịnh của ba tháng thanh tu đã viên mãn sau giờ phút Chư Tăng Tự Tứ.
20/11/2010(Xem: 4366)
Trong nhân gian, ai mà lại không có Mẹ. Từ người làm vua cho đến kẻ cùng đinh hạ tiện tất thảy đều do Mẹ sinh ra và nuôi lớn.
30/10/2010(Xem: 4317)
Như tôi cũng đã thưa rồi, hiếm ai dành nhiều thời gian để nhớ về mẹ như tôi. Chuyện gì buồn vui cũng là cái cớ để tôi nhớ về mẹ bằng tất cả tim óc. Tôi đã nhớ mẹ qua bất cứ hình ảnh nào của các bậc cha mẹ trong đời mà tôi quen biết, trong giao thiệp hay chỉ nhìn thấy trên phim ảnh sách báo... Có điều là không ít hình ảnh trong số đó cứ khiến tôi đau đáu một nỗi riêng không chịu thấu: 1. Họ là những bậc cha mẹ với tuổi đời chưa bao nhiêu nhưng đã bắt đầu quên mất tuổi trẻ của mình cho đứa con đầu lòng. Một tuổi trẻ tất bật áo cơm, không có rong chơi, không có ngơi nghỉ, không có thời gian riêng tư, dẹp luôn những không gian độc lập để sống như mình vẫn ao ước thời chớm lớn. Họ Mất hết cho cái mà họ cho là Được – đó chính là đứa con! Nhìn họ tôi nhớ mẹ!
20/10/2010(Xem: 7443)
Hôm nay ngày Rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan, ngày Tự Tứ của chư Tăng Kiết hạ sau 3 tháng an cư tu tập, cũng gọi là ngày Xá Tội Vong Nhân, ngày “Báo Hiếu của mọi người con Phật”. Ngày Vu Lan đến, người ly hương cũng như kẻ còn nơi quê Cha đất Tổ đều có lòng tưởng nhớ đến Tổ Tiên, Cha Mẹ, tháng 7 là tháng nhớ ơn, là mùa Báo Hiếu, là nguồn đạo hạnh…
17/10/2010(Xem: 3511)
Tết Trung Thu ăn vào ngày rằm tháng 8. Nguyên cuối đời nhà Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Vương Mãng nhân được cầm giữ chính quyền...
15/10/2010(Xem: 4867)
Sau khi ăn xong bữa, Giáo sư cầm chén đưa cho người mẹ già 70 tuổi: “Mẹ, rửa chén đi nhé!”, câu nói tuy ngắn nhưng có phần cảm động…
09/10/2010(Xem: 4205)
Từ cõi mộng Khoác áo nâu sòng Qua dòng sinh tử Có – không!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567