Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kỳ 11: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn tiếp theo kỳ 4 )

02/07/202321:00(Xem: 3846)
Kỳ 11: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn tiếp theo kỳ 4 )
Bo_Tat_Quan_The_Am_8Học Phật Trong Mùa Đại Dịch       
 Kỳ 11
 Học, Hiểu và Hành PHẨM PHỔ MÔN
 ( tiếp theo kỳ 4 )

Tác giả: Lê Khắc Thanh Hoài
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh


 

 

 

G . Vì sao Bồ Tát Quán Thế Âm còn được gọi là bậc Thí Vô Úy ?

Chúng ta đọc thấy nơi Phẩm Phổ Môn, có  hai đoạn nói về việc Bồ Tát ban cho sự không sợ hãi :

« Nếu kẻ oán tặc đầy trong tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng : Các thiện nam tử ! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát đó hay đem Pháp Vô Úy thí cho chúng sinh, các ông nếu xưng danh hiệu thời sẽ thoát khỏi oán tặc này. »

« Quán Thế Âm Đại Bồ Tát đó, ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban cho sự vô úy, cho nên cõi Ta Bà này đều gọi Ngài là vị Thí Vô Úy. »

 

Theo như lời kinh dạy là khi « ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt » có nghĩa là đang lâm nguy, tai họa có thể đe dọa đến thân mạng, có thể là bất ngờ, có thể là biết trước, như các nạn lửa cháy, gió bão, nước lũ lụt lội hay biển cả dậy sóng, nạn gươm đao, chém giết do giặc cướp, do bị hành hình, nạn gặp quỷ dữ, bị trù ếm thuốc độc, bị rơi từ núi cao …các thứ nạn được kể trong Phẩm Phổ Môn, nhưng trong thực tế thì còn có muôn vàn thứ hiểm họa khác đe đọa, mỗi thời đại mỗi khác, khi chưa có các phương tiện di chuyển thiện xảo thì con người trèo non lội suối vô cùng cực nhọc, dần dần khoa học tiến bộ, con người có tàu bè trang bị tối tân, xe máy, xe hơi, xe lửa, máy bay, nơi ăn chốn ở cũng vậy, được thiết bị đủ mọi tiện nghi, dụng cụ phòng cháy, phòng kẻ gian ác đột nhập …tuy vậy những tai họa, hiểm nguy đủ loại vẫn có thể xảy ra và chắc chắn là ai cũng mang cái tâm trạng sợ hãi khi gặp phải tai nạn. Ngoài ra, với thiên tai, giặc giã, dịch bệnh, đói khát thì con người không thể làm chủ, đành phải chịu trận và đối phó theo khả năng của mình, tai ương, hoạn nạn, nỗi sợ hãi vẫn đeo theo con người từ lúc tạo thiên lập địa, từ lúc con người có mặt trên cõi đất này.

Đức Phật dạy chúng sinh nên Trì Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì các nạn đều được giải cứu. Các nạn được giải cứu thì không còn gì phải lo âu sợ hãi nữa. Nhưng không phải chỉ chờ khi các nạn được giải cứu, hiểm nguy đe dọa được tiêu trừ mới hết sợ hãi, ngay khi chỉ cần cất tiếng, khởi tâm chuyên chú vào câu niệm danh hiệu Bồ Tát thì nỗi sợ hãi âu lo cũng tức thời tan biến. Chỉ có đương sự lâm vào cảnh khiếp sợ và nhất tâm Trì Niệm danh hiệu Bồ Tát mới trải nghiệm cái điều bất an, sợ hãi được tiêu tan như thế nào.

Do lý do này mà Bồ Tát Quán Thế Âm được gọi là Bậc Thí Vô Úy, Bậc ban cho sự không sợ hãi.

 

Tương tợ như thế, chỉ có hành giả tu tập Thiền định mới cảm nhận được trạng thái an lạc khi đã làm chủ được tâm mình. Khi hoàn toàn chú tâm vào hơi thở vào ra, không còn bị dao động, lăng xăng chạy theo các ý tưởng, nghĩ suy làm bấn loạn tâm thần, thì tự mình tìm được thăng bằng, làm chủ được tâm ý, xua đuổi được nỗi sợ hãi.

Trì Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm có hiệu ứng, hiệu lực không khác gì người đang chú tâm vào hơi thở để quân bình thân tâm. Tiếng niệm danh hiệu này cũng tự động quyện vào hơi thở, điều hòa hơi thở và trấn tỉnh được thân tâm, xua đuổi nỗi sợ hãi, bất an.

Chúng ta cũng có thể nói sự không sợ hãi có được là do chúng ta tự trấn tỉnh mình, không phải do Bồ Tát Quán Thế Âm ban cho ta. Đúng vậy, nhưng chúng ta đừng quên khi niệm danh hiệu Bồ Tát là chúng ta đang kết nối với năng lượng, năng lực của Bồ Tát, không chỉ có một năng lượng riêng của chúng ta, thường là yếu ớt, ô nhiễm, bủa vây bởi các ác nghiệp của quá khứ. Nếu chúng ta không xưng danh hiệu, chỉ có dùng hơi thở của mình mà đối trị với sự sợ hãi thì đồng ý là không có Bồ Tát ở đây giúp chúng ta, trong trường hợp này, chỉ có Tự Lực của chung ta. Nhưng cũng chưa hẳn chắc chắn khi chúng ta vừa quán niệm vào hơi thở là chúng ta hết sợ hãi liền, ngược lại, trong trường hợp chúng ta nương vào Tha Lực, ở đây là Bồ Tát Quán Thế Âm, một khi danh hiệu được xưng lên thì Bồ Tát ứng hiện ngay bên chúng ta và cùng tiếp tay với chúng ta để xóa tan tức thời nỗi sợ hãi. Nên nhớ rằng năng lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm là năng lượng thanh tịnh, không ô nhiễm tham sân si, chấp Ngã, không chướng ngại, không có ác nghiệp bủa vây, là năng lượng của Từ Bi và Trí Tuệ, đã thể nhập Phật Tánh, dựa vào năng lượng này thì năng lượng ô nhiễm, yếu ớt của chúng ta, cộng thêm các chướng ngại do ác nghiệp quá khứ kéo đến bủa vây, mới mong có được sự tiếp tay mạnh mẽ, đắc lực và hiệu quả, vừa dứt trừ nỗi sợ hãi vừa được giải cứu các nạn.

 

Vậy nếu chúng ta áp dụng như lời kinh dạy, xưng danh hiệu Bồ Tát « ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt » thì nên hiểu là nhờ có sự kết nối với Bồ tát, có cầu mới có cảm ứng, có sự hiện diện của Bồ Tát bên chúng ta và ban cho chúng ta cái tâm không sợ hãi. Bồ Tát không chỉ nhìn hay nghe âm thanh mà không hành động gì để giúp chúng sinh. Hạnh nguyện của Bồ Tát là quán sát âm thanh của thế gian và cứu khổ. Ngài đã bố thí Pháp để cứu khổ rốt ráo cho chúng sinh và Ngài cũng có thể bố thí sự không sợ hãi cho chúng sinh.

Tìm hiểu qua Kinh Lăng Nghiêm thì chúng ta được chỉ dạy như sau : Nơi phẩm Thứ Sáu trong Kinh Lăng Nghiêm nói về hạnh tu Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm, nhờ tu chứng theo Nhĩ Căn, Phản Văn Văn Tự Tánh nên giải thoát được phiền não, mê lầm, có sức tự tại, có thể bố thí cái không sợ hãi cho chúng sinh. Sợ hãi được dập tắt nhờ phá trừ được Tưởng Ấm, chính vọng tưởng của chúng sinh đe dọa chúng sinh, làm cho chúng sinh đau khổ, đọa lạc. Chúng sinh nếu biết tu tập như Bồ Tát, biết vọng tưởng, không theo, không chấp, sống với cái Tánh Giác sẳn có, Tự Tánh thanh tịnh nơi mình thì cũng như đã đặt mình vào bờ yên ổn, hết vọng động, hết trầm luân.

Tham khảo thêm http://truclamdaigiac.net/chi-tiet/bo-ta-t-qua-n-the-am-va-pha-p-tu-nhi-can-vien-thong.html

 

Trong lúc nguy cấp kinh sợ, niệm danh hiệu Bồ Tát, nhớ tưởng, nhất tâm hướng về Bồ Tát với lòng tin chân thật, thì Bồ Tát sẽ ban cho chúng sinh cái tâm an ổn hết sợ hãi vì vọng tưởng loạn động được ngăn chận, đẩy lùi. Nếu chúng sinh hành trì dài lâu, miên mật niệm danh hiệu Bồ Tát thì sẽ đạt đến kết quả rốt ráo của sự tu tập là phá trừ được Tưởng Ấm, thể nhập vào Tự Tánh thanh tịnh cũng như Bồ Tát vậy.

Chúng sinh trầm luân trong khổ ải, vô minh, tham ái, chấp Ngã nên luôn luôn bất an và sợ hãi. Thường xuyên bị bức bách dưới ba tướng trạng của khổ, Khổ Khổ, Hành Khổ, Hoại Khổ, và có khổ thì tất yếu có sợ hãi lo âu kèm theo, trước tiên đó là sự sợ hãi cái khổ ! không chờ phải vào lúc gặp nạn lớn kề bên mới sợ hãi, mới cầu cứu Bồ Tát, mới niệm danh hiệu Ngài. Trong thực tế, nơi đời thường chúng ta đều thấy người có lòng tin vào Bồ Tát Quán Thế Âm thì hầu như lúc nào cũng niệm danh hiệu Ngài, ngay cả những lúc tâm được an ổn, gặp những tình huống gây sợ hãi lo âu, có thể là không đáng kể, tiếng niệm danh hiệu Bồ Tát sẽ tự động vang lên. Đây cũng là một thói quen tốt, có lẽ chúng ta không nên chỉ trích phê bình người này quá thiếu tự tin, lo trước lo sau, chút gì cũng sợ, chút gì cũng cầu Bồ Tát. Tâm phàm phu chúng ta thì thấy như vậy nhưng Bồ Tát chắc chắn không khinh khi, hất hủi kẻ yếu ớt, thiếu tự tin. Chính Ngài sẽ ban cho người tìm đến Ngài lòng tự tin nơi chính mình. Hành giả nào chuyên trì danh hiệu Bồ Tát đều trải nghiệm được điều này là thực có.

Bồ Tát xem kẻ Trì Niệm danh hiệu mình là kẻ đang kết Duyên với Ngài để cùng đồng hành trên con đường Giác Ngộ. Ngài không bỏ lỡ cơ hội nắm bắt Duyên lành này. Niềm đau, nỗi khổ, nỗi sợ hãi, thiếu tự tin đều là cái Duyên để chúng sinh đến với Bồ Tát. Do đó mà cho dù chúng sinh mong cầu chuyện lớn hay chuyện nhỏ, sợ hãi cũng thế, lớn, nhỏ gì không quan trọng, chỉ cần hướng tâm về Bồ Tát, niệm danh hiệu Ngài đều là cơ hội để kết nên mối Duyên thù thắng.

 

Chúng ta thấy rõ, niệm danh hiệu Bồ Tát đem lại lợi ích không thể nghĩ bàn, không giới hạn trong cái cứu khổ, cứu nạn, ban cho sự không sợ hãi mà con mắt phàm phu, trí óc phàm phu chỉ nhận ra chừng đó. Niệm danh hiệu Bồ Tát là bắt đầu chuyển hóa tâm thức, hướng đời mình vào sự giải thoát rốt ráo. Theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa, hành giả Trì Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm là đang bước trên các chặng đường của Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật, là đang bước qua cánh cửa Phổ Môn với tất cả ý nghĩa sâu xa, cao quí.

Chúng ta đã có dịp bàn đến Tha Lực và Tự Lực. Tha Lực không phải là không có. Tha Lực có thể giúp Tự Lực nhưng rồi Tự Lực cũng phải ra sức, công phu tiếp chứ không thể chỉ nương vào Tha Lực rồi thôi. Đức Phật Thích Ca ngộ đạo rồi thì chỉ dạy cho chúng ta Chân Lý về Bốn Sự Thật và chúng ta nhờ sự chỉ dạy này, gián tiếp qua Tăng đoàn mà tiến tới Giải Thoát, Giác Ngộ qua sức công phu, thực hành của chính mình. Đức Phật Thích Ca, Tăng Đoàn đều là Tha Lực. Bồ Tát Quán Thế Âm cũng là Tha Lực hỗ trợ, chỉ đường chỉ lối cho chúng ta để vững bước trên con đường khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật đúng như tinh thần của Kinh Pháp Hoa vậy.

 

H. Vì sao chúng sinh nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Vô Tận Ý dâng chuỗi ngọc cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm ?

Chúng ta đọc thấy nơi Phẩm Phổ Môn, Phật dạy : « Vô Tận Ý ! Quán Thế Âm Bồ Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên ông phải nên một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát. »

Chúng ta đã học Đảnh Lễ và Cúng Dường nơi đoạn phân tích về việc cầu con trai, con gái. Đức Phật dạy người phụ nữ nên lễ lạy và cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Lễ lạy và cúng dường này cũng là Đảnh Lễ và Cúng Dường. Đảnh Lễ và Cúng Dường đúng Pháp. Mong cầu chuyện thường tình của thế gian nhưng với cái tâm cung kính, qui ngưỡng Tam Bảo, với cái tâm cầu Pháp và thực hành Pháp qua cử chỉ Đảnh Lễ và Cúng Dường.

Dù chỉ dâng cúng một nén hương chúng ta cũng tâm niệm :

Nguyện mây hương mầu nầy

Khắp cùng mười phương cõi

Cúng dường tất cả Phật

Tôn Pháp các Bồ tát

Vô biên chúng Thanh Văn

Và cả thảy Thánh Hiền

Duyên khởi đài sáng chói

Trùm đến vô biên cõi

Khắp xông các chúng sinh

Đều phát lòng Bồ Đề

Xa lìa những nghiệp vọng

Trọn nên đạo Vô Thượng.

( Theo Nghi Thức trì tụng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cố HT Thích Trí Tịnh dịch và biên soạn )

 

Hoặc bài kệ :

 

Nguyện đem lòng thành kính

Gởi theo vầng mây hương

Phảng phất khắp mười phương

Cúng dường ngôi Tam Bảo.

Thề trọn đời giữ đạo

Theo tự tánh làm lành

Cùng Pháp Giới chúng sanh

Cầu Phật từ gia hộ.

Tâm bồ đề kiên cố

Xa biển khổ nguồn mê

Chóng quay về bờ Giác.

( Nghi Thức Lễ Phật, Thiền Viện Trúc Lâm, Paris )

 

Không có hương, chúng ta cũng có thể dâng Tâm Hương như bài tán của Hòa Thượng Thích Trí Quảng :

 

Đốt nén Tâm Hương trước Phật đài

Ngũ Phần dâng trọn Đức Như Lai

Cầu xin nhân loại lên bờ Giác

Hạnh phúc bình an khắp muôn loài.

 

Rõ ràng, chi tiết hơn nữa, chúng ta có bài Kệ của Thiền Môn Nhật Dụng :

Hương Giới, Hương Định cùng Hương Huệ

Hương Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến

Đài mây sáng chói trùm cõi Pháp

Cúng dường trước mười phương ngôi Tam Bảo.

 

Theo lời dạy của Hòa Thượng Thích Giác Quang : Năm thứ hương hoa nầy là hương đạo lý giải thoát không còn bị ràng buộc trong thế gian mà đem dâng cúng dường cho Đức Phật, mười phương Chư Phật, mới xứng đáng công đức xưng tán, cúng dường, dâng những hương thơm ngào ngạt lên Đức Phật.

 

Ngũ phần hương cũng gọi là Ngũ Phần Pháp Thân hương, là năm phần công đức, năm phần pháp thân trong giáo lý, Đức Như Lai hiệp lại thành Pháp Thân. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ tát, Thanh Văn tu đạo giải thoát, thanh tịnh Tăng mới có những công đức. Năm phần công đức nầy thuộc Xuất thế gian.

Tham khảo thêm :

https://phatgiao.org.vn/ngu-phan-huong-la-gi-va-co-y-nghia-nhu-the-nao-d43920.html

 

Chúng ta hiểu rằng Cúng Dường không phải chỉ là vật chất, Cúng Dường phải luôn kèm theo ý nghĩa tinh thần mới thực sự có giá trị vì nói lên được cái tâm mong cầu Pháp, muốn thực hành Pháp và đắc Pháp như chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng vậy. Đấy cũng là nguyện vọng của Tam Bảo, dẫn dắt chúng sinh đạt cho được Phật Quả hay Phật Đạo. Đảnh Lễ, Cúng Dường chỉ là bước đầu vào Đạo. Cho dù là những cử chỉ đã trở thành tập tục, thói quen nhưng không vì đó mà quên đi giá trị thật của nó. Chỉ cần chúng ta bước tới cổng Tam Quan của ngôi chùa là chúng ta bắt đầu thực hành Giới Định Tuệ qua sự giữ gìn, thận trọng, chú tâm và điều chỉnh Thân Khẩu Ý. Tiếp đến chúng ta Đảnh Lễ, Cúng Dường hình tượng chư Phật Bồ Tát trên Chánh Điện hay Tăng Ni trong chùa là chúng ta cũng đang tu tập Giới Định Tuệ.

Cúng Dường với lòng tha thiết, thành khẩn, phát nguyện được chỉ dạy như trên chính là Cúng Dường đúng Pháp. Chúng ta cần Hiểu, Học và Hành đúng về Đảnh Lễ và Cúng Dường, nếu chỉ vội vàng, máy móc lạy ba lạy, thắp một nén hương, dâng cúng quả phẩm cho đúng phép tắc, chỉ có hình thức bên ngoài thôi thì không thể được.

 

Đức Phật dạy rõ vì Bồ Tát Quán Thế Âm hiện các thứ thân hình, dạo đi khắp các cõi nước để thuyết pháp độ thoát chúng sinh, không chỉ cứu khổ cứu nạn mà còn Bố Thí Pháp, Bố Thí Vô Uý. Công đức không thể nghĩ bàn như vậy thì chắc chắn chúng sinh nên cúng dường Bồ Tát.

Thời Phật còn tại thế thì Tăng đoàn sống bằng sự khất thực, bằng sự cúng dường. Trải qua bao thời đại, thế kỷ, Tăng đoàn vẫn nương nhờ vào sự cúng dường của tín đồ, phật tử cho dù không chỉ dưới hình thức cầm bát đi khất thực. Bồ Tát có thể là bậc xuất gia, tùy thuộc Tăng Đoàn và cũng có thể là tại gia. Bồ Tát thuộc hình thức nào cũng hòa mình vào với chúng sinh, gần gũi với đời sống bình thường, cần ăn uống, cần áo mặt, cần thuốc men và cần chỗ ngủ nghỉ. Gặp các Bồ Tát này chúng ta đều nên cúng dường để tạo phước đức và công đức vì qua sự cúng dường chúng ta còn phát tâm cầu đạo Bồ Đề, cầu được chỉ dạy con đường Giác Ngộ, không chỉ cầu phước Hữu Lậu.

Bồ Tát Quán Thế Âm thể hiện đầy đủ các hạnh nguyện cứu khổ, cứa nạn, cứu chúng sinh ra khỏi biển sanh tử, khỏi Tam Đồ, Lục Đạo, hơn thế nữa, Bồ Tát thuyết Pháp, ban bố Pháp, theo tinh thần kinh Pháp Hoa là giúp chúng sinh Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật. Cúng Dường Quán Thế Âm Bồ Tát công đức không thể nghĩ bàn do đó mà Đức Phật dạy chúng sinh nên Cúng Dường Bồ Tát.

Sau khi nghe Đức Phật dạy nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm thì Bồ Tát Vô Tận Ý liền thực hành ngay lời dạy này, Ngài dâng cúng Bồ Tát Quán Thế Âm xâu chuỗi ngọc có giá trị trăm ngàn lượng vàng đương đeo nơi cổ với lời thưa thỉnh : « Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo Pháp Thí này. »

Là một xâu chuỗi trân bảo Pháp Thí vì Bồ Tát Vô Tận Ý đã được đức Phật dạy cho rõ biết về Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài đến với chúng sinh như thế nào, độ thoát chúng sinh như thế nào, công đức vô lượng như thế nào, xứng đáng được Đảnh Lễ Cúng Dường như thế nào. Pháp Thí nhận được từ Đức Phật Thích Ca và từ Bồ Tát Quán Thế Âm, một tấm gương sáng chói cho tất cả các Bồ Tát đang tu tập và hóa độ chúng sinh.

Có phật tử thắc mắc, Bồ Tát sao lại đeo chuỗi ngọc ? Chúng ta đừng quên Bồ Tát không có hình tướng khắc khổ như một vị A La Hán, do Ngài hòa mình vào với chúng sanh đủ mọi thành phần, mọi giai cấp, hoàn toàn bình đẳng, Ngài có thể nhận vật cúng dường quí giá của chúng sinh dâng tặng, nhưng chắc chắn là Ngài không có lòng tham, chỉ vì lòng từ bi đối với chúng sinh mà Ngài nhận vật cúng dường mà thôi.

Bồ Tát Vô Tận Ý dùng chuỗi ngọc mình có để cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm là muốn bày tỏ sự cung kính, ngưỡng mộ và sự biết ơn đã nhận được bài Pháp qua sự chỉ bày của Đức Phật Thích Ca về Bồ Tát Quán Âm.

Thoạt đầu, Bồ Tát Quán Thế Âm không nhận chuỗi ngọc vì lòng khiêm cung, khiêm hạ. Nhưng sau đó, Đức Phật Thích Ca khuyên nên nhận chuỗi vì lòng thương tưởng đến Bồ Tát Vô Tận Ý cùng hàng Tứ Chúng, và Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà…v.v…bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm mới chịu nhận xâu chuỗi và chia làm hai phần, một phần dâng Đức Phật Thích Ca và một phần dâng cúng Tháp Đức Phật Đa Bảo.

Chúng ta sẽ đặt câu hỏi vì sao cúng dường Tháp Đức Phật Đa Bảo, vị Phật này là ai ?

Theo Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 11 Hiện Bửu Tháp, chúng ta được biết đến Đức Phật Đa Bảo như sau : « Lúc bấy giờ, trước Phật có tháp bằng bảy báu, cao năm trăm do tuần, ngang rộng hai trăm năm mươi do tuần, từ dưới đất nổi lên trụ ở giữa hư không…trong tháp báu vang tiếng lớn khen rằng : Hay thay ! Hay thay ! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ! có thể dùng tuệ lớn bình đẳng vì đại chúng nói kinh giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở hộ Niệm Diệu Pháp Liên Hoa, Đúng thế ! Đúng thế ! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ! Như lời Phật nói đó đều chân thật. »

 

Và Đức Phật Thích Ca dạy : « Trong tháp báu này có toàn thân Như Lai, thời quá khứ về trước, cách đây vô lượng nghìn muôn ức vô số cõi nước ở phương Đông có nước tên là Bảo Tịnh, trong nước đó có Phật hiệu là Đa Bảo, đức Phật đó tu hành đạo Bồ Tát có phát lời thệ nguyện rằng : Nếu ta được thành Phật, sau khi diệt độ, trong cõi nước mười phương, có chỗ nào nói kinh Pháp Hoa, thời tháp miếu của ta vì nghe kinh đó mà nổi ra nơi trước để làm chứng minh khen rằng : Hay Thay ! »

 

Như vậy, ngoài Đức Phật Thích Ca, vị Phật của thời hiện tại,  giáo chủ cõi Ta Bà, uế độ  này, còn có Đức Phật Đa Bảo, vị Phật của thời quá khứ và giáo chủ cõi Tịnh độ tên là Bảo Tịnh, vì nhân duyên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói kinh Pháp Hoa mà xuất hiện.

Đứng trước hai vị Phật như vậy, một vị thuyết Kinh Pháp Hoa, một vị cổ Phật xuất hiện để tán thán và chứng minh lời nói ấy là chân thật, còn gì cao quí, thù thắng, hi hữu hơn nữa, trước sự kiện như vậy Bồ Tát Quán Thế Âm đã cung kính chia hai xâu chuỗi ngọc để cúng dường, bày tỏ lòng cảm kích và tri ân cùng với lòng khiêm hạ của mình, chính các vị Phật ấy mới thật xứng đáng nhận sự cúng dường.

Đức Phật dạy chúng sinh nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm

bởi vì Bồ Tát này cứu khổ cho chúng sinh, thuyết pháp độ thoát

khỏi luân hồi sanh tử, giúp chúng sinh Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật cũng không khác gì Đức Phật đang nói kinh Pháp Hoa vậy.

 

I . Năm Pháp Quán của Bồ Tát và Bốn thứ Âm Thanh hơn hết trên đời là gì ?

Nơi phần Kệ, chúng ta đọc thấy :

Chân Quán, Thanh Tịnh Quán

Trí Huệ Quán rộng lớn

Bi Quán và Từ Quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

 

Đấy là Năm Pháp Quán mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã thực hành khi đến với chúng sinh với mục đích cứu khổ :

Quan Âm sức trí diệu

Hay cứu khổ thế gian

Đầy đủ sức thần thông

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nước mười phương

Không cõi nào chẳng hiện.

Các loài trong đường dữ

Địa ngục, quỉ, súc sinh

Khổ sanh già bệnh chết

Lần đều khiến dứt hết.

 

Chúng ta đã học về ý nghĩa của danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Đại Sĩ quán sát, quán xét âm thanh của thế gian. Vì là âm thanh nên chắc chắn là phải có nghe nhưng Bồ Tát không dừng ở đó mà có sự quán xét sâu xa để hiểu tận tường nguồn gốc của âm thanh đó, từ đâu phát ra, nói lên điều gì, mong ước điều gì…Bồ tát quán xét không hời hợt nên mới có thể nhờ âm thanh đó mà cứu độ chúng sinh đúng lúc, đúng thời. Cái nhìn, cái thấy của Bồ Tát là cái nhìn của Trí Tuệ và của lòng Từ Bi, không phải cái nhìn, cái thấy cạn cợt, u mê của phàm phu, bao gồm những đặc tính :

Chân Quán : Cái thấy chân thật, Sự thật như thế nào thì được thấy đúng như vậy, không có ý thức phân biệt, đối đãi, chấp trước xen vào. Đó là cái thấy của Trí Tuệ, nhận ra được Chân Lý không có Vô Minh che mờ làm lệch lạc sự thật.

Thanh Tịnh Quán : Do không có ý thức tạp nhiễm xen vào nên cái thấy đó trong sạch, không bợn nhơ phiền não. Và cũng do Bồ Tát đã thể nhập vào Phật Tánh nên cái thấy đó tuyệt đối thanh tịnh.

Trí Huệ Quán rộng lớn : Do đã Giác Ngộ nên mới có cái thấy Trí Huệ, thấu hiểu Chân Lý, trùm khắp Pháp Giới, bản thể thanh tịnh của Niết Bàn hay Phật Tánh, cái thấy rộng lớn vì thông hiểu tường tận các nguyên lý trong vũ trụ như Duyên Sinh, Vô Ngã, Vô Thường, Khổ, sự vận hành của Vô Minh, điều gì đã xô đẩy chúng sinh trầm luân khổ ải, và điều gì có thể cứu vớt được chúng sinh.

Bi Quán : Do có cái thấy chân thật, không sai lầm, cái thấy trong sạch không bợn nhơ phiền não, cái thấy của Trí Tuệ Giác Ngộ nên cái thấy mang lòng thương xót, đoái hoài đến chúng sinh đang hụp lặn trong biển khổ, vô minh.

Từ Quán : Thương xót chúng sinh rồi thì hướng đến cái nhìn có khả năng cứu vớt, cứu độ chúng sinh. Tìm đủ mọi cách, mọi phương tiện có thể lợi lạc, chuyển hóa chúng sinh để cứu khổ ban vui.

Vì giá trị cao quí, cao thượng của Năm Pháp Quán của Bồ Tát Quán Thế Âm mà Kinh dạy chúng ta phải « Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng »

 

Tiếp đến, Kinh dạy về Bốn thứ Âm Thanh hơn hết trên đời. Bốn thứ Âm Thanh ấy là nói về đặc tính của câu niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, là « Tiếng hơn thế gian kia, cho nên thường phải niệm »

Diệu Âm : Danh hiệu Bồ Tát Quán Âm được niệm, được vang lên là thứ tiếng thật vi diệu, thù thắng, mở toang cánh cửa Phổ Môn, dẫn dắt chúng sinh vào con đường Giác Ngộ, Giải Thoát. Vì Phổ Môn là cánh cửa mở rộng ra Pháp Giới để thấy, để hiểu chân lý, sự thật bao trùm khắp các cõi, từ phàm đến Thánh, tất cả chúng sinh, tất cả các cảnh giới đều liên hệ chặt chẽ với nhau, đều do Duyên Sinh, chẳng Có mà cũng chẳng Không, riêng về con người thì nhận ra được sự thật về cái thân Ngũ Uẩn, là Vô Ngã, mà lại cố chấp vào cái thân Tứ Đại, vốn là Vô Thường, là Không mà vẫn cứ bám vào cái ta, cái tôi nên tiếp tục tái sinh, phải chịu Khổ, Sinh Lão Bệnh Tử, chịu Luân Hồi, trầm luân, đau khổ, đọa lạc nhưng đồng thời cánh cửa Phổ môn mở rộng ra, chỉ cho thấy con đường của Giác Ngộ Giải Thoát. Âm Thanh thù diệu, Diệu Âm là danh hiệu Quán Thế Âm sẽ dẫn dắt chúng sinh trên con đường Giác Ngộ này, giúp cho nhận ra Phật Tri Kiến, Phật Tánh tuyệt đối thanh tịnh và thường hằng.

Quán Thế Âm : Âm thanh của câu niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng chính là âm thanh của thế gian. Chúng sinh Niệm danh hiệu Bồ Tát nhưng Bồ Tát thì Quán sát âm thanh, qua đó mới cứu được chúng sinh. Không có tiếng niệm danh hiệu thì cũng như không có tiếng vang thì chẳng có tiếng đáp, vọng lại hay ứng lại. Âm thanh của thế gian phải vang lên để Bồ Tát nương vào đó, lắng nghe, quán sát và ra tay cứu độ.

Phạm Âm : Tiếng niệm danh hiệu bồ Tát vang lên phải là tiếng thanh tịnh, không ô nhiễm, đó là nghĩa của chữ Phạm. Vì là danh hiệu của Bồ Tát, nên mang tất cả ý nghĩa cao quí, cao thượng, tuyệt đối thanh tịnh, không phải một tên gọi tầm thường, không chuyển tải, không chuyên chở được tất cả hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát. Nhưng ba chữ, ba âm thanh phát ra từ Quán Thế Âm thì ý nghĩa vô cùng rộng lớn và sâu sắc, đáng quí, đáng trân trọng. Như đã cắt nghĩa nơi Diệu Âm.

Hải Triều Âm : Tiếng niệm danh hiệu vang lên cũng được ví như tiếng ngọn sóng lớn, vì nói lên được giá trị cao quí, vô thượng của danh hiệu Bồ Tát, với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, có Trí Tuệ, có lòng Từ Bi. Âm thanh đó có thể lay động, thức tỉnh chúng sinh đang u mê. Cũng tương tợ như tiếng rống Sư Tử của đức Phật khi Ngài nói Pháp vậy.

Chỉ một danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm vang lên mà có Năm đặc tính cao quí, cao thượng và Bốn thứ âm thanh vang dội, vượt trội hơn hết các thứ âm thanh trên đời vì không phải thứ âm thanh để ru ngủ chúng sinh chìm đắm trong u mê mà âm thanh thức tỉnh, lay động và chuyển hóa tâm thức của chúng sinh đưa đến Giác Ngộ, Giải Thoát. Do đó mà Đức Phật khuyên chúng sinh nên Trì Niệm danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

 

J. Vì sao xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được phước lớn và chúng sinh nên đảnh lễ Ngài ?

Chúng ta đọc thấy đoạn sau đây nơi Phẩm Phổ Môn : « Nếu có  chúng sinh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ Tát thời phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sinh phải nên thụ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát »

Lễ lạy đã được học và hiểu là Đảnh Lễ. Đảnh Lễ Bồ Tát được phước đức và phước đức này chẳng mất, có nghĩa lả phước đức sẽ tồn tại từ đời này, sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác, cho đến lúc chúng sinh được Bồ Tát tiếp độ cho giải thoát, Giác Ngộ hoàn toàn. Vì hạnh nguyện của Bồ Tát là độ sinh, độ cho tới mục đích rốt ráo, dẫn dắt vào Tri Kiến Phật, một khi chúng sinh đã kết duyên với Bồ Tát, cho dù chỉ muốn được cứu cái khổ cái nạn trước mắt, không có tầm nhìn xa hơn nhưng Bồ Tát thì không dừng ở đó, sẽ dạy dỗ, thuyết pháp cho hiểu cao hơn, sâu hơn, dần dà bước vào con đường Học Pháp, Hiểu Pháp và Hành Pháp mà có Hành Pháp thì mới tạo phước đức và công đức. Cũng như người đã Qui Y Tam Bảo, thọ Ngũ Giới thì sẽ không đọa vào Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sinh, còn được sanh làm người là qui hướng Tam Bảo, tiếp tục con đường Hành Pháp. Nhờ có tu tập, thực hành Pháp mà tạo Phước đức, Công đức và cứ thế Phước Đức, Công Đức sẽ lớn dần, tăng trưởng, không hề mất đi.

Do Đảnh Lễ Bồ Tát Quán Thế Âm, Đảnh Lễ đúng Pháp là có sự tu tập trong đó, có sự Học, Hiểu và Hành Pháp, không phải Đảnh Lễ như một hình thức bên ngoài, nhưng có chứa đựng phần giá trị bên trong là lòng qui ngưỡng Tam Bảo, lòng tri ân và lòng tha thiết mong cầu sự chỉ dạy, dẫn dắt của Tam Bảo, cùng với cái tâm xả bỏ Bản Ngã nhỏ bé, hư vọng, nhất quyết không phạm vào lỗi Ngã Mạn qua cử chỉ cúi rạp, gieo mình xuống sát đất. Đảnh Lễ đúng nghĩa, đúng Pháp là Đảnh Lễ Tam Bảo, dù trước mặt chúng ta chỉ có một Bồ Tát, một vị Tăng, nhưng chúng ta đã học và hiểu Phật, Pháp và Tăng là bất khả phân ly, do đó dù chúng ta chỉ Đảnh Lễ Bồ Tát Quán Thế Âm, qua hình tượng, cũng như hình tượng Đức Thích Ca, hay Đảnh lễ vị Hòa Thượng Trụ Trì, thật ra chúng ta đang Đảnh Lễ hết thảy Tam Bảo Mười Phương, công đức Đảnh Lễ là không thể nghĩ bàn. Phật tử chúng ta được dạy lễ lạy mỗi khi lên Chánh Điện với câu tụng « Nam Mô Tận Hư Không Biến Pháp Giới Quá Hiện Vị Lai Chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng Thường Trú Tam Bảo » nói lên được tầm quan trọng của Tam Bảo mà chúng ta cần qui ngưỡng như Kinh Châu Báu dạy Tam Bảo là Châu Báu Thù Diệu xứng đáng được Đảnh Lễ và Cúng Dường. 

Khuyên chúng sinh Đảnh Lễ Bồ Tát cũng là Đảnh Lễ Tam Bảo rồi, Đức Phật nhắc nhở thêm cho chúng sinh nên thụ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì sao ? vì thụ trì danh hiệu Bồ Tát là kết mối Duyên thù thắng với Bồ Tát. Như đã cắt nghĩa ở trên với Năm Pháp Quán của Bồ Tát ( Chân Quán, Thanh Tịnh Quán, Trí Huệ Quán, Bi Quán, Từ Quán ) và Bốn thứ Âm Thanh hơn hết tiếng trên đời ( Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm ) là âm thanh của tiếng niệm danh hiệu Bồ Tát khi vang lên, với tất cả ý nghĩa cao quí như vậy thì tất yếu chúng sinh nên một lòng thụ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm để hưởng được tất cả sự lợi lạc mà Bồ Tát Quán Âm đem lại, cho dù khởi đầu chỉ là tiếng niệm danh hiệu nhưng tất cả ý nghĩa cao quí, vô thượng, thù thắng sẽ được hiện ra qua cánh cửa có cái tên là Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn. Không có tiếng niệm danh hiệu thì cánh cửa cũng thể mở ra.

Hành giả niệm danh hiệu Bồ Tát cũng như đang tu tập thiền định, hơi thở được điều hòa, tâm ý được tập trung, không bị dao động, không để phiền não thao túng, giữ được quân bình thân tâm, trí óc sáng suốt hơn, tự tin hơn, không nao núng sợ hãi, bình tĩnh đối phó với nghịch cảnh, trước thuận cảnh cũng không buông lung, phóng dật, làm chủ thân khẩu ý, ngăn chận các điều ác phát khởi, hành động theo hướng thiện lành. Nói tóm lại, hành giả niệm danh hiệu Bồ Tát không khác gì người đang tu tập Giới Định Tuệ hay con đường Bát Chánh vậy. Nếu hiểu sâu hơn theo tinh thần kinh Pháp Hoa là do trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nhờ sự tiếp sức của Bồ Tát, vị Bồ Tát đã thể nhập Phật Tánh và do Phật Tánh đều sẳn có nơi mỗi chúng sinh nên chúng sinh đó có thể nương nhờ nơi Bồ Tát mà nhận ra bản tánh thanh tịnh này, gọi đó là Ngộ, tiếp đến là Nhập vào Phật Tánh này vậy. Mục đích Đức Phật nói Kinh Pháp Hoa đã đạt được ở đây.

Do lợi ích như vậy mà Đức Phật khuyên nhắc chúng sinh nên thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

 

K. Phải hiểu như thế nào : « Sau khi nghe Phẩm Phổ Môn, tám vạn bốn ngàn chúng sinh đồng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác » ?

Trước tiên chúng ta cắt nghĩa các danh từ.

Tám Vạn Bốn Ngàn chúng sinh chỉ là một con số biểu trưng và ý nói là một con số không phải nhỏ. Lúc Đức Phật nói Pháp thì không phải chỉ có Tứ Chúng là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, cùng nhiều tầng lớp khác trong cõi người của chúng ta nghe, theo kinh điển truyền dạy thì còn có cả chư Thiên, Long và Bát Bộ đều qui tụ về nơi Pháp Tràng để thính Pháp. Có thể cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, ai có duyên lành thì đều có thể vân tập về bên bậc Đạo Sư để thọ nhận lời dạy của Ngài cho dù Ngài đang ngự ở cõi người của chúng ta. Do đó mà có đến Tám Vạn Bốn Ngàn chúng sinh sau khi nghe Pháp thì đồng Phát Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

 

Tiếp đến là hai chữ Vô Thượng, có nghĩa là trên hết, hơn hết, không có gì trên nữa, hơn nữa và Chánh Đẳng Chánh Giác nghĩa là gì ?

 

Chánh Đẳng Chánh Giác được dịch từ chữ Sanskrit, Samyak Sambodhi, hoặc Samyaksambuddha,  hoặc theo tiếng Pali là Sammasambuddhassa, theo âm là Tam Miệu Tam Bồ Đề hay Tam Miệu Tam Phật Đà.

Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, chúng ta có định nghĩa như sau :

Từ ‘sammāsambuddhassa’ chiết tự thành 3 phần là:

‘Sammā’ (chân chánh), ‘saṃ’ (bởi tự Ngài) và ‘buddha’ (giác ngộ) bởi ý nghĩa là giác ngộ Bốn Thánh Đế bằng Bốn Đạo Tuệ sát trừ phiền não cùng tiền khiên tật như Tuệ Toàn Tri, có khả năng biết khắp tất cả pháp ứng tri mà không còn dư sót một cách chân chánh bởi tự Ngài.

Như trưởng lão Sārīputta có thuyết lại trong Khuddakanikāya –

Mahāniddesa và Khuddakanikāya - Paṭisambhidā-magga

rằng: “Đức Thế Tôn là bậc tự giác ngộ không có thầy, biết rõ

khắp tất cả sự thật bởi tự mình trong tất cả các pháp mà

chưa từng nghe qua và cũng đạt được quả toàn tri trong tất

cả sự thật, vừa đạt đến sự thuần thục trong thập lực tuệ,

gọi là Phật [giác ngộ]”

Tham Khảo thêm :

https://phatgiaonguyenthuy.com/media/cats/tac-pham/dai-danh-le/dai-danh-le-SThanh.pdf

 

Chánh Đẳng Chánh Giác không có nghĩa gì khác hơn là một vị Phật, bậc Toàn Giác, đầy đủ Nhất Thiết Trí, trí tuệ thù thắng, hiểu rõ tất cả Pháp, đúng như sự thật, đúng như chân lý, đúng như bản chất muôn đời là như thế và tự mình Ngộ ra. Có Phật sinh ra hay không, thì chân lý, bản thể đó vẫn không hề thay đổi.

Bậc Toàn Giác có đầy đủ Tam Minh và Lục Thông nhưng vì một bậc Độc Giác hay La Hán cũng có thể chứng được nên điểm vượt trội của một Bậc Toàn Giác là Tự Giác, Giác Tha và Giác Hạnh Viên Mãn.

Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác không những đã có Trí Tuệ mà còn có Tâm Từ Bi nên không chỉ Giác Ngộ cho mình mà còn Giác Ngộ cho người khác như lời Ngài dạy lại Tăng Đoàn :

"Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người" (Tương Ưng I, 128).

Và qua lời dạy này, trích từ kinh Tam Minh :“Nếu Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, đầy đủ mười hiệu, cho đến, Tứ thiền, ở ngay trong đời này mà hưởng thọ an lạc. Vì sao? Ầy do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Vị ấy với Từ tâm tràn khắp một phương; các phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không hận, vô hại, du hí với tâm ấy và hưởng thọ an lạc. Bi, Hỷ, Xả tâm biến mãn một phương, phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không kết hận, không có ý não hại, du hí với tâm ấy và hưởng thọ an lạc.

Tất cả những chi tiết này chúng ta đã học qua bài Kinh Châu Báu, xin tham khảo : https://quangduc.com/p1239a74345/hoc-hieu-va-hanh-kinh-chau-bau-tiep-theo-2-

Chúng ta đã hiểu bậc Chánh Đẳng Chánh Giác là ai, vậy phải hiểu như thế nào câu Phát Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ? Phát có thể hiểu là phát khởi, phát huy, khơi dậy, làm cho cái gì đó, điều gì đó được nổi bật lên, được phơi bày, được cho thấy, nhận ra. Ở đây điều gì đó, cái gì đó chính là cái Tâm hay Tâm Tánh của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Tâm Tánh đó cũng là Phật Tánh.

Học Phẩm Phổ Môn tức là chúng ta cũng học Kinh Pháp Hoa, vậy muốn hiểu Phẩm Phổ Môn, chúng ta phải dựa vào tư tưởng Kinh Pháp Hoa. Đức Phật nói ra kinh Pháp Hoa chỉ có một mục đích là Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật cho chúng sinh, chỉ bày cho chúng sinh được thấy, nhận ra và trở về sống với Phật Tánh sẳn có nơi mình.

Vậy thì sau khi được nghe Đức Phật nói về Bồ Tát Quán Thế Âm nơi Phẩm Phổ Môn, có Tám Vạn Bốn Ngàn chúng sinh đã Phát Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có nghĩa là đã được Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật, tuần tự nhận ra và thể nhập vào Phật Tánh sẳn có ấy.

Không khác gì nơi Kinh Châu Báu, chúng ta cũng đọc được nơi bản Chú Giải ghi rõ : « Đức Thế Tôn liền tập trung quán xét, khi nào Kinh Châu Báu được công bố tại thành Vesali thì an toàn đó sẽ lan tràn khắp cả Thập Vạn Đại Thiên Ta Bà Thế Giới và khi kết thúc công bố Kinh đó, có tới Tám Mươi Tư Ngàn sanh linh sẽ chứng đắc Pháp »

Để hiểu câu kết nơi Phẩm Phổ Môn : « Lúc Phật nói Phẩm Phổ môn này, trong chúng có Tám Vạn Bốn Ngàn chúng sinh đồng phát tâm vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác » chúng ta cũng có thể y cứ vào câu tuyên bố của Phật khi nói Kinh Châu Báu, như vậy có nghĩa là Tám Vạn Bốn Ngàn chúng sinh đó sau khi nghe Phẩm Phổ Môn cũng Chứng Đắc Pháp. Pháp được chỉ bày nơi Kinh Châu Báu là Qui Y Tam Bảo, Hộ Trì Tam Bảo và Thực Hành Chánh Pháp. Pháp được chỉ bày nơi kinh Phổ Môn chính là Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật, là trở về với Phật Tánh.

 

Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi Chứng Đắc Pháp là thế nào ?

Câu trả lời là chúng ta đã hiểu rõ nghĩa lý của Pháp, đã thực hành và đã chứng thực Pháp đó. Khi Đức Phật thuyết giảng về Tứ Điệu Đế, chúng ta hiểu rõ nghĩa của Khổ Tập Diệt Đạo rồi thì chúng ta chuyên chú thực hành đúng như lời chỉ dạy qua Đạo Đế để thực chứng Niết Bàn như được mô tả qua Diệt Đế. Vậy là chúng ta đã Chứng Đắc Pháp Tứ Đế.

Nói về Phẩm Phổ Môn, chúng ta được Phật chỉ bày cho thấy rõ Trí Tuệ và lòng Từ Bi của Bồ Tát Quán Âm, Ngài cứu khổ, cứu nạn, ban vui, làm thoả mãn mong cầu của chúng sinh qua phương tiện là chúng sinh Trì Niệm danh hiệu Ngài, Đảnh lễ, Cúng Dường, Ngài ứng hiện các thứ thân hình để thuyết pháp, độ khổ rốt ráo, không dừng lại nơi hạnh phúc mong manh của Pháp Hữu Vi mà giúp cho chúng sinh nhận ra Phật Tánh sẳn có nơi mình, nhận ra để trở về sống thực sự hạnh phúc với Phật Tánh đó. Thực hành như lời chỉ dạy trên, mở lòng Từ Bi đối với chúng sinh y như Bồ Tát đối với chính mình, Trì Niệm Danh Hiệu, Đảnh Lễ, Cúng Dường, nghe Bồ Tát thuyết pháp, nhận ra và trở về với Phật tánh sẳn có nơi chính mình là chúng sinh Chứng Đắc Pháp Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn vậy.

 

Đến đây, chúng ta đã Học, Hiểu và như thế nào là Hành Phẩm Phổ Môn được trình bày qua các phần phân tích nội dung, hoàn toàn y vào lời Kinh, chúng ta sẽ học tiếp về nghĩa biểu trưng của Kinh và cố gắng đưa đến một Đúc Kết dung hòa sự, lý, dựa theo tư tưởng Kinh Pháp Hoa.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhật Duyệt LKTH

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/06/2023(Xem: 2028)
Làm sao hiển thị được lý Như? Hoằng Pháp đang cần những giảng sư Thiết tha Đạo Pháp, bày phương tiện… Tận tụy độ sanh với Tâm Từ
29/06/2023(Xem: 3118)
Nói đạo Phật là đạo “cứu khổ ban vui” nhưng kỳ thực chẳng có ai ‘cứu’mà cũng không ai ‘ban’cho cả. Cũng như trong tu tập không có xua đuổi, cũng không có trông đợi.
24/06/2023(Xem: 3803)
Trong hệ thống triết học và lề lối suy nghĩ của Tây Phương thì thế giới này có thật, sơn hà đại địa, con người và cái Tôi hay cái Ngã đều có thật. Descartes nói rằng “Tôi biết suy nghĩ nên cái tôi có thật” (Je pense, donc je suis). Còn Pascal nói rằng cái Tôi có thật nhưng nó chỉ đáng ghét thôi (Le moi est haïssable). Thậm chí Thượng Để -một vị thần tối cao ở đâu đó cũng có thật.
20/06/2023(Xem: 2319)
Chỉ cần chậm lại một chút dành lấy thời gian để yêu bản thân mình, dành chút thời gian thảnh thơi thư giãn. Mỗi ngày nếu chúng ta cứ vội vã như thế sẽ vuột mất những thứ quan trọng với mình. Bước đi chậm rãi trong hiện tại để ngắm nhìn rõ hơn chính bản thân mình. Thiên nhiên giúp chúng ta được thả lỏng thân thể và tâm trí. Hít một hơi thật sâu, mỉm cười và nhìn trời xanh mây trắng, nó làm cho tâm trạng chúng ta được cởi mở và ta được lắng nghe lòng mình; nhìn sâu vào những mảnh đời khốn khổ, nhìn sâu vào cuộc đời này một cách bao dung và độ lượng, như vậy cuộc đời của bạn sẽ an yên hơn.
16/06/2023(Xem: 2778)
Khi mở miệng, hãy nói về Phật Pháp, cầu sanh Tây Phương. Chủng tử "thói quen thế tục" bạn đã trồng trong tâm quá đủ rồi; do đó, đừng nên tiếp tục nói những lời thế tục, thi phi nữa!
16/06/2023(Xem: 1653)
Hổm rày tôi chợt nhận ra, vạn vật vũ trụ như đang trong lúc sung mãn nhất, đâu đâu cũng đầy những bông hoa đang nở rộ, tất cả như đang bung ra dưới ánh nắng chan hòa đầu tháng 6. Người người cũng cảm thấy nhẹ nhàng trong lớp áo mõng manh, hợp với nhiệt độ bên ngoài, tay chân cũng được khoe ra đón nắng ấm chứ không còn bị che kín từ đầu đến chân như mấy tháng trước.
16/06/2023(Xem: 3457)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị.
15/06/2023(Xem: 20220)
Kinh Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu1 kể lại câu chuyện rất thú vị về một bà lão nghèo, nhờ cúng dường ngài Ca-diếp một chút nước cơm mà được sinh về cõi trời Đao-lợi. Phước cúng dường ấy còn lớn lao đến mức hiện thành hào quang sáng rực như bảy mặt trời đồng thời soi chiếu, khiến cho vị vua cõi trời ấy là Đế-thích cũng phải kinh ngạc. Và sau khi tìm hiểu biết được nhân duyên cúng dường được phước lớn lao này, đích thân Đế-thích cùng phu nhân của mình đã phát tâm hiện xuống cõi người, hóa thân thành một đôi vợ chồng già nghèo khổ để được có cơ hội cúng dường lên ngài Ca-diếp, vun bồi thêm phước báu của chính mình.
15/06/2023(Xem: 2959)
Thiên nhiên giúp chúng ta được thả lỏng thân thể và tâm trí hít một hơi thật sâu mỉm cười và nhìn trời xanh mây trắng nó làm cho tâm trạng chúng ta được cởi mở và ta được lắng nghe tim mình, nhìn sâu vào những mảnh đời khốn khổ nhìn sâu vào cuộc đời này một cách bao dung và độ lượng.Như vậy cuộc đời của bạn sẽ ý nghĩa hơn.
02/06/2023(Xem: 4450)
Muôn dặm đăng trình thân cô lữ Ngàn nhà hóa duyên độ mê tình Áo nhẫn nhục che thân mộng huyễn Lòng từ bi trùm cả nhân sinh (1) Dựng tòa pháp nơi nơi xứ xứ (2) Chuỗi hạt lần chính niệm ngày đêm Thương đất nước chiến tranh, loạn lạc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]