Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   
htnhudien (44)htnhudien (53)htnhudien (54)

Trọn một giấc mơ
Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước



 

Khi còn nhỏ, cha mẹ mong muốn cho con trưởng thành, ăn học thành tài để lập thân, lập chí và lập nguyện. Khi lớn lên vuột khỏi tầm tay dưỡng nuôi của cha mẹ, ta tung tăng vào đời bằng bỉ thử ngã nhân, để lặn hụp trong chốn ba đào đầy trần sa phiền lụy ấy. Có kẻ thành công, có người thất bại, có người lên tướng, có kẻ trở nên giàu sang phú quý của tiền dư dật.

Có người ý chí thì nhiều; nhưng thành công lại chẳng có. Vả chăng như thân phận nàng Kiều đã ba chìm bảy nổi. Tuy có ý tốt bán mình để chuộc cha cho tròn chữ hiếu; nhưng với cuộc sống phù trầm nầy mấy ai dễ dãi để cho Kim-Kiều tái hợp một cách dễ dàng mà không mang theo những bi lụy ở sông Tiền Đường. Vì vậy truyện Kiều còn có một cái tên khác là: Tiếng kêu xé lòng.

Muốn là một việc mà kết quả là một việc khác nữa. Đó chẳng qua là những yếu tố trùng trùng duyên khởi của một kiếp nhân sinh bị chi phối và phải vay trả trả vay cho nhau mà thôi.

Khi sinh tôi ra chắc cha mẹ tôi không nghĩ rằng thằng bé ấy lúc lớn lên sẽ đi xuất gia đầu Phật và ngay cả trong thân tộc tôi cũng không nghĩ rằng trong một gia đình mà đã có đến 2 người đi xuất gia. Thế nhưng chỉ có thế hệ của tôi và Thầy Bảo Lạc. Còn thế hệ con cái và cháu chắt của anh chị tôi thì chưa có người nào xuất gia cả.

Trong làng tôi có đến hơn 50 người đi xuất gia và gần 50 năm sau, theo tôi được biết thì chỉ có độ 3 người hoàn tục và còn lại 47 người vẫn còn mang trên mình chiếc áo nâu sồng cũng như giữ tròn trai giới trong chốn thiền môn. Vì vậy có nhiều người nói: Làng tôi đã phát đức. Mà đúng vậy, có gia đình thì phát tài, có làng thì phát làm quan; nhưng ở đây gia đình tôi và làng tôi lại phát đức. Tôi tin điều ấy.

Người ta giàu có bao nhiêu đi chăng nữa, đến một ngày nào đó cũng phải túng thiếu và hết của. Do vậy mà tục ngữ Việt Nam nói rằng:

"Đâu có ai giàu ba họ

Và cũng chẳng có ai khó ba đời"

là vậy.

Cũng như trên một đoạn đường đi, có lúc bằng phẳng, có khi phải đi xuống dưới tuyệt vọng, hố sâu của tâm hồn và địa ngục của tâm thức. Vì lẽ: Sau cơn mưa trời lại sáng mà. Không có gì để phải hận đời và hận người cả. Chỉ tiếc cho mình là thiếu đức tu; nên không chuyển hóa được người khác và thế giới khổ đau nầy mà thôi.

Chỉ có cái đức và trí tuệ thì người ta mới có thể san sẻ cho kẻ khác mà vẫn không thiếu thốn, hao hụt gì cả. Vì lúc gạo đầy chum, ăn hoài ắt phải cạn; nhưng ánh sáng trí tuệ và đời sống đạo đức cứ lan truyền mãi từ đời nầy sang đời khác mà tựa hồ như chẳng mất mát một chút nào.

Tôi ngập chìm trong một làng có cái đức như thế và may mắn sinh vào một gia đình có cái đức được phát triển như vậy; nên mới có cơ hội đi xuất gia tu học cho đến ngày nay.

Tôi vào chùa với một tâm hồn trong trắng của tuổi 15. Tất cả đều xanh tươi, tất cả đều mới lạ. Ngôi chùa đối với tôi là cả một cảnh giới thần tiên mầu nhiệm. Tăng chúng, huynh đệ ở chung quanh tôi là một cộng đồng xã hội thu hẹp mà tôi luôn luôn nghĩ rằng mình được diễm phúc sống trong sự hòa hợp ấy. Vì lẽ cái vui của họ cũng là cái vui của mình và cái khó khăn của họ cũng là cái khó khăn của mình vậy. Bỗng một hôm tôi gặp phiền não tại chốn Già Lam, đã nhiều lần tìm cách trốn chạy thực tại; nhưng thời gian qua đã làm cho tâm thức tôi dịu dần với tiếng kinh, lời kệ và của tiếng Đại Hồng Chung. Lúc ấy thấy đời là một sự thay đổi. Tôi chấp nhận khó khăn, khổ ải để vươn lên với ý thức đơn côi của một kẻ lữ hành.

Tôi không nhìn đời bằng một cặp mắt màu xanh, mà cũng chẳng nhìn đời bằng cặp mắt nghi ngờ hay oán trách. Vì lẽ tôi biết cuộc đời vốn là thế. Dở, hay, xinh đẹp, xấu xí, giàu có, nghèo nàn v.v... tất cả cũng chỉ là một tấn tuồng mà mỗi người phải cố gắng diễn cho xong cái vai trò mà mình đang đóng đó. Đời có gì phải bi lụy, có gì để hoan hô! Tất cả phải nhìn dưới con mắt như thị. Tuổi thanh niên tôi đã biết chấp nhận thế; nên đến tuổi trung niên và lão niên như bây giờ thì việc chấp nhận mọi sự hiện hữu trong thế gian nầy lại càng dễ dàng hơn nữa. Vì lẽ: Ai sinh ra trong cuộc đời nầy rồi cũng chết; chứ ai có thể sống mãi không già, không chết đâu ?

Khi sinh ra đời đứa bé chưa biết gì cả mà đã biết tham. Vì hai tay nắm lại. Rồi suốt trong một cuộc hành trình sinh tử ấy vào ra nơi chốn trần gian náo nhiệt nầy, người ta phải cố tranh phần thắng về mình. Cái tốt nhất là của mình; còn cái xấu phải là cái của thiên hạ. Rồi danh, lợi, tiền, tài, địa vị v.v... nhưng rồi một ngày nào đó tất phải ra đi thôi. Khi ấy dẫu có muốn nắm 2 tay lại nữa cũng chẳng được gì. Vì tử thần đã gõ cửa; nhưng mấy ai ý thức được điều nầy. Sự sống và sự chết ấy có thể xảy ra trong nháy mắt mà cũng có thể là 10 năm hay nhẫn đến trăm năm cũng thế thôi. Nếu con người không ý thức được sự vô thường giống như giấc mộng ấy thì sống càng lâu càng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời nầy cả.

Hạnh phúc là những thứ mà người ta thường hay đi tìm; nhưng trên thực tế thì hạnh phúc không phải là những thứ người ta đang đi tìm, mà là những gì người ta đang có trong hiện tại. Nghĩa là anh đang có một người vợ rất đảm đang, nết na thùy mỵ; nhưng vì sống lâu ngày, tình yêu ban đầu không còn đẹp nữa như xưa, do vậy anh có ý bỏ bê tình cũ, đi tìm tình mới. Do vậy mới có những đám ly dị và lúc ấy chỉ nói đến tiền tài, của cải, chứ không còn chữ yêu đương của tình nghĩa vợ chồng thuở ban đầu nữa. Vả chăng cái gì người ta thường có, người ta không hay trân quý; nên mới ra nông nỗi ấy. Đồng nghĩa với việc nầy, người đàn bà cũng thế. Nếu sống trong hiện tại với một người chồng được cho là lý tưởng đi. Vì trước đây 5, 10 năm do mình chọn lựa để đi đến hôn nhân mà; nhưng sau bao nhiêu năm tháng sống chung, đã xảy ra nhiều cảnh trái ý nghịch lòng; cho nên thấy chồng của mình không đẹp hơn chồng của bạn, nên có ý đổi thay là vậy. Do thế mà tục ngữ Việt Nam có câu:

"Giàu đổi bạn, sang đổi vợ"

cũng đúng với lòng dạ của con người chăng? Vì lẽ con người nào cũng chẳng bao giờ hài lòng với hiện tại. Trong Thiền gia có câu rằng: Quá khứ là những gì đã đi qua, tương lai thì chưa đến; chỉ có hiện tại mới là giờ phút tuyệt vời thôi! Đó là một câu thoại đầu rất tốt, dùng để quán nhân duyên, quán sanh diệt cho suốt cả một đoạn đường sanh tử cũng không bao giờ hết được. Vì lẽ người hay nuối tiếc quá khứ nên khổ tâm. Kẻ lo lắng cho tương lai; nhưng toàn là những điều không thực tế. Chỉ có những gì ta đang có trong tầm tay là điều hạnh phúc nhất. Nếu ai hiểu và thực hành được những lời dạy nầy; quả là kẻ có trí tuệ chứ không phải bạc vàng.

Vàng bạc, ngọc như ý, ngọc bảo châu, ngọc châu ma ni v.v... cũng chỉ là những thứ trân bảo của thế gian, chứ không phải của xuất thế gian. Vì những của quý nầy có lúc ta sẽ bị đánh mất đi, do thời gian và năm tháng đổi thay. Còn bát nhã, trí tuệ là những giá trị miên viễn của tinh thần, ta cho hoài vẫn không hết, ta sống ở thế giới nầy hay thế giới khác vẫn an nhiên tự tại như thường, không sợ ai xâm chiếm tài sản vô giá ấy của mình.

Mà trí tuệ ấy từ đâu có được ? Có ai ban phát cho mình chăng ? hay phải khổ tâm luyện tập ? Thật ra như kinh Viên Giác hay Đại Trí Độ Luận đã nói rằng: Chúng ta vốn từ trong vô thủy kiếp đã là những bậc giác ngộ; những người hiểu biết; nhưng mãi rong ruổi trong kiếp luân hồi, rồi bị vô minh ràng buộc; nổi trôi vào ra sanh tử; nên tánh giác ấy, trí tuệ ấy bị che khuất đi. Bây giờ chúng ta chỉ cần khơi dậy tâm từ, lòng dũng cảm, ý chí quyết định dấn thân, chẳng chóng thì chầy cái trí ấy sẽ bừng bừng sống dậy. Ta cứ ngỡ là Bồ Tát hay Phật đã cho mình; nhưng không phải thế. Các Ngài chỉ là người dẫn lối soi sáng cho ta đi vào đời đấy thôi. Còn chính ta mới là kẻ phải hạ thủ công phu kia mà.

Khi tôi đi xuất gia và được học Đời cũng như học Đạo và tự biết rằng đó là nhân duyên đưa đẩy đấy thôi; chứ lúc ấy tôi nghĩ rằng: Đi tu rồi còn phải đi học làm gì nữa. Ý nghĩ ngông cuồng ấy bị Thầy tôi rầy rà. Tôi vâng lời Thầy và cũng không ngờ rằng nhờ sự vâng lời ấy mà ngày nay hàng hàng lớp lớp chữ nghĩa của ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia đang nép mình để tôi chọn lựa khi ngoại giao, lúc làm việc đạo, lúc tư duy hay khi chuyện vãng với mọi người. Từ miệng mình thốt ra những lời dạy của Phật, hay ngôn ngữ, ý tứ, tác phong của lời nói v.v... tất cả là một sự tự nhiên, mà sự tự nhiên ấy có điều kiện. Đó là sự chăm học và hạ thủ công phu của mình. Thuở ấy tôi chẳng mơ mình thành gì cả. Chỉ biết rằng có học mà thôi. Tu là chuyện đương nhiên rồi. Vì lẽ trên mình của mình đang mặc chiếc áo tu sĩ mà.

Rồi tôi được xuất ngoại để đi du học tại Nhật Bản. Một đất nước mà trước đó tôi đã chẳng có một ý niệm rõ ràng nào. Mặc dầu Nhật Bản nằm không xa quê hương Việt Nam mấy. Tôi đến đó để học và tập, tu và luyện. Tôi ở chùa Nhật cũng như chùa Việt. Không phải là Milarepa, mà là một người Việt Nam thuần túy, đi vào những nơi thử thách hiểm nghèo. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng có lẽ do nhân duyên nên vậy. Cho nên tôi thường hay chấp nhận hơn là thối chí. Mà cứ chấp nhận những trở ngại thì là lại có một sự thành tựu khác.

Cũng như thế đó khi tôi đặt chân xuống phi trường Hamburg vào ngày 22 tháng 4 năm 1977, tôi đã chẳng nghĩ rằng phải ở lại Đức cho đến ngày hôm nay. Ngày ấy nếu tính trở lùi lại quá khứ đã hơn 25 năm rồi đó. Hai mươi lăm năm ấy tôi gọi là một giấc mộng. Cũng có thể lắm, giấc mộng nầy cũng khá dài. Cứ mỗi năm có 365 ngày. Con số ấy đem nhân cho 25 thì ta sẽ có 9.125 ngày. Nếu trong gần 10.000 ngày ấy, tức gần một phần ba của sự sống trong ba vạn sáu ngàn ngày thì ta có được gì ở trong cõi thế nầy. Nếu ta so với cuộc sống của chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Một ngày ở đó bằng 50 năm ở đây và một ngày ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên bằng 1.600 năm ở đây. Quả thật thời gian và không gian ấy không còn có thể đếm được nữa. Nếu ta chẳng biết làm gì trong một ngày ở cõi Tha Hóa Tự Tại hay 1.600 năm ở cõi thế đầy hư hư, ảo hóa nầy thì hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cả sao ?

Có lẽ rằng Phật, Bồ Tát đã bổ xứ tôi đến xứ Đức nầy. Đến đây để gặp gỡ mấy ngàn sinh viên Việt Nam hiện đang du học ở đây trước năm 1975 và cho đến bây giờ đã liên hệ với hơn 100.000 người không phân biệt tuổi tác, tôn giáo. Đó là một nhân duyên của trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện vậy, mà nhân duyên cũng kể từ khi tôi sinh ra trong cõi đời cũng như lúc xuất gia học đạo, tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi đâu có biết một cõi xa xăm như thế để mà ở, mà đi, mà về đâu. Tôi cũng đã tự chọn lựa cho mình một cái tốt hơn, mà tất cả chỉ là nhân duyên và nghiệp lực. Tôi vẫn còn là một chúng sanh; nên vẫn còn những nghiệp chướng, phiền não; nhưng tôi sẽ đứng trên và thoát ra những đối đãi thị phi ấy để tôi nhìn rõ được bộ mặt thật của cuộc đời nầy. Phải đánh giá nó, chấp nhận nó hay than vãn, nỉ non để rồi trốn chạy nó chăng ?

Lá số tử vi của tôi do một ông cụ tại Canada chấm. Trong ấy có mấy điều tôi tâm đắc nhất: Mệnh vô chánh diệu; nghĩa là không có một ngôi sao nào chính chiếu mệnh cả; nhưng lại tốt với một người tu. Vì được tam không. Đó là: Địa không, tuần không và triệt không. Ba cái không nầy nó cũng ứng với cái không của nhà Phật. Vì tất cả những gì có hình tướng trên thế gian nầy, cuối cùng rồi cũng trở về không. Đã hiểu thế, thì "ai dư nước mắt để khóc người đời xưa" đâu. Nhưng mấy ai hiểu rõ được ngọn ngành của lẽ thường biến hóa trong Kinh Dịch nầy.

Người ta thì thân cư phụ mẫu, thân cư thê v.v... Còn tôi thì thân cư phúc đức và điền trạch mà cung nầy lại nằm tại cung Ngọ; quả là cung tốt. Vì đang có một mặt trời chiếu sáng giữa trưa. Cho nên tôi đi đâu và ở đâu thì cũng có chùa, có đệ tử. Bên trái, bên phải gì cũng có người lo hộ trì, gánh vác cho mình. Quả là phúc đức vậy. Người ta giàu tiền bạc; nhưng tôi thì giàu cái không và phúc đức. Quả đúng như những gì tôi đã phân tích. Cho nên tôi trồng bao nhiêu người cũng được. Người nào khó dạy đến đâu, qua tay uốn nắn của tôi, kẻ ấy sẽ xử dụng được; nhưng một điều gần như húy kỵ là tôi không trồng cây được. Chẳng biết tại sao. Có lẽ tôi mạng hỏa nên khắc với cây chăng ? Tôi vẫn thương cây cối; nhưng nếu có ai đó cho tôi một cây thật tốt để chưng trong phòng thì chừng hai ngày sau là lá đi một nơi, cành đi một ngõ. Còn nếu tôi có trồng cây ngoài vườn thì chỉ ra lá chứ chẳng bao giờ ra hoa. Do vậy không bao giờ có trái. Tôi chưa là Tiến Sĩ; nhưng học trò, đệ tử của tôi là những Tiến Sĩ sắp hàng dài dài ở phía sau mình để đi vào Đạo và Đời trong tương lai. Vậy tôi là gì ? Thật ra tôi chẳng là gì cả. Hiểu như vậy mới thấy nhân duyên và từ đấy mới trân quý phước đức. Hãy đừng coi trọng tiền bạc hơn sự học hành. Vì giáo dục bao giờ cũng là con đường nhân bản, nó giúp ta thăng tiến được niềm tin, sự sống và mở cánh cửa đi vào sự giải thoát được. Do vậy tôi thường hay giảng và kết luận rằng: Sự học nó không làm cho ta giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia mà thiếu sự tu và sự học là không được rồi. Đó là quan điểm của tôi. Còn người khác có lẽ có cách nhìn không giống tôi. Dĩ nhiên tôi phải tôn trọng ý kiến của kẻ khác, chứ không phải nghĩ rằng lúc nào ý kiến của mình cũng đúng cả.

Xã hội Nhật vào năm 1972, ai ai cũng phải tốt nghiệp Tú Tài mới có công ăn việc làm. Duy chỉ có ông Thủ Tướng Tanaka là chưa có bằng Tiểu Học và hôm nay đây ở vào thế kỷ 21 nầy vào năm 2003 tại xứ Đức tôi đang ở, có không biết bao nhiêu là nhà Bác học, Tiến sĩ, Thạc sĩ v.v... nhưng ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Fischer của Đức hình như chưa tốt nghiệp Đại Học. Nghe đâu sẽ còn được các đồng nghiệp bầu ông làm Bộ Trưởng Ngoại Giao của Cộng Đồng Âu Châu nữa kia, chứ không phải chỉ riêng của nước Đức. Ở Việt Nam ta cũng thế. Trong khi nhiều giáo sư Đại Học phải có bằng Tiến sĩ mới dạy được; chỉ riêng có Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ của chúng ta hình như chưa tốt nghiệp Tú Tài II, mà là một giáo sư, một học giả nổi tiếng khắp năm châu bốn bể thì sao ? Do đó quan niệm của tôi ở bên trên, nó cũng chỉ có tính cách tương đối mà thôi.

Tôi không định đến xứ Đức đây để xây chùa, không định nhận đệ tử xuất gia cũng như tại gia, không định làm Thầy giảng đạo và cũng không định có quan hệ ngoại giao cả mấy chục nước trên thế giới như ngày hôm nay và ngay cả việc chẳng định làm báo Viên Giác. Ấy thế mà những điều không dự định ấy đã trở thành khẳng định và bây giờ cũng như mai hậu những thứ ấy sẽ trở thành giả định. Vì tất cả đều phải bị chi phối bởi luật vô thường, thành, trụ, hoại, không.

Ngôi chùa Viên Giác nầy từ chỗ không mà có, rồi mai đây cũng từ chỗ có sẽ trở thành không. Tất cả là của chung; nhưng của chung ấy nó sẽ biến đổi theo sự thành tựu và hủy hoại của quả đất nầy. Đi vận động thành lập chùa từ thuở không có một đồng nào. Bây giờ sau khi xây dựng xong, giá trị của nó là 9 triệu Đức Mã thuở xưa; hay 5 triệu rưởi đô-la Mỹ thuở ấy và độ 4 triệu rưỡi Euro bây giờ. Trước mặt chúng ta là một phạm vũ huy hoàng đó; nhưng nó sẽ tồn tại được bao lâu thì chẳng ai biết được. Thế mà tôi đã là một phần tử chính trong kiến trúc nầy đó. Khi ngôi chùa xây xong tôi cũng nghĩ rằng đấy chỉ là một giấc mộng.

Tôi cũng đã chẳng nghĩ rằng mình làm được Thầy của nhiều người khác. Vì lẽ tôi ăn nói vẫn còn vụng về. Thế mà đã có nhiều người theo tôi học đạo và còn xin làm đệ tử nữa. Nhiều khi tôi xấu hổ. Vì lẽ mình không xứng đáng là một ông Thầy. Nhưng âu đó cũng là nhân duyên Thầy trò, sư đệ mà thôi.

Viết văn, viết sách cũng thế. Có người đọc sách tôi bảo rằng văn viết hay; nhưng đồng thời cũng có nhiều người không nói ra và chê là câu văn nhà quê, dở quá. Nội dung, bố cục lượm thượm v.v... Cũng như thế ấy, có một hôm tôi đi dự đám tang của Hòa Thượng Thích Trung Quán, Viện chủ chùa Hoa Nghiêm ở Paris vừa mới viên tịch. Có một Thầy cả hơn 10 năm rồi chưa gặp lại tôi, sau khi chào hỏi và bảo rằng trông Thầy già hơn xưa quá nhỉ ! Tôi đáp lại bằng cái nhoẻn miệng cười và tiếp rằng đã 54 tuổi rồi còn gì nữa. Tóc đã bạc gần hết rồi. Độ 10 phút sau có một Thầy khác sống ở Paris cũng gặp tôi nơi phòng khách của chùa Hoa Nghiêm bảo rằng Thầy trẻ quá nhỉ ! Tôi chỉ cười và tự nhiên thấy có hơi không thực tướng. Không biết có phải là mình đây chăng ? hay là một Như Điển nào khác thì cũng chỉ là một giả danh thôi mà. Mới 10 phút trước có kẻ chê mình già và 10 phút sau có người bảo mình trẻ. Vậy thì mình nên trẻ hay già theo cảm nhận của đối phương, hay trở về sống thực tế với con người của mình để mình tự liễu tri về cuộc đời sắc sắc không không nầy vậy !

Làm Chủ nhiệm báo Viên Giác suốt 25 năm qua cũng thế. Lúc nào tôi cũng phải viết Thư Tòa Soạn và trong 25 năm ấy chỉ riêng Thư Tòa Soạn không đã in thành một cuốn sách rồi. Nhiều khi bận việc muốn nhờ người khác trong Ban Biên Tập viết; nhưng ai cũng thối thác bảo rằng: Thư Tòa Soạn khó viết. Vì nó ngắn, chỉ có một trang mà phải viết nhiều sự kiện khác nhau xảy ra trong một lần. Do vậy nhiều người không thích viết. Vậy nên tôi phải viết; nhưng có bao giờ tôi học làm báo là gì đâu mà bây giờ phải làm Chủ nhiệm một tờ báo đã sống đến 25 tuổi vậy ? Tôi không tài, không giỏi, không là gì hết. Do vậy tôi để cho nó đến, rồi cũng để cho nó đi. Cho nên bắt đầu từ năm nầy. Năm 2003 là một năm có ý nghĩa sau 25 năm đã làm việc, lăn lộn với gió sương, chống chèo với bao thử thách từ bên trong ra, lẫn bên ngoài đến.

Tôi tập buông bỏ từ từ, để rồi sẽ đi đến chỗ buông bỏ tất cả như trạng thái của người buông xuôi 2 tay khi trở về với thiên nhiên, cát bụi; với đất trời vạn vật thế thôi. Bỏ lại sau lưng tất cả những khen chê, hờn giận, được mất, hơn thua. Sẽ vẫy tay chào với mọi người thân quen như một người đi xa và khó có ngày trở lại. Tôi cũng đã một lần vẫy tay như thế vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 tại phi trường Tân Sơn Nhất và cái vẫy tay ấy mãi cho đến bây giờ sau hơn 30 năm chưa tìm ra được một ý nghĩa đích thực của nó. Nó là gì ? nó là ai? nó từ đâu đến ? và tại sao ta phải lưu lạc ở xứ nầy ?

Đúng ra thì cuộc sống của tôi có nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Vì tôi cười nhiều hơn và hình như chưa khóc một lần nào vì bị thất bại. Chỉ duy nhất có lần khi mất mẹ năm 1966 và động lòng trắc ẩn khi hay tin thân phụ lìa đời tại quê nhà vào năm 1986. Chỉ thế thôi! và có vài lần khóc nữa khi động tâm lúc đến dưới cội Bồ Đề, nơi Đức Phật Thành Đạo và nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Có lẽ tôi không có nhiều thì giờ để buồn, để lo, để hoài niệm hay để khóc thương một cái gì đó của dĩ vãng, mà lúc nào tôi cũng bận rộn; không tụng kinh, ngồi thiền thì cũng dạy chúng. Không đọc sách thì cũng xem báo. Không đi ra vườn thì cũng để mắt xem công việc làm của những người đang làm công quả tại chùa. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm chỉ có trách nhiệm và bổn phận; nhưng bỗng chốc rồi ta cũng sẽ là ta khi chính mình đối diện với mình và phải dọn cho mình một lối đi khi mình còn tỉnh táo và sáng suốt. Có lẽ tôi đã trọn một giấc mơ. Giấc mơ ấy đã giúp cho chính mình tôi và mọi người lên được thuyền Bát Nhã. Khi qua bên kia bờ rồi thì mới thấy ra chiếc thuyền ấy cũng chỉ là phương tiện để đưa hành giả sang sông thôi. Đâu có gì để luyến tiếc.

Nhiều người Phật Tử bảo rằng tôi xử sự trong hiện tại giống như Phật Giáo thời Trần. Tôi không là người của 700 năm về trước nên tôi không sáng rõ. Tuy nhiên nhìn sách sử thì tôi biết được rằng: Vua Trần Thái Tông vì chán ngán cảnh cung cấm đế vương mà băng ngàn lội suối vào núi Yên Tử để gặp Quốc sư Phù Vân để hỏi đạo và có ý tu niệm tại đó; nhưng quân sư Trần Thủ Độ và triều đình không muốn; cho nên nhà vua mới về lại với triều đình và suốt mấy mươi năm còn lại của đời Ngài ngày trị nước chăn dân, tối chong đèn tụng kinh, ngồi thiền và ăn chay niệm Phật. Đó là một bậc quân vương không như bao bậc quân vương khác.

Rồi Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1279 cho đến năm 1293 gần 14 năm ở ngôi vua và mấy lần dẹp giặc Nguyên Mông thành công tuyệt thế, qua Hội Nghị Diên Hồng và nhà vua chính thức nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông năm 1294 để năm 1297 nhà vua chính thức xuất gia. Sau khi xuất gia rồi vua vẫn còn ảnh hưởng với dân chúng. Mặc dầu chỉ có danh xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. Tuy không còn làm vua; nhưng Giác Hoàng đã chống gậy về phương Nam, đem gả Huyền Trân Công Chúa cho vua nhà Chế, để đổi lấy 2 Châu Ô và Châu Lý. Sử viết rằng khi Anh Tôn lên ngôi, Anh Tông cũng có vị thế của mình; nên khi quân sĩ bắt được giặc đem giao cho Nhân Tông thì Anh Tông không trọng thưởng mà còn có ý trách rằng tại sao quân sĩ không giao cho mình... Đó là chuyện đời xưa. Còn đời nay là chuyện Thầy trò, đệ tử. Bây giờ thì tôi phải đứng sang một bên và nhường bước tiến cho thế hệ đi sau. Do vậy tôi tự động thoái lui chỉ để làm cố vấn. Đệ tử tôi phải có đệ tử và tôi lại lên chức Sư Ông, sống với tư cách là một Phương Trượng của ngôi Tổ Đình Viên Giác nầy vẫn có ý nghĩa hơn là lúc nào cũng bám víu ở ngôi vị trụ trì, Vì tất cả cũng chỉ là mộng chứ đâu có thật tướng mà cứ mãi đua chen.

Tôi tự bỏ mọi thứ để trở về với bản lai diện mục của mình, để cho mọi người ý thức rằng mình không bỏ nó thì sớm muộn gì nó cũng bỏ mình. Có ai luôn luôn làm chủ được tất cả mọi thứ biến đổi trên thế gian nầy đâu. Có cái tâm mà không làm chủ được thì lo gì đi làm chủ thiên hạ. Một Napoléon Đại Đế của nước Pháp bây giờ còn lại gì ? Một chế độ độc tài của Hitler mãi cho đến bây giờ thế giới và nhân dân Đức vẫn còn kinh sợ. Đời là thế đó! Còn Đạo phải khác đi chứ. Nếu cũng như thế thì còn gì là đạo đức, là luân lý, là trí tuệ, mà vốn dĩ những thứ nầy đang sẵn có trong cuộc đời; nhưng vì bị chôn vùi, bị che lấp bởi vô minh phiền não đấy thôi.

Tôi đến xứ Đức nầy cũng như một giấc mộng, tôi làm việc trong 25 năm qua cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi và bây giờ đây hay mai hậu tôi không còn ở lại với đời nầy cũng chỉ là một giấc mộng và giấc mộng ấy đối với tôi đã tròn lành. Tuy có thay đổi đấy; nhưng là một hình ảnh đẹp của 25 năm trong cuộc sống thế trần tại một quê hương đất nước tạm dung như thế nầy.

Mong rằng một mai đây ở một nơi chốn xa xăm nào đó ta có cơ hội lại nhắc cho nhau nhớ một đoạn đường của một kiếp nhân sinh trong nẻo luân hồi nầy rằng chúng ta đã hội ngộ nơi đây và những ân nghĩa nghìn trùng ấy dẫu cho chúng ta có thành Phật, thành Bồ Tát đi chăng nữa thì vẫn là một chất liệu dưỡng sinh khi còn hô hấp ở chốn Ta Bà nầy.

 

Viết xong vào ngày 20 tháng 5 năm 2003 tại thư phòng chùa Viên Giác nhân ngày húy kỵ của Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm thứ 40.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/06/2021(Xem: 21855)
LUẬN VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT - Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Thứ tự Kinh văn số 1648. Hán văn từ trang 399 đến trang 461 gồm có 12 quyển. - Ngài A La Hán Ưu Ba Đề Sa (Uptissa) còn gọi là Đại Quang tạo luận nầy và vào đời nhà Lương được Ngài Tam Tạng Tăng Già Bà La (Samghaphala) nước Phù Nam dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. - Sa Môn Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất thứ ba tại đây. Bắt đầu dịch luận nầy vào ngày 10 tháng 12 năm 2005.
07/06/2021(Xem: 13461)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (1984), sau khi đã viết xong quyển "Lễ Nhạc Phật Giáo“, tôi định dịch quyển luận "Đại Thừa Khởi Tín" từ Đại Tạng Kinh, cùng với quý Thầy khác, nhưng không thực hiện được ý định đó. Vì quý Thầy bận nhiều Phật sự phải đi xa. Do đó, tôi đình chỉ việc dịch trên. Sở dĩ như thế, vì tôi nghĩ, tài mình còn non, sức còn kém; đem ý thô sơ, tâm vụng dịch lời kinh Phật chỉ một mình làm sao tránh được những lỗi lầm, thiếu sót. Nếu có nhiều Thầy dịch cùng một lúc, văn ý trong sáng mà lại bổ khuyết cho nhau chỗ thừa, nơi thiếu thì hay hơn; thôi đành phải chờ dịp khác vậy.
07/06/2021(Xem: 14078)
LỜI NÓI ĐẦU Hôm nay là ngày 1 tháng 8 năm 2020, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, Phật lịch 2564, Phật Đản lần thứ 2644, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 68. Hôm nay cũng là ngày có nhiệt độ cao nhất, 32 độ C, trong mùa dịch Covid-19 đang lan truyền khắp nơi trên thế giới. Sau hơn 5 tháng ròng rã, tôi đã đọc qua 8 tập kinh Việt dịch trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, từ tập 195 đến tập 202, thuộc Bộ Sự Vị, được dịch từ 2 tập 53 và 54 của Đại Chánh Tạng.1 Nguyên văn chữ Hán 2 tập này gồm 2.260 trang.2 Bản dịch sang tiếng Việt của 2 tập này là 15.781 trang, chia thành 8 tập như đã nói trên. Như vậy, trung bình cứ mỗi trang chữ Hán dịch ra tiếng Việt khoảng 7 trang.
25/05/2021(Xem: 9126)
Đã nhiều năm rồi, Phật Tử Việt Nam cử hành đại lễ trong niềm hân hoan tự hào về một ngày lễ Vesak trọng đại được xưng danh một cách trang trọng là "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc." Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Con số Phật Tử dù vậy cũng chỉ khoảng 400-600 triệu. Với con số khiêm nhường đó, tiếng nói của Phật giáo không có ảnh hưởng gì đáng kể trong các quyết định của Liên Hiệp Quốc về vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Phật Tử Việt Nam chính thức đón nhận "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc" từ năm 2008. Từ đó đến nay, những phát biểu bởi các đại biểu từ nhiều nước tán dương Đức Phật quả là quá nhiều, nhưng chưa có bất cứ đóng góp thiết thực đáng kể nào cho khát vọng hòa bình của nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột bởi chính quyền của nước mình; bị đe dọa bởi tham vọng bá quyền của nước lớn.
20/05/2021(Xem: 12457)
Kinh Đại Bát Nhã có tất cả 600 quyển, gồm 5 triệu chữ trong 25 ngàn câu, là bộ kinh khổng lồ trong tàng kinh cát của Phật Giáo Đại Thừa, do Đức Thế Tôn thuyết giảng trong 22 năm. Pháp Sư Huyền Trang dịch từ tiếng Phạn sang Hán và Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003) dịch từ Hán sang Việt. Lão Cư Sĩ Thiện Bửu đã dành 10 năm lao nhọc, vừa học Kinh vừa viết luận bản này để xiển dương tư tưởng Bát Nhã theo tinh thần truyền bá và lưu thông. Ông đã khiêm tốn tự nhủ rằng, không biết những gì mình viết có phù hợp với tinh thần của bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật hay không, nhưng chúng tôi cho rằng việc làm của Lão Cư Sĩ là việc cần làm và thiết thực hữu ích, ông đã giúp tóm tắt ý nghĩa và chiết giải những chỗ chính yếu của Kinh. Có thể nói đây là bản sớ giải đồ sộ thứ hai (trọn bộ 8 tập) về Kinh Đại Bát Nhã, theo sau Đại Trí Độ Luận (5 tập) ở Việt Nam. Xin tán thán công đức của Lão Cư Sĩ đã đặt viên đá đầu tiên, để khuyến khích cho những hành giả khác, cùng phát tâm xây dựng nền mó
07/05/2021(Xem: 21099)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
20/04/2021(Xem: 18658)
Kính bạch chư Tôn Đức, Thưa chư Pháp hữu, nhân mùa Phật Đản PL 2565, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc có ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề Chuyển hóa Khổ đau để chào mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2645. Đặc San năm nay (lần thứ ba) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 3 họa sĩ trong và ngoài nước. Chúng tôi kính gởi đến quý Trang Nhà để nhờ phổ biến rộng rãi đến mọi độc giả gần xa. Độc giả muốn mua sách in có thể đặt trực tiếp trên mạng toàn cầu Amazon: https://www.amazon.de/gp/product/1716272939/ref=dbs_a_def_rwt_bibl_vppi_i7 Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật Kính Mail Nhóm Chủ Biên Phù Vân - Nguyên Đạo - Nguyên Minh
19/04/2021(Xem: 11113)
Phật Điển Phổ Thông DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT Common Buddhist Text: Guidance and Insight from theBuddha. Copyright by Mahachulalongkorn-rajavidyalaya (MCU). Chủ biên bản Việt ngữ: LÊ MẠNH THÁT - TUỆ SỸ Ban biên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền Cư sỹ, Nguyễn Quốc Bình. Dịch Việt và Ấn hành với Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền của Viện Đại Học Mahachulalongkorn-rajavidyalaya (MCU), Thái-lan, 2018. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019. Hương Tích ấn hành.
31/03/2021(Xem: 13833)
Sách này sẽ được ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Phần lược sử viết theo nhiều tài liệu, trong đó phần chính là dựa vào tài liệu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Foreign Relations of the United States 1961-1963”, một số tài liệu CIA lưu giữ ở Bộ Ngoại Giao, và một phần trong sách “The Pentagon Papers” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ấn bản Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971). Vì giờ tại Việt Nam và Hoa Kỳ cách biệt nhau, cho nên đôi khi ghi ngày sai biệt nhau một ngày.
24/03/2021(Xem: 9059)
Kính Pháp Sư Hiền Đức, tôi là một tu sĩ đạo hiệu Thích Thắng Hoan có vài lời tâm niệm gởi đến Pháp Sư, một hôm tôi đến chùa Trung Hoa, tại Mỹ Quốc, tìm xin một số sách Phật đem về đọc để giải trí trong lúc tuổi già (đã 94 tuổi), hai người trong chùa mang ra cho tôi một thùng giấy cho tôi chọn lựa, họ nói đây là những sách cho không ông cứ tự nhiên, trong khi tìm kiếm, bổng nhiên tôi gặp một quyển sách nhan đề là “Phật Giáo Dữ Nhân Sanh, liền mở ra đọc tổng quát tại chỗ về mục lục và lướt qua tiểu sử của tác giả liền tò mò xin về đọc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]