Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tara - Đấng giải thoát chúng sinh

11/12/201215:44(Xem: 5900)
Tara - Đấng giải thoát chúng sinh

TARA – ĐẤNG GIẢI THOÁT CHÚNG SINH

Lama Zopa Rinpoche - Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Từ hai giáo lý được giảng vào Tháng Năm 1987 tại Tu viện Kopan và Viện Himalayan Yogic, Nepal. Nhà Xuất bản Wisdom xuất bản lần đầu tiên năm 1993 như một Bản Ghi chép Trí tuệ.

Ý nghĩa tối hậu của cuộc đờitara-danggiaithoatchungsinh

Trước hết tôi chân thành cảm ơn mọi người đã tới tham dự khóa thiền định này. Tôi vô cùng hoan hỉ vì các bạn muốn làm cho đời mình lợi lạc cho chúng sinh bằng cách phát triển tâm thức các bạn, vì các bạn quan tâm tới hạnh phúc của người khác. Tôi chân thành cảm ơn tất cả các bạn.

Bạn không tham dự những khóa thiền định và thực hành tâm linh để có mộtthân thể khỏe mạnh, và thậm chí không phải để được an bình nhất thời trong tâm thức. Bạn thực hành tâm linh để có sự an bình vĩnh cửu, với sựgiải thoát tối hậu khỏi những phiền não hay những tư tưởng náo động. Vào lúc này bạn đã có một thân người quý báu. Ngay cả việc sử dụng thân người này để đạt được hạnh phúc tối hậu của sự giải thoát vĩnh cửu khỏi mọi vấn đề và những nguyên nhân của chúng – những tư tưởng náo động và kết quả của hành động, hay nghiệp – vẫn không phải là mục đích tối hậu của việc bạn có thân người quý báu này. Mục đích thực sự của việc mang thân người quý báu vào lúc này là để tránh làm tổn hại chúng sinh; và trên nền tảng của điều đó, làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, mỗi chúng sinh trong đó đều mong muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. (Hình bên:Đức Tara Xanh)

Khi ở tận đáy lòng, bạn đã có thái độ thuần tịnh là không muốn làm hại chúng sinh, khi ấy bạn hành động để làm lợi ích cho họ mà không có sự phân biệt. Bạn không thừa nhận một vài người, chẳng hạn như những người thân và bạn hữu, là thân thiết và giúp đỡ họ, nhưng lại coi những người khác là kẻ thù và không giúp đỡ họ - hay thậm chí còn làm hại họ. Hơn là những tư tưởng phân biệt này, bạn có một tháiđộ thuần tịnh của lòng từ ái, nghĩ tới việc làm lợi lạc tất cả chúng sinh bao la như không gian vô hạn. Với thái độ từ ái và bi mẫn này đối với tất cả chúng sinh, bạn cũng nên hành động để làm lợi lạc cho họ một cách bình đẳng. Đây là mục đích chính của việc chúng ta mang thân người quý báu này. Đây là ý nghĩa tối hậu của cuộc đời.

Hạnh phúc Vĩnh cửu

Bạn nên sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, để thành tựu mục đích tối hậunày. Đây là lý do tại sao bạn nỗ lực để được khỏe mạnh và trường thọ. Mục đích của mọi việc bạn làm – ngủ, thức dậy, mặc quần áo, ăn uống, đi đứng, nằm ngồi, chữa bệnh – là để phát triển thiện tâm đối với mỗi chúngsinh, và để hành động mang lại lợi ích đồng đều cho họ. Những sinh loàikhác hoàn toàn giống bạn trong việc mong muốn ngay cả sự an nhàn nhỏ bénhất và không muốn chút ưu phiền nào, ngay cả trong giấc mơ. Họ hoàn toàn giống như bạn.

Cũng như bạn muốn tiệt trừ mọi nỗi khổ của bạn và đạt được hạnh phúc, mỗi sinh loài khác cũng vậy. Họ hoàn toàngiống như bạn. Vì thế, bạn cần tiệt trừ nỗi khổ của họ và giúp họ đạt được hạnh phúc.

Và một lần nữa, cũng như bạn, những sinh loài khác mong muốn hạnh phúc vĩ đại nhất, vĩnh cửu nhất. Khi bạn đi muasắm, bạn cố gắng mua được món hàng có chất lượng tốt nhất, những món hàng bền nhất mà bạn có thể. Giống như thế, mỗi chúng sinh ước muốn có được hạnh phúc vĩ đại nhất, vững bền nhất – và hạnh phúc đó có nghĩa là sự đại giải thoát. Đại giải thoát có nghĩa là giải trừ hai che chướng: che chướng của những tư tưởng náo động thô nặng và những che chướng của các dấu vết vi tế trong tâm. Khi sự ngừng dứt những che chướng này được thiết lập trên tâm thức thì đây là hạnh phúc thuần tịnh nhất của sự toàngiác.

Vì sao hạnh phúc của sự toàn giác thì vĩnh cửu? Đó làbởi một khi những che chướng, nguyên nhân của đau khổ, đã được hoàn toàn giải trừ thì đau khổ không thể tái diễn và hạnh phúc không thể bị hủy hoại. Bởi nguyên nhân của đau khổ đã bị tiệt trừ nên đau khổ không thể quay đầu trở lại.

Để ví dụ, vì sao hiện nay tâm thức chúng ta bị những tư tưởng náo động như tham, sân và si sai khiến? Tâm chúng ta bị những độc chất này ngăn che là bởi chúng là sự tiếp tục của những phiền não trong tâm, hay những tư tưởng náo động, đã hiện hữu ngàyhôm qua. Bởi chúng ta không tẩy trừ những tư tưởng náo động của ngày hôm qua nên sự tiếp tục của những tư tưởng này – những tư tưởng náo độngcủa ngày hôm nay – đã phát khởi.

Đời trước của chúng ta cũng tương tự như thế: Nếu trong đời trước chúng ta đã hoàn toàn giải trừ những tư tưởng náo động bằng cách thực hiện biện pháp chữa trị của con đường trong tâm ta, thì trong đời này chúng ta không thể bị sinh ra với những phiền não này trong tâm. Không thể có sự tiến hóa như thế nếu chúng ta đã ngừng dứt sự tiếp tục của những tư tưởng náo động. Không có gì gây ra những tư tưởng náo động trong đời này thì sẽ không có những tưtưởng náo động – và không có bất hạnh hay những vấn đề trong đời này.

Chẳng hạn như nếu một miếng vải bị dơ trong nhiều ngày và hôm qua đã được giặt sạch thì không có sự tiếp tục của bụi bẩn ngày hôm qua. Cũng thế, một khi những che chướng của tư tưởng náo động hoàn toàn được giải trừ thì chúng không thể lại phát sinh bởi không có nguyên nhân, và khôngthể xảy ra việc kinh nghiệm đau khổ một lần nữa. Đây là hạnh phúc vĩnh cửu của giải thoát. Như tôi đã đề cập ở trên, mục đích tối hậu của việc có được thân người quý báu này là để giải thoát tất cả các sinh loài khỏi các che chướng, hay những dấu vết trong tâm, và dẫn dắt họ tới giảithoát vĩ đại nhất của sự toàn giác, là hạnh phúc vĩnh cửu, vô song.

Phát triển tâm

Bây giờ, để thành tựu công trình vĩ đại này cho chúng sinh, bạn phải phát triển tâm bạn bằng cách nỗ lực lắng nghe, quán chiếu và thiền định về các giáo lý. Và để bạn có thể dẫn dắt chúng sinh tới hạnh phúc vô song này của sự toàn giác, họ phải đi theo con đường. Vì thế, để dẫn dắtchúng sinh trong con đường dẫn tới sự toàn giác, bạn phải biểu thị các giáo lý cho họ. Để biểu thị các giáo lý, phương tiện dẫn dắt chúng sinh trong con đường đi tới sự toàn giác, bản thân bạn phải thật thấu suốt, không chút sai lầm, mức độ của tâm, những đặc điểm và nghiệp của mỗi mộtchúng sinh. Bởi chúng sinh có những mức độ và đặc điểm tâm thức khác nhau nên các phương pháp mà bạn biểu thị cho họ cũng phải có những loại khác nhau. Một lần nữa bạn phải nhận thức thật rõ ràng, không chút sai lầm, tất cả những phương tiện để dẫn dắt chúng sinh.

Tâm duynhất có thể nhận ra tất cả những điều này một cách viên mãn là tâm toàntrí. Vì thế, để thành tựu công trình vĩ đại này cho chúng sinh, lợi íchtối hậu này của sự giải thoát, là điều chúng sinh cần và thiếu, bản thân bạn cần có tâm toàn trí.

Chẳng hạn như một vị thầy – dùở trong một trường học, Đại học hay Tu viện – giảng dạy những đề tài khác nhau cho những lớp học khác nhau để dạy học viên kiến thức khoa học, toán học, kỹ sư, sinh học, y học, tâm lý học hay bất kỳ môn gì. Mọingười thường chấp nhận rằng một học sinh càng có giáo dục thì càng dễ tìm việc làm, kiếm sống và có một đời sống dễ chịu. Mục đích tổng quát của giáo dục là để có một cuộc sống dễ chịu hơn. Và để giáo dục người khác, bản thân vị thầy phải được giáo dục và am hiểu mọi vấn đề mà ông giảng dạy. Bạn càng ít hiểu biết – hay càng nhiều vô minh – thì khả nănggiáo dục và giúp đỡ người khác của bạn càng bị giới hạn. Bạn càng hiểu biết thì bạn càng có thể đáp ứng những ước muốn của người khác.

Nếu bạn bị mù, bạn không thể dẫn dắt người khác tới nơi họ muốn. Nếu bạn không có tay thì bạn không thể cứu giúp mẹ của bạn đang gặp nguy hiểm vì bị rơi xuống một vách núi, hay bị một con sông cuốn trôi và bị chết đuối. Giống như thế, để hướng dẫn chúng sinh một cách hoàn hảo tới hạnh phúc vô song của sự toàn giác, trước hết bạn nên có tâm toàn trí.

Bởi có tâm toàn trí, bạn cũng có năng lực toàn hảo và lòng đại bi đối với mọi chúng sinh. Nhờ có lòng đại bi không phân biệt này, bạn sẽ khôngbị lâm vào tình cảnh là cứu giúp người này mà không giúp đỡ người khác.Hành động của bạn không có sự phân biệt. Và với tâm toàn trí, bạn sẽ cónăng lực khám phá mọi phương tiện thiện xảo để hướng dẫn chúng sinh.

Phát triển lòng bi mẫn

Làm thế nào để có thể phát triển lòng bi mẫn? Làm thế nào để sự tương tục tâm thức này trở thành tâm toàn trí? Thậm chí bạn có thể hình dung điều này nhờ ví dụ đơn giản này: Khi bạn học thuộc lòng điều gì, vào lúcđầu tâm bạn hoàn toàn không biết gì hết. Ngay lúc bắt đầu, thậm chí bạnkhông biết mẫu tự abc; nhưng với sự giúp đỡ của một thầy giáo và nhờ nỗlực, dần dần bạn bắt đầu học tập. Khi bạn tiếp tục, bạn học càng ngày càng nhiều hơn. Tâm có bản tánh là có thể phát triển sự hiểu biết. Tâm có khả năng hiểu biết những hiện tượng thô sơ và ngay cả những điều vi tế nếu bạn cố gắng làm việc này một cách đúng đắn.

Giờ đây bạn có lòng bi mẫn đối với một vài chúng sinh, mặc dù bạn không hoàn toàn phát triển lòng bi mẫn, có nghĩa là lòng bi đối với mọi sinh loài. Tuy nhiên, bạn có thể phát triển lòng bi nhỏ bé hiện có đối với những chúng sinh này để lòng bi ấy trở nên mỗi lúc một to lớn hơn. Bạn có thể phát triển lòng bi đối với những chúng sinh này. Bằng cách thấu hiểu cácgiáo lý và thực hành thiền định, bạn cũng có thể phát triển lòng bi đốivới chúng sinh mà hiện nay bạn không cảm thấy bi mẫn. Theo cách này lòng bi có thể phát triển.

Với lòng bi mẫn bạn có đối với người khác, với sự hiểu biết trong hiện tại về những ước muốn của họ và các phương pháp để đáp ứng những ước muốn đó, bạn có một vài khả năng đểgiúp đỡ chúng sinh. Thậm chí vào lúc này, với thân người này, với sự hiểu biết và lòng bi bạn đã có, bạn có một vài năng lực để giúp đỡ nhữngngười khác. Bởi sự hiểu biết của bạn về tất cả chúng sinh và bởi lòng bi đối với họ phát triển nhờ thực hiện phương cách chữa trị của con đường trong tâm bạn, dần dần những che chướng của bạn mỗi lúc một ít đi,và càng lúc bạn càng hiểu biết hơn. Khi tiến trình này hoàn tất, bạn sẽcó năng lực toàn hảo và viên mãn để hướng dẫn chúng sinh.

Phát triển tâm toàn trí

Làm thế nào để có thể tách rời tâm thức khỏi những phiền não? Trong đờisống hàng ngày của bạn, bạn có thể nhận ra rằng cho dù vào buổi sáng tâm bạn tràn ngập sân hận, sự sân hận này không kéo dài; tâm bạn không bị sân hận áp đảo liên tục. Buổi sáng bạn có thể giận dữ với người nào đó, nhưng vào buổi chiều thì sự giận dữ không còn nữa – thay vào đó bạn có thể bám luyến hay dửng dưng đối với người đó.

Thậm chí bạn không thiền định thì những tư tưởng náo động cũng phát khởi và chuyển hóa. Điều này chứng tỏ bản tánh của tâm không đồng nhất với tham,sân, si, kiêu ngạo hay ganh tị. Tâm bị những độc chất này tạm thời ngănche, nhưng tự nó không đồng nhất với các độc chất ấy. Nếu tự thân tâm thức đồng nhất với sân hận thì nó phải có tính chất của sân hận một cáchtự nhiên và liên tục. Hoặc tâm có tính chất của tham luyến một cách tự nhiên và liên tục. Như thế, đối với một đối tượng, sân hận và tham luyếnphát khởi đồng thời.

Nếu một tấm gương hoàn toàn đồng nhất với bụi bám trên đó thì bụi không thể bị lau sạch – điều này giống như lau bụi cho sạch bụi. Bởi gương không đồng nhất mà chỉ bị bụi che phủ nhất thời nên bạn có thể lau sạch gương bằng nước và một mảnh vải. Càng lau sạch bụi thì phản chiếu của gương càng trong sáng hơn. Tương tự như thế, khi bạn lắng nghe, quán chiếu và thiền định về con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ, khi bạn phát triển thêm nữa những nhận thức về con đường này, trước tiên những che chướng của bạn dần dần càng lúc càng yếuđi, và sau đó hoàn toàn bị giải trừ.

Mahayana, hay Đại thừa, con đường dẫn tới giác ngộ có năm con đường: đó là con đường công đức, chuẩn bị, chánh kiến, thiền định và vô-học. Và con đường Ba la mật có mười cấp độ hay mười bhumi (địa). Những che chướng nào đó được tẩy trừ khi bạn thành tựu cấp độ thứ ba, con đường chánh kiến; và những che chướng lớn hơn nữa được giải trừ khi bạn đạt được con đường thiền định. Khi một Bồ Tát đạt tới địa thứ tám của con đường Ba la mật, che chướng tư tưởng náo động thô sơ hoàn toàn được giải trừ. Nhờ phát triển tâm tớiđịa thứ chín và mười, Bồ Tát tẩy trừ ngay cả những che chướng vi tế, những vết nhơ trong tâm, hay những dấu vết để lại trong tâm do những chechướng của tư tưởng náo động như sự vô minh bám chấp vào cái tôi thì hiện hữu tự khía cạnh riêng của nó.

Trong khi cái tôi chỉ đơn thuần được quy gán cho các uẩn bởi tư tưởng, vô minh bám chấp vào cái tôi như cái gì độc lập, hiện hữu tự khía cạnh riêng của nó. Do bởi những dấu vết để lại trên tâm thức, mọi sự xuất hiện như hiện hữu tự khía cạnh riêng của nó. Tuy nhiên, ngay cả những che chướng vi tế này cũng hoàn toàn bị giải trừ khi tâm được phát triển tới địa thứ chín hay thứ mười. Khi phương thức chữa trị của con đường hoàn toàn ở trong tâm thì ngay cả một vết nhơ mỏng manh nhất cũng không còn. Vào lúc này, sự tương tục của tâm trở thành tâm toàn trí, hoàn toàn thấu suốt tất cả quákhứ, hiện tại và vị lai không chút sai lầm; thấu suốt mọi tâm thức và ước muốn của chúng sinh; và thấu suốt mọi phương tiện khác nhau để hướngdẫn chúng sinh một cách hoàn hảo.

Những chướng ngại cho sự thành công

Để thành tựu điều này, chúng ta phải hoàn tất những chứng ngộ của con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ, hay lam rim. Việc phát triển tâm bạn trong con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ là điều quan trọng nhất và lợi lạc nhất đối với bạn, và đặc biệt là đối với những chúng sinh khác. Tuy nhiên, ngay cả việc thành tựu một vài hạnh phúc nhỏ bé trong đời này cũng gặp nhiều trở ngại. Ngay cả việc tìm một việc làm cũng mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ngay cả trong việc kinh doanh, là công việc nhỏ bé để đạt được hạnh phúc chỉ cho cuộc đời này, cũng có nhiều chướng ngại. Vì thế dĩ nhiên là việc phát triển tâm bạn và thành tựu sự giải thoát vĩnh cửu của tâm toàn trí vì lợi lạc của tất cả chúng sinh phải cónhiều chướng ngại. Do đó tất nhiên là có nhiều chướng ngại trong việc phát triển tâm bạn và thành tựu giải thoát vĩnh cửu của tâm toàn trí vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Có nhiều chướng ngại bên trong do những tư tưởng náo động gây ra: tâm bất mãn; tâm ích kỷ; tâm của những bận tâmthế tục, sự bám níu vào cuộc đời này và những toàn thiện trong sinh tử.

Bận tâm thế tục mang lại rất nhiều vấn đề trong đời này: sợhãi, lo lắng, ngã lòng, thậm chí tự tử. Tâm bám chấp này không cho phépnhững hoạt động hàng ngày của bạn trở thành đức hạnh, nguyên nhân của hạnh phúc. Hơn nữa, khi sự bận tâm thế tục xen vào việc bạn tìm kiếm hạnh phúc trong những đời sau, có nghĩa là nhận một tái sinh tốt lành, thậm chí sự bận tâm thế tục này không để cho bạn có đươc hạnh phúc và anbình trong tâm từ giờ này sang giờ khác trong đời sống hiện tại của bạn.

Cho dù bạn nỗ lực thực hành Pháp, sự bận tâm thế tục không cho phép việc thực hành của bạn trở thành Pháp thuần tịnh. Việc bám níu vào những toàn thiện trong sinh tử cũng khiến cho bạn tái sinh một lần nữa, vì thế bạn liên tục trải nghiệm nỗi khổ của cái chết và kinh nghiệm mọi vấn đề này. Nó không cho phép bạn thành tựu giải thoát vĩnh cửu khỏi đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ.

Nói chung, sự vô minh tin rằng cái ta, là cái chỉ đơn thuần được tư tưởng quy gán cho các uẩn, hiện hữu từ khía cạnh riêng của nó, là nguyên nhân chính của đau khổ. Vô minh này là cội gốc của mọi đau khổ. Nhưng cũng cótâm thức ích kỷ không cho phép bạn có chút bình an trong tâm. Chừng nàobạn còn liên tục theo đuổi thái độ ích kỷ, bạn sẽ không có bất kỳ sự buông xả nào, hạnh phúc nào. Ngoài việc làm hại bạn, thái độ ích kỷ liêntục mang tai họa đến cho tất cả chúng sinh khác – từ ngày này sang ngàykhác, tháng ngày sang tháng khác, năm này sang năm khác, và đời này sang đời khác. Nó không cho phép những hoạt động của đời sống hàng ngày của bạn trở thành nguyên nhân khiến bạn thành tựu sự toàn giác, tâm toàntrí, vì chúng sinh. Tương tự như thế, sự tham luyến bám chấp vào những toàn thiện trong sinh tử không cho phép những hành động hàng ngày của bạn trở thành nguyên nhân của giải thoát.

Cái nhìn đầy ảo tưởng tin rằng có một cái ta độc lập, mặc dù đó là một lẽ duyên sinh, không cho phép bạn nhận ra bản tánh tuyệt đối của cái tôi. Chừng nào bạncòn bám chấp vào cái tôi như hiện hữu thực sự, bạn không thể nào nhận ra bản tánh tuyệt đối của cái tôi. Theo cách này, bạn không có cách nào thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi sinh tử. Việc theo đuổi vô minh bằng cáchnày không cho phép những hành động trong đời sống hàng ngày của bạn trởthành một phương cách chữa trị cho sinh tử, cho nguyên nhân của đau khổvà mọi vấn đề về hậu quả.

Nương tựa Đức Tara

Có rất nhiều chướng ngại bên trong đối với việc phát triển tâm thức củabạn, và những chướng ngại bên trong này tạo ra nhiều chướng ngại bên ngoài. Vì thế, để bạn có thể thành công trong việc thực hành Pháp và thểnhập con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ, bạn phải nương tựa vào một BổnTôn đặc biệt hay một vị Phật, chẳng hạn như Đức Tara. Mọi công hạnh củachư Phật đã hiển lộ trong Đức Tara, Đấng Giải Thoát chúng sinh - phươngdiện nữ của chư Phật – để giúp chúng sinh hoàn thành mỹ mãn hạnh phúc nhất thời và tối hậu.

Nhiều yogi Ấn Độ đã nương tựa Đức Tara. Nhờ nương tựa Đức Tara, họ đã hoàn tất con đường và thực hiện những tác phẩm vĩ đại cho việc giảng dạy và cho chúng sinh, dẫn dắt vô số chúng sinh trong con đường dẫn tới hạnh phúc nhất thời và tối hậu. Chẳng hạn như đại học giả Lạt ma Atisha, người đã hoàn tất toàn bộ con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ, đã nương tựa Đức Tara.

Lạt ma Atisha được Yeshe O, vị vua Pháp của Tây Tạng thỉnh mời để thiết lập lại và truyền bá Phật Pháp ở Tây Tạng. Lạt ma Atisha cũng biên soạn Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ,(1) là tác phẩm đã lập ra thuật ngữ con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ. Nhờ lắng nghe, quán chiếu và thiền định về Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ, rất nhiều người đã đạt được giác ngộ.

Ngoài việc làm lợi lạc cho những hành giả Tây Tạng đang thực nghiệm và thành tựu con đường dẫn tới giác ngộ, ngày nay, thậm chí bản văn của Lạtma Atisha cũng mang lại lợi ích rộng rãi ở Tây phương. Ánh sáng của giáo lý lam rim này đã xua tan rất nhiều vô minh, ngay cả trong tâm thứccủa nhiều ngàn người đang sống ở Tây phương. Bởi Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ hợp nhất mọi giáo lý của Đức Phật thành một thực hành tuần tự mà nhờ đó ai cũng có thể đạt được giác ngộ và nhiều hành giả đã có thể sử dụng nó để tu hành tâm thức trong con đường dẫn tới giác ngộ.

Mặc dù Lạt ma Atisha đã thị tịch rất lâu ở Tây Tạng, ngài vẫn làm lợi lạc chúng ta bằng cách cho ta cơ hội để hiểu biết những giáo lý của con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ. Việc thấu hiểu và thực hành con đường này mang lại cho bạn lòng tin và nhiều hạnh phúc. Nhờ hiểu biết nguyên nhân của hạnh phúc, bạn có cơ hội để đạt được bất kỳ hạnh phúc nào bạn ước muốn. Đây là những công hạnh của Lạt ma Atisha làm lợi lạc tất cả chúng sinh.

Lạt ma Atisha có thể hiến tặng những lợi lạc baola này cho chúng sinh và các giáo lý nhờ tin tưởng vào Đức Tara. Trong suốt cuộc đời của Lạt ma Atisha, Đức Tara luôn luôn cho ngài những lời chỉ dạy. Khi Lạt ma Atisha phải quyết định về việc thực hiện những công trình cho chúng sinh – chẳng hạn như du hành sang Tây Tạng - ngài luôn luôn cầu xin Đức Tara, và sau đó làm theo những chỉ dẫn của Tara. Giống như thế, thời nay ngay cả những yogi Tây Tạng đang thể nhập con đường tuần tự dẫn tới giác ngộ, đạt được thành công to lớn trong việc phát triển tâm thức của họ, cũng nương tựa vào Đức Tara.

Những lợi ích của thực hành Tara

Đức Tara nhanh chóng giúp bạn thành công trong việc đạt được hạnh phúc tối hậu của giác ngộ. Bạn nhận lãnh rất nhiều công đức tốt lành, hay nguyên nhân của hạnh phúc; nó ngăn cản một tái sinh đau khổ trong đời sau của bạn; bạn nhận nhập môn từ hàng triệu vị Phật; và bạn thành tựu giác ngộ. Tuy nhiên, bên cạnh những điều này, thực hành Tara có nhiều lợi lạc khác. Việc trì tụng lời cầu nguyện Hai mươi mốt Đức Tara (2) vớilòng sùng mộ vào lúc bình minh hay chạng vạng tối – hay tưởng nhớ Đức Tara, hát tụng những bài nguyện và tụng các thần chú bất kỳ lúc nào vào ban ngày hay đêm – che chở bạn khỏi nỗi sợ và những hiểm nguy, và đáp ứng mọi ước nguyện của bạn. Nếu bạn cầu nguyện Đức Tara, Ngài sẽ đặc biệt cứu giúp bạn thật nhanh chóng.

Cũng có nhiều lợi lạc nhất thời nhờ thực hành Tara, hoặc bằng cách trì tụng thần chú Tara hay lời cầu nguyện Hai mươi mốt Đức Tara. Đức Tara có thể giải quyết nhiều vấn đề trong đời bạn: cứu bạn khỏi bị chết sớm; giúp bạn khỏi bệnh; khiến bạn thành công trong việc kinh doanh; giúp bạn tìm được việc làm; làm bạn giàu có. Khi bạn có một vấn đề thực sự nghiêm trọng, chẳng hạn như một chứng bệnh đe dọa sinh mạng, nếu bạn nương tựa Đức Tara, thì rấtthường là bạn sẽ được gỡ ra khỏi vấn đề đó; bạn sẽ khỏi chứng bệnh đó. Nếu bạn ăn phải chất độc, nếu bạn nương tựa Đức Tara, chất độc sẽ không làm tổn hại bạn. Nhờ thực hành các lời cầu nguyện và thần chú của Đức Tara, những cặp vợ chồng khó có con sẽ có thể có một đứa con – trai hay gái như họ mong muốn. Đây là những kinh nghiệm hết sức thông thường. Nhờcác thực hành Tara, bạn có thể có được mọi hạnh phúc của đời này mà bạnước muốn.

Nếu bạn tụng lời cầu nguyện Hai mươi mốt Đức Taramỗi buổi tối một lần thì không thể xảy ra việc bạn bị chết đói – tôi cóthể bảo đảm điều này! Đó cũng là một kinh nghiệm hết sức thông thường đối với các cư sĩ, tăng và ni khó khăn về tài chánh và gặp những vấn đề như thế đã được cứu thoát nhờ thực hành Tara. Trong kinh nghiệm riêng của tôi, tôi đã từng thấy nhiều trường hợp những người đã trì tụng và nương tựa Đức Tara và được cứu thoát khỏi nguy cơ chết sớm vì bệnh tật mà không cần dùng thuốc.

Ý nghĩa của TARE

Thần chú Tara là OM TARE TUTTARE TURE SOHA. Để giải thích ý nghĩa của TARE TUTTARE TURE: TARE có nghĩa là giải thoát khỏi samsara (sinh tử). Từ Samsara này có nghĩa là những uẩn: sắc uẩn, hay thân thể vật lý; thọ uẩn; tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn. Những uẩn này mà cái tôi được quygán, được tạo nên bởi những chủng tử ô nhiễm của nghiệp và những tư tưởng náo động (tư tưởng rối loạn). Dưới sự sai khiến của nghiệp và những tư tưởng náo động, thức uẩn trong đời trước xoay tròn tới đời này.Bởi những uẩn này bị ô nhiễm do chủng tử nghiệp và những tư tưởng náo động, trong việc gặp gỡ những đối tượng ưa thích và không đáng ưa, nhữngtư tưởng náo động khác nhau như tham và sân xuất hiện. Khi chủng tử củanhững tư tưởng náo động hiện diện, một lần nữa bạn tạo nghiệp. Nghiệp và những tư tưởng náo động lại tạo nên thức uẩn để xoay vòng, hay kết hợp với các uẩn trong đời sau.

Mặc dù thân thể thô nặng này không tiếp tục sang đời sau, nhưng thức uẩn thì đi tiếp tới đời sau. Từ đời này sang đời khác, nó liên tục xoay tròn (luân hồi). Từ đời này sangđời sau, từ đời trước tới đời hiện tại, thức uẩn xoay tròn. Nó kết hợp với những uẩn này trong hiện tại, sau đó hợp nhất với những uẩn trong đời sau. Đây là lý do tại sao những uẩn này được gọi là samsara (sinh tử), hay hiện hữu luân hồi.

Vì thế, TARE cho thấy Mẹ Tara giải thoát chúng sinh khỏi sinh tử, khỏi nỗi khổ thực sự, hay thoát khỏinhững vấn đề. Bạn có thể liên kết điều này với những nỗi khổ đặc biệt của nhân loại: sinh, lão, bệnh và tử; gặp những đối tượng không ưa thíchvà kinh nghiệm sự thù ghét; không tìm được những đối tượng ưa thích haytìm được chúng nhưng không hài lòng. Cho dù bạn vui hưởng bao nhiêu lạcthú chăng nữa thì cũng không có sự mãn nguyện. Cho dù bạn theo đuổi dụcvọng tới đâu chăng nữa thì bạn cũng chẳng mãn nguyện chút nào.

Cũng thế, chẳng có gì là chắc chắn trong sinh tử. Bạn phải liên tục lìabỏ thân xác, và liên tục nhận thân thể khác. Cũng giống như thế, bạn liên tục kinh nghiệm nỗi khổ của việc kết hợp với một thân thể khác.

Bà mẹ trong đời hiện tại của bạn đến từ mẹ của bà, tức bà của bạn; bà của bạn đến từ bà mẹ khác; và bà mẹ đó đến từ bà mẹ khác. Cha của bạn thì cũng thế. Bạn có thể thấy thân thể mà bạn đang có này là một tập hợpcủa tất cả tinh dịch và máu huyết đã tiếp tục từ cha mẹ cho tới con cáitrong vô số thế hệ không thể tưởng tượng nổi từ khi trái đất này tiến hóa, từ khi nhân loại bắt đầu. Tập hợp của tinh dịch này đi tới bạn qua cha bạn, ông của bạn, ông cố của bạn, và v.v.. Máu huyết thì cũng thế, nó đến với bạn qua mẹ bạn, bà của bạn, và v.v.. Bởi thân thể mà bạn hiệncó này là một tiếp nối của toàn bộ tinh dịch và máu huyết từ tất cả những chúng sinh này, do đó không có chút thực chất nào để bám chấp, không có lý do gì để dính mắc vào thân thể này, vào sinh tử này. Chất thừa thãi từ mọi nhà vệ sinh trong một thành phố lớn đều tập trung vào một ống cống lớn – thân thể chúng ta cũng giống như ống cống lớn này.

Bởi liên tục kết hợp với thân xác như thế, bạn liên tục kinh nghiệm những vấn đề. Nếu bạn ở địa vị cao, bạn rơi xuống địa vị thấp. Điều này liên tục xảy ra. Khi bạn sinh ra, bạn sinh ra một mình không có ai làm bạn đồng hành; khi bạn chết, bạn cũng chết một mình. Ngay cả thân thể này cũng không đồng hành với tâm thức; tâm thức phải đi một mình sang đời sau. Tất cả những điều này là những vấn đề của nỗi khổ thực sự. Nếu bạn nương tựa vào Đức Tara bằng cách quy y Ngài và làm những thực hành Tara – chẳng hạn như trì tụng thần chú hay các bài tán thán – với TARE, Đức Tara sẽ giải thoát bạn khỏi tất cả những đau khổ thực sự này.

Ý nghĩa của TUTTARE

Từ thứ hai, TUTTARE, giải thoát bạn khỏi tám nỗi sợ hãi. Có tám nỗi sợ liên quan tới những nỗi nguy hiểm bên ngoài đến từ lửa, nước, không khí,đất, và cũng từ những việc chẳng hạn như những kẻ trộm cướp và thú vật nguy hiểm. Tuy nhiên, những hiểm nguy chính yếu đến từ tham, sân, si, kiêu ngạo, ganh tỵ, bủn xỉn, nghi ngờ và tà kiến. Tám tư tưởng náo động này mà bạn có trong tâm là những nguy hiểm chính yếu. Nhờ nương tựa Đức Tara và thực hành Tara, bạn được giải thoát khỏi tám nguy hiểm bên trongnày, tám tư tưởng náo động này. Theo cách này, bạn cũng được giải thoátkhỏi những nguy hiểm bên ngoài, bởi những nguy hiểm bên ngoài này đến từ những tư tưởng náo động bên trong.

Từ thứ hai, TUTTARE, giải thoát bạn khỏi tám nỗi sợ, giải thoát bạn khỏi nguyên nhân thực sự của đau khổ: nghiệp và những tư tưởng náo động hoàn toàn-sinh khởi. Hoàn toàn-sinh khởi có nghĩa là những tư tưởng náo động mang lại mọi khổđau. Bằng cách nương tựa Đức Tara và thực hành Tara, bạn được giải thoát khỏi nguyên nhân thực sự của đau khổ: đây là ý nghĩa của TUTARE.

Ý nghĩa của TURE

Từ thứ ba, TURE, giải thoát bạn khỏi bệnh tật. Trong Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), TURE biểu thị sự ngừng dứt của đau khổ (Đạo Đế), là Pháp tối hậu. Về mặt giải thoát khỏi bệnh tật, bệnh tật thực sự mà ta cólà sự vô minh (si) không biết bản tánh tuyệt đối của cái ta, và mọi tư tưởng náo động phát khởi từ sự vô minh này. Đây là những bệnh tật thực sự, trầm trọng mà ta mắc phải. Với sự ngừng dứt tất cả những bệnh tật này của những tư tưởng náo động, mọi đau khổ thực sự, mọi vấn đề là hậu quả, cũng được ngừng dứt. Bởi giải thoát chúng ta khỏi bệnh tật, TURE thực sự giải thoát chúng ta khỏi nguyên nhân thực sự, những tư tưởng náođộng, và cũng giải thoát ta khỏi những đau khổ thực sự.

Làmthế nào chúng ta có thể thành tựu Pháp tối hậu này, sự ngừng dứt thực sự nguyên nhân và kết quả của đau khổ? Điều gì có thể dẫn dắt ta tới trạng thái này, sự ngừng dứt đau khổ, là ý nghĩa của TURE? Bạn thành tựuđiều này bằng cách thực hành con đường chân chính. Như được biểu lộ trong những con đường của Thừa Thấp của các vị Thanh Văn và Độc Giác, vàtrong con đường Đại Thừa, con đường chân chính là trí tuệ trực tiếp nhận thức tánh Không. Đây là Pháp tuyệt đối. Việc thể nhập trí tuệ này trong tâm ta dẫn ta tới trạng thái ngừng dứt đau khổ. Con đường chân chính này được bao hàm trong TUTARE, giải thoát ta khỏi tám nỗi sợ hãi –từ giải thoát gián tiếp biểu thị con đường chân chính. Và như tôi vừa giải thích, từ thứ ba, TURE, giải thoát bạn khỏi bệnh tật thực sự, là những tư tưởng náo động.

Để kết luận, nhờ nương tựa (quy y) Đức Tara, làm các thực hành Tara chẳng hạn như trì tụng thần chú Tara, và thực hành con đường được bao hàm trong thần chú đó, bạn có thể thành tựu trạng thái toàn giác với bốn kaya (thân), là sự ngừng dứt, giải thoát khỏi hai che chướng. Tóm lại, OM TARE TUTTARE TURE SOHA có nghĩa là “Con đảnh lễ Đấng Giải thoát, Mẹ của tất cả các Đấng Chiến Thắng.” Tara là mẹ của tất cả các Đấng Chiến Thắng, hay chư Phật. Tại sao chư Phật được gọi là các Đấng Chiến Thắng? Đó là bởi các Ngài chiến thắng hai che chướng.

Mẹ Tara

Đức Tara được gọi là Mẹ là bởi bà mẹ sinh ra những đứa con. Ý nghĩa thực sự của Tara là trí tuệ siêu việt của đại lạc và tánh Không bất-nhị,là trí tuệ thấu suốt chân lý tuyệt đối và tương đối của mọi sự hiện hữu. Đây là guru (Đạo sư) tuyệt đối, guru đích thực – và chúng ta nên thấu hiểu ý nghĩa đích thực này của guru. Mặc dù chư Phật có những phương diện (diện mạo, hình tướng) khác nhau và những danh hiệu khác nhau, nhưng tất cả chư Phật đều được sinh ra từ trí tuệ siêu việt của đại lạc và tánh Không bất-nhị này, là Pháp thân. Trong thực tế, mỗi vị Phật là hiện thân của guru tuyệt đối này: một hiển lộ trong nhiều; nhiềuhiển lộ trong một. Guru tuyệt đối hiển lộ trong tất cả những phương diện khác nhau này của Phật; tinh túy của tất cả chư Phật là guru tuyệt đối. Ý nghĩa thực sự của guru, guru tuyệt đối, hiển lộ trong diện mạo (hình tướng) bình thường là guru chân lý-tương đối, vị Lạt ma mà từ ngàibạn trực tiếp nhận những giáo lý.

Như Khedrup Sangye Yeshe đã giải thích: “Trước guru, thậm chí danh hiệu ‘Phật’ cũng không có.” Toàn bộ Guru Puja biểu lộ rằng nền tảng là guru, Pháp thân, trí tuệ siêuviệt của đại lạc và tánh Không bất-nhị. Ngay từ lúc khởi đầu, trong khikinh nghiệm đại lạc, chúng ta hiển lộ như guru-deity (Bổn Tôn-Đạo sư). Ngay cả việc tiền-phát triển ruộng công đức cũng xuất phát từ đại lạc vàtánh Không bất khả phân, và từ ruộng công đức này chúng ta nhận lễ nhậpmôn; chúng ta khẩn cầu được ban phước (gia trì) để phát triển những chứng ngộ của con đường tuần tự tới giác ngộ từ lúc bắt đầu cho tới khi chấm dứt; và chúng ta cũng thực hiện bốn loại cúng dường (ngoài, trong, bí mật và tuyệt đối). Chúng ta tu hành tâm thức với những thiền định này, là những gì xuất phát từ đại lạc và tánh Không bất-nhị.

Trước tiên chúng ta gặp guru bên ngoài và riêng rẽ. Sau khi nhận giáo lý, ta lắng nghe, quán chiếu và thiền định về con đường do guru này biểulộ. Trên nền tảng của lòng sùng mộ đúng đắn đối với guru, dần dần chúngta thể nhập phương cách chữa trị của con đường và giải trừ những che chướng của ta. Khi những che chướng của ta hoàn toàn được giải trừ, chúng ta gặp gỡ guru trong tâm thức.

Trên nền tảng thể nhập Ba nguyên lý của Con Đường, chúng ta nhận lãnh bốn nhập môn viên mãn Yoga Tantra Tối thượng, là những nhập môn chắc chắn gieo trồng những chủng tử của bốn thân trong tâm thức chúng ta. Điều này cho phép ta thựchành sự hợp nhất tịnh quang và huyễn thân. Bằng cách dần dần thể nhập con đường này, chúng ta có thể hoàn toàn cắt đứt ngay cả quan điểm nhị nguyên vi tế, ngừng dứt ngay cả những tâm thô nặng của những thị kiến trắng, đỏ và tăm tối, là những thị kiến còn vi tế hơn những tâm thức thônặng vừa đề cập nhưng thô lậu hơn khi so sánh với tâm vi tế của tịnh quang.

Khi bạn thành tựu Pháp thân, trí tuệ siêu việt của đại lạc và tánh Không bất-nhị, bạn đã thành tựu guru (Đạo sư). Bạn đã thành tựu ước muốn được biểu lộ trong lời nguyện hồi hướng thường dùng của chúng ta: “Nhờ tất cả những công đức này cầu mong con nhanh chóng thành tựu sự giác ngộ của Đức Phật-Đạo sư, và dẫn dắt mỗi một chúng sinhtới sự giác ngộ của Đức Phật-Đạo sư.” Trong thực tế, nhờ tu hành tâm thức của bạn trong những thiền định này, phát triển tâm bạn trong con đường, dòng tương tục của tâm bạn trở thành dòng tương tục của guru. Trong tương lai, bạn thực sự trở thành guru mà bạn đã quán tưởng.

Vì thế, tất cả chư Phật đều sinh ra từ guru tuyệt đối, trí tuệ siêu việt của đại lạc và tánh Không bất-nhị, là ý nghĩa thực sự của Mẹ. Trí tuệ siêu việt này, tâm vi tế hoàn toàn thuần tịnh này, hiển lộ trong phương diện (hình tướng, diện mạo) nữ nhân này, là vị được quy gán là “Tara”.

Thường thì trẻ con cảm thấy gần mẹ hơn cha. Khi chúng gặp rắc rối gì, hầu hết trẻ con kêu đòi mẹ chúng. Tôi không hiểu biết về phương Tây, nhưng ở phương Đông thì ngay cả những người trưởng thành, khi bị đau khổ hay gặp những vấn đề nghiêm trọng, họ đều nương tựa mẹ của họ.

Cha tôi chết khi tôi còn nhỏ, và tôi không nhớ chút gì về diện mạo của ông. Người ta nói ông có một bộ râu ở cằm, ông đọc các bản văn rất hay và ít nói. Tất cả những gì tôi có thể nhớ rõràng là chiếc chuba (áo choàng dài) bằng da cừu của cha tôi. Mọi người trong gia đình ngủ dưới chiếc chuba vĩ đại ấy – nó là chiếc mền của chúng tôi. Cả nhà cố gắng để nằm dưới nó. Tôi có thể nhớ điều đó thật rõràng. Tôi được giới thiệu với chiếc chuba của cha tôi – đó là tất cả những gì tôi nhớ.

Vì thế mẹ tôi là người lớn duy nhất trong nhà. Chị tôi, vì lớn hơn một chút, có thể giúp đỡ mẹ tôi chút ít bằng cách đưa súc vật của chúng tôi ra núi và dẫn chúng về nhà. Nếu không, những đứa trẻ khác trong nhà – tất cả có ba đứa, kể cả tôi – thật là vô dụng. Bởi chị tôi phải trông coi súc vật nên một mình mẹ tôi phải cáng đáng mọi công việc khó nhọc.

Một hôm mẹ tôi phải đi vào rừngđể lấy củi. Chúng tôi chờ ở ngoài cửa. Bởi không đứa nào trong chúng tôi có thể nấu nướng, chúng tôi ra ngoài chờ bà về và cho chúng tôi ít thức ăn. Bà từ rừng trở về thật muộn với một gánh củi rất nặng. Sau khi về tới nhà, bà không đốt nổi một ngọn lửa vì bà bị bệnh, rất đau đớn. Lòkhông có lửa và không có thực phẩm. Bà nằm xuống cạnh lò sưởi, kêu gào mẹ của bà: “Ama! Ama!” Lúc đó bà tôi vẫn còn sống, ở khá gần chúng tôi, có lẽ khoảng năm hay mười phút đi bộ.

Ba đứa chúng tôi – tôi, anh Sangye, và một đứa em khác có bím tóc nhỏ sau lưng, và sau này đã chết – không biết phải làm gì. Chúng tôi chỉ ngồi quanh lò sưởi nhìn mẹ tôi. Không có lửa; không ai trong chúng tôi có thể nhóm lửa. Chúng tôi chỉ ngồi và nhìn mẹ.
Cũng giống như thế, bằng cách này hay cách khác, ngay cả những người đã trưởng thành cũng kêu cầu mẹ của họ khi họ đau khổ hay gặp vấn đề thật sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, Đức Tara thì còn gần gũi, thân thiết với chúng ta hơn mẹ của ta.

Ý nghĩa của OM TARE TUTTARE TURE SOHA

Phương diện nữ này, Đức Tara, Mẹ của tất cả các Đấng Chiến Thắng, dẫn dắt bạn và chúng sinh thoát khỏi hiểm nguy của việc bị rơi vào sinh tử hay Niết bàn thấp, và dẫn dắt bạn tới trạng thái viên mãn của sự giác ngộ, là trạng thái được bảo đảm bằng năm trí tuệ siêu việt và bốn thân.

Nghĩa thô của ba từ TARE TUTTARE TURE này là: “Đối trước Ngài, hiện thân những công hạnh của tất cả chư Phật, dù con ở trong hoàn cảnh hạnh phúc hay bất hạnh, con luôn luôn đảnh lễ với thân, ngữ và tâm con.”

Mọi con đường (Thừa Thấp, Đại Thừa, Ba la mật Thừa, Mật Thừa) từ lúc khởi đầu cho tới khi giác ngộ đều được bao hàm trong TARE TUTTARE TURE. Phương cách chữa trị của con đường và mọi che chướng mà nó giải trừ đều bao hàm trong TARE TUTTARE TURE. Đối với lam rim, TARE là con đường tuầntự của chúng sinh hạ căn; TUTTARE, con đường tuần tự của chúng sinh trung căn, và TURE, con đường tuần tự của chúng sinh thượng căn. Mọi đặcđiểm chính của những thiền định lam rim được bao hàm trong thần chú này. Trong thần chú TAYATA OM MUNI MUNI MAHAMUNIYE SOHA, MUNI MUNI MAHAMUNIYE cũng có thể có quan hệ với lam rim theo cách này.

Từ cuối cùng SOHA có nghĩa là thiết lập cội gốc của con đường trong timbạn. Nói cách khác, bằng cách nương tựa Đức Tara và làm thực hành Tara,bạn nhận lãnh những sự ban phước của Đức Tara trong trái tim bạn. Điều này cho bạn không gian để thiết lập cội gốc của con đường, được biểu thịbởi TARE TUTTARE TURE, trong tim bạn. Bằng cách thiết lập con đường củaba căn cơ chúng sinh trong tim bạn, bạn tịnh hóa mọi bất tịnh của thân,ngữ và tâm bạn, và thành tựu thân linh thánh, ngữ linh thánh, và tâm linh thánh của Đức Tara, được biểu thị bằng OM. Thân, ngữ và tâm bạn được chuyển hóa thành thân linh thánh, ngữ linh thánh và tâm linh thánh của Đức Tara. Đây là ý nghĩa thô của OM TARE TUTTARE TURE SOHA.

Quán tưởng Đức Tara

Khi bạn trì tụng thần chú, hãy quán tưởng Đức Tara trong không gian trước mặt bạn, ngang với trán bạn, ở một khoảng cách vừa phải - khoảng bề dài một thân người. Như tôi đã đề cập khi giảng nghĩa thần chú, trướctiên hãy nghĩ tới trí tuệ siêu việt của đại lạc của tất cả chư Phật, trí tuệ ấy hoàn toàn thấu suốt mọi sự hiện hữu. Hãy nghĩ tới tâm linh thánh này của Pháp thân, guru (đạo sư) tuyệt đối. Bởi tâm linh thánh củatất cả chư Phật, guru tuyệt đối, được ràng buộc bởi lòng đại bi đối vớibạn và tất cả chúng sinh, những người bị ngăn che và đau khổ dưới sự sai khiến của nghiệp và những tư tưởng náo động, tâm linh thánh ấy hiển lộ trong thân tướng nữ nhân đặc biệt này của Đức Tara. Điều này xảy ra là nhờ lòng bi mẫn. Giống như bạn hành động dưới sự sai khiến của sân hận và tham luyến, chư Phật làm việc vì bạn và chúng sinh dưới sự hướng dẫn của lòng bi.

Tâm linh thánh của tất cả chư Phật hiển lộ trong Đức Tara, phương diện (hình tướng) nữ nhân này. Diện mạo của Ngài ra sao? Đức Tara mang tính chất của ánh sáng xanh lục, với một mặt và hai tay. Ngài có vẻ mặt thật an bình và hơi mỉm cười. Tóc Ngài đen tuyền, một nửa được búi lên và một nửa buông chùng, và tô điểm một hoa utpala (hoa sen xanh) trên đỉnh đầu. Đức Tara trang điểm những vật trangsức quý giá gồm chuỗi hạt, xuyến, băng tay, và v.v.. Đôi mắt Ngài tràn đầy thương yêu và bi mẫn, không mở lớn nhưng hơi tròn và trong sáng. Đôimắt của Đức Tara biểu lộ lòng bi mẫn đối với bạn, giống như cái nhìn thương yêu mà một bàn mẹ gởi cho đứa con thân yêu duy nhất của bà. Bàn tay phải Ngài cầm một cành hoa utpala, trong ấn ban những chứng ngộ siêuviệt. Bàn tay trái cầm một cành hoa utpala khác, ba ngón tay hướng thẳng lên biểu thị sự nương tựa Phật, Pháp và Tăng đoàn.

Vớibộ ngực hoàn toàn bày lộ, Đức Tara trang điểm một chuỗi hạt quý giá, ngoài ra còn có những vòng hoa quý báu và những khăn choàng cổ khác nhau. Chân phải của Ngài duỗi ra, và chân trái co lại. Phía sau Ngài là một đĩa mặt trăng. Đức Tara tô điểm những dấu hiệu thiêng liêng viên mãnvà những minh họa của một vị Phật. Trên trán Ngài có một chữ OM trắng, tinh túy của thân kim cương linh thánh; ở cổ Ngài, một chữ AH đỏ, tinh túy của ngữ kim cương linh thánh; và ở tim Ngài, một chữ HUNG xanh dương, tinh túy của tâm kim cương linh thánh.

Từ chữ OM, những tia cam lồ trắng phóng ra, đập mạnh vào trán bạn, và đi vào người bạn để tịnh hóa mọi che chướng và nghiệp tiêu cực bạn đã tích tập với thân bạn từ những tái sinh tự vô thủy cho tới bây giờ. Từ chữ AH ở cổ họng của Đức Tara, những tia cam lồ đỏ được phóng ra và đập vào cổ họng của bạn; mọi che chướng và nghiệp tiêu cực được tích tập với ngữ của bạnđược hoàn toàn tịnh hóa. Kế đó, từ chữ HUNG nơi tim Đức Tara, những tiacam lồ xanh dương được phóng ra và đi vào tim bạn; mọi che chướng và nghiệp tiêu cực được tích tập với tâm bạn từ những tái sinh tự vô thủy tới nay được tịnh hóa. Nhờ lòng bi mẫn đối với bạn và tất cả chúng sinh,Mẹ Tara đã tịnh hóa bạn. Hãy tập trung vào điều này khi bạn trì tụng thần chú OM TARE TUTTARE TURE SOHA. Hoặc nếu bạn muốn, bạn có thể quán tưởng Đức Tara trên đỉnh đầu bạn như trong sadhana Tara ngắn gọn. (2)

Khi bạn chấm dứt việc thiền định, hãy cầu nguyện Đức Tara: “Không trì hoãn ngay cả một giây, cầu mong con trở thành Đức Tara và trong mỗi giâygiải thoát vô số chúng sinh khỏi mọi nỗi khổ của họ và dẫn dắt họ tới sự toàn giác.”

Hãy cầu nguyện được thành tựu ước nguyện này bằng việc phát triển Bồ đề tâm, ước nguyện thành tựu Tara vì lợi lạc củachúng sinh. Bởi bạn không theo đuổi tâm ích kỷ mà đã chuyển hóa thái độcủa bạn thành thái độ sử dụng đời bạn để phụng sự chúng sinh, giúp họ đạt được hạnh phúc nhất thời và tối hậu, Đức Tara hết sức hài lòng bạn. Việc bạn thực hành tư tưởng từ bi của Bồ đề tâm và giới hạnh, có nghĩa là giữ gìn giới nguyện của bạn, đã làm Đức Tara vui lòng hơn hết. Những thực hành Đại thừa cốt tủy này là những món cúng dường tuyệt vời nhất bạn có thể dâng lên Đức Tara; những thực hành này đưa bạn tới gần Đức Tara hơn, khiến Ngài nhanh chóng trợ giúp để mọi hoạt động của bạn được thành công. Việc Đức Tara cứu giúp bạn nhiều hay ít thì tùy thuộc vào việc bạn thực hành cốt tủy của giáo lý Đại thừa tới mức độ nào.

Như thế, do bởi thái độ Bồ đề tâm của bạn, Đức Tara hết sức hài lòng bạn; Ngài tan thành ánh sáng xanh lục, đi vào trán bạn, và thấm nhập vàotrái tim bạn. Hãy nghĩ: “Thân, ngữ và tâm tôi đã được ban phước (gia trì) để trở thành thân linh thánh, ngữ linh thánh và tâm linh thánh của Đức Tara.” Nhờ nhận lãnh những sự ban phước của Đức Tara với một tâm an tĩnh, sùng mộ, bạn gieo trồng chủng tử để phát triển tâm bạn và thực sự thành tựu Tara.

Sau khi thấm nhập, nếu bạn muốn, hãy tập trung nhất tâm vào bản tánh của tâm linh thánh của Đức Tara. Sau đó hãy kết thúc thực hành của bạn bằng cách hồi hướng công đức cho sự phát triển Bồ đề tâm và việc thành tựu Tara của bạn, để dẫn dắt mọi chúng sinh đạt được giác ngộ của Đức Tara càng nhanh càng tốt.

Để truy cập một bản in Những Lời Tán thán 21 Đức Tara bằng Tạng ngữ và Anh ngữ, xin đọc website của FPMT. (2)

Nguyên tác: “Tara The Liberator” by Lama Zopa Rinpoche
http://www.lamayeshe.com/lamazopa/tara.shtml
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Chú thích:
(1) Xin đọc: “Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ”, bản dịch Việt ngữ của Hồng Như:
(2) Xin đọc:
- “Tán Dương 21 Đức Quan Âm Tara”, Việt, Anh và Tạng ngữ, bản dịch Việt ngữ của Hồng Như:
- “Phương pháp Hành trì Lục Quan Âm, Suối nguồn của Vạn Pháp”, bản dịchViệt ngữ của Tâm Bảo Đàn và Chơn-Pháp Nguyễu Hữu Hiệu:
- “Giọt Bất tử Tuyệt vời: Pháp Hành trì Mạn đà la Trường thọ của Đức Bạch Quan Âm” bản dịch Việt ngữ của Tâm Bảo Đàn:
- “Hai mươi mốt Đoản kệ Tán thán Quan Âm” bản dịch Việt ngữ của Tâm Bảo Đàn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/03/2011(Xem: 12575)
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn, quan sát và nghiên cứu rất nhiều.
23/02/2011(Xem: 6374)
Sức mạnh gia trì là làm thay đổi tâm niệm của người được gia trì. Gọi thần lực gia trì chủ yếu giúp người được gia trì an tâm, an thân vượt qua khó khăn...
21/01/2011(Xem: 4244)
Bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai, có một vị trí quan trọng trong nền tín ngưỡng và văn hoá Phật Giáo. Di Lặc là vị bồ tát duy nhất được các tông phái Phật Giáo, từ tiểu thừa, đại thừa và mật tông tôn kính. Các kinh điển trong cổ ngữ tiếng Phạn Pali và Sanskrit, cũng như kinh tạng đại thừa chữ Hán và tiếng Tây Tạng đều có nói đến vị Phật tương lai này.
13/01/2011(Xem: 3501)
Cùng với thầy của mình là Bồ Tát Di Lặc, Vô Trước là khai tổ của Du Già Tông, hay Duy Thức Tông, một trường phái của Đại Thừa Phật Giáo. Ba người con trai lớn nhất, đều gọi là Thiên Thân (Vasubandhu), sinh ra ở Purusapura (Peshwar), là những thành viên của gia đình Kiều Thi Ca (Kausika) thuộc dòng dõi Bà La Môn, Ấn Độ. Tất cả ba người đều đã trở thành những Tỳ Kheo Phật Giáo. Người em trai út của Vô Trước được biết là Tỉ-Lân-Trì-Bạt-Bà (Virincivatsa), trong khi người em giữa được biết đơn thuần là Thiên Thân (Vasubandhu), tác giả của Duy Thức Tam Thập Tụng.
04/01/2011(Xem: 3189)
Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị Bồ Tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc Truyền (vẫn được thậm xưng là Đại Thừa) khắp các xứ Trung Hoa, Hàn quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ và cả Việt Nam. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là một từ tố thường thấy ngay sau tên gọi của các vị thần Ấn Độ, một chút dấu vết của Ấn Giáo, xa hơn một tí là Bà La Môn giáo thời xưa. Nói mấy cũng không đủ, với phương tiện Internet ngày nay, người muốn biết xin cứ Online thì rõ. Nãy giờ chỉ nói cái tên, cái ý nghĩa hay vai trò của khái niệm Quán Thế Âm mới là quan trọng.
19/12/2010(Xem: 5877)
Qua kinh sách thuộc truyền thống Đại thừa ta được biết mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Đức Phật A Di Đà có Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí làm thị giả thì một trong hai vị thị giả chính của Đức Phật Thích Ca là Văn Thù Sư Lợi, đại biểu cho trí tuệ siêu việt. Bồ Tát Văn Thù đã xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca, khi thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc lại đóng vai tuồng làm người điều hành chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.
19/12/2010(Xem: 4343)
Từ trước đến nay, những khuynh hướng bài bác Đại Thừa -cả trong lẫn ngoài Phật giáo- thường cho rằng kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo, từ đó họ cũng hạ bệ luôn tất cả những vị Bồ Tát đã được quần chúng Phật tử lâu đời tôn thờ kính ngưỡng -đặc biệt là Bồ Tát Địa Tạng- coi đó như là những nhân vật hư cấu, sản phẩm của đầu óc tưởng tượng phong phú của người Trung Hoa. Tuy nhiên các học giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Độ hồi gần đây đã xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Địa Tạng (Kshitigarbha) đã được khai sanh tại Ấn Độ rất lâu đời, có thể là vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên (C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật giáo Đại Thừa, (2) mà bằng chứng cụ thể là Bồ Tát Địa Tạng và những kinh sách liên quan về Ngài đã được đưa vào chương trình học tập, nghiên cứu tại Đại học cổ điển Phật giáo nổi tiếng Nalanda xứ Ma Kiệt Đà.
14/12/2010(Xem: 2873)
Bồ Tát Quán Thế Âm đang thực sự có mặt bên cạnh chúng ta mang sứ mệnh Bồ Tát vào đời để cứu vớt nhân sinh qua cơn khổ nạn hay chỉ là một nhân vật huyền thoại tôn giáo? Với những người mang nặng tinh thần duy lý cho rằng Đạo Phật không hề đặt cơ sở trên những niềm tin mù quáng và do đó, tin vào sự cứu độ của một tha lực bên ngoài –ví dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát- theo họ là một hình thức dị đoan mê tín, khó chấp nhận.
03/12/2010(Xem: 13537)
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.
23/11/2010(Xem: 4955)
Hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm trong thân tướng nữ nhân, tay cầm bình tịnh và cành dương liễu, còn được gọi dưới danh hiệu PHẬT BÀ QUAN ÂM NAM HẢI, là 1 hình ảnh rất gần gũi với dân tộc Việt Nam...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]