Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Yên Lặng Trong Nội Tâm

04/04/202021:17(Xem: 6210)
Yên Lặng Trong Nội Tâm
buddha painting_20

YÊN LẶNG TRONG NỘI TÂM 

                                                                                          TT. Thích Thiện Hạnh
                                                            Phó Ban Trị Sự Phật giáo VN Tỉnh Bắc Ninh

 

Nghĩ về sự yên lặng, chúng ta thường nghĩ đến sự cô đơn, đôi khi là sự thất thế, hoặc là những lúc tâm trạng rất không tốt. Nhưng với người theo tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng của chúng ta, những giờ phút yên lặng rất cần cho đời sống tâm linh trước những tiếng ồn của cuộc sống. 

Khi chúng ta đánh mất liên lạc với sự yên lắng ở nội tâm, chúng ta sẽ đánh mất liên lạc với chính mình. Khi chúng ta đánh mất liên lạc với chính mình, chúng ta sẽ tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng.

Trong thời gian này, tất cả mọi người đang ở trong sự yên lặng, tôi đã suy ngẫm về ý nghĩa của sự yên lặng. Tôi nhận ra biết bao nhiêu người trong chúng ta cảm thấy khó khăn để chỉ đơn giản là khiến chính mình ở yên lặng, ý của tôi là rất khó để thực sự tắt hết những tiếng nói, đòi hỏi và những xung động bên ngoài khiến những suy nghĩ, lý luận của chúng ta cứ xoay vòng.

Chúng ta sống trong một thế giới nơi có quá nhiều sự kích thích, quá nhiều tiếng ồn. tôi thường tự nhủ trong lòng mình: “Thật ngạc nhiên khi bản thân mình lại nghe thấy chính suy nghĩ của mình, giữa những sự ồn ào đang diễn ra xung quanh”. Bởi vì mọi người đều thích sự ồn ào hơn là trở thành sự tĩnh lặng, trong thời gian tĩnh lặng này khiếm cho cuộc sống của chúng ta chậm lại và để những điều làm phân tán lắng xuống, chúng ta có thể nghe thấy tiếng của người chăn giữ mình, tiếng nói trực tiếp với tấm lòng bất cứ khi nào chúng ta đặt những điều ưu tiên lên trước. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cảm nhận nội tại về chính tự thân mình, tức bản chất chân thật của chúng ta là gì, bản chất ấy không thể tách rời khỏi sự im lặng. Đây chính là cái chân ngã sâu kín của chúng ta vượt lên trên tên gọi và hình tướng.

Sự  im lặng chính là bản chất chân thật của chúng ta. Vậy sự im lặng là gì? Đó chính là không gian ở trong chúng ta, là khả năng nhận thức từ đó những chữ trên trang giấy này được tạo thành khái niệm và trở thành những ý nghỉ ở trong đầu của chúng ta. Nếu không có khả năng nhận biết đó, sẽ không có khái niệm, không có ý tưởng, không có thế giới, thì không còn biết bản chất chân thật của mình, chúng ta thường tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng. Tức là chúng ta chạy theo những cái được, mất, hơn, thua, những đấu tranh, giành giật với nhau trong đời sống, trong những thói quen nghiện ngập,… để lấp đầy sự trống vắng, khổ đau của một con người đã đánh mất gốc rễ, cội nguồn. Chúng ta thiếu bên trong, nhưng chúng ta lại chạy ra ngoài để kiếm thứ bù đắp vào chỗ rỗng… Đã có ai trong các chúng ta nhận ra điều này chưa? Rằng mình hoàn toàn mất liên lạc với bên trong, rằng mình đã hoàn toàn hướng ra ngoài. Thật may nếu chúng ta đã nhận ra, ít nhất chúng ta cũng sẽ tìm cách để trở về.

Sự yên lặng không đơn giản chỉ là tách bạch âm thanh, sự không có bất kỳ một tiếng nói gì ở trong đầu, sự cảm thấy như thể một mình là đầy đủ rồi, một mình cảm thấy bình an thoải mái và không cần thêm bất cứ yếu tố nào khác. Sự yên lặng đích thực là sự yên lặng từ trong nội tâm chứ không phải là sự yên lặng bên ngoài. Sự yên lặng rất quan trọng vì mọi sự mang tính rỗng không, có như vậy thì mọi thứ mới được chứa vào, tràn vào. Sự yên lặng của người khác ở bên mình giống như một sự hiện diện, đem lại cảm giác bình yên, được thấu hiểu.

Con người bây giờ không bao giờ ngơi tay, nếu không thì cái đầu của chúng ta cũng không bao giờ ngơi suy nghĩ. Lỗ tai quen âm thanh, giờ yên lặng quá chúng ta chịu không được, vì không gian yên lặng đánh thức rất nhiều sự bất an nổi bên trong chúng ta. Nhưng sự yên lặng chính là sự kết nối với chính bản thân. Khi chúng ta hiểu cái tôi, gần cái tôi thì không bao giờ chúng ta cảm thấy bất an. Chỉ khi mình cảm thấy xốn xang, lòng mình không tĩnh, dường như có gì đang diễn ra mà mình không kiểm soát được, nó nằm ngoài tầm của mình. Khi đó chúng ta sẽ cảm thấy nôn nao, bấn loạn, xung đột.

Bí quyết của sự im lặng, tức là giờ nào việc nấy, tập trung chú mục vào duy nhất việc đó thôi. Hầu như toàn bộ tâm trí của mình đặt để trong sự vật đó. Sự tập trung cao độ, vì khi chúng ta tập trung thì người ta có cảm giác chúng ta lắng nghe người khác. Chúng ta không thể thực sự lắng nghe người khác nói khi trong đầu chúng ta có nhiều suy nghĩ, mà chỉ nghe âm thanh thôi, không nắm bắt được ý nghĩa sâu xa. Sự yên lặng của chúng ta có một năng lượng khủng khiếp, một ảnh hưởng rất ghê gớm, ảnh hưởng thật sự đến người ngồi trước mặt mình. Nếu thật sự yên lặng có chú ý thì năng lượng đó thường là năng lượng tích cực, nó mang tính quan tâm, chăm sóc, chữa lành người khác. Đó là sự yên lặng hùng tráng.

Sự yên lặng của tâm, của lòng. Tiếng nói của nội tâm chính là sự yên lặng. Một sự yên lặng nội tại sâu lắng, để dẹp yên tiếng gào thét của đam mê dục vọng, của ngoại trần xâm nhập vào trong tâm thức. khi tiếng nói nội tâm của mình được vang vọng trong chiều hướng thăng tiến của tâm linh, không còn sự chấp thủ (nắm giữ) bất cứ điều gì ở đời và một sự oán kết với bất cứ ai đang hiện hữu. Khi đó tâm của chúng ta thật sự yên lặng, một sự yên lặng giúp cho tâm mình thấy biết tất cả. Yên lặng ở đây không có nghĩa là không có tiếng nói, tiếng ồn. Yên lặng là nội tâm hoàn toàn thanh tịnh. Mọi niệm đều dứt bặt, trong tâm hoàn toàn trống vắng, và không có niệm nào được hưng khởi. Vì còn có niệm là còn có ức chế, còn sự hệ lụy khổ đau, khiến cho chúng ta hao phí năng lượng một cách vô ích. Trái lại, với nội tâm hoàn toàn yên lặng, chúng ta sẽ cảm nhận một trạng thái thư giãn và hỷ lạc tuyệt vời. Lúc bấy giờ, năng lượng vận động một cách tự do trong toàn thân, đem lại cho chúng ta một sức mạnh, một sức sống mới để làm hóa hiện biết bao điều kỳ diệu mà đôi khi chúng ta cố đi tìm lại không gặp. Và như vậy, mỗi người trong chúng ta, có nhiều điều kiện và cơ hội để thực tập về một đời sống biết lắng nghe, để hiểu những điều đã và đang xảy ra trong cuộc sống. Mọi sự sẽ trở nên đơn giản, không còn sự phức tạp giữa cái thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo khổ, địa vị quyền uy hay khốn cùng đạo tặc… trong sự mưu sinh, tồn tại giữa cuộc đời. Thậm chí, khi chúng ta ngồi một mình cũng không thấy cô đơn trống vắng, cảm giác buồn chán, như cụ Nguyễn Công Trứ từng nói:

“Ở nhà lại muốn ra đi

Ra đi lại muốn ở nhà khi hơn”.

Cũng chính là trong những giờ phút hiếm có đó, nếu được ngồi một mình, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của nội tâm. Đó chính là niềm vui của người biết lắng nghe tiếng nói của nội tâm, sự im lặng của nội tâm mà mỗi người cần hướng đến. Cuộc sống thật sự hạnh phúc, khi chúng ta biết lắng nghe tiếng nói từ nội tâm, để thiết lập một đời sống hướng thượng, mang lại giá trị hạnh phúc cho đời này và đời sau.

Thật đáng tiếc con người ngày nay đời sống được nâng lên rất nhiều. Giúp cuộc sống trở nên hiện đại, tiện dụng hơn rất nhiều. Nhưng con người dường như lại càng mệt mõi, đau khổ và cô đơn hơn bao giờ hết. Rõ ràng nhu cầu được thỏa mãn nhiều hơn, mà con người lại càng đau thương hơn. Trong một thế giới đầy những nhiễu loạn nội tâm cũng như bên ngoài, điều cực kỳ quan trọng là cho phép đầu óc của chúng ta được nghỉ ngơi, điều đó có nghĩa là an định, suy nghĩ chậm hơn, và điều đó chỉ có thể đến được từ việc hành thiền tĩnh lặng và thiền định.

Những nhiễu loạn nội tâm không ngừng này, kết hợp với nhịp sống bên ngoài vội vàng và bận rộn, có thể là một công thức cho thảm hoạ. Vì nền văn hóa của chúng ta rất khó để tìm ra sự yên lặng. Chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ để chống lại nỗi sợ sự yên lặng. Chúng ta rất sợ sự yên lặng. Xung quanh chúng ta thường xuyên phải ồn ào, ồn ào bằng những mỹ từ như âm nhạc, công việc, ồn ào bằng những điều mà mình cho là tốt như suy nghĩ điều này, điều nọ, gặp gỡ người khác, buôn dưa lê với chúng ta, làm tất cả những gì mình cho là cần phải làm, miễn là tránh cho mình cảm giác phải đối diện và sống với chính mình, sống với thế giới nội tâm của mình. Hầu như mình có thời gian để làm mọi thứ, nhưng lại không có thời gian để sống với nội tâm của chính mình, cảm giác xa lạ với chính mình.

Trong cuộc sống hiện nay, có quá nhiều người vì để có cuộc sống sung túc, mà bận rộn tối mặt từ rạng sáng đến giữa đêm, không có chút thời gian riêng tư nào cho bản thân yên tĩnh và suy ngẫm, hay cảm thụ về thế giới này. Mà khi tâm không tịnh, dù cơ hội có đến đi nữa, cũng chỉ khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi và cô đơn bất tận. Loại yên tĩnh này không còn là khoảnh khắc đem lại niềm vui và an ổn cho tâm trí nữa, mà chỉ là những nỗi đau và sự trống rỗng. Hãy gác lại những phiền muộn của cuộc sống, lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn của chúng ta và trò chuyện với nó, để sống cuộc đời trầm lặng chất lượng cao. Một người có nội tâm càng yên tĩnh, càng có thực lực, làm việc gì cũng dễ thành công. Hơn nữa, nội tâm cũng rất kiên cường, không vì những lời phiến diện bên ngoài mà dễ dàng gục ngã.

Người trầm lặng thường là người thích ít nói nghe nhiều, biết rõ giới hạn của mình ở đâu, cũng hiểu rõ bản thân khi cần nên làm gì để trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày. Khi cơ thể được đồng nhất với tâm trí, trở nên yên tĩnh, dù chỉ trong chốc lát đi nữa, nó vẫn sẽ đem đến cho cơ thể chúng ta một loại sức mạnh quý giá, khiến bản thân nhìn rõ bản thân, cũng khiến bản thân nhìn rõ thế giới. Làm việc thoải mái, có tinh thần, đem lại năng suất cao cho công việc. 

Trong cuộc sống, bất kể chúng ta gặp khó khăn gì đi nữa, chỉ cần chúng ta biết cách bình tâm lại, mỗi vấn đề khó khăn đều được giải quyết từng cái một. Và chúng ta cũng có thể tìm ra cách tốt nhất để loại bỏ những cản trở xấu đó. Cuộc sống không hề dễ dàng chút nào, nếu khi còn nhỏ cảm thấy thế giới quá tốt đẹp, hãy cảm ơn cha mẹ chúng ta đã bảo bọc chúng ta quá tốt. Còn bây giờ đã trưởng thành, hãy tập sống trầm lặng. 

Trên đường đời, khó khăn chỉ có thể quật ngã một người khi tâm họ rối loạn, không còn động lực và cố gắng. Chính vì thế, đừng để phiền não hủy hoại bản thân, giữ tâm luôn bình tĩnh ở mọi lúc mọi nơi mới là điều đáng quý nhất. Sự yên tĩnh ở chung quanh, chúng ta hãy lắng yên để nghe sự yên tĩnh đó. Tức là chỉ để ý, chú tâm đến sự yên tĩnh đó. Lắng nghe sự yên tĩnh như thể nào sẽ làm thức dậy một chiều không gian im lặng ở trong nội tâm của chúng ta, vì chỉ qua sự im lặng đó chúng ta mới có thể nhận ra sự yên tĩnh. Những giây phút chúng ta lưu ý đến sự yên lặng ở chung quanh, chúng ta không hề suy nghĩ, mà chỉ nhận biết, nhưng không hề suy tư.

Khi chúng ta chú tâm đến sự yên lặng, ngay lập tức có một trạng thái cảnh giác nhưng rất im lặng ở nội tâm. Chúng ta đang hiện diện và vừa bước ra khỏi thói quen suy tưởng của tâm thức cộng đồng, của nhân loại, một thói quen đã bị thâm nhiễm trong hàng năm qua. Vì vậy cuộc đời có vô vàn cách sống, hãy chọn cách sống cho bản thân mình. Bởi vì cuộc đời này là của chúng ta, vì thế đừng cầm bản đồ của người khác để dò đường đi của mình. Mỗi người có một cuộc đời là của riêng mình, trong cuộc đời đó lại có vô vàn cách sống. Nhiều người chọn cho mình cách vui vẻ đứng ngoài mọi chuyện, có người lựa cho mình cách dấn thân, còn có cả người sẵn sàng vì đam mê mà sẵn sàng chịu mạo hiểm...Nhưng cuối cùng kết quả vẫn chỉ có một, sống cho bản thân mình mới là cách sống tốt nhất. Con người vốn dĩ chỉ sống một lần trên đời, chúng ta còn đợi đến bao giờ mới sẵn sàng làm những điều mình thích, sống vì mình, vì người khác? Khi ở trong hoàn cảnh thuận lợi, đừng quá phấn khích mà quên đi những việc cần phải làm, duy trì một góc nhỏ yên tĩnh cho tâm thức, để chúng ta có thể giữ vững sự tỉnh táo và sáng suốt trong mọi hành động. Cuộc sống này vốn khó khăn hơn chúng ta tưởng, không thể lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy đau thương, có những lúc muốn rơi nước mắt và gục ngã. Thế giới này đầy hỗn loạn và phức tạp, mỗi bước đi đều khiến chúng ta phải đắn đo vì không biết làm sao cho đúng, cho không lầm đường. Nhưng chỉ cần chúng ta tin tưởng, nhắm mắt lại tĩnh lặng một chút, suy nghĩ cẩn trọng thì chúng ta sẽ tìm được mục tiêu khiến mình muốn kiên định mà tiến lên. Đến khi ấy, thế giới sẽ nhường cho chúng ta một con đường, còn chúng ta sẽ tìm được con đường đúng đắn cho bản thân. 

Hãy lắng nghe những âm thanh nhẹ nhàng của sự im lặng thì thầm với chúng ta, âm thanh huyên thuyên của “vực thẳm gọi nhau”, tiếng vẫy gọi của người đã khao khát mang đến cho chúng ta sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết. “…nhờ yên lặng và tin cậy, chúng ta sẽ được sức mạnh…” trong khoảng  thời gian yên lặng là thời gian chúng ta đang lấy thêm cho mình năng lực, sự bình an và vui mừng từ cuộc sống. Vậy thì hãy yên lặng trước khi chúng ta cần sự yên lặng.

Yên lặng là phương thức tốt nhất khi sống độc lập. Trong yên tĩnh, ta có thể suy nghĩ, nhìn thấu vấn đề, khiến bản thân có thêm nhiều tự tin đối mặt với những vấn đề trong xã hội. Yên lặng là thời gian tốt nhất để chúng ta tự giao tiếp với thế giới nội tâm của bản thân, tìm hiểu chính mình. Bởi vì chỉ khi chúng ta có thể hiểu rõ chính mình muốn gì và có gì, chúng ta mới có thể làm tốt mọi việc.

Trong cuộc sống của chúng ta có giờ yên lặng, bắt đầu từ sau giờ sinh hoạt buổi tối cho đến sau buổi ăn sáng ngày hôm sau, không có nghĩa là chúng ta không được phép nói chuyện mà chúng ta không cần phải nói chuyện, không nhất thiết phải nói trong khoảng thời gian ấy. Sự yên lặng ấy trở nên hùng tráng khi nó là một sự yên lặng nội tâm. Tâm ta bình thản và nhẹ nhàng. Khi các hành động về thân của chúng ta có sự bình an, lắng đọng, tâm cũng được lắng đọng và an bình. Sự yên lặng bên ngoài sẽ trở thành sự yên lặng bên trong. Sự yên lặng bên trong này là nền tảng cho pháp môn lắng nghe. Đây là bản chất của sự thực tập hiện pháp lạc trú và khả năng tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong thân tâm và xung quanh chúng ta. Sự yên lặng bên trong cho chúng ta tiếp xúc với chính mình, với người thân của mình và với những mầu nhiệm của cuộc sống.

Cho  nên, chúng ta bước chân đầu tiên để đi vào cánh cửa giải thoát, hạnh phúc, thiết nghĩ, không có phương thức nào tốt hơn là biết thường xuyên lắng nghe tiếng nói từ nội tâm của chính chúng ta. Bởi vì, có vô số tiếng nói khác nhau, làm cho chúng ta phải chao đảo, thậm chí đi đến những quyết định sai lầm và gây ra hệ lụy khôn lường. Do đó, tiếng nói của nội tâm bao giờ cũng là tiếng nói trung thực nhất. Nó có khả năng mách bảo con tim chúng ta sống biết yêu thương, kết nối với mọi người trong vòng sống tương tục. Từ đó khối óc chúng ta thật sự thông mẫn về trí tuệ, để làm hóa hiện bao điều kỳ diệu cho chính mình, và cho cuộc sống thêm thăng hoa. Vì vậy, trong cuộc hành trình hướng đến chân hạnh phúc, tự thân mỗi cá nhân phải thiết lập cho mình một đời sống, tiến bước trên con đường thực nghiệm tâm linh, hướng tới giác ngộ và giải thoát. 

khi chúng ta thực hành hạnh lắng nghe tiếng nói từ nội tâm, để hiểu và thực hành vào trong đời sống thường nhật, là cái chìa khóa vàng dẫn tới cánh cửa giác ngộ và giải thoát hiện hữu ngay giữa cõi đời này, chứ không phải ở một nơi nào khác xa cách chúng ta.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2011(Xem: 3037)
“Nam Mô A Di Đà Phật” bài pháp tối thắng nhất, mà tôi đã mang đi trong suốt một dặm đời, thân thương như ruột thịt, ân cần như mẹ cha.
03/09/2011(Xem: 5978)
Không ngờ tôi đã tham dự khóa Giáo Lý Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 23, bởi vì đầu gối của tôi vẫn còn đau sau khi giải phẫu nhưng tôi đã quyết đi, không hề nản chí. Và đúng như lời Phật đã dạy: „Mọi chuyện đều khởi đi từ duyên, duyên còn còn hiện hữu, duyên tan mọi sự trở về với trống không“. Tôi tưởng là tôi đã đến sớm trước một ngày nhưng từ 18.7 đã có người đến rồi nên đến nơi đã thấy tấp nập người ra vào và tôi đã nhập vào dòng chảy xôn xao mà vô cùng ngọt ngào đó!
08/08/2011(Xem: 16954)
Phát bồ đề tâm văn là một bài văn rất ngắn, nhưng nội dung của bài văn này, bất cứ người học Phật nào cũng phải nằm lòng, không những vậy mà phải đời đời khắc cốt ghi tâm. Chúng tôi trong những ngày đầu tiên chập chững bước đi trên con đường đạo, may mắn đã đọc được bài văn này. Nếu không có bài văn này có lẽ chúng tôi đã bị dòng thác cuộc đời kéo phăng đi mất. Vậy bài văn này nội dụng nói gì? Văn chỉ cho ta thế nào là tâm phàm phu thế nào là tâm Phật.
23/03/2011(Xem: 4969)
“Hãy đến để thấy” của Ni sư Aya Khema là một chuyên khảo về con đường hạnh phúc của Phật giáo. Tác phẩm này thực chất là một tuyển tập gồm 12 bài nghiên cứu của tác giả được công bố đây đó trong suốt quảng đường hành đạo, được xuất bản lần đầu vào năm 1994.
15/03/2011(Xem: 2734)
Bài pháp có tên là “Phát Bồ-đề Tâm” hay Phát tâm Bồ-đề, tức là tâm giác ngộ. Tất cả quý vị ở đây đều là Phật tử, là con bậc giác ngộ, mình phải học theo bậc giác ngộ. Học phát tâm Bồ-đề là học giác ngộ để xứng đáng với tên Phật tử của mình.
16/02/2011(Xem: 8591)
Bóng trúc bên thềm là tập hợp những trang tùy bút mà tôi đã trải lòng trong những năm gần đây. Chung quy không ngoài những chuyện thường ngày của cuộc sống...
11/02/2011(Xem: 5075)
Đức Phật dạy chúng ta phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống qua sự hiểu biết rõ ràng về bốn sự thật trong đời sống: Khổ, nguyên nhân của khổ, làm thế nào diệt khổ và cách sống an vui hạnh phúc...
10/02/2011(Xem: 5478)
Ít người muốn đối diện với sự thật là các ý nghĩ và cảm nhận của họ đều vô thường. Tuy nhiên, một khi đã biết được như thế rồi thì ít ai có thể phủ nhận sức mạnh của sự thật này...
20/01/2011(Xem: 8390)
Nguyên tác: Mindfulness with Breathing - Unveiling the secrets of life (A manual for serious beginners). Giác niệm về hơi thở - Phát hiện các bí ẩn của đời sống (Thủ bản cho các bạn Phật tử mới quyết tâm tu học). Nguyên tác Thái ngữ: Bhikkhu Buddhadasa (1986). Bản dịch Anh ngữ: Bhikkhu Santikaro (1988). Bản dịch Việt ngữ: Cư sĩ Thiện Nhựt (2004).
20/01/2011(Xem: 3428)
Thiền định là một phương pháp hành thiền có nguồn gốc từ đạo Phật được phát triển vững mạnh trong 3 thập niên qua ở Mỹ và nhiều nước khác. Bài nghiên cứu của Kaelyn Stiles nhằm dẫn chứng và phân tích ý nghĩa về sự phổ biến nổi bật của thiền định trên đất Mỹ và nhận diện những nhân tố góp phần vào trào lưu này. Bài viết chủ yếu trình bày sự giao thoa của chánh niệm và tôn giáo, so sánh hình thức nhập thế của chánh niệm đối với cả hai lối hành thiền trong đạo phật và đạo Chúa tại Mỹ. Tác gỉa rất phấn khởi khi thuyết trình về hai khía cạnh có vẻ tương phản nhau giữa tôn giáo và khoa học liên quan đến thiền và tâm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]