Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan hiểu để yêu thương

06/01/201721:33(Xem: 4436)
Vu Lan hiểu để yêu thương

Vu Lan Hiểu Để Yêu Thương

“Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan

Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn

Những ai là kẻ mang ơn nặng

Đều vận lòng thành đón Vu Lan”.

 vulan-cha-me

Tháng bảy lại về trong không khí đầm ấm của một mùa Vu Lan hiếu hạnh. Chúng ta vẫn thường được nghe rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật”. Bởi vậy đạo Phật với phương châm lấy từ bi và chữ hiếu làm đầu đã không ngừng xiển dương giáo pháp, đem đến lợi lạc cho chúng sanh, đưa chúng sanh ra khỏi bến mê để đến với bờ giác an lành. Trong tâm nguyện của mỗi người con của Phật đều ý thức được việc “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”.

Vu Lan là một nghi thức lễ truyền thống rất ý nghĩa và lớn lao đối với mọi người. Ai dầu có cuộc đời hạnh phúc hay cho dù bất hạnh, không xuôn sẻ như thế nào cũng đều phải chịu công ơn sanh thành của cha mẹ, nhờ tinh cha huyết mẹ đã tạo nên hình hài của mình trong cuộc đời này, đó là một phước duyên rất lớn. Bởi lẽ đức Phật đã dạy rằng “thân người khó được, Phật Pháp khó nghe, chúng Tăng khó gặp, tín tâm khó sanh”, nhưng nay chúng ta lại được làm người, được gần gũi giáo pháp của Như Lai và được thân cận với chư Tăng đó quả là một điều lành tuyệt vời.

 Nhưng suy nghĩ lại chúng ta mới thấy được sự mang ơn vô cùng to lớn đối với hai đấng sinh thành dưỡng dục. Cho nên trong kinh vu lan báo hiếu đức Phật cũng dạy rằng “dầu cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi đến hết cuộc đời này cũng không thể nào đền đáp được công ơn sanh thành dưỡng dục”. Thế chúng ta mới thật sự nhận thức và biết được công ơn cha mẹ to lớn đến nhường nào.

Than ôi! Nhưng chúng ta nào đâu biết được, hiện hữu trên cuộc đời này vẫn có rất nhiều trường hợp bỏ mặc cha, mẹ của mình sống một cuộc sống vô cùng cơ cực và đói khát, thiếu thốn đủ điều mà thân làm con cái vẫn nhỡn nhơ, tỏ vẻ không có chuyện gì xảy ra. Thật xót thương thay, tại sao lại có những người như vậy cơ chứ? Xã hội đã tạo ra không biết bao nhiêu điều tốt lành cho con người, nhưng cũng chính môi trường xã hội đã làm tha hoá đi nhân cách của chính họ.

Những ai say đắm, chạy theo hình thức bên ngoài, đua đòi với xã hội mà đánh mất đi nhân cách của chính mình, bị màn vô minh che lấp nên ngu muội, thiếu đi tình thương sâu nặng. Những ai còn cha mẹ hiện hữu trên cuộc đời này đó quả là một phước báu, cha mẹ như hai vầng nhật, nguyệt soi sáng và dìu dắt chúng ta đi suốt cuộc đời này. Chỉ có tình thương của cha mẹ đối với chúng ta mới vô điều kiện, còn đối với xã hội phải có điều kiện mới yêu thương chúng ta, đó là một sự thật hiễn nhiên.

          Vậy cớ sao trong xã hội này vẫn còn những đứa con ngỗ ngáo, không biết yêu thương và chăm sóc cho cha mẹ của mình. Những lầm lỗi trong cuộc đời này, thân là con người thì không ai có thể tránh khỏi được, tuy nhiên thay vì tiếp tục dấn sâu trong con đường tăm tối, tại sao chúng ta lại không phát khởi sám hối và sửa đổi để dần dần hoàn thiện nhân cách cho bản thân.

Xưa kia ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát vì cứu mẹ thoát khỏi cảnh ngục tù mà không ngừng phát nguyện làm tất cả các việc thiện, tìm phương chước để cứu mẹ. Là một người con hiếu thảo, ngài đã không ngừng nhớ thương đến mẹ của mình, thậm chí ngài còn xin cho mình thay thế sự trừng phạt thảm khóc trong địa ngục. Tuy nhiên với lòng hiếu thảo của ngài thôi vẫn chưa đủ mà phải nhờ Đức Phật chỉ dạy chỉ có năng lực của chư tăng mới có thể chuyển hoá, cứu được mẹ người.

Trong ba tháng an cư, chư tăng tinh tấn nghiêm mật trau dồi giới, định, tuệ, thúc liễng thân tâm, học hỏi giáo lý. Vào ngày rằm tháng bảy chính là ngày Phật hoan hỷ, ngày tăng tự tứ thời, nếu ai biết phát tâm, sắm sửa trai diên dâng lên mười phương chư Phật và hiện tiền chư đại đức chúng Tăng thì phước báu hiện tiền vô lượng và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp cũng được ân triêm công đức.

          Ngẫm lại những điều mà ngài Mục Kiền Liên đã làm, chúng ta cảm thấy hổ thẹn cho bổn phận làm con của mình, chỉ cần cha mẹ trái ý thì liền sanh tâm ganh ghét mà không biết đó chính là tình thương cha mẹ dành cho mình. Người đời vẫn thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng chúng ta chỉ biết nhìn sự việc xảy ra trước mắt mà vội vàng suy xét. Cho rằng cha mẹ không thương con cái, rồi từ đó bỏ nhà ra đi, tập tành các điều ác, chẳng đoái hoài gì đến cha mẹ.

          Để rồi khi nhận thức được đúng sai thì mọi việc đã thành, đã quá muộn màng mất rồi. Trong kinh đức Phật dạy rằng: “Mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng chỉ hơi thở cuối cùng”, tình yêu thương của cha mẹ đối với  mỗi người con là vô bờ bến. Tuy nhiên khi con cái phụng dưỡng lại cha mẹ lại tính tháng, tính ngày.

Thân bổn phận làm con, chúng ta phải phụng dưỡng cha mẹ lúc về già, suốt cuộc đời cha mẹ mang tấm thân lang bạt tứ phương, chỉ mong sao cho con có miếng cơm ăn, áo mặc, lo cho con từng ly, từng tí, chỉ mong con no đủ là cha mẹ đã hạnh phúc lắm rồi. Những khó khăn, những tội lỗi cha mẹ không quản, chỉ mong cho con ấm êm. Tình thương và công ơn ấy của cha mẹ đối với con cái cao tựa núi Thái Sơn và sâu rộng như biển cả. Luôn luôn đặt niềm hạnh phúc của con cái lên hàng đầu, xem đó cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao của mình.

Vậy tại sao chúng ta không suy nghĩ mọi thứ, mỗi khi hờn giận cha mẹ, thậm chí bỏ mặc hai đấng sinh thành dưỡng dục của mình lạc lõng giữa cuộc đời bơ vơ, không chốn nương thân. Tất cả mọi thứ cha mẹ gom góp suốt đời đều đã dành cho chúng ta hết rồi, nhưng chỉ cần sự xúi giục hay sự suy nghỉ thiếu thấu đáo, chúng ta lại quên đi tất cả. Thử hỏi người như vậy liệu có hạnh phúc, thành công giữa cuộc đời này hay không? hay chỉ mãi mãi sống dưới bóng tối của sự tội lỗi và sự dằn vặt bản thân.

Trong đạo Phật chữ hiếu được đặt lên hàng đầu, bởi lẽ rằng đã làm thân người, nếu không thể hiếu hạnh, yêu thương những người thân của mình thì suốt cuộc đời này chẳng yêu thương được một ai và sẽ chẳng làm được việc gì tốt đẹp cả. Chính vì vậy những con người có hiếu luôn luôn nhớ đến công ơn của hai đấng sinh thành, bất chấp mọi thứ để phụng dưỡng cha mẹ lúc về già một cách chu toàn và viên mãn nhất.

Còn người không hiếu hạnh thì luôn luôn coi cha mẹ của mình như là một gánh nặng trong cuộc sống này, tìm cách ruồng bỏ, không quan tâm đến đời sống thường ngày. Những người như vậy quả thật đáng thương, họ không hề biết rằng bất hiếu với cha mẹ là phạm tội rất nặng, nằm trong năm tội ngũ nghịch. Thậm chí sẽ bị những quả báo trong hiện tiền này, bởi vì trong cuộc sống, lưới trời lông lộng, luật nhân quả sẽ không bỏ sót một ai. Người nào gieo nhân nào thì hiển nhiên sẽ gặt được quả nấy, đó như là một quy luật bất di bất dịch trong xã hội này.

Rằm tháng bảy chính là ngày xá tội vong nhân, nhật tăng tự tứ, cũng là dịp tốt nhất để cho những người con báo hiếu với hai đấng song thân, sinh thành dưỡng dục của mình. Là người con có hiếu, mỗi khi nhớ đến công ơn cha mẹ ai chẳng chạnh lòng xót thương, chỉ mong sao báo đáp thâm ân trong muôn một. Những ai đã và đang làm cho cha mẹ buồn lòng về bản thân mình thì hãy mau thức tĩnh, làm những việc khiến cho cha mẹ vui, cầu mong sự thứ tha.

Bởi lẽ rằng chẳng ai có thể sống an nhiên, yên bình bên cạnh cha mẹ của mình suốt cuộc đời dâu bể, vô thường này đâu. Chúng ta phải nhận thức được mọi thứ, dòng đời nỗi trôi, đừng để một mai hai vầng nhật nguyệt của mình khuất núi mới cảm thấy tiếc thương và ân hận. Hãy sống sao cho đến lúc cha mẹ ra đi cũng được thoải mái, thanh thản mà chẳng lo lắng gì, tự hào về chúng ta. Đoá hồng trắng, đoá hồng đỏ trong ngày Vu Lan sẽ nói lên được tất cả.

Có những giọt nước mắt nhẹ lăn dài trên má của mỗi người con vì biết rằng từ nay trên ngực áo của mình sẽ chỉ cài hoa trắng, ngậm ngùi tiếc thương cho sự vắng bóng của hai đấng song thân trong suốt hành trình còn lại của mình. Tuy nhiên cũng có những giọt nước mắt vui sướng vì chợt nhận ra mình vẫn còn hạnh phúc hơn bao người, hạnh phúc vì vẫn còn ba mẹ trong cuộc đời này. Hạnh phúc vì bản thân mình vẫn còn được cơ hội để sửa đổi bản thân và chăm lo chu toàn hơn cho cha mẹ.

Tâm sự người cài hoa trắng có câu: “Tôi không khóc đâu em khi áo tôi em cài hoa trắng, vì trong hoa em ơi tôi thấy mẹ tôi cười”, đó là sự mãn nguyện của người con khi sống cuộc đời tĩnh thức, hiếu hạnh. Nhận ra được rằng trong cuộc đời này chẳng có thứ gì quí giá bằng cha mẹ cả. Cha mẹ hiện tiền, chăm lo chu đáo, làm được nhiều điều phước lành, cầu mong cho cha mẹ sanh về bờ bến an vui, bớt mọi khổ đau. Khi cha mẹ khuất bóng vẫn cảm thấy mãn nguyện bởi sự hiếu hạnh của mình.

Bên cạnh công ơn vô cùng to lớn của cha mẹ, tôi lại chạnh lòng nghĩ về công ơn dạy dỗ, giáo dưỡng của thầy tổ, sư trưởng. Mỗi mùa Vu Lan qua là một sự đổi thay rất lớn. Cứ ngỡ như mới hôm nào còn được gần gũi, cận kề học tập với thầy tổ mà giờ đây mỗi khi nhớ về lại ngậm ngùi, nước mắt cứ tuôn rơi. Nhớ khuôn mặt hiền từ, nhớ giọng nói thân thương mỗi khi dạy dỗ và nhớ cả nụ cười an nhiên, trìu mến của người. Con nguyện noi theo những hạnh nguyện của người, gom góp những lời giáo huấn của thâỳ để làm hành trang trên bước đường tu học của mình.

Những tháng năm ở bên sư phụ có lẽ là hạnh phúc nhất đối với người đệ tử như con. Bóng dáng một người thầy tôn nghiêm luôn hiện hữu trong con. Dạy dỗ cho con từng ly từng tí từ cách ăn mặc, nói năng cho đến dáng đi đứng nằm ngồi. Nhớ những lần thị giả cho sư phụ, con vụng về chẳng biết xếp y hậu cho thầy, cứ ngỡsẽ bị sư phụ mắng, nhưng không, người đã ân cần chỉ bảo cho con gấp từng nếp một sao cho thật chỉn chu và ngay thẳng.

Bàn về việc học hành, sư phụ thường xuyên hỏi han sự học của con. Con vẫn nhớ rõ mồn một lời  dạy của người. “Mình là người tu hành, ra ngoài học với họ phải có vị thứ nghe chưa con, để thua tụi con gái là không được”. Con lúc nào cũng dạ nhưng đã lần nào con đạt được tâm nguyện của thầy đâu. Bởi vậy lúc nào hầu chuyện với sư phụ con cũng tránh bàn đến việc học hành của mình. Tuy nhiên những lần như thế con thường có thêm nghị lực để phấn đấu trong học tập, mong mòn mỏi không phụ lời khuyên dạy của thầy.

Là người đệ tử của sư phụ, con hiểu được trọng trách của mình phải làm gì. Suốt cuộc đời người phụng sựcho đạo pháp và giúp đỡ quần sanh với tâm nguyện “thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Sư phụ là một người trọng về giáo dục, vì thế bao giờ thầy cũng dạy dỗ và mong cho hàng đệ tử của người có được nguồn tri thức vô hạn, thâm sâu, để dễ dàng hơn trên con đường xiển dương chánh pháp Như Lai màu nhiệm.

Mỗi khi nhớ đến thầy, con lại nhớ đến tôn dung của người với dáng đi thong dong điềm đạm, với những cử chỉ, lời nói khiêm cung lễ độ. Đối với thiện nam tín nữ Phật tử, hay bất cứ ai, từ lớn cho đến nhỏ ôn đều dạ thưa, tôn trọng và quý mến, yêu thương vô hạn nên mọi người rất kính trọng ôn. Những ai đã từng tiếp xúc và làm việc với ôn đều không thể nào quên được ánh mắt, nụ cười của ôn, cái cốt cách mà ôn đối xử với mọi người thật sự rất ân cần. Sức mạnh nụ cười trên đôi môi ôn làm cho mọi người cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc lan tỏa.

Suốt cuộc đời thầy chăm lo cho đạo pháp, chăm lo cho hàng đệ tử, Phật tử, mọi người nên chẳng bao giờ người nghỉ đến bản thân mình. Sự giản dị trong cái ăn, cách mặc của thầy cũng đủ để làm cho hàng đệ tử chúng con kính phục chứ chưa nói đến đức hạnh của người. Sự nghiệp học hành thâm sâu uyên bác, thông thạo, tường tận mọi việc, đủ điều, một tấm gương sáng giá trên con đường học tập và hoằng dương đạo pháp.

Kính bạch giác linh ôn! Những lúc ở bên ôn, con được ôn kể cho nghe những câu chuyện từ thời xa xưa, con vẫn biết trong từng câu chuyện của ôn có những lời dạy bảo và nhắn nhũ, dạy cho con biết những luân thường đạo lý. Vô thường sư phụ đã dạy cho con biết bao nhiêu lần nhưng con nào đâu hiểu hết. Cho đến tận hôm nay con mới chợt nhận ra những ngày tháng bên ôn không bao giờ còn nữa. Sẽ chẳng bao giờ được ôn kể cho nghe những câu chuyên, hỏi han về việc học hành, dạy cho con những phép tắc. Mọi thứ dường như đã bị thời gian lấy đi mất, con nhận ra có những thứ đã qua rồi chẳng thể nào níu kéo lại được, chỉ biết nổ lực học tập và làm theo, hoàn thiện nhân cách của bản thân.

Dẫu biết vô thường là định luật bất di bất dịch, ai trong cuộc đời này cũng một lần sanh ra và rồi cũng một lần dã bước ra đi, nhưng con không cầm được lòng  mình trong thời khắc sinh tử giao tranh, chứng kiến sự viên tịch của thầy. Cố dặn lòng không được khóc nhưng sao bờ môi mặn đắng, khóe mắt vẫn cay cay. Thế là từ nay con chẳng bao giờ được gọi tiếng ôn thân thương như mọi khi nữa. Có chăng cũng chỉ là vọng lên tôn dung, di ảnh giác linh ôn mà thôi.

Giữa cuộc đến đi, xoay vần mọi thứ, con cũng chẳng hiểu được mình đang nghỉ ngợi, định hướng được điều gì trước mắt. Mọi thứ đối với con giờ đây trở nên vô định. Con chẳng biết được ngày mai sau sẽ ra sao nữa. Guồng thời gian cứ quay, cứ trôi đi mãi nhưng con cảm nhận được sự lặng yên trong người của con, mọi thứ cứ như đang ngưng đọng lại. Con biết từ nay sẽ chẳng còn những ngày tháng hạnh phúc, bình yên, sẽ chẳng còn những lúc thầy trò mình cùng ngồi lại để chuyện trò.

Giờ đây khắp nơi đều hiu quạnh, cảnh vật như đang chìm đắm trong những ngày sương giá rét, cái lạnh thấu xương, dường như trời đất xúc động trước cảnh xuất thế của thầy. Mặc dù vậy nhưng làm sao buốt giá bằng nỗi lòng của môn đồ hiếu quyến của thầy. Chốn thiền môn tĩnh mịch, ngọn đèn khuya hiu hắt bóng cô liêu. Chẳng biết nói thế nào nhưng con biết đây là một nỗi mất mát quá lớn đối với con cũng như hàng đệ tử của người. Bốn chúng ai ai cũng khóc thương nhạt nhòa, tiếc thương vĩnh biệt trước sự ra đi chẳng bao giờ trở lại của thầy.

Những ngày cuối cùng của năm, không khí trở nên não nùng đến lạ thường. Vẫn biết sắc tướng vốn không, người đã bỏ lại thân tứ đại để đến với bờ giác an nhiên nhưng lòng con vẫn không khỏi ngậm ngùi, xúc động. Đốt nén trầm hương con thầm khấn nguyện mong thầy sớm tùy duyên hội nhập Ta Bà để dìu dắt chúng con trên con đường đạo pháp.

Lễ Vu Lan mang một ý nghĩ rất to lớn và quan trọng đó chính là báo đáp thâm ân của cha mẹ, của sư trưởng. Những người đã cho ta hình hài này và nuôi dưỡng, trau dồi trí tuệ, giúp cho chúng ta nhận thức được lẽ đúng sai. Ngoài ra nó còn bao hàm cả ý nghĩa biết ơn và báo ơn. “Cây có cội mới đâm chồi nảy lộc, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, dù cho thác đổ về đâu, thì ta vẫn nhớ nhịp cầu tổ tông”.

Mỗi mùa vu lan về lại mang theo những thông điệp, mùa yêu thương, hiếu hạnh đến với mọi người. Ý nghĩa của đoá hồng đỏ, hồng trắng rất lớn lao và trên hết chính là sự lưu giữ hai kì quan quan trọng nhất trong cuộc đời của mình, công ơn to lớn của thầy tổ, của những bậc thiện tri thức đã dạy dỗ cho ta. Những ai hay hờn giỗi cha mẹ hay đã làm cho cha mẹ buồn thì hãy tận lòng sám hối báo hiếu để cầu mong sự thứ tha.

Tình yêu của cha mẹ, sư trưởng đối với con cái rất sâu nặng và lớn lao nên chúng ta cũng phải tận tâm báo hiếu. Chẳng phải đao to búa lớn gì cả, chỉ cần chăm lo săn sóc, hỏi han và yêu thương cha mẹ đó cũng chính là món quà to lớn rồi. Sau cùng, trong mùa Vu Lan, kính chúc mọi người sống an lành dưới ánh hào quang của chư Phật và mãi mãi làm người con hiếu hạnh cho trọn đời trọn kiếp, những ai chưa làm được thì hãy nhanh chống sửa đổi, bởi lẽ thời gian vô thường không chờ đợi một ai. Hãy sống thật tốt lành, hạnh phúc, an nhiên và hãy tâm niệm rằng ngày nào cũng chính là ngày Vu Lan hiếu hạnh, ngày báo đáp công ơn cha mẹ, công ơn của sư trưởng, thầy tổ của mình.

Nam Mô Vu Lan Duyên Khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!

Đà Nẵng, Mùa Vu Lan hiếu hạnh, Phật lịch 2560.

Thích Thanh Viên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/08/2011(Xem: 7881)
Ngày lễ Vu Lan không gì khác hơn là ngày lễ dành cho cha mẹ, ngày nhắc nhở phận làm con là phải biết nhớ về cội nguồn, phải luôn tâm niệm báo đáp công ơn của cha mẹ.
09/08/2011(Xem: 5727)
Khi con bắt đầu lớn khôn nên người, thì lúc đó con mới cảm nhận được tình thương bao la, rộng lớn mà mẹ đã dành cho con - một sinh mạng nhỏ nhoi được lớn khôn và trưởng thành...
08/08/2011(Xem: 5181)
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.
08/08/2011(Xem: 8206)
Người Phật tử có hiếu, nhân ngày lễ Vu Lan hối tưởng lại công ơn cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tiền hãy đem hết lòng thương kính, chăm sóc...
08/08/2011(Xem: 4725)
Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là một con người tốt ở trong xã hội. Cho nên hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết.
07/08/2011(Xem: 6606)
Kinh Vu Lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ. Sau đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả đã thiết lễ trai nghi...
06/08/2011(Xem: 6306)
Sau khi xuất gia khoảng 5 năm, vị tân Tỷ-kheo ấy đã am tường giáo pháp và được các vị trưởng lão cùng đại chúng tán thán về đức hạnh.
06/08/2011(Xem: 6255)
Audio: Chữ Hiếu Trong Đạo Phật
05/08/2011(Xem: 10579)
Khi có con, ngoài cái trao hết cái nhựa sống, cái khí huyết của mình để nuôi con, người mẹ còn trao cho con cái tinh hoa đạo đức của mình.
05/08/2011(Xem: 7146)
Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo, được xem là một di sản qúi báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người yêu chuộng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]