Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Gần đến Tây phương

20/03/201110:34(Xem: 5570)
7. Gần đến Tây phương

VĂN MiNH NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Gần đến Tây phương

Qua khỏi Thiết môn quan, Ngài cứ thẳng đường đi tới, chẳng bao lâu thì vào một nước tên là Bắc-tri-an. Đây là một nước có danh tiếng từ đời thượng cổ, trước tiền sử đã trải qua bao lần thành bại rồi. Nước Bắc-tri-an trước thuộc về Hy Lạp, từ lâu vẫn theo đạo Phật, có những ngôi chùa lớn và kinh sách đầy đủ. Dân cư phồn thịnh, chơn chất hiền lành. Nhưng rủi thay một mình nằm ở giữa, chung quanh là nhiều dân tộc dã man, độc ác, thường hay thừa dịp mà kéo đến đánh phá và cướp giật. Nhất là bọn Hung nô bên Mông cổ đáng ghê tởm hơn hết. Dân tộc này không định cư một chỗ để làm ăn, mà quanh năm chỉ lo luyện tập việc cưỡi ngựa, bắn cung cho thông thạo, rồi tìm những nước giàu có mà kéo tới cướp giật, vơ vét. Chính ngay như Trung Hoa to lớn kia cũng không tránh khỏi tay bọn họ.

Vào năm 425, giặc Hung nô kéo vào xứ Bắc-tri-an, cướp phá khắp nơi. Chẳng những chúng cướp bóc những nơi lắm tiền nhiều của, mà chúng lại còn phá hoại những dấu tích mỹ thuật đền đài xưa. Chùa Phật ở Bắc-tri-an là những cảnh quý, mỹ thuật theo văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp là tinh xảo, đều bị chúng đập phá tan tành. Hung nô cai trị xứ này được hơn một trăm năm. Người trong nước dưới quyền áp chế của họ, lấy làm thống khổ. Qua đến năm 566, hai nước Ba-tư và Thổ miền Tây hiệp nhau lại và đuổi được bọn Hung nô. Hai bên điều đình nhau, nước Ba-tư giữ quyền cai trị xứ Bắc-tri-an.

Chẳng bao lâu, thừa khi nước Ba-tư có nạn chinh chiến với một nước khác, người Thổ miền Tây bèn đoạt lại xứ Bắc-tri-an về mình. Vào lúc Ngài Huyền Trang ghé lại, xứ Bắc-tri-an thuộc quyền người Thổ miền Tây. Có một ông hoàng Thổ cai trị xứ này. Ngài vào thẳng kinh đô, viếng vị này, chính là thái tử con vua nước Thổ miền Tây và rể vua Cao-xương. Ngài vào thăm viếng và nhân tiện đem tin bên nhà cha và cha vợ của vua. Vua tiếp đãi Ngài trọng hậu lắm. Chẳng những vì có cha ruột và cha vợ gởi gắm, mà còn bởi vua là người rất mộ đạo nữa. Vua vì lòng kính trọng, đã toan đưa Ngài qua tới Ấn Độ. Nhưng vừa lúc ấy lại xảy ra một cuộc thay bậc đổi ngôi làm cho Ngài phải lên đường một mình với ít quân hầu.

Nguyên vào lúc ấy, vợ của sứ quân là công chúa nước Cao-xương chết đi. Vua lập một cô khác lên làm chánh hậu. Nhưng cô này có tư tình với một hoàng tử con vợ trước của vua. Cô bèn lập mưu bỏ thuốc độc cho chồng chết để đưa tình nhân lên ngôi. Trong cuộc thay ngôi đổi chúa ấy, tuy có lộn xộn về nội trị, nhưng Ngài Huyền Trang không gặp điều gì trở ngại. Vua mới cũng đãi Ngài tử tế và thỉnh Ngài đi viếng thành Fou-ho-lô danh tiếng của đạo Phật, vốn có nhiều cảnh chùa.

Đây là một tỉnh thành xưa, còn nhiều cổ tích và dân chúng tôn sùng đạo Phật. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, vào đời vua A-dục, khoảng ba trăm năm trước dương lịch, đạo Phật ở đây đã bắt đầu thịnh hành. Bấy giờ xứ này thường giao thiệp với Ấn Độ, và sứ giả vua A-dục thường đến viếng vua Bắc-tri-an. Sau này, dù trải qua mấy đời vua Hy Lạp và những cuộc chính trị thay đổi, người ta vẫn bảo tồn được Phật giáo. Như khi quân Hung nô phá hủy nhiều nơi, mà ở thành Fou-ho-lo, dấu xưa tích cũ vẫn còn. Vào lúc Ngài Huyền Trang ghé qua thì đất đai ở đây phì nhiêu, cây trái tốt tươi, dân cư đông đúc, phồn thịnh lắm. Tuy giặc Hung nô có tràn qua một lần, nhưng cũng còn đến một trăm cảnh chùa với nhiều tích Phật, và chừng ba ngàn tăng sĩ. Ở đây người ta tu theo Tiểu thừa. Nhưng khi luận đạo, Ngài với họ cũng có chỗ hòa hiệp. Họ tu học khá lắm. Một số nhà danh sư có giảng được cho Ngài nhiều đoạn khó trong kinh sách cương yếu của Tiểu thừa và Ngài rất phục chỗ sở học của họ.

Sau khi từ giã các vị cao tăng, Ngài theo đường núi tuyết Hưng-đô-khố. Từ đây, đường đi nhọc nhằn lắm. Những đoạn đường trước đây, tuy rằng vắng vẻ, lặn lội non cao đã là khổ nhọc, mà đoạn đường mới nay lại nguy hiểm hơn bội phần. Chung quanh mịt mù những tuyết, cho đến mây cũng đọng thành tuyết, lại thêm giông gió thổi tứ tung, không còn biết một chỗ nào là trống trải, thoáng đãng. Ngài đi đến giữa chừng núi, gặp một cảnh thị tứ phồn thịnh. Đây là thành Ba-mi-gian. Muốn sang Ấn Độ, khách buôn đều phải đi ngang chỗ này, cho nên sự buôn bán khá thịnh, mà các nhà sư hành cước cũng thường ghé đây nghỉ chân. Xứ này lạnh lắm, rất hiếm bông hoa và cây trái. Mùa đông thì có lúa mì. Người ta nuôi thú vật, nhất là cừu và ngựa. Dân trong xứ tánh nết hung dữ, thô bạo, không ưa việc giao tiếp. Nhưng về tín ngưỡng lại phát triển khá lắm. Lúc Ngài Huyền Trang ghé qua, thành Ba-mi-gian có chừng mười ngôi chùa với mấy ngàn tăng chúng, thảy đều tu theo Tiểu thừa. Ngài có viếng nhiều cảnh chùa xây cất theo động đá rất chắc chắn, vững vàng. Ngài có đến lễ bái trước hai tượng Phật lớn, một tượng cao đến năm mươi ba mét và tượng còn lại cao ba mươi lăm mét. Tượng sơn phết rất khéo léo, mới nhìn qua thấy hệt như là tượng bằng đồng.

Ra khỏi thành Ba-mi-gian, Ngài đi theo đường núi. Đến khi sắp qua đèo Si-bà, Ngài gặp một trận cuồng phong và lạc đường. Nhưng may gặp một bọn người đi săn chỉ đường cho. Qua khỏi núi một quãng xa, bấy giờ xa trông thấy một cánh đồng cỏ gần xứ Ca-bì-xa. Chỗ này nhờ địa thế tốt nên có đủ các loại sản vật, dân chúng phần nhiều đều sống dư dả. Thật là một nước phồn thịnh, có tiếng từ buổi xưa. Vua đương thời là người mạnh mẽ, oai phong, có cả chục nước chư hầu, các nơi đều kính phục. Vua giao thiệp bền chắc với Trung Hoa, có dâng qua nhà Đường nhiều ngựa tốt. Và vua Thái Tông cũng đáp lại bằng những lễ vật xứng đáng. Lúc Ngài Huyền Trang ghé qua, nước này đang hồi thịnh vượng lắm. Vua là người có thế lực và rất mộ đạo. Dân chúng phần đông cũng đều theo đạo Phật. Bởi kinh thành không còn cách Ấn Độ bao xa, nên Ngài đã gặp nhiều nhà du tăng Ấn Độ đi thăm viếng những ngôi chùa có danh. Các vị tăng sĩ này phần đông đều ăn mặc rất đơn sơ.

Nhiều chùa tranh nhau mà đón rước Ngài, có nơi theo Tiểu thừa, có nơi lại theo Đại thừa.

Lúc ấy có bạn đồng hành là ông Bát-nhã-kiết-la, một nhà sư Tiểu thừa bên thành Fou-ho-lo xứ Bắc-tri-an đi theo. Ngài Huyền Trang muốn làm vui lòng ông này nên ghé vào một chùa phái Tiểu thừa. Tuy nhiên, khi ngụ trong chùa ấy, Ngài nhận thấy kiến giải của các sư ở đây rất hợp với mình. Đây là lần đầu tiên Ngài đến một nước mà giáo lý bên Tiểu thừa không mâu thuẫn với giáo lý Đại thừa. Các vị này có thỉnh Ngài giảng luận về giáo lý. Ngài giảng kinh thuyết pháp trong năm ngày. Ai nấy đều hoan nghênh và lấy làm thỏa dạ. Sau này, khi qua tới Ấn Độ, Ngài càng quan sát kỹ, biết giữ mực hòa nhã mà luận đạo và nhất là biết làm cho nhiều tông phái hòa hợp với nhau một cách thuần nhất.

Ngài nghỉ trọn mùa hè năm 630 tại chùa xứ Ca-bì-xa. Rồi nhắm hướng Tây mà thẳng bước. Khi qua khỏi sông Băn-sia, đến thành Lam-ba-ca. Đến đây, phong cảnh xem ra khác rồi, không còn giống vùng Trung Á nữa, đã ảnh hưởng nhiều phong cảnh Ấn Độ. Khí hậu tuy nóng nực mà cây cỏ um tùm. Những ruộng lúa, những vườn mía với mấy con vượn làm cho khách lữ hành biết rằng mình đã đặt chân lên đất Ấn rồi. Bây giờ vẫn còn hơi lạnh, nhưng không có tuyết nữa. Vừa qua đó, dân xứ Ca-bì-xa hung dữ, gay gắt, mà ở đây thì con người xem ra lanh lợi, dịu dàng, trang phục đẹp đẽ.

Gần thành Lam-ba-ca có nhiều nơi còn dấu tích Phật, nhất là những chùa tháp và hang động ở trong một thành cổ gọi là Na-càn-ha-la. Cách chỗ này chừng hai dặm, có một cảnh chùa xưa to lớn do vua A-dục xây dựng. Ở đây có lưu truyền một chuyện tích hay, rằng xưa kia khi Phật Thích-ca còn là một vị Bồ-tát, có gặp và lễ bái Phật Nhiên Đăng ở gần thành này, được Ngài thọ ký cho là về sau sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Nhiều chùa khác có dấu xưa của Phật. Chỗ thì thờ xương sọ, chỗ lại thờ áo, có chỗ thờ cây tích trượng của Phật .

Lúc trước vua A-dục tu bổ và cất thêm chùa, kế các vua gốc người Hy Lạp tôn sùng Tam bảo, sau đó vua Kanishka tán trợ và ủng hộ chư tăng. Rồi về sau, dân chúng trong vùng giữ đạo thờ Phật luôn. Cho nên xứ này thường có các vị tăng lữ hành đến viếng.

Lúc sanh tiền, Phật không có đến thuyết pháp tại đây. Nhưng sau khi Phật vào Niết-bàn, người trong xứ có thờ tro tàn xá-lỵ của Ngài, cùng với nhiều dấu tích. Hơn nữa, người ta vẫn truyền nhau rằng đây là chỗ mà trong nhiều đời trước Phật có thọ sanh ra khi còn là Bồ-tát.

Có điều đáng tiếc là lúc Ngài Huyền Trang ghé qua thì đạo đức cũng có phần suy thoái đi rồi. Tuy còn ảnh hưởng khá sâu đậm, nhưng bị một phen bọn Hung nô tràn tới, phá hại chùa chiền và nhiều dấu tích xưa. Dân cư vẫn còn trọng đạo Phật và quanh vùng vẫn còn nhiều ngôi chùa, nhưng số tăng đồ đã ngày một kém dần. Nhiều tháp xưa đã phủ đầy cây cỏ rêu rong. Tiếp đến vài mươi năm sau, bị một trận giặc Ả-rập chiếm đoạt, đánh phá tan tành, hư sập hết.

Cách thành Na-càn-ha-la chẳng bao xa, có một nơi cổ tích. Tương truyền đây là chỗ Phật thu phục rồng chúa. Thuở ấy, có năm con quỷ La-sát hóa ra thành rồng, gây nên những tai nạn mưa gió, bão lụt, thất mùa, bệnh truyền nhiễm mà nhiễu hại dân. Vua trong thành Na-càn-ha-la cầu nhiều thầy pháp dùng bùa chú mà trị, nhưng chẳng công hiệu. Vua bèn khấn nguyện cùng đức Phật. Đức Thế Tôn dùng thần lực gom bọn rồng ác ấy lại, lấy lòng từ bi mà cảm hóa chúng, đem đạo lý mà giảng cho nghe. Rồng chúa và cả nhóm đều tỉnh ngộ, nguyện quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới. Từ đó chúng chẳng còn ở nơi hang động mà nhiễu hại dân. Thu phục xong bọn rồng, Phật còn để lại bóng Phật trong một cái hang động, nay vẫn còn trông thấy được.

Ngài Huyền Trang muốn đến đó chiêm bái. Nhưng đường đi đến hang khó khăn và nguy hiểm lắm, đã vắng vẻ lại đầy những bọn cường đồ. Nhiều năm rồi, không còn ai dám đi đến đó. Những vị tăng cùng đi với Ngài đều cản lại, khuyên Ngài đừng đi. Nhưng Ngài không nghe, đáp lại rằng: Biết rồi trăm ngàn kiếp sau còn dịp nào gặp được bóng Phật nữa chăng? Bần tăng đã đi đến đây mà không vào viếng cảnh và làm lễ Phật thì thật là không phải. Chư vị cứ đi trước, bần tăng qua nơi đó rồi sẽ theo sau. Rồi Ngài một mình tìm đường đi thăm hang động ấy.

Gần tới động, gặp một cảnh chùa, nhưng không có ai chịu theo mà chỉ đường. May đâu gặp một ông lão, vui lòng dẫn đường cho Ngài. Đi vừa được vài dặm, có một bọn cướp năm người nhảy ra cản lại, tay cầm gươm toan chém. Ngài dở mũ và trịch áo cho bọn ấy biết rằng mình người tu hành. Một người trong bọn hỏi rằng: Đại đức đi đâu đây? Đáp rằng: Bần tăng muốn vào động viếng Phật. Bọn chúng lại hỏi Ngài có sợ hãi những kẻ cướp như chúng không? Ngài điềm đạm đáp rằng: Bần tăng đã quyết lòng đi lễ Phật, dẫu đường có dẫy đầy ác thú, bần tăng cũng không lấy gì làm sợ. Huống chi các ngươi, cho dù là kẻ cướp thì cũng vẫn là con người, không phải là ác thú, hà tất bần tăng phải sợ?

Bọn cướp thấy thái độ gan dạ không lay chuyển của Ngài, lại nghe những lời ấy thì lấy làm cảm phục lắm, bèn xin được theo Ngài cùng đi lễ Phật trong động.

Động ở vào hướng Đông một con suối, hai bên suối có hai dãy núi. Động ở sâu vào bên trong một tảng đá lớn. Ngài mới bước vào khỏi cửa, thấy ở trong tối tăm lắm. Ông lão chỉ đường bảo rằng: Ngài cứ đi thẳng vào trong. Khi đến vách phía Đông, hãy đi lui lại chừng năm chục bước và trông ngay về phía Đông, ấy là chỗ có bóng Phật vậy.

Ngài Huyền Trang đi một mình vào động. Theo lời ông lão, Ngài đi một chút đụng tấm vách phía đông. Ngài lui lại và đứng ngay ra. Ngài lấy hết lòng thành tín mà niệm Phật, đoạn lạy đến một trăm lần, nhưng không thấy gì hết. Ngài lấy làm hối hận vì các tội lỗi của mình nên than khóc rất bi thảm. Kế Ngài cũng lấy hết lòng thành kính mà niệm kinh và tụng kệ già-đa, vừa niệm vừa lễ lạy. Ngài lạy đến một trăm lạy nữa thì thấy ở bên vách phía Đông có hào quang, lớn bằng bình bát, nhưng vừa lộ ra liền biến mất. Ngài mừng khấp khởi và còn trách mình ít phước nên lại tiếp tục niệm kinh lễ lạy. Lần này Ngài thấy hào quang lớn bằng một cái hồ, rồi cũng mất ngay đi như bóng chớp. Ngài thấy khoan khoái trong lòng lắm, bèn nguyện rằng nếu không thấy Phật thì không ra khỏi động. Rồi lại tiếp tục lễ lạy. Thình lình cả động sáng rực lên. Ngài thấy rõ hình Phật trên vách rất oai nghiêm. Bấy giờ cảm tưởng của Ngài như là tự nhiên trời mây thoáng đãng ra cả quanh mình, khiến Ngài thấy rõ được một cảnh núi bằng vàng. Gương mặt của Phật sáng rực lạ thường. Ngài nhìn chăm chú, không biết mỏi mắt. Cả thân hình Phật và áo tràng đều vàng rực, từ gối trở lên trên sáng đẹp vô ngần. Còn phía dưới, tòa sen dường như khuất trong mây mù. Hai bên và phía sau đều thấy đủ chư vị tỳ-kheo, Bồ-tát theo hầu Phật.

Ngài Huyền Trang xem rõ điềm lạ ấy rồi, liền vội vã ra ngoài bảo ông lão dẫn đường và năm người trong bọn cướp đi theo Ngài đem nhang đèn vào làm lễ Phật. Nhưng đèn lửa sáng lên thì hào quang Phật lại mất. Ngài bảo tắt đèn, liền thấy lộ ra hình Phật. Nhưng trong sáu người theo Ngài, có năm người được thấy, còn một người nữa không nhìn thấy gì hết... Ngài đã nhận rõ, quỳ lại rất thành kính, tụng niệm và rải hoa cúng Phật. Ngài làm lễ xong, hào quang hết sáng. Ngài bèn lạy tạ và ra đi.

Khi ra khỏi Lam-ba-ca, Ngài muốn ghé vào một xứ tuy giờ đã suy sụp mà xưa kia rất có tiếng tăm. Ấy là xứ Càn-đà-la, đã từng có tên tuổi trong lịch sử Á Châu từ xưa. Chính đây là chỗ mà các vị vua Hy Lạp bị thất thế bên Bắc-tri-an, bèn về cư ngụ trên một thế kỷ. Xứ Càn-đà-la có một thành gọi là Bạch-sa-ngõa, kinh đô về mùa đông của một nhà vua có danh tiếng là Ca-nít-ca hồi thế kỷ thứ hai. Bạch-sa-ngõa là một thành cổ, đã hưng thạnh trên cả ngàn năm và nhờ chung quanh có núi bao bọc nên tránh khỏi việc phá hại của giặc Hung nô. Xứ Bạch-sa-ngõa có nhiều người giỏi về Phật học và là một nơi có các nhà mỹ thuật đúc tượng Phật trước nhất ở Á Châu. Hiện nay bên Âu Mỹ và trong các nhà bảo tàng, những tượng Phật xưa và khéo hơn hết đều gốc ở Bạch-sa-ngõa. Lúc trước người ta không dám đúc tượng Phật, cho nên không đâu có. Bỗng đâu, ở Bạch-sa-ngõa có một thiếu niên đúc hình Phật theo như người thật. Rồi từ đó mấy nước gần đều đến thỉnh về. Dần dần, đảo Tích-lan, Trung Hoa, Nhật Bản, chỗ nào cũng đều biết đúc tượng Phật dựa theo người Bạch-sa-ngõa.



Bồ-tát Vô Trước (Asanga)



Hai trăm năm trước Ngài Huyền Trang, có hai vị cao tăng Đại thừa soạn giải kinh sách có giá trị, chúng tăng rất tôn trọng. Đó là hai anh em ngài Vô Trước và Thế Thân, sanh ra tại xứ Bạch-sa-ngõa này, đều là bậc Bồ-tát chứng đạo. Ngài Huyền Trang từng xem kinh luận của hai vị ấy. Nhưng khi Ngài đến xứ này thì bọn Hung nô đã tràn qua trước đó một thế kỷ rồi, làm cho xứ Càn-đà-la nghiêng ngã mà thành Bạch-sa-ngõa cũng tan tành. Ngài có tả lại mấy dòng rằng:

Dòng dõi nhà vua đã tiêu diệt, đất nước này đã thuộc về xứ Ca-bì-xa. Nào thành thị, nào thôn quê, ở đâu cũng trống trải lạnh tanh, trong xứ chỉ còn lại một ít dân thưa thớt. Cả kinh thành Bạch-sa-ngõa còn chừng một ngàn nóc nhà với cả đến một ngàn cảnh chùa xưa. Nhưng chùa giờ đây hư hao, quạnh quẽ, cỏ lau vây phủ um tùm, cảnh tình rất nên buồn thảm. Cũng còn lại những tháp xưa, mà tháp thì cũng rơi vào cảnh hoang phế giống như chùa.

Thật là một sự thay đổi ghê gớm, một cuộc tàn hại lớn lao cho đến những món đồ cổ xưa cũng đều mất cả. Có một cái bát của Phật, đựng cơm thờ trong một cảnh chùa ở đó, giờ cũng không còn.

Ngài Huyền Trang viếng các chùa tháp, lòng rất ngậm ngùi. Tại Bạch-sa-ngõa còn một cây cổ thụ. Tương truyền ngày xưa có bốn vị Phật đã ngồi nghỉ chân nơi cội cây ấy. Về sau vua Ca-nít-ca lập tháp để thờ. Người ta kể rằng, một hôm vua Ca-nít-ca đi săn, đến cội cây gặp một đứa trẻ mục đồng. Lúc ấy vua chưa quy y theo đạo Phật. Vua vì theo đuổi một con thỏ bạch nên lạc đến cội cây. Đứa mục đồng này lặp lại lời Phật xưa rằng: Ta nhập Niết-bàn chừng bốn trăm năm, sẽ có một nhà vua nổi tiếng, hiệu là Ca-nít-ca... Vua nghe nói sanh lòng tin, lập một cái tháp nơi chỗ ấy mà thờ Phật.

Ngài Huyền Trang ra khỏi Bạch-sa-ngõa, đến một thành khác trong xứ Càn-đà-la. Đó là thành Bút-ca-rát-hoa-tý. Chỗ này có một cái tháp của vua A-dục xây, vì vua muốn ghi nhớ tích một đời trước Phật hy sinh cặp mắt để cứu người. Gần thành Bút-ca-rát-hoa-tý có vài nơi cổ tích, mỗi chỗ đều có xây tháp. Chỗ thì xưa kia Phật thu phục chằn tinh Ha-lỵ-đế thọ giới Tam quy, trở nên một bà hộ trợ cho phụ nữ và nhi đồng. Chỗ thì xưa có một vị sơn tăng tên Xi-á-ma rất có hiếu với cha mẹ mù lòa, bị một ông vua dữ tợn bắn chết. Lại một chỗ nữa là tích xưa kia hoàng tử Việt-hoàng-ta-ra là một nhà đại từ mà mọi người đều biết. Hoàng tử ấy chính là một tiền thân của Phật, hiền lành và ưa việc bố thí. Trong triều có một con bạch tượng biết phép làm mưa. Một vua nước khác cho người qua xin bạch tượng. Hoàng tử cho ngay. Đình thần tức giận lắm, bèn xin vua đày hoàng tử đi. Ngài lên rừng với vợ và hai con, một trai một gái. Đi đường chỉ có một con ngựa kéo xe, mà ngựa và xe có người đến xin, ngài đều cho hết. Tới rừng, ngài làm một cái chòi mà ở, mỗi ngày cha con, chồng vợ hái trái mà ăn và múc nước khe mà uống. Sau có người đến xin hai đứa con, ngài cũng bố thí. Thiên-đế hóa hình người mà xin vợ, ngài cũng cho luôn. Thấy lòng ngài quá đại từ, Thiên-đế bèn cho hai đứa con trở về nước và tâu giúp cho cha. Nhờ đó hoàng tử được ân xá. Người ta vẫn truyền rằng chính nơi đất Bút-ca-rát-hoa-tý này đây mà ngày xưa đức Bồ-tát bị đày.

Các vị du tăng khi viếng cảnh đều có ghé lại đây. Trước Ngài Huyền Trang, vào năm 520 có ngài Tống Vân cũng người Trung Hoa đến đây, có lời tả rằng: Trên non, hoa quả ngon lành. Dưới suối nước uống ngọt ngào. Ta ghé qua đây nhằm dịp đầu năm, có gió mát và cây cỏ tươi xanh bốn mùa. Chim nhảy nhót và ca hót trên cành, bướm liệng bay và chập chờn trên cỏ. Cảnh rất tươi đẹp...

Ngài ra khỏi thành Bạch-sa-ngoã, bèn đi về hướng Đông thẳng đến Ấn Độ. Ngài định ghé thành Ưu-điền. Bấy giờ cảnh vật đã đổi khác nhiều, phong thổ thuộc miền Hy-mã-lạp-sơn, khác hẳn với nơi Bạch-sa-ngoã. Từ đây đường càng hiểm trở, truông sâu càng tối tăm. Khi thì phải ném dây ngang hố rồi chuyền theo dây mà qua. Khi thì phải bắt cầu trên hai mõm đá. Nếu không tỉnh trí vững tâm thì chết mất mười phần. Nhưng nạn khổ thì nhiều mà sự thích thú cũng không phải ít, vì Ngài thường gặp nhiều nơi có lắm chuyện cổ tích rất hay. Nhờ vậy mà quên bớt nhọc nhằn. Như ở gần thành Ưu-điền có vài tích xưa. Như tích Phật thu rồng chúa A-ba-lát-la cứu dân khỏi nạn lụt, vì rồng đưa nước lên, toan làm ngập hết nhà cửa, đền đài. Có một tích mà Ngài rất lưu ý, là chỗ xưa kia Phật nạp thịt mình để cứu bồ câu. Người ta kể rằng thuở xưa có một nhà vua rất nhân từ. Thiên-đế muốn thử lòng vua, bèn hóa ra cảnh một con ó rượt bắt một con bồ câu. Bồ câu thì nhỏ thó mảnh mai, thân hình xanh như màu da trời, mắt đỏ như hạt châu, bị ó đuổi gấp quá, túng thế liền đáp xuống mình vua. Chim ó cũng theo xuống, nó bảo vua phải để nó tự do kiếm ăn nuôi mạng. Nếu vua không chịu trả bồ câu thì phải nạp thay một số thịt cân bằng với thịt bồ câu. Vua vì lòng từ bi, bèn cắt thịt ở bắp vế mình. Nhưng lạ thay! Cân với chim bồ câu, thịt vua cứ nhẹ mãi. Cuối cùng vua phải nạp hết cả người mình để thế cho bồ câu. Bấy giờ Thiên-đế mới cho vua biết rằng ngài muốn thử vua. Đó là một tiền thân của Phật, về sau Ngài giáng sinh làm thái tử Tất-đạt-đa và thành Phật Thích-ca Mâu-ni.

Thành Ưu-điền thật xứng đáng với lịch sử đạo Phật lắm. Nhưng cũng là xứ đã suy vi như Càn-đà-la. Cũng bị bọn Hung nô tràn qua và phá hại tan tành. Trong vùng có một ngàn bốn trăm ngôi chùa. Hồi năm 520, lúc ngài Tống Vân ghé qua, có đến mười tám ngàn tăng sĩ, trọn đêm tiếng chuông rền khắp cả vùng. Nhưng lúc Ngài Huyền Trang qua đây, chùa đã phủ đầy rong rêu, số tăng sĩ cũng giảm đi và dân cư cũng thưa thớt, tản lạc nhiều. Tuy vẫn còn chùa với tăng sĩ, song tình cảnh xem ra suy kém lắm. Trong xứ, người theo Ấn Độ giáo chiếm đến phân nửa. Còn lại là tăng sĩ nhà Phật phái Đại thừa. Nhưng ý của họ không hợp như Ngài, vì họ thiên về phái Du-già, tức là Mật tông với các câu thần chú và bùa phép. Tăng chúng ở thành Ưu-điền với quanh miền Hy mã lạp sơn hay chuộng những thuyết chân ngôn, những chuyện thần bí, là bởi ảnh hưởng các đạo sĩ bên phái Xi-hoa.

Tuy tăng sĩ ở đây theo phái Đại thừa, nhưng kiến giải khác biệt, lối tu khác đường, nên Ngài không muốn gần gũi lâu. Sau khi đến viếng chùa tháp, Ngài liền ra đi ngay.

Ngài qua khỏi vài trái núi thì đến xứ Đại-tần với kinh thành Tắc-xi-la là miền có tên tuổi từ xưa. Vào thời những đại đế Hy Lạp thiên đô qua Đại-tần thì xứ này rất có danh tiếng. Đó là một xứ cổ, đến đời A-dục là người Ấn Độ thì vua sửa sang lại nghiêm trang, lấy thành Tắc-xi-la làm kinh đô các tỉnh miền Tây Bắc. Vua phái hoàng tử con mình lên đó cai trị. Những ai tìm hiểu Phật học có lẽ đều biết chuyện hoàng tử Câu-na-la. Chính ở thành Tắc-xi-la này, ngài bị ám hại một cách rất thương tâm. Hoàng tử Câu-na-la vốn có vẻ đẹp thanh lịch vô cùng. Nhất là cặp mắt chàng sáng rỡ như có hào quang rạng ngời. Người trong xứ ai cũng nhận chàng là người đẹp nhất trong nước. Hồi ngài còn ở tại kinh, có một bà phi của vua cha thấy ngài có sắc đẹp thì đem lòng yêu. Bà phi trộm nhớ thầm thương, dằn lòng không được, bèn tìm Câu-na-la mà tỏ thật tâm sự mình và xin chàng đoái đến. Thái tử vẫn có lòng lành, không thể làm chuyện loạn luân trái đạo, nên lặng lẽ mà lánh đi. Bà phi ấy đang có quyền hành tại triều, là người được vua yêu chuộng nhất, nay bị Câu-na-la không thuận theo thì lấy làm thẹn thuồng. Trong lòng giận giữ lắm, thề quyết rửa nhục báo thù. Bà làm một tờ chiếu chỉ giả, nhân lúc vua ngủ mới lấy ấn đóng vào, rồi truyền lệnh cho quân đi móc cặp mắt của thái tử và đuổi ra chốn dân dã. Chàng nhận được chiếu chỉ, thấy có đóng ấn đúng luật đành rành, bèn để cho quân thi hành. Nhưng quân còn đang dần dà thì chàng vừa tự móc mắt mình vừa nói rằng: Đã có lệnh phụ vương, ta nào dám trái! Từ đó, thái tử thành ra người mù, đi lang thang đầu đường cuối xóm và trên các nẻo đường để ăn xin. Cho đến một hôm, chàng lần về đến kinh đô của vua cha. Đêm kia, chàng lấy đàn ra, vừa khảy vừa ca những bản não nùng về thân phận. Vua đương ngự trên lầu, nghe tiếng ca giật mình, cho người đòi kẻ ăn xin vào thì nhận ra là con mình. Vua biết ra bà hoàng phi đã quá ác tâm, bèn xử hình phạt nặng nề. Về phần hoàng tử sau được một vị cao tăng truyền dạy và tu đắc huệ nhãn.

Thành Tắc-xi-la vẫn là một nơi cổ kính, nhưng là một xứ có nền nếp, dân cư sống phong lưu, giàu có, nên cũng khó mà tránh khỏi bọn Hung nô. Nếu không bị cướp phá, hẳn trong thành vẫn còn được nhiều chùa tháp và tích xưa.

Lúc Ngài Huyền Trang ghé qua, may còn được thấy một ít cảnh chùa, và có một cái tháp ghi tích tiền thân của Phật trong một đời trước thí mạng để cứu người.

Vào lúc Ngài Huyền Trang đến viếng, thành Tắc-xi-la thuộc quyền bảo hộ của vua Khắc-thập-mễ-nhĩ, còn trước đó nữa là vua Ca-bì-xa.

Ngài ra khỏi thành Tắc-xi-la, không đi ngay vào miền trung ương Ấn Độ với sông Hằng hà, mà trở lên hướng Tây bắc để viếng một cái tháp xưa. Nơi đây vẫn còn truyền tụng một câu chuyện tiền thân xa xưa của Phật. Hồi đó Ngài làm một vị hoàng tử, xuất gia đi tu trên núi, bố thí thịt của mình cho cọp mẹ và bảy cọp con đang bị nạn đói. Liền sau khi đó, đất đai trong vùng đều hóa ra đỏ au, như thắm máu của Ngài. Đến nay, đất trong vùng vẫn đỏ và cây cỏ ở đây cũng đều có sắc đỏ.

Kế đến Ngài Huyền Trang sang thành Khắc-thập-mễ-nhĩ. Phải trải qua non cao, đèo vắng, hơn ngàn dặm đường mới tới, nhưng là một xứ phong cảnh đẹp lắm. Chu vi xứ này chừng bảy trăm dặm. Bốn bề có núi bao che, đường quanh co chật hẹp. Bởi vậy nên các nước lân bang không xâm phạm được. Xứ tuy lạnh mà cây cỏ xanh tốt, đất đai phì nhiêu. Con người ở đây phong thái đẹp đẽ lắm, có vẻ lanh lợi hơn người các nơi. Người ta nói rằng Khắc-thập-mễ-nhĩ có lắm chuyện truyền kỳ. Trên núi có nhiều đỉnh tháp thờ dấu tích của nhiều vị đại La-hán. Dân bản xứ kể rằng các loài vượn, khỉ và thú vật hái trái đem đến tháp mà cúng hằng ngày, dường như chúng nó biết làm phận sự tu hành. Họ cũng nói là có các vị thánh thần thường đi lại trên núi cao, người ta còn thấy dấu chân và dấu ngựa của các ngài trên nhiều hòn đá.

Xứ ấy tu theo Phật pháp rất thâm mật, vẫn có danh là chỗ đạo pháp thịnh hành từ xưa. Khi Ngài Huyền Trang ghé qua, tình hình nhà Phật vẫn còn hưng thịnh, với một trăm cảnh chùa và năm ngàn vị tăng. Ngài có đến viếng ba đỉnh tháp xây hồi đời vua A-dục. Người ta còn truyền tụng câu chuyện một vị La-hán tên Mát-gian-tích-ca giúp cho xứ sở khỏi bão lụt và hàng phục mấy con rồng yêu muốn hại dân lành.

Vua Khắc-thập-mễ-nhĩ nghe có cao tăng nhà Đường đến, bèn đón rước với lễ nghi rất trang trọng. Dọc theo lề đường đều có cờ và lọng. Trên đường rải đầy hoa thơm. Vua thân hành đi rước Ngài , làm lễ dâng hoa trước đầu ngựa và thỉnh Ngài cưỡi lên lưng một thớt tượng to lớn mà vào đền. Ngài đi trước, vua ngự theo sau. Qua ngày kế, sau khi đãi tiệc chay, vua thỉnh Ngài thuyết pháp.

Ngài Huyền Trang ở đó, chẳng những được người trọng đãi, lại còn được xem nhiều kinh điển quan trọng. Nhất là được có dịp học hỏi đạo lý với một vị cao tăng Đại thừa là ngài Tăng-xứng ở tinh xá Già-da-nhân-đà-la. Ngài thừa nhận rằng vị này là một bậc tài đức, tuy tuổi đã bảy mươi mà vẫn còn minh mẫn và thâm giải đạo lý cao siêu. Hai người được biết nhau đều lấy làm kính trọng lẫn nhau. Tuy Ngài Huyền Trang tự nhận mình còn kém về kiến giải, nhưng vị cao tăng này nói quyết rằng rồi đây Ngài sẽ còn tiến bộ hơn nhiều, có thể nối truyền đạo pháp của hai vị tổ Vô Trước và Thế Thân. Lời nhận xét khen ngợi này khiến cho một số ít đệ tử của vị này đem lòng ghen tị với Ngài Huyền Trang. Họ tìm những chỗ khó khăn, gút mắt nhất trong kinh luận mà hạch hỏi, chất vấn Ngài. Tuy nhiên, Ngài vẫn vô tư đối đáp theo chỗ sở học của mình, làm cho tất cả đều dần dần trở nên kính phục.

Ngài Huyền Trang rất kính phục pháp sư Tăng-xứng, về sau Ngài có kể lại rằng: Ấy là một bậc đạo cao đức trọng lắm. Ngài giữ gìn giới hạnh rất nghiêm, lại có trí huệ sâu xa và việc thấy biết học hỏi đều hoàn toàn. Tài đức và tánh trí của người hẳn là Phật giáng thế, còn lòng bác ái thì mênh mông và lúc nào cũng chuộng kẻ hiền nhân hiếu học.

Huyền Trang xin tham học với ngài Tăng-xứng suốt trong thời gian sau đó. Ngài học hỏi rất chuyên cần. Buổi sáng Ngài học Câu-xá luận, buổi chiều học bộ A-tỳ-đạt-ma luận. Buổi tối Ngài lại học bộ Nhân minh luận. Việc học tập của Ngài vừa chuyên cần lại vừa minh mẫn. Ngài tiếp thu rất nhanh, đến nỗi ngài Tăng-xứng phải ngạc nhiên và khen ngợi hết lời.

Trong thời gian ấy, nhà vua lại tuyển ra hai mươi vị quan văn để phụ giúp Ngài trong việc sao chép lại một số các bộ kinh và luận để ngày sau Ngài có thể mang về nước. Nhờ vậy mà mục đích thỉnh kinh và tu học của Ngài xem như đã bắt đầu thành tựu.

Khắc-thập-mễ-nhĩ là một xứ vừa có các vị cao tăng mà lại còn có lưu giữ được nhiều kinh luận của các tổ sư để lại. Vì gần đó chính là thành Tra-lan-đức-cáp là chỗ ngày trước vua Ca-nít-ca lập đại hội, thỉnh vị Tổ thứ 10 là Hiếp Tôn giả với 500 vị La-hán nhóm đại hội mà kết tập kinh luận.

Ngài Huyền Trang lưu lại Khắc-thập-mễ-nhĩ hơn hai năm, từ tháng 3 năm 631 cho đến tháng 4 năm 633. Sau đó, Ngài mới từ giã nơi đây mà lần xuống miền đồng bằng sông Hằng, lần theo dấu chân xưa của Phật. Từ xưa nay, sông Hằng vẫn là trung tâm của các nguồn tư tưởng ở Ấn Độ. Các nhà tư tưởng lớn đều sanh ra và thành danh ở đó. Theo tín ngưỡng dân gian, sông Hằng còn được xem là một dòng sông linh thiêng, người bản xứ thường đến đó tắm rửa và tin rằng sẽ được nhẹ bệnh, sạch mọi tội lỗi và có thể cầu được mọi điều hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2024(Xem: 581)
Xuất xứ. Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm là tuyển tập 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Mỗi danh hiệu tán dương một bản nguyện, hạnh tu, công đức, pháp môn, ứng thân, phương tiện, lời dạy, cảm ứng, xưng tán, hoặc oai lực của Bồ Tát, viết thành một câu khá dài. Hơn một nửa danh hiệu trích dẫn từ Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, còn lại dẫn từ nhiều Kinh khác. Do dẫn nhiều bản Kinh theo thứ tự trước sau nên có những câu tương tự, trong đó 2 câu “Thiên nhãn Chiếu kiến” và “Thiên thủ Hộ trì” lập lại 2 lần (câu 76-77).
20/10/2024(Xem: 848)
Phải chăng trong thời đại công nghệ và tri thức phát triển? Niềm tin mạnh mẽ vào Bồ tát Quán Thế Âm Vẫn đặc biệt giữ được một giá trị tinh thần Nhưng đòi hỏi thêm hơn một cái nhìn thực tế và sâu sắc! Hãy luôn kiên nhẫn và lòng từ bi, dù cuộc sống có phức tạp hay thách thức !
02/09/2024(Xem: 2171)
Mời người về đây tu viện Quảng Đức Xứ Úc hiền hòa Thầy đã dựng xây Mái ấm tâm linh, chở che người con xa xứ Bao bàn tay Phật tử cùng chung xây dựng Quảng Đức, trái tim người bất diệt!
02/09/2024(Xem: 1192)
Có một câu danh ngôn nổi tiếng của John Milton trong tác phẩm *Paradise Lost* (Thiên Đường Đã Mất) nói về khái niệm thiên đường và địa ngục trong tâm trí con người: “The mind is its own place, and in itself can make a heaven of hell, a hell of heaven."* Tạm dịch:”Tâm trí là nơi của chính nó, và tự nó có thể biến thiên đường thành địa ngục, địa ngục thành thiên đường."* Câu này nhấn mạnh rằng chính tâm trí con người quyết định việc chúng ta sống trong hạnh phúc hay khổ đau, thiên đường hay địa ngục.
31/07/2024(Xem: 1985)
Quán Âm Bồ Tát Nhĩ căn viên thông Đại từ đại bi Diệu âm tự tánh
24/07/2024(Xem: 802)
Nam Mô Bồ Tát Quan Âm Chứng tri tứ chúng đồng tâm kính thành An vị Bồ Tát duyên lành Hương hoa bánh trái tịnh thanh cúng dường Kính mong Bồ tát tưởng thương Độ cho nhân loại bớt vương khổ nàn Lời kinh khấn nguyện vang vang Mười hai đại nguyện Quan Âm độ đời
24/07/2024(Xem: 1433)
Cách đây hơn 2 tuần vào đầu tháng 6 âm lịch, dù chỉ được chứng kiến lễ an vị tôn tượng đài Bồ Tát Quan Âm Lộ Thiên (cao 5 mét, chất liệu đá hoa cương nguyên khối)trong khuôn viên của Tu Viện Quảng Đức qua livestream và sau đó là hình ảnh được post lên và trong dịp này con được nghe TT Hoá Chủ Thích Nguyên Tạng giới thiệu 2 vị Phật Tử thuần thành cư trú tại Mỹ, cũng đang hiện diện trong buổi lễ trang trọng này và được biết quý Phật tử Huệ Đức và Thiện Trí đã phát tâm cúng dường tôn tượng Quan thế Âm Lộ ThIên đến TV Quảng Đức qua sự giới thiệu và khuyến khích của Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân bào muội của HT Viện chủ .
20/04/2024(Xem: 3779)
Bồ Tát Quán Thế Âm Nghe tiếng kêu thống khổ Nhân loại đang lầm than Trong sầu đau phiền não. Thị hiện để cứu người Tùy căn duyên độ đời Không phân biệt phú quý Hay tay lấm chân bùn.
29/03/2024(Xem: 2057)
Cung kính dâng lời Khải bạch đến Bồ Tát Đẳng Giác (1) Khắp mười phương pháp giới có năng lực hiện thân Hàng phục tất cả ác thế gian bằng các việc khó làm Tuy mênh mông bát ngát, quy tụ vào thập quảng đại nguyện! (2)
14/03/2024(Xem: 8603)
Các vị La Hán chùa Tây Phương Tôi đến thăm về lòng vấn vương. Há chẳng phải đây là xứ Phật, Mà sao ai nấy mặt đau thương? Đây vị xương trần chân với tay Có chi thiêu đốt tấm thân gầy Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt Tự bấy ngồi y cho đến nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]