Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh Khất Thực (Thích Như Điển)

30/06/202005:28(Xem: 10260)
Hạnh Khất Thực (Thích Như Điển)


HT Thich Nhu Dien 2020
Hạnh Khất Thực

Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước




Xin giải thích ngay về ý nghĩa của 3 chữ trên. Hạnh có nghĩa là việc làm, là hạnh nguyện, là thực hành một bổn phận hay một trách nhiệm nào đó. Còn Khất có nghĩa là xin. Xin những gì người khác cho mình. Người cho được gọi là kẻ bố thí. Còn người nhận được gọi là khất sĩ. Thực nghĩa là đồ ăn, món ăn, cách ăn hay thực phẩm dùng để nuôi dưỡng thân tứ đại nầy.
Ngày xưa khi Phật còn tại thế, cứ mỗi sớm mai khi hừng đông vừa ló dạng là Ngài và cả Tăng Đoàn gồm hơn 1.000 người chia ra từng nhóm nhỏ, rồi thong thả đi vào xóm, vào chợ, vào nhà cư sĩ, vào nhà ngoại đạo, không phân biệt người giàu sang, kẻ bình dân hạ tiện, hoặc giả bất cứ giai cấp nào ở trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Đây là cái cớ, cái duyên để chư Tăng, Ni có cơ hội gần gũi, tiếp xúc với mọi người và cũng là dịp để người Tăng sĩ thực hiện tinh thần vô trụ, tinh thần bất chấp của một con người, thường thường hay xây dựng trên mỗi tự ngã của từng cá nhân.
Đức Phật, một bậc Thầy của Trời và Người; nhưng Ngài vẫn thể hiện hạnh khất thực. Vì lẽ, không phải Ngài chỉ đi xin ăn tầm thường hay bình thường như những người thiếu thốn miếng cơm manh áo, mà Ngài đi xin tấm lòng từ bi và xin tấm lòng vị tha của con người, để họ có cơ hội khai mở, để họ có nhân duyên gieo trồng căn lành cho chính họ; chứ không phải Ngài hay chư Tăng vì thiếu khả năng sản xuất, thiếu điều kiện sinh sống, mới đi ăn xin.
Có một lần vị Bà La Môn bảo rằng: „Sa Môn Cồ Đàm và những đệ tử của ông ta làm biếng, không có khả năng tạo ra vật thực để dùng; nên mới đi xin như thế“. Đức Phật, Ngài từ tốn trả lời rằng: „Ta và đệ tử của ta mỗi ngày vẫn đi cày xới ruộng tâm của mình đấy chứ! Sau một thời gian gieo hạt giống giới đức, ruộng ấy sẽ trổ hoa thơm và cuối cùng Tăng Đoàn sẽ gặt hái được những kết quả là giác ngộ và giải thoát“. Điều này cho chúng ta thấy rằng: Ngài và chúng đệ tử của Ngài không phải là những người lánh nặng tìm nhẹ, mà còn gia công tu tập, hành thiền nhiều hơn là những người làm ruộng bình thường nữa.
Khi thọ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, chúng ta hiểu ý nghĩa của những từ nầy là: Khất sĩ, bố ma và phá ác. Nghĩa là người xuất gia là kẻ khất sĩ. Bên dưới đi xin thức ăn đồ uống để nuôi sống tấm thân tứ đại nầy và bên trên mong đền được bốn ơn nặng của quốc gia, cha mẹ, Thầy Tổ và chúng sanh. Khi thực hành những hạnh nguyện ấy cần phải hàng phục ma quân từ bên trong như tham nhũng, chấp thủ và cả bên ngoài như sự lười biếng, sợ hãi v.v… Đây được gọi là bố ma. Khi đi khất thực hay lúc hành hạnh Tỳ Kheo có nghĩa là chính người Tăng sĩ ấy phải diệt trừ những niệm ác của tham, sân, si để giới định huệ được thăng hoa trong cuộc sống nội tâm của mình. Trong oai nghi tế hạnh của người xuất gia có cả một chương dạy rõ ràng về việc đi khất thực nầy.
Cho đến ngày hôm nay sau 2553 năm lịch sử các xứ Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt v.v… chư Tăng vẫn còn thực hành hạnh khất thực mỗi ngày và quanh năm suốt tháng 365 ngày ấy vào buổi sáng tinh sương khi mọi sinh hoạt của phố thị hay làng xóm sắp bắt đầu. Những Tăng sĩ đi khất thực có thể đi chân trần, đôi khi cũng có nơi mang dép, thong thả đến trước từng cửa nhà, cửa tiệm của thí chủ; người ta cho, cúng cái gì thì mình nhận vật ấy. Nếu đứng chừng 5 phút, không có người mang đến cúng dường, ta cũng vẫn hoan hỷ ra đi. Khi đi đúng một con đường hay một xóm đã được quy định thì chư Tăng trở về lại chùa. Họ sẽ mang tất cả những vật thực ấy dâng lên trước bàn Phật rồi tụng kinh cúng dường Phật. Sau đó họ đem phần khất thực ấy chia làm 3 phần. Một phần để vị Tăng sĩ ấy dùng cho đến trưa trong ngày đó. Một phần cho người khác tại chùa hay người bịnh; một phần nữa bố thí cho chim muông hay những loài thú khác. Như vậy mỗi phần đi khất thực về, đều được chia thanh tịnh bằng bốn cách như trên.
Khi đạo Phật được truyền qua Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ nhất, chư Tăng ngoại quốc và chư Tăng Trung Quốc vẫn hành trì hạnh khất thực như thế. Nhưng vì thời tiết, khí hậu ở phương Bắc, không giống như phương Nam. Nghĩa là trời vào Đông ở phương Bắc tuyết rơi lạnh lẽo, sự sinh hoạt bị thu hẹp vào bên trong, không phô trương ra ngoài như các xứ Nam phương; nên chư Tăng chỉ đi khất thực vào mùa Xuân, Hạ và Thu; còn mùa Đông thì tự nấu nướng bên trong tự viện của mình. Từ bao đời nay bài thơ:
Nhứt bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Thuyết pháp độ xuân thu.
Nghĩa:
Một bát, cơm ngàn nhà
Một thân, muôn dặm xa
Chỉ vì sự sanh tử
Thuyết pháp độ người qua.
Đây chính là hình ảnh đẹp nhất của người tu khi hóa duyên vô ngại tự tại như thế. Tài sản riêng của chư Tăng chỉ có 3 y và một bình bát. Chính bình bát ấy đã đi vào đời, đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc. Sự hiện diện của chư Tăng đã xoa dịu được phần nào nỗi khổ đau của trần thế. Đây là một bài pháp không lời, đã nói lên được tất cả hạnh nguyện của người Tăng sĩ cũng như những cư sĩ tại gia khi thực hành hạnh bố thí.

Có một lần Ngài A Nan đi khất thực và đến xin nước uống nơi một cô gái thuộc giai cấp Chiên Đà La. Nàng ta sợ và từ chối rằng: Con không dám cho nước Ngài. Vì Ngài thuộc giai cấp quý tộc; còn con thuộc giai cấp tôi tớ trong xã hội, làm sao dám gần Ngài”. Đoạn Ngài A Nan bảo: “Ta xin nước chứ có xin giai cấp của ngươi đâu!”. Chỉ một câu trả lời ngắn gọn của Ngài A Nan như thế, cho chúng ta thấy rằng: Đạo Phật là một đạo từ bi, không có giai cấp. Cho nên Đức Phật dạy rằng: “Không có sự phân biệt giữa giai cấp và Tôn giáo khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn”.
Đức Phật cũng đã dạy trong giới luật rất kỹ là chư Tăng chỉ đi khất thực vào buổi sáng và qua khỏi giờ ngọ không được đi. Lý do là trong thời Đức Phật còn tại thế có một vị Tỳ Kheo thân hình rất xấu xí, ông ta hay đi xin vào buổi tối để tránh sự dòm ngó của mọi người. Một hôm nọ đến nhà một nữ thí chủ để khất thực. Chẳng may lúc ấy sét đánh ngang trời. Vị thí chủ ấy thấy được nhan sắc dị hợm của vị Tỳ Kheo kia, trông giống như quỉ Dạ Xoa; nên nàng ta ngất xỉu và bị sẩy thai. Kể từ đó về sau, Đức Phật chế luật cho chư Tăng không được đi khất thực sau giờ ngọ.
Khi Phật Giáo được du nhập vào miền Bắc thuộc Đại Thừa Phật Giáo như Mông Cổ, Đại Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Tây Tạng, Bhutan v.v… tuy chư Tăng, Ni không thực hành hạnh khất thực mỗi ngày như chư Tăng các xứ Nam Tông; nhưng trong khi cúng quá đường chư Tăng vẫn hành trì đúng như pháp khất thực trong luật dạy. Đầu tiên chư Tăng, Ni nâng bát cơm lên trán, kiết ấn cam lồ và tụng: Cúng dường thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật … Đó là thể hiện sự tôn kính với chư Phật. Kế đó vị chủ lễ gắp bảy hạt cơm cho vào chén nhỏ đọc bài kệ như sau:
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất liệp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)
Nghĩa:
Pháp lực khó nghĩ bàn
Từ bi không ngăn trở
Bảy hạt biến mười phương
Thí cho khắp mọi nơi
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)
Sau đó cho Thị Giả đem thức ăn, uống ấy ra bên ngoài sân và đọc bài kệ xuất sanh:
Đại Bàng kim súy điểu
Khoán giả quỷ thần chúng
La Sát quỷ tử mẫu
Cam Lồ tất sung mãn
Án mục lục lăng tóa ha (3 lần)
Nghĩa:
Đại Bàng chim cánh vàng
Cùng với loài quỷ thần
Mẹ con quỷ La Sát
Đượm nhuần ơn mưa dịu
Án mục lục lăng tóa ha (3 lần)
Sau khi Thị Giả tống thực xong, vị Chủ Sám xướng lễ và chư Tăng, Ni sớt bát cơm ra một phần. Đây gọi là lưu phạn. Cơm nầy không nên dùng lại khi ở bàn quá đường. Vì lẽ cơm nầy dùng để cho người khác, ý nói là người bịnh hay người làm công quả. Phần còn lại trong bát, để chính cho mình dùng. Do vậy phải lượng sức mình dùng bao nhiêu thì để lại trong bát bấy nhiêu. Như vậy cũng đầy đủ 4 pháp cúng dường trước khi dùng cơm trưa; mặc dầu chư Tăng, Ni Bắc Tông không đi khất thực.
Trước khi dùng cơm chính thức, chư Tăng, Ni niệm tam đề, ngũ quán như sau:
Nguyện đoạn nhứt thiết ác
Nguyện tu nhứt thiết thiện
Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh.
Nghĩa:
Nguyện bỏ tất cả các việc ác
Nguyện làm tất cả những việc lành
Nguyện độ tất cả chúng sanh.
Sau đó chư Tăng, Ni mang bình bát ngang ngực thầm niệm kệ ngũ quán như sau:
Nhứt kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ
Nhì thốn kỹ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng
Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông
Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hành khô
Ngũ vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thí thực.

Nghĩa:
Một, kể công nhiều ít, so kia chỗ đem đến
Hai, xét đức hạnh mình, đủ thiếu mới nhận của cúng dường
Ba, đề phòng tâm tham lam, vì tham là cội gốc
Bốn, là vị thuốc hay, dùng để chữa bịnh gầy
Năm, nguyện thành đạo nghiệp, mới thọ cơm nầy.
Như thế trong tất cả 3.000 oai nghi tế hạnh của một người xuất gia, riêng cái ăn, cái uống, cái ngủ, cái tu, cái học v.v... đã chiếm gần trọn vẹn cả một đời người rồi. Do đó họ luôn luôn bận rộn và nhờ bận rộn như thế, họ mới có thể kiểm soát thân tâm của mình.
Người cúng dường, kẻ nhận sự cúng dường và của cúng dường thanh tịnh được gọi là: “Đẳng tam luân không tịch”. Nghĩa là bất cứ ai cũng có thể cúng dường tứ vật dụng lên chư Tăng. Đó là thuốc thang, chỗ ở, đồ mặc và thức ăn. Ngày nay chúng ta thỉnh thoảng thấy chư Tăng, Ni còn được cúng dường cả tịnh tài nữa mà ngày xưa không có. Vì lẽ ngày xưa Đức Phật và chư Tăng đi bộ, không dùng phương tiện di chuyển bằng xe cộ hay máy bay như ngày hôm nay; nên không cần đến phương tiện nầy; nhưng ngày nay xã hội đã đổi khác, sau hơn 2.500 năm lịch sử. Do vậy cần phải có phương tiện nầy; nếu không, chư Tăng, Ni sẽ khó có điều kiện để di chuyển và thực hiện những Phật sự khác như: lập chùa, đúc tượng, tô chuông, in ấn kinh sách v.v...
Người cúng dường đã có tâm thanh tịnh như vậy, thì kẻ nhận cúng dường cũng phải có tâm thanh tịnh; không mong cầu được cúng nhiều hay ít; cũng chẳng phải tìm đến tín chủ giàu sang để được nhận sự cúng dường. Tất cả đều bình đẳng. Cuối cùng là vật dâng cúng ấy phải thanh tịnh. Nếu một trong hai hay một trong ba không thanh tịnh thì kẻ cúng và người nhận sự cúng dường cũng có phước đức; nhưng không được trọn vẹn như cả ba đều được thanh tịnh.
Người bố thí có 2 cách. Đó là nội tài và ngoại tài. Nội tài tức là phần có ở bên trong thân thể của mình. Ngoại tài là phần có ở ngoài thân thể của mình. Phần bên trong cũng chia ra làm 2 phần. Đó là phần ý hướng đến sự bố thí cúng dường và ý chí ấy hướng đến phần hành động phát tâm cúng dường. Phần bên ngoài chia ra làm 2 phần. Đó là tài sản của bản thân của mình như: Mắt, tai, mũi, lưỡi, tim, thận, gan v.v... hay tài sản như vàng bạc ngọc ngà châu báu, vợ, con cung điện, đất đai v.v... Ngày xưa, khi Đức Phật còn tu Bồ Tát hạnh, Ngài đã dùng nội tài và ngoại tài để bố thí trọn vẹn; nên gọi đây là “bố thí bất nghịch ý”. Đã có lúc Ngài đã thí mạng mình để cứu đói mẹ con của sư tử. Nhiều khi Ngài bố thí cả vợ con và đất nước như trong câu chuyện: Cặp mắt Thái tử Câu Na La. Trong đời hiện tại Ngài đã để lại phía sau lưng mình nào là lầu đài cung điện, vợ đẹp con ngoan, danh thơm tiếng tốt... tất cả chỉ đổi lại bằng một đời sống khất sĩ và những hạnh nguyện lợi tha.
Việt Nam chúng ta cũng có được những ông Vua hiểu đạo như Trần Thái Tông ở vào thế kỷ thứ 13, khi vào núi Yên Tử để chỉ mong cầu làm Phật, khi gặp Quốc sư Phù Vân và nhà vua đã nói rằng: Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ. Quả thật đây là một câu nói nặng ngàn cân, hơn tất cả những công án Thiền khác, mà lâu nay chúng ta vẫn thường hay quán chiếu đến. Chính đây là bố thí ngoại tài, không sai chút nào.
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong vào thế kỷ thứ 18 đã nhờ Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sáng khai tâm cho và quốc chúa đã thọ Bồ Tát giới với Đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân và ở cuối đời Quốc Chúa đã tuyên bố rằng: “Cả một đời làm Chúa của ta, chưa bằng một cây tích trượng của Thiền Sư đặt nơi Phương Trượng đường”. Quả thật đây là Phật Pháp; đây là chân lý, mà mấy ai hiểu rõ được tận cùng ý nghĩa của những câu nói của các bậc vua quan đã vang bóng một thời.
Bên Trung Quốc vào đời nhà Thanh nhằm vào thế kỷ thứ 17 vua Khang Hy, vua Càn Long cũng đều tuyên bố rằng: Cả một đời làm vua của Trẫm, không bằng đời sống nửa ngày của Thiền Sư hoặc nửa chiếc y vàng của một bậc trên đường giác ngộ”. Lâu nay con người ai ai cũng muốn soán đoạt ngai vàng khi có cơ hội; nhưng khi đã được làm vua, làm chúa rồi, họ chán ngấy với quyền quý và cung phi mỹ nữ; nào rượu, nào thịt, nào danh, nào lợi... Tất cả cũng chỉ là ảo ảnh phù du mà thôi. Do đó đã có rất nhiều ông Vua, bà Hoàng Hậu hay cung tần mỹ nữ, quan quân trong nhiều triều đại ở nhiều nước khác nhau đã bỏ lại sau lưng tất cả; chỉ để mong làm thân khất sĩ, thực hành hạnh nguyện từ bi lợi tha của chư Phật trong bao đời.
Ở các xứ Nam Tông, người tại gia hộ trì Tam Bảo bằng cách bố thí cúng dường để mong cho kiếp sau của mình có đời sống cao đẹp hơn, giàu có hơn và sống cuộc đời hạnh phúc hơn. Còn ở các xứ Bắc Tông, đa phần chư Tăng, Ni và Phật Tử đều hành Bồ Tát hạnh; cho nên phần bố thí cúng dường về nội tài và ngoại tài như trên chỉ mang tính cách xả bỏ; chứ không mang tính cách cầu phước. Vì lẽ như trong Kinh Kim Cang, Phật đã dạy cho Ngài Tu Bồ Đề rằng: “Dầu cho người đó của cải giàu có không cùng. Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã mão, san hô, hổ phách, trân châu v.v... nhiều đến nỗi chất cao như núi Tu Di và mỗi ngày 3 lần người thí chủ ấy đem của đáng giá kia cúng dường mười phương chư Phật từ sáng, trưa, chiều và cứ như thế trải dài trong vô lượng kiếp. Đấy cũng chưa bằng người trì tụng, biên chép và hiểu rõ nghĩa lý của một câu kinh hay một bài kệ. Trong Kinh Kim Cang có 32 đoạn tất cả. Những đoạn chính nhấn mạnh về tánh không, chúng ta thấy được như sau:
Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng
Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.
Nghĩa:
Phàm những gì có hình tướng, tất cả đều là hư vọng
Nếu thấy các tướng, không phải là tướng, thì liền thấy Như Lai.

Đa phần chúng ta chấp vào cái có, đôi khi lại chấp vào cái không. Cái nào rồi cũng bị chấp vào nhị nguyên cả. Do đó, nếu người hiểu đạo vượt thoát lên cả hai cách chấp biên kiến nầy, tức sẽ thấy được tánh của Như Lai. Vì lẽ:
Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai
Nghĩa:
Như Lai nghĩa là chẳng từ nơi nào đến, lại cũng chẳng có nơi nào để đi; nên gọi là Như Lai.
Đấy là như như bất động, là thể tánh trạm nhiên của sự giác ngộ và giải thoát. Vốn những điều này không có hình tướng nên chẳng cần tìm cầu.
Hoặc giả bài kệ khác trong Kinh Kim Cang như sau:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa:
Nếu dùng sắc để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ nầy làm việc tà
Chẳng thể thấy được Như Lai.
Như vậy bất cứ ai, làm bất cứ cái gì, theo tinh thần Đại Thừa Phật Giáo mà còn mong cầu, thì người đó quyết chắc rằng vẫn còn xa cách với bờ mé giác ngộ và giải thoát, ngay cả vật bố thí, cúng dường. Do vậy: “Đẳng tam luân không tịch”, là điều căn bản và quan trọng nhất, khi hành hạnh bố thí. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của Kinh và ý nghĩa của việc bố thí, thì công đức của sự bố thí kia mới được viên mãn.
Bây giờ mỗi năm 2 lần vào dịp Đại Lễ Phật Đản hay Vu Lan tại các chùa ở Đức hay tổ chức những lần đi khất thực chung quanh chùa và người Phật Tử chuẩn bị tứ vật dụng để cúng dường. Những gì thuộc về thức ăn, đồ uống, đồ mặc, thuốc thang, kem đánh răng, xà-phòng, tịnh tài v.v... đều có thể chuẩn bị sẵn tùy theo khả năng của mình và khi chư Tăng, Ni đi ngang qua trước mặt mình, quý vị có thể đứng thẳng hay hạ mình xuống như theo truyền thống của quý Phật Tử Nam Tông thường hay dâng cúng, rồi dâng lên phẩm vật cúng dường vào trong bình bát của chư Tăng. Điều quan trọng là cung cách cúng dường và thái độ cúng dường của người Phật Tử tại gia.
Tam Bảo là phước điền và đây chính là ruộng phước để người Phật Tử tại gia gieo trồng hạt giống từ bi cũng như trí tuệ. Cho nên chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội nầy. Vì lẽ Tam Bảo thật khó gặp trọn vẹn trong đời nầy. Các em, con cái của quý vị sinh ra và lớn lên tại ngoại quốc nầy; nếu quý vị gieo trồng vào tâm thức đẹp ấy cho các em và tạo cho các em có cơ hội cúng dường chư Tăng, Ni, thì hạt giống từ bi và trí tuệ ấy sẽ luôn được tài bồi và truyền đi từ thế hệ nầy sang qua thế hệ khác.
Vì lẽ có nhiều Phật Tử chưa hiểu rõ việc bố thí cúng dường khi chư Tăng, Ni đi khất thực. Do vậy chúng tôi có bài nầy để giải thích những việc làm có ý nghĩa trên và mong rằng vào mùa Vu Lan báo hiếu năm nay các chùa Việt Nam tại nước Đức nói riêng, cũng như các chùa Việt khắp nơi trên thế giới nói chung, sẽ có những hình ảnh đẹp cúng dường nhân ngày Tự Tứ của chư Tăng, Ni, sau 3 tháng an cư kiết hạ là một điều nên làm, để hạt giống tâm linh ấy sớm đâm chồi nảy lộc nơi ruộng tâm của mình.

Viết xong vào ngày 26 tháng 5 năm 2009
tại Tu Viện Viên Đức - Ravensburg



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/08/2013(Xem: 13839)
Thiền tông truyền sang Trung Hoa vào thế kỷ thứ VI, do Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma). Đến thế kỷ thứ VII, Thiền tông truyền sang Việt Nam, do Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci). Thế là, Thiền tông có mặt ở Việt Nam sau Trung Hoa một thế kỷ. Đến thế kỷ thứ XII, Thiền tông mới truyền vào Nhật Bản. So Việt Nam với Nhật Bản, Thiền tông truyền bá ở Việt Nam trước Nhật Bản đến năm thế kỷ. Song ở Trung Hoa, Nhật Bản về sử liệu Thiền tông rất dồi dào, còn ở Việt Nam thật là nghèo nàn đáo để. Sự nghèo nàn ấy, không phải Thiền tông Việt Nam truyền bá kém cỏi hơn các nước Phật giáo bạn. Bởi vì nhìn theo dòng lịch sử, từ thế kỷ thứ VII cho đến thế kỷ thứ XIV, chúng ta thấy Thiền tông đã nắm trọn vẹn tinh thần truyền bá Phật giáo và cả văn hóa dân tộc Việt Nam. Những sách vở của người Việt Nam sáng tác hoặc ghi chép lại, không kém gì các nước Phật giáo bạn. Nào là Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, Liệt Tổ Truyện, Nam Minh Thiền Lục, Thánh Đăng Thực Lục, Liệt Tổ Yếu Ngữ, Kế Đăng Lục, Tam Tổ T
14/08/2013(Xem: 33119)
Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được. Tại sao chúng ta phải ngồi thiền? Phật dạy trong bốn oai nghi chúng ta đều tu được hết. Bốn oai nghi là đi, đứng, nằm và ngồi.
29/07/2013(Xem: 21443)
1:- Quá trình hình thành và phát triển: - Nguồn gốc Tự viện, ngày tháng thành lập PHV, người tiếp quản ban đầu. - Thành phần Ban Giám Viện, Ban Giáo Thọ, Hội Đồng Chứng Minh, số lượng Học Tăng, nhà Trù, cơ sở vật chất v.v… các thời kỳ, trước 1963, sau 1963 đến 1975
17/07/2013(Xem: 15497)
Đọc hết 93 trang của Phúc trình A/5630, lại được xác nhận bởi Kết luận của Biên bản Buổi họp thứ 1280 của Đại Hội đồng LHQ, rồi sau đó được Giáo sư Roger Stenson Clark tham chiếu trong tác phẩm A United Nations High Commissioner For Human Rights của ông, ta có thể khẳng định rằng Phúc trình A/5630 không hề kết luận rằng chính phủ Diệm "không có đàn áp tôn giáo" như cái thế lực đã thù nghịch với Phật giáo từ thời Cố đạo Alexandre de Rhodes gọi Phật Thích Ca bằng “thằng” trong Phép Giảng Tám Ngày, tìm cách xuyên tạc tài liệu để mạo hóa lịch sử từ mấy năm nay.
13/07/2013(Xem: 9862)
Kỷ Yếu Trường Hạ Minh Quang 2013
03/07/2013(Xem: 11820)
Muốn qua sông phải nhờ thuyền bè, muốn vượt bể khổ sinh tử phải nương nhờ Giới pháp. Có thể nói, Giới pháp là kim chỉ nam, là những nguyên tắc sinh động để hướng dẫn đời sống của Tăng sĩ từ tục đến chân, từ phàm đến Thánh, từ cõi mê mờ đến chân trời giác ngộ.
29/06/2013(Xem: 18282)
1963 – 2013! Năm mươi năm đã trôi qua… Một nửa thế kỷ là khoảng thời gian đủ dài để có thể soát xét và suy nghiệm xem từ biến cố đó ta rút ra được những bài học lịch sử gì.
29/06/2013(Xem: 18239)
Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.
29/06/2013(Xem: 20904)
Đạo Phật chỉ xem hành động là có, còn tất cả đều không. Chống, là chống hành động, không chống con người. Cho nên sự chống đối ấy, từ đầu, mang tính văn hóa, đạo đức, chứ không phải chính trị.
25/05/2013(Xem: 16273)
Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn do HT Thích Nhất Hạnh và Hội Đồng Giáo Thọ Làng Mai biên soạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]