Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Phước Bố Thí Cho Quả Kiếp Hiện Tại

31/07/201201:54(Xem: 9457)
05. Phước Bố Thí Cho Quả Kiếp Hiện Tại

TÌM HIỂU PHƯỚC BỐ THÍ

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp

 

PHƯỚC BỐ THÍ CHO QUẢ KIẾP HIỆN TẠI

Tích người nghèo khó

Tích người nghèo khó Mahāduggata (Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, tích Paṇṇitasāmaṇera-vatthu) tóm lược như sau:

Vào thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Đức Phật cùng với 20 ngàn bậc Thánh A-ra-hán ngự đến thành Bārāṇasī. Một hôm, sau khi độ vật thực xong, Đức Phật thuyết pháp dạy rằng:

Này chư cận sự nam – nữ, trong đời này:

- Có số người tự mình làm phước bố thí, mà không động viên khuyến khích người khác cùng làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có được nhiều của cải đầy đủ, nhưng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

- Có số người động viên khuyến khích người khác làm phước bố thí, còn mình thì không chịu đem của cải làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, nhưng không có nhiều của cải.

- Có số người tự mình không làm phước bố thí, cũng không động viên khuyến khích người khác làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng không có của cải, nghèo khổ và cũng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

- Có số người tự mình làm phước bố thí, lại còn động viên khuyến khích người khác cũng làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có được của cải đầy đủ, giàu sang phú quý và còn có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, sống an lạc hạnh phúc....

Một người cận sự nam có trí tuệ ngồi nghe pháp, suy tư rằng: "ta muốn có được nhiều của cải và được nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết".

Người ấy đảnh lễ Đức Phật bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng tất cả 20.000 chư Đại Đức Tăng, để làm phước bố thí vật thực.

Đức Phật làm thinh nhận lời, ông trở về đi thông báo cho toàn thể dân chúng trong thành biết rằng ngày mai ông sẽ làm phước bố thí đến Đức Phật cùng tất cả 20.000 chư Đại Đức Tăng, ai có khả năng làm phước bố thí đến bao nhiêu vị, xin ghi danh. Có gia đình đăng ký 10 vị, 20 vị, 100 vị... v.v....

Khi gặp cậu Mahāduggata là người nghèo khó nhất trong thành, ông động viên khuyến khích rằng:

Này cậu Mahāduggata, ngày mai, tôi có thỉnh Đức Phật cùng 20.000 Đại Đức Tăng để làm phước bố thí, cậu có khả năng làm phước bố thí được bao nhiêu vị?

Thưa ông, gia đình con nghèo khó, vợ chồng con đi làm thuê, làm được ngày nào ăn ngày ấy còn không đủ nữa, thì lấy gì mà làm phước bố thí thưa ông?

- Này cậu Mahāduggata, trong thành này, những người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, có quyền cao chức trọng... là do nhờ quả của phước thiện bố thí. Còn gia đình cậu, ngày qua ngày làm thuê mà không đủ ăn, đó là do không làm phước bố thí, cậu có hiểu biết rõ như vậy không?

- Thưa ông, con hiểu rồi, xin ông cho gia đình con một vị Đại Đức Tăng, để cho gia đình con làm phước bố thí ngày mai.

Ông cận sự nam hoan hỉ chấp thuận cho gia đình cậu Mahāduggata thỉnh một vị Đại Đức Tăng, để làm phước bố thí vào ngày mai, nhưng ông quên ghi vào danh sách, tiếp tục đi động viên khuyến khích người khác nhận đủ 20.000 vị Đại Đức Tăng.

Sau khi được ông cận sự nam cho lãnh một vị Đại Đức để làm phước bố thí vào ngày mai, cậu Mahāduggata vô cùng hoan hỉ, trở về báo tin cho người vợ hay biết, người vợ cũng vô cùng hoan hỉ, bàn tính nhau làm thuê kiếm gạo, đồ ăn về để ngày mai làm phước bố thí đến một vị Đại Đức.

Mahāduggata đi tìm việc làm, ông phú hộ nhìn thấy cậu gọi lại thuê chẻ đống củi, để ngày mai nấu đồ ăn dâng cúng đến chư Đại Đức Tăng, cậu vô cùng hoan hỉ, lấy búa chẻ một lát là xong ngay, ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:

- Này Mahāduggata, sao hôm nay cậu làm việc siêng năng và nhanh nhẹn đến thế?

- Thưa ông, ngày mai gia đình con có làm phước bố thí đến một vị Đại Đức, nên con cảm thấy hoan hỉ, sung sướng làm việc không biết mệt.

Ông phú hộ ca tụng cậu, làm một việc khó làm. Ông trả công cho 4 ô gạo sāli (loại gạo ngon).

Về phần vợ của cậu đi giúp việc nhà bếp cho bà phú hộ, cô rất hân hoan làm công việc nhà bếp sạch sẽ gọn gàng, nhanh nhẹn, làm cho bà phú hộ hài lòng lại vừa ngạc nhiên hỏi.

- Này con, sao hôm nay con có vẻ vui sướng, làm việc giỏi quá vậy?

- Thưa bà, ngày mai gia đình con có làm phước bố thí đến một vị Đại Đức, nên con cảm thấy sung sướng làm việc để được những món gia vị làm đồ ăn ngày mai.

Nghe nói vậy, bà phú hộ ca tụng làm một việc khó làm! Bà trả công bằng bơ, dầu, đồ dùng....

Vợ chồng Mahāduggata vô cùng hoan hỉ được gạo ngon, dầu bơ, đồ dùng để làm phước bố thí vào hôm sau.

Sáng sớm hôm sau, người vợ thưa với chồng, sáng nay anh đi kiếm một ít rau về nấu một bát canh, Mahāduggata đi ra khỏi nhà, vừa đi vừa ca hát, đi ngang bến ghe chài; đêm hôm trước, người dân chài bắt được nhiều cá vừa cập bến, nghe tiếng ca hát của Mahāduggata bèn gọi:

- Này Mahāduggata cậu đi đâu đó? Sao hôm nay vui sướng quá vậy? Hãy xuống đây giúp tôi đem cá bán, rồi tôi sẽ cho ít con cá.

- Này bạn, hôm nay gia đình tôi có làm phước bố thí đến một vị Đại Đức, tôi vui sướng đi tìm rau về nấu canh, may quá, có được cá lại càng tốt.

Mahāduggata hăng hái đem cá bán, hôm ấy dân chúng trong thành mua cá làm đồ ăn để làm phước bố thí cúng dường đến chư Đại Đức Tăng, nên phần cá bán không còn con nào cả. Cậu nóng lòng muốn về nhà cho kịp làm phước bố thí, bèn hỏi người chủ thuyền:

- Này bạn, phần cá của tôi đâu?

- Bạn đừng lo, tôi còn một phần cá đặc biệt cất dưới ghe, để tôi lấy cho bạn.

Người chủ đem cho Mahāduggata 4 con cá hồi (Rohitamaccha).Cậu vội vàng đem về nhà.

Canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ; Đức Phật nhìn thấy Mahāduggata là người có đức tin trong sạch, nhận lãnh một vị Đại Đức để làm phước bố thí, nhưng người cận sự nam quên ghi vào danh sách, đến khi Mahāduggata gặp người cận sự nam xin nhận lãnh vị Đại Đức thỉnh về nhà, thì không còn một vị Đại Đức nào cả. Vậy chính Như Lai sẽ tế độ Mahāduggata mà thôi.

Vua trời Sakka cảm thấy chỗ ngồi phát nóng, quán xét thấy rõ hôm nay Mahāduggata sẽ làm phước bố thí cúng dường Đức Phật, nên hiện xuống giúp đỡ y để tạo phước thiện. Vua trời Sakka biến hóa thành một người đầu bếp tài giỏi đến xin giúp việc cho Mahāduggata không lấy tiền công, chỉ bỏ công làm phước thiện mà thôi. Mahāduggata đồng ý chấp thuận, xin mời vào nhà lo giúp việc nấu ăn, vua trời Sakka nấu cơm, các món ăn đều bỏ đồ gia vị cõi trời, hương trời, đức vua Sakka bảo rằng:

- Này bạn, công việc nấu nướng để tôi lo, bạn đi thỉnh vị Đại Đức về nhà cho kịp giờ.

Mahāduggata đi đến tìm người cận sự nam xin thỉnh một vị Đại Đức, mà ông đã động viên khuyến khích. Khi đến gặp ông, hởi ôi! Ông đã quên, nên không còn một vị Đại Đức nào cả, y thất vọng buồn tủi ôm mặt khóc; mọi người nhìn thấy y đáng thương và trách người cận sự nam ấy, người cận sự nam ấy an ủi y và hướng dẫn y rằng: còn Đức Phật ở trong cốc chưa mở cửa. Đức vua, các quan, phú hộ đang trông chờ Đức Phật mở cửa để thỉnh bát của Ngài. Chư Phật thường tế độ những người nghèo khó, vậy nhà ngươi hãy vào xin Đức Phật tế độ.

Nghe nói vậy, đôi mắt của Mahāduggata sáng lên, niềm hy vọng phát sanh, y dũng cảm đến trước cửa cốc, đảnh lễ, đầu va chạm vào cửa, bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, trong thành này người nghèo khó hơn con không có, kính xin Ngài có lòng đại bi tế độ con, bạch Ngài.

Đức Phật mở cửa trao bình bát trên tay y. Y được bình bát của Đức Phật mừng hơn được ngai vàng của Đức Chuyển luân thánh vương. Đức vua, các quan, phú hộ xin lại bình bát trên tay y hứa sẽ ban cho y nhiều tiền của, nhưng y không màng đến.

Y kính thỉnh Đức Phật về đến nhà, Đức vua trời Sakka hóa thành người đầu bếp đã làm xong vật thực ngon lành, trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Đức Phật vào nhà.

Khi Đức Phật bước vào, thì căn nhà cao hẳn lên, nên Ngài không phải cúi khom người xuống, Ngài ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn. Còn Đức vua trời là người đầu bếp đã làm xong những món vật thực, liền bảo Mahāduggata đem những món vật thực dâng cúng đến Đức Phật. Mùi thơm của các món vật thực toả khắp cả kinh thành Bārāṇasī. Trong khi đó, Đức vua cùng các quan, phú hộ đi theo sau Đức Phật đến nhà của Mahāduggata để biết xem y làm phước bố thí cúng dường Đức Phật bằng những món vật thực gì, khi đến nơi ngửi được mùi thơm của những món vật thực, mà trong đời chưa từng ngửi bao giờ. Đức vua trời Sakka đảnh lễ Đức Phật.

Độ vật thực xong, Đức Phật thuyết pháp tế độ gia đình Mahāduggata, rồi Ngài ngự trở về chùa, Mahāduggata ôm bát theo sau tiễn đưa Đức Phật.

Đức vua trời Sakka hoan hỉ phước thiện bố thí xong, cũng trở về cung Tam thập tam thiên.

Khi Mahāduggata trở về đứng trước cửa, nhìn thấy từ hư không mưa rơi 7 thứ báu vật xuống đầy nhà, người vợ dắt tay đứa con ra khỏi nhà, trong nhà đầy cả 7 thứ báu vật không còn chỗ nào trống.

Y nghĩ rằng: "đó là quả báu của phước thiện bố thí của chúng ta ngày hôm nay". Mahāduggata liền đến hầu Đức vua tâu rằng:

- Tâu Đức vua, nhà của tiện dân đầy cả thất báu, xin bệ hạ đem 1.000 chiếc xe đến nhà tiện dân chở tất cả thất báu ấy về cung điện.

Đức vua truyền quân lính trong triều đình đem 1.000 chiếc xe chở tất cả 7 thứ báu vật đem về chất thành đống trước sân rồng. Đức vua truyền hỏi:

- Trong thành này, người nào có của cải nhiều như thế này không?

Tất cả - Tâu Hoàng thượng, không một người nào có nhiều của báu như thế cả. đều tâu.

Do đó, Đức vua tấn phong Mahāduggata địa vị đại phú hộ, rồi truyền rằng: tất cả của cải này là quả báu phước thiện bố thí của nhà ngươi, vậy nhà ngươi hãy nhận lấy.

Đức vua cấp đất đai, xây cất những căn nhà lớn, cấp nhiều gia nhân. Khi xây cất nhà xong, phú hộ Mahāduggata thỉnh Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng làm phước đại bố thí suốt 7 ngày và từ đó về sau y thường bố thí, giữ giới, tạo mọi thiện pháp cho đến hết tuổi thọ, do năng lực mọi phước thiện ấy cho quả tái sanh lên cõi trời dục giới hưởng mọi sự an lạc.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của Mahāduggata, do năng lực phước thiện ấy cho quả tái sanh vào lòng con gái của gia đình phú hộ, là người hộ độ Ngài Đại Đức Sāriputta, khi sanh ra đời đặt tên là "Paṇṇita".

Lớn lên 7 tuổi, cậu bé Paṇṇita xin mẹ cha cho phép xuất gia trở thành Sa di Paṇṇita với Ngài Đại Đức Sāriputta là thầy tế độ.

Cha mẹ của Ngài đến chùa làm phước thiện bố thí vật thực đặc biệt có món cá hồi (Rohitamaccha)đến Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng, suốt 7 ngày. Qua đến ngày thứ 8, Sa di Paṇṇita tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Đạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hoàn thành xong phận sự của Sa môn.

Ngài Đại Đức Sāriputta đi khất thực độ xong, còn đem một phần vật thực, trong đó có món cá hồi về cho Sa di Paṇṇita, theo nguyện vọng của Sa di, người đệ tử có sắc thân bé nhỏ, song tâm là bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Làm phước bố thí đến Đức Phật với đức tin trong sạch, hoan hỉ trong phước thiện, quả báu của phước thiện bố thí ấy không chỉ ngay trong kiếp hiện tại giàu sang phú quý, những kiếp vị lai đầy đủ của cải thế gian, mà còn kiếp chót cũng có đầy đủ 9 pháp siêu tam giới đó là: 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn nữa.

Tích Gia Đình Ông Puṇṇa

Trong thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta, có gia đình ông Puṇṇa [Chú giải Dhammapada, trong tích Uttarāupāsikā] nghèo khó, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, toàn thể mọi người trong gia đình đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

Một hôm, buổi sáng ông đi cày ruộng; cũng vào buổi sáng ấy, Ngài Đại Đức Sāriputta xả diệt thọ tưởng định (suốt 7 ngày đêm qua),đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài đi thẳng về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng. Ông Puṇṇa nhìn thấy Ngài Đại Đức Sāriputta liền bỏ cày đến hầu đảnh lễ Ngài, dâng cúng cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống. Ngài Đại Đức Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại Đức Sāriputta xong, bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại Đức, kính xin Ngài từ bi thọ nhận phần vật thực, phận nghèo khó của gia đình chúng con.

Ngài Đại Đức Sāriputta từ bi tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực, bà vô cùng hoan hỉ phát nguyện:

- Do nhờ phước thiện bố thí này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần pháp mà Ngài đã chứng đắc.

Ngài Đại Đức Sāriputta phúc chúc rằng:

- Mong cho gia đình các con được toại nguyện.

Bà vô cùng hoan hỉ đi trở về nhà nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, vội vàng mang cơm ra đồng ruộng với tâm hoan hỉ phước thiện bố thí đến Ngài Đại Đức Sāriputta làm cho thân tâm của bà nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao giấu được.

Còn phần ông Puṇṇa trễ giờ đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới bóng mát cây chờ đợi vợ, dầu đói bụng nhưng tâm vẫn hoan hỉ, niệm tưởng lại việc làm phước thiện bố thí tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại Đức Sāriputta. Ông nhìn thấy từ xa, vợ mình đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường, chắc chắn bà đang hoan hỉ một điều gì đó. Bà vừa đến nơi liền thưa với chồng rằng:

- Hôm nay, xin anh hoan hỉ thật nhiều! Sáng nay, em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại Đức Sāriputta đang đi khất thực, em phát sanh đức tin trong sạch, đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Đại Đức Sāriputta, Ngài không chê vật thực nghèo khó của chúng mình. Ngài Đại Đức có tâm từ bi tế độ thọ nhận tất cả vật thực phần của anh; xin anh nên hoan hỉ phần phước thiện bố thí này!

Ông Puṇṇa vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát sanh thiện tâm hỉ lạc đến cực độ; nên không thể theo dõi liên tục trọn vẹn lời nói của vợ ông. Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính mình nghe đúng sự thật là như vậy không, nên ông bảo với vợ rằng:

- Này em, em hãy nói lại cho anh nghe một lần nữa!

Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí của vợ, đã đem phần cơm của mình cúng dường đến Ngài Đại Đức Sāriputta, đồng thời ông cũng nói cho vợ biết, cũng chính sáng hôm ấy, ông đã làm phước thiện bố thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại Đức Sāriputta; nghe xong, bà cũng vô cùng hoan hỉ việc phước thiện bố thí của chồng.

Hai vợ chồng cùng nhau hoan hỉ việc phước thí cúng dường đến Ngài Đại Đức Sāriputta, ông dùng cơm xong nằm niệm tưởng việc phước thiện bố thí hôm nay, mới thiu thiu giấc ngủ, ông bừng tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất cày ruộng hồi sáng đã hóa thành những thỏi vàng y (vàng ròng) làm cho ông hoa cả mắt; và vợ của ông cũng như ông vậy. Ông lấy lại bình tỉnh đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng, đem khoe và nói với vợ rằng:

- Này em, vợ chồng chúng ta đã làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại Đức Sāriputta, do phước thiện bố thí ấy, liền cho quả báu đến vợ chồng chúng ta ngày hôm nay, chúng ta không thể nào dấu một số vàng lớn như thế này được!

Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Đức vua và tâu rằng:

- Tâu Đức vua, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày hóa thành những thỏi vàng ròng, kính xin Đức vua truyền lệnh cho binh lính đem xe đến chở về cất trong kho báu của Đức vua.

- Nhà người là ai? – Đức vua hỏi.

- Tâu Đức vua, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê. – Puṇṇa tâu.

- Sáng nay, nhà ngươi đã làm việc gì đặc biệt vậy?

- Tâu Đức vua, tiện dân làm phước cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Đại Đức Sāriputta; còn phần vợ tiện dân làm phước cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Đại Đức.

Đức vua phán rằng:

- Này Puṇṇa, vợ chồng ngươi đã làm phước thiện bố thí cúng dường trong sạch đến cho Ngài Đại Đức Sāriputta, cho nên, quả báu phát sanh ngay trong ngày hôm nay. Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?

- Tâu Đức vua, tiện dân xin Đức vua truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện. – Puṇṇa tâu.

Đức vua truyền lệnh đem hàng ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, nhóm lính trong triều nói rằng: "Vàng của Đức vua!",tức thì những thỏi vàng được lấy lên, hóa trở lại thành đất như cũ. Chúng về triều tâu lên Đức vua sự việc xảy ra như vậy. Đức vua sáng suốt bèn phán rằng:

- Các ngươi nghĩ như thế nào, khi lấy những thỏi vàng ấy?

- Tâu Hoàng Thượng, chúng thần nghĩ và nói rằng: "Vàng của Đức vua!".

- Số vàng ròng kia không phải của Trẫm. Các người nên trở lại nghĩ và nói rằng: "Vàng của ông bà Puṇṇa!"rồi khuân số vàng ấy về đây. – Đức vua phán.

Họ vâng lệnh Đức vua ra đi. Thật đúng vậy, lần này họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về, chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.

Đức vua cho truyền dân chúng trong thành hội họp tại sân rồng, bèn hỏi rằng:

- Trong kinh thành này, người nào khác có số vàng lớn như thế này không?

- Tâu Hoàng Thượng, không có người nào khác cả! – Toàn thể dân chúng trong thành tâu.

- Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?

- Xin Hoàng thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.

Đức vua phán rằng:

- Này Puṇṇa, từ nay ngươi là đại phú hộ, có tên Bahudhanaseṭṭhi: phú hộ nhiều của cải.

Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, có Đức Phật chủ trì suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 Đức Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa, toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa, hai vợ chồng và đứa con gái tên Uttarā đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Vợ chồng ông Puṇṇa làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại Đức Sāriputta vừa xả diệt thọ tưởng định, do năng lực phước thiện bố thí trong sạch và hội đủ nhân duyên ấy, liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, trở thành đại phú hộ nhiều của cải thế gian và đặc biệt hơn nữa, toàn gia đình chứng đắc pháp siêu tam giới đó là Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Những trường hợp như trên, có không ít trong Phật giáo.

Phước bố thí cho quả hiện tại

Làm phước thiện bố thí có quả báu ngay trong kiếp sống hiện tại trong vòng 7 ngày, cần phải hội đủ 4 nhân duyên như sau:

1- Bậc thọ thí phải là bậc Thánh Bất Lai hoặc bậc Thánh A-ra-hán (vatthusampadā).

2- Vật bố thí phát sanh hoàn toàn hợp pháp và trong sạch (paccayasampadā).

3- Người bố thí có đầy đủ 3 thời tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ: trước khi làm phước thiện bố thí, đang khi làm phước thiện bố thí và sau khi đã làm phước thiện bố thí xong (cetanāsampadā).

4- Bậc Thánh Bất Lai hoặc bậc Thánh A-ra-hán vừa mới xả diệt thọ tưởng định, đi khất thực (guṇātire-kasampadā).

Do năng lực hội đầy đủ 4 nhân duyên này, chắc chắn sẽ được quả báu của phước thiện bố thí ấy trong vòng 7 ngày.

Năng Lực Của Tác Ý Bố Thí

Chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi [Bộ Jātaka, trong tích Kuṇālajātaka] trong tích tiền thân của Đức Phật, truyện Kuṇālajātaka được tóm lược như sau:

Chánh cung hoàng hậu có tên Pañcapāpi, bởi vì trên thân hình của bà có 5 bộ phận xấu xí đáng ghê sợ, đó là: tay, chân, miệng, mắt, mũi.

Bà Pañcapāpi là chánh cung hoàng hậu của hai Đức vua: Đức vua Baka xứ Bārāṇasī và Đức vua Bāvarika. Bà làm cho cả hai Đức vua sủng ái đến cực độ, mà bỏ bê việc triều chính. Truyện ghi lại rằng:

Thời quá khứ, trong xóm nhà gần cửa thành Bārāṇasī, một gia đình nghèo có cô gái tên Pañcapāpi, bởi vì thân hình cô có 5 bộ phận xấu xí đáng ghê sợ. Ban đêm bọn trẻ trong xóm thường thích cô chơi trò chạy đuổi bắt nhau, đứa nào được cô bắt ôm lấy, cảm thấy sung sướng lắm. Một đêm, Đức vua Baka trị vì kinh thành Bārāṇasī giả dạng dân thường ngự đi quan sát trong thành, đến xóm nhà gặp bọn trẻ đang chơi trò đuổi bắt nhau; cô không biết, bắt nhầm phải Đức vua, Đức vua cảm thấy đê mê cả người, như xúc chạm phải thân hình của thiên nữ. Đức vua đưa tay sờ vào thân hình cô, cảm giác sướng mê mẫn cả người, Đức vua phát sanh tâm tham ái trong xúc trần của nàng. Đức vua truyền rằng:

- Nhà cô ở đâu? Có chồng hay chưa?

- Nhà thiếp ở gần cửa thành, thiếp chưa có chồng. – Cô gái thưa.

Đức vua truyền rằng:

- Ta sẽ là người chồng của cô; cô hãy về nhà xin phép cha mẹ cô.

Cô Pañcapāpi đi về nhà xin phép cha mẹ rằng:

- Thưa cha mẹ, có một người đàn ông muốn lấy con làm vợ.

Cha mẹ cô nghĩ rằng: người đàn ông ấy chắc không phải là người nghèo khổ,nên bảo rằng:

- Người đàn ông ấy muốn lấy con làm vợ, thì phước cho con lắm rồi.

Cô Pañcapāpi báo tin mừng cho người đàn ông biết rằng:

- Cha mẹ thiếp đã đồng ý chấp thuận.

Đức vua Baka ngự đến nhà ở với nàng gần rạng đông mới trở về cung điện. Từ đó về sau hằng đêm, Đức vua Baka giả dạng dân thường, đến sống chung với nàng Pañcapāpi, mà không hề đoái tưởng đến hoàng hậu, cung phi mỹ nữ khác trong triều.

Một hôm, người cha của cô Pañcapāpi bị lâm bệnh xuất huyết, thầy thuốc bảo bệnh này chỉ có dùng món thuốc bằng cơm nấu sữa tươi cùng với bơ lỏng, mật ong, đường thốt nốt gọi là "cơm sữa Pāyāsa"; mới chữa khỏi được. Gia đình nghèo khổ như cha mẹ cô làm sao có được món aên thượng hạng ấy, nên bà mẹ than thở với cô Pañcapāpi rằng: căn bệnh hiểm nghèo của cha con chỉ có cơm nấu bằng sữa tươi mới trị khỏi được; vậy chồng của con có thể tìm được món cơm sữa pāyāsa ấy hay không?

- Thưa mẹ, chồng con trông bộ nghèo lắm thì phải? Nhưng con sẽ thử hỏi chồng con xem, xin mẹ đừng lo lắng quá!

Nàng Pañcapāpi có vẻ nóng lòng chờ đợi Đức vua, khi Đức vua ngự đến biết cô đang khổ tâm, nên truyền dạy rằng:

- Này em, em đang khổ tâm việc gì vậy?

Nàng thổ lộ nỗi buồn rầu đau khổ về căn bệnh hiểm nghèo của cha mình, phải cần đến món cơm nấu bằng sữa tươi "pāyāsa" mới có thể chữa trị khỏi bệnh được.

Nghe vậy, Đức vua truyền rằng:

- Này em, những người giàu sang phú quý mới có được món ăn đó, còn chúng ta làm sao có được!

Đức vua nghĩ rằng: hằng đêm, ta không thể đi lại như thế này mãi được, có thể nguy hiểm đến tánh mạng. Tốt hơn, ta nên tìm cách đưa nàng Pañcapāpi vào cung mà không để cho ai chê trách rằng: "Đức vua của chúng ta sống chung với người đàn bà xấu xí như nữ dạ xoa". Muốn vậy, ta nên để toàn thể dân chúng trong thành, các quan quân trong triều đụng chạm đến bàn tay kỳ diệu của nàng, có sự cảm giác sướng mê mẫn cả người trước, may ra, ta mới mong khỏi bị chê trách.

Đức vua truyền an ủi rằng:

- Này em, đừng lo lắng khổ tâm! Anh sẽ cố gắng tìm cho được món cơm sữa "pāyāsa" cho cha em.

Đức vua ở với nàng đến gần rạng đông mới ngự trở về cung. Sáng hôm ấy, Đức vua truyền lệnh nấu cơm sữa pāyāsa chia làm hai gói, một gói để vào hộp Cuḷāmānī (hộp ngọc quý Manī) niêm phong kỹ, còn một gói để ngoài. Ban đêm, Đức vua ngự đem đến nhà nàng Pañcapāpi, căn dặn nàng rằng:

- Này em, anh là người nghèo, có được món cơm sữa pāyāsa này khó khăn lắm, em thưa với cha em rằng: hôm nay, dùng gói cơm này, còn gói cơm trong hộp để dành ngày mai, nghe em!

Cô Pañcapāpi làm đúng theo lời của Đức vua truyền, cha của cô dùng một gói cơm sữa pāyāsa là món ăn có nhiều chất bổ dưỡng cao, nên cảm thấy thân tâm được an lạc ngay. Ông dùng gói cơm không hết, phần còn lại, mẹ cô và cô cùng nhau thưởng thức. Còn một gói cơm sữa pāyāsa để trong hộp Cuḷāmānī để dành cho ngày hôm sau.

Sáng hôm ấy, khi trở về cung, Đức vua truyền lệnh quan hầu đem hộp Cuḷāmānī ra dâng, không tìm thấy, vị quan hầu tâu Đức vua rằng:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần không tìm thấy hộp Cuḷāmānī đâu cả.

Đức vua truyền lệnh lục soát trong cung và các nhà giàu, nghèo trong thành.

Theo lệnh truyền của Đức vua, quân lính đi lục soát khắp mọi nơi, cuối cùng tìm thấy hộp Cuḷāmānī trong nhà nghèo, cha mẹ của cô Pañcapāpi. Quân lính trong triều bắt tội cha mẹ cô, cho họ là những kẻ đã trộm hộp Cuḷāmānī của Đức vua.

Cha mẹ cô một mực chối không phải là kẻ trộm, cái hộp Cuḷāmānī ấy do người con rể đem đến. Khi tra hỏi người con rể ở đâu, ông bà không biết, chỉ có người con gái biết mà thôi.

Cha cô hỏi:

- Chồng con ở đâu, con có biết không?

- Thưa cha, con không biết chồng con ở đâu. – Cô Pañcapāpi thưa.

Người cha than rằng:

- Nếu như vậy, chắc cha sẽ bị tội tử hình.

Cô Pañcapāpi thưa với quân lính triều đình rằng:

- Chồng của tiện thiếp đến lúc ban đêm, đi về lúc gần rạng đông, nên tiện thiếp không biết hình dáng như thế nào, nhưng chắc chắn khi xúc chạm bàn tay thì biết ngay.

Quân lính triều đình trở về tâu lên Đức vua Baka theo lời khai của cô Pañcapāpi, Đức vua giả bộ không hay biết truyền lệnh rằng:

- Nếu như vậy, hãy bắt người con gái ấy đem về sân rồng, để ngồi trong phòng có màn che kín, khoét một lỗ, vừa chìa bàn tay vào để cho cô xúc chạm; và truyền lệnh tập trung toàn thể những người đàn ông trong kinh thành đến cho cô xúc chạm bàn tay, để cô phát giác ra kẻ trộm.

Theo lệnh của Đức vua, quân lính triều đình đến nhà cô Pañcapāpi, nhìn thấy cô có thân hình xấu xí đáng ghê tởm, như quỷ, ai ai cũng đều không muốn đụng vào người cô. Khi đưa cô về sân rồng, ngồi trong phòng có màn che kín, có một lỗ nhỏ vừa chìa bàn tay vào. Tập trung toàn thể những người đàn ông trong thành, sắp thành hàng tuần tự đi ngang qua chỗ cô ngồi, chìa tay vào lỗ nhỏ để cho cô xúc chạm; bất cứ người đàn ông nào, được cô xúc chạm bàn tay của mình rồi, đều có cảm giác sướng mê mẫn cả người, ai ai cũng đều gật gù tấm tắc khen: "Tuyệt vời! Tuyệt vời!"chưa từng xúc chạm một người nào như thế này, cô ta như là một thiên nữ, mới có được xúc trần tuyệt vời đến vậy! Nếu được rước cô về nhà, dầu phải bỏ ra bao nhiêu của cải vàng bạc cũng không tiếc. Cho nên, người nào được cô xúc chạm rồi không muốn rời, đến nỗi lính phải kéo đi. Toàn thể những người đàn ông trong kinh thành hết rồi, mà cô chưa phát giác ra được kẻ trộm, đến lượt các quân lính, các quan trong triều, cho đến đức phó vương được cô xúc chạm bàn tay của mình cũng đều có cảm giác sướng mê mẫn cả người, làm cho mê hồn; cô vẫn chưa phát giác ra được kẻ trộm. Cuối cùng Đức vua Baka phán rằng:

- Bây giờ đến phiên Trẫm.

Đức vua ngự qua chìa bàn tay vào; cô vừa xúc chạm bàn tay của Đức vua liền la lớn lên rằng:

- Phát giác được kẻ trộm rồi!

Khi ấy, Đức vua truyền hỏi các quan rằng:

- Khi nàng xúc chạm bàn tay của các khanh, các khanh có cảm giác thế nào?

Các quan thành thật tâu đúng theo ý nghĩ và cảm giác của mình. Đức vua phán rằng:

- Trẫm cố ý muốn bày ra mưu kế này, là muốn rước nàng về cung, nhưng còn e ngại chưa dám, vì nghĩ rằng: khi các khanh không biết sự xúc trần tuyệt vời của nàng, sẽ chê trách Trẫm. Vì vậy, Trẫm muốn các khanh đều biết, bây giờ các khanh nghĩ thế nào? Nàng xứng đáng thuộc về ai?

Các quan đồng tâu rằng:

- Nàng xứng đáng thuộc về Thánh Thượng, sống trong cung điện.

Đức vua Baka xứ Bārāṇasī tấn phong nàng Pañcapāpi lên ngôi chánh cung hoàng hậu của Đức vua, và ban thưởng cho cha mẹ của nàng địa vị cao quý và nhiều của cải.

Từ đó, ngày đêm, Đức vua say mê đắm đuối sủng ái chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi, cho đến nỗi không còn biết đến các hoàng hậu, cung phi mỹ nữ khác, thậm chí bỏ bê cả việc triều chính.

Một hôm, hoàng hậu Pañcapāpi nằm mộng thấy hiện tượng, mình trở thành chánh cung hoàng hậu của hai Đức vua, hoàng hậu tâu giấc mộng này lên Đức vua Baka. Đức vua truyền lệnh gọi vị quân sư đoán mộng vào chầu, Đức vua truyền hỏi rằng:

- Này quân sư, giấc mộng của hoàng hậu như vậy, điều gì sẽ xảy ra cho Trẫm và ngai vàng của Trẫm?

Vốn không muốn chánh cung hoàng hậu làm mê hoặc Đức vua, bỏ bê việc triều chính, vị quân sư căn cứ vào giấc mộng, đoán mộng theo ý thiên vị của mình:

- Tâu bệ hạ, hoàng hậu mộng thấy ngồi trên cổ bạch tượng, đó là hiện tượng báo trước bệ hạ sẽ gặp hoạ, có thể sẽ băng hà. Và mộng thấy ngồi trên cổ bạch tượng sờ mặt trăng chơi, đó là hiện tượng báo trước, xui kẻ thù đến với bệ hạ.

Đức vua truyền hỏi rằng:

- Nếu như vậy nên xử cách nào?

- Tâu bệ hạ, không nên xử tội chánh cung hoàng hậu, mà nên đày bà xuống thuyền, cho thả trôi theo dòng nước.

Đức vua Baka đưa chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi xuống thuyền cùng với vật thực và các đồ trang sức quý giá, đến lúc ban đêm thả trôi theo dòng nước. Thuyền của chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi trôi đến ranh giới đất nước của Đức vua Bāvarika, gặp lúc Đức vua xứ ấy đang chơi thuyền trên sông cùng với vị quan thừa tướng. Nhìn thấy chiếc thuyền trôi đến vị thừa tướng liền nói lên rằng: "chiếc thuyền ấy của thần",và Đức vua Bāvarika phán rằng: "vật trong thuyền của Trẫm".Chiếc thuyền đến gần, Đức vua nhìn thấy nàng Pañcapāpi truyền hỏi rằng:

- Nàng tên gì? Sao thân hình giống như con quỷ vậy?

Nàng Pañcapāpi cười duyên tâu rằng:

- Thiếp là Pañcapāpi chánh cung hoàng hậu của Đức vua Baka, và tâu trình mọi việc xảy ra cho Đức vua biết.

Nàng Pañcapāpi có tiếng tăm vang lừng khắp cõi Nam thiện bộ châu, Đức vua Bāvarika nắm tay nàng bước khỏi thuyền, vừa xúc chạm đến bàn tay kỳ diệu của nàng, Đức vua có cảm giác sướng mê mẫn cả người, liền phát sanh tham ái trong xúc trần của nàng; Đức vua rước nàng về cung điện và tấn phong nàng lên ngôi chánh cung hoàng hậu, Đức vua ngày đêm sủng ái chỉ một mình hoàng hậu, không còn nghĩ đến hoàng hậu, các cung phi mỹ nữ khác.

Đức vua Baka xứ Bārāṇasī nghe tin Đức vua Bāvarika rước hoàng hậu Pañcapāpi về tấn phong lên ngôi chánh cung hoàng hậu, nghĩ rằng: ta sẽ không chịu để cho Đức vua Bāvarika tấn phong chánh cung hoàng hậu của ta ở ngôi chánh cung hoàng hậu của Người.Đức vua Baka kéo quân đến nghỉ bên sông, gởi tối hậu thư rằng:

- Đức vua Bāvarika hãy giao trả chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi lại cho ta; nếu không, 2 nước sẽ xảy ra chiến tranh với nhau.

Đức vua Bāvarika đáp lại rằng:

- Thà ta chịu chiến tranh, chứ không chịu giao trả chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi.

Hai nước chuẩn bị gây chiến với nhau để tranh giành chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi, thì hai nhóm quan của hai Đức vua gặp thảo luận với nhau rằng:

- Hai nước láng giềng chúng ta gây chiến với nhau, giết chết nhau vì nguyên nhân tranh giành nhau một người đàn bà, đó là điều không hợp lý. Như vậy, chúng ta nên tìm một giải pháp ôn hoà để ổn thoả hai bên.

Xét thấy rằng, nàng Pañcapāpi đã từng là chánh cung hoàng hậu của Đức vua Baka; vì tình nghĩa phu thê gắn bó, vậy nàng nên thuộc về Đức vua Baka. Và nàng Pañcapāpi được Đức vua Bāvarika rước từ dưới thuyền ở giữa dòng sông về đã tấn phong chánh cung hoàng hậu, vậy nàng cũng nên thuộc về Đức vua Bāvarika.

Như vậy, nàng Pañcapāpi đương nhiên là chánh cung hoàng hậu của hai Đức vua.

Hai nhóm quan, mỗi nhóm về tâu Đức vua của mình, hai Đức vua đều hài lòng đồng ý với cách dàn xếp ấy. Hai nước cùng nhau xây cất một lâu đài ngay biên giới của 2 nước, làm nơi trú quán của chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi. Nàng Pañcapāpi trở thành chánh cung hoàng hậu của hai Đức vua: Đức vua Baka và Đức vua Bāvarika. Mỗi Đức vua ngự đến sống chung với chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi 7 ngày, qua 7 ngày đến phiên Đức vua khác, cứ như vậy thay phiên nhau.

Do quả của nghiệp nào mà trên thân hình của cô Pañcapāpi có 5 bộ phận xấu xí, đáng ghê tởm? Và do quả của nghiệp nào, trên thân thể của cô có xúc trần tuyệt vời, hễ ai xúc chạm đến thân hình của cô đều có cảm giác sướng mê mẫn cả người, phát sanh tâm tham ái trong xúc trần của cô? Do quả của nghiệp nào, cô trở thành chánh cung hoàng hậu của 2 Đức vua 2 nước?

Tất cả quả của nghiệp chắc chắn đều do từ nghiệp. Có khi do nghiệp hiện tại, có khi do nghiệp quá khứ.

Trường hợp nàng Pañcapāpi là do nghiệp ở quá khứ tiền kiếp của cô.

Trong truyện tiền thân Kuṇālajātaka, có đoạn nói về tiền kiếp của nàng Pañcapāpi tóm lược như sau:

Tiền kiếp của nàng Pañcapāpi là cô gái của một gia đình nghèo, làm nghề nhồi đất sét trát vách nhà.

Một hôm, có Đức Phật Độc Giác nghĩ rằng: tìm đất sét nhuyễn ở đâu đem về trát vách cho kín để ở? Ta nên vào trong kinh thành Bārāṇasī vậy.

Nghĩ xong, Ngài mặc y mang bát ngự vào trong thành, đứng trước nhà cô gái đang nhồi đất sét. Nhìn thấy Đức Phật Độc Giác, cô gái phát sanh tâm sân, thốt lên lời khiếm nhã rằng:

- Mattakaṃpi bhikkhati:đất sét nhuyễn cũng đi xin!

Mặc dầu cô nói như vậy, Đức Phật Độc Giác vẫn đứng tự nhiên, không hề tỏ vẻ bực dọc gì cả. Thấy vậy, cô liền thay đổi thái độ, phát sanh đức tin trong sạch nơi Đức Phật Độc Giác, bèn bạch rằng:

Kính bạch Sa môn, Ngài muốn được đất sét nhuyễn, xin Ngài đợi một lát.

Nói xong, cô nhồi đất sét thật nhuyễn, cung kính đặt một cục đất sét lớn và nhuyeãn vào trong bát của Ngài, Ngài hoan hỉ đem về trát lên vách làm cho kín chỗ ở của Ngài.

Sau khi làm phước thiện bố thí đất sét đến Đức Phật Độc Giác, về sau cô từ trần, do năng lực phước thiện bố thí ấy cho quả tái sanh đầu thai vào gia đình nghèo nàn gần cửa thành Bārāṇasī, đúng mười tháng, chào đời một bé gái trên thân hình có 5 bộ phận xấu xí: tay, chân, miệng, mắt và mũi, do đó, đặt tên cô Pañcapāpi: cô gái có 5 bộ phận xấu xí.

Do phước thiện bố thí đất sét, đó là thiện nghiệpchoquả tái sanh làm người, kiếp cô Pañcapāpi.

Trước khi bố thí, nhìn thấy Đức Phật Độc Giác, cô phát sanh tâm sân, tâm không cung kính, khẩu nói lời bất kính với Đức Phật Độc Giác, đó là ác nghiệpchoquảsau khi đã tái sanh đầu thai là người nữ,trên thân hình có 5 bộ phận xấu xí.

Khi phát sanh thiện tâm trong sạch nơi Đức Phật Độc Giác, cô nhồi đất sét thật nhuyễn, cung kính dâng đến Đức Phật Độc Giác; phước thiện bố thí đất sét thật nhuyễn, đó là thiện nghiệpcho quả đặc biệt xúc trần tuyệt vời trên thân thể của cô; cho nên, bất cứ ai xúc chạm vào thân hình của cô, cũng có cảm giác sướng mê mẩn cả người dường như xúc chạm thân hình của thiên nữ.

Phước thiện bố thí đất sét đến Đức Phật Độc Giác là bậc đầy đủ hoàn toàn giới đức trong sạch, nên được phước thiện vô lượng, cho quả, khiến cô trở thành chánh cung hoàng hậu của 2 Đức vua 2 nước; cô được một ngôi vị cao quý, và hưởng được mọi sự an lạc, đó là do thiện nghiệpbố thí đất sét của cô.

Nghiệp thế nào thì quả thế ấy, thiện nghiệp cho quả tốt, an lạc; còn ác nghiệp cho quả xấu, khổ não.

Nghiệpđó là thiện nghiệp hoặcbất thiện nghiệp (ác nghiệp),chúng ta có quyền chủ động chọn lựa theo ý của mình.

Quảcủa nghiệp:quả tốt, quả an lạc đó là quả của thiện nghiệp; quả xấu, quả khổ não đó là quả của ác nghiệp. Quả của nghiệp, chúng ta hoàn toàn bị động, không thể chọn lựa theo ý muốn của mình; phải nên biết chấp nhậnquả tốt, quả an lạc, hoặc quả xấu, quả khổ não, bởi vì đó là quả của nghiệp mà do chính mình đã tạo.

Vậy, muốn có được quả tốt, quả an lạc, thì nên biết chọn lựa tạo mọi thiện nghiệp; và không muốn quả xấu, quả khổ não, thì nên biết tránh xa, hoặc không tạo ác nghiệp.

Đó là lẽ công minh của nghiệp và quả của nghiệp. Ngoài ra, không có một ai có quyền năng thưởng hoặc phạt mình được. Nếu có thì chính là nghiệp mà thôi.

Tích tiền thân của Đức Phật Gotama, Đức Bồ Tát Kusarājā (Bộ Jātaka, tích tiền thân Kusajātaka) được tóm lược như sau:

Đức Bồ Tát sắp hết tuổi thọ tại cung Tam thập tam thiên, Đức vua trời Sakka khuyến khích tái sanh đầu thai vào lòng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī của Đức vua Okkākarājā.

Chấp thuận theo lời khuyên của Đức vua Sakka, Đức Bồ Tát sau khi từ giã (chết) cõi trời, do thiện nghiệp cho quả tái sanh vào lòng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī, đúng 10 tháng chào đời có thân hình xấu xí đáng ghê sợ, được đặt tên Kusakumāra: thái tử Kusa.

Đức Bồ Tát trưởng thành có trí tuệ siêu việt, có đầy đủ tài nghệ xuất chúng do bẩm tính tự nhiên, không hề theo học một vị thầy nào cả. Đức Bồ Tát có một người em trai là hoàng tử Jayampati.

Khi Đức Bồ Tát lên 16 tuổi, vua cha có ý định muốn truyền ngôi báu cho Đức Bồ Tát, vì nhận thấy Ngài có đầy đủ tài xuất chúng, không một ai sánh kịp, có oai lực phi thường, đặc biệt có giọng nói như sư tử chúa rống, làm cho mọi kẻ thù kinh hồn bạt vía.

Đức vua Okkāka cùng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī bàn tính tìm một công chúa của một Đức vua nào trong cõi Nam thiện bộ châu, đem về tấn phong ngôi chánh cung hoàng hậu. Hoàng hậu Sīlavatī truyền người hầu đến hỏi ý kiến Đức Bồ Tát.

Đức Bồ Tát suy nghĩ rằng: ta có thân hình xấu xí đáng ghê sợ như thế này, còn công chúa có sắc đẹp, khi nàng nhìn thấy ta sẽ khinh ghét bỏ đi. Như vậy, chỉ làm cho ta xấu hổ mà thôi, không ích lợi gì. Điều tốt hơn, ta sống trong cung điện này lo phụng dưỡng phụ vương và mẫu hậu, đến khi hai Người băng hà, ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi tu hành.

Nghĩ như vậy, nên Đức Bồ Tát trả lời cho người hầu biết rằng:

- Ta không muốn làm vua, không muốn vợ con, ta muốn lo phụng dưỡng phụ vương và mẫu hậu của ta, cho đến khi hai Người băng hà; lúc ấy ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi.

Người hầu về tâu với hoàng hậu, hoàng hậu tâu lên Đức vua; Đức vua không chấp thuận, truyền cho người đến báo cho thái tử biết ý định của Đức vua là "thái tử phải lên ngôi, phải có chánh cung hoàng hậu".Đức Bồ Tát 2 – 3 lần vẫn từ chối không chấp nhận. Về sau Đức Bồ Tát suy xét về phận làm con, từ chối lời khẩn khoản của cha mẹ nhiều lần là điều không nên, vậy ta nên tìm cách khác vậy.

Đức Bồ Tát, tự mình đúc một pho tượng một cô gái bằng vàng xinh đẹp tuyệt vời, cho mặc y phục, trang hoàng những đồ nữ trang quý giá, mang giầy dép... giống hệt như cô gái thật xinh đẹp tuyệt vời (không ai ngờ rằng đó là pho tượng).

Đức Bồ Tát cho người đem đến trình mẫu hậu, cùng với lời tâu rằng: "Công chúa nào thật xinh đẹp tuyệt vời như pho tượng này, thì con mới chịu làm lễ kết hôn với công chúa ấy".

Hoàng hậu truyền gọi các quan rồi phán rằng:

- Thái tử của ta là bậc đại phước, do Đức vua trời Sakka ban cho, thái tử chỉ muốn kết hôn cùng với công chúa xinh đẹp như pho tượng này. Vậy, các ngươi hãy đem pho tượng này so sánh cùng khắp cõi Nam thiện bộ châu, nếu gặp công chúa của Đức vua nào có thân hình xinh đẹp như pho tượng này, thì xin dâng pho tượng này đến Đức vua ấy rồi tâu rằng: "Đức vua Okkāka muốn kết tình thông gia với Đại Vương, sẽ làm lễ thành hôn thái tử với công chúa của Đức vua ... Xin hẹn ngày làm lễ, rồi các ngươi cấp tốc trở về tâu lại cho ta rõ".

Các quan tuân lệnh Hoàng hậu, đặt pho tượng trên xe, đưa đi đến các nước lân bang, đặt nơi kinh thành và có nhiều người qua lại, còn các quan ẩn nấp một nơi để lắng nghe lời phê bình về pho tượng.

Người ta nhìn qua pho tượng đều trầm trồ khen ngợi rằng:

- Cô gái này xinh đẹp tuyệt vời, có khác gì thiên nữ, ở xứ ta không có công chúa nào xinh đẹp như cô gái này; cô gái này ở xứ nào đến mà đứng ở đây?

Được lắng nghe như vậy, các quan biết xứ này không có công chúa nào xinh đẹp như pho tượng, nên chở pho tượng sang xứ khác. Cuối cùng đến xứ Madda của Đức vua Madda trị vì ở kinh thành Sāgala; đem pho tượng đến kinh thành Sāgala, đặt ở bến sông có nhiều người qua lại để lấy nước.

Đức vua Madda có 8 công chúa, công chúa lớn nhất tên Pabhāvatī bởi cô có sắc đẹp tuyệt trần, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân, như một thứ ánh sáng mát dịu của mặt trời, cả đêm lẫn ngày. Trong căn phòng của công chúa, ban đêm không cần dùng đèn cũng có thể nhìn thấy mọi vật như ban ngày. Công chúa có một người nữ hầu thân tín tên Khujjā (nữ còng lưng).

Bà hầu Khujjā sai bảo 8 nữ tỳ đi lấy nước ở bến sông đem về cho công chúa Pabhāvatī dùng. Các nữ tỳ nhìn từ xa thấy pho tượng, tưởng là công chúa Pabhāvatī đứng nơi đó, nên lại gần lễ phép thưa công chúa, chẳng nghe nói năng gì, nhìn kỹ mới biết không phải là công chúa chủ của mình, đấy chỉ là pho tượng bằng vàng, các nữ tỳ cảm thấy mắc cỡ vì bị hớ, liền chê trách rằng:

- Pho tượng này có giá trị gì đâu, so với công chúa chủ của chúng ta!

Lắng nghe rõ lời phê bình của các nữ tỳ, các quan tìm đến hỏi:

- Này quý cô, quý cô nói công chúa của quý cô xinh đẹp hơn pho tượng này phải không?

- Thưa phải! Pho tượng này so với công chúa của chúng tôi có đáng giá gì đâu! – Một nữ tỳ trưởng nhóm trả lời.

- Công chúa của quý cô có quý danh gọi là gì?

- Công chúa có quý danh gọi là Pabhāvatī, công chúa lớn của đức vua Madda. – Thưa ông.

Các quan vô cùng hoan hỉ, cám ơn các cô, rồi đem pho tượng đặt lên xe đi thẳng đến cửa cung điện của đức vua Madda, nhờ người lính gác cửa vào tâu lên Đức vua rằng:

- Có sứ giả của đức vua Okkāka ở kinh thành Kusavatī xứ Malla đang đứng chờ ngoài ngọ môn, xin được vào yết kiến Hoàng thượng.

Đức vua truyền lệnh mời các quan sứ giả vào triều bệ kiến.

- Muôn tâu Đại vương, Hoàng thượng của kẻ hạ thần là đức vua Okkāka kính lời vấn an Đại vương, kính chúc Đại vương vạn tuế.

Đức vua cám ơn rồi truyền hỏi rằng:

- Các ngươi đến đây, chắc còn có quốc sự gì quan trọng, hãy tâu trình cho Trẫm rõ.

- Muôn tâu Đại vương! Hoàng thượng của kẻ hạ thần có một thái tử tên Kusakumāra, có giọng nói hùng dũng như tiếng sư tử chúa rống, Hoàng thượng của chúng thần muốn truyền ngôi báu cho thái tử, kén chọn công chúa tấn phong lên ngôi chánh cung hoàng hậu. Người truyền lệnh kẻ hạ thần đến yết kiến Đại vương, xin Đại vương ban công chúa Pabhāvatī kết hôn cùng thái tử Kusakumāra. Khi thái tử lên ngôi, sẽ tấn phong công chúa Pabhāvatī lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Các quan sứ giả dâng pho tượng vàng lên Đức vua Madda, Đức vua rất hoan hỉ tiếp nhận pho tượng và nghĩ rằng: "công chúa của ta được kết hôn với thái tử một nước lớn, thì thật là vinh hạnh cho xứ sở của ta".

Các quan sứ giả xin phép trở về nước, để trình tâu lên đức vua Okkāka được rõ, và sẽ chọn ngày ngự đến đón rước công chúa Pabhāvatī.

Đức vua Madda phán rằng: Tốt lắm! Rồi truyền lệnh tiễn đưa các quan trở về nước.

Khi các quan về đến kinh thành Kusavatī, vào yết kiến Đức vua cùng Hoàng hậu tâu trình việc tìm được công chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần rồi cùng chọn ngày đón rước công chúa Pabhāvatī, Đức vua Okkāka, hoàng hậu Sīlavatī cùng các quan quân một đoàn hộ giá đông đảo rời khỏi kinh thành Kusavatī ngự đến xứ Madda. Đức vua Madda làm lễ đón rước đức vua Okkāka, hoàng hậu Sīlavatī cùng đoàn hộ giá ngự vào kinh thành Sāgala, tổ chức buổi lễ rất long trọng tại cung điện đức vua Madda.

Trải qua 2 – 3 ngày hoàng hậu Sīlavatī rất thông minh, có trí tuệ sáng suốt, muốn nhìn mặt công chúa Pabhāvatī, nên tâu với Đức vua Madda rằng:

- Thưa Đức vua, chúng tôi xin phép nhìn mặt nàng dâu có được hay không?

- Được lắm. – Đức vua Madda đáp lời rồi truyền gọi công chúa Pabhāvatī đến yết kiến đức vua Okkāka và hoàng hậu Sīlavatī.

Công chúa Pabhāvatī trang điểm những đồ trang sức quý giá tăng thêm vẻ đẹp tuyệt trần như thiên nữ cùng nhóm nữ tỳ đông đảo tùy tùng theo sau đến bệ kiến Đức vua cùng Hoàng hậu.

Hoàng hậu nhìn thấy công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng: công chúa đẹp tuyệt trần như thiên nữ, có ánh sáng hào quang mát dịu, còn thái tử có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ, nếu công chúa nhìn thấy thái tử, thì không thể nào sống chung với nhau được, chắc chắn sợ hãi ghét bỏ đi. Ta nên tìm cách giúp Thái tử.

Hoàng hậu thưa với đức vua Madda rằng:

- Thưa Đại vương, công chúa Pabhāvatī thật xứng đáng với thái tử của chúng tôi. Trong dòng vua của chúng tôi có một truyền thống, không biết công chúa có thể hành theo truyền thống ấy được hay không?

- Truyền thống thế nào, tâu Hoàng hậu? – Đức vua Madda thưa.

- Thưa Đại vương, ban ngày hoàng hậu không được phép diện kiến Đức vua, chỉ gặp nhau trong căn phòng lúc ban đêm. Cho đến khi nào hoàng hậu thụ thai. Khi ấy, hoàng hậu diện kiến Đức vua lúc ban ngày. Nếu công chúa Pabhāvatī hành theo truyền thống ấy được, chúng tôi đón rước công chúa.

Đức vua Madda truyền hỏi công chúa:

- Này con, con có thể hành theo truyền thống ấy được không?

- Tâu phụ vương, con có thể. – Công chúa tâu.

Sau đó, đức vua Okkāka làm lễ dâng nhiều của cải quý giá đến đức vua Madda, rước công chúa Pabhāvatī trở về kinh thành Kusavatī.

Phần đức vua Madda làm lễ tiễn đưa công chúa Pabhāvatī với đoàn tùy tùng đông đảo.

Đức vua Okkāka về đến kinh thành Kusavatī, truyền chiếu chỉ trang hoàng toàn kinh thành, cung điện làm lễ mừng ngày lễ đăng quang thái tử lên ngôi báu trị vì đất nước, tấn phong công chúa Pabhāvatī lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Đức vua truyền lệnh phóng thích tất cả tù nhân, truyền chiếu chỉ đến các nước lân bang rằng: "Từ nay, đức vua Kusa trị vì toàn thể đất nước Malla rộng lớn này, các nước trong cõi Nam thiện bộ châu, Đức vua nào có công chúa, xin dâng công chúa đến đức vua Kusa để gây tình thân thiện; và gởi các hoàng tử đến cầu thân để được Đức vua bảo hộ".

Đức vua Kusa trị vì đất nước rộng lớn, có oai lực phi thường, đặc biệt có giọng nói như tiếng rống của sư tử chúa, khiến cho các nước lân bang đều khâm phục. Cho nên trong nước được an lành thịnh vượng.

Hoàng hậu Pabhāvatī không diện kiến đức vua Kusa ban ngày, và đức vua Kusa cũng không nhìn thấy rõ mặt hoàng hậu Pabhāvatī; Đức vua và hoàng hậu chỉ gần gũi nhau lúc ban đêm; bình thường ban đêm hoàng hậu Pabhāvatī ở một mình, thân hình tỏa ra ánh sáng hào quang mát dịu như ban ngày, nhưng khi nào Đức vua Bồ Tát đến gần hoàng hậu, do oai lực của Đức Bồ Tát thì ánh sáng hào quang kia biến mất, chỉ có bóng tối ban đêm, cho nên, Đức vua và hoàng hậu không thể nhìn thấy mặt nhau được.

Đức vua muốn nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī ban ngày, nên đến nhờ mẫu hậu của Ngài giúp đỡ. Bà ngăn cấm rằng:

- Hoàng nhi hãy chờ đợi một thời gian nữa, cho đến khi nào có được một hoàng tử.

Đức vua Bồ Tát nóng lòng muốn nhìn xem mặt hoàng hậu, đến cầu xin khẩn khoản mẫu hậu của Ngài, nhiều lần, bà cũng phải chiều theo, bà dạy rằng:

- Hoàng nhi đến chuồng voi, đóng vai người nài voi, mẫu hậu sẽ dẫn nàng đến chuồng voi xem voi của Đức vua.

Mẫu hậu của Ngài dẫn hoàng hậu Pabhāvatī đến xem voi trong chuồng voi, Đức Bồ Tát đứng nơi đó nhìn thấy hoàng hậu xinh đẹp tuyệt trần, cảm hứng quá lấy phân voi ném đằng sau hoàng hậu Pabhāvatī, làm cho hoàng hậu tức giận truyền rằng:

- Ta sẽ trình tâu Đức vua, truyền lệnh chặt tay của ngươi!

Bà Hoàng thái hậu năn nỉ tha thứ tội lỗi cho người nài.

Lần sau, Đức Bồ Tát muốn nhìn xem mặt hoàng hậu, mẫu hậu của Ngài dẫn hoàng hậu đến chuồng ngựa; Ngài đóng vai người giữ ngựa, nhìn thấy hoàng hậu, lại lấy phân ngựa ném đằng sau hoàng hậu. Hoàng hậu tức giận, bà Hoàng thái hậu lại năn nỉ tha tội cho người giữ ngựa.

Một hôm, hoàng hậu Pabhāvatī muốn nhìn xem mặt Đức vua, bà mẫu hậu không thể từ chối nên bảo nàng rằng:

- Ngày mai, Đức vua sẽ đi dạo quanh kinh thành, con hãy đứng ở cửa sổ nhìn xuống.

Bà hoàng thái hậu truyền lệnh kinh thành trang hoàng đẹp đẽ, Đức vua đi dạo, bà truyền dạy hoàng tử Jayampati (hoàng đệ của Đức Bồ Tát)trang phục Đức vua ngồi lên lưng bạch tượng, còn Đức Bồ Tát đóng vai người nài voi ngồi đằng sau, bạch tượng đi ngang qua lâu đài của hoàng hậu, hoàng hậu đứng cửa sổ nhìn xuống, Đức Bồ Tát nhìn lên lấy tay vẫy, có cử chỉ không lịch sự, hoàng hậu thấy không hài lòng, nhưng nàng tự nghĩ: Đức vua thật xứng với ta.

Bà hoàng thái hậu truyền dạy:

- Con đã nhìn thấy Đức vua rồi phải không?

- Tâu thái hậu, con đã nhìn thấy rồi, con rất hài lòng, nhưng sao lại tuyển chọn người nài voi xấu xí đáng ghê sợ, có những cử chỉ vô lễ với Đức vua và con nữa.

Bà hoàng thái hậu khuyên hoàng hậu nên tha tội cho người nài voi kia.

Hoàng hậu suy nghĩ: mấy hôm trước người nài voi, người giữ ngựa, nay cũng chính y. Tại sao y lại được hưởng đặc ân của triều đình đến như vậy? Có phải y chính là đức vua Kusa hay không? Hoàng hậu bắt đầu hoài nghi về nhân vật này.

Đức Bồ Tát lại muốn nhìn thấy tận mặt hoàng hậu, đến xin mẫu hậu của Ngài giúp đỡ. Bà hoàng thái hậu nhận thấy hoàng hậu không vui, bà dẫn đi dạo thượng uyển, đến hồ sen nước trong, hoa sen nở rộ, Đức Bồ Tát ngâm mình dưới hồ, lấy lá sen che mặt; hoàng hậu nhìn thấy nước hồ trong trẻo, có nhiều loại hoa sen xinh đẹp, nàng muốn xuống hồ để tắm, cùng với các nữ tỳ. Nàng nhìn thấy một hoa sen xinh đẹp, vớ tay định hái đoá hoa sen, tại nơi ấy Đức Bồ Tát ẩn mình, nổi lên nắm lấy cánh tay hoàng hậu la lớn rằng: "Ta là đức vua Kusa!".Hoàng hậu tận mắt nhìn thấy rõ mặt mày, thân hình xấu xí đang ghê sợ của Đức Bồ Tát làm cho hoàng hậu chết giấc, các nữ tỳ đem hoàng hậu cứu chữa mới tỉnh lại. Khi hoàn hồn, hoàng hậu nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trước kia: người nài voi ném phân voi, người giữ ngựa ném phân ngựa, người nài voi ngồi sau bạch tượng cũng chính là người này,đức vua Kusa, không phải ai khác.

Hoàng hậu gọi các quan lo xe giá đưa bà trở về cố quốc ngay hôm ấy, các quan tâu Đức vua rõ. Đức vua nghĩ rằng: nếu cấm hoàng hậu, nàng có thể đứng tim chết thôi, nên đành để cho nàng trở về kinh thành Sāgala. Sau đó, ta sẽ tìm cách rước nàng trở lại.

Đức vua truyền lệnh chuẩn bị xe giá sang trọng tiễn đưa Chánh cung hoàng hậu về kinh thành Sāgala.

Do nghiệp lực nào, đức vua Kusa có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ?

Do nghiệp lực nào, đức vua Kusa chỉ sủng ái một mình hoàng hậu Pabhāvatī mà không quan tâm đến các cung phi mỹ nữ khác?

Và do nguyện lực nào, hoàng hậu Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân của bà suốt ngày đêm, nhưng khi đức vua Kusa đến gần, ánh sáng kia biến mất.

Do nguyện lực nào hoàng hậu Pabhāvatī không muốn sống chung với đức vua Kusa?

Tất cả mọi quả ắt hẳn phát sanh từ nhân. Quả có nghĩa là quả của nghiệp và nhân chính là nghiệp. Đức vua Kusa và hoàng hậu Pabhāvatī đều là hiện thân quả của nghiệp. Vậy quả của nghiệp nào, nên tìm hiểu qua tích tiền kiếp cuả đức vua Kusa và hoàng hậu Pabhāvatī được tóm lược như sau:

Trong quá khứ, một làng ở gần cửa thành Bārāṇasī có hai gia đình:

Một gia đình có hai người con trai: một anh cả và một người em thứ là Đức Bồ Tát.

Một gia đình kia có một người con gái.

Bên nhà trai xin cưới con gái của gia đình kia về làm vợ của người con cả. Người con thứ chưa có vợ vẫn sống chung với nhau một nhà.

Một hôm, người chị dâu làm bánh chiên rất ngon, gia đình đông đủ, chỉ có người em chồng vắng mặt, vì đi làm ở trong rừng; người chị dâu dành phần bánh cho người em xong, cả gia đình cùng nhau dùng hết bánh.

Khi ấy, Đức Phật Độc Giác đi khất thực đến đứng trước cửa nhà, người chị dâu phát sanh đức tin trong sạch, nên nghĩ rằng: "ta nên lấy phần bánh để dành cho người em chồng, để bát cúng dường đến Đức Phật Độc Giác xong, rồi ta sẽ làm phần bánh chiên khác thay thế".Khi người chị dâu đem phần bánh chiên dâng cúng đến Đức Phật Độc Giác xong; vừa lúc đó, người em chồng từ rừng trở về nhà hỏi phần bánh chiên của mình; người chị chồng nói rằng:

- Chú ạ! Phần bánh chiên của chú chị đã đem dâng cúng đến Đức Phật Độc Giác rồi, chú hoan hỉ ráng đợi chị một lát, chị sẽ làm phần bánh chiên khác cho chú ngay.

Nghe nói vậy, người em chồng nổi giận nói rằng:

- Chị ăn phần bánh của mình hết rồi, lại lấy phần bánh chiên của tôi đem dâng đến Đức Phật Độc Giác, tôi lấy gì ăn đây?

Người em chồng tức giận đi đến Đức Phật Độc Giác lấy lại phần bánh chiên. Thấy vậy, người chị dâu vội vã đi về nhà cha mẹ của mình lấy bơ lỏng còn mới và trong trẻo có màu giống như hoa mộc lan, dâng cúng đến Đức Phật Độc Giác đầy bát, thay thế phần bánh chiên kia. Bơ lỏng toả ra ánh sáng trong, nhìn thấy, nàng vô cùng hoan hỉ, nên thành tâm phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài, do năng lực phước thiện bố thí này, kiếp sau, cầu xin cho con có được sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh kịp, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày và xin đừng sống chung với hạng người ác như chú em chồng của con.

Nghe rõ lời phát nguyện của người chị dâu, người em chồng (Đức Bồ Tát) vội vàng dâng cúng để bát Đức Phật Độc Giác phần bánh chiên của mình đè lên trên bơ lỏng của người chị dâu rồi phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài, do năng lực phước thiện bố thí này, kiếp sau chị dâu của con dầu ở xa hằng trăm do tuần, cầu xin cho con có đủ khả năng rước đem về làm vợ của con.

Người chị dâu sau khi chết, do năng lực phước thiện bố thí là thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời; về sau tái sanh cõi người là công chúa Pabhāvatī, con của đức vua Madda.

Công chúa Pabhāvatī có sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, có ánh hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.

Hoàng hậu Pabhāvatī không muốn sống chung với đức vua Kusa. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.

Người em chồng, sau khi chết, do năng lực phước thiện là thiện nghiệpcho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc, đến khi hết tuổi thọ, đức vua Sakka thỉnh tái sanh cõi người vào lòng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī của Đức vua Okkāka xứ Malla. Sau khi tái sanh, ác nghiệpnổi giận lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Đức Phật Độc Giác, cho quả có thân hình xấu xí đáng ghê sợ.

Thái tử Kusa lên ngôi làm vua trị vì một nước lớn, có nhiều oai lực có giọng nói như sư tử chúa rống, làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Đó là do quả của thiện nghiệp.

Thái tử Kusa rước công chúa Pabhāvatī đem về tấn phong chánh cung hoàng hậu. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.

Lời phát nguyện của tiền thân hoàng hậu Pabhāvatī mọi điều đã được thành tựu như ý.

Còn lời phát nguyện của Đức Bồ Tát thì thế nào?

Sau khi hoàng hậu Pabhāvatī đã trở về đến kinh thành Sāgala của vua cha rồi, ngày đêm, đức vua Kusa tâm trí luôn luôn nhớ thương đến một mình hoàng hậu không nguôi. Mặc dầu trong cung điện có nhiều cung phi mỹ nữ mà Đức vua không hề quan tâm đến một người nào cả. Lòng thương nhớ hoàng hậu càng thôi thúc, khiến cho Đức vua đến hầu mẫu hậu của Ngài tâu rằng:

Tâu mẫu hậu, xin phép mẫu hậu, con sẽ đi rước hoàng hậu Pabhāvatī trở lại.Vậy con xin giao lại ngôi báu này cho mẫu hậu.

Đức vua Bồ Tát giả dạng một người dân thường, đem theo một cây đàn lên đường thẳng đến kinh thành Sāgala, xin ngủ nhờ một nhà người nài voi gần cung điện của đức vua Madda; Đức Bồ Tát ngủ rất ngon giấc, khi thức dậy lấy cây đàn khảy một bài, tiếng đàn réo rắt gợi lòng thương nhớ hoàng hậu Pabhāvatī. Tiếng đàn toả ra không gian, lan vào cung điện. Hoàng hậu nghe tiếng đàn biết rõ chắc chắn tiếng đàn của đức vua Kusa đã đến đây để rước ta trở lại kinh thành Kusavatī, bà rất lo sợ. Chính đức vua Madda cũng tấm tắc khen ngợi tiếng đàn hay tuyệt vời, nhưng nghe sao thống thiết quá!

Đức Bồ Tát nghĩ rằng ở đây không thể gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī được, nên tìm đến chỗ lò gốm, nơi làm đồ dùng của Đức vua và các công chúa, để có cơ hội làm những món đồ dùng cho hoàng hậu Pabhāvatī. Đức Bồ Tát đến xin làm học trò, ông chủ lò gốm hoan hỉ nhận Đức Bồ Tát. Tại lò gốm, Đức Bồ Tát đã làm nhiều món đồ gốm tráng men, kiểu mẫu đẹp tuyệt vời, xứng đáng bậc thầy của chủ lò gốm. Có những món đồ gốm tráng men, cố ý dành cho hoàng hậu Pabhāvatī dùng, có hình ảnh hoàng hậu Pabhāvatī, đức vua Kusa, cảnh trong cung điện, chỉ có một mình hoàng hậu biết được mà thôi. Ông chủ lò gốm đem vào dâng Đức vua cùng quý công chúa, Đức vua trầm trồ khen ngợi những món đồ rất xinh đẹp tuyệt vời, thật vô giá. Những món đồ ấy cũng đến tay hoàng hậu Pabhāvatī, bà nhìn thấy biết ngay, những món đồ này do đôi bàn tay của đức vua Kusa để dành cho bà, vốn không ưa thích Đức vua, nên bà không dùng những món đồ ấy.

Đức Bồ Tát nghĩ rằng ở nơi đây ta cũng không có cơ hội gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī được; tìm đến chỗ làm đồ thủ công, nơi làm đồ dùng cho Đức vua và quý công chúa, Đức Bồ Tát xin làm học trò, Ngài đã làm những món đồ đan bằng lá thốt nốt đẹp tuyệt vời có hình ảnh hoàng hậu, ở trong cung điện, chỉ có một mình hoàng hậu biết được mà thôi. Người thợ thủ công đem những món đồ dâng Đức vua cùng quý công chúa, Đức vua trầm trồ khen ngợi chưa từng thấy những món đồ xinh đẹp như vậy. Những món đồ ấy đến tay hoàng hậu Pabhāvatī, bà nhìn thấy biết ngay, những món đồ này do đôi bàn tay của đức vua Kusa, bà không chịu dùng những món đồ ấy.

Đức Bồ Tát nghĩ rằng ở đây ta cũng không có cơ hội thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī, tìm đến tiệm hàng kết hoa cho Đức vua Madda cùng quý công chúa. Đức Bồ Tát xin làm học trò, Ngài đã kết những tràng hoa bằng nhiều loại hoa khác nhau, thành hình ảnh hoàng hậu, Đức vua v.v... chỉ có hoàng hậu biết mà thôi. Người thợ kết hoa đem dâng Đức vua cùng quý cô công chúa; hoàng hậu Pabhāvatī nhìn thấy tràng hoa biết ngay, do bàn tay của đức vua Kusa, bà không chịu nhận tràng hoa ấy.

Đức vua Bồ Tát bỏ ngôi báu, mẫu hậu, phụ hoàng xứ sở của mình đến kinh thành Sāgala này với ý nguyện nhìn thấy hoàng hậu Pabhāvatī và rước hoàng hậu trở lại cung điện. Đức Bồ Tát suy nghĩ ở đây không thể thực hiện được ý nguyện của mình, nên Ngài từ giã tiệm hàng kết hoa, tìm đến nhà bếp nơi làm đồ ăn dâng Đức vua cùng quý công chúa, để xin làm học trò phụ bếp. Người đầu bếp cho Đức Bồ Tát một ít xương còn dính thịt làm món ăn để dùng, Ngài đã làm thành một món ăn thật ngon có mùi thơm toả ra khắp kinh thành bay đến cung điện. Đức vua ngửi thấy mùi thơm vật thực, truyền hỏi người đầu bếp đang dâng vật thực rằng:

- Này ngươi, còn món ăn đặc biệt nào ở nhà bếp mà ngươi chưa dâng cho Trẫm phải không?

- Tâu Hoàng thượng, không có. – Người đầu bếp tâu.

- Ngươi để ý ngửi xem có phải hương vị món vật thực không? – Đức vua truyền.

Người đầu bếp để ý ngửi, đúng là mùi thơm của món vật thực, bèn tâu rằng:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần có cho người học trò mới phụ bếp một ít xương còn dính thịt làm món ăn để dùng.

- Ngươi hãy về đem món ăn ấy cho Trẫm xem.

Người đầu bếp trở về lấy món ăn ấy dâng lên Đức vua, Đức vua vừa bỏ vào đầu lưỡi, vị ngon, hương thơm toả ra toàn thân như nếm phải món vật thực của chư thiên.

Đức vua truyền lệnh rằng:

- Từ nay, ngươi để cho người học trò mới làm đồ ăn dâng lên Trẫm và quý công chúa. Phần ăn của Trẫm thì chính ngươi đem đến, còn phần ăn của quý công chúa, thì ngươi cho người học trò mới đem phân phát.

Người đầu bếp trở về thi hành theo ý chỉ của Đức vua, giao việc nấu nướng những thức ăn cho Đức Bồ Tát, ông bảo Đức Bồ Tát rằng:

- Ta đem phần ăn lên dâng Đức vua, còn ngươi đem những phần ăn dâng đến quý công chúa.

Đức Bồ Tát nghe người đầu bếp phân công, trong lòng vô cùng vui mừng hoan hỉ, nghĩ rằng: ý nguyện của ta sẽ thành tựu, từ nay ta có thể nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī.

Như vậy, mỗi ngày Đức Bồ Tát đem vật thực phân phát quý cô công chúa, với mục đích chính là nhìn thấy chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī.

Đức Bồ Tát mang vật thực lên lâu đài hoàng hậu Pabhāvatī, Đức vua vô cùng hoan hỉ, khi nhìn thấy rõ chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī, còn hoàng hậu cũng nhìn thấy rõ Đức vua tâm không hài lòng, nghĩ rằng:"Chỉ vì ta, mà đức vua Kusa đến đây giả dạng người làm công, người tôi tớ. Thật không xứng đáng chút nào cả! Nếu ta làm thinh, Đức vua tưởng lầm ta còn thương tưởng đến Người rồi ở đây luôn để mọi ngày nhìn thấy ta. Ta nên nói cho Đức vua biết".

- Xin mời Đại vương trở về kinh thành Kusavatī càng sớm càng tốt, thần thiếp không muốn nhìn thấy Đại vương có thân hình xấu xí đáng ghê sợ! Đại vương ở đây phải chịu vất vã khổ cực ngày đêm có ích lợi gì đâu?

Nghe lời chê trách với giọng hằn học của hoàng hậu, thay vì tức giận, Đức vua lại hài lòng hoan hỉ nghe được giọng nói của hoàng hậu, rồi đáp lại rằng:

- Này ái khanh Pabhāvatī, ái khanh xinh đẹp tuyệt trần, Trẫm rất sủng ái nơi ái khanh, Trẫm không thể trở lại kinh thành Kusavatī một mình; Trẫm đã từ bỏ kinh thành Kusavatī, từ bỏ cả ngôi báu, từ bỏ tất cả, chỉ vì ái khanh. Trẫm rất hài lòng ở lại đây, để hằng ngày ngắm nhìn ái khanh.

- Này ái khanh, Trẫm say mê nơi sắc đẹp tuyệt trần của ái khanh, Trẫm chỉ cần một mình ái khanh mà thôi, không cần đến ngôi báu ở kinh thành Kusavatī xứ Malla to lớn....

Nghe lời phán của đức vua Kusa, hoàng hậu Pabhāvatī nghĩ rằng: Ta chê trách để làm cho Đức vua tức giận, trở về cố quốc. Ngược lại, Đức vua không tức giận, lại còn thốt lời yêu thương ràng buộc. Nếu người tự xưng danh "Ta là đức vua Kusa" tiến đến nắm tay ta, thì còn ai dám can ngăn Đức vua được.

Đức vua Kusa ngự đến kinh thành Sāgala này, chỉ có hoàng hậu Pabhāvatī và bà Khujjā người hầu thân tín biết mà thôi, còn những người khác hoàn toàn không ai hay biết sự có mặt của đức vua Kusa.

Hoàng hậu Pabhāvatī cảm thấy lo sợ, nên lánh mặt, truyền dạy người hầu mỗi ngày dùng phần ăn mà Đức Bồ Tát dành cho bà; còn bà dùng phần ăn của người hầu.

Từ đó về sau, Đức Bồ Tát không nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī, lòng thương nhớ không nguôi, Đức Bồ Tát nhờ đến bà Khujjā, người hầu của hoàng hậu rằng:

- Ta nhờ ngươi cố thuyết phục hoàng hậu gặp gỡ ta, nói chuyện vui vẻ, tươi cười thương yêu ta, lấy đôi bàn tay mềm mại xoa nhẹ trên thân hình của ta. Nếu nhà ngươi làm được như vậy, thì chắc chắn nhà ngươi sẽ được trọng thưởng.

Bà Khujjā nhận lời khẩn khoản tha thiết của Đức Bồ Tát, cố gắng thuyết phục hoàng hậu Pabhāvatī nhưng không có kết quả. Đức vua Bồ Tát chờ mãi, chờ mãi trải qua 7 tháng ròng rã mà vẫn chưa nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī.

Đức Bồ Tát ngồi một mình than vãn rằng: đã trải qua 7 tháng rồi chưa về thăm mẫu hậu và phụ vương; ở đây ngày đêm vất vả khổ cực, mà chẳng nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī đâu...?

Nỗi khổ tâm của Đức Bồ Tát động đến vua trời Sakka, hiểu rõ nguyện vọng của Đức Bồ Tát muốn gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī và rước nàng trở về kinh thành Kusavatī, nên Đức vua trời Sakka tìm cách giúp đỡ để Đức Bồ Tát được toại nguyện.

Đức vua trời Sakka cho hoá ra nhiều sứ giả mang chiếu chỉ của Đức vua Madda gởi đến 7 Đức vua ở 7 kinh thành khác nhau, cùng một lúc, với lời lẽ rằng: "Công chúa Pabhāvatī đã li dị đức vua Kusa trở về kinh thành Sāgala rồi; nếu đại vương muốn công chúa Pabhāvatī, xin ngự đến rước nàng".

Bảy Đức vua từ 7 kinh thành đều ngự cùng với đoàn tuỳ tùng hộ tống đông đảo đến kinh thành Sāgala gặp nhau cùng một lúc, các Đức vua gặp hỏi nhau rằng:

- Đại vương ngự đến đây với quốc sự gì?

Được biết, 7 Đức vua ngự đến xứ Madda có cùng một mục đích "rước công chúa Pabhāvatī về nước".Các Đức vua nổi giận Đức vua Madda và truyền rằng: Đức vua Madda dâng một mình công chúa Pabhāvatī đến 7 Đức vua ở 7 kinh thành, là một việc làm có tánh khiêu khích chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau bắt Đức vua Madda trị tội.

Cho nên, mỗi Đức vua đều gởi chiếu chỉ với lời lẽ rằng: "Đại vương Madda, hãy dâng công chúa Pabhāvatī cho quả nhân hoặc chiến tranh".

Gởi chiếu chỉ xong, 7 Đức vua đem quân vây quanh kinh thành Sāgala. Đức vua Madda biết như vậy, tâm vô cùng hoảng sợ, lệnh hội họp các quan bàn việc đối phó, phải làm thế nào? Một vị quan tâu rằng:

- Tâu bệ hạ! 7 Đức vua ngự đến đây, nguyên nhân do công chúa Pabhāvatī, xin bệ hạ bắt công chúa Pabhāvatī dâng cho họ, để tránh khỏi cuộc chiến tranh xảy ra.

Nghe tâu như vậy, Đức vua Madda truyền rằng:

- Nếu Trẫm bắt công chúa Pabhāvatī dâng cho một Đức vua này, thì còn lại 6 Đức vua kia sẽ gây chiến tranh với ta. Như vậy, Trẫm không thể dâng công chúa cho Đức vua nào được.

Sự việc xảy ra như thế này, là do công chúa Pabhāvatī bỏ đức vua Kusa là một Đức vua có oai lực phi thường trong cõi Nam thiện bộ châu này, mà công chúa chê đức vua Kusa có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ, trở về đây. Cho nên, ngày nay, công chúa Pabhāvatī đành phải chịu hậu quả ấy. Vậy bắt công chúa Pabhāvatī chặt làm 7 phần dâng cho 7 Đức vua của 7 kinh thành.

Nghe tin như vậy, công chúa vô cùng kinh hoảng sợ chết, chặt làm 7 phần, nàng vội vàng đến tìm mẫu hậu khóc than cầu xin cứu mạng; nhưng làm sao cải lệnh của Đức vua được.

Mẫu hậu quở trách công chúa Pabhāvatī rằng:

- Bởi con tự kiêu ngã mạn, ỷ lại sắc đẹp tuyệt trần của mình, nên chê trách đức vua Kusa xấu xí đáng ghê sợ, bỏ Đức vua về đây, nên ngày nay con phải chịu hậu quả đau khổ như thế này!

Nếu mà bây giờ có đức vua Kusa oai lực phi thường, có giọng như sư tử chúa rống, làm cho 7 Đức vua này kinh hồn bạt vía, khiếp đảm bỏ chạy trốn thoát thân. Như vậy, mới mong cứu mạng cho công chúa của ta thoát chết, rồi rước công chúa trở lại kinh thành Kusavatī. Không biết đức vua Kusa bây giờ ngự ở nơi nào?

Nghe mẫu hậu tán dương ca tụng oai lực của đức vua Kusa, bây giờ công chúa Pabhāvatī đã đến đường cùng rồi, không còn phải giấu giếm được nữa, nên tâu với mẫu hậu rằng:

Tâu mẫu hậu, mẫu hậu ca tụng đức vua Kusa có oai lực phi thường có thể thắng được 7 Đức vua từ 7 kinh thành, chịu thua bỏ chạy, để cứu mạng cho con, khỏi cái chết thê thảm này.

- Tâu mẫu hậu, đức vua Kusa ấy hiện đang ngự ở trong vòng cung điện này đây.

Mẫu hậu của công chúa Pabhāvatī truyền dạy rằng:

- Này con, vì quá sợ chết nên tâm trí con đã điên loạn rồi phải không? Hay là con trở thành người ngu muội mới tâu với mẫu hậu như vậy! Nếu đức vua Kusa ngự đến đây thật, tại sao phụ vương và mẫu hậu không hề hay biết?

Công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng, mẫu hậu không tin theo lời của mình, và hoàn toàn không hay biết đức vua Kusa ngự ở đây suốt 7 tháng qua, ta sẽ chỉ cho mẫu hậu nhìn thấy Đức vua.

Công chúa Pabhāvatī nắm tay mẫu hậu đến đứng gần cửa sổ chỉ tay xuống dưới nhà bếp gần lâu đài của quý công chúa tâu rằng:

- Tâu mẫu hậu, đức vua Kusa giả dạng người đầu bếp, ăn mặc gọn gàng đang ngồi rửa nồi, chảo....

Khi ấy, Đức Bồ Tát suy tư rằng: hôm nay, nguyện vọng của ta chắc chắn được thành tựu, bởi vì hoàng hậu Pabhāvatī sợ chết, chắc chắn tâu với mẫu hậu, phụ vương biết, có mặt ta ở tại nơi đây.

Đức Bồ Tát lo rửa tất cả mọi chén bát cho sạch sẽ, đem cất trong tủ gọn gàng.

Còn mẫu hậu quở mắng công chúa Pabhāvatī rằng:

- Này, ngươi có phải là đứa con gái hư không? Hay ngươi là đứa con gái làm hại hoàng tộc phải không? Ngươi đã sanh trong dòng dõi của Đức vua Madda, tại sao ngươi có thể để Đức vua hôn phu của ngươi làm người đầy tớ?

Nghe mẫu hậu quở mắng, công chúa Pabhāvatī tâu rằng:

- Tâu mẫu hậu! Con không phải đứa con hư; cũng không phải đứa con làm hại hoàng tộc. Kia là đức vua Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ?

Công chúa Pabhāvatī tán dương ca tụng oai lực của đức vua Kusa rằng:

- Tâu mẫu hậu! Đức vua nào, hằng ngày thường cúng dường vật thực đến 20 ngàn vị Bà la môn; Đức vua ấy, tên là Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.

- Tâu mẫu hậu, các quân lính hằng ngày thường chuẩn bị đội tượng binh gồm 20 ngàn thớt voi cho Đức vua nào, Đức vua ấy là đức vua Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.

- Tâu mẫu hậu, các quân lính, hằng ngày thường chuẩn bị đội quân xa gồm 20 ngàn chiếc cho Đức vua nào, Đức vua ấy tên là Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.

- Tâu mẫu hậu, các quân lính, hằng ngày thường vắt sữa bò gồm 20 ngàn con cho Đức vua nào, Đức vua ấy tên là Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ....

Khi công chúa Pabhāvatī tán dương ca tụng đức vua Kusa như vậy, với lời lẽ hùng hồn, khiến cho mẫu hậu của nàng tin rằng, có đức vua Kusa thật, nên bà vội vã đến tâu lên đức vua Madda, Đức vua ngự đến lâu đài công chúa Pabhāvatī ngay tức khắc, bèn truyền hỏi rằng:

- Này con, đức vua Kusa đang ngự tại đây có thật hay không?

- Tâu phụ vương! Điều đó có thật, đức vua Kusa đang làm phận sự người đầu bếp của phụ vương cùng quý công chúa trải qua thời gian được 7 tháng rồi. – Công chúa Pabhāvatī tâu.

Đức vua Madda không thể nào tin đó là sự thật, nên truyền hỏi nàng hầu Khujjā của công chúa.

Nàng hầu cũng tâu rõ sự thật mọi điều như công chúa. Đức vua quở mắng công chúa rằng:

- Này, ngươi là đứa con ngu xuẩn, ngươi đã làm điều tồi tệ quá! Tại sao, từ lâu con không tâu với phụ vương được rõ? Đức vua Kusa là một Đại vương có nhiều oai lực, thống soái toàn cõi Nam thiện bộ châu này, như là một con voi chúa, sao con có thể xem như loài ếch được?

Quở mắng công chúa xong, Đức vua vội vã ngự đến tìm Đức Bồ Tát chấp hai tay xin tha tội rằng:

- Tâu Đại vương, bậc vĩ đại, xin người mở lòng thương mà tha tội kẻ bề tôi, vì không biết Đại vương đến nơi này, với hình thức không dễ ai biết được.

Nghe Đức vua Madda tâu như vậy, Đức Bồ Tát có tâm bi không quở trách, mà chỉ nói lời an ủi để Đức vua yên tâm rằng:

- Này Đại vương, người như quả nhân chẳng giấu giếm gì, quả nhân là người đầu bếp đã được Đại vương trọng dụng và tin cậy.

Này Đại vương, người không có tội lỗi gì mà quả nhân phải tha tội.

Nghe lời truyền dạy của Đức Bồ Tát, Đức vua yên tâm vội vã ngự đến lâu đài của công chúa Pabhāvatī truyền dạy công chúa mau mau đến yết kiến đại vương Kusa rằng:

- Này đứa con khờ dại, con hãy mau mau đến yết kiến Đại vương, bậc đại hùng, cầu xin Người tha tội. Nếu đại vương Kusa tha tội cho con, thì con mới mong thoát khỏi chết. Trong đời này, chỉ có đức vua Kusa mới cứu mạng cho con được mà thôi!

Nghe lời truyền dạy của phụ vương, công chúa Pabhāvatī cùng với các em của nàng, nhóm nữ tỳ đông đảo đến yết kiến Đức Bồ Tát; Đức Bồ Tát đứng với tư thế người đang rửa nồi chảo, biết hoàng hậu Pabhāvatī đến yết kiến mình, nên nghĩ rằng: hôm nay ta sẽ trừ tánh tự kiêu ngã mạn của hoàng hậu Pabhāvatī, để cho nàng cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân dơ bẩn của ta.Đức Bồ Tát giẫm đôi bàn chân dính đầy sình lầy dơ bẩn, khi hoàng hậu Pabhāvatī đến cúi đầu đảnh lễ ôm hai bàn chân của Đức Bồ Tát xong, ngồi trên vũng sình lầy xin lỗi Đức Bồ Tát rằng:

- Tâu hoàng thượng, thần thiếp xin cúi đầu lạy dưới đôi bàn chân của hoàng thượng, thần thiếp ghét hoàng thượng đến ngày hôm nay là ngày cuối cùng. Cầu xin hoàng thượng tha thứ tội cho thần thiếp, xin đừng giận thần thiếp nữa, thần thiếp thành thật thề với hoàng thượng, xin hoàng thượng nghe rõ lời thề của thần thiếp: kể từ nay về sau thần thiếp không còn ghét hoàng thượng nữa, một lòng thương yêu hoàng thượng. Đây là lời tha thiết khẩn khoản van xin của thần thiếp, nếu hoàng thượng không đoái thương cứu mạng thần thiếp, thì ngay hôm nay, phụ vương chắc chắn sẽ phân thây thần thiếp làm 7 phần, đem dâng cho 7 Đức vua đang vây ở ngoài thành.

Nghe lời khẩn khoản van xin của hoàng hậu Pabhāvatī, Đức Bồ Tát động lòng trắc ẩn, để cho hoàng hậu yên tâm mà phán rằng:

- Này ái khanh, lời khẩn khoản van xin của ái khanh, làm sao mà Trẫm không đoái thương được!

Trẫm không giận ái khanh nữa đâu! Ái khanh, Pabhāvatī, xin đừng có sợ!

Trẫm cũng chân thành thề với ái khanh rằng: từ nay về sau Trẫm không ghét ái khanh nữa.

Này ái khanh, Pabhāvatī, nàng là người sủng ái nhất của đời Trẫm, Trẫm có thừa oai lực tiêu diệt dòng vua Madda, phụ vương của ái khanh, bắt ái khanh trở về kinh thành Kusavatī. Nhưng vì Trẫm quá sủng ái ái khanh, nên Trẫm đành kiên trì chịu đựng, bao nhiêu nỗi khổ thân khổ tâm chờ đợi cho đến ngày hôm nay.

Đức Bồ Tát chăm chú nhìn thấy rõ công chúa Pabhāvatī, chánh cung hoàng hậu của mình xinh đẹp tuyệt trần chẳng khác nào thiên nữ, chánh cung hoàng hậu của Đức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên, làm cho tâm ngã mạn của dòng vua chúa phát sanh và nghĩ rằng: "Ta còn sống ở đây, những Đức vua nào có gan dám tranh giành chánh cung hoàng hậu của ta được".

Đức Bồ Tát tỏ rõ một vị đại vương có uy thế ngự đến trước sân rồng rống như sư tử chúa, vỗ mạnh hai bàn tay mà phán rằng:

- Ta là đức vua Kusa đã đến rồi, toàn thể dân chúng trong kinh thành hãy xem ta bắt sống 7 vị vua, tất cả quan quân chuẩn bị ngựa xe sẵn sàng cho ta.

Đức vua Madda truyền cho người thợ cắt tóc cạo râu cho Đức Bồ Tát xong; Đức Bồ Tát tắm rửa, mặc bộ đồ đại vương tỏ vẻ oai phong lẫm liệt ngự lên bạch tượng ngồi đằng trước, truyền cho hoàng hậu Pabhāvatī ngồi đằng sau xông ra trận địa, cùng các đội binh mã, quân xe hộ tống, ngự ra cửa phía Đông, đưa mắt nhìn thấy binh lính kẻ thù đang vây xung quanh thành, Đức vua Bồ Tát cất giọng xưng hô ba lần như sư tử chúa rống rằng:

- Ta là vua Kusa, ai muốn sống, hãy mau mau khuất phục ta ngay!

Binh lính của 7 Đức vua từ 7 kinh thành nghe giọng nói như sư tử chúa rống của đức vua Kusa đều kinh hồn bạt vía khiếp đảm giẫm nhau mà chạy; như bầy nai nghe tiếng rống của sư tử chúa chạy trốn thoát thân.

Đức Bồ Tát truyền lệnh bắt sống 7 vị vua từ 7 kinh thành trói dẫn về trình Đức vua Madda. Nhìn thấy Đức vua Bồ Tát toàn thắng, Đức vua trời Sakka vô cùng hoan hỉ dâng lên Đức Bồ Tát một viên ngọc Manī tên "Rocana: huy hoàng xán lạn"nhờ oai lực của viên ngọc Manī ấy, Đức Bồ Tát thay hình đổi dạng có tướng hảo quang minh, thân hình trở nên tốt đẹp không kém hoàng hậu Pabhāvatī.

Đức vua Bồ Tát đã toàn thắng ngồi trên bạch tượng đằng sau có hoàng hậu Pabhāvatī kéo quân ngự vào cung điện Đức vua Madda, dẫn theo 7 Đức vua từ 7 kinh thành vào yết kiến Đức vua Madda. Ngài phán rằng:

Này Đại vương! Đây là 7 vị vua của 7 kinh thành là kẻ thù của Người, bây giờ ở trong quyền hành của Người, Người muốn giam giữ tù đày, hoặc phóng thích, hoặc xử tử tuỳ ý của Người.

Nghe truyền như vậy, đức vua Madda tâu rằng:

- Tâu Đại vương, 7 vị vua này là kẻ thù của Đại vương, không phải kẻ thù của quả nhân.

Tâu Đại vương! Ngài là Đức vua lớn bảo hộ quả nhân, cho nên chỉ có Ngài mới có quyền phóng thích, hoặc xử tử 7 vị vua này tùy ý Ngài.

Đức vua Madda tâu trình như vậy, Đức Bồ Tát nghĩ rằng: lợi ích gì xử tử 7 vị vua này, 7 vị vua đến đây phải có được lợi gì khi trở về, Đức vua Madda còn có 7 công chúa xinh đẹp là em của công chúa Pabhāvatī, ta ban 7 công chúa này cho 7 vị vua ở 7 kinh thành thì có lợi biết dường nào! Đức Bồ Tát phán rằng:

- Này Đại vương, Người còn có 7 công chúa, xin Người ban cho 7 vị vua ở 7 kinh thành; như thế 7 vị vua này sẽ trở thành những Đức vua phò mã của Người.

Đức vua Madda tâu rằng:

- Tâu Đại vương, Ngài là Đức vua lớn bảo bộ quả nhân và công chúa của quả nhân. Vậy xin Ngài ban 7 công chúa của quả nhân cho 7 Đức vua theo ý muốn của Ngài.

Đức vua Bồ Tát truyền lệnh trang điểm 7 công chúa của Đức vua Madda cho xinh đẹp, rồi ban cho mỗi Đức vua một công chúa.

Bảy Đức vua ở 7 kinh thành vô cùng hoan hỉ, cảm đội ơn đức vua Kusa và đức vua Madda nhạc phụ kéo quân ngự trở về kinh thành của mình cùng với một nàng công chúa xinh đẹp.

Đức vua Bồ Tát ngự lại 2 – 3 hôm sau mới từ giã Đức vua Madda ngự trở về kinh thành Kusavatī. Trên long xa, đức vua Kusa cùng chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī ngồi sánh đôi, mỗi người mỗi vẻ không ai kém ai, trên đường ngự trở về kinh thành Kusāvatī, lễ đón rước vô cùng long trọng.

Được tin đức vua Kusa cùng chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī trở về, Thái thượng hoàng và Hoàng thái hậu truyền lệnh trang hoàng cung điện, cũng như trong kinh thành thật lỗng lẫy làm lễ đón mừng.

Khi ấy, thái thượng hoàng Okkāka, hoàng thái hậu Sīlavatī và hoàng đệ Jayampati của Đức Bồ Tát ngự ra khỏi thành đón rước, còn các hoàng gia bá quan văn võ, dân chúng trong thành đều hân hoan đón mừng đức vua Kusa và chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī trở về. Đức vua truyền lệnh cho phép tổ chức lễ hội mừng suốt 7 ngày đêm. Kể từ đó đức vua Kusa và chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī sống hòa hợp nhau, trị vì đất nước Malla được an lành thịnh vượng cho đến hết tuổi thọ.

Đức Phật thuyết về truyện tiền thân Kusajātaka xong, những nhân vật trong câu truyện liên quan đến kiếp hiện tại như sau:

Thái thượng hoàng Okkāka, kiếp hiện tại nay là Đức vua Suddhodana.
Hoàng thái hậu Sīlavatī, kiếp hiện tại nay là hoàng hậu Mayādevī.
Hoàng đệ Jayampati, kiếp hiện tại nay là Đại Đức Ānanda.
Chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī, kiếp hiện tại nay là hoàng hậu Yasodhara.
Đức vua Kusa, kiếp hiện tại nay là Đức Phật Gotama của chúng ta.

Qua câu truyện tiền thân Kusajātaka giúp hiểu rõ những điều như:

1- Về tác ý (cetanā)tạo nghiệp.

Đức Phật dạy: "Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi tác ý là nghiệp, sau khi suy nghĩ rồi tạo nghiệp do thân, khẩu, ý".

Tác ý thiện tâm đồng sanh trong thiện tâm phát sanh ba thời:

Tác ý trước khi bố thí.
Tác ý đang khi bố thí.
Tác ý sau khi bố thí xong, thời gian không hạn định.

Trường hợp người chị dâu và người em chồng (Đức Bồ Tát) cùng làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Độc Giác; song tác ý hai người khác nhau, nên tạo nghiệpkhác nhau, dĩ nhiên quảcủa nghiệp cũng khác nhau.

Người chị dâu:tác ý trước khi bố thí, tác ý đang khi bố thí và tác ý sau khi đã bố thí xong đều là tác ý thiện tâm hoàn toàn trong sạch suốt cả ba thời tạo thiện nghiệp bố thí.

Người em chồng:tác ý thiện tâm cả ba thời tạo thiện nghiệp bố thí; song giai đoạn thời gian trước khi bố thí, đã tạo ác nghiệptức giận người chị dâu đã đem phần bánh chiên của mình bố thí cúng dường đến Đức Phật Độc Giác.

2- Về nghiệp và quả của nghiệp.

Phước thiện bố thí cho quả báu được giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng.

Người chị dâu:do năng lực thiện nghiệp bố thí ấy, cho quả báu được tái sanh làm công chúa của Đức vua Madda ở kinh thành Sāgala, vùng Madda. Do tác ý thiện tâm hoàn toàn trong sạch suốt cả ba thời tạo nghiệp bố thí, cho nên hưởng được quả báu suốt cả ba thời trong cuộc đời: thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên được giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng.

Người em chồng: do năng lực thiện nghiệp bố thí ấy, cho quả báu được tái sanhlàm thái tử của Đức vua Okkāka ở kinh thành Kusavatī, xứ Malla. Do tác ý thiện tâm trước khi bố thí ngắn ngủi, có phiền não làm ô nhiễm,tác ý đang khi bố thí và sau khi bố thí xong đều trong sạch; cho nên, hưởng quả báu trong suốt cuộc đời giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng. Song bị ác nghiệp tức giận trước khi bố thí cho quả sau khi tái sanh vào thời ấu niên có thân hình xấu xí đáng ghê sợ, đến thời trung niên và lão niên thân hình trở nên tốt đẹp, đó là do quả cả thiện nghiệp.

3- Về lời phát nguyện và sự thành tựu.

Lời phát nguyện là điều mong muốn, ý nguyện riêng của mình có được thành tựu như ý hay không, đều do năng lực phước thiện của mình đã tạo. Năng lực phước thiện mạnh thì được thành tựu như ý, ngược lại năng lực phước thiện yếu, thì khó thành tựu. Năng lực phước thiện mạnh cần phải hội đủ 3 điều kiện:

Vật bố thí hoàn toàn hợp pháp.
Tác ý thiện tâm cả 3 thời hoàn toàn trong sạch.
Người thọ nhận vật bố thí phải là bậc có giới đức hoàn toàn trong sạch; bậc ấy phải là Đức Phật Toàn Giác, hoặc là Đức Phật Độc Giác, hoặc bậc Thánh A-ra-hán.

Nếu đủ 3 điều kiện này, mới có năng lực phước thiện mạnh và nhiều; thì thí chủ có ý nguyện nào cũng dễ dàng thành tựu được như ý nguyện ấy.

Người chị dâu và người em chồng đều có đủ 3 điều kiện.

- Người chị dâu phát nguyện: Kiếp sau, cầu xin cho con có được sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh kịp, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày. Xin đừng sống chung với hạng người ác như chú em chồng của con.

Kiếp sau, sanh làm công chúa Pabhāvatī đó là quả báu được thành tựu đúng theo lời phát nguyện trong tiền kiếp, trong đó có điều không muốn sống chung với đức vua Kusa.

- Người em chồng phát nguyện: Kiếp sau, chị dâu của con dầu ở xa hằng trăm do tuần, xin cho con có đủ khả năng rước đem về làm vợ của con.

Kiếp sau, sanh làm thái tử Kusa đã tìm được công chúa Pabhāvatī rước về làm chánh cung hoàng hậu. Đó là quả báu được thành tựu đúng theo lời phát nguyện trong tiền kiếp.

Nhưng khi hoàng hậu Pabhāvatī (chị dâu tiền kiếp) nhìn thấy rõ đức vua Kusa (em chồng kiếp trước) liền có cảm ứng tự nhiên vừa ghét vừa ghê sợ Đức vua, do bởi năng lực lời phát nguyện trong tiền kiếp, nên hoàng hậu từ bỏ đức vua Kusa trở về kinh thành Sāgala của phụ vương mình.

Bởi do năng lực lời phát nguyện trong tiền kiếp, nên đức vua Kusa đeo đuổi theo hoàng hậu Pabhāvatī. Do năng lực phước thiện và lời phát nguyện của Đức Bồ Tát có nhiều năng lực hơn người thường, khiến vua trời Sakka phải giúp đỡ Đức Bồ Tát cho được thành tựu như ý nguyện, làm thay đổi thân hình xấu xí đáng ghê sợ trở thành thân hình tốt đẹp, đem hoàng hậu trở lại kinh thành Kusavatī sống chung trong tình thương yêu kính mến nhau cho đến trọn đời.

Qua lời phát nguyện của hai người, chị dâu và em chồng có điều trái ngược nhau: kiếp sau người chị dâu không muốn sống chung với người em chồng; ngược lại người em chồng chỉ muốn sống chung với người chị dâu mà thôi.

Kết quả: lời phát nguyện của Đức Bồ Tát có năng lực hơn lời phát nguyện của hoàng hậu Pabhāvatī, khiến hoàng hậu Pabhāvatī thay đổi thái độ tâm tính từ ghét và kinh sợ đức vua Kusa chuyển sang không ghét, một lòng thương yêu Đức vua, và đức vua Kusa cũng thương yêu hoàng hậu. Cả hai người nói lên bằng lời thề chân thật với nhau.

Điều đó, có thể hiểu rõ rằng: quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại, song hiện tại cũng có thể làm thay đổi, để cho tương lai theo ý của mình.

Có Phước Chọn Được Cõi Tái Sanh

Trong đời, người giàu có nhiều tiền nhiều bạc, có thể chọn mua sắm những gì theo ý muốn của mình. Trong đạo, bậc Thiện trí phàm nhân có nhiều phước thiện cũng có thể chọn trước cảnh giới tái sanh theo ý muốn của mình.

Như những hành giả tiến hành thiền định chứng đắc được bậc thiền nào(bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới)cho đến khi gần chết chưa bị hư mất; sau khi chết, chắc chắn bậc thiền ấy cho quả tái sanh lên cõi sắc giới phạm thiên, hoặc cõi vô sắc giới phạm thiên tương xứng với bậc thiền sở đắc của mình.

Đó là sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp.

Đối với những bậc Thiện trí phàm nhân đã tạo dục giới thiện nghiệp như: làm phước bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định mà chưa chứng đắc được bậc thiền nào; tiến hành thiền tuệ..., còn thuộc về dục giới đại thiện tâm. Những bậc Thiện trí này có nhiều phước thiện, đến khi sắp từ bỏ thể xác (chết), có thể chọn 1 trong 7 cõi thiện giới: 1 cõi người và 6 cõi trời dục giới theo ý muốn của mình, để làm đối tượng nương nhờ tái sanh kiếp sau. Cho nên, sau khi từ bỏ sắc thân (chết),do năng lực dục giới thiện nghiệp cho quả tái sanh kiếp sau, theo cảnh giới mà mình đã chọn từ kiếp trước lúc sắp lâm chung.

Trích dẫn một tích người cận sự nam Dhammika [Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Dhammika upāsikavatthu] trong bộ Chú giải Pháp cú.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành Sāvatthi, đề cập đến cận sự nam Dhammika được tóm lược như sau:

Trong kinh thành Sāvatthi, ông cận sự nam Dhammika là người cao quý nhất trong nhóm 500 cận sự nam. Ông có 7 người con trai và 7 người con gái đều là những người cận sự nam, cận sự nữ, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, Tam bảo. Trong tư thất thường làm phước thiện bố thí như: bố thí cháo, bố thí vật thực, bố thí vật thực vào ngày rằm và cuối tháng, bố thí vật thực vào ngày giới hằng tháng, thỉnh chư Tỳ khưu Tăng thọ trai tại nhà, bố thí vật thực chư Tỳ khưu khách đến, cúng dường vật thực chư Tỳ khưu Tăng an cư nhập 3 tháng hạ v.v.... Toàn gia đình gồm cha mẹ và các con đều là những người hoan hỉ trong phước thiện bố thí, gìn giữ giới hạnh trong sạch, hoan hỉ trong việc nghe pháp.

Một hôm, ông Dhammika bị lâm bệnh nặng sắp lâm chung, muốn nghe tụng kinh, ông sai người đến hầu Đức Phật, kính xin Đức Phật cho phép 8 hoặc 16 vị Tỳ khưu Tăng đến nhà ông.

Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu đến nhà ông, thỉnh ngồi nơi đã sắp đặt sẵn quanh giường của ông, ông bạch rằng:

- Kính bạch chư Đại Đức, được chiêm ngưỡng quý Ngài là một điều khó đối với con, nay con yếu quá rồi, kính xin quý Ngài tế độ tụng cho con được nghe một bài kinh.

- Này Dhammika, ông muốn nghe bài kinh nào? – Chư Tỳ khưu hỏi.

- Kính bạch chư Đại Đức, con tha thiết cầu xin quý Ngài tụng cho con nghe bài kinh "Mahāsati-paṭṭhānasutta": kinh Đại Niệm Xứmà chư Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai)thường thuyết giảng.

Chư Tỳ khưu bắt đầu tụng rằng:

"Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā...".

Ngay khi ấy có 6 chiếc xe trời, mỗi chiếc có 1.000 con ngựa quý kéo, trang hoàng lộng lẫy từ 6 cõi trời dục giới kéo đến xin đón rước ông [con ngựa thật là loài súc sanh không thể tái sanh lên cõi trời, những con ngựa quý này do phép mầu của chư thiên hoá ra làm phận sự kéo xe trời, không phải con ngựa loài súc sanh]. Chư thiên ở mỗi cõi trời đều khẩn khoản mời ông rằng:

Amhākaṃ devalokaṃ nessāma!
Amhākaṃ devalokaṃ nessāma!...

Chúng tôi xin rước ông lên cõi trời của chúng tôi!
Chúng tôi xin rước ông lên cõi trời của chúng tôi!

Kính mời ông tái sanh lên cõi trời của chúng tôi, để cho cõi trời của chúng tôi được huy hoàng xán lạn thêm, như người từ bỏ đồ dùng cũ kỹ rạn nứt rồi, đổi lấy đồ dùng bằng vàng ròng (vàng mười) tái sanh cõi trời chúng tôi hưởng nhiều sự an lạc lắm!

Ông cận sự nam không muốn những nhóm chư thiên ấy làm trở ngại việc nghe pháp của ông, nên ông bảo rằng:

Āgametha! Āgametha!
Xin quý Ngài chờ một lát! Xin quý Ngài chờ một lát!

Chư Tỳ khưu Tăng đang tụng kinh, nghe ông nói như vậy, nên ngừng lại, vì nghĩ rằng: ông nói với chúng ta.

Khi chư Tỳ khưu Tăng ngưng tụng kinh, các con ông than khóc kể lể rằng:

- Trước đây, cha của chúng con hoan hỉ trong việc lắng nghe pháp không bao giờ biết đủ, chính cha đã cho thỉnh chư Tỳ khưu đến tụng kinh cho cha nghe. Nhưng bây giờ, chính cha đã ngăn cản chư Tỳ khưu không cho tụng kinh, cớ sao như vậy?

Chư Tỳ khưu bàn với nhau rằng: "Bây giờ không phải là lúc tụng kinh", nên các Ngài đứng dậy trở về chùa.

Ông cận sự nam không nghe tiếng tụng kinh mà nghe tiếng khóc của các con nên hỏi rằng:

- Này các con, tại sao các con lại khóc như vậy?

- Thưa cha, chính cha đã cho thỉnh chư Tỳ khưu đến tụng kinh cho cha nghe, rồi cũng chính tự cha lại ngăn cấm Tỳ khưu không cho tụng kinh nữa. Thấy như vậy, nên chúng con buồn mà than khóc vậy.

- Chư Đại Đức đi đâu rồi? Ông cận sự nam hỏi.

- Thưa cha, chư Đại Đức bàn với nhau: "Bây giờ không phải lúc tụng kinh", nên quý Ngài đã trở về chùa rồi.

- Cha không phải ngăn cấm chư Đại Đức. – Ông cận sự nam nói.

- Thưa cha, nếu như vậy cha ngăn cấm ai vậy?

Ông cận sự nam Dhammika giải thích cho các con hiểu rằng:

- Có 6 chiếc xe từ 6 cõi trời dừng trên hư không, chư thiên mỗi cõi trời đều khẩn khoản mời cha rằng:

Amhākaṃ devaloke abhirama!
Amhākaṃ devaloke abhirama!

Xin ông hoan hỉ hưởng sự an lạc nơi cõi trời của chúng tôi!
Xin ông hoan hỉ hưởng sự an lạc nơi cõi trời của chúng tôi!

Cha không muốn các chư thiên ấy quấy rầy, làm trở ngại việc nghe pháp của cha, nên cha chỉ ngăn cấm họ mà thôi.

- Thưa cha, xe trời ở đâu mà chúng con không thấy?

Ông cận sự nam hiểu biết rõ đây là Gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh,chỉ có một mình ông thấy mà thôi, nên ông tìm cách khác để chứng minh cho các con tin lời của ông, ông hỏi rằng:

- Này các con, vòng hoa dành cho cha có không?

- Thưa cha, dạ có vòng hoa.

- Này các con, trong 6 cõi trời dục giới, cõi trời nào đáng hài lòng nhất?

- Thưa cha, cõi trời Tusita (Đâu suất đà thiên) là cõi mà chư Bồ Tát, thân mẫu của Đức Phật... thường hài lòng nơi cõi trời ấy.

Ông cận sự nam Dhammika chọn cõi trời Tusita là nơi sẽ tái sanh kiếp sau, do đó, ông dạy các con ông rằng:

- Này các con, các con nguyện rằng:"Xin cho vòng hoa này đeo vào đầu xe từ cõi trời Tusita" rồi các con ném lên hư không.

Các con của ông làm theo lời chỉ dạy của ông, ném vòng hoa lên hư không, kỳ diệu thay! Vòng hoa ấy treo lư lửng trên hư không, mọi người đều có thể nhìn thấy vòng hoa trên hư không, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy chiếc xe trời (chỉ có nhãn thông mới nhìn thấy được).

Ông cận sự nam hỏi các con rằng:

- Này các con, các con có nhìn thấy vòng hoa trên hư không hay không?

- Thưa cha, chúng con đều nhìn thấy.

Ông cận sự nam Dhammika giải thích rằng:

- Cái vòng hoa ấy đeo trên chiếc xe từ cõi trời Tusita đấy. Sau khi cha từ giã (chết) cõi người này rồi, do thiện nghiệp dẫn dắt cho quả tái sanh lên cõi trời Tusita ấy.

Các con chớ nên buồn rầu, các con muốn tái sanh cùng cảnh giới với cha, thì các con nên tạo mọi phước thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền, nghe pháp, hành theo pháp v.v... như cha vậy.

Sau khi ông cận sự nam Dhammika khuyên răn dạy dỗ các con của ông xong, ông giữ tâm an tịnh từ giã (chết)cõi người. Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời Tusita mà ông đã chọn từ trước lúc sắp lâm chung, hoá sanh lên cõi trời Tusita, là một thiên nam có thân hình cao 3 gāvuta [gāvuta: chiều dài 5.120,64 mét hoặc 3.18 miles], trang sức những đồ quý giá, trong một lâu đài bằng ngọc ngà nguy nga tráng lệ lớn rộng 25 do tuần [do tuần (yojana): chiều dài 20.482,56 mét hoặc 12.72 miles], có một ngàn thiên nữ xinh đẹp hầu hạ ngày đêm.

Khi chư Tỳ khưu trở về đến chùa, Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

- Này chư Tỳ khưu, ông cận sự nam có nghe trọn bài kinh hay không?

Kính bạch Đức Thế Tôn, ông cận sự nam nghe phần đầu; trong khi đang tụng kinh, ông nói: "xin quý Ngài chờ một lát". Nghe như vậy, chúng con ngừng tụng kinh, thì các con của ông than khóc, chúng con bàn với nhau rằng: "Bây giờ không phải lúc tụng kinh"nên chúng con đứng dậy trở về đây.

- Này chư Tỳ khưu! Ông cận sự nam Dhammika không phải nói với các con đâu! Khi ấy, chư thiên từ 6 cõi trời, mỗi cõi đem mỗi chiếc xe trời khẩn khoản mời ông tái sanh lên cõi trời của mình. Ông không muốn quý vị chư thiên quấy rầy, làm trở ngại việc nghe pháp của ông, nên ông nói ngăn cấm các nhóm chư thiên ấy.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy thì kiếp này ông tái sanh vào cõi nào?

- Này chư Tỳ khưu, ông đã tái sanh bằng hoá sanh vào cõi trời Tusita rồi.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, khi trong cõi người, ông cận sự nam Dhammika được hưởng sự an lạc trong gia đình bà con bè bạn; nay hoá sanh lên cõi trời, làm chư thiên cũng được hưởng sự an lạc trong cõi trời nữa.

Đức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, người không dễ duôi quên mình, tiến hoá trong mọi thiện pháp, dầu là người tại gia cư sĩ hoặc bậc xuất gia sống nơi nào cũng đều được sự an lạc.

Đức Phật thuyết bài kệ rằng:

"Chư Tỳ khưu các con!
Người tạo nhiều phước thiện,
An lạc trong đời này,
Đời sau cũng an lạc,
Cả hai đời an lạc,
Do thiện nghiệp của mình,
Trong sạch và thanh tịnh,
Đời đời được an lạc".

Trường hợp ông cận sự nam Dhammika, trước khi lâm chung gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh,đó là 6 chiếc xe trời cùng 6 nhóm chư thiên từ 6 cõi trời hiện xuống đón rước ông, ông đã chọn chiếc xe từ cõi trời Tusita làm đối tượng tái sanh kiếp sau. Cho nên, sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nam trong cõi trời Tusita.

Tóm lại, những bậc thiện trí có nhiều phước thiện có thể chọn được cảnh thiện giới làm cõi tái sanh kiếp sau theo ý muốn của mình. Cũng như người có nhiều tiền, nhiều bạc có thể chọn mua sắm thứ gì theo ý muốn của mình. Ngược lại, chúng sinh vô phước phải cam chịu cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) do bởi ác nghiệp của mình đã tạo, những chúng sinh ấy không có quyền chọn lựa cảnh giới để tái sanh; hoàn toàn tuỳ thuộc vào ác nghiệp cho quả khổ, cũng như người nghèo nàn phải chịu đời sống thiếu thốn, đói khát khổ cực.

Vậy, muốn chọn cõi tái sanh kiếp sau, trong cảnh giới thiện nào, thì nên tạo thiện nghiệp tương xứng với cảnh giới ấy.

CHÚ THÍCH:

Con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung (trừ bậc Thánh A-ra-hán, bởi vì không còn tái sanh nữa)trước khi từ bỏ thân xác này (gọi là chết)luôn luôn có một trong ba hiện tượng hiện ra, để làm đối tượng nương nhờ tái sanh kiếp sau:

Ba hiện tượng:

1- Kamma: nghiệp,đó là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình đã tạo từ trong kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước lúc lâm chung, hiện ra trong tâm làm đối tượng nương nhờ để tái sanh kiếp sau.

2- Kammanimitta: hiện tượng nghiệp,đó là những hình ảnh, hoặc những đối tượng hiện ra liên quan đến thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình đã tạo từ trước, làm đối tượng nương nhờ để tái sanh kiếp sau.

3- Gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh,đó là cảnh giới hiện ra trước mắt, tạo nên ấn tượng sẽ được gặp, sẽ được thọ hưởng an lạctrong cõi thiện giới ở kiếp sau, do thiện nghiệp của mình đã tạo, hoặc chịu khổ cựctrong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh)ở kiếp sau, do ác nghiệp của mình đã tạo.

Ba hiện tượng này chỉ có người hoặc chúng sinh sắp chết mới thấy, mới biết mà thôi; và đặc biệt có những bậc Thiện trí có thiên nhãn thông,và chư thiên có thể thấy, có thể biết được. Ngoài ra, những chúng sinh khác không thể thấy, không thể biết được.

Bố Thí Chỗ ở cõi Người, Lâu Đài Hiện Ra Cõi Trời

Bốn thứ vật dụng cần thiết cho con người là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh. Trong bốn thứ này, thí chủ làm phước bố thí chỗ ở có được phước thiện nhiều hơn ba thứ kia, bởi vì chỗ ở có tính chất bền vững lâu dài. Cho nên, phước thiện được phát triển, do đó quả báu của phước thiện ấy đặc biệt vô cùng phong phú.

Trích dẫn tích Nandiya [Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Nandiyavatthu] trong bộ Chú giải Pháp cú.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại khu rừng phóng sanh nai, gọi là Isipatana đề cập đến thí chủ Nandiya, được tóm lược như sau:

Trong thành Bārāṇasī, một gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, hằng ngày thường hoan hỉ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, gia đình có một người con trai tên Nandiya được cha mẹ nuôi nấng và dạy dỗ, cậu Nandiya trở nên người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, biết bổn phận phụng dưỡng cha mẹ và thường cúng dường những thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng.

Khi cha mẹ qua đời, cận sự nam Nandiya trở thành người đại thí chủ thường cúng dường bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng và những người nghèo khổ, khách lữ hành....

Một hôm, cận sự nam Nandiya nghe Đức Phật thuyết pháp về phước thiện bố thí chỗ ở và quả báu đặc biệt của nó, ông phát sanh đức tin trong sạch, cho xây cất một Tăng xá tại ngôi chùa trong khu rừng Isipatana, có trang bị mọi đồ dùng cần thiết. Ngày làm lễ khánh thành, ông thành kính cúng dường Tăng xá đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì. Khi dâng nước làm lễ bố thí (dakkhiṇodaka: nước làm lễ bố thí tuôn chảy xuống ngón tay theo tục lệ cổ truyền lễ bố thí) đang tuôn chảy xuống ngón tay, đồng thời, khi ấy trên cung Tam thập tam thiên hiện ra một lâu đài bằng 7 thứ báu, rộng 12 do tuần, cao 100 do tuần nguy nga, tráng lệ, có nhóm thiên nữ hầu đông đảo trông chờ chủ nhân Nandiya.

Một hôm, Đại Đức Mahāmoggallāna du hành lên cung Tam thập tam thiên đứng nhìn thấy lâu đài nguy nga tráng lệ ấy muốn biết chủ nhân là ai, nên Ngài hỏi các vị chư thiên rằng:

- Này quý vị chư thiên, lâu đài có nhiều thiên nữ này thuộc về vị thiên nam nào vậy?

Nhóm chư thiên bạch rằng:

- Kính bạch Đại Đức, lâu đài này hiện ra dành cho thiên nam Nandiya, là thí chủ dâng Tăng xá tại khu rừng Isipatana đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì.

Nhóm thiên nữ nhìn thấy ngài Đại Đức Mahā-moggallāna, từ lâu đài đi xuống, đến hầu đảnh lễ Ngài Đại Đức bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại Đức, chúng con sanh ở đây với hy vọng rằng chúng con sẽ là những thiên nữ hầu hạ của thiên nam Nandiya.

Kính bạch ngài Đại Đức, khi Ngài trở về cõi người, xin Ngài từ bi nói hộ ông thí chủ Nandiya rằng: "từ bỏ sự nghiệp cõi người rồi hưởng sự nghiệp nơi cõi trời"ví như từ bỏ một món đồ cũ bằng đất bị bể, chọn lấy một món đồ mới khác bằng vàng giá trị hơn. Cũng như vậy, từ bỏ sự nghiệp cõi người rồi, hưởng sự nghiệp nơi cõi trời an lạc hơn nhiều.

Khi ngài Đại Đức Mahāmoggallāna từ giã cõi trời, trở về cõi người đến hầu Đức Thế Tôn, đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn: lâu đài hiện ra nơi cõi trời dành cho người thí chủ đã tạo phước thiện còn trong cõi người có hay không? Bạch ngài.

- Này Moggallāna, lâu đài và các thiên nữ hiện ra nơi cõi trời dành cho thí chủ Nandiya, chính con đã tận mắt nhìn thấy không phải hay sao? Tại sao con còn hỏi Như Lai nữa.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, dạ phải, chính con đã thấy lâu đài, sự nghiệp của thí chủ Nandiya.

Đức Phật dạy bảo rằng:

- Này Moggallāna, ví như người con hoặc anh em thân yêu từ phương xa lâu ngày trở về nhà; đứng trước cửa, người trong nhà nhìn thấy mừng quá reo lên: "Con vào nhà, hoặc mời anh, em vào nhà" rồi thông báo cho bà con thân quyến biết rằng người tên ấy đã về rồi! Thân bằng quyến thuộc đến thăm hỏi:

Āgato’si tāta!
Āgato’si tāta!

Con thân yêu! Con đã về
Con thân yêu! Con được khoẻ mạnh chứ!

Rồi tổ chức lễ ăn mừng.

Cũng như vậy, trong cõi người, đàn ông, đàn bà đã tạo nhiều phước thiện, sau khi từ bỏ cõi người (chết), do phước thiện cho quả hóa sanh làm thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời. Chư thiên ấy đón tiếp thiên nam hoặc thiên nữ mới hoá sanh bằng 10 món quà cõi trời nghĩ rằng: Ahaṃ purato! Ahaṃ purato![Mười món quà là: quả báu trong cõi trời: tuổi thọ, sắc đẹp, an lạc, danh vọng, quyền lực cõi trời và 5 đối tượng cõi trời: sắc, thanh, hương, vị, xúc, rất vi tế, đáng hài lòng] Ta đến đón rước trước tiên! Ta đến đón rước trước tiên!

Tiếp theo Đức Phật thuyết bài kệ rằng:

Bà con cùng bè bạn, tâm vô cùng hoan hỉ,
Vui mừng đón người về, khoẻ mạnh và an lạc,
Từ phương xa lâu ngày. Cũng như người đời này,
Đã tạo nhiều phước thiện, khi từ bỏ cõi người,
Do nhờ phước thiện ấy, được tái sanh cõi trời,
Chư thiên như bà con, đón tiếp món quà trời.

Sai Bảo Người Bố Thí

Sai bảo người bố thí và tự mình bố thí có quả báu khác nhau.

Tích ông Pāyāsi [Bộ Chú giải Dīghanikāya, phần Mahāvagga, kinh Pāyāsi-rājaññasutta], tỉnh trưởng tỉnh Satabyā được tóm lược như sau:

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi cho người xây dựng một trại bố thí; ông sai bảo cậu Uttara làm phước bố thí đến Sa môn, Bà la môn, người nghèo khổ, người qua đường, người ăn xin..., những đồ ăn, đồ mặc như: cơm nấu bằng thứ gạo dở, với một món đồ ăn ngâm nước chua; vải tấm nho nhỏ loại xấu, vải dơ.... Mặc dầu vậy, cậu Uttara tự tay mình bố thí đến người thọ thí một cách kính trọng, với tâm từ bi tế độ. Bố thí xong, cậu Uttara nguyện rằng: "mong rằng tôi chỉ gặp ông tỉnh trưởng Pāyāsi kiếp này mà thôi, kiếp sau xin đừng gặp lại".

Nghe nguyện vậy, ông Pāyāsi gọi cậu Uttara hỏi tại sao nguyện như vậy. Cậu Uttara thưa rằng:

- Thưa ông, ông sai bảo con bố thí đến người khác những đồ ăn như: cơm nấu bằng thứ gạo dở, với món đồ ăn ngâm nước chua; mà chính ông cũng không muốn nhìn thấy, thì làm sao người ta ăn ngon được; bố thí những tấm vải loại xấu, vải dơ, mà chính ông không muốn đụng bằng đôi chân, thì làm sao người ta mặc được.

- Ông tỉnh trưởng muốn làm cho mọi người kính mến ông, song ông đối xử với họ như vậy, thì làm sao khiến cho họ kính mến ông tỉnh trưởng được?

Nghe như vậy, ông tỉnh trưởng bảo rằng:

- Này Uttara, vậy kể từ nay, ngươi bố thí những đồ ăn như ta dùng, bố thí thứ vải như ta mặc.

Cậu Utttara vâng lời sai bảo của ông tỉnh trưởng, tự tay mình bố thí những đồ ăn ngon lành; bố thí những thứ vải tốt đến những vị Sa môn, Bà la môn, người nghèo khổ, người qua đường, thậm chí đến những người xin ăn một cách kính trọng với tâm từ, tâm bi tế độ cho họ.

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi sai bảo cậu Utttara bố thí, không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố thí. Sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, do phước thiện bố thí như thế ấy, cho quả tái sanh lên cõi Tứ đại thiên vương, trong một lâu đài có tên Serisaka hoang vắng, sống một mình không có ai hầu hạ.

Còn cậu Utttara, người giúp việc của ông tỉnh trưởng Pāyāsi làm phận sự tự tay mình bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí. Cho nên, sau khi cậu Uttara chết, do phước thiện bố thí một cách kính trọng ấy, cho quả tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên (cao hơn cõi Tứ đại thiên vương) trong một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ cao 16 do tuần, trang trí toàn những đồ quý giá; là một thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, có nhiều thiên nam, thiên nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Một thuở nọ, Ngài Đại Đức Gavampati lên cõi Tứ đại thiên vương nghỉ trưa. Khi ấy, thiên nam Pāyāsi đến hầu đảnh lễ Ngài Đại Đức Gavampati xong đứng một nơi hợp lẽ.

Ngài Đại Đức hỏi rằng:

- Này thiên nam, ngươi là ai vậy?

- Kính bạch Ngài Đại Đức, tiền kiếp con là Pāyāsi tỉnh trưởng tỉnh Satabyā. – Thiên nam Pāyāsi thưa.

- Này thiên nam Pāyāsi, cậu Uttara người giúp việc làm phận sự bố thí của ngươi tái sanh cõi nào?

- Kính bạch Ngài Đại Đức, cậu Uttara tự tay mình làm phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí.... Sau khi cậu Uttara chết, do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sanh lên cõi trời Tam thập tam thiên. Còn con sai bảo cậu Uttara bố thí, không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố thí. Cho nên sau khi con chết, do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sanh lên cõi trời Tứ đại thiên vương này trong lâu đài hoang vắng không có ai hầu hạ.

Kính bạch Ngài Đại Đức, khi Ngài trở lại cõi người, kính xin Ngài thuyết giảng cho mọi người biết rằng: "Nên tự tay mình làm phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí, chớ nên xem thường việc bố thí".

Xin Ngài thông báo cho mọi người được biết rằng:"Ông tỉnh trưởng Pāyāsi không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố thí... do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sinh lên cõi Tứ đại thiên vương trong lâu đài Serisaka hoang vắng, sống một mình không ai hầu hạ. Còn cậu Uttara tự tay mình làm phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí... do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sinh lên cõi trời Tam thập tam thiên".

Qua tích trên đây, chúng ta nhận thức rằng:

- Người bỏ công làm phước bố thí, hơn người bỏ của cảira để làm phước bố thí gấp vô lượng lần không sao kể xiết.

- Nếu thí chủ bỏ của cảilại còn bỏ côngtự mình làm phước bố thí thì phước thiện càng vô lượng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/03/2024(Xem: 1204)
Hôm nọ lúc Đức Thế Tôn đang giảng dạy ở tu viện Kỳ Viên, có một ông say rượu loạng quạng đi vô và nói "Thế Tôn, Con muốn xuất gia đi tu". Thế Tôn cười, cho đệ tử cao đầu ông ta và ban cho y bát. Hôm sau tỉnh rượu ông say nầy sợ quá, bỏ trốn đi về nhà. Chư Tỳ Kheo thắc mắc, bàn tán với nhau : Tại sao đức Thế tôn làm chuyện lạ nhỉ? Biết hắn say mà vẫn độ cho hắn xuất gia? - Hãy để hắn đi cho khuất, rồi chúng ta sẽ đến thỉnh giáo đức Thế tôn về việc này. Thế là họ kéo nhau đến hương thất đức Phật, bạch hỏi: - Bạch đức Thế tôn, chúng con không hiểu vì nguyên nhân gì Ngài lại độ cho một gã say như thế? Xin Đấng Thiện Thệ giải rõ cho chúng con.
01/06/2021(Xem: 4498)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ 6 May 28 vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Chowra Village & Sundapur Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thuc phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 354 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 17 cây số. Thành phần quà tặng cho mỗi hộ gồm có: 10 ký Gạo và bột Chapati, 1 bộ áo Sari, 2 ký đường, dầu ăn, bánh ngọt cho trẻ em và 100Rupees tiên mặt (Mỗi phần quà trị giá: 15usd.75cents >< 367 hộ = . Bên cạnh đó là những phần phụ phí như mướn xe chở hàng, tiền công đóng gói và công thợ khuân vác, tiền quà cho những người sắp xếp trật tự tại nơi phát chẩn.)
29/04/2020(Xem: 4292)
Hạt Gạo Nghĩa Tình
25/04/2020(Xem: 6317)
Sáng hôm nay chúng con, chúng tôi lại tiếp tục lên đường gieo hạt từ tâm giai đoạn India vẫn còn cách ly và phong tỏa. Như trước đây chúng con, chúng tôi đã trình bày, nhờ hồng ân đức Phật nên những vùng thuộc Phật tích như Bồ Đề Đao Tràng- Nalanda, những nơi thuộc Phật tích của tiểu bang Bihar đến thời điểm này vẫn chưa có ca nhiễm CoVi nào, do vậy mà chính quyền sở tại đã cho phép, và nhiệt tình cho Cảnh sát ủng hộ chúng con chúng tôi trong việc phát chẩn cho dân nghèo tại đây trong tình trạng LockDown quá dài ngày.. Xin tường trình một số hình ảnh cùng chư Tôn đức và chư thiện hữu đã nhiệt tâm hỗ trợ cho chương trình phát chẩn này khi vừa mới nghe tin nạn đói xảy ra tại Ấn. Chúng con, chúng tôi cảm niệm sâu xa những tấm chân tình của chư Tôn Đức, của hàng Phật tử 4 phương đã gửi tình thương về xứ Phật trong thời buổi nhiều hoạn nạn này.. Buổi phát quà cho 294 hộ nghèo thực hiện tại 3 ngôi Làng có tên Sujata- Neema và Hathiyar- thuộc quận Bodhgaya- Thành phần quà tặng cho
15/03/2020(Xem: 5706)
Kính thưa quý Thiện Hữu Tri Thức, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước thân kính! Là hành giả học Phật, trong tâm khảm của mỗi chúng ta đều phải lấy Hiếu Đạo làm nền tảng. Bậc Cổ Đức dạy: "Tâm Hiếu là Tâm Phật. Hạnh Hiếu là hạnh Phật. Phật Giáo coi trọng Hiếu xuất thế gian. Là người con Phật chúng ta phải làm cách nào, phương tiện ra sao để cho Cha Mẹ giác ngộ, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Như vậy mới được coi là chí hiếu đích thực. Đây là quan điểm Hiếu Đạo cao tột, khác hẳn với những quan điểm Hiếu ở thế gian. Xuất gia học Phật, trưởng dưỡng đời sống tâm linh của Cha Mẹ thì khi ấy ta mới sống trọn vẹn được với niềm Hiếu Đạo. Tinh thần Báo Hiếu được xuất phát từ gương hiếu hạnh cứu thân mẫu của Tôn Giả Mục Kiền Liên được chép lại trong Kinh Vu Lan Bồn. Kinh dạy rõ về ân nghĩa song thân, phương pháp báo hiếu và nhân quả tất yếu của Đạo Phật.
07/11/2019(Xem: 10140)
Các Ngày Âm Lịch: Kỷ Hợi (2019), Canh Tý (2020), Tân Sửu (2021), Nhâm Dần (2022), Quý Mẹo (2023), Giáp Thìn (2024), Ất Tỵ (2025), Bính Ngọ (2026) Buddhist Lunar calendar from 2019-2026 (Cảm ơn chị Mỹ Lý Nhật Dung đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức bản đối chiếu âm lịch này)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]