Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất

08/04/201316:55(Xem: 4052)
Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất
Phat_Thich_Ca_10

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Tìm Hiểu Các Vị Bồ Tát

Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: LotusNet home page - Thích Trí Quảng



Sau khi thành tựu tam pháp ấn: Nhà Như Lai, áo Như Lai, tòa Như Lai, mà đức Phật dạy trong phẩm Pháp sư thứ 10, hành giả được bát bộ chúng bảo vệ và các hóa Bồ tát đến trợ duyên tu, đạt được trạng thái tâm yên tĩnh ở độ cao. Từ đó, thấy được chơn Phật, mà phẩm 11 diễn tả là thấy tháp Đa Bảo xuất hiện. Thấy tháp, mở được cửa tháp và vào sống trong tháp, nói khác, thấy đạo, ngộ đạo, thành Phật, mới có được pháp chân thật, các giai đoạn tu trước chỉ là pháp phương tiện.

Đối trước Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca, các Bồ tát mười phương phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở cõi Ta bà, nhưng đức Phật từ chối. Ngài cho biết việc tuyên dương chánh pháp ở Ta bà đã có Bồ tát bổn địa là Bồ tát Tùng địa dũng xuất thừa sức đảm đương. Chỉ có kinh Pháp Hoa mới nói đến Bồ tát Tùng địa dũng xuất và Phật phú chúc kinh này cho các Ngài. Trên tinh thần này, Bồ tát bổn địa quan trọng hơn, giữ vai trò chính yếu, Bồ tát mười phương chỉ trợ lực mà thôi.

Phật vừa dứt lời, có đến 6 vạn hằng hà sa Bồ tát xuất hiện. Các vị này sẽ thành Phật, nói khác, ở Ta bà có điều kiện tu hành thành Phật hơn các thế giới khác. Thanh văn rất ngạc nhiên, vì từ trước, Phật thường ca ngợi Phật và Bồ tát ở thế giới khác và nơi đó cũng dễ tu, dễ thành Phật hơn. Nhưng chỉ có hội Pháp Hoa, Phật ngợi khen Bồ tát ở Ta bà, nơi có nhiều tệ ác. Điều này nhằm gợi ý giúp chúng ta thoát ly tánh đối lập ở trong vòng tương đối của thế giới nhị nguyên: tốt xấu, giỏi dở, ô uế, thanh tịnh. Thí dụ như A Xà Thế phạm tội ác nhất, nhưng cũng phát tâm cao nhất, hộ đạo mạnh nhất. Sống trong hoàn cảnh ác, chúng ta mới phát hiện được cái nào là phiền não nghiệp để xóa. Nếu ở thế giới an vui, chúng ta tưởng phiền não không còn, mà kỳ thực nó tiềm ẩn bên trong không mất. Thật vậy, theo kinh nghiệm bản thân, tôi ở Việt Nam biết được nhiều điều tồn tại cần điều chỉnh, trong khi ở Nhật, sống với người tốt, phiền não khó có cơ hội bộc phát. Ở đây, sống với người ngang bướng nhiều, nên nghe chướng tai, thấy gai mắt, thì tự biết tôi còn hai cái xấu là chướng tai, gai mắt. Tưởng mình không biết giận, biết buồn, nhưng nay có người làm mình giận, buồn được, phải sợ mà lo khắc phục sai trái ấy. Nếu thực tốt, ở trong hoàn cảnh đáng buồn, nhưng không buồn, đó là con đường đi lên cõi thánh.

Ở Ta bà tức ngũ trược, đủ thứ phiền nhiễu quấy rầy, chỉ riêng đòi hỏi của thân ngũ ấm cũng đủ mệt, làm sao lòng không phiền theo. Lòng hay tâm bồ đề của chúng ta ngay ở trong thế gian này mà không bị hoàn cảnh sống, phiền não chi phối, mới thành Phật. Kinh Pháp Hoa diễn tả rằng trong Ta bà, trong lòng đất có vô số Bồ tát Tùng địa dũng xuất, trong khi các kinh khác gọi là hạt châu hay Phật tánh.

Theo văn tự kinh, các Bồ tát này từ trong lòng đất hiện ra. Hiểu theo Tâm địa quán, Phật ví tâm như đất, cỏ dại hay hoa mầu đều từ đất mọc lên, cũng vậy, tốt lành, xấu ác đều từ tâm sanh ra. Trong tâm chúng ta có Bồ tát, Phật hiện ra, nếu chỉ nhìn xác thân sẽ chẳng thấy Phật, kinh ghi là Di Lặc không hề biết mặt một vị Bồ tát cựu trụ nào. Nói cho dễ hiểu, khi A Xà Thế chưa phát tâm cúng dường Phật, mọi người vẫn nghĩ ông phá Phật. Nhưng đến khi tâm ông rúng nứt, vị Phật trong tâm A Xà Thế xuất hiện, biến con người cực ác thành cực thiện, có công đối với đạo.

Vì vậy, điều quan trọng là đất rúng nứt để tâm bồ đề phát ra, nên Phật khuyên Bồ tát 10 phương đến Ta bà chỉ làm cho người thấy được cái tốt để họ phát tâm và tự tu, không thể tu thay. Trong kinh ghi Phật vừa dứt lời, ba ngàn thế giới rung động, ý này nhằm nói lên cuộc sống siêu tuyệt, kỳ vĩ của đức Thích Ca làm rúng động biết bao tâm hồn nhân thế. Ý này thể hiện rõ nét qua lịch sử của đạo Phật tồn tại hơn 25 thế kỷ. Từ Phật Niết Bàn đến nay, tiếp nối việc làm của Phật, vô số Bồ tát ra đời cứu nhân độ thế. Ở thời tượng pháp, tiêu biểu có Trí Giả Đại sư phát huy tinh thần Pháp Hoa, được tôn kính như Tiểu Thích Ca tái sanh ở Trung Quốc. Đến thời mạt pháp, Nhật Liên Thánh nhân xuất hiện canh tân Phật giáo, được xưng tán là Thượng Hạnh Bồ tát. Thời kỳ nào cũng có người tương ưng giữ gìn mạng mạch Phật pháp.

Các Bồ tát này thân màu hoàng kim, đủ các tướng tốt, đạo hạnh viên mãn, nghĩa là không còn lỗi lầm, giới đức thuần trong sạch, đáp ứng được mọi yêu cầu của chúng sanh, mới có khả năng hoằng truyền chánh pháp ở thế giới đầy đủ trược ác này. Đức Phật đưa ra mẫu Bồ tát Tùng địa dũng xuất để nhắc nhở chúng ta muốn tu hành, giáo hóa chúng sanh cần phải theo mô hình hành đạo đó.

6 vạn hằng hà sa Bồ tát đặt dưới sự lãnh đạo của 4 vị Bồ tát thượng thủ: Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh. Thượng Hạnh Bồ tát tiêu biểu cho người làm được những việc khó làm nhất. Nói khác, gợi nhắc chúng ta thực có tài thì lúc khó khăn phải gánh vác, hoàn cảnh dễ, hưởng lợi để dành cho kẻ thấp chí bạc tài. Quan trọng là chúng ta cần rèn khả năng giỏi thật sự và nằm trong lòng đất, tức chuẩn bị thật đầy đủ để khi khó, giang tay nhận lãnh. Vô Biên Hạnh Bồ tát chỉ cho khả năng đa dạng, làm được nhiều việc. Từ việc lớn đến việc nhỏ, không từ nan, đều hoàn tất, mới là mẫu người hữu ích cho đời. Bồ tát Tịnh Hạnh hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh, người không còn chê trách được. Nhờ phạm hạnh thanh tịnh, tác động cho người kính phục, phát tâm, mới có khả năng lãnh đạo chúng. Theo Bồ tát Tịnh Hạnh, chúng ta tự quán sát bản thân, tu sửa không còn lỗi lầm hoặc lắng nghe người phê phán mà sửa đổi. Cuối cùng là An Lập Hạnh Bồ tát hay mẫu sống không đua đòi, bằng lòng với hoàn cảnh của mình, từ đó tiến tu đạo nghiệp. Không phải an phận để mặc cảm, buồn tủi, thối chí, sanh ra các tánh ác.

Tóm lại, chúng ta phát tâm đi từ lộ trình Bổn môn Pháp Hoa ở Ta bà, muốn tìm Bồ tát Tùng địa dũng xuất hay tìm Đạo sư, tìm pháp lữ tu hành, chúng ta tìm người có nếp sống theo mô hình kiểu của 4 vị Bồ tát thượng thủ nói trên để nương theo tu tập. Mặc khác, nỗ lực rèn luyện tự thân, phát triển hạnh đức theo việc làm của Bồ tát Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh. Kết hợp lực gia trì của các Ngài với khả năng thực chứng của chúng ta, đó là Niết Bàn tịnh lạc mở ra cho chúng ta an trú ngay trên cõi đời ác trược này.

THIỀN ĐẠO
DIỆU SƠN


"Này các Tỳ kheo! Đây là những cội cây, đây là những căn nhà trống, hãy hành thiền, chớ có phóng dật, chớ để hối hận về sau".

(Song Tưởng - Trung Bộ I)

"Tỳ kheo hãy tu thiền!
Chớ buông lung phóng dật!
Tâm chớ đắm say dục
Phóng dật nuốt sắt nóng
Bị đốt chớ than khổ"

(Pháp cú 371)

Đây là những lời nhắc nhở ân cần nhất của đức Phật khi Ngài giáo hóa hàng đệ tử. Lúc nào Ngài cũng nhấn mạnh đến tam học Giới- Định-Tuệ. Chớ buông lung, chớ phóng dật, chớ đắm say dục lạc tức là giữ giới. Hành thiền mà không giữ giới thì không thể phát triển định và tuệ được.

"Ai sống một trăm năm
Ác tuệ không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Có tuệ tu thiền định
(Pháp cú 111)
Tu thiền trí tuệ sanh
Bỏ thiền trí tuệ diệt
Biết con đường hai ngã
Đưa đến hữu, phi hữu
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng

(Pháp cú 282)

Qua các kinh điển hệ nguyên thủy, đức Phật luôn luôn xác định rõ "có thiền định mới có trí tuệ". Chỉ có trí tuệ mới phá tan vô minh, tùy miên bám sát chúng ta từ vô thủy đến nay. Trí tuệ có công năng giúp chúng ta giải thoát và giải thoát tri kiến. Nếu nội tâm không an định trí tuệ khó tăng trưởng. Như vậy định huệ không rời nhau.

Trong kinh Pháp Bản Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy: "Đại chúng chớ lầm nói là định huệ sai khác. Định huệ đồng thể, không phải là hai. Định là huệ, huệ là định" (phẩm Định Huệ)

Trong A Hàm Phật dạy "Vô ngã là Niết Bàn". Thiền sư thì bảo "Vô tâm thị đạo", "tâm bình thường là đạo". Các Ngài khi thì nói Niết Bàn, khi thì nói Phật, tâm, thiền, đạo... thiền đạo có hay không có? Nếu chúng ta cứ đem phàm tình lý giải các danh từ ấy, các Ngài sẽ quở là "lấy tranh che đầu" hay "kẻ ngu vào biển đếm cát..." Do đó khi khách đến hỏi Thiền sư Duy Khoan:

- Đạo ở đâu?

Sư đáp:

- Ở trước mắt.

Khách hỏi tiếp:

- Sao con không thấy?

Đáp:

- Vì ngươi có ngã nên không thấy.

- Con có ngã nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?

- Có ngươi, có ta nên chẳng thấy.

- Không con, không Ngài lại thấy chăng?

- Không ngươi, không ta, ai còn thấy?

(Thiền sư Trung Hoa I)

Khi không ngươi không ta tức dứt hết nhơn ngã, bỉ thử... thấy nghe hiểu biết rõ ràng thì cần gì hỏi đạo ở đâu, và cũng không có ai để chạy đông chạy tây tìm thầy điểm đạo.

Nhục thân của hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường để lại trên 300 năm, nay còn thờ tại chùa Đậu, Hà Nội, đáng cho chúng ta suy gẫm và tin sâu. Tin vào sự hành thiền đưa đến chứng đạo, và điều này không hạn cuộc bởi thời gian, không gian. Và sở dĩ hành thiền là một phương tiện đưa đến chứng đạo là vì trong ta đã có sẵn chủng tử Phật; phải chăng đó là như lời Thiền Sư Trí Huyền diễn tả:

Ngọc lý bí thinh diễn diệu âm
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm
Hà sa cảnh thị bồ đề cảnh
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm
(Trong ngọc ẩn thinh diễn diệu âm
Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm
Hà sa cảnh là bồ đề cảnh
Nghĩ đến bồ đề cách vạn tầm).


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/03/2011(Xem: 12587)
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn, quan sát và nghiên cứu rất nhiều.
23/02/2011(Xem: 6380)
Sức mạnh gia trì là làm thay đổi tâm niệm của người được gia trì. Gọi thần lực gia trì chủ yếu giúp người được gia trì an tâm, an thân vượt qua khó khăn...
21/01/2011(Xem: 4249)
Bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai, có một vị trí quan trọng trong nền tín ngưỡng và văn hoá Phật Giáo. Di Lặc là vị bồ tát duy nhất được các tông phái Phật Giáo, từ tiểu thừa, đại thừa và mật tông tôn kính. Các kinh điển trong cổ ngữ tiếng Phạn Pali và Sanskrit, cũng như kinh tạng đại thừa chữ Hán và tiếng Tây Tạng đều có nói đến vị Phật tương lai này.
13/01/2011(Xem: 3515)
Cùng với thầy của mình là Bồ Tát Di Lặc, Vô Trước là khai tổ của Du Già Tông, hay Duy Thức Tông, một trường phái của Đại Thừa Phật Giáo. Ba người con trai lớn nhất, đều gọi là Thiên Thân (Vasubandhu), sinh ra ở Purusapura (Peshwar), là những thành viên của gia đình Kiều Thi Ca (Kausika) thuộc dòng dõi Bà La Môn, Ấn Độ. Tất cả ba người đều đã trở thành những Tỳ Kheo Phật Giáo. Người em trai út của Vô Trước được biết là Tỉ-Lân-Trì-Bạt-Bà (Virincivatsa), trong khi người em giữa được biết đơn thuần là Thiên Thân (Vasubandhu), tác giả của Duy Thức Tam Thập Tụng.
04/01/2011(Xem: 3201)
Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị Bồ Tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc Truyền (vẫn được thậm xưng là Đại Thừa) khắp các xứ Trung Hoa, Hàn quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ và cả Việt Nam. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là một từ tố thường thấy ngay sau tên gọi của các vị thần Ấn Độ, một chút dấu vết của Ấn Giáo, xa hơn một tí là Bà La Môn giáo thời xưa. Nói mấy cũng không đủ, với phương tiện Internet ngày nay, người muốn biết xin cứ Online thì rõ. Nãy giờ chỉ nói cái tên, cái ý nghĩa hay vai trò của khái niệm Quán Thế Âm mới là quan trọng.
19/12/2010(Xem: 5882)
Qua kinh sách thuộc truyền thống Đại thừa ta được biết mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Đức Phật A Di Đà có Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí làm thị giả thì một trong hai vị thị giả chính của Đức Phật Thích Ca là Văn Thù Sư Lợi, đại biểu cho trí tuệ siêu việt. Bồ Tát Văn Thù đã xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca, khi thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc lại đóng vai tuồng làm người điều hành chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.
19/12/2010(Xem: 4344)
Từ trước đến nay, những khuynh hướng bài bác Đại Thừa -cả trong lẫn ngoài Phật giáo- thường cho rằng kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo, từ đó họ cũng hạ bệ luôn tất cả những vị Bồ Tát đã được quần chúng Phật tử lâu đời tôn thờ kính ngưỡng -đặc biệt là Bồ Tát Địa Tạng- coi đó như là những nhân vật hư cấu, sản phẩm của đầu óc tưởng tượng phong phú của người Trung Hoa. Tuy nhiên các học giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Độ hồi gần đây đã xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Địa Tạng (Kshitigarbha) đã được khai sanh tại Ấn Độ rất lâu đời, có thể là vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên (C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật giáo Đại Thừa, (2) mà bằng chứng cụ thể là Bồ Tát Địa Tạng và những kinh sách liên quan về Ngài đã được đưa vào chương trình học tập, nghiên cứu tại Đại học cổ điển Phật giáo nổi tiếng Nalanda xứ Ma Kiệt Đà.
14/12/2010(Xem: 2873)
Bồ Tát Quán Thế Âm đang thực sự có mặt bên cạnh chúng ta mang sứ mệnh Bồ Tát vào đời để cứu vớt nhân sinh qua cơn khổ nạn hay chỉ là một nhân vật huyền thoại tôn giáo? Với những người mang nặng tinh thần duy lý cho rằng Đạo Phật không hề đặt cơ sở trên những niềm tin mù quáng và do đó, tin vào sự cứu độ của một tha lực bên ngoài –ví dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát- theo họ là một hình thức dị đoan mê tín, khó chấp nhận.
03/12/2010(Xem: 13544)
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.
23/11/2010(Xem: 4973)
Hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm trong thân tướng nữ nhân, tay cầm bình tịnh và cành dương liễu, còn được gọi dưới danh hiệu PHẬT BÀ QUAN ÂM NAM HẢI, là 1 hình ảnh rất gần gũi với dân tộc Việt Nam...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]