Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

36. Hạ thứ 28 tại Jetavana (năm -562)

02/03/201421:16(Xem: 18138)
36. Hạ thứ 28 tại Jetavana (năm -562)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


8- Hạ thứ 28 tại Jetavana (năm -562)

Thượng tọa Ànanda và cô gái hạ tiện tên Prakriti[1]

Các trung tâm tu học tại Sàvatthi đang chuẩn bị cho mùa an cư thứ 28. Năm nay đức Phật được 62 tuổi và Thượng tọa thị giả Ànanda được 43 tuổi. Một hôm Thượng tọa Ànanda, y phục chỉnh tề, tay ôm bình bát, chân bước thong thả đều đặn từng bước, mắt nhìn xuống, vừa đi vừa quán niệm hơi thở theo đúng khuôn phép, một mình vào thành Sàvatthi khất thực. Khi đã nhận vừa đủ vật thực, thầy tìm một nơi yên tĩnh mát mẻ để độ ngọ. Thọ thực xong, thầy đến cái giếng trong xóm để tìm nước uống. Vào lúc ấy có một thiếu nữ thuộc giai cấp hạ tiện (chandala) đang đến giếng lấy nước. Thượng tọa Ànanda đến bên giếng, đứng lại, mắt nhìn xuống đất, hai tay ôm bát, thầy từ tốn nói :

Xin cô cho tôi chút nước để giải khát.

Bạch sa môn, tôi là người thuộc giai cấp hạ tiện (chandala), tôi không dám đến gần thầy, sợ làm ô uế thầy.

Này cô, tôi chỉ muốn xin chút nước để uống đỡ khát. Cô đừng ngại. Tôi đang cần nước để uống chứ tôi không cần biết người cho nước thuộc giai cấp nào.

Tôi không dám đâu ! Tôi không dám đến gần thầy. Người ta biết được thì tôi sẽ bị phạt đó.

Này cô, tôi là Ànanda, bổn sư của tôi là đấng Toàn Giác Gotama có dạy rằng bất cứ ai biết học hỏi và tu tập Chánh Pháp cũng đều có thể trở thành đấng Toàn Giác như ngài. Do đó tất cả mọi người đều bình đẳng, không nên phân biệt giai cấp. Thầy tôi nói :

"Là cùng đinh không phải do sanh trưởng,

"Không phải do sanh trưởng thành Bà-la-môn,

"Do hành động ta trở thành cùng đinh,

"Do hành động ta trở thành Bà-la-môn. (Kinh Tập 135)

Tôi không quan tâm đến giai cấp. Cô đừng sợ, hãy cho tôi xin chút nước.

Cô Prakriti ngó dáo dác xem có ai trông thấy không, rồi cô run rẩy trịnh trọng rót nước từ trong bầu vào bát của Thượng tọa Ànanda, tim cô bắt đầu đập càng lúc càng nhanh. Thượng tọa Ànanda nâng bát hớp từng ngụm nước, cúi đầu cám ơn cô Prakriti, rồi thầy quay gót trở về tinh xá Jetavana.

Nhưng cô Prakriti đứng ngẩn người nhìn theo gót chân thầy. Cô nhớ lại giọng nói diệu hiền từ tốn của thầy, nhớ hình dáng đẹp đẽ, phong cách trang nghiêm của thầy. Ôi! chưa bao giờ cô thấy một người đẹp trai phong nhã như thế. “Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước”, tiếng nói của thầy sao lại êm ái, dịu dàng, truyền cảm như thế !? Tại sao thầy không có chút gì xem thường một cô gái hạ tiện như cô ? Ngần ấy câu hỏi lẫn lộn với những tình cảm vừa bồng bột vừa nhẹ lâng lâng làm cô đứng sững sờ nửa mê nửa tỉnh. Rồi cô như người mất hồn, thơ thẩn lần bước về nhà.

Về đến nhà, cô đặt bầu nước xuống, rồi cô ngồi phệt xuống đất, đôi mắt lờ đờ nhìn vào nơi vô định. Mẹ cô thấy thế, lo lắng hỏi :

Này Prakriti, con làm sao thế ? Con khó chịu trong người phải không? Để mẹ đánh gió cho.

“Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước”. Mẹ ơi ! Chưa bao giờ con được nghe một giọng nói dịu dàng, trang nhã như thế ! Chưa bao giờ con được thấy một người... một người ... vừa đẹp, vừa sang, vừa đáng kính như thế !

Người đó có cùng một giai cấp với chúng ta không ?

Thưa mẹ không. Người đó đầu cạo trọc, mình khoác y vàng, tay ôm bình bát, xinh đẹp, trang nghiêm, nhã nhặn, đến xin con chút nước để giải khát.

Con nói gì bậy bạ vậy ? Ông ta là một sa môn ?

Thưa mẹ, người ấy là Ànanda, đệ tử của đức Gotama. Người ấy không chấp con thuộc giai cấp chandala. Người ấy xin con chút nước để uống. Chắc người ấy đã để ý đến con. Thưa mẹ, con van xin mẹ, con không thể sống xa người ấy. Xin mẹ hãy dùng tất cả bùa chú và phù phép, hãy tận dụng hết quyền lực thần thông của mẹ để đưa Ànanda đến chung sống với con. Nếu không được vậy chắc con sẽ chết, con không sống nổi, con mà chết rồi thì đâu còn ai để chăm sóc cho mẹ !

Này con yêu quý của mẹ, con có biết không ? Đức vua là tín đồ nhiệt thành của đức Phật Gotama, nếu vua biết được vụ nầy chắc mẹ con mình khó sống. Hơn nữa đức Gotama là một thánh nhân đầy đủ phép lạ và thần thông, tài của mẹ đâu thể sánh kịp.

Thưa mẹ, con không còn biết gì nữa. Con chỉ biết chắc chắn rằng nếu không có Ànanda bên cạnh thì con sẽ chết, con không sống nổi. Xin mẹ thương con.

Để đáp lại lời van xin khẩn thiết của người con gái duy nhất, bà Matangi[2](Ma-đăng-già) dùng phân bò khô nhúm một bếp lửa ngoài sân. Bà ngồi lại một bên bếp lửa với 108 cành hoa arka và bắt đầu đọc thần chú Sankhya Kapila (Ta-Tỳ-Ca-La Tiên Phạm Thiên), rồi thỉnh thoảng bà ném một cành hoa vào lửa, cho đến hết 108 cành hoa arka.

Thượng tọa Ànanda không thể cưỡng lại năng lực, sức quyến rũ mãnh liệt của chú thuật Sankhya Kapila. Thầy rời tinh xá Jetavana, quên hẳn quy chế xuất gia, đi thẳng đến nhà của người thiếu nữ chandala tên Prakriti. Bà Matangi trông thấy Thượng tọa Ànanda sắp đến nhà, liền bảo con gái dọn sẵn một chỗ ngồi. Vừa lúc Prakriti sắp xếp xong thì thầy Ànanda bước vô nhà, ngồi vào chỗ đã dọn sẵn. Thầy chú ý đến nụ cười và cử chỉ quyến rũ của Prakriti, có vẻ thuận chiều theo sự cám dỗ của cô. Vầng thái dương dần dần chìm xuống dưới chân trời. Bỗng Thượng tọa Ànanda cảm thấy ngột ngạt, lúng túng, khó chịu. Thầy bỗng nghĩ đến đức Phật, liền cầu nguyện :

Bạch Thế Tôn, đức bổn sư từ mẫn, xin Thế Tôn cứu con ra khỏi hiểm họa này.

Lúc bấy giờ đức Phật đang ở tinh xá Jetavana, linh cảm biết Thượng tọa Ànanda đang bị nạn dâm thuật và đang cầu cứu đến ngài. Đức Phật liền ngồi kiết già, đọc thần chú Thủ Lăng Nghiêm (Sùramgama mantra), nhập đại định, đảnh phóng hào quang chiếu sáng đến nơi thầy Ànanda đang bị nạn, phá tan chú thuật Sankhya Kapila.

Thầy Ànanda bỗng nhiên tỉnh táo trở lại, thầy liền đứng lên, sửa lại y phục chỉnh tề, ôm bát bước ra khỏi nhà, đi mau về tinh xá.

Prakriti rất đau lòng xót dạ, nhưng cô quyết chí đeo đuổi theo mối tình đầu vừa chớm nở. Sáng sớm hôm sau, cô sửa soạn ăn mặc tươm tất với những đồ trang sức lộng lẫy nhất của mình, rồi đến đứng chờ Thượng tọa Ànanda trên khoảng đường từ tinh xá Jetavana đến thành phố Sàvatthi. Khi Thượng tọa Ànanda đi ngang qua đó để vào thành khất thực thì cô Prakriti cũng lặng lẽ đi theo phía sau lưng. Thượng tọa Ànanda lúng túng, không lẽ cứ đi khất thực với một cô gái lúc nào cũng đi theo sau lưng, thầy liền quay bước trở về tinh xá. Cô Prakriti vẫn tiếp tục đi theo phía sau.

Qua cổng tinh xá, cô vẫn tiếp tục đi theo. Thượng tọa Ànanda liền đi thẳng đến am của Phật. Thầy bước vào am. Cô Prakriti đứng chờ trước cửa. Thượng tọa Ànanda thuật lại đầu đuôi câu chuyện với đức bổn sư. Đức Phật cho gọi cô Prakriti vào. Cô bước vào, mặt cúi xuống, đảnh lễ dưới chân Phật rồi chấp tay ngồi lại một bên. Phật hỏi :

Cô là ai ? Cô theo thầy Ànanda đến đây có việc gì ?

Bạch Thế Tôn, con là Prakriti. Con lỡ thương thầy Ànanda nên con theo thầy đến đây. Con không thể sống xa thầy Ànanda được, nên thầy đi đâu thì con theo đó.

Này Prakriti, con hãy về nhà xin phép cha mẹ trước đi.

Bạch Thế Tôn, cha con đã mất lâu rồi. Mẹ con đã biết chuyện này, và vì thương con nên mẹ con cũng đồng ý chiều theo con.

Này Prakriti, có rất nhiều thanh niên trong thành Sàvatthi, tại sao con chỉ thương một mình Ànanda là một khất sĩ đã xuất gia ?

Bạch Thế Tôn, con thương thầy Ànanda với tất cả tấm lòng. Thầy đã đem ánh sáng đến cho đời con. Nhờ thầy mà con không còn mặc cảm bị người đời khinh khi ruồng rẫy. Nhờ thầy mà con có thể vươn lên để sống một đời đáng sống. Thầy là tất cả nguồn hy vọng của con, là tất cả những mơ ước của con, là dòng suối mát của đời con. Bạch Thế Tôn, con không thể sống xa thầy được, cũng như cá không thể sống xa nước.

Này Prakriti, nếu con muốn được sống gần thầy Ànanda thì con phải làm theo những gì Như Lai bảo con làm.

Bạch Thế Tôn, con sẽ làm tất cả những gì để được sống gần thầy Ànanda.

Tốt lắm, vậy con hãy trở về nhà xin phép mẹ cho con xuất gia, xuống tóc cho con, rồi đưa con đến đây làm lễ đắp y.

Điều đó không khó. Bạch Thế Tôn, bây giờ con xin trở về nhà. Chiều nay con sẽ trở lại với mẹ con.

Prakriti vui vẻ trở về nhà, kể lại đầu đuôi câu chuyện, rồi xin mẹ xuống tóc cho cô. Mẹ cô nói :

Prakriti, con điên rồi sao ? Con gái mà cạo đầu thì trở nên xấu xí, mất hết vẻ đẹp, xuất gia thì không thể lấy chồng được nữa. Con không biết sao ? Sao con ngu quá vậy ?

Thưa mẹ, con không cần lấy chồng, con chỉ muốn được sống gần Ànanda thôi.

Bà Matangi chiều ý con, xuống tóc cho cô, rồi dắt cô trở lại tinh xá Jetavana, vào đảnh lễ Phật. Đức Phật mời hai mẹ con cô Prakriti ngồi xuống, rồi nói :

Này Prakriti, con trở lại đây để xin xuất gia phải không ?

Bạch Thế Tôn, phải.

Con xin xuất gia để được gần thầy Ànanda phải không ?

Dạ phải. Con thương thầy Ànanda lắm ! Con không thể sống xa thầy.

Cái gì của thầy Ànanda làm cho con say mê đắm đuối như vậy ?

Bạch Thế Tôn, cái gì của thầy Ànanda con cũng thương hết. Con mắt, cái mũi, cái miệng, tướng đi, giọng nói, cái gì của thầy con cũng thương hết.

Này Prakriti, tất cả những gì con trông thấy nơi thầy Ànanda chỉ là lớp da bọc bên ngoài. Con phải biết con người ai cũng có tóc, móng, răng, da, thịt, xương, gân, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất nhờn, nước miếng, nước mũi, nước tiểu, phẩn, ... Tất cả những thứ đó đều biến đổi từng giờ, từng phút, từng giây; thương tích, bệnh hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào; rồi đến lúc phải già nua, tàn hoại, tan rả. Con người chỉ là một túi da chứa đầy bệnh tật, già nua, chết chóc, kiêu hãnh, ngã mạn[3]. Nếu vì một lý do gì những thứ bên trong bị phơi bày ra ngoài, như một cái gối rách bị lộn ngược, chắc chắn cần phải có một người cầm cây đứng đó để xua đuổi bầy quạ, bầy kên kên, bầy chó, từng đoàn từng lũ kéo đến tranh nhau xé ăn, thật ghê tởm. Khát vọng say mê là lòng ham muốn ích kỷ chỉ mang đến đau khổ. Con nên biết :

"Trìu mến sanh sầu muộn,

"Trìu mến sanh lo sợ.

"Người đã dập tắt hoàn toàn lòng trìu mến,

"Không còn sầu muộn, không còn lo sợ. (Kinh Pháp Cú, bài 213)

“Từ lúc bắt đầu thương Ànanda đến giờ, mới có hai ngày, mà con đã chịu trăm phần đau khổ, mất ăn, mất ngủ, than vắn thở dài, nỉ non khóc kể, rên rỉ bi ai, biết bao sầu muộn. Giờ đây, con hãy sáng suốt suy nghĩ lại xem cơ thể của Ànanda có phải là cái gì đáng được trìu mến bám víu không ? Có phải là cái gì đáng được khát khao ham muốn một cách tuyệt vọng không ? Có phải là cái gì đáng được ta hân hoan ôm giữ không ? Tất cả mọi sự vật trên đời này đều như thế. Khi ta vừa bám vào nó thì nó đã hư hoại, suy tàn, mục thúi, tan rã.

“Này Prakriti, chỉ có xuất gia, sống đời phạm hạnh thanh cao như thầy Ànanda, dứt bỏ hết mọi ái dục, tham lam, giận tức, si mê, tập sống theo Chánh Pháp, phát tâm từ bi hỷ xả, thương yêu giúp đỡ tất cả muôn loài chúng sanh, mới tạo được hạnh phúc chân thật cho chính mình và cho những người mình thương. Này Prakriti, nếu con muốn sống gần thầy Ànanda, thì chỉ có cách duy nhất là con phải tập sống đời phạm hạnh thanh cao như thầy, phải học hỏi và tu tập theo Chánh Pháp để biết cái hay, cái đẹp thật sự của thầy còn quý gấp vạn lần cái bề ngoài mà con thấy nơi thầy.

Bạch Thế Tôn, lời dạy của ngài thật sáng suốt và chính đáng, đã đem lại cho con nhiều an ủi. Kính xin Thế Tôn cho phép con được xuất gia.

Tốt lắm ! Này Prakriti, như nước các sông Gangà, Yamunà, Sindu, Aciravatì tuôn chảy vào đại dương và mất đi lai lịch của chúng. Bất cứ người thuộc giai cấp, bộ lạc nào gia nhập vào giáo hội của Như Lai rồi thì cũng đều là khất sĩ như nhau. Này Prakriti, nước trong đại dương chỉ có một vị, đó là vị mặn của muối. Trong Giáo Hội Khất Sĩ cũng chỉ có một vị, đó là vị an lạc giải thoát.

Rồi đức Phật gọi :

Hãy đến đây, này Tỳ kheo ni, hãy sống đời thánh thiện.[4]

Ni sư Khemà mang đến cho Prakriti một bộ áo cà-sa. Sau khi đắp y, cô theo ni sư về ni viện. Nơi đây cô được các sư cô an ủi, dùng lời lẽ đơn giản dạy cô về Tam Bảo (Tri-ratana), Tứ Diệu Đế, cách đắp y, cách đi khất thực và các giới luật phải tuân hành. Lần hồi cô được học về bốn uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và cách thực tập thiền quán. Cô tu tập rất tinh tấn, về sau cô được đắc quả A-la-hán trước Thượng tọa Ànanda.

Hay tin một cô gái chandala được xuất gia theo Giáo Đoàn Nữ Khất Sĩ của Phật, các thân hào nhân sĩ trong thành Sàvatthi xôn xao bàn luận. Vua Pasenadi đến viếng Phật và hỏi thăm về việc này :

Bạch Thế Tôn, nhiều nhân sĩ trong thành Sàvatthi nói rằng việc cho người phụ nữ xuất gia đã là một việc trái với phong tục, truyền thống Bà-la-môn từ xưa tới nay. Nhưng đối với những người phụ nữ thuộc dòng Bà-la-môn (Bràhmana), dòng Sát-đế-lợi (Ksatriya) thì còn có thể tạm chấp nhận được. Đàng này, một đứa con gái hạ tiện (chandala) xuất gia quả là một sự sỉ nhục cho hàng tu sĩ, nó sẽ làm ô uế cả giới tăng lữ. Thế Tôn nghĩ thế nào ?

Này Đại vương, nếu một người chandala được tắm trong dòng nước dành riêng cho người ksatriya, và nếu người đó biết cách kỳ cọ khắp mình. Sau khi tắm lên người đó được dùng khăn trắng sạch lau khô thân thể rồi xức nước hoa vào mình. Đại vương nghĩ sao ? Thân thể người chandala đó có thơm sạch như thân thể người ksatriya không ?

Bạch Thế Tôn, nếu hai người cùng tắm trong một dòng sông, cùng kỳ cọ như nhau, lau khô như nhau, xức nước hoa như nhau, thì thân thể họ cũng sạch thơm như nhau.

Đúng vậy, Đại vương. Nếu người ksatriya và người chandala cùng sống đời phạm hạnh thanh cao, cùng tu tập Giáo Pháp cao thượng thì họ cũng có thể giác ngộ và đạt đến giải thoát như nhau.

“Như Lai xin kể Đại vương nghe một câu chuyện: Vào thuở xưa, có một làng tên Chandala ở bên cạnh sông Gangà. Vị xã trưởng làng này tên Trisanku. Ông có một người con trai đẹp đẽ lạ thường tên Sardulakarna, lảu thông cả ba bộ kinh Veda. Người cha mong ước con mình cưới được một người vợ xinh đẹp và thông minh. Ông đến dạm hỏi cho con một cô gái xinh tươi đoan chánh tên Prakriti, con của một người Bà-la-môn tên Puskarasasi, nhưng ông này từ chối. Ông Trisanku phải nhẫn nại tới lui nhiều lần nài xin và cho thấy con trai mình cũng đẹp đẽ thông minh không kém ai. Cuối cùng ông Puskarasasi nhận lời và cô Prakriti được thành hôn với cậu Sardulakarna. Đại vương, Prakriti thuở xưa cũng là Prakriti ngày nay; Sardulakarna là tỳ kheo Ànanda bây giờ. Hai người đã có duyên tiền kiếp với nhau. Và ông xã trưởng Trisanku chính là Như Lai hiện nay vậy.

Vua Pasenadi và đoàn tùy tùng chăm chỉ lắng nghe câu chuyện tiền thân, lấy làm kinh ngạc về duyên nghiệp vợ chồng, không nói thêm được một lời, đồng đảnh lễ Phật và chư tăng rồi lặng lẽ lui gót.

Phật nói kinh Thủ Lăng Nghiêm (Sùramgama sùtra)

Sau khi ni sư Khemà đưa Prakriti về ni viện, thầy Ànanda bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi thầy khóc ròng, khổ tâm vì từ trước đến nay chỉ chuyên học rộng, nghe nhiều, nhưng chưa có thực tu thực chứng, nên mới bị chú thuật Sankhya Kapila, suýt mất giới thể, phải nhờ Phật nhập đại định Thủ Lăng Nghiêm (Sùramgama Samàdhi) phóng quang đến cứu thoát. Thầy khóc một hồi rồi thưa :

Bạch Thế Tôn, con tuy có phước được kề cận Thế Tôn, nghe nhiều và nhớ hầu hết những điều Thế Tôn dạy bảo, nhưng đạo lực còn non kém, suýt bị mất giới thể vì chú thuật Sankhya Kapila. Xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ dạy cho con các diệu pháp Xa-ma-tha (Samatha[5]), Tam-ma-đề (Samàdhi[6]), Thiền-na (Jhana, Dhyàna[7]) là những pháp môn tu chứng đạo quả Bồ-đề một cách chắc chắn và nhanh chóng của mười phương chư Phật.

Này Ànanda, thầy tuy nghe nhiều, nhớ nhiều, nhưng chưa nắm vững được nguồn gốc của Sanh Tử và Bồ Đề Niết Bàn nên dù thầy đã xuất gia trên 20 năm nay chỉ mới chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti). Thầy hãy lắng nghe cho kỹ :

Do đâu mà có sanh tử ?Là vì tất cả chúng sanh đều lấy tâm vọng động, suy tư, nghĩ tưởng theo trần cảnh bên ngoài làm tự tánh (bản ngã) của mình nên chịu khổ sanh tử luân hồi.

Do đâu mà có Bồ-đề (giác ngộ) Niết bàn (giải thoát) ?Một khi người tu hành dứt hết tâm vọng động, suy tư, nghĩ tưởng theo trần cảnh thì Chơn Tâm nguyên minh, thanh tịnh, sáng suốt từ vô thỉ sẽ hiển lộ. Chơn Tâm nguyên minh đó là Bồ-đề, là Niết bàn, luôn luôn an lạc, thanh tịnh, sáng suốt, không lay động, mặc tình cho trần cảnh cứ lao xao biến đổi.

Rồi đức Phật dùng nhiều phương tiện như đưa nắm tay lên, bảo đánh chuông, để chỉ tánh thấy, tánh nghe là thường trụ. Không phải khi có nắm tay mới thấy, không phải khi có tiếng chuông mới nghe. Không có tiếng chuông không phải là không nghe, mà là nghe "không có tiếng chuông". Người mù không phải là không thấy, mà là thấy tối đen vì hai con mắt không còn chuyền ánh sáng vào trong; cũng như khi người sáng mắt lấy tay bụm mắt lại.

Sáu căn chạy theo tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức. Sáu thức là vọng tâm, bị lệ thuộc vào sáu trần, là gốc của sanh tử luân hồi. Vì sáu trần sinh diệt biến đổi không ngừng.

Sáu căn không chạy theo sáu trần, thì sáu thức tức vọng tâm không sanh, Chơn Tâm liền hiển lộ Bồ-đề và Niết bàn.

Người muốn tu Bồ tát thừa để thành Phật quả phải hội đủ hai điều kiện quyết định như sau :

1- Lúc sơ phát tâm, phải biết rõ mình có Chơn Tâm thanh tịnh, thường trụ, rồi dùng Tâm đó mà phát nguyện tu hành. Phải gieo nhân thanh tịnh, thường trụ mới có quả thanh tịnh, thường trụ.

2- Lúc hạ thủ công phu thực hành, phải tu căn viên thôngđể sáu căn được thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần. Nhờ đó mà vào cảnh trí giải thoát, tự tại, vô ngại.

Nói đến đây, đức Phật đọc bài kệ tóm lược đại ý phần vừa mới giảng như sau :

Chơn tánh không trần tướng,

Vô vi, không sinh diệt.

Duyên sanh tức không thật,

Hư vọng, như hoa đóm.

Dùng vọng để chỉ chân.

Vọng, chân đều là vọng.

Nếu không nói chân vọng,

Làm sao biết được chân ?

Sáu thức không thực tánh,

Như dụm ba cọng sậy.

Buộc mở đồng một gốc[8],

Thánh, phàm chẳng hai đường.

Hãy xét tánh sáu thức

Chẳng có, cũng chẳng không.

Vô minh chấp có không,

Không chấp là giải thoát.

Tự tâm chấp tự tâm,

Không huyễn thành pháp huyễn.

Không chấp thì không huyễn,

Không huyễn thì không sanh.

Pháp huyễn không lập được,

Gọi là Diệu Liên Hoa,

Bảo Giác Kim Cang Vương,

Như Huyễn Tam-ma-đề.

Búng tay thành vô học.

Diệu pháp tuyệt đối này

Của chư Phật mười phương :

Đường niết bàn duy nhất.[9]

Về phần thực hành, Phật bảo 25 vị Bồ tát nói rõ pháp môn tu của mình và cách thực hành như thế nào mà chứng được quả thánh. Kế đó Phật bảo ngài Văn Thù phê bình các pháp môn đó và chọn lựa một pháp môn thù thắng nhứt, thích hợp với căn tánh của chúng sanh ở cõi ta-bà này. Ngài Văn Thù đã chọn pháp môn tu "Nhĩ Căn Viên Thông"[10]của Bồ tát Quán Thế Âm.

Kế đến, Phật giảng về ba vô lậu học[11]: 1- Nhiếp tâm thành Giới, 2-Do Giới sanh Định, 3- Do Định phát Tuệ. Muốn nhiếp tâm trước hết phải giữ bốn đại giới: Dâm, Sát, Đạo[12], Vọng[13]. Chúng sanh nào nặng nghiệp, khó giữ bốn đại giới được thanh tịnh, thì nên nhứt tâm chí thành thọ trì tâm chú Thủ Lăng Nghiêm. Phật nói :

Này Ànanda, như việc của thầy với nàng matangi không phải là mới xảy ra ở kiếp này đâu. Thầy với nàng matangi bị trần duyên oan trái, có tập khí ân ái với nhau, đã trải qua nhiều kiếp. Khi Như Lai tuyên dương Phật đảnh mật chú thì tức khắc tâm ái dục của nàng tiêu mất, nàng trở nên thanh tịnh thành bậc A-na-hàm (Anàgàmin), được giải thoát luân hồi sanh tử ở nhân gian, và nếu định lực tinh tấn thì chẳng bao lâu sẽ lên bậc vô học A-la-hán (Arahant, Arahat, Arhat).

“Này các thầy, nàng matangi là một phụ nữ chưa phát tâm tu hành mà nhờ oai lực thiêng liêng của Phật đảnh mật chú còn tiến đến bậc vô học, huống chi các thầy. Các thầy đã phát tâm cầu Tối Thượng Thừa, nếu chí thành trì Phật chú này thì quyết định thành Phật, ví như rải bụi bay theo luồng gió thổi xuôi thì không có chi khó khăn.

Người tu chơn chánh phải tinh tấn thực hành ba tiệm thứsau đây :

1- Tiệm thứ tu hành dứt trợ nhân: Đoạn tuyệt, không ăn ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu), không uống rượu, không dùng chất ma túy.

2- Tiệm thứ tu hành dứt giới tánh: Hoàn toàn kiêng cử Dâm và Sát.

3- Tiệm thứ tu hành dứt hiện nghiệp: Sáu căn thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần.

Phật nói :

Này Ànanda, người phát Bồ-đề tâm, tu phép Chánh Định, thọ đủ quy giới, nhứt định không ăn ngũ vị tân. Vì sao ? Vì năm món ấy, ăn chín thì vọng dâm, ăn sống thì vọng sân. Nếu còn ăn ngũ vị tân thì dù miệng nói thông suốt 12 bộ chơn kinh bí điển cũng khó đạt hiệu quả. Chư thiên không chịu nổi mùi ngũ vị tân từ miệng bay ra, nên thường xa lánh những người ăn năm món ấy. Các loài ngạ quỷ, ác ma ưa thích ngũ vị tân, hay thừa dịp người ăn, xúm lại ngửi hơi, liếm môi liếm mép. Thành thử người ăn ngũ vị tân, hằng ngày sống chung với ma quỷ, bị tinh thần của chúng chi phối, tổn phước tổn đức, thường gặp nhiều truân chuyên khổ sở.

“Này Ànanda, nếu tu hành mà không đoạn tuyệt dâm và sát thì chẳng bao giờ giải thoát được khỏi tam giới phàm phu thống khổ. Người tu phải xem dâm và sát như loài rắn độc, như kẻ giặc.

“Này Ànanda, khi người tu tập được căn viên thông thì tâm không biến chuyển theo sáu trần, và tự quay về Bản-thể Chơn-như Viên-giác. Trần không có sở duyên, tâm không có sở đối, thì tác dụng của căn không gây ra những hành động sai lầm (ác nghiệp) được. Như vậy thập phương quốc độ (cùng khắp thế giới) thuần một nét thanh tịnh, thân được nhẹ nhàng, tâm được thanh thoát, an vui vô tận, mặc nhiên đắc vô sanh pháp nhẫn, thành tựu quả Càn Tuệ Địa[14](Sukla vidarasana bhumi). Rồi tuần tự tiến tu, tùy theo đạo hạnh sở phát mà an lập thánh quả.

Tiếp theo, Phật chỉ rõ sau quả Càn Tuệ Địa còn có 54 quả vị tu chứngtừ thấp lên cao, gồm có Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh và Thập Địa[15], rồi đến quả vị Đẳng Giác, Diệu Giác và Viên Giác tức là quả vị Phật.

Thượng tọa Ànanda và thánh chúng nghe Phật giảng xong, vô cùng mừng rỡ được Phật khai thị pháp môn tu theo Bồ-tát thừa, từ sơ phát tâm cho đến Phật quả. Thật là một bài pháp hy hữu, chưa từng có ở thế gian. Tất cả đồng đảnh lễ Phật rồi y giáo phụng hành.



[1]Xem kinh Lăng Nghiêm (Sùramgama sùtra).

[2]Màtangalà người nam thuộc giai cấp chandala. Matangi là người nữ thuộc giai cấp chandala.

[3]Dhammapada, kinh Pháp Cú, bài 150.

[4]Tiếng Pali: "Ehi tvam bhikkhuni, cara Brahmà cariyam".

[5]Samatha, dịch là Chỉ, là Thiền Vắng Lặng, nhằm tập trung tư tưởng vào một nơi, không cho phiền não và vọng tưởng xen vào tâm. Trái lại Vipassanà, dịch là Quán, là Thiền Minh Sát, nhằm tập trung tư tưởng vào một đề tài, quán chiếu, sáng suốt suy xét, để tìm ra chân lý (vô thường, vô ngã) hầu dứt trừ phiền não và vọng tưởng. Tu tập Samatha (Chỉ) để được Samàdhi (Định). Tu tập Vipassanà (Quán) để được Prajna (Panna, Tuệ).

[6]Samàdhi, dịch là Chánh Định, còn gọi là Tam muội. Trái lại Prajna (Panna) là Tuệ hay Huệ. Người tu phải luôn luôn giữ cho Định và Tuệ được cân bằng.

[7]Dhyàna(Sanscrit) hay Jhana (Pali), dịch là Tĩnh-lự, là Thiền-na hay Thiền, là Zen (tiếng Nhật), là nói chung hai pháp tu Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà), nhằm giữ tâm luôn luôn vắng lặng sáng suốt, tịch tịch giác giác, biết mà không khởi tâm suy nghỉ.

[8]Đức Phật lấy thí dụ buộc mở gút một cái khăn để chỉ cách tu giải thoát. Buộc gút là tự ràng buộc mình vào sanh tử luân hồi; mở gút là cách tự giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi. Chính 6 thức buộc chúng sanh vào sanh tử luân hồi. Nếu biết 6 thức không có thực tánh, là vọng, là giả dối, không chấp theo chúng, là được giải thoát. Tu căn viên thông tức là cách trừ 6 thức.

[9]Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 5.

[10]Pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông: Lúc ban đầu, trong khi nghe liền biết mình có Tánh Giác, không để tâm chạy theo tiếng. Đến khi quen thì hai tướng động và tịnh không còn ảnh hưởng gì đến tâm mình nữa. Cứ thế tiến dần đến khi trong tâm không còn ý thức về người nghe và tiếng bị nghe, thành ra tuy nghe mà như hoàn toàn không nghe. Tiến lên một bậc nữa thì thấy chủ thể và đối tượng của tánh giác đều không, lúc bấy giờ cái biết về chơn không mới tròn đầy. Cho đến khi cái biết không và cái không đều dứt sạch, thì cảnh sanh diệt không còn nữa, và chơn cảnh niết bàn thanh tịnh an lạc liền hiển hiện. (Xem kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 6).

[11]Ba vô lậu họclà Giới, Định và Tuệ. Thân miệng ý thanh tịnh là Giới, không vọng tưởng phiền não là Định, biết rõ Chân Tâm Phật Tánh là Tuệ.

[12]Đạolà tham lam, trộm cắp, cướp giựt.

[13]Vọng ngữlà nói dối, nói láo, lường gạt, bóp méo sự thật, nói lời thô ác, nói gây chia rẽ.

[14]Càn Tuệ Địa: Thế trí khô cạn, ái dục không còn, căn và cảnh không còn phối hiệp, nhưng chưa được thánh quả vì đạo hạnh và trí tuệ bát nhã chưa phát sáng.

[15]Người bố thíthuần thục thì được quả vị Thập Tín, trì giớithuần thục thì được Thập Trụ, nhẫn nhụcthuần thục thì được Thập Hạnh, tinh tấnthuần thục thì được Thập Hồi Hướng, thiền địnhthuần thục thì đượcTứ Gia Hạnh, trí tuệphát sáng thì được Thập Địa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 6195)
Tiếp theo hai tập, Nhận thức và Không tánh (2001) và Tánh khởi và Duyên khởi (2003), sách Nhân quả đồng thời lần này thu góp bài học Phật luận cứu các vấn đề Tồn tại và Thời gian,Ngôn ngữ, Giáo nghĩa,và Giải hành liên qua đến nguyên lý Duyên khởi mà Bồ tát Long Thọ nêu lên trong bài tụng tán khởi của Trung Luận, bản tiếng Phạn.Các vấn đề này được tiếp cận từ hai phía, bản thể luận và triết học ngôn ngữ, và được trình bày trong ba Phần: (1) Vô thường, Duyên khởi, và Không tánh, (2) Phân biệt, Ngôn ngữ, và Tu chứng, (3) Tín, Giải,Hành,Chứng trong Hoa nghiêm.
08/04/2013(Xem: 13296)
Tập sách này in lại những bài viết về Trung Quán Luận, đã đăng trong Nguyệt San Phật Học. Ngài Long Thọ, tác giả Trung Quán Luận và những kinh sách khác, được chư thiền đức xưng tán là Đệ nhị Thích Ca, đã vạch ra thời kỳ chuyển pháp lần thứ hai. Trong những tác phẩm của người, Trung Quán Luận trình bày tánh Không, phần tinh túy của giáo lý đạo Phật.
08/04/2013(Xem: 22234)
Con người là sinh vật quan trọng nhất – Đức Phật từ con người mà thành Phật – vì nó có những đặt tính ưu việt hơn tất cả những loài vật khác; nhưng Phật Giáo lại không cho con người là độc tôn, vì còn có những chúng sanh hữu tình và vô tình khác. Hai loại này ở trong một thể thống nhất giữa thế giới và nhân sinh. Vì thế, không có con người là kẻ thù của con người, cho đến loài vật, cây cỏ cũng vậy.
08/04/2013(Xem: 5522)
Giải thích tổng quát về Kinh Hoa Nghiêm theo hệ Kinh tạng Đại Thừa: Đức Phật ra đời vì “hạnh phúc an lạc của chư Thiên và loài người” như lời Ngài đã từng tuyên bố. Thế nên sự sống mà Đức Phật ra đời thật vô cùng quan trọng, đó là chân lý, là Pháp âm được vang lên khắp vũ trụ sơn hà. “Pháp âm bất tuyệt” tất cả tiếng chim hót, dế ngân, sóng vỗ, thảo mộc, khai hoa, thông reo suối chảy, đến tiếng đá rơi ... đều là pháp, không nơi đâu không phải là pháp.
08/04/2013(Xem: 17197)
Ðể có thể nhận diện được tổng thể hệ thống loại hình sám văn, đó là cách phân loại theo nhóm đề tài và ý nghĩa. Tuy nhiên, vì sám văn có quá nhiều chủ đề, tùy theo lĩnh vực mà sử dụng riêng khác, nên rất phong phú đa dạng. Ðể nắm được tổng thể bố cục của cách phân loại nầy, chúng tôi xin khái lược về các cách phân loại có liên hệ trực tiếp. Qua đó, chúng ta có cơ sở để nhận diện được toàn hệ thống phân loại.
08/04/2013(Xem: 13098)
Xin quí vị bấm vào xem PDF
08/04/2013(Xem: 24925)
Phật Pháp hằng còn mãi ở thế gian là nhờ sự hoằng truyền sâu rộng trong quần chúng. Thiếu sự hoằng truyền, Phật pháp phải bị mờ và có thể đi lần đến chỗ tiêu diệt. Trong công đức hoằng truyền ấy, phiên dịch là một phần rất quan trọng.
08/04/2013(Xem: 6198)
SỰ THẬT VỀ CON ĐƯỜNG (Marga-satya): Sự thật thứ tư là con đường trực tiếp đưa đến sự giải thoát chấm dứt khổ đau. Sự thật này là tác nhân giải thoát hiện tại đưa đến chấm dứt quả khổ gần hay xa trong . . .
05/04/2013(Xem: 28759)
Nhân dịp dạy Nghi-lễ nơi Trường-hạ chùa Phật-Tâm năm 1973 nầy, các khóa-sinh đã ngỏ ý nhờ tôi biên soạn thành tập cho dễ học và tránh được những lỗi vì học tập nhiều môn e bận rộn mà biên sót ghi lộn. Nghi lễ là gì? Nghi là Nghi-thức, khuôn-mẫu bề ngoài, thuộc phần hình thức; Lễ là cách bày tỏ ý cung kính của mình, lấy hình thức lễ cúng mà nói lên niềm tôn kính bên trong. Học Nghi-lễ là học những cách thức làm lễ, học những bài tụng niệm để ứng dụng trong khi nguyện cầu, cúng hiến. Nhưng, quyển Nghi-lễ nầy không trình bày hết các Đại-nghi-lễ, chỉ biên soạn đơn-giản những nghi thức gợi ý để cho các khóa-sinh tiện dụng, cho nên khi thật hành có thể tùy ý uyển-chuyển, linh động thêm bớt cho thích hợp với hoàn-cảnh của sự việc. Vì tuổi già thường bịnh, nên thân thể lười, tôi cố gắng biên soạn được chừng nào hay chừng ấy, vị nào muốn đầy đủ hơn xin tham khảo nơi các bực cao-minh.
02/04/2013(Xem: 13086)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội. 4
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]