Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 24: Dana và sự hào hiệp

29/11/202015:42(Xem: 2101)
Bài 24: Dana và sự hào hiệp


buddha_136

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***


Chương IV

 

Lòng vị tha và chủ trương cá nhân

trong cuộc sống tâm linh

 

***

                        Bài 22 - Tình thương người và chủ trương cá nhân

                        Bài 23 - Tình thương người

                        Bài 24 - Dana và sự hào hiệp

                        Bài 25 - Hiến dâng sự can đảm và không biết sợ là gì 

                        Bài 26 - Hiến dâng mạng sống của chính mình

                        Bài 27- Sila paramita hay Đạo đức hoàn hảo

                        Bài 28- Ăn chay và Phật giáo

                        Bài 29- Hôn nhân và Phật giáo

 

Bài 24

 

Dana và sự hào hiệp

 

            Dana là tiếng Phạn có nghĩa là sự hào hiệp, là phẩm tính cao nhất trong số các phẩm tính toàn thiện (paramita/ba-la-mật/ đạo đức siêu nhiên, phẩm tính hoàn hảo), điều này quả hợp lý, bởi vì xu hướng tự nhiên của chúng ta không phải là "cho" mà là "nhận" (bản năng sinh tồn khiến chúng ta luôn nghĩ đến gom góp, tằn tiện, ích kỷ để bảo vệ sự sống còn của riêng mình, bố thí và từ thiện đi ngược lại với sự thúc đẩy bản năng đó. Vì thế phẩm tính hào hiệp - dana - hay sự hiến dâng được xem là phẩm tính toàn thiện thứ nhất trong số sáu phẩm tính toàn thiện, còn gọi là đạo đức siêu nhiên hay paramita). Khi có một sự kiện nào đó xảy ra, dù là trong lãnh vực công ăn việc làm, gia đình, thể thao (thắng, bại, được khen thưởng...) hay giải trí (tìm cách để thắng mỗi khi đánh bài hay chơi cờ chẳng hạn,), thì phản ứng tự nhiên của mình - dù rằng đôi khi mình không hoàn toàn ý thức được điều đó - sẽ là như sau:

 

            "Tôi sẽ đạt được những điều lợi nào cho tôi trong chuyện đó?"

 

            Xu hướng gom góp, chiếm hữu luôn xảy ra với chúng ta (phía sau các tư duy, tác ý, xúc cảm, ngôn từ, hành động của chúng ta, luôn ẩn nấp cái tôi hay cái ngã của mình, thế nhưng không mấy khi chúng ta ý thức được các tác động của nó. Các tác động đó chính là động cơ thúc đẩy với mục đích bảo toàn sự sống còn của một mình). Sở dĩ sự thèm khát (tham lam, bám víu) được xem là trục của chiếc bánh xe của sự sống là vì lý do đó. Sự thèm khát ở đây không đơn giản chỉ có nghĩa là một sự thèm muốn hay ước muốn thông thường mà là một sự thèm khát với đầy đủ ý nghĩa của nó. Sự thèm khát chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sự sinh hoạt và cuộc sống của chúng ta (thèm khát được giàu có phản ảnh bản năng sinh tồn; thèm khát sự thỏa mãn tính dục phản ảnh bản năng truyền giống; thèm khát được khỏe mạnhsống lâu phản ảnh bản năng sợ chết.  Các sự thèm khát và bám víu đó là động cơ chủ yếu và cũng là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến sự tái sinh bất tận trong cõi luân hồi). Thật ra thì đấy là những gì chi phối cuộc sống của chúng ta, ít nhất là trong lãnh vực vô thức (sự vận hành của các thứ bản năng rất sâu kín, đưa đến mọi hình thức tham lam, bám víu và sau cùng là khổ đau, thế nhưng chúng ta thường không nhận thấy được điều đó). Tất cả chúng ta đều nằm trong nanh vuốt của sự thèm khát, luôn xô đẩy và cuốn trôi chúng ta. Tất cả những gì mà chúng ta làm, tất cả những gì mà chúng ta quan tâm, phía sau đều ẩn nấp bóng dáng của cái tôi. Nếu muốn đến gần với sự giác ngộ, thì phải chuyển xu hướng đó theo chiều ngược lại. Hiến dâng sở dĩ được xem là phẩm tính toàn thiện (paramita) thứ nhất là vì nó trực tiếp đi ngược lại với sự gom góp. Giáo huấn Phật giáo nêu lên điều đó như sau:

 

            "Có thể bạn không phải là một người chu đáo, có thể bạn không đủ sức ngồi thiền trong năm phút, có thể bạn là người cứ để mặc cho năm tháng trôi đi không hề tìm dịp đọc một bài kinh, thế nhưng nếu bạn ước mong tạo được cho mình bất cứ một cuộc sống nào khác cao cả hơn, thì bạn cũng chỉ cần bố thí".

 

            Nếu bạn cảm thấy quá khó rứt ra những gì là của mình, hoặc quá khó hình dung ra sự thiếu thốn của kẻ khác, thì nhất định bạn  sẽ không thể nào đi xa được, nhất là trong lãnh vực tâm linh. Trái lại, dù bạn là một con người như thế nào đi nữa, thế nhưng chỉ cần bạn có một tí xíu lòng hào hiệp, thì cũng sẽ đủ mang lại cho bạn một niềm hy vọng trong lãnh vực tâm linh. Và đấy cũng chính là thông điệp của Đại thừa.

 

            Điều đó không đơn giản chỉ có nghĩa là cho những gì mình có (của cải, hiện vật, miếng ăn chẳng hạn). Trước hết, sự hào hiệp phải là một cung cách hành xử phát xuất từ con tim và tâm thức mình, có nghĩa là toàn thể con người của mình. Walt Whitman (1819-1892, thi hào Mỹ) có nói như sau:

 

            "Hiến dâng, tôi hiến cả con người của tôi"

           

            Và đấy cũng chính là thái độ của người bồ-tát, là người đứng ra hiến dâng cho kẻ khác, tất cả kẻ khác, không bao giờ ngưng nghỉ. Kinh sách xác định sự hiến dâng căn cứ vào các xu hướng và chủ đề khác nhau, từ bao quát đến thứ yếu với các tiết mục thật chi tiết. Điều đó có thể đưa đến tình trạng khó nhận định [thế nào là sự hào hiệp], thế nhưng thật ra phương pháp hệ thống hóa đó đã giúp cho việc tu tập được nghiêm chỉnh hơn. Tôi không đi ra ngoài hệ thống phân loại đó, thế nhưng cũng nên hiểu rằng chủ đích của chúng ta không phải là chỉ đi sâu vào chi tiết mà còn phải cùng bản thảo với nhau về tinh thần của sự hiến dâng (sự hiến dâng bắt đầu bằng một xúc cảm phát sinh bên trong tâm thức mình, xúc cảm đó hiện ra bên ngoài dưới hình thức ngôn từ, cử chỉ hoặc cụ thể và gián tiếp hơn là một hiện vật, một bát cơm chẳng hạn, thế nhưng đôi khi cũng chỉ cần một giọt nước mắt cũng có thể biến cải chính mình và thế giới).  Thông thường kinh sách phân loại việc hiến dâng theo các tiết mục như sau:

 

            1- hiến dâng cho ai

            2- hiến dâng những gì

            3- hiến dâng như thế nào

            4- tại sao lại hiến dâng các thứ ấy

 

Hiến dâng cho ai

 

            Trước hết chúng ta hãy tự hỏi hiến dâng cho ai? Trên nguyên tắc, tất cả chúng sinh đều là đối tượng của lòng hào hiệp nơi người bồ-tát. Vì vậy, thật hết sức quan trọng là phải khơi động bằng được lý tưởng đó cho mình, dù rằng trên thực tế không mấy ai đủ sức mang lại lợi ích cho toàn thể giống người. Một cách cụ thể, kinh sách nêu lên ba thể loại người được thừa hưởng sự giúp đỡ, mà người bồ tát phải đặc biệt quan tâm. Trước hết bổn phận của người bồ-tát là phải hiến dâng cho bạn hữu và những người trong gia đình mình, không cần phải tỏ lòng từ tâm và thân thiện với những người xa lạ, dù họ đang gặp phải khó khăn trong cuộc sống, kể cả lâm vào hoàn cảnh thật nghiệt ngã. Thật vậy thái độ từ thiện bắt đầu với chính mình (và những người thân thuộc của mình), thế nhưng sự từ thiện không phải chỉ có bấy nhiêu đó, không khác gì như phép tu tập về "lòng từ tâm vô biên" (metta bhavana), sự từ thiện không dừng lại ở một mức độ nào cả.

 

            Thể loại người thứ hai được hưởng lòng hào hiệp của người bồ-tát là những người cơ hàn, bệnh tật, khổ đau, không phương tự vệ - trong số đó và theo lý tưởng Phật giáo, còn phải kể thêm cả hàng thú vật (thú vật cũng có thể phải chịu cảnh đói kém, bệnh tật và khổ đau như con người).

 

            Ngoài ra người bồ-tát còn phải hiến dâng cho những người thuộc thể loại thứ ba là những người dành trọn đời mình cho việc tu tập (những người xuất gia). Theo truyền thống từ xưa, người Phật giáo còn phải chu cấp cho tất cả những ai xả thân trong các sinh hoạt tín ngưỡng - kể cả các tín ngưỡng khác - và phải xem đấy là trọng trách của mình trong xã hội, họ có thể là những người tu hành ở cấp bậc cao chẳng hạn như các ni sư, các vị lạt-ma, các vị thầy, v.v, (dưới triều đại của vua Azoka vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, người tu hành được hoàng triều chu cấp miếng ăn, quần áo, thuốc men, nơi trú mưa che nắng... Quyết tâm này của vua Azoka đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Phật giáo. Ngày nay trong một số quốc gia dân chủ, tín ngưỡng và chính trị tách rời nhau, điều đó khiến tín ngưỡng có thể rơi vào tình trạng "cuối mùa" như chúng ta thấy ngày nay. Trái lại trong một số các nước độc tài tại Á châu và cả một số các nơi khác, tín ngưỡng trở thành một công cụ chính trị, khiến tín ngưỡng có thể trở thành hung bạo, hoặc chỉ loanh quanh với các sinh hoạt "đại chúng"). Nguyên tắc trên đây của Phật giáo (chu cấp các nhu cầu cho người tu hành) cũng phải được áp dụng với những người tham gia vào các công trình sáng tạo có giá trị cao, chẳng hạn như các họa sĩ, nhạc sĩ hay văn sĩ, thế nhưng tuyệt nhiên không được phép lợi dụng sự hiến dâng đó để tạo áp lực bắt buộc họ phải tuân theo các quan điểm và lý tưởng xã hội (câu này quả đáng để mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ và nhìn lại chính mình). Qua tầm nhìn Phật giáo, điều đó cho thấy một sự mù tịt hoàn toàn về bản chất và ý nghĩa của việc tu tập tâm linh và sự sáng tạo. Sự hiến dâng phải hoàn toàn vô điều kiện, không được tạo ra một hình thức ràng buộc nào cả.   

 

Hiến dâng những gì

 

            Khía cạnh thứ hai trong việc hiến dâng là tự hỏi xem vật hiến dâng là gì, và những gì có thể mang ra để hiến dâng. Trên nguyên tắc tất cả những gì mà mình sở hữu đều có thể mang ra để hiến dâng. Tuy nhiên kinh sách cũng có đưa ra một danh sách nêu lên thật chính xáa sáu thể loại hiện vật có thể mang ra để hiến dâng.

 

            Trước hết là các nhu cầu cơ bản nhất: thức ăn, quần áo, nơi trú mưa che nắng. Trong các nước Phật giáo tại Á châu và trong hầu hết các xã hội còn giữ được truyền thống lâu đời, thì lòng hảo tâm và sự hiếu khách là cung cách hành xử thật tự nhiên. Mọi người đều cư xử thật hào hiệp trong cuộc sống thường nhật, đó cũng là cách nhắc nhở mình luôn phải nhớ đến lòng hảo tâm bên trong chính mình (trong các xã hội xưa, những người sống cùng xóm hay cùng làng, mỗi khi có món gì ngon thường mang biếu nhau, đó là cách nghĩ đến nhau trong cuộc sống thường nhật, thói tục này mất dần trong cuộc sống tân tiến ngày nay, vì thực phẩm dồi dào hơn, không như các thời đại xa xưa, đồng thời con người, cuộc sống và các sinh hoạt xã hội cũng trở nên cá nhân hơn). Chúng ta được hưởng một chút gì đó trong từng ngày. Chẳng phải mỗi ngày chúng ta cần có một chút gì đó để ăn và một chút không khí để thở hay sao? Vậy thì tại sao chúng ta lại không có bổn phận hồi đáp lại các thứ ấy bằng một chút gì đó của mình? Những người trong các gia đình Phật giáo mỗi khi gặp kẻ ăn xin thì thường cho một chút tiền, nếu gặp những người tu hành khất thực thì cúng dường thực phẩm, hoặc trông thấy cảnh đói nghèo thì cho một ít tiền hay ít gạo. Vật cho dù đôi khi không đáng gì, thế nhưng cũng là cách tập cho mình thói quen tốt, biết nghĩ đến cử chỉ hiến dâng, và cũng là để giúp mình ý thức được lòng hào hiệp chính là thành phần bất khả phân trong cuộc sống hằng ngày. Thường xuyên biết nghĩ đến việc hiến dâng phải chăng là một cách tái lập lại sự cân bằng với những gì mình được thường xuyên thụ hưởng trong từng ngày - Điều đó chẳng phải là hợp lý hay sao?

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

                                               

            Trong bài giảng trên đây nhà sư Sangharakshita có trích dẫn câu sau đây: "Hiến dâng, tôi hiến cả con người của tôi". Câu này là một câu trong bài thơ trường thiên mang tựa Song of Myself / Tiếng hát trong tôi của thi hào Walt Whitman. Bài thơ gồm thêm tất cả 52 phân đoạn, và câu trên đây nằm trong phân đoạn 40. Người chuyển ngữ xin mạn phép phỏng dịch phân đoạn này dưới đây, hầu độc giả có thể xem để thấy rằng một người dù không phải là Phật giáo nhưng cũng có thể có một lòng từ tâm và hào hiệp rất cao: 

 

Tiếng hát trong tôi

Walt Whitman

 

Mặt trời ơi! chớ khoe khoang, ta nào cần hơi ấm của mi đâu - xin hẹn nhau dịp khác!

Mi chỉ tỏa sáng bên ngoài, ta xuyên ngang bề ngoàt và cả các vực sâu thăm thẳm!

 

Địa cầu ơi! Dường như mi mong gì đó nơi bàn tay ta?

Già nua và ngớ ngẩn , Địa cầu ơi/ Hãy cứ nói lên những gì mi mong đợi.

 

Này các bạn nam nữ! Ta muốn nói lên ta thương yêu các bạn - nhưng nghẹn lời.

Thiết tha, ta chỉ muốn nói lên những gì trong ta và cả trong các bạn - nhưng nghẹn lời.

 

Ngày đêm, ta chỉ mong nói lên niềm khao khát đó trong ta.

Hãy hiểu lòng ta, nào ta có ý dạy đời, cũng chẳng quảng bá chút từ tâm rẻ tiền.

 

Hiến dâng, ta hiến cả con người của ta.

 

Này bạn, sao thân người mềm nhũn, cố gượng lên,

Hãy kéo bỏ chiếc khăn quàng quanh cổ, ta sẽ thổi sự can trường của ta vào trong bạn.

 

Hãy ngửa đôi bàn tay và mở toang túi áo,

Kho tàng trong ta thật đầy, chẳng bao giờ cạn cả.

Chớ ngại, bổn phận ta là thế, ta sẽ hiến dâng tất cả những gì trong ta.

 

Chớ nói với ta bạn là ai, chẳng bao giờ ta nghĩ đến,

Dù bạn là người vô dụng hay chẳng ra gì, ta vẫn ôm lấy bạn. 

Từ thâm tâm chẳng bao giờ ta ái ngại.

 

Dù là người lam lũ (một kẻ nô lệ) trên cánh đồng bông vải, hay một kẻ chùi cầu,

Ta vẫn cứ nghiêng đầu để hôn lên má bạn, thân ái nụ hôn này.

 

 

[...]

 

Bất cứ ai hấp hối, nhanh lên, ta mở toang cánh cửa,

Kéo bỏ tấm khăn trải giường (đắp thân người hấp hối).

 

Này bác sĩ và cả vị linh mục hãy cứ về nhà nghỉ ngơi.

Mở vòng tay, với nhiệt huyết trong tim, ta ôm người hấp hối, nâng đầu lên,

Hỡi người tuyệt vọng, hãy ghì chặt cổ ta.

 

Chớ để mình chìm xuống. hãy bám vào thân ta.

Nguyện làm phao, ta thổi vào cho bạn, hơi thở này trong ta,

Toàn thân bạn căng tràn sức sống nơi cánh tay này của ta.

 

Những kẻ khước từ đào huyệt đều là tình nhân của ta.

Cứ ngủ yên đi nhé, cả ta và cả họ sẽ canh chừng suốt đêm. 

Chớ nghi ngờ gì cả, cái chết nào dám chạm, dù chỉ bằng ngón tay.

 

Ta ôm bạn vào lòng, từ giờ phút này bạn sẽ là chính ta,

Hừng đông khi thức dậy, bạn sẽ thấy lời ta là đúng thật.

 

Dưới đây là bản gốc tiếng Anh của bài thơ trên đây:

Song of Myself

(1892 version)

By Walt Whitman

 

       Flaunt of the sunshine I need not your bask—lie over!

       You light surfaces only, I force surfaces and depths also.

 

       Earth! you seem to look for something at my hands,

       Say, old top-knot, what do you want?

 

       Man or woman, I might tell how I like you, but cannot,

       And might tell what it is in me and what it is in you, but cannot,

       And might tell that pining I have, that pulse of my nights and days.

 

       Behold, I do not give lectures or a little charity,

 

       When I give I give myself.

 

       You there, impotent, loose in the knees,

       Open your scarf’d chops till I blow grit within you,

       Spread your palms and lift the flaps of your pockets,

       I am not to be denied, I compel, I have stores plenty and to spare,

       And any thing I have I bestow.

 

       I do not ask who you are, that is not important to me,

       You can do nothing and be nothing but what I will infold you.

 

       To cotton-field drudge or cleaner of privies I lean,

       On his right cheek I put the family kiss,

       And in my soul I swear I never will deny him.

 

       [...]

 

       To any one dying, thither I speed and twist the knob of the door.

       Turn the bed-clothes toward the foot of the bed,

       Let the physician and the priest go home.

 

       I seize the descending man and raise him with resistless will,

       O despairer, here is my neck,

       By God, you shall not go down! hang your whole weight upon me.

 

       I dilate you with tremendous breath, I buoy you up,

       Every room of the house do I fill with an arm’d force,

       Lovers of me, bafflers of graves.

 

       Sleep—I and they keep guard all night,

       Not doubt, not decease shall dare to lay finger upon you,

       I have embraced you, and henceforth possess you to myself,

       And when you rise in the morning you will find what I tell you is so.

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 27.11.20

                                                                                     Hoang phong chuyển ngữ      

 

(còn tiếp)




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2017(Xem: 9230)
Giáo lý đạo Phật là gì? Giáo lý đạo Phật là phương tiện để điều trị thân bệnh và tâm bệnh, là dược liệu của sự chân thật giúp cho người bệnh hiểu rõ bản chất của sự thật, của chân tâm để đạt đến sự giác ngộ rốt ráo. Chúng sinh do tâm bệnh nên có thân bệnh phát tác và mãi trong chuỗi dài sinh tử luân hồi, con người phải trải qua bốn giai đoạn là sinh, già, bệnh, chết; là quy luật tất yếu của thế giới sinh – diệt, chúng sinh nào muốn liễu sinh thoát tử, phải điều trị bệnh bằng các bài thuốc mà đức Phật đã chỉ dạy.
28/07/2016(Xem: 4229)
Ở Việt Nam khi nói đến mùa mưa bão, người ta thường nghĩ đến khúc ruột miền Trung thường nhiều hơn. Thế nhưng, từ khi thành phố Đà Nẵng dựng tôn tượng lớn Bồ Tát Quán Thế Âm thì những cơn bảo lớn nguy hiểm ít đi vào vùng đất nầy, có khi đi gần vào đến bờ thì chuyển hướng ra Bắc hoặc vào Nam rồi bão tan. Không p
07/06/2016(Xem: 9038)
Nam Mô Bồ Tát Thường Lắng Nghe, Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe một cách sâu sắc, trọn vẹn những âm thanh, tiếng nói của cuộc sống, cuộc đời. Chữ Quán ở đây hàm nghĩa lắng nghe trong sự hiểu biết cộng với sự quan sát sâu sắc của lòng yêu thương từ ái. Bồ Tát Quan Thế Âm là vị Bồ Tát đã được người đời nghĩ tới và niệm danh hiệu của Ngài vì Ngài đã nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời. Không chỉ
09/04/2016(Xem: 15428)
Đôi lời về Xá Lợi Phật_Lạt Ma Zopa Rinpoche_Hồng Như dịch, Bảo Tháp thờ Xá Phật còn sót lại ở Thành Tỳ Xá Ly, Ấn Độ (hình phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ của Tu Viện Quảng Đức tháng 11-2006)
21/03/2016(Xem: 4574)
Ở đây chúng ta cũng nên định nghĩa về hai chữ "tình yêu" (Liebe) và "tình thương" (Barmherzigkeit) nó khác nhau hay giống nhau ở điểm nào? Khi người ta nói đến tình yêu, tức giới hạn giữa con người và con người như nam và nữ yêu nhau hay giữa con người và động vật cũng như cảnh vật chung quanh mình. Tình yêu luôn có sự chấp ngã và hay bi lụy về đối tượng mình đang yêu, nhưng khi không được yêu và tự ngã của người nam hay người nữ bị tổn thương thì tình yêu ấy không còn là tình yêu nữa, mà đôi khi còn trở nên thù hận với nhau. Khi người nam yêu người nữ có nghĩa là người đàn ông ấy muốn chiếm hữu riêng người đàn bà kia về cho mình, còn khuynh hướng của người nữ là khuynh hướng nương tựa, nếu đối tượng là người nam mà giới nữ không còn nương tựa được nữa thì tình yêu ấy trở nên xa cách và nguội lạnh dần, không mặn nồng như thuở ban đầu nữa.
09/09/2015(Xem: 8839)
Như cố thi hào Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Đừng nên trách lẫn trời gần, trời xa”. Nghiệp như cái bóng theo hình, một ngày chưa chứng thánh quả A La Hán thì cho dù trên trời, dưới đất, trong hư không nó đều bám theo. Nghiệp quả thật ghê gớm. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, muôn hình vạn trạng, có nặng có nhẹ mà chỉ chư Phật mới thấu rõ hết về chúng. Nếu quý vị muốn biết thì nên đọc qua Thủy Sám Pháp Văn hay Kinh Địa Tạng… thì cũng sẽ thấu hiểu được phần nào.
12/07/2015(Xem: 9633)
Quan Thế Âm Bồ Tát Tầm Thinh Cứu Khổ Phổ Môn Thị Hiện Đồ. Bản dịch của Viên Huệ Dương Chiêu Anh
03/04/2015(Xem: 14959)
Phổ Hiền thập đại nguyện hạnh là nội dung hạt nhân trong việc tin ngưỡng và tu trì của Bồ Tát Phổ Hiền, xuất phát từ Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm. Phật Giáo Hán truyền coi Bồ Tát Phổ Hiền là biểu tượng cho đại hạnh thực tiễn, cùng với Bồ Tát Quán Âm (biểu tượng cho Từ Bi), Bồ Tát Văn Thù (biểu tượng cho trí tuệ), Bồ Tát Địa Tạng (biểu tượng cho thệ nguyện); cùng hình thành nên nội hàm tín ngưỡng và tinh thần tiêu biểu của bốn tâm hạnh Bi-Trí-Nguyện-Hạnh của Phật Giáo Đại Thừa.
21/01/2015(Xem: 7186)
Phía Tây của Long thành, phía Nam của Tản sơn, thẳng ra ngoài cõi Ai Lao, Xiêm La, có một nơi gọi là Hương Tích Sơn, nằm giữa Bắc kỳ, Nam hải, nơi ấy là động thiên bậc nhất vậy. Núi thì đặc thù, nước thì tú lệ, cảnh trần tịch tĩnh, nơi cầu tự cầu tài, chốn chữa bệnh trừ tai. Mỗi năm Xuân về, không dưới ba vạn người, có người ở gần về dự, có người ở xa ngàn muôn dặm cũng đến. Tiếng linh diệu lớn lao, rung động mắt tai người, rõ ràng là “thần quyền thời đại”, thật lạ thường thay. Ngoài núi non và con người, Hương sơn mà xa cách một ngày như ép buộc đi đến trần cương; ba mươi năm qua trọn chẳng đến một lần, nỗi buồn nào như đây; ngày nay năm mươi sáu tuổi vẫn còn viện cớ. Sức thuyền từ một phen đưa chuyển, kết quả có thể xuyên qua, đến nước lên non, niềm vui có thể nhận biết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567