Mỗi năm, vào độ nắng vàng phai
Mây trắng bên trời lờ lững bay
Tôi lại thấy lòng nô nức lạ
Đã vào hội tiết báo ân dày
Nên được tấm thân ở cõi đời
Thấm nhuần ân phước khắp muôn nơi
Hồi soi báo đáp cho tròn đạo
Kẻo hổ mang danh một kiếp người !
Trước tiên sinh dưỡng của song thân
Cửu tự cù lao khó tỏ phân
Săn sóc cho ta quên tự thể
Hiếu tâm báo đáp chỉ đôi phần
Cha mẹ sinh ta lắm nhọc nhằn
Công người dạy dỗ đức vô ngần
Làm nên danh phận trong trời đất
Phải nhớ đền bù giáo dưỡng ân
Quê hương, xứ sở những gần xa
Bình tịnh an vui đẹp cửa nhà
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Ngàn năm văn hiến Việt Nam ta” !
Xóm thôn tình nghĩa cảnh thân quen
Lân lý hôm mai “lửa tắt đèn”
Tuy chẳng ruột rà chung máu mủ
Cùng giàn bầu bí thắm đòi phen
Lễ hội Vu Lan đã trở về
Từ trong tâm khảm mấy lời quê
Dâng lên Tam Bảo hồi ân báo
“Dương thái âm siêu” đẹp mọi bề./.
Mẹ già quá vãng đã lâu rồi
Hình dáng người luôn sáng ở tôi
Bóng đổ liêu xiêu trên luống cải
Lúc người nhặt cỏ mỗi chiều rơi.
Thuở đó quê tôi chưa chiến tranh
Nơi nơi vui đẹp cảnh thanh bình
Tuổi thơ tôi trải trên đồng nội
Bên luỹ tre làng xanh thật xanh !
Không còn nhớ nữa được bao lâu
Bom đạn bỗng nhiên đổ xuống đầu
Làn sóng mẹ theo người tị nạn
Trên vai từ đấy trĩu đau sầu !
Làm sao nói hết những tang thương
Chết chóc, điêu linh, những đoạn trường
Những sáng xương rơi, chiều máu đổ
Hoà đàm, hoá giải vẫn vô phương !
Cuộc chiến leo thang đến tận cùng
Muôn người đồng một ước mơ chung
Mong cho chiến cuộc mau hoàn kết
Khoai sắn cùng nhau cũng thoả lòng !
Thế rồi cuộc chiến cũng đi qua
Dân trở về quê dựng lại nhà
Khoai sắn dẫu còn không lấp dạ
Tình làng nghĩa xóm vẫn vang xa !
Mẹ tôi trở lại cảnh vườn xưa
Bươn chải nào đâu kể sáng trưa
Chẳng được bao lâu Người quá vãng
Xóm làng triều mến thảy cùng đưa
Từ đấy, mỗi năm giữa độ hè
Tôi về thăm lại cảnh làng quê
Thắp hương cầu nguyện Người siêu thoát
Cùng viếng gần xa đẹp mọi bề.
Kinh văn:
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà, trong vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ sáng sớm, Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá Vệ khất thực. Khi ấy có Bà la môn kia, tuổi già sức yếu, chống gậy ôm bát đi khất thực từng nhà. Bà la môn từ xa trông thấy Thế Tôn liền nghĩ thầm: “Sa môn Cù Đàm cầm gậy, ôm bát đi khất thực từng nhà, ta cũng chống gậy, ôm bát đi khất thực từng nhà. Ta và Cù đàm đều là tỳ kheo”.
Lúc đó, Thế Tôn nói bài kệ đáp:
Gọi là bậc tỳ kheo
Chẳng phải do khất thực
Giữ gìn pháp tại gia
Đâu gọi là tỳ kheo
Nơi mọi điều lầm lỗi
Đều lìa, tu chánh hạnh,
Tâm kia không sợ hãi
Đây gọi là tỳ kheo.
Bà la môn, sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đảnh lễ rồi từ giã.
Bình:
Đây là kinh số 97 trong Bộ Tạp A Hàm.
Xuất xứ của bản kinh, nơi nói kinh đã nêu rõ. Trong bài kinh, ta thấy ông Bà la môn già, nhân hình thức đi khất thực giống nhau: chống gậy, ôm bình bát đi khất thực từng nhà giống nhau, ông kết luận: “Ta và Cù Đàm đều là tỳ kheo”.
Đây là lối kết luận lấy một phần làm toàn thể như nhân thấy con quạ đen liền kết luận “Tất cả những gì đen đều là con quạ”. Đâu biết rằng một vị tỳ kheo sở dĩ đi khất thực hằng ngày là để thể hiện hạnh xả li và chính hạnh xả li nơi tâm mới là chánh hạnh làm nên một vị tỳ kheo. Sự xả li tất cả những chấp thủ nơi gia đình, của cải, trong không thấy có thân tâm là cái ngã, ngoài không thấy có nhà cửa, của cải … là những cái thuộc về ngã, tức ngã sở. Trong không thấy có ngã nên đối với thân ngũ uẩn không sinh tâm tham đắm, ngoài đối với các pháp thế gian không sinh tâm chấp trước. Như những kinh trước Phật dạy: “vì không đắm trước nên tự giác, Niết Bàn…” Ở đây, nhân sự việc này đức Phật dạy hai bài kệ. Bài kệ đầu minh định ý nghĩa của tỳ kheo, bài kệ thứ hai nói lên nội dung của chữ tỳ kheo. Hai câu đầu bài kệ thứ nhất nói hình thức khất thực không tiêu biểu cho một vị tỳ kheo dù rằng vị tỳ kheo sống theo lối khất thực. Tỳ kheo là vị đã xả li đời sống gia đình, sống đời thanh tịnh không vợ chồng, con cái. Do vậy điều đầu tiên phân biệt là ông Bà la môn còn giữ gìn pháp tại gia thì không thể nào gọi là tỳ kheo được. Từ xuất gia bắt đầu từ nghĩa “xuất thế tục gia”, nghĩa là ra khỏi nhà thế tục là cái nhà của thế gian mà trong đó vợ chồng, con cái sống chung với nhau trong vòng dây ân ái. Thứ đến là xuất phiền não gia, là ra khỏi ngôi nhà phiền não, ngôi nhà đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến điên đảo. Có dứt trừ hết các phiền não thì mới có thể ra khỏi ngôi nhà tam giới được. Phiền não do mê lầm mà gây ra. Người đã dứt trừ các phiền não, đối với mọi điều phiền não được xa lìa, nhờ vào tu chánh hạnh. Chánh hạnh thuần thục, tâm không còn sợ hãi, tự tại, giải thoát. Đó là ý nghĩa của chữ tỳ kheo được dịch là phá ác, mà cũng là ý nghĩa bài kệ thứ hai ở đây vậy./.