Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 34: Virya hay nghị lực hướng vào điều thiện

31/03/202107:58(Xem: 2265)
Bài 34: Virya hay nghị lực hướng vào điều thiện


buddha_146

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Chương V

 

Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh

 

***

 

                        Bài 30 - Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh

                        Bài 31 - Ba lãnh vực tu tập về sự kiên nhẫn

                        Bài 32 - Kshanti với tư cách là một sự khoan dung

                        Bài 33 - Kshanti với tư cách là một sự thụ cảm tâm linh

                        Bài 34 - Virya hay nghị  lực hướng vào điều thiện

                        Bài 35 - Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc

                        Bài 36 -  Phật giáo Zen và Phật giáo Shin

 

 

Bài 34

 

Virya hay nghị lực hướng vào điều thiện

 

 

 

            Nếu muốn phẩm tính kshanti biểu trưng đầy đủ được ý nghĩa của nó (xin nhắc lại kshanti có nghĩa là sự kiên nhẫn hay nhẫn nhục, là một trong sáu phẩm tính hoàn hảo / paramita / ba-la-mật. Kinh sách Hán ngữ gọi phẩm tính kshanti là "nhẫn", thế nhưng thật ra phẩm tính này gồm có ba khía cạnh hay ý nghĩa khác nhau: sức chịu đựng, lòng khoan dung và khả năng thụ cảm, cả ba đặc tính này biểu trưng cho "nữ tính" trong việc tu tập), thì phải nêu lên thêm một phẩm tính khác là virya, là phẩm tính thứ tư trong sáu phẩm tính paramita (virya có nghĩa là nghị lực hay sức cố gắng / energy, nếu kshanti biểu trưng cho nữ tính thì virya biểu trưng cho nam tính. Kinh sách Hán ngữ gọi phẩm tính virya là "tinh tiến" hay "tinh tấn" (精進), tinh có nghĩa là tinh lọc, tinh khiết, tấn hay tiến có nghĩa là tiến tới, cách dịch này dường như không được sát nghĩa lắm). Chữ virya có nghĩa là sức mạnh, sự cường lực (vigor, virility / sự rắn rỏi) trong hành động. Các chữ virility, vigor (cường mạnh, cường lực) và virtue  (đạo đức) trong tiếng Anh và các chữ virilité và vertu trong tiếng Pháp, cùng với chữ virya trong tiếng Pali và tiếng Phạn, phát sinh từ một nguồn gốc chung là ngôn ngữ Ấn-âu (Indo-European language, là một nhóm ngôn ngữ xuất phát từ vùng Trung đông, và cũng là nguồn gốc chung của các ngôn ngữ Ấn độ, trong đó kể cả các cổ ngữ Pali và Phạn, và cả các ngôn ngữ Tây phương ngày nay. Tiếng Pali và tiếng Phạn do đó có nhiều điểm khá tương đồng với các ngôn ngữ Tây phương trên tất cả các phương diện: từ nguyên ngữ pháp và văn phạm. Vì thế việc tìm hiểu Phật giáo dựa các ngôn ngữ Tây phương tương đối thích nghi hơn so với Hán ngữ tượng hình hoàn toàn khác biệt với ngôn ngữ Ấn-Âu). Nguyên nghĩa của chữ virya là sức mạnh (năng lực, nghị lực / energy). Đặc biệt trong lãnh vực Phật giáo và theo cách định nghĩa của Shantideva (Tịch Thiên) thì chữ virya có nghĩa là "nghị lực hướng vào điều thiện" (nghị lực đối với việc tu tập là để hướng vào điều tốt, sự tích cực, trong khi đó nghị lực phát huy trong sự sinh hoạt của con người nói chung có thể hướng vào các đối tượng đủ loại, trong đó kể cả các điều ác).  

 

            Điều thiện (sự tốt lành / good, goodness, right) ở đây có nghĩa là sự giác ngộ hướng vào sự an lành của tất cả chúng sinh. Virya không hề biểu trưng cho sự sinh hoạt thường tình (trong cuộc sống thường nhật chúng ta cũng có thể phát động một sức mạnh, một nghị lực đáng kể, thế nhưng nghị lực hay sức mạnh đó không có gì là Phật giáo cả). Thí dụ chúng ta hết quay sang phải lại quay sang trái, lo toan hết chuyện này đến chuyện khác, bận bịu suốt ngày, chúng ta có thể làm việc thật nhiều, thế nhưng sự bận bịu đó không nhất thiết nói lên phẩm tính virya. Trong tập luận "Vòng hoa trân quý của sự Giải thoát" (The Jewel Ornament of Liberation, tiếng Tây Tạng là/ "Dhagpo Thargyen", là một tập luận Đại thừa rất nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng, nêu lên các giai đoạn thăng tiến tuần tự, đưa đến sự Giác ngộ cuối cùng)  Gamposa (còn gọi là Dhakpo Rinpoche, 1079-1153, tác giả của tập luận là đệ tử của vị đại sư Tây Tạng Milarepa / Mật lặc Nhật-ba) - là một vị đại sư Tây Tạng thuộc học phái Kagyupa (Ka-nhĩ-cư) - định nghĩa sự lười biếng là tình trạng lúc nào cũng bận rộn "chống lại các kẻ thù" của mình hoặc tìm cách "vơ vét của cải" (câu này rất lắc léo: theo nhà sư Gamposa thì sự lười biếng có nghĩa là mưu mô triệt hạ các kẻ thù của mình hoặc tìm cách vơ vét của cải). Và nếu việc "chiến thắng kẻ thù" thuộc lãnh vực chính trị (tức là hăng say trong việc triệt hạ các đối thủ của mình) và sự "vơ vét của cải" (mưu mô, gian xảo, tham lam và hám lợi) thuộc lãnh vực kinh doanh, thì theo Gamposa tất cả các thứ ấy, ngoài vẻ bận rộn bên ngoài, nhất thiết chỉ là những sự lười biếng, không phải là virya nêu lên trong Phật giáo, với ý nghĩa là sức mạnh hay nghị lực (theo nhà sư Gamposa thì việc sử dụng sức mạnh và nghị lực để thanh toán các kẻ thù của mình trong lãnh vực chính trị, hoặc để chiếm đoạt của cải trong lãnh vực kinh doanh, chỉ là những sự sinh hoạt tầm thường, là những sự "lười biếng". Nghị lực và sự cương quyết chủ trương bởi Phật giáo là để mang lại tình thương yêu và sự an lành cho tất cả chúng sinh).       

 

            Virya là phẩm tính vô cùng quan trọng. Dưới một góc nhìn nào đó thì phẩm tính này liên hệ đến tất cả các paramita khác (thuật ngữ paramita / ba-la-mật sẽ được giải thích thêm trong phần ghi chú dưới đây).  Nếu muốn tỏ ra hào hiệp (tức là paramita thứ nhất, kinh sách Hán ngữ gọi phẩm tính này là "bố thí ba-la mật") thì phải có một số vốn liếng nghị lực nào đó (hầu giúp mình đủ sức hy sinh một phần những gì mình có để hiến dâng cho kẻ khác). Muốn giữ gìn giới luật (paramita thứ hai: "giới ba-la-mật") thì cũng phải cần đến nghị lực. Muốn thiền định (paramita thứ năm / dhyana-paramita / "thiền ba-la-mật") thì cũng cần phải có nghị lực. Muốn phát huy trí tuệ  (paramita thứ sáu: prajna paramita / "huệ ba-la-mật") thì cũng cần phải tạo được một sự tập trung nghị lực càng cao siêu và sâu xa hơn tất cả các hình thức nghị lực trên đây. Vì thế paramita này (tức là virya) giữ một vai trò vô cùng quan trọng, và cũng là một vấn đề (điểm) then chốt nhất trong cuộc sống tâm linh.

 

            Vấn đề là như thế này: thí dụ chúng ta tạo ra cho mình một lý tưởng nào đó thuộc lãnh vực tâm linh, chẳng hạn như trở thành một thể dạng (một người bồ-tát chẳng hạn) hoặc đạt được một sự cảm nhận (sự giác ngộ chẳng hạn) hay một mục đích mang tính cách lý tưởng. Lý tưởng đó có thể là lý tưởng của người bồ-tát, một hình thức lý tưởng mà chúng ta có thể hình dung được thật minh bạch trong tâm trí mình. Thế nhưng sự hình dung về lý tưởng đó dù có minh bạch đến đâu, và dù mình có cố gắng thực hiện lý tưởng đó bằng cách này hay cách khác, và dù cho sự cố gắng đó có thành thật đến đâu đi nữa, thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ đạt được nó cả. Và dù cho mình vẫn luôn ôm chặt lý tưởng đó qua những năm tháng dài hay hàng thập kỷ, thì dường như mình vẫn chưa tiến lên được một bước nào cụ thể cả. Trên thực tế, dường như chúng ta vẫn còn đang ở điểm khởi hành (vẫn tiếp tục nêu cao và thực hiện lý tưởng của mình, thế nhưng dường như mình vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn loay hoay bới lý tưởng đó, chẳng làm được gì thiết thực cho kẻ khác, và mình cũng chẳng đạt được một sự thăng tiến tâm linh nào cả). Tại sao lại như vậy?      

 

                Trên phương diện lý tưởng chúng ta hiểu rõ những gì mình cần phải làm. Thình thoảng và tùy theo từng lúc, chúng ta phát động được một sự cố gắng nào đó, có lúc kéo dài được suốt một giờ hay hai giờ (chẳng hạn như phát động tình thương yêu và lòng từ bi trong những lúc suy tư hay thiền định). Thế nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Điều đó chẳng khác gì như chúng ta đứng dưới chân ngọn Kanchenjunga (là một ngọn núi trong dãy Hy-mã-lạp-sơn, từng được xem là cao nhất thế giới, trước khi ngọn Everest được đo đạt chính xác và được xem là ngọn núi cao nhất thế giới. Ngọn Kanchenjunga ngày nay chỉ đứng vào hàng thứ ba), ngước nhìn lên đỉnh núi tuyết phủ đầy. Hai mươi năm trôi qua, khi nhìn lại thì thấy mình vẫn còn đứng nguyên tại chỗ, và vẫn còn tiếp tục nhìn lên đỉnh núi. Mình nghĩ rằng mình đã trèo lên được vài bước, thế nhưng đỉnh núi vẫn cứ sừng sững hơn bao giờ cả.

 

            Tại sao chúng ta lại không tạo được một sự thăng tiến cụ thể nào? Câu trả lời thật hết sức hiển nhiên: chúng ta không hề phát động được một chút virya (nghị lực) nào cả. Thế nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta lại không có một chút nghị lực nào, một sức năng động nào giúp mình sống một cuộc sống tâm linh đúng nghĩa của nó, hầu thực hiện lý tưởng của mình? Thật ra chúng ta không thiếu nghị lực, chúng ta là hiện thân của nghị lực, là kết tinh của nghị lực, trên thân thể và cả trong tâm thức, kể cả trên phương diện tâm linh (nguyện ước của người bồ-tát). Toàn thân thể và cả tâm thức mình đều là hiện thân của nghị lực, chúng ta là nghị lực. Thế nhưng tiếc thay nghị lực đó lại thường ở trong tình trạng bị phân tán.   

 

            Một dòng nước lũ đổ vào hàng ngàn kinh rạch sẽ mất đi sức mạnh của nó, cũng vậy nghị lực hướng vào vô số các đối tượng khác nhau sẽ khiến sức mạnh của nó bị phân tán. Tuy nhiên một chút nghị lực cũng có thể còn sót lại giúp chúng ta hướng vào việc tu tập, thế nhưng phần lớn nghị lực của chúng ta thì lại dồn vào các sinh hoạt đi ngược lại với việc tu tập của mình, khiến mình cảm thấy bị rách nát và kiệt quệ. Vấn đề thiết thực và then chốt nhất trong việc tu tập tâm linh là phải làm thế nào để bảo toàn và hợp nhất (unify / kết hợp) nghị lực của mình. Nếu muốn thực hiện được điều đó thì trước hết phải ý thức được nghị lực của mình bị phân tán như thế nào. Thông thường chúng ta cảm thấy nghị lực của mình bị ngặn chận (tắc nghẽn), thất thoát, phí phạm hoặc quá mộc mạc (thô thiển), thiếu hẳn sự tinh tế cần thiết (thiếu sự sâu xa và bén nhạy không giúp mình tập trung vào các sự suy nghĩ sâu xa và các hành động phù hợp hơn với lý tưởng của mình). .  

 

Nghị lực bị ngăn chận

 

            Nghị lực có thể bị ngăn chận (blocked / tắc nghẽn, bế tắc) vì nhiều lý do. Chẳng hạn như nền giáo dục mà chúng ta thừa hưởng dạy chúng ta phải đè nén, che dấu các xúc cảm, không được phép tỏ bày hay phát lộ chúng ra ngoài. Hoặc cũng có thể là vì chúng ta dành quá nhiều thì giờ vào các việc lặt vặt, không cần đến một chút cố gắng nào cả (các sự suy nghĩ hời hợt và các công việc theo thói quen khiến các phản ứng của chúng ta trở thành máy móc, tạo ra một cuộc sống dễ dãi, khiến chúng ta không còn ý thức được là trong cuộc sống đôi khi phải phát huy sự cố gắng để làm một cái gì đó có ý nghĩa hơn, hoặc phải tập trung tâm thức để tìm hiểu và suy nghiệm về một một ý niệm cao cả và to rộng hơn. Đấy là nguyên nhân khiến nghị lực của mình bị chôn vùi và quên lãng). Nghị lực cũng có thể bị ngăn chận vì chúng ta không tạo được cho nó một lối thoát tích cực và sáng tạo. Nghị lực trong lãnh vực xúc cảm cũng có thể bị tắc nghẽn bởi các sự thua thiệt (mất mát, đau buồn), tuyệt vọng, lo sợ bị thương tổn, hoặc bị ảnh hưởng bởi các cảnh huống bất thuận lợi, hoặc cũng có thể do nền nền giáo dục không thuận lợi, nhất là các hình thức tôn giáo cứng nhắc và nặng nề. Tóm lại các nguyên nhân đó khiến nghị lực của chúng ta trở nên khô cằn và hóa đá bên trong chính mình. Ngoài các trường hợp trên đây, nghị lực cũng có thể bị tắc nghẽn đơn giản chỉ vì chúng ta không tạo được cho mình một sự cảm thông đích thật (real communication, sự kết nối, trao đổi và tương giao với kẻ khác, một sự mở rộng tâm thức mình với sự sống và thiên nhiên). Sự cảm thông đích thật đó sẽ tạo ra một sự kích hoạt (dynamize) tương tự như như một luồng điện (đánh thức mình trước môi trường, sự sống và con người nói chung).  

 

Nghị lực bị phung phí

 

            Thật hiển nhiên nghị lực hướng vào các xúc cảm là một sự thất thoát (xúc cảm làm tiêu hao nghị lực, có thể đưa đến tình trạng hoang mang và bất định, không chủ động được chính mình. Xin nhắc lại: sự thanh thản, bình lặng và thăng bằng của tâm thức / upekkha / equanimity, kinh sách Hán ngữ gọi là "xả", là một trong bốn thể dạng vô biên của tâm thức, thể dạng tâm thức đó là một phương tiện giúp chúng ta bảo toàn nghị lực. Bốn thể dạng vô biên tiếng Pali gọi là Apparamanna, kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ vô lượng tâm, gồm có: 1- Metta (tình thương yêu), 2- Karuna (lòng từ bi), 3- Mudidita (niềm hân hoan), 4- Upekkha (sự thanh thản), thế nhưng chúng ta vẫn cứ để cho nó bị thất thoát (xúc cảm dù là dưới thể dạng nào đều làm cho nghị lực bị hao hụt), Sự thất thoát nghị lực vì xúc cảm xảy ra bằng nhiều cách, nhất là trong các trường hợp liên quan đến các xúc cảm tiêu cực. Khía cạnh tiêu cực của xúc cảm - chẳng hạn như sợ hãi, hận thù, giận dữ, ác tâm, hiềm khích (antagonism), ganh tị, xót thương cho thân phận mình (self pity), hối lỗi, ân hận, lo âu - sẽ làm cho nghị lực bị phung phí với một tốc độ kinh hoàng. Sự phung phí đó không phải chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, hãy cứ nhìn lại 24 giờ qua thì cũng đủ thấy chúng ta đã thả lỏng cho các thể dạng tâm thần tiêu cực tung hoành bao nhiêu lần. Điều đó chẳng khác gì như nghị lực bị mất máu. Ngoài ra cũng có các thứ xúc cảm tiêu cực hiện ra qua các cung cách phát ngôn, chẳng hạn như càu nhàu, chê trách, không ngớt phàn nàn. Các sự thất thoát đó khiến nghị lực không còn sót lại bao nhiêu hầu giúp mình hướng vào các mục đích tâm linh.

 

Nghị lực quá mộc mạc và thô thiển

 

            Điểm thứ ba là nghị lực của các xúc cảm thường không giúp được gì nhiều cho cuộc sống tâm linh (việc tu tập), chẳng qua vì nó quá thô thiển và mộc mạc. Đối với cuộc sống tâm nghị lực cũng phải thuộc vào lãnh vực tâm linh. Chúng ta không thể thiền định bằng các bắp thịt của mình, dù chúng có mạnh và rắn chắc đến đâu cũng vậy, thiền định cần đến một cái gì đó tinh tế hơn nhiều.

 

            Có nhiều cách giúp chúng ta giải thoát, bảo toàn và tinh lọc nghị lực. Các sự bế tắc đều có thể giải tỏa được bằng cách trau dồi sự ý thức về các thể dạng tâm thần của mình, chẳng hạn như hướng vào các công việc mang tính cách sáng tạo thật sự (mang lại những gì mới lạ hơn cho cuộc sống của mình) hoặc ít ra cũng phải mang lại một sự ích lợi nào đó, hoặc cũng có thể bằng cách phát động khả năng truyền đạt của mình (communication / khả năng cảm thông và tương giao với kẻ khác, với chúng sinh và cả môi trường, Các xúc cảm ở thể dạng tinh tế có thể giúp chúng ta "trò chuyện" - nếu có thể nói như thế - với một con sâu, hoặc "trao đổi" sự suy nghĩ và các cảm nhận của mình với thiên nhiên và vạn vật). Thật hiển nhiên, phép thiền định có thể giúp một số các sự bế tắc khai thông một cách tự nhiên.

 

            Nếu muốn cho sự phung phí nghị lực phải dừng lại thì trước hết phải ý thức được tình trạng mình đang bị các xúc cảm tiêu cực đó chi phối như thế nào, hầu phát động các xúc cảm đối nghịch để chống lại: chẳng hạn như tình thương yêu sẽ hóa giải hận thù, sự tự tin sẽ hóa giải sự sợ hãi, v.v. Đối với các cách phát ngôn thúc đẩy bởi các xúc cảm tiêu cực thì phải quyết tâm loại bỏ ngay, chẳng có cách nào khác hơn, bởi vì các cách phát ngôn tiêu cực đó sẽ chẳng bao giờ mang lại cho mình những câu hồi đáp thân thiện cả. Ngoài ra cũng có một phương pháp hữu hiệu khác có thể giúp chúng ta bảo toàn nghị lực, đó là cách tạo ra cho mình những giây phút yên lặng trong cuộc sống. Một phần thật lớn nghị lực của chúng ta thường bị thất thoát qua ngôn từ (những người nói quá nhiều sẽ đánh mất hết sự tập trung nghị lực, không còn suy nghĩ được nữa. Trong khi ăn chẳng hạn, nhiều người nói chuyện huyên thuyên khiến không biết mình đang nhai những thức ăn gì. Thế nhưng một người lầm lì không nói năng gì cả cũng là một sự khép kín, tạo ra một sự bế tắc nghị lực. Trong khi ăn nói thật ít, hoặc không nói gì cả, chỉ chú tâm vào ý nghĩa của từng miếng ăn, đồng thời mở rộng tâm thức để nghĩ đến các chúng sinh khác đang đói nhưng không có gì để ăn, hoặc hướng vào vạn vật và thiên nhiên để ý thức nguồn gốc và ý nghĩa của miếng ăn, thì đấy sẽ là cách phát động và tinh khiết hóa nghị lực).  Nếu giữ được sự yên lặng trong một khoảng thời gian - vài phút, vài giờ, hay suốt một ngày - đơn độc trong khung cảnh của gian nhà mình, thì nghị lực sẽ tích tụ một cách thật tuyệt vời bên trong con người của mình, nhờ đó mình sẽ cảm thấy trầm tĩnh, an bình, ý thức và tập trung hơn. Thể dạng đó cũng tương tự như một luồng nghị lực tươi mát, trong sáng dâng lên bên trong chính mình. Luồng nghị lực đó rất tinh khiết bởi vì nó được tích tụ bên trong chính mình, không phát lộ ra bên ngoài qua bất cứ một sự biểu lộ nào (ngược lại nếu càng chạy ngược chạy xuôi, càng gặp hết người này đến người khác, càng ăn nói huyên thuyên, thì đấy sẽ là cách đánh mất chính mình. Tuy nhiên cũng có nhiều người ngồi yên vài phút, không thấy có ai hỏi han hay gọi điện thoại, hoặc không nhận được tin nhắn hay điện thư, thì cảm thấy sợ hãi, hoang mang và trống trải. Họ là những người đã đánh mất chính mình. Nghi lực trong tình trạng luôn hướng vào các đối tượng bên ngoài sẽ bị thất thoát bởi sự chi phối và thu hút của các đối tượng đó).

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Trước hết xin nhắc lại: phẩm tính kshanti gồm có sức chịu đựng, sự khoan dung và khả năng thụ cảm tâm linh, cả ba đặc tính đó biểu trưng cho "nữ tính" trong cuộc sống tâm linh. Trong khi đó phẩm tính virya là sức mạnh và nghị lực biểu trưng cho "nam tính" trong việc tu tập. Hai phẩm tính này được gọi là hai parami (tiếng Pali) hay paramita (tiếng Phạn). Theo Phật giáo Theravada thì có tất cả 10 phẩm tính parami, trong đó virya là phẩm tính thứ năm và kshanti là phẩm tính thứ sáu. Theo Phật giáo Đại thừa thì có 6 phẩm tính paramita và kshanti là phẩm tính thứ ba và virya là phẩm tính thứ tư.

 

            Thật ra chữ parami hay paramita không phải là một chữ quá khó hiểu hay quá cao siêu không thể dịch được, mà chỉ là một cách diễn đạt quen thuộc trong các cổ ngữ trong thung lũng sông Hằng. Tiền ngữ para có nghĩa là vượt khỏi, vượt xa hơn hay vượt sang bờ bên kia hay ranh giới bên kia. Trong các ngôn ngữ Tây phương cũng thấy có tiền ngữ para nhưng ý nghĩa có phần khác hơn đôi chút. Hậu ngữ mi  hay mita có nghĩa là rốt ráo, hoàn hảo hay hoàn toàn (completeness, perfection). Kinh sách Hán ngữ dịch âm các chữ parami và paramita là ba-la-mật hay ba-la-mật-đa, các chữ dịch âm này đã trở thành quen thuộc, khiến nhiều người không nghĩ đến là phải tìm hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của các chữ này. Các chữ dịch âm đó không nói lên được một ý nghĩa cụ thể nào cả, nếu không thì chỉ khiến người tu tập có thể hiểu chữ ba-la-mật như là một cái gì đó siêu phàm hay huyền bí. Hơn nữa chữ "mật" trong chữ ba-la-mật có thể khiến chữ này càng trở nên bí hiểm. Tóm lại các chữ parami và paramita chỉ đơn giản có nghĩa là sự hoàn hảo, vẹn toàn, siêu việt, không có gì sánh kịp.

 

            Ngoài ra cũng còn một chi tiết khác liên quan đến cách dịch âm từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, chi tiết này tuy không quan trọng lắm thế nhưng cũng đáng để chúng ta suy nghĩ thêm. Nói chung phần đông người Trung quốc phát âm không đúng các chữ "p" và "r":  chữ "p" đọc là "b" và chữ "r" đọc là "l", do đó tất cả các vần "p" và "r" trong tiếng Phạn nhất loạt đều trở thành "b" và "l" trong cách dịch âm sang tiếng Hán. Thí dụ tiền ngữ para trong chữ paramita trở thành ba-la trong chữ ba-la mật-đa. Độc giả có thể bật cười khi thấy nêu lên những chuyện lẩm cẩm như vậy. Thế nhưng thật ra điều này gây ra cả một sự hoang mang trong các bài kinh tụng tiếng Hán dịch âm từ tiếng Phạn, bởi vì các bài tụng đó được xem là tiếng Phạn nhưng thật ra chẳng có gì là tiếng Phạn cả. Điều hoang mang khác là các bài kinh tụng của Phật giáo Việt Nam là các bài tụng tiếng Hán dịch âm từ tiếng Phạn. Nói một cách khác là việc tụng niệm của chúng ta là cách phát âm tiếng Phạn của người Trung quốc, được dịch âm lần thứ hai sang tiếng Việt. Tóm lại các bài kinh tụng của chúng ta chẳng phải tiếng Phạn, chẳng phải tiếng Hán, và cũng chẳng phải tiếng Việt, và cũng chẳng ai hiểu ý nghĩa là gì cả. Thật vậy kinh tụng không phải là để hiểu mà là cách giúp người tụng tập trung sự chú tâm tạo ra cho một thể dạng an bình trong tâm thức. Thế nhưng nếu hiểu được ý nghĩa những lời mà mình tụng thì phải chăng cũng là một cách mở rộng thêm trí tuệ của mình?

 

            Theo Hòa thượng Hsing Yun (星雲 / Tinh Vân, 1927-) của Phật giáo Đài Loan thì cách tụng tiếng Phạn âm sang tiếng Hán trên đây gọi là "phạm bái" (fanbei / 梵呗"), "phạm" ở đây có nghĩa là tiếng Phạn, "bái" có nghĩa là tụng. Cách tụng này là do con trai thứ hai của Tào Tháo là Tào Phi đặt ra vào thế kỷ thứ III, độc giả có thể xem bài giảng về vấn đề này của nhà sư Tinh Vân trên mạng: https://thuvienhoasen.org/a28558/phat-giao-va-am-nhac. Các bài tụng tiếng Việt âm từ tiếng Hán đều xuất phát từ các bài tụng "phạm bái" của Phật giáo Hán ngữ.

 

            Dựa vào sự nhận xét trên đây chúng ta hãy tìm hiểu một câu tụng rất nổi tiếng: Yết đế, Yết đế, Ba-la yết đến, Ba-la tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha. Đây là một câu tụng thuộc thể loại "phạm bái" tức là được dịch âm từ tiếng Phạn, và được dịch âm thêm một lần thứ hai từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Mạn phép nhắc thêm các độc giả không mấy quan tâm đến các bài kinh tụng, đây là một câu tụng rất phổ biến của Đại thừa, câu này cũng là câu chấm dứt của bản Tâm kinh ngắn rất nổi tiếng đặc biệt dùng để tụng niệm. Vậy câu này trong tiếng Phạn là như thế nào và có nghĩa là gì?

           

            Nguyên gốc tiếng Phạn chuyển thành ngữ tự La-tinh của câu này là:

 

Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā

 

            Nếu trực tiếp dịch âm sang tiếng Việt và tụng bằng tiếng Việt thì cậu này sẽ là:

 

Ga-tê, ga-tê, pa-ra-ga-tê, pa-ra-sam-ga-tê, bô-đi, s-va-ha

 

            Và nếu dịch âm qua trung gian tiếng Hán, có nghĩa là đọc theo tiếng Hán, thì sẽ là:

 

Yết-đế, yết đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề, tát bà ha

 

            Về ý nghĩa thì trước hết chúng ta nhận thấy các chữ ba-la trong câu tụng này cũng là các chữ ba-la trong thuật ngữ paramita mà chúng ta đã có dịp tìm hiểu trên đây, các chữ này có cùng một nghĩa như nhau: vượt xa hơn, vượt khỏi ranh giới, vượt sang bờ bên kia, v.v.   

 

            1- Chữ đầu tiên gate, phát âm theo tiếng Việt là ga-tê, âm sang tiếng Hán là yết-đế, có nghĩa là bước lên, vượt lên. Chữ gate trong tiếng Pali cũng có cùng một nghĩa với chữ gate trong tiếng Anh là cửa cổng.   

 

            2- Chữ thứ hai paragate (ba-la-yết-đế) có nghĩa là bước hẳn sang phía bên kia, hoàn toàn sang phía bên kia.

 

            3- Chữ thứ ba parasamgate (ba-la-tăng-yết-đế) có nghĩa là bước sang tận phía bên kia của phía bên kia hoặc cũng có thể hiểu là bước sang tận bờ bên kia của bờ bên kia. Trong chữ parasamgate có một từ mới được ghép thêm đó là chữ sam, chữ này có nghĩa là rốt ráo hay dứt khoát (completely, thorougly), một cách nhấn mạnh thêm ý nghĩa của chữ para (ba-la / vượt xa hơn ranh giới hay lằn mức thông thường).

 

            4- Chữ thứ tư là bodhi, có nghĩa là sự Giác ngộ, chữ này đứng tách riêng một mình, không thuộc vào cấu trúc của câu tụng.

 

            5- Chữ thứ năm là svaha (tát-bà-ha), chữ này không có nghĩa gì cả, mà chỉ là một lời thường được thốt lên sau khi chấm dứt một bài tụng, với chủ đích nói lên một sự bừng tỉnh và giác ngộ, một niềm hân hoan và sung sướng. Chữ svaha khá tương tự với chữ Amen trong Ki-tô giáo, chữ này cũng được thốt lên sau khi chấm dứt một bài giảng hay một bài tụng. Chữ Amen có nghĩa là "Đúng như thế", "Đúng thật là như vậy", nói lên một sự chấp thủ và ngoan ngoãn. Chữ Amen là tiếng Do thái (hebreu / hê-brơ) được nêu lên trong kinh Torah của Do thái giáo, trong Phúc âm của Ki-tô giáo và cả trong kinh Coran của Hồi giáo (tiếng Á-rập là Amine). Cả ba tôn giáo này đều thờ chung một vị Trời sáng tạo, cùng chấp thủ một nguyên tắc chung về sự hiện hữu của một vị Trời toàn năng, thế nhưng được hình dung khác nhau qua các vị tiên tri (prophet, oracle / Giáo đồ)  khác nhau.

 

            Tóm lại câu tụng trên đây có thể tạm dịch nghĩa như sau;

 

            Hãy bước lên, bước lên, hoàn toàn bước sang bờ bên kia, bước hẳn sang phía bên kia của bờ bên kia. Ồ! sự Giác ngộ! Tuyệt vời thay!

 

            Nói chung các bản tiếng Anh thường dịch câu tụng trên đây như sau: "Oh awakening that has gone, gone, gone to the further shore, gone completely to the further shore". Các bản tiếng Pháp thì dịch như sau: "Aller, aller, aller au-delà, au-delà du par delà, vers la rive de l'Éveil!"

           

            Thật ra câu này còn có thêm một chữ mở đầu là Teyata, thế nhưng chữ này thường được bỏ bớt, do đó câu đầy đủ sẽ là:

Teyata gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā

 

            Chữ Teyata ở đầu câu không có nghĩa gì cả mà chỉ là một tiếng thốt lên nhằm kêu gọi, cỗ vũ và khích lệ (invocative sound), do đó ý nghĩa đầy đủ và toàn bộ của câu tụng trên đây sẽ là:

 

Nào ! [Tất cả chúng ta] hãy bước lên, bước lên, hoàn toàn bước sang bờ bên kia, bước hẳn sang phía bên kia của bờ bên kia. Ồ! sự Giác ngộ! Tuyệt vời thay!

 

            Đến đây chúng ta hãy thử phân tích và tìm hiểu sâu xa hơn nữa ý nghĩa của câu tụng nay. Trước hết chúng ta nhận thấy hành động bước lên gồm có ba cấp bậc: 1- bước lên / gate, 2- bước sang phía bên kia / paragate, 3- bước sang phía bên kia của bờ bên kia /parasamgate. Sự diễn tiến đó biểu trưng cho ba cấp bậc tu tập:

 

            1- Gate: hãy bước lên, bước ra khỏi thế giới hiện tượng, thế giới của cấu hợp và vô thường, thế giới của sự hiện hữu do điều kiện mà có.   

 

            2- Paragate: bước lên, hoàn toàn bước ra khỏi thế giới của sự hiện hữu trói buộc đó để buớc vào thế giới phi điều kiện và phi cấu hợp, thế giới của sự Giải thoát.

 

            3- Parasamgate: bước lên, hãy bước hẳn sang phía bên kia của bờ bên kia. Đó là cách thoát ra khỏi cả hai thế giới "do điều kiện mà có" (conditioned world) và cả "phi điều kiện" (unconditioned world) để bước vào thế giới của sự Giác ngộ. Trong thế giới bên kia của bên kia, sẽ không còn một điểm chuẩn hay điểm mốc nào nữa, không thể thụt lùi lại được nhưng cũng không tiến lên thêm được nữa, bởi vì trong thế giới đó thụt lùi hay tiến lên không còn mang một ý nghĩa nào nữa cả. "Bên kia của bên kia"  (parasam) là một nơi hun hút và vắng lặng, đưa chúng ta vào một cõi trống không của sự trống không.

 

            Các lời ghi chú trên đây đưa chúng ta vào một cuộc phiêu lưu trong thế giới chữ nghĩa. Chữ nghĩa là một phưong tiện chuyển tải tư tưởng. Tư tưởng quan trọng hơn phương tiện chuyển tải rất nhiều. Tiếc thay Phật giáo Việt Nam vẫn chưa ra thoát khỏi chữ Hán và Phật giáo Hán ngữ. Hán ngữ mang tính cách tượng hình rất khó diễn tả các ý niệm siêu hình và triết học, cách dịch âm cũng tạo ra các bản dịch không hẳn là tiếng Hán cũng chẳng phải tiếng Phạn. Hơn nữa kinh sách Hán ngữ đã được trước tác và dịch thuật cách nay hàng trăm đến hàng ngàn năm, đã lỗi thới.

 

            Ngoài ra cũng còn một yếu tố khác rất quan trọng cần lưu ý là Phật giáo trong thung lũng sông Hằng đã phải chịu ảnh hưởng và biến đổi rất nhiều sau khi được truyền bá tại Trung quốc đã có sẵn một nền văn hóa lâu đời. Các sự biến đổi đó gồm các ngụy tác, các sự thêm thắt và sáng tạo đủ loại, kể cả các hình thức đơn giản hóa và đại chúng hóa, đôi khi rất "ngoạn mục", chẳng hạn như gần đây phương pháp "Niệm Phật thành Phật" do Pháp sư Tịnh Không (淨空, 1927-) chủ xướng, đã chinh phục được nhiều người. Nếu đúng thật là như thế thì niệm chú thành "Chú", niệm bác thành "Bác", niệm trump thành "Trump", niệm thượng đế thành "Thượng Đế" hay sao?

 

            Tu tập là một sự cố gắng, một sự tập trung nghị lực phi thường, đó là phẩm tính virya, là paramita thứ tư, biểu trưng cho "nam tính" trong cuộc sống tâm linh, và phẩm tính này đã được nhà sư Sangharakshita giải thích thật rõ ràng trong bài giảng trên đây. 

 

                                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 20.03.21

                                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

 

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 13615)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 14494)
Cần thực hành những nghi thức trì tụng kinh Phật, như bài tán lư hương, chơn ngôn tịnh pháp giới, chơn ngôn tịnh khẩu nghiệp, chơn ngôn tịnh ba nghiệp, chơn ngôn phổ cúng dường, bài văn phát nguyện và bài kệ khai kinh.
08/04/2013(Xem: 18419)
Bồ Tát Quán Thế Âm, hình ảnh rất thân thiết, gần gũi đối với mọi tầng lớp quần chúng, nhất là những người Á Ðông. Nhiều người chưa quy y Tam Bảo, chưa trở thành Phật tử chính thức, . . .
08/04/2013(Xem: 11843)
Từ nhỏ con đã được cha mẹ ẳm đi quy y khi vừa đầy tháng, cho nên niệm Phật đã trở thành một nếp quen thuộc hằng ngày. Mỗi sáng thức dậy niệm Phật, mỗi tối trước khi đi ngủ cũng niệm Phật, trước khi ăn cơm xá đủa và niệm Phật, . . .
08/04/2013(Xem: 13070)
Bộ luận Nhập Bồ Tát Hạnh là một kiệt tác của Phật giáo Ấn Ðộ, không những trên phương diện tư tưởng, tu chứng, mà còn cả trên phương diện văn học. Nó đã đem lại niềm vui cho biết bao nhiêu thế hệ. Tương truyền ở Ấn Ðộ đã có hơn một trăm bộ chú thích cho bộ luận này, và ở Tây Tạng nó đã trở thành một trong sáu bộ luận "gối đầu" cho những kẻ học Phật.
05/04/2013(Xem: 3614)
Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị đại sĩ vạn năng, thân thương của loài người ở Ta Bà mà bất cứ đệ tử nào của đức Phật cũng đều hướng tâm lính lễ, cầu nguyện Ngài, tại sao Bồ Tát Quan Âm đạt được quả đức như vậy?
29/03/2013(Xem: 5116)
Sự tích 16 vị La-hán được chép trong sách Pháp Trụ Ký. Sách này do vị Đại A-la-hán Nan Đề Mật Đa La (Nandimitra) trước thuật và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. Ngài Nan Đề Mật Đa La (còn có tên là Khánh Hữu) người Tích Lan, ra đời khoảng năm 800 năm sau Phật Niết bàn.
27/03/2013(Xem: 4484)
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Rộng phát Tâm Từ Bi Công hạnh sâu như biển Quay ngược thuyền Từ
10/01/2013(Xem: 3891)
Ý nghĩa của Thỉnh Chuyển Pháp Luân hiểu được rồi, đặc biệt là thời buổi hiện đại khoa học kỹ thuật đang không ngừng tiến bộ, mạng Internet cũng không ngừng cải tiến, chúng ta tin tưởng khoảng 2-3 năm sau rất có thể nó sẽ thay thế truyền hình, mức độ tiện lợi, máy tính cỡ nhỏ, lớn bằng bàn tay như vầy có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào, có thể truy cập lên mạng trên toàn thế giới, chúng ta cần biết những công cụ tiên tiến này. Hôm qua, có một bạn đồng tu tặng tôi bản mục lục ở trên mạng Internet, tôi đã xem, vô cùng phong phú, rất nhiều tư liệu giảng kinh của pháp sư đều có trong đó, bạn thấy điều này tiện lợi biết bao, các bạn ở trong nhà, muốn học với pháp sư nào, bạn đều có thể học được cả.
10/01/2013(Xem: 3900)
Hạnh nguyện Phổ Hiền, tổng cộng có mười hạnh nguyện. Phần trước đã giảng cho quí vị bốn hạnh nguyện rồi. Mỗi một hạnh nguyện, chúng ta đều thường niệm. Ở trong nhà Phật, các tổ sư đại đức đem mười cương mục này sắp xếp vào thời khóa tụng sáng tối, cho nên mọi người đều niệm rất thuộc: Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, v.v… đều rất thuộc. Nhưng [nếu] không thực hiện, chỉ có niệm như vậy thì không có ý nghĩa gì cả, chỉ gieo trồng được thiện căn trong A Lại Da Thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]