Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ánh sáng nhiệm mầu

11/05/201905:16(Xem: 4922)
Ánh sáng nhiệm mầu

hoa_sen (9)




Ánh sáng nhiệm mầu
  
Nguyên Hạnh HTD

 

 

        Trong cuộc sống người ta thường chọn cho mình một mục tiêu để tiến tới. Người chọn đường khoa bảng tạo dựng sự nghiệp. Người đeo đuổi ngành Nghệ thuật tiến thân. Người muốn giàu có qua ngã kinh doanh... Nhưng lại có người chỉ an phận thủ thường. Phần đông trong số những người sau do điều kiện môi trường, hoàn cảnh hoặc do không đủ khả năng, và trong số ít đó tuy có đủ điều kiện tất yếu nhưng lại không thích cảnh tất bật, bon chen. Và dù là hạng người nào, song song bên cạnh đó người ta thường tìm về những mưu cầu tâm linh để thăng hoa cuộc sống.

 Riêng tôi, có thể nói điều làm cho cuộc đời tôi thay đổi nhận chân ánh sáng nhiệm mầu Phật pháp sáng soi khởi nguồn từ thuở ấu thơ...

 

Tôi đã trải qua những ngày ấu thơ đen tối với nước mắt nhiều hơn nụ cười! Mẹ tôi mất khi tôi mới lên 1 và hai người anh mới lên 3 và 4.

Cả đời tôi chưa hề được kêu tiếng MẸ!Khi tôi biết bập bẹ những tiếng đầu đời thì đã không còn dịp để cất lên tiếng gọi „Mẹ“ tha thiết ấy.Tôi cũng không thể hình dung ra được hình ảnh của Mẹ và bao năm qua tôi vẫn cầu xin cho được thấy Mẹ về trong giấc mơ - Dù chỉ một lần - Nhưng chưa bao giờ được thỏa nguyện ước mơ này.

Tôi lớn lên chỉ với một tấm hình của Mẹ trên bàn thờ, chừng đó không đủ cho tôi bớt lẻ loi cô độc của cuộc đời mình, không đủ sưởi ấm lòng tôi trong những ngày đông giá buốt. Vì vậy những ai còn mẹ phải biết trân quý tấm lòng thương yêu mà mẹ dành cho mình và phải biết rằng mình là người hạnh phúc nhất đời!

 Lên 3 tuổi, tôi có người mẹ kế, rồi bà cũng có 4 người con nên đâu còn dư tình thương để dành cho anh em chúng tôi. Hai anh trai cũng còn nhỏ, làm sao biết săn sóc và gần gũi em gái như một người chị. Lúc nào tôi cũng cảm thấy bơ vơ lạc lõng, đến trường tôi thui thủi một mình, tan học có khi tôi không muốn về nhà nữa, tôi hay đi lang thang như đứa trẻ thật sự " vô gia đình ". Với ý thức non dại của đứa trẻ hồi đó, tôi không thể xác minh hay định nghĩa thế nào là một gia đình đích thực. Tôi chỉ cảm thấy tôi không thuộc vềgia đình ấy. Chỉ vì trong ngôi nhà thiếu bóng hình của MẸ! Đúng là mất Mẹ giống như đóa hoa không có mặt trời. Bầu trời đêm không có vầng trăng tỏa sáng và những vì sao huyền dịu lấp lánh lung linh. Tất cả chỉ là một khung trời ảm đạm bao trùm tuổi ấu thơ.

 Cũng may tôi còn có một người Cô ruột còn trẻ nhưng không chịu lấy chồng, cứ sợ không có cô lấy ai săn sóc che chở cho ba anh em chúng tôi. Lòng thương yêu và hy sinh của Cô thật vô bờ. Sau này lớn lên chúng tôi có đền đáp công ơn Cô được phần nào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với tấm lòng bao la mà Cô đã dành cho ba anh em chúng tôi qua bao năm tháng.

 Tuy nhiên Cô cũng chỉ là em chồng nên vẫn ké né e dè bà chị dâu và tôi cũng vẫn cảm thấy cô đơn buồn tẻ cho số kiếp bạc phận của mình. Tôi chỉ biết vùi đầu vào chuyện học hành, lấy sách vở làm vui nhưng sao vẫn thấy không thể nào khỏa lấp được sự trống trải, hoang vu như sa mạc trong tâm hồn tôi.

 Rồi một cơ duyên đưa đẩy đến với tôi khi vừa lên bậc Trung học. Mười hai tuổi tôi đã gia nhập Gia đình Phật tử Hướng Thiện, thường sinh hoạt tại Niệm Phật đường Hội Quán, gần cửa Thượng Tứ, Huế. Đó chính là khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời tôi cho sự bắt đầu cuộc hành trình trên con đường Phật đạo.

  Ngày ấy Hòa thượng Minh Châu mới xuất gia, cư ngụ tại Hội Quán và chúng tôi được chỉ bảo gọi bằng " Chú ". Sự hiện diện của " Chú Minh Châu" đã là một nguồn an ủi to lớn cho hoàn cảnh của tôi lúc đó. Tôi được học Phật pháp với " Chú " và hằng tuần chỉ mong cho đến chiều Chủ nhật để được sinh hoạt với Gia đình Phật tử. Với nụ cười an lạc và bao dung, "Chú" đã đem tình thương dẫn dắt tôi trên con đường học Đạo và tôi đã đến với đạo Phật từ đó.

Bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh của Đạo tràng cộng với mùi trầm hương ngào ngạt đã quyến rũ tôi từ những ngày còn thơ dại. Dù chưa hiểu gì nhiều nhưng tiếng tụng kinh trầm ấm của " Chú Minh Châu" cùng với tiếng chuông mõ như có sức thu hút lạ kỳ đã làm quyến luyến bước chân tôi mỗi khi phải rời Hội Quán. Dần dà quỳ trước Phật đài, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ tênh, quên hết ưu phiền, với tâm thanh tịnh và tôi đã có một niềm tin để đứng vững.

 Tuy nhiên con đường tôi đến với đạo Phật vẫn còn lắm gian truân. Ba tôi chưa tin vào đạo Phật cho lắm mà chỉ chú tâm vào việc thờ cúng ông bà mà thôi. Từ khi gia nhập vào Gia đình Phật tử, tôi đã ăn chay vào những ngày 14,15, 30, mồng 1. Mặc dù Ba tôi không đồng ý, cứ bảo còn nhỏ cần phải ăn uống đầy đủ mới lớn được. Tôi vẫn lén lút dấu cái chén trong áo rồi chạy thẳng ra tiệm bán tương chao để mua chao về ăn. Tiền Ba tôi cho để ăn trưa tại trường, tôi thường ăn ít lại còn để dành hằng tháng mua chao nữa. Khi tôi bưng chén chao về thì sự việc đã rồi, Ba tôi không bằng lòng cũng đành chịu.

 Việc ăn chay đã bị cản trở khổ cực rồi nhưng còn việc đi sinh hoạt với Gia đình Phật tử lại càng khốn khổ hơn nữa. Mỗi lần có những buổi cắm trại phải ở lại suốt ngày đêm, thật khổ sở vô cùng. Phần nhiều ba tôi không cho đi, còn tôi thì càng gần đến ngày sinh hoạt càng đứng ngồi không yên, lòng bồn chồn lo lắng không dám mở miệng xin phép, mà chưa xin phép được trong lòng càng bức rức khổ sở vô cùng. Tôi đành cầu cứu đến " Chú Minh Châu" và Chú đã đích thân đến nhà xin phép Ba tôi cho đi, dĩ nhiên là vì nể "Chú"nên ba tôi đành chấp thuận. Những lần như vậy tôi sung sướng như con chim được sổ lồng, nhưng đâu có thể nhờ " Chú" hoài hoài, có khi bí quá tôi cứ đi liều, sau đó sẽ ra sao cũng được, có bị đòn cũng cam lòng.

 Gia đình Phật tử thường sinh hoạt hằng tuần vào chiều Chủ nhật. Cũng may Ba tôi có thói quen ngủ trưa nên sau khi ăn trưa xong, chờ Ba tôi ngủ là tôi rón rén trốn đi. Cứ liều mà đi để rồi đến chiều về, lẻn vào lối bên hông nhà, đi thẳng vô nhà bếp, đứng bên cạnh Cô tôi như tìm một sự che chở  yên lòng. Cô tôi là bóng mát cho tôi nương tựa những ngày thơ ấu, là hơi ấm vỗ về tôi trong giấc ngủ trẻ thơ.

 Ngày ấy vì " Chú Minh Châu" còn ở trong Hội Quán gần cửa Thượng Tứ là con đường đi về nhà, vì vậy chiều về tôi hay ghé thăm " Chú", kể cho " Chú " nghe những việc ở trường, học hành ra sao... Sau đó " Chú" vào ở trong chùa Báo Quốc, tôi buồn vô cùng, cảm giác cô đơn lạc lõng lại trở về với tôi.

 Nhưng rồi, tôi lại tìm cách đi thăm " Chú". Buổi trưa ở lại trường gần chùa nên thỉnh thoảng tôi đi thăm " Chú", leo cả mấy chục bậc thang trước chùa, mệt bở hơi tai nhưng tôi vẫn không ngại gian nan. Ngày ấy tôi chưa được thấu hiểu đạo Phật bao nhiêu, nhưng khi đứng trước cổng chùa nhìn xuống khung cảnh bao la nằm dưới chân đồi cũng đã thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng, bao nhiêu ưu tư phiền muộn đều tiêu tan.

 Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long, thuộc địa phận phường Phường Đúc, thành phố Huế. Chùa do Hòa thượng Giác Phong khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ 17, có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự. Ban đầu chùa cũng chỉ là một ngôi thảo am, về sau dần dần được tu sửa và xây dựng qui mô. Năm 1824 vua Minh Mạng lấy lại tên chùa là Báo Quốc như cũ.

 Năm 1940 trường Cao đẳng Phật học được mở lại tại chùa Báo Quốc do đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Giám đốc và trở thành một trung tâm đào tạo Tăng tài mãi cho đến ngày nay.

 Vị Cao tăng có công lao trong công cuộc trùng tu tái thiết chùa Báo Quốc sau các giai đoạn khói lửa gần đây là Hòa thượng Thích Trí Thủ. Ngài vừa là Giám đốc Phật học đường vừa là trụ trì chùa Báo Quốc.

 Báo Quốc là một ngôi chùa cổ ở vị trí trung tâm thành phố được nhiều người biết đến nên đã hấp dẫn và thu hút được rất nhiều du khách.

 Trở lại "Chú Minh Châu" dù đã ở tại chùa Báo Quốc nhưng mỗi chiều Chủ nhật vẫn về sinh hoạt với Gia đình Phật tử chúng tôi: tụng kinh và dạy Phật pháp. Tôi bắt đầu hát và thuộc bài " Trầm hương đốt ". Cũng từ đó và cho đến nay mỗi lần nghe bài hát đó, lòng tôi vẫn rưng rưng xúc động vì nhớ đến vị Thầy đã khai sáng cho tôi ngày tôi mới lớn. Dòng nhạc đầm ấm thiết tha như quyện lấy tâm hồn tôi trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh của những buổi lễ và càng ngày tôi càng cảm nhận được sự mầu nhiệm bất khả tư nghì qua năng lượng kỳ diệu của đạo Phật. Lòng thành kính bao nhiêu sẽ giao cảm được bấy nhiêu.

Hình ảnh  " Chú Minh Châu " đi xe kéo vào nhà tôi để xin phép cho tôi đi sinh hoạt vẫn còn đậm nét trong lòng tôi mãi mãi với thời gian.

 Sau đó tôi đã xin quy y với Thầy, còn xin Thầy đặt cho một cái tên thật  hay và Thầy đã cho tôi pháp danh là Nguyên Hạnh. Rất tiếc tôi đã không hỏi tại sao Thầy lại đặt cho tôi pháp danh ấy và ý nghĩa của nó. Giờ đây ngẫm lại tôi mới hiểu có lẽ đó là lời nhắn nhủ thâm sâu của Thầy qua pháp danh NGUYÊN HẠNH đặt cho tôi với bao hàm ý nghĩa: " Con hãy giữ cho tròn „Hạnh nguyện“ của người Phật tử ".

Hồi tưởng lại khi đó tôi vui mừng hạnh phúc xiết bao và cảm thấy như mình đã lớn hẳn lên và hãnh diện được làm con của Phật. Đức Phật là đấng Từ phụ mà tôi cảm nhận được rằng Giáo pháp của Ngài đã trải ngập tâm hồn tôi một sự ấm áp diệu kỳ thay thế cho nỗi cô đơn mất mát lớn lao của đứa trẻ đã mất mẹ từ thuở vừa dứt tuổi thôi nôi.

 Chỉ đáng tiếc thời gian sau, Thầy đi du học bên Ấn Độ. Ngày tiễn đưa Thầy tôi đã khóc, còn Thầy bắt tôi phải hứa ở nhà ngoan ngoãn học hành, đi sinh hoạt Gia đình Phật tử đều đặn và học Phật pháp cho tinh tấn.

 

  kính bạch Thầy,

        Hôm nay con muốn viết những dòng chữ này như một nén nhang tưởng niệm kính dâng lên Thầy, một vị Thầy khả kính đã dẫn dắt con đến với Đạo tràng, dạy con biết cách cúng dường, biết cách tu thân, biết nhận ra lỗi lầm, biết nhẫn nhục, biết thứ tha. Rồi dần dà Thầy lại dạy con những bài học khó hơn, phải biết quán tưởng sâu xa hơn, lắng tâm tĩnh lặng mới giao cảm được sự chia xẻ thân thương cùng bạn hữu chung quanh, khi nhận được điều đó, ta sẽ không còn cô đơn nữa.

Thầy bao giờ cũng nhu hòa, bước chậm rãi mà tỏa sáng bao an nhiên tự tại thong dong. Đúng là tình thương và lòng từ bi theo tinh thần Phật dạy mới vượt mọi biên cương để dẫn dắt chúng sinh đến bờ Giác ngộ.

 Thầy là người cha đã khai sinh ra con từ một bông hoa đặt nhẹ trên đỉnh đầu trong không gian tràn ngập hương Phật đản năm nào nhân ngày quy y của con.

Thầy vẫn ở cùng con trên từng lời Phật dạy.

 Giờ đây ở tuổi xế bóng hoàng hôn, dù nơi đất khách tha phương lời nhắn nhủ âm thầm sâu xa của Thầy năm xưa qua pháp danh Nguyên Hạnh đặt cho tôi vẫn lắng sâu bền bĩ trong tâm và tôi nguyện mãi mãi tiếp tục cuộc hành trình là kẻ lữ hành trên con đường tỏa “ ánh sáng nhiệm mầu “ mà tôi đã định hướng cho đời sống tâm linhcủa mình.

 

München, 2018

Nguyên Hạnh HTD

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/08/2011(Xem: 10827)
“Ầu ơ…….. Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, Khó đi Mẹ dắt con đi Con đi trường học, Mẹ đi trường đời” Đó là lời hát ru con mà tôi thường hò để dỗ con vào giấc ngủ trong những ngày tháng khi chúng còn trẻ thơ và rồi ngày mỗi ngày lời ru ấy thấm dần, thấm dần đến tận tâm can của tôi! Tôi thật sự đã ngỡ ngàng và bàng hoàng khi phát hiện ra sự khác biệt qúa chênh lệch giữa “Trường học” và “Trường đời”. Có lẽ chỉ những người có thiên chức làm mẹ mới hiểu được rạch ròi về vạn lần đắng cay của “trường đời”.
09/08/2011(Xem: 7897)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5737)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 5187)
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.
08/08/2011(Xem: 8248)
Người Phật tử có hiếu, nhân ngày lễ Vu Lan hối tưởng lại công ơn cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tiền hãy đem hết lòng thương kính, chăm sóc...
08/08/2011(Xem: 4729)
Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là một con người tốt ở trong xã hội. Cho nên hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết.
07/08/2011(Xem: 6621)
Kinh Vu Lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ. Sau đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả đã thiết lễ trai nghi...
06/08/2011(Xem: 6324)
Sau khi xuất gia khoảng 5 năm, vị tân Tỷ-kheo ấy đã am tường giáo pháp và được các vị trưởng lão cùng đại chúng tán thán về đức hạnh.
06/08/2011(Xem: 6260)
Audio: Chữ Hiếu Trong Đạo Phật
05/08/2011(Xem: 10590)
Khi có con, ngoài cái trao hết cái nhựa sống, cái khí huyết của mình để nuôi con, người mẹ còn trao cho con cái tinh hoa đạo đức của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]