Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kịch ngắn: Không Ai Hiểu Và Thương Con Bằng Mẹ

03/08/201815:48(Xem: 8338)
Kịch ngắn: Không Ai Hiểu Và Thương Con Bằng Mẹ

khong ai thuong con bang meKỊCH NGẮN

(MỘT MÀN- MỘT CẢNH)

  

KHÔNG AI

HIỂU & THƯƠNG CON

BẰNG MẸ

 

 

Chùa Sắc Tứ Kim Sơn

MÙA VU LAN Mậu Tuất - 2018

 

Soạn: TÂM KHÔNG- VĨNH HỮU

 

 

NHÂN VẬT:

  • Dì Ba: người Mẹ quê mùa chất phác, tuổi 50.
  • Duyên: con gái đầu của dì Ba, tuổi 30, lập gia đình theo chồng về ở thành phố, mức sống khá giả.
  • Nhân: con trai út của dì Ba, tuổi 25, độc thân, ăn chơi lêu lổng, thất nghiệp sau khi ở trại cai nghiện về nhà ở với mẹ.
  • Chú Tâm: tuổi 50, nghiêm nghị, hàng xóm nhà sát vách của Duyên.

CẢNH:

     Nhà của dì Ba ở vùng ngoại thành, có sân trước vườn sau, vắng vẻ yên tịnh. Trong nhà bài trí đơn sơ:  bàn thờ  thiết trí  giản dị nhưng trang nghiêm với thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và hoa quả hương đăng đầy đủ,  giữa nhà là bộ bàn ghế gỗ có đặt bộ ấm trà bằng đất “quê mùa”, và một điện thoại cố định (ĐT bàn).

      Sáng sớm. Yên bình, im ắng. Chiếc máy niệm Phật phát lên âm lượng nho nhỏ vừa đủ nghe  danh hiệu Phật: (tùy chọn) “Nam mô …”

      Như mọi ngày, dì Ba quét lau bàn thờ với tâm trạng hoan hỷ và thần thái ung dung thanh thả.  Sau đó, dì thắp hương, lâm râm khấn nguyện…

      Bất chợt, chuông điện thoại bàn reo vang… Dì giật mình, quay lại nhìn chiếc điện thoại nơi bàn giữa nhà, rồi bình tâm lại, xá ba xá trước bàn thờ thiêng liêng, mặc cho chuông điện thoại cứ réo vang nghe như hối hả thúc giục…

 

DÌ BA: (từ tốn bước lại bên bàn, điện thoại vẫn reo vang) Có chuyện gì đây mà sáng sớm đã gọi réo vậy ta? (ngồi xuống ghế, bắt điện thoại lên) A lô…

DUYÊN: (giọng vang lên từ đầu dây bên kia) A lô… Má đó hở Má?

DÌ BA: (giọng bình thản) Ờ thì Má đây, chớ hổng lẽ là Ma?

DUYÊN: (cao giọng) Trời… nãy giờ Má làm gì mà để điện thoại réo đến bảy, tám hồi vẫn chưa chịu bắt máy?

DÌ BA: A, cái con này ngộ há. Má chưa hỏi mày là có chuyện gì mà mới sáng sớm đã bắt cái điện thoại nó reo vang om sòm cả xóm đều nghe, mà mày đã vặn hỏi Má đang làm gì. (cười) Có chuyện gì mà gọi sớm vậy?

DUYÊN:  Thì có chuyện nên con mới gọi, chớ gọi chi giờ này?

DÌ BA:   Chuyện gì thì nói đi! Chuyện vui hay buồn?

DUYÊN: (ngập ngừng) À ừm… Má à, trưa hôm qua thằng Nhân có xuống phố, ghé nhà con chơi, ở lại ăn cơm trưa, chơi với mấy cháu, rồi chiều mới về trển, Má có biết không?

DÌ BA: Ừ, biết chớ sao không? Nó về đây lúc 6h chiều hôm qua, có kể cho Má nghe mà.

DUYÊN:  Ồ… vậy Má có để ý thấy nó có biểu hiện gì khác lạ không?

DÌ BA:   (nhíu mày) “Biểu hiện khác lạ” nghĩa là sao?

DUYÊN:  Là … là.. điệu bộ, cử chỉ, lời nói của nó đó Má. Má có thấy nó lấm la lấm lét, ấp a ấp úng, ra vô mất tự nhiên không?

DÌ BA:  (sắc mặt đanh lại) Ủa? Bộ nó “hút” lại rồi hả Duyên? Có phải ý mày là em nó về phố “hút’ lại ba cái thứ quỷ ma đó không?

DUYÊN:  Ồ, không phải vậy đâu Má. Nó mà “hút” lại thì con nhìn cái biết liền à, đâu phải cần hỏi Má. Nó ở chơi nhà con hơn nửa ngày, tỉnh táo, nghiêm chỉnh lắm Má à…

DÌ BA:  (gằn giọng) Vậy chớ mày còn thắc mắc gì nó mà hỏi “biểu hiện với biểu tình”? Làm cho Má phải lo lắng rồi nè…

DUYÊN:  (ngập ngừng) Má à… ý con muốn hỏi là từ chiều tối hôm qua đến giờ, Má có thấy vẻ  bộ nó có khác thường gì không? Nó về nhà với Má rồi, nó có đi chơi đâu tiếp không? Nó đi chơi đến mấy giờ mới về?

DÌ BA:  (nhăn mặt) Trời, cái con này… Em nó về đến nhà, vui vẻ, tỉnh rụi, ngồi kể chuyện mấy đứa nhỏ cho Má nghe, kể về bữa cơm trưa thịnh soạn của anh chị đãi nó… Ăn cơm chiều với Má, có gì ăn nấy, không đòi hỏi kêu ca, ăn xong thì tự động dọn mâm, rửa chén, ngoan ngoãn dễ thương… Xong, nó ra ngồi trên thềm hút thuốc, trầm ngâm lặng lẽ một mình, sau đó nó vô lấy cây đờn ra ngồi khảy tích tịch tình tang, được  một chặp thì vô buồng nằm ngủ nghỉ sớm … Không thấy nó đi đâu hết, cũng không thấy dấu hiệu gì đáng nghi ngờ…

DUYÊN: Thiệt vậy sao Má?

DÌ BA:  (cáu gắt) Cái con này, thấy sao Má nói lại vậy chớ thêm bớt làm gì?

DUYÊN: (im lặng)

DÌ BA: Nè, mày nghi em cái chuyện gì mà gặn hỏi vậy, Duyên?

DUYÊN: (ấp úng) Má à… con không phải tự dưng mà nghi ngờ em nó đâu… Không còn là nghi nữa, mà dám chắc luôn đó Má!

DÌ BA:  (gắt gỏng) Vụ gì?

DUYÊN:  Hôm qua… nó xuống nhà con, có xin phép, xin tiền Má không?

DÌ BA:  Có chứ sao không? Từ ngày em mày ở Trại Cai Nghiện về, nó đã trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn, đàng hoàng lắm rồi, chững chạc lắm rồi, đi thưa về trình, không đàn đúm với bạn bè… Nó có xin Má 50 ngàn bỏ túi, đi xe buýt xuống Nha Trang thăm anh chị và cháu mà!

DUYÊN:  (ngập ngừnng) Dạ… con biết… con biết…

DÌ BA: (gằn giọng) Biết biết biết… sao còn hỏi này hỏi nọ? Mày nghi em cái gì thì nói thẳng ra luôn đi. Đừng úp mở lúng búng nữa.

DUYÊN: Má… Má… có để ý… lúc nó về nhà… nó có cầm, hay có mang gì về theo không?

DÌ BA:  Hả? Có cầm gì về không hả? Nó có mang cái giỏ đựng bloc yến, hộp sữa tươi, hộp bánh thiếc… mà mày biếu Má đó. Nó về đến là đưa cho má liền mà! Có phải vợ chồng mày biếu Má nhiêu đó không? Hay thiếu mất thứ gì, món gì?

DUYÊN: Dạ không… đủ rồi đó Má. Ý con muốn hỏi là…

DÌ BA:  Là gì hả?

DUYÊN: (hạ giọng) Má à… nó đâu rồi vậy Má?

DÌ BA: (tặt lưỡi) Cái con này… nó đang ở trong nhà chớ đâu mà hỏi?

DUYÊN: Má nói nhỏ nhỏ thôi kẻo nó nghe …

DÌ BA: (bực bội) Giờ này em nó còn đang ngủ trong buồng đó. Chừng 7h giờ mới dậy, ra sân tập thể dục, tập tạ, rồi mới vô quét dọn nhà cửa giúp Má…

DUYÊN:  Vậy con nói nhỏ Má nghe thôi nè, đừng để nó nghe được…

DÌ BA: Nói đi. Mày làm Má sốt ruột quá, Duyên à.

DUYÊN: Ý con hồi nãy là… Má có để ý thấy nó cầm một cái “Ai-Pát” (Ipad) về không?

DÌ BA:  Hả? Cái gì? Cái “Bát” hả? “Bát của ai, ai có bát” hả?

DUYÊN: Dạ không phải cái Bát, mà là cái “Ai-Pát”, “Ai-Pát” đó má…

DÌ BA:  “Ai-Pát” là cái gì? Mày nói tiếng Việt giùm cho Má hiểu đi, bày đặt tiếng Mỹ, tiếng Tàu nữa.

DUYÊN:  Dạ… thì nó là cái… là cái như màn hình ti-vi, nó vuông vuông, dẹp dẹp, kích cỡ gần bằng cuốn vở học trò đó Má!

DÌ BA:  (bực bội) Mấy cái thứ máy móc tân thời hiện đại đó thì Má mù tịt, có biết cái nào là cái gì đâu. Mày thấy đó, mấy lần rồi mày năn nỉ Má xài điện thoại di động mà Má có chịu xài đâu, xài điện thoại bàn là hiện đại lắm rồi…

DUYÊN:  Dạ, nhưng mà… Má có thấy thằng Nhân cầm cái “Ai-Pát” về nhà không vậy?

DÌ BA:  Không. không thấy nó cầm cái “Ai Pát Ai Péo” đó.

DUYÊN:  Con hỏi vậy thôi, chứ nó có cầm về thì cũng đâu để cho Má ngó thấy.

DÌ BA: Sao? Ý mày nghi em nó lấy hả? “Ai Pát Ai Péo” đó của ai?

DUYÊN:  Dạ… của ông xã con. Mất rồi….

DÌ BA: (sửng sờ) Mất… mất rồi sao? Để đâu mà mất?

DUYÊN: Để trong nhà, trên ngăn dưới của bàn khách… Lâu nay đều như vậy, có sao đâu, tự dưng hôm qua thằng Nhân ghé ở lại chơi, nó đi về rồi, đến sẩm tối ông xã con đi làm về mới biết mất, hỏi con, con cứng họng luôn Mà à…

DÌ BA:  (bàng hoàng) Trời đất ơi…

DUYÊN: (lo lắng) Má… Má có sao không Má? Má nghe vậy nên Má bị sốc sao Má?

DÌ BA: (nghẹn ngào) Mày… mày thiệt quá đáng nghen con Duyên kia… (đưa tay vuốt ngực tự xoa dịu cơn tức giận, nói ngắt quãng) Sao mày… dám nghi cho em? Hả, sao mày… không tin em mình, lại đi nghi ngờ nó…. ăn cắp ăn trộm?

DUYÊN: (cao giọng phân bua) Đâu phải tự dưng con nghi cho nó…

DÌ BA: (giọng nghiêm nghị) Nhà có kẻ ra người vô, đồ đạc quý không lo cất giữ cẩn thận, lại quăng bừa để ẩu sờ sờ ra đó, biết ai vô lấy mà mày dám nói chắc là thằng Nhân?

DUYÊN: Tại… tại… ngày hôm qua nhà con đâu có ai ra vô, ngoài nó đâu Má? Con ở nhà cả ngày, có tiếp khách tiếp bạn nào đâu? Chỉ có thằng Nhân thôi.

DÌ BA:  Nhưng… mày có “bắt tận tay, day tận cánh” không?

DUYÊN:  Dạ… không. Nếu bắt quả tang được thì nói gì nữa? Đâu cần phải hỏi Má chi nữa?

DÌ BA: Không bắt tận tay thì tuyệt đối không được nghi bừa cho người này kẻ khác, lỡ oan cho người ta, cho em mình, là mày mang tội vu oan giá họa, ngậm máu phun người đó nghen, Duyên!

DUYÊN: (im lặng, chưa kịp nói gì)

DÌ BA:  (tiếp với giọng nghiêm nghị) Sau này mày sẽ gặp quả báo hiện tiện, sẽ bị người khác nghi mình ăn cướp ăn trộm, lừa đảo xấu xa, hỏi thử lúc đó mày có chịu nổi hay không? Có buồn, có tức không?

DUYÊN:  Má lúc nào cũng nói chuyện quả báo, con thấy xa vời quá, mông lung quá…

DÌ BA: (nhướng mắt, nhăn mặt) Cha cha… bữa nay dám mở miệng chê tui, không tin quả báo nữa há?

DUYÊN: (ấp úng) Ý con là... ý con là Má cứ nói chuyện trước mắt, giải quyết vấn đề hiện tại cho xong đi đã…

DÌ BA: (nạt) Hiện tại, trước mắt… là vấn đề gì?

DUYÊN: Là chuyện nhà con mất cái “Ai-Pát”, lâu nay không mất đồ đạc gì, lần này có thằng Nhân ghé chơi, thì lại mất.

DÌ BA: (nổi giận, nhưng biết minh đang giận, nên đặt vội điện thoại xuống bàn, bước lại trước bàn thờ, chắp tay khấn vái thánh tượng đức Quán Thế Âm…)

DUYÊN: (nghe Má im hơi lặng tiếng, ngạc nhiên) Ủa… Má còn nghe đó không? (lo lắng) Má ơi… Má… Má sao vậy? Má còn để máy, chưa cúp phải không?

DÌ BA: (từ tốn bước lại bàn cầm điện thoại lên) À ừm… Má nè.

DUYÊN: Má mới bỏ máy đi đâu vậy?

DÌ BA:  Má mới thắp nhang bàn thờ, xong rồi. Duyên à… nghe Má nói nè.

DUYÊN: Dạ, con nghe đây, Má nói đi…

DÌ BA: (trầm tĩnh) Chuyện chưa rõ ràng, đâu còn có đó, em con nó còn đang ngủ trong buồng, để lúc nó dậy Má sẽ hỏi giùm con nghen. Bây giờ ngưng nói chuyện này đi, Má không muốn làm ùm lên, người ngoài nghe được thì xấu hổ lắm…

DUYÊN: Dạ, được rồi. Có gì… chiều con về thăm Má, nói chuyện rõ hơn…

DÌ BA: Đường xa, xe cộ nhiều, mày vê làm gì cho mệt? Lo cho sắp nhỏ đi.

DUYÊN: Con chạy xe máy chừng 15 phút chớ mấy, xa xôi trắc trở gì đâu Má.

DÌ BA: Khỏi đi. Để Má hỏi chuyện thằng Nhân, chớ mày về mày hỏi với cái giọng khinh người đó, chị em bây sẽ gây gỗ ngay, không hay chút nào, làm Má buồn thêm…

DUYÊN:  Dạ, Má cứ hỏi nó giùm con, nếu có lỡ lấy thì trả lại, còn nó nói không thì thôi, con sẽ đi mua cái mới đền vô, chứ con cũng thấy khó xử, áy náy với chồng con quá.

DÌ BA: Mày cứ để yên chuyện đó, để Má lo. Thôi nghen…

DUYÊN: Dạ. con chào Má. Má giữ gìn sức khỏe…

(Dì Ba đặt điện thoại cúp máy. Vừa lúc đó thì NHÂN  trong buồng bước ra, vươn vai, dụi mắt, nhìn thấy Má liền cười tươi tắn…)

NHÂN: Con chào Má… Má mới nói chuyện điện thoại với ai vừa xong phải không Má?

DÌ BA: (ấp úng) Ờ… ờ.. ờ… mới cúp máy tức thì… Dậy rồi đó hở?

NHÂN: (bước lại đứng sau lưng, bóp hai vai Má) Ai vậy Má? Ai mà gọi cho Má sớm vậy?

DÌ BA: (ngập ngừng) Ờ … thì… thì dì Hai của mày gọi chớ ai…

NHÂN: Ủa, Dì Hai hay Chị Hai của con?

DÌ BA: Dì.

NHÂN: Dì gọi có chuyện gì không Má? Mượn tiền của Má phải không? (cười khì khì) Hay chỉ hỏi thăm sức khỏe Má thôi?

DÌ BA: (ngồi xuống ghế) Ưm… hỏi thăm, hỏi thăm… ờ mà có nhờ Má một chuyện…

NHÂN: (vẫn đứng sau lưng bóp hai vai cho Má) Dì Hai mượn tiền Má sao? Con nghe nói bây giờ Dì khá giả lắm rồi mà, bán mấy mẫu ruộng cho bên Cty Bất Động Sản, trở thành tỷ phú rồi, sao còn nhờ vả Má gì nữa?

DÌ BA: (khẽ bàn tay con trai) Cái thằng… Má có nói là Dì hỏi mượn tiền đâu? Đúng là Dì Hai mày bây giờ “ngon” rồi, thoát kiếp nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” rồi… Dì không cho Má tiền thì thôi, chớ mắc mớ gì mượn Má?

NHÂN: (cười) Vậy chớ Dì nhờ Má chuyện gì?

DÌ BA: (chỉ ghế bên cạnh, lôi tay con trai, nói) Mày ngồi xuống đây… Má hỏi chuyện này một tí…

NHÂN: (ngồi xuống ghế) Chuyện gì, Má cứ hỏi đi…

DÌ BA: Má thì mù tịt mọi thứ rồi, nên mới hỏi mày… Hồi giờ mày có biết cái máy… cái máy… “Ai-Pát Ai Péo” gì đó không?

NHÂN: (cười nhe răng) Hihi… Ai- Pát, dạ con biết chớ. Ủa, sao bữa nay Má lại quan tâm đến máy móc hiện đại vậy?

DÌ BA: (ấp úng) Ờ thì… để Má hỏi xong cái đã… Nó là cái máy gì?

NHÂN: (gãi đầu) Đó là loại “Máy Tính Bảng”, như một cái bảng nhỏ mình cầm trên tay đó Má. Nó có nhiều công dụng, chức năng như lên mạng, xem phim, chụp hình…

DÌ BA: Vậy sao? Chắc nó mắc lắm hả ?

NHÂN: Dạ… mắc lắm chớ. Rẻ nhứt cũng đã 10 triệu đồng rồi, mấy loại “xịn” giá đến 20 triệu lận!

DÌ BA: (trầm tư một tí, rồi hỏi) Sao mày không có, mà lại rành về cái máy này vậy?

NHÂN: (cười, thản nhiên) Trời… Má hỏi lạ ghê. Bộ phải có mới biết sao? Má thấy đó, con đâu có chiếc điện thoại nào bỏ trong túi đâu, mà con vẫn biết rành loại nào tốt, loại nào xịn, loại nào đẳng cấp… Nghe người ta nói, thấy người ta khoe, cũng đủ biết tuốt rồi….(cười)

DÌ BA: Ừm hứm…Tại mày, chớ Má đã mấy lần muốn cho mày tiền sắm một cái di động có với người ta, cái “cùi bắp” cũng được, mà mày cứ khăng khăng không chịu mua, cứ nói là “con không muốn liên lạc với bất cứ ai hết”…

NHÂN: (cười nhẹ nhàng, nắm lấy bàn tay má mà bóp nắn) Thì con không có nhu cầu. Hằng ngày ra vô gặp được Má, Má là vị Phật tại đường, được hầu chuyện, xoa bóp chân tay cho Má là con vui lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi… Điện thoại để làm gì? Gọi cho ai? Chờ ai gọi mình?

DÌ BA: (cảm động, xoa đầu con trai) Má hiểu con mà… tội nghiệp con… (giọng nghẹn ngào, đổi cách xưng hô từ “mày” sang “con” với con trai) Má biết từ ngày con lên Trại Cai Nghiện, tập bỏ thói hư tật xấu, gặp được quý nhân dìu dắt, khuyên lơn… nên con trở về nhà với quyết tâm “tu tâm dưỡng tánh”, xa rời con đường cũ làm hư hỏng con người…

NHÂN: (ngắt lời, giọng cũng đầy cảm xúc) Thôi, tự dưng Má xúc động, nhắc lại chuyện đó làm gì? Chuyện cũ đã qua rồi, má đừng nhắc tới nữa, con quên hết rồi…

DÌ BA: (im lặng, trầm ngâm nhìn về bàn thờ, thẩn thờ…)

NHÂN:  (nắm bàn tay má day day mấy cái) Má… Má sao vậy?

DÌ BA: (quay lại nhìn con trai) Ưm… sao là sao? Má vừa chạnh lòng nghĩ đến tình trạng đang… “vô công rồi nghề” của mày mà lo lắng đây… Dượng Hai mày hứa hẹn giới thiệu cho mày vô làm xưởng mộc, xưởng cưa của ông Sáu Núi, qua cả tháng rồi mà vẫn chưa nghe gọi lại báo niềm vui…

NHÂN:  (cười) Tại vì Má nóng ruột, cứ sợ con “nhàn cư vi bất thiện” sẽ “ngựa quen đường cũ” phải không?

DÌ BA: (mắng yêu) Cha mày… bữa nay bày đặt xổ Nho nghe “đã” dữ!

NHÂN: Má à, nãy Má đang hỏi về cái “Ai-Pát” rồi tắt ngang, nói qua chuyện khác, giờ thì quên luôn rồi. (cười) Má hỏi “Ai-Pát” làm gì? Má tính mua xài sao?

DÌ BA: (cười) Không, Dì Hai nhờ mua giùm Dì. Dì Hai cũng mù tịt như Má, nên nhờ Má nói với mày đi mua một cái, rồi hết bao nhiêu tiền Dì sẽ hoàn lại cho Má.

NHÂN: (nhíu mày) Ủa… vậy sao? Thiệt vậy sao Má?

DÌ BA: (ngượng ngùng vì nói dối) Ừm… thì vậy. Má quên hỏi kỹ là mua loại tốt hay thường…

NHÂN: Cứ mua loại tốt cho Dì đi Má. Mua mà tiếc tiền, mang về xài bị hỏng hóc, phiền phức lắm.

DÌ BA: Ừm hứm… Vậy để Má lấy tiền đưa con đi mua gấp gấp giùm Dì Hai nghen?

NHÂN:  (nghi ngai) Má… Má có đủ tiền ứng để mua cái “xịn” không?

DÌ BA: (đứng dậy, vừa bước lại ngăn kéo tủ thờ, vừa nói) Tầm từ 20 triệu trở xuống thì Má có, chứ trên thì… thua. (Mở hộc lục soạn lấy tiền) Tiền này là Má để dành cho mày đó, chứ Má thì có xài gì nữa đâu… (trao xấp tiền cho con trai) Đây, con đếm lại đi, rồi đi mua gấp giùm Má nghen.

NHÂN:  (nhận tiền, đếm qua loa) Dạ, dễ òm à, sợ không có tiền mua thôi, chứ có nhiêu đây con chạy ra đầu Quốc Lộ IA là có đến mấy cửa hàng lớn lận, tha hồ lựa chọn…

DÌ BA:  Vậy hả? Má có biết mấy chỗ đó đâu, quanh năm suốt tháng luẩn quẩn ở nhà…

NHÂN: (nhét tiền vào túi quần) Má yên chí. Con xuống dưới rửa mặt xúc miệng xong là đi ngay về liền. Má cứ alo lại cho Dì Hai, nếu muốn con mang Ipad lên đưa Dì thì để con mang đi, nhận lại tiền giùm Má luôn.

DÌ BA: (xua đẩy, thúc hối con trai) Ô xì… chuyện đó tính sau. Mày làm gì thì làm lẹ,  rồi đi mua mang về đây cho Má.

(Nhân “dạ” rồi xăng xái vội vàng bước xuống nhà dưới. Dì Ba ngồi lại xuống ghế, trầm ngâm nghĩ ngợi…)

DÌ BA: (lẩm bẩm lầm bầm) Mình xử như vậy có đúng không ta? Nuôi con, thương con, nên biết rõ bụng dạ từng đứa, hiểu từng suy nghĩ của con, tâm tư của con thay đổi theo từng hoàn cảnh… (thở dài thậm thượt) Đúng hay sai thì chưa biết được, có một điều mình dám chắc chắn, không sai trật vào đâu được, là thằng Nhân không hề sờ mó đụng chạm gì cái “Ai-Pát Ai- Péo” chớ đừng nói là nó ăn cắp ăn trộm…. (rót trà ra tách, hớp từng ngụm, độc thoại tiếp) Giờ mà để con chị nó hạch hỏi thằng em, thằng em mà bị oan thì nó buồn lắm đây, chưa nói đến chuyện chị em nó sẽ xích mích cãi vã nhau, mình là mẹ ngồi giữa nghe nghe thấy thấy chịu sao nổi? (đứng dậy) Thôi, cứ tạm thời xử vậy đi, thằng Nhân mang cái đó về, mình gọi cho con Duyên lên đây nhận lại. Mình sẽ nói với con Duyên là em nó “lỡ mượn” mang về. cốt là mở cho Má xem cho biết “Ai-Pát Ai-Péo”, nhưng quên hỏi anh chị. Mình sẽ căn dặn nó là “nhận hàng” xong là về luôn chứ không được hỏi thằng em một lời nào, cũng không được tỏ thái độ khinh khi, hay lạnh nhạt với em… Cứ coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra… (bước lại đứng trước bàn thờ, chắp tay vái. Cùng lúc đó, Nhân từ nhà dưới đi lên, nhìn Má, rồi bước qua cửa ra khỏi nhà đi mua Ipad, Dì Ba không nhìn thấy…) Nam mô Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm… con vì muốn giữ gia đạo an vui, muốn giữ tình chị em trong nhà hòa thuận, muốn con trai của con được tâm an bình, không bị xúc phạm tổn thương khi nó đã và đang hướng thiện, tu tâm dưỡng tánh… nên con xin nói láo, nói dối gạt lần này. Ngưỡng mong Ơn Trên từ bi hỷ xả khoan dung tha thứ…

            (Đúng lúc đó, chuông điện thoại bàn reo vang. Dì Ba giật thót mình, vội bước lại bàn…)

DÌ BA: Gì nữa đây? Ai gọi đây ta? (cười khẩy) Đừng có nói là Dì Hai gọi nhờ mua giùm cái “Ai Pát Ai Péo” à nghen… ha ha ha… (bắt máy) A lô… ai gọi đó?

DUYÊN: (giọng vang lên với vẻ gấp gáp) Con nè Má… con Duyên đây Má…

DÌ BA:  (ngạc nhiên) Ủa? Chớ mày gọi làm gì nữa?

DUYÊN: (giọng sang sảng) Con đang chạy xe trên đường lên nhà Má đây… chừng 5 phút nữa là con tới đó Má…

DÌ BA:  Úi trời… Nãy đã dặn là đừng có lên, mà mày chạy lên làm gì? Đang chạy xe mà alo nguy hiểm lắm đó nghen, Duyên!

DUYÊN:  Dạ, con gọi báo cho Má biết trước vậy thôi, để con lên đến nhà rồi con thưa chuyện nghen Má…

DÌ BA: (nóng ruột) Í mà có chuyện gì gấp gáp, quan trọng vậy?

DUYÊN: Dạ, rất quan trọng… Con phải xách xe chạy đi ngay, để gặp thằng Nhân… Nó đang ở nhà phải không Má?

DÌ BA: (lo lắng) Trời đất… cái con này, mày không nghe lời Má nữa sao Duyên? Mày gặp em để mắng chửi, la rầy nó hả? Má đã nói là để Má lo…(ngó phải ngó trái quanh nhà) Nó đi rồi, đi mua đồ giùm Má rồi…

DUYÊN:  Thôi, con cúp máy đây, lát nữa tới nơi con nói… Có một người đang đi theo con nữa nè…

DÌ BA: (kinh ngạc, quát lên qua điện thoại) Hả? Cái gì? Có ai đi theo mày nữa hả? Ai? Ai?

DUYÊN: Dạ… có chú Tâm hàng xóm của con…

DÌ BA: Chú Tâm hàng xóm nào?

DUYÊN: Dạ… thì hàng xóm nhà ở sát vách nhà con dưới phố nè…

DÌ BA: Chớ mày dẫn ổng lên nhà Má làm gì?

DUYÊN: Thì tí nữa Má biết mà, sắp tới rồi đó Má, con tới đầu đường rồi nè…

DÌ BA: (luýnh quýnh, lung túng) Ủa vậy hả? Nè, đừng có nói là dắt ông nào lên làm mai làm mối cho Má mày đó nghen chưa, con ranh!

DUYÊN: (cười to) Há há há… Má này làm như con “rảnh” lắm vậy… Con tắt máy đây… (cúp máy)

DÌ BA:  (đặt điện thoại xuống, ngẩn ngơ) Chuyện gì đây ta? (Bước đến đứng nơi cửa chính, nhìn ngóng) Cái con này nó tính chuyện gì mà coi bộ gấp gáp, căng thẳng dữ vậy ta? (bồn chồn, lo lắng) Mà nó dần theo cái ông Tâm hàng xóm lạ hoắc gì đó về đây làm gì, có chuyện gì? (bước vào, bước ra với vẻ nóng ruột) Ô… hay là… hay là .. cái ông Tâm này nhận thằng Nhân về làm việc? (mặt tươi tỉnh sáng lên) Ui da… con chị tìm được việc làm dưới phố ngon lành, lương cao cho thằng em rồi chắc? Mô Phật, nếu mà được vậy thì là quá quý, quá mừng! (bước ra đứng lại nơi cửa nhìn ngóng) Rồi, về đến rồi kìa… (bước vào, lại ngồi trên ghế, chuẩn bị trà nước để đón khách)

DUYÊN: (tiếng vọng từ ngoài vào) Má ơi…Má, có khách nghen Má…

DÌ BA: (đứng lên) Đến rồi thì mời khách vô…

DUYÊN: (bước vào nhà trước, nhìn quanh) Má, thằng Nhân đi mua đồ chưa về sao Má?

DÌ BA: Chưa. Tí nó về bây giờ đó.

CHÚ TÂM: (bước vào nhà, chào Dì Ba) Chào chị…Tui là hàng xóm, nhà ở sát vách nhà cháu Duyên…

DÌ BA: (niềm nở, lịch sự) Dạ, mời anh ngồi…

CHÚ TÂM: (nhìn bàn thờ, từ tốn) Dạ, có chút chuyện phải lên tận đây để thưa với chị và cháu Nhân em của cháu Duyên… Nhưng trước tiên, xin phép chị cho tui được thắp hương lạy Phật cái đã nghen… (bước lại bàn thờ, tự thắp hương khấn lạy)

DUYÊN: (rót trà ra ly, nhìn Má, nói nhỏ vừa đủ nghe) Chú Tâm là một Phật tử thuần thành, làm huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử đó, Má...

DÌ BA: (vẫn đứng chờ khách thắp hương, hỏi nhỏ) Huynh Trưởng là gì Má có biết đâu? Chớ không phải chú làm Giám Đốc một công ty sao?

DUYÊN: (nhăn mặt nhíu mày, ra hiệu cho Dì Ba im lặng) Má chờ chút, rồi chú nói chuyện cho Má nghe, sẽ rõ…

CHÚ TÂM: (thắp hương xong, xá ba xá, quay lại, bước đến đứng bên bàn) Xin phép chị cho tui thưa chuyện …

DÌ BA: Mời anh ngồi uống trà cái đã, rồi nói gì thì nói…

CHÚ TÂM: (ngồi xuống ghế, hớp ngụm trà) Chuyện cũng không có gì ghê gớm, to tát đâu, chị đừng lo lắng. Chẳng qua, là một người con Phật, tu tập theo chánh pháp nhà Phật, nên tui thấy chuyện nhỏ này lại quan trọng, và nó sẽ trở thành to đùng nếu như mình xem thường xem nhẹ nó, mình cư xử, hành xử không đúng lễ, đúng cách…

DUYÊN: (đứng sau lưng Dì Ba) Má à, con đã mấy lần nói với chú Tâm là không cần chú phải lên tận đây gặp má, nhưng chú cứ khăng khăng, nhất định là phải đi… (nhìn chú Tâm) Chú cứ nói cho Má con rõ chuyện đi. Má con nhà quê lắm, mộc mạc chân chất lắm. chú không cần phải nói văn hoa bóng bẩy đâu chú.

DÌ BA: (cười) Con gái tui nó hiểu tui lắm, nó nói đúng đó, chuyện gì thì chú cứ nói rõ ra, ngắn gọn mà dễ hiểu, hiểu liền ngay là được…

CHÚ TÂM: (cười theo) Dạ, vậy tui thưa luôn với chị là… thằng con trai út của tui, nó xẹt qua bên nhà cháu Duyên để chơi với mấy đứa cháu, lúc đó có cậu Nhân ở đó nữa, còn cháu Duyên thì mới đi ra chợ mua chút đồ, rồi con tui nó thấy cái Ipad để ở  ngăn dưới của bàn khách, nên nó táy máy, nó động lòng tham, thừa lúc cậu Nhân và mấy đứa kia không để ý, nó lấy lận vô bụng, sau đó mang về nhà cất giấu…

DÌ BA: (há hốc, sửng  sốt) Hả? Hả? Cái gì? Trời đất ơi…

CHÚ TÂM:  Đến trưa, tui mới tình cờ phát hiện thấy nó đang lén lút ngồi trong phòng mở Ipad chơi game, tui tra hỏi, ban đầu nó nói của đứa bạn cho mượn chơi, mai trả, nhưng tui thấy điệu bộ, giọng nói của nó không được tự nhiên, cứ ấp a ấp úng, mắt thì cứ lấm la lấm lét, nên tui làm hung làm dữ biểu nó khai thiệt, cuối cùng là nó thú nhận đã qua nhà chị Duyên, ăn cắp mang về… Tui xấu hổ quá chị ơi… Quá xấu hổ… Con hư tại cha mẹ…

DÌ BA: (vẫn còn sửng sờ, mắt mở to lên nhìn con gái) Ui trời… ui trời… vậy mà con Duyên nó nghi cho thằng Nhân lấy mới ác chớ…

DUYÊN: (nắm lấy bàn tay dì Ba) Má, con biết con sai rồi, con nghi cho em là đã xúc phạm nó rồi, con về để xin lỗi nó đây nè… (mở túi xách đeo vai, lục lôi ra chiếc Ipad, đặt lên bàn) Đây là cái Ipad đó đó Má…

DÌ BA: (nhìn trân trân Ipad, đưa tay sờ sẫm, thở dài) Hây da… Cái này đó hả?

CHÚ TÂM:  Dạ đúng cái Ipad đó, thưa chị. Khi nghe thằng con nó thú nhận rồi, ban đầu tui xấu hổ quá, lung túng không biết phải xử lý ra làm sao cho ổn, mang qua trả thì nói sao đây để nhà cháu Duyên không ghét không khinh khi nhà mình? Mà giữ lại, giấu nhẹm luôn thì tội càng nặng thêm, xấu xa thêm, mất ăn mất ngủ thêm chớ có lợi lạc gì? Cả đem hôm qua tui trằn trọc, trăn trở không ngủ được vì cái Ipad này…

DUYÊN:  Mới hồi nãy, con vừa alo nói chuyện với Má xong, thì chú Tâm mang Ipad qua, đưa lại cho con, làm con hết hồn hết vía, sửng sốt đến bật khóc…

CHÚ TÂM: “Con dại cái mang”, con tui nó còn khờ dại, động lòng tham mà làm làm điều xấu, tui là cha, giáo dục con cái chưa đúng mực, nay tui xin đứng ra nhận tội, sám hối, xin lỗi chị và mấy cháu … Rất mong chị và các cháu rộng lòng tha thứ, bỏ qua cho chuyện này…

DÌ BA:  (xúc động) Anh đã đích thân lên tận đây để  làm sáng tỏ sự việc, thì còn gì để mà nói, để mà để bụng nữa?

CHÚ TÂM:  Chị à, lúc đầu tui chỉ nghĩ mang qua trả lại cho cháu Duyên, năn nỉ nó ít lời là xong, để nó đừng khinh ghét thằng con tui, coi như không có chuyện gì xảy ra, sau này đừng xua đuổi, lạnh nhạt với cái thằng hàng xóm ăn cắp…

DÌ BA: (hớt lời) Ô, không có vậy đâu. Con tui, tui biết bụng dạ từng đứa mà. Anh đã cư xử thành thật như vậy rồi thì con Duyên nó vui mừng lắm, nó không để bụng chuyện này nữa đâu, anh yên tâm…

DUYÊN: (cười nhẹ) Dạ, con cũng đã trấn an, hứa với chú rồi, coi như chưa có chuyện mất cái Ipad, con vẫn đối xử bình thường với thằng Út con chú như trước nay…

CHÚ TÂM:  Nhưng mà… thưa chị, tui lại nghe cháu Duyên nó vừa tấm tức mếu máo vừa kể cho nghe là … là nó nghi, nó nghĩ chính cháu Nhân ăn cắp, nó đã gọi điện thoại về méc cho mẹ biết, tui mới hoảng hồn, thấy chuyện này đang trở nên nghiêm trọng rồi, đang làm tổn thương người ngay rồi… nên tui quyết định ngay là phải đích thân về đây để gặp chị và cháu Nhân…

DÌ BA: (xúc động, nghẹn ngào) Thiệt tình… hồi sáng tui đã la con Duyên khi nó nghi thằng em nó, tui giấu đâu cho thằng Nhân biết chuyện… tội nghiệp nó,,, nó đang quyết tâm làm người lương thiện, tu tâm dưỡng tánh…Tui hiểu con, tin chắc là nó không trộm cắp nữa mà…

DUYÊN: (nắm bàn tay mẹ) Má… con biết lỗi rồi mà, thì con về đây cũng để xin lỗi em nó đây…

DÌ BA: Í mà không được… đừng có xin lỗi gì nó hết… Nó đâu có biết chuyện gì đâu mà xin lỗi nó?

CHÚ TÂM:  Ủa.. cháu Nhân chưa biết gì sao? Nhưng mà… một khi “nghi” không là cũng đã có tội rồi đó chị… Cũng phải xin lỗi người bị nghi oan chứ!

DUYÊN: Ủa, mà Má sai em nó đi mua gì lâu vậy Má?

DÌ BA: (ấp úng, thẹn thùng) Ờ… ờ… thì… má nhờ nó đi mua… đi mua…

(Đúng lúc đó, Nhân từ ngoài bước vào nhà, trên tay cầm một túi nhựa đựng Ipad mới mua về)

NHÂN: (vui vẻ, hí hửng) Má… (thấy chú Tâm và chị Duyên, ngạc nhiên, khựng lại) Ủa… chị Hai… (nhìn khách lạ) Chào chú ạ…

DÌ BA: (vội đứng dậy, bước lại phía con trai, nắm cánh tay đang cầm túi đựng Ipad của Nhân với ý định chặn ngăn) Ờ… về rồi đó hả? (chỉ chú Tâm) Có chú Tâm hàng xóm của chị mày lên nhà thăm cho biết…

NHÂN: (nhìn chú Tâm) Dạ, chú đến nhà chơi… (vô tư, gỡ tay mẹ, lôi Ipad trong túi ra)  Con mua rồi nè Má, cái này là cái Ipad, máy tính bảng đây…

CHÚ TÂM & DUYÊN: (cùng ngạc nhiên, đồng thanh) Ủa??? Là sao vậy?

DÌ BA: (thẹn thùng, lung túng, cầm lấy Ipad, nhìn chú Tâm và con gái) Ừ… thì cái này… cái này… tui mua để tặng cho thằng Nhân.

DUYÊN: (trố mắt lên) Má… Má mua cho em nó, hay là Má mua để… đền cho con?

NHÂN: (ngạc nhiên) Chị Hai này vô duyên ghê, Dì Hai nhờ má mua giùm, rồi má nhờ em đi mua, chớ Má đâu có nói là mua cho em. Còn chị nói là mua “đền” cho chị nghĩa là sao?

CHÚ TÂM: (cười, xua tay) Thôi, hiểu rồi, hiểu rồi. Một người Mẹ trên cả tuyệt vời! (ngó Duyên) Cháu đừng ý kiến ý cò gì nữa, hãy để sự việc diễn ra thuận theo ý của Má cháu đi…

DUYÊN: (ngẩn ngơ) Dạ… cháu cũng hiểu rồi… (bước lại ôm hôn mẹ) Má đúng là… Phật Mẫu tại gia…(giọng nghẹn ngào) con hiểu ý Má rồi…

DÌ BA: (cười, xấu hổ) Chu cha… bữa nay biết ôm hun tui nữa há?

NHÂN: (ngơ ngác, hết nhìn người này qua người kia ra vẻ không hiểu) Ủa? Gì vậy trời? Đang có chuyện gì xảy ra vậy? Khó hiểu quá!

DÌ BA: (cầm Ipad giúi vào tay con trai) Thì có gì đâu mà khó hiểu? Má sợ mày không chịu, nên Má nói láo là Dì Hai nhờ mua đó mà. Má cho con đó, nhận xài cho Má vui.

DUYÊN: (bước lại bên mẹ và em) Em  cứ nhận cho Má vui, chị hùn với Má 50% đó,

CHÚ TÂM: (cất giọng vui vẻ, thân mật) Cho chú hùn 50% nữa.

DÌ BA: (nhìn khách) Ui. Không được, Tự dưng bắt chú hùn vô là sao? Kỳ lắm…

CHÚ TÂM: (chân tình) Không kỳ gì đâu chị. Chị nhận tấm lòng thành của tui cho mọi sự thông xuôi ổn đẹp đi chị…

NHÂN: (ngơ ngác nhìn mẹ) Trời đất, con đâu có nhu cầu xài cái Ipad này đâu, mà tự dưng Má, rồi chị, rồi chú hùn vô sắm cho con?

DUYÊN: (đặt tay lên vai em trai, chân tình) Em cứ nhận đi mà. Coi như món quà mọi người quan tâm đến em, mừng em đã và đang hướng thiện, đang quay về con đường an lành để trở thành một con người tốt,,,

DÌ BA: Chị mày nói đúng đó. Thôi đươc rồi, giờ Má xử như vầy, cái Ipad này là chú Tâm và chị Hai hùn lại tặng cho mày, còn phần Má, Má sẽ tặng cho con một cái điện thoại di động, có mà xài khi đi làm…

CHÚ TÂM: Vậy đi cháu, cho má vui. Ủa, mà cháu đang đi làm gì?

NHÂN:  Dạ… con chưa có việc làm…

DÌ BA: Nó đang chờ dượng Hai nó xin việc ở xưởng cưa, chờ cả tháng rồi mà chưa nghe kêu…

CHÚ TÂM:  Ồ, vậy là vẫn đang thất nghiệp? Mà sao lại xin làm ở xưởng cưa, công việc nặng nhọc quá vậy?

DUYÊN: Dạ, chứ em con đâu có nghề ngỗng gì đâu chú. Lao động phổ thông thôi, phải chịu làm việc nặng nhọc, vừa làm vừa học việc…

CHÚ TÂM:  Ui trời… nếu vậy để chú sắp xếp việc làm cho.(nhìn Nhân) Cháu có chịu về làm dưới thành phố không? Việc nhẹ nhàng, ở trong mát, ổn định…

DUYÊN& NHÂN: (mừng rỡ, reo lên đồng thanh) Thiệt hở chú?

DÌ BA: (mừng ra mặt, xúc động) Được không anh? Có việc cho nó làm ở dưới phố thiệt hở anh?

CHÚ TÂM: (nghiêm túc, chân thành) Bảo đảm 100% luôn. Thằng em tui nó là chủ một chuỗi cửa hàng tiện ích, đang rất cần tuyển nhân viên, nhất là bảo vệ, điều kiện là người thật thà chất phác, lương trả rất cao, có bảo hiểm, có thưởng nữa…

DÌ BA: Mô Phật… con tui có đủ điều kiện được nhận vô làm chỗ đó không?

CHÚ TÂM: (giọng chắc nịch) Chị và mấy cháu yên tâm, tui gửi một tiếng là thằng em tui “duyệt cái rụp” liền liền, khỏi phải nói nhiều.

       (Mấy mẹ con nhìn nhau trong vui mừng khôn xiết, không nói nên lời…)

CHÚ TÂM: (nhìn mấy mẹ con, rồi nhìn về hướng bàn thờ có thánh tượng đức Quán Thế Âm Bồ tát, trầm giọng xuống) Chị à, các cháu à… đây cũng là nhân duyên đưa đẩy, sắp xếp sẵn hết rồi, chuyện nọ xảy ra dẫn tới chuyện kia, rồi đưa qua thêm chuyện khác, toàn là thiện duyên, mà thiện duyên thì chỉ đến với những người lương thiện, những người luôn gieo duyên lành, duyên tốt… (bước lại đứng trước bàn thờ) Chúng ta hãy cùng nhất tâm đồng niệm cảm ơn những nhân duyên thiện lành đó…

 (Ba mẹ con thấy vậy cũng bước lại, thắp hương cùng với người khách trong niềm xúc động râm ran… Sau đó, cả bốn người cùng quay trở lại bàn nước, đứng nhìn nhau, rồi đồng thanh tương ứng:)

-         Nhân Duyên thiệt Nhiệm Mầu!

(Mọi người hoan hỷ nét mặt, cùng cười vang vui vẻ, rồi nắm tay nhau đứng hàng ngang cúi chào khán giả)

 

-         MÀN HẠ-



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/08/2023(Xem: 2519)
Ngày lại qua ngày, bình minh lên rực rỡ, hoàng hôn xuống đìu hiu. Nước vẫn chảy về đông nhưng vòng tuần hoàn chưa bao giờ gián đoạn. Đời vẫn sanh diệt liên lỉ, dù có thô tháo bạo liệt hay dịu êm lặng lẽ. Ta vẫn còn nơi này nhưng đang trên đường đi đến điểm cuối của vòng đời. Đến để rồi đi, đi để mà đến, dòng sanh tử luân hồi chưa từng dừng dù chỉ một sát na.
26/08/2023(Xem: 2563)
Khí trời còn nóng lắm nhưng không khí mùa hội hiếu đã chớm sang, âm hưởng tháng bảy đã vọng trong hồn. Tự dưng y nghĩ đến chùa chiền mà lòng lay động, dường như trong tâm có lời thì thầm: “Thế là lại đến mùa báo hiếu!”. Y vốn nhiễu sự mà, lòng vừa nghĩ thế thì thằng Ý chọt liền: - Báo hiếu mọi ngày, ngày nào chẳng là ngày hiếu, hà cớ gì phải đợi đến tháng bảy mới báo hiếu?
26/08/2023(Xem: 4745)
Những áng mây trắng Thơ: Hoang Phong Diễn ngâm: Hồng Vân Tôi nhớ mãi một buổi chiều, Mẹ ngồi bên thềm sân,
26/08/2023(Xem: 2980)
Nay lung linh trong sương khói ánh mắt Mẹ xa xăm thầm … nhắn! Làm việc chi cũng rõ ràng luôn tỏa sáng yêu thương Lúc nào cũng dịu dàng, mềm mỏng nhún nhường Dù cuộc sống có phức tạp, dao động liên tục! Đừng đánh mất phương hướng, kiểm soát khắc phục”
24/08/2023(Xem: 2165)
Việt Nam ta là một Đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính Cha Mẹ từ ngàn xưa. Lễ Vu Lan được xem là ngày Lễ thiêng liêng của những người con đối với bậc sinh thành, đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu Mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ
22/08/2023(Xem: 4292)
Thông Báo thay Thư Mời tham dự Lễ Vu Lan PL 2567 tại Tu Viện Quảng Đức, Chủ Nhật 27/8/2023
20/08/2023(Xem: 2330)
Là người con dân nước Việt, từ xa xưa đến nay ai cũng biết rằng quê hương mình hàng năm có ba ngày Rằm lớn, đó là: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Vào ngày Rằm tháng Giêng, tiết xuân vẫn còn vương đọng, người Phật tử đều đến chùa, cầu nguyện một năm mới mọi sự bình an, hanh thông trong công việc, gia đình khỏe mạnh, quyến thuộc đoàn viên, xóm làng yên ổn, quốc gia hòa bình thạnh trị.
09/08/2023(Xem: 1851)
Trong truyền thống Phật giáo, lễ Vu lan là ngọn nến hiếu hạnh thắp sáng giữa đời thường để cho ai có mắt thì được thấy, có trí thì được sáng tỏ, có tâm thì cảm và có tình, thì tình thêm sáng đẹp, rộng và sâu.
15/06/2023(Xem: 2842)
Mới đó mà đã 100 ngày tròn Má vắng nhà. 100 ngày Má đi thật xa để đoàn tụ với Ba nơi cội nguồn Cực Lạc…nơi không có bóng dáng của khổ đau lo lắng, nơi mà Má sẽ ngày ngày dùng lẳng hứng mưa hoa Mạn Đà La đem đi dâng cúng Bụt ở vô số các cõi, Rồi Má sẽ được nghe những thanh âm hòa nhã qua các tiếng hót của nhiều loại chim đủ màu như Hạc trắng, Khổng Tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng Mạng…y
08/05/2023(Xem: 2061)
Vu Lan tháng Bảy đêm Rằm Các chùa tổ chức hàng năm nguyện cầu Thâm ân cha mẹ cao sâu Hiện tiền, quá vãng hai màu hoa xinh Hoa đỏ thắm đượm bao tình Buồn thương hoa trắng một mình đơn côi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]