Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bông hồng cài áo, trắng hay đỏ?

09/08/201909:14(Xem: 7651)
Bông hồng cài áo, trắng hay đỏ?

 hoa trang


Bông hồng cài áo, trắng hay đỏ?



Hôm ấy là mùa Vu Lan, các chùa cứ thay phiên nhau làm lễ bông hồng cài áo. Tôi ngồi buồn thỉu, buồn thiu nhìn bông hoa hồng trắng cài trên áo. Nhớ ngày tôi mất mẹ mới thật thê thảm, vì chưa ngộ được lý vô thường nên tôi không chấp nhận được việc khi đi làm về vào phòng chào mẹ chẳng thấy bóng bà. Tôi vật vã, thương nhớ khôn nguôi.

Những mùa Vu Lan đầu tiên phải cài hoa hồng trắng, tôi khóc nức nở, ai oán, mắt mũi đỏ hoe, nước mắt tèm lem. Những người chung quanh phải ái ngại dúi vào tay tôi những chiếc khăn giấy ân tình. Cái khổ của tôi là mỗi tuần tôi đi dự lễ Vu Lan tại một chùa ở nhiều nơi khác nhau, nên được cài rất nhiều hoa hồng trắng. Mùa Vu Lan mà! Tha hồ được khóc!

Đấy là chuyện của hai mươi năm về trước, chứ bây giờ mỗi lần nhớ mẹ tôi phải bắt chước cái ông nhà văn nào đó, để nước mắt nuốt ngược vào trong. Chắc tôi làm không xong rồi! Chẳng thà cho chảy tèm lem mà nhẹ bụng…

Tôi cho rằng việc phân biệt hai màu hoa đỏ trắng trong mùa nhớ mẹ không được nhân đạo cho lắm! Này nhé! Ngày thiêng liêng ấy, có hai phe: Bên cài hoa hồng đỏ, ỷ mình còn mẹ cứ cười toe toét, làm phe cài hoa hồng trắng tủi thân, nước mắt nuốt ngược vào trong như cái ông nào đó, hay nước mắt chảy tèm lem như tôi. Đằng nào cũng tội! 

Nhưng một hôm tôi đi dự lễ Vu Lan tại một Tu Viện vùng bờ hồ xinh đẹp bao quanh ba nước. Trong buổi giảng pháp vị Hòa Thượng đạo cao đức trọng đã đưa ra đề nghị sửa đổi chút xíu trong ý nghĩa của việc cài hoa, bông hoa hồng đỏ tượng trưng cho Mẹ, hoa hồng trắng tượng trưng cho Cha. Hình ảnh người Cha hay người Mẹ lúc nào cũng tồn tại mãi trong người con, giơ bàn tay lên là ta đã thấy hình ảnh của mẹ và cha trong đó. Chẳng phải ta sinh ra từ những gen và tinh huyết của cha mẹ hay sao?

Vị Hòa Thượng này còn đề nghị lên vị Thiền sư tác giả của đoản văn Bông hồng cài áo (mời nghe Ca Sĩ Giáo Linh hát bài này) xin hứa khả và phê chuẩn, nhưng chưa kịp làm thì... Nên đến giờ vẫn có người trong mùa Vu Lan hát bài “Tâm sự người cài hoa trắng“ của tác giả Thích Trường Khánh: "Mẹ hiền ơi! Mùa Vu Lan đã về rồi. Riêng con hoa trắng, trắng màu xót thương. Đời mất vui khi mẹ chẳng còn" (nghe bài này). Tôi nghe xong vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, mùa Vu Lan năm tới sẽ đòi cho bằng được hoa hồng đỏ để cài vì mẹ không bao giờ chết trong ta.

Thế nhưng khi đàm đạo với cô bạn thân liền bị phản biện quay trở về chỗ cũ ngay lập tức. Nàng ấy nói rằng, phải phân biệt rõ ràng giữa trắng và đỏ để có được chánh niệm ngay giây phút ấy. Kẻ đeo hoa đỏ phải vui sướng nhớ rằng mình vẫn còn mẹ để phụng dưỡng hiếu đễ và mỗi ngày vào nắm tay mẹ thật chặt là đủ, không cần phải nói câu "Mẹ có biết rằng con thương mẹ lắm không!", vì có những thứ tình cảm không thể diễn tả bằng lời, nói ra e không đạt và ngượng ngùng. Còn người cài hoa trắng cũng phải hứa với hương linh của mẹ nguyện sẽ làm những điều hữu ích để mẹ được mỉm cười nơi chín suối. 

Cũng trong mùa Vu Lan, tôi đi dự lễ khất thực của các Chư Tăng Ni tại một ngôi chùa lớn. Bên cạnh các Vị đeo bình bát, kèm theo một Phật tử xách túi đựng những vật dụng do các thí chủ cúng dường. Tình cờ một cảnh khá đẹp đập vào mắt làm tôi nhớ đến hình ảnh của nàng Liên Hoa Sắc. Một cô nàng khá xinh đẹp, mặc áo dài màu cánh sen trong bùn khoát túi vải đi bên cạnh một vị Thầy đeo bình bát trong đoàn khất thực. Nếu ví von cô nàng là Liên Hoa Sắc thì vị Thầy kia phải là ngài Mục Kiền Liên. 

Cuộc đời nàng Liên Hoa Sắc quá tang thương, gắn liền với câu vè "Chồng chung với mẹ, chia chồng cùng con". Tôi đọc xong câu chuyện cứ ấm ức mãi, trong đầu luẩn quẩn câu hỏi "Nàng này làm nghiệp gì ở kiếp trước mà phải chịu thảm cảnh như vậy? " Biết để còn tránh!

Sau nhiều lần tìm kiếm trong mạng, tôi tìm được một tài liệu giải thích nghe cũng bùi tai. Có một kiếp nào đó, nàng làm "Bà mai". Nếu nàng mai mối cho người ta xứng đôi vừa lứa, vợ chồng ăn ở với nhau hạnh phúc thì cái đầu heo tặng bà mai cũng hợp lý. Nhưng đằng này nàng tham tiền vàng của mấy ông cụ nhà giàu, dùng tiền bạc để bắt ép mua các cô gái trẻ, đẹp, nhà nghèo về làm hầu thiếp cho các cụ ông. Sau này các cô gái quá khổ, họ kêu khóc oán hận bà mai tàn ác. Với cái nhân như thế nàng phải gánh cái quả cay nghiệt đó!

Thôi cứ tạm tin như thế để răn đe mọi người. 

Trở về với chữ Hiếu muôn thuở của chúng ta, lúc còn bé đi học bị thầy cô bắt học thuộc lòng các bài thơ song thất lục bát trong trường thiên “Nhị Thập Tứ Hiếu“, gồm hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo của người xưa do Quách Cư Nghiệp biên soạn. Điển hình nhất vẫn là hai ông Mẫn Tử và Tử Lộ, đệ tử của cụ Khổng, ông thì gạt nước mắt xin cha đừng đuổi mẹ ghẻ ác nghiệt đi, rồi ca hai câu chí tình:

Mẹ còn chịu một thân côi.

Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.

Lòng hiếu của Mẫn Tử Khiên đã cảm đến lòng người và đưa đến bức tranh hạnh phúc:

        Cha nghe nói cũng sa giọt tủi.

        Mẹ nghe rồi cũng đổi nguồn cơn.

Còn Thầy Tử Lộ nổi tiếng với chuyện đội gạo đường xa về nuôi cha mẹ. Những ai ghiền cải lương chắc đã nghe qua sáu câu vọng cổ “Đội Gạo Đường Xa“ của soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà:

        Thầy Tử Lộ vào chầu Khổng Tử.

        Gục đầu nức nở khóc như mưa.

        Nhớ những ngày rau cháo muối dưa.

        Con đội gạo đường xa nuôi mẹ.

Chữ Hiếu đời nay được thể hiện như thế nào qua hai người bạn tương phản của tôi, để xem hai người mẹ cùng bỏ công sức ra nuôi dạy cho con trai mình ăn học đến học vị Thạc Sĩ hay Phó Tiến Sĩ gì đó. Hãnh diện lắm đấy! Nhưng bà mẹ già trên 80 tuổi một hôm giở chứng không muốn ăn, chỉ muốn chết. Thế mà cậu con Tiến Sĩ của bà đã chiều lòng để bà chết đói. Tôi nghe xong lặng người, không muốn gặp mặt kết bạn với người này nữa. Từ đó tôi suy ra cái tam đoạn luận thật đơn giản: Cha mẹ họ còn đối xử như thế, làm sao họ tốt với ai?

Một anh bạn khác học cùng ngành, ngược lại thương mẹ cực kỳ! Bà cụ mẹ anh đã trên 90 vẫn được chăm sóc chu đáo, hôm nào bà cụ chê cơm chán chè không muốn ăn. Anh dùng kiến thức khoa học kỹ thuật mình học được, chế biến ra những thức ăn đầy dinh dưỡng tiếp sức cho mẹ. Đến khi mẹ cưỡi hạc qui tiên, anh vật vã thương nhớ khôn nguôi. Mỗi khi ra khỏi nhà, anh đều thắp cho mẹ một nén hương, chẳng cần biết mẹ ở phương trời nào có ấm bụng hay không, chứ anh cảm thấy rất yên tâm. Chưa hết, thông thường thiên hạ hay cài số năm sinh hay tuổi tác vào địa chỉ mail cho khỏi trùng tên với người khác, anh cài ngày anh mất mẹ cho dấu ấn thêm khắc sâu. Con người như thế tôi cần phải tìm đến để kết bạn, để học hỏi cái tâm.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp day dứt, ăn năn của người con chưa làm tròn bổn phận với mẹ cha, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà cắn rứt trong lòng. Điển hình là lời thổ lộ của họa sĩ tài danh Nguyễn Trung, một tiền bối lão thành trong làng hội họa, vào năm 1960 đã bán bức tranh đầu tiên với giá ba trăm Đô-la. (Xét về mặt hình thức đã may mắn hơn cả Van Gogh của Hòa Lan, cả đời không bán được một bức tranh nào cho ra hồn, để rồi phải chết trong đói lạnh!).

Để trả lời câu hỏi “Nhìn lại, ông có bất kỳ điều gì hối tiếc?“ của một phóng viên trong tựa đề bài phỏng vấn: Họa sĩ Nguyễn Trung: ‘Nghĩ về mẹ, tôi vẫn day dứt đến giờ’. Ông nói:

-      “Không có gì quá to tát. Chỉ những chuyện nhỏ thôi. Tôi đã cố gắng chăm sóc mẹ khi bà lớn tuổi. Nhưng hồi đó tôi hay đi chơi với bạn bè, nhậu nhẹt, tiệc tùng, và không dành nhiều thời gian với mẹ. Nghĩ về mẹ, có nhiều chuyện vẫn làm tôi day dứt đến tận bây giờ. Bà thích ăn bánh canh, vì thế tôi đã đi ra chợ để mua bánh canh cho bà. Mẹ nói bà không ăn được vì bún dai quá. Tôi đã cảm thấy bực bội và nói với bà là ở chợ chỉ bán loại này thôi, tôi biết phải làm gì với món bánh canh dai nhách này đây. Bây giờ tôi cũng thích ăn bánh canh vào buổi sáng. Tôi nhận ra rằng mình có thể làm bánh canh mềm nếu nấu kỹ với nước lèo. Nghĩ lại, tôi thấy mình đã quá ngu ngốc. Tôi có thể nấu mềm bánh canh cho bà. Tôi thấy buồn vì những điều không thể làm cho mẹ. Đó là những điều nhỏ nhặt cứ đeo bám tôi mãi”.

Xin cám ơn lão tiền bối, đã đánh tiếng chuông cảnh tĩnh cho những ai đang còn hạnh phúc được cài trên áo bông hoa hồng đỏ trong ngày lễ Vu Lan. Họ còn có cơ hội để sửa sai, làm mới với các đấng sanh thành, không phải “Nghĩ về Mẹ, tôi vẫn day dứt đến giờ” nghe quá nhức nhối! Có phải thế không?

 

Hoa Lan - Thiện Giới.

2018.

 

  

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/08/2011(Xem: 4231)
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân...
12/08/2011(Xem: 4048)
LTS: Thời gian trước, một số vị phật tử lớn tuổi, am hiểu cổ học, đưa ra ý kiến nói rằng, người xuất gia không hoặc khó làm đầy đủ câu hiếu để đối với song đường (bố mẹ). Vậy điều đó đúng không? Nếu đúng, thì hàng đệ tử xuất gia của đức Phật có đủ tư cách làm người hướng đạo cho cư sỹ tại gia cũng như mọi giới chăng? Nếu nhận thức trên của các phật tử là chưa thấu đáo, nguyên nhân do đâu?
11/08/2011(Xem: 4081)
Vu lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, còn được biết đến như là ngày lễ “Xá tội vong nhân” hay là ngày “Báo hiếu”, là một trong những lễ hội Phật giáo quan trọng của tín đồ theo đạo Phật ở Á châu. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, lễ Vu lan được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Tự tứ và sức chú nguyện của Tam bảo mà mẹ của ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỷ, sinh về thiên giới.
11/08/2011(Xem: 4193)
T rước 1975, nơi thị xã Nguyên ở, hằng năm cứ vào đầu tháng 7 âm lịch, trên các góc đường của ngã tư lại thấy xuất hiện các anh chị trong Gia Đình Phật Tử làm công tác cài hoa lên áo cho dân phố, nhân mùa Vu Lan về.
11/08/2011(Xem: 7178)
Mùa Vu lan lại trở về, gợi nhắc chúng ta nhớ đến tình thương vô bờ bến của cha mẹ đã dành cho mình. Và đối với người Việt Nam, hiếu thảo là truyền thống quý báu được đặt lên hàng đầu. Tất cả chúng ta đều nhớ như in bài học vỡ lòng đã được dạy dỗ từ tấm bé: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
10/08/2011(Xem: 9148)
Hiếu thảo với cha mẹ là một đức tính tốt đẹp được mọi người ca tụng, đức tính ấy được coi như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát của chánh pháp, là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Bởi vì người Phật tử thì phải thực hành các thiện pháp mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung. Quan niệm về hiếu đạo của đạo Phật được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan.
10/08/2011(Xem: 4534)
Chứng được sáu phép thần thông, nhớ mẹ Mục Liên Tôn Giả xuống A Tỳ tìm cứu mẫu thân. Phật dạy nương oai thần Tự Tứ, thiết trai cúng dường, đảo huyền thọ khổ chúng sanh được siêu thoát. Lại một lần nữa Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu lại trở về với người con Phật trên khắp năm châu bốn bể, tâm hiếu nguyện cầu lan tỏa bao trùm cả đại địa thời không.
09/08/2011(Xem: 5707)
Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, chúng Tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên măn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm
09/08/2011(Xem: 8322)
Về phương diện đền ơn cha mẹ, Đức Phật có dạy: "Dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật".
09/08/2011(Xem: 7263)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]