Thiên hạ vẫn nói “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ”. Đúng vậy. Mới đó mà đã 45 năm, thoắt một cái trôi nhanh như...bóng câu!
45 năm, một chặng đường đâu phải ngắn, biết bao vật đổi sao dời, nhất là thế giới chuyển mình càng lúc càng văn minh đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên của ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, mang lại lợi ích cũng nhiều mà hại cũng không kém, đã làm biết bao người thất nghiệp, phá sản...trong đó có ngành báo chí. Các nhà xuất bản báo giấy đóng cửa hàng loạt, sách in ra chẳng mấy ai thèm mua, vì đã coi...chùa trên Internet!
Giữa lúc xã hội chao đảo ngả nghiêng, biến đổi khôn lường, ai cũng ưu tư về vận mệnh, sự nghiệp công trình của mình, tự tìm một con đường sống để thích nghi với hoàn cảnh, thời cuộc, thì 45 năm qua, báo Viên Giác, tờ báo giấy vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Nhờ đâu và tại sao?
Nếu giải thích theo tinh thần Phật Giáo, thì đó là phước báu của người lãnh đạo. Phước báu tích tụ từ bao đời và cả ngay kiếp này, để vị đó, ngoài khả năng còn có tấm lòng, tư cách, tóm gọn lại vừa có tài vừa có đức mới được như thế. Tài để thiên hạ phục, và đức để người ta mến. Đó là hai yếu tố, điều kiện ắt có và đủ để thành công và bền lâu nữa. Thiếu một trong hai sẽ đi khập khiễng, khó đến đích được. Thì vị đó, chính là Hòa Thượng Thích Như Điển, chủ nhiệm báo Viên Giác, Đức quốc (Tôi lại... “nịnh” Hòa Thượng nữa rồi)
Hãy xem tôi... nịnh có đúng không nhé?!
Để có một tờ báo, trước nhất, người đề xướng phải có khả năng, lòng yêu văn chương, sự quyết tâm dấn thân và biết “chiêu hiền đãi sĩ” thu phục “hiền tài” cùng chí hướng về với mình cùng mình gánh vác mọi chuyện lớn, nhỏ. Với một người hội đủ nhân tố như vậy, với thời gian, không cần chiêu, hiền sĩ khắp nơi cũng tìm về.
Báo Viên Giác khởi đầu năm 1979.
Khi các bạn cầm tờ báo, hay cuốn sách trên tay, ít ai biết được công việc của người sáng tạo và chuyển đến tay bạn đọc như thế nào.
Nỗi vất vả của thuở ban đầu cho đến bây giờ, trải qua bao khó khăn, “hiền sĩ” của báo Viên Giác, ngoài ban biên tập đến từ nhiều quốc gia, những vị kỳ cựu tại Đức “khai quốc công thần” (tôi chỉ kể sơ những vị tôi biết), nhiều người thủy chung cho đến răng long tóc bạc, như bác Hiền Sanh, cô Nga, bác Ngô Văn Phát, anh Như Thân..v.v.. Tận tụy đến hơi thở cuối cùng như anh Huy Giang, Hạ Long, Vũ Nam, chị Hồng Nhiên..v.v..và đặc biệt là anh Chủ Bút Phù Vân, đã rời bỏ chúng ta lúc anh 85 tuổi, và năm nay 2024 là giỗ đầu của anh. Tất cả đã dốc tâm huyết, công lao, trì chí lo cho tờ báo tồn tại và phát triển.
Hồi chưa có Internet, bài viết tay, copy xong gởi đi, vị Chủ Bút phải bỏ nhiều thời gian đọc hết, cân nhắc lựa chọn, rồi chuyển đến bác Hiền Sanh cặm cụi ngồi còng lưng đánh máy lại và tìm cách bỏ dấu. Chao ôi, chóng mặt lắm! Khâu kỹ thuật xếp chữ, in ra, bỏ phong bì, ghi chép địa chỉ với số lượng lớn những 5,6 ngàn số. Chao ôi, xoay như chong chóng cũng chóng mặt luôn! Nay, trước làn sóng Internet, người làm báo, viết lách cũng đỡ hơn, tự đánh máy, gởi đi, giảm thiểu nhiều khâu, nhất là thời gian, nhưng vấn đề khác, vì đăng online, tất cả bài viết đưa lên Internet, tờ báo giấy không mấy ai quan tâm nhiều nữa. Thế nhưng, báo Viên Giác, sau 45 năm vẫn đứng vững, chính nhờ, ngoài vị Chủ Nhiệm tài đức, những hiền sĩ tận tụy như thế, một lực lượng hùng hậu khác rất quan trọng, cũng là niềm an ủi, khích lệ lớn lao cho Viên Giác, chính là độc giả. Nếu độc giả không ủng hộ, thì người cầm bút phải gác bút, văn phòng làm báo cũng đóng cửa thôi. Những vị độc giả, có thể tự hỏi lòng và tự tìm ra câu trả lời, do đâu mà quí vị luôn hướng về chùa Viên Giác như thế?!
Riêng tôi, mãi đến năm 1990, tôi mới có nhân duyên biết đến và cộng tác báo Viên Giác. Kể có hơi trễ, nhưng trễ còn hơn không. Là Phật Tử, đến với tờ báo đạo, tôi cũng như bao người cộng tác khác, dành thời gian tâm trí viết, như sự cúng dường, đâu ai...thuê hay đòi hỏi nhuận bút đâu. Bù lại, chúng tôi có niềm vui tinh thần từ những “đứa con” văn chương của mình và đặc biệt nữa tìm thấy ấm cúng trong gia đình Viên Giác. Chỉ có thế mà với thời gian dài cho đến hôm nay, tôi bị lôi cuốn trong tình đời nghĩa đạo đó.
Rồi sau cuộc thi “Viết Về Âu Châu” năm 2002, Hòa Thượng dành công sức, tiền bạc (những 15 ngàn Euro) tổ chức những giải thưởng tuyển văn tài, dần dà xuất hiện thêm nhiều cây bút mới, đặc biệt một lực lượng cầm bút khác, đó là Những Cây Bút Nữ Báo Viên Giác. Cũng cần nói thêm, nhóm này được anh Chủ Bút Phù Vân đề xuất thành lập sau khi thỉnh ý cùng Hòa Thượng Chủ Nhiệm Thích Như Điển.
Quí vị cũng thấy đó, tìm một người cầm bút, chịu cầm bút nhất là phái nữ viết về Phật giáo rất khó, đếm trên đầu ngón tay, ở đây có những 9 cô (bây giờ chính thức còn 8, một người vì bịnh tật đã về cõi Phật), chưa kể vài cây bút nữ khác trong và ngoài Âu Châu. Điều đó không ngẫu nhiên mà có, vì nhóm chúng tôi ngoài yêu văn chương, nghĩ đến chùa còn xuất phát từ lòng quí kính khâm phục Hòa Thượng, người không những tận tụy cho Phật giáo đưa Phật giáo Âu Châu có tầm vốc như hiện nay mà còn tận tụy với văn chương, văn hóa Việt Nam tại hải ngoại duy trì và phát triển.
Ngày nay dưới trướng Hòa Thượng vô số người cộng tác, ủng hộ, mặc dù trước sự vô thường của cuộc sống, kẻ đến, người đi, như sự ra đi của anh Chủ Bút Phù Vân, Trời Phật gia bị đã cử người khác, anh Nguyên Đạo Văn Công Tuấn đến thay thế. Ngôi vị Chủ Bút không dễ tìm. Từ mười năm trước, chính anh Phù Vân và Hòa Thượng luôn quan tâm để mắt đến, nhắm hết người này đến kẻ kia, không tìm đâu ra, rồi ưu tư ngậm ngùi tuyên bố, báo Viên Giác sẽ cáo chung theo sự ra đi của anh Phù Vân, bởi vì, ngôi vị Chủ Bút, đòi hỏi người đó phải có khả năng, trình độ và nhất là tấm lòng phục vụ tha nhân vô vụ lợi, nếu không, tờ báo Viên Giác không thể tiếp nối vững vàng đến 45 năm nay. Trong tinh thần xây dựng văn hóa nước nhà, đặc biệt văn hóa Phật giáo tại hải ngoại dưới bóng chùa Viên Giác, mong rằng tất cả chúng ta được Phật, Trời gia hộ dồi dào sức khỏe, kẻ góp công, người góp của qui về một mối với tấm lòng vững chải để tiếp nối con đường chúng ta đang đi và đã chọn.
Thân chào các bạn.
Trần Thị Nhật Hưng