Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tuệ Trung Thượng Sĩ: Phản Quan Tự Kỷ

02/06/202406:48(Xem: 1307)
Tuệ Trung Thượng Sĩ: Phản Quan Tự Kỷ


tue trung thuong sy
Tuệ Trung Thượng Sĩ:
Phản Quan Tự Kỷ

Nguyên Giác

Một trong những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ thường được đời sau nhắc tới là hãy phản quan tự kỷ. Đó là pháp yếu Thiền Tông. Nghĩa là, nhìn lại chính mình. Câu hỏi chúng ta nêu ra nơi đây là, phản quan tự kỷ thế nào?  

Sách “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” kể rằng vào đời nhà Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ được ngộ đạo. Cho nên vua Trần Thánh Tông gởi Thái tử Trần Khâm (người sau này trở thành Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông) cho Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy đạo lý. Khi học hỏi gần xong sắp trở về triều, trước lúc từ giã Thái tử hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ: "Bạch Thượng Sĩ, pháp yếu của Thiền tông là gì? ". Thượng Sĩ trả lời: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc".

Nghĩa là, 11 chữ đó cô đọng pháp yếu Thiền Tông nhà Trần, và sau này khi Thái tử Trần Khâm trở thành vua Trần Nhân Tông và rồi thoái vị để xuất gia, thành lập dòng Thiền Trúc Lâm, cũng lấy lời dạy này làm cương yếu.

Nghĩa của chữ "phản quan" là soi sáng, xem xét, nhìn lại (có thể dùng chữ “quán chiếu”). Nghĩa chữ "tự kỷ" là chính mình, tự mình (có thể dùng chữ “thân và tâm của hành giả”). "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" có nghĩa xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được.

Để giải thích rõ hơn, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đọc bài kệ cho vua Trần Nhân Tông nghe một bài kệ dài, nơi đây chúng ta chỉ trích dẫn ra tám dòng:

Vô thường chư pháp hành

Tâm nghi tội tiện sanh

Bổn lai vô nhứt vật

Phi chủng diệc phi manh

Nhựt nhựt đối cảnh thời

Cảnh cảnh tòng tâm xuất

Tâm cảnh bổn lai vô,

Xứ xứ Ba-la-mật.

Tạm dịch nghĩa: Tất cả các pháp, các hiện tượng đều vô thường, biến diệt. Khi tâm nghi ngờ, thì tội liền sinh ra. Hãy thấy rằng xưa nay vốn không hề có một vật nào. Vốn không hề có gốc, mà cũng không hề có mầm [nào mọc ra để các pháp xuất hiện].  Ngày ngày, khi đối diện với ngoại cảnh, thì cảnh này với cảnh kia đều từ tâm sinh ra. Khi thấy tâm và cảnh vốn là không, thì khắp nơi đều là Niết bàn.

Hiển nhiên, gần như ai cũng thấy rằng tất cả các pháp đều là vô thường. Tới câu thứ nhì thì có thể nhiều người sinh ra nghi ngờ: Tâm nghi tội tiện sanh (Khi tâm nghi ngờ, thì tội liền sinh ra). Bởi vì, trong Kinh Kalama Sutta, Đức Phật khuyên rằng nên nghi ngờ, đừng vội tin bất kỳ những gì mà mình chưa kiểm chứng xác thực. Thiệt ra không mâu thuẫn gì hết. Khi bạn mới tiếp cận lời dạy của bất kỳ ai, thì cũng nên nghi ngờ, và phải tự kiểm chứng mới có thể vượt qua nghi ngờ. Hành động “vượt qua nghi ngờ” trong Kinh MN 24 gọi là “thanh tịnh bằng cách đoạn nghi” và Kinh EA 39.10 gọi là “để khiến không do dự.”

Bởi vì, hễ còn nghi (tâm còn dao động giữa trắng và đen, giữa đúng và sai, giữa thiện và ác, giữa có thể và không có thể) thì không thể tin chắc thật vào Phật Pháp Tăng và chưa thể tin trọn vào Tứ Diệu Đế. Hễ nghi như thế, có nghĩa là kiếp này và kiếp sau sẽ khó thân cận và khó gặp lại Chánh pháp. Nghĩa là, tự mình cắt đứt nhân duyên với Phật Pháp Tăng.

Chặng đường dứt “nghi” cũng khó, nếu không tu tinh tấn, trừ phi những người đã có nhiều đời, nhiều kiếp tin Phật. Theo Kinh MN 24, bản dịch của Thầy Minh Châu, lộ trình giải thoát là: giới thanh tịnh => tâm thanh tịnh => kiến thanh tịnh => đoạn nghi thanh tịnh (Sujato: purification through overcoming doubt) => đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (thấy, biết thanh tịnh về đạo và phi đạo [purification of knowledge and vision of what is the path and what is not the path]) => đạo tri kiến thanh tịnh (thấy, biết thanh tịnh về đạo [purification of knowledge and vision of the practice]) => tri kiến thanh tịnh (thấy, biết thanh tịnh [purification of knowledge and vision]) => vô thủ trước Bát-niết-bàn (extinguishment by not grasping).

Bản kinh A Hàm tương đương là Kinh EA 39.10, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, ghi lộ trình giải thoát là, trích: “Nghĩa giới thanh tịnh là để khiến tâm thanh tịnh. Nghĩa tâm thanh tịnh là để khiến kiến thanh tịnh. Nghĩa kiến thanh tịnh là để khiến không do dự thanh tịnh. Nghĩa không do dự thanh tịnh là để khiến hành tích thanh tịnh. Nghĩa hành tích thanh tịnh là để khiến đạo thanh tịnh. Nghĩa đạo thanh tịnh là để khiến tri kiến thanh tịnh. Nghĩa tri kiến thanh tịnh là để khiến nhập nghĩa Niết-bàn. Đó gọi là ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh.”

Có nghĩa là, dứt bỏ nghi là phải giữ giới thanh tịnh, để có tâm thanh tịnh, để có kiến thanh tịnh, để thanh tịnh dứt bỏ nghi ngờ. Nghĩa là, trong chặng đường Giới-Định-Huệ, đoạn trừ nghi ngờ nằm trong phần Định. Nếu không đắc định, không thể dứt bỏ nghi ngờ (hay do dự).

Đoạn nghi cách nào? Đức Phật nói rằng phải vào định, mới có kinh nghiệm về thấy và biết để đoạn nghi. Đó là Kinh Ud 5.7 (Kinh này còn tên là Revata Sutta). Vị sư đương cơ trong Kinh này là “Kaṅkhārevata Doubting Revata” (Tôn giả Revata Nghi Ngờ). Nơi đây, chúng ta dịch ra như sau, toàn văn bản kinh ngắn này như sau.

“Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở gần Sāvatthī, trong rừng Jeta, tại tinh xá của Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ Tôn giả Revata Nghi Ngờ đang ngồi cách Thế Tôn không xa, sau khi xếp chéo chân, ngồi thẳng, quán chiếu sự thanh lọc của chính mình bằng cách vượt qua nghi ngờ (reflecting on his own purification through crossing over doubt). Thế Tôn thấy Tôn giả Revata Nghi Ngờ ngồi cách đó không xa, sau khi xếp chéo chân, lưng thẳng, quán chiếu sự thanh lọc của chính mình bằng cách vượt qua nghi ngờ. Khi ấy, Thế Tôn hiểu được ý nghĩa của điều đó, vào dịp đó đã thốt ra lời khen ngợi này:

Bất kể có nghi ngờ gì về đời này hay đời sau,

Có thể hiểu được bởi chính mình, hoặc có thể hiểu được bởi người khác,

Người hành thiền buông bỏ tất cả những điều này,

Những người nhiệt tâm sống đời sống thiêng liêng.” (hết dịch)

Những người đắc sơ thiền có thể rời nghi ngờ vì đây là một kinh nghiệm của hỷ lạc, khi ngôn ngữ dứt bặt trong tâm. Trong Kinh SN 36.11, Đức Phật dạy rằng trong Sơ Thiền (còn gọi là Nhất Thiền, hay Thiền thứ nhất), thì đoạn nghi được, vì lúc đó, trong tâm không còn ngôn ngữ nào khởi lên. Trích bản dịch của Thầy Minh Châu: "...khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt... khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được tịnh chỉ... khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được khinh an..." (Bản dịch Bhikkhu Bodhi: For one who has attained the first jhana, speech has ceased... For one who has attained the first jhana speech has subsided… For one who has attained the first jhana, speech has been tranquillized.)

Khi trong tâm dứt bặt ngôn ngữ, bạn sẽ kinh nghiệm được cái thanh tịnh của dứt bặt nghi ngờ. Tới đây, có thể sẽ có một câu hỏi: rằng tại sao Thiền Công Án và Thiền Thoại Đầu lại lấy “nỗi nghi” để thiền tập? Chỗ này thực ra rất đơn giản, chỉ vì cách diễn giải không minh bạch. Nếu bạn tập Thiền Công Án hay Thiền Thoại Đầu, thí dụ, bạn tham chữ “Ai?” hay “Tiếng vỗ của một bàn tay” thì bạn cần để tâm vào “nghi” tức là “tâm không biết” và chữ “nghi” này chỉ có nghĩa là cái “Tâm không biết” (the don’t know mind) nhưng không có nghĩa là cái “Tâm nghi ngờ” (the doubtful mind). Khi bạn tỉnh thức trong “tâm không biết” thì tất cả tham sân si tạm thời biến mất, tất cả “ngôn ngữ, lời nói” tạm thời biến mất, và đó là một cảnh giới thanh tịnh khi ngôn ngữ biến mất trong tâm.

Câu kế tiếp, Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Bổn lai vô nhất vật.” Nghĩa là: Hãy thấy rằng xưa nay vốn không hề có một vật nào. Đơn giản là: trong làn gió vô thường, tất cả các pháp chuyển biến, không hề có cái gì gọi được là cái gì. Do vậy, mới nói, xưa nay không thể gọi là có một vật nào.

Câu kế tiếp, tương tự, không gọi được cái gì là gốc, là hạt giống, cũng không gọi được cái gì là mầm mọc lên từ hạt giống, vì trận gió vô thường chuyển biến các pháp sinh diệt không ngừng.

Hai câu kế tiếp: Ngày ngày, khi đối diện với ngoại cảnh, thì cảnh này với cảnh kia đều từ tâm sinh ra. Tại sao nói tất cả các pháp, tất cả hiện tượng đều từ tâm sinh ra? Bởi vì thế giới chỉ có nghĩa là thế giới được nhận biết, nghĩa là tất cả hiện tượng đều là những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được cảm giác chạm xúc, được tư lường suy nghĩ… nghĩa là, toàn bộ thế giới là hiển lộ của tâm. Phật nói như thế trong Kinh Sabba Sutta: The All (SN 35.23). Do vậy, hãy thường trực nhìn thấy cảnh không lìa tâm.

Hai câu kế tiếp: Khi thấy tâm và cảnh vốn là không, thì khắp nơi đều là Niết bàn. Nghĩa là, trong vô thường, tất cả đều vô ngã, và tất cả đều là không, thì tham sân si tự dứt bặt, và đó là Niết bàn.

Có cách nào đơn giản để phản quan tự kỷ hay không? Trong Kinh MA 110 cùa A Hàm và kinh tương đương bên Nikaya là Kinh SN 35.153, Đức Phật dạy các “thiện xảo quán tự tâm” là hãy thường trực đặt câu hỏi là mình có đang tham hay không, có đang sân hay không, và vân vân. Không cần phức tạp gì hết, bạn cứ thường trực tự hỏi như thế, dần dần sẽ tự lìa tham sân si, tức là giải thoát. Nơi đây, chúng ta trích Kinh SN 35.153, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi lời Phật dạy cụ thể về phản quan tự kỷ  như sau:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng … khi mũi ngửi hương … khi lưỡi nếm vị … khi thân cảm xúc… Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi ý biết pháp, hoặc nội tâm có tham, sân, si, biết rõ: “Nội tâm ta có tham, sân, si”; hoặc nội tâm không có tham, sân, si, biết rõ: “Nội tâm ta không có tham, sân, si”. Này các Tỷ-kheo, khi ý biết pháp, hoặc biết rõ nội tâm có tham, sân, si: “Nội tâm ta có tham, sân, si”, hoặc biết rõ nội tâm không có tham, sân, si: “Nội tâm ta không có tham, sân, si”. Này các Tỷ-kheo, sự biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp được hiểu biết, hay do kham nhẫn, thích thú biện luận được hiểu biết?

--- Thưa không, bạch Thế Tôn.

--- Có phải các pháp này, do thấy chúng với trí tuệ nên được hiểu biết?

--- Thưa phải, bạch Thế Tôn.

--- Đây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về pháp môn, hay ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí; vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”…”

Thường trực tự thấy tâm mình như thế, là sẽ tới lúc “sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành…” và đó là lời Đức Phật dạy cách phản quan tự kỷ.

Nguyên Giác

---- California, ngày 31/5/2024.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/02/2023(Xem: 6448)
Hôm nay thứ hai đầu tuần cũng là ngày bắt đầu cho tháng hai âm lịch nhuần của năm Quý Mão, người viết bổng dưng có ước nguyện sẽ ghi lại những lời chân ngữ của những bậc đại sư của nhiều tông phái theo từng ngày và nếu các bạn cảm thầy thích hợp với ngày nào đó trong tuần thì có lẽ bạn đã sống hợp với phong cách mà bạn đã trưởng thành khi đã thừa hưởng được đạo vị từ bậc chân sư đó. Thật ra đây chỉ là một sưu tầm trong các danh ngôn và chỉ là cách giải trí cho thư giản tâm hồn cũng là cách khuyến khích để giữ mình an lạc hoan hỷ tươi thắm mỗi ngày bạn nhé!
19/02/2023(Xem: 4249)
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác. Có thể kiếp trước tôi và Nguyên Giác là bạn vong niên đồng tu cho nên tôi đã dành nhiều thời giờ giới thiệu nhiều sách của ông
17/02/2023(Xem: 2002)
Người Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá là những con người ham học hỏi, thông minh, chăm chỉ, có khả năng tiếp thu và ứng phó nhanh với hoàn cảnh. Quả thật đúng vậy, trong mỗi người dân đất Việt phần nhiều đều có những đức tính tối ưu đó. Hoàn cảnh càng khó khăn thì sự phấn đấu trong họ lại càng lớn mạnh. Trong mỗi tư duy của người Việt đều tin tưởng rằng:
15/02/2023(Xem: 3039)
Thế giới ngày nay mà chúng ta gọi là “thời đại mới” đổi thay đến chóng mặt, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống trong đó có tôn giáo. Tuy không có “thánh chiến” được công khai tuyên bố, nhưng cạnh tranh để bành trướng, giành giật tín đồ, mua chuộc dưới mọi hình thức để cải đạo, kể cả bằng bạo lực đã diễn ra hàng ngày và gần như trên quy mô toàn cầu.
15/02/2023(Xem: 13135)
Sau hơn một năm hoạt động kể từ khi Hội Đồng Hoằng Pháp (HĐHP) được hình thành với sự tán trợ của Viện Tăng Thống GHPGVNTN, cùng với sự thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời (HĐPDTTLT, do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ xướng), Lễ Giới Thiệu Thành Tựu Sơ Bộ Công trình Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam sẽ được tổ chức qua hệ thống Zoom, vào ngày 17/7/2022 – 10 giờ sáng, giờ Việt Nam trên hệ thống trực tuyến toàn cầu ZOOM
11/02/2023(Xem: 3127)
Có 7 câu hỏi mà một vị thánh trả lời một cách rất thâm sâu. 1.Vật gì sắc bén nhất trên thế giới này? Vật nhọn nhất là cái lưỡi của con người. Con người dùng lưỡi có thể dễ dàng làm tổn thương trái tim, cảm giác của người khác. 2. Nơi nào xa nhất trên thế giới này? Quá khứ là nơi xa nhất. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta giàu cỡ nào, chúng ta không thể quay về quá khứ nên chúng ta phải sử dụng tốt ngày hôm nay và những ngày sắp tới. 3. Cái gì lớn nhất trên thế giới này?
11/02/2023(Xem: 2982)
Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn thường bắt gặp và nghe đâu đó những câu nói như: “mấy người đến Chùa thường làm ác mới hay đi Chùa cho hết tội” hoặc như “ mấy người hay nói đạo lý, nói lời từ bi thường sống giả tạo”, “Mình tu tâm là được, cần gì phải tới Chùa Chiền”.
09/02/2023(Xem: 6206)
Thư Mời Viết Bài cho Đặc San Văn Hóa Phật Giáo năm 2023
08/02/2023(Xem: 4910)
Người Việt có một câu nói, “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn.” Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn chương Việt khoảng 200 năm nay và đã được chuyển dịch từ nhiều thập niên trước qua nhiều thứ tiếng bao gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Hoa. Truyện Kiều là một truyện thơ gồm 1627 câu lục bát. Truyện Kiều kể về một nàng thiếu nữ tuyệt đẹp và tài hoa đã hy sinh bản thân để chuộc tội cho cha nàng. Truyện thơ này, tựa nguyên thủy là “Đoạn Trường Tân Thanh”, do đại thi hào Nguyễn Du sáng tác, trong khoảng thời gian năm 1796 tới năm 1802. Truyện được dựa từ một truyện tình thể văn xuôi Trung quốc không mấy giá trị của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân.
31/01/2023(Xem: 9586)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]