Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

53. Kiết tập kinh điển

02/03/201421:49(Xem: 19612)
53. Kiết tập kinh điển
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


PHỤ ĐÍNH :

1- Kiết tập[1]kinh điển :

Kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại Ràjagaha (năm -544)[2]

Chưa đầy một tháng sau ngày Phật nhập niết bàn, vào năm thứ 10 triều vua Ajàtasattu, Thượng tọa Mahà Kassapaquyết định triệu tập đại hội các vị khất sĩ về thủ đô Ràjagaha (Vương Xá) để ôn tụng tất cả những Kinh (sutta, sutra) và Luật (vinaya) của Phật đã dạy. Đại hội gồm có 500 vị khất sĩ có thật tu và thật chứng (quả vị A-la-hán) được lựa chọn trong Giáo Đoàn Khất Sĩ. Đại hội sẽ khai mạc vào đầu mùa an cư tới, mùa an cư thứ 46, năm 544 trước tây lịch, và sẽ kéo dài trong sáu tháng tại động Sattapanna (Saptaparna, động Thất Diệp) trên núi Vaibhara. Động này còn được gọi là Pippali-guha (động Tất-bát-la, guha = động) vì nơi đây có cây Pippala (Tất-bát-la), có nhân duyên lớn với ngài Mahà Kassapa (tên thật là Pippalayana). Đại hội được vua Ajàtasattu đích thân đứng ra bảo trợ.

Thượng tọa Mahà Kassapathường được các vị khất sĩ trong giáo đoàn tôn trọng như vị đại đệ tử thứ ba của Phật, sau hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna đã qua đời. Thượng tọa nổi tiếng là một tu sĩ hạnh "đầu-đà", thích sống đơn giản, đạm bạc, thiểu dục tri túc. Thượng tọa đã được Phật tin tưởng và thương mến không khác gì các Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna. Hơn hai mươi năm về trước, áo cà-sa sanghàti của Thượng tọa là một chiếc áo bách nạp, được kết lại bằng những mảnh vải vụn. Có lần Thượng tọa đã xếp tư chiếc áo ấy lại và trải ra trong rừng mời Phật ngồi. Phật khen chiếc áo của Thượng tọa ngồi rất êm. Thượng tọa liền ngỏ ý cúng dường Phật chiếc áo bách nạp ấy. Phật mỉm cười nhận lời và tặng lại Thượng tọa chiếc áo sanghàti của chính người. Trong đại chúng ai cũng biết chuyện này. Thượng tọa cũng chính là người đã mỉm cười khi Phật đưa cành hoa sen lên mà không nói gì ở núi Griddhakùta (Linh Thứu), và được Phật tuyên bố truyền trao cho Thượng tọa "Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô Tướng, Vi Diệu Pháp Môn" trước đại chúng.

Ai cũng nghĩ rằng sự có mặt của Thượng tọa Ànandatrong đại hội kiết tập kinh điển rất cần thiết. Nhưng trước đại hội ba ngày, Thượng tọa Ànanda bị Thượng tọa Mahà Kassapa quở nặng và cho biết là Thượng tọa Ànanda sẽ không được dự đại hội vì lý do thầy chưa đắc quả A-la-hán. Thượng tọa Ànanda buồn chảy nước mắt, thầy tìm chỗ thanh vắng tĩnh tu luôn trong ba ngày đêm. Ngay trong đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội, Thượng tọa Ànanda ngồi thiền định đến ba giờ sáng, vừa ngả lưng xuống để nghỉ ngơi, lưng chưa chạm đất thì thầy hoát nhiên đại ngộ, đắc quả A-la-hán (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 617) . Sáng hôm đó, vừa thấy mặt Thượng tọa Ànanda, Thượng tọa Mahà Kassapa rất vui mừng biết ngay chuyện gì đã xảy ra, liền mời Thượng tọa vào tham dự đại hội.

Trong đại hội, Thượng tọa Upàli, vốn nổi tiếng về luật học, được mời lên ôn tụng giới luật. Thầy đọc đi đọc lại đến 80 lần để tất cả mọi người đều thuộc lòng. Nhờ những câu hỏi hướng dẫn của Thượng tọa Mahà Kassapa mà Thượng tọa Upàli nhắc lại được hết những nhân duyên do đó các giới luật được thiết lập. Tất cả những tài liệu về giới luật được kiết tập lại thành một kho tàng luật học gọi là Tạng Luật(Vinaya Pitaka).

Thượng tọa Ànanda, vốn nổi tiếng về nghe Phật thuyết pháp nhiều và nhớ dai, được đại hội mời lên trùng tuyên tất cả những bài pháp thoại của Phật gọi là kinh. Nhờ những câu hỏi hướng dẫn của Thượng tọa Mahà Kassapa mà Thượng tọa Ànanda có dịp nói ra hết những chi tiết về thời gian, nơi chốn và cơ duyên đã đưa tới mỗi pháp thoại của Phật. Cuối cùng Thượng tọa Ànanda xin sám hối trước đại chúng về những lỗi lầm của ngài như sau[3]: 1- Trước khi nhập diệt đức Phật có nói với Ànanda cho phép Giáo Hội hủy bỏ hay sửa đổi các giới luật không quan trọng; nhưng Ànanda quên hỏi những giới luật nào là không quan trọng; do đó Đại hội quyết định giữ nguyên các giới luật. 2- Ànanda, có một lần đã sơ ý đạp lên y tắm mưa của Phật trước khi may. 3- Khi Phật nhập diệt, Ànanda đã sơ ý để các Tỳ kheo ni vào trước lễ Phật, khóc lóc chảy nước mắt lên thân Phật. 4- Trong lúc tắm rửa kim thân đức Phật, Ànanda quên không bảo kéo màn che kín, để nhiều người nhìn thấy. 5- Không kịp thời thỉnh Phật trụ thế lâu dài hơn. 6- Đã khẩn cầu Phật cho nữ giới xuất gia mặc dù Ànanda không cảm thấy hối tiếc về việc này. Tất cả những tài liệu về Giáo Pháp được kiết tập lại thành một kho tàng Giáo Pháp gọi là Tạng Kinh(Sutta Pitaka) gồm 4 bộ: Trường Bộ (Dìgha nikàya), Trung Bộ (Majjhima nikàya), Tương Ưng Bộ (Samyutta nikàya) và Tăng Chi Bộ (Anguttara nikàya).

Tiếp theo, Thượng tọa Mahà Kassapađược mời nói lại những bài giảng của Phật về Vi Diệu Pháp (Thắng Pháp, Abhidhamma). Tất cả những tài liệu về giáo lý cao siêu được kiết tập lại thành Tạng Luận(Abhidhamma Pitaka)[4].

Kể từ đây, tuy chưa được viết ra thành văn tự, giáo lý của đức Phật đã được kiết tập lần đầu tiên thành Tam Tạng Kinh Điển (Tri-pitaka, Tipitaka) gồm có Tạng Kinh (Sutta pitaka), Tạng Luật (Vinaya pitaka) và Tạng Luận (Abhidhamma pitaka), được đọc đi đọc lại nhiều lần bằng tiếng Pali Magadhacho mọi người trong phiên họp đều ghi nhớ.

Kiết tập kinh điển lần thứ nhì tại Vesàlì (năm -444)[5]

Một trăm năm sau khi Phật nhập niết bàn, vào thời vua Kalasoka ở xứ Magadha, 700 vị A-la-hán tham dự đại hội do Thượng tọa Yasa(Da Xá) triệu tập tại tu viện Vàlika ở Vesàlì, dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Revata, để cứu xét đề nghị sửa đổi 10 điều luật của nhóm Tỳ kheo Vajjiputta[6]. Nguyên nhân vì khi Thượng tọa Yasa, con của Kakandaka, đến dự lễ Bố-tát (Uposatha) tại Vesàlì, nhận thấy nhiều cư sĩ dâng cúng tiền bạc cho các khất sĩ; Thượng tọa Yasa phản đối việc này. Mười điều luật mới của nhóm Vajjiputta đề nghị là :

1- Giác diêm tịnh: Cho phép ướp muối vào thức ăn để hôm khác sử dụng.

2- Nhị chỉ tịnh: Trong khoảng thời gian từ lúc mặt trời đứng bóng đến khi bóng mặt trời xê dịch thêm hai ngón tay, vẫn được phép ăn.

3- Tha tụ lạc tịnh: Sau khi thọ thực ở một tụ lạc, được phép sang một tụ lạc khác thọ thực thêm.

4- Trụ xứ tịnh: Tỳ kheo cùng ở một giáo khu không cần phải cùng bố-tát ở một nơi.

5- Tùy ý tịnh: Khi họp chúng tăng ni bàn luận xử quyết, tuy số tăng ni tham dự không đủ, nhưng nếu dự đoán số người vắng mặt đồng ý, vẫn được làm phép yết-ma[7].

6- Sở tập tịnh: Tùy thuận theo lệ trước.

7- Sanh hòa hợp tịnh: Sau khi ăn no, vẫn được phép uống loại sữa bò chưa khuấy (sữa chua), trừ lớp váng trên mặt.

8- Ẩm xà-lâu-ngức tịnh: Được phép uống nước dừa (nước trái cây) chưa lên men (xà-lâu-ngức), hoặc vừa lên men phân nửa (rượu non).

9- Vô duyên tọa cụ tịnh: May tọa cụ được phép khỏi viền, và lớn nhỏ tùy ý.

10- Kim ngân tịnh: Được phép nhận cúng dường bằng tiền bạc.

Do sự bất đồng ý kiến về đề nghị sửa đổi trên, nên từ đây Tăng già được chia làm hai bộ phái :

Thượng Tọa Bộ(Sthaviravada), bảo thủ, gồm các vị Tỳ kheo cao niên, thành lập Nam tông, còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy(Theravada), do Thượng tọa Yasa (Da Xá) đại diện. Thượng tọa Yasa cho 10 điều trên là “Thập Sự Phi Pháp”, đều không hợp với quy chế của Phật. Thượng Tọa Bộ chủ trương giữ nguyên vẹn các giới luật và cách hành trì như lúc Phật còn tại thế.

Đại Chúng Bộ(Mahàsangika), cấp tiến, gồm các vị Tỳ kheo trẻ, thành lập Bắc tông, còn gọi là Phật giáo Đại thừa (Mahàyana), do nhóm Tỳ kheo Vajjiputta ở Vesàlì đại diện. Đại Chúng Bộ, căn cứ vào lời dạy của đức Phật cho phép sửa đổi những giới luật không quan trọng, chủ trương tùy thuận theo hoàn cảnh xã hội mới và phong tục địa phương.

Trong kỳ kiết tập lần thừ hai nầy Tạng Kinh (Sutta Pitaka) được bổ túc thêm bằng những bài kinh còn sót trong kỳ kiết tập lần thứ nhất, họp thành Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya).

Kiết tập kinh điển lần thứ ba tại Pàtaliputta (năm -252)

Tại Patalliputta hiện nay là Patna, 292 năm sau khi Phật nhập niết bàn, có 1000 vị A-la-hán tham dự kiết tập kinh điển lần thứ ba dưới sự chủ tọa của ngài Moggaliputta Tissa(Mục Kiền Liên Tử Đế Tu), do vua Asoka(A Dục, -304/-232) triệu tập. Mục đích cuộc hội họp kỳ này là để củng cố Tam Tạng Pháp Bảo theo Thượng Tọa Bộ, bổ túc các kinh còn thiếu sót vào Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), loại trừ các phần tử xấu xa trong tăng hội, phái những vị có khả năng sang các nước láng giềng truyền bá Chánh Pháp.

Sau kỳ kiết tập nầy, vua Asoka được đạo sư Moggaliputta Tissa đưa đi chiêm bái các Phật tích, mỗi nơi vua đều cho dựng các trụ đá kỷ niệm; con trai của vua Asoka là Thượng tọa Mahìndamang Giáo Pháp đến truyền bá tại Sri Lanka (Tích Lan). Tại đây Thượng tọa Mahìnda lại tổ chức hội họp và tuyên đọc lại bản kiết tập lần thứ ba tại Patalliputta. Qua năm sau, Ni sư Sanghamitta, con gái vua Asoka, mang một nhánh chiết từ một cành phía nam của cây Đại Bồ Đề nơi Phật thành đạo, đến trồng tại Anuradhapura, thủ đô xứ Sri Lanka vào triều vua Devanampiya Tissa, hiện nay vẫn còn tươi tốt. Đồng thời Ni sư Sanghamitta cũng là người đầu tiên thành lập Ni bộ tại xứ này.

Kiết tập kinh điển lần thứ tư, của Nam tông tại Aluvihara (năm -200)

Tại Aluvihara[8], Sri Lanka (Tích Lan), dưới trào vua Vattàgamani Abhaya, trong ngôi chùa Mahà Vihara do Thượng tọa Mahìnda, con vua Asoka, cất trong hang đá vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch, với sự có mặt của 500 vị Thượng tọa Tích Lan. Hội nghị quyết định viết Tam Tạng Pháp Bảo bằng tiếng Pali trên lá bối(lá thốt nốt, lá dừa nước, talipot, Corypha umbraculifera) và có thêm phần chú thích bằng tiếng Tích Lan (Sinhala). Trong quyển Buddhaghasuppatti, nói về tiểu sử của ngài Buddhaghosa (Phật Âm), có ghi rằng nếu chất lại thành đống Tam Tạng Kinh chép trên lá bối sẽ to hơn sáu thớt voi. Kể về lượng thì ba tạng kinh Phật này bằng mười một lần quyển thánh kinh của Thiên Chúa Giáo.

Đến năm +450, ngài Buddhaghosa(Phật Âm) lại tổ chức thêm một kỳ kiết tập kinh điển với mục đích canh cải lại vài chỗ bất đồng giữa kinh điển Pali Magadha và kinh điển Pali Sri Lanka.

Kiết tập kinh điển lần thứ tư, của Bắc tông tại Kudalavana (năm -200)

Tại thủ đô Kudalavanaxứ Kasmira[9](Cachemire, Kế Tân), do vua Kaniska(Ca Nị Sắc) triệu tập để ghi chép Tam Tạng Pháp Bảo bằng tiếng Sanscrit, tiếng gốc của Bà-la-môn giáo, có thêm phần chú thích và luận giải. Kỳ kiết tập kinh điển này được đặt dưới quyền chủ tọa của Tổ Asvaghosa[10](Mã Minh), vị Tổ thứ 12. Tam tạng kinh điển Bắc tông đầu tiên, viết bằng tiếng Sanscrit, gồm có tạng Kinh Upadesa(Luận Ưu-ba-đề-xá, Khế kinh luận nghị) gồm 100.000 bài tụng, kế đến tạng Luật Vinaya Vibhasa(Luận Tỳ-nại-da Tỳ-bà-xa) gồm 100.000 bài tụng, sau cùng là tạng Luận Abhidharma Vibhasa(Luận A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa) gồm 100.000 bài tụng. Tất cả ba tạng có 9.600.000 chữ. Vua Kaniska cho khắc tất cả lên những bảng bằng đồng cán mỏng, rồi cất trong rương đá và xây tháp để thờ.

Kể từ đây giáo lý Bắc tông bắc đầu được các vị Tổ sư tuyên dương ở Ấn Độ, rồi lần hồi truyền đến Tây Tạng và Trung Hoa. Các kinh luận Đại thừa càng ngày càng dồi dào và được truyền bá sâu rộng trong đại chúng. Viện Đại học Phật giáo Nàlandà từ thế kỷ thứ hai trước tây lịch đến cuối thế kỷ thứ tám sau tây lịch nổi tiếng là nơi phổ biến giáo lý Đại thừa. Vào thế kỷ thứ bảy, chính ngài Huyền Trangđã đến nơi đây học với ngài Viện trưởng Sìlabhadra(Giới Hiền), sau đó ngài Sìlabhadra mời ngài Huyền Trang ở lại giảng dạy suốt 2 năm trước khi trở về Trung quốc. Trong thời gian này, vua Kumàra (Cưu Ma La) có tổ chức một đại hội nghị luận về Giáo lý Đại thừa và mời ngài Huyền Trang thuyết trình đề tài Chân Duy Thức Luận. Ngài Huyền Trang đã thuyết phục được trên 7.000 tăng sĩ có mặt tại đại hội và làm cho Giáo lý Đại thừa càng thêm rực rỡ. Năm 645, ngài Huyền Trang về đến Trung Quốc với 657 bộ kinh Đại thừa bằng tiếng Sanscrit (Phạn). Suốt 19 năm còn lại, ngài Huyền Trang đã dịch được 75 bộ, gồm 1.335 quyển kinh, luật, luận của Đại thừa. Kể từ đây Trung Hoa thành lập bộ Đại Tạng Kinh của Phật giáo Đại thừavà cứ tu bổ lần hồi cho đến ngày nay. Ngoài bộ Đại Tạng Kinh của Trung Hoa còn có bộ Đại Tạng Kinh của Tây Tạng và bộ Đại Tạng Kinh của Nhật Bản. Nhưng bộ Đại Tạng Kinh của Trung Hoa được xem là đầy đủ nhất về Tam Tạng Kinh Điển của Đại thừa Phật giáo. Trong khi đó ở Ấn Độ, vào thế kỷ 11 và 12, Viện Đại Học Nàlandà cũng như hầu hết các cơ sở và kinh sách Phật giáo đều bị Hồi giáo tiêu hủy.

Kiết tập kinh điển Nam tông tại Mandalay, Miến Điện (năm 1871)

Do vua Mindon(Mẫn Đông) triệu tập 2400 vị Cao Tăng Miến Điện, lấy tạng Luật làm chính, đối chiếu chỗ đồng dị trong nguyên văn thánh điển để hiệu chính, cùng nhau hợp tụng ròng rã suốt 5 tháng mới hoàn thành. Nhà vua cho khắc trọn bộ Tam Tạng Pali mới này trên 729 bia đá cẩm thạch màu đen vân trắng, dựng trong chùa tháp Kuthadaw, dưới chân núi Mandalay, phía ngoài có 45 ngôi tháp Phật vây quanh. Hiện nay vẫn còn.

Kiết tập kinh điển Nam tông tại Rangoon, Miến Điện (năm 1954)

Vào ngày lễ Phật Đản 17/05/1954, với sự giúp đỡ của chính phủ,cùng một lúc với Đại hội kỳ 3 của Tổng Hội Phật Giáo Thế Giới tại Rangoon, Phật Giáo Miến Điện đã tổ chức cuộc kiết tập kinh điển lần thứ sáu này với mục đích gây tình đoàn kết giữa Phật giáo đồ, chấn hưng Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, ăn mừng nước Miến Điện vừa được độc lập. Địa điểm kiết tập là trên sườn núi Nghệ Cố, thuộc ngoại ô phía bắc thủ đô Rangoon.

Lần kiết tập này y cứ trên 729 phiến đá cẩm thạch của lần kiết tập thứ 5, đồng thời đối chiếu với tất cả các bảng gỗ bằng tiếng Pali của “Pali Thánh Điển Hiệp Hội” (Pali Text Society) ở các nước Anh, Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt và Miến Điện. Trong kỳ kiết tập này các vị Tỳ kheo ở các nước thuộc Phật Giáo Bắc Tông cũng được mời tham dự. Ròng rã 2 năm, đến lễ Phật Đản năm 1956 (Phật lịch 2500) mới hoàn thành. Toàn bộ được ấn hành trên giấy.



[1]Kiết (tiếng Hán Việt) có nghĩa là tay và miệng cùng làm. Kiết tậpcó nghĩa là họp nhau lại đọc tụng và ghi chép. Kết tậpcó nghĩa là đã thành thói quen.

[2]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 614-629 (chương 11: Liên Quan Năm Trăm Vị).

[3]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 166; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 622.

[4]Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 167, thì trong kỳ kiết tập kinh điển đầu tiên không có đề cập đến tạng Luận (Abhidhamma) riêng biệt. Trong Tiểu Phẩm, chương 11 cũng không thấy đề cập đến tạng Luận riêng biệt.

[5]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 630-664 (chương 12: Liên Quan Bảy Trăm Vị).

[6]Bạt Kỳ Tử(Vajjiputta) là nhóm tỳ kheo trẻ ở xứ Bạt Kỳ (Vajji).

[7]Yết-ma: Các Phật sự có liên quan đến giới luật như thọ giới, sám hối, kiết giới (tụng giới) ...

[8]Aluviharalà một ấp nhỏ của Tích Lan, cách thành phố Kandy hiện nay độ 30 km.

[9]Xứ Kasmira(Kế Tân) hiện nay là vùng biên giới giữa 3 xứ Ấn Độ, Pakistan và Trung Hoa.

[10]Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang thì kỳ kiết tập này do Tổ Vasumitra và Pàrsva chủ tọa, nhưng xét về thời gian thì không đúng. Tổ Vasumitra và Tổ Pàrsva đều là luận sư của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Chính Tổ Asvaghosa (Mã Minh)mới là người có văn tài đặc biệt về Sanscrit và đúc kết Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ trong 300 000 bài tụng bằng Sanscrit.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2014(Xem: 18133)
Thiền học Trung Hoa khởi đầu từ Bồ-đề Đạt-ma, vị tổ sư đã khai mở pháp môn “truyền riêng ngoài giáo điển, chẳng lập thành văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Tuy nhiên, từ khi tổ Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa (vào khoảng năm 520) cho đến lúc Thiền tông Trung Hoa thực sự phát triển hưng thịnh, đã phải mất gần hai thế kỷ, truyền qua năm đời tổ sư, cho đến vị tổ thứ sáu là Huệ Năng (638 - 713) thì Thiền tông mới thực sự trở thành một trong những tông phái mạnh nhất của Phật giáo Trung Hoa. Với sự hoằng hóa của Lục tổ Huệ Năng ở đất Tào Khê, Thiền tông đã lan rộng ra khắp nơi và không bao lâu đã phát triển thành 5 tông Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Quả đúng như bài kệ nổi tiếng được cho là do tổ Đạt-ma truyền lại:
17/08/2014(Xem: 27460)
Tập sách mỏng này được hình thành từ một ý tưởng sáng tạo khá độc đáo của các tác giả. Nội dung chính của tập sách dựa vào hai bản kinh: Phụ mẫu ân nan báo kinh và Thi-ca-la-việt lục phương lễ kinh. Tuy nhiên, đây không chỉ là bản dịch tiếng Việt của những kinh này, mà các tác giả đã dựa vào đây để truyền đạt lại nội dung theo phong cách kể chuyện, với lối văn giản dị và trong sáng, dễ hiểu. Bằng cách này, chắc chắn những nội dung truyền đạt nơi đây sẽ trở nên gần gũi, dễ nắm bắt hơn đối với các bạn trẻ, là đối tượng chính yếu của tập sách.
17/08/2014(Xem: 24127)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
17/08/2014(Xem: 19295)
Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo là ba cái nguồn gốc văn hóa của dân tộc Việt nam ta từ xưa. Nho giáo dạy ta biết cách xử kỷ tiếp vật, khiến ta biết đường ăn ở cho phải đạo làm người. Đạo giáo lấy đạo làm chủ tể cả vũ trụ và dạy ta nên lấy thanh tĩnh vô vi nơi yên lặng. Phật giáo dạy ta biết cuộc đời là khổ não, đưa ta đi vào con đường giải thoát, ra ngoài cuộc ảo hóa điên đảo mà vào chỗ Niết-bàn yên vui.
17/08/2014(Xem: 14858)
Phát tâm Bồ Đề - Đạt Lai Lạt Ma; Việt dịch: Phan Châu Pha - Tiểu Nhỏ
17/08/2014(Xem: 21251)
Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn tuân theo định luật nhân quả. Định luật này không do một đấng thần linh nào, xã hội nào đặt ra cả, mà là luật tự nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
17/08/2014(Xem: 14023)
Tuyết rơi từ vào khuya, mặt trời vừa mọc, tuyết đã ngập trắng vườn sau. Tôi đẩy thêm một khúc củi vào lò. Nhìn lửa bốc ngọn, nhớ lại mấy vần thơ cũ đã quên mất cả nguyên văn: Chàng như mây mùa thu Thiếp như khói trong lò Cao thấp tuy có khác Một thả cũng tuyệt mù Đọc lại bài thơ rất nhỏ, từng chữ, từng vần. Rất nhỏ, đủ để một mình mình nghe. Cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhòa, cho đến khi trong tôi, về bài thơ, rớt lại chỉ còn một chút buâng khuâng không tên thì tôi lặng thinh đi vào cái buâng khuâng đó. Quanh một chữ. Tuyệt mù. Nghĩ đến một cánh chim thoáng trên mặt nước. Bóng chim, nước không lưu giữ. Chim đâu lưu giữ lại đường bay? Khói mây tan tác. Âm thanh, màu sắc cũng vậy. Cũng vậy, thiếp và chàng. Tất cả, một thả cũng tuyệt mù. Kể cả chữ và lời. Kinh và kệ. *
17/08/2014(Xem: 16825)
Tôi rất vui mừng được giới thiệu cùng quý vị độc giả tập sách này - được trình bày song ngữ Anh-Việt - như một cầu nối giữa tri thức khoa học phương Tây và trí tuệ trực giác phương Đông, điều mà tôi vẫn luôn cho là một trong những thành tựu đáng kể nhất của nhân loại vào đầu thiên niên kỷ này. Trong nguyên tác, đây là những ghi nhận từ một cuộc phỏng vấn mà đức Đạt-lai Lạt-ma đã dành cho học giả Mike Austin. Nhan đề tiếng Việt của sách và tiêu đề của một số chương là do chúng tôi tự đặt để giúp độc giả tiện theo dõi nội dung từng phần. Tuy nhiên, để tránh sự ngộ nhận, chúng tôi đã không đặt thêm các tiêu đề tiếng Anh tương ứng.
17/08/2014(Xem: 18710)
Chúng con xin trân trọng giới thiệu bộ sách ĐỐ VUI PHẬT PHÁP đến cùng chư vị với tâm nguyện góp một phần nhỏ vào việc chia sẻ những lời Phật dạy cho lớp trẻ hôm nay. Cuốn sách được hình thành từ năm 2001, khi chúng con thử nghiệm tổ chức những lớp học Phật pháp cho các em thiếu nhi ở những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An... Khi ấy, vì thiếu thốn giáo trình dành cho thiếu nhi, chúng con đành mạo muội tự biên soạn để có cơ sở giảng dạy. Tài liệu tham khảo lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu dựa vào bộ Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Vừa làm, vừa áp dụng vào thực tế, chúng con đã rút kinh nghiệm chỉnh sửa dần dần. Đến nay, đã thử nghiệm giảng dạy cho hàng nghìn em, nhận thấy tương đối phù hợp và đạt hiệu quả tốt nên chúng con mới dám xuất bản một cách chính thức, mong sẽ hỗ trợ cho những ai có nhu cầu học Phật có thêm một tài liệu để tham khảo.
17/08/2014(Xem: 12264)
Văn hóa ẩm thực có từ lâu đời. Việc ăn chay được Phật giáo truyền bá và phát triển từ tinh thần từ bi, hình thành một số nét văn hóa trong việc ăn chay với nhiều nét đặc sắc, trong đó Văn hóa Thiền - Trà từ sự kết hợp giữa ý nghĩa của việc thưởng trà và những điều tinh yếu của Đạo Phật. Trà và Thiền có nhiều nét tương đồng nên sự kết hợp của chúng đã hình thành một hình thức sinh hoạt tao nhã trong ẩm thực Phật giáo: Những tách trà Thiền. Đó cũng là lý do ra đời của tập sáchThiền trà và Ăn chay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]